1. Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu ‘siêu thịt bò’ sang Đông Nam Á
Hiệp hội các nhà bán buôn thịt bò và chính quyền thành phố Matsusaka ở tỉnh Mie, miền trung Nhật Bản đang lên kế hoạch tăng hạn ngạch xuất khẩu thịt Wagyu – loại thịt bò cao cấp nhất của Nhật Bản – từ 24 con bò vào năm 2022 lên 300 con trong năm nay và 700 con vào năm 2024.
Hàm lượng chất béo cao khiến thịt bò Wagyu hoàn hảo cho một số món ăn truyền thống của Nhật Bản, chẳng hạn như thịt bò nướng lát mỏng hoặc nấu trong nước dùng, với phần lớn chất béo sẽ tiêu hao trong quá trình nấu. Thịt bò Matsusaka không phù hợp để làm món bít tết, vì có nhiều thớ mỡ hơn. Tuy nhiên, xu hướng gần đây của người Nhật là tránh xa thịt đỏ và các loại thịt giàu chất béo vì lý do sức khỏe, điều này ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong nước. Đó cũng là nguyên nhân các nhà chăn nuôi buộc phải tìm kiếm các thị trường mới.
2. Rượu sake của Nhật Bản duy trì sức hút với thế giới
Theo hãng tin Kyodo, xuất khẩu rượu sake của Nhật Bản đã tăng kỷ lục trong năm 2022. Đây là năm thứ 13 liên tiếp ghi nhận sự gia tăng xuất khẩu của loại rượu nổi tiếng này của ‘đất nước Mặt trời mọc’, cùng với sự bùng nổ ẩm thực Nhật trên toàn cầu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sake năm 2022 tăng 18,2% so với năm 2021, lên 47,4 tỷ yen (khoảng 340 triệu USD), một phần là nhờ các nhà sản xuất trẻ nhắm đến phân khúc khách hàng hạng sang với các sản phẩm thượng hạng, từng bước thúc đẩy một văn hóa sake ở nước ngoài.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất rượu Sake & Shochu Nhật Bản, trong khi lượng rượu bán trong nước tiếp tục giảm, nhu cầu ở nước ngoài tăng đều đặn. Xuất khẩu sake đã tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua và giá trung bình của mỗi chai tăng hơn gấp đôi. Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu hàng đầu trong năm 2022, Mỹ xếp vị trí thứ hai. Sự phổ biến của thức uống này cũng đang lan sang cả Hàn Quốc và Đông Nam Á.
3. Campa Cola, kỳ phùng địch thủ của Coca-Cola sắp tái xuất ở Ấn Độ
Người đàn ông giàu nhất châu Á là ông Mukesh Ambani đã công bố kế hoạch ra mắt lại nhãn hiệu soda mang tính biểu tượng của những năm 1970. Đó là Campa Cola, nhãn hiệu từng là đối thủ của Coca-Cola và Pepsi. Theo kênh CNN, trong tuần này, Tập đoàn Reliance của ông Ambani cho biết họ sẽ giới thiệu lại Campa Cola cho thị trường đồ uống không cồn trị giá hàng tỷ USD của Ấn Độ vào mùa hè này với ba hương vị: cola, chanh và cam.
Hiện nay, khi có ý định ra mắt lại Campa Cola, Tập đoàn Reliance dường như hy vọng sẽ thu hút được cả những người Ấn Độ hoài cổ về nhãn hiệu này và giới thiệu cho cả giới trẻ – những người có thể không nhớ đến phiên bản trước đó. Về mức giá, Campa Cola sẽ có giá thấp hơn tới 15 rupee so với các nhãn hiệu Coca-Cola và PepsiCo ở 5 kích thước đóng gói, làm tăng khả năng xảy ra cuộc chiến giá cả khốc liệt trong mùa hè sắp tới. Cả Coca-Cola và PepsiCo đều chỉ đạo các đội ngũ ngay lập tức tăng cường giảm giá thương mại, khuyến mãi cho người tiêu dùng và chi tiêu tiếp thị tại Ấn Độ.
4. Sản phẩm Việt Nam tham gia hội chợ FOODEX Japan 2023
Năm nay, sau 4 năm không thể tham gia trực tiếp do gián đoạn bởi Covid-19, FOODEX Japan 2023 có hơn 60 doanh nghiệp mang sản phẩm từ Việt Nam sang trưng bày tại các gian hàng, bên cạnh gian hàng của nhiều công ty có trụ sở tại Nhật Bản chuyên nhập khẩu, phân phối hàng Việt Nam. Các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm, đồ uống tại khu gian hàng Việt Nam được trưng bày đa dạng về chủng loại, mẫu mã, thu hút được sự chú ý của đông đảo khách tham quan.
Trong nhóm thực phẩm chế biến, nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như giò, chả, phở ăn liền… cũng được giới thiệu tại triển lãm. Bên cạnh các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam thì cũng đã có doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, sản xuất các sản phẩm này tại Nhật Bản, với tiêu chuẩn chất lượng cao để đưa vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đây là những tín hiệu rất tích cực cho các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trên con đường hướng tới mục tiêu trở thành những sản phẩm phục vụ chủ yếu không chỉ cộng đồng người Việt tại Nhật mà còn cho cả người dân Nhật Bản.
5. Lần đầu tiên có lễ hội bánh mì tổ chức ở TP HCM
Chiều 9-3, Hiệp hội Du lịch TP HCM và Sở Du lịch TP HCM đã tổ chức họp công bố Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ I năm 2023 diễn ra từ ngày 30-3 đến 2-4 tại Nhà văn hóa Thanh niên, TP HCM. Đây là lần đầu tiên Lễ hội bánh mì Việt Nam được tổ chức, với kỳ vọng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân TP HCM và du khách về món ăn hấp dẫn của Việt Nam.
Dự kiến sẽ có khoảng 120 gian hàng của các đơn vị, nhà hàng, tiệm bánh mì, nhà cung cấp tại TP HCM và cả nước, nhà cung cấp nước ngoài tham gia lễ hội. Sự kiện cũng kỳ vọng thu hút hơn 50.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Các hoạt động tại sự kiện như sẽ có phần công diễn giới thiệu 105 món ăn kèm bánh mì; trưng bày các loại bánh mì làm từ rau củ quả Việt Nam. Chương trình khởi nghiệp từ xe bánh mì dành cho phụ nữ và học viên ngành bánh. Các hoạt động biểu diễn liên tục diễn ra tại sân khấu các sự kiện…
1. Trung Quốc mở tour du lịch đoàn tới Việt Nam từ 15/3
Chiều 8/3, bà Nguyễn Phương Hòa – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế tiếp và làm việc với ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Theo thông tin từ Cục Hợp tác quốc tế, trong buổi làm việc này, ông Bành Thế Đoàn khẳng định, hợp tác du lịch Việt Nam – Trung Quốc trước giai đoạn dịch COVID-19 mang lại lợi ích chung cho nhân dân hai nước, đóng góp thiết thực cho việc vun đắp tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
Nhận được sự ủy quyền của Đại sứ, Tham tán Bành Thế Đoàn đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo về việc Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15/3/2023). Đây là kết quả sau những nỗ lực của các cấp, các ngành hai bên.
2. Việt Nam gặp ‘đối thủ’ nặng ký trong cạnh tranh đón khách Trung Quốc
Trung Quốc mở cửa du lịch với Việt Nam từ 15/3 đem lại nhiều kỳ vọng việc đạt được mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, việc hút khách và cạnh tranh như thế nào với các thị trường du lịch ‘nặng ký’ như Thái Lan… còn là một hành trình dài. Theo tờ Bangkok Post, Thái Lan là điểm đến được du khách Trung Quốc tìm kiếm nhiều nhất khi sử dụng Airbnb – một nền tảng chia sẻ chỗ ở. Bangkok, Phuket, Chiang Mai và Pattaya đứng đầu danh sách tìm kiếm của du khách Trung Quốc. Ngành du lịch Thái Lan dự báo sẽ hút khoảng 5 triệu khách du lịch Trung Quốc, mang về 250 tỷ baht hoặc khoảng 40% số tiền được tạo ra trong năm 2019 – thời điểm trước dịch.
Không chỉ đầu tư chi phí lớn, chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch của Thái Lan cũng được đánh giá cao với sự sáng tạo trên cơ sở nhất quán so với Việt Nam. Hơn 20 năm, kể từ năm 1998, du lịch Thái Lan gắn liền với slogan “Amazing Thailand” (kỳ diệu Thái Lan) nhưng mỗi năm đều có cách truyền thông khác nhau với các thông điệp phụ khác nhau. Ông Năng ví dụ về một clip truyền thống nổi tiếng của Thái Lan thu hút 3 triệu lượt xem ngay ngày đầu tiên. Trong khi Việt Nam có slogan đầu tiên dành cho ngành du lịch từ năm 2001 và qua 20 năm chúng ta có ít nhất 3 lần thay đổi từ “điểm đến của thiên niên kỷ mới”, “vẻ đẹp tiềm ẩn” và “vẻ đẹp bất tận”.
Theo các doanh nghiệp, hiện chính sách Visa của Thái Lan cũng “cạnh tranh” hơn khi miễn visa cho công dân 65 nước, cho phép du khách lưu trú tới 90 ngày và được ra vào nhiều lần; trong khi Việt Nam đang miễn visa nhập cảnh cho công dân 25 nước, lưu trú 15 ngày và ra vào chỉ 1 lần.
3. Nhu cầu của khách Trung Quốc thay đổi lớn sau 3 năm đại dịch
Theo Viện nghiên cứu du lịch về thị trường Trung Quốc (COTRI), một đơn vị tư vấn độc lập có trụ sở tại Đức, khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm hạn chế vì Covid-19, tâm lý du lịch của người dân nước này đang thay đổi nhiều. Ông Wolfgang Georg Arlt, người sáng lập và giám đốc điều hành của COTRI cho biết, ở Trung Quốc cũng như những nơi khác, nhiều năm đóng cửa do đại dịch đã dẫn đến sự thay đổi nhu cầu của du khách. Các điểm đến lớn đã không còn nhiều sức hút. Giờ đây, những nơi “hướng về thiên nhiên, về hoạt động ngoài trời” lại hấp dẫn du khách nhiều hơn. Ông Arlt lấy ví dụ về sự xuất hiện của các xu hướng như cắm trại và khám phá, cùng với các chuyến đi đa dạng trải nghiệm cho cả gia đình.
Ông Arlt còn nhận định thêm, nhiều khách du lịch Trung Quốc cũng đang nhận ra kho tàng du lịch tại đất nước rộng lớn của họ. Thêm vào đó, đã có sự cải thiện về chất lượng và sự đa dạng của các dịch vụ du lịch nội địa Trung Quốc. Sự thay đổi này có thể sẽ đánh dấu một bước chuyển đáng kể trong thị trường du lịch quốc tế – vốn có sự đóng góp rất lớn từ khách du lịch Trung Quốc. Năm nay, tập đoàn khách sạn quốc tế Accor ước tính cứ 4 du khách Trung Quốc thì có khoảng 3 người sẽ ở lại trong nước. Kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại vào đầu tháng 1, việc thiếu các chuyến bay khiến nhiều du khách không thể ra nước ngoài. Theo dữ liệu từ trang web đặt vé Fliggy thuộc sở hữu của Alibaba, từ ngày 6/2 đến ngày 12/2, số chuyến bay quốc tế ra khỏi Trung Quốc chỉ phục hồi 9% so với mức của năm 2019. Nhiều công dân Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong quá trình gia hạn hộ chiếu và xin thị thực do lượng người có nhu cầu tăng mạnh.
Trước đại dịch, phần lớn (55%) khách du lịch Trung Quốc đã chọn đi du lịch nước ngoài thông qua các công ty lữ hành. Họ sẽ được công ty bố trí thành nhóm lớn và được phục vụ đầy đủ dịch vụ. Ông Simeon Shi, Giám đốc chiến lược và trưởng bộ phận phát triển doanh nghiệp tại Fliggy cho biết xu hướng đó có thể vẫn sẽ được duy trì trong thời gian tới. Khi thị trường du lịch phục hồi, ông dự đoán “các chuyến du lịch theo nhóm vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu của họ”. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa trong việc đáp ứng nhu cầu của du khách. Chuyên gia Arlt đề xuất việc phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng, trong đó có cả khách lần đầu và khách quay lại. Việc quan tâm kỹ đến trải nghiệm của khách có thể là cách để các doanh nghiệp lôi kéo khách nguồn du khách Trung Quốc mới.
4. Thái Lan đưa xe bán đồ ăn thành xu hướng du lịch mới
Theo trang The Nation (Thái Lan), Cơ quan Phát triển Kinh doanh (DBD) nước này đang để mắt đến một xu hướng du lịch mới: các xe bán đồ ăn. Người đứng đầu DBD Thosapone Dansuputra cho biết các xe bán đồ ăn có thể được coi là “những điểm đến” thu hút nhiều du khách, giúp kích thích nền kinh tế và nâng cao nhận thức về ẩm thực Thái Lan. Ông Dansuputra cũng cho biết thêm rằng văn hóa bán đồ ăn trên những chiếc xe nhỏ sẽ thúc đẩy sự tương tác giữa người Thái và người nước ngoài, cũng như tạo ra thêm các cơ hội hợp tác.
