Khả năng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của bốn hãng dược Việt Nam là khoảng 4 triệu liều trong năm tới. - Ảnh: Nikkei

Tiêu điểm:

Vaccine đầu tiên được phương Tây chuẩn thuận, hàng không thế giới chuẩn bị cho chiến dịch logistics lớn nhất lịch sử

Anh là quốc gia đầu tiên ở phương Tây chuẩn thuận vaccine ngừa Covid-19 của hai hãng Pfizer và BioNTech, trước cả Hoa Kỳ và EU. Từ đầu tuần tới, vaccine của hai hãng này sẽ được phân phối tại các cơ sở y tế Anh. Trước đó, hồi tháng 8, Nga và Trung Quốc đã chuẩn thuận các loại vaccine ngừa Covid-19, nhưng không được thế giới phương Tây chuẩn thuận với lý do “chưa được thử nghiệm lâm sàng diện rộng”.

Trong khi đó, hải đến ngày 10/12 thì EU và Hoa Kỳ mới công bố kết quả chuẩn thuận hay không vaccine Covid của hai hãng.

Trước đó, phương pháp bảo quản vaccine ngừa Covid-19 bằng đá khô (dry ice) đã được các nước phương Tây chuẩn thuận bởi vaccine cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.

Vaccine của Pfizer được vận chuyển ở -80oC trong các hộp lạnh nhỏ có sức chứa khoảng 5.000 liều tiêm. Các hộp này cần phải được vùi trong đá khô cho đến khi sử dụng. Vaccine ứng viên của Moderna thích hợp vận chuyển trong các thùng lớn hơn có sức chứa đến 30.000 liều ở nhiệt độ -20oC. Vaccine do hãng AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh phối hợp sản xuất có thể trữ ở nhiệt độ 2-8oC, vì thế có thể vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Các loại vaccine khác do Trung Quốc sản xuất có thể ổn định trong điều kiện tủ lạnh thường.

Sân bay Schiphol ở Amsterdam, Hà Lan và sân bay Frankfurt, Đức là hai sân bay đầu tiên trên thế giới chuẩn bị sẵn sàng cho đợt logistics lớn nhất trong lịch sử thế giới và ngành hàng không. IATA ước đoán cần có ít nhất 8.700 chiếc Boeing 747 để vận chuyển vaccine trong năm tới nếu năng lực của mỗi chiếc Boeing 747 là một triệu liều. Số vaccine này chỉ đủ cho 50% dân số thế giới 7,8 tỷ người và mỗi cần người cần tiêm hai liều trong năm 2021. Phải mất hai năm để sản xuất vaccine và tiêm chủng cho dân số toàn cầu.

Trong khi đó, vaccine ngừa Covid-19 do Công ty Nanogen của Việt Nam phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein sẽ được tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1 – theo Tuổi Trẻ. Học viện Quân Y sẽ là nơi dự định triển khai thử nghiệm tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên người tình nguyện. Giới chức y tế cho hay vaccine Covid-19 được “made in Việt Nam” đã được nghiên cứu và sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa, với mục tiêu làm nền tảng để phát triển vaccine để đối phó các chủng virus Covid-19 khác trong tương lai.

Khả năng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của bốn hãng dược Việt Nam là khoảng 4 triệu liều trong năm tới. Trong khi đó, nếu tiêm chủng toàn bộ dân số thì Việt Nam cần đến gần 200 triệu liều vaccine, mỗi người tiêm hai liều. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã đặt mua vaccine Sputnik V của Nga và vaccine của AstraZeneca ở Anh.

1/ Gần 200 chuyến bay dự kiến chở khách từ nước ngoài về Việt Nam đã phải dừng theo lệnh của Thủ tướng. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm nay hàng không cất cánh bất thành sau 3 lần chạy đà bay quốc tế. Kế hoạch xây dựng tổng số chuyến bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về 7 điểm tại Việt Nam là 33 chuyến bay/tuần. Trong 6 tuần dự kiến khai thác khoảng 198 chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, thì TP.HCM vừa có 2 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 1 ca là tiếp viên hàng không bay quốc tế trở về. Cả 2 ca bệnh này đều không tuân thủ các biện pháp cách ly phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng bay quốc tế về Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ tạm dừng các chuyến bay thương mại, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu cần thiết.

Gần 200 chuyến bay dự kiến chở khách từ nước ngoài về Việt Nam đã phải dừng theo lệnh của Thủ tướng.

2/ Nhiều chợ khẩu trang tại TP.HCM bắt đầu “dậy sóng” với cảnh tượng mua bán diễn ra tấp nậpsau khi diễn ra các vụ lây nhiễm cộng đồng. Hiện giá cho mỗi thùng khẩu trang loại vải không dệt dao động 600.000 – 1.000.000 đồng/thùng/50 hộp, khẩu trang giấy kháng khuẩn từ 1,1 – 1,5 triệu đồng/thùng/50 hộp. Theo đánh giá của nhiều tiểu thương, giá khẩu trang y tế hiện tại khá bình ổn, không có hiện tượng tăng đột biến như các lần trước. Một phần là vì lượng khẩu trang sản xuất ở các xưởng còn tồn đọng khá nhiều nên cần phải mang ra xả kho, thanh lý để thu hồi vốn. Thứ hai, mức xử phạt về việc thổi giá khẩu trang, vật liệu y tế khá mạnh tay nên nhiều gian thương không dám làm liều.

