Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
Tin tức về thị trường đạm thay thế
1.    Shiok Meats xác nhận kế hoạch ra mắt thương mại cho dòng sản phẩm thịt tôm cell-based vào năm 2023
Nhà tiên phong trong lĩnh vực thủy sản nuôi trồng Shiok Meats (Singapore) đã tiết lộ rằng chi phí sản xuất tôm nuôi cấy của họ hiện đã giảm xuống mức đáng kể chỉ còn 50 USD/kg, giúp công ty tiến gần hơn đến việc hiện thực hóa kế hoạch ra mắt thương mại cho dòng sản phẩm thịt tôm cell-based vào cuối năm 2023.
Shiok Meats là một trong những công ty đầu tiên ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương tập trung nghiên cứu  thủy sản cell-based và động vật giáp xác nói riêng, với sự phát triển này, công ty cũng hy vọng sẽ trở thành công ty đầu tiên trong khu vực cung cấp tôm nuôi cấy cho người tiêu dùng.
Cho đến nay, Shiok Meats đã nhận được vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2018. Nhưng với sự phát triển nhanh chóng, khi đội ngũ công ty đã tăng từ 5 lên đến hơn 40 nhân viên trong vòng bốn năm, cùng với việc triển khai nhà máy sản xuất tại Singapore, công ty hiện đang bắt đầu một vòng gọi vốn mới để tiếp tục mở rộng và phát triển. Start-up này đã nhận đầu tư từ nhiều công ty lớn ở châu Á bao gồm CJ Cheiljedang của Hàn Quốc, Vĩnh Hoàn của Việt Nam, Toyo Seikan của Nhật Bản và nhiều công ty khác – nhưng họ hy vọng sẽ được hợp tác với nhiều công ty thực phẩm lớn hơn nữa để có thể tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn trong tương lai.
Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/08/09/shiok-meats-confirms-2023-commercial-launch-plans-as-cultivated-shrimp-reaches-us-50-kg-milestone
2.    Công ty sản xuất tempeh (tương nén*) với mục tiêu chiếm 10% thị phần toàn cầu trị giá 4,5 tỷ đô la Mỹ
*Tempeh – phát âm tem-pêi, là một sản phẩm lên men có nguồn gốc từ Indonesia. Tempeh trong tiếng Indonesia được dùng để chỉ chung các sản phẩm lên men từ các cây họ đậu, với nấm Rhizopus oligosporus. Loại tempeh phổ biến nhất được làm từ đậu nành. Tempeh được coi là một nguồn protein dồi dào, đặc biệt cho những người ăn chay và thuần chay, cùng nhiều dưỡng chất khác. Do quá trình lên men từ nguyên hạt đậu nên tempeh giữ được nhiều dinh dưỡng hơn, nếu so với đậu phụ.
Theo nhà sáng lập Angie’s Tempeh (Công ty Singapore thành lập vào năm 2020), để đạt được vị trí dẫn đầu toàn cầu trong thị trường bánh đậu lên men truyền thống đòi hỏi phải có những đổi mới trong công thức và khả năng thu hút những đối tượng mới ngoài nhóm người tiêu dùng thuần chay có ý thức về sức khỏe. Với hai chiến lược trên, thương hiệu này đặt mục tiêu chiếm 10% thị trường tempeh toàn cầu, ước tính trị giá 4,53 tỷ đô la Mỹ. Công ty này cũng đang đồng thời lên chiến lược mở rộng thị trường Đông Nam Á vào năm 2027.
Trong nước, thương hiệu này đang tìm cách thâm nhập vào các siêu thị lớn với nhiều loại thực phẩm tiện lợi như khoai tây chiên ăn liền (RTE), sa tế và cốm nấu sẵn (RTC) vào quý 4 năm 2023. Hiện tại, người tiêu dùng chỉ có thể mua các sản phẩm của công ty thông qua các sàn thương mại điện tử.
Theo Angeline Leong – nhà sáng lập của Angie’s Tempeh, thị trường tempeh đang phát triển do sự bùng nổ của phân khúc đạm thay thế. Bất chấp sự phát triển của các loại thịt thay thế được tổng hợp từ thực vật, người tiêu dùng vẫn cảm thấy không thoải mái khi ăn thực phẩm được chế biến và xử lý quá nhiều. Tuy nhiên, đây lại là lợi thế đối với tempeh vì nó chỉ có ba thành phần – chất nền, men và nước.
Cho đến nay, thương hiệu này đang có 11 loại tempeh được sản xuất tại một cơ sở rộng 2.500 mét vuông ở miền bắc Singapore. Vào năm 2021, doanh thu của thương hiệu đạt gần 1 triệu đô la Singapore (700.000 USD), và năm 2022 dự kiến có thể sẽ vượt qua mốc một triệu USD.
Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/08/04/angie-s-tempeh-strives-for-10-share-in-us-4.5bn-world-tempeh-market
3.    Nỗ lực đáp ứng nhu cầu về thủy sản của thị trường châu Á của các công ty lớn trong ngành
Từ những tiến bộ bền vững đến áp dụng các phương pháp sản xuất thay thế, các công ty lớn như Thai Union và CP Foods, cùng với các nhà tiên phong về đạm thay thế như Shiok Meats và OmniFoods đã chia sẻ những hiểu biết độc quyền của họ về việc đáp ứng nhu cầu thủy sản dường như chưa bao giờ hạ nhiệt của châu Á.
Ngành thủy sản của khu vực Châu Á dự kiến ​​sẽ tăng trưởng đáng kể về giá trị, có thể lên đến 107,4 tỷ USD vào năm 2027 từ 85,8 tỷ USD vào năm 2019. Châu Á luôn là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất trên thế giới, nhưng trong khu vực, ngành thủy sản tại các nước đã gặp phải nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng,  từ các vụ gian lận thủy sản đến các lo ngại về an toàn thực phẩm và ô nhiễm.
Nhiều công ty thủy sản lớn như Thai Union và CP Foods tin rằng câu trả lời cho vấn đề này nằm ở việc cung cấp bằng chứng minh bạch về chuỗi cung ứng bền vững của họ cho người tiêu dùng, để chứng minh độ tin cậy của các quy trình của họ trước những nghi ngờ.
Cụ thể, CP Foods đã liên kết chặt chẽ khía cạnh sức khỏe và an toàn thực phẩm với các chiến lược phát triển bền vững của mình, trong đó tập trung vào các khía cạnh cụ thể như ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc kháng sinh và giảm thiểu chất thải trong nước. Mặt khác, Thai Union đã tập trung rất nhiều vào tính bền vững của nguồn hải sản và thể hiện sự tập trung mạnh mẽ vào vấn đề này bằng cách hợp tác với Dự án Thủy sản Bền vững của Tổ chức Phi chính phủ (SFP) và mở rộng chuỗi cung ứng của mình để kiểm tra theo hệ thống Chỉ số Thủy sản được hoan nghênh trên toàn cầu của SFP.
Sự vươn lên của phân khúc hải sản cell-based
Trong khi các công ty trong lĩnh vực thủy sản truyền thống đang nỗ lực tối đa hóa tính bền vững với hy vọng nâng cao niềm tin của người tiêu dùng, ở phân khúc đạm thay thế, ngành thủy sản nuôi cấy đã nổi lên với một tốc độ phát triển vượt bậc, với hàng triệu đô la vốn đầu tư vào năm 2021.
Các công ty thủy sản cell-based  tự hào với khả năng “thu hoạch” nhanh hơn, sạch hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn nhờ sử dụng các lò phản ứng sinh học, và một trong những nhà tiên phong không thể phủ nhận trong lĩnh vực này là Shiok Meats – start-up từ Singapore. Theo Sandhya Sriram, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập của Shiok Meats Group, rằng ngành thủy sản nuôi trồng không còn ở giai đoạn “có cho vui”, mà giờ đây đã chuyển sang giai đoạn “cần phải có” như một nguồn cung cấp protein thay thế tiềm năng trong tương lai.
“Ngành thịt nuôi cấy không còn là câu chuyện tương lai nữa – nó đang trở nên khả thi hơn bao giờ hết.” – Sriram chia sẻ
Ngành plant-based chẳng thể đứng ngoài
Mặc dù thủy sản nuôi cấy là một lĩnh vực đột phá và có tiềm năng thay đổi ngành, nhưng không thể phủ nhận rằng ngành này vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để thực sự tạo ra sự thay đổi về thị phần và giảm bớt áp lực lên chuỗi cung ứng thủy sản trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh đó, nhiều công ty đã bắt đầu nhận ra giá trị của nguồn thủy sản plant-based như một giải pháp không chỉ đáp ứng yếu tố bền vững mà còn giúp mở rộng tập khách hàng hướng đến nhóm người ăn chay và nhóm khách hàng quan tâm đến yếu tố sức khỏe. Nhiều công ty đã bắt đầu phát triển các dòng hải sản chay của riêng mình, như Thai Union với dòng sản phẩm OMG Meat gồm các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc thực vật như bánh bao cua, thịt cua, chả cá, cá ngừ, bánh bao tôm…, hoặc công ty chuyên sản xuất thịt thực vật OmniFoods cũng tự tin vào tiềm năng của thủy sản thực vật khi tung ra một dòng sản phẩm riêng cho phân khúc này, có tên OmniSeafood, vào đầu năm nay.
Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/08/03/thai-union-cp-foods-shiok-meats-and-omnifoods-on-meeting-asia-s-seafood-demand
Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế
1.    KIDO tham vọng trở lại ‘ngôi vương’ ngành bánh kẹo
KIDO đã có bước đột phá thành công Sau thương vụ chuyển nhượng thương hiệu Kinh Đô cho Tập đoàn Mondelēz International với trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng vào năm 2014, nhưng sức mạnh đổi mới tiếp theo của tập đoàn sẽ là hành trình trở lại “ngôi vương” ngành bánh kẹo – mang bánh trở thành hàng thiết yếu của người Việt và xuất khẩu văn hóa Việt ra thế giới. KIDO vừa qua công đưa vào hoạt động Nhà máy bánh kẹo KIDO’s Bakery với diện tích 12.735m², công suất hoạt động 19.044 tấn/năm từ ngày 17/4. Với thương hiệu bánh tươi và bánh trung thu KIDO’s Bakery, đơn vị đặt mục tiêu chiếm vị trí thứ 2 trong ngành bánh tươi tại Việt Nam.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/kido-tham-vong-tro-lai-ngoi-vuong-nganh-banh-keo.html
2.    Ra mắt thương hiệu thịt đông lạnh và hải sản chế biến HidaFoods
Ngày 8/8, Công ty CPThực phẩm Hida tổ chức lễ ra mắt thương hiệu HidaFoods, mang sứ mệnh lan tỏa sự đa dạng về ẩm thực, giúp người Việt chế biến nhiều món ngon từ nguyên liệu là thịt bò Hidasan và hải sản. HidaFoods là thương hiệu về thực phẩm thịt đông lạnh và hải sản chế biến cao cấp. Thương hiệu hướng tới đối tượng khách hàng là người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là các bà nội trợ và người tiêu dùng trẻ. Các sản phẩm của HidaFoods được sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến của Nhật Bản nhằm đạt các tiêu chuẩn khắt khe.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Hida được thành lập vào đầu tháng 3/2022. Sau một tháng, công ty bắt tay vào xây dựng nhà máy sản xuất ra các sản phẩm mang thương hiệu HidaFoods và đặc biệt là thịt bò Hidasan. Cuối tháng 6/2022, sản phẩm đầu tiên thịt bò Hidasan có mặt trên thị trường thực phẩm Việt Nam.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ra-mat-thuong-hieu-thit-dong-lanh-va-hai-san-che-bien-hidafoods-2048114.html
3.    Lạm phát tăng cao, người dân Singapore quay cuồng trong cơn bão giá
Theo cơ quan thống kê Singapore, lạm phát cơ bản của đảo quốc sư tử tiếp tục tăng trong những tháng qua. Dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 25/7 cho thấy mức tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ tháng 11/2008 – thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Nhiều người bán hàng rong ở Singapore đã buộc phải tăng giá hàng hóa trong nửa đầu năm 2022 do chi phí của nhiều nguyên liệu đầu vào như dầu ăn, thịt gà hay trứng… đã liên tục tăng trong năm qua do tác động của đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và cuộc xung đột ở Ukraine.
Nguồn: https://baoquocte.vn/lam-phat-tang-cao-nguoi-dan-singapore-quay-cuong-trong-con-bao-gia-193035.html
4.    Startup gốc Á phát triển dịch vụ giao đồ ăn địa phương lớn nhất nước Mỹ
DoorDash là một ứng dụng giao đồ ăn địa phương rất nổi tiếng ở Mỹ, được Andy Fang cùng hai người bạn là Tony Xu và Stanley Tang thành lập vào năm 2013. Sau 8 năm hoạt động, ứng dụng đã phục vụ hàng trăm nghìn người bán hàng và hàng chục triệu người tiêu dùng. Trong năm 2021 vừa qua, doanh thu của DoorDash đạt ngưỡng 3 tỷ USD.
Nguồn: https://vneconomy.vn/startup-goc-a-phat-trien-dich-vu-giao-do-an-dia-phuong-lon-nhat-nuoc-my.htm
5.    Nhà máy sản xuất chocolate lớn nhất thế giới hoạt động trở lại
Sau 6 tuần ngừng hoạt động để tiến hành khử khuẩn môi trường có chứa khuẩn salmonella gây bệnh về đường tiêu hóa, nhà máy sản xuất chocolate được mệnh danh lớn nhất thế giới của Bỉ đã bắt đầu vận hành trở lại một phần dây chuyền sản xuất.