Theo thông tin từ ông Dansuputra, đã có rất nhiều người Thái Lan và người nước ngoài quan tâm đến sự kiện DBD quảng bá những chiếc xe bán đồ ăn cùng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu phức hợp mua sắm IconSiam ở Bangkok từ ngày 22 – ngày 26 tháng 2. Sự kiện kéo dài năm ngày đã tạo doanh thu 3 triệu baht. Ông Dansuputra cho biết, DBD cũng hợp tác với các tổ chức tài chính như Ngân hàng Krungthai, Ngân hàng Ayudhya, Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ, Ngân hàng TMBThanachart và UOB để đưa ra lời khuyên về việc cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. NusaTrip – Công ty du lịch trực tuyến của Indonesia gia nhập thị trường Việt Nam
NusaTrip – Công ty du lịch trực tuyến của Indonesia thông báo chính thức mở văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh. NusaTrip là công ty du lịch trực tuyến đầu tiên của Indonesia được cấp chứng chỉ IATA – doanh nghiệp thuộc mảng du lịch của công ty được niêm yết trên sàn Nasdaq. Ngoài văn phòng ở Jarkarta, đây là văn phòng thứ ba của công ty tại khu vực Đông Nam Á, bên cạnh các văn phòng tại Singapore và Manila được khai trương đầu năm nay.
Với mục tiêu mở rộng danh mục dịch vụ trong khu vực Đông Nam Á cũng như thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam, NusaTrip hiện có vị thế tốt để có thể khai thác tiềm năng to lớn của thị trường cũng như phục vụ các cộng đồng khách hàng đa dạng trong khu vực. Các văn phòng khu vực của NusaTrip tập trung vào việc phát triển các sáng kiến tiếp thị cũng như quản lý các mối quan hệ đối tác hiện hữu với những hãng hàng không, khách sạn cùng các cơ quan quản lý du lịch.
6. Tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất cách tăng nguồn thu từ khách du lịch
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn IPPG, nhấn mạnh để tạo đột phá cho du lịch, có thể đầu tư để phát triển thị trường kinh doanh hàng miễn thuế tại Việt Nam. Các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay trên thế giới như Mỹ, châu Âu… đều sử dụng mô hình Factory Outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch. Đặc điểm thu hút của các khu Factory Outlet là hàng hóa phong phú và được giảm giá rất mạnh (từ 50%-90%) so với nguyên giá.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị các tổ chức, địa phương, hiệp hội du lịch cùng đề xuất với Chính phủ sớm ban hành các chính sách để Việt Nam sẽ có những Factory Outlet trong khu miễn thuế đầu tiên của cả khu vực. Giá bán lẻ tại các khu này sẽ rẻ như ở Mỹ hoặc Milan (Ý), du khách từ các nước lân cận sẽ đổ về Việt Nam mua sắm, kéo theo các dịch vụ khác tăng cộng hưởng và ngành du lịch Việt Nam sẽ có bước nhảy vượt bậc… Ngoài ra, các Cửa hàng miễn thuế dưới phố (Downtown Duty Free) được triển khai cũng là một cơ hội lớn cho Việt Nam để tăng cường nguồn thu từ ngành du lịch.
Để triển khai có hiệu quả giải pháp này, cần sự hợp tác giữa đơn vị hàng không, lữ hành, du lịch, khách sạn, liên kết giữa các cửa hàng miễn thuế và các doanh nghiệp phục vụ ngành du lịch. Các hãng hàng không sẽ “bắt tay” với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế. Với mỗi đoàn khách, đơn vị kinh doanh cửa hàng miễn thuế sẽ bù trừ lại 10% cho doanh nghiệp lữ hành. Mô hình này đã được tập đoàn IPPG thực hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Riêng tại trung tâm mua sắm Lotte ở Seoul – Hàn Quốc, doanh thu đến từ mua sắm đạt 10 tỉ USD, nếu chia 10% cho các công ty lữ hành thì họ sẽ được nguồn hỗ trợ tài chính tới 1 tỉ USD. Đây là nguồn lực rất lớn cho các hãng lữ hành nhanh chóng vực dậy. Khách quốc tế sẽ đổ về Việt Nam, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục…
7. Sao Michelin: “Chìa khóa” mở cánh cửa du lịch Việt Nam ra thế giới
Việt Nam hoàn toàn có thể biến nền ẩm thực phong phú và đặc sắc của mình thành công cụ đắc lực, thu hút và giữ chân du khách quốc tế, đồng thời xác lập vị thế “bếp ăn của thế giới”. Mục tiêu này càng khả thi hơn khi hệ thống đánh giá ẩm thực uy tín Michelin Guide đã chính thức “cập bến” Việt Nam. Trong suốt hơn 1 thế kỉ tồn tại, Michelin Guide dừng chân ở vùng đất nào đồng nghĩa với tiếng tăm về ẩm thực của vùng đất đó được khẳng định, từ đó còn mở ra vô vàn cơ hội thúc đẩy du lịch và mang lại nguồn thu lớn.
Đặt chân đến xứ Phù Tang năm 2017, một năm sau, Michelin đã ra mắt cuốn Michelin Guide Nhật Bản đầu tiên. Chỉ trong 5 tuần, 300.000 cuốn đã bán hết veo. Năm 2010, Tokyo vượt mặt Paris trở thành thủ đô của những nhà hàng 3 sao Michelin. Ẩm thực Nhật thăng hạng, trở thành quốc gia sở hữu nhiều sao Michelin nhất thế giới. Còn Thái Lan, với 441 nhà hàng được Michelin chọn lựa vào sách ẩm thực, trong đó có 6 nhà hàng đạt hai sao, 29 nhà hàng một sao, ẩm thực xứ Chùa Vàng cũng đã có một vị thế khác hẳn, trong cuộc đua hút khách quốc tế đến đất nước này.
Cơ hội đang mở ra với Việt Nam, khi Tập đoàn Sun Group đồng hành đưa Michelin về Việt Nam. Với 2 điểm đến đầu tiên là Hà Nội và TP.HCM, danh sách Michelin Guide Việt Nam đầu tiên dự kiến sẽ công bố vào tháng 6/2023. Công chúng đang chờ đợi những cái tên đầu tiên được xướng lên, và đó sẽ là những “nam châm” thu hút giới xê dịch thích ăn ngon. Với những người trong ngành du lịch, một khi Michelin đã công bố danh sách chọn lựa của họ tại Việt Nam, bệ phóng mới cho du lịch quốc gia cũng sẽ được bắt đầu từ đây.
8. Sẽ tăng số nước miễn visa, kéo dài thời hạn lưu trú cho du khách nước ngoài
Cổng thông tin Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển” diễn ra ngày 15-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý tăng số quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh Việt Nam, kéo dài thời hạn lưu trú với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử (e-visa). Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, riêng việc tăng thời hạn visa du lịch đã mở cơ hội lớn thu hút khách Australia với mức chi tiêu mỗi năm 4 tỉ đô la để du lịch, Canada hơn 33 tỉ đô la, các nước châu Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ chi từ 21 đến 26 tỉ đô la…
Nhiều doanh nghiệp du lịch, nghỉ dưỡng tại hội thảo đã đề xuất tăng thời hạn visa du lịch từ 90 ngày lên 180 ngày, tăng thời gian lưu trú từ 30 lên 45 ngày, đồng thời cho phép nhập cảnh nhiều lần để khách có thời gian đi, chi tiêu nhiều hơn, giúp doanh thu ngành du lịch tăng. Với các quốc gia Việt Nam đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, cần tăng thời gian lưu trú từ 15 lên 30 hoặc 45 ngày và được nhập cảnh nhiều lần. Hiện Việt Nam miễn visa cho 25 quốc gia, cho phép 80 quốc gia được phép xin e-visa.
1. Chợ Tốt ra mắt nền tảng công nghệ bất động sản Nhà Tốt
Nhà Tốt (nhatot.com) – nền tảng công nghệ bất động sản (proptech) vừa được ra mắt bởi Chợ Tốt, cung cấp hệ sinh thái bất động sản toàn diện và đáng tin cậy. Nhà Tốt hướng đến kết nối nhà ở phù hợp tài chính cho hàng triệu người Việt cùng các giải pháp kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp và chuyên viên bất động sản. Trong lần ra mắt này, Nhà Tốt mang đến đa dạng các giải pháp kinh doanh được xây dựng chuyên biệt cho chủ đầu tư, sàn phân phối và nhà môi giới chuyên nghiệp, bao gồm hệ thống quản lý và vận hành, dịch vụ bán hàng và truyền thông tích hợp, cùng các báo cáo và phân tích thị trường chuyên sâu.
Với thế mạnh dữ liệu lớn đến từ hơn 21 nghìn tỉ điểm dữ liệu về hành vi người dùng cùng 28 triệu bất động sản trên khắp 63 tỉnh, thành, Nhà Tốt thấu hiểu chân dung người dùng, dự đoán và đón đầu nhu cầu của người mua, từ đó mang đến các trải nghiệm cá nhân hóa và giới thiệu bất động sản phù hợp; cung cấp các giải pháp phù hợp hướng tới tính minh bạch cho thị trường, hỗ trợ người mua từ giai đoạn tham khảo thông tin giá cả, lựa chọn bất động sản phù hợp, giao dịch và lựa chọn các giải pháp tài chính hỗ trợ cho vay.
1. Chiếm 27% thị phần thế giới, kim cương Nga vẫn lặng lẽ chảy vào châu Âu
Việc nhập khẩu kim cương thô của Nga không bị EU trừng phạt, mặc dù Ukraine và một số nước EU liên tục kêu gọi đàn áp ngành công nghiệp xa xỉ này. Bỉ phản đối việc EU trừng phạt kim cương của Nga, vốn rất quan trọng đối với thành phố Antwerp của Bỉ, một trung tâm giao dịch kim cương toàn cầu. Chính phủ Bỉ lập luận rằng các biện pháp trừng phạt như vậy sẽ chỉ chuyển hướng xuất khẩu kim cương của Nga sang các nước khác mà không thực sự gây ra thiệt hại kinh tế cho Moscow.
EU hiện đang làm việc trong G7 về một hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn cầu đối với kim cương, mà trước đây Bỉ đã yêu cầu. Các nhà lãnh đạo G7 hôm 24/2 cho biết họ cam kết sẽ “làm việc tập thể để có thêm các biện pháp mạnh tay hơn đối với kim cương của Nga, bao gồm cả kim cương thô và kim cương đã đánh bóng”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ và Ủy ban châu Âu đã có thảo luận với lãnh đạo các doanh nghiệp kim cương về cách tước đi thu nhập từ việc bán đá quý của Nga
2. Các thương hiệu giày nội địa và những bước chuyển mình
Theo báo cáo 2022, Việt Nam là nhà sản xuất giày dép lớn thứ 3 ở châu Á, và thứ 4 trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Trung Quốc. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày các loại sang nhiều thị trường trên thế giới, mang lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Tại thị trường nội địa, các thương hiệu ngoại nổi tiếng đang chiếm lĩnh thị trường, làm dấy lên cạnh tranh giữa các thương hiệu giày dép ngoại và hàng nội địa.
Tuy nhiên, nhiều thương hiệu giày sneaker Việt như Thượng Đình, Biti’s, Ananas và Một đang nỗ lực cho ra đời các sản phẩm giày có mức giá tầm trung, đi kèm với mẫu mã bắt mắt và chất lượng không hề thua kém sản phẩm của các thương hiệu ngoại nhập. Cam kết về chất lượng cùng chiến lược marketing phù hợp với xu hướng của giới trẻ, các thương hiệu giày Việt đang từng bước giành lại niềm tin của người dùng và sẵn sàng cạnh tranh với những thương hiệu ngoại nhập như Adidas, Nike,…
1. Tái chế 1,3 tỷ chai mỗi năm, công ty bán 4.000 tấn hạt nhựa sang Mỹ
Theo ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, công ty này hiện đang thu gom rác tại Việt Nam, xử lý, tái chế nhựa, các sản phẩm làm từ nhựa tái chế đó đã được xuất khẩu đi 12 quốc gia trên thế giới. Công ty phân loại từ nguồn gom trước khi đưa về nhà máy xử lý tại Long An. Sau quá trình làm sạch nhiều lần, các hạt nhựa thành phẩm được tạo thành phôi, phôi được thổi thành hình dạng các chai nhựa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài sản phẩm nhựa dùng trong ngành hóa mỹ phẩm, công ty đã có sản phẩm dùng cho ngành thực phẩm, đựng nước uống.
Trong năm 2022, đơn vị đã xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ. Ngoài Mỹ, hạt nhựa của công ty cũng đủ điều kiện xuất sang châu Âu. Hiện, nhà máy tại Long An của doanh nghiệp có công suất xử lý 30.000 tấn nhựa/năm (dạng chai nước uống bằng nhựa), kế hoạch sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 6 tỷ chai nước. Năm ngoái, công ty đã tái chế khoảng 1,3 tỷ chai nước tại Việt Nam. Số lượng chai này thay vì dùng 1 lần, chôn lấp hoặc trôi ra biển thì đã được xử lý tái chế lại, xuất khẩu sang Mỹ một phần. Công ty đang là đối tác của các nhãn hàng lớn như: La Vie, Suntory PepsiCo, Unilever, Coca-Cola…
1. Các nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon hoài nghi về các công ty khởi nghiệp AI
Thời gian gần đây, hàng loạt công cụ “AI thế hệ mới” như chatbot ChatGPT của OpenAI, có khả năng trả lời các câu hỏi phức tạp bằng giọng điệu giống như con người, đã thúc đẩy niềm tin của công chúng về tiềm năng xuất hiện một nhóm ngành mới trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đang tỏ ra thận trọng và trì hoãn hoạt động đầu tư vào các công ty AI, một phần nguyên nhân là do các công ty trong lĩnh vực này đang yêu cầu số vốn quá lớn, mà hầu hết dành cho mục đích xây dựng “mô hình nền tảng” – hệ thống máy học đòi hỏi lượng dữ liệu và sức mạnh tính toán khổng lồ để vận hành.
