Dự án điện mặt trời áp mái tại tỉnh Chon Buri của Ecoligo. Ảnh: Nikkei Asia

Tiêu điểm:

Quỹ gọi vốn cộng đồng Đức đầu tư vào dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam

Một quỹ gọi vốn cộng đồng crowdfunding ở Đức chuyên đầu tư vào các dự án năng lượng sạch đang mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á sau khi mua lại một nhà máy năng lượng mặt trời ở Thái Lan. Quy mô của dự án đã không được các bên tiết lộ.

Bằng vốn góp của cộng đồng, Ecoligo mua lại SEA Rooftop Solar – dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của hãng luyện kim Xcellent ở tỉnh Chon Buri, Thái Lan. Các thành viên mua cổ phần trong các dự án thân thiện với môi trường của Ecoligo sẽ được hưởng lợi nhuận đầu tư 5% mỗi năm. Xcellent ký hợp đồng mua năng lượng trong 20 năm với Ecoligo và hy vọng sẽ cắt chi phí năng lượng 15-20%.

Ecoligo mua lại SEA từ RWE, hãng năng lượng gió ngoài khơi lớn thứ hai trên thế giới và hãng năng lượng tái tạo lớn thứ ba ở châu Âu. CEO Ecoligo Martin Baart nói rằng quyết định của RWE đã tạo cơ hội cho các hãng năng lượng tái tạo nhỏ như Ecoligo. “Các công ty năng lượng lớn không thể tập trung vào các dự án đơn lẻ có quy mô hạn chế như ở Chon Buri. Ngược lại, Ecoligo lại có khả năng uyển chuyển trong khai thác những dự án như thế”.

Baart nói rằng quan tâm của công chúng và giới đầu tư vào những công ty quy mô nhỏ như Ecoligo đang tăng lên ở khu vực Đông Nam Á bởi các nhà thầu địa phương giờ đây cũng gặp áp lực đòi cắt giảm lượng khí thải CO2 từ những thương hiệu lớn quốc tế,  như Adidas hay Ikea chẳng hạn.

Ecoligo tập trung vào các thị trường mới nổi. Trang mạng của công ty này đăng 53 dự án đã hoàn thiện, phần lớn ở châu Phi hoặc Mỹ Latin, và 6 dự án đang thi công, bao gồm 4 ở Việt Nam và 1 ở Thái Lan. Baart nói rằng sản lượng điện của các dự án năng lượng mặt trời ở Đông Nam Á cao 1,5-2 lần so với các dự án cùng quy mô ở châu Âu.

Bernd Renner, 69 tuổi, kỹ sư hãng Siemens về hưu, nói với Nikkei Asia rằng ông đã đầu tư 1.000 euro trong một dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà của Ecoligo ở tỉnh Bình Dương. Dự án này giúp công ty bao bì Đồng Nam Việt giảm lượng khí thải CO2 đến 8.600 tấn. Ông Renner nói rằng: “Tôi không biết nhiều về Việt Nam, nhưng sự năng động của nền kinh tế của nước này đã thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời. Tôi đánh giá cao sự minh bạch của Ecoligo”.

Moritz Sticher, một nhà tư vấn cấp cao của hãng tư vấn công nghệ Apricum ở Berlin, nói rằng các hợp đồng mua năng lượng của các công ty là nguồn tài sản hấp dẫn mới với các nhà đầu tư crowdfunding.

Tỷ giá cũng là yếu tố quan trọng. Các nhà đầu tư gọi vốn cộng đồng thường đầu tư bằng euro hay USD, trong khi các hợp đồng mua năng lượng lại được định giá bằng đồng nội tệ. Ecoligo ký hợp đồng bằng euro hay USD, và có các sàn giá để bảo đảm lợi nhuận và toàn vốn cho các nhà đầu tư khi giá mua điện bằng tiền nội tệ sụt giảm.

“Nguy cơ với giá điện trồi sụt chỉ có thể xảy ra đối với nhà đầu tư crowdfunding, nhưng mặt khác sản xuất điện mặt trời có thể dự báo trước một cách chắc chắn. Kỹ thuật hiện nay đã hoàn thiện và khó bị lỗi. Vì thế, ngay cả các ngân hàng cũng thích loại tài sản như thế này”, Sticher phát biểu.

1/ Giá vàng miếng SJC giảm 100.000 đồng/lượng, mua vào 56,2 triệu đồng/lượng và bán ra 56,7 triệu đồng/lượng. Lực bán chốt lời của các nhà đầu tư xuất hiện khi ông Joe Biden được chính thức xác nhận là vị tổng thống thứ 46 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Giá mỗi ounce giảm chỉ còn 1.912 USD.

2/ Mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ hơn 12% và ngành ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay. Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói rằng đây là con số định hướng định hướng điều hành chứ không cố định. Nếu tình hình dịch bệnh ổn định và ngành sản xuất kinh doanh cần nhiều vốn thì ngành ngân hàng sẵn sàng mở rộng và ngược lại.  Ông cũng cho rằng thị trường vẫn đối mặt nguy cơ phòng chống dịch Covid-19 kéo dài chứ không chỉ trong ngắn hạn.

Tỷ lệ 12% được đánh giá là phù hợp với mức độ mức hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ.

3/ Theo trang chinhphu.vn, trong tuần lễ đầu tiên của năm 2021, cả nước có 18.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý với 2.100 doanh nghiệp thành lập, tăng 46% so với năm 2020. So với thời điểm Luật Doanh nghiệp 2015 ra đời, con số này tăng 55%.

4/ Việt Nam và Singapore là hai quốc gia kiểm soát thành công đại dịch đã vươn lên dẫn đầu tại khu vực Đông Nam Á về phục hồi kinh tế – theo báo cáo mới nhất của Oxford Economics. Trong đó, Việt Nam được dự đoán là nền kinh tế duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm 2020 ở mức 2,3% và 8% vào năm 2021. Được Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) ủy quyền, Oxford Economics cũng dự báo GDP của các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phục hồi mạnh ở mức 6,2% vào năm 2021, sau khi giảm 4,1% trong năm qua.

5/ Việc tái cân bằng các chỉ số để điều chỉnh tỷ trọng tài sản trong danh mục đầu tư bắt đầu từ ngày 8/1 hàng năm đang được thực hiện. Bloomberg nói rằng việc tái cân bằng trong năm nay có thể thu hút nhiều người mua hơn bình thường đối với các hợp đồng dầu thô do giá dầu đã giảm 20% trong năm 2020. Trong 5 ngày tới, theo nhận định của Citigroup, làn sóng mua vào hợp đồng dầu kỳ hạn có thể lên tới 9 tỷ USD để điều chỉnh tỷ trọng của các chỉ số liên quan đến hàng hóa quan trọng.

Gary Ross, giám đốc điều hành của Black Gold Investors LLC nói với Bloomberg rằng, thị trường có thể sẽ chứng kiến ​​các hợp đồng mua dầu tương lai, tương đương với 80 – 100 triệu thùng dầu, có thể khiến giá dầu tăng thêm 2-3 USD/thùng.

6/ Chỉ trong một ngày, từ vị trí thứ hai Elon Musk đã vượt qua Jeff Bezos trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới. Theo Bloomberg, giá cổ phiếu Tesla tăng 4,8% trong phiên giao dịch hôm 7/1 đã nâng giá trị tài sản của Elon Musk lên 188,5 tỷ USD, cao hơn 1,5 tỷ USD so với Jeff Bezos – người giữ danh hiệu giàu nhất thế giới kể từ tháng 10/2017. Sự kiện này đánh dấu 12 tháng đặc biệt đối với Elon Musk. Trong năm qua, tài sản ròng của tỷ phú này đã tăng hơn 150 tỷ USD và đây có thể là kỷ lục về làm giàu nhanh nhất trong lịch sử. Góp phần vào thành tích này là một đợt tăng giá cổ phiếu chưa từng có tiền lệ của cổ phiếu Tesla, với mức tăng 743% trong năm 2020 nhờ lợi nhuận ổn định. Đà tăng phi mã của cổ phiếu Tesla giúp vốn hóa của hãng này vượt nhiều hãng ôtô lớn khác dù vẫn kém xa về sản lượng. Năm ngoái, Tesla chỉ xuất xưởng hơn 500.000 xe, bằng một phần nhỏ so với sản lượng của Ford Motor Co. và General Motors Co.

7/ Đường ống dẫn khí từ Trung Á đã cung cấp hơn 39 tỷ m3 khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc trong năm 2020 – theo công ty PipeChina. Đường ống chạy từ biên giới giữa Turkmenistan và Uzbekistan, đi qua Uzbekistan và Kazakhstan và kết nối với đường ống dẫn khí từ Tây sang Đông của Trung Quốc ở Horgos, Khu tự trị Tân Cương. Đây là đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia đầu tiên của Trung Quốc. Với chiều dài 1.833 km và công suất truyền tải khí hằng năm theo thiết kế là 60 tỷ m3, đường ống đã hoạt động ổn định và an toàn trong hơn 11 năm kể từ khi đưa vào phục vụ tháng 12/2009.

8/ Bộ Tài chính Indonesia nhấn mạnh rằng sự phục hồi kinh tế không nên chỉ phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ vì nguồn tiền này sẽ không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh tế vốn đang chậm lại. Thâm hụt ngân sách năm 2020 của Indonesia đã tăng vọt lên mức kỷ lục 956.300 tỷ rupiah (69,07 tỷ USD)trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, chính phủ nước này phải chi tiêu một lượng tiền khổng lồ, trong khi nguồn thu từ thuế giảm khi các hộ gia đình và doanh nghiệp phải vật lộn với tình trạng suy thoái kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani nói ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế, song chính quyền sẽ tìm cách duy trì sự lành mạnh của ngân sách trong tương lai. Vì vậy, kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách bất thường phải được chuẩn bị kỹ lưỡng vào năm 2021 và 2022.

9/ Số liệu từ CoinMarketCap cho thấy giá trị vốn hóa thị trường của tất cả các loại tiền kỹ thuật số đã tăng 10% lên 1.042 tỷ USD hôm 7/1. Trong số này, Bitcoin chiếm khoảng 69% tổng giá trị, tiếp theo là Ethereum với 13% thị phần. Bitcoin đã tăng hơn 10 lần từ mức 3.850 USD ghi nhận hồi tháng 3/2020 lên 38.655 USD trong phiên giao dịch 7/1, giữa lúc các chính phủ tăng tốc chi tiêu để giảm tác động kinh tế của đại dịch Covid-19. Ngân hàng JP Morgan dự báo đồng Bitcoin có thể đạt đỉnh kỷ lục đến 146.000 USD trong tương lai.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA