Tiêu điểm:
“Mua bán nước trời”
Hợp đồng mua bán nước mưa đầu tiên ở Trung Quốc đã được ký ở tỉnh Hồ Nam tuần rồi.
Yuchuang Environment Engineering, một công ty xử lý nước mưa ở Hồ Nam, đã ký hợp đồng mua 4.000m3 nước mưa mỗi năm từ công ty Gaoxin Real Estate cũng ở Hồ Nam – theo trang mạng của China Water Exchange.
Theo hợp đồng có thời hạn ba năm, Yuchuang sẽ trả 0,7 nhân dân tệ, khoảng 2.480 đồng, cho mỗi mét khối nước thô. Yuchuang sẽ xử lý và bán lại cho một công ty khác ở Hồ Nam với giá 3,85 nhân dân tệ, tức 13.660 đồng, cho mỗi mét khối. Giá này rẻ hơn giá của công ty cấp nước địa phương 20%.
Giá trị của hợp đồng khá khiêm tốn 15.400 tệ, tức gần 55 triệu đồng nhưng có ý nghĩa lớn: quản lý và sử dụng hiện quả hơn nguồn nước mưa tự nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Công ty Yuchuang nói hệ thống thu thập và quản lý nước mưa của họ theo nhiều công đoạn. Nước mưa được thu thập theo hệ thống máng xối và ống từ mái nhà và đưa đến bể ngầm dự trữ để sử dụng cho tưới cây và hệ thống nhà vệ sinh.
Yuchuang đã xử lý 500.000m3 nước mưa kể từ năm 2014. Nhưng con số này chỉ chiếm 2% tổng lượng mưa ở địa phương và điều này cũng có nghĩa rằng có “tiềm năng phát triển lớn trong tương lai”.
“Hiệu quả kinh tế là điều quan trọng khi bên mua nước mưa có lợi nhiều hơn vì họ phải trả ít tiền hơn”, theo lời Cecilia Tortajada, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện nghiên cứu chính sách nước đặt tại Singapore.
Năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra danh sách 30 thành phố tham gia thử nghiệm chương trình “thành phố bọt biển” nhằm giải quyết các vấn đề hạn và ngập do hồ và các vùng đất thấp trữ nước bị lấp dần, nhường đất cho các khu đô thị. Với các “thành phố bọt biển”, dự án đặt mục tiêu sẽ thu gom 70% lượng nước mưa trên 80% khu vực đô thị của Trung Quốc.
Các thành phố bọt biển này này tập trung xung quanh lưu vực nhiều mưa của sông Dương Tử, có diện tích 2.300km2. Trong khi đó, các vùng khác của Trung Quốc như đông bắc và phía tây, lại thường khô hạn hơn. Các dự án thu gom nước mưa như vậy góp phần ảnh hưởng của hạn hán ở các khu vực này, bà Tortajada nhận định.
Thị trường mua bán và trao đổi nước China Water Exchange cũng được thành lập ở Trung Quốc với 12 công ty và cơ quan quản lý nước tham gia, với các quyền về khai thác nước và chiến lược tiếp thị.
“Hợp đồng mua bán nước mưa góp phần nâng cao hiệu quả của nguồn tài nguyên nước. Hợp đồng đầu tiên này mở ra con đường cho phát triển bền vững tại các nơi trong dự án thành phố bọt biển”, Chủ tịch Shi Yubo của China Water Exchange nói với Caixin.
Nguồn nước mưa thiên nhiên đang bị nhiều quốc gia châu Á và châu Phi lãng phí khi các nước này phải đối phó với tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở vùng đất canh tác nông nghiệp và chăn nuôi trọng yếu. Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu về sự chống chọi với thiên nhiên của Đại học Stockholm ở Thụy Điển đã chỉ ra rằng: nguồn nước mưa đang bị lãng phí nếu được thu gom và sử dụng đúng mức sẽ góp phần tăng sản lượng mùa màng thêm 60% ở Uganda, Burundi, Tanzania and India.
Các nước có tình trạng khô hạn kéo dài nhiều tháng như Úc hay phải phụ thuộc vào nguồn nước nhập khẩu bên ngoài như Singapore đang có những chính sách khuyến khích thu gom và sử dụng nước mưa. Chẳng hạn, chính phủ Úc tài trợ cho ngành sản xuất bồn chứa để có sản phẩm chứa nước rẻ hơn. Người dân được khuyến khích sử dụng nguồn nước này để tưới cây và tắm giặt. Còn Singapore đang chuẩn bị kế hoạch “hệ thống xa lộ ngầm” để thu gom nước mưa và cả kế hoạch tách muối từ nước biển nhằm tránh bị Malaysia sử dụng nước như công cụ hay biện pháp đe nẹt.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,35- 55,85 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1878.7 USD/ounce, tăng 5,9 USD, tương đương 0,32% so với chốt phiên trước.
2/ UBND tỉnh Thanh Hóa ký bản ghi nhớ với Công ty WHA Industrial Development PLC về đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công ty Thái Lan này đã quyết định nghiên cứu đầu tư 2 dự án xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư hoảng 335 triệu USD. Cụ thể, dự án thứ nhất là dầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp số 21 quy mô 539ha, thuộc khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn; dự án thứ hai là đầu tư xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp của khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Phú Quý, quy mô dự kiến 800ha tại huyện Hoằng Hóa.
3/ Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) đã chính thức khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với ghế bọc đệm từ Trung Quốc và Việt Nam. Các mã hàng này gồm HS 9401.40, HS 9401.61 và HS 9401.71.
Thời kỳ điều tra (POI) trong vụ việc được CBSA xác định từ ngày 1/6/2019 đến 30/11/2020. Đây là thời kỳ CBSA thu thập thông tin để đưa ra các kết luận trong vụ việc. Cùng với việc khởi xướng, theo quy định tại Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA), CBSA đã ban hành 2 Bản câu hỏi điều tra về trợ cấp và tình hình thị trường đặc biệt dành cho Chính phủ Việt Nam.
Kết quả điều tra sơ bộ sẽ được CBSA công bố trong vòng 90 ngày, dự kiến là 21/3/2021.
Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công thương đã đưa ra hai khuyến nghị chính với doanh nghiệp Việt Nam: Một, hợp tác đầy đủ và toàn diện với CBSA trong suốt quá trình vụ việc. Hai, cần chủ động liên lạc với CBSA để đăng ký tham gia, nhận và nghiên cứu kỹ hướng dẫn và trả lời Bản câu hỏi điều tra.
4/ Lotte Corporation quyết định chính thức rút lui khỏi công ty bánh kẹo Bibica sau nhiều năm tranh chấp mệt mỏi với nhóm cổ đông Việt Nam. Nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ bán toàn bộ gần 6,8 triệu cổ phiếu BBC của Công ty cổ phần Bibica, tương ứng 44,03% vốn. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 29/12/2020 đến 27/1/2021thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Cuộc chiến giữa các bên bắt đầu xảy ra từ năm 2007, khi nhà đầu tư Hàn Quốc bắt đầu mua và tăng dần tỷ lệ sở hữu trong sự lo ngại, thậm chí là phản ứng gay gắt của các cổ đông nội trước tham vọng thâu tóm và xóa sổ thương hiệu bánh kẹo Việt.
5/ Giá xăng dầu sẽ có nhiều khả năng tăng 400-500 đồng mỗi lít trong ngày 26/12 – kỳ điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng trong năm 2020. Bộ Công thương hiện chưa cập nhật dữ liệu giá thành phẩm trên thị trường Singapore, dù đây thường là tham chiếu để hai bộ Công thương – Tài chính quyết định giá.
Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM khẳng định giá nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng trong ba kỳ liên tiếp. Ông nói nếu không dùng quỹ bình ổn xăng dầu thì xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít, E5 RON 92 tăng 400 đồng/lit và dầu diesel 400 đồng/lit.