Với lượng vốn và tài nguyên máy tính khổng lồ, những bước nhảy vọt gần đây của công nghệ sáng tạo AI có thể so sánh với việc đặt chân lên mặt trăng: một thành tựu kỹ thuật cực kỳ ấn tượng, chỉ những người giàu có mới có thể tham gia đầu tư. Tuy nhiên, đứng trước những lời hứa hẹn làm giàu của AI, nhiều nhà đầu tư đã bất chấp xuống tiền vì sợ bỏ lỡ cơ hội so với người khác. Yisroel Brumer, nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Red Cell Partners, cho biết các nhà đầu tư phải suy nghĩ rất kỹ trước khi xuống tiền cho các công ty AI. Ông nói thêm, những tiến bộ gần đây về AI là “cực kỳ ấn tượng và vượt xa những gì chúng ta tưởng tượng”, tuy nhiên “rất khó để đổ tiền cho một hệ thống còn đang mắc những sai lầm khó hiểu”.
2. Lãnh đạo công nghệ châu Á chạy đua ứng phó khủng hoảng Silicon Valley Bank
Silicon Valley Bank (SVB), nhà băng chuyên phục vụ công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ và giới đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon ở bang California, nhanh chóng sụp đổ sau khi nỗ lực huy động thêm vốn thất bại. Quyết định tiếp quản SVB của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cuối tuần qua không chỉ gây sốc cho cộng đồng khởi nghiệp và các quỹ đầu tư ở Mỹ mà còn ở châu Á. SVB đã tăng gấp bốn lần quy mô trong vòng 5 năm qua và được định giá hơn 40 tỉ đô la vào năm ngoái.
Trong những ngày qua, những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ ở châu Á đã theo dõi chặt chẽ tin tức về SVB. Các quỹ đầu tư lớn nhất châu Á gồm Sequoia Capital China, Temasek Holdings, ZhenFund và Yunfeng Capital đã liên hệ với startup trong danh mục đầu tư để đánh giá mức độ tiếp xúc với SVB. Đại diện của Sequoia Capital China không thể bình luận ngay lập tức. Trong khi Temasek khẳng định không tiếp xúc trực tiếp với SVB. Quỹ Yunfeng Capital xác nhận đã yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra nội bộ nhanh chóng về tiếp xúc với SVB. Quỹ này cảnh báo các startup nằm trong danh mục đầu tư của quỹ phải nhanh chóng hành động để tránh rủi ro.
Khủng hoảng của SVB gây lo ngại lớn ở Trung Quốc. SPD Silicon Valley Bank, liên doanh của SVB ở Trung Quốc, đã tích cực cho vay đối với startup mới thành lập và quỹ đầu tư không thể vay từ các ngân hàng truyền thống. Liên doanh này liên tục phát đi các thông điệp nhằm trấn an khách hàng và các công ty trong danh mục đầu tư, nhưng mức độ thiệt hại hiện vẫn chưa rõ ràng.
3. Startup Nhật chuyên biến xe xăng thành xe điện, gỡ luôn nút thắt trạm sạc cũng như thời gian sạc pin
Vào tháng sau, startup Nhật có tên Fomm sẽ ra mắt dịch vụ biến xe xăng thành xe điện bằng cách lắp pin và động cơ điện cho xe cũ. Động thái này được cho sẽ giúp gia tăng tỷ lệ phổ cập xe điện tại Nhật Bản, theo Nikkei. Fomm cũng cho phép khách hàng đổi pin, giúp tiết kiệm thời gian sạc cho xe. Dịch vụ này được xem là đầy hứa hẹn khi chính phủ Nhật đã nới lỏng quy định về việc lưu trữ pin trong các nhà kho. Nhu cầu của nó cũng sẽ rất lớn, đặc biệt với các công ty vận chuyển khi họ muốn những chiếc xe được vận hành với công suất tối đa trên đường, thay vì tốn thời gian “chết” ở các trạm sạc. Fomm được thành lập từ năm 2013 bởi Hideo Tsurumaki, một cựu kỹ sư của Suzuki Motor. Cổ đông chính của công ty bao gồm nhà bán lẻ thiết bị điện Yamada, hãng sản xuất robot Yaskawa và công ty Shikoku Electric.
Một trong những điểm yếu của xe điện chính là thời gian sạc quá lâu, Fomm giải quyết vấn đề này bằng cách cho đổi pin. Hệ thống của công ty này cho phép đổi pin của xe chỉ trong 2 phút. Các trạm đổi pin sẽ được thiết lập ở các trung tâm giao hàng, cho phép tài xế đổi pin nếu cần khi đến nhận giao hàng. Fomm cũng hợp tác với các hiệp hội sửa xe, nơi công việc biến những chiếc xe xăng thành xe điện được tiến hành. Công ty cho biết họ sẽ tiến hành đào tạo với các garage sửa xe. Công ty cho biết chi phí cho việc chuyển đổi 1 chiếc xe xăng thành xe điện là 1,8 triệu yen (13.300 USD) và mục tiêu của hãng là chuyển 1.000 chiếc minivan sang xe điện trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4.
4. LG Electronics mở trung tâm R&D ở Hà Nội, tập trung vào phụ tùng ôtô
Ngày 9/3, hãng công nghệ LG Electronics Inc. cho biết sẽ tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của mảng kinh doanh phụ tùng xe điện. Theo hãng tin Yonhap, ngày 8/3, LG đã tổ chức lễ khai trương một trung tâm mới ở Hà Nội nhằm tiếp tục thúc đẩy trung tâm R&D tập trung vào phụ tùng ôtô của hãng, được vận hành từ năm 2016.
Trung tâm R&D của LG tại Hà Nội chú trọng phát triển phần mềm và kiểm tra các sản phẩm trong xe, trong đó có thiết bị viễn thông, âm thanh, video và điều hướng. LG hy vọng cơ sở mới này sẽ củng cố hạ tầng R&D và tăng khả năng cạnh tranh của LG tại Việt Nam. Công ty cho biết sẽ tăng hơn 30% số lượng nhân viên có trình độ cao tại Việt Nam từ 750 hiện nay lên 1.000 người vào năm 2024.
