Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

Tin tức về thị trường đạm thay thế
1.    Thị trường triệu đô từ thực phẩm chay
Xu hướng tiêu thụ thực phẩm chay, thực phẩm có nguồn gốc thực vật đã phổ biến trên thế giới và đang phát triển tại thị trường Việt Nam, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong lĩnh vực này. Data Bridge Market Research dự báo, giai đoạn 2022 – 2029, thị trường dinh dưỡng thực vật toàn cầu sẽ tăng trưởng 7,4%/năm.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Rakuten Insight,có đến 86% người tiêu dùng từng chọn giải pháp dinh dưỡng từ thực vật. Dẫn chứng, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 180 triệu USD sản phẩm thịt thực vật theo chính ngạch, chưa kể tiểu ngạch, nhưng ở trong nước, hiện mới chỉ có 2, 3 nhà máy sản xuất sản phẩm này, ông Cương khẳng định: “Đây là thị trường còn rất nhiều dư địa”. Theo dự báo, năm 2023, thị trường thịt thực vật tại Việt Nam tăng trưởng ít nhất 15%. Thị trường thực phẩm chay rất tiềm năng, nhưng tại Việt Nam, thịt thực vật, thịt thuần chay vẫn chưa quen thuộc với người tiêu dùng, đây là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thịt thực vật ở trong nước.
Một trong những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang được tiêu thụ tốt tại thị trường Bắc Âu là mít non. Đây là nguyên liệu để chế biến các sản phẩm giả thịt, còn gọi là thịt thực vật. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit nhận định, thịt thực vật là xu hướng tiêu dùng của tương lai. Do đó, từ vài năm nay, Vinamit đã sản xuất nguyên liệu thịt thực vật từ trái mít non để xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, tiêu thụ thịt động vật.
Không chỉ phục vụ xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh, sạch và bền vững, sản phẩm thịt từ thực vật, thực phẩm từ thực vật còn góp phần không nhỏ giúp tăng cường đầu ra cho nông sản Việt. Theo ông Đoàn Mạnh Cương – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm chay Bảo An, thông qua chế biến nông sản thành thực phẩm chay, có thể tận dụng tối đa các phần của cây trồng, thay vì bỏ đi như trước kia, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nguồn: https://baodautu.vn/thi-truong-trieu-do-tu-thuc-pham-chay-d187407.html
 Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế
1.    Trứng khan hiếm tại Nhật Bản do dịch cúm gia cầm
Dịch cúm gia cầm năm nay đã khiến hàng triệu con gà bị tiêu hủy, trứng trở thành thực phẩm khan hiếm và đẩy giá các món ăn làm từ trứng tăng vọt. Đặc biệt trong đó, Nhật Bản phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Đất nước “Mặt Trời mọc” đã buộc phải tiêu hủy con số kỷ lục 17 triệu con gà, tương đương 9% số gà mái đẻ trứng. Theo chia sẻ của một người bán trứng địa phương, giá bán buôn trứng đã tăng hơn 70% trong năm qua. Đây đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi trứng lại là một nguyên liệu chính trong ẩm thực Nhật Bản, bao gồm từ món trứng cuộn cho đến món trứng ốp la và trứng lòng đào đặt trên mì ramen.
Tháng trước, các chi nhánh McDonald’s Nhật Bản đã phải cảnh báo thực khách rằng họ có thể phải tạm dừng bán loại bánh mì kẹp thịt Teritama nổi tiếng trong cao điểm. Teritama là sự kết hợp của sốt teriyaki và tamago, tiếng Nhật có nghĩa là trứng. Hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven của Nhật Bản cũng đã phải tạm dừng bán khoảng 15 mặt hàng kể từ tháng 2. Ngoài ra, các cửa hàng trên toàn quốc đã điều chỉnh công thức làm bánh mì và salad của họ để tiết kiệm trứng. Các công ty này dự báo họ không thấy viễn cảnh nguồn cung trứng ở Nhật Bản sẽ bình thường trở lại trong tương lai gần do gà mái bị tiêu hủy hàng loạt.  Các chuyên gia an ninh lương thực cũng cho biết áp lực về giá có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Katsuhiko Kitahara, một nhà nghiên cứu điều hành tại Viện nghiên cứu Norinchukin, cho biết sản xuất dự kiến sẽ không phục hồi hoàn toàn do dịch cúm gia cầm không có dấu hiệu giảm bớt.
Thực trạng trứng khan hiếm đã khiến các chủ nhà hàng và đầu bếp gia đình tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Ví dụ, tập đoàn hải sản khổng lồ Nissui làm món tamagoyaki – món trứng tráng cuộn kiểu Nhật – từ cá minh thái Alaska. Trong khi đó, công ty thực phẩm địa phương 2foods vào tháng trước cũng đã công bố một phiên bản trứng phủ cơm omurice có tên Ever Egg làm từ các thành phần thực vật như cà rốt và đậu cannellini. Tetsuya Torii, đại diện 2foods, chia sẻ: “Sự bùng phát dịch cúm gia cầm toàn cầu hiện nay là một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Do đó, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Nhật Bản chú ý và tò mò về các sản phẩm thay thế trứng”.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-tro-nen-xa-xi-khi-nhat-ban-doi-mat-voi-dich-cum-gia-cam-toi-te-nhat-20230413161952985.htm
2.    Nhà hàng tại Hàn Quốc tăng cường sử dụng robot thay thế con người
Hiện nay, có khá nhiều thiết bị, máy móc và robot thay thế con người trong các nhà hàng và quán cà phê ở Hàn Quốc như máy tính bảng, ki-ốt tự đặt món và robot phục vụ.  Khi chi phí vận hành tăng lên còn robot được thương mại hóa nhiều hơn, xu hướng mua hoặc thuê giải pháp tự động của các chủ nhà hàng ngày càng cao. Phí thuê robot phục vụ và 14 máy tính bảng chỉ vào khoảng 1 triệu won (hơn 17,8 triệu đồng). Để so sánh, lương tối thiểu là 9.620 won (172.000 đồng) mỗi giờ, như vậy, 1 triệu won chỉ đủ để thuê nhân viên bán thời gian bốn ngày một tuần trong một tháng. Một lợi thế khác của đầu bếp robot là chất lượng thức ăn đồng đều, bên cạnh giảm chi phí lao động và quản trị nguồn nhân lực. Hãng nghiên cứu thị trường Nester dự đoán thị trường robot nhà hàng toàn cầu sẽ tăng 16,1% hàng năm, từ 86 triệu USD năm 2019 lên 320 triệu USD năm 2028.
Dù vậy, vẫn có ý kiến trái chiều đối với việc thay thế hoàn toàn con người bằng robot tại nhà hàng. Kim, người phụ nữ 89 tuổi sống tại Anyang, Gyeonggi, cho biết những người cao tuổi như bà không biết cách gọi món tại quầy tự động hoặc máy tính bảng. Bà cũng không hỏi được về các món ăn trên thực đơn. Ngược lại, khách hàng trẻ trong độ tuổi 20 đến 40 lại phản hồi rất tích cực. Một nhân viên văn phòng họ Kim nhắc đến việc robot không xảy ra sai sót khi đặt món. Anh xem chúng là thay thế hợp lý để con người không phải làm những công việc tốn công sức nữa.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nha-hang-tai-han-quoc-tang-cuong-su-dung-robot-thay-the-con-nguoi-2133958.html
3.    Thiếu gạo toàn cầu lớn nhất trong 20 năm
Theo Fitch Solutions, thị trường gạo toàn cầu sẽ ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong hai thập kỷ vào năm 2023. CNBC dẫn lời các phân tích từ Fitch Solutions cho hay, từ Trung Quốc đến Mỹ hay Liên minh châu Âu, sản lượng gạo đang giảm và đẩy giá gạo lên cao đối với hơn 3,5 tỷ người trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi tiêu thụ 90% lượng gạo của thế giới. Báo cáo của  Fitch Solutions  dự báo sự thiếu hụt toàn cầu trong năm 2022/2023 sẽ ở mức 8,7 triệu tấn.
