Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Ngành dịch vụ ăn uống Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ
Ngay trước thềm Tết Nguyên đán, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách phòng, chống Covid-19 để khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội. Nhờ đà tăng trưởng cao của chi tiêu dịp lễ tết, chính sách kích cầu, ăn uống tại nhà hàng, mua sắm trực tuyến, ngành dịch vụ ăn uống đã phục hồi mạnh mẽ ngay đầu năm mới. Cục Xúc tiến tiêu dùng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, chi tiêu cho ăn uống trong dịp tết tăng mạnh, cụ thể là dịch vụ ăn uống tại nhà hàng tăng 15,4% so cùng kỳ; hiệu suất sử dụng bàn, phòng riêng ở nhiều nhà hàng đạt 200%…
Ngoài ra, du lịch nội địa cũng giúp ngành dịch vụ ăn uống ở nhiều địa phương phục hồi mạnh mẽ, thí dụ như khách du lịch đến từ địa phương khác chiếm khoảng 1/3 lượng khách du lịch ở tỉnh Tứ Xuyên, mức chi tiêu bình quân theo ngày tăng 43% so cùng kỳ, chi tiêu cho dịch vụ ăn uống chiếm tới 47,6%.
Nguồn: https://nhandan.vn/nganh-dich-vu-an-uong-trung-quoc-phuc-hoi-manh-me-post737912.html
2. Người Trung Quốc ưa chuộng rượu giá rẻ
Nhờ đại dịch, thị trường rượu vang của Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Giống như những nơi khác, việc phong tỏa đột ngột đã đặt hồi kết cho các bữa tiệc tại gia, khiến mọi người bị chôn chân ở nhà và tìm cách uống một mình. Được hỗ trợ bởi mạng lưới hậu cần tinh vi của Trung Quốc và các quy định lỏng lẻo về vận chuyển rượu, doanh số bán đồ uống có cồn trực tuyến đã tăng vọt. Theo một báo cáo năm 2021 từ công ty nghiên cứu thị trường Wine Intelligence, 73% người tham gia khảo sát cho biết đã mua rượu thông qua một nền tảng thương mại điện tử khoảng 6 tháng trước đó.
Sự thay đổi này đã giáng một đòn mạnh vào mạng lưới phân phối rượu vang truyền thống của xứ Trung. Từng là biểu tượng của sự sang trọng, thị trường rượu vang ở Trung Quốc đang bị chi phối bởi phân khúc rẻ tiền hơn. Một trong số đó là loại rượu ‘996-es’ được bày bán trên mạng, thuật ngữ này không ám chỉ đến lịch trình làm việc dày đặc của người tiêu dùng, mà mô tả sở thích của họ về rượu: sở hữu một thùng rượu 6 chai có giá từ 99 nhân dân tệ trở xuống, bao gồm phí vận chuyển.
Nguồn: https://zingnews.vn/nguoi-trung-quoc-nghien-ruou-gia-re-post1400399.html
3. Trứng gia cầm – “Biểu tượng” lạm phát tại Mỹ
Lạm phát tại Mỹ dù hạ nhiệt nhưng tốc độ tăng vẫn cao hơn dự báo đang khiến thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Nguyên nhân khiến cho lạm phát Mỹ vẫn dai dẳng hiện là giá thực phẩm vẫn ở mức cao. Số liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, giá các thực phẩm cơ bản đã tăng 11,3% trong tháng 1, trong đó giá trứng đã tăng hơn gấp đôi. Nhiều người dân Mỹ đã nói vui rằng, những vỉ trứng đã trở thành “biểu tượng” của lạm phát tại Mỹ.
Dịch cúm gia cầm bùng phát đã khiến Mỹ phải tiêu hủy 58 triệu con gia cầm tại 47 bang trong 1 năm qua. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến giá trứng tăng chóng mặt. Đỉnh điểm là tháng 12/2022 khi 1 vỉ trứng 12 quả có giá 4,25 USD, tăng 138%. Trung bình, mỗi quả trứng có giá tương đương 8.300 đồng. Dù giá trứng hiện đã giảm một nửa nhưng nông dẫn Mỹ lo ngại giá vẫn khó có thể trở lại bình thường do chi phí sản xuất đầu vào vẫn tăng.
Giá cao kỷ lục đã khiến trứng trở thành mặt hàng mới được buôn lậu qua biên giới với Mexico. Lực lượng tuần tra biên giới Mỹ cho biết các nỗ lực mua lậu trứng qua biên giới gia tăng. Cơ quan này cảnh báo số lượng trứng gia cầm lậu bị bắt giữ tăng gấp đôi trong 3 tháng qua.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/trung-gia-cam-bieu-tuong-lam-phat-tai-my-20230215151119906.htm
4. Nhật Bản: Nhu cầu chocolate dự kiến tăng bất chấp lạm phát
Tại Nhật Bản, giá cả các mặt hàng đang gia tăng có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tiền lương trì trệ.Tuy nhiên, chocolate có thể là một ngoại lệ khi ngày Lễ tình nhân (Valentine) đang đến gần. Nhu cầu chocolate thường tăng vào tháng Hai ở Nhật Bản, khi nhiều phụ nữ mua chocolate để làm quà tặng cho người họ yêu hoặc bạn bè trong ngày Valentine.
Theo dữ liệu của chính phủ, chi tiêu trung bình của hộ gia đình cho chocolate trong tháng này thường cao hơn, đạt khoảng 1.200 yen (khoảng 9 USD) trong hai năm gần đây ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cao gần gấp đôi con số trong các tháng khác.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-nhu-cau-chocolate-du-kien-tang-bat-chap-lam-phat-20230212161631632.htm
5. Thịt heo rớt giá mạnh
Theo tính toán từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi heo đang bị lỗ khoảng 500.000-600.000 đồng/con 100 kg với giá xuất chuồng hiện tại (từ 50.000 – 56.000 đồng/kg). Với mức giá này, người chăn nuôi nhỏ lẻ tiếp tục bỏ chuồng nhưng nguồn cung không giảm do nhiều doanh nghiệp (DN) liên tục đầu tư vào chăn nuôi heo với số lượng lớn. Cụ thể, lượng heo thịt mà C.P. Việt Nam mỗi ngày cung cấp ra thị trường tăng từ 16.000 con lên 20.000 con, CJ từ 5.500 con lên 7.000 con, Japfa từ 1.000 con lên 1.700-1.800 con, Emivest cũng tăng lên gần 1.500 con.
Theo một chuyên gia trong ngành chăn nuôi, giá heo hơi thấp hiện nay còn do các đơn vị chăn nuôi nhận định sai về thị trường Trung Quốc nên sản xuất bị thừa. “Họ kỳ vọng khi nước này mở cửa sẽ bán heo sang nhưng nay Trung Quốc kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch rất chặt. Việc xuất khẩu chính ngạch phải đàm phán rất nhiều năm. Chưa kể, Việt Nam phải cạnh tranh với nguồn heo đông lạnh giá rẻ từ các nước có lợi thế về chăn nuôi như: Mỹ, Canada, Nga… nên ít khả thi”.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/thit-heo-rot-gia-manh-20230213221607134.htm
6. Thêm một ‘đại gia’ nước giải khát Thái vào thị trường Việt Nam
Chiều 10-2 tại TP.HCM diễn ra buổi lễ công bố nhà tài trợ chính của Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đó là Tập đoàn Carabao- một thương hiệu nước tăng lực của Thái Lan. Việc bắt tay tài trợ cho CLB Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng là phương thức để đại gia ngành nước giải khát Thái Lan thâm nhập thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng.
Dù chỉ mới có lịch sử thành lập 21 năm nhưng đại gia Thái Carabao được phát triển mạnh ở cấp độ toàn cầu và hiện được niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan với giá trị vốn hóa là 2,9 tỉ USD.
Nguồn: https://plo.vn/them-mot-dai-gia-nuoc-giai-khat-thai-vao-thi-truong-viet-nam-post719345.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Airbnb công bố năm đầu tiên hoạt động có lãi khi du lịch phục hồi
Nền tảng chuyên về đặt và thuê phòng ở Airbnb ngày 14/2 đã lần đầu tiên báo cáo lợi nhuận hàng năm, với doanh thu tăng mạnh trong ba tháng cuối năm 2022 khi lượng đặt phòng du lịch tăng trở lại. Theo thông báo, Airbnb đã đạt lợi nhuận 319 triệu USD trên doanh thu gần 2 tỷ USD trong quý cuối cùng của năm ngoái. Kết thúc năm 2022, Airbnb ghi nhận thu nhập ròng là 1,9 tỷ USD so với khoản lỗ 352 triệu USD của năm trước đó.
Kết thúc năm 2022, Airbnb ghi nhận 6,6 triệu địa điểm đang mời gọi khách thuê trên nền tảng của họ. Đây là mức cao nhất mà công ty từng ghi nhận, trong bối cảnh các chủ nhà đang tìm cách kiếm thêm tiền khi tình hình kinh tế chung trở nên khó khăn hơn. Cũng từ cuối năm ngoái, Airbnb đã đơn giản hóa thủ tục để các chủ nhà dễ dàng quảng cáo những căn nhà cho thuê hơn trên nền tảng này.
Nguồn: https://bnews.vn/airbnb-cong-bo-nam-dau-tien-hoat-dong-co-lai-khi-du-lich-phuc-hoi/281003.html
Việt Nam là điểm đến ưa thích của thị trường khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan
Các địa điểm ở châu Á, bao gồm Việt Nam, luôn nằm trong danh sách ưa thích của du khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, trước dịch, năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ hai trong top các điểm đến hàng đầu với khách Hàn Quốc, chỉ đứng sau Nhật Bản. Đây là nội dung chính được đưa ra trong báo cáo tóm tắt “Xu hướng du lịch quốc tế của Hàn Quốc – Nhật Bản – Đài Loan” do Công ty nghiên cứu thị trường du lịch The Outbox Company thực hiện.
The Outbox Company cho biết, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan là ba trong số các thị trường có lượt khách đến Việt Nam nhiều và liên tục gia tăng trong giai đoạn 2015-2019. Dù vậy, khảo sát cũng chỉ ra rằng, du khách từ ba thị trường này hiện có mức độ nhận biết còn khá thấp về hình ảnh điểm đến Việt Nam. Điều đó có nghĩa là họ chưa thực sự hiểu rõ và ấn tượng mạnh mẽ về Việt Nam. The Outbox Company hy vọng, bản báo cáo này có thể giúp các doanh nghiệp và điểm đến tại Việt Nam đưa ra những hướng tiếp cận mới thu hút khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tới tham quan cũng như quay trở lại nhiều lần. Mục tiêu hướng tới là đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 như kế hoạch đề ra.
Nguồn: https://nhandan.vn/viet-nam-la-diem-den-ua-thich-cua-thi-truong-khach-han-quoc-nhat-ban-va-dai-loan-post738831.html
2. Khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch trẻ
Trao đổi tại Hội thảo “Xu hướng du lịch của giới trẻ và giải pháp thu hút khách giới trẻ ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức, Viện trưởng, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn nhận định: Trước đây, đối tượng khách du lịch truyền thống chủ yếu là những người ở độ tuổi trung niên có thu nhập tương đối ổn định. Song cùng với sự phát triển của du lịch thế giới và sự đi lên của đời sống kinh tế-xã hội, nhu cầu du lịch của giới trẻ ngày càng tăng lên, do đó đây là thị trường khách vô cùng quan trọng. Là quốc gia đang sở hữu cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ người trẻ cao, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển phân khúc du lịch hướng đến đối tượng du khách trẻ.
Do đó, các địa phương, doanh nghiệp cần nhanh nhạy và đầu tư hơn nữa cho việc chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, quản lý du lịch, tích cực quảng bá, truyền thông thông qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội…; đồng thời gia tăng trải nghiệm số trong hành trình du lịch của du khách giới trẻ.
Nguồn: https://nhandan.vn/khai-thac-hieu-qua-thi-truong-khach-du-lich-tre-post738837.html

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Những con phố mua sắm lớn sẽ biến mất?
Hậu đại dịch, hàng loạt con phố mua sắm nhỏ và những cửa hàng thời trang riêng lẻ trên thế giới đã phải đóng cửa vì lượng người mua giảm sút. Những con phố mua sắm lớn bậc nhất thế giới, nơi đặt các cửa hàng flagship của các thương hiệu xa xỉ, cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Theo khảo sát mới nhất của Cushman & Wakefield, một công ty bất động sản, Hong Kong vừa mất vị trí là khu mua sắm xa hoa nhất thế giới vào tay New York trong bối cảnh kinh tế suy thoái và lượng du khách quốc tế liên tục giảm sút do Covid-19. Đại lộ số 5 ở trung tâm Manhattan (Mỹ) sẽ thay thế “ngôi vương” của Tsim Sha Tsui trên bảng xếp hạng top 10. Đứng thứ ba là Via Montenapoleone ở Milan (Italy), SCMP đưa tin.
Trước tình hình đó, nhiều nơi đã ghi nhận sự thay đổi trong cơ cấu thương mại tại các địa điểm bán lẻ đắc địa. Chẳng hạn, Causeway Bay (Hồng Kông) đã chuyển từ nơi dành cho hàng hóa cao cấp, sang trọng thành những mặt bằng phục vụ nhu cầu lối sống và chi tiêu địa phương. Nếu không có những biện pháp tích cực để lôi kéo khách hàng quay trở lại với mua sắm trực tiếp, nhiều nhà phân tích cho rằng có khả năng những con phố mua sắm từng nổi danh trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí là biến mất. Khi đối diện với nhiều bất cập của bối cảnh hậu đại dịch, không ít chủ thương hiệu đành chọn cách tập trung triệt để vào việc bán hàng trên mạng, hoặc tham gia vào các sàn thương mại điện tử phổ biến.
Chính vì thế mà trong nhiều năm tới, có lẽ chúng ta vẫn còn được nhìn thấy các con phố mua sắm trong trạng thái hoạt động sôi nổi và thậm chí “không ngủ”. Tuy nhiên, cũng sẽ không tránh khỏi việc phải nói lời tạm biệt với nhiều con đường mua sắm quen thuộc, nhưng với ngành công nghiệp biến đổi liên tục như thời trang, sẽ luôn có cách để các thương hiệu mở ra một chương mới. Liệu có thể chuyển mình và thích nghi với thời cuộc hay không, sẽ là bài toán mà nhiều nhà bán lẻ phải tìm ra lời giải.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nhung-con-pho-mua-sam-lon-se-bien-mat.htm
2. Đặt khách hàng vào trung tâm, chuỗi hiệu sách lớn hồi sinh
James Daunt, CEO của Barnes & Noble, từng ví Amazon là một con sư tử đe dọa nuốt chửng toàn bộ ngành công nghiệp sách và mối đe dọa của Amazon đối với các hiệu sách là rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại, James Daunt có thể tự hào về một điều mà kẻ thù trực tuyến của ông không thể: sau gần bốn năm điều hành “người khổng lồ” Barnes & Noble của Mỹ, ông đang chuẩn bị mở thêm hàng chục hiệu sách mới. Đặc biệt, một số hiệu sách nằm ở những nơi Amazon cũng buộc phải rút lui.
Dưới thời Daunt, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất nước Mỹ – đã tinh gọn trụ sở chính, hủy bỏ các thỏa thuận tiếp thị với các nhà xuất bản và trao quyền lực trở lại cho các chi nhánh địa phương, đồng thời tập trung vào việc mang lại trải nghiệm cá nhân cho từng khách hàng. Mặc dù công ty này không còn công bố kết quả tài chính đầy đủ nữa, Daunt cho biết những thay đổi này đã đưa Barnes & Noble trở về từ “cửa tử”, từ khi phải vật lộn để hòa vốn đến khi mang về được lợi nhuận.
Daunt cho biết đại dịch đã thúc đẩy nhiều người định nghĩa lại việc đọc sách và khi các cửa hàng mở cửa trở lại, khách hàng quay lại với số lượng lớn hơn bao giờ hết. Có vẻ như sự kết nối cá nhân là rất quan trọng tại các hiệu sách. Daunt nói: “Chúng tôi muốn tạo ra những không gian phù hợp để lướt web, khám phá sách. Nếu bạn điều hành những cửa hàng sách tốt, bạn chỉ có một mong muốn là mọi người bước vào cửa hiệu và khám phá những cuốn sách”.
Nguồn: https://zingnews.vn/dat-khach-hang-vao-trung-tam-chuoi-hieu-sach-lon-hoi-sinh-post1399738.html
3. Ưu thế của OI
Phần lớn các nhà bán lẻ đang đầu tư quá nhiều cho công nghệ và đầu tư quá ít cho con người, cụ thể là nhân viên của mình. Một trong những cái tên cần được nhắc đến trong làn sóng sa thải hàng loạt nhân viên không thể không kể đến Amazon, ông vua bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới. Động thái của Amazon khiến các nhà bán lẻ khác lao tiếp vào cuộc cạnh tranh và họ (trong đó có Walmart) dường như đã tìm ra điểm mà Amazon có thể đang lơi là, đó là Organic Intelligent (OI – trí thông minh hữu cơ).
Năm 2015, Walmart đã đầu tư 2,7 tỷ USD để tăng lương và đào tạo mới cho nhân viên. Thời đó, tin tức về cú đầu tư này bị Phố Wall coi thường, khiến cổ phiếu sụt giảm và các nhà phân tích vò đầu bứt tai. Nhưng vài năm sau, quyết định đầu tư vào nhân viên của Walmart đã được đền đáp khi nhà bán lẻ liên tục gặt hái những doanh số khủng, cả tại cửa hàng lẫn trực tuyến, và tăng lương đều đặn cho nhân viên. Sự ổn định trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu của Walmart là thách thức đối với Amazon. Huyết mạch của nhà bán lẻ này là gần 12.000 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó có hơn 5.000 cửa hàng ở Mỹ đang hoạt động thành công.
Trên thế giới, Walmart là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất. Số liệu mới nhất cho thấy, công ty bán lẻ khổng lồ này có tới 2,3 triệu nhân viên, vượt xa công ty Amazon với 1,6 triệu người. Việc tăng lương cơ bản nhạy cảm và phiêu lưu hơn với Walmart, nhưng họ tin rằng bán lẻ thông minh không có nghĩa là bán lẻ nhân tạo. Bán lẻ thông minh là bán lẻ với yếu tố con người được công nghệ hỗ trợ. Sự bền bỉ, cảm thông của nhân viên khi hướng dẫn người mua hàng định hướng được trong một rừng lựa chọn khác nhau… đã giúp mang lại thành quả bền vững cho Walmart trong những năm qua.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/uu-the-cua-oi-post678772.html
4. Skylink Group cùng MIA.vn cho ra mắt hệ thống bán lẻ nội thất thông minh Zac Ergonomic
Trong những ngày đầu năm 2023, SKYLINK Group cùng MIA.vn đã công bố về việc hợp tác trong dự án phát triển hệ thống bán lẻ nội thất thông minh ZAC Ergonomic. Sau khi đạt được thỏa thuận hợp tác trong dự án mở rộng hoạt động bán lẻ và chuyển đổi số cho MIA.vn vào cuối năm 2021, SKYLINK Group tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động bán lẻ bằng việc sáp nhập ZAC Ergonomic vào hệ thống bán lẻ của SKYLINK Retail. Đây là bước đi tiếp theo trong chiến lược xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ trực tuyến trên nền tảng công nghệ dữ liệu của SKYLINK Group.
ZAC Ergonomic là thương hiệu nội thất thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế SGS Thụy Sĩ, chuyên phân phối ghế công thái học Sihoo Việt Nam và gối công thái học giảm đau mỏi vai gáy Hàn Quốc. Các sản phẩm của ZAC Ergonomic hiện nay bao gồm: Bàn ghế chống gù cận, bàn học thông minh, ghế công thái học, các phụ kiện công thái học… phục vụ các đối tượng khách hàng quan tâm đến vấn đề sức khỏe của bản thân và gia đình.
Nguồn: https://tienphong.vn/skylink-group-cung-miavn-cho-ra-mat-he-thong-ban-le-noi-that-thong-minh-zac-ergonomic-post1510166.tpo
5. Tạp hóa truyền thống “tăng tốc” nhờ mô hình Giá Tốt
Theo thống kê của Nielsen, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, chiếm 75% thị phần ngành bán lẻ. Dù áp đảo về số lượng nhưng bán lẻ truyền thống đang bị lấn át trước sức mạnh công nghệ của các mô hình hiện đại như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi…  Nâng cấp diện mạo, nâng cấp công nghệ là cách Giá Tốt đang làm nhằm giúp tạp hóa truyền thống không “hụt hơi” trong cuộc đua số hóa ngành bán lẻ.
Dự án “Giá Tốt” là mô hình hợp tác giữa MM Mega Market với các đối tác là nhà đầu tư cá nhân có mong muốn sở hữu những cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, hoặc muốn chuyển đổi mô hình tạp hóa truyền thống sang mô hình bán lẻ hiện đại. “Phủ cam” hơn 250 cửa hàng tạp hóa truyền thống trên toàn quốc chỉ sau 9 tháng ra mắt, mô hình Giá Tốt đang chứng minh tiềm năng của mình tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Với sự giúp sức từ Giá Tốt, các cửa hàng tạp hóa truyền thống sẽ sẵn sàng bước vào cuộc đua số hóa, tăng trải nghiệm mua sắm tiện ích cho người tiêu dùng đồng thời đem lại hiệu quả kinh doanh tối ưu cho chủ cửa hàng.
Nguồn: https://toquoc.vn/tap-hoa-truyen-thong-tang-toc-nho-mo-hinh-gia-tot-20230215102657265.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Dệt may vào cuộc đua giành ‘miếng bánh ngon’
Hiện nay, khi thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều DN dệt may đang định vị lại và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Thị trường nội địa tuy rất tiềm năng, nhưng thời gian qua nhiều nhãn hàng thời trang lớn của thế giới đã có mặt, khiến sự cạnh tranh giữa DN nội và ngoại ngày càng khốc liệt. Nhiều hãng thời trang ngoại cũng tăng cường mở rộng thị trường ở Việt Nam. Mới đây, một số thương hiệu thời trang lớn của Hàn Quốc, Italy đã xuất hiện và thu hút giới trẻ quan tâm. Trước đó, hàng chục thương hiệu thời trang nước ngoài, từ hàng trung bình đến cao cấp như Chanel, Mango, Zara, H&M, Uniqlo …cũng đã có mặt tại Việt Nam, chiếm lĩnh các vị trí đắc địa tại các đô thị lớn.
DN trong nước có lợi thế hiểu thị trường và văn hóa tiêu dùng nhưng tiềm lực tài chính mỏng, khó cạnh canh với DN ngoại. Thêm vào đó, từ trước tới nay có đến 80% DN dệt may nội địa sản xuất hàng hóa xuất khẩu, gia công hoặc mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB) nên giờ trực tiếp bán hàng, phân phối sản phẩm tại thị trường nội địa gặp khó khăn. Để chiếm lĩnh thị trường nội địa. DN phải nhanh chóng nắm bắt, đáp ứng xu hướng thời trang, thiết kế tốt, xây dựng thương hiệu, marketing chuyên nghiệp hơn, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/det-may-vao-cuoc-dua-gianh-mieng-banh-ngon-post1001846.vov

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Trái ngược với Mỹ, công ty công nghệ Trung Quốc tuyển dụng 10.000 nhân viên
Ngày 8/2, gã khổng lồ giao đồ ăn Trung Quốc Meituan công bố kế hoạch tăng cường tuyển dụng 10.000 nhân viên trong quý 1/2023 nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng của công ty, trái ngược với xu hướng cắt giảm nhân sự của các tập đoàn công nghệ Mỹ. Theo CNBC trích dẫn thông báo chính thức của Meituan, công ty tuyển dụng nhân sự ở một số lĩnh vực kinh doanh khác nhau bao gồm phát triển công nghệ và dịch vụ khách hàng. Phạm vi mở rộng nhân sự trải dài trên hàng chục thành phố khắp cả nước, đặc biệt là ở thủ đô Bắc Kinh và Thượng Hải.
Đợt tuyển dụng ồ ạt 10.000 nhân viên này của Meituan do đó có thể được coi như dấu hiệu đầu tiên cho thấy lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang xem xét tới việc mở rộng thêm một lần nữa. Tuy nhiên, thị trường có vẻ chưa sẵn sàng cho một thông báo tuyển dụng vào thời điểm mà tâm lý đối với lĩnh vực công nghệ Trung Quốc vẫn còn chưa chắc chắn. Ngay sau thông báo này, cổ phiếu Meituan giảm 6% trong phiên giao dịch ngày 8/2.
Nguồn: https://mekongasean.vn/trai-nguoc-voi-my-cong-ty-cong-nghe-trung-quoc-tuyen-dung-10000-nhan-vien-post17528.html
2. Yahoo sa thải hơn 20% nhân sự để tái cấu trúc công ty
Theo Reuters, đến cuối năm 2023, Yahoo cho biết đang có kế hoạch giảm gần 50% số lượng nhân viên tại bộ phận công nghệ quảng cáo Yahoo for Business, tương đương hơn 20% tổng số nhân viên của mình. Lý giải việc cắt giảm lao động lần này, Yahoo cho biết, động thái này là một phần của quá trình tái cấu trúc công ty nhằm hợp lý hóa các hoạt động trong mảng kinh doanh quảng cáo. Các chuyên gia nhận định, việc Yahoo cắt giảm nhân sự diễn ra trong bối cảnh nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã cắt giảm ngân sách tiếp thị của họ để đối phó với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục và suy thoái kinh tế.
Nguồn: https://1thegioi.vn/yahoo-sa-thai-hon-20-nhan-su-de-tai-cau-truc-cong-ty-192982.html
3. Alibaba tiếp tục thoái vốn khỏi thị trường Ấn Độ
‘Gã khổng lồ’ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã bán nốt số cổ phần còn lại trong Paytm, ứng dụng thanh toán kỹ thuật số hàng đầu của Ấn Độ, khi họ dần thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ở quốc gia Nam Á trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi chưa hoàn toàn kết thúc.
Theo số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE), công ty Alibaba.com Singapore E-commerce Private Ltd đã bán 21,43 triệu cổ phiếu của One 97 Communications, công ty mẹ của Paytm, với giá 642,74 rupee mỗi cổ phiếu. Hãng tin CNN ước tính thỏa thuận trên có tổng trị giá khoảng 13,77 tỷ rupee (167 triệu USD). Dù vậy, số liệu gần đây nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv Eikon cho thấy Ant Group – chi nhánh chuyên về tài chính của Alibaba – vẫn là cổ đông lớn nhất của Paytm với 25% cổ phần.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/alibaba-tiep-tuc-thoai-von-khoi-thi-truong-an-do-20230214140704626.htm
4. Apple đối mặt với thách thức khi tăng cường sản xuất ở Ấn Độ
Theo tạp chí Financial Times, nhà sản xuất iPhone đã cử các nhà thiết kế và kỹ sư từ California (Mỹ) và Trung Quốc đến các nhà máy ở miền Nam Ấn Độ, phục vụ công tác đào tạo người dân địa phương và giúp thiết lập dây chuyền sản xuất tại đây. Tập đoàn dự kiến xây dựng các hoạt động ở Ấn Độ như những gì đã làm tại Trung Quốc hai thập kỷ trước. Các kỹ sư, các nhà thiết kế sẽ dành nhiều tuần đến vài tháng tại các nhà máy để giám sát quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, dường như các nhà máy tại Ấn Độ chưa thể đáp ứng được nhu cầu khi xét về quy mô và chất lượng sản phẩm. Theo một người biết rõ tình hình sản xuất, tại một nhà máy sản xuất vỏ máy ở Hosur do tập đoàn Ấn Độ Tata, một trong những nhà cung cấp của Apple điều hành, chỉ một nửa số linh kiện hoàn thành trong dây chuyền sản xuất đủ điều điện để gửi đến Foxconn – công ty lắp ráp iPhone của Apple. Tỷ lệ 50% này được cho là không thể chấp nhận được so với mục tiêu “không lỗi” của Apple. Một nguồn tin khác cho biết quá trình mở rộng hoạt động sản xuất sang Ấn Độ diễn ra chậm một phần là do công tác hậu cần, thuế quan và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, người này cho biết quá trình đa dạng hóa sản xuất của Apple sang Đông Nam Á diễn ra suôn sẻ hơn nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
Bất chấp những vấn đề còn tồn đọng, các nhà phân tích cho rằng tiềm năng khai thác Ấn Độ đối với Apple là rất lớn. Bain ước tính xuất khẩu sản xuất từ Ấn Độ có thể tăng hơn gấp đôi từ 418 tỷ USD vào năm 2022 lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2028 nhờ hỗ trợ chính sách và chi phí thấp. Ước tính chỉ riêng xuất khẩu hàng điện tử sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm lên tới 40%.
Nguồn: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/apple-doi-mat-voi-thach-thuc-khi-tang-cuong-san-xuat-o-an-do-20230214144934322.htm
5. Sức mạnh của Trung Quốc trên thị trường pin xe điện toàn cầu
Contemporary Amperex Technology, viết tắt là CATL, là một công ty công nghệ năng lượng toàn cầu và là nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới có trụ sở tại Trung Quốc. Họ là đối tác chính cung cấp pin cho Tesla, hãng xe điện số một thế giới hiện nay. Một số khách hàng khác của CATL gồm startup Nio từ Trung Quốc, Volkswagen của Đức… CATL cũng đang phát triển nhiều công nghệ pin khác và thành lập mọt thương hiệu chuyên đổi pin EV.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Hàn Quốc SNE Research, nhà sản xuất pin xe điện CATL đã một lần nữa giữ chắc ngôi vị số một thị trường, tính trên dung lượng pin đã bán đến tay người dùng. Đây là năm thứ 6 liên tiếp CATL dẫn đầu thị trường pin xe điện toàn cầu và chưa có dấu hiệu cho thấy có một cái tên nào đủ sức cạnh tranh với họ. Nếu cộng dồn thị phần của CATL và BYD, 2 nhà sản xuất Trung Quốc đã chiếm đến 50% thị phần pin xe điện toàn cầu – con số cho thấy sự thống trị gần như tuyệt đối của quốc gia này ở sân chơi quan trọng, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển thị trường xe điện. Đáng chú ý, CATL và BYD cũng là 2 nhà sản xuất duy nhất trong top 6 có thị phần tăng trong năm 2022 trong khi các đối thủ đều giảm.
Nguồn: https://markettimes.vn/su-ba-dao-cua-trung-quoc-tren-thi-truong-pin-xe-dien-mot-ong-lon-thong-tri-6-nam-lien-tiep-2-cong-ty-chiem-luon-50-thi-phan-16212.html
6. VinFast hợp tác với E.On Drive lắp đặt 200 cổng sạc tại các showroom ở châu Âu
Theo thỏa thuận, VinFast và E.On Drive sẽ hợp tác triển khai các điểm sạc nội bộ và trạm sạc công cộng trên toàn bộ hệ thống VinFast Store tại 3 nước Pháp, Đức và Hà Lan. hoạch kỹ thuật, đến lắp đặt và vận hành các điểm sạc. VinFast hiện đã khai trương và đưa vào vận hành 13 cửa hàng tại Paris, Cologne, Berlin, Frankfurt, Munich, Oberhausen, Amsterdam, The Hague, Rotterdam.
Trong giai đoạn đầu, khoảng 200 cổng sạc AC và DC (150 kW) sẽ được lắp đặt, cung cấp dịch vụ sạc cho khách hàng VinFast. Với các điểm sạc mới cùng dịch vụ vận hành và bảo trì, E.ON Drive mang đến sự hỗ trợ toàn diện cho các trung tâm bán hàng và dịch vụ hậu mãi của VinFast. E.ON Drive cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án cơ sở hạ tầng sạc của VinFast, từ việc lựa chọn phần cứng phù hợp cho trạm sạc AC và DC qua phân tích và lập kế
Nguồn: https://markettimes.vn/vinfast-hop-tac-voi-e-on-drive-lap-dat-200-cong-sac-tai-cac-showroom-o-chau-au-16240.html
7. Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC giảm 1/4 lợi nhuận do thị trường điện tử suy yếu
Công ty sản xuất linh kiện bán dẫn SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc, cho biết lợi nhuận kinh doanh giảm hơn 1/4 trong quý 4 năm 2022 do nhu cầu tiêu dùng thiết bị điện tử suy giảm. Trong 3 tháng kết thúc ngày 31/12/2022, lợi nhuận SMIC giảm hơn 26% so với cùng kỳ, xuống còn 425,5 triệu USD, theo thông báo của doanh nghiệp niêm yết tại Hồng Kông ngày 9/2. Doanh thu hàng quý đạt 1,6 tỉ USD, giảm 15% so với quý trước nhưng tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu năm 2022 tăng gần 34% lên 7,27 tỉ USD, so với 5,44 tỉ USD năm 2021, thông báo của SMIC cho biết.
Trên toàn thế giới, ngành công nghiệp bán dẫn đang phải đối mặt với những cơn gió ngược mạnh mẽ, doanh số linh kiện bán dẫn toàn cầu giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 130,2 tỉ USD trong quý IV, theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn.
Nguồn: https://viettimes.vn/nha-san-xuat-chip-lon-nhat-trung-quoc-smic-giam-loi-nhuan-14-do-thi-truong-dien-tu-suy-yeu-post164062.html
8. Intel muốn rót thêm 1 tỷ USD vào Việt Nam
Theo Reuters, Intel cân nhắc bổ sung 1 tỷ USD vào dự án tại Việt Nam để mở rộng nhà máy kiểm tra và đóng gói chip. Reuters nhận định đây có thể là động thái cho thấy vai trò ngày một quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu khi các doanh nghiệp tìm cách giảm lệ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan.
Nguồn tin cũng chia sẻ việc rót vốn sẽ được Intel thực hiện trong tương lai gần và giá trị đầu tư có thể vượt mức 1 tỷ USD. Một nguồn tin khác của Reuters cho biết thêm Intel đang cân nhắc phương án rót vốn vào Singapore và Malaysia bên cạnh Việt Nam.
Nguồn: https://zingnews.vn/intel-muon-rot-them-1-ty-usd-vao-viet-nam-post1400850.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Tập đoàn Masan nhận chứng nhận đăng ký đầu tư tại Singapore
Ngày 10-2-2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) thông qua công ty con là The Sherpa (TS) đã chính thức nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư tại Singapore. Dự án nằm trong mục tiêu chiến lược của Masan đến năm 2025 sẽ tạo nên hệ sinh thái Tiêu dùng – Bán lẻ – Công nghệ có khả năng đáp ứng 80% nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người Việt. Hiện thực hóa mục tiêu đó, Masan đã và đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái với việc nghiên cứu tích hợp các lĩnh vực mới như: dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, giải trí… dựa vào mạng lưới điểm bán rộng khắp và nền tảng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo.
Công ty TS hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển phần mềm, công nghệ và ứng dụng ở quy mô toàn cầu, trong đó bao gồm phát triển các phương pháp đánh giá rủi ro tín dụng chính xác, toàn diện dựa trên công nghệ AI, khoa học máy tính. Việc đầu tư vào Công ty TS sẽ là động lực giúp Masan tăng tốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bán lẻ (Retail AI), và trí tuệ nhân tạo trong tiêu dùng (Consumer AI). Hai bên sẽ cùng hợp tác, cụ thể ở các mảng: xây dựng nền tảng cá nhân hóa, xây dựng nền tảng khách hàng thân thiết và Xây dựng nền tảng tiếp cận tài chính cho người tiêu dùng trên cơ sở khách hàng thân thiết.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tap-doan-masan-nhan-chung-nhan-dang-ky-dau-tu-tai-singapore-post678289.html
2. Startup thương mại điện tử ngành dược phẩm BuyMed gọi vốn thành công 33,5 triệu USD
Công ty phân phối dược phẩm B2B – BuyMed có trụ sở tại TP.HCM vừa hoàn thành vòng gọi vốn Series B do UOB Venture Management dẫn đầu. Startup Việt đã huy động được 33,5 triệu USD cho vòng này, theo Deal Street Asia. Theo thông tin từ hồ sơ gửi cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore – Accounting and Corporate Regulatory Authority, khoản đầu tư của UOB Venture Management lên tới 28 triệu USD, chia làm hai đợt. Ngoài ra, hai nhà đầu tư còn lại Smilegate Investment đến từ Hàn Quốc (2,5 triệu USD) và Cocoon Capital (3 triệu USD). Đây là hai quỹ đầu tư đã đồng hành cũng BuyMed từ vòng series A.
Buymed hoạt động trong lĩnh vực Health-Tech, được thành lập tại Singapore vào năm 2018. Startup này được thành lập bởi ông Peter Nguyễn (Chairman Thuocsi.vn), Hoàng Nguyễn (CEO Buymed) và Vương Vũ (COO Thuocsi.vn). Công ty tập trung cung cấp các sản phẩm y tế, thuốc và giải pháp chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Tham vọng của BuyMed là tạo ra một cuộc cách mạng để làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở châu Á có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận.
Nguồn: https://vneconomy.vn/startup-thuong-mai-dien-tu-nganh-duoc-pham-buymed-goi-von-thanh-cong-33-5-trieu-usd.htm
3. Bloomberg: Việt Nam là mảnh đất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp
Bloomberg ngày 14/2 đã có bài viết với tiêu đề “Nhân tài từ Thung lũng Silicon đang góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam”, trong đó nhận định sự dồi dào của các kỹ sư giá rẻ cùng với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một mảnh đất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp. Bài viết dẫn báo cáo công bố tháng 7/2022 của KPMG International Ltd và HSBC Holdings Plc, cho biết số lượng công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra cho đến giữa năm 2022. Một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới – như Sequoia Capital, Warburg Pincus LLC và Alibaba Group Holding Ltd – đang ủng hộ các công ty đưa ra những giải pháp đầy hứa hẹn.
Theo các dữ liệu tổng hợp từ Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co., trong năm 2021, Việt Nam đã thu về mức kỷ lục là 2,6 tỷ USD thông qua 233 giao dịch tư nhân, tăng từ mức 700 triệu USD và 140 giao dịch một năm trước đó. Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho biết các công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng đang cạnh tranh với các công ty trong cùng lĩnh vực tại Đông Nam Á, chiếm 13% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào khu vực sau Indonesia và Singapore vào năm 2021.
Nguồn: https://bnews.vn/bloomberg-viet-nam-la-manh-dat-hap-dan-cho-cac-cong-ty-khoi-nghiep/281020.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Mô hình chăn nuôi tự động – ‘Khách sạn’ dành cho lợn ở Trung Quốc
Cuối tháng 9 năm ngoái, 3.700 chú lợn nái đầu tiên được chuyển đến một tòa nhà cao 26 tầng, tọa lạc ở một ngôi làng nông thôn tại thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, nơi chúng sẽ được chăm sóc cho đến khi thụ tinh và trưởng thành. Tòa nhà cao tầng này được ca ngợi là trang trại nuôi heo độc lập lớn nhất thế giới. Một tòa nhà cao tầng nuôi heo thứ hai của UZKMAH cũng sẽ sớm được khai trương tại đây. Khi cả hai trang trại cao tầng đạt công suất tối đa vào cuối năm nay, dự kiến sẽ nuôi 1,2 triệu con lợn mỗi năm. Đây chính là cách Trung Quốc xây dựng ngành chăn nuôi lợn, nơi đất nông nghiệp khan hiếm, sản xuất lương thực bị tụt hậu và nguồn cung thịt lợn là một yêu cầu chiến lược.
Ngày nay, không quốc gia nào tiêu thụ thịt lợn nhiều hơn Trung Quốc. Nước này tiêu thụ một nửa số lượng thịt lợn của thế giới. Tuy nhiên, thịt lợn ở Trung Quốc thường có giá cao hơn so với giá thịt của những quốc gia khác, nơi chăn nuôi heo đã trở thành một ngành công nghiệp lâu đời. Vì vậy, trong vài năm gần đây, hàng chục trang trại heo công nghiệp khổng lồ mọc lên khắp Trung Quốc như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước khác.
