TIÊU ĐIỂM : Việt Nam trước làn sóng chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ lớn
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm hạn chế rủi ro
Sự kiện Tập đoàn Nvidia – tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, mới đây quyết định hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam, đã trở thành tâm điểm thời sự trong những ngày đầu tháng 12-2024. Việt Nam là địa điểm thứ ba mà Nvidia đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI, sau Mỹ – nơi Nvidia đặt trụ sở và Đài Loan – quê hương của Chủ tịch Nvidia là ông Jensen Huang.
Vào đầu tháng 11-2024, một số phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin tỉ phú công nghệ Mỹ Elon Musk đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện cho thiết bị Internet vệ tinh Starlink chuyển dịch sản xuất từ Đài Loan sang Việt Nam. Trước đó, vào tháng 9-2024, Phó chủ tịch cấp cao SpaceX – tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh, cho biết tập đoàn có kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo nhận định của giới phân tích, sau nhiều thập niên tập trung sản xuất tại Trung Quốc đại lục và Đài Loan, các nhà lắp ráp điện tử lớn như Foxconn, Quanta, Wistron…đang dần mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á, Nhật Bản, và thậm chí là châu Âu.
Một trong những động lực thúc đẩy sự dịch chuyển này, ngoài tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung những năm qua và các lệnh cấm mạnh tay với các hãng công nghệ Trung Quốc. Xung đột quân sự Nga – Ukraine vẫn kéo dài, căng thẳng Israel – Iran có thể leo thang và lan rộng ra khu vực, chiến sự ở Syria đang bùng phát trở lại, eo biển Đài Loan có thể là một điểm nóng tiềm ẩn kế tiếp trong giai đoạn tới. Rủi ro địa chính trị đang là mối lo ngại của các tập đoàn này.
Trước tình hình này, Việt Nam đang nổi lên như là một điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Có thể kể đến như Tập đoàn Samsung hồi cuối năm 2022 đã khai trương trung tâm R&D mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội. Infineon Technologies – nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Đức, thành lập trung tâm R&D tại Việt Nam vào tháng 5-2023, chuyên về kiểm thử, tùy chỉnh mạch kỹ thuật số. Ngoài ra còn có Bosch Việt Nam, các tập đoàn công nghệ như LG, Panasonic hay Renesas Electronics – nhà sản xuất bán dẫn Nhật Bản, đều đã có trung tâm R&D tại Việt Nam.
Lợi thế của Việt Nam
Đầu tiên Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á – thuận lợi cho việc kết nối và mở rộng thị trường trong khu vực. Điều này giúp các tập đoàn công nghệ dễ dàng tiếp cận và phân phối sản phẩm, dịch vụ đến các quốc gia lân cận. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có các điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải đường biển và đường thủy, với đường bờ biển dài và nhiều cảng nước sâu.
Về mặt ngoại giao, việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với một loạt nền kinh tế lớn trong những năm qua, cũng như tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giúp Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế của 60 nước, trong đó có 15/20 nước thuộc khối G20, đồng thời tránh được rủi ro chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.
Việt Nam đã thu hút đáng kể các dự án FDI vào lĩnh vực công nghệ cao nhờ vào hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ về đất đai và cơ sở hạ tầng.
Trong đó, các dự án đầu tư trong ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng các ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, với lực lượng lao động trẻ, năng động và có khả năng thích nghi với các đổi mới công nghệ, Việt Nam vừa là một thị trường tiêu thụ tiềm năng cho các sản phẩm công nghệ, vừa có khả năng đáp ứng được nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao.
Cơ hội lớn từ hợp tác với NVIDIA
Sự kiện Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA ký thỏa thuận về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ kéo theo hàng loạt công ty công nghệ khác đồng hành để xây dựng hệ sinh thái ở Việt Nam.
GS-TS Đặng Lương Mô, Chủ tịch danh dự Hội Vi mạch Bán dẫn TP HCM, đánh giá “cú bắt tay” giữa Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA là một tín hiệu rất tốt khi Việt Nam sẽ có thêm nguồn vốn, cơ hội đầu tư, phát triển, có cơ hội học hỏi.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), cùng với việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chắc chắn các nguồn lực, tầm quan trọng, giá trị tài sản vô hình và hữu hình của NVIDIA tại Việt Nam sẽ tăng lên nhiều lần. Quan trọng nhất, NVIDIA không “đi một mình” mà sẽ có hàng loạt công ty công nghệ khác đồng hành để xây dựng hệ sinh thái AI tại Việt Nam.
TS Trần Viết Huân, Chủ tịch Cộng đồng các giám đốc công nghệ thông tin Việt Nam, nhìn nhận Việt Nam đã dần trở thành thị trường hấp dẫn, sự lựa chọn của các “đại bàng” khi dịch chuyển hoạt động nghiên cứu – phát triển sản phẩm (R&D), phát triển AI. Xu hướng dịch chuyển R&D sẽ tạo điều kiện để người Việt là chuyên gia công nghệ đang làm việc ở các tập đoàn nước ngoài có cơ hội quay về quê hương cống hiến.
Không dễ “hái quả ngọt”
Ở góc nhìn khác, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, cho rằng NVIDIA chỉ là đơn vị thiết kế chip, không trực tiếp sản xuất trong nước và xuất khẩu cho nước khác nên Việt Nam chỉ hưởng lợi trong phạm vi nhất định. Việt Nam đang đối mặt bài toán khó liên quan xuất khẩu chip do chi phí sản xuất cao và cạnh tranh quốc tế ngày càng lớn. Theo ông, hiện ở Việt Nam dù chi phí nhân sự rẻ nhưng các chi phí khác thật sự không rẻ.
Để phát triển công nghệ mạnh mẽ, bền vững, cần phải đào tạo nguồn nhân lực trong nước với những kỹ năng, kiến thức đủ chất, đủ tầm để đáp ứng xu hướng. Từ đó sẽ tạo sự thay đổi rõ rệt hơn, thu hút thêm nhiều công ty công nghệ nước ngoài tham gia.
TS Trần Viết Huân góp ý nên có chính sách minh bạch, rõ ràng để khuyến khích, thu hút R&D từ các hãng công nghệ nước ngoài, kích thích họ tham gia sâu vào các lĩnh vực bán dẫn, AI nhằm tạo sự đa dạng, khác biệt và tăng giá trị cho các hệ sinh thái công nghệ. Đồng thời, cần có chính sách để chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực này bởi nếu không sẽ khó thúc đẩy công nghệ Việt đi xa và bền vững.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đều rất quan tâm đến khả năng đáp ứng đủ và ổn định hạ tầng điện, nước, hệ thống xử lý nước thải… Một số tập đoàn lớn như Samsung, Intel đề nghị được cung cấp ổn định năng lượng tái tạo, bền vững với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, hệ thống điện, đặc biệt là điện sạch của Việt Nam vẫn còn hạn chế và dễ xảy ra rủi ro trong quá trình vận hành của nhà máy.
Sàn TMĐT đầu tiên chuyên biệt về nông sản chất lượng cao
Chiều 12/12, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post đã công bố ra mắt nongsan.buudien.vn – sàn thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam, do Vietnam Post làm chủ về công nghệ và vận hành.
Theo Vietnam Post, sàn nongsan.buudien.vn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày mà còn mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn làm quà biếu, tặng người thân, bạn bè, đối tác. Sàn được định hướng từng bước mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Cụ thể, với mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, quy trình lựa chọn, kiểm định chất lượng sản phẩm đưa lên nongsan.buudien.vn đã được xây dựng theo các quy định và tiêu chuẩn chất lượng quốc gia.
Các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm. Ngoài ra, Vietnam Post sẽ đảm bảo để sản phẩm luôn giữ được sự ổn định về chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) Trần Minh Tuấn cho rằng: Việc xây dựng và vận hành một sàn thương mại điện tử dành riêng cho nông sản là giải pháp thiết thực để giải quyết 3 vấn đề trọng yếu gồm tiêu thụ nông sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và hỗ trợ người nông dân. Sàn này sẽ gắn kết các công cụ số, đặc biệt là bán hàng trực tuyến – livestream với hơn 14.000 điểm phục vụ của Vietnam Post trên toàn quốc để tạo thành hệ thống ‘cửa hàng’ giao dịch nông sản lớn, nhanh và gần người dân nhất.
Để thực hiện mục tiêu này, Vietnam Post và TikTok đã ký kết thỏa thuận hợp tác để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Vietnam Post và TikTok Việt Nam sẽ cùng các đối tác quản lý mạng lưới nhà sáng tạo nội dung lan tỏa giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể từ các vùng miền đến người dùng trong nước và thế giới.
Thêm một sàn thương mại điện tử ra mắt người tiêu dùng Việt, cam kết không thu phí nhà bán
Ngày 11/12, Công ty cổ phần Hi1 Việt Nam chính thức ra mắt sàn thương mại điện tử Hi1 – nền tảng F2C (Factory to Consumer) đầu tiên tại Việt Nam. Mô hình sẽ giúp kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng cuối mà không qua trung gian.
Hi1, nằm trong hệ sinh thái thông minh eVIPcare System, là nền tảng thương mại điện tử tiên phong ứng dụng công nghệ AI nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho người dùng. Công nghệ AI hỗ trợ tư vấn dựa trên sở thích, nhu cầu của từng cá nhân, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm phù hợp. AI tự động hỗ trợ chăm sóc khách hàng 24/7, giúp giải đáp thắc mắc nhanh chóng và hỗ trợ người dùng trong quá trình mua sắm và sau bán hàng.
Một trong những điểm khác biệt của Hi1 là không thu phí nhà bán, thể hiện sự đồng hành và hỗ trợ dành cho các nhà sản xuất Việt Nam. Việc này giúp các nhà sản xuất tăng cường khả năng cạnh tranh, tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm và mang đến giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng. Sàn cũng sẽ cung cấp dữ liệu về hành vi mua sắm, giúp nhà cung cấp hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường và cải thiện sản phẩm, chiến lược bán hàng.
Giỏ quà Tết hành tỏi độc lạ lần đầu lên kệ Co.opmart và Co.opXtra
Theo các chuyên gia, xu hướng sắm Tết 2025 tiếp tục là tiết kiệm và thiết thực; nhiều cửa hàng, siêu thị đã nhanh chóng tung ra các giỏ quà Tết bình dân, dễ mua, đáp ứng sự thay đổi như giỏ quà nông sản, rau củ hay trái cây từ các nhà cung cấp uy tín đang trở thành xu hướng, được ưa chuộng nhờ sự mới lạ và mức giá phải chăng.
Nắm bắt nhu cầu đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) ra mắt nhiều mẫu giỏ quà Tết Ất Tỵ rau củ độc đáo, kết hợp các loại rau củ với gia vị Á – Âu như tỏi Hải Dương, hành tím Vĩnh Châu, hành tây New Zealand. Giá của những giỏ quà này chỉ từ 31.500 đồng.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng tung hơn 100 mẫu giỏ quà Tết với đa dạng mẫu mã và chủng loại. Các sản phẩm trong giỏ quà bao gồm hạt các loại, mứt, trà, bánh kẹo, cà phê, rượu, với giá dao động từ 99.000 đồng đến 1,4 triệu đồng. Siêu thị cũng áp dụng mức chiết khấu lên đến 8% so với giá gốc khi khách hàng đặt số lượng lớn.
Đại diện Saigon Co.op cho hay các mẫu giỏ quà năm nay là sự kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại, phù hợp phục vụ mọi nhu cầu, từ trưng bày đến biếu tặng cho cá nhân hoặc đoàn thể.
Dù xu hướng tiêu dùng online ngày càng thịnh hành, nhưng vào những tháng cuối cùng của năm 2024, thị trường mặt bằng cho thuê tại TP.HCM đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Tại các tuyến đường đắt đỏ bậc nhất TP.HCM như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lê Duẩn…, nếu như vài tháng trước các biển đăng cho thuê nhà dày đặc thì nay chỉ lác đác vài căn treo biển. Những tuyến đường thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trường Tộ… sau một thời gian dài trầm lắng nay cũng đã khác khi có một sự hồi sinh mạnh mẽ. Không khí tấp nập với đủ loại hình kinh doanh báo hiệu mùa cao điểm bán hàng cuối năm đang tới gần.
Dù chủ các cửa hàng kinh doanh khá chật vật, thậm chí thua lỗ, nhưng giá mặt bằng cho thuê không vì thế mà giảm đi, trái lại vẫn tăng đều, nhất là ở khu vực trung tâm TP.HCM. Dữ liệu của chuyên trang Batdongsan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, giá thuê mặt bằng nhà phố tại các khu vực quận 1, 3, 10 và khu vực Q.2 cũ (nay là TP.Thủ Đức) tiếp tục xu hướng tăng từ 10 – 30%. Trong đó, Q.1 có giá thuê nhà mặt phố tăng 15,2%, Q.3 tăng 32,4%, Q.2 cũ và Q.Bình Thạnh lần lượt tăng 10% và 11%. Hiện nay phân khúc mặt bằng có mức độ quan tâm, tìm kiếm nhiều nhất tập trung ở khoảng giá thuê 40 – 100 triệu đồng/tháng. Sự khởi sắc của thị trường cho thuê mặt bằng là do chi tiêu từ người tiêu dùng có xu hướng cải thiện, nhu cầu mua sắm từ nhóm khách hàng trẻ gia tăng.
ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT VNO Group, cho biết: Thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh từ giữa năm 2024 đã khởi sắc, nhất là từ tháng 7 – 10 khi các doanh nghiệp, người dân chuẩn bị cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Minh chứng rõ nhất là các cửa hàng treo bảng cho thuê đã ít dần, những cánh cửa im ỉm đóng đã mở. Tuy nhiên có một thực tế là thời gian qua, việc kinh doanh của người dân khó khăn vì giá mặt bằng quá cao nên khó có lợi nhuận, chủ yếu cầm chừng.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan, việc định giá tài sản thường dựa trên giá trị cho thuê phát sinh hằng tháng, hằng năm. Nếu một mặt bằng có giá thuê tốt thì định giá tài sản đó cũng sẽ nâng cao theo. Ngược lại, nếu giá thuê thấp, giá trị của căn nhà sẽ bị giảm. Do đó, những căn nhà phố trung tâm vẫn tiếp tục tăng giá thuê, bất chấp sự “phản đối” từ phía người thuê và thị trường.
Bà Giang Huỳnh, Giám đốc nghiên cứu S22M Savills Việt Nam, cho rằng dòng tiền cho thuê không có ý nghĩa quá lớn với chủ sở hữu những tài sản này. Nếu không có người thuê, họ sẵn sàng bỏ nhà trống, vì một khi chấp nhận thương lượng, giá trị tài sản sẽ bị giảm sút. Nhiều chủ nhà thừa nhận việc hạ giá cho thuê sẽ khiến họ gặp bất lợi trong các thương vụ thỏa thuận ở giai đoạn sau này.
Honda và Nissan đang đàm phán sáp nhập, có thể tạo ra hãng ô tô lớn thứ 3 thế giới
Hai nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Honda và Nissan cho biết đang tìm hiểu về việc sáp nhập, sau loạt khó khăn kinh doanh của Nissan tại thị trường Mỹ và Trung Quốc. Theo Nikkei Asia, quá trình đàm phán sáp nhập hoặc hợp tác đang diễn ra, song chưa đi đến quyết định cuối cùng.
Theo cuộc đàm phán, Honda và Nissan cũng muốn đưa Mitsubishi Motors gia nhập công ty mẹ. Tổng doanh số 3 nhà sản xuất sẽ vượt 8 triệu xe, thách thức ông lớn Toyota tại thị trường nội địa cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh tại Trung Quốc hay quốc tế.
Sự kiện này đã khiến nhiều chuyên gia không thể tin nổi bởi ngay từ những ngày đầu thành lập, hai hãng Honda và Nissan đã đi theo những con đường phát triển rất khác nhau.
Nissan được thành lập vào năm 1934 bởi Yoshisuke Aikawa, một nhà sáng lập ít tên tuổi đã biến công ty thành một tập đoàn lớn trước Thế chiến II thông qua hàng loạt thương vụ sáp nhập và niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Trái lại Soichiro Honda, nhà sáng lập Honda vào năm 1948 thì lại ưa thích phát triển ô tô một mình, căm ghét những liên minh hay liên doanh, coi việc thu mua sáp nhập (M&A) những doanh nghiệp khác chỉ khiến hoạt động sản xuất chậm lại.
Dù mỗi hãng bán khoảng 4 triệu chiếc ô tô trên toàn cầu mỗi năm nhưng cả Nissan và Honda đều ngạc nhiên trước sự vươn lên của các tập đoàn xe điện nội địa Trung Quốc. Ban đầu phía Nhật Bản chỉ cho rằng đây là bong bóng nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và tiền từ ngân sách, nhưng khi ngay cả Elon Musk và Tesla cũng phải dè chừng thì Honda và Nissan mới nhận ra họ đã quá trễ.
Trong khi Honda và Nissan bất lực trước dòng lũ xe điện giá rẻ Trung Quốc thì tờ Fortune lại cho rằng sự sáp nhập này là một biện pháp phòng vệ trước Toyota, hãng xe lớn nhất Nhật Bản và đứng đầu thế giới.
Do dần yếu hơn trước Toyota nên 2 hãng xe Nhật Bản đang phải bắt tay để hợp tác cùng sống sót. Tổng doanh số 6 tháng đầu năm trên toàn cầu của cả Honda và Nissan chỉ vào khoảng 4 triệu xe, thấp hơn so với 5,2 triệu chiếc của Toyota.
Hiện Toyota đang nắm giữ cổ phần tại Subaru Corp, Suzuki Motor Corp và Mazda Motor Corp, nhờ đó tạo ra một liên minh thế lực hùng mạnh của các thương hiệu có xếp hạng tín dụng cao.
Hiện tượng “brain rot” bùng nổ năm 2024: Điều mà các nhà tiếp thị cần lưu ý về xu hướng truyền thông xã hội trong tương lai
Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của “brain rot” – nội dung trực tuyến được xem là “thấp cấp” hoặc mang tính giải trí vô nghĩa. Trào lưu này lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, thậm chí từ vựng “brain rot” đã được Nhà xuất bản Đại học Oxford chọn làm từ của năm, với định nghĩa chính thức: “Sự suy giảm trạng thái tinh thần hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt do tiêu thụ quá mức nội dung (hiện nay chủ yếu là nội dung trực tuyến) được xem là tầm thường hoặc thiếu thách thức.”
Nội dung “brain rot” đang tạo sức hút mạnh mẽ như một phản ứng trước làn sóng nội dung kỹ thuật số ngày càng bóng bẩy và được trau chuốt quá mức. Giữa những video được dựng công phu và các câu chuyện kể cầu kỳ, người dùng dường như chỉ muốn tạm dừng, tìm kiếm sự nhẹ nhàng và đơn giản. Xu hướng này minh họa sự thay đổi trong sở thích của người xem, ưu tiên những nội dung có khả năng xoa dịu tinh thần, giảm bớt sự căng thẳng do thông tin tràn ngập. Nếu như văn hóa meme trước đây gây ấn tượng nhờ sự mỉa mai và hài hước sâu sắc, thì nội dung “brain Rot” lại đi xa hơn khi loại bỏ hoàn toàn sự châm biếm, thay vào đó là niềm vui giản đơn, không cần suy nghĩ nhiều. Đây chính là sự “giải trí nguyên sơ” -thỏa mãn và dễ tiếp cận, mang lại sự cân bằng giữa một thế giới số vốn dĩ đầy phức tạp.
Theo Maggie Walsh, giám đốc chiến lược tại Glow, việc sử dụng ngôn ngữ “brain rot” phải được cân nhắc kỹ. Theo dữ liệu từ Oxford, lượt tìm kiếm cụm từ “brain rot meaning” đã tăng hơn 2,073% trong năm qua, cho thấy sự tò mò lớn của công chúng. Tuy nhiên, sử dụng ngôn ngữ thịnh hành một cách thiếu kiểm soát có thể khiến thương hiệu trở nên sáo rỗng, thậm chí ảnh hưởng xấu đến hình ảnh. Nếu chỉ tập trung vào xu hướng này, thương hiệu dễ bị cuốn vào “vòng lặp cuộn vô tận” của mạng xã hội, trở nên nhạt nhòa giữa những nội dung do người dùng tạo ra.
Đối với những thương hiệu tập trung vào số lượng hơn chất lượng, nội dung “brain rot” có thể giúp tăng tương tác và chiều lòng thuật toán mạng xã hội. Ví dụ, đội bóng Buffalo Bills đã khéo léo kết hợp các meme với nội dung liên quan đến cầu thủ và hoạt động đội bóng, tạo điểm nhấn độc đáo trên TikTok. Tuy nhiên, chiến lược bền vững đòi hỏi sự cân bằng cũng như cần có nội dung vừa hòa nhập với xu hướng vừa thể hiện sự khác biệt để nổi bật.
Tượng đài ngành hàng gia dụng Tupperware sụp đổ và bài học từ những sai lầm trong xây dựng thương hiệu
Vào tháng 9/2024, Tupperware đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều năm vật lộn với kết quả kinh doanh yếu kém và sự cạnh tranh ngày càng tăng. Nhu cầu hộp đựng thức ăn lao dốc cùng thua lỗ khiến công ty này không thể trụ vững. Được biết, hành trình của Tupperware tại Việt Nam sẽ chính thức khép lại từ ngày 31/12/2024.
