I – Thị trường và bán lẻ

  • Nhà bán lẻ Đông Nam Á ‘đặt cược’ lớn vào thương mại mạng xã hội

Đa số nhà bán lẻ ở Đông Nam Á có kế hoạch tăng đầu tư vào thương mại mạng xã hội (social commerce) trong 12 tháng tới, theo khảo sát mới đây của Shopify Inc, công ty thương mại điện tử ở Canada.

Báo cáo khảo sát Bán lẻ Đông Nam Á 2024 của Shopify cho thấy, 39% nhà bán lẻ ở Đông Nam Á xem mức độ tương tác của khách hàng đối với sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội là thước đo quan trọng để xác định tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư (ROI) cho hạ tầng thương mại điện tử. Tầm quan trọng của thước đo này đối với ROI chỉ đứng sau biên lợi nhuận.

Trong khi đó, 68% nhà bán lẻ cho biết sẽ tăng đầu tư thương mại xã hội trong 12 tháng tới. 66% có kế hoạch tăng cường đầu tư vào một nền tảng thương mại hợp nhất, trong đó sử dụng công nghệ tích hợp để kết nối tất cả khâu trong hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp vào một hệ thống. Điều này sẽ cho phép nhà bán lẻ có cái nhìn toàn diện về mức độ tương tác của khách hàng, hàng tồn kho và quá trình thực hiện đơn hàng trên tất cả các kênh.

Cũng theo khảo sát, 52% người tiêu dùng Đông Nam Á thích mua sắm trực tuyến hơn. 28% cho biết thích mua sắm tại cửa hàng truyền thống tương đương mua sắm trực tuyến và 19% thích mua sắm tại cửa hàng truyền thống hơn. Dữ liệu này nhấn mạnh sự cần thiết của trải nghiệm mua sắm đa kênh.

Nguồn:https://baomoi.com/nha-ban-le-dong-nam-a-dat-cuoc-lon-vao-thuong-mai-mang-xa-hoi-c49633623.epi 

  • TP.HCM cam kết không để giá hàng hóa “té nước theo mưa” khi tăng lương

Tại họp báo về tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM diễn ra vào chiều 11/7, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng Phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trước đây, mỗi lần tăng lương hoặc những dịp lễ, Tết… thường xảy ra các hiện tượng đầu cơ, tích trữ, “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý bởi các hệ thống phân phối còn mỏng và nguồn hàng không ổn định.

Tuy nhiên, đến nay, Thành phố đang triển khai chương trình bình ổn thị trường theo nguyên tắc đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo Sở Công thương Thành phố, thực tế cho thấy từ ngày 1/7, việc tăng lương đã tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ dễ dẫn đến tác động dây chuyền nên cần động thái chuẩn bị và hạn chế tác động tiêu cực.

Chính vì vậy, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều đã có phương án dự phòng từ sớm. Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã có chỉ thị đảm bảo cung cầu và Thành phố cũng đã có chỉ đạo quyết liệt.

Phía doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung thiếu hụt cục bộ, không để mất cân đối cung cầu, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa… trong mọi tình huống.

Đồng thời, tập trung theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tác động lớn và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định.

Nguồn:https://vneconomy.vn/tp-hcm-cam-ket-khong-de-gia-hang-hoa-te-nuoc-theo-mua-khi-tang-luong.htm 

  • Vượt Philippines, Việt Nam trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 ASEAN

Báo cáo “Thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2024” của Momentum Works vừa mới công bố cho thấy Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất, với GMV tăng lần lượt là 52,9% và 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 khu vực.

Trong 4 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình 16 – 30% mỗi năm, tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Indonesia vẫn là thị trường thương mại điện tử lớn nhất ASEAN, đóng góp 46,9% vào GMV của khu vực. Tốc độ tăng trưởng 3,7% là mức khiêm tốn nhất trong khu vực.

Tại thị trường Đông Nam Á, Shopee đạt tổng doanh thu GMV 55,1 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 48% thị phần. TikTok Shop đã trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á sau khi mua lại Tokopedia. Riêng tại Việt Nam, TikTok Shop hiện là nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai với 24% thị phần.

Báo cáo xác định một số hướng chính trong ngành thương mại điện tử tại khu vực trong thời gian qua.

Thứ nhất, KOL (người có sức ảnh hưởng) bán hàng trực tuyến là những ngừoi có khả năng điều hướng thị trường thương mại điện tử tại ba thị trường là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Thậm chí, chỉ một phiên livestream với KOL có thể đạt doanh thu hàng triệu USD.

Thứ hai, các nền tảng trong khu vực đã bắt đầu áp dụng các ứng dụng AI sáng tạo, đặc biệt là về trải nghiệm người dùng và hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, các nhà bán hàng cũng đang phải đối mặt với áp lực của các nền tảng tìm nguồn cung ứng dịch vụ chuyển phát bưu kiện.

Nguồn:https://vneconomy.vn/vuot-philippines-viet-nam-tro-thanh-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-lon-thu-3-asean.htm 

  • Cơ hội cho ngành da giày Việt khi ‘công xưởng thế giới’ Trung Quốc không còn mạnh

Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2024 do Hiệp hội Da giày-túi xách Việt Nam tổ chức ngày 9-7, ông Trần Anh Tuấn – đại diện Công ty giày Viễn Thịnh – cho hay ‘công xưởng của thế giới’ Trung Quốc không còn mạnh như trước.

Theo ông Tuấn, nhiều nhà sản xuất đang tìm cách dịch chuyển khỏi Trung Quốc, điều này bắt nguồn từ nỗi lo ngại rủi ro chính trị đang ngày càng gia tăng và nỗ lực bảo vệ chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất.

“Năm 2023, một đối tác tại châu Âu của chúng tôi đã dịch chuyển khoảng 20% sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam và dự kiến chuyển tiếp 10% vào năm 2024. Một khách hàng khác từ Mỹ cũng đang dự tính chuyển đơn hàng sản xuất khoảng 1 triệu đôi giày sang Việt Nam vào năm nay, trong khi tổng sản xuất hàng mỗi năm của họ chỉ dao động từ 18 đến 20 triệu đôi”, ông Tuấn cho hay.

Song để đón đầu thị trường, đơn hàng, ông Tuấn nói: “Không đơn giản”. Doanh nghiệp ông không chỉ phải cam kết đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, giá thành phải chăng, ông Tuấn cho biết còn phải đáp ứng hàng loạt chuẩn mực xã hội, môi trường và con người nghiêm ngặt.