Đại diện Barry Callebaut – công ty vận hành nhà máy ở thị trấn Wieze – cho biết 3 trong số 24 dây chuyền sản xuất tại nhà máy đã nối lại hoạt động và có chuyến hàng đầu tiên được giao đi.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nha-may-san-xuat-chocolate-lon-nhat-the-gioi-hoat-dong-tro-lai/809964.vnp
6.    Giá lúa mì xuống gần mức đầu năm
Giá lúa mì trên các sàn giao dịch nguyên liệu tiếp tục đà giảm từ đầu tháng 6 và tới tuần vừa qua, đã về gần với mức giá của thời điểm đầu năm nay. Theo một biểu đồ trên tờ Lidové Noviny tại Cộng hòa Czech, giá 1 đơn vị giao dịch lúa mì trên thị trường thế giới (tương đương 2.720 kg) đầu năm nay là 760 USD, đã bật tăng gần gấp đôi ngay sau khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, lên tới 1.300 USD vào ngày đầu tháng 3, sau đó giảm dần, và tới cuối tháng 7 xuống lại mức 800 USD, chỉ cao hơ  giá hồi đầu năm nay khoảng 5%.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-lua-mi-xuong-gan-muc-dau-nam-20220808103256511.htm
7.    Chỉ số giá lương thực thế giới giảm
Chỉ số giá lương thực thế giới tháng 7 đạt trung bình 140,9 điểm, giảm 8,6% so với tháng trước đó. Đây là mức giảm trong tháng lớn nhất kể từ năm 2008. Tháng 7 vừa qua cũng đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp thế giới chứng kiến chỉ số giá lương thực giảm.
Giá dầu thực vật, giảm 19,2% và giá ngũ cốc giảm 11,5% đã giúp chỉ số giá lương thực thế giới giảm trong tháng qua. Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), thị trường ngũ cốc toàn cầu đã phản ứng tích cực trước thỏa thuận về vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine và các điều chỉnh đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/chi-so-gia-luong-thuc-the-gioi-giam-post961600.vov
Nhóm tin về ngành du lịch
1.    Đem lại giá trị kép, du lịch nông nghiệp được nhân rộng tại Bến Tre
Gần đây, ngành du lịch tỉnh Bến Tre chuyển sang phục vụ khách theo mô hình ‘cây nhà, lá vườn’. Các mô hình du lịch sinh thái ở nông thôn như tham quan vườn cây ăn trái, hái trái cây, vui chơi, nghỉ ngơi trong vườn cây… được du khách yêu thích và thu lợi nhuận cao.
Chỉ tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có đến 50 điểm du lịch nông nghiệp, trong đó riêng xã Tân Phú có 15 điểm du lịch sinh thái miệt vườn đang hoạt động. Tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc và thành phố Bến Tre cũng phát triển hàng chục cơ sở kinh doanh du lịch miệt vườn với rất đông du khách.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/san-tour/dem-lai-gia-tri-kep-du-lich-nong-nghiep-duoc-nhan-rong-tai-ben-tre-post961464.vov
2.    Đà Nẵng kích hoạt thị trường du lịch Hàn Quốc với nhiều sản phẩm mới
Ngày 8/8, tại Seoul (Hàn Quốc), Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng nhằm đẩy mạnh quảng bá điểm đến Đà Nẵng sau đại dịch Covid-19 với hàng loạt sản phẩm và sự kiện du lịch, đặc biệt là du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event – loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác), golf và tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng, miền trung nắm thông tin về xu hướng thị trường và kết nối với các đối tác Hàn Quốc.
Với chính sách mở cửa du lịch hoàn toàn của chính phủ Việt Nam từ ngày 15/3, kỳ vọng con số 4,3 triệu khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam như trước đại dịch Covid-19 sẽ sớm đạt được, nhất là trong bối cảnh Đà Nẵng đang có nhiều chương trình ưu đãi dành cho du khách Hàn Quốc.
Nguồn: https://nhandan.vn/da-nang-kich-hoat-thi-truong-du-lich-han-quoc-voi-nhieu-san-pham-moi-post709564.html
Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1.    THACO đặt mục tiêu đưa Emart trở thành đại siêu thị hàng đầu Việt Nam
Emart Việt Nam đang khẩn trương triển khai kế hoạch khai trương thêm hai đại siêu thị trong năm 2022: Emart Sala Thủ Thiêm (tháng 10/2022) và Emart Phan Huy Ích (tháng 12/2022). Đồng thời, đặt kế hoạch đạt 20 siêu thị trong 5 năm tới, đến năm 2026 mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD, trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam.
Không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Emart Việt Nam còn chú trọng việc đổi mới danh mục sản phẩm ở các mặt hàng tươi sống, thực phẩm và đồ uống, thời trang, hóa mỹ phẩm,… Ngoài ra, Emart Việt Nam cũng chú trọng và đầu tư mạnh mẽ cho ứng dụng mua sắm trực tuyến, với mục tiêu phát triển phục vụ khách hàng tốt hơn ở những nơi Emart Việt Nam có mặt.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/ti-phu-tran-ba-duong-dat-muc-tieu-doanh-thu-1-ti-usd-cho-emart-2022080608260885.htm
2.    Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nội đang giành lại lợi thế
Một điểm đáng chú ý của thị trường bán lẻ trong nước chính là sự nổi trội của các thương hiệu Việt Nam. Nếu như ở thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ của nội địa thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70 – 80% số điểm bán trên cả nước.
Một trong những lý do giúp các doanh nghiệp nội dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước chính là sự đầu tư để gia tăng trải nghiệm cho người dùng, bao gồm không gian mua sắm, công nghệ và yếu tố sức khỏe. Theo đại diện của Worldpanel Division Vietnam (thuộc Tập đoàn Kantar), người tiêu dùng đã dần bỏ chợ truyền thống và tìm đến các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi là những nơi có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu của họ, bao gồm cả thực phẩm tươi sống, cũng như đem lại cho họ những trải nghiệm mua sắm tiện ích hơn.
Nguồn: https://tienphong.vn/thi-truong-ban-le-viet-nam-doanh-nghiep-noi-dang-gianh-lai-loi-the-post1459187.tpo
3.    Facebook sắp ngừng tính năng mua sắm trực tiếp qua livestream
Mới đây, Facebook tuyên bố sẽ đóng cửa các tính năng mua sắm trực tiếp (Live Shopping: người xem có thể mua hàng trực tiếp từ livestream) từ ngày 1/10. Coresight Research ước tính thị trường mua sắm trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội sẽ trị giá 25 tỷ USD vào năm 2023, nhiều chủ doanh nghiệp không muốn từ bỏ thị trường trị này.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/facebook-sap-ngung-tinh-nang-mua-sam-truc-tiep-qua-livestream-520226813441866.htm
4.    Chi phí khâu trung gian hàng hoá đang bất hợp lý
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thời gian qua, giá thịt lợn duy trì ở mức cao. “Nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả, không giải quyết được điểm nghẽn trên, câu chuyện ‘té nước theo mưa’ hay giá cả hàng hóa ‘lên nhanh, xuống chậm’ sẽ rất khó chấm dứt”. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhấn mạnh: Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều nên nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều, còn người dân, người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/chi-phi-khau-trung-gian-hang-hoa-dang-bat-hop-ly-20220806011156179.htm
5.    Mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng trỗi dậy ở Mỹ
Xu hướng nhà sản xuất bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C) đang ngày càng thịnh hành ở Mỹ , tạo cú hích cho các công ty công nghệ phát triển những phần mềm gỡ rối sự phức tạp của chuỗi cung ứng bán lẻ.