5. Việt Nam lọt ‘tầm ngắm’ của chuỗi cung ứng chip hàng đầu thế giới
Một số đối tác của ASML – nhà cung ứng quan trọng của ngành công nghiệp sản xuất chip – đang cân nhắc việc xây dựng nhà máy ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo nguồn tin của Reuters, các lãnh đạo từ hàng chục công ty công nghệ sẽ đến thăm Việt Nam, Malaysia và Singapore vào tuần tới. Theo các nguồn tin, có ít nhất 2 công ty đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, 1 công ty đang đàm phán trước với các đối tác để xây dựng nhà máy. Ngoài ra, Malaysia cũng là một lựa chọn khả dĩ vì một số công ty đã có cơ sở vật chất ở quốc gia này.
ASML là một trong những nhà cung ứng hàng đầu ở lĩnh vực sản xuất chip. Hệ thống in thạch bản của công ty này có thể có giá lên tới 160 triệu EUR (170 triệu USD), dùng để sản xuất các chip cao cấp. Đối tác của ASML có thể kể tới như Intel, Samsung và TSMC./.
1. Mỹ, châu Âu mạnh tay nhập khẩu các linh kiện và thiết bị năng lượng mặt trời từ Trung Quốc
Theo số liệu thống kê từ Bloomberg, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm của năm 2022, châu Âu đã nhập khẩu 17,5 tỷ euro, tương đương khoảng 18,75 tỷ USD, các linh kiện và thiết bị năng lượng mặt trời từ Trung Quốc, chiếm 95% tổng lượng nhập khẩu liên quan đến năng lượng mặt trời. Theo 2 công ty năng lượng mặt trời lớn của Trung Quốc là Trina Solar và Jinko Solar, việc nhập khẩu các tấm pin mặt trời của Mỹ từ Trung Quốc cuối cùng đã tăng lên sau nhiều tháng bị gián đoạn bắt nguồn từ việc thực thi luật mới về việc sử dụng lao động.
Sự nỗ lực thoát khỏi các loại nhiên liệu hóa thạch – đặc biệt là nguồn cung từ Nga sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt đã thúc đẩy các quốc gia chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, tránh gây khủng hoảng về nguồn cung. Năng lượng mặt trời là một lựa chọn hoàn hảo để thay thế, tuy nhiên sự thống trị của Trung Quốc trong loại năng lượng này là vô cùng lớn. Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 80% chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời trên toàn thế giới, thống trị việc sản xuất các tấm pin và linh kiện của chúng. Tua-bin gió và các tấm pin mặt trời hiện đang tạo ra gần như đủ điện để cung cấp cho mọi gia đình ở Trung Quốc.
1. Nigeria ra mắt quỹ công nghệ trị giá 672 triệu USD hỗ trợ các nhà đầu tư trẻ
Ngày 14/3, Nigeria đã ra mắt quỹ đầu tư trị giá 672 triệu USD để hỗ trợ các nhà đầu tư trẻ của nước này đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn ở lĩnh vực công nghệ và sáng tạo. Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Quỹ này, nhắm đến những người từ 15 đến 35 tuổi, ra mắt vào thời điểm có những lo ngại tại địa phương về vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ phá sản. Nigeria có số lượng công ty khởi nghiệp lớn nhất ở châu Phi, chủ yếu là về công nghệ và tài chính công nghệ – lĩnh vực thu hút vốn từ các ngân hàng nước ngoài và công ty đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, hầu hết công ty khởi nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn vì các ngân hàng yêu cầu họ cung cấp tài sản thế chấp.
Văn phòng Tổng thống Nigeria ra tuyên bố cho biết Phó Tổng thống Yemi Osinbajo đã ra mắt quỹ trên theo Chương trình Doanh nghiệp Sáng tạo và Kỹ thuật số (DCEP) tại thủ đô Abuja. Quỹ này bao gồm khoản đầu tư 170 triệu USD của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), 116 triệu USD của Cơ quan Phát triển Pháp, 70 triệu USD đến từ Ngân hàng Phát triển Hồi giáo. Chính phủ Nigeria thông qua Ngân hàng Công nghiệp quốc gia cũng sẽ đầu tư 45 triệu USD, trong khi khu vực tư nhân cam kết cung cấp 271 triệu USD.
2. Medigo, startup dược phẩm của Việt Nam huy động thành công 2 triệu USD
Ngày 13/3, Medigo, một startup hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam thông báo đã huy động thành công 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A, dẫn dắt bởi quỹ đầu tư East Ventures. Thương vụ còn có sự tham gia của các nhà đầu tư khác là Pavilion Capital và Touchstone Partners. Medigo là đơn vị giao thuốc 24h đầu tiên tại Việt Nam và lọt Top 10 ứng dụng y tế tại Việt Nam trên kho ứng dụng App Store.
Với khoản tiền đầu tư này, Medigo sẽ tập trung phát triển vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe với đa dạng lĩnh vực hoạt động như bác sĩ tư vấn từ xa, giao thuốc nhanh 24/7 và xét nghiệm tại nhà. Trong đó, nền tảng bác sĩ tư vấn từ xa được xem là một kênh trực tuyến kết nối với các bác sĩ đầu ngành, giúp khách hàng nhận được tư vấn của bác sĩ về các vấn đề về sức khỏe, dinh dưỡng một cách tiện lợi, tiết kiệm chi phí và nhanh chóng.
Hiện nay, có 142 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 81,3 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 72,1 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.
Theo đó, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Hiện nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc tập trung rót vốn nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản; tiếp theo là lĩnh vực lĩnh vực xây dựng; còn lại là những ngành khác. Trong đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm hơn 70% (hơn 57 tỷ USD) tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam.
1. Gấp rút tìm lời giải cho thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai
Chiều 9-3, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đã có buổi làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai về tình hình chăn nuôi hiện nay và giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của Đông Nam Bộ, nơi cung cấp nguồn cung sản phẩm chăn nuôi chủ lực cho thị trường TP HCM.
Lo lắng lớn nhất của cộng đồng chăn nuôi hiện nay là tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định di dời hơn 2.100 cơ sở chăn nuôi và buộc ngưng hoạt động khoảng 900 cơ sở chăn nuôi theo lộ trình trước ngày 31-12-2024. Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai – cho biết sản lượng chăn nuôi của số trại thuộc diện di dời, ngưng hoạt động chiếm hơn 50% sản lượng chăn nuôi toàn tỉnh; trong đó có nhiều trang trại mới được cấp phép được đầu tư bài bản, vốn lớn. Do đó, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai kiến nghị chính quyền phân loại trang trại để có hướng giải quyết phù hợp, tránh gây thiệt hại cho chủ trang trại, làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm.
