Tại cuộc họp thượng đỉnh G20 cuối tháng 11 vừa rồi, các nhà lãnh đạo khối này đã thành công trong việc “mời” Trung Quốc tham gia nhóm các nước chủ nợ - Ảnh: Nikkei

Tiêu điểm:

Núi nợ đè nén phát triển và thu hút đầu tư mới

Trung Quốc hiện chiếm đến 63% khối lượng nợ mà các nước ngoài G20 đang vay mượn từ khối G20 trong năm 2019 – theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Và nếu tính đến số nợ mà các thành viên G20 vay mượn từ Trung Quốc, con số này thật sự khủng khiếp. Nói cách khác, Trung Quốc đang là chủ nợ chính của thế giới.

Xem thêm chi tiết tại link:

Núi nợ đè nén phát triển và thu hút đầu tư mới

1/ Gói tín dụng hơn 4.000 tỷ đồng dự kiến sẽ được TP. HCM sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19. Theo đó, gói tín dụng dự kiến này sẽ được hỗ trợ với lãi suất 0% dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong các nhóm ngành: dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng và doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm lớn. Thời gian qua TP. HCM đã thực hiện gói hỗ trợ lần một cho các doanh nghiệp khó khăn. Trong đó, đã xử lý gia hạn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp; 218 tỷ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cho các hộ kinh doanh.

2/ Giá vàng miếng SJC ở mức 55,05 – 55,60 triệu đồng/lượng, tăng trở lại tới 450.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn ở mức 550 ngàn đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.866,2 USD/ounce, tăng tới 28,1 USD, tương đương 1,53% so với chốt phiên trước. Các nhà lập pháp Mỹ hiện đang tìm cách đưa ra một thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế trị giá 908 tỷ USD. Khi tiền được tung vào nền kinh tế, vàng được coi là một hàng rào chống lạm phát ưa thích của các nhà đầu tư.

3/ Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo lần lượt đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Theo đại diện của  Cục, thì gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng đã được cải thiện. Đáng chú ý, trong gần một tháng qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ, từ mức 495 USD/tấn vào đầu tháng lên khoảng 498 USD/tấn vào gần cuối tháng. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo japonica, gạo nếp. Bộ NN&PTNT dự báo thì sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 sẽ ở mức từ 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 – 13,5 triệu tấn thóc).

Trong gần một tháng vừa qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ, từ mức 495 USD/tấn vào đầu tháng lên khoảng 498 USD/tấn

4/ Bắt đầu từ ngày 12 đến 31/12, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ bắt đầu vận hành thử nghiệm toàn bộ hệ thống để hoàn thành đánh giá an toàn. Theo thiết kế tổng thể, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h. Hệ thống được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành đặt tại Depot Hà Đông. Dự án có tổng mức đầu tư là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng). Khi khai thác, các đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống và tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.

5/ Công ty quảng cáo Nhật Bản Dentsu Group đã có kế hoạch để cắt giảm 6.000 nhân viên trong các hoạt động kinh doanh quốc tế, để đối phó với việc suy giảm doanh thu từ các khách hàng doanh nghiệp đang gặp khó khăn trên toàn cầu. Kế hoạch cắt giảm việc làm này sẽ diễn ra từ giờ đến cuối năm sau tại Dentsu International, chi nhánh công ty con tại nước ngoài. Mức cắt giảm này chiếm 12,5% lực lượng lao động của công ty. Dentsu cũng đã có ý định về việc hợp nhất các công ty con quốc tế của mình để cắt giảm chi phí, bằng cách tích hợp 160 thương hiệu thành 6 thương hiệu toàn cầu trong hai năm tới. Chi phí tiết kiệm hàng năm từ việc tái cơ cấu này dự kiến ​​sẽ hơn 530 triệu USD từ cuối năm 2021.

6/ Mitsubishi đã ký kết hai hợp đồng với công ty đường sắt nhà nước của Myanmar, Myanma Railways, để cung cấp các đầu máy và bộ phận mới. Tổng chi phí của hai dự án này là khoảng 69 tỷ Yên (663,2 triệu USD), được chi trả bởi một hiệp định cho vay bằng Yên quốc tế giữa chính phủ Nhật Bản và Myanmar. Những dự án này là một phần trong nỗ lực xuất khẩu cơ sở hạ tầng đường sắt của chính phủ Nhật Bản. Mitsubishi sẽ cung cấp 66 toa cho tuyến Đường sắt tròn Yangon, chạy qua trung tâm Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar và 180 toa cho tuyến Đường sắt Yangon-Mandalay, nối Yangon, Naypyitaw và Mandalay.