Theo đại diện hiệp hội các nhà sản xuất giày dép Đài Loan – nếu trước kia yếu tố chi phí nhân công rẻ là yêu cầu hàng đầu từ khách hàng, song hiện nay khách hàng đang có những yêu cầu mới về phát triển bền vững. 

Nguồn:https://tuoitre.vn/co-hoi-cho-nganh-da-giay-viet-khi-cong-xuong-the-gioi-trung-quoc-khong-con-manh-20240709154624656.htm 

  • Nhu cầu mua thiết bị dò camera quay lén tăng cao

Liên tiếp các vụ quay lén bị phát giác khiến dư luận bức xúc và người bị quay lén sống trong cảnh hoang mang đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng các thiết bị dò camera quay lén tăng vọt, hoạt động mua sắm đặc biệt sôi động chợ mạng.

Theo báo cáo mới nhất của Metric – nền tảng số liệu thị trường thương mại điện tử, thiết bị dò camera ẩn (thiết bị dò camera quay lén) đang là sản phẩm bán chạy trên các nền tảng thương mại điện tử, với mức giá phổ biến dao động 150.000 – 200.000 đồng.

Các thiết bị dò camera quay lén đã giúp các đơn vị bán hàng online thu về 1.553 tỉ đồng, có tới 5.760 sản phẩm được bán ra từ 91 cửa hàng trên Shopee, Tiki, Lazada và Sendo. Đây là doanh thu chỉ tính trong 3 tháng từ 1-4 tới 30-6.

Từ 30-6 đến ngày 6-7, tức một tuần sau sự cố của Châu Bùi là thời điểm doanh thu từ các thiết bị dò camera bùng nổ đạt cao nhất.

Một sản phẩm trên Shopee ghi nhận doanh thu tăng gấp 21 lần so với 1 tuần trước đó, mang về cho thương hiệu doanh thu 297 triệu đồng chỉ trong vòng 1 tuần, sản phẩm này trước đó trung bình chỉ mang về 14 triệu đồng mỗi tuần.

Nguồn:https://tuoitre.vn/thiet-bi-do-camera-quay-len-sot-hang-cho-mang-20240713084118309.htm 

II – Xu hướng tiếp thị – truyền thông

  • Vụ ám sát ông Trump: Các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc nhanh chóng ‘chớp thời cơ’ kiếm tiền

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thoát chết trong gang tấc trong một vụ ám sát vào khoảng 6h15 chiều giờ địa phương hôm 13/7 tại bang Pennsylvania của Mỹ. AP đã công bố bức ảnh mang tính biểu tượng trong đó ông Trump đang giơ nắm đấm sau khi vụ việc xảy ra.

Bình luận công khai đầu tiên của Tổng thống Joe Biden về vụ nổ súng được đưa ra vào khoảng 8h00 giờ tối cùng ngày, vào thời điểm đó các nhà sản xuất Trung Quốc đã sẵn sàng cho ra đời những chiếc áo phông có in hình ông Trump.

Lô hàng đầu tiên được bán trên Taobao, một nền tảng thương mại điện tử phổ biến của Trung Quốc, lúc 8h40 tối – trước khi hầu hết chính phủ các nước trên thế giới cùng nhau đưa ra phản ứng trước vụ việc.

Li Jinwei, một nhân viên bán hàng 25 tuổi trên eBay, đã có những chiếc áo phông của mình trên kệ trực tuyến vào giờ ăn sáng ở Trung Quốc.

“Chúng tôi đưa áo phông lên Taobao ngay khi biết tin về vụ xả súng, mặc dù lúc đó chúng tôi thậm chí còn chưa in chúng và chỉ trong vòng 3 giờ, chúng tôi đã thấy hơn 2.000 đơn đặt hàng từ cả Trung Quốc và Mỹ”, cô nói.

Nguồn:https://viettimes.vn/vu-am-sat-ong-trump-cac-nha-ban-le-truc-tuyen-trung-quoc-nhanh-chong-chop-thoi-co-kiem-tien-post176487.html 

  • Làm sao để cân bằng giữa chiến lược dữ liệu và trải nghiệm khách hàng?

Trong thời đại số hiện nay, dữ liệu khách hàng là ‘vàng’ và các doanh nghiệp đều muốn biến các dữ liệu này thành lợi thế cạnh tranh. Nhưng đâu là lý do một số doanh nghiệp ứng dụng dữ liệu thành công hơn các doanh nghiệp khác và làm sao để xây dựng trải nghiệm giúp giữ chân khách hàng?

Thách thức đầu tiên của bài toán đa mục tiêu này đến từ sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng. Nghiên cứu Chỉ số người tiêu dùng tương lai của EY (EY Future Consumer Index) năm 2023 khảo sát 21.000 người tiêu dùng trên toàn cầu cho thấy, phần lớn không sẵn lòng chia sẻ thông tin cá nhân.

55% số người được khảo sát rất lo ngại về hành vi trộm cắp và gian lận giấy tờ tùy thân; 53% rất lo ngại về bảo mật/vi phạm dữ liệu; 53% khác rất lo ngại về việc các công ty bán thông tin cá nhân của họ cho bên thứ ba.

Một nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc thành công nhờ việc khai thác dữ liệu để nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường. Chiến lược thông minh của nền tảng này là tạo ra trải nghiệm mua sắm trực tuyến giống như mua sắm trực tiếp, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dùng, cũng như đề xuất các sản phẩm phù hợp. Nền tảng này áp dụng mô hình mua hàng theo nhóm, cho phép người dùng tương tác và tiết kiệm bằng cách mời bạn bè cùng mua hàng. Ngoài ra, nền tảng này tối ưu hóa việc thu thập dữ liệu bằng cách liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ khác và gợi ý sản phẩm dựa trên những gì bạn bè đã mua và đánh giá. Mô hình đẩy được sử dụng để tạo nhu cầu mua sắm cho khách hàng tiềm năng và cải tiến so với mô hình kéo truyền thống. Quảng cáo nhắm đúng đối tượng và tinh chỉnh nội dung giúp giảm chi phí tiếp thị cho người bán và tối ưu hóa giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Mạng lưới quan hệ trong nền tảng này đã tạo lợi ích cho tất cả các bên tham gia và phát triển nhanh chóng.

Với kinh nghiệm làm việc với hàng chục nghìn khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ trên toàn cầu, đội ngũ chuyên gia của EY và EY-Parthenon đã đúc kết ra 3 kỳ vọng cơ bản của người tiêu dùng mà các nhà bán lẻ cần phải nỗ lực đáp ứng: “Làm cho cuộc sống của tôi dễ dàng hơn”, “làm cho tôi cảm thấy tốt hơn” và “làm cho tôi thỏa mãn hơn”.

Một doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dùng sẽ dễ dàng đánh chiếm thị phần và giữ chân khách hàng. Công nghệ càng trở nên thông minh và tinh tế hơn, nhưng cốt lõi cuộc chạy đua đáp ứng nhu cầu và gia tăng giá trị cho khách hàng nằm ở sự thông thái của nhà quản trị.

Nguồn:https://thanhnien.vn/lam-sao-de-can-bang-giua-chien-luoc-du-lieu-va-trai-nghiem-khach-hang-185240714213551656.htm 

  • Chia sẻ kinh nghiệm: Bài học truyền thông từ vụ livestream bán sầu riêng

Tuần qua, mạng xã hội dậy sóng trước vụ việc ‘vạ miệng’ của một nhà vườn, đại diện nhãn hàng FoodMap.asia trong phiên livestream bán sầu riêng lớn nhất từ trước đến nay trên kênh TikTok của Hằng Du mục.

Bình luận về chuyện trên, ThS Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông Trường ĐH Văn Lang (TP HCM), cho rằng dù hơi chậm nhưng người livestream, đại diện nhãn hàng cũng đã xin lỗi trong vòng 72 giờ và vụ việc đã “êm xuôi”. Vụ việc cũng là bài học cho nhiều đơn vị khởi nghiệp khác trong việc cần chuẩn bị ứng phó khủng hoảng truyền thông. Bởi lẽ, bên cạnh tài sản hữu hình, những tài sản vô hình – trong đó có thương hiệu – cần được quan tâm bảo vệ từ sớm. Nếu doanh nghiệp xử lý tốt thì cũng là cơ hội để giành lấy thiện cảm của khách hàng, gia tăng thị phần và là điểm cộng trong mắt các nhà đầu tư khi gọi vốn.

“Đặc điểm của doanh nghiệp khởi nghiệp là chưa có kinh phí, kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ để xử lý khủng hoảng truyền thông. Khi đó, cần ghi nhớ các nguyên tắc cơ bản như: phản ứng kịp thời, không để quá 72 giờ. Người đứng đầu, đại diện doanh nghiệp có thể đưa ra phản hồi bằng văn bản hoặc livestream trực tiếp. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thể xử lý mọi việc không chuyên nghiệp, không hoàn hảo nhưng quan trọng nhất là phải cho dư luận thấy sự chân thành”

Nguồn:https://baomoi.com/chia-se-kinh-nghiem-bai-hoc-truyen-thong-tu-vu-livestream-ban-sau-rieng-c49631491.epi 

  • Chiến lược nào cho bán lẻ hiệu quả?

Sáng ngày 16/7, tại TP.HCM, Hội DN HVNCLC/Trung tâm BSA đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: “Bí quyết kinh doanh trong bối cảnh tiêu dùng thay đổi” qua sự chia sẻ của bà Nguyễn Cao Ngọc Dung – Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại Nielseniq Việt Nam.

Qua phần chia sẻ về các “con số biết nói”, đại diện  Nielseniq Việt Nam đúc kết lại bằng các chiến lược dành cho doanh nghiệp sau đây: 

Đúng điểm bán:

Việc xác định đúng điểm bán là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Các doanh nghiệp cần tập trung vào các khu vực có lượng người tiêu dùng tập trung cao nhất. Điều này đòi hỏi một sự nghiên cứu kỹ lưỡng và liên tục cập nhật thông tin về các khu vực vàng và cửa hàng tiềm năng. Bà Dung nhấn mạnh rằng, “Xác định các khu vực vàng và cửa hàng có lượng người tiêu dùng tập trung cao nhất sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa doanh thu và tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu hơn”.

Đúng sản phẩm:

Chọn đúng sản phẩm để phân phối tại từng khu vực cũng là một yếu tố then chốt. Doanh nghiệp cần lập kế hoạch phân phối và thiết kế đúng danh mục sản phẩm phù hợp với nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng ở mỗi khu vực cụ thể. Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa kho hàng mà còn nâng cao sự hài lòng của khách hàng, từ đó tăng cường khả năng bán hàng và doanh thu.

Đúng mức giá

Định giá sản phẩm hợp lý là một nghệ thuật cần sự nghiên cứu sâu sắc về thị trường và sự cạnh tranh. Bà Dung chia sẻ rằng, việc lập chiến lược khuyến mãi và giá tốt nhất hàng ngày, dựa trên thông tin chi tiết và mức giá đối chiếu, sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng hơn. “Lập chiến lược khuyến mãi và giá tốt nhất hàng ngày bằng thông tin chi tiết và mức giá đối chiếu là chìa khóa để cạnh tranh và thu hút khách hàng,” bà Dung nói.

Đúng hình thức trưng bày:

Hình thức trưng bày sản phẩm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng. Doanh nghiệp cần thúc đẩy các quyết định về việc trưng bày hàng hóa dựa trên thực tế và lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Việc trưng bày sản phẩm một cách khoa học, bắt mắt sẽ giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự.

Đúng hoạt động kích cầu:

Cuối cùng, các hoạt động kích cầu hiệu quả là không thể thiếu trong chiến lược bán lẻ. Doanh nghiệp cần đo lường hiệu suất tại cửa hàng để điều chỉnh các điều kiện nhằm mang lại lợi tức đầu tư tối đa. Bà Dung khuyến nghị các doanh nghiệp nên thường xuyên đánh giá và cải tiến các hoạt động quảng bá, khuyến mãi để duy trì và gia tăng sự quan tâm của khách hàng.

Nguồn:https://bsamedia.vn/chien-luoc-nao-cho-ban-le-hieu-qua/ 

III – Công nghệ

  • AI – cuộc cách mạng chưa đến

Mặc cho các bài viết ca tụng tiềm năng to lớn của trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều chuyên gia khẳng định cho đến nay công nghệ này chưa có tác động kinh tế gì cả.

Nếu các doanh nhân có lo lắng vì sao xung quanh mình cứ nghe bàn tán râm ran về AI mà doanh nghiệp mình chưa chuyển biến gì, xin đừng quá băn khoăn. Có thể nói, tiếp cận các công cụ AI, nhất là AI tạo sinh ở mức độ cá nhân, đang diễn ra ngày càng lan rộng nhưng sử dụng AI cho toàn công ty vào các quy trình thường thấy ở doanh nghiệp là chưa nhiều, chưa phải là xu hướng phổ biến.