Trong suốt 78 năm hình thành và phát triển, Tupperware đã cho ra đời nhiều sản phẩm gia dụng từ nhựa an toàn rồi phân phối sản phẩm tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ đó, Tupperware dần trở thành một trong những nhà sản xuất dẫn đầu với công nghệ tiên tiến mang đến các giải pháp về lưu trữ, chế biến và phục vụ bữa ăn gia đình trên khắp thế giới.
Sự phát triển vượt bậc của thương hiệu này phần nhiều nhờ vào các bữa tiệc Tupperware, vốn đã trở thành một hiện tượng văn hoá xã hội những năm 1950 và 1960. Các bữa tiệc không chỉ mang tính chất giới thiệu sản phẩm, nó là những sự kiện hào nhoáng, tương tự các buổi trà chiều. Mỗi sự kiện thường dài khoảng 2 giờ, chủ yếu để hướng dẫn sử dụng. Cuối buổi, những người tham gia sẽ đặt hàng.
Mặc dù từng là biểu tượng của sự đổi mới trong những năm 90 và đầu 2000, công ty đã phải đối mặt với sự sụp đổ thảm khốc vào năm 2024. Sự phá sản của thương hiệu này không chỉ phản ánh những sai lầm trong chiến lược tiếp thị và xây dựng thương hiệu, mà còn phơi bày sự chậm trễ trong việc thích ứng với hành vi người tiêu dùng và những thay đổi của thị trường.
Tupperware nộp đơn phá sản do thiếu kết nối với các khách hàng trẻ tuổi
Sau khi các bằng sáng chế độc quyền của Tupperware hết hiệu lực vào thập niên 1980, thị trường tràn ngập những sản phẩm tương tự với mức giá rẻ hơn. Đáng tiếc, công ty không phát triển được sản phẩm đột phá nào hay mở rộng danh mục đồ gia dụng, khiến doanh thu tụt dốc nghiêm trọng. Năm 2023, Tupperware chỉ đạt doanh thu 1,1 tỷ USD, giảm gần một nửa so với năm 2014, theo số liệu từ Statista. Công ty đối mặt với áp lực cạnh tranh từ những đối thủ như Lock&Lock, IKEA vốn cung cấp các sản phẩm tương tự với giá cả hợp lý và khả năng thích nghi nhanh hơn với xu hướng tiêu dùng mới.Thách thức lớn nhất của Tupperware nằm ở việc không thể chinh phục người trẻ. Thiếu các sản phẩm sáng tạo và chiến lược tiếp cận hiệu quả, thương hiệu này mất dần sức hút. Người trẻ không bị thuyết phục bởi lịch sử hào hùng của Tupperware và thiếu lý do để chọn mua sản phẩm. Vì vậy, sự sụp đổ này mang đến bài học quý giá về tầm quan trọng của sự đổi mới và khả năng thích ứng trong việc xây dựng thương hiệu trên thị trường hiện đại.
Thất bại trong chuyển đổi số
Khi thế giới chuyển sang kỷ nguyên số, mô hình bán hàng trực tiếp của Tupperware bắt đầu bộc lộ những hạn chế. Trước đây, danh tiếng của Tupperware được xây dựng thông qua các tương tác trực tiếp. Tuy nhiên, khi khách hàng ngày càng ưa chuộng sự tiện lợi của mua sắm trực tuyến, chiến lược thương mại điện tử của Tupperware lại quá chậm để theo kịp xu hướng.
Nhận thức về giá của Tupperware
Các sản phẩm Tupperware thường có giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, tạo ra nhận thức rằng chúng là một mặt hàng xa xỉ hơn là một nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Chiến lược định giá này đã từng hiệu quả do danh tiếng về chất lượng và độ bền của thương hiệu. Tuy nhiên, trong một thị trường mà các đối thủ cạnh tranh của Tupperware như Lock & Lock và các thương hiệu nội địa cung cấp các lựa chọn thay thế hợp thời trang, giá cả phải chăng, người tiêu dùng lại bắt đầu đặt câu hỏi liệu các sản phẩm của Tupperware có xứng đáng với mức giá cao cấp hay không. Ngay cả ở Mỹ, Tupperware cũng đắt hơn 9 lần so với thương hiệu Kmart mặc dù cả hai đều ra mắt sản phẩm có chất lượng tương đương.
Việc Tupperware không có dòng sản phẩm giá cả phải chăng hơn có thể đã góp phần khiến công ty này mất đi khách hàng truyền thống. Khi Tupperware tập trung vào việc duy trì vị thế sản phẩm cao cấp, công ty này phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu có mức giá thấp hơn.
Khoảng cách tiếp thị về môi trường và tính bền vững
Các đối thủ cạnh tranh của Tupperware như Lock & Lock, Rubbermaid và IKEA đã tung ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, đôi khi có bao bì sáng tạo và thiết kế hiện đại hơn, trong khi Tupperware vẫn tiếp tục dựa vào các dòng sản phẩm truyền thống của mình. Do ý thức bảo vệ môi trường, nhiều người đang chuyển sang sử dụng hộp đựng thực phẩm bằng thủy tinh, tự nhiên hơn và thân thiện với môi trường hơn. Khách hàng trẻ ngày nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến yếu tố bền vững và tính thẩm mỹ. Việc Tupperware tiếp tục sản xuất các sản phẩm từ nhựa trong khi xu hướng bảo vệ môi trường ngày càng mạnh mẽ khiến thương hiệu này dần mất vị thế.
Google Year In Search 2024: Thể thao lên ngôi trong xu hướng tìm kiếm của thế giới và Việt Nam, xu hướng văn hoá đại chúng chuyển mình mạnh mẽ
Mới đây, Google đã công bố bảng xếp hạng các tìm kiếm nổi bật nhất của người dùng trên toàn thế giới trong năm 2024. Với 7 chủ đề chính gồm: “Xu hướng tìm kiếm chung nổi bật”, “Công cụ AI”, “Phim”, “Du lịch”, “Concert”, “Kỹ năng” và “Cách làm”, bảng xếp hạng mang đến cái nhìn tổng quan về các sự kiện và xu hướng đáng chú ý, phản ánh sâu sắc thói quen và sở thích tìm kiếm của người dùng trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.
Cùng hòa chung không khí sôi động của thế giới, người Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các sự kiện thể thao lớn. Những giải đấu định kỳ 4 năm như Euro, Asian Cup, Copa và Olympics liên tục xuất hiện trong danh sách xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất tại Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện tình yêu lớn lao dành cho thể thao, mà còn cho thấy sự gắn bó của người Việt với các sự kiện quốc tế.
Ngoài lĩnh vực thể thao, người Việt cũng dành sự chú ý lớn cho các vấn đề môi trường và thiên nhiên trong năm qua. Những từ khóa như “tiến trình biến đổi khí hậu” và “bão Yagi” xuất hiện nổi bật, phản ánh ý thức cộng đồng ngày càng cao trước các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và thiên tai.
Năm 2024, các công cụ AI như ChatGPT, Gemini, và Character AI trở thành tâm điểm tìm kiếm trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Những ứng dụng như PixVerse và Luma – chuyên tạo nội dung 3D và video – ghi nhận mức độ quan tâm tăng cao, thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ sang việc sử dụng AI trong ngành sáng tạo số. Tại Việt Nam, Gemini nổi lên vượt qua ChatGPT, trở thành công cụ AI được tìm kiếm nhiều nhất, cùng với sự quan tâm đáng kể dành cho các ứng dụng như Viggle và Luma.
