WHO đã đưa ra ý tưởng loại giấy chứng nhận điện tử “đã tiêm vaccine” và “hộ chiếu miễn dịch điện tử” - Ảnh: Toronto Star

Tiêu điểm:

Hộ chiếu miễn dịch Covid-19 giúp tái khởi động kinh tế toàn cầu?

Vài quốc gia EU chuẩn bị các chương trình tiêm chủng đại chúng vaccine ngừa Covid-19, sớm nhất là nước Anh với kế hoạch khởi sự từ ngày 7/12 tới. Ý tưởng về một loại giấy chứng nhận điện tử “đã tiêm vaccine” hay “hộ chiếu miễn dịch” điện tử đã được gợi lại trong vài ngày qua.

Ý tưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng quốc gia số Estonia về hộ chiếu miễn dịch đã được nhắc lại nhân sự kiện vaccine của Pfizer – BioNTech được Anh chuẩn thuận hôm 2/12. Hồi tháng 10, WHO đã chọn quốc gia số Estonia làm đối tác thử nghiệm trong việc thực hiện một giấy chứng nhận điện tử đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay passport miễn dịch điện tử. WHO đã đưa ra lý do: Đây là quốc gia số tiên tiến nhất trên thế giới với 99% hoạt động của chính phủ đều diễn ra trên mạng. Estonia lại là đất nước nhỏ bé ở Bắc Âu với diện tích chỉ hơn 45.000 cây số vuông và dân số hơn 1,3 triệu người.

Từ tháng 3, Estonia đã ra những sáng kiến hay ý tưởng đầu tiên về giấy chứng nhận hay thông hành điện tử như vậy. Các nhà khoa học và cơ quan quản lý nước này theo dõi những người hồi phục từ Covid-19 đã phát triển khả năng miễn dịch ít nhiều với chủng  virus viêm phổi mới. Tuy vậy, để có thể cấp giấy miễn dịch thì vẫn còn nhiều vấn đề. Đó là câu hỏi là khả năng miễn dịch có giống nhau hay không giữa những cá nhân khác nhau, và thời gian miễn dịch có thể kéo dài trong bao lâu.

Không chỉ Estonia, sau khi kiểm soát được dịch viêm phổi do chủng virus corona mới gây ra ở Vũ Hán và các tỉnh thành khác, Trung Quốc cũng đưa ra mã QR để quản lý và kiểm soát việc đi lại trong nội bộ các tỉnh thành và xuyên tỉnh, thành.

Chile là nước đầu tiên trên thế giới cung cấp loại thẻ thông hành miễn dịch này từ đầu tháng 5/2020, nhưng chỉ sử dụng đi lại trong nước. Sau đó, Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã xem xét đến loại thẻ đi lại đặc biệt này. Nhưng thực tế là virus Covid-19 ngày càng tác quái và hoành hành mạnh hơn trong mùa đông này.

Hôm nay, WHO đã nhắc lại ý tưởng này với loại giấy chứng nhận điện tử “đã tiêm vaccine” và “hộ chiếu miễn dịch điện tử”. Tuy nhiên, các chuyên gia của WHO cũng chia rẽ, không đạt được sự đồng thuận về loại giấy đặc biệt có thể giúp hàng không và kinh tế thế giới hồi phục.

Và chính WHO cũng không đồng ý với chính sách xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên ở hành khách của các hãng hàng không và chỉ đồng ý với xét nghiệm RT-PCR để tìm kháng thể cho kết quả chính xác hơn.

Như vậy, các chính sách về hồi phục kinh tế, thiết lập bong bóng hàng không vẫn chưa thể thành hiện thực tươi sáng khi vaccine ngừa Covid-19 chưa được phổ biến khắp thế giới. WHO ước tính cần đến hai năm để toàn bộ dân số thế giới 7, 8 tỷ người có thể được chủng ngừa hoàn toàn, mỗi người tiêm hai liều.

1/ Giá vàng miếng SJC neo ở 54,65 – 55,30 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, mức chênh lệch hai đầu 650.000 đồng/lượng.  Trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.840,6 USD/ounce, tăng 9,8 USD, tương đương 0,54% so với chốt phiên trước. Giá vàng tiếp tục được hỗ trợ khi những kỳ vọng về một thỏa thuận về một gói kích thích lớn khiến chỉ số USD xuống gần mức thấp nhất trong hơn 2 năm, thúc đẩy sức hút đối với kim loại quý đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

2/ Tại Ninh Thuận, hành tím củ đang được thương lái thu mua tại ruộng với giá dao động từ 45.000 – 60.000 đồng/kg; hành giống có giá từ 70.000 – 80.000 đồng/kg. Theo các nông dân cho biết đây là mức giá cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Tranh thủ phơi hành củ sau những ngày mưa gió, gia đình ông Trần Minh (huyện Ninh Hải) cho biết, vụ hành này gia đình trồng hơn 3 sào (3.000 m2) giống hành Indonesia, vừa qua bán trên 2 tấn với giá 60.000 đồng/kg, cho doanh thu 120 triệu đồng. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có khoảng 900 ha hành, tỏi, cây gia vị. Trồng hành tím là một trong những nghề truyền thống của nông dân ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Hiện tỉnh đang tăng cường phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và nhân rộng mô hình sản xuất hành, tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hành tím tại Ninh Thuận hiện đang được thương lái thu mua tại ruộng với giá dao động từ 45.000 – 60.000 đồng/kg

3/ Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 111.510 tấn thịt heo các loại, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chủ yếu nhập từ Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu thịt heo từ Nga nhiều nhất với khoảng 27.543 tấn. Xếp thứ hai là Brazil với 26.650 tấn; tiếp đến lần lượt là Canada với 18.622 tấn, Mỹ với 13.381 tấn và Ba Lan với 7.694 tấn. Trong nước, giá heo trong tháng 11 giảm 2.000-4.000 đồng/kg so với tháng 10, dao động trong khoảng 65.000-74.000 đồng/kg. Cục Thú y cảnh báo các nhà sản xuất chăn nuôi heo về mức độ gia tăng dịch tả heo sau hàng loạt các ổ dịch mới. Dữ liệu cho thấy từ tháng 10 đến nay, dịch tả heo đã bùng phát tại 31 tỉnh, làm chết 20.500 con lợn, tăng gấp đôi so với các tháng trước đó.

4/ Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo đã tăng 23,8% trong tháng 11. Giá xuất khẩu cũng tương đối khả quan khi đã đạt bình quân 534 USD/tấn trong tháng 11, tăng 1% so với tháng 10/2020 và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 11 tháng năm 2020, gạo cũng là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản khi tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 496 USD/tấn. Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam tính đến ngày 25/11/2020 dao động ở mức 495 – 500 USD/tấn, cao hơn so với các nhà cung cấp khác trong khu vực như Thái Lan (475 – 485 USD/tấn) hay Ấn Độ (366 – 370 USD/tấn).

5/ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, kiến nghị được giảm phí cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, VNR xin giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt từ mức 8% xuống còn 2% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt kể từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2021. Khoản giảm 6% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt này sẽ giúp VNR và các doanh nghiệp vận tải bù đắp được 50% thiếu hụt dòng tiền. Do tác động của Covid -19, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của tổng công ty trong năm 2020 chỉ đạt khoảng 2.563 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải đạt 2.271 tỷ đồng, giảm 53% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế dự kiến âm 538 tỷ đồng.

6/ Theo báo cáo của SSI Research về Vietjet, hãng hàng không này được dự báo có thể xóa một số khoản lỗ nhờ lợi nhuận bất thường từ mô hình bán và cho thuê lại máy bay (SLB). Trong quý 4, Vietjet dự kiến nhận bàn giao 4-5 máy bay qua giao dịch SLB. Nhờ đó, hãng bay này có thể ghi nhận doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhóm phân tích cũng cho biết, 2-3 năm tới Vietjet cũng có kế hoạch nhận thêm 10 máy bay thông qua vay ngân hàng và SLB, với sự hỗ trợ tài chính của ngân hàng trong nước cho 3 máy bay hiện tại. Trong tháng 1/2021, Vietjet dự kiến bàn giao tiếp 3 máy bay theo phương thức SLB. Do ảnh hưởng của Covid-19, 9 tháng đầu năm nay, Vietjet ghi nhận doanh thu khoảng 13.800 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ và lỗ trước thuế 2.600 tỷ đồng.

7/ Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York cùng Công ty DHL cho biết, đã công bố báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020 (GCI 2020). Theo đó, Việt Nam xếp thứ 3 trong số các nước có sự phát triển tốt hơn dự đoán, dựa trên GDP bình quân đầu người, dân số và khoảng cách địa lý, trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á nhận được nhiều lợi ích từ mối liên kết chặt chẽ với mạng lưới chuỗi cung ứng rộng khắp châu Á, cùng các cải tiến về chính sách của ASEAN với chủ trương ủng hộ hội nhập kinh tế khu vực. Ngoài ra, Việt Nam có thành tích tốt nhất xét về dòng chảy thương mại và xếp thứ 5 nói chung. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một đối thủ mạnh của Trung Quốc về sản xuất dệt may và ngày càng mạnh hơn về các sản phẩm công nghệ cao.

8/ Bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19, những tập đoàn Mỹ như Google và Microsoft vẫn đổ tiền đầu tư vào các kỳ lân Indonesia (những công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỷ USD). Số tiền đầu tư vào các công ty như Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia và Bukalapak dự kiến đạt hàng trăm triệu USD trong năm nay. Theo Nikkei Asia, các công ty công nghệ Mỹ đã cho biết rằng Indonesia là một thị trường quá rộng lớn để bỏ qua. Quốc gia Đông Nam Á, có dân số đông thứ 4 thế giới, hiện chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế khu vực. Hiện tại, tầm quan trọng của các khoản đầu tư vào Indonesia thậm chí còn tăng lên sau xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc – thị trường lớn nhất châu Á.

Trong vòng hai năm qua, số lượng những công ty “kỳ lân” trên thế giới đã tăng gấp đôi lên con số 500 – Ảnh: Nikkei

9/ Chính phủ Hoa Kỳ đã thêm tên của nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, SMIC, và tập đoàn dầu mỏ khổng lồ CNOOC vào “danh sách đen” với các cáo buộc liên quan đến các công ty quân sự Trung Quốc. Động thái này có khả năng sẽ gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức. Điều này đã nâng tổng số công ty bị đưa vào danh sách đen lên con số 35. các công ty bắt đầu vào cuối năm sau. Mặc dù việc nằm trong danh sách này vẫn chưa dẫn tới bất cứ hình phạt nào, nhưng một sắc lệnh hành pháp gần đây do Tổng thống Donald Trump ban hành sẽ nghiêm cấm các nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với mua cổ phiếu của các công ty trong danh sách đen bắt đầu từ cuối năm tới.

10/ Hôm nay, chính phủ Ấn Độ đã gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội bản rộng trên 600mm nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nam Phi, Thái Lan và Đài Loan đến hết ngày 31/1/2021. Quyết định gia hạn này được Ủy ban Thuế gián thu và Hải quan Trung ương Ấn Độ (CBIC) đưa ra sau khi có yêu cầu từ Tổng Cục Phòng vệ thương mại (DGTR), là đơn vị đã tiến hành cuộc điều tra rà soát về một số sản phẩm thép không gỉ được nhập khẩu từ các quốc gia trên. Hồi tháng 10, các công ty thuộc tập đoàn thép Jindal (Ấn Độ) đã cảnh báo nguy cơ tái diễn việc bán phá giá các sản phẩm thép không gỉ cán nguội, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp trong nước.

11/ Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết quốc gia này đã ký thỏa thuận mua vaccine ngừa đại dịch Covid-19 của hãng dược phẩm liên doanh Anh Thụy Điển AstraZeneca. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tiết lộ chi tiết của thỏa thuận này, trong đó có các điều khoản về tài chính và số lượng vaccine mà nước này sẽ mua của AstraZeneca. Theo AstraZeneca, loại vaccine 2 liều của hãng này có hiệu quả lên đến 70-90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm. AstraZeneca cho biết vaccine của hãng với giá từ 3 USD đến 5 USD mỗi liều. Hàn Quốc hiện đang đàm phán để mua 5 loại vaccine phòng ngừa Covid-19 từ các hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và Novavax. Vaccine của AstraZeneca có giá thành rẻ hơn các loại vaccine của những công ty khác và có thể bảo quản lâu dài ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 8 độ C, trong khi vaccine của Pfizer/BioNTech đòi hỏi nhiệt độ bảo quản thấp hơn, ở mức âm 70 độ C.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Gạo ST25 đạt giải nhì cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2020 tổ chức tại Mỹ