1 – Bán lẻ – Thương mại điện tử
-
Đại chiến livestream
Những phiên mega sale với doanh thu hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng, từng khiến anh Trần Lâm (41 tuổi, doanh nhân) sợ bỏ lỡ. Kinh doanh 5 thương hiệu khác nhau, anh không muốn các mặt hàng của mình đứng ngoài cuộc đua, quyết định kết hợp với nhiều KOL/KOCs hàng đầu để livestream bán hàng ngay từ những ngày TikTok Shop mới ra mắt. Thế nhưng, doanh nhân này sớm nhận ra càng làm càng lỗ.
Để hút người dùng, nhiều KOL/KOCs đua nhau “đạp giá” xem ai rẻ nhất. Các sàn thương mại điện tử mạnh tay tung voucher để giành thị phần. Nhãn hàng cũng giảm giá từng nghìn để hút khách. Còn người mua tranh đua săn deals hời mỗi phiên livestream. Tất cả đều quay cuồng trong cuộc đua giảm giá.
Sau nhiều năm “chinh chiến” trên sàn thương mại điện tử, anh rút ra kinh nghiệm để có lời, tốt nhất là hạn chế livestream qua các KOL/KOCs. Bởi càng tham gia, nhãn hàng càng bị “ép giá”, phiên sau phải rẻ hơn phiên trước. Lâu dài, khách hàng khi đã mua được sản phẩm giá rẻ sẽ kỳ vọng lần sau cũng mua với giá đó.
Chưa kể, do mua hàng theo cảm xúc, tỷ lệ huỷ đơn của khách hàng trên livestream thường cao hơn các hình thức khác, với công ty của anh Lâm là khoảng 15%. Anh dẫn chứng, giả sử phiên livestream chỉ có 150 sản phẩm giảm giá, nhưng hàng nghìn người nhảy vào mua. Đến khi nhận ra đơn không được áp voucher, họ liền huỷ. Doanh thu nhiều KOL/KOCs công bố sau phiên livestream lại không trừ đi số đơn huỷ này.
Cuộc đua doanh thu giữa các KOL/KOCs chỉ là phần nổi. “Đại chiến” cạnh tranh về giá giữa các sàn thương mại điện tử còn khốc liệt hơn.
Khi cách thức bán hàng livestream tương tự nhau, nền tảng sẽ không cạnh tranh bằng tính sáng tạo, mà là quyền lợi. Hàng loạt ưu đãi độc quyền được áp dụng để lôi kéo cả người bán lẫn người mua như: khuyến mãi, giảm giá sâu, miễn phí vận chuyển…
Để giành thị phần, các sàn còn giành giật nhau những KOL/KOCs có tên tuổi, nhiều followers. Nền tảng ký hợp đồng độc quyền với nhóm này, yêu cầu chỉ livestream trên sàn của họ.
Thị trường cạnh tranh trong nước vốn đã khốc liệt, thời gian gần đây, các nhà bán hàng gặp thêm đối thủ mới: đội ngũ streamer chuyên nghiệp từ Trung Quốc, nhắm đến khách hàng là người Việt.
Nguồn:https://vnexpress.net/dai-chien-livestream-4759607.html
-
Livestream bán hàng tại Việt Nam: Cơn sốt giảm giá và cạnh tranh không lành mạnh
Mặc dù giảm giá khuyến mãi sẽ giúp các nhà bán hàng thu hút lượng lớn khách hàng và tăng lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc bán hàng với mức giá quá thấp, thậm chí rẻ hơn giá thị trường trên livestream của các nhãn hàng có khả năng gây xáo trộn thị trường…
Tần suất phiên livestream có quy mô lớn, đặc biệt những buổi livestream có mã giảm giá độc quyền từ chính các nhãn hàng đã không còn thỉnh thoảng mới diễn ra như trước đây. Hiện nay, mỗi tháng, hàng loạt những buổi livestream siêu giảm giá sẽ được tổ chức với mục đích giảm giá đầu tháng đến giảm giá giữa tháng rồi giảm giá cuối tháng hay kỉ niệm sinh nhật KOC.