Năm 2024, du lịch nội địa trở thành lựa chọn hàng đầu của người Việt với 8/10 điểm đến nổi bật trong chủ đề “Du lịch” thuộc về các địa danh trong nước. Những địa điểm như Vịnh Vĩnh Hy, phố cổ Hội An, và làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn (Cần Thơ) thu hút sự quan tâm nhờ cảnh quan tự nhiên đặc sắc cùng trải nghiệm văn hóa độc đáo. Xu hướng này không chỉ phản ánh sự yêu thích khám phá vẻ đẹp quê hương mà còn cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam.
Âm nhạc và phim ảnh là hai lĩnh vực giải trí ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ từ công chúng tại Việt Nam. Các concert lớn như Taylor Swift, Baekhyun hay các sự kiện trong nước như “Anh Trai Say Hi” và “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” đều thu hút lượng lớn người tìm kiếm, khẳng định sức hút của ngành âm nhạc. Trong khi các tựa phim quốc tế áp đảo bảng xếp hạng tìm kiếm tại Việt Nam, điện ảnh trong nước vẫn tạo dấu ấn với các tác phẩm như Mai và Quỷ cẩu. Hai bộ phim này không chỉ thu hút sự chú ý từ khán giả mà còn làm dấy lên nhiều tranh luận sôi nổi.
Đặc biệt, Google Year In Search 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể về lượt tìm kiếm liên quan đến kỹ năng mềm, với các từ khóa như “kỹ năng lãnh đạo” hay “kỹ năng đàm phán trong kinh doanh” được tìm kiếm phổ biến. Điều này cho thấy người Việt đang ngày càng chú trọng nâng cao năng lực cá nhân, không chỉ để đáp ứng yêu cầu công việc mà còn để phát triển bản thân toàn diện. Đặc biệt, các nội dung về kỹ năng sống như “kỹ năng sống cho học sinh tiểu học” cũng được tìm kiếm nhiều, phản ánh mối quan tâm ngày càng lớn của xã hội đối với giáo dục kỹ năng cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, sự thay đổi trong thủ tục hành chính, đặc biệt là việc cấp căn cước công dân cho trẻ em, đã đẩy các từ khóa như “Cách làm căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi” lên top tìm kiếm, minh chứng cho sự ảnh hưởng của các chính sách mới đến đời sống người dân.
Theo luật, vào ngày 19/1/2025, ByteDance – công ty mẹ của TikTok sẽ phải bán nền tảng này hoặc bị cấm ở Mỹ.
Các nhà lập pháp đã nhận được thông tin mật từ cộng đồng tình báo về mối đe dọa mà ứng dụng này có thể gây ra đối với an ninh quốc gia. Thực tế những mối đe dọa và rủi ro này chưa bao giờ được công bố trước công chúng.
Đối mặt với mối đe dọa này, ByteDance đã tăng cường truy đòi pháp lý. Đáng chú ý, công ty Trung Quốc đã yêu cầu lệnh khẩn cấp từ Tòa án Tối cao để tạm thời đình chỉ việc áp dụng luật, cho rằng luật vi phạm Bản sửa đổi đầu tiên của Hiến pháp Mỹ, nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Nhưng những nỗ lực này cho đến nay đã thất bại: Tòa phúc thẩm Liên bang ở Washington đã giữ nguyên tính hợp pháp của lệnh cấm.
TikTok tuyên bố rằng lệnh cấm của họ sẽ gây ra tổn thất lớn cho hệ sinh thái kinh tế Mỹ. Theo ước tính của họ, người sáng tạo nội dung sẽ mất gần 300 triệu USD doanh thu hàng tháng, trong khi các doanh nghiệp nhỏ trên nền tảng này sẽ chứng kiến hơn 1 tỷ USD bốc hơi trong cùng thời gian. Ngoài ra, TikTok ước tính nền tảng đã đóng góp 8,5 tỷ USD vào GDP của Mỹ vào năm 2023 thông qua các hoạt động của mình.
Vai trò của Tổng thống Donald Trump, người sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1, hứa hẹn sẽ có tính chất quyết định trong vụ việc này. Ông là người đã cố gắng cấm TikTok vào năm 2020 vì những lý do tương tự, ngày nay lại áp dụng một quan điểm có vẻ mơ hồ hơn. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông đã sử dụng TikTok như một công cụ chiến lược để tiếp cận người trẻ, điều này khiến nhiều người nghĩ rằng ông muốn “cứu” nền tảng này.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NBC News, Đảng Cộng hòa cho rằng việc bán TikTok cho một công ty không phải của Trung Quốc có thể là một giải pháp có thể chấp nhận được. Quan điểm này chỉ ra rằng cuối cùng, TikTok thực sự có thể bị cấm theo luật kể từ ngày 19/1/2025.
Đối với các chuyên gia, tương lai của TikTok tại Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào các quyết định pháp lý cũng như động lực chính trị.
Như hiện tại, ứng dụng này có thể trở thành một trường hợp điển hình về quy định của nền tảng kỹ thuật số trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị: căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ thể hiện rất rõ ràng trong thế giới công nghệ.
Theo Thông tư 47/2024 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 1.1.2025, xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải. Xe từ 5 – 12 năm tuổi phải kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hằng năm. Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm VN cấp.
Ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cho biết việc Bộ GTVT ban hành các văn bản Thông tư quy định về trình tự thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; Thông tư quy định về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy là thực hiện theo quy định của luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1.1.2025. Tuy nhiên, thời gian, lộ trình thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy sẽ thực hiện theo luật Bảo vệ môi trường.
Trường hợp Bộ TN-MT trình lộ trình áp dụng từ 1.1.2026 hoặc 1.1.2027 mà được Chính phủ thông qua thì khi đó các phương tiện nằm trong đối tượng quy định mới chính thức phải đi đăng kiểm. Bộ GTVT cũng xác định khi thực hiện lộ trình sẽ phát sinh nhu cầu rất lớn, có thể dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định khí thải, do số lượng cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng được nhu cầu.
Theo tính toán, đến thời điểm hiện tại, trên cả nước sẽ có khoảng gần 3.000 cơ sở đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Chi phí đầu tư một trạm kiểm định (1 thiết bị đo khí thải) được tính toán khoảng 354,4 triệu đồng cho một năm, giá dịch vụ kiểm định khí thải được tính toán để thu hồi vốn khi cộng thêm 10% thuế VAT là 32.500 đồng. Chi phí cấp giấy chứng nhận, dán tem là 1.000 đồng/xe (bao gồm việc tạo phôi, in ấn, quản lý…). Như vậy, với các giả thiết có lợi nhất thì giá dịch vụ kiểm định khí thải cho một xe máy là 33.500 đồng.
Thực tế, quá trình kiểm định khí thải tại các trạm sẽ không diễn ra liên tục, do đó năng suất kiểm định chỉ dự kiến bằng 70% năng suất tối đa, khi đó giá kiểm định tính toán là 50.000 đồng/xe/lần kiểm định. Tính ra, người dân chỉ phải trả khoảng 1.000 đồng/tuần để chung tay bảo vệ môi trường.
Mỗi người dùng TikTok phát thải tương đương lái ôtô xăng 200 km
Theo phân tích mới đây của Greenly – công ty cung cấp giải pháp quản lý carbon, do lượng nội dung khổng lồ cũng như thời gian dùng ứng dụng trung bình dài hơn, người dùng TikTok có lượng phát thải hàng năm cao nhất.
Trung bình người dùng nền tảng này thải 48,49 kg CO2e (đơn vị đo lường lượng khí nhà kính tương đương CO2) một năm. Người dùng YouTube phát thải nhiều thứ hai, với 40,17 kg CO2e. Người dùng Instagram là 32,52 kg CO2e.
Báo cáo cho biết nếu quy đổi phát thải từ hành vi lướt mạng xã hội sang lái ôtô xăng, người dùng TikTok đã “lái” gần 200 km, YouTuber 164 km, còn Instagram 133 km mỗi năm.
Greenly tính toán tổng lượng khí thải carbon của nền tảng này có thể vào khoảng 50 triệu tấn CO2e, gần bằng lượng phát thải của cả Hy Lạp năm 2023. Lượng phát thải này chưa tính đến không gian văn phòng và di chuyển của nhân viên.
Tính gây nghiện của TikTok là nguyên nhân phát thải cao. Người dùng Instagram trung bình dành 30,6 phút trên ứng dụng mỗi ngày, thời lượng này ở TikTok là 45,5 phút. Lượng khí thải của TikTok cũng không minh bạch nhất trong số các nền tảng mạng xã hội. Các gã khổng lồ công nghệ như Meta và Google công bố các báo cáo chi tiết về chỉ số này hàng năm, đăng tải lên các website. TikTok không có dữ liệu phát thải nào được công khai.
Bên cạnh lượng phát thải cao, các công ty mạng xã hội cũng đưa ra cam kết về nguồn năng lượng sạch dùng cho các trung tâm dữ liệu. Điều tra của Guardian cho biết 4 trong số 5 công ty công nghệ hàng đầu đã sử dụng tín chỉ năng lượng tái tạo bù trừ (Recs) để hạ dữ liệu phát thải trong báo cáo.
TikTok đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030, nhưng mới chỉ xây một trung tâm dữ liệu sử dụng năng lượng tái tạo với mức đầu tư 12 tỷ euro đặt tại Na Uy.
Ngành nào bán tín chỉ carbon nhiều nhất tại Việt Nam
Lâm nghiệp dẫn đầu về số lượng tín chỉ carbon được chứng nhận tại Việt Nam, với dự án duy nhất bán 10,3 triệu tín chỉ thông qua World Bank, thu về khoảng 51,5 triệu USD. Đây là dự án quy mô lớn nhất, tính giai đoạn 2018-2019, với trung bình 5,4 triệu tín chỉ/năm. Điện gió và biogas đứng sau, lần lượt với 3,2 triệu và 928.000 tín chỉ/năm.
Thủy điện là lĩnh vực có nhiều dự án đăng ký và chứng nhận nhất, đặc biệt trước 2020 với loại tín chỉ CER (Certified Emissions Reduction). Hai lĩnh vực mới xuất hiện gần đây là điện rác và xe điện. Điển hình, nhà máy điện rác Sóc Sơn đăng ký 544.000 tín chỉ/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp như VinaCapital vẫn lo ngại về hành lang pháp lý chưa rõ ràng.
Việt Nam đã có tín chỉ carbon từ năm 2010, khởi đầu với chương trình khí sinh học của Bộ Nông nghiệp và SNV. Các loại tín chỉ phổ biến gồm CER, VER (Verified Emissions Reduction), và VCS (Verified Carbon Standard). Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có dự án nào đạt chuẩn VCS từ Verra, dù 43 dự án đã đăng ký, trong đó bốn dự án đang xác thực.
Tiềm năng lớn nằm ở rừng ngập mặn, với diện tích khoảng 200.000 ha, khả năng hấp thụ 24,8 tấn CO2/ha, tạo giá trị kinh tế từ 124-248 USD/ha. Điều này mở ra cơ hội phát triển loại tín chỉ carbon xanh (blue carbon) liên quan đến các hệ sinh thái ven biển.
Theo chuyên gia, một dự án tín chỉ carbon cần 3-5 năm để hoàn thiện. Doanh nghiệp cần bắt đầu ngay từ giai đoạn tiền khả thi để không bỏ lỡ cơ hội từ tín chỉ xanh.
Anh chính thức gia nhập CPTPP, mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam có lợi?
Ngày 15/12/2024, Anh đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất của nước này thời hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu). Với việc gia nhập CPTPP, Anh chính thức trở thành thành viên thứ 12 của khối thương mại này.
Được thành lập vào năm 2018 và đóng góp khoảng 15% GDP toàn cầu, CPTPP hiện quy tụ 2 thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) là Canada và Nhật Bản, cùng với Anh, Australia, New Zealand, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, trong nội dung Hiệp định CPTPP, Anh cam kết mở cửa đối với 6 lĩnh vực, trong đó có: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ – đầu tư, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, mua sắm của chính phủ, dịch vụ tài chính.
Đặc biệt, nước này đã cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của hiệp định, cao hơn cho Việt Nam so với cam kết cho các nước thành viên khác và cũng như cao hơn cam kết trong FTA song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Cụ thể, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (trong khi các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%). Do đó, nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn… đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong UKVFTA.
Với gạo, Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, cao gần gấp đôi hạn ngạch gạo mà Anh cam kết chung cho các nước thuộc CPTPP khác.
Với mặt hàng thủy sản, hiện thuế nhập ưu đãi của các sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam vào Anh hầu hết về 0%.
Dù vậy, trên thực tế, Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Do đó, để tận dụng cơ hội trong CPTPP, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn lưu hành nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu.
Thịt heo rục rịch tăng giá cuối năm, chăn nuôi trâu, bò lao đao
Ghi nhận thị trường những ngày gần đây, giá heo hơi đang tăng ở mức từ 65.000 – 66.000 đồng/kg, cao hơn so với cuối tháng 10 từ 5.000 – 6.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết với giá heo hơi hiện nay, người chăn nuôi đang có lãi. Về tâm lý, người chăn nuôi luôn muốn giá heo tăng để có hiệu quả tốt nhưng về vĩ mô, cần phải hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng với mức giá vừa phải. Khi mặt bằng giá thịt heo tăng thì nhập khẩu sẽ tăng để hạ nhiệt.
Thống kê hải quan cho thấy nhập khẩu thịt heo 10 tháng 2024 đạt gần 85.000 tấn. trị giá gần 192 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn cung thịt heo cho Việt Nam rất đa dạng với 40 thị trường nhưng tập trung vào các thị trường như: Brazil chiếm 39%; Nga 30%; Canada 7,45%…
Số liệu chi tiết được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) công bố cho thấy tính đến tháng 10, lượng nhập khẩu các chủng loại đều tăng (trừ thịt heo tươi ướp lạnh giảm) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong thời gian này, Việt Nam đã nhập 159.480 tấn thịt từ Ấn Độ, trị giá 531,5 triệu USD, tăng 13% về khối lượng và tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những lý do chính khiến ngành chăn nuôi trâu, bò của Việt Nam thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi trâu, bò tiếp tục xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, diện tích chăn thả tự nhiên tại nhiều địa phương dần bị thu hẹp, người dân chuyển sang các loại hình chăn nuôi khác. Đàn trâu cả nước tháng 11 giảm 3,1%, còn khoảng 2,2 triệu con; đàn bò giảm 0,4%, còn 6,4 triệu con.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu chăn nuôi Vũ Yến (Đồng Nai) đầu tư nuôi bò được 7 năm nhưng sau dịch COVID-19 đến nay gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bán dưới giá thành. Nguyên nhân là do sự cạnh tranh không lành mạnh của bò lậu có chất tăng trọng và thịt trâu đông lạnh rã đông bán dưới mác thịt bò giá rẻ.