6/ Thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU sẽ giúp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên được thông thoáng hơn với kim ngạch lên tới 900 tỷ USD, bằng 1/2 tổng kim ngạch thương mại song phương hàng năm. Hiện thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU vẫn phải chờ Quốc hội hai bên phê chuẩn. Với thỏa thuận vừa đạt được, EU đã đạt được “sân chơi bình đẳng”. Theo đó, không bên nào được phép cung cấp hàng hóa/dịch vụ giá rẻ hơn bên còn lại bằng cách “bơm” trợ cấp hay các biện pháp tương tự. Thủ tướng Anh nhấn mạnh rằng, Anh và EU sẽ “bình đẳng toàn quyền” và thuế quan có thể được áp dụng nếu một trong hai bên bán hàng hóa/dịch vụ rẻ hơn bên còn lại.
7/ Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo đình chỉ nhập khẩu gỗ từ các bang New South Wales và Western Australia của Australia. Nguyên nhân đình chỉ được cho là sau khi phát hiện có côn trùng gây hại trong các lô hàng nhập từ hai bang này. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/1/2021. Trong tuyên bố đăng tải trên trang web của mình, Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhấn mạnh các cơ quan phải tăng cường kiểm tra hơn nữa đối với gỗ nhập khẩu từ Australia và trả lại bất kỳ lô hàng nào bị phát hiện có công trùng gây hại. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã xấu đi kể từ năm 2018 và trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây, khi Trung Quốc áp đặt một loạt biện pháp thương mại đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Australia như lúa mạch và thịt bò.
8/ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (CIM) đã yêu cầu các công ty nhập khẩu than đá phải kê khai các đơn hàng vận chuyển trong tương lai. Động thái được xem là nhằm hạn chế nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Thông báo của CIM nêu rõ các nhà nhập khẩu than cốc, than nhiệt và than bitum sẽ phải xin cấp phép trực tuyến trước khi giao hàng. Theo dự báo, tiêu thụ than đá của Ấn Độ sẽ gia tăng trong những năm tới, nhưng có thể dao động ở biên độ rất rộng, với nhu cầu ước tính khoảng từ 1,15 – 1,75 tỷ tấn vào năm 2030. Động thái mới nhất của Ấn Độ được cho là nhằm đẩy mạnh mục tiêu kinh tế tự cường, giảm nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng mà chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đề ra.
9/ Liên minh châu Âu (EU), Đức và Pháp đã công bố cấp một khoản tín dụng chung trị giá 95,8 triệu euro (116 triệu USD) cho Campuchia để hỗ trợ dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn cho Campuchia (RID4CAM). Tại Campuchia, nơi 70% dân số sống ở nông thôn, dự án có mục đích tài trợ cho cả việc cải thiện mạng lưới đường giao thông nông thôn ở các tỉnh đồng bằng miền Trung của đất nước và xây dựng cơ sở hạ tầng bổ sung về nước sạch và vệ sinh, nông nghiệp, y tế và giáo dục. RID4CAM được đồng tài trợ bởi EU, Chính phủ Pháp thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Chính phủ Đức thông qua ngân hàng phát triển Đức KfW.
10/ Dự án liên doanh sản xuất pin xe điện (EV) trị giá 9,1 tỷ USD của Indonesia và Hàn Quốc có thêm cú hích từ Hiệp định thương mại tự do IK-CEPA. Hiệp định mới đặt nền móng cho tham vọng của quốc gia Đông Nam Á thiết lập ngành công nghiệp pin tích hợp. Dự án này sẽ kéo dài trong vòng 5 năm tới, với mục tiêu đầu tư xây dựng các cơ sở khai thác niken, chế biến, luyện kim và biến kim loại này thành các điện cực pin và ắc quy. Indonesia đã lên kế hoạch ngừng bán ô tô động cơ đốt trong vào năm 2040, cùng thời hạn với Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc. Mục tiêu này là một phần của phong trào toàn cầu nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực giao thông vận tải để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thị trường – ngày 24/12/2020