Nhờ tần suất dày đặc của các phiên Megalive, thay vì mua hàng từ các nhà bán lẻ, nhiều khách hàng có xu hướng đợi đến các phiên livestream giảm giá để chốt đơn với mức giá “siêu hời”. Chẳng hạn, mới đây trong phiên Megalive 6/6 của một KOL được mệnh danh là “Chiến thần livestream”, hầu hết các sản phẩm đều được bán với mức giá thấp hơn so với thị trường.
Việc các nhà sản xuất vừa bán sỉ, đồng thời bán lẻ trực tiếp trên các phiên livestream với mức giá quá thấp được đánh giá đang xung đột lợi ích với chính các đối tác. Các nhà bán lẻ nhập hàng từ các nhà sản xuất nhưng các nhà sản xuất lại cung cấp mức giá cạnh tranh hơn so với khung giá chung trên thị trường tại các phiên livestream cho các KOC, điều này có khả năng gây ra thiệt hại cho các nhà bán lẻ.
-
Chủ tiệm kêu kinh doanh trên GrabFood, BeFood, Shopee Food… tốn 10 – 20% doanh thu cho quảng cáo
Nhiều chủ tiệm kêu kinh doanh trên GrabFood, BeFood, Shopee Food… không còn dễ dàng vì tốn đến 10 – 20% doanh thu cho quảng cáo.
Theo tìm hiểu, các app có nhiều hình thức quảng cáo tính phí với cửa hàng. Chẳng hạn, quảng cáo nhóm tìm kiếm món ăn. Quảng cáo này sẽ đưa gian hàng lên đầu khung kết quả tìm kiếm, tăng cơ hội để tiếp cận khách hàng.
Anh T.Đ. – chủ hệ thống mì Quảng tại TP.HCM – cho biết số đông cửa hàng, quán mới lên app nếu không có thao tác chạy quảng cáo, không mã giảm giá… sẽ khó ra đơn, bán ế, trừ trường hợp quán đã quá nổi tiếng. Chưa kể người bán cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ ngay trên app.
Vì vậy, anh phải dùng quảng cáo trên GrabFood, BeFood, Shopee Food… để nhận đơn hàng online, dù tốn 10 – 20% doanh thu. Nghĩa là doanh thu bán hàng mang về từ app trung bình 500.000 đồng/ngày, quán phải chi 50.000 – 100.000 đồng cho quảng cáo.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các cửa hàng trên app công nghệ cho rằng vẫn có lượng khách đều đều nhưng không trông cậy quá nhiều từ nền tảng này để duy trì kinh doanh.
Một số cửa hàng kết hợp bán hàng tại quán và bán online, thậm chí xây dựng kênh truyền thông riêng để giảm bớt phụ thuộc vào app.
Về phía Grab, ứng dụng này cho rằng khi một nhà hàng, quán ăn lên GrabFood, nếu họ nhận thấy không thu hút được khách hàng, họ sẽ nhanh chóng rời đi. Thế nhưng, GrabFood vẫn ghi nhận danh mục đối tác nhà hàng không ngừng được mở rộng.
-
Tăng sức mua cho thị trường tiêu dùng nội địa
Theo các chuyên gia, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, tạo động lực cho tăng trường. Hiện các hệ thống bán lẻ cũng đang rất tích cực triển khai các chương trình kích cầu, gia tăng sức mua…
Chương trình bình ổn thị trường là công cụ phát huy hiệu quả cao nhất trong việc kiểm soát giá, theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM. Chương trình này đã góp phần đưa chỉ số CPI tháng 5 chỉ tăng 0,15%, luỹ kế 5 tháng tăng 3,24% so với cùng kỳ, thấp hơn mức chung cả nước. Công cụ này tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn nửa cuối năm, đảm bảo người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm có mức giá cạnh tranh, hợp lý.