Brett Stuart, người sáng lập Global AgriTrends, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết các ‘chung cư’ nuôi lợn và các trang trại khổng lồ khác làm trầm trọng thêm rủi ro lớn nhất mà ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc phải đối mặt. Việc nuôi quá nhiều lợn cùng nhau trong một cơ sở duy nhất khiến việc ngăn ngừa lây nhiễm bệnh trở nên khó khăn hơn. Ông lưu ý các nhà sản xuất thịt lợn lớn của Mỹ đã mở rộng diện tích trang trại để giảm rủi ro về an toàn sinh học.
Tuy nhiên, khi giá thịt heo tăng gấp 3 lần trong một năm, cùng với sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với các trang trại heo quy mô lớn, sự bùng nổ xây dựng trang trại heo quy mô lớn lớn xảy ra sau đó, dẫn đến một thị trường tràn ngập nguồn cung. Kết quả là hiện nay, giá thịt heo giảm khoảng 60% so với mức cao nhất năm 2019. Ngành công nghiệp thịt heo của Trung Quốc đã chứng kiến sự biến động vô cùng khó lường, với các chu kỳ bùng nổ hoặc sụp đổ, mang lại lợi nhuận hoặc thua lỗ khổng lồ tùy thuộc vào sự dao động giá cả của mặt hàng này.
Nguồn: https://markettimes.vn/khach-san-danh-cho-lon-o-trung-quoc-chan-nuoi-tu-dong-van-hanh-chinh-xac-chang-kem-nha-may-lap-rap-san-xuat-iphone-cua-foxconn-16296.html
2. Mô hình trồng nấm trong container
Công ty khởi nghiệp Canada Adapt AgTech đang hợp tác với Reef Technology đưa các container trồng nấm của họ đến nhiều thành phố Mỹ – bắt đầu từ thành phố Austin trên địa bàn bang Texas. Reef Technology chuyển đổi các bãi đậu xe thành trung tâm kho vận. Công ty hiện vận hành hơn 8.000 trung tâm như vậy ở hàng trăm thành phố. Quan hệ hợp tác cho phép AgTech đặt các container trồng nấm gần khách hàng (tiệm tạp hóa, nhà hàng) mà không cần phải trả khoản tiền lớn để thuê mặt bằng đô thị.
Công tác nuôi cấy nấm được thực hiện ở trung tâm đặt tại thành phố Kingston (Canada). Nấm nuôi cấy sau đó được đưa vào container đặt gần khách hàng. Khoảng cách gần đảm bảo nấm còn tươi, tỷ lệ hư hỏng thấp. Giám đốc Murray cho biết, một số nông dân trồng nấm đã liên hệ tỏ ý hợp tác với AgTech. Cách thức hoạt động hiện tại giúp công ty tiết kiệm chi phí, theo dõi các chủng nấm sinh trưởng tốt hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn trong khi khách hàng lại có nông sản chất lượng cao rẻ hơn.
Nguồn: https://1thegioi.vn/mo-hinh-trong-nam-trong-container-193047.html
3. Nông dân Lý Sơn khóc ròng vì tỏi mất mùa
Tỏi là cây trồng chủ lực, được ví như “vàng trắng” của nông dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Thế nhưng năm nay, xứ sở được mệnh danh là “vương quốc tỏi” lâm cảnh cảnh mất mùa, người dân khắp nơi khốn đốn. Thời tiết bất lợi, sâu bệnh tấn công khiến hàng trăm héc-ta tỏi – được ví như vàng trắng của người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị hư hỏng, mất mùa nặng, đến 90%
Theo nhiều người trồng tỏi Lý Sơn, nguyên nhân khiến tỏi mất mùa nặng là do thời tiết trước Tết Nguyên đán, đúng giai đoạn tạo củ thì mưa, gió, nhiệt độ xuống thấp, kéo dài đã tạo nên mầm bệnh gây hại. Nhiều ruộng tỏi bị bung củ, tỏi nhỏ và thối thân.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/nong-dan-ly-son-khoc-rong-vi-vang-trang-mat-mua-20230213094310543.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Ấn Độ tiếp tục kéo dài lệnh cấm xuất khẩu lúa mì
Ấn Độ đang xem xét kéo dài lệnh cấm xuất khẩu lúa mì khi nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới tìm cách bổ sung dự trữ nhà nước, đồng thời hạ giá sản phẩm trong nước – Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ. Lệnh cấm xuất khẩu hiện tại dự kiến được xem xét vào tháng 4 và các quan chức chính phủ hàng đầu từ các Bộ thực phẩm, nông nghiệp và thương mại có thể đưa ra quyết định về việc gia hạn lệnh cấm vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Nguồn tin của Reuters nói thêm, khó kỳ vọng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ sẽ được mở ra cho đến giữa năm 2024.
Nguồn: https://markettimes.vn/quoc-gia-xuat-khau-top-2-the-gioi-tiep-tuc-keo-dai-lenh-cam-xuat-khau-lua-mi-16160.html
2. Gạo hữu cơ Quảng Trị xuất khẩu châu Âu, giá bán 1.800 USD/tấn
Ngày 13/2, Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) tổ chức lễ xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị (lô đầu tiên) sang thị trường Châu Âu. Gạo hữu cơ Quảng Trị có giá bán là 1.800 USD/tấn và xuất đi tại cảng Đà Nẵng. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, là nguồn động lực để doanh nghiệp, người nông dân tiếp tục sản xuất, đảm bảo tối đa các tiêu chuẩn về gạo hữu cơ Quảng Trị tiến đến chinh phục một thị trường lớn trên thế giới.
Sau khi đạt các thỏa thuận về giá cả và tiêu chí kiểm định, Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Séc) và QTOrganic đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị sang thị trường Châu Âu, với giá bán 1.800 USD/tấn và sẽ xuất đi tại cảng Đà Nẵng vào giữa tháng 2/2023. Khi được thị trường chấp nhận, dự kiến mỗi tháng doanh nghiệp sẽ tiếp tục xuất khẩu 30 – 50 tấn gạo hữu cơ sang châu Âu.
Mô hình gạo hữu cơ tại Quảng Trị hiện cho năng suất 5,5-6 tấn lúa/ha, sản lượng hơn 330 tấn/năm với diện tích gieo trồng hơn 35ha. Gạo này đang được bày bán tại khắp các siêu thị trên cả nước. Nông dân trồng lúa hữu cơ không lo đầu ra cho sản phẩm, thu nhập cao sau khi đã trừ đi các chi phí phân, giống. Không chỉ giúp bà con nông dân Quảng Trị có cuộc sống ổn định hơn, gạo sản xuất ra được doanh nghiệp và chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị – những năm qua đã được người tiêu dùng trên toàn quốc biết đến và yêu thích.
