1. Lòng trung thành giảm, người tiêu dùng cởi mở hơn với nhãn hiệu riêng
Lòng trung thành với các thương hiệu truyền thống trong ngành thực phẩm và đồ uống đang có dấu hiệu suy giảm khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các lựa chọn hợp túi tiền hơn (bao gồm cả hàng nhãn hiệu riêng). Đây là một trong những phát hiện đáng chú ý từ báo cáo ‘Chỉ số người tiêu dùng tương lai’ do Công ty tư vấn Ernst & Young (EY) thực hiện.
Theo đó, báo cáo khảo sát khoảng 20.000 người tiêu dùng toàn cầu, trong đó có 1.500 người Mỹ, nhằm theo dõi sự thay đổi trong hành vi và nhận thức mua sắm thời kỳ hậu đại dịch và lạm phát.
EY phát hiện rằng yếu tố thương hiệu không còn là tiêu chí hàng đầu trong các quyết định mua sắm. Chỉ 35% người tiêu dùng trong khảo sát cho rằng thương hiệu là yếu tố quan trọng. Thay vào đó, giá cả, giá trị sử dụng và chất lượng sản phẩm được ưu tiên hơn. Người tiêu dùng ngày nay sẵn sàng thử các sản phẩm ít tên tuổi, miễn là chúng xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra.
Theo EY, gần 60% người tiêu dùng Mỹ cho biết họ sẵn sàng mua hàng nhãn riêng trong nhóm thực phẩm tươi sống. Tỷ lệ này lần lượt là 55% ở danh mục bánh kẹo và đồ ăn vặt và 51% ở thực phẩm chế biến. Điều này cho thấy người tiêu dùng không còn e ngại hay đánh đồng hàng nhãn riêng với chất lượng thấp như trước.
Một xu hướng đáng lo ngại khác là niềm tin vào các thương hiệu đang bị xói mòn. Có tới 78% người tiêu dùng nhận thấy hiện tượng “thu hẹp sản phẩm”, tức giảm số lượng hoặc kích cỡ mà không giảm giá, họ coi đây là hành vi làm giảm giá trị thương hiệu.
Hơn 40% người được hỏi tin rằng những “đổi mới sản phẩm” chỉ là chiêu trò nhằm cắt giảm chi phí sản xuất, chỉ 26% tỏ ra tích cực với các thay đổi được giới thiệu là cải tiến. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng tỉnh táo và đòi hỏi cao hơn về tính minh bạch cũng như thực chất của các sản phẩm mang mác đổi mới.
2. 2.000 con “Baby Three” có formaldehyde: Chất gây ung thư, độc với con trẻ
Theo thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh, lô hàng gần 2.000 con gấu bông loại “Baby Three” bị phát hiện chứa hàm lượng formaldehyde vượt ngưỡng cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đồ chơi trẻ em.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), formaldehyde là chất được xếp vào nhóm 1 – nhóm có bằng chứng rõ ràng gây ung thư ở người. Từ năm 2004, formaldehyde chính thức bị liệt vào danh sách các chất gây ung thư mũi – họng, và có liên quan đến ung thư bạch cầu dòng tủy.
Theo Cục Quản lý An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC), tiếp xúc với formaldehyde, đặc biệt ở nồng độ cao, có thể gây:
– Kích ứng da: Gây ngứa, nổi mẩn, viêm da tiếp xúc.
– Ảnh hưởng hô hấp: Làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền như hen suyễn, viêm phế quản, đặc biệt nguy hiểm với trẻ em.
Về lâu dài, phơi nhiễm formaldehyde ở nồng độ cao và liên tục có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt ung thư vòm họng và phổi. Một số nghiên cứu dịch tễ học ghi nhận tỉ lệ mắc ung thư cao hơn ở những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất này.
Đối với trẻ nhỏ, nguy cơ càng lớn hơn do hệ miễn dịch và hô hấp chưa hoàn thiện. Trẻ có thói quen ôm, ngậm đồ chơi vào miệng, dễ dàng tiếp xúc qua đường da và hô hấp.