7/ Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào hôm nay đã công bố một gói kích thích kinh tế mới trị giá 73.600 tỷ yen (708 tỷ USD), nhằm kéo quốc gia này ra khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây sẽ là gói kích thích đầu tiên của ông từ khi nhậm chức, được coi là phép thử sớm với khả năng lãnh đạo của Suga trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Nhật đã tăng lên và sự ủng hộ với nội các giảm xuống. Trước đó, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tung 2 gói kích thích với quy mô tổng cộng 2.200 tỷ USD, tập trung giải quyết các thách thức trước mắt cho hộ gia đình và doanh nghiệp. Suga cho biết gói kích thích kinh tế lần này sẽ giúp thúc đẩy “cơ hội tăng trưởng kinh tế mới”. Hiện tại, GDP Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại trong quý III, sau quý II tệ nhất trong hàng chục năm qua.

8/ Hyundai Motor Co đang có kế hoạch thu hồi tổng cộng 50.864 xe điện Kona và xe chạy pin nhiên liệu Nexo tại Hàn Quốc do lỗi trong hệ thống thắng điện tử. Hệ thống thắng của xe có thể không hoạt động được do lỗi từ phần mềm. Hiện tại thì vẫn chưa rõ liệu việc thu hồi có ảnh hưởng đến các thị trường khác hay không. Kona là một trong những xe điện được bán chạy nhất ở thị trường châu Âu và doanh số của chúng bên ngoài thị trường nội địa chiếm hơn ba phần tư tổng số. Hãng chi nhánh Kia Motors cũng đã có kế hoạch triệu hồi thêm 1.895 xe điện Soul do vấn đề tương tự. Hyundai cũng đang thu hồi ít nhất 74.000 chiếc Kona EV của mình trên toàn cầu, sau khi nhiều trong số chúng bị cháy ở Hàn Quốc, Canada và châu Âu trong hơn hai năm.

Mẫu xe điện Kona của Hyundai – Ảnh: Nikkei

9/ Vừa qua, công ty khởi nghiệp xe tự hành Aurora Innovation vừa thông báo sẽ mua lại bộ phận phát triển xe tự lái Advanced Technologies Group (ATG) của Uber. Thương vụ, dự kiến sẽ hoàn tất vào quý 1/2021, trị giá 4 tỷ USD. Động thái này diễn ra trong bối cảnh doanh thu của Uber tiếp tục lao dốc thảm hại do tác động của đại dịch Covid-19. Theo thỏa thuận, Aurora sẽ tiếp quản toàn bộ nhân viên và công nghệ của công ty ATG. Hơn thế nữa, Uber cam kết sẽ đầu tư 400 triệu USD vào Aurora và CEO của Uber là Dara Khosrowshahi sẽ tham gia vào hội đồng quản trị của Aurora. Chris Urmson, Giám đốc điều hành của Aurora, cho biết sau thương vụ này, Aurora sẽ có giá trị vốn hóa lên tới 10 tỷ USD và Uber sẽ nắm giữ 26% cổ phần của công ty này.

10/ Từng là một trong những quốc gia sản xuất dầu thô và khí đốt lớn nhất EU trên 400.000 thùng/ngày, nhưng đến năm 2020, sản lượng dầu và khí của Đan Mạch đã giảm còn 70.000 thùng/ngày và 3,8 triệu m3 khí/ngày. Số giàn khoan hoạt động trên thềm lục địa biển Bắc còn 55 giàn nằm rải rác trên 20 mỏ dầu và khí. Cuối tháng 8/2020, Đan Mạch đã bán nốt tài số sản dầu khí lớn cuối cùng Moller-Maersk với giá 7,5 tỷ USD cho tập đoàn dầu khí Total. Thay vào đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo đảm bảo đến 72% sản lượng điện và 71% hệ thống sưởi ấm, riêng phong điện đã sản xuất được 48% tổng lượng điện.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA