Tiêu điểm: Những dự đoán về tác động của kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đến giao thương với Việt Nam
Các chính sách điều hành của bà Kamala Harris có xu hướng ôn hòa hơn, duy trì hợp tác quốc tế trong khi ông Donald Trump tập trung nhiều hơn vào bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ có tác động đáng kể đến các ngành sản xuất của Việt Nam. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã đi đến chiến thắng dành cho ông Donald Trump, điều này có tác động hai mặt đến tình hình giao thương với Mỹ.
Tác động tiêu cực:
Thứ nhất, chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10 – 20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Mức này cao hơn nhiều so với thuế trung bình 2% đang áp dụng với hàng hóa phi nông nghiệp xuất sang Mỹ, theo số liệu của chính phủ nước này. Ngoài ra, các cuộc điều tra nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ diễn ra nhiều hơn làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do vậy, có khả năng ảnh hưởng bất lợi nếu Mỹ đánh thuế lên sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc được sản xuất tại nước thứ 3.
Ngoài ra, kim ngạch thương mại chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu với Mỹ cũng có thể là một nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành mục tiêu áp thuế. Hết tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 88,16 tỷ USD trong khi đó nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ chỉ đạt 10,96 tỷ USD.
Chính quyền ông Trump cũng bày tỏ lo ngại đối với tình trạng mất cân bằng thương mại song phương – đặc biệt là thâm hụt của Mỹ đối với Việt Nam, và có ý kiến về chính sách tiền tệ của Việt Nam. Minh chứng rõ nét nhất là vào tháng 12/2020, chính quyền Trump đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, chỉ vài tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Khi Biden bắt đầu nhiệm kỳ, cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ khẳng định vào tháng 4/2021 rằng không có “đủ bằng chứng” để phân loại Việt Nam là một nước thao túng tiền tệ, và vào tháng 7/2021 công bố sẽ không đưa ra biện pháp trừng phạt nào đối với Việt Nam.
Khi Trump quay trở lại Nhà Trắng, rất có thể ông sẽ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận cứng rắn trong thương mại, và đối với Việt Nam, điều này sẽ đồng nghĩa với việc ưu tiên áp các mức thuế quan hơn là tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược. Đặc biệt khi xét đến vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất thay thế cho nhiều doanh nghiệp Mỹ, tình trạng thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam với Mỹ sẽ trở thành mối bận tâm lớn của ông Trump, nhất là trong bối cảnh ông đang theo đuổi các chính sách nhằm đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ. Điều này có thể khiến ông Trump áp dụng các mức thuế quan cao hơn mức thuế mà ông Trump đã cam kết sẽ áp dụng đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ.
Tác động tích cực
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khởi đầu từ quyết định đánh thuế hàng Trung Quốc năm 2018 của cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp phải dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến.
Nếu sắp tới hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế tới 60% sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần. Các số liệu cho thấy tiêu dùng tại Mỹ vẫn duy trì đà phục hồi tốt trong năm nay. Nhờ đó, 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 24% so với mức 21% cùng kỳ năm ngoái.
Về dòng vốn đầu tư, chính sách áp thuế nhắm đến hàng hóa Trung Quốc có thể khiến làn sóng FDI rời khỏi nước này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trên.
Quan điểm của ông Donald Trump là muốn can thiệp vào chính sách tiền tệ của Fed, ông Trump đồng thời là người ủng hộ cho việc giảm mạnh lãi suất cơ bản đồng USD. Điểm lợi là dưới thời ông Trump, kinh tế Mỹ có thể sẽ phục hồi rất mạnh nhờ vào quyết định chính sách tiền tệ của Mỹ. Khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn, với vị thế một trong những nước xuất khẩu nhiều hàng hóa nhất vào Mỹ, Việt Nam sẽ hưởng lợi. Các doanh nghiệp xuất khẩu như thủy sản, dệt may, gỗ, đá có thể sẽ là nhóm hưởng lợi lớn nhất.
Chính sách của Trump trong các vấn đề xung đột trên thế giới cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu của Việt Nam. Bằng chứng là việc ông không ủng hộ các cuộc chiến tranh tại Trung Đông và Ukraine. Nếu các cuộc xung đột này sớm chấm dứt thì con đường qua Biến Đỏ sẽ thông suốt trở lại, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua châu Âu sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Tình hình chính trị ổn định hơn trên thế giới là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với các nước.
Báo cáo thị trường TMĐT Việt Nam quý III/2024: Bức tranh tăng trưởng và những xu hướng nổi bật
Theo báo cáo thị trường TMĐT quý III/2024 từ Metric, ngành thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số TMĐT đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó quý III đóng góp 84,75 nghìn tỷ đồng, tăng 18,15% so với quý trước. TikTok Shop và Shopee dẫn đầu thị trường, duy trì đà tăng trưởng ổn định và TikTok Shop thậm chí đạt doanh thu gấp đôi so với năm ngoái nhờ chiến lược mua sắm kết hợp giải trí. Tiki cũng có sự phục hồi đáng kể, tăng trưởng 3,1% trong quý này sau một thời gian suy giảm.
Phân khúc Shop Mall, với các gian hàng chính hãng, dù chiếm 5% số cửa hàng nhưng đóng góp gần 1/3 doanh số, cho thấy vai trò quan trọng của niềm tin thương hiệu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng xu hướng này bằng cách đầu tư vào uy tín sản phẩm và cam kết chất lượng để cạnh tranh bền vững. Sự mở rộng thị trường TMĐT ra các tỉnh thành như Hưng Yên và Đà Nẵng cho thấy xu hướng chuyển dịch từ các đô thị lớn. Chiến lược marketing bản địa hóa sẽ giúp các thương hiệu kết nối gần gũi với người tiêu dùng ở các địa phương mới nổi.
Sản phẩm dưới 200.000 đồng chiếm hơn một nửa doanh số, phản ánh nhu cầu lớn về sản phẩm giá rẻ. Các thương hiệu có thể khai thác phân khúc này bằng cách đảm bảo chất lượng và kết hợp khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng đại chúng, đồng thời áp dụng chiến lược upsell và cross-sell nhằm tăng giá trị đơn hàng. Các sản phẩm “hot trend” như sữa gấu và đồ chơi Labubu cũng cho thấy hiệu quả của truyền thông viral và tâm lý FOMO, khi nhanh chóng trở thành “must-have items” nhờ chiến lược influencer marketing và livestream bán hàng.
Lý do EU điều tra Temu, có nguy cơ bị phạt 6% doanh thu
Cuộc điều tra được EU khởi động hôm 31-10 dựa theo Đạo luật dịch vụ số (DSA), đạo luật vốn buộc các công ty công nghệ lớn nhất thế giới từ Facebook cho tới X, Google… phải hành động nhiều hơn để bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến tại châu Âu.
EU sẽ điều tra để đánh giá liệu Temu có vi phạm DSA hay không trong các lĩnh vực liên quan đến việc bán sản phẩm bất hợp pháp, thiết kế dịch vụ có khả năng gây nghiện, hệ thống được sử dụng để đề xuất mua hàng cho người dùng cũng như quyền tiếp cận dữ liệu dành cho các nhà nghiên cứu.
Về phía Temu, công ty này khẳng định họ “thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình theo DSA”. Một người phát ngôn của Temu nói: “Chúng tôi sẽ hợp tác đầy đủ với các cơ quan quản lý để hỗ trợ mục tiêu chung về một thị trường an toàn, đáng tin cậy cho người tiêu dùng”.
Temu sẽ tham gia sáng kiến chống hàng giả trực tuyến tại châu Âu
Temu đang cân nhắc tham gia sáng kiến chống bán hàng giả trực tuyến tại châu Âu cùng với các nền tảng thương mại điện tử và các thương hiệu lớn, theo chương trình nghị sự cuộc họp mà Reuters dã xem.
Temu sẽ trình bày tại cuộc họp ngày 11-11 của các thành viên MOU với tư cách là “bên ký kết mới tiềm năng”, ghi chú chương trình nghị sự cho biết.
Tuy vậy, nhiều thành viên của Biên bản ghi nhớ chống hàng giả lại lo ngại sự hiện diện của Temu trong tổ chức này, vì e ngại uy tín của họ bị ảnh hưởng.
Temu và khả năng nhân rộng mô hình thương mại điện tử của Pinduoduo
Điểm khác biệt của Pinduoduo thường được hãng mô tả là việc vận hành dựa vào mô hình C2M (customer to manufacture) và tối ưu hóa chi phí vận chuyển. Mô hình C2M là quá trình phản hồi nhu cầu từ người mua đến nhà sản xuất dựa trên dữ liệu thời gian thực, có thể bao gồm các thông tin như lượt tìm kiếm, lượt nhấp chuột, giỏ hàng đã lưu, thảo luận mạng xã hội hoặc các thông tin về yếu tố mùa vụ của các nhóm sản phẩm. Thông tin này được cung cấp dưới dạng các gợi ý cho nhà sản xuất để họ có thể chủ động đáp ứng đơn hàng theo nhu cầu thực tế mà không gặp phải vấn đề tồn kho.
Vấn đề cốt lõi của Temu là việc mở rộng quy mô toàn cầu sẽ làm mất dần lợi thế cạnh tranh về hàng hóa giá rẻ và khả năng tối ưu hóa hệ thống vận chuyển.
Sản phẩm trên Temu không có thương hiệu rõ ràng, không có dịch vụ hậu mãi chăm sóc khách hàng phần lớn là các nhóm hàng quần áo và đồ gia dụng nhỏ, giá trị thấp. Điều này khiến việc thuyết phục người tiêu dùng quay trở lại mua hàng hoặc mua các món hàng giá trị cao trở nên khó khăn.
Công ty Nhật Bản phát đạt nhờ xuất khẩu nước đá tinh khiết
Kuramoto Ice – một công ty ở Kanawaza – đã mở ra thị trường đầy lợi nhuận mới khi xuất khẩu nước đá có độ tinh khiết cao và hình dáng đẹp mắt sang Mỹ. Doanh số của Kuramoto Ice tăng gấp bảy lần trong ba năm qua.
Nước đá tinh khiết được tạo ra bằng cách loại bỏ khoáng chất và tạp chất khi nước đóng băng, trong đó Kuramoto Ice mất 72 giờ cho một quy trình sản xuất nước đá có độ tinh khiết cao.
Kuramoto Ice đặt tại thành phố Kanazawa trên Biển Nhật Bản. Công ty chuyên sản xuất và tạo hình nước đá tại Nhật Bản và vận chuyển đến Mỹ, nơi nước đá được sử dụng trong khoảng 300 quán bar và nhà hàng sang trọng. Công ty cho biết loại nước đá này rất phổ biến ở các nơi đẳng cấp vì “không làm thay đổi hương vị của rượu”.
Những lý do khiến hàng ngàn cửa hàng bán lẻ tại Mỹ phải đóng cửa
Kể từ đầu năm tới nay, các hãng bán lẻ lớn tại Mỹ đã đóng cửa tổng cộng 6.189 cửa hàng, vượt xa mức 5.553 cửa hàng trong cả năm 2023.
Áp lực lạm phát vẫn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn của nhiều cửa hàng bán lẻ. Mặc dù lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt về gần mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giá cả hiện vẫn cao hơn khoảng 20% so với năm 2020.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc số cửa hàng phải đóng cửa gia tăng trong năm nay là bởi thời kỳ đỉnh cao của ngành bán lẻ trong các năm 2021-2022 – khi người tiêu dùng sẵn sàng vung tiền mua sắm các sản phẩm như ghế sofa, tivi và quần áo mới, giờ đã thực sự khép lại.
Sự cạnh tranh từ những công ty hàng đầu như Amazon, Walmart, Costco, Home Depot và nhiều nhà bán lẻ lớn khác cũng là một yếu tố quan trọng góp phần bóp nghẹt các chuỗi bán lẻ nhỏ hơn.
Các nhà phân tích tại UBS dự báo, tổng số cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa có thể lên tới 45.000 trong vòng năm năm tới, chủ yếu là do các cửa hàng nhỏ hơn phá sản, ngay cả khi các công ty lớn hơn như Walmart, Costco, Target và Home Depot tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trào lưu “túi mù” đang bùng nổ trên mạng xã hội, đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới trẻ Gen Z và Gen Alpha, với nhiều video “bóc túi mù” đạt hàng triệu lượt xem. Sản phẩm “túi mù” có giá từ 10.000 – 50.000 đồng đã trở thành một hiện tượng tiêu dùng, với doanh thu lên đến 4,6 tỷ đồng và gần 170.000 sản phẩm bán ra trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Mặc dù mang lại cảm giác hồi hộp và hứng thú, trào lưu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bao gồm tác động tiêu cực đến môi trường, tâm lý người tiêu dùng, và sức khỏe. Đa số các sản phẩm trong túi mù được làm từ nhựa và bọc nilon không tái chế, gây ra một lượng rác thải nhựa khổng lồ. Nhựa từ túi mù phân hủy thành vi nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn, gây hại cho sức khỏe con người. Vi nhựa còn gây ô nhiễm đất, nước và không khí, làm giảm chất lượng môi trường sống.
