Dừa xiêm hút hàng, tăng giá dịp nắng nóng

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Giá heo hơi chạm đáy: Vì sao người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo giá cao ngất?
Giá heo hơi đang ở vùng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (từ tháng 7/2019), nhưng giá thịt heo ngoài chợ và trong siêu thị vẫn cao khiến người mua bức xúc. Tuy giá heo hơi liên tục giảm từ sau Tết Nguyên đán đến nay nhưng như thường lệ, thị trường lại chứng kiến nghịch lý là giá thịt heo bán lẻ vẫn cao, hoặc nếu có giảm thì chỉ nhỏ giọt, cục bộ. Điều này khiến người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo giá đắt, trong khi người chăn nuôi thì thua lỗ, không dám tái đàn. Cụ thể, theo khảo sát vào sáng 4/4, giá thịt heo tại các chợ truyền thống ở Hà Nội dao động từ 90.000 – 130.000 đồng/kg. Trong đó đắt nhất là thịt ba chỉ 110.000 – 130.000 đồng/kg tùy loại và tùy từng chợ.  Đáng nói, mức giá này cao hơn nhiều so với thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua. Lúc đó, giá thịt ba chỉ dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, với giá heo hơi tương ứng khoảng 51.000 đồng/kg. Đắt hơn cả giá thịt heo ở chợ là giá thịt heo trong siêu thị với mức phổ biến khoảng 170.000 – 182.000 đồng/kg, thậm chí có loại còn gần 240.000 đồng/kg, đắt tương đương thịt bò ngoài chợ.
Xác nhận thực trạng này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, thịt heo phải qua quá nhiều khâu trung gian từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, cuối cùng mới đến chợ truyền thống. Cũng theo chuyên gia, một nguyên nhân nữa khiến giá thịt heo trên thị trường không tăng, giảm theo quy luật đó là do hệ thống chợ đầu mối và sàn giao dịch hàng hóa chưa được hình thành hoàn chỉnh. Chính vì vậy vẫn diễn ra việc ép giá, gây thiệt hại cho người chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng lại đem lại lợi nhuận cao vô lý cho các khâu trung gian. Các chuyên gia khẳng định, để kéo giá thịt heo về đúng giá thị trường, giúp người tiêu dùng mua được thịt heo đúng giá cũng như để người chăn nuôi không bị thua thiệt thì cơ quan chức năng nhất định phải có cơ chế “dẹp loạn” các khâu trung gian, bằng biện pháp hành chính nghiêm khắc.
Nguồn:  https://vtc.vn/gia-heo-hoi-cham-day-vi-sao-nguoi-tieu-dung-van-phai-mua-thit-heo-gia-cao-ngat-ar762822.html
2. Tuần lễ Cà phê Peru lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam
Nhằm giới thiệu và quảng bá cà phê đặc sản Peru tới cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê tại Viêt Nam, Đại sứ quán Peru sẽ phối hợp cùng Cafe RAAW, Trường đào tạo cà phê D´codeS Coffee Lab & Campus Vietnam, Habakuk fine coffee & bistro và Every Half Coffee Roaster tổ chức Tuần lễ Cà phê Peru đầu tiên tại Việt Nam. Từ ngày 8-15/4 tới, Tuần lễ Cà phê Peru sẽ diễn ra tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thông qua chuỗi sự kiện với đa dạng các chương trình và hoạt động.
Tuần lễ sẽ bao gồm các hoạt động chính như: Chương trình thưởng thức cà phê đặc sản Peru tại 6 chi nhánh đối tác dành cho cộng đồng yêu thích cà phê tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như hoạt động thử cà phê hướng đến các barista chuyên nghiệp, các nhà rang xay, đại diện quán cà phê hảo hạng và đại diện công ty xuất nhập khẩu cà phê nước ngoài. Trong Tuần lễ Cà phê Peru năm nay, Đại sứ quán Peru sẽ giới thiệu 6 loại cà phê đặc sản đến từ 4 nhà sản xuất danh tiếng ở quốc gia này, từ đó góp phần thúc đẩy cơ hội phát triển mặt hàng này tại thị trường Việt Nam.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tuan-le-ca-phe-peru-lan-dau-tien-duoc-to-chuc-tai-viet-nam-222663.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều hãng hàng không đau đầu với việc tuyển dụng tiếp viên
Các hãng hàng không bao gồm Xiamen Airlines, China Southern Airlines và Spring Airlines hiện tăng cường tuyển dụng khi du lịch nội địa phục hồi và họ có kế hoạch nối lại các chuyến bay đến các điểm đến quốc tế. Tuy nhiên, các hãng hàng không sẽ phải đau đầu tuyển lựa trước số lượng ứng viên áp đảo vào thời điểm kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học trong bối cảnh thị trường việc làm rơi xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Năm nay, hãng hàng không Hainan Airlines có kế hoạch thuê hơn 1.000 tiếp viên hàng không nhưng chưa hết năm họ nhận được hơn 20.000 đơn đăng ký. Trong khi đó, hãng hàng không China Southern có kế hoạch thuê 3.000 tiếp viên nhưng tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, số lượng ứng viên ứng tuyển đã cao gấp 7 lần. Chuyên gia Li Hanming – một chuyên gia độc lập về ngành hàng không Trung Quốc – chỉ ra rằng bất chấp xu hướng gia tăng số lượng người tìm việc, các hãng hàng không có thể gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên mới ngay lập tức do các khóa đào tạo trên mặt đất kéo dài cả năm. Điều này có thể làm chậm nỗ lực tăng công suất nhanh chóng và từ đó khiến giá vé máy bay vẫn duy trì ở mức cao.
Theo dữ liệu từ ứng dụng theo dõi chuyến bay Flight Master, sức tải nội địa của Trung Quốc đã vượt mức của năm 2019 từ giữa tháng 3, nhưng các chuyến bay quốc tế chỉ phục hồi đạt 30% so với mức trước đại dịch. Với mùa cao điểm hè đến gần, các hãng hàng không Trung Quốc đang bổ sung thêm năng lực bay quốc tế. Ví dụ hãng hàng không Air China cho biết họ sẽ quay trở lại các tuyến trước đại dịch bao gồm Bắc Kinh-Rome (Italy), Bắc Kinh-TP Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Thành Đô-London (Anh). Nhưng hiện tại sức chứa hạn chế đã dẫn buộc giá vé máy bay bán cao hơn.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-mo-cua-tro-lai-nhieu-hang-hang-khong-dau-dau-voi-viec-tuyen-dung-tiep-vien-20230411142145675.htm
2. Lợi thế của các hãng hàng không Trung Quốc khi chính sách ‘Không COVID-19’ chấm dứt
Tạp chí La Libre của Bỉ cho biết, với việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc, các hãng hàng không nước này có thể cung cấp chuyến bay rẻ hơn và ngắn hơn đến châu Âu bằng cách bay qua lãnh thổ Nga, điều bị cấm đối với các hãng hàng không phương Tây. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, Nga đã cấm các hãng hàng không châu Âu và Mỹ bay qua lãnh thổ rộng lớn của nước này, buộc các hãng hàng không phải bay qua các đường vòng vài trăm km tới một số điểm đến châu Á. Lệnh cấm các chuyến bay qua Nga này khiến hãng hàng không phải trả hàng chục nghìn euro cho mỗi chuyến bay vì tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn so với các đối thủ cạnh tranh không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt này của Nga. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và giá cả của các hãng hàng không châu Âu.
Kể từ giữa tháng Ba, Chính phủ Trung Quốc cấp thị thực du lịch trở lại. Các công ty Trung Quốc đang nối lại các chuyến bay đến các sân bay của Mỹ và châu Âu. Với một lợi thế đáng kể vì có thể cung cấp các chuyến bay “ngắn hơn và rẻ hơn”, các hãng hàng không Trung Quốc khiến các đối thủ phương Tây phải lao đao. Theo ước tính, các hãng hàng không lớn của Mỹ thiệt hại đến 2 tỷ USD mỗi năm vì lệnh cấm của Nga. Được “chống lưng” bởi một số chính trị gia có ảnh hưởng, các công ty Mỹ kêu gọi chính phủ chấm dứt những gì họ coi là “sự bóp méo cạnh tranh”, thậm chí kêu gọi loại khỏi thị trường Mỹ các hãng hàng không Trung Quốc, Ấn Độ, cũng như khu vực vùng Vịnh, vì những đối thủ này vẫn được phép bay qua lãnh thổ Nga. Trong khi đó, châu Âu tỏ ra thận trọng hơn. Ông Laurent Donceel, Giám đốc của A4E, giải thích rằng khi đến thời điểm, nếu cần đưa ra phản hồi, thì phản hồi đó sẽ phải mang tính tập thể và mang tính châu Âu. Ông lưu ý rằng lệnh cấm này cũng ảnh hưởng tới các công ty Nga, vì trước xung đột, mỗi năm, Nga nhận được hàng trăm triệu euro tiền “quyền bay qua” lãnh thổ của mình từ các công ty phương Tây.