Các chuyên gia lý giải, việc thiếu hụt gạo trên toàn cầu do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine và thời tiết xấu ảnh hưởng tới những quốc gia sản xuất lúa gạo lớn như Trung Quốc và Pakistan. Trong nửa cuối năm ngoái, nhiều vùng đất nông nghiệp ở Trung Quốc, nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và mưa lớn vào mùa hè. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, lúa là loại cây trồng dễ bị tổn thương và có khả năng mất mùa cao nhất trong thời kỳ El Nino. Ngoài những thách thức về nguồn cung bị thắt chặt hơn, gạo đã trở thành một lựa chọn thay thế ngày càng hấp dẫn sau khi giá của các loại ngũ cốc chính khác tăng vọt kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraie diễn ra vào tháng 2/2022.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/thieu-gao-toan-cau-lon-nhat-trong-20-nam-20230419095145357.htm
4.    Trái cây Việt lép vế trên sân nhà
Trái cây Việt tập trung cho xuất khẩu, bỏ ngỏ sân nhà cho trái cây ngoại lấn sân, nhiều mặt hàng trùng với sản phẩm trong nước cũng tìm được chỗ chen chân. Trong khi các loại trái cây trong nước như sầu riêng, măng cụt, xoài, thơm… chỉ mới bước vào đầu vụ thu hoạch, sản lượng còn khiêm tốn thì những mặt hàng cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc đã tràn ngập thị trường. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết trái cây nhập hiện nay rất đa dạng, không chỉ hàng ôn đới mà các loại quả nhiệt đới, đặc trưng của Việt Nam như: sầu riêng, măng cụt, thơm, xoài… cũng được nhập về. “Hàng Thái Lan có sầu riêng, giá sỉ 80.000 – 90.000 đồng/kg, măng cụt giá sỉ 65.000 – 75.000 đồng/kg; còn hàng Trung Quốc về nhiều có cam vàng và xoài mút. Trái cây nhập khẩu được chuẩn hóa về chất lượng, mẫu mã trong khi trái cây Việt Nam về chợ đầu mối không có cải thiện nhiều trong những năm qua. Sự cải thiện của ngành hàng trái cây chủ yếu để dành cho xuất khẩu” – ông Phương nhận xét.
Tuy vậy, hầu hết các nhà xuất khẩu trái cây chuyên nghiệp đều nói để phát triển thị trường trong nước không hề dễ dàng. “Siêu thị đòi hỏi trái cây có đầy đủ các tiêu chuẩn như xuất khẩu nhưng đưa ra mức giá thu mua rất thấp, bài toán này rất khó giải!” – đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chia sẻ. Tại một tọa đàm mới đây, một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đặt câu hỏi với siêu thị việc khó đưa hàng vào các hệ thống bán lẻ trong nước. Câu trả lời của siêu thị khiến nhiều người trong hội trường bất ngờ. “Trái cây ngoại được nhập theo container, chúng tôi có thể lên các kế hoạch bán hàng, còn trái cây trong nước thường xuyên đứt hàng vì nhà cung cấp thường ưu tiên cho hàng xuất khẩu. Ngoài ra, nếu cùng chủng loại, người tiêu dùng thường chọn trái cây nhập vì mẫu mã bắt mắt hơn. Ví dụ, cùng là dâu tây nhưng dâu tây Hàn Quốc đóng gói đẹp hơn hẳn hàng trong nước. Các nhà cung cấp Việt Nam phải chú ý cải thiện nếu muốn bán được hàng” – đại diện nhà bán lẻ này thẳng thắn.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/trai-cay-viet-lep-ve-tren-san-nha-20230412213942656.htm
5.    Trà sữa ‘thất thế’ trước cà phê
Trong khi các chuỗi cà phê liên tục mở rộng thì số lượng cửa hàng trà sữa lại giảm mạnh thời gian qua, theo báo cáo Xu hướng cửa hàng bán lẻ hiện đại Việt Nam 2023 của Q&Me. Cụ thể, từ năm 2019 đến năm 2023, số lượng cửa hàng cà phê đã tăng từ 816 lên 1.657 cửa hàng. Trong khi đó, con số này ở thị trường trà sữa không có nhiều biến động, thậm chí còn giảm từ 446 xuống còn 364 cửa hàng. Theo Q&Me, các quán trà sữa từng là trào lưu vài năm trước nhưng giờ đây đã chững lại khi các chuỗi cà phê lớn phát triển thực đơn phong phú hơn.
Số lượng cửa hàng cà phê tăng lên nhanh chóng nhờ sự phát triển, mở rộng mạnh mẽ của hai thương hiệu Highlands và Phúc Long. Highlands vẫn dẫn đầu về số lượng với 609 cửa hàng, theo sau là Trung Nguyên – 411 cửa hàng và The Coffee House – 152 cửa hàng. Số lượng cửa hàng cà phê tăng nhanh nhất vào giai đoạn 2021-2022 khi có đến 418 cửa hàng mới tham gia vào thị trường. Trong khi đó, số lượng cửa hàng trà sữa giảm mạnh nhất trong giai đoạn 2022-2023 với 93 cửa hàng đóng cửa. Những thương hiệu sở hữu nhiều chi nhánh nhất bao gồm Bobapop, Tiger Sugar, Gong Cha, Koi Thé…
Ông Hoàng Tùng – chuyên gia F&B – cho rằng trà sữa đã qua cơn sốt nhưng cũng đã trở thành một phần thói quen chọn đồ uống của người Việt. Vì vậy, tiềm năng của thị trường vẫn còn rất lớn. Theo ông, thách thức lớn nhất của ngành trà sữa là làm mới mình, trong khi với cà phê, các chuỗi lớn liên tục phát triển về quy mô nhờ sự hậu thuẫn rất lớn đến từ các tập đoàn. Ngoài ra, thị trường này cũng bùng nổ hơn nhờ hình thức nhượng quyền.
Nguồn: https://zingnews.vn/tra-sua-that-the-truoc-ca-phe-post1422584.html
6.    Kido sắp thâu tóm bánh bao Thọ Phát
Hội đồng quản trị Tập đoàn Kido vừa thông qua chủ trương sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại công ty sở hữu Thương hiệu bánh bao Thọ Phát. Thương vụ được chia làm 2 lần rót tiền. Trong giai đoạn 1, Kido sẽ mua 25% vốn cổ phần từ chủ sở hữu thương hiệu Thọ Phát. Trong giai đoạn 2, tập đoàn sẽ tăng tỷ lệ đầu tư lên từ 51% đến 70% vốn.
Lãnh đạo Kido cho biết việc nắm chi phối Thọ Phát nằm trong chiến lược phát triển thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam và vươn ra quốc tế, kết quả này đến sau một quá trình đám phán dài để đạt được thỏa thuận chiến lược. CEO Trần Lệ Nguyên đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của Kido ở mức tổng cộng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận kế hoạch là 200 tỷ đồng năm 2023. Đây là khoản đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch của tập đoàn.
Nguồn: https://zingnews.vn/kido-sap-thau-tom-banh-bao-tho-phat-post1423316.html
Nhóm tin về ngành du lịch
1.    Nhiều khách sạn, resort ở Phú Quốc, Nha Trang bất ngờ giảm giá sốc dịp 30/4-1/5
Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng tầm trung đến cao cấp tại các điểm du lịch giảm giá rất mạnh cho dịch vụ lưu trú trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài sắp tới. Nhiều nơi giảm giá tới 50- 80%, khác hơn nhiều cảnh “cháy phòng” cùng kỳ năm trước. Trao đổi với Tiền phong, ông Lê Công Năng – Tổng giám đốc Công ty Du lịch Wondertour – cho biết, rất nhiều công ty du lịch “ế” các tour nội địa dịp nghỉ lễ kéo dài sắp tới. Điều này lý giải cho việc vì sao nhiều hệ thống resort, khách sạn giảm giá rất mạnh. Có một số nguyên nhân chính được CEO doanh nghiệp du lịch này đưa ra. Thứ nhất, giá vé máy bay quá cao. Nguồn cung lưu trú lớn hơn rất nhiều khả năng vận chuyển. Trong khi đó, khách sạn, homestay, villas, resort mọc lên như “nấm”, mức độ cạnh tranh vốn đã cực kỳ gay gắt. Chưa kể, từ đầu năm đến nay, sức mua thị trường giảm rõ rệt khi kinh tế khó khăn. Điều này khiến các khu du lịch, resort, khách sạn bắt buộc muốn có khách phải điều chỉnh giá, kích cầu bằng nhiều khuyến mại. “Việc giảm giá phòng tới 50% là bình thường và rất nhiều”, ông Lê Công Năng nói. Không những hạ giá phòng, còn kèm thêm tặng bữa ăn buffet, vé vui chơi giải trí…
Một nguyên nhân khác cũng được đề cập đến, đó là xu hướng du lịch mới đang thay thế dần mô hình truyền thống. Theo đó, nhiều gia đình, các tổ chức, đơn vị có xu hướng tự thuê các villas đơn lập để lưu trú, nghỉ dưỡng thay vì đặt khách sạn. Ông Lê Công Năng cũng cho biết, ghi nhận từ tháng 3 đến nay, khách du lịch Việt chọn bay sang Thái Lan, và Singapore, Malaysia và các tour đường bộ Trung Quốc, Lào… rất nhiều thay vì các điểm đến trong nước. Trong khi đó, một số đơn vị lưu trú, du lịch khác lý giải do các khách sạn, khu nghỉ ở Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang… vẫn đang trong giai đoạn “đói” khách quốc tế. Việc chuyển sang hấp dẫn khách nội địa bằng việc giảm giá, khuyến mại… phần nào vớt vát thu nhập. Khách Trung Quốc đã được mở cửa theo chương trình thí điểm từ 15/3 nhưng số lượng còn rải rác, chưa đạt kỳ vọng.