Giá lợn hơi hiện nay đang xuống thấp là một tất yếu chứ không bất ngờ, bản chất là quan hệ cung cầu và bị chi phối bởi xuất đầu tư rất lớn, chu kỳ sản xuất dài. Thứ hai là nguồn cung nhập khẩu áp lực lớn đến thị trường trong nước. Ngành chăn nuôi chúng ta tăng sản xuất trong nước chỉ có 2 – 3% nhưng mà nhập khẩu tăng đến hàng trăm phần trăm. Theo thống kê, nhập khẩu các sản phần từ lợn trong năm 2019, 2020 sang 2021 tăng 16 lần. Nguồn cung tăng lớn như vậy nhưng cầu không tăng mà lại giảm đi. Cầu không tăng đối với thịt lợn do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi.
Một nghiên cứu mới đây của Công ty Ipsos (tên đầy đủ Công ty Ipsos Strategy3) nghiên cứu đánh giá thói quen tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam thay đổi. Người ta đưa ra dẫn chứng, năm 2018 chúng ta tiêu dùng khoảng 32kg thịt lợn/người/năm nhưng bây giờ xuống còn 25kg/người/năm. Trong khi đó, tiêu thụ gia cầm tăng lên và đặc biệt thịt gia súc ăn cỏ là trâu, bò tăng lên từ 2-3 kg/người lên 5kg/người chưa kể là tôm, cá. Như vậy là cơ cấu tiêu dùng thực phẩm cũng thay đổi làm cho áp lực đối với thịt lợn càng mạnh lên. Nguồn cung thịt lợn thì vẫn vậy và tăng hơn nhưng nhu cầu thịt lợn thì không tăng mà giảm đi. Tôi cho đây là vấn đề và nguyên nhân sâu xa dẫn đến giá thịt lợn không tăng lên.
Gần một năm qua, HTX Bưởi da xanh Bến Tre hoạt động cầm chừng. Khu phức hợp đa chức năng của HTX này được xây dựng hoành tráng tại khu phố 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) cũng “vắng như chùa Bà Đanh”. Cơ sở hoành tráng nhưng luôn đóng cửa, không có bảo vệ trực và có vài nhân viên “ngồi chơi, xơi nước”. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc HXT Bưởi da xanh Bến Tre cho biết, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn về nhân sự lẫn nguồn vốn. Thời gian qua, HTX chỉ đơn thuần là mua bưởi của nhà vườn đưa đi tiêu thụ nhưng sản lượng rất ít. Tính từ đầu năm đến nay, HTX chỉ mua bán được hơn 20 tấn bưởi. Bộ phận thường trực của HTX hiện chỉ có 4 người (1 giám đốc và 3 nhân viên) nhưng rất ít việc làm.
Tháng 3.2021, HTX Bưởi da xanh Bến Tre được Tổ chức SOCODEVI của Canada tài trợ thông qua Dự án VCED với nguồn kinh phí khoảng 13 tỉ đồng. Khu phức hợp được xây dựng với tổng diện tích hơn 4.000m2, gồm các hạng mục: Khu nhà sơ chế, vệ sinh, đóng gói, kho lạnh trữ hàng; khu chế biến nước ép; khu văn phòng và trưng bày các sản phẩm được xây 1 trệt, 1 lầu; kho vật liệu, vật tư. Tuy nhiên, khu phức hợp này chỉ hoạt động trong thời gian ngắn rồi đóng cửa, không có hoạt động sản xuất kinh doanh.
4. Việt Nam và con đường khẳng định lại vị thế trên bản đồ cà phê thế giới
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam được biết đến là quốc gia cung ứng cà phê lớn thứ 2 thế giới, đặc biệt với mặt hàng Robusta, chúng ta là nước thống trị nguồn cung với khoảng 40% thị phần trên toàn cầu. Tuy vậy, vị thế trên chỉ đến từ khối lượng trong xuất khẩu thô của Việt Nam, dòng sản phẩm vốn mang lại giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị của ngành cà phê. Ở trên các khía cạnh khác như giá trị và sự phát triển bền vững của ngành cà phê, nước ta dường như vẫn chưa đặt đúng trọng tâm cũng như chưa thể hiện được đúng như vị thế.
Giải pháp đầu tiên chính là phải nâng cao giá trị cho cà phê xuất khẩu bằng cách chuyển hướng từ xuất thô sang các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn như cà phê chế biến, cà phê đặc sản. Việc chuyển hướng này không chỉ giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị mà còn vì tương lai phát triển bền vững của ngành khi việc mở rộng diện tích để tăng giá trị không còn là ưu tiên hàng đầu do các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Âu mới ban hành lệnh cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng. Không chỉ dừng lại ở việc chế biến tinh để nâng cao giá trị, việc đưa giá trị văn hóa vào từng sản phẩm cà phê để tạo nên sự đặc biệt cho cà phê Việt Nam cũng là một hướng giải quyết đang được chú ý.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu để khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới, một bài toán vô cùng quan trọng để nâng cao chuỗi giá trị cho ngành cà phê Việt Nam đó là việc tập trung khai thác tiềm năng trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có những biến động lớn về nhu cầu tiêu thụ cà phê do lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế trên diện rộng, những yêu cầu khắt khe hơn của thị trường nước ngoài trong chất lượng và nguồn gốc cà phê, việc ưu tiên phát triển thị trường nội địa làm nền nảng sẽ giúp ngành cà phê Việt Nam ổn định hơn trước những sóng gió của thị trường quốc tế.
1. Trung Quốc tăng diện tích trồng thanh long, sầu riêng
Cuối tháng 2, Trung Quốc công bố nước này đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm – cao hơn Việt Nam 200.000 tấn. Vị trí đứng đầu thế giới về sản lượng thanh long là kết quả của việc nước này liên tục mở rộng diện tích trồng. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ của người dân khoảng 2 triệu tấn một năm. Như vậy, sản lượng thanh long tự sản xuất của họ đã gần đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cả nước.
Còn sầu riêng của Trung Quốc sau nhiều năm thử nghiệm thất bại, nay đã bắt đầu cho trái. Sản phẩm dự kiến bán ra thị trường năm sau, với nguồn cung khoảng 45.000 – 75.000 tấn. Dự kiến, quy mô trồng sầu riêng sẽ được mở rộng ra phía Bắc. Trung Quốc đang tìm cách nhập khẩu cây giống chất lượng cao từ nước ngoài (bên cạnh nguồn cây giống trong nước). Nông dân của họ cũng có thể sử dụng cây sầu riêng địa phương đã ra hoa kết trái trên 3 năm, làm cây mẹ để ghép và nhân giống. Việc Trung Quốc đang lên kế hoạch làm chủ nguồn cung nông sản khiến các nhóm hàng nổi bật của Việt Nam như thanh long, sầu riêng, chiếm 90% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường này, có nguy cơ dư thừa.