Nguồn: https://bnews.vn/loi-the-cua-cac-hang-hang-khong-trung-quoc-khi-chinh-sach-khong-covid-19-cham-dut/287487.html
3. Nhà hàng, khách sạn Phú Quốc ế khách dịp lễ 30/4 vì vé bay đắt đỏ
Từ sau Tết, lượng khách đến Phú Quốc giảm mạnh nên tình hình kinh doanh của rất nhiều nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp du lịch đều không mấy tươi sáng. Nguyên nhân lớn nhất của thực trạng này là vé máy bay đến Phú Quốc tăng cao khiến giá tour đắt đỏ. Hành khách cũng vì thế mà “quay xe”. Chia sẻ với Zing, đại diện Mường Thanh Phú Quốc cho biết tỷ lệ đặt phòng cho dịp lễ đến nay chỉ đạt 35% trong khi cùng thời điểm năm 2022, con số này là 60-70%. Đại diện một khách sạn 5 sao ở đảo ngọc nhìn nhận đây là thực trạng chung của các khách sạn, resort nơi đây. Thậm chí, càng ở phân khúc cao cấp, tình hình đặt phòng càng ảm đạm hơn, trung bình chỉ đạt 15-20%.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Kiên Giang khẳng định việc giá vé máy bay tăng cao chính là rào cản lớn nhất ngăn du khách đến với Phú Quốc. Vị này lấy ví dụ nhiều du khách liên hệ với các công ty tổ chức tour đến Phú Quốc và rất hài lòng với các điểm đến, dịch vụ, nhưng khi xem đến giá vé máy bay thì lắc đầu và “quay xe” tìm điểm đến khác. Khi thị trường du lịch quốc tế bắt đầu sôi động trở lại, các điểm đến như Thái Lan, Singapore và mới đây là Trung Quốc đều hấp dẫn du khách với chi phí vừa phải. Khi chi phí bay nội địa quá cao, khách hàng chắc chắn sẽ cân nhắc đến việc đi nước ngoài nếu giá tour trong và ngoài nước chỉ chênh lệch không đáng kể. “So với năm ngoái, giá vé máy bay dịp lễ và cao điểm hè đã tăng khoảng 100%, có thời điểm chạm mốc 10 triệu đồng/vé khứ hồi. Giá vé máy bay cao sẽ giết chết du lịch Phú Quốc và làm khách Việt đổ xô đi nước ngoài”, ông Trương Công Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên chuyên nghiệp Phú Quốc, nhận định.
Tuy nhiên, một chuyên gia hàng không cho rằng rất khó để các hãng hàng không giảm giá trong giai đoạn này. Chi phí đầu vào của ngành hàng không đang tăng rất cao vì giá nhiên liệu đã chiếm tới 60% chi phí. Giá xăng máy bay năm 2022 và 2023 đã duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2015, gây nhiều khó khăn cho các hãng. Trong năm 2022, tất cả các hãng đều càng bay càng lỗ. Năm nay, triển vọng tăng trưởng tiếp tục bị cản trở bởi chi phí nhiên liệu cao, biến động tỷ giá và lãi suất tăng. Bên cạnh đó vào các dịp cao điểm, các hãng đều phải giải quyết bài toán “lệch đầu” tức là một chiều đông khách trong khi chiều còn lại chỉ 10-20% số ghế được lấp đầy. Hãng không thể cho máy bay ở lại để chờ khách đến nên buộc phải tính chi phí cộng cả hai đầu rồi chia ra giá vé.
Nguồn: https://zingnews.vn/nha-hang-khach-san-phu-quoc-e-khach-dip-le-304-vi-ve-bay-dat-do-post1420562.html

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Hãng taxi điện GSM chính thức vận hành từ 14/4
Kể từ khi được thành lập, Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green – Smart – Mobility) của ông Phạm Nhật Vượng đã nhận được lượng lớn sự quan tâm của người tiêu dùng với dịch vụ taxi điện. Ngày 8/4, công ty cho biết sẽ chính thức khai trương dịch vụ taxi điện tại Hà Nội từ ngày 14/04/2023. Đây là bước khởi đầu cho kế hoạch phủ sóng taxi xanh tới ít nhất 5 tỉnh, thành phố trên cả nước ngay trong năm nay. Theo đó, kể từ ngày 14/04/2023, khách hàng tại Hà Nội có thể lựa chọn hai dịch vụ di chuyển xanh và thông minh của GSM là GreenCar và LuxuryCar, với hai loại xe tương ứng trong giai đoạn đầu là VinFast VF e34 (GreenCar) và VinFast VF 8 (LuxuryCar). Trong thời gian tới, công ty sẽ bổ sung thêm vào đội xe GreenCar dòng xe VF 5 Plus, sau khi VinFast chính thức bàn giao xe.
Giá mở cửa cho 1 km đầu tiên của dịch vụ GreenCar là 20.000 đồng. Với 24 km tiếp theo, giá cước đối với xe VF 5 Plus là 14.000 đồng/km, đối với xe VF e34 là 15.500 đồng/km. Từ km thứ 26 trở đi, giá cước lần lượt là 12.000 đồng/km đối với VF 5 Plus và 12.500 đồng/km đối với VF e34. Mức giá dành cho dịch vụ LuxuryCar là cố định 21.000 đồng/km cho toàn bộ hành trình.
Nguồn: https://markettimes.vn/hang-taxi-dien-cua-ong-pham-nhat-chinh-thuc-van-hanh-tu-14-4-gia-cuoc-tu-14-000-dong-km-22352.html

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Walmart đặt mục tiêu 65% cửa hàng được cung cấp dịch vụ tự động hóa vào năm 2026
Nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ Walmart Inc hy vọng khoảng 65% cửa hàng của tập đoàn sẽ được cung cấp dịch vụ bằng tự động hóa vào cuối năm tài chính 2026, chỉ vài ngày sau khi công bố kế hoạch sa thải hơn 2.000 nhân viên tại các cơ sở thực hiện đơn đặt hàng trực tuyến. Thông báo này được đưa ra trong cuộc họp nhà đầu tư hàng năm của Walmart tại Tampa, Florida, trong bối cảnh Walmart ngày càng có xu hướng sử dụng các cửa hàng khổng lồ của mình để xử lý việc giao hàng theo các đơn đặt hàng trực tuyến và đầu tư mạnh vào tự động hóa để tăng tốc độ xử lý đơn hàng tại các cơ sở áp dụng thương mại điện tử.
Walmart đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ cho các cơ sở đặt hàng trực tuyến của mình, bao gồm cả việc mua lại công ty robot tạp hóa Alert Innovation và hợp tác với các công ty như Knapp để giúp nhân viên giảm số bước xử lý đơn đặt hàng thương mại điện tử từ 12 bước xuống còn 5 bước. Giám đốc điều hành Walmart, Doug McMillon cho biết ông rất vui mừng về cơ hội tự động hóa với kế hoạch tăng đầu tư vào công nghệ tự động hóa như một phần của kế hoạch chi tiêu vốn hơn 15 tỷ USD trong năm nay.
Nguồn: https://bnews.vn/walmart-dat-muc-tieu-65-cua-hang-duoc-cung-cap-dich-vu-tu-dong-hoa-vao-nam-2026/286832.html
2. Tupperware đang tìm cách huy động vốn trước nguy cơ phá sản
Trong một văn bản gửi cơ quan quản lý, công ty chuyên sản xuất các dòng sản phẩm gia dụng Tupperware mới đây cho biết công ty này có khả năng phá sản và đang thương thảo với các công ty cố vấn tài chính để tìm kiếm nguồn vốn duy trì hoạt động. Sau thông báo trên, cổ phiếu của Tupperware đã có thời điểm giảm gần 50% vào đầu tuần này. Tupperware cho biết công ty này sẽ không có đủ tiền để trang trải cho các hoạt động kinh doanh nếu không có thêm vốn. Công ty này cũng đang xem xét cắt giảm nhân sự và đánh giá lại danh mục đầu tư bất động sản của mình.
