Tiêu điểm:
Doanh nghiệp Việt than trời khi cước tàu biển đi châu Âu và Mỹ tăng hơn 5 lần
Tình trạng cước tàu biển tăng vọt hỏa tiễn, tình hình khó đặt thuê tàu và nạn khan hiếm container rỗng đóng hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó. Xuất khẩu bằng container tàu biển chiếm đến 40-50% khối lượng hàng hóa của Việt Nam.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết cước tàu biển đi Anh trong tháng 12 này đã nhảy vọt lên 7.200 USD cho một container 40 feet. Mức giá này tăng vọt từ 1.540 USD trong tháng 10 và 5.450 USD trong tháng 11.
Tương tư, mức giá cước từ Việt Nam đi Los Angeles, bờ Tây nước Mỹ đã tăng từ 7.00-1.000 USD lên 5.000 USD cho một container 40 feet, tăng hơn 5 lần.
Các hãng tàu biển châu Á và châu Âu đang bị Mỹ và cả Trung Quốc điều tra vì giá cước tăng vọt. Dịch bệnh đã khiến số tàu biển hoạt động giảm trong tháng 3 và tháng 4 do các nước đóng cửa biên giới. Nhưng khi nhu cầu vận tải gia tăng thì các hãng tàu biển quốc tế làm giá. Cước tàu biển tăng vọt trong tháng 11 và tháng 12 khi các hãng tàu ưu tiên đưa hàng phục vụ cho dịp Lễ Tạ ơn và Lễ Giáng sinh ở EU và Mỹ. Một số hãng tàu đã ưu tiên vận chuyển hàng điện tử, thời trang và vật phẩm y tế từ Trung Quốc vốn được các chủ hàng sẵn lòng trả giá cước cao hơn.
Khi tàu đến cảng EU hay Mỹ, các hãng ưu tiên giải phóng container và không đóng hàng của Mỹ hay châu Âu mà ưu tiên quay về Trung Quốc và châu Á. Tình trạng này làm thiếu hụt container ở nhiều nơi trên toàn cầu. Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát ở Mỹ và châu Âu khiến tốc độ dỡ hàng chậm hẳn đi.
Vấn nạn cước tàu biển và thiếu container rỗng đã làm khó nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Khảo sát từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, hiện có đến 40% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại điểm tập kết.
Việc này dẫn đến hàng hoá phải lưu kho chờ xuất khẩu, chi phí lưu kho, lưu bãi đội lên từ 5-10% giá trị lô hàng chưa kể có thể làm suy giảm chất lượng hàng hoá.
Ngoài ra, việc tăng giá cước thuê tàu cũng có thể gây hiệu ứng làm tăng các khoản phí, phụ phí thu tại cảng như: Phí xếp dỡ, phí mất cân bằng container, phụ phí mùa cao điểm,…Tất cả những yếu tố này làm đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bộ Công thương Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ làm việc với các hãng tàu biển để tăng chuyến và tăng số container rỗng về Việt Nam.
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 55,25- 55,75 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1877 USD/ounce, tăng 17,5 USD, tương đương 0,94% so với chốt phiên trước.
2/ Chính phủ đã quyết định nâng cấp cửa khẩu chính Nam Giang thuộc tỉnh Quảng Nam thành cửa khẩu quốc tế. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn tất các công việc cần thiết theo quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền để phối hợp với phía Lào tổ chức Lễ công bố khai trương cặp cửa khẩu Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) – Đắc Tà Oọc (tỉnh Xê Kông) vào thời gian thích hợp.
3/ Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12 đạt gần 25,5 tỷ USD, giảm 2,5% so với nửa cuối tháng trước. Trong đó, giá trị nhập khẩu giảm 8,3%, còn nhập khẩu tăng 3,6%, tương đương 461 triệu USD so với nửa cuối tháng 11. Như vậy, 15 ngày đầu tháng này, cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt 883 triệu USD. Những tháng gần đây, Việt Nam liên tục xuất siêu khi thặng dư thương mại mại lên mức kỷ lực gần 20 tỷ USD. Tính đến ngày 15/12, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 19,18 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 267,22 tỷ USD, tăng 6,1%, nhập khẩu đạt 248,04 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2019.
4/ Thành phố Thủ Đức chính thức hoạt động từ ngày 1/3/2021, xóa tên các quận 2,9 và Thủ Đức. Hội đồng Nhân dân các quận này sẽ kết thúc nhiệm vụ cũng vào thời điểm trên.