Nguồn: https://tienphong.vn/nhieu-khach-san-resort-o-phu-quoc-nha-trang-bat-ngo-giam-gia-soc-dip-304-15-post1527392.tpo
Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1.    Best Buy cắt giảm việc làm để hướng tới thương mại điện tử
Best Buy Co Inc, nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng đa quốc gia của Mỹ có trụ sở tại Richfield, Minnesota đang đẩy mạnh cắt giảm việc làm tại các cửa hàng trên khắp nước Mỹ khi nhà bán lẻ điện tử này tìm cách giảm chi phí và chuyển hoạt động kinh doanh sang thương mại điện tử nhiều hơn, tờ Wall Street Journal vừa cho biết. Báo cáo của Best Buy cho thấy việc sa thải sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm công việc trên khắp các cửa hàng của Best Buy tại Mỹ, và những nhân viên bị sa thải có thể nộp đơn lại cho các vị trí còn trống trong công ty hoặc nhận trợ cấp thôi việc.
Nguồn: https://bnews.vn/best-buy-cat-giam-viec-lam-de-huong-toi-thuong-mai-dien-tu/288069.html
2.    Alibaba lại bơm thêm 353 triệu USD cho Lazada
Theo Tech in Asia, công ty chuyên theo dõi hồ sơ pháp lý tại Singapore VentureCap Insights mới đây phát hiện Lazada tiếp tục nhận được khoản đầu tư trị giá 353 triệu USD từ công ty mẹ Alibaba. Động thái này diễn ra sau khi Alibaba công bố kế hoạch chia nhỏ tập đoàn thành những đơn vị kinh doanh riêng biệt. Lazada sẽ trực thuộc nhóm kinh doanh kỹ thuật số toàn cầu, bao gồm AliExpress, Trendyol và Daraz.
Giới phân tích cho rằng việc nhận thêm vốn từ công ty mẹ sẽ giúp Lazada tăng thêm quyền tự chủ. Mảng kinh doanh thương mại điện tử ở Đông Nam Á cũng có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn tài trợ từ bên ngoài và không loại trừ trường hợp tiến đến một đợt IPO tiềm năng. Năm ngoái, Alibaba có 3 đợt rót vốn vào Lazada với tổng giá trị vượt 1,6 tỷ USD. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Lazada đã nhận được khoảng 2 tỷ USD từ công ty mẹ Alibaba.
Nguồn: https://zingnews.vn/alibaba-lai-bom-them-353-trieu-usd-cho-lazada-post1421824.html
3.    Temu đang soán ngôi ‘kỳ lân’ SHEIN ở Mỹ
Chỉ sau nửa năm ra mắt, Temu đã chạm tới thị trường Bắc Mỹ, Úc và châu Âu. Tháng 9 năm 2022, ngay sau khi ra mắt tại Mỹ, Temu đã thống trị bảng xếp hạng các app mua sắm trong nhiều tháng liền. Theo dữ liệu của Sensor Tower, tính đến tháng 3 năm 2023, Temu có hơn 50 triệu người dùng đã đăng ký và 20 triệu người dùng đang hoạt động, đồng thời doanh thu hàng tháng của Temu đã đạt 1 tỷ đô la Mỹ, vượt qua SHEIN. Sự ‘đấu đá’ của hai nền tảng này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong làn sóng vươn ra nước ngoài của các ứng dụng TMĐT Trung Quốc. Cạnh tranh trên thị trường TMĐT trong nước quá đỗi gắt gao và bão hòa, các ‘ông lớn’ TMĐT Trung Quốc như SHEIN, TikTok Shop hay Temu buộc phải vươn ra nước ngoài.
SHEIN là trang TMĐT thời trang nhanh xuyên biên giới đầu tiên sử dụng chiến lược ‘siêu hiệu suất chi phí’ để thâm nhập thị trường Mỹ. Các nhóm người tiêu dùng tiết kiệm như sinh viên coi SHEIN là điểm đến đầu tiên vì chất lượng tốt và giá rẻ. Nhưng gần đây, theo lời giới thiệu truyền miệng, nhiều người đã bắt đầu sử dụng cả Temu vì thấy có nhiều mẫu thời trang giống SHEIN mà lại rẻ hơn. Thật vậy, hai hãng này đang cạnh tranh nhau gắt gao về giá. Các mặt hàng cùng loại trên Temu giá chỉ bằng 53% hay 80% so với SHEIN. Dường như Temu đang nhắm trực diện vào SHEIN bằng cách SHEIN đang có gì hot thì sẽ bán thứ tương tự với giá rẻ hơn. Chiến thuật của Temu có vẻ rất rõ ràng, khi công ty nắm giữ Temu là Pinduoduo Inc. đã nghiên cứu nhiều mô hình TMĐT xuyên biên giới ở Trung Quốc và cuối cùng quyết định áp dụng cách thức của SHEIN. Vào nửa cuối năm 2022, Temu chuyển văn phòng đến cùng khu với SHEIN và bắt đầu ‘học hỏi’ những phương pháp mà SHEIN tích lũy trong hơn 10 năm, thậm chí tìm cách tranh giành và lôi kéo nhân viên của SHEIN.
SHEIN khởi đầu là một nền tảng cho các thương hiệu thời trang nhanh dành cho nữ giới. Sau khi đã xây dựng được thương hiệu và quy mô thị trường nhất định, SHEIN mới mở rộng danh mục hàng hóa, tạo ra chuỗi cung ứng linh hoạt, phản ứng nhanh và bắt tay vào con đường đạt đến đỉnh cao. Tuy nhiên, Temu muốn trở thành một nền tảng toàn diện, tập trung vào nhiều danh mục hàng hóa cùng một lúc. Do đó, nó phải bắt đầu xây dựng lượng truy cập khổng lồ đúng theo logic ‘lấy người dùng để hút người bán’. Trong tương lai, khi Temu dần phát triển và lớn mạnh, thay vì đối đầu với SHEIN, nó thậm chí có thể cạnh tranh trực diện với những gã khổng lồ TMĐT quen thuộc Amazon và eBay. Nhờ quy mô lớn, Amazon vẫn kinh doanh được các sản phẩm cao cấp. Do đó, không loại trừ khả năng Temu trong tương lai cũng tung ra một biên độ giá cao hơn chứ không chỉ loanh quanh mãi ở chiến thuật giá sốc hay phục vụ mỗi nhóm khách hàng chi tiêu khiêm tốn.
Nguồn: https://markettimes.vn/ban-cung-mau-quan-ao-voi-gia-re-soc-bang-nua-temu-dang-soan-ngoi-ky-lan-shein-o-my-choi-khong-dep-voi-dong-huong-hay-don-duong-dau-truc-dien-amazon-22765.html
4.    Apple khai trương cửa hàng Apple Store đầu tiên tại Ấn Độ
Tim Cook vừa khai trương Apple Store đầu tiên ở Ấn Độ vào ngày 18/4 trong bối cảnh nhà sản xuất Mỹ muốn đẩy mạnh cuộc chiến với Samsung trên thị trường điện thoại thông minh cao cấp đang phát triển mạnh mẽ ở nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á. Ấn Độ vừa vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng thị phần của Apple tại đây chỉ dưới 5%. Tuy nhiên, thị phần của Apple đã tăng nhanh về giá trị khi hãng liên tục thách thức Samsung trong phân khúc điện thoại cao cấp. Apple chiếm 18% thị phần doanh thu tại Ấn Độ, chỉ xếp sau Samsung (22%), theo Counterpint Research.
Prabhu Ram – đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghiệp của CyberMedia Research – ước tính thị phần của Apple tại Ấn Độ sẽ đạt 6% trong năm nay nhờ việc bán được khoảng 8 triệu iPhone. Theo Counterpint, iPhone 13 chính là mẫu điện thoại cao cấp (giá trên 365 USD) bán chạy nhất tại đây vào năm 2022. “Apple luôn là một thương hiệu được khao khát, chỉ là giá cả không phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Ấn Độ”, Prachir Singh, nhà phân tích của Counterpint Research nói. Tuy nhiên, hãng có thể giảm giá thêm một khi iPhone được sản xuất ở Ấn Độ, đồng nghĩa tránh được khoảng 20% thuế.