Ông Neil Saunders, Giám đốc quản lý và phân tích bán lẻ của công ty nghiên cứu GlobalData Retail, cho biết nhiều khó khăn đang bám đuổi Tupperware, khi số lượng đại lý bán hàng giảm mạnh, khách hàng giảm mua sắm các sản phẩm gia dụng, và thương hiệu chưa có sự kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng trẻ tuổi. Bên cạnh đó, Tupperware đang ở trong tình cảnh bấp bênh về mặt tài chính và không có nhiều khả năng huy động vốn.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tupperware-dang-tim-cach-huy-dong-von-truoc-nguy-co-pha-san/856724.vnp
3. Hệ lụy khi thuê TikToker livestream bán hàng giá sốc
Theo số liệu lắng nghe mạng xã hội (social listening) của YouNet Group, chỉ trong 3 ngày kể từ ngày 3/4, trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện hơn 35.100 thảo luận về thương hiệu dầu gội mà TikToker Võ Hà Linh livestream bán hàng, tăng gấp 46 lần so với 3 ngày liền trước đó. Do đó, xét về mặt tạo sự chú ý trên mạng xã hội, livestream hợp tác này được xem là một thành công. Tuy nhiên, dữ liệu của đơn vị này cũng ghi nhận có tới 36,6% trong số 35.100 thảo luận đều mang xu hướng tiêu cực, chủ yếu xoay quanh vấn đề chính sách giá của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc bộ phận Market Insights – Giải pháp YouNet ECI cho rằng việc giảm giá sâu so với mặt bằng chung tuy mang lại hiệu quả doanh thu trong ngắn hạn nhưng về lâu dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho nhãn hàng. “Dễ thấy nhất là nguy cơ gây ảnh hưởng đến mức giá kỳ vọng và thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên TMĐT. Khách hàng sau khi mua được giá giảm sâu sẽ mang tâm lý chờ khuyến mại và cảm thấy giá bán bình thường của sản phẩm là quá đắt”, ông nói.
Ngoài ra, việc giảm giá bán quá sâu sẽ tạo ra mâu thuẫn giữa các kênh phân phối. “Giảm giá quá sâu trên TMĐT làm giảm doanh thu của các đối tác bán lẻ truyền thống, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa nhà sản xuất và các đối tác. Nghiêm trọng hơn nữa là dẫn đến cuộc chiến về giá giữa các kênh, làm tổn thương hình ảnh của thương hiệu”, ông Phương Lâm nhấn mạnh.
Nguồn: https://zingnews.vn/he-luy-khi-thue-tiktoker-livestream-ban-hang-gia-soc-post1419397.html
4. Ra mắt siêu thị đầu tiên thuộc hệ thống Square Mart
ngày 06/4, siêu thị đầu tiên Square Smart nằm trong chuỗi Square Mart tại TP.HCM, chính thức gia nhập đường đua bán lẻ được ra mắt tại đường Gò Ô Môi (Quận 7, TPHCM). Siêu thị đầu tiên nằm trong chuỗi Square Mart chuyên cung cấp các mặt hàng chất lượng cao được đặt tại khu vực quận 7, nơi tập trung dân cư đông đúc, giao thông đi lại thuận tiện. Theo kế hoạch, công ty sẽ mở rộng quy mô hoạt động thông qua việc phát triển thêm các chi nhánh khác thuộc hệ thống Square Mart tại một số quận của TP.HCM.
Khách hàng của Square Mart nằm ở nhóm có thu nhập từ trung bình đến cao nên sẽ có những tiêu chí khắt khe hơn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Vì thế, bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn hàng với chất lượng tốt cùng giá cả phải chăng, Square Mart chú trọng lựa chọn các nhà cung cấp uy tín cho siêu thị của mình. Sản phẩm thế mạnh và chiếm số lượng lớn tại Square Mart là thực phẩm như trái cây, rau củ, thịt, trứng… gồm hàng nhập khẩu và hàng Việt Nam được kiểm định kỹ càng về nguồn gốc xuất xứ. Hàng nhập khẩu được nhập từ các quốc gia như Mỹ, Úc, New Zealand, Pháp, Peru, Nam Phi, Israel, Hàn Quốc… mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Đặc biệt, ngoài kinh doanh truyền thống, Square Smart tận dụng lợi thế của công nghệ để áp dụng hình thức bán hàng qua các kênh thương mại điện tử nhằm đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất và đảm bảo sự tươi ngon; đồng thời đa dạng phương thức thanh toán tạo sự thuận tiện và tiết kiệm thời gian cho khách hàng.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/ra-mat-sieu-thi-dau-tien-thuoc-he-thong-square-mart-post103457.html
5. Mỗi cửa hàng Thế Giới Di Động ở Indonesia thu 5 tỷ đồng/tháng
Lãnh đạo Thế Giới Di Động cho hay với mỗi cửa hàng khoảng 400 m2, thương hiệu Era Blue Elektronic tại Indonesia hiện có doanh thu khoảng 4,5-5 tỷ trên mỗi tháng. Thông tin này được ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng quản trị MWG, phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 diễn ra chiều 8/4. Theo ông, với mức doanh thu này, thương hiệu Era Blue Elektronic được đánh giá là đang hoạt động với các tín hiệu tích cực. “Ở Việt Nam với mức doanh thu này thì đã có lời, tuy nhiên ở thị trường nước ngoài, các chi phí khác vẫn ở mức khá cao, đặc biệt là chi phí setup ban đầu”, ông nhấn mạnh. Do vậy, ông Hiếu Em cho biết doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình nỗ lực để tối ưu chi phí và hoàn thiện mô hình kinh doanh.
Nói về lợi thế của Era Blue Elektronic tại thị trường Indonesia, lãnh đạo Thế Giới Di Động nhìn nhận đây là một quốc gia có quy mô, diện tích và dân số đều lớn hơn Việt Nam. Về cơ cấu tiêu dùng, doanh thu mảng điện thoại cũng gấp hai lần Việt Nam. Tuy nhiên, mảng điện máy vẫn còn rất sơ khai, doanh thu chỉ bằng khoảng phân nửa nước ta. Bên cạnh đó, trái ngược với cơ chế thuế phức tạp ở Campuchia, Indonesia là đất nước khá minh bạch về thuế trong kinh doanh. Theo ông Hiếu Em, về dịch vụ giao hàng và lắp đặt tại Indonesia chưa thực sự tốt, chưa hiệu quả. Đây cũng chính là lợi thế và sự khác biệt của MWG tại Indonesia. Trong thời gian tới, lãnh đạo MWG cho biết sẽ hoàn thiện mô hình này và hướng đến mở mới các cửa hàng. Mục tiêu 5 năm của doanh nghiệp là mở 500 cửa hàng và thậm chí lên kế hoạch IPO cho EraBlue tại Indonesia.
Nguồn: https://zingnews.vn/moi-cua-hang-the-gioi-di-dong-o-indonesia-thu-5-ty-dongthang-post1420012.html
6. Thế Giới Di Động sẽ chấm dứt chênh lệch giá với đối thủ
Tại đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động ngày 8/4, chủ tịch doanh nghiệp khẳng định chính sách giá của chuỗi này sẽ thay đổi, không để các đối thủ tận dụng. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) – chia sẻ trước đây tập đoàn không quá “căn ke” tới chênh lệch giá của mình và đối thủ. “Đó là khe hở cho đối thủ kiếm khách hàng. Có thời điểm giá của MWG cao hơn đối thủ đến cả vài triệu. Sắp tới hiện tượng này sẽ chấm dứt. MWG sẽ không để chênh lệch giá này trở thành điểm để đối thủ lợi dụng”, ông Tài khẳng định. Lãnh đạo của Thế Giới Di Động cũng khẳng định đây không phải là chiến lược ngắn hạn mà sẽ được doanh nghiệp triển khai lâu dài từ thời điểm hiện tại. Ông Tài cảnh báo các đối thủ cạnh tranh nên chuẩn bị tinh thần cho chiến lược mới này của MWG.
Nguồn: https://zingnews.vn/lanh-dao-the-gioi-di-dong-se-cham-dut-chenh-lech-gia-voi-doi-thu-post1419953.html

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Cái khó của ngành công nghiệp mỹ phẩm xanh
Các vấn đề về môi trường làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng và lĩnh vực làm đẹp cũng chứng kiến điều tương tự. Nhiều năm qua, ngành công nghiệp trị giá 500 tỷ USD toàn cầu này phải vật lộn với một loạt thách thức về tính bền vững trong quá trình sản xuất, đóng gói và thải bỏ sản phẩm. Sự thay đổi trong sở thích của khách hàng thúc đẩy nhiều thương hiệu làm đẹp đặt ra các tiêu chí về môi trường: tránh sử dụng nhựa nguyên sinh, thay bằng bao bì có thể tái chế, đồng thời minh bạch hơn về thành phần để khách hàng có thể xác định mức độ “xanh” của sản phẩm. Tuy vậy, không phải nhãn hàng nào cũng có thể theo đuổi “clean beauty” một cách bài bản và đường dài bởi sự thiếu minh bạch trong thành phần sản phẩm và giá thành cao cùng nguồn cung ít ỏi của bao bì tái chế.