Trào lưu “xé túi mù” cũng gây ra tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ), khiến người tiêu dùng chi tiêu quá mức và dễ dẫn đến thất vọng nếu không nhận được món đồ như mong muốn. Việc tiêu dùng bốc đồng không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân mà còn góp phần tạo ra thói quen chi tiêu không hợp lý. Bên cạnh đó, nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện khi nhiều túi mù có nguồn gốc không rõ ràng và được sản xuất từ vật liệu không đảm bảo, tiềm ẩn rủi ro sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em.
Mặc dù thú vị, trào lưu “túi mù” đi kèm nhiều hệ lụy tiêu cực. Người tiêu dùng cần tỉnh táo và cân nhắc trước khi tham gia, để tránh bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng không kiểm soát.
6 cách mà công nghệ đang thay đổi bản chất của quảng cáo truyền hình
Quảng cáo truyền hình, khởi đầu từ quảng cáo ngắn 10 giây của hãng đồng hồ Bulova năm 1941, đã phát triển vượt bậc qua các thời kỳ. Từ hình ảnh trắng đen sơ khai, các quảng cáo truyền hình (TVC) đã được cải tiến với màu sắc và đa dạng hóa qua các kênh truyền hình, tiếp tục giữ vị trí quan trọng nhờ sự phổ biến và hiệu quả trong việc tác động đến người tiêu dùng. Trung bình, người Mỹ dành hơn 5 giờ mỗi ngày xem TV, và một tỷ lệ lớn người tiêu dùng thừa nhận bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo truyền hình trong quyết định mua hàng. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đã mở ra những phương thức mới, giúp TVC trở nên hiệu quả và tiếp cận khán giả tốt hơn.
Một số công nghệ tiêu biểu đang định hình lại quảng cáo truyền hình bao gồm TV thông minh, Công nghệ Nhận dạng Nội dung Tự động (ACR), mã QR, Mô hình Ngôn ngữ Lớn (LLM) và máy học. TV thông minh với các nền tảng phát trực tuyến đã thay đổi thói quen xem truyền hình, khi người xem có thể xem bất cứ lúc nào và nội dung được cá nhân hóa. ACR giúp nhận diện nội dung mà khán giả xem, cung cấp dữ liệu về hành vi người dùng để các nhà quảng cáo tối ưu chiến dịch quảng cáo. Mã QR trong quảng cáo tạo cơ hội kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, đo lường sự tương tác qua số lần quét mã và các hành động tiếp theo của khách hàng. LLMs, nhờ khả năng dự đoán phản hồi người xem trước khi quảng cáo được phát hành, giúp tăng hiệu quả sáng tạo và giảm chi phí. Trong khi đó, máy học có thể phân tích dữ liệu để tìm ra khán giả mục tiêu, hỗ trợ nhắm mục tiêu quảng cáo chính xác mà không cần phụ thuộc vào dữ liệu bên thứ ba.
Nhờ 5G, công nghệ quảng cáo truyền hình không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp cho những tương tác mạnh mẽ hơn với khán giả trong kỷ nguyên số hóa. Các công nghệ này đã và đang giúp quảng cáo truyền hình tối ưu hóa nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm, và mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
Mô hình thanh toán không thu ngân thay đổi ngành bán lẻ truyền thống
Trong thời đại số hóa và sự phát triển của thương mại điện tử, các cửa hàng không thu ngân đã xuất hiện như một xu hướng mới, thu hút khách hàng nhờ trải nghiệm mua sắm tiện lợi. Để sử dụng dịch vụ này, khách hàng tải ứng dụng và đăng ký tài khoản, sau đó quét mã QR để vào cửa hàng, chọn sản phẩm, và rời đi mà không cần xếp hàng thanh toán. Hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo và các cảm biến để nhận diện sản phẩm và tự động thanh toán. Camera, cảm biến trọng lượng, và công nghệ học sâu hỗ trợ hệ thống ghi lại mọi tương tác của khách hàng, đảm bảo thanh toán chính xác.
Amazon, tiên phong với công nghệ Just Walk Out, đã triển khai cửa hàng không thu ngân tại Mỹ từ năm 2018, với công nghệ nhận diện sản phẩm và thanh toán tự động thông qua ứng dụng, quét mã QR, hoặc thẻ tín dụng. Tesco tại Anh cũng ra mắt cửa hàng không thu ngân GetGo với công nghệ cảm biến và trí tuệ nhân tạo để theo dõi sản phẩm khách hàng chọn mà không cần quét mã vạch.
Imagr, một startup Nhật Bản, giới thiệu giỏ hàng thông minh Halo, sử dụng camera và công nghệ thị giác máy tính, mang lại trải nghiệm mua sắm trực quan. Mô hình tối giản của Imagr giúp giảm chi phí và dễ sử dụng, phù hợp với thị trường Nhật Bản đông đúc. Tuy nhiên, thách thức của công nghệ này là chi phí lắp đặt cao, hạn chế sự triển khai rộng rãi tại nhiều siêu thị.
Nhìn chung, công nghệ không thu ngân giúp các cửa hàng tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, giảm thời gian chờ đợi, và hạn chế tiếp xúc. Các công nghệ này được kỳ vọng mở ra kỷ nguyên mới cho bán lẻ toàn cầu, mang lại sự tiện lợi và nhanh chóng cho người tiêu dùng.
Starbucks sẽ mua 200.000 chiếc bút để khôi phục truyền thống viết tên khách lên cốc. Một bước chiến lược tìm về bản sắc thương hiệu vốn bị bỏ quên vài năm qua.
Tại Starbucks, việc ghi tên khách hàng lên chiếc cốc không chỉ để dễ dàng nhận diện khi đồ uống hoàn thành, mà còn tạo cảm giác cá nhân hóa mạnh mẽ. Khi mọi thứ đều trở nên công nghiệp hóa, Starbucks khéo léo biến hành động nhỏ này thành phương thức tạo dựng mối quan hệ gần gũi giữa nhân viên và khách hàng.
Khách hàng cảm thấy mình không phải là một con số trong hệ thống, mà là một cá nhân đặc biệt được quan tâm và ghi nhớ. Điều này giúp tạo dựng lòng trung thành và gia tăng trải nghiệm tích cực cho khách hàng, khiến họ quay lại nhiều hơn.
Thiếu hụt văn hóa số sẽ cản trở doanh nghiệp chuyển đổi số
Dù đã bàn luận nhiều về chuyển đổi số trong những năm qua, không ít doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng khái niệm này. Tại sự kiện ra mắt cuốn sách “Văn hóa số – Gỡ bỏ rào cản trong chuyển đổi số”, chuyên gia Lại Tiến Mạnh nhấn mạnh rằng để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần thay đổi toàn diện từ mô hình kinh doanh đến dịch vụ và thanh toán số. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn bám vào thói quen truyền thống, trì hoãn việc chuyển đổi, dẫn đến tình trạng không biết bắt đầu từ đâu. Ông Mạnh cho rằng, thiếu hụt văn hóa số trong doanh nghiệp là một rào cản lớn, và việc phổ biến văn hóa số sẽ giúp chuyển đổi số diễn ra tự nhiên hơn.
Ông Dương Ngọc Dũng từ MSB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Ông giới thiệu phương pháp “thử – sai – sửa” để khuyến khích nhân viên chấp nhận cái mới và đổi mới sáng tạo. Ông Lê Quang Vũ, tác giả cuốn sách, khẳng định rằng văn hóa số kết hợp giữa giá trị con người và công nghệ, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Cuốn sách cung cấp công cụ văn hóa cần thiết để doanh nghiệp chuyển đổi số, từ đó tạo ra nguồn nhân lực tư duy đột phá và xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thị trường hiện đại.
Việt Nam đang đối mặt với vấn đề chậm tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện, dẫn đến phụ thuộc vào phương pháp chôn lấp rác. Việc chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và tăng phát thải khí nhà kính. Mỗi ngày, Việt Nam thải ra khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt, với phần lớn được xử lý bằng chôn lấp. Các dự án điện rác lớn, như nhà máy tại Phú Thọ và nhà máy điện rác Nam Sơn (Hà Nội), đã khởi công từ nhiều năm nhưng chưa thể hoàn thành do vướng mắc về thủ tục hành chính và quy hoạch.
Bên cạnh đó, các dự án tại TP.HCM và Đồng Nai cũng gặp khó khăn trong triển khai và vận hành. Nhà máy tại Bắc Ninh dù đã vận hành thử nghiệm nhưng vẫn gặp khó khăn về cấp phép, thiếu nguồn cung cấp rác và bất ổn về lưới điện. Hiện chỉ có khoảng 13% lượng rác được đốt để thu hồi năng lượng tại Việt Nam, phần còn lại chủ yếu là chôn lấp. Chuyên gia nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện, góp phần bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo.
PepsiCo và Coca-Cola bị kiện về vấn đề ô nhiễm nhựa tại Mỹ
Quận Los Angeles đã kiện PepsiCo và Coca-Cola, cáo buộc hai công ty này gây ô nhiễm môi trường với chai nhựa dùng một lần và lừa dối công chúng về khả năng tái chế cũng như ảnh hưởng môi trường của sản phẩm. Đơn kiện, nộp lên Tòa Thượng thẩm Los Angeles ngày 31/10, tuyên bố rằng ô nhiễm từ các chai nhựa của hai hãng này đang tác động tiêu cực đến cộng đồng và yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chủ tịch Hội đồng Giám sát Quận, bà Lindsey Horvath, kêu gọi các công ty ngừng hành vi gian dối và đối mặt với hậu quả ô nhiễm mà họ gây ra.
Trong khi các công ty chưa bình luận về vụ kiện, họ từng phủ nhận cáo buộc lừa dối và cam kết bảo vệ môi trường. Hiệp hội Đồ uống Mỹ, đại diện cho hai công ty, cũng bác bỏ việc bao bì không thể tái chế, cho rằng cáo buộc là sai sự thật. Vụ kiện này nằm trong chuỗi các hành động pháp lý từ chính quyền địa phương và tiểu bang tại Mỹ nhằm vào các công ty sử dụng nhựa.
Ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM ở Việt Nam
Tại cuộc họp lần thứ 9 của Ủy ban thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản, hai bên đã thống nhất ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án đăng ký từ 2013–2020. Các dự án này bao gồm hệ thống điện mặt trời, biến áp tiết kiệm năng lượng, và thiết bị giảm phát thải tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. JCM đã giúp cấp 4.115 tín chỉ cho 8 dự án, với kỳ vọng thúc đẩy mục tiêu giảm phát thải đến năm 2050 của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cam kết trung hòa carbon vào 2050, tích cực triển khai các quy định giảm phát thải trong Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2021 và đang phát triển thị trường carbon, dự kiến sẽ hoạt động chính thức từ 2028.
Nhằm tăng cường hợp tác song phương theo Thỏa thuận Paris, dự kiến vào tháng 6/2025, Việt Nam và Nhật Bản sẽ ký kết thỏa thuận triển khai JCM giai đoạn mới. Phía Nhật Bản mong muốn đẩy nhanh phê duyệt các dự án và đạt mục tiêu giảm 46% phát thải vào 2030, tiến tới Net Zero vào 2050. Nhật Bản cũng sẽ mở rộng các dự án JCM sang nông nghiệp, phát triển rừng, và tiêu hủy môi chất lạnh. Đại diện Nhật Bản khẳng định rằng JCM góp phần thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris và hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải của cả Việt Nam và Nhật Bản, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Mặc dù người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm “xanh” vì lợi ích sức khỏe và môi trường, giá thành cao vẫn là trở ngại chính khiến họ ít mua. Theo khảo sát “Nhận thức và Hành vi tiêu dùng xanh 2024” của Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, chỉ 12%-18% người tiêu dùng tại TP HCM và Hà Nội mua nhiều sản phẩm xanh. Các lý do chính là giá cả cao (78%), thiếu thông tin, ít khuyến khích và độ phủ sản phẩm còn hạn chế.
Minh Tú (TP Thủ Đức) và Tấn Lộc (Tân Phú) đều có ý định mua sản phẩm xanh nhưng đành từ bỏ do giá quá đắt so với thu nhập. Trâm Nhỏ, người thường xuyên ủng hộ sản phẩm tự nhiên, cũng gặp khó khăn do độ phổ biến và thiếu thông tin về nguồn gốc và quy trình sản xuất.
Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao khuyến nghị chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp qua các chính sách thuế, vốn và phát triển cơ sở hạ tầng tái chế để giảm giá thành sản phẩm xanh. Trong lúc chờ đợi thị trường trong nước phát triển, một số doanh nghiệp như Duy Tân Recycle đã tập trung xuất khẩu để có đầu ra ổn định.
Doanh nghiệp cũng cần tự đầu tư đổi mới sản xuất để giảm giá thành. Ông Nguyễn Văn Phượng khuyến nghị mở rộng phân phối cả online lẫn offline vì nhiều người không biết mua sản phẩm xanh ở đâu, và tăng tiếp thị. “Khách hàng còn mơ hồ về đồ gia dụng xanh. Có doanh nghiệp làm thiết bị sạc năng lượng mặt trời, mất điện vẫn dùng được mà không quảng bá cho nhiều người rõ”, ông ví dụ
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ cũng tận dụng sản phẩm tái chế. Ví dụ, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lan ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã tái chế vỏ sò ốc thành các tác phẩm nghệ thuật, thu hút khách tham quan quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Bất ngờ với những sản phẩm tái chế độc đáo tại Ngày hội Việt Nam Xanh
Ngày hội Việt Nam Xanh 2024 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và tạo cơ hội cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ xanh. Alta Plastics tham gia với hệ thống Recycle Depot, một giải pháp tái chế thông minh giúp tự động nhận diện, phân loại và thu gom chai nhựa, lon nhôm. Người dùng được tích điểm khi đóng góp vào tái chế, có thể đổi quà, thúc đẩy sự tham gia cộng đồng. Công ty còn áp dụng công nghệ in 3D biến chai nhựa thành sản phẩm bền vững như đồ gia dụng, hướng tới chu trình Closed-Loop Recycling nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, Alta Plastics giới thiệu dòng sản phẩm phân hủy sinh học làm từ thành phần thân thiện với môi trường, giúp khách hàng nhận thức lợi ích của vật liệu xanh. Trong khi đó, AirX Carbon tham gia ngày hội với thông điệp bảo vệ môi trường và khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế. Gian hàng của họ được thiết kế theo quy trình sản xuất tuần hoàn, trưng bày các sản phẩm từ phế phẩm nông nghiệp như ly, bút làm từ bã cà phê, pallet từ vỏ dừa, giúp giảm CO₂ và hỗ trợ kinh tế tuần hoàn.
AirX Carbon cũng tổ chức minigame để khách tham quan trải nghiệm sản phẩm và nhận quà, tạo sự hấp dẫn, đặc biệt thu hút giới trẻ khám phá các giải pháp bền vững. Ngày hội Việt Nam Xanh không chỉ là dịp để doanh nghiệp thể hiện cam kết môi trường mà còn là cơ hội khuyến khích cộng đồng tham gia vào lối sống xanh và bền vững.
Trung tâm dữ liệu xây dựng bằng gỗ có thể giảm khí thải carbon đến 65%
Microsoft đang thử nghiệm vật liệu gỗ dán chéo (CLT) để xây dựng một trung tâm dữ liệu mới ở Bắc Virginia, nhằm giúp giảm lượng khí thải carbon.
Thay vì sử dụng thép và bê tông thông thường, công ty đã quyết định kết hợp CLT vào vật liệu xây dựng cho trung tâm dữ liệu mới nhất để giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Microsoft ước tính việc sử dụng gỗ khi xây dựng một trung tâm dữ liệu sẽ giảm 35% lượng khí thải carbon so với kết cấu thép. Lượng khí thải nhà kính giảm hơn 65% khi CLT được thay thế cho bê tông đúc sẵn.
Tuy nhiên, công ty sẽ không xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Bắc Virginia hoàn toàn bằng gỗ. Thay vào đó, họ sẽ thay thế bê tông được sử dụng trên sàn và trần nhà bằng CLT và sau đó áp dụng một lớp bê tông mỏng hơn để làm cho gỗ bền hơn. CLT đắt hơn thép và bê tông. Nhưng vì CLT có trọng lượng nhẹ hơn, nếu được sử dụng cho các bộ phận chính của tòa nhà không chỉ giúp trung tâm cần ít thép hơn mà còn tiết kiệm nhân công hơn.
Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm mạnh trong những ngày đầu tháng 11, ghi nhận ở mức khoảng 106.000 đồng/kg, giảm hơn 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10. Tại các tỉnh, giá cà phê cụ thể là 106.300 đồng/kg ở Gia Lai, 106.400 đồng/kg ở Kon Tum, 106.500 đồng/kg ở Đắk Nông và 106.000 đồng/kg ở Lâm Đồng.
Trên thị trường quốc tế, cả giá cà phê Robusta và Arabica cũng giảm, với cà phê Robusta giao tháng 1-2025 trên sàn London giảm 2,06%, còn 4.279 USD/tấn. Giá cà phê Arabica trên sàn New York cũng giảm 1,2% so với phiên trước đó.
Nguyên nhân chính của đợt giảm giá này là do cà phê Việt Nam đang vào mùa thu hoạch, cùng với áp lực từ việc nhu cầu giảm khi Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hoãn thực hiện quy định mới về nhập khẩu hàng hóa. Ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho rằng đây là hiện tượng bình thường khi nguồn cung tăng trở lại và nhu cầu giảm, dự đoán giá cà phê sẽ còn tiếp tục giảm trong tuần tới.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu kỷ lục, ước đạt 51,74 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, với xuất siêu đạt khoảng 15,2 tỷ USD, tăng 62%. Trong đó, nhóm rau quả dẫn đầu với 6,34 tỷ USD, tăng 31,5%, nhờ vào sự bùng nổ xuất khẩu sầu riêng, đóng góp hơn 3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 3,8 tỷ USD, tăng 38%.
Ngoài rau quả, xuất khẩu cà phê đạt 4,6 tỷ USD, tăng hơn 40%, với giá xuất khẩu trung bình 3.981 USD/tấn, tăng 57%. Các thị trường như Philippines và Malaysia có nhu cầu cao, tăng trưởng gấp 2,2 lần so với năm trước. Xuất khẩu gạo cũng tăng trưởng mạnh, đạt 4,86 tỷ USD từ gần 7,8 triệu tấn gạo, tăng hơn 10% về khối lượng và trên 23% về giá trị. Các thị trường tiêu thụ lớn như Philippines, Indonesia và Malaysia ghi nhận mức tăng đáng kể.
Xuất khẩu hồ tiêu cũng phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch đạt 1,12 tỷ USD, tăng hơn 48%. Năm 2024 được dự báo là năm kỷ lục về giá nông sản, với giá cà phê Việt Nam lần đầu tiên cao nhất thế giới. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể đạt 60-61 tỷ USD, trong đó rau quả có thể vượt 7 tỷ USD và gạo, cà phê dự kiến vượt 5 tỷ USD.
Ngày 5-11, ông Huỳnh Bá Nhanh, tổ trưởng tổ hợp tác cam sành ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, Trà Vinh, cho biết tổ có 25 thành viên trồng cam trên diện tích 15,5 ha. Hiện giá cam sành giảm mạnh, có loại chỉ còn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, khiến nhiều nhà vườn thiệt hại nặng. Năng suất cam giảm 50 – 70% do nông dân không còn mặn mà chăm sóc. Một số thành viên đã chuyển đổi hơn 2 ha trồng cam sang cây trồng khác và dự định tiếp tục.
Giá cam sành đã “nhích nhẹ” lên 6.000 đồng/kg nhưng sau đó lại giảm xuống, hiện chỉ còn 3.000 đồng/kg cho loại 1, khiến người trồng lỗ 5.000 đồng/kg. Tỉnh Trà Vinh có 4.700 ha trồng cam sành, trong đó trên 3.400 ha đang cho trái với sản lượng gần 180.000 tấn/năm. Tại Vĩnh Long, khoảng 24.000 ha đất trồng cam sành, chủ yếu ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh.
Giá cam sành giảm do nông dân mở rộng diện tích trồng, dẫn đến sản lượng tăng mạnh trong khi sức mua yếu, gây cung vượt cầu. Chi phí đầu tư ban đầu để trồng 1 ha cam sành khoảng 600 triệu đồng, với chi phí duy trì hàng năm khoảng 300 triệu đồng. Mức giá hiện tại khiến nhiều nông dân không thể gánh nổi chi phí, dẫn đến tình trạng bỏ vườn. Tại Tiền Giang, giá cam sành chỉ còn 3.000 – 3.500 đồng/kg, nhiều hộ đã phá bỏ cam để chuyển sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Giá gạo chạm đáy, Việt Nam tăng nhập khẩu gấp 3,3 lần
Tháng 10/2024, Việt Nam xuất khẩu 0,8 triệu tấn gạo, đạt 505 triệu USD, tăng 29% về lượng và 27,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm, tổng lượng xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn với giá trị gần 4,86 tỷ USD, thiết lập kỷ lục mới và tăng lần lượt 10,2% và 23,4% so với năm 2023.
Tuy nhiên, nhập khẩu gạo cũng tăng mạnh, với giá trị nhập khẩu 10 tháng đạt 1,2 tỷ USD, tăng 72,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 10, giá trị nhập khẩu gạo đạt 148 triệu USD, gấp 3,3 lần so với tháng 10/2023. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhu cầu trong nước đối với gạo cấp thấp tăng, do đó doanh nghiệp đã nhập khẩu gạo tấm giá rẻ từ Ấn Độ và các nước khác như Campuchia, Myanmar, và Pakistan để sử dụng trong sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Trên thị trường quốc tế, giá gạo đang giảm sâu. Đến cuối tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 524 USD/tấn, trong khi Thái Lan và Pakistan lần lượt ở mức 486 USD/tấn và 461 USD/tấn. Sau khi Ấn Độ gỡ bỏ giá sàn xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của nước này giảm còn 444 USD/tấn.
Hơn 2.500 tỷ đồng nhập khẩu, choáng với giá nho Trung Quốc ở chợ đầu mối
Thương nhân và doanh nghiệp đã chi ra số tiền hơn 2.500 tỷ đồng để nhập khẩu nho về Việt Nam, trong đó có rất nhiều hàng từ Trung Quốc. Đáng chú ý, nhiều người cảm thấy choáng khi biết giá nho Trung Quốc được chào bán tại chợ đầu mối.
Trong nhóm quả và hạch quả nhập nhiều nhất về Việt Nam trong 8 tháng năm 2024, nho đứng vị trí thứ 3, chỉ sau táo và hạt dẻ cười. Theo đó, các thương nhân và doanh nghiệp đã chi ra 100,8 triệu USD (khoảng hơn 2.500 tỷ đồng) để nhập khẩu các loại nho tươi về Việt Nam, chiếm 9,1% giá trị nhập khẩu nhóm quả và hạch quả của nước ta trong 8 tháng năm nay.
Điều đáng nói, nho Trung Quốc luôn là mặt hàng có giá rẻ nhất so với hàng cùng loại nhập từ các quốc gia khác. Nhưng nhiều người còn cảm thấy choáng váng khi hay biết giá nho nhập khẩu được chào bán ở các chợ đầu mối.
Hộ chiếu Việt Nam giảm 3 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu
Theo bảng xếp hạng Henley Passport Index mới nhất, hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 90, giảm ba bậc so với lần công bố trước. Đây là lần thứ ba trong 19 năm khảo sát mà thứ hạng hộ chiếu Việt Nam nằm từ 90 trở xuống, với các năm 2015 và 2021 lần lượt xếp thứ 94 và 95.
Ở vị trí thứ 90, công dân Việt Nam được miễn visa hoặc chỉ cần e-visa, visa cửa khẩu, ETA khi nhập cảnh tại 51 điểm đến trên tổng số 199 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các điểm đến này bao gồm Barbados, Bolivia, Brunei, Campuchia, Kazakhstan, Indonesia, Malaysia, Maldives, Panama, Thái Lan, và Đài Loan. Trong bảng xếp hạng hồi tháng 1, hộ chiếu Việt Nam được miễn visa tại 55 điểm đến, giữ vị trí thứ 87.
Trong khu vực Đông Nam Á, hộ chiếu Việt Nam xếp cao hơn Lào (hạng 92) và Myanmar (hạng 93). Singapore dẫn đầu thế giới và khu vực với 195 điểm đến miễn thị thực, tiếp theo là Malaysia với 183 điểm và Brunei với 166 điểm. Hộ chiếu Thái Lan đứng thứ tư khu vực, cho phép nhập cảnh 82 quốc gia mà không cần visa.
Ở cuối bảng xếp hạng là Afghanistan (26 điểm đến miễn visa), Syria (27 điểm), Iraq (31 điểm), cùng Yemen và Pakistan (33 điểm). Henley Passport Index, dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, được xem là nguồn thông tin lớn và chính xác về xếp hạng hộ chiếu, với công bố định kỳ 2-3 lần mỗi năm. Henley bắt đầu xếp hạng hộ chiếu từ năm 2006.
