Tiêu điểm:
Trung Quốc nỗ lực tái gầy dựng đàn heo
Lo ngại về lạm phát giá lương thực và thiếu thịt heo dịp Tết sắp tới, Trung Quốc khuyến khích nông dân tái đàn và mở rộng các trang trại. Nhưng các trang trại nhỏ có dưới 500 con heo – chiếm đến 99% trong số hơn 26 triệu trang trại nuôi heo của cả nước – đang phải vật lộn với các khoản nợ và không có ít tài sản để thế chấp vay mượn từ ngân hàng.
Đàn heo hiện nay vẫn ít hơn khoảng 20% so với cuối năm 2017. Vì thế, chính phủ hối thúc các ngân hàng quốc doanh nỗ lực tìm giải pháp. Tháng 9 năm ngoái, cơ quan quản lý ngân hàng và nông nghiệp của Trung Quốc đã thúc giục các ngân hàng và công ty bảo hiểm trong việc hỗ trợ người chăn nuôi heo tốt hơn, bằng cách phát triển các chương trình thí điểm trong việc sử dụng đàn heo làm tài sản thế chấp.
Tháng 3/2020, Bộ Nông nghiệp yêu cầu các ngân hàng chấp nhận các tài sản thế chấp như heo, quyền sử dụng đất và máy móc nông nghiệp. Họ cũng hạ thấp điều kiện của chương trình hỗ trợ cho vay riêng biệt xuống 90% để trang trải cho những nông dân với đàn heo có số lượng dưới 500 con.
Kể từ đó, hàng chục triệu USD đã được bơm cho các chương trình tín dụng này. Tháng 6, tỉnh Triết Giang ở miền đông Trung Quốc, cho biết nông dân 32 quận của tỉnh đã vay tổng cộng 178 triệu nhân dân tệ, tương đương 26 triệu USD, khoản vay được thế chấp bằng heo.
Ở thành phố Trùng Khánh, một công ty chăn nuôi heo thế chấp đàn heo nái – được chính phí bảo hiểm – cho ngân hàng địa phương để vay đến 38,5 triệu nhân dân tệ, tương đương với 5,6 triệu USD. Khoản vay này cao gấp 4 lần trước đó, đồng thời lãi suất cũng giảm từ 7,4% xuống còn 5%.
Các khoản vay có thế chấp vật nuôi chỉ là một phần rất nhỏ trong hệ thống ngân hàng khổng lồ của Trung Quốc. Các định chế tài chính và ngân hàng cũng miễn cưỡng trong mở rộng hình thức cho vay này.
Yanyan Liu, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho biết các ngân hàng sẽ phải đối mặt với những thách thức về việc định giá đàn heo và các biện pháp cưỡng chế tài sản. Liu cho biết giá heo luôn biến động liên tục, có nghĩa là các ngân hàng có thể chịu lỗ nếu giá heo suy giảm sau khi họ phê duyệt các khoản vay. Các ngân hàng cũng phải cần phải phát triển các hệ thống để định giá heo và theo dõi, quản lý hoặc thậm chí xử lý đàn heo.
Feng Yonghui, chuyên gia phân tích tại cổng thông tin công nghiệp chăn nuôi heo Soozhu.com, cho biết các ngân hàng có xu hướng định giá khá thấp đối với những con heo của nông dân khi quyết định cung cấp một khoản vay lớn. Hơn thế nữa, các ngân hàng thương mại cũng có xu hướng yêu cầu nông dân phải kết hợp các tài sản khác, như cơ sở vật chất hoặc máy móc, với đàn heo của họ để được cho vay.
Cách thức vay mượn bằng thế chấp kiểu này từng tồn tại ở thời sơ khai của kinh tế trao đổi, khi người giàu ứng tiền để bắt nọn nông dân nghèo lúc khó. Nhưng thế chấp vật nuôi và cây trồng để vay mượn từ ngân hàng trở nên phổ biến và trở thành chính sách hay luật trong mùa dịch Covid-19…
1/ Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2020, thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam là 90.420 tấn, gồm thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 214,78 triệu USD, tăng tới 357% về lượng và tăng 460,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Nga, Brazil, Canada, Hoa Kỳ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo nhập khẩu cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo mới công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thịt heo của Việt Nam trong năm 2020 dự báo sẽ đạt 2,24 triệu tấn, giảm gần 6% so với năm 2019. Tuy nhiên, sản lượng thịt heo được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2021, đạt 2,35 triệu tấn, tăng 4,9% so với năm 2020.
2/ Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt trên 5,35 triệu tấn với trị giá 2,64 tỷ USD, tăng 9,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Gạo cũng là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong 10 tháng qua, trong khi nhiều loại nông thủy sản khác như rau quả, hạt tiêu, cà phê thủy sản… đều có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Một trong những cú hích cho gạo Việt xuất khẩu và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ đầu tháng 8, tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 80.000 tấn theo hạn ngạch thuế quan mà EU dành cho Việt Nam.
3/ Giá vàng miếng SJC 56 – 56,50 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.907,8 USD/ounce, giảm nhẹ 0,7 USD, tương đương 0,04% giá trị so với chốt phiên trước. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của kim loại quý.
4/ Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Falmi), thị trường lao động TP Hồ Chí Minh trong những tháng cuối năm 2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Dự báo trong 3 tháng cuối năm, có khoảng 62.000-65.000 chỗ làm việc. Falmi cũng cho rằng trong những tháng cuối năm, nhu cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo chiếm 85,26%, bao gồm: đại học chiếm tỷ lệ 20%, cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 31% và sơ cấp chiếm 14,26%.