Hiện tại, chưa có tiêu chuẩn quốc tế nào cho ngành công nghiệp làm đẹp về lượng thông tin thành phần cần chia sẻ với khách hàng. Bởi vậy, các thương hiệu có thể tùy ý đặt ra quy chuẩn và mục tiêu của riêng mình, dẫn đến lầm tưởng về một sản phẩm xanh. Các doanh nghiệp thường dùng cụm từ “clean beauty” (bền vững, không độc hại) để quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, theo Millie Kendall, Giám đốc điều hành Hội đồng Thẩm mỹ Anh, “clean beauty” đang mất dần sức hút khi khách hàng nhận ra sự thiếu minh bạch về thông tin thành phần. Nhiều loại mỹ phẩm chỉ liệt kê dưỡng chất từ thiên nhiên, song không nêu rõ các nguyên liệu hóa học khác.
Theo Hội đồng Thẩm mỹ Anh, 95% bao bì nhựa của ngành làm đẹp bị vứt bỏ và phần lớn không được tái chế. Hiện nhiều thương hiệu, đặc biệt là những đơn vị theo đuổi ngành hàng mỹ phẩm xanh, đang cố gắng loại bỏ nhựa có hại và chuyển sang sử dụng nhựa tái chế (PCR). L’Oreal dự định sử dụng 50% nhựa PCR vào năm 2025, trong khi Estee Lauder nhắm đến mục tiêu 25% hoặc hơn, nhưng cả hai phải mất rất lâu mới thực hiện được. Giá thành của nhựa PCR được cho là cao hơn rất đáng kể so với loại nhựa thông thường. Đáng chú ý, nguồn cung của loại nhựa này khá hạn chế so với nhu cầu cao của ngành công nghiệp. Sự cạnh tranh này khiến giá nhựa vốn đã cao lại càng cao hơn.
Nguồn: https://zingnews.vn/cai-kho-cua-nganh-cong-nghiep-my-pham-xanh-post1419206.html
2. Tương lai của túi đựng bim bim
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, con người tạo ra khoảng 400 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm. Một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần, như túi đựng khoai tây chiên. Hầu hết túi đựng khoai tây chiên và đồ ăn nhẹ giòn đều được làm bằng ba lớp vật liệu polyme. Polyme – giống tất cả loại nhựa khác – đều được làm từ dầu mỏ và sẽ không bao giờ phân hủy. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty đồ ăn vặt lớn và nhỏ đang tìm cách thay đổi tình hình hiện tại bằng các vật liệu đóng gói thay thế. Nhiều công ty đang thử nghiệm làm túi đựng snack từ tinh bột ngô, canxi cacbonat hoặc nhiều vật liệu thân thiện khác nhằm loại bỏ bao bì nhựa nhưng vẫn giữ được hương vị sản phẩm.
Trong tương lai, khi cơ quan quản lý bắt đầu vào cuộc, những công ty có thể buộc phải sản xuất túi đựng bền vững. Năm ngoái, Liên minh châu Âu đề xuất các quy tắc mới, yêu cầu các công ty bán sản phẩm ở các nước EU phải sản xuất bao bì có thể tái sử dụng, tái chế hoặc làm phân trộn. Các quy tắc cũng sẽ hạn chế phần không gian trống cần thiết bên trong sản phẩm, một phần mục tiêu tổng thể nhằm giảm 5% chất thải bao bì vào năm 2030, so với mức năm 2018. Nếu hiệu quả, EU có thể đặt ra tiêu chuẩn cho các quốc gia khác noi theo.
Nguồn: https://zingnews.vn/tuong-lai-cua-tui-dung-bim-bim-post1416544.html
3. Doanh nghiệp Bỉ sản xuất thìa dĩa ăn được
Thay thế thìa dĩa nhựa và gỗ bằng thìa dĩa ăn được, thú vị và ngon miệng. Đây là thương vụ đầu tiên của công ty khởi nghiệp Bỉ Ecopoon, do hai thanh niên Maxime Vanderheyden và Cyril Ernst điều hành. Quá trình sản xuất bắt đầu vào năm 2021. Nhà máy đặt tại Battice, tỉnh Lìege. Một loạt các sản phẩm ăn được, được tạo thành từ hơn 60% bột mì, dầu, nước, đường, muối và một số thành phần thực phẩm khác, đặc biệt là khoai tây, được sử dụng để sản xuất thìa ăn đồ tráng miệng, que khuấy cà phê (làm bằng bánh quy speculoos), thìa đựng đồ ăn khai vị. Sản phẩm mới nhất vừa ra mắt là thìa ăn kem. Theo anh Maxime Vanderheyden, khách hàng của Ecopoon rất tiềm năng vì lĩnh vực ăn uống của Bỉ sử dụng rất nhiều thìa dĩa dùng một lần. Có thể là tiệm kem, người bán đồ ăn chế biến sẵn, nhà hàng, lĩnh vực hàng không, mà còn cả lễ hội, đám cưới, sự kiện… Hiện một số doanh nghiệp có tiếng tăm trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống của Bỉ như Darcis, Lavazza, Galler hoặc các khách sạn Van der Valk, đều đặt hàng thìa dĩa ăn được của Ecopoon.
Trên thực tế, Ecopoon dự định phát triển hơn nữa ở thị trường nội địa nhưng cũng đã xuất khẩu sản phẩm của mình sang các nước láng giềng như Pháp, Hà Lan và Luxembourg. Đức cũng là thị trường tiềm năng. Trong trung và dài hạn, mục tiêu của Ecopoon không phải là phát triển từ một nhà máy khổng lồ để xuất khẩu ra khắp thế giới mà tầm nhìn của họ là có thể cung cấp cho các nhà khai thác công cụ và kiến thức chuyên môn để sản xuất tại địa phương, theo khu vực, ví dụ như dưới hình thức nhượng quyền thương mại hoặc nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu.
Nguồn: https://bnews.vn/doanh-nghiep-bi-san-xuat-thia-dia-an-duoc/287365.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Toyota và kế hoạch tung ra 10 mẫu xe điện mới
Theo hãng tin Reuters, Toyota mới đây đã công bố việc sẽ tung ra 10 sản phẩm xe điện mới từ nay đến năm 2026 để nhanh chóng bắt kịp cuộc đua xe điện.  Việc hàng loạt những thị trường lớn từ Trung Quốc, Mỹ cho đến Châu Âu dịch chuyển mạnh mẽ sang xe điện đã khiến Toyota phải nghĩ lại khi lợi nhuận của họ đến phần lớn từ những nền kinh tế này. Gần đây, tập đoàn này vừa thành lập hẳn một bộ phận chuyên nghiên cứu ắc quy điện và đặt mục tiêu sản xuất 1,5 triệu chiếc pin xe điện mỗi năm từ nay đến năm 2026. Hãng tin CNBC đánh giá tuyên bố này của Toyota đánh dấu cú “quay xe” mạnh mẽ nhằm tham chiến mảng ô tô điện. Tuy nhiên, liệu hãng có thành công hay không lại là dấu chấm hỏi khi Toyota đang bị chỉ trích là quá chậm trong việc bắt kịp xu thế này.
Với 370.000 lao động, Toyota là doanh nghiệp đông nhân viên nhất Nhật Bản, đồng thời là hãng xe có doanh số hàng đầu thế giới và tưởng chừng như công cuộc chuyển đổi xe điện của tập đoàn sẽ dễ dàng nhưng sự thật lại khác xa. Nhiều chuyên gia nhận định việc phải mất vài năm nữa Toyota mới có một sản phẩm xe điện hoàn hảo đủ sức cạnh tranh trên thị trường là quá chậm và khó có thể đấu lại hàng loạt mẫu mã của nhiều hãng xe liên tục cho ra mắt dòng sản phẩm mới hiện nay. Thậm chí việc sản xuất xe điện cũng khác ô tô xăng khi yêu cầu cách tiếp cận rất khác. Một yếu tố quan trọng của xe điện là phần mềm cho xe tự hành cũng như công nghệ hỗ trợ người lái là một trong những lý do kích thích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của hãng nào. Thế nhưng Toyota lại chậm chân trong mảng này vì tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức cho mảng xe xăng. Toyota đã ngủ quên trên chiến thắng và không muốn mất đi vị thế số 1 của mình, nhưng thời thế đã đổi thay và khả năng họ phạm phải sai lầm giống Nokia trong ngành điện thoại là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nguồn: https://markettimes.vn/cu-quay-xe-chay-banh-cua-toyota-tung-tuyen-bo-khong-voi-do-het-tien-vao-xe-dien-gio-tung-ra-10-dong-san-pham-moi-chi-trong-3-thang-22337.html
2. Các hãng xe toàn cầu âm thầm chuyển hướng khỏi Trung Quốc
Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã vươn lên từ vị trí vô danh trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong ngành công nghiệp phụ tùng xe hơi. Các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu và Mỹ đã đẩy mạnh sản xuất phụ tùng ô tô ở quốc gia châu Á nhằm tiết kiệm chi phí và thiết lập liên kết với thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các tập đoàn quốc tế hiện đang âm thầm cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất phụ tùng Trung Quốc, theo các lãnh đạo hàng đầu trong ngành cũng như các chuyên gia trong chuỗi cung ứng. Các hãng xe toàn cầu đang tiến hành đàm phán trực tiếp với những nhà sản xuất này, thúc giục họ thành lập nhà máy ở các quốc gia khác như Việt Nam và Indonesia nhằm tránh những rủi ro ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Bloomberg.