Về mặt cá nhân, một khảo sát gần đây của McKinsey, một hãng tư vấn lớn, cho thấy gần hai phần ba những người được hỏi cho biết họ có sử dụng công nghệ AI trong công ty, cao gần gấp 2 lần so với năm ngoái. Một báo cáo của Microsoft và LinkedIn cho thấy 75% các công nhân tri thức toàn cầu (tức ý nói đến những người làm việc trước máy tính) có sử dụng AI. Chuyện này không có gì lạ vì khi người ta tìm kiếm thông tin trên Google hay chọn bài nhạc trên Spotify thực chất họ có sử dụng AI trong các thao tác này dù biết hay không.

Thế nhưng về mặt công ty, số liệu của Cục Thống kê Mỹ có thể làm nhiều người ngạc nhiên: chỉ 5% doanh nghiệp có sử dụng AI trong nửa tháng trước đó. Ngay cả ở San Francisco, nhiều người chuyên về công nghệ thú thiệt họ chưa bỏ ra 20 đô la mỗi tháng để đăng ký phiên bản ChatGPT có trả tiền.

Tình hình này cũng tương tự như thế ở nước khác. Số liệu chính thức của Canada cho thấy chỉ 6% doanh nghiệp của nước này có sử dụng AI trong sản xuất hay cung cấp dịch vụ trong 12 tháng qua. Khảo sát của Anh cho thấy mức độ khá hơn, chừng 20% doanh nghiệp có dùng AI. Ngay cả ở Anh mức độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp có dùng AI là rất chậm – vào tháng 9 năm ngoái tỷ lệ có dùng AI cũng chỉ là 20%.

Doanh nghiệp cho biết họ chưa ứng dụng AI vì lo ngại các vấn đề bảo mật dữ liệu, thuật toán có thiên kiến và nhất là hiện tượng “ảo giác”, tức AI bịa chuyện trả lời sai.

Nguồn:https://baomoi.com/ai-cuoc-cach-mang-chua-den-c49634032.epi 

  • Tấn công mạng tại Indonesia buộc ASEAN phải cảnh giác về an toàn mạng

Cuộc tấn công mã độc tống tiền (ransomware) hồi tháng 6 ở Indonesia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn môi trường mạng ở Đông Nam Á. Bởi tình trạng bùng nổ kỹ thuât số ở Đông Nam Á buộc khu vực này phải đối mặt với những rủi ro bị tấn công được ngụy trang tinh vi hơn và thường xuyên hơn.

Các chuyên gia chỉ ra rằng việc thiếu bản sao lưu dữ liệu là nguyên nhân lớn nhất gây ra vấn đề trong cuộc tấn công vừa rồi. Một số cơ quan chính phủ đã đổ lỗi cho việc này là do thiếu kinh phí.

Allan Salim Cabanlong, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Diễn đàn toàn cầu về chuyên môn mạng, nói với Nikkei Asia rằng: “Việc thiếu bản sao lưu dữ liệu là điên rồ. Đây là vấn đề của nhiều nước ASEAN, ngay cả ở châu Âu và ở những nơi khác trên thế giới bởi chi phí sao chép dự phòng khá cao”.

Trong một báo cáo hồi tháng 11-2023, hãng an ninh mạng Cyfirma của Indonesia nói rằng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang là “mục tiêu hấp dẫn” đối với tội phạm mạng. Cyfirma đồng thời cảnh báo rằng các cuộc tấn công mạng không chỉ gây thiệt hại về tài chính và danh tiếng mà còn có “tác động tiêu cực đến việc thu hút đầu tư từ các tổ chứ, nhà đầu tư tiềm năng trên toàn cầu”.  

Ngoài ra, Cyfirma cho biết toàn bộ Đông Nam Á đang phải đối mặt với sự gia tăng các cuộc tấn công mạng đòi tiền chuộc, cũng như các mối đe dọa tấn công mạng do nhiều nhà nước tài trợ khi căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Theo ông Cabanlong, Singapore và Malaysia là hai nước ASEAN duy nhất có hệ thống phòng thủ mạng rất tiên tiến, do cách tiếp cận đa phương của chính phủ, cho phép phát hiện tốt hơn các mối đe dọa cũng như các nhóm ứng phó khẩn cấp mạng “rất tích cực”. Cabanlong chỉ ra rằng Philippines và Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công mạng. Ông nói sự bùng nổ của AI (trí thông minh nhân tạo) cũng khiến các rủi ro của mã độc tống tiền ngày càng tăng.

Nguồn:https://bsamedia.vn/tan-cong-mang-tai-indonesia-buoc-asean-phai-canh-giac-ve-an-toan-mang/ 

IV – Xu hướng Xanh – Bền vững

  •  Thời trang bền vững Việt Nam: Câu chuyện mới từ vỏ xoài

Năm 2022, xoài ở vùng đồng bằng rớt giá. Một lần thăm nhà vườn ở Trà Vinh, Nguyễn Thị Thanh Vân và nhóm bạn xót cảnh nông dân muốn đốn bỏ cây xoài, tìm cây trồng khác cho huê lợi tốt hơn.

Cô sinh viên ngành tài chính của trường Đại học Trà Vinh nhận thấy các hãng sản xuất thường chỉ lấy phần thịt xoài, bỏ hạt và vỏ. Tìm đọc tài liệu nước ngoài, Vân nảy ra ý tưởng biến vỏ xoài thành loại da thực vật, vốn đang thuộc xu hướng phát triển bền vững.

Ban đầu, Vân và bốn người bạn cùng học trường Đại học Trà Vinh phơi vỏ xoài ngoài nắng, và thu được lớp vỏ khô mốc meo, biến dạng. Vân và các cộng sự chuyển việc nghiên cứu vào phòng thí nghiệm. Sau nhiều lần thử nghiệm, nhóm đã xây dựng được quy trình xử lý.

Những trái xoài hỏng thải bỏ trong quá trình sản xuất được thu gom, loại bỏ phần thịt, làm sạch tách lấy vỏ. Sau đó, phần vỏ xoài được nấu sôi, ép nén và sấy, rồi trộn với phụ gia, đổ vào khuôn và tạo hình ra các miếng da xoài có kích cỡ tờ giấy A4, A5.

Da xoài hiện có nhiều màu sắc, hoàn toàn tự nhiên, như màu trắng từ xoài còn xanh non, màu đỏ nâu từ vỏ trái sắp chín, màu nâu đỏ từ vỏ trái bị chín và bị hư. Nhóm cũng rút ngắn thời gian sản xuất miếng da xuống còn 16 giờ từ khoảng hai ngày. Nhóm sinh viên vẫn tiếp tục nghiên cứu phối trộn với các loại vỏ trái cây khác để làm màu sắc da đa dạng hơn.

Sản phẩm “da xoài” đạt các tiêu chí thân thiện với môi trường, với “3 không” – không rác thải, không nước thải và không khí thải.