Chiến lược D2C đã nuôi dưỡng một hệ sinh thái ngày càng phát triển của những công ty như Shopify, nhà bán lẻ trực tuyến cung cấp các công cụ trực tuyến cho bên bán hàng thứ 3 và đang mở rộng khả năng xử lý hậu cần cho khách hàng. Những nhà cung cấp phần mềm chuỗi cung ứng như Manhattan Associates, Blue Yonder và Infor ở Mỹ cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất quản lý hàng tồn kho và dòng chảy hàng hóa trong chuỗi cung ứng của họ.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/mo-hinh-ban-hang-truc-tiep-den-nguoi-tieu-dung-troi-day-o-my/
Nhóm tin về ngành thời trang
  1. Ngày ảm đạm của thánh địa mua sắm Trung Quốc
Từng là thánh địa cho những người mua sắm tìm kiếm món hời thời trang, chợ quần áo đường Qipu ở Thượng Hải giống như thị trấn ma trong chuyến thăm gần đây, với nhiều cửa hàng đóng cửa và ít người mua tiềm năng.
Sự yên tĩnh kỳ lạ hiện tại đánh dấu sự tương phản rõ rệt với những ngày trước đại dịch, khi khu chợ này có 100.000 người lưu thông hàng ngày. Kể từ khi lệnh khóa cửa nghiêm ngặt kéo dài 60 ngày vào đầu năm nay do Covid-19, các chủ cửa hàng Qipu trở nên lo lắng rằng ngày tàn đang tới.
Nguồn: https://zingnews.vn/ngay-am-dam-cua-thanh-dia-mua-sam-trung-quoc-post1343403.html
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1.    Đối tác số 1 của Apple mở rộng sản xuất iPhone ở Ấn Độ khi căng thẳng eo biển Đài Loan leo thang
Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan, sẽ sớm bắt đầu sản xuất smartphone tại một tòa nhà mới tại nhà máy hiện có gần Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ, theo tờ The Economic Times, trích dẫn các nguồn tin giấu tên.
Giữa những trở ngại từ chính sách Zero-Covid và các hạn chế thương mại gia tăng từ Mỹ, Foxconn vẫn cam kết sản xuất tại Trung Quốc, một phần quan trọng của chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị mới giữa Đài Loan và Trung Quốc buộc công ty này phải có những cân nhắc những động thái mở rộng sản xuất sang Ấn Độ.
Nguồn: https://1thegioi.vn/doi-tac-so-1-cua-apple-mo-rong-san-xuat-iphone-o-an-do-khi-cang-thang-eo-bien-dai-loan-leo-thang-185270.html
2.    Gần 10.000 nhân viên Alibaba bị sa thải
Theo SCMP, từ tháng 4 – 6/2022, Alibaba mất hơn 10.000 nhân viên. Nhân sự công ty giảm từ 254.941 cuối tháng xuống 245.700. Như vậy, sáu tháng đầu năm, tổng cộng 13.616 nhân viên đã bỏ Alibaba, đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3/2016.
Điều này phản ánh nỗ lực của Alibaba trong cắt giảm chi phí và tăng cường hiệu quả khi đối mặt với áp lực từ các nhà quản lý, chi tiêu của người dùng giảm mạnh và kinh tế tăng trưởng chậm.
Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/gan-10000-nhan-vien-alibaba-bi-sa-thai-d31726.html
3.    ‘Cơn bão’ chống tham nhũng quét qua ngành bán dẫn Trung Quốc
Kể từ giữa tháng 7 đến nay đã có hàng loạt nhân vật cấp cao liên quan đến một quỹ đầu tư ngành bán dẫn Trung Quốc bị điều tra. Đợt điều tra bắt đầu từ cựu giám đốc công ty chuyên đầu tư ngành bán dẫn Sino IC Capital Lộ Quân, sau đó đến hai nhân viên Quỹ đầu tư Ngành công nghiệp vi mạch quốc gia Trung Quốc (CICF) Vương Văn Trung và Dương Chinh Phàm, tiếp theo là Chủ tịch CICF Đinh Văn Vũ.
Bê bối tham nhũng cũng làm rung chuyển cả tập đoàn Tử Quang (Tsinghua Unigroup) – đơn vị nhận đầu tư từ CICF nhiều nhất khiến cựu Chủ tịch Triệu Vĩ Quốc cùng hai giám đốc bị bắt.
Nguồn: https://1thegioi.vn/con-bao-chong-tham-nhung-quet-qua-nganh-ban-dan-trung-quoc-185417.html
4.    Tesla kí hợp đồng 5 tỉ USD với Indonesia để mua nguyên liệu sản xuất pin ô tô điện
Bộ trưởng Indonesia vừa tiết lộ Tesla đã ký hợp đồng trị giá khoảng 5 tỉ USD để mua nguyên liệu sản xuất pin ô tô điện từ các công ty chế biến niken ở Indonesia. Theo đó, Tesla đã ký hợp đồng 5 năm với các công ty chế biến niken hoạt động ngoài tỉnh Morowali Regency ở đảo Sulawesi.
Indonesia hiện là nước có trữ lượng niken lớn nhất thế giới. Tổng thống Indonesia – ông Joko Widodo rất muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô điện dựa trên niken tại quê nhà – từ sản xuất kim loại niken đến linh kiện pin và lắp ráp ô tô điện.
Nguồn: https://1thegioi.vn/tesla-ki-hop-dong-5-ti-usd-voi-indonesia-de-mua-nguyen-lieu-san-xuat-pin-o-to-dien-185393.html
5.    Ô tô điện Trung Quốc nhanh chóng mở rộng thị phần tại châu Âu
Các hãng xe ô tô điện của Trung Quốc đã bán được 75.000 chiếc tại Châu Âu trong nửa đầu năm 2022, tức là gần bằng với doanh số của cả năm 2021. Ôtô điện Trung Quốc đang dần chiếm thị phần lớn hơn tại châu Âu nhờ ưu thế về giá, công nghệ, linh kiện thay thế hay cách tiếp cận kinh doanh mới.