Theo công ty phân tích thị trường Sensor Tower, số người dùng hàng ngày tại Mỹ của Temu – nền tảng thương mại điện tử toàn cầu giá rẻ thuộc PDD Holdings – đã giảm 58% trong tháng 5/2025.
Sau khi Nhà Trắng chấm dứt chính sách “de minimis” vào ngày 2/5 – chính sách cho phép các công ty Trung Quốc gửi các gói hàng giá trị thấp đến Mỹ mà không phải chịu thuế – Temu đã giảm chi tiêu quảng cáo tại Mỹ và thay đổi chiến lược xử lý đơn hàng. Trong nhiều năm, Temu cùng với Shein – thương hiệu thời trang nhanh nổi bật – đã sử dụng quy định này để giao hàng trực tiếp từ nhà cung cấp tại Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ, giúp duy trì mức giá bán thấp.
Theo báo cáo của các nhà phân tích tại ngân hàng HSBC, hiện nay những nhà bán hàng của Temu có thể gửi các đơn hàng riêng lẻ từ Trung Quốc đến các kho hàng của Temu tại Mỹ, nhưng họ phải tự giải quyết các loại thuế, phí hải quan và thủ tục giấy tờ. Temu vẫn tiếp tục tự xử lý những đơn hàng gần với khách hàng, đồng thời quyết định giá cả và điều hành mọi hoạt động trực tuyến.
4.Shein nỗ lực “quyến rũ” người tiêu dùng châu Âu để bù đắp cho mất mát ở thị trường Mỹ
Hãng thời trang nhanh trực tuyến Trung Quốc có trụ sở tại Singapore đang tăng cường các chiến dịch truyền thông đến công chúng châu Âu, với khẩu hiệu mới “Thời trang là quyền, chứ không phải là đặc ân”. Tuy vậy, các chiến dịch này gặp nhiều phản ứng.
Quyết định ngừng de minimis của chính quyền Trump hồi tháng 4 đã khiến Shein mất lợi thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Cùng lúc, Ủy ban Châu Âu (EC) và Quốc hội Pháp đang cân nhắc việc áp thuế đối với sản phẩm của Shein. Thêm vào đó, Liên hiệp châu Âu (EU) hôm 2-6 đã dọa sẽ phạt công ty vì các khoản giảm giá xạo sự và các tuyên bố sai lệch.
Theo Sensor Tower, Shein đã tăng chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số tại châu Âu lên 70% trong 12 ngày đầu tháng 5 so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại Vương quốc Anh, chi tiêu cho chiến dịch kỹ thuật số đã tăng 135% trong cùng thời gian. Ngược lại, chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số của Shein tại Mỹ vào tháng 4 đã giảm 67% so với một năm trước.
Tuy nhiên, chiến dịch “thời trang giá cả phải chăng cho mọi người” của Shein tại Paris – nơi Shein đang là nhà bán lẻ thương mại điện tử hàng đầu – theo Statista, đã không nhận được nhiều thiện cảm.
Một số cửa hàng từ thiện, hiệp hội quyền lao động và nhà bán lẻ đồ cũ hàng đầu đã đăng các bài châm biếm chiến dịch của Shein với các khẩu hiệu như “thời trang không phải là quyền, công việc tử tế mới là quyền.” Shein đã không đưa ra bình luận về vấn đề này.
Một liên đoàn các hiệp hội môi trường cũng cáo buộc Shein “tẩy xanh” (greenwashing) và tuyên bố sẽ chuyển vụ việc cho các cơ quan chức năng địa phương chuyên giám sát quảng cáo.
Từ ngày 1-6, khoảng 37.000 hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm phải bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối trực tiếp với cơ quan thuế. Các hộ có doanh thu thấp hơn được miễn áp dụng, nhưng vẫn được khuyến khích chủ động chuyển đổi để quen dần với những yêu cầu quản lý mới.