Da xoài được may thành một số loại ví bóp, bao đựng danh thiếp, móc khóa, bao kính… Tại triển lãm dệt may Texture Vietnam tháng 9-2023, Vân nói một số công ty trong nước và Nhật Bản đã tìm hiểu, đặt hàng để gia công làm phụ kiện thời trang.

Cuối năm, dự án da xoài S2M của năm sinh viên trường Đại học Trà Vinh đạt giải 3 cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sáng tạo công nghệ quốc gia năm 2023 RnD to Startup 2023 tổ chức tại Hà Nội. Thành viên ban giám khảo cuộc thi là các “shark”, đại diện tập đoàn công nghệ, ngân hàng và quỹ đầu tư.

Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thoi-trang-ben-vung-viet-nam-cau-chuyen-moi-tu-vo-xoai-va-cay-tam-ma/

  • Văn phòng xanh nổi lên như một xu hướng của thị trường bất động sản

Văn phòng xanh không chỉ là xu thế ở Việt Nam mà ở toàn khu vực, đây là nhận định của bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội.

Theo Savills, năm 2020 mới có tòa nhà đạt chứng chỉ xanh đầu tiên ở Hà Nội. Đến 2024, số lượng này đã tăng lên nhiều. Riêng trong năm 2024, có 3 tòa nhà xanh ra mắt thị trường.

Tuy nhiên, tỷ lệ văn phòng xanh vẫn còn hạn chế so với khu vực.

Tỷ lệ nguồn cung văn phòng xanh ở các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện đạt trung bình khoảng 40%. Nổi bật là Singapore với tỷ lệ đạt 95% nguồn cung văn phòng xanh.

Theo bà Mai, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các tòa nhà văn phòng xanh.

Việc xây dựng tòa nhà xanh là cơ hội cho chủ đầu tư. Đây là bài toán kinh doanh tiết kiệm trong dài hạn. Chi phí ban đầu sẽ nhiều hơn so với xây dựng văn phòng truyền thống, nhưng sẽ tiết kiệm chi phí vận hành trong dài hạn.

Bên cạnh đó, những đóng góp về môi trường sẽ thu hút nhiều khách thuê là các công ty đa quốc gia cũng như các khách hàng có cam kết lâu dài với chủ đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy.

Dự kiến đến 2025, 10% các tòa nhà văn phòng sẽ là văn phòng xanh. Theo bà Hạnh, các tòa nhà văn phòng xanh sẽ chủ yếu tập trung vào phân khúc hạng A.

Theo Savills, đến năm 2026, riêng thị trường Hà Nội dự kiến sẽ có 480.723 m2 sàn từ 19 dự án. Văn phòng hạng A sẽ chiếm 75% thị phần với 14 dự án, trong đó 60% nguồn cung hạng A sẽ đến từ khu vực phía Tây.

Tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo của Avison Young cho biết trong quý 2, thị trường đã chào đón tòa nhà e.town 6 và dự kiến, đây là tòa nhà văn phòng đạt chứng nhận LEED Platinum thứ hai tại TP.HCM. Trong 2 quý tiếp theo, phân khúc văn phòng sẽ có thêm nguồn cung mới từ tòa nhà ThaiSquare The Merit; và trong vòng một đến ba năm tới sẽ có thêm Marina Central Tower, UOA Tower 2 và Saigon Center Tower 3.

Nguồn: https://baomoi.com/van-phong-xanh-noi-len-nhu-mot-xu-huong-cua-thi-truong-bat-dong-san-c49647072.epi

V – Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  • Singapore muốn nhập trứng, thịt của Việt Nam

Chiều 12-7, Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có chuyến đi khảo sát tại trang trại công nghệ cao Bến Lức (Long An) của Công ty CP Ba Huân để có cơ sở xúc tiến quá trình đàm phán nhập khẩu trứng gà tươi từ Việt Nam.

Ông Abdul Kader, Phó Tổng Giám đốc điều hành SFA, cho biết nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm tươi sống, trong đó có trứng gà tươi của Singapore rất lớn. Qua chuyến tham quan thị trường cũng như thăm các doanh nghiệp (DN) sản xuất tại Việt Nam, ông đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa 2 bên trong mảng này. Tuy nhiên, để thúc đẩy hợp tác cần sự quan tâm, hỗ trợ từ 2 bên về các vấn đề như tiêu chuẩn chăn nuôi, tiêu chuẩn chất lượng… trước khi tiến hành giao thương chính thức.

Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, thị trường này dù chỉ có 6 triệu dân nhưng là trung tâm thương mại của thế giới, nhiều DN đã tiếp cận được các thị trường lớn thông qua Singapore. “Trong chuyến công tác này, đoàn SFA tập trung khảo sát các đơn vị sản xuất các mặt hàng mà Việt Nam chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Singapore như: thịt heo, thịt gà và trứng gà tươi tại Bình Phước, Tây Ninh và Long An. Qua đánh giá sơ bộ của họ, Việt Nam rất có tiềm năng trở thành nhà cung cấp những mặt hàng này, bởi các DN chăn nuôi Việt Nam có quy mô và trình độ quản lý tốt. Tuy nhiên, đây là những mặt hàng đặc thù, cần trải qua quá trình đàm phán 2 bên để thống nhất các biện pháp quản lý về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm…” – ông Thắng nói.

Ông Trần Việt Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân, thông tin DN đã xuất khẩu được trứng gà tươi sang Hồng Kông (Trung Quốc) và Campuchia; còn trứng muối, trứng bắc thảo xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn. Riêng Singapore lại đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng dù sản lượng dự kiến không lớn. “Mục tiêu xuất khẩu sang thị trường này không phải về số lượng mà là cơ hội để chúng tôi cải thiện quy trình chăn nuôi, tăng chất lượng sản phẩm, tăng nội lực phục vụ thị trường nội địa và làm quen với việc xuất khẩu sang những thị trường khó tính khác” – ông Hưng nói.

Nguồn: https://nld.com.vn/singapore-muon-nhap-trung-thit-cua-viet-nam-196240712205029889.htm

  • Thịt nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam

5 tháng đầu năm, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt vào Việt Nam tăng 29% so với cùng kỳ, bình quân 46.000 đồng một kg.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu 76.120 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 140 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 32,1% về lượng và 28,6% về trị giá. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 5 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 304.850 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với tổng trị giá 597 triệu USD (hơn 14.000 tỷ đồng), tăng 29% về lượng và 25,2% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi kg thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu có giá trung bình 46.000-47.000 đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 41 thị trường, trong đó Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là những nhà cung cấp lớn nhất. Các loại thịt được nhập khẩu nhiều gồm thịt heo đông lạnh, thịt bò, gà… Đặc biệt, nhập khẩu thịt heo từ Brazil và Mỹ tăng mạnh, trong khi nhập khẩu từ Nga, Đức và Hà Lan giảm.