Nhờ doanh số tăng mạnh, ô tô điện của Trung Quốc đã vươn lên đứng thứ 3 tại châu Âu, chỉ xếp sau các tên tuổi lớn như Tập đoàn Volkswagen của Đức với 124.000 chiếc và Liên doanh ô tô Mỹ – Pháp – Italia là Stellantis với 114.000 chiếc. Đây là con số rất đáng chú ý bởi mới chỉ cách đây 3 năm, ô tô điện Trung Quốc mới chỉ chiếm 0,6% thị phần tại châu Âu.
Nguồn: https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/o-to-dien-trung-quoc-nhanh-chong-mo-rong-thi-phan-tai-chau-au-post961972.vov
6.    Ấn Độ xem xét hạn chế điện thoại giá rẻ Trung Quốc
Theo Bloomberg, Ấn Độ đang tìm cách hạn chế các công ty Trung Quốc tham gia vào thị trường điện thoại có giá dưới 150 USD/chiếc, nhằm tạo cơ hội cạnh tranh cho công ty trong nước.
Động thái trên có thể sẽ là một đòn giáng mạnh vào các công ty Trung Quốc như Xiaomi. Các kế hoạch này trùng hợp với thời điểm những lo ngại gia tăng ở Ấn Độ về việc các thương hiệu Trung Quốc đưa ra giá rẻ hơn so với các nhà sản xuất điện thoại thông minh địa phương.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/an-do-xem-xet-han-che-dien-thoai-gia-re-trung-quoc-20220809153521345.htm
Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng
1.    Cơn ‘khát’ khí đốt dâng cao trên toàn cầu, các quốc gia Trung Đông đứng trước cơ hội để thống trị thị trường
Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt trên thế giới bị thắt chặt, các quốc gia Trung Đông đang có những kế hoạch tiềm năng để phát triển khí đốt. Những kế hoạch được đánh giá có thể sẽ giúp những quốc gia này thu được lợi nhuận khổng lồ và có thể thâu tóm thị trường năng lượng.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/con-khat-khi-dot-dang-cao-tren-toan-cau-nhung-quoc-gia-nay-dang-nam-giu-ke-hoach-bom-tan-de-thong-tri-thi-truong-42022885453892.htm
2.    Nga cạnh tranh với Saudi Arabia để bán dầu ở Ấn Độ
Nga đang giảm giá dầu thô xuống mức thấp hơn so với giá dầu của Saudi Arabia khi tìm cách bán dầu sang châu Á. Theo Bloomberg và dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, dầu Nga rẻ hơn dầu Saudi Arabia trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Mức chênh lệch giữa hai loại dầu tăng lên gần 19 USD/thùng vào tháng 5, sau đó giảm và chênh 13 USD/thùng vào tháng 6.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-canh-tranh-voi-saudi-arabia-de-ban-dau-o-an-do-20220807110410654.htm
3.    Sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên của Trung Quốc vượt 100 tỷ m3/năm
Sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã vượt 100 tỷ m3/năm trong 5 năm trở lại đây. Thepaper.cn dẫn số liệu thống kê từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Các chuyên gia CNPC cho biết, kết quả này là nhờ bước tiến về công nghệ và nỗ lực tăng tốc phát triển khí đốt vì mục tiêu bảo vệ môi trường của quốc gia. Tuy nhiên, sản lượng này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu quá lớn ở trong nước. Hiện nay Trung Quốc vẫn phải nhập 40% khí đốt nước ngoài, so với khoảng 30% cách đây vài năm.
Nguồn: https://ndh.vn/nang-luong/san-luong-khai-thac-khi-dot-tu-nhien-cua-trung-quoc-vuot-100-ty-m3-nam-1321505.html
Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới
1.    Quỹ mạo hiểm Trung Quốc chọn Singapore làm bàn đạp rót vốn vào startup ở ASEAN
Các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Trung Quốc đang gia nhập làn sóng thiết lập văn phòng tại Singapore để nhắm mục tiêu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) đang phát triển nhanh ở khu vực ASEAN. Các startup của khu vực này đã thu hút lượng vốn đầu tư kỷ lục 25,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021, cao hơn gấp đôi so với năm trước đó. Có 25 kỳ lân khởi nghiệp (startup được định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên) được tạo ra trong khu vực vào năm ngoái, vượt tổng số các kỳ lân được tạo ra trong tất cả các năm trước đó cộng lại.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/quy-mao-hiem-trung-quoc-chon-singapore-lam-ban-dap-rot-von-vao-startup-o-asean/
2.    Thêm quỹ khởi nghiệp 50 triệu USD cho Start-up Việt
Quỹ Expara Southeast Asia Ventures với quy mô 50 triệu USD sẽ tập trung vào giai đoạn hạt giống, chủ yếu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Đông Nam Á, trong đó sẽ ưu tiên cho start-up Việt Nam, khi có thể nhận tối đa lên tới 50% vốn.
Nguồn: https://vneconomy.vn/them-quy-khoi-nghiep-50-trieu-usd-start-up-viet-co-the-nhan-toi-50-von.htm
3.    Quỹ đầu tư Insignia của Singapore huy động thêm 500 triệu USD, ‘rót vốn’ vào các startup Web3 Đông Nam Á
Công ty đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners tại Singapore vừa huy động được 516 triệu USD để đầu tư vào các startup khu vực Đông Nam Á. Insignia cho biết sẽ đầu tư mạnh hơn vào các lĩnh vực dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới như Web3 – mạng Internet thế hệ mới sử dụng công nghệ blockchain – cũng như công nghệ khí hậu, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp.
Nguồn: https://vneconomy.vn/quy-dau-tu-insignia-cua-singapore-huy-dong-them-500-trieu-usd-rot-von-vao-cac-startup-web3-dong-nam-a.htm
4.    HSBC công bố Quỹ tài trợ cho nữ doanh nhân tại Việt Nam
Ngày 9/8, Ngân hàng HSBC thông tin ra mắt Quỹ tài trợ nữ doanh nhân tại thị trường Việt Nam, sau khi quỹ này được giới thiệu và triển khai thành công tại hơn 10 thị trường khác của HSBC trên toàn cầu.
Để tham gia chương trình quỹ, các doanh nghiệp cần đủ điều kiện trở thành khách hàng doanh nghiệp của HSBC. Khi tham gia chương trình, bên cạnh việc có thể tiếp cận nguồn vốn, các nữ doanh nhân sẽ nhận được hỗ trợ toàn diện từ mạng lưới chuyên gia toàn cầu của HSBC, tham dự các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia cộng đồng những nữ doanh nhân cùng chí hướng từ khắp nơi trên thế giới.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/hsbc-cong-bo-quy-tai-tro-cho-nu-doanh-nhan-tai-viet-nam/810105.vnp
5.    Startup phải tự lực cánh sinh giữa ‘mùa đông gọi vốn’
Nửa đầu năm 2022, đã xuất hiện một số thương vụ gọi vốn đầu tư nổi bật, như Finhay công bố huy động thành công 25 triệu USD, OnePoint gọi vốn 50 triệu USD… Dù vậy, Bà Lê Hàn Tuệ Lâm – Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam cho biết thời gian tới nhà đầu tư sẽ hạn chế giải ngân, đổi sang trạng thái “phòng thủ”, tập trung hỗ trợ công ty trong danh mục thay vì tìm kiếm thương vụ mới.