Chiến lược Game hóa di sản giúp quảng bá văn hóa, du lịch theo cách độc đáo và sáng tạo
Game hóa di sản đang trở thành xu hướng nổi bật, biến đổi các yếu tố văn hóa thành trò chơi tương tác, tạo nên trải nghiệm du lịch độc đáo cho du khách. Tại Việt Nam, đây không chỉ là một phương thức phát triển du lịch mới mà còn là cách để quảng bá văn hóa và lịch sử quốc gia. Du khách giờ đây có thể khám phá văn hóa qua các trò chơi trên điện thoại, giúp họ tiếp cận văn hóa một cách gần gũi và sinh động hơn.
Trên thế giới, game hóa di sản đã chứng minh tính hiệu quả trong giáo dục và giải trí. Ví dụ, “The Colosseum Challenge” tại Ý cho phép du khách khám phá đấu trường La Mã thông qua ứng dụng di động, hoặc “The Great Wall Run” ở Trung Quốc kết hợp thể thao với di sản, khuyến khích người tham gia chạy bộ dọc theo Vạn Lý Trường Thành. Những dự án này không chỉ giúp tăng cường nhận thức về di sản mà còn mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho người tham gia.
Tại Việt Nam, game hóa di sản đã phát triển từ hơn một thập kỷ qua. Chương trình truyền hình “Hà Nội 36 Phố Phường” là một trong những tiên phong, kết hợp giải trí và giáo dục. Gần đây hơn, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” cho phép du khách khám phá lịch sử qua các hình ảnh laser, và ứng dụng Outing mang đến trải nghiệm di sản ở làng cổ Đường Lâm qua các thử thách hấp dẫn. Những tour như “Food Tour phố cổ Hà Nội” cũng đã áp dụng game hóa, giúp du khách khám phá ẩm thực và di sản với trải nghiệm tương tác.
Tuy nhiên, việc phát triển game hóa di sản không tránh khỏi thách thức. Sự tái hiện chuẩn xác giá trị văn hóa và lịch sử là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính giáo dục và không làm sai lệch thông tin. Việc này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc và nguồn lực tài chính lớn, điều mà các nước đang phát triển như Việt Nam cần lưu ý. Do đó, sự hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức văn hóa và nhà phát triển trò chơi là cần thiết để đảm bảo tính xác thực và chất lượng của các dự án game hóa di sản.
Làng rau cổ gần 400 năm ở Hội An thành ‘làng du lịch tốt nhất thế giới’?
Làng rau Trà Quế tại Hội An vừa được Tổ chức Du lịch Thế giới vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất thế giới” nhờ giá trị văn hóa và du lịch đặc sắc. Với gần 400 năm lịch sử, làng nổi tiếng với phương thức canh tác truyền thống, sử dụng ít phân hóa học, tạo ra rau thơm tự nhiên, hương vị khác biệt so với các vùng khác. Trà Quế bao quanh bởi sông Cổ Cò và cánh đồng, là nơi sản xuất khoảng 40 loại rau, cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn tại Hội An và Đà Nẵng. Khách đến đây có thể tham quan, trồng rau cùng nông dân, và thưởng thức các món ăn từ nguồn rau tại chỗ.
Trước năm 2020, du lịch tại làng rau được tổ chức bởi doanh nghiệp, nhưng nay chuyển sang đơn vị sự nghiệp ở Hội An. Làng thu hút hàng chục ngàn khách mỗi năm, với vé dao động từ 20.000 – 30.000 lượt/năm. Vinh danh này không chỉ ghi nhận công sức bảo tồn văn hóa của người dân mà còn thúc đẩy định hướng Hội An thành đô thị văn hóa, sinh thái.
Coolmate gọi vốn 6 triệu USD, tham vọng xuất hàng sang Mỹ
Coolmate vừa huy động thành công 6 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B, được dẫn dắt bởi Vertex Ventures SEA & India và quỹ Kairous Capital. Khoản đầu tư này sẽ giúp startup thời trang nam “made in Vietnam” mở rộng ra thị trường quốc tế, tập trung vào Mỹ và Đông Nam Á trong hai năm tới.
Ra mắt năm 2019, Coolmate áp dụng mô hình kinh doanh trực tiếp đến tay người tiêu dùng (D2C) và quyết định không sử dụng chuỗi cửa hàng truyền thống. Nhà sáng lập Phạm Chí Nhu mong muốn cung cấp sản phẩm thời trang tối giản, thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng. Tuy nhiên, sau sự tăng trưởng nhanh chóng trong doanh thu năm 2023, Coolmate đã gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô và phát triển nhân sự.
Để giải quyết vấn đề này, Nhu đã tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia trong ngành dệt may và tiến hành cải tổ sâu rộng tổ chức, củng cố hệ thống vận hành. Nhờ định hướng đúng đắn, Coolmate đã xây dựng thương hiệu trực tuyến thành công, đáp ứng xu hướng mua sắm qua mạng của người tiêu dùng.
Với tiềm năng lớn của thị trường thời trang trực tuyến Việt Nam, Coolmate hiện đang hợp tác với các nhà máy may mặc nội địa để sản xuất sản phẩm bền vững, như cotton hữu cơ và sợi tái chế. Đầu tư mới không chỉ mở rộng sản phẩm và thương hiệu ra nước ngoài mà còn thể hiện niềm tin của các quỹ vào khả năng thích ứng và phát triển của doanh nghiệp.
Nhật Bản xây cơ sở sản xuất ống kính, phụ kiện máy ảnh lớn nhất thế giới tại Hà Nội
Tamron, hãng sản xuất ống kính và phụ kiện máy ảnh Nhật Bản, dự kiến khánh thành nhà máy thứ hai tại Hà Nội vào tháng 1-2025. Nhà máy này trị giá 4 tỉ yen (khoảng 26,75 triệu đô la) và được xây dựng trên khu đất rộng 28.500 m² trong một khu công nghiệp ở Hà Nội. Với 1.500 lao động, nhà máy sẽ xử lý toàn bộ quy trình sản xuất từ đúc khuôn đến lắp ráp và hoàn thiện. Đến năm 2028, khi hoàn thiện, cơ sở tại Hà Nội dự kiến trở thành trung tâm sản xuất ống kính lớn nhất thế giới.