3/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,2 – 54,85 triệu đồng/lượng, tăng trở lại tới 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,15 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra hiện ở mức 650 ngàn đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1.812,1 USD/ounce, tăng 35,9 USD, tương đương 2% so với chốt phiên trước.

4/ Tính đến hết tháng 11, tổng giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam đạt trên 2,9 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Dự tính xuất khẩu hải sản cả năm 2020 đạt gần 3,2 tỷ USD, gần tương đương với năm 2019. Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 7 và tăng trưởng 2 con số kể từ tháng 9 đến nay. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản tăng 10% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 12% trong tháng 10 đạt mức lỷ lục 919 triệu USD, và tăng 13% trong tháng 11 đạt 868 triệu USD. Xuất khẩu thủy sản đạt được giá trị như trên trong cả năm nay, chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm duy trì sự tăng trưởng ổn định. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm cả năm dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.

5/ Với kim ngạch xuất khẩu đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,1% sau 11 tháng, gỗ và sản phẩm gỗ là ngành hàng xuất khẩu khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực như CPTPP, KVFTA, EVFTA. Giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc. Ước tính giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng Hoa Kỳ đạt trên 6 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ 2019.

6/ Tập đoàn FLC và Suntory PepsiCo Vietnam đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lượcvới nhiều nội dung quan trọng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung ứng và truyền thông. Theo đó, FLC và Suntory PepsiCo Vietnam (SPVB) sẽ thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện với nguyên tắc ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, đồng thời tối ưu cơ sở dữ liệu và mạng lưới kinh doanh để mở rộng sức ảnh hưởng của mỗi thương hiệu cũng như các sản phẩm dịch vụ trên thị trường. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy công tác quảng bá, tiếp thị nhằm gia tăng giá trị hình ảnh thương hiệu thông qua các phương tiện truyền thông cũng như tệp khách hàng chiến lược của mỗi bên.

7/ Công ty sản xuất thịt và trứng nhân tạo của Mỹ Eat Just Inc. vừa được cấp phép bán thịt gà được “nuôi cấy” trong phòng thí nghiệm tại Singapore. Theo đó, quốc gia Đông Nam Á này đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cho phép bán thịt nhân tạo. Sản phẩm thịt gà nhân tạo của Eat Just sẽ được bán với mức giá tương đương với thịt gà cao cấp trong 6 tháng đầu tiên. Tetrick cho biết giá sẽ giảm dần sau khi công ty đạt được quy mô toàn cầu và hướng tới mức giá thấp hơn so với thịt gà thông thường. Động thái này nằm trong kế hoạch an ninh lương thực của Singapore, bởi quốc đảo này đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thực phẩm nhập khẩu. An ninh lương thực đã trở nên cấp thiết hơn khi đại dịch Covid-19 cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Singapore đã đặt mục tiêu sản xuất 30% lương thực tiêu thụ nội địa vào năm 2030, tăng từ con số chưa tới 10% hiện nay.

8/ Gã khổng lồ sản xuất chip Infineon Technologies của Đức đã công bố rằng Singapore sẽ là cơ sở phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các hoạt động toàn cầu của mình. Công ty này, nằm trong số 10 nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, sẽ đầu tư ban đầu 27 triệu SGD (20,2 triệu USD) để thành lập một trung tâm AI trong vòng 3 năm tới. Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, AI, đào tạo nhân viên và hợp tác với các đối tác. Hơn 1.000 nhân viên sẽ được hướng dẫn và đào tạo các kỹ năng AI, với mục tiêu khởi động 25 dự án về công nghệ mới này vào năm 2023.

Gã khổng lồ sản xuất chip Infineon Technologies của Đức đã công bố rằng Singapore sẽ là cơ sở phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các hoạt động toàn cầu của mình. – Ảnh: Infineon

9/ Đài Loan đã mở thêm 7 nghề cho lao động nước ngoài vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm: Chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò, chăn nuôi dê, trồng hoa lan, trồng nấm và trồng rau. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hình thức tiếp nhận lao động nước ngoài của các ngành nghề này giống như đối với các ngành nghề chăn nuôi bò sữa và sản xuất chế tạo tại Đài Loan đang áp dụng. Được biết, từ 1/1/2020, mức lương cơ bản mới được áp dụng tại Đài Loan là 23.800 Đài tệ/tháng, tổng mức đóng bảo hiểm lao động là 10% lương cơ bản của người lao động. Trong đó, chủ sử dụng lao động đóng 70%, người lao động đóng 20%, Nhà nước hỗ trợ 10%.

10/ Facebook đã đổi tên đồng tiền điện tử Libra thành Diem, trong nỗ lực nhận được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý với việc nhấn mạnh vào sự độc lập của dự án này. Được Facebook đưa ra vào năm ngoái, dự án về đồng Libra đã gặp trở ngại vào tháng Tư, sau khi các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương bày tỏ sự lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng đồng tiền điện tử này có thể làm mất ổn định tài chính, xói mòn quyền kiểm soát đối với chính sách tiền tệ và đe dọa quyền riêng tư. Diem, có nghĩa là “ngày” trong tiếng Latinh, đang hướng đến mục tiêu ban đầu là khởi động một đồng tiền kỹ thuật số được định giá bằng USD. Hồi tháng Tư vừa qua, Hiệp hội Libra, đã trình lên các nhà quản lý Thụy Sĩ bản dự án sửa đổi của sáng kiến tiền kỹ thuật số nhằm giảm thiểu tình trạng đứt gãy trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Ra mắt Giỏ quà Tết 2021: Thúc đẩy sản vật địa phương