5/ Cuối quý 3, nợ xấu tại nhiều nhà băng tăng nhanh, có nơi ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng gấp ba so với đầu năm. Qua báo cáo tài chính quý 3/2020 của 15 ngân hàng thương mại cho thấy, có tới 14 nhà băng ghi nhận số dư nợ xấu tăng từ 30% trở lên so với đầu năm. Theo đó, nếu tính về tốc độ tăng số dư nợ xấu thì VietinBank là ngân hàng có mức độ gia tăng cao nhất hệ thống với 66% so với đầu năm, lên 17.947 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) của nhà băng này tăng vọt gần gấp 6 lần, từ hơn 2.000 tỷ đồng lên 11.900 tỷ đồng. Lý giải về những con số nợ xấu đang tăng cao, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân, những người làm công ăn lương, buôn bán nhỏ.
6/ Hải quan Đan Mạch vừa thông báo, Ủy ban châu Âu (EC) gia hạn miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sử dụng để phòng chống dịch Covid-19 đến ngày 30/4/2021. Điều này có nghĩa là các nước thành viên EU phải tiếp tục miễn thuế hải quan và VAT cho các nhà nhập khẩu thiết bị bảo hộ và vật tư y tế nhất định theo quy định đối với các nước bị dịch bệnh. Từ đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia sản xuất, xuất khẩu đồ phòng chống dịch COVID-19 sang nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có các nước châu Âu. Chỉ tính riêng mặt hàng khẩu trang, số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 9/2020, cả nước có 71 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế với số lượng là gần 143 triệu chiếc, tăng nhẹ 5,5% so với số lượng trong tháng 8.
7/ Bưu chính Nhật Bản đã quyết định bán các đơn vị của công ty hậu cần Toll, tại Úc, đã được mua lại vào năm 2015 trong quá trình toàn cầu hóa của công ty. Công ty này đã tìm kiếm người mua và lời khuyên từ các công ty chứng khoán liên quan. Động thái này diễn ra sau khi họ đã không thể xây dựng lại các hoạt động kinh doanh nội địa của Toll ở Úc và New Zealand do nền kinh tế suy hụt của các quốc gia này, đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Bưu chính Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh quốc tế của Toll, bao gồm các hợp đồng dịch vụ hậu cần đã ký.
8/ Indonesia lâm vào tình trạng suy thoái lần đầu tiên sau hai thập kỷ, khi đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế lớn nhất của Đông Nam Á. Tổng sản lượng trong nước (GDP) của quốc gia này đã suy giảm 3,49% trong quý kết thúc vào tháng 9, so với một năm trước đó. Đây là lần đầu tiên mà nền kinh tế Indonesia đã trải qua những cơn suy thoái liên tiếp, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á vào cuối những năm 1990. Con số âm này, sau khi giảm 5,32% trong quý trước, đã đẩy quần đảo này vào cuộc suy thoái kinh tế mới.
9/ Chính phủ Australia đã đồng ý về việc mua thêm hai loại vaccine Covid-19 đang được phát triển, nhằm gia tăng dự trữ vaccine tiềm năng lên 135 triệu liều. Australia cũng đặt mục tiêu hoàn thành chương trình tiêm chủng hàng loạt trong vòng vài tháng tới. Thủ tướng Scott Morrison cho biết vào hôm nay rằng chính phủ sẽ mua 40 triệu liều vaccine từ Novavax và 10 triệu liều từ Pfizer và BioNTech. Số lượng vaccine mới này sẽ bổ sung vào 85 triệu liều mà Úc đã cam kết sẽ mua từ AstraZeneca và CSL Ltd. Nếu các thử nghiệm thành công, thì Australia dự kiến sẽ nhận được lô vaccine AstraZeneca đầu tiên vào đầu năm 2021 và bắt đầu triển khai đại trà vào tháng 3.
10/ Apple đã đặt hàng các nhà cung cấp của mình sản xuất 2,5 triệu máy tính xách tay MacBook, được trang bị CPU thiết kế riêng của hãng, vào tháng 2, trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ California này muốn nhanh chóng cắt giảm sự phụ thuộc vào con chip Intel. Các đơn đặt hàng sản xuất đầu tiên cho những chiếc MacBook, sử dụng bộ xử lý trung tâm Apple Silicon này, tương đương với gần 20% tổng số lượng xuất xưởng MacBook cho năm 2019, đạt 12,6 triệu chiếc. Gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ dự kiến sẽ giới thiệu các mẫu MacBook khác sử dụng CPU của riêng mình vào quý 2 năm sau. Apple cho biết họ có ý định cắt hoàn toàn việc sử dụng các CPU của Intel trong các dòng sản phẩm MacBook của mình trong vòng hai năm tới.
11/ Nội các Thái Lan đã đồng ý với các chương trình đảm bảo giá cho gạo và cao su với tổng trị giá là 61,9 tỷ baht (khoảng 2 tỷ USD) do Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC) của nhà nước thực hiện. Trong tổng ngân sách nói trên, 51,2 tỷ baht được phân bổ cho chương trình đảm bảo giá lúa gạo niên vụ 2020-21 và 10 tỷ baht cho giai đoạn hai của chương trình bảo đảm giá cao su niên vụ 2019-20. Theo Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, chương trình đảm bảo giá lúa gạo năm 2020-21 dự kiến được thực hiện từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021. Chương trình đảm bảo giá lúa gạo sẽ bồi thường nếu giá thị trường giảm xuống dưới mức chuẩn, với các mức giá đảm bảo tương tự như trong mùa trước.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Kỳ sự: Giọt nước mắm Việt dọc chiều dài đất nước