Để kích thích sức mua, Chính phủ vừa đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm nay – tức kéo dài thêm 6 tháng so với quyết định hồi cuối năm ngoái, đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất VAT 10%.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách này sẽ giảm bớt phần nào chi phí sinh hoạt trong mua sắm các mặt hàng tiêu dùng. Cùng với việc giảm VAT, các địa phương cũng công bố kế hoạch thực hiện tháng khuyến mãi tập trung. Điển hình bắt đầu từ ngày 15/6, TP.HCM triển khai khuyến mãi tập trung với việc cho thương nhân, doanh nghiệp, nhà bán lẻ giảm giá hàng hóa đến 100%.
Nguồn:https://vneconomy.vn/tang-suc-mua-cho-thi-truong-tieu-dung-noi-dia.htm
2 – Sản xuất hàng tiêu dùng
-
Giá rượu, bia dự kiến tăng 20% từ 2026 sau khi đồng loạt tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Bộ Tài chính đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng tỷ trọng thuế rượu, bia lên 40% giá bán lẻ, từ mức 30% như hiện nay. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia tăng thêm đồng loạt 15% từ năm 2026, kéo theo giá bán các mặt hàng dự kiến tăng 20% so với năm trước đó…
Theo ghi nhận, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Việt Nam hiện là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á, sau Nhật Bản, Trung Quốc.
Hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40 – 85% giá bán lẻ.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) từng gửi “tâm thư’ đến các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành khi có đề xuất xem xét bổ sung dự án thuế tiêu thụ đặc biệt vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội từ năm 2025 trở đi và xem xét tính đồng bộ, thống nhất của các luật thuế.
Theo VBA, cần cân nhắc thời gian có hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là sau 12 tháng kể từ khi luật thuế (sửa đổi) được ban hành và giãn lộ trình thực hiện hợp lý để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh và lên kế hoạch thực hiện chính sách có tác động lớn và tránh tác động tăng sốc thị trường.
3 – Xu hướng Xanh – bền vững
-
Tỷ phú giàu nhất Việt Nam quyết tâm đi đến cùng cho giấc mơ xe điện
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Mỹ Bloomberg nhân dịp kỷ niệm niệm 5 năm khánh thành nhà máy sản xuất ô tô VinFast (14/6/2019 – 14/6/2024), Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết, mặc dù mới chỉ bắt đầu sản xuất xe hơn 5 năm trước đây, nhưng giờ VinFast đang cạnh tranh với các đại gia như Tesla hay Hyundai khi bước chân vào thị trường Mỹ. VinFast cũng đang xâm nhập các thị trường như Ấn Độ và Indonesia.
Trả lời câu hỏi ông sẽ đầu tư cho VinFast đến bao giờ, ông Vượng nói “cho đến khi tôi hết tiền thì thôi”, đồng thời tự tin có thể lèo lái đưa VinFast vượt qua những khó khăn, bất chấp việc những Toyota hay Volkswagen đang gặp khó trên toàn cầu.
Chủ tịch Vingroup cũng khẳng định việc thúc đẩy mạnh mẽ VinFast nhằm đưa ngành sản xuất của Việt Nam lên tầm quốc tế bởi VinFast không chỉ là một dự án kinh doanh, mà còn là một dự án cống hiến. Ông cho biết hãng xe điện Việt Nam không làm xe giá rẻ, mà tập trung vào những sản phẩm có giá hợp lý, đúng với giá trị thực.
Nguồn:https://baomoi.com/ty-phu-giau-nhat-viet-nam-quyet-tam-di-den-cung-cho-giac-mo-xe-dien-c49370731.epi
-
Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
Ngoài lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp ở nước ta cũng là một trong những lĩnh vực được quan tâm nhất hiện nay khi có thể tạo ra khoảng 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Trong đó, hàng loạt cây trồng có thể tạo ra khối lượng tín chỉ lớn như lúa gạo, cà phê, điều…
Theo tính toán, cây điều tạo ra giá trị tín chỉ carbon rất cao. Bình quân mỗi cây điều có thể hấp thụ 400kg carbon trong cả vòng đời. Nếu được trồng theo tiêu chuẩn quốc tế thì cứ 2,5 cây điều sẽ tạo ra một tín chỉ carbon.