Một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do trong năm ngoái, với quy mô nguồn vốn dồi dào, các startup vì muốn tăng trưởng nhanh chóng mà lãng phí tiền bạc nhưng lợi nhuận thu về không tương xứng. Chính vì sự thất vọng với các doanh nghiệp trẻ, các nhà đầu tư đang dần tỏ ra thận trọng khi tài trợ cho các công ty khởi nghiệp. Ngoài ra, nguồn vốn toàn cầu đang bắt đầu cạn kiệt do tác động của các yếu tố chung như suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và chiến tranh Nga-Ukraina.
Nguồn: https://doanhnhanvn.vn/startup-phai-tu-luc-canh-sinh-giua-mua-dong-goi-von.html
6.    Công ty mẹ TikTok thâu tóm chuỗi bệnh viện tư hàng đầu Trung Quốc
Theo nguồn tin của Bloomberg, công ty mẹ TikTok trả khoảng 10 tỷ NDT để chiếm toàn quyền kiểm soát Amcare Healthcare, đơn vị vận hành các bệnh viện cho phụ nữ và trẻ em từ Bắc Kinh tới Thâm Quyến. Hai công ty con Xiaohe Health và Xiaohe Health Technology của ByteDance nay sở hữu 100% cổ phần của Amcare, theo nền tảng theo dõi doanh nghiệp Qichacha.
Với việc thâu tóm chuỗi bệnh viện tư nhân, ByteDance gia nhập danh sách các công ty công nghệ từ Apple đến Amazon tìm cách số hóa và đột phá ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe truyền thống. Đây cũng là một trong các thương vụ lớn nhất tại Trung Quốc kể từ khi nhà chức trách bắt đầu trấn áp cuối năm 2020, ngăn cản những vụ thâu tóm bạc tỷ mà Alibaba hay Tencent từng sử dụng để gia nhập và chi phối thị trường mới.
Nguồn: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/cong-ty-me-tiktok-thau-tom-chuoi-benh-vien-tu-hang-dau-trung-quoc-417215.html
7.    Cuộc ‘săn’ doanh nghiệp của Pfizer tiếp tục với thương vụ Global Blood Therapeutics
Pfizer Inc mới đây đã đồng ý trả 5,4 tỷ USD tiền mặt để mua lại công ty sản xuất thuốc điều trị bệnh hồng cầu hình liềm Global Blood Therapeutics (GBT), trong bối cảnh “ông lớn” dược phẩm này đang tìm cách tận dụng sự gia tăng doanh thu từ vaccine và thuốc điều trị COVID-19 của mình.
Với việc thâu tóm Global Blood Therapeutics, Pfizer sẽ bổ sung thêm Oxbryta, thuốc điều trị bệnh hồng cầu hình liềm được phê duyệt năm 2019 và được dự đoán sẽ đem về doanh thu 260 triệu USD trong năm nay. Pfizer cũng sẽ sở hữu hai tài sản khác là thuốc GBT601 và inclacumab (một kháng thể đơn dòng của người được thiết kế để điều trị bệnh tim mạch) để điều trị cùng bệnh trên.
Nguồn: https://bnews.vn/cuoc-san-doanh-nghiep-cua-pfizer-tiep-tuc-voi-thuong-vu-global-blood-therapeutics/254239.html
Nhóm tin về nông sản – thủy sản – chăn nuôi
1.    Xây cao ốc 26 tầng để… nuôi lợn tại Trung Quốc
Một tòa nhà 26 tầng mới ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc đang được quảng cáo là “trại chăn nuôi lợn cao nhất thế giới”, sẽ nuôi hàng chục nghìn con lợn. Tọa lạc tại thành phố Ngạc Châu, khu trang trại có hai tòa nhà, mỗi tòa rộng 400.000m2, tất cả đều sẽ được trang bị máy cho ăn tự động, hệ thống lọc không khí và khử mùi thông minh.
Theo ước tính chính thức, Trung Quốc là nhà cung cấp và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, và nhu cầu dự kiến tăng từ 51,77 triệu tấn lên 60,77 triệu tấn trong 10 năm tới. Và các trang trại lớn đang ráo riết chạy đua để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, vốn coi trọng thịt lợn hơn hẳn các loại thịt khác.
Nguồn: https://vtc.vn/xay-cao-oc-26-tang-de-nuoi-lon-ar692201.html
2.    Trung Quốc lần đầu tiên trồng thành công sầu riêng trong đất liền
Theo truyền thông TQ, một số loại sầu riêng gồm Musang King và Black Thorn đã bắt đầu cho trái ở trang trại sầu riêng rộng 20ha trồng từ năm 2018. Trang trại này nằm ở thành phố Mậu Danh, phía tây nam tỉnh Quảng Đông, là thành phố chuyên trồng trái cây cận nhiệt đới như vải thiều và chuối.
Hiện có khoảng 200.000 cây sầu riêng đã được trồng ở Mậu Danh, đang bắt đầu ra hoa, kết trái. Thời điểm thu hoạch dự kiến vào tháng 10. Những người trồng sầu riêng ở Mậu Danh hy vọng mở rộng diện tích dựa trên thành công thử nghiệm.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/trung-quoc-lan-dau-tien-trong-thanh-cong-sau-rieng-trong-dat-lien-d329299.html
3.    Giá cây tràm giảm, người trồng rừng U Minh hạ mất nửa thu nhập
Tràm và keo lai là 2 loại cây rừng được trồng phổ biến ở vùng U Minh hạ của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19 từ năm 2021 thì giá cây tràm giảm mạnh và duy trì thời gian dài làm người dân trồng rừng ở U Minh hạ gặp khó khăn. So với cách đây 2 năm, người trồng tràm bị giảm khoảng 50% thu nhập.
Theo ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, nguyên nhân giá cây tràm giảm một phần do diện tích trồng mấy năm qua có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, cây tràm được dùng chủ yếu làm cừ trong xây dựng nhưng gần đây giá vật liệu tăng đã ảnh hưởng tiêu cực lĩnh vực xây dựng. Ngoài ra, những công trình xây dựng ngày càng có quy mô lớn hơn nên nhu cầu dùng cừ tràm có xu hướng giảm. Trong tương lai, giá trị cây keo lai sẽ bền vững hơn cây tràm.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/gia-cay-tram-giam-nguoi-trong-rung-u-minh-ha-mat-nua-thu-nhap-post961538.vov
4.    Giá sầu riêng tăng trở lại
Hiện nay, giá sầu riêng tại Tiền Giang đang tăng khi trở lại sau dịch COVID-19, mang lại nguồn thu nhập khá, giúp bà con vùng chuyên canh ổn định cuộc sống. Sầu riêng có giá trở lại nhờ điểm nghẽn về lưu thông hàng hóa được tháo gỡ; cuối vụ thu hoạch nên nguồn cung có hạn trong khi nhu cầu thị trường cao, nỗ lực địa phương trong xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa nói chung và trái sầu riêng nói riêng đang mang lại kết quả nhất định… Tại vùng chuyên canh sầu riêng, Tiền Giang đã tổ chức được gần 100 cơ sở thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân; chưa kể mạng lưới thương lái đến tận vườn thu mua sản phẩm, giúp bà con tiêu thụ trái sầu riêng được thuận lợi, dễ dàng.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-sau-rieng-tang-tro-lai-20220805145052947.htm
5.    Vì sao nhiều loại phân bón vẫn tăng giá kỷ lục?
Giá phân Urê hiện đã đồng loạt giảm hơn 20% so với thời điểm lập đỉnh vào hồi tháng 3. Tuy nhiên, các mặt hàng phân bón khác vẫn duy trì ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn tăng giá bán. Lý giải vì sao giá Urê giảm mạnh, nhưng các loại phân bón khác vẫn ở mức cao, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinacam cho biết, hiện thị trường phân bón vẫn chịu tác động lớn từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Phía Nga siết chặt việc xuất khẩu phân bón, cùng với đó do ảnh hưởng từ lệnh cấm vận nên hoạt động giao dịch, thanh toán hết sức khó khăn.
Nguồn: https://tienphong.vn/vi-sao-nhieu-loai-phan-bon-van-tang-gia-ky-luc-post1459166.tpo
6.    Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức cao đang là gánh nặng cho nhà nông
Hiện nay, dù giá xăng dầu có giảm nhưng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật luôn ở mức cao; trong khi đó đầu ra nhiều mặt hàng nông sản đầu ra giá thấp là gánh nặng đối với nhà nông. Để duy trì, tái sản xuất có lợi nhuận, ổn định cuộc sống, nông dân trong vùng ĐBSCL đã linh hoạt, chủ động áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/phan-bon-thuoc-bao-ve-thuc-vat-van-o-muc-cao-dang-la-ganh-nang-cho-nha-nong-post961572.vov
7.    Giá thịt lợn tăng cao, người mua 10.000 đồng cũng bán
Giá bán thịt lợn neo cao khiến người tiêu dùng chấp nhận “bóp bụng” khi chi tiêu. Ở chiều ngược lại, tiểu thương cũng gặp khó vì đã giảm hàng nhập về nhưng đôi khi không thể bán hết. Giá bán thịt lợn ở nhiều chợ dân sinh đã giảm, tuy nhiên vẫn còn khá cao so với sức mua của người tiêu dùng. Người tiêu dùng mua thịt với số lượng thấp, nhiều tiểu thương cho biết sẵn sàng bán lẻ để hàng không tồn trong ngày.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/gia-thit-lon-tang-cao-nguoi-mua-10000-dong-cung-ban-post961245.vov
8.    Siết chặt lợn xuất lậu qua biên giới, giá lợn hơi đột ngột giảm mạnh
Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề nghị các địa phương và cơ quan chức năng kiểm soát chặt vấn đề lợn lậu xuất khẩu qua biên giới, trong mấy ngày gần đây giá lợn hơi trong nước đã đột ngột giảm mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, và giá thức ăn tăng cao, từ năm ngoái đến đầu năm nay có tình trạng người dân treo chuồng, ngừng tái đàn dẫn tới nguồn cung thiếu cục bộ tại một số địa phương. Hiện, Bộ NN&PTNT thúc đẩy, khuyến cáo người dân tăng sản xuất, tái đàn để ổn định nguồn cung trong dịp cuối năm.
Nguồn: https://tienphong.vn/siet-chat-lon-xuat-lau-qua-bien-gioi-gia-lon-hoi-dot-ngot-giam-manh-post1459412.tpo
9.    Cá kèo tăng giá, người nuôi lãi đậm
Từ cuối tháng 3 đến nay, giá cá kèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu liên tục tăng cao. Nghề nuôi cá kèo thâm canh tại Bạc Liêu đã phát triển từ nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ người nuôi lại trúng giá như hiện tại. Lý giải nguyên nhân cá kèo tăng giá, theo các thương lái, thời gian gần đây, do nhu cầu tiêu thụ cá kèo tươi cũng như khô cá kèo tăng cao, trong khi nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân chính dẫn đến cá kèo tăng giá.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/ca-keo-tang-gia-nguoi-nuoi-lai-dam-20220808132651565.htm
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1.    Hàng Việt Nam được yêu thích ở tuần lễ ‘Amazing ASEAN 2022’ tại Ả-rập Xê-út
Từ ngày 03-09/08/2022, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam và các nước ASEAN gồm Brunei, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Philppines, Singapore, Thailand tại Ả-rập Xê-út phối hợp với chuỗi siêu thị Lulu tổ chức tuần lễ quảng bá hàng hóa nông sản, thực phẩm, ẩm thực và lễ công bố hơn 100 sản phẩm mới từ các nước ASEAN mang tên “Amazing ASEAN 2022 – Discover the flavours of Asia” tại Riyadh, Saudi Arabia.
Hàng hóa Việt Nam tham gia sự kiện năm nay rất phong phú và đa dạng gồm nhiều loại quả tươi, gạo, hạt điều, than củi, hàng may mặc, giầy dép, thiết bị y tế, mỹ phẩm….. với trên 60 loại mã hàng được các đại biểu tham dự và khách hàng đánh giá cao. Nhìn chung, các khách hàng đều khen ngợi hương vị các sản phẩm của Việt Nam và mong muốn có nhiều sản phẩm của Việt Nam hơn nữa tại thị trường.
Nguồn: https://congthuong.vn/hang-viet-nam-duoc-yeu-thich-o-tua-n-le-amazing-asean-2022-tai-a-rap-xe-ut-216369.html
2.    Nhiều sản phẩm Việt xuất khẩu sang Úc phải chờ rất lâu mới được thông quan
Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19, đặc biệt là thời gian gần đây, tình trạng chậm thông quan hàng hóa nhập khẩu vào Úc do vướng ở khâu kiểm dịch đã trở nên trầm trọng hơn, nhất là ở hai bang New South Wales và Victoria. Nguyên nhân chính là do Úc đang thiếu lao động ở nhiều lĩnh vực trong khi thương mại tăng trưởng còn dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Trước tình trạng thông quan hàng hóa vào Úc gặp khó khăn như nêu trên, Thương vụ Việt Nam tại Úc đề xuất, với nông sản tươi, việc xuất khẩu hàng vào Úc nên vận chuyển bằng đường hàng không. Mặt khác, Thương vụ sẽ vận động các nhà nhập khẩu ở tây và nam Úc, những nơi không bị quá tải như ở hai bang New South Wales và Victoria đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nhieu-san-pham-viet-xuat-khau-sang-uc-phai-cho-rat-lau-moi-duoc-thong-quan/
3.    Gần 10 tấn nhãn Việt Nam đổ bộ thị trường Australia
Trong ngày 10/8, gần 10 tấn nhãn Việt Nam với chất lượng bảo đảm sẽ được Công ty Hoa Australia đưa ra thị trường Melbourne và phân phối dọc các thành phố ven biển, đồng thời phối hợp với Thương vụ quảng bá Tuần lễ nhãn Việt Nam. Trước đó, hàng chục tấn nhãn cũng đã được các nhà nhập khẩu thông quan, đưa ra thị trường thành công. Tại 2 bang Nam Australia và Tây Australia, nhãn của Công ty Rồng Đỏ do Công ty 4Waysfresh phân phối, tiếp tục được người dùng đánh giá cao trong các tháng gần đây. Nhà nhập khẩu 4Waysfresh cho biết đang chờ Công ty Rồng Đỏ gửi tiếp nhãn đến Australia.