Nguồn: https://tienphong.vn/gao-huu-co-viet-xuat-khau-chau-au-gia-ban-1800-usdtan-post1509608.tpo
3. Lô bưởi Diễn xuất khẩu chính ngạch đầu tiên đến Anh
Những trái bưởi Diễn Yên Thủy (Hòa Bình) lần đầu tiên xuất hiện tại siêu thị ở Anh khi được bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan vào ngày 9/2, nhận được sự chào đón của cộng đồng người Việt tại Anh và người tiêu dùng sở tại. Theo phóng viên TTXVN tại London, đây là sản phẩm của công ty cổ phần RYB (Hòa Bình), lần đầu tiên được nhập khẩu chính ngạch số lượng lớn (11 tấn) sang Anh bởi tập đoàn Longdan, nhà nhập khẩu hàng Việt lớn nhất tại nước này.
ông Thái Trần, Giám đốc điều hành công ty TT Meridian Ltd, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cho rằng với việc đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Anh, sản phẩm bưởi Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu không chỉ sang Anh mà còn sang cả thị trường châu Âu và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Ông Thái Trần nhận định, về chất lượng, độ ngọt, mẫu mã, bưởi Diễn không thua kém các sản phẩm đang bán ở thị trường Anh hiện nay. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo được mức giá tốt như chanh leo và thanh long Việt Nam đang bán tại Anh, bưởi Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh tại thị trường này.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/lo-buoi-dien-xuat-khau-chinh-ngach-dau-tien-den-anh-20230211101822558.htm
4. Xuất khẩu rau quả ‘lội ngược dòng’
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chính của ngành, tháng 1/2023 chỉ có mặt hàng rau quả có tăng trưởng dương, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt hàng rau quả xuất khẩu đã đạt giá trị 300 triệu USD trong tháng 1. Sự tăng trưởng về xuất khẩu của mặt hàng này được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định là sự mở cửa thương mại bình thường trở lại sau COVID-19 của thị trường Trung Quốc cũng như vừa qua nhiều nông sản đã được mở cửa sang các thị trường như: Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand…
Trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính xuất khẩu, cá tra có sự giảm sút mạnh nhất với mức gần 40%; tiếp đến là cà phê, gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 29,8%. Mặt hàng tôm cũng có mức giảm khá cao, trên 29%… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1/2023 ước đạt 6,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu khoảng 3,72 tỷ USD, giảm 23,6%; nhập khẩu ước khoảng 3,1 tỷ USD, giảm 11,5%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 647 triệu USD, giảm 53,8%. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc giảm cả xuất khẩu và nhập khẩu phần lớn do tháng 1 trùng vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quỹ Mão.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-rau-qua-loi-nguoc-dong-20230210164541527.htm
5. Hơn 7.000 tấn sầu riêng xuất sang Trung Quốc
Từ cuối năm 2022, mặt hàng sầu riêng của Việt Nam chính thức được làm thủ tục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Một tháng sau khi mặt hàng sầu riêng được làm thủ tục xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (từ đầu tháng 9/2022), giá trị xuất khẩu mặt hàng này đã tăng bất ngờ. Theo số liệu thống kê tháng 10/2022 từ Bộ NN&PTNT, mặt hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm 2021.
Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, gần 400 lô hàng nông sản, hoa quả tươi với tổng số gần 25.000 tấn hàng được làm thủ tục xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Trong đó, chỉ tính riêng mặt hàng trái sầu riêng tươi, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho khoảng 200 lô hàng với hơn 7.000 tấn sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/hon-7000-tan-sau-rieng-xuat-sang-trung-quoc-20230215131340197.htm
6. Thanh long tắc đường sang Nhật, nông dân như “ngồi trên lửa”
Thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long bị vướng rào cản bất ngờ. Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây có yêu cầu hàng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận bảo hộ giống để được cấp mã số vùng trồng, nhưng đa số các vùng trồng thanh long của bà con không đáp ứng yêu cầu này.
Theo thông tin ban đầu, giống thanh long ruột đỏ LD1 đã được Viện Cây ăn quả miền Nam bán bằng bảo hộ cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Người dân hay doanh nghiệp khác muốn được cấp chứng nhận bảo hộ giống phải thông qua công ty này. Sắp tới, Cục Trồng trọt sẽ tổ chức buổi làm việc với các bên liên quan. Với tinh thần chung là khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực, mua bảo hộ giống, chỉ dẫn địa lý. Điều này sẽ giúp định danh các nông sản thế mạnh của Việt Nam tại những thị trường quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó lợi ích giữa các bên cũng cần được đảm bảo hài hòa.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/thanh-long-tac-duong-sang-nhat-nong-dan-nhu-ngoi-tren-lua-20230214200615043.htm
7. Dăm gỗ và viên nén – động lực xuất khẩu ngành gỗ
Đầu năm, xuất khẩu ngành gỗ lớn nhất là mặt hàng dăm gỗ, xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… để làm giấy và viên nén để sử dụng trong nhà máy nhiệt điện.Tại cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa, các hoạt động nhập, bốc xếp mặt hàng dăm gỗ để xuất khẩu liên tục diễn ra. Cho đến nay nay, dăm gỗ và viên nén, 2 mặt hàng đóng góp khoảng 1/4 giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ năm 2021, đang đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu của ngành gỗ.
So với năm trước, giá viên nén và dăm gỗ thế giới cũng tăng nhẹ từ 10-15%. Mặc dù 2 mặt hàng xuất khẩu khá tích cực, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu của 2 mặt hàng này không quá lớn, do đó ngành gỗ đang tìm kiếm đơn hàng cho các mặt hàng đồ gỗ nội thất, gỗ dán trong thời gian sắp tới.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/dam-go-va-vien-nen-dong-luc-xuat-khau-nganh-go-20230210101103879.htm
8. Nhiều đơn hàng dệt may chuyển sang Việt Nam
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp dệt may đang bước vào “cuộc đua” tuyển lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao, khả năng thiết kế tốt. Hiện nay, không chỉ đơn hàng phổ thông, mà các đơn hàng cao cấp, yêu cầu phức tạp cũng đang được các đối tác chuyển sang Việt Nam, nhờ năng lực sản xuất, quản lý tốt. Nhiều doanh nghiệp dự báo, thị trường sẽ sớm phục hồi vào quý II, quý III, các đơn hàng sẽ tăng trở lại. Do vậy, doanh nghiệp rất cần lượng lao động ổn định, tay nghề cao để đáp ứng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các hiệp định thương mại đang là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng. Ngoài ra, dệt may Việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Chính điều đó là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất. Theo thống kê sơ bộ, hiện dệt may đã nội địa hóa được khoảng 49%. Trong 2 năm tới, dự kiến con số này sẽ được nâng lên mức 51 – 55%.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/nhieu-don-hang-det-may-chuyen-sang-viet-nam-20230210090333116.htm
BSAi