Trong cuộc họp ngày 24/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đến ngày 31/12 thành phố sẽ công bố những công việc cần làm tiếp theo khi hình thành Thành phố Thủ Đức, trong đó có việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân được thuận tiện nhất.
5/ Ngân hàng Indonesia (BI) và Ngân hàng Thái Lan (BoT) đạt được thỏa thuận kéo dài khuôn khổ thanh toán bằng đồng nội tệ, chính thức có hiệu lực vào ngày 21/12 vừa qua. Việc kéo dài thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi các đồng nội tệ với mục đích tạo thuận lợi cũng như tăng cường thương mại và đầu tư trực tiếp giữa Indonesia và Thái Lan. Năm 2019, Chính phủ Indonesia, BI và Cơ quan Dịch vụ Tài chính đã nhất trí về một hệ thống thanh toán thông suốt thông qua việc mở rộng hợp tác thanh toán nội tệ trong thương mại và đầu tư quốc tế với Malaysia và Thái Lan. Mới đây, BI và Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cũng đã kéo dài thêm một năm đối với thỏa thuận hoán đổi song phương trị giá 10 tỷ USD. Ngoài Singapore, BI và Bộ Tài chính Nhật Bản cũng có thỏa thuận thanh toán bằng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại và đầu tư trực tiếp.
6/ Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kiện tập đoàn bán lẻ Walmart, cáo buộc “đại gia” này đã tạo ra cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau trên khắp nước Mỹ thông qua việc rà soát đơn thuốc không hợp lý bất chấp việc nhiều cửa hàng dược phẩm của doanh nghiệp này đã lên tiếng cảnh báo. Theo cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ, Walmart đã cố tình tăng lợi nhuận bằng cách giảm nhân viên làm việc tại các cửa hàng dược phẩm đồng thời gây sức ép để nhân viên hoàn thành đơn thuốc nhanh chóng. Chính vì vậy các cửa hàng dược phẩm khó từ chối các đơn thuốc không hợp lý, dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau trên toàn quốc.
7/ Một loạt dữ liệu của Chính phủ Mỹ công bố đã tiếp tục cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chững lại khi mà số ca mắc bệnh Covid-19 đang tăng vọt. Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy, trong tháng 11 vừa qua, thu nhập cá nhân đã giảm 11% trong tháng thứ hai liên tiếp khi chính phủ bắt đầu cắt giảm trợ cấp. Tổng chi tiêu cũng giảm 0,4% so với tháng 10, kéo theo đà lao dốc của doanh số bán lẻ. Hơn thế nữa, dữ liệu của Đại học Michigan cho thấy chỉ số tâm lý tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 12 là 80,7%, thấp hơn mức dự báo 81,4% đưa ra hồi đầu tháng. Trước đó một ngày, tổ chức nghiên cứu Conference Board báo cáo mức giảm mạnh chỉ số niềm tin tiêu dùng, chủ yếu do tâm lý lo ngại của người dân Mỹ về tình hình hiện tại.
8/ Australia đã ký hợp đồng với các công ty phân phối, hậu cần và công ty theo dõi tiến độ để phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên khắp Australia kể từ tháng 3/2021. Chính phủ nói nhân viên y tế và người cao tuổi sẽ được ưu tiên trước. Công ty chuyển phát nhanh DHL và công ty chuỗi cung ứng hậu cần Linfox sẽ chịu trách nhiệm phân phối vaccine ngừa Covid-19. Hai hãng này sẽ phối hợp với Bộ Y tế Australia để thiết kế và vận hành mạng lưới phân phối quốc gia, bao gồm cả việc đảm bảo để vaccine có thể đến được tới những người dân ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Dự kiến, vaccine Pfizer sẽ được triển khai đầu tiên tại Australia, do đã trải qua đầy đủ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và cho kết quả rất khả quan.
9/ Hãng thông tấn quốc gia Campuchia AKP đã đưa tin rằng quốc gia này dự kiến sẽ đạt tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người là 1.771 USD vào năm 2021, cao hơn mức 1.600 USD trong năm 2020. Theo ông Aun Pornmoniroth, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia, GDP bình quân đầu người của Campuchia có thể tăng nhờ những nỗ lực của chính phủ, trong đó có miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời hỗ trợ những lĩnh vực chủ chốt như du lịch và khách sạn. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Campuchia đã suy giảm do đại dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu xe đạp, thiết bị điện, phụ tùng xe hơi vẫn tăng. Xuất khẩu gạo và các nông sản khác cũng tăng, trong khi du lịch nội địa hồi phục một phần.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thị trường – ngày 23/12/2020