Hãng xe Nhật Mazda đã chuyển việc sản xuất một số phụ tùng sản xuất tại Trung Quốc về thị trường nội địa. Đây là dấu hiệu cho thấy ngay cả các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, vốn có xu hướng ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn so với các đối thủ ở châu Âu và Mỹ, cũng đã bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại quốc gia này. Theo Financial Times, cả Ford và General Motors cũng đã chủ động chuyển việc sản xuất phụ tùng cho các nhà máy ở Mỹ ra khỏi Trung Quốc được hơn 1 năm.
Những nguyên nhân khác đằng sau sự chuyển hướng bao gồm các hạn chế ngày càng tăng đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc do Đạo luật Giảm lạm phát mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra nhằm giảm sự phụ thuộc và o nguyên liệu Trung Quốc, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất ô tô điện. Mặc dù hầu hết các hãng xe quốc tế khó có thể từ bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc vì quy mô của nó, nhưng họ cho rằng các sản phẩm phụ tùng ô tô từ nước này đến các nhà máy trên toàn thế giới sẽ giảm theo thời gian. Do đó, họ đã đặt mục tiêu dành riêng những phụ tùng và ô tô sản xuất ở Trung Quốc cho thị trường đại lục, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc đối với hàng hóa bán ra nước ngoài, đồng thời đảm bảo chuỗi cung ứng ở thị trường nội địa.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cac-hang-xe-toan-cau-am-tham-chuyen-huong-khoi-trung-quoc-a602471.html
3. Samsung và chiến lược ‘bán máu’ giành thị phần thời kỳ khủng hoảng
Bộ Thương mại Hàn Quốc công bố dữ liệu cho thấy, xuất khẩu chip của nước này đã giảm 34,5% trong tháng 3, từ mức giảm 40% của tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, giảm 33,4%. Micron, SK Hynix và Kioxia Holdings đều đã cắt giảm chi tiêu và sản lượng với hi vọng giữ chân giá không tiếp tục rơi tự do. Tuy nhiên, Samsung, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, vẫn đang duy trì mức chi tiêu theo kế hoạch ban đầu.
Chiến lược của tập đoàn này rất rõ ràng: tiếp tục chi tiêu trong thời kỳ suy thoái để tăng vị thế cạnh tranh. Cách tiếp cận này có thể giúp Samsung giành thị phần và phát triển công nghệ mới lấn át các đối thủ có ngân sách eo hẹp hơn như Hynix và Micron. Tại Pyeongtaek, các công nhân của Samsung đang bận rộn xây dựng dây chuyền sản xuất chip khổng lồ thứ 4 của công ty và có kế hoạch bổ sung thêm 2 dây chuyền nữa đến cuối thập kỷ này. Ngoài chip nhớ, Samsung cũng mở rộng hoạt động kinh doanh xưởng sản xuất bán dẫn, thị trường do TSMC thống trị. Tập đoàn này đã công bố khoản đầu tư 300 ngàn tỷ Won (229 tỷ USD) xây dựng trung tâm chip khổng lồ mới ở Yongin.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/samsung-va-chien-luoc-ban-mau-gianh-thi-phan-thoi-ky-khung-hoang-2129224.html
4. Công ty mẹ Gojek chìm sâu trong thua lỗ sau IPO
Trong năm 2022, GoTo – công ty mẹ của Gojek – báo lỗ ròng 40.400 tỉ Rupiah (2,7 tỉ USD), tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Nó cao gấp 3 lần so với doanh thu của GoTo – dù doanh thu của công ty này đã tăng gấp đôi so với năm trước, lên mức 11.300 tỉ Rupiah. Trong khi công ty mẹ của Gojek chìm sâu trong thua lỗ, các gã khổng lồ trong lĩnh vực Đông Nam Á như Bukalapak, Grab hay Sea đều bắt đầu có lãi. Cổ phiếu của GoTo giảm mạnh kể từ sau khi IPO trên thị trường chứng khoán hồi tháng 4/2022.
Trước các mối lo ngại, CEO Soelistyo vẫn tự tin rằng GoTo sẽ sớm có lãi, minh chứng bằng việc chỉ ra EBITDA của công ty đã liên tục cải thiện trong 4 quý liên tiếp. Bên cạnh đó, GoTo cũng đang nỗ lực cắt giảm các khoản chi phí, các khoản ưu đãi và tiếp thị sản phẩm đã giảm 34% cùng kỳ, xuống còn 2.800 tỉ rupiah trong quý 4/2022. Tuy vậy, theo giới quan sát, việc cắt giảm chi phí là chưa đủ và thách thức cho GoTo không chỉ nằm ở vấn đề tài chính, mà còn nằm ở việc cắt giảm các hoạt động không cốt lõi, đồng thời thoái vốn khỏi các thị trường quá cạnh tranh.
Nguồn: https://viettimes.vn/cong-ty-me-gojek-chim-sau-trong-thua-lo-sau-ipo-duoc-khuyen-rut-khoi-viet-nam-post165711.html
5. Grab Việt Nam xin lỗi về thông tin sai lệch chủ quyền Việt Nam trên bản đồ ứng dụng
Chiều 9-4, đại diện Grab Việt Nam cho biết đã nắm được những phản hồi xung quanh việc hiển thị bản đồ trên ứng dụng của hãng công nghệ này. Công ty đang tích cực làm việc với đối tác cung cấp bản đồ để xử lý. “Việc này hoàn toàn không liên quan đến sự tôn trọng của Grab đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tiếp nhận các ý kiến đóng góp một cách rất nghiêm túc và chân thành xin lỗi về những quan ngại có thể phát sinh. Grab Việt Nam cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam và luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước” – đại diện Grab Việt Nam nhấn mạnh.
Trước đó, tối 8-4, dư luận bàn tán việc bản đồ trên ứng dụng của Grab tại Việt Nam thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền nước ta ở Biển Đông. Cụ thể, với khu vực quần đảo Trường Sa, ngoài một vài tên thực thể như Sơn Ca, Sinh Tồn… được thể hiện bằng tiếng Việt thì tên các thực thể khác được thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/grab-viet-nam-xin-loi-ve-thong-tin-sai-lech-chu-quyen-viet-nam-tren-ban-do-ung-dung-20230409135419871.htm
6. Thị trường AI của Trung Quốc dự báo đạt 26 tỷ USD vào năm 2026
Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu International Data Corporation (IDC) dự báo giá trị thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc có thể đạt 26,44 tỷ USD vào năm 2026. Theo IDC, chi tiêu cho AI của Trung Quốc trong năm nay được dự đoán sẽ đạt 14,75 USD, chiếm khoảng 10% tổng chi tiêu của thế giới cho lĩnh vực này. IDC cũng dự báo tốc độ tăng trưởng hằng năm của thị trường AI Trung Quốc sẽ đạt mức trên 20% trong giai đoạn 2021 – 2026.
Công ty trên nhận định lạc quan về khả năng mở rộng thị trường AI của Trung Quốc trong dài hạn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tiến công nghệ AI nhằm tăng hiệu quả ứng dụng. Bên cạnh đó, sự tích cực của các doanh nghiệp đối với quá trình chuyển đổi số cũng sẽ kích thích nhu cầu đa dạng tại thị trường Trung Quốc.
Nguồn: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/thi-truong-ai-cua-trung-quoc-du-bao-dat-26-ty-usd-vao-nam-2026-20230409140824795.htm
7. Tiềm năng lợi nhuận cao nhưng các doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư vào Metaverse
Cuộc khảo sát của KPMG cho thấy metaverse có tiềm năng lớn trong việc tăng lợi nhuận kinh doanh nhưng hiện tại các công ty vẫn chưa đổ nhiều tiền vào lĩnh vực này do chưa có thành công nào được chứng minh. “Câu hỏi đặt ra cho các công ty công nghệ, truyền thông và viễn thông là nên đầu tư vào đâu và đầu tư bao nhiêu để tránh bị đổ tiền vào các dự án dư thừa” Mark Gibson, lãnh đạo công ty cổ phần TMT của KPMG US, cho biết trong báo cáo. Báo cáo trên thu được phản hồi từ 767 giám đốc điều hành công nghệ, truyền thông và viễn thông tại các công ty kiếm được hơn 250 triệu USD doanh thu hàng năm. Các công ty này đến từ 13 quốc gia và năm châu lục khác nhau.
Khảo sát của KPMG cho thấy 60% giám đốc điều hành của TMT cho rằng metaverse có thể thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận cũng như giảm chi phí hoạt động khi các giao dịch chuyển từ vật lý sang ảo. Họ tin rằng việc ứng dụng metaverse cũng có thể cải thiện sự hài lòng của khách hàng thông qua các hình thức trải nghiệm tương tác ảo. Bên cạnh đó, họ cũng thừa nhận rằng, bất chấp tiềm năng của metaverse thì lĩnh vực này vẫn cần được cải tiến và phát triển hơn nữa. Các giám đốc điều hành của công ty TMT vẫn hoài nghi về khả năng ứng dụng metaverse vào đời sống, với 27% nói rằng đó là “giấc mơ viển vông” và 20% mô tả metaverse chỉ là “một xu hướng nhất thời ”. Báo cáo cho biết, gần 50% số người được khảo sát tiết lộ rằng các công ty của họ đang theo dõi và chờ đợi hoặc đánh giá giá trị kinh doanh dài hạn trước khi thực hiện các khoản đầu tư lớn và Metaverse.
Hơn 70% các công ty toàn cầu được khảo sát đang đầu tư ít hơn 5% ngân sách công nghệ của họ vào metaverse năm 2023 và những công ty còn lại chưa đầu tư bất kỳ khoản tiền nào cho metaverse. Nhiều người trả lời khảo sát của KPMG rằng công ty của họ chưa được chuẩn bị đầy đủ cho kỷ nguyên metaverse. KPMG cho biết: “Rào cản lớn nhất đối với việc đầu tư và nắm bắt metaverse là thiếu công nghệ để hỗ trợ trải nghiệm, chi phí phát triển cao và thiếu các kỹ năng phù hợp của nhân viên”. Khoảng một nửa số người trong cuộc khảo sát cho biết công ty họ thiếu công nghệ phù hợp để hỗ trợ phát triển lĩnh vực metaverse, trong khi 50% cho biết chi phí phát triển metaverse quá cao, điều này ngăn cản công ty của họ đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, 49% chia sẻ rằng nhân viên trong công ty của họ thiếu kỹ năng để điều hành metaverse.
Nguồn: https://vneconomy.vn/tiem-nang-loi-nhuan-cao-nhung-cac-doanh-nghiep-chua-san-sang-dau-tu-vao-metaverse.htm
8. Cần chính sách đồng bộ để startup game Việt ở lại trong nước
Trong số studio sản xuất game của người Việt, số lượng studio có trụ sở trong nước rất ít, còn lại được đặt tại nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là Singapore. Doanh thu game của Việt Nam năm 2018 đạt 365 triệu USD, năm 2021 đạt 665 triệu USD nhưng số tiền đóng thuế cho Nhà nước chỉ chiếm 50%, còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài. Không chỉ game mà nhiều startup công nghệ mới như blockchain cũng đã chọn đăng ký lập doanh nghiệp ở những nước có chính sách cởi mở và thuận lợi hơn để hạn chế những rủi ro về chính sách khi định hướng, hành lang pháp lý cho lĩnh vực này ở Việt Nam chưa rõ ràng.
Một số ý kiến nhìn nhận doanh nghiệp game Việt chỉ ở mức tiềm năng, đang ở trạng thái nuôi dưỡng, trong khi còn quá nhiều rủi ro, rào cản về chính sách khiến họ không thể cống hiến, buộc phải ra nước ngoài. Theo đại diện một số doanh nghiệp, các quy định về thuế ở Việt Nam khá phức tạp, khiến các công ty game gặp khó khăn trong việc tìm hiểu và hoạt động hiệu quả. Cụ thể như thuế suất doanh nghiệp cao và các yêu cầu nộp thuế phức tạp. Ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox, cho rằng so với một ngành game còn đang non trẻ, khả năng cạnh tranh chưa cao nên các công ty game Việt Nam có khuynh hướng chọn những quốc gia có nhiều ưu đãi về thuế cùng những cơ chế sandbox (thử nghiệm) để được thử với rủi ro không quá cao.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn có thể là một thách thức đối với các công ty game ở Việt Nam, đặc biệt nếu họ là startup. Mặc dù có một số nhà đầu tư địa phương và công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào ngành công nghiệp trò chơi, nhưng họ có thể không nhiều hoặc được tài trợ tốt như ở các quốc gia khác. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang là vấn đề nan giải ở Việt Nam. Đã có một số trường hợp công ty trò chơi bị vi phạm bản quyền hoặc các hình thức ăn cắp IP khác. Điều này có thể gây khó khăn cho các công ty trong việc bảo vệ tài sản trò chơi và tài sản trí tuệ có giá trị của họ…
Dưới góc nhìn của chuyên gia khởi nghiệp, ông Cris Duy Trần cho rằng những game blokchain, token, tài sản số tài chính số hiện nay ở Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng về mặt pháp lý. Khi chưa có định nghĩa pháp lý rõ ràng về một trong những thành tố quan trọng trong game đó thì sẽ rất khó được công nhận ở Việt Nam. Để kéo các doanh nghiệp, startup lĩnh vực này về nước, Việt Nam nên bắt đầu bằng một mô hình cơ chế sandbox thử nghiệm chính sách, trong đó có đầy đủ các chính sách, hành lang pháp lý ở quy mô nhất định. Từ mô hình sandbox này, Việt Nam sẽ thấy rõ thực tế hành lang pháp lý cần những gì.
Nguồn: https://vneconomy.vn/can-chinh-sach-dong-bo-de-startup-game-viet-o-lai-trong-nuoc.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Singapore thành thỏi nam châm hút giới đầu tư Trung Quốc
Là một thành phố có 5,5 triệu dân và nằm ở trung tâm Đông Nam Á, với đa số là người gốc Hoa, Singapore từ lâu là điểm đến phổ biến của giới đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, dòng tiền, tài năng và chuyên môn từ Trung Quốc đổ vào Singapore tăng mạnh kể từ năm 2018 do các căng thẳng địa chính trị và nhu cầu đa dạng hóa sau khi các chuỗi cung ứng bị chia cắt trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Theo một số ước tính, có khoảng 500 công ty Trung Quốc thành lập chi nhánh ở Singapore hoặc chuyển đại bản doanh đến đây trong năm vừa qua. Dòng tiền đầu tư từ các quỹ quản lý tài sản gia đình, công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân và công ty quản lý tài sản của Trung Quốc cũng đang chảy mạnh vào Singapore. Các chuyên gia lưu cho biết tất cả họ đều mang theo chuyên môn và tài năng từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tập trung vào lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp của Singapore.
Nick Xiao, Giám đốc điều hành của Hywin International (Hồng Kông), chi nhánh của quỹ quản lý tài sản Hywin Wealth (Trung Quốc) nhận định Singapore là một “cửa ngõ” để thâm nhập Đông Nam Á, nơi nhiều công ty khởi nghiệp có đặt trụ sở khu vực của họ. Ông cho biết thêm, giới đầu tư Trung Quốc nhìn thấy tiềm năng to lớn ở Đông Nam Á, khu vực có tầng lớp trung lưu trẻ và đang phát triển. Họ xem đây là nơi có thể nhân rộng sự đổi mới và các sản phẩm thành công từ Trung Quốc. “Tất cả những điều này kết hợp với cơ sở hạ tầng tài chính mạnh mẽ đã biến Singapore trở thành bệ phóng hoàn hảo cho các nhà đầu tư Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường Đông Nam Á”, Xiao nói.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/singapore-thanh-thoi-nam-cham-hut-gioi-dau-tu-trung-quoc/
2. Thái Lan đẩy mạnh nỗ lực thu hút giới đầu tư Trung Quốc
Nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào thị trường Thái Lan, Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) vừa tổ chức các buổi giới thiệu, quảng bá cơ hội đầu tư tại Trung Quốc. Nhấn mạnh Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng của Thái Lan trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có du lịch, Tổng Thư ký BoI Narit Therdsteerasukdi khẳng định, chương trình quảng bá thị trường Thái Lan sẽ giúp thu hút các doanh nhân Trung Quốc đầu tư vào các ngành xe ô-tô điện, điện tử và công nghệ kỹ thuật số ở Thái Lan. Các buổi quảng bá thị trường của BoI được tổ chức tại các thành phố: Quảng Châu, Thượng Hải, Hàng Châu và Thẩm Quyến.