Bình quân 1ha điều trồng được khoảng 200 cây, tương ứng với việc tạo ra 80 tín chỉ carbon. Tạm tính với đơn giá 5 USD/tấn ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon trong năm 2023, giá trị thương mại về tín chỉ carbon của ngành điều là rất lớn, lên tới hàng chục triệu tín chỉ carbon.
Sở hữu vùng nguyên liệu trồng điều liên kết lên tới gần 800ha theo hướng bền vững ở Bình Phước và các vùng lân cận, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo phối hợp với Doanh nghiệp xã hội Green Journey mới đây đã khởi động Dự án Hạt điều xanh (Green Cashew).
Với định hướng góp phần phần phát triển xanh và bền vững cho ngành điều, Dự án Hạt điều xanh đặt ra mục tiêu tập trung hỗ trợ nông dân trồng điều nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, gắn liền với giảm phát thải carbon; đồng thời phối hợp với các bên tiến hành đánh giá, đo lường tín chỉ carbon từ cây điều.
-
Kiểm kê khí nhà kính tốn tới trăm triệu, 4.000 trang trại chăn nuôi ‘sốt ruột’
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung ngành chăn nuôi (lợn, bò) vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.
Theo dự thảo, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, còn với bò là 1.000 con trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tức, sẽ có hơn 4.000 trang trại chăn nuôi lợn và bò phải thực hiện công việc này, tốn kém khoản chi phí rất lớn.
Chỉ riêng thực hiện kiểm kê khí nhà kính, mỗi trang trại phải chi từ 100-150 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, hầu hết trang trại ở nước ta chưa thể thực hiện tự kiểm kê vì quá phức tạp.
Chưa kể, các doanh nghiệp, trang trại sau khi kiểm kê còn phải thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao. Nếu không đạt sẽ bị xử lý vi phạm hoặc phải mua tín chỉ carbon bù vào. Như vậy sẽ làm tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã yêu cầu các trang trại chăn nuôi phải kiểm kê khí nhà kính, nhưng theo lộ trình từ lúc yêu cầu đến khi bắt buộc thực hiện là 5 năm.
-
Honda chốt thời điểm khai tử xe máy chạy xăng
Chuyên trang Ride Apart dẫn nguồn tin từ Honda cho hay dự tính tới năm 2040 hãng sẽ không còn bán ra thị trường bất cứ chiếc xe máy chạy xăng nào nữa. Thay vào đó, Honda sẽ điện hóa toàn bộ dải sản phẩm xe 2 bánh trong tương lai.
Thông tin này được phát đi từ cuộc họp chiến lược đầu tư của Honda năm 2024. Hãng nổi tiếng Nhật Bản khẳng định rằng xe điện là giải pháp hiệu quả nhất trong việc sản xuất phương tiện cỡ nhỏ như xe máy và ôtô trong tương lai.
Hãng nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2040 sẽ chỉ còn tồn tại xe máy Honda dưới dạng thuần điện và điện hydro FCEV.
“Honda sẽ đẩy mạnh việc phổ biến xe điện, xây dựng thương hiệu xe điện mạnh mẽ và tạo nền tảng kinh doanh xe điện vững chắc trong tầm nhìn trung và dài hạn” – báo cáo của Honda lưu ý.
Đây là lần đầu tiên Honda đặt ra mốc cụ thể để điện khí hóa toàn bộ dòng sản phẩm của hãng. Trong quá trình này, hãng xe Nhật Bản dự định sẽ tung ra tổng cộng 10 xe điện, bao gồm cả xe máy lẫn ôtô vào năm 2025.
Nguồn:https://nld.com.vn/honda-chot-thoi-diem-khai-tu-xe-may-chay-xang-196240618121524265.htm
-
Thị trường mua bán quyền phát thải tại châu Âu
Với mục tiêu tới năm 2030 giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990, Liên minh châu Âu đã tạo lập hệ thống mua bán quyền phát thải từ năm 2005.