Nguồn: https://markettimes.vn/danh-dong-dep-bac-nhung-chi-chiem-5-thi-phan-apple-dung-chieu-quen-thuoc-quyet-nuot-tron-thi-truong-dong-dan-nhat-the-gioi-24418.html
5.    ‘Hy sinh’ lợi nhuận để kích cầu tại thị trường bán lẻ Việt
Xu hướng chi tiêu tiết kiệm đã thể hiện rõ qua các chỉ số tiêu dùng TP HCM quý đầu năm 2023. Cụ thể, theo Cục Thống kê TP HCM, 3 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ trên địa bàn ước đạt gần 164.000 tỉ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ nhưng doanh thu lương thực, thực phẩm chiếm đến 20,4%. Người dân TP HCM chủ yếu chi cho ăn uống để duy trì sinh hoạt hằng ngày mà cắt giảm các khoản chi cho hàng hóa, dịch vụ khác. Tương tự, các hệ thống bán lẻ lớn trên địa bàn TP HCM cũng ghi nhận doanh thu tăng nhưng cũng chỉ tập trung ở ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu. Các DN nhìn nhận thị trường đang có xu hướng tăng không bền vững do giá trị giỏ hàng giảm và cơ cấu hàng hóa trong giỏ hàng bị mất cân xứng vì người tiêu dùng cắt giảm những món hàng không thiết yếu.
Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, người tiêu dùng đang rất quan tâm đến giá. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ qua sản phẩm của thương hiệu quen thuộc, chuyển sang thương hiệu khác rẻ hơn hoặc có chương trình giảm giá. Nhìn nhận được điều này, lần đầu tiên, các DN bán lẻ đồng loạt tập trung “đánh” mạnh về giá nhằm tác động trực tiếp đến túi tiền khách hàng. Các siêu thị, cửa hàng cam kết hạ lợi nhuận một số mặt hàng lương thực, thực phẩm xuống 0% để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, DN cung cấp.
Sau gần nửa tháng đồng loạt triển khai giảm giá sâu, các siêu thị ở TP HCM đã ghi nhận tín hiệu tích cực từ phía khách hàng. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng tăng mạnh nhưng doanh số thu về lại giảm. Dù vậy, các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng chương trình giảm giá sâu này sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất – kinh doanh phục hồi. Cũng theo các DN, “giảm giá sốc”, “khóa giá”… chỉ là giải pháp ngắn hạn để thu hút khách hàng, kích cầu với ý nghĩa trợ giá cho khách hàng mạnh tay mua sắm hơn trong giai đoạn khó khăn chung. Các chương trình này chỉ có thể kéo dài nếu có sự đồng thuận của nhà cung cấp, cùng đưa lợi nhuận về mức thấp để giảm giá, kích cầu. Còn về dài hạn, cần có những chính sách, giải pháp rõ ràng của nhà nước nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế. “Khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện thì sức mua tự động bật tăng trở lại” – tổng giám đốc một DN bán lẻ nêu ý kiến.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/hy-sinh-loi-nhuan-de-kich-cau-20230413211359822.htm
6.    PwC: 62% người tiêu dùng Việt Nam sẽ cắt giảm chi tiêu không thiết yếu
Khảo sát thói quen tiêu dùng 2023 của PwC công bố ngày 17/4 cho biết, thói quen tiêu dùng của người Việt đang có sự thay đổi đáng kể. Báo cáo chỉ ra, 62% người tiêu dùng Việt Nam sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết, thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu (69%) và khu vực Đông Nam Á (73%). Sự cắt giảm chi tiêu này ảnh hưởng nhiều hơn đến các mặt hàng không thiết yếu. 54% người dùng Việt dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng xa xỉ, theo sau đó là du lịch (42%) và thiết bị điện tử điện tử (38%). Riêng mặt hàng tạp hóa và thực phẩm, chỉ có 18% người tiêu dùng Việt Nam dự định cắt giảm chi tiêu, thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu 24%.
Ngoài ra, hình thức mua sắm trực tuyến vẫn là lựa chọn hàng đầu với 64% khách hàng dự định tăng tần suất mua sắm trên nền tảng này và mong đợi có trải nghiệm mua sắm đa kênh nhiều hơn. Tuy nhiên, việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn được ưu tiên nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và trải nghiệm. Nhìn nhận kết quả này, ông Johnathan Ooi, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo dịch vụ tư vấn thương vụ của PwC Việt Nam nhận định: “Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức và xã hội đang phải thích nghi với trạng thái bình thường mới. Theo đó, thói quen chi tiêu của người tiêu dùng cũng dần thay đổi. Người tiêu dùng đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu, kết hợp mua sắm trực tiếp và trực tuyến và ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín”.
Nguồn: https://mekongasean.vn/pwc-62-nguoi-tieu-dung-viet-nam-se-cat-giam-chi-tieu-khong-thiet-yeu-post20529.html
7.    Đặc sản OCOP lần đầu có sàn thương mại điện tử riêng
Chiều 15-4 tại TP HCM, Tập đoàn Đại Gia Phú phối hợp cùng Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới Trung ương tổ chức lễ ra mắt dự án “Đặc sản quê hương” gồm chuỗi cửa hàng OCOP247.vn và trang thương mại điện tử OCOP247.vn. Sự kiện ra mắt sàn thương mại điện tử chuyển sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất lớn, giúp các chủ thể OCOP tiếp cận với thương mại 4.0. Trên sàn OCOP247.vn có nhiều sản phẩm OCOP mới, nhiều sản phẩm lần đầu bán qua thương mại điện tử.
Ông Dương Hoàng Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Gia Phú cho biết 100% sản phẩm kinh doanh trên sàn là sản phẩm OCOP. Trong 2 tháng chạy thử nghiệm đã có 250 mã hàng “lên sàn”. Hiện tại, sàn miễn phí thuê gian hàng 6 tháng để thu hút các chủ thể tham gia. “Mục tiêu chúng chúng tôi trong năm nay là tiếp tục phối hợp với các Văn phòng điều phối nông thôn mới để đưa các sản phẩm OCOP các địa phương lên sàn, bên cạnh bán online sẽ có 5 cửa hàng trực tiếp tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Lâm Đồng (Đà Lạt) kiêm các kho hàng, giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển. Chúng tôi có đủ nguồn vốn để hoạt động trong 3 năm tới mà chưa cần phải gọi thêm” – ông Quý khẳng định.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/dac-san-ocop-lan-dau-co-san-thuong-mai-dien-tu-rieng-2023041519313723.htm
8.    Chính phủ đồng ý nguyên tắc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%
Theo công văn ngày 17/4 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý về nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất, năm 2023, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Thời gian áp dụng kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, thời điểm này chính sách giảm thuế VAT là rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân khi trong quý 1/2023 tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên… Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/chinh-phu-dong-y-nguyen-tac-giam-thue-vat-tu-10-xuong-8-20230417193548172.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

  1. Tập đoàn LVMH của Pháp đạt doanh thu ‘khủng’
Tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH (Pháp) thông báo doanh thu tăng vọt trong quý I khi thị trường lớn là Trung Quốc khôi phục sau thời gian gián đoạn vì dịch COVID-19. Theo các dữ liệu mới công bố, doanh thu quý I/2023 của tập đoàn này tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 21 tỷ euro (23,1 tỷ USD). LVMH khẳng định đã có quý đầu năm thuận lợi bất chấp tình hình địa chính trị và môi trường kinh tế vẫn chưa ổn định.
LVMH cho biết các thị trường tại châu Âu và Nhật Bản có đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I nhờ nhu cầu cao từ cả khách nội địa lẫn khách du lịch nước ngoài. Thị trường Mỹ ổn định trong khi các thị trường châu Á hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Riêng lĩnh vực thời trang và các mặt hàng da của các thương hiệu Louis Vuitton, Dior và Celine đạt tổng doanh thu quý I là 10 tỷ euro, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, mảng kinh doanh hàng miễn thuế của LVMH cũng hưởng lợi nhờ du lịch quốc tế hồi phục.
Nguồn: https://bnews.vn/tap-doan-lvmh-cua-phap-dat-doanh-thu-khung/287836.html
  1. Quốc gia đồ hiệu mới ở châu Á
Với nền kinh tế ngày càng được đa dạng hóa, kết hợp với lối sống được cải thiện và thu nhập bình quân đầu người tăng cao, Arab Saudi ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ. Không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu cao cấp toàn cầu như Gucci, Louis Vuitton hay Chanel đều mở cửa hiệu flagship tại vương quốc này. Trong khi đó, Prada, Tiffany cùng Mulberry đã tăng cường sự hiện diện khi khai trương nhiều cửa hàng đơn lẻ, Arab News đưa tin. Theo báo cáo của Nhóm tư vấn và nghiên cứu phân tích thị trường quốc tế, quy mô thị trường xa xỉ của Arab Saudi đạt 8,3 tỷ USD vào năm 2022. Tập đoàn IMARC dự đoán thị trường sẽ chạm mốc 15,8 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 11,6%.
Có nhiều yếu tố khiến Arab Saudi nhanh chóng trở thành quốc gia đồ hiệu mới tại châu Á. Dưới góc nhìn của các nhóm nghiên cứu, nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng xa xỉ rõ ràng đang được thúc đẩy bởi các nhóm giàu có, trong đó phần lớn là Gen Z (sinh năm 1997-2012). Bên cạnh đó, việc thành lập hàng loạt trung tâm thương mại hiện đại cũng cung cấp không gian để mở rộng hoạt động của các nhãn hàng trong khu vực. Nhờ đó, họ dễ dàng ‘câu kéo’, khiến khách hàng sẵn lòng chi trả nhiều hơn”, Yousef Barghouth, Phó giám đốc đại lý bán lẻ Savills tại Arab Saudi, chia sẻ.
Nguồn: https://zingnews.vn/quoc-gia-do-hieu-moi-o-chau-a-post1421697.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    Họa sĩ mất việc vì cơn sốt AI
Theo Rest of World, sự xuất hiện của các công cụ tạo lập hình ảnh bằng AI như DALL-E, Midjourney hay Stable Diffusion vào năm 2022 đã cho phép người dùng có thể sản xuất ra những sản phẩm đồ họa chỉ từ câu lệnh, yêu cầu ngắn. Gần đây, hàng loạt công ty video game ở Trung Quốc từ những gã khổng lồ như Tencent đến những lập trình game độc lập đều sử dụng AI để thiết kế và tạo ra những nhân vật, khung nền và các sản phẩm quảng cáo cho game. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của AI cũng gây ra không ít lo ngại trên thị trường sáng tạo game. Các nghệ sĩ trước đây vốn đóng vai trò quan trọng trong quy trình sản xuất game giờ đây chỉ thực hiện những nhiệm vụ đơn giản như phác thảo nhân vật, vẽ hậu cảnh. Do đó, họ lo lắng rằng AI sẽ thay thế công việc của họ.
Theo Rest of World, các tác phẩm bằng AI còn đẹp đến mức khiến nhiều họa sĩ muốn bỏ nghề. “Nguồn thu nhập của chúng tôi đột nhiên bị hủy hoại”, một nghệ sĩ giấu tên chia sẻ. Họa sĩ tự do Amber Yu cũng cho biết điều đáng buồn là các thuật toán đang dần thay thế vai trò của các họa sĩ như cô. Một nghệ sĩ ở Quảng Đông nói các đồng nghiệp của anh thường chỉ vẽ được một cảnh hoặc một nhân vật/ngày. Với sự giúp đỡ của AI, hiện họ đã có thể vẽ 40 tấm/ngày để sếp thoải mái lựa chọn. Song, năng suất cao cũng đồng nghĩa là mệt mỏi và căng thẳng hơn hơn. Theo Leo Li, chuyên viên tuyển dụng trong ngành, số lượng họa sĩ đã giảm 70% trong năm qua. Nguyên nhân không chỉ bởi chính sách khắt khe, kinh tế xuống dốc mà còn đến từ cơn sốt AI. “Có AI trong tay, các sếp cứ nghĩ mình chẳng cần nhiều nhân viên đến vậy”, Li chia sẻ.
Nguồn: https://zingnews.vn/hoa-si-mat-viec-vi-con-sot-ai-post1421757.html
2.    Samsung vật lộn mở rộng thị phần tại Trung Quốc
Không một doanh nghiệp nào muốn bỏ qua Trung Quốc, thị trường đông dân nhất thế giới. Samsung cũng không phải ngoại lệ. Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đang tìm cách vực dậy thị phần vốn đã giảm sút tại đây. Dù vậy, Samsung đang tìm cách lấy lại sự hiện diện tại Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực smartphone, nơi họ chỉ có chưa tới 3% thị phần. Tại Trung Quốc, công ty từ lâu không thể gia tăng thị phần ít ỏi của mình và bị các đối thủ nhỏ hơn đánh bại. Số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint chỉ ra, thương hiệu Hàn Quốc chỉ nắm 2,3% thị phần smartphone đại lục năm ngoái, còn Vivo và Apple lần lượt nắm 19,2% và 18%. Một quan chức trong ngành nhận xét, Trung Quốc nổi tiếng với tinh thần yêu nước ,nên người tiêu dùng nội địa sẽ ủng hộ các thương hiệu nội. Vì thế, rất khó để doanh nghiệp ngoại cạnh tranh tại đây. Samsung không chỉ bị kìm hãm vì xu hướng này, mà còn do đã đánh mất nhóm khách hàng mục tiêu. Trong phân khúc cao cấp, hãng kém cạnh tranh hơn Apple. Trong phân khúc giá rẻ, Oppo, Xiaomi và Vivo đều làm tốt công việc của mình.
Tháng trước, Chủ tịch Lee Jae Yong lần đầu có chuyến công tác Trung Quốc trong vòng ba năm để tham dự một hội nghị cấp cao do nhà nước tổ chức. Ông cũng thanh tra các nhà máy của những công ty con thuộc tập đoàn tại Thiên Tân như Samsung Electro-Mechanics và Samsung Display. Tại đây, ông gặp gỡ Bí thư Thành ủy Thiên Tân Trần Mẫn Nhĩ. Để lấy lại chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc, Samsung đã thành lập lực lượng đặc biệt do đích thân CEO Han Jong Hee dẫn dắt vào tháng 12/2021. Ông cam kết tăng thị phần của công ty thông qua ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ “may đo riêng” cho người dùng đại lục. Giám đốc bộ phận di động Roh Tae Moon cũng chia sẻ, “chiến lược Trung Quốc của Samsung là cung cấp đúng sản phẩm mà khách hàng muốn. Chúng tôi đã trải qua khó khăn tại Trung Quốc nhưng sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp để phục hồi”.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/samsung-vat-lon-mo-rong-thi-phan-tai-trung-quoc-2132164.html
3.    Samsung, LG bỏ cuộc, TQ độc chiếm thị trường TV giá rẻ
Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu thị trường UBI Search, ông Choong Hoon Yi chia sẻ với trang công nghệ The Elec, việc các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc đang độc quyền thị trường màn hình tinh thể lỏng (LCD) về lâu dài sẽ đe dọa mảng kinh doanh TV của Samsung và LG. Vị CEO này cảnh báo sự sụp đổ ở mảng kinh doanh TV của Samsung và LG sẽ khiến bất kỳ mảng kinh doanh nào dưới quyền của họ trong chuỗi giá trị, chẳng hạn như màn hình hiển thị, cũng sẽ sụp đổ theo. Vào năm ngoái, Samsung Display đã thông báo rút lui khỏi kinh doanh LCD. Còn LG Display vẫn sản xuất nhưng chỉ ở nhà máy ở Quảng Châu, Trung Quốc, trong khi dây chuyền LCD ở Hàn Quốc đã chấm dứt. Ngay cả cơ sở LCD ở Trung Quốc cũng bị LG Display cắt giảm 1 nửa sản lượng. Trong tương lai, nó có thể bị bán cho CSOT (thuộc TCL). Khi việc bán dây chuyền đó cho Trung Quốc hoàn tất, Hàn Quốc xem như đã chấm dứt hiện diện ở thị trường màn hình LCD. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc gần như kiểm soát tự do thị trường này.
Theo quan điểm của Yi, các hãng TQ có thể bán hàng cho các hãng TV nội địa với giá rẻ hơn nhưng lại tăng giá đối với công ty nước ngoài như Samsung, hoặc LG. Điều này buộc Samsung phải tập trung vào phân khúc cao cấp vì giá thành sản phẩm bị đội lên. Dù doanh thu cao hơn so với các đối tác Trung Quốc nhờ kiểm soát được thị trường TV cao cấp, nhưng cũng có nghĩa thị phần ở phân khúc giá rẻ sẽ rơi vào tay các đối thủ Trung Quốc. Dần dần, TV bình dân sẽ trở thành sân chơi riêng của TQ, áp đảo Hàn Quốc cả về mẫu mã lẫn giá cả. Không chỉ thế, các hãng màn hình Trung Quốc có thể cắt giảm số lô hàng panel giao cho Samsung để kiềm chế sản lượng TV hàng năm của công ty Hàn Quốc xuống dưới 40 triệu chiếc mỗi năm. Đồng thời, tăng số lô hàng bán cho TCL và Hisense, Xiaomi lên 30 triệu chiếc, từ đó thu hẹp khoảng cách về sản lượng TV giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nguồn: https://markettimes.vn/choi-chieu-don-ep-samsung-lg-de-nam-san-choi-rieng-tv-gia-re-sap-toi-se-thuoc-ve-tay-cac-hang-trung-quoc-22831.html
4.    Google có nguy cơ bị Samsung ‘hất cẳng’
New York Times đưa tin, Samsung – nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới – đang cân nhắc đổi công cụ tìm kiếm mặc định từ Google sang Bing. Điều này khiến Google có nguy cơ mất trắng 3 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Nguy cơ mà Bing đặt ra cho Google ngày càng hiện hữu trong những tháng gần đây khi được tích hợp công nghệ của OpenAI, giúp cho phản hồi thông minh hơn. Theo hãng nghiên cứu IDC, Samsung xuất xưởng 261 triệu smartphone năm 2022, tất cả đều chạy hệ điều hành Android. Công ty Hàn Quốc từ lâu đã hợp tác với cả Microsoft và Google. Thiết bị của hãng được cài sẵn thư viện ứng dụng, dịch vụ từ hai đối tác, chẳng hạn OneDrive và Google Maps. Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, Samsung vẫn chưa quyết định có tiếp tục duy trì công cụ tìm kiếm mặc định là Google hay không.
Theo New York Times, Google đang làm nghiên cứu một vài dự án nhằm nâng cấp và làm mới dịch vụ tìm kiếm để bảo vệ mảng kinh doanh cốt lõi bằng mọi giá. Một trong số đó là dự án Magi, đưa các tính năng trí tuệ nhân tạo lên dịch vụ hiện tại. Hơn 160 nhân viên đang làm toàn thời gian cho dự án. Google đã mời một số nhân viên thử nghiệm các tính năng của Magi và khuyến khích họ đặt câu hỏi liên tục để kiểm tra khả năng trò chuyện của nó. Công ty dự định phát hành công cụ này cho công chúng vào tháng sau, cũng như thêm tính năng mới vào mùa thu, theo tài liệu nội bộ mà New York Times có được.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/google-co-nguy-co-bi-samsung-hat-cang-2133434.html
5.    Elon Musk thành lập startup X.AI để cạnh tranh với OpenAI
Tỉ phú Elon Musk, ông chủ của hãng xe điện Tesla, nền tảng mảng xã hội Twitter và Công ty công nghệ không gian SpaceX, đã thành lập một công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI), có tên gọi X.AI. Quyết định này cho thấy ông đang tìm cách gia nhập cuộc chạy đua của Thung lũng Silicon để phát triển các hệ thống AI tạo sinh kể từ khi startup OpenAI của Mỹ ra mắt chatbot ChatGPT gây sốt hồi cuối năm ngoái. Các nguồn thạo tin cho biết ông đang tập hợp đội ngũ kỹ sư và nhà nghiên cứu AI để làm việc cho X.AI. Ngoài ra, ông cũng thảo luận với một số nhà đầu tư của Tesla và SpaceX để thuyết phục họ góp vốn vào doanh nghiệp mới của ông.
Cuộc cạnh tranh trên thị trường AI của Mỹ đang ngày càng nóng. Các startup như OpenAI, Anthropic, Adept và StabilityAI đã huy động thành công hàng tỉ đô la trong những tháng gần đây. Trong khi đó, các tập đoàn lồ công nghệ như Microsoft, Google và Amazon cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào các ứng dụng AI.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/elon-musk-thanh-lap-startup-x-ai-de-canh-tranh-voi-openai/
6.    Sau Việt Nam, Apple đàm phán để sản xuất MacBook tại Thái Lan
Apple đang đàm phán với các nhà cung cấp để sản xuất MacBook tại Thái Lan khi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Theo trang tin Nikkei Asia, gã khổng lồ smartphone thực tế đã sản xuất hàng loạt Apple Watch tại Thái Lan ngay trong năm trước đó. Điều này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của xứ sở chùa vàng, cũng như rộng hơn là Đông Nam Á, trong vai trò một cơ sở sản xuất thay thế cho Trung Quốc. Theo nguồn tin từ 3 nhà cung cấp trực tiếp tham gia đàm phán với Apple, họ đều đã có nhà máy sản xuất ở Thái Lan và đang thảo luận về khả năng lắp ráp, sản xuất các linh kiện cho MacBook. Theo nguồn tin này, việc lắp ráp MacBook sẽ bắt đầu ở Việt Nam trước nên họ có thể cung cấp và hỗ trợ thêm linh kiện từ các nhà máy ở Thái Lan, do chỉ mất khoảng 2-3 ngày cho khâu logistic và thông quan.
Nguồn: https://zingnews.vn/sau-viet-nam-apple-dam-phan-de-san-xuat-macbook-tai-thai-lan-post1421596.html
7.    China Evergrande thất bại trong ván cược xe điện
Hãng xe điện Evergrande NEV, công ty con của China Evergrande, đang rơi vào tình trạng thiếu vốn, nợ nần và bị các đối thủ khác lấn át tại chính thị trường nội địa. Gần đây nhất, nhà máy sản xuất xe điện của Evergrande NEV tại Thiên Tân đang phải đối diện với nguy cơ ngừng sản xuất, trừ khi có được nguồn vốn mới. Những khó khăn của Evergrande NEV cho thấy việc sản xuất ôtô ở quy mô lớn là một thử thách không hề đơn giản. Giới chức thành phố Thiên Tân đang kêu gọi các đơn vị đầu tư tham gia vực dậy hoạt động của nhà xưởng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này sẽ cần phục hồi ít nhất 80% công suất sản xuất của cơ sở Thiên Tân, khoảng 40.000 xe mỗi năm. Việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Evergrande NEV đang tìm kiếm nguồn vốn trị giá hơn 29 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,2 tỷ USD). Tuy nhiên, ngay cả khi được bơm vốn mới, Evergrande NEV cho biết họ vẫn sẽ có dòng tiền âm tích lũy khoảng 5-7 tỷ nhân dân tệ từ năm 2023 đến năm 2026. Sự tồn tại của Evergrande NEV là điều rất quan trọng đối với các chủ nợ của China Evergrande Group. Điều này xuất phát từ việc các khoản nợ từ doanh nghiệp bất động sản trên có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu của hãng xe. Tuy nhiên, chính bản thân Evergrande NEV cũng đang gồng gánh khoản nợ lên tới 7,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 1 tỷ USD). Các nhà đầu tư cũng đang dần cân nhắc về khả năng thu lại lợi nhuận từ công ty xe điện này.
Nguồn: https://zingnews.vn/china-evergrande-that-bai-trong-van-cuoc-xe-dien-post1421831.html
8.    Thái Lan và Indonesia tham vọng trở thành mắt xích lớn trong chuỗi cung ứng xe điện
Năm 2022, Thái Lan đưa ra các ưu đãi để thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Nhật Bản đã nhanh chóng hưởng ứng. BYD sẽ một nhà máy mới ở Thái Lan vào năm tới với sản lượng hàng năm là 150.000 xe điện. MG Motor thuộc sở hữu của hãng xe SAIC Motor có trụ sở tại Thượng Hải, cũng có kế hoạch bắt đầu sản xuất xe điện ở nước này. Trong khi đó, Great Wall Motor, một hãng xe khác của Trung Quốc, đã tung nhiều mẫu xe điện ở thị trường Thái Lan. Thái Lan dự kiến sẽ thu hút tới 400 tỉ baht (hơn 12 tỉ đô la) đầu tư vào sản xuất xe điện trong những năm tới. Hồi đầu năm 2022, hai tập đoàn Foxconn (Đài Loan) và PTT (Thái Lan) đã chính thức thành lập liên doanh sản xuất xe điện, có tên gọi Horizon Plus, với tổng vốn đầu tư khoảng 1-2 tỉ đô la.
Trong lĩnh vực pin xe điện, các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc đang nhắm đến Indonesia, một đất nước giàu tài nguyên và là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai trong khu vực.CATL (Trung Quốc), nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, sẽ đầu tư tới 6 tỉ đô la để xây dựng nhà máy ở Indonesia thông qua một liên doanh với một công ty địa phương. CATL đặt mục tiêu xây dựng xong nhà máy này vào năm 2026 và thiết lập hệ thống sản xuất tích hợp theo chiều dọc, bao gồm các quy trình thượng nguồn như khai thác nickel, một vật liệu thô quan trọng của pin xe điện. Hãng pin LG Energy Solution của Hàn Quốc sẽ hợp tác với hãng xe Hyundai để thiết lập một nhà máy sản xuất pin ở Indonesia. Hồi tháng 1, Bloomberg đưa tin hãng xe điện Tesla của Mỹ sắp đạt được thỏa thuận sơ bộ để thành lập một nhà máy ở Indonesia.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thai-lan-va-indonesia-tham-vong-tro-thanh-mat-xich-lon-trong-chuoi-cung-ung-xe-dien/
9.    FPT mở trung tâm phát triển phần mềm tại Trung Quốc nhắm vào ngành ô tô
Ngày 17/4, FPT mở trung tâm chiến lược phần mềm tại Lương Khánh, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nhằm đẩy mạnh việc phát triển và cung cấp các giải pháp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ ô tô hiện đại tại thị trường này. Dự kiến trong 2 năm tới, trung tâm phần mềm của FPT tại Nam Ninh sẽ đạt quy mô nhân sự 200 người và mở rộng tệp khách hàng trong lĩnh vực công nghệ ô tô và sản xuất bán dẫn tại Trung Quốc cũng như trên toàn cầu, đồng thời phát triển tệp khách hàng mới trong các lĩnh vực khác như tài chính – ngân hàng, chăm sóc sức khỏe.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ, đặc biệt là trong mảng công nghệ trên ô tô, FPT đạt tiêu chuẩn AUTOSAR quốc tế và ghi nhận sự tăng trưởng 40% trong năm 2022, đóng góp quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu phần mềm vào năm 2023. Văn phòng đặt tại thành phố Nam Ninh là văn phòng thứ hai của FPT tại Trung Quốc. Sau khi thành lập văn phòng đầu tiên tại Thượng Hải vào năm 2017, FPT đã hợp tác với các khách hàng lớn trong lĩnh vực công nghệ ô tô và sản xuất bán dẫn tại Trung Quốc để thực hiện nhiều dự án quan trọng.
Nguồn: https://mekongasean.vn/fpt-mo-trung-tam-phat-trien-phan-mem-tai-trung-quoc-nham-vao-nganh-o-to-post20501.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1.    Chi phí sản xuất tôm: Việt Nam ‘bỏ xa’ Ecuador, cao gấp 1,5 lần Ấn Độ
Tại Hội chợ triển lãm quốc tế ngành tôm Việt Nam với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị” do Tổng cục Thủy sản và Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức ngày 12/4 ở Cần Thơ, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết tôm Việt Nam có thế mạnh là chất lượng ổn định, sản phẩm đa dạng, trình độ chế biến cao, chuỗi giá trị con tôm khá cân bằng, diện tích nuôi lớn… Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam có điểm yếu là nuôi nhỏ lẻ, tự phát; giá thành nuôi, chế biến cao; hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ; chưa có thương hiệu xứng tầm. Trong khi còn đối mặt với các thách thức như lạm phát toàn cầu, phí logostics cao; cạnh tranh mạnh từ tôm Ecuador, Ấn Độ; thuế chống bán phá giá, rào cản thị trường như hạn ngạch của thị trường Hàn Quốc…
Dẫn chứng so sánh về giá thành sản xuất tôm của 3 nước XK tôm hàng đầu thế giới, TS Trần Hữu Lộc (Đại học Nông lâm TPHCM) cho hay, Ecuador nuôi tôm có mật độ thả giống 12 – 17 con/m2; Ấn Độ là 30 – 50 con/m2; trong khi Việt Nam thả nuôi mật độ 120 – 500 con/m2. Chi phí sản xuất mỗi kg tôm (50 con/kg) của Ecuador là 2,2 – 2,4 USD; Ấn Độ là 2,7 – 3 USD trong khi Việt Nam là 3,5 – 4,2 USD. Theo ông Lộc, một trong những nguyên nhân khiến cho phí sản xuất cao là thiết kế ao nuôi, trang trại phức tạp, gia tăng chi phí khấu hao. Do vậy, để góp phần giảm giá thành, cần thiết kế trang trại đơn giản hơn, rút ngắn chuỗi cung ứng, giảm mật độ thả giống và có chương trình quản lý rủi ro, bệnh tật tốt hơn…
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung – Vụ Khoa học, công nghệ & Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản , Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dù XK đứng top đầu thế giới, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu như chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi, tỷ lệ diện tích và sản lượng nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ… còn thấp. Đặc biệt, giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao dẫn đến sản phẩm kém cạnh tranh, trong khi phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với tôm Ecuador và Ấn Độ trên thị trường thương mại toàn cầu. Chuỗi giá trị tôm Việt chưa thật sự đạt được hiệu quả tối ưu. Điều này được thể hiện rõ nét khi 3 tháng đầu năm 2023 XK tôm đạt gần 577 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ.
Nguồn: https://tienphong.vn/chi-phi-san-xuat-tom-viet-nam-bo-xa-ecuador-cao-gap-15-lan-an-do-post1525505.tpo
2.    Ngành tôm Việt Nam mất 10.000 tỉ đồng vì kháng sinh
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ngành tôm Việt Nam mỗi năm mất đến 10.000 tỉ đồng. Đó là chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Ngoài ra còn có chi phí kiểm soát kháng sinh ở các nước nhập khẩu mà doanh nghiệp phải chịu và bị trừ vào giá bán. Điều này khiến cơ hội bán hàng bị giảm đáng kể do thời gian thông quan kéo dài vì phải chờ lấy mẫu và kết quả kiểm tra kháng sinh, từ đó khả năng cạnh tranh của tôm bị giảm sút.
Ông Lê Văn Quang kiến nghị Chính phủ mạnh tay với kháng sinh, kiểm tra kháng sinh liên tục và thường xuyên ở vùng nuôi. Trường hợp phát hiện kháng sinh phải hủy ao tôm đó mới dẹp được thói quen dùng kháng sinh của người dân; kiểm soát chặt chẽ và xử lý thật mạnh tay với công ty và người bán thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh… có trộn kháng sinh. Thậm chí, rút giấy phép kinh doanh, xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nganh-tom-viet-nam-mat-10000-ti-dong-vi-khang-sinh-20230417205930431.htm
3.    Thuốc trừ sâu giả tràn lan thị trường
Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, cơ quan chức năng ở các địa phương liên tục phát hiện, triệt phá và khởi tố hàng loạt đường dây sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Đặc biệt, nhiều hoạt chất đã đưa vào danh mục chất cấm từ lâu nhưng vẫn được nhiều đại lý bán công khai, thậm chí tràn lan trên mạng xã hội. Mới đây Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp phát hiện và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở buôn bán 200 kg thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả , không rõ nguồn gốc và chuyển hồ sơ cơ quan công an xác minh, xử lý…
Trước tình trạng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng hoành hành, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, sẽ đề nghị các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ký cam kết về việc không mua bán các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục. “Cục sẽ đề nghị các đơn vị cung cấp số điện thoại đường dây nóng, khuyến khích để người dân tố cáo các tổ chức, cá nhân nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục”, lãnh đạo Cục bảo vệ thực vật cho hay.
Nguồn: https://tienphong.vn/thuoc-tru-sau-gia-tran-lan-thi-truong-cuc-bao-ve-thuc-vat-noi-gi-post1526601.tpo
4.    Mỹ sẽ hỗ trợ đề án 1 triệu ha lúa giá tỉ đô la của Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải vào năm 2030. Dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư ít nhất 40.000 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD) cho mục tiêu này. Trả lời câu hỏi về các hỗ trợ tài chính và công nghệ của Mỹ cho đề án trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack khẳng định nước này sẽ cung cấp một số hình thức hỗ trợ tài chính cho đề án này của Việt Nam, thông qua chương trình sử dụng phân bón hiệu quả và bền vững. Hai bên cũng sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm canh tác thông qua các chương trình học hỏi giữa các chuyên gia Mỹ và Việt Nam.