Nguồn: https://cand.com.vn/thi-truong/gan-10-tan-nhan-viet-nam-do-bo-thi-truong-australia-i663463/
4.    Xuất khẩu dệt may năm 2022: Mục tiêu 43 tỷ USD khó khả thi
Những tháng cuối năm 2022, thị trường thế giới với nhiều biến động khó lường đang đặt ra không ít thách thức cho các DN xuất khẩu dệt may Việt Nam như: Chi phí nguyên liệu tăng, cước vận tải cao, áp lực lạm phát… Điều này không chỉ khiến lợi nhuận kinh doanh của các DN bị ảnh hưởng mà mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD của ngành dệt may cũng khó khả thi.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/xuat-khau-det-may-nam-2022-muc-tieu-43-ty-usd-kho-kha-thi.html
5.    Giá mặt hàng cá tra xuất khẩu tăng
Hiện nay, các sản phẩm từ cá tra xuất khẩu hút hàng, tăng giá làm cho cả doanh nghiệp và ngư dân rất phấn khởi. Ngành nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu đã phục hồi mạnh, trở lại thời hoàng kim gần như trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Các mặt hàng từ con cá tra đã xuất khẩu mạnh sang châu Âu, Trung Quốc, Trung Đông… đạt giá trị cao nhất. Dù chi phí có tăng, nhưng sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp tăng giá từ 20-30% nên lợi nhuận vẫn ở mức cao, các khoản thu nhập của công nhân tăng từ 8-10% so với trước đây.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/gia-mat-hang-ca-tra-xuat-khau-tang-post962089.vov
6.    Thiếu mưa tại Ấn Độ đang khiến nguồn cung gạo thế giới đối mặt rủi ro
Gạo có thể trở thành thách thức tiếp theo đối với nguồn cung lương thực toàn cầu khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang thiếu mưa trầm trọng khiến diện tích trồng trọt bị thu hẹp nhiều nhất trong 3 năm qua. Các thương nhân lo ngại rằng sản lượng gạo giảm sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của Ấn Độ và gây ra hạn chế đối với xuất khẩu.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/thieu-mua-tai-quoc-gia-quan-trong-nay-dang-khien-nguon-cung-gao-the-gioi-doi-mat-rui-ro-420225862827236.htm
7.    Gạo Thái Lan ‘soán ngôi’ bán giá cao nhất thế giới của Việt Nam
Sau khi duy trì đà giá cao cách biệt so với gạo Thái Lan, từ đầu tháng 8 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm mạnh và đánh mất vị thế cao nhất thế giới. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, nguyên nhân chính giúp giá gạo nước này tăng vọt trở lại là do đồng Baht Thái Lan yếu so với đồng USD giúp giá gạo Thái trở nên rẻ hơn. Ngoài ra, giá gạo Thái Lan giảm mạnh và kéo dài trong tháng 7 làm tăng sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng hơn.
Nguồn: https://tienphong.vn/gao-thai-lan-soan-ngoi-ban-gia-cao-nhat-the-gioi-cua-viet-nam-post1459617.tpo
8.    Thái Lan có thể trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới
Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 56,6% lên 3,5 triệu tấn, mang lại doanh thu 60,93 tỷ baht (khoảng 1,7 tỷ USD), tăng 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Chalermchai Sree-on hôm 6/8 nhận xét đây là tin tốt cho nông dân Thái Lan và sự gia tăng xuất khẩu này sẽ giúp thúc đẩy giá gạo trong nước. Ông cho rằng Thái Lan có thể vượt qua Việt Nam và trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nếu nước này có thể xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo trong năm nay.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/thai-lan-co-the-tro-thanh-nuoc-xuat-khau-gao-lon-thu-hai-the-gioi-20220807150419481.htm
9.    Mexico khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội từ Việt Nam
Bộ Công Thương cho biết: Bộ Kinh tế Mexico đã đăng công báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước.
Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) (http://trademap.org), trong năm 2020, Mexico nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019, chủ yếu chiếm gần 80% là các sản phẩm có mã HS 7209 (thuộc phạm vi cáo buộc của vụ việc này) và 7210 (thuộc phạm vi cáo buộc của vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ trước đó.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/mexico-khoi-xuong-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-voi-thep-can-nguoi-tu-viet-nam-20220808150618190.htm
10.  Mỹ kết luận sơ bộ điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại với gỗ dán dùng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam
Bộ Công Thương cho biết ngày 25/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết luận sơ bộ vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng, nhập khẩu từ Việt Nam.
Kết luận sơ bộ của DOC cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị áp dụng thuế CBPG và CTC.
Nguồn: https://ndh.vn/nguyen-lieu/my-ket-luan-so-bo-dieu-tra-lan-tranh-phong-ve-thuong-mai-voi-go-dan-dung-nguyen-lieu-go-cung-nhap-khau-tu-viet-nam-1321616.html
11.  Campuchia sẽ kiểm tra mì của Việt Nam sau cảnh báo của EU
Dẫn nguồn tin của Khmer Times, bản tin thị trường của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết: Sau khi Liên minh châu Âu (EU) phát hiện một số mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa ethylene oxide (chất cấm sử dụng trong thực phẩm), các cơ quan Campuchia dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam có chứa chất này.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/campuchia-sekiem-tra-micuaviet-nam-sau-canh-bao-cua-eu-20220809200659615.htm
12.  Nhập siêu gần 2 triệu tấn thép
Sau năm 2021 xuất siêu, 7 tháng đầu năm 2022, nhập siêu sắt thép đã quay trở lại với con số gần 2 triệu tấn. Trong những năm gần đây, ngành sản xuất thép trong nước đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, việc hàng loạt các FTA (Free Trade Area – hiệp định thương mại tự do)  có hiệu lực đã góp phần giúp ngành thép tăng trưởng xuất khẩu.
Hạn chế lớn nhất của ngành thép là mới chỉ đáp ứng được nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài. Đây vẫn là một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất thép Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: https://congthuong.vn/nhap-sieu-gan-2-trieu-tan-thep-216750.html
BSA