2. Ồ ạt trồng sầu riêng: Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu
Không như một số loại nông sản mà Việt Nam từng chiếm lợi thế, trái sầu riêng Việt Nam chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ quốc gia láng giềng Thái Lan, nơi đã khẳng định được thương hiệu cho loại trái cây này. Việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu sầu riêng đồng nghĩa trái sầu riêng Việt Nam đang có chỗ đứng. Thế nhưng, việc ồ ạt trồng sầu riêng không chỉ gây tình trạng “cung vượt cầu” mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, từ đó nguy cơ cao mất đi thị trường xuất khẩu.
Trước tình hình diện tích sầu riêng liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Phước lo ngại, mọi người đổ xô trồng chỉ vì giá trị kinh tế cao, nếu không nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật để canh tác thì dễ “tiền mất, tật mang” vì loại cây này khó chăm sóc, chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng lo lắng khi hiện nay chỉ mới có một thị trường để xuất khẩu sầu riêng là Trung Quốc, nên trong quá trình hợp tác nếu có vấn đề thì khả năng ùn ứ sầu riêng là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina T&T Group, sầu riêng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để cạnh tranh, nhất là vận chuyển gần, hàng hoá tươi ngon, chi phí thấp, được trồng quanh năm. Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng thách thức, khó khăn lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam là phải cố gắng làm sao bảo vệ được chất lượng, bảo vệ được thương hiệu để ổn định đầu ra. Những thách thức về ổn định vùng trồng và cách thức truyền thống cho sản phẩm vươn xa thuộc phạm vi điều chỉnh của nhà chức trách trong nước và ý thức lợi ích bền vững của người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
3. Bà Rịa-Vũng Tàu được cấp 5 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có văn bản về việc công nhận vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, Bà Rịa – Vũng Tàu có 5 vùng trồng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số vùng trồng, gồm Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức I, II, III, IV (ấp Liên Đức, huyện Châu Đức) và Hợp tác xã sầu riêng 9 Bê (ấp Sông Xoài 2, huyện Châu Đức). Tổng diện tích là 124,2 héc-ta.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có gần 1.150 héc-ta diện tích trồng cây sầu riêng, tập trung chủ yếu ở các huyện là Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc. Giống sầu riêng sản xuất chủ yếu là sầu riêng Ri6, sầu riêng Thái. Năng suất trung bình đạt 6-8 tấn/héc-ta và sản lượng ước tính khoảng 4.900 tấn.
4. Điều chỉnh cách đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc đối với một số mặt hàng thực vật
Ngày 15-3, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; Ban Quản lý an toàn thực phẩm; các hiệp hội lương thực, tiêu, điều, cà phê, rau quả; doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc về việc điều chỉnh một số nội dung công văn số 953/BVTV-ATTPMT.
Theo đó, các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc thực vật quy định tại mục 1.1 của công văn số 953/BVTV-ATTPMT tiếp tục đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc trên Hệ thống đăng ký trực tuyến https://cifer.singlewindow.cn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (gọi tắt là CIFER). Tuy nhiên, các mặt hàng rau tươi, gia vị có nguồn gốc thực vật (không nghiền, không xay), đậu khô, ngũ cốc thực phẩm (trừ gạo), hạt có dầu, hạt cà phê chưa qua chế biến, ca cao chưa qua chế biến sẽ không thực hiện trên CIFER. Các mặt hàng trên sẽ đăng ký theo cách nộp hồ sơ gồm các giấy tờ theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về Cục Bảo vệ thực vật (Phòng An toàn thực phẩm và Môi trường) qua email: qlattpmt.bvtv@mard.gov.vn. Kết quả đăng ký về mã số xuất khẩu sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử Vụ Kiểm dịch động, thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) là http://dzs.customs.gov.cn.
Các doanh nghiệp đã có mã số xuất khẩu (theo hình thức đăng ký nhanh trước 31-12-2021) có trách nhiệm cung cấp và cập nhật thông tin hồ sơ theo yêu cầu tại mục (5) của Công hàm 353 năm 2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc trước ngày 1-7-2023. Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định của Lệnh 248, các hướng dẫn tại các công văn trên để thực hiện bổ sung thông tin, đảm bảo duy trì mã số xuất khẩu đã được cấp, tránh trường hợp không bổ sung thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ hủy mã và tạm thời dừng xuất khẩu đối với doanh nghiệp.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 272 nghìn tấn hạt điều thô, với giá trị hơn 360 triệu USD, tăng 78,2% về lượng và tăng 52,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Campuchia tiếp tục là thị trường cung cấp điều lớn nhất cho Việt Nam . Trong 2 tháng qua, giá trị nhập khẩu điều từ nước này ước đạt gần 130 triệu USD, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu điều 2 tháng đầu năm chỉ đạt 353 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong 2 tháng, ngành điều nhập siêu gần 7 triệu USD sau khi cả năm 2022 xuất siêu gần 400 triệu USD.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đánh giá, hoạt động sản xuất, cung ứng ngành điều toàn cầu cũng như trong nước đang có nhiều khó khăn, tiêu thụ điều trên thị trường thế giới giảm. Vinacas đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu điều năm 2023 ở mức 3,1 tỷ USD, tức chỉ tăng khoảng 30 triệu USD so với năm 2022. Hiện nay, diện tích trồng điều của Việt Nam chỉ khoảng 300.000 ha, cung cấp khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp. Do đó, Vinacas đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích trong nước, Vinacas đề nghị giải pháp hợp tác khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào.
6. Gần 20 doanh nghiệp Việt tham gia Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ
Hội chợ Thuỷ sản Bắc Mỹ năm 2023 đã chính thức khai mạc hôm 12/3 tại thành phố Boston, bang Massachuset, Mỹ. Năm nay là năm thứ hai Hội chợ Thuỷ sản Bắc Mỹ mở cửa trở lại sau dịch COVID-19. Số lượng doanh nghiệp tham gia hội chợ năm nay hơn 1.000 và đến từ hơn 40 nước, đây là mức gần bằng với thời điểm trước dịch. Riêng đoàn Việt Nam năm nay có sự hiện diện của khoảng gần 20 doanh nghiệp tiêu biểu về chế biến và xuất khẩu thuỷ sản với nhiều mặt hàng mới và cả những mặt hàng chế biến sâu.
Thị trường thuỷ sản Mỹ được đánh giá là tiềm năng với quy mô vào khoảng 6,4 tỷ USD trong năm 2022. Người tiêu dùng Mỹ cũng đang có xu hướng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm thuỷ, hải sản, thay vì tiêu thụ các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm truyền thống. Theo số liệu của Ban tổ chức Hội chợ Thuỷ sản Bắc Mỹ, tới năm 2019, mới chỉ có khoảng 56% người Mỹ ăn hải sản 2 lần mỗi tháng. Tuy nhiên, số người thường xuyên ăn 2 – 3 bữa mỗi tuần đã tăng lên 59% vào năm 2022. Tôm vẫn là món ăn yêu thích nhất. Đây là mặt hàng mà Việt Nam vẫn có lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường này.