Đó là một cơ chế thị trường, bắt buộc doanh nghiệp phát thải nhiều phải bỏ tiền mua quyền phát thải, từ đó tạo động lực thúc đẩy giảm khí thải có hại cho khí quyển.
Liên minh châu Âu có sàn giao dịch phát thải đầu tiên trên thế giới và cũng là lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải toàn cầu. Hàng ngày, 11.000 doanh nghiệp tại tất cả 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu mua bán quyền phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Bà Juliette Lebrun từ Công ty môi giới Leyton cho biết: “Hạn ngạch carbon tương đương với 1 tấn carbon thải vào khí quyển, liên quan tới tất cả các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và xi măng, luyện kim, cho tới giao thông vận tải và sản xuất điện năng. Liên minh châu Âu phân bổ mức trần cho các quốc gia thành viên, rồi mỗi nước lại phân bổ hạn ngạch cho từng ngành, từng doanh nghiệp, căn cứ trên mức phát thải của năm sát trước”.
Mỗi cơ sở công nghiệp hay vận tải trong Liên minh châu Âu đều bị áp định mức khí thải, thải nhiều hơn phải mua thêm quyền phát thải, ít hơn thì có thể bán quyền chưa sử dụng hết. Bên mua bên bán có thể giao dịch theo giá thỏa thuận tay đôi nhưng phần lớn là mua bán trên sàn dưới dạng hợp đồng thời hạn. Có hợp đồng kỳ hạn thì có đầu cơ, tính toán khi nào nên mua khi nào nên bán. Các bên mua bán thông qua công ty dịch vụ môi giới, y như với chứng khoán.
Giá quyền phát thải cao thúc đẩy doanh nghiệp phải giảm thải hoặc chuyển đổi sang công nghệ sạch hơn, cách nào thì cũng có lợi cho mục tiêu môi trường. Ủy ban châu Âu còn tăng dần áp lực bằng cách sau mỗi năm lại đặt định mức phát thải thấp hơn, buộc doanh nghiệp ô nhiễm tại châu Âu phải mua thêm quyền phát thải. Cơ chế thị trường carbon đang giúp Liên minh châu Âu tiến nhanh hơn trong thực hiện cam kết khí hậu toàn cầu.
Nguồn:https://vtv.vn/kinh-te/thi-truong-mua-ban-quyen-phat-thai-tai-chau-au-2024061609111558.htm
4 – Thực phẩm – Ẩm thực
-
Lẩu sầu riêng gây sốt ở Trung Quốc
Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ sầu riêng hàng đầu thế giới. Kể từ năm ngoái, niềm đam mê sầu riêng của người dân Trung Quốc đã tăng vọt sau khi làn sóng sầu riêng từ Việt Nam và Philippines đổ bộ chính thức vào quốc gia này theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Khi trái sầu riêng bắt đầu phủ khắp các kệ hàng trên khắp Trung Quốc, các doanh nghiệp đang mở rộng phạm vi tiếp cận các thị trường mới bằng cách sản xuất thêm đồ ăn nhẹ và đồ uống mới làm từ sầu riêng.
Tang Chunlong, phó tổng giám đốc công ty chuyên sản xuất đồ ăn nhẹ đóng gói có trụ sở tại Nam Ninh, cho biết: cho biết: “Người dân phát cuồng sầu riêng tới mức đã thích lan sang cả bánh ngọt và đồ uống có hương vị sầu riêng, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về trái sầu riêng nhập khẩu từ các nước ASEAN”. Những năm gần đây, bánh ngọt làm từ sầu riêng Đông Nam Á đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất của hãng.
Các doanh nghiệp khác cũng đang tận dụng xu hướng kết hợp ẩm thực bằng cách thêm sầu riêng vào các món ăn sẵn có. Jariya Unthong, chủ một quán trà sữa ở Nam Ninh, cho biết: “Trà sữa sầu riêng là sản phẩm bán chạy nhất của chúng tôi. Thông thường, khách hàng sẽ phải xếp hàng hơn nửa giờ để mua được một ly.”