Chị Thanh Hoa, chủ cửa hàng nhập khẩu tại quận Tân Bình, cho biết do giá heo trong nước tăng cao nên thịt nhập khẩu đang bán chạy hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, giò heo đông lạnh được nhiều quán ăn ưa chuộng vì đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có hình thức đẹp mắt.

Chị Hoa chia sẻ thêm, giá thịt nhập khẩu năm nay giảm là do nguồn cung dồi dào. Kinh tế suy thoái trong hai năm gần đây đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia, khiến nguồn cung thịt từ các nước tăng lên và đẩy giá xuống.

Tuy nhiên, tình trạng này khiến Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam lo ngại các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm trong nước. Hiệp hội đề nghị nhà chức trách kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua biên giới để bảo vệ người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước.

Nguồn: https://vnexpress.net/thit-nhap-khau-gia-re-o-at-vao-viet-nam-4769643.html?gidzl=VCsA67LO72roq8WOVqSVAd3JWXjXGn8hQTA27ZSNHYyvWzOVDKD2BZE4qHqwHaKfOT244c4_fgK2SLiMBW

VI – Du lịch – Ẩm thực

  • Được, mất của tour du lịch kèm shopping

Tour du lịch kèm shopping giá rẻ, nhiều du khách dễ tiếp cận nhưng đổi lại sẽ tốn thời gian, chủ yếu ghé các điểm tham quan miễn phí.

Theo khảo sát của VnExpress về lựa chọn du lịch kèm mua sắm với độc giả từ tuổi 18 trở lên và là người quyết định chuyến đi hoặc tham gia vào quá trình lựa chọn điểm đến, 54% người được hỏi chọn du lịch tự túc; 35% chọn các tour cao cấp không shopping và 11% chấp nhận tour shopping vì giá rẻ và bản thân cũng thích mua sắm.

Tại nhiều quốc gia, các doanh nghiệp địa phương muốn thu hút khách quốc tế đến cửa hàng sẽ dùng ngân sách marketing để tài trợ cho các công ty du lịch giảm giá tour. Đổi lại, các công ty du lịch sẽ đưa các điểm mua sắm địa phương vào lịch trình và dẫn khách đến. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là chiến lược 3 bên cùng có lợi: cửa hàng và công ty du lịch đón được khách, có thêm lợi nhuận còn khách được đi du lịch nước ngoài với giá cả phải chăng. Du khách không bắt buộc phải mua hàng khi đến các điểm này.

Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Phạm Anh Vũ cho biết mua sắm trong các tour du lịch là “không thể thiếu” và “chiếm đa số nhu cầu của mỗi du khách” để kỷ niệm chuyến đi. Theo khảo sát của công ty ông Vũ với chính khách hàng, nhiều người cho biết mua sắm trong chuyến du lịch là “niềm vui”.

Các nhà cung cấp dịch vụ trọn gói nước ngoài luôn cố gắng cân nhắc để bố trí hài hòa số lượng điểm mua sắm và điểm tham quan nhằm tạo cảm giác dễ chịu cho du khách. Tuy nhiên, giá tour hiện tại ở một số thị trường quen thuộc có xu hướng đứng yên như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc trong khi vật giá ngày càng tăng.

“Như vậy số lượng các điểm mua sắm tài trợ cũng phải tăng lên để giữ giá bán”, ông Nguyên nói.

Hiện tại, các tour quốc tế kèm shopping được nhiều du khách yêu thích gồm tour Thái Lan với giá 5-7 triệu đồng cho 5 ngày 4 đêm hay tour Trung Quốc giá 9-16 triệu đồng cho tour 4-6 ngày.

Ông Tăng Tất Hiếu của CENTours khuyến khích những khách Việt đã đi du lịch nhiều, có kinh nghiệm, ngoại ngữ tốt và đi theo nhóm ít người (dưới 10 người) nên đi tự túc. Nếu khách đi du lịch nhiều nhưng đi theo đoàn đông nên mua tour để có đơn vị đứng ra lo mọi khâu tổ chức, có hướng dẫn viên hỗ trợ check in tại sân bay, xuất nhập cảnh, nhận phòng khách sạn, gọi xe đi lại, đặt ăn tại nhà hàng.

Với những khách ngân sách ít, mới đi du lịch và thích khám phá, trải nghiệm, tour có shopping cũng là một gợi ý nên thử.

Ngoài ra, du khách có thể tham khảo các tour không mua sắm nhưng giá tiền cao hơn. Ông Hiếu cho biết hiện các tour đi Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong bán chạy, giá từ 15 đến 30 triệu và chỉ làm tour shopping khi khách yêu cầu. Thay vào đó, ông hướng tới các tour du lịch trải nghiệm và chỉ kèm 1-2 điểm mua sắm để khách có thể mua về làm quà. Những tour này sẽ kén khách hơn do giá thành cao hơn, nhưng đổi lại sẽ cảm thấy thoải mái vì được đi du lịch đúng nghĩa.

Nguồn: https://vnexpress.net/duoc-mat-cua-tour-du-lich-kem-shopping-4769336.html

  • Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng ‘chữa lành’ lên ngôi

Xu hướng nghỉ dưỡng chữa lành (Reboot Retreats) được dự đoán không chỉ thống trị trong năm 2024 mà sẽ còn có phủ sóng trong những năm tiếp theo.

Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng chữa lành là gì?

Xu hướng nghỉ dưỡng chữa lành (Reboot Retreats) được dự đoán không chỉ thống trị trong năm 2024 mà sẽ còn có phủ sóng trong những năm tiếp theo. Xu hướng này giống như một “liều thuốc tinh thần” chữa lành cho mỗi người trong cuộc sống hiện đại, khuyến khích du khách “ngắt kết nối” khỏi những công việc bận rộn và áp lực mỗi ngày để dành thời gian kết nối lại với chính mình. Nghỉ dưỡng chữa lành không chỉ giới hạn ở việc nghỉ ngơi; nó còn mở ra cánh cửa để du khách khám phá và học hỏi thêm những phong tục và văn hóa mới để mang đến những thay đổi tích cực trong cuộc sống hằng ngày.

Theo khảo sát của Booking, một số xu hướng nổi bật thuộc nhóm xu hướng nghỉ dưỡng “chữa lành” như sau:

Kỳ nghỉ tập trung vào giấc ngủ: 67% người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy hứng thú với những kỳ nghỉ tập trung cho giấc ngủ trong năm 2024.

Kỳ nghỉ lãng mạn cho “hội” độc thân: 62% du khách Việt Nam độc thân chia sẻ rằng họ sẽ dành thời gian trong kỳ nghỉ của mình để tìm kiếm một mối tình hay người yêu mới. Mặt khác, 38% cho biết họ muốn dùng thời gian đi du lịch để chữa lành tổn thương sau khi chia tay.

Kỳ nghỉ riêng tư cho các bậc phụ huynh: 66% phụ huynh trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương bày tỏ rằng mong muốn một chuyến du lịch riêng tư để dành thời gian ở một mình và kết nối với bản thân.

Nguồn: https://1thegioi.vn/xu-huong-du-lich-nghi-duong-chua-lanh-len-ngoi-219667.html

VII – Khởi nghiệp 

  • Khi ‘chiến thần’ livestream ‘sảy một ly’ và câu chuyện giữ gìn thương hiệu cho hàng Việt

Mới đây nhất, phiên livestream trên TikTok tối 7/7 của TikToker Hằng Du Mục nhận nhiều phản ứng trên mạng xã hội vì những phát ngôn được cho là “kém duyên” của nhà vườn sầu riêng tham gia bán hàng.

Cụ thể, trưa 7/7, trong phiên Mega live trên TikTok của Hằng Du Mục, 12 tấn sầu riêng đã được “chiến thần livestream” này cùng cộng sự là Quang Linh Vlogs bán hết sạch trong chưa đầy 5 phút. Giá bán của mặt hàng là combo 5 kg sầu riêng Ri 6 có giá 715.000 đồng (giá gốc 950.000 đồng), combo 2 kg sầu riêng Musang king có giá 529.000 đồng (giá gốc 745.000 đồng). Cô cũng được ưu ái gọi là “chiến thần nông sản” sau phiên livestream này.

Theo đó, trong phiên livestream này, TikToker Nguyễn Thái Huyền (O Huyền Sầu Riêng) đã một số lần chê Quang Linh Vlogs ăn sầu riêng quá nhiều và nói không mời anh tham gia lễ hội sầu riêng vào tháng 8. Dân mạng nhận xét gương mặt người này tỏ ra nghiêm túc, không hề đùa cợt kèm theo những câu nói khiến Quang Linh Vlogs tỏ ra khá ngại ngùng và bối rối.

Sau đó, một số người đã bức xúc đăng tải video kêu gọi hủy đơn hàng vì cho rằng nữ đại diện này không tôn trọng Quang Linh Vlogs. Kèm theo đó, nhiều người còn đánh giá 1 sao vào kênh TikTok của nhãn hàng.

Cả TikToker O Huyền Sầu Riêng và phía doanh nghiệp bán hàng sau đó đã lên tiếng xin lỗi. Mặc dù vậy, làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng mạng vẫn chưa dừng lại, họ cho rằng lời xin lỗi của nữ Tiktoker O Huyền Sầu Riêng không chân thành và quá chậm trễ. Cả Tiktoker O Huyền Sầu Riêng và FoodMap – doanh nghiệp phân phối sầu riêng đã “nổi rần rần” trên mạng xã hội theo cách không ai mong muốn.

Phải nói rằng, mảnh đất livestream đang đầy tiềm năng, hứa hẹn với không chỉ doanh số bán hàng “khủng” mà đây còn là cách quảng bá cho thương hiệu sản phẩm một cách tự nhiên, không quá tốn kém. Việc sử dụng các KOL với lượt tương tác “khủng” trên mạng xã hội sẽ giúp sản phẩm tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên, đã gọi là phát trực tiếp, thì nghĩa là doanh nghiệp sẽ không có cơ hội sửa chữa những lỗi lầm phát sinh. Một sự cố khi test sản phẩm, một lời giới thiệu sai sót của người livestream hay một bình luận tiêu cực ngay trên sóng trực tiếp… tất cả đều trở nên khó kiểm soát hơn trên sóng trực tiếp.

Xây dựng thương hiệu là một hành trình dài, tốn kém và gian nan. Do đó, chỉ một lỗi sai nhỏ, cũng có thể ảnh hưởng đến công sức của nhiều người, ảnh hưởng đến hình ảnh và giá trị thương hiệu của sản phẩm.

Mạng xã hội cũng giống như “con dao 2 lưỡi”, một mặt giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tốt hơn, nhưng mặt khác cũng là nơi khiến những “vết dầu loang” của doanh nghiệp bị lan tỏa nhanh chóng. Vì vậy, sử dụng các phương pháp truyền thông, PR, marketing trên mạng xã hội cần chuẩn bị những phương án xử lý truyền thông hiệu quả.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ kinh nghiệm một phiên livestream hiệu quả là vừa mô tả đặc điểm nổi bật của sản phẩm, vừa chia sẻ quy trình để tạo ra sản phẩm đó. Đồng thời, bà còn kể cho người xem những câu chuyện truyền cảm hứng về chặng đường khởi nghiệp của các doanh nông, khiến người xem đồng cảm và có thêm lòng tin vào sản phẩm.

Bà Hạnh cũng không quên nhấn mạnh rằng người mua rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm nhận được sau buổi livestream. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải đảm bảo về chất lượng và tính nhất quán của sản phẩm thì mới giữ chân được khách hàng. Đây cũng là yếu tố cốt lõi của quảng bá và gìn giữ thương hiệu sản phẩm.

Nguồn: https://congthuong.vn/khi-chien-than-livestream-say-mot-ly-va-cau-chuyen-giu-gin-thuong-hieu-cho-hang-viet-332743.html

  • Bà mẹ 10 con khởi nghiệp ở tuổi 60

Trên tỉnh lộ 784 ở huyện Dương Minh Châu, hành khách đi từ TP HCM về hướng núi Bà Đen sẽ bắt gặp một trạm dừng chân lớn, bán nhiều các loại trà làm từ cây dược liệu. Trên biển hiệu to, thương hiệu in hình người phụ nữ trung niên đang tươi cười. Đó là nhà sáng lập Võ Thị Lấn, bà mẹ nông dân khởi nghiệp ở tuổi hưu.

Dịp bệnh viện cho bệnh nhân về ăn Tết, con cái thuyết phục ở lại vì lo lắng nhưng bà Lấn trốn về. “Ba là thầy thuốc Nam, tôi phụ ông từ nhỏ nên cũng rành. Vì vậy, tôi về quê tìm những cây thuốc hồi xưa ông già trồng để nấu uống”, bà kể.

Qua đợt Tết, bà Lấn thấy sức khỏe dần tiến triển. Bà tiếp tục cắt và phơi khô cây dược liệu, dùng vải mùng làm túi lọc để pha nước uống như trà hàng ngày và tặng người quen. Nhận được lời khen, bà nghĩ ra ý tưởng kinh doanh lúc tròn 60 tuổi.

Đến nay, công ty bà Lấn bán 5 loại trà, gồm trà túi lọc Tâm Lan và các loại chuyên biệt từ cây xạ đen, thìa canh, đinh lắng và vối. Danh mục sản phẩm đơn giản nhưng là thành quả suốt thập niên định hướng sản xuất sinh thái khép kín.

Ở đầu vào, bà có vùng trồng 20 ha các loại cây dược liệu chỉ bón bằng phân trùn quế. Để có nguồn phân này, bà đang nuôi khoảng 500 con bò để lấy phân cho trùn quế ăn. Cứ 45 ngày thì thu hoạch phân trùn quế một lần.

Ở khâu sản xuất, tại mảnh đất rộng 2 ha hiện là khu tổ hợp trạm dừng chân, vườn ươm cây, bà Lấn chi khoảng 100 tỷ đồng xây nhà máy chuẩn GMP và ISO 22000:2018 để làm trà thành phẩm. Hầu hết các khâu đều tự động hóa và chỉ cần công nhân nhiều – khoảng 10 người – ở giai đoạn đóng gói.

Ông Bùi Phước Hòa, Đại diện Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập, nhận xét doanh nghiệp này ban đầu dựa vào am hiểu về cây dược liệu của nhà sáng lập nhưng để phát triển đến hôm nay là nhờ dần khép kín cả quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn rõ ràng.

“Họ kiểm soát từ khâu trồng nguyên liệu đến chấp nhận đầu tư cho nhà máy chuẩn GMP vốn dành cho sản xuất dược thì đó chính là cách để người mua an tâm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Hòa nói. Đến nay, Trà Tâm Lan đã được Tây Ninh chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bán qua một số nước như Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ.

Nguồn: https://vnexpress.net/ba-me-10-con-khoi-nghiep-o-tuoi-60-4769210.html

VII – Đầu tư – tài chính

  • UOB: Doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên chọn ASEAN để đầu tư

Ngân hàng UOB Việt Nam đã công bố Nghiên cứu triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 với khảo sát khoảng 525 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ về triển vọng trong năm nay. Kết quả cho thấy hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại, TTXVN đưa tin.

Đa số doanh nghiệp trong nước kỳ vọng sự phát triển trong năm nay sẽ tích cực với hiệu quả kinh doanh được cải thiện. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch tăng cường chuyển đổi số, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng suất và đa dạng hóa các kênh bán hàng.

Đáng chú ý, gần 90% doanh nghiệp trong nước có sự quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài với 70% doanh nghiệp lựa chọn ASEAN là thị trường trọng tâm đầu tư trong 3 năm tới, tính đến năm 2026.

Theo UOB, trong khối ASEAN, Thái Lan là thị trường hàng đầu mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Indonesia. Trong đó, khoảng 60% cho biết mục tiêu hàng đầu của việc mở rộng ra thị trường nước ngoài là để tăng doanh thu với phương tiện phổ biến là các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Dẫu vậy, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc mở rộng ra nước ngoài. Một số rào cản chính có thể kể đến như thiếu khách hàng tại các thị trường mới, chiếm 41%, thiếu hỗ trợ về pháp lý và quy định, chiếm 39%, khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác, chiếm 38%.

Nguồn: https://thesaigontimes.vn/uob-doanh-nghiep-viet-nam-uu-tien-chon-asean-de-dau-tu/

IX – Thị trường xuất nhập khẩu

  • Hàng xuất khẩu Việt Nam đối mặt với 252 vụ điều tra phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ.

Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá, chiếm 138 vụ; các vụ việc tự vệ chiếm 50 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.

Mỹ là quốc gia tiến hành khởi xướng điều tra nhiều nhất, với 7 vụ việc, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ điều tra chống trợ cấp, 2 vụ điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương cho biết công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực.

Trong đó, Việt Nam đã chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với nước thứ ba trong một số vụ việc. Nhờ vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nguồn:https://vneconomy.vn/hang-xuat-khau-viet-nam-doi-mat-voi-252-vu-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai.htm 

  • Mảng màu sáng và tối trong bức tranh thị trường xuất khẩu dệt may

Theo phân tích từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm phục hồi chưa đồng đều. Tuy lạm phát đã giảm mạnh từ mức đỉnh 9 – 10% trong năm 2022 về quanh 3% nhưng lãi suất vẫn cao nên người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu.

Trong tháng 6/2024 Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may đi Mỹ đạt 1,53 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ; Nhật Bản đạt 339 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ; EU đạt 435 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ; Trung Quốc đạt 300 triệu USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ; Hàn Quốc đạt 231 triệu USD giảm 0,1% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng năm 2024 Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may đi Mỹ đạt 7,39 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ, tương đương 220 triệu USD; Nhật Bản đạt 1,97 tỷ USD tăng 4,9%; Hàn Quốc đạt 1,65 tỷ USD, tăng 2,6%; Trung Quốc 1,68 tỷ USD tăng 4,6%; thị trường EU đạt 2,02 tỷ USD, tăng 0,8%.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngoài nhu cầu tiêu dùng, nửa cuối năm 2024 có nhiều yếu tố tác động đến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường:

Đầu tiên là sự cạnh tranh về tỷ giá giữa các quốc gia. Trong tháng 5/2024, đồng Bangladesh mất giá 6,52% so với đồng USD. Trong khi đó, Việt Nam đồng chỉ mất giá 0,43% so với đồng USD trong tháng 5/2024, dự kiến Việt Nam đồng sẽ ổn định hơn trước, tuy nhiên khả năng một số quốc gia như Mexico, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia có thể sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Điều này sẽ làm năng lực cạnh tranh của Việt Nam kém hơn so với các quốc gia xuất khẩu dệt may do tỷ giá.

Việc tăng lãi suất tiền gửi trong nước cũng làm tăng nguy cơ các ngân hàng tăng mức lãi suất cho vay, khiến doanh nghiệp gặp bất lợi trong việc tiếp cận đồng vốn, làm giảm sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Ngoài ra, giá cước vận tải tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây tạo áp lực kép cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, từ ngày 1/7, trong khối doanh nghiệp, người lao động sẽ được tăng lương tối thiểu vùng và tăng lương tối thiểu theo giờ ở mức 6%. Đối với ngành sử dụng nhiều lao động dệt may, việc tăng lương sẽ làm tăng chi phí tài chính.

Nguồn:https://congthuong.vn/mang-mau-sang-va-toi-trong-buc-tranh-thi-truong-xuat-khau-det-may-332563.html 

BSAi