Tại một số cửa hàng, quán ăn đã bắt đầu thông báo với khách hàng sẽ tính VAT vào tất cả hóa đơn của khách. Điều này khác trước đây, quán chỉ xuất hóa đơn có tính VAT khi khách thanh toán dịch vụ yêu cầu “hóa đơn đỏ”.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trong ngày đầu tiên chính sách mới được áp dụng, đã có những hộ kinh doanh đầu tư hệ thống thiết bị, phần mềm để phát hành hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối trực tiếp với cơ quan thuế cũng như tính thuế VAT vào hóa đơn bán.
Bên cạnh đó, vẫn còn hộ kinh doanh chần chừ do thiếu hướng dẫn và lo ngại tốn kém chi phí đầu tư phần mềm thiết bị; đồng thời đặt ra bài toán về việc tính VAT vào hóa đơn bán hàng có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.
Khảo sát của VnExpress ghi nhận nhiều chủ cửa hàng quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn, tạp hóa ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An đã thông báo dừng nhận thanh toán bằng chuyển khoản từ 1/6. Một số đơn vị kinh doanh quy mô lớn hơn chấp nhận chuyển khoản nhưng thông báo cộng thêm phí thuế, hoặc giữ nguyên giá nếu khách trả tiền mặt.
Nhiều người bán nhỏ lẻ vẫn cho phép chuyển khoản nhưng dặn khách không ghi nội dung giao dịch liên quan đến các chữ “mua bán”, “trả tiền”, “cọc tiền”. Tình trạng này khiến không ít người tiêu dùng hoang mang, phải chủ động rút tiền mặt để phòng thân.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, cơ quan thuế hoàn toàn có thể đưa những người bán này vào tầm ngắm để kiểm tra thuế, xử lý nhằm răn đe nếu có vi phạm.
Không những vậy, sự bất tiện trong thanh toán cũng rất có thể dẫn đến việc khách hàng không quay lại ủng hộ nữa gây thiệt hại trước mắt cho hộ kinh doanh.
1.Kêu gọi hoãn áp dụng quy định chống phá rừng của EU
Theo quy định của EUDR, bảy mặt hàng nông nghiệp đưa vào hoặc xuất khẩu từ EU gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc (bò) và cao su không được sản xuất từ đất rừng bị phá sau năm 2020. Các doanh nghiệp nghiệp có thể phải đối mặt với số tiền phạt lên tới 4% doanh thu của họ ở EU nếu không tuân thủ EUDR.
Ban đầu, EUDR dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp, các nước thành viên EU và đối tác thương mại của EU, Ủy ban châu Âu (EC) đã trì hoãn ngày áp dụng EUDR đến cuối năm 2025 đối với doanh nghiệp lớn và đến tháng 6-2026 đối với doanh nghiệp nhỏ.
Trước thềm một hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp của EU tại Brussels, Bỉ hôm 26-5, một nhóm 11 nước thành viên do Áo và Luxembourg dẫn đầu ký vào một văn bản kêu gọi đơn giản hóa hơn nữa các quy định của EUDR. Ngoài hai nước khởi xướng còn có Bulgaria, Croatia, CH Czech, Phần Lan, Ý, Latvia, Bồ Đào Nha, Romania và Slovenia cùng ký vào văn bản này. Theo tuyên bố của 11 nước thành viên EU nói trên, các yêu cầu của EUDR áp dụng cho nông dân và người làm nghề lâm nghiệp ở EU vẫn còn cao, nếu không muốn nói là không thể thực hiện.
Nhóm nước cũng đề xuất thiết lập mức xếp hạng “không có rủi ro phá rừng” để miễn trừ các quốc gia có mức xếp hạng này khỏi hầu hết các nghĩa vụ trong EUDR.
1. Philippines tính mua gạo từ nước khác, không tập trung vào Việt Nam
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cuối tuần qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel, cho biết đang đàm phán với các nhà nhập khẩu tư nhân về kế hoạch mua gạo từ các nhà sản xuất như Ấn Độ, Pakistan, Campuchia và Myanmar. Ông cũng tiết lộ thêm, Philippines có thể có ký thỏa thuận mua gạo với Indonesia và Thái Lan.
“Chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa các nguồn cung để duy trì một sân chơi cạnh tranh. Việt Nam là nhà cung cấp gạo đáng tin cậy nhất nhưng thực tế là các lô hàng của Việt Nam chiếm tới 90% lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Điều này sẽ gây khó khăn cho chúng tôi trong trường hợp xảy ra cú sốc về nguồn cung”, ông nói.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc, giá của tất cả các loại gạo do Việt Nam bán đã tăng lên mức cao nhất trong ba tháng vào tháng Tư nhờ lượng mua tăng từ các thương nhân trong nước và nước ngoài.
2. Vụ C.P. bị tố bán heo bệnh: Heo bị đóng dấu kiểm dịch sai, sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an
Sáng ngày 3-6, tại buổi thông tin báo chí định kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT), bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy hình ảnh mà thông tin tài khoản đưa ra xảy ra năm 2022, tại một cơ sở giết mổ Dũng Nga, tỉnh Hậu Giang.
Bà Thủy cho biết tại thời điểm đó, cơ sở giết mổ báo cáo heo bệnh có triệu chứng ngoài da nên xin xử lý nhiệt, cho cá ăn là phù hợp với quy định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: “Việc đưa heo chết cho cá ăn là không phù hợp, khi mà thời điểm đó đang có dịch tả heo châu Phi và kế hoạch phòng chống dịch yêu cầu rất rõ là heo có dấu hiệu bệnh phải xử lý vôi, hóa chất, đốt”.
Đáng chú ý, liên quan tới kiểm soát giết mổ, Phó Cục trưởng Cục Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết hình ảnh dấu trên con heo chụp trên mạng xã hội là đóng sai.
Theo quy định, heo bị viêm da phải xử lý nhiệt, chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải đóng dấu tròn, heo bệnh xử lý tiêu hủy thì đóng dấu tam giác.
Thứ trưởng Bộ NN-MT đề nghị Cục Chăn nuôi và Thú y hoàn chỉnh hồ sơ gửi lên lãnh đạo Bộ để xem xét chuyển tới Bộ Công an đề nghị xử lý dứt điểm. “Chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp khi họ làm đúng pháp luật, chứ không hỗ trợ để vào xả thải môi trường, đổ sản phẩm bẩn cho hơn 100 triệu dân Việt Nam sử dụng, coi thường người dân” – lãnh đạo Bộ NN-MT nhấn mạnh.
3.Lần đầu tiên xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc
Việt Nam vừa xuất khẩu lô hàng 22 tấn sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc qua lối thông quan cửa khẩu cầu Bắc Luân II, Đông Hưng (Trung Quốc). Đây là lần đầu tiên, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc theo Nghị định thư song phương được ký kết vào tháng 8-2024. Lô sầu riêng đông lạnh này có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng.
Được biết, sản phẩm sầu riêng đông lạnh này được lột vỏ, sau đó làm lạnh nhanh đến âm 18 độ C bằng nitơ lỏng. Phương pháp này có thể kéo dài thời hạn sử dụng của trái cây hiệu quả, đặc biệt thích hợp cho việc vận chuyển đường dài và bảo quản lâu dài.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, ngày 28-5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã hội đàm với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Tôn Mai Quân nhằm trao đổi và phối hợp tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt đối với mặt hàng sầu riêng.
4. Việt Nam sẽ nhập thêm 2 tỉ đô la nông sản từ Mỹ
Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ ký các bản ghi nhớ (MOU) nhập hơn 2 tỉ đô la hàng nông sản từ Mỹ nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy từ ngày 2 đến 7-6.
Tiểu bang Iowa là chặn dừng đầu tiên của đoàn công tác. Đây là vựa bắp hàng đầu của nước Mỹ, sản xuất khoảng 50 triệu tấn bắp mỗi năm. Iowa cũng sản xuất nhiều loại ngũ cốc khác như lúa mạch đen, lúa mì, cũng như các loại trái cây. Hai bên đã ký 5 thỏa thuận hợp tác nông nghiệp trị giá 800 triệu đô la, thực hiện trong ba năm. Đây là mức tăng đáng kể gần 20 lần so với kim ngạch trung bình 44 triệu đô la của hàng nông sản Iowa xuất sang Việt Nam.