Đáng nói, trâu đông lạnh còn có loại trâu sữa thải loại, chất lượng thấp, giá rẻ. Giá thành chăn nuôi bò hơi sạch từ 70.000 – 75.000 đồng/kg nhưng thị trường giá chỉ 65.000 – 70.000 đồng/kg nên DN không thể cạnh tranh nổi.
Từ vị trí thứ 3, chuối Việt Nam vượt Philippines, chiếm gần 41% thị phần nhập khẩu của Trung Quốc, dẫn đầu sau 10 năm.
Những năm gần đây, chuối của Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc đại lục. Đầu năm nay, chuối tươi từ Việt Nam đánh dấu bước tiến lớn khi độc chiếm kệ hàng tại hệ thống siêu thị AEON ở Trung Quốc, thay thế hoàn toàn chuối từ Philippines và Đài Loan, vốn trước đây chiếm ưu thế. Điều này không chỉ diễn ra ở AEON mà còn lan rộng sang nhiều hệ thống siêu thị khác và các chợ đầu mối lớn tại nước này.
Hiện chuối Pleiku Sweet của Hoàng Anh Gia Lai, là một trong những thương hiệu nổi bật tại Trung Quốc, được đóng gói theo tiêu chuẩn Nhật Bản với số lượng nhỏ từ 3-4 trái mỗi túi. Mỗi tuần, thương hiệu này xuất khẩu vài chục container, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc.
Số liệu mới nhất từ Hải quan Trung Quốc cho thấy trong 8 tháng đầu năm, quốc gia này nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn chuối với trị giá 592,1 triệu USD, trong đó Việt Nam đạt 459.946 tấn, chiếm hơn 40% tổng lượng nhập khẩu. Thị phần sản phẩm của chuối Việt tăng từ 31,3% trong năm 2023 lên 40,7% năm nay.
Ngược lại, các đối thủ cạnh tranh như Philippines đang gặp nhiều thách thức. Từng chiếm hai phần ba tổng lượng chuối nhập của Trung Quốc, Philippines nay chỉ xuất khẩu 283.150 tấn trong 8 tháng đầu năm, giảm tới 39,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá chuối Philippines, mặc dù đã giảm, vẫn cao hơn so với sản phẩm của Việt Nam, khiến loại quả này mất dần sức cạnh tranh.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, thời tiết không thuận lợi tại Philippines, cùng với các vấn đề sâu bệnh, đã làm giảm sản lượng và đẩy giá chuối nước này lên cao, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ Việt Nam mở rộng thị phần. Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Philippines, giúp Việt Nam tận dụng thời cơ để gia tăng vị thế trên thị trường này.
Theo các doanh nghiệp, những yếu tố thúc đẩy sự thành công của chuối Việt tại Trung Quốc bao gồm chất lượng sản phẩm, sự ổn định trong sản lượng và chiến lược giá linh hoạt. Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế về địa lý, với chi phí logistics thấp hơn đáng kể so với các nước khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt đã nỗ lực tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận thị trường này.
Dẫu vậy, xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc vẫn có những thách thức. Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, giá cả tại đây biến động mạnh, phụ thuộc nhiều vào mùa vụ và nhu cầu nội địa. Trong khi các thị trường khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc duy trì mức giá ổn định quanh năm, Trung Quốc lại có sự thay đổi liên tục, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải linh hoạt điều chỉnh chiến lược để tránh thua lỗ.
Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng đóng vai trò quan trọng. Tại Trung Quốc, mùa chuối thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10. Điều này đồng nghĩa với việc giá sản phẩm cuối năm thường giảm do nguồn cung nội địa gia tăng.
8/10 điểm du lịch được tìm kiếm nhiều là du lịch trong nước, dẫn đầu Vĩnh Hy
8/10 từ khóa xu hướng tìm kiếm nổi bật về du lịch mà người Việt đã “tra” Google trong năm 2024 đều là các điểm đến trong nước, trong đó “du lịch Vĩnh Hy” thuộc top 2 được tìm kiếm nhiều nhất. Du lịch Vĩnh Hy dẫn đầu điểm du lịch nội địa, còn đối với các điểm đến nước ngoài, “du lịch Malaysia” và “du lịch châu Âu” là hai từ khóa lọt vào danh sách này. Ngoài Vĩnh Hy, còn có du lịch Hội An, du lịch Cồn Sơn (Cần Thơ), du lịch Gia Lai, du lịch Đà Lạt, khu du lịch Thủy Châu, du lịch Đà Nẵng và cuối cùng là du lịch Việt Nam.
Qua đó Google nhận định người Việt ngày càng quan tâm đến du lịch trong nước, phản ánh tiềm năng tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam.
Nhiều không gian trải nghiệm như thăm vườn nho, Hang Rái Núi Chúa, tour đi tàu đáy kính để ngắm toàn cảnh vịnh, những bãi biển cát trắng, lặn ngắm san hô… đều là những yếu tố cần để giúp Vĩnh Hy “cất cánh” trong “làng” du lịch nội địa.
Về lý do người Việt chọn Malaysia, Việc Về Malaysia, đây là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Việc tìm hiểu về văn hóa và con người đạo Hồi tại Malaysia cũng hấp dẫn hơn, vì đây là nét khác biệt đậm nhất so với văn hóa các nước trong khu vực. Ngoài ra, người Việt Nam khi đến Malaysia được miễn thị thực, trong khi khoảng cách địa lý, đặc biệt là giá vé máy bay khứ hồi giữa hai quốc gia tại một số thời điểm trong năm rẻ hơn cả di chuyển nội địa là những điểm cộng đầu để người Việt Nam chọn du lịch Malaysia.
Du lịch Việt Nam năm 2024 đạt nhiều thành tựu ấn tượng, với dự kiến 17-17,5 triệu lượt khách quốc tế, gần bằng mức trước đại dịch. Tỷ lệ phục hồi đạt 94-97%, vượt trung bình châu Á – Thái Bình Dương (85%). Sự gia tăng mạnh mẽ này đến từ chính sách thị thực thông thoáng hơn, như mở rộng e-visa và tăng thời hạn tạm trú, cùng các chiến dịch quảng bá quốc tế hiệu quả. Các địa phương cũng tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Khách nội địa đạt 120 triệu lượt, tăng 13% so với năm trước. Tuy nhiên, giá vé máy bay cao là trở ngại lớn, khiến nhiều du khách chọn du lịch gần hoặc vào mùa thấp điểm. Các địa phương như Khánh Hòa đạt thành công nhờ cải thiện dịch vụ, giảm giá phòng và mở thêm đường bay.