Hiện tại, Tamron có các cơ sở sản xuất ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, trong đó nhà máy Phật Sơn tại Trung Quốc chiếm 65% sản lượng. Tuy nhiên, với nhà máy mới tại Việt Nam, Tamron đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sản lượng từ Việt Nam lên 50% vào năm 2030, đồng thời giảm sản lượng từ Trung Quốc xuống còn 40%. Hai nhà máy tại Nhật Bản sẽ tập trung vào phát triển công nghệ mới, chiếm 10% sản lượng.
Việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam là một chiến lược giảm thiểu rủi ro trước căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Chính sách thuế quan của Mỹ, hiện tại áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, đang gây áp lực lên chi phí sản xuất của Tamron khi xuất khẩu sang Mỹ. Sản xuất tại Việt Nam giúp Tamron tránh thuế bổ sung này, đồng thời biến Việt Nam thành cứ điểm xuất khẩu chính của hãng.
Ngoài máy ảnh, Tamron cũng mở rộng vào các lĩnh vực như ống kính an ninh, tự động hóa và thiết bị y tế, với doanh thu năm 2023 đạt 71,4 tỉ yen, tăng 12,6% so với năm trước.
Việt Nam có thể vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu
Trong buổi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội vào chiều ngày 4/11/2024, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ sự đồng thuận với các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế về phát triển kinh tế – xã hội. Bà nhận định ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu và là cơ hội lớn cho Việt Nam vươn lên trở thành điểm đến an toàn trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về công nghệ và thiếu hụt nhân lực. Để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đại biểu Tú Anh đề xuất Chính phủ cần thúc đẩy các mảng sản xuất, đóng gói, thử nghiệm chip, và phát triển nhân lực chuyên môn với sự hợp tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân.
Huawei chi hơn 1 tỉ đô la xây trung tâm R&D mới, thu hút nhân tài công nghệ toàn cầu
Huawei đang xây dựng trung tâm R&D mới tại Hồ Liên Khâu, cách Thượng Hải 70 km, với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) trên diện tích 160 ha. Đây là cơ sở R&D lớn gấp đôi trung tâm hiện tại của Huawei ở Đông Quan và cách đó khoảng 1.500 km. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ thu hút hơn 30.000 nhà nghiên cứu vào cuối năm 2025, góp phần thu hút nhân tài công nghệ trên toàn cầu.
Tọa lạc gần trung tâm R&D mới, hơn 30 chung cư cao tầng đã được xây dựng để phục vụ nhu cầu sinh sống của các nhân viên. Đồng thời, một ga tàu điện ngầm mới đang được hoàn thiện, dự kiến mở cửa vào cuối năm nay để kết nối thuận lợi hơn với trung tâm này. Đặc biệt, CEO Ren Zhengfei của Huawei còn lên kế hoạch mở hơn 100 quán cà phê tại đây nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện và hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu.
Trung tâm Hồ Liên Khâu được xem là động lực quan trọng thúc đẩy công nghệ của Huawei, nhất là trong bối cảnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt, hạn chế nguồn cung chip hiệu suất cao từ nước ngoài. Với lợi thế gần các cơ sở công nghiệp bán dẫn trọng điểm của Trung Quốc, Huawei kỳ vọng cơ sở này sẽ giúp hãng vượt qua thách thức và thu hút nhân tài hàng đầu. Sự tăng trưởng dân cư tại đây cũng đã đẩy giá thuê nhà lên cao, nhiều chủ nhà đã phá vỡ hợp đồng thuê hiện tại, cải tạo nhà và tăng giá để đáp ứng nhu cầu thuê đang gia tăng.
Tại sao Sàn chứng khoán Tokyo lại chọn startup Việt POPS Worldwide để hỗ trợ IPO, chứ không phải ‘kỳ lân’ VNG hoặc Tiki?
POPS Worldwide là một startup Việt Nam duy nhất được Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) chọn vào chương trình hỗ trợ IPO TSE Asia Startup Hub vào tháng 3/2024. Đây là cơ hội để POPS Worldwide có thể trở thành công ty Việt đầu tiên niêm yết trên TSE. TSE đánh giá POPS Worldwide tiệm cận các điều kiện quan trọng để IPO, gồm có ít nhất 20% doanh thu từ Nhật Bản, vốn hóa trên 350 triệu USD, và tốc độ tăng trưởng lẫn lợi nhuận ấn tượng. POPS đã hoạt động tại Nhật Bản nhiều năm, có đối tác lớn là TV Tokyo, cùng các hợp tác với các công ty Nhật trong lĩnh vực hoạt hình như Toei Animation và Nippon Animation.
Sáng lập bởi bà Esther Nguyễn từ năm 2008, POPS Worldwide hiện là nền tảng giải trí và truyền thông số hàng đầu Đông Nam Á với gần 800 triệu fan trên các kênh OTT, YouTube và TikTok, cùng nhiều đối tác trong khu vực. Sự hiện diện mạnh mẽ của POPS tại Nhật giúp họ khác biệt so với các startup Việt khác như VNG và Tiki. Mặc dù VNG và Tiki có khát khao lên sàn quốc tế, nhưng họ thiếu sự hiện diện và kết nối sâu tại Nhật Bản, vốn là yếu tố quan trọng để thành công trên TSE. VNG chủ yếu tập trung vào Đông Nam Á và Đài Loan, không có nhà đầu tư Nhật. Tiki dù có đầu tư Nhật trong giai đoạn đầu, nhưng hiện chỉ hoạt động trong nước và thiếu động lực tăng trưởng nổi bật.
Để đạt mục tiêu IPO vào năm 2027, POPS Worldwide dự kiến mở rộng hoạt động tại Nhật, tăng cường nhân sự và đối tác để đáp ứng các yêu cầu tài chính và nội dung khắt khe của thị trường này. Đây là hành trình nhiều thách thức, nhưng sự kiên trì và chiến lược rõ ràng của POPS có thể mở đường cho các doanh nghiệp Việt vươn tới thị trường quốc tế.
Dịch chuyển chuỗi cung ứng, xuất khẩu của Việt Nam, Philippines sang Mỹ tăng vọt
Trong quý 2/2024, xuất khẩu của các quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sang Mỹ đã vượt xuất khẩu sang Trung Quốc quý thứ hai liên tiếp.
Điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Mỹ với khu vực này, trong bối cảnh chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy yếu cũng đang thúc đẩy sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi lớn từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung khi thu hút được đầu tư nước ngoài mới từ các doanh nghiệp xuất khẩu muốn giảm sự hiện diện của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của mình.