Trong chuyến quảng bá thị trường, các quan chức BoI đã gặp gỡ 5 nhà sản xuất ô-tô lớn của Trung Quốc bao gồm: Changan Automobile, Geely Global, BYD, JAC Motors and Jiangling Motors. Trong số này, BYD hiện đã đầu tư vào Thái Lan. BYD đang có kế hoạch đầu tư 17,8 tỷ bạt để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện với công suất lên tới 150.000 xe mỗi năm. Trong chuyến quảng bá thị trường, BoI cũng gặp các nhà sản xuất bảng mạch in, trong đó có 2 công ty: WUS Printed Circuit và ASKPCB. Hai công ty này đang có khoản đầu tư trị giá 12 tỷ bạt vào thị trường Thái Lan và dự kiến sẽ thu hút thêm 200 nhà cung cấp trong ngành điện tử đầu tư vào quốc gia này.
Nguồn: https://nhandan.vn/thai-lan-day-manh-no-luc-thu-hut-gioi-dau-tu-trung-quoc-post747284.html
3. Các doanh nghiệp châu Âu lạc quan về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam
Báo cáo mới nhất về triển vọng kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) cho thấy, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho vốn đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước. Trong mắt các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài (FDI). 36% số người tham gia khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, trong top 3 hoặc trong top 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên phạm vi toàn cầu.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn đang chật vật với các vấn đề như quy định thiếu minh bạch, hành chính chưa hiệu quả, khó khăn khi xin thị thực và giấy phép lao động. Một rào cản khác mà lĩnh vực sản xuất phải đối mặt là thủ tục hải quan phức tạp. Ngoài ra, nhiều ngành công nghiệp, như giao thông vận tải, dược phẩm và năng lượng tái tạo, cũng gặp cản trở do luật chống tham nhũng chưa hoàn thiện. Những người tham gia khảo sát nhấn mạnh: cần cải thiện khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan để gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến đầu tư năng động. Những biện pháp này sẽ giúp giải quyết các mối bận tâm của doanh nghiệp nước ngoài và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế đất nước.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/cac-doanh-nghiep-chau-au-lac-quan-ve-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-tai-viet-nam-post1013470.vov
4. Start-up giáo dục công nghệ MindX gọi vốn thành công 15 triệu USD
Ngày 12/4, MindX – start-up đào tạo công nghệ cho mọi lứa tuổi và cam kết việc làm, vừa huy động thành công 15 triệu USD vòng series B. Vòng Series B này được dẫn dắt bởi Quỹ Kaizenvest có trụ sở tại Singapore, trước kia từng rót vốn vào nhiều startup có tiếng trong lĩnh vực edtech, trong đó có kỳ lân Byju’s và upGrad, hệ thống trung tâm tiếng Anh Yola… Các nhà đầu tư tham gia vào vòng gọi vốn này còn có tập đoàn giáo dục Thái Lan Aksorn, tập đoàn nhân sự hàng đầu Nhật Bản Mynavi và Wavemaker Partners – quỹ đầu tư mạo hiểm từng dẫn dắt vòng series A của MindX. Đồng thời, MindX tiếp tục nhận được vốn từ Beacon Fund, quỹ đầu tư tạo tác động tập trung vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á.
Thành lập vào năm 2015, MindX trang bị hành trang để giới trẻ Việt Nam có thể tự tin dấn thân vào lĩnh vực công nghệ. Hệ sinh thái của MindX bao gồm giáo dục, kết nối việc làm và không gian khởi nghiệp, trong đó, giáo dục là mảng kinh doanh cốt lõi. Đến nay, hơn 35.000 học viên đã tốt nghiệp từ MindX, đang sống và làm việc tại gần 20 quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore và Australia. Với nguồn vốn mới, MindX có kế hoạch sẽ tiếp tục phát triển danh mục sản phẩm và dịch vụ, tối ưu trải nghiệm khách hàng và hệ thống dữ liệu để mở rộng quy mô.
Nguồn: https://baodautu.vn/start-up-giao-duc-cong-nghe-mindx-goi-von-thanh-cong-15-trieu-usd-d187469.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Dừa xiêm hút hàng, tăng giá dịp nắng nóng
Hiện nay vào cao điểm mùa nắng, trái dừa xiêm ở địa bàn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre rất hút hàng, giá tăng vọt giúp các nhà vườn tăng thu nhập. Ở thời điểm này, các nhà vườn tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre bán trái dừa xiêm giống Mã Lai (vỏ vàng) giá từ 60.000 – 65.000 đồng/chục (12 quả); giống dừa Xiêm Xanh (vỏ xanh) giá trên 70.000 đồng/chục, tăng hơn tháng trước 15.000 đồng/chục. Theo các cơ sở thu mua dừa tươi, giá trái dừa xiêm còn có chiều hướng gia tăng do nhu cầu nước giải khát trên thị trường hiện rất cao.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/dua-xiem-hut-hang-tang-gia-dip-nang-nong-post1012617.vov
2. Cua chết diện rộng, người dân Cà Mau lo mất nguồn thu
Vùng nguyên liệu cua nổi tiếng của tỉnh Cà Mau thuộc các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển đang diễn ra tình trạng cua nuôi chết trên diện rộng. Thực trạng này khiến người nuôi cua đứng ngồi không yên. Theo ông Nguyễn Nghi Lễ, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn, cua trên địa bàn bị thiệt hại diễn ra từ cuối tháng 2 vừa qua. Tình trạng cua chết diễn ra ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mức độ người nuôi bị thiệt hại khoảng 20-30%, cá biệt có nhiều hộ chịu thiệt hại khoảng 60-70%.
Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm, cua kết hợp khoảng 250.000 hecta. Thực trạng cua chết hàng loạt vào thời điểm này ở các huyện có sản lượng lớn như: Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân,… cũng từng diễn ra năm 2021, 2022. Ngành nông nghiệp địa phương đều kết luận nguyên nhân do ký sinh trùng gây ra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tình trạng cua chết. Thực trạng không chỉ làm giảm đáng kể nguồn thu nhập của hộ nuôi mà còn nguy cơ ảnh hưởng năng suất, sản lượng cua của tỉnh Cà Mau.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/cua-chet-dien-rong-nguoi-dan-ca-mau-lo-mat-nguon-thu-tu-dac-san-post1012533.vov
3. Cây giống mít, sầu riêng tăng giá, hút hàng
Hiện giá các loại quả sầu riêng, mít tăng cao, nông dân các nơi có chiều hướng chuyển đổi sang trồng các loại cây này. Do đó, nhiều nhà vườn thương lái tìm mua, đặt hàng cây giống sầu riêng, mít tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) làm cho giá hai loại cây giống này tăng cao, hút hàng mặc dù chưa vào giai đoạn chính vụ sản xuất cây giống.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách xác nhận, cây giống mít và sầu riêng thời gian gần đây do giá trái tăng nên người dân đổ xô mua cây trồng, làm cho giá cây giống 2 loại này tăng gấp 3 – 4 lần so với trước đây. Bên cạnh đó, các vùng miền Đông, Tây Nguyên, các tỉnh nước bạn Lào, Campuchia đang tăng dần diện tích trồng sầu riêng, mít làm cho giá cây giống tăng theo khi lượng cung chưa đủ. Tuy nhiên, người dân sản xuất cây giống tại Chợ Lách có nhiều kinh nghiệm, nếu thị trường có nhu cầu tăng trong vòng từ 3-4 tháng là có sản phẩm để cung ứng cho thị trường. Hiện ngành chức năng khuyến cáo người dân chủ động tìm hiểu thị trường, sản xuất theo đơn đặt hàng, tránh trường hợp sản xuất ồ ạt khi đó cung vượt cầu làm cho sản phẩm rớt giá.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/cay-giong-mit-sau-rieng-tang-gia-hut-hang-20230411172545419.htm
4. Triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam
Ngày 12/4 – 14/4, Trung tâm Xúc tiến đầu tư-thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2023 (VietShrimp 2023). Hội chợ do Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cùng Tổng cục Thủy sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, thu hút 200 gian hàng đến từ 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước, quốc tế trong các lĩnh vực liên quan ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng, từ con giống, thức ăn, chế phẩm, thuốc, quy trình, công nghệ… Với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị”, VietShrimp 2023 là “cầu nối” để “4 nhà”: Nhà quản lý – nhà khoa học – nhà kinh doanh – nhà nông cùng chung tay hành động, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.vn/trien-lam-quoc-te-cong-nghe-nganh-tom-viet-nam-post747396.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Lô Khoai lang chính ngạch đầu tiên sắp xuất sang Trung Quốc
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay, vừa nhận công hàm từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo kết quả kiểm tra trực tuyến doanh nghiệp khoai lang Việt Nam xuất khẩu sang nước này. Theo đó, các chuyên gia Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra trực tuyến đối với 20 cơ sở đóng gói trong danh sách đề xuất của Việt Nam. Thông qua kiểm tra trực tuyến và trao đổi kỹ thuật, phía Trung Quốc xác nhận có 13 trong 23 cơ sở đóng gói của Việt Nam và 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự kiến trong vòng 1 tháng tới, container khoai lang đầu tiên của Việt Nam sẽ lên đường sang thị trường sôi động bậc nhất thế giới này.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, việc khoai lang chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được xem là cơ hội cho nông dân Việt Nam phát triển ngành hàng, gia tăng giá trị kinh tế cũng như chuyển dịch dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh những tháng đầu năm, khoai lang có thể trở thành cứu cánh, giúp toàn ngành tăng tốc trở lại trong quý 2.