Dù có bước tiến lớn, ngành du lịch Việt cần giải quyết vấn đề thiếu nhân lực chất lượng, cải thiện cơ sở hạ tầng, và khắc phục ô nhiễm môi trường. Mục tiêu dài hạn nên bao gồm tăng cường dữ liệu chi tiết về khách du lịch và nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia.
OnPoint mua công ty Thái nhằm mở rộng mảng thương mại điện tử
Ngày 18/12, OnPoint, nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Việt Nam, công bố thương vụ mua lại CREA (Thái Lan). CREA, thành lập năm 2019, chuyên cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và tiếp thị số tại Thái Lan, Malaysia, và Singapore.
Thương vụ này nhằm tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ các thương hiệu phát triển trong nền kinh tế số, với mục tiêu phục vụ hơn 600 triệu người tiêu dùng trong khu vực. OnPoint và CREA đồng thuận hướng đến tầm nhìn trở thành nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử sáng tạo và dẫn đầu Đông Nam Á trong 5 năm tới.
Cả hai công ty hiện phục vụ hơn 250 thương hiệu với đội ngũ hơn 600 nhân viên chính thức và 1.000 nhân sự thuê ngoài. Các giải pháp tích hợp trí tuệ nhân tạo của họ giúp tối ưu hóa vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng. OnPoint nhận sự hỗ trợ tài chính từ SeaTown Private Capital Master Fund, thuộc Temasek.
Ông Trần Vũ Quang, Nhà sáng lập kiêm CEO OnPoint, nhấn mạnh sự kết hợp giữa OnPoint và CREA sẽ thúc đẩy các thương hiệu phát triển nhanh chóng và mở rộng tiếp cận khách hàng trong khu vực. Ông Aimone Ripa Di Meana, CEO CREA, chia sẻ kỳ vọng về các giải pháp đổi mới dựa trên chuyên môn thương mại điện tử của hai công ty, đặc biệt trong bối cảnh thị trường Đông Nam Á dự báo tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, thị trường này có thể đạt giá trị 370 tỷ USD vào năm 2030.
OnPoint, thành lập năm 2017, cung cấp giải pháp toàn diện từ vận hành gian hàng trực tuyến, tiếp thị số, đến quản lý kho bãi và hoàn thiện đơn hàng. Năm 2022, công ty đã gọi vốn thành công 50 triệu USD từ SeaTown để phát triển các giải pháp bán hàng và tiếp thị đa kênh.
Giá trị xuất khẩu cao su tăng trên 17%, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su tháng 11/2024 đạt 220 nghìn tấn, với giá trị đạt 424,3 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, tổng khối lượng xuất khẩu cao su đạt 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2,95 tỷ USD, giảm 6% về khối lượng nhưng tăng 17,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cao su tăng ở tất cả các thị trường; trong đó, tăng mạnh nhất là Malaysia tăng 5 lần và Srilanka tăng 3,7 lần.
Với thị trường Trung Quốc, dù có tốc độ tăng trưởng thấp nhất, với mức tăng 1,5%, song đây vẫn luôn là thị trường lớn nhất của xuất khẩu cao su Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 67,6%; tiếp theo là Ấn Độ 7,7%; EU 6% và Hàn Quốc 2,5%… Trung Quốc đang có tham vọng đưa ngành sản xuất xe điện, xe hybrid và các nhà sản xuất ô tô, dẫn đến nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước này cũng đang lên cao. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su sơ chế, tỷ trọng xuất khẩu cao su chế biến sâu rất thấp.
Do đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su nước ta cần chú trọng mở cửa ở thị trường mới như EU, nhằm giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
EU hiện đang đóng vai trò quan trọng trong thị trường cao su và sản phẩm cao su toàn cầu. Các nhà sản xuất tại đây nhập khẩu nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp nội khối cũng như sản xuất và xuất khẩu các thành phẩm từ cao su. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su từ Việt Nam vào thị trường EU đạt gần 470 triệu USD, tương đương 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Tuy nhiên, cao su là một trong 3 mặt hàng của Việt Nam (bên cạnh gỗ và cà phê) xuất khẩu vào EU phải chịu sự kiểm soát của quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (gọi tắt là EUDR) được Nghị viện Ủy ban châu Âu (EC) thông qua ngày 29/6/2023 và có hiệu lực vào tháng 12/2024 đối với các doanh nghiệp lớn và áp dụng từ 3/6/2025 với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, ngày 2/10/2024, EC đã công bố đề xuất hoãn thực thi EUDR, quy định này sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 1/2025 đối với các doanh nghiệp lớn.
Tham tán Việt Nam nói về cách mì gói Hàn Quốc chớp cơ hội ở Ấn Độ
Theo ông Bùi Trung Thướng, khả năng khai thác tiềm năng với quốc gia đông dân nhất thế giới chưa được doanh nghiệp chú trọng.
Ấn Độ có diện tích lớn gấp 10 lần so với Việt Nam và dân số của quốc gia này cũng vượt trội hơn, khoảng 14 lần so với dân số Việt Nam.
Về nhu cầu hàng hóa, ông Thướng cho biết Ấn Độ vẫn chưa tự cung cấp đủ cho tiêu dùng nội địa và phải nhập khẩu nhiều mặt hàng. Thói quen tiêu dùng đa dạng nên người dân tại đây yêu cầu nhiều dải sản phẩm, phân từ rất thấp đến rất cao.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do báo Người Lao Động tổ chức, ông Bùi Trung Thướng đưa ra ba nhóm hàng doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu và hợp tác cùng doanh nghiệp Ấn Độ trong tương lai.
Thứ nhất là sản phẩm điện tử. Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử, đóng góp một phần lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm.
Thứ hai là sản phẩm liên quan trong ngành bán dẫn. Đây là lĩnh vực đang “nóng” và được chú ý gần đây. Quốc gia này đặt mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp điện tử lên 500 tỉ USD vào cuối thập kỷ này, bao gồm việc thông qua đề án dành hơn 15 tỉ USD đầu tư vào bán dẫn.
Nhóm sản phẩm thứ ba được dự đoán có nhu cầu lớn tại Ấn Độ là các sản phẩm tiêu dùng. Trẻ em nước này hiện đã có thói quen tiêu dùng hiện đại. Trước đây, họ chủ yếu sử dụng các sản phẩm truyền thống do doanh nghiệp nội địa sản xuất.
Theo The Chosun Daily, các thương hiệu mì ramen Hàn Quốc như Samyang Foods, Nongshim… đang hướng đến thị trường mì nhiều tiềm năng như Ấn Độ, được ước tính có giá trị khoảng 3,8 tỉ USD vào năm 2028. Trong bốn năm qua, xuất khẩu mì ramen từ Hàn Quốc sang Ấn Độ tăng từ 3,7 triệu USD lên gần 11,3 triệu USD.
Người dân Ấn Độ tiêu thụ gần 8,7 tỉ sản phẩm mì ramen năm 2023, trở thành thị trường lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Indonesia; thậm chí còn cao gấp đôi lượng tiêu thụ tại Hàn Quốc.
Mặc dù có những gã khổng lồ như Nestlé đang thống trị thị trường mì ăn liền tại đây (chiếm khoảng 60%), các thương hiệu mì từ xứ sở kim chi đang tận dụng sự phổ biến ngày càng tăng của K-pop để tăng cường sự hiện diện của mình.