Tiêu điểm:
Apple sẽ đưa ra xe tự lái iCar ra thị trường vào năm 2024
“Táo khuyết” đang lên kế hoạch sản xuất xe tự lái iCar với dự định đưa ra thị trường trong ba năm nữa. Apple đang phát triển công nghệ pin riêng có giá thành rẻ hơn và chế tạo nhiều dòng xe – hãng Reuters dẫn nguồn tin riêng. Tuy nhiên, Apple đã không phản bác hay xác nhận thông tin này.
Apple đang tìm kiếm các đối tác bên ngoài chế tạo các linh kiện của hệ thống tự lại, bao gồm các bộ cảm ứng lidar có thể cung cấp hình ảnh 3D theo thời gian thực không gian xung quanh chiếc xe. Apple cũng tự phát triển công nghệ lidar của riêng mình.
Giá cổ phiếu của các hãng công nghệ lidar tăng vọt sau tin này: Velodyne tăng 23% và Luminar tăng 27%.
Reuters cũng nói rằng chưa rõ là hệ thống tự lái của Apple sẽ tích hợp hay gắn vào xe hơi của một hãng xe có tên tuổi hay Apple sẽ chế tạo một chiếc iCar hoàn chỉnh.
Apple đã tham gia phát triển xe công nghệ không người lái từ năm 2014, nhưng sau đó từ bỏ tham vọng tự mình sản xuất nguyên chiếc xe tự lái vào năm 2017. Từ đó, Apple tập trung vào nghiên cứu hệ thống tự lái. Các xe thử nghiệm đã chạy trên nhiều đường phố của bang California nhưng có một tài xế ngồi cạnh kiểm soát.
1/ Chiều 22/12, giá vàng SJC tại TP.HCM được niêm yết ở mức 55,05 – 55,55 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa cuối phiên hôm qua. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới “rơi” một mạch xuống mốc 1.870 USD/ounce, giảm 25 USD/ounce so với vùng giá cao nhất trong ngày hôm qua.
2/ Bộ NN-PTNT vừa yêu cầu các đơn vị dự trữ xuất kho gần 3.000 tấn hạt giống cây trồng hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do thiên tai năm 2020. Theo đó, Bộ sẽ cấp cho tỉnh Thanh Hóa 200 tấn hạt giống lúa, 200 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau; Tỉnh Hà Tĩnh sẽ nhận 500 tấn hạt giống lúa, 100 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau. Tỉnh Quảng Bình được cấp 640 tấn hạt giống lúa, 120 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau. Tỉnh Quảng Trị được 1.000 tấn hạt giống lúa, 80 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau.
3/ Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản hôm 21/12, Đại sứ Yamada Takio cho biết, đã có thêm 22 doanh nghiệp nước này thuộc chương trình hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi cung ứng của chính phủ, chọn Việt Nam là điểm đến. Theo ông Takio, trong khi nhiều quốc gia đang chật vật chống Covid-19, Việt Nam đã khống chế dịch thành công và là một trong số ít những nền kinh tế có tăng trưởng dương trong 2020, ước khoảng 2,48%. Tính đến hiện tại, đã có 37 doanh nghiệp công bố muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam.
4/ Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cho biết đã đón tàu bay A321CEO lần đầu tiên hạ cánh xuống Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hãng hàng không này cũng cho biết, trong tháng 12 Vietravel Airlines đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đội máy bay với 3 tàu bay A321 CEO. Tàu bay đầu tiên đã về Việt Nam ngày 5/12 các tàu bay tiếp theo dự kiến sẽ về vào ngày 24 -25 tháng 12 năm 2020 và ngày 10/1/2021. Với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 700 tỷ đồng, hãng đã đủ điều kiện để thực hiện khai thác vận tải hàng không trong 50 năm với trên 30 máy bay, bao gồm các đối tượng vận chuyển như hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu kiện.
5/ Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP khu vực phía Nam tại Hậu Giang năm 2020 vừa kết thúc thu hút khoảng 84.000 lượt khách tham quan, mua sắm, với tổng mức doanh thu gần 56 tỷ đồng. Theo đó, nhiều hợp đồng mua bán cây giống và gỗ mỹ nghệ được ký kết, với tổng giá trị khoảng 400 triệu đồng. Hội chợ thu hút 400 gian hàng của 250 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không chỉ thu hút sự tham gia của các sở, ban ngành tỉnh và 8 huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Hội chợ Công Thương và sản phẩm OCOP Khu vực phía Nam tại Hậu Giang năm 2020 còn thu hút sự tham gia của Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội nông dân… Đặc biệt, trong khuôn khổ hội chợ còn diễn ra lễ trao giấy chứng nhận 46 sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang năm 2020.
6/ Thượng viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 892 tỷ USD nhằm tạo động lực cho hàng triệu người dân Mỹ và các doanh nghiệp vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19,đồng thời cung cấp tài chính cho các hoạt động của chính phủ liên bang cho đến tháng 9/2021. Gói kích thích nền kinh tế này là một phần trong dự luật ngân sách bao trùm với tổng giá trị 2.300 tỷ USD nhằm tài trợ cho các cơ quan của chính phủ hoạt động cho hết năm tài chính 2021, cũng như hỗ trợ cho nền kinh tế đang phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Theo dự luật, mỗi người dân Mỹ với thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD/năm sẽ được hỗ trợ 600 USD/người. Ngoài ra, mỗi thành viên phụ thuộc dưới 18 tuổi trong cùng một hộ gia đình cũng được nhận 600 USD. Những người có thu nhập từ 99.000 USD/năm trở lên sẽ không được nhận trợ cấp.
7/ Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận các điều kiện của thương vụ sáp nhập trị giá 38 tỷ USD giữa hãng chế tạo xe hơi PSA của Pháp và hãng liên doanh sản xuất xe hơi Mỹ- Italy Fiat Chrysler (FCA) sau khi hai công ty này đồng ý cam kết khắc phục những quan ngại về cạnh tranh. Việc phê duyệt đi kèm điều kiện hai công ty này phải tuân thủ đầy đủ một gói các cam kết được đề ra. Cũng theo EC, PSA đã đồng ý gia hạn thỏa thuận sản xuất xe tải cỡ nhỏ với hãng Toyota của Nhật Bản để xóa bỏ những mối quan ngại về cạnh tranh của EU. Tháng 12 năm ngoái, PSA đã thông qua thương vụ sáp nhập với FCA nhằm tạo nên tập đoàn chế tạo ô tô lớn thứ 4 thế giới xét về quy mô và lớn thứ 3 xét về tổng doanh thu, sở hữu một loạt thương hiệu xe nổi tiếng tại thị trường châu Âu và Mỹ như Peugeot, Citroen, Jeep, Alfa Romeo và Maserati.
8/ Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã khánh thành cảng biển Patimban ở Tây Java, và khẳng định cảng biển mới này sẽ có vai trò “chiến lược” trong thúc đẩy kinh tế Indonesia. Dự án này có trị giá đầu tư 43.200 tỷ rupiah (3,07 tỷ USD) nằm tại thị trấn Subang, cách thủ đô Jakarta 140 km về phía Đông. Đây là một trong những dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên của Chính phủ Indonesia, được thiết kế để thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đồng thời giúp giảm tải cho cảng Tanjung Priok. Tổng thống Jokowi cho biết giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn của dự án chiến lược này đã được hoàn tất. Cảng Patimban dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2027, và ước tính tạo ra tới 5 triệu việc làm ở khu vực Tây Java.
9/ Khoảng 100 triệu mu – tương đương 6,66 triệu ha – đất nông nghiệp ở Trung Quốc sẽ được nâng cấp lên “tiêu chuẩn cao”. Con số này tăng 25% so với mục tiêu 80 triệu mu vào năm 2020, và gần bằng với quy mô diện tích lãnh thổ của Cộng hòa Ireland. Chính phủ Trung Quốc đây là một phần trong chiến lược an ninh lương thực của đất nước này. Bộ Nông nghiệp cho biết canh tác cơ giới quy mô lớn sẽ được sử dụng trên đất nông nghiệp được nâng cấp để tăng năng suất và sản lượng cây trồng, trong khi việc tưới tiêu cho 15 triệu mu đất nông nghiệp sẽ được nâng cấp để tiết kiệm nước.
Thừa nhận nhiệm vụ là “rất thách thức”, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết cần ưu tiên cho các khu vực sản xuất ngũ cốc để bù đắp sự thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Trung Quốc và tăng năng lực sản xuất.
Trung Quốc cần sản xuất khoảng 80 triệu mu “đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao” trong năm nay để đạt được mục tiêu tổng thể 800 triệu mu vào năm 2020 đã được đặt ra cách đây một thập kỷ.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bình Minh tại Mekong Connect 2020