Dự kiến, Việt Nam sẽ ký thêm các thỏa thuận với phía Mỹ trong những ngày tới nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, với tổng giá trị các hợp đồng đạt 2 tỉ đô la.
Năm ngoái, Việt Nam nhập 3,4 tỉ đô la các mặt hàng nông sản từ Mỹ.
Các hãng hàng không lớn trên toàn cầu đang đổ xô đến Ấn Độ vì lượng hành khách dự kiến sẽ tăng nhanh nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc tại đây. Các dự báo cho thấy nhu cầu hàng không Bắc Mỹ chỉ tăng 0,4% do lo ngại suy thoái kinh tế trong năm nay, trong khi tăng trưởng ở Ấn Độ có thể đạt 9%.
Nhân hội nghị tại New Delhi, hôm 2-6 Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết lưu lượng hành khách toàn cầu trong năm 2025 sẽ đạt 4,988 tỉ hành khách, tăng 4% so với năm trước. Ấn Độ là quốc gia có lượng hành khách lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, với mức tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm.
Indigo là hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ. Tại AGM, IndiGo đã công bố thỏa thuận hợp tác với ba hãng lớn là Delta Air Lines, Virgin Atlantic và Air France – KLM. Đến nay có 10 hãng bay toàn cầu có quan hệ đối tác với Indigo. Họ muốn mở rộng các chuyến bay liên danh và kết nối khắp Ấn Độ thông qua IndiGo.
IndiGo và Air India, hãng hàng không lớn thứ hai Ấn Độ, mỗi hãng đã đặt hàng ít nhất 500 máy bay trong năm 2023 và 2024.
Công cuộc tái cơ cấu và lập liên minh mới đang hình thành để bổ sung thêm nhiều tuyến bay hơn. Năm 2022, tập đoàn hàng đầu Ấn Độ là Tata Group đã mua lại Air India thuộc sở hữu nhà nước. Năm 2024, Air India đã sáp nhập với Vistara, trước đây là hãng con của Singapore Airlines.
Singapore Airlines nắm giữ 25,1% cổ phần của công ty tích hợp này và cả hai đã tăng các chuyến bay liên danh.
Các hãng hàng không Nhật Bản cũng đang tham gia vào cuộc cạnh tranh. Hãng All Nippon Airways (ANA) bắt đầu bay liên danh code share với Air India vào tháng 5-2024, tăng thêm các tuyến bay từ tháng 3-2025. Hãng có kế hoạch đưa Ấn Độ vào các hoạt động code share với Singapore Airlines, bao gồm điều phối lịch trình, giá vé và chia sẻ doanh thu.
Japan Airlines cũng bay liên danh với IndiGo vào tháng 12-2024.
1. Doanh nghiệp logistics tăng đặt mua container ‘made in Vietnam’
Thông tin từ Nhà máy sản xuất container Hòa Phát (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế liên tục đặt hàng sản xuất vỏ container, thay vì phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài.
Doanh nghiệp này đã ký hợp đồng cung cấp 1.000 container cho Công ty cổ phần Vận tải container VIMC (VIMC Lines), đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC).
Không lâu sau đó, Vinafco, một tên tuổi khác trong ngành logistics cũng ký kết đơn hàng 750 container loại 20DC và 40HC với Hòa Phát, giao hàng từ tháng 8-2025. Đây là đơn hàng thứ hai sau lô 200 container đã sử dụng hiệu quả trong thời gian qua.
Dù thị trường container rỗng đầy tiềm năng, nhưng để sản xuất container đạt chuẩn là câu chuyện không đơn giản. Trên thế giới, các hãng tàu như Maersk, MSC, COSCO, Triton… vừa sở hữu tàu vừa sở hữu luôn container, chiếm tới 40-50% thị phần toàn cầu.
Trước đó, hãng tàu của Đức Hapag-Lloyd, đã ký hợp đồng mua 2.000 vỏ container 20DC cho Hapag-Lloyd, do Công ty CP sản xuất container Hòa Phát sản xuất, vào ngày 29-7.