Nguồn: https://tienphong.vn/khoai-lang-chinh-ngach-dau-tien-sap-xuat-sang-trung-quoc-post1523795.tpo
2. Mỹ và Trung Quốc đều đang tăng cường nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam
Trong 2 tháng đầu năm 2023, hồ tiêu tiếp tục giữ vững đà xuất khẩu của năm 2022. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2023 xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh 123% về khối lượng và tăng 94,9% về kim ngạch so với tháng 1/2023, đạt 28.011 tấn, tương đương 84,19 triệu USD, giá trung bình 3.005,5 USD/tấn, giảm 12,7%. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu 40.492 tấn hạt tiêu, tương đương 127,17 triệu USD, giá trung bình 3.140,5 USD/tấn, tăng mạnh 34,3% về lượng nhưng giảm 9% về kim ngạch và giảm 32,3% về giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường Mỹ tiêu thụ nhiều nhất các loại hạt tiêu của Việt Nam, đạt 6.972 tấn, tương đương 28,3 triệu USD, chiếm 17,2% trong tổng lượng và chiếm 22,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước. Đáng chú ý, trong số các thị trường xuất khẩu tháng 2/2023, Trung Quốc tăng nhập hồ tiêu Việt Nam trở lại ngay sau khi mở cửa và vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam, đạt 4.712 tấn, tăng 219,5% so với tháng 1/2023, chiếm 16,7% thị phần xuất khẩu. Cộng dồn 2 tháng, xuất khẩu hồ tiêu vào Trung Quốc đạt 10.209 tấn, chiếm 25% và tăng 760,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: https://markettimes.vn/mat-hang-viet-nam-xuat-khau-so-1-the-gioi-trong-nam-2022-my-va-trung-quoc-deu-dang-tang-cuong-nhap-khau-22310.html
3. Thế giới tăng mua, gạo Việt Nam hưởng lợi
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD, tăng 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 do giá gạo tăng 9,2%, bình quân 532 USD/tấn. Tính đến 2 tháng đầu năm, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng rất cao như: Trung Quốc (thị trường nhập khẩu thứ 2) nhập 152.640 tấn, tương đương 90 triệu USD, tăng 86% về lượng và tăng 120% giá trị. Indonesia thứ 3 với 144.000 tấn, tương đương 67 triệu USD, tăng hơn 33,7% về lượng và 30,3% về giá trị.
Lý giải về xuất khẩu gạo tăng trưởng tích cực, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho hay ngành gạo thế giới đang trong giai đoạn cung không đủ cầu nên giá gạo tăng. “Trung Quốc sau mở cửa nền kinh tế nhu cầu mua gạo rất mạnh. Đặc biệt, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu đến 2 triệu tấn gạo, khả năng mua của Việt Nam chiếm 50% tổng sản lượng nên đầu ra rất thuận lợi. Trong khi đó, cuối năm 2022 xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt, DN vét tồn kho để bán, không còn hàng cho năm nay nên nguồn cung không nhiều” – ông Đỗ Hà Nam phân tích. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng giá gạo tăng cao không chỉ do nhu cầu tăng mà còn do Việt Nam cải thiện chất lượng gạo. “Gạo Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên được định giá cao hơn” – ông Tùng khẳng định.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/the-gioi-tang-mua-gao-viet-nam-huong-loi-2023040820550369.htm
4. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất trong 10 năm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu tháng 3 đạt 900.000 tấn với giá trị 480 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm đạt 1,8 triệu tấn, tương ứng với 952 triệu USD. Xuất khẩu gạo trong quý I tuy giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng tới 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân trong 3 tháng đầu năm ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá xuất khẩu gạo bình quân cao nhất trong 10 năm qua.
Bộ NN&PTNT cho rằng, gạo xuất khẩu tăng cao là nhờ tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp cao (gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản…) có giá bán cao đã tăng mạnh. Hiện tỷ trọng gạo phẩm cấp cao đã chiếm 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với giá bán dao động từ 600 – 1.000 USD/tấn. Trong quý I, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đạt trung bình khoảng 450 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt khoảng 430 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ. Ghi nhận giá gạo xuất khẩu gần nhất ngày 10/4 cho thấy, giá gạo loại 5% của Việt Nam đạt 473 USD/tấn, loại 25% tấm đạt 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm 31/3/2023.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-gao-viet-nam-xuat-khau-cao-nhat-trong-10-nam-post1525393.tpo
5. Xuất khẩu sầu riêng tăng gần 300% chỉ trong 2 tháng đầu năm
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 3 đạt 370 triệu USD, tăng 8% so với tháng 3/2022. Tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 935 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, sầu riêng là loại trái cây có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất trong nhóm các mặt hàng rau quả. Cụ thể, xuất khẩu sầu riêng 2 tháng đầu năm đạt 57 triệu USD, tăng 291% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 15,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của nước ta. Trong 2 tháng đầu năm, thị trường này chiếm đến 83% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Trong năm 2022, mặt hàng sầu riêng tăng trưởng đến 137% tương đương kim ngạch 421 triệu USD. Tỷ trọng của trái sầu riêng trong cơ cấu hàng xuất khẩu tăng từ 7,6% của năm 2021 lên 20% trong năm 2022.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 100.000 ha sầu riêng, cho sản lượng hơn 1,3 triệu tấn/năm. Đến nay, Việt Nam có khoảng 12.000 ha sầu riêng được xuất chính ngạch sang thị trường 1,4 tỉ dân. Tính tổng cộng qua ba đợt kiểm tra, xét duyệt, Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư của phía Trung Quốc.
Nguồn:  https://markettimes.vn/mot-loai-qua-cua-viet-nam-duoc-nguoi-trung-quoc-cuc-ky-ua-chuong-cung-khong-du-cau-xuat-khau-tang-300-chi-trong-2-thang-dau-nam-22406.html
6. Hàn Quốc thu hồi, ngừng bán sản phẩm ớt của Việt Nam do dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết ngày 07/4/2023, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã ra thông báo sẽ ngừng bán và thu hồi sản phẩm ớt của Việt Nam sau khi kiểm tra và phát hiện ớt Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn. Sản phẩm bị thu hồi là ớt Việt Nam có năm sản xuất 2021 và 2022 được nhập khẩu từ Công ty TNHH JM Food (Gongju-si, Chungcheongnam-do) và Công ty TNHH Thực phẩm Daelim Global (Gangseo-gu, Busan). Co., Ltd. (Gyeongsan-si, Gyeongsangbuk-do) đã bán các phân khu. Sản phẩm được nhập khẩu dưới dạng ớt đỏ đông lạnh, sấy khô và chia nhỏ để bán tại Hàn Quốc và bị phát hiện không phù hợp sau khi kiểm tra. Trong các sản phẩm này có phát hiện chất tricyclazole, loại thuốc trừ bệnh được sử dụng chủ yếu trong canh tác lúa, vượt tiêu chuẩn cho phép.
Trước Công hàm của Đại sứ Hàn Quốc, kèm thông báo yêu cầu kiểm tra của Bộ An toàn Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc đối với mặt hàng ớt dạng quả của Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (tỉnh có kim ngạch xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc lớn) đã có công văn đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận và các doanh nghiệp xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc, về việc kiểm tra an toàn thực phẩm của phía Hàn Quốc. Theo đó, tỉnh yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu ớt phải có kết quả kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do các phòng thử nghiệm được Bộ An toàn Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc chấp thuận kèm theo lô hàng xuất khẩu. Thời gian tạm thời áp dụng yêu cầu kiểm tra là 1 năm, bắt đầu từ ngày 31/3/2023 đến 30/3/2024.
Nguồn: https://vneconomy.vn/han-quoc-thu-hoi-ngung-ban-san-pham-ot-cua-viet-nam-do-du-luong-thuoc-tru-sau-vuot-qua-tieu-chuan.htm
BSAi