Cơ quan Tiền tệ của Singapore (MAS)

Tiêu điểm:

Ngân hàng số “đẩy” ngành tài chính ngân hàng Singapore vào cuộc đua mới

Sau hơn một năm hồi hộp và căng thẳng chờ đợi, bốn ứng viên sáng giá nhất đã được Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cấp giấy phép thành lập ngân hàng số. Các ngân hàng này sẽ cùng các ngân hàng truyền thống khai phá mảng thị trường ngân hàng số có giá trị đến 2.000 tỉ đô la Mỹ. Các ngân hàng số này đã buộc ngành tài chính và các ngân hàng truyền thống của Singapore và thế giới bước vào cuộc đua trong thế giới số.

Xem thêm chi tiết tại link:

Ngân hàng số “đẩy” ngành tài chính ngân hàng Singapore vào cuộc đua mới

1/ Các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán mở bằng eKYC nhưng phải bảo đảm tổng hạn mức giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng/tháng – theo Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi mới ban hành.

eKYC (electronic Know Your Customer) là hình thức định danh điện tử, cho phép khách hàng không cần phải đến trụ sở hay quầy giao dịch của ngân hàng để mở tài khoản cá nhân. Tất cả đều được thực hiện trực tuyến. Ngân hàng Nhà nước nói eKYC được xem là nền tảng đầu tiên để thanh toán số, ngân hàng số phát triển.

Các ngân hàng thương mại Việt Nam đang chờ đợi thông tư về eKYC được ban hành để có hành lang pháp lý, quy định cụ thể, sau thời gian tiến hành thử nghiệm cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, thay vì phải tới tận quầy giao dịch.

2/ Công ty thương mại điện tử Trung Quốc, JD.com Inc, đã trở thành nền tảng thương mại trực tuyến đầu tiên của quốc gia này chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số quốc gia do Ngân hàng Trung ương phát hành. JD Digits, chi nhánh fintech của công ty, sẽ chấp nhận đồng tiền số này trong việc thanh toán đối với một số sản phẩm trên nền tảng mua sắm trực tuyến của mình. Trung Quốc hiện đi trước nhiều nước phương Tây trong sáng kiến ​​“tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương” khi các cơ quan chức năng trên toàn cầu đang tìm cách ứng phó với các mối đe dọa từ các loại tiền ảo tư nhân như bitcoin và Libra – mới đổi tên thành Diem – của Facebook.

JD.com Inc, đã trở thành nền tảng thương mại trực tuyến đầu tiên của quốc gia này chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số quốc gia do Ngân hàng Trung ương phát hành – Ảnh: Caixin

3/ Giá vàng miếng SJC ở mức 54,60 – 55,15 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra được rút ngắn xuống còn 550.000 đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1.837,6 USD/ounce, giảm 0,5 USD, tương đương 0,03% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, số ca nhiễm Covid-19 sẽ còn tăng lên, kéo theo tình trạng kinh tế chưa thể khởi sắc trong ngắn hạn sẽ là những yếu tố hỗ trợ thị trường kim loại quý này.

4/ Nhiều vườn trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang trong giai đoạn nuôi trái, chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi đã khiến cho quá trình ra hoa, đậu trái diễn ra không thuận lợi, nguy cơ thất thu cả về năng suất lẫn sản lượng hiện hữu. Ghi nhận vào thời điểm hiện tại, tỷ lệ đậu trái tại nhiều vườn tiêu trên địa bàn tỉnh rất thấp so với mùa trước. Nhiều hộ nông dân đang trong tình cảnh lo lắng sẽ thất thu trong khi giá thu mua có xu hướng tăng hơn năm ngoái. Hiện tại, giá hồ tiêu dao động từ 50.000-57.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái hơn 10.000 đồng/kg. Tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 14.500 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, vụ mùa tiêu tiêu năm nay được dự báo sẽ khó khăn và thách thức sẽ chồng chất thêm khi nông dân phải cầm cự chăm sóc và tái đầu tư.

5/ Vào tháng 1/2021, Liên minh châu Âu sẽ đưa ra một bộ quy tắc mới theo quy định (EU) số 2018/848. Theo thông cáo báo chí của Hội đồng châu Âu, quy định mới này sẽ đảm bảo cạnh tranh công bằng, đồng thời cũng sẽ ngăn chặn gian lận và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng. Quy định mới không chỉ kiểm soát việc sử dụng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm, mà còn liên quan đến quản lý đất và sản xuất thực phẩm. Bộ quy tắc đơn nhất này cũng sẽ áp dụng cho các nông dân ngoài EU xuất khẩu sản phẩm hữu cơ của họ sang thị trường EU. Kể từ ngày 01/01/2021, EU sẽ không chấp nhận bất kỳ các tiêu chuẩn hữu cơ khác nhau được công nhận là tương đương với các tiêu chuẩn của EU. Thay vào đó, các nhà sản xuất hữu cơ phải áp dụng một bộ quy tắc mới của EU thay thế các quy tắc tương đương.

6/ Hàng trăm tài xế GrabBike tắt ứng dụng để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2%. Phần lớn tài xế đều cho rằng mức thu này quá cao và lo thu nhập thực nhận giảm mạnh trong bối cảnh cuộc sống ngày càng khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước giờ, họ chỉ phải nộp 20% phí sử dụng ứng dụng và nhận về 80% doanh thu mỗi chuyến xe. Còn tài xế có doanh thu cả năm trên 100 triệu đồng phải nộp thêm 1,5% thuế thu nhập cá nhân và 3% thuế VAT. Còn hiện tại, Grab đã nâng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe lên 27,272%, bao gồm phí sử dụng ứng dụng 20% (không đổi) và cộng với thuế VAT. Động thái này được Grab đưa ra sau khi Nghị định 126 có hiệu lực – thay đổi cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ.

7/ “Highway to a 100 Unicorns” là sáng kiến hỗ trợ 100 công ty khởi nghiệp Kỳ Lân tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do Microsoft tổ chức. Năm nay, Việt Nam có 3 đại diện được Microsoft lựa chọn tham gia là Nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện – Base.vn, Nền tảng quản trị tối ưu hóa vận hành chuỗi cung ứng – Abivin, Nền tảng thiết kế trải nghiệm 3D/VR trong lĩnh vực nhà ở và nội thất – House3D. Các doanh nghiệp lọt vào danh sách sẽ được tư vấn về công nghệ cũng như khả năng tiếp cận khách hàng và được nhiều sự hỗ trợ khác.

8/ Các doanh nghiệp xuất khẩu Anh sẽ được chính phủ bảo lãnh 80% các khoản vay nhằm hỗ trợ tài chính để thúc đẩy thương mại hậu Brexit và tận dụng các hiệp định thương mại tự do mới. Chính sách này sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 7/12. Cụ thể, chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đăng ký các khoản vay lớn từ 5 ngân hàng HSBC, Lloyds Bank, NatWest, Santander và Barclays. Khoản vay này sẽ không chỉ được sử dụng để trang trải các chi phí liên quan đến xuất khẩu, mà còn có thể sử dụng để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh. Giai đoạn chuyển tiếp trước khi Anh hoàn toàn rời khỏi EU sẽ kết thúc vào ngày 31/12 tới và sẽ mở ra một loạt các thủ tục hải quan và chi phí cho các công ty xuất khẩu của Anh vào EU, bất kể việc Anh và EU có đạt được thỏa thuận thương mại hay không.

9/ Số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết ngành du lịch của quốc gia này đang gặp rất nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Lượng “khách du lịch nước ngoài trong tháng 10 mặc dù được ghi nhận tăng nhẹ 4,57% so với tháng 9 với 158.200 lượt người, nhưng vẫn giảm 88,25% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho ngành du lịch của xứ “Vạn Đảo” hơn khoảng 7 tỷ USD. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ tiếp đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2020 sau khi ghi nhận 16,1 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Tuy nhiên, thống kê của BPS cho thấy lượng khách du lịch quốc tế từ tháng 1 đến tháng 10 chỉ đạt 3,72 triệu lượt, giảm 72,35% so với cùng kỳ năm 2019.

10/ Gã khổng lồ thời trang Nhật Bản, Uniqlo, cho biết họ sẽ đóng cửa hàng lớn nhất của mình ở Seoul nằm tại quận mua sắm sầm uất Myeong-dong ở trong bối cảnh dịch Covid-19 và mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến doanh số sụt giảm mạnh. Cụ thể theo thông tin đăng tải trên website của Uniqlo, cửa hàng này sẽ chỉ hoạt động cho tới ngày 31/1/2021. Cửa hàng Myeong-dong 4 tầng là cửa hàng lớn thứ 2 thế giới của Uniqlo chỉ sau cửa hàng tại Đại lộ số 5 New York. Cửa hàng này đã ghi nhận kỷ lục đạt doanh số 2 tỷ won trong một ngày khi mở cửa vào tháng 11/2011. Sau khi Uniqlo gia nhập thị trường Hàn Quốc vào năm 2005, thương hiệu này đã trở nên nổi tiếng vì giá cả phải chăng. Tuy nhiên, những hạn chế thương mại phía Nhật Bản áp dụng lên Hàn Quốc vào tháng 6/2019 đã tạo ra làn sóng tẩy chay mạnh mẽ với những sản phẩm Nhật Bản.

Cửa hàng Uniqlo tại Seoul – Ảnh: ft.com

11/ Xuất khẩu nông sản của Australia đã chịu thiệt hại khoảng 3,5 tỷ AUD (tương đương 2,45 tỷ USD) trong năm nay từ căng thẳng thương mại với Trung Quốc và tình trạng đóng cửa biên giới trên toàn cầu để ngăn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Báo cáo của Cục Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp Australia (ABARES) cho biết trong khi sản lượng nông nghiệp cả nước được dự báo sẽ tăng 7%, lên 65 tỷ AUD (45,5 tỷ USD), trong năm 2020-2021 nhờ vụ Đông bội thu, thì giá trị xuất khẩu nông sản lại giảm 7,2% xuống còn 44,7 tỷ AUD (33,2 tỷ AUD) từ mức 48,2 tỷ AUD (35,8 tỷ USD) trong năm trước. Theo báo cáo của ABARES, lúa mạch và rượu vang là hai mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi căng thẳng thương mại với Trung Quốc.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA