Cây "ATM gạo" tại Hà Nội cho phép người dân có thể được nhận tới 3kg gạo mỗi lần

Tiêu điểm:

Ấn Độ cũng mở “ATM gạo” để hỗ trợ người nghèo

Ý tưởng “ATM gạo” đễ hỗ trợ lương thực cho người nghèo bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ được áp dụng tại Ấn Độ.

Một máy phát gạo tự động sẽ được lắp đặt tại một khu ổ chuột ở Bengaluru, thủ phủ bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ, với mục đích hỗ trợ cho người dân nghèo. Ông K. Gopalaiah, người phụ trách trợ cấp dân sự và lương thực tại bang Karnataka, cho biết ý tưởng này hiện đang còn chờ được Chính phủ Ấn Độ thông qua, một phần trong chương trình sáng kiến hợp tác giữa New Delhi và Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP).

Theo kế hoạch, việc triển khai máy “ATM gạo” được thực hiện tại 5 bang của Ấn Độ, trong đó có Karnataka. Mỗi người tại bang này sẽ được nhận 5kg gạo/tháng, cùng với các đồ dùng thiết yếu khác. Ước tính khoảng 10 triệu người dân sống dưới mức nghèo đói tại bang Karnataka sẽ được hưởng ưu đãi này. Giới chức của Ấn Độ cho biết với sự hợp tác của WFP, sáng kiến này sẽ là một trong những công cụ giúp thúc đẩy cải cách Hệ thống phân phối tại đây.

Máy “ATM gạo” sẽ hoạt động liên tục 24h trong 7 ngày trong tuần, với khả năng chứa từ 100 – 500 kg gạo tùy theo nhu cầu của từng khu vực. Mỗi lần bỏ một đồng xu vào máy, người dân sẽ nhận được một lượng gạo nhất định. Theo ông Gopalaiah, Chính phủ Ấn Độ hiện đang cân nhắc áp dụng thẻ thông minh hoặc hệ thống sinh trắc tương tự như thẻ ATM của ngân hàng để tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp nhận gạo.

“ATM gạo” là sáng kiến của doanh nhân Hoàng Tuấn Anh để hỗ trợ người nghèo bị khó khăn trong đợt dịch đầu tiên tại TP.HCM. Sau đó, “ATM gạo” đã được nhân rộng tại nhiều thành phố ở Việt Nam. Và ý tưởng này trở thành “ATM khẩu trang” sau đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng.

Nhưng, “nguyên mẫu ATM gạo” đầu tiên không phải là sáng kiến hay thuộc bản quyền của Hoàng Tuấn Anh. ATM gạo đã xuất hiện ở Trung Quốc vài chục năm về trước, nhưng lại giống như một máy bán hàng – cụ thể là gạo. Indonesia và Malaysia có những máy phát gạo miễn phí từ nhiều năm qua cho một số ít cộng đồng, nhưng lại không được phổ biến trong mùa dịch.

Chủ đề máy phát gạo tự động của Việt Nam đã chiếm top 1 trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc trong hai tuần đầu tháng 4/2020. Bài báo của hãng tin Reuters được dịch sang tiếng Hoa đã thu hút 20 triệu lượt đọc sau 10 giờ đăng tải.

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,20- 55,70 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1877,9 USD/ounce, tăng 5,1 USD, tương đương 0,27% so với chốt phiên trước.

2/ Trong phiên họp đại hội cổ đông bất thường hôm 29/12, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết đến cuối tháng 12, doanh thu hợp nhất của hãng ước đạt hơn 42.500 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ gần 33.000 tỷ đồng, đều vượt so với kế hoạch. Như vậy, hai chỉ tiêu này vượt kế hoạch 1.937 tỷ đồng (tương đương 4,8%) và 448 tỷ đồng (tương đương 1,4%). Nhờ đó, mức lỗ của hãng hàng không quốc gia cũng giảm so với chỉ tiêu đề ra tại phiên họp thường niên hồi tháng 8. Cả năm nay, Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất 14.445 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ ước lỗ hơn 12.000 tỷ đồng, ít hơn khoảng 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch. Năm 2020, Vietnam Airlines khai thác khoảng 96.500 chuyến bay, giảm hơn 48% so với năm ngoái vì Covid-19. Sản lượng hành khách của hãng cũng ước chỉ đạt 14,23 triệu lượt, hàng hóa khoảng gần 195.000 tấn, giảm lần lượt 51% và 47% so với năm 2019.

Đại hội cổ đông bất thường năm 2020 của Vietnam Airlines

3/ Hội đồng các sân bay quốc tế (ACI) đã đánh giá sân bay Cam Ranh đạt Chứng nhận kiểm chuẩn y tế sân bay (Airport Health Accreditation – AHA). Lễ trao chứng nhận đã diễn ra hôm 29/12 tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Đây là sự công nhận của ACI đối với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh trong việc bảo đảm quy trình an toàn chống dịch trong hoạt động khai thác tại sân bay, khẳng định Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh là điểm đến an toàn, đạt đủ tiêu chuẩn về sức khỏe và phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Để được cấp chứng nhận AHA, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh phải trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt đối với các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe tại sân bay. Hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là Cảng hàng không quốc tế thứ 4 ở Việt Nam nhận chứng nhận AHA, sau Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng.

4/ Sáu nền kinh tế dẫn đầu Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ có những hướng tăng trưởng rất khác nhau trong năm 2021 – theo đánh giá triển vọng kinh tế năm 2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Kinh tế Việt Nam, Malaysia và Indonesia trở lại mức tiền khủng hoảng còn kinh tế Singapore, Philippines và Thái Lan chật vật tăng trưởng. Lấy con số 100 làm định mức cơ sở cho năm 2019, kinh tế Việt Nam, Indonesia, Malaysia đều vượt lên trên mức 100 vào năm 2021, điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế của họ sẽ tăng trưởng vào năm sau so với mức trước khi có đại dịch Covid-19 vào năm 2019. Việt Nam dự kiến sẽ dẫn đầu nhóm này với chỉ số phát triển được tính toán sẽ tăng lên mức 108,4 điểm.

5/ Đà Nẵng sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo hình thức đối tác công tư (PPP) với số vốn đầu tư 823 tỷ đồng. Dự án nằm tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, gần bãi rác tập trung Khánh Sơn lớn nhất của thành phố.

Nhà máy dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2023, xử lý chất thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt. Sau khi đốt thu được điện năng, tro bay và rỉ lò được sử dụng để sản xuất gạch không nung. Mùn hữu cơ được tái chế sản xuất thành phân bón hữu cơ; Rác thải nhựa được tái chế thành hạt nhựa và viên đốt nhiên liệu RDF. Thời gian hợp đồng dự án đề xuất kéo dài không quá 25 năm, kể từ ngày nhà đầu tư được ký kết hợp đồng với cơ quan chức năng. Thời gian thực hiện không quá hai năm.

6/ Campuchia bắt đầu tiến hành khai thác đợt dầu đầu tiên tại mỏ dầu ngoài khơi tỉnh Preah Sihanouk trong khu vực Vịnh Thái Lan. Thông tin này đã được Thủ tướng Hun Sen khẳng định và cho biết rằng đây là những giọt dầu đầu tiên được Campuchia khai thác được trong lịch sử sau những nỗ lực của chính phủ Hoàng gia Campuchia và hoạt động tích cực của công ty dầu khí Kris Energy. Việc thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam Campuchia đã được bắt đầu từ năm 2002. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc và thay đổi chủ đầu tư nên tiến độ dự án không hoàn thành đúng dự kiến. Chỉ trong 3 năm gần đây, dự án mới được chú trọng thực hiện với việc hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng. Trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ tiếp tục khoan thêm các giếng dầu tại khu vực này để mở rộng dự án.

7/ Theo Counterpoint Research, vừa có sự thay đổi trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh. Trong quý 3 năm nay, MediaTek vượt qua Qualcomm để trở thành nhà cung cấp chipset hàng đầu cho smartphone với 31% thị phần. Counterpoint cho rằng thành công của MediaTek là nhờ doanh số bán điện thoại tăng mạnh ở phân khúc giá từ 100-250 USD trong bối cảnh bùng nổ ở hai thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Mất ngôi số 1 về sản lượng chipset nhưng điểm tích cực với Qualcomm là thị phần vi xử lý 5G của hãng lên tới 39%. Đây là thị trường có mức tăng gấp đôi trong quý 3. 17% tổng số điện thoại bán ra trong quý 3 hỗ trợ 5G. Con số này dự kiến tăng lên 33% cho quý 4 hiện tại. Với sự tăng trưởng mạnh trong các lô hàng 5G trong quý 4, Qualcomm hoàn toàn có cơ hội lấy lại vương miện mà MediaTek tước đi.

8/ Quốc hội Nga thông qua dự luật kiểm soát hoạt động của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, cho phép các nhà quản lý thêm quyền để ngăn chặn sự bành trướng của nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và YouTube. Dự luật của Nga hạn chế hoặc chặn hoàn toàn các trang web bị phát hiện phân biệt đối xử với truyền thông Nga. Dự luật cũng cho phép Moscow phạt tiền từ 10-20% tổng doanh thu tại Nga trong năm trước đó với nhà cung cấp dịch vụ Internet và trang mạng nếu không gỡ bỏ các nội dung bị cấm. Mức phạt hơn 100.000 USD cũng được áp với website không xóa bỏ các nội dung kêu gọi hoạt động cực đoan, thông tin về ma túy và lạm dụng tình dục trẻ em.

9/ Hôm 29/12, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố một gói cứu trợ mới trị giá 9.300 tỷ won (8,49 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và những người thất nghiệp bị tác động nặng nề từ làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19. Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, 5.600 tỷ won trong gói cứu trợ trên sẽ được chi trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ, lao động thời vụ, lao động tự do và tài xế taxi. Khoảng 2,9 ngàn tỷ won sẽ được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó bao gồm cả các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và khách sạn, vốn chịu nhiều thiệt hại do tác động của các lệnh hạn chế phòng dịch mà chính phủ áp đặt trong những tháng cuối năm vừa qua. Trong ngân sách còn lại, khoảng 0,8 ngàn tỷ won sẽ được dùng để hỗ trợ hệ thống y tế công cộng.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Thực phẩm Angst – Trường Vinh tiêu chuẩn Thụy Sĩ đắt khách ở Phiên chợ Xanh – Tử tế