Bộ trưởng Mỹ cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam cử đoàn đến tham dự Hội nghị AIM for Climate tại Washington D.C đầu tháng 5 tới. Đây là một ý tưởng của Mỹ nhằm đẩy nhanh các sáng kiến, đổi mới trong nông nghiệp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Hiện sáng kiến của Mỹ đã nhận được cam kết hỗ trợ ít nhất 10 tỉ USD cho các nước đang phát triển như Việt Nam về các kỹ thuật canh tác ứng phó biến đổi khí hậu. Sau hội nghị vào tháng 5 tới tại Mỹ, số tiền cam kết có thể còn cao hơn nữa. Một số doanh nghiệp Mỹ cũng đang quan tâm đến mảng nông nghiệp tại Việt Nam, do đó cơ hội để hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm canh tác bền vững là rất tiềm năng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/my-se-ho-tro-de-an-1-trieu-ha-lua-giati-do-la-cua-viet-nam-20230419171043834.htm?gidzl=eO8i4yxbxrwWb2qNnFhdMA-I8nNT-k0BjSHt5Tokvm-qm7L9YQY_1x77U4YFhRfKuC8e769SN_D_p-_jL0
5.    Xoài cát Hòa Lộc rớt giá
Từ giữa tháng 4-2023, giá xoài rớt liên tục. Giá xoài cát Hòa Lộc vốn luôn ở mức cao, thường xuyên trên 100.000 đồng/kg, vậy mà hiện nay, người tiêu dùng tại TP HCM có thể mua được loại ngon chỉ với 30.000 đồng/kg tại các sạp chợ, hay 50.000 – 60.000 đồng/kg tại kênh cửa hàng, siêu thị. Ông Nguyễn Đình Tùng, Trưởng Liên chi Hội Xoài Việt Nam (thuộc Hiệp hội Rau quả Việt Nam), phân tích: ngoài việc năm nay xoài cát Hòa Lộc được mùa, giá giảm thì lý do chính là loại xoài này lâu nay xuất khẩu rất ít do chỉ bảo quản được 7-10 ngày. Vì vậy, xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu chỉ vận chuyển được bằng đường hàng không với chi phí khoảng 6 USD/kg, thêm tiền chiếu xạ 1 USD/ kg, tiền hàng, tiền hao hụt, lợi nhuận kênh phân phối nên giá thành tăng cao. “Xoài cát Hòa Lộc ngon nổi tiếng, là hàng cao cấp, hàng xa xỉ với giá bán ở mức 11-12 USD/kg. Nhưng nay lạm phát, kinh tế khó khăn nên nhóm hàng này bị thắt chặt chi tiêu” – ông Tùng chỉ rõ.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) – doanh nghiệp xuất khẩu lô xoài tươi đầu tiên sang Mỹ, xác nhận vẫn xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc sang Mỹ bình thường nhưng bằng đường hàng không nên sản lượng hạn chế. “Mùa này không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước cũng thu hoạch xoài như: Mexico, Úc, Trung Quốc… nên bị cạnh tranh, chưa kể phải cạnh tranh gián tiếp với các loại trái cây khác cũng vào vụ thu hoạch rộ nên giá xoài cát Hòa Lộc xuống thấp” – bà Vy giải thích.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/vi-sao-xoai-cat-hoa-loc-rot-gia-con-30000-dong-kg-20230416103454648.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Gốm sứ Minh Long tạo dấu ấn đặc biệt tại Hội chợ Hàng tiêu dùng quốc tế Trung Quốc
Với chủ đề “Chia sẻ cơ hội rộng mở và tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn”, Hội chợ Hàng tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc lần thứ 3 (Hội chợ) diễn ra từ ngày 11-15.4.2023, do Bộ Thương mại Trung Quốc và Chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam đồng tổ chức tại Trung tâm Hội chợ Quốc tế Hải Nam (thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc). Minh Long I là một trong sáu doanh nghiệp Việt Nam đại diện tham gia Hội chợ có quy mô cấp quốc gia này. Thông tin từ Ban tổ chức, quy mô Hội chợ khoảng 100.000m2, chia làm hai khu vực chính: khu vực doanh nghiệp quốc tế có diện tích trưng bày là 80.000m2 và khu vực doanh nghiệp Trung Quốc với 20.000m2. Các sản phẩm tập trung chủ yếu ở những lĩnh vực thiết yếu và quan trọng, như: thời trang, mỹ phẩm, trang sức, hàng gia dụng, đồ thể thao, điện tử – điện dân dụng, thực phẩm chế biến, dịch vụ tư vấn du lịch – tài chính – chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục – văn hóa, thương mại điện tử…
Theo ông Lý Ngọc Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên và là nhà sáng lập Công ty TNHH Minh Long I, đây là một trong những Hội chợ có quy mô lớn tại Trung Quốc trong năm nay. Không chỉ là sân chơi đẳng cấp, Hội chợ còn là cơ hội vàng để Minh Long I tăng cường thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế. Thời điểm này cũng rất thích hợp để một thương hiệu gốm sứ cao cấp tại Việt Nam vừa giữ vững kết nối với những khách hàng truyền thống, vừa tiếp cận các đối tác, nhà đầu tư tiềm năng ở thị trường Trung Quốc và một số quốc gia khác trên thế giới. Với những sản phẩm gốm sứ chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, Minh Long I nhanh chóng nhận được sự quan tâm rộng rãi và đánh giá cao của các đại biểu, khách tham quan và giới truyền thông ngay từ lần đầu tiên tham gia Hội chợ này.
Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/gom-su-minh-long-tao-dau-an-dac-biet-tai-hoi-cho-hang-tieu-dung-quoc-te-trung-quoc-39122.html
2.    Xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc sẽ ngày càng khó
Thời gian tới, xuất khẩu nông sản vẫn hướng tới Trung Quốc. Có sự thay đổi đáng kể là nếu từ trước tới nay nông sản Việt Nam xuất vào Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch thì thời gian tới sẽ qua đường chính ngạch và việc kiểm soát chất lượng hàng hóa khắt khe hơn. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Thị trường Trung Quốc giờ đây đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận an toàn… không thua gì Nhật Bản, Hàn Quốc. Chính vì vậy, nông dân và doanh nghiệp Việt đang nỗ lực thay đổi cách thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu. Ngoài một số doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu chính ngạch nói chung và xuất vào thị trường Trung Quốc nói riêng, còn lại đa số doanh nghiệp, HTX, nông hộ chưa nắm chắc hoặc chưa thực hiện chặt các yêu cầu sản xuất, chế biến đủ tiêu chuẩn. Việc này cần được chấn chỉnh để đảm bảo nông sản đạt chất lượng xuất khẩu.
Trung Quốc đang xây dựng lộ trình đóng biên, dần loại bỏ hoàn toàn xuất khẩu tiểu ngạch, thực sự là một thách thức với xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Hiện ngoài mặt hàng chuối được xuất khẩu chính ngạch, còn lại hầu hết trái cây, nông sản như mít, sầu riêng, khoai lang… của Việt Nam đều sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Đã đến lúc doanh nghiệp, nông dân phải gắn với thị trường, lấy yêu cầu của thị trường làm mệnh lệnh sản xuất để tìm được chỗ đứng tại Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia, thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường có nhiều lợi thế như gần gũi về phong tục tập quán, văn hóa tiêu dùng, chi phí logistics thấp… Các địa phương, doanh nghiệp, nông hộ sản xuất cần nắm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường này. Song song đó, tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc thị trường tiêu thụ và khẳng định vị thế thương hiệu nông sản.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/xuat-khau-nong-san-chinh-ngach-sang-trung-quoc-kho-van-phai-lam-post1013947.vov
3.    Trung Quốc tăng cường nhập khẩu chè từ Việt Nam
Trong khi xuất khẩu chè có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm thì thị trường Trung Quốc lại đang trở thành điểm sáng của chè Việt. Theo số liệu từ Cục xuất nhập khẩu, trong năm 2022, Trung Quốc chi 17.997.785 USD để nhập khẩu chè từ Việt Nam với 10.354 tấn, tăng 15,58% về lượng và 27% về trị giá so với năm 2021. Trung Quốc là nhà nhập khẩu chè lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2022, chiếm 7,09% tỷ trọng xuất khẩu.
Bước sang năm 2023, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh cả về khối lượng và giá trị trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu 426 tấn chè từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, giá chè xuất khẩu tăng cao nên khối lượng chỉ tăng 121% nhưng giá trị tăng 411,2% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Bộ Công thương, việc mở cửa thị trường trở lại sau dịch Covid-19 là yếu tố chính khiến xuất khẩu chè sang thị trường tỉ dân tăng trưởng trong những tháng đầu năm nay.
Nguồn: https://markettimes.vn/la-quoc-gia-san-xuat-so-1-the-gioi-trung-quoc-lai-dang-chi-hang-chuc-trieu-usd-de-nhap-khau-mat-hang-nay-tu-viet-nam-xuat-khau-tang-4-lan-chi-trong-2-thang-dau-nam-22851.html
4.    Phở, bún Việt vào danh sách ‘bị theo dõi’ ở châu Âu
Ngày 12/4, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết đã đưa ra cảnh báo với các doanh nghiệp sản xuất liên quan đến việc Ủy ban châu Âu (EC) đang lập hồ sơ theo dõi dư lượng 2-chloroethanol (dư lượng thuốc trừ sâu) có trong sản phẩm bún, phở, bánh đa nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không quản lý tốt dư lượng này thì có khả năng EC sẽ đưa các sản phẩm vào diện kiểm tra an toàn thực phẩm như đang áp dụng với mỳ ăn liền. Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, việc EC nêu đích danh việc theo dõi dư lượng 2-chloroethanol (hay còn gọi 2 CE – một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu, rất dễ cháy và chưa có bằng chứng cho thấy có nguy cơ gây ung thư – PV) có tác động rất lớn đến xuất khẩu mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam do EU là thị trường lớn với sản phẩm này.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp – Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan – cho biết, ngày 3/3/2023, EU ban hành quy định mới số (EU) 2023/465 sửa đổi Quy định (EC) số 1881/2006 liên quan đến mức thuốc bảo vệ thực vật tối đa trong một số loại thực phẩm. Cụ thể, quy định mức dư lượng đối với gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo, thực phẩm dinh dưỡng trẻ em, nước hoa hoa quả, sản phẩm hoa quả cô đặc, muối dao động từ 0,01 đến 0,15 mg/kg sản phẩm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 26/3/2023. Cùng đó, Quy định mới số (EU) 2023/466 sửa đổi cũng áp dụng các mức dư lượng mới đối với hoạt chất isoxaben, novaluron và tetraconazole trong hoặc trên một nông sản thực phẩm bao gồm các nhóm rau, củ, quả tươi và đông lạnh; nhóm các loại hạt, điều cà phê, chè, nhóm sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn, thịt các loại, trứng, sữa, mật ong…Theo đó, mức dư lượng các hoạt chất trên các loại sản phẩm khác nhau từ 0,01 mg/kg. EU cũng đưa ra mức quy định dư lượng của một trong các hoạt chất trên từ 0,05 mg/kg, 0,07 thậm chí 1,5 mg/kg trong các nhóm sản phẩm như rau, củ rau gia vị, thịt và nội tạng động vật. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 26/9/2023.
Nguồn: https://tienphong.vn/pho-bun-viet-vao-danh-sach-bi-theo-doi-o-chau-au-post1525593.tpo

BSAi