Ở nhiều quán ăn, thậm chí còn có thể tìm thấy những món nấu chung với sầu riêng táo bạo hơn nữa. Một số nhà hàng cao cấp ở Quảng Tây đã tung ra thị trường món “Lẩu sầu riêng và súp gà” nhanh chóng thành công vang dội.
Ngoài việc yêu thích trái cây nhiệt đới, có hai sự thay đổi giúp giải thích nhu cầu về sầu riêng ngày càng tăng ở Trung Quốc. Đầu tiên là sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại quốc gia này. Ngày càng nhiều người Trung Quốc có đủ khả năng mua sầu riêng, loại trái cây có giá không hề rẻ so với mặt bằng chung. Trung bình một trái sầu riêng Thái Lan có giá khoảng 150 nhân dân tệ (~530.000 đồng). Giống sầu riêng Musang King có thể có giá lên tới 500 nhân dân tệ/quả (~1,7 triệu đồng).
Chính giá thành đắt đỏ như vậy khiến sầu riêng trở thành biểu tượng của địa vị ở Trung Quốc, thậm chí sầu riêng Musang King còn được ví như “Hermès của sầu riêng”. Người ta coi đây là loại trái cây thể hiện sự giàu có, thường mua làm quà tặng trong các dịp lễ lớn như đám cưới hoặc sinh nhật.
Sự thay đổi thứ hai là trong những năm gần đây Trung Quốc đã mở cửa thị trường. Cho đến năm 2022, họ chỉ nhập sầu riêng tươi từ Thái Lan. Tuy nhiên kể từ năm ngoái, họ đã chính thức nhập thêm của Việt Nam và Philippines.
6 – Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi
-
Trung Quốc điều tra thịt lợn châu Âu
Vài ngày sau khi EU tăng thuế nhập khẩu với xe điện Trung Quốc, đến lượt Bắc Kinh điều tra chống bán phá giá với thịt lợn châu Âu.
Hôm 17/6, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ điều tra chống bán phá giá với thịt lợn và các phụ phẩm khác nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Động thái này chủ yếu ảnh hưởng đến Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch.
Cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 17/6. Việc này được khởi xướng sau khi Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc ngày 6/6 nộp đơn phàn nàn thay cho ngành thịt lợn trong nước.
Giới phân tích cho rằng động thái của Bắc Kinh nhằm trả đũa việc EU hôm 12/6 áp thuế chống trợ giá lên tới 38,1% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Chúng tôi không ngạc nhiên. Đây không phải lần đầu tiên một cuộc điều tra được đáp trả theo cách này”, Jens Eskelund – Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết.
Giới phân tích cho rằng các hãng thịt lợn từ Nam Mỹ, Mỹ và Nga có thể giành thêm thị phần nếu Bắc Kinh hạn chế nhập khẩu thịt từ châu Âu.
Nguồn:https://vnexpress.net/trung-quoc-dieu-tra-thit-lon-chau-au-4759583.html
-
‘Cơn khát’ sầu riêng của Trung Quốc giúp nông dân ở Đông Nam Á đổi đời
Năm ngoái, giá trị xuất khẩu sầu riêng từ Đông Nam Á sang Trung Quốc là 6,7 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp 12 lần so với 550 triệu đô la vào năm 2017. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, Trung Quốc mua gần như toàn bộ sầu riêng xuất khẩu của thế giới. Nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất cho đến nay là Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Sự gia tăng nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc là thước đo sức mạnh của người tiêu dùng của nước này trong nền kinh tế toàn cầu, dù theo các thước đo khác, nền kinh tế đại lục đang gặp khó khăn.
Khi đất nước 1,4 tỉ dân chuộng một mặt hàng nào đó toàn bộ khu vực châu Á sẽ được định hình lại để đáp ứng nhu cầu. Tại Việt Nam, báo chí đưa tin nông dân ở một số địa phương chặt bỏ cây cà phê, hồ tiêu, cao su để trồng sầu riêng trong năm qua. Diện tích vườn sầu riêng ở Thái Lan đã tăng gấp đôi trong thập niên gần đây. Ở Malaysia, rừng rậm trên những ngọn đồi ở gần thị trấn Raub đang bị san phẳng để nhường chỗ cho những trang trại sầu riêng phục vụ nhu cầu của Trung Quốc.
Nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc, vốn đã đẩy giá sầu riêng lên gấp 15 lần trong thập kỷ qua đã khiến người tiêu dùng Đông Nam Á hụt hẫng. Đối với họ, sầu riêng đang chuyển từ một loại trái cây dồi dào với giá cả phải chăng trở thành một mặt hàng xa xỉ dành cho xuất khẩu.
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/con-khat-sau-rieng-cua-trung-quoc-giup-nong-dan-o-dong-nam-a-doi-doi/
-
Xét xử nghiêm các vụ đánh bắt thủy sản bất hợp pháp từ ngày 1/8
Cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) với 28 tỉnh, thành phố ven biển chiều ngày 17/6.
Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh các địa phương cần sẵn sàng triển khai Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nhằm xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản.
“Đây là việc đau lòng nhưng nếu không mạnh tay thì không gỡ được ‘thẻ vàng’ đối với thủy sản xuất khẩu vào EU. Ngược lại, nếu xử đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ thì Việt Nam có cơ hội gỡ được ‘thẻ vàng’ trong đợt thanh tra lần thứ 5 của EC dự kiến vào tháng 9-10 tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian bị “thẻ vàng”, 100% container hàng hải sản xuất khẩu đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian bị kéo dài, thậm chí từ 3-4 tuần/container. Riêng phí kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng.
Nguy hại hơn, nếu bị nâng lên “thẻ đỏ” thì hàng thủy sản Việt Nam bị cấm xuất khẩu sang EU, thậm chí sang một số quốc gia khác, thì có thể dẫn đến nguy cơ mất đi một ngành hàng; làm suy giảm uy tín, vị thế của Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu trước mắt Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền rộng khắp, mạch lạc về Nghị quyết 04. Các lực lượng chức năng phải tăng “mức độ, tần suất” trong quản lý, giám sát đội tàu; quyết liệt hơn trong việc truy xuất nguồn gốc hải sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương tổ chức các đoàn tăng cường đi kiểm tra, giám sát ở cơ sở để thấu hiểu xem bà con đang cần gì, chính quyền cơ sở đang cần gì để có giải pháp cụ thể, kịp thời.
Nguồn:https://vneconomy.vn/xet-xu-nghiem-cac-vu-danh-bat-thuy-san-bat-hop-phap-tu-ngay-1-8.htm
7 – Thị trường xuất nhập khẩu
-
Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam
Ông Đỗ Ngọc Tài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong 5 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7%. Điều bất ngờ nhất trong 5 tháng đầu năm 2024 là Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam.
Thị trường Trung Quốc: Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 260 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ, đây là thị trường tăng trưởng mạnh nhất của tôm Việt Nam trong 5 tháng qua. Tuy nhiên đã có dấu hiệu giảm nhiều trong tháng 5 vào thị trường tỷ dân này. Nguyên nhân chính là giá tôm của Việt Nam cao hơn so với giá của các nguồn cung khác đến từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Các đối thủ này của Việt Nam cũng đang tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao, vì vậy tôm của Việt Nam cũng sẽ khó khăn hơn.
Thị trường Mỹ: 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 229 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Trong đó ghi nhận chỉ tăng mạnh trong tháng 1, tháng 2 cho đến hiện tại ngược lại đã giảm mạnh. Lý giải cho nguyên nhân giảm mạnh này do lạm phát vẫn ở mức cao, ngoài ra tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ. Nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ có thể tăng nhẹ trong quý 3 năm nay do nhu cầu cuối năm tăng chung.
Thị trường EU: Xuất khẩu tôm Việt Nam sang châu Âu trong những tháng đầu năm đạt 165 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Sau khi giảm trong tháng đầu năm, hiện tại thị trường này đã phục hồi tăng trở lại trong tháng 4 và 5 vừa qua. Với thị trường châu Âu, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với các nguồn cung đối thủ trên thị trường này như Ấn Độ, Ecuador do 2 nguồn cung này gặp khó với mức thuế cao trên thị trường Mỹ, nên sẽ giảm giá để tăng lượng xuất khẩu vào châu Âu.
Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc: trong 5 tháng đầu năm đều ghi nhận mức giảm khá lớn. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 183 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ; sang Hàn Quốc đạt 124 triệu USD, giảm 9%. Nguyên nhân dẫn đến việc xuất khẩu tôm của nước ta sang 2 thị trường này giảm do lạm phát còn cao dẫn đến người tiêu dùng tiết kiệm trong chi tiêu. Tín hiệu phục hồi có thể sẽ tăng nhẹ từ tháng 9 của năm nay để phục vụ nhu cầu những tháng cuối năm.
-
Bắc Giang: Xuất khẩu vải thiều thành công vào nhiều thị trường ‘khó tính’
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ khoảng 67 nghìn tấn vải thiều, chiếm khoảng 67% sản lượng vải toàn tỉnh; trong đó, vải sớm đã tiêu thụ trên 45,4 nghìn tấn, vải chính vụ tiêu thụ được gần 21,6 nghìn tấn. Hiện, vải sớm đã tiêu thụ cơ bản xong, người dân đang tập trung tiêu thụ vải chính vụ.
Giá bán vải năm nay tăng cao hơn nhiều so với mọi năm. Đối với vải chín sớm có giá bán dao động từ 25 – 70 nghìn đồng/kg; giá vải chính vụ đang dao động từ 55 – 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt đã xuất khẩu thành công vào nhiều thị trường “khó tính”. Trong số trên 67 nghìn tấn đã tiêu thụ, có trên 43 nghìn tấn tiêu thụ thị trường trong nước, còn lại là xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Australia… Sản lượng xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” ngày càng tăng, trong đó đã xuất khẩu vào thị trường Mỹ 23 tấn, Nhật Bản 30 tấn, EU 53 tấn, Australia 39 tấn, Canada 16 tấn…
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm nay, sản lượng vải thiều chính vụ giảm khoảng 50% sản lượng, nhưng chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay do người trồng vải trên địa bàn tỉnh tiếp tục ứng dụng tốt hơn tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong canh tác. Cùng đó, các ngành chức năng đã chuẩn bị tốt điều kiện cho xuất khẩu.
-
Ngành điện tử: Xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng thấp
Trong báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, trong Top 4 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, xuất khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27,01 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng trên 11% so với cùng kỳ.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam – đánh giá, ngành điện tử 10 năm liên tiếp đứng đầu kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỷ trọng trên 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Thống kê cho thấy, quý I/2024, xuất khẩu điện tử đạt 30,5 tỷ USD, xuất siêu 4,2 tỉ USD. Đây là “con số biết nói” khi ngành đã đóng góp lớn vào thặng dư ngoại tệ cho đất nước.
Tuy vậy, bà cũng thẳng thắn cho rằng Việt Nam vẫn ở đáy “đường cong nụ cười” trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam, những phân khúc đem lại giá trị gia tăng cao như R&D, thiết kế, phân phối… doanh nghiệp Việt chưa tham gia được. Doanh nghiệp Việt chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên giá trị gia tăng còn thấp. Lợi nhuận của ngành điện tử (cũng giống như ngành may mặc và da giày) tham gia vào quá trình lắp ráp cuối cùng ở Việt Nam là khoảng 5 – 10%. Điều này có nghĩa mặc dù có khối lượng xuất khẩu lớn, nhưng lợi ích kinh tế từ việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu là tương đối nhỏ.
https://stockbiz.vn/tin-tuc/nganh-dien-tu-xuat-khau-nhieu-nhung-gia-tri-gia-tang-thap/26257511
-
EU đưa mì ăn liền Việt Nam khỏi danh kiểm tra tại cửa khẩu
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo đưa sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam ra khỏi danh sách kiểm tra tại cửa khẩu khi nhập khẩu vào EU.
Theo đó, sản phẩm mì ăn liền (có chứa gói gia vị hoặc nước sốt) của Việt Nam sẽ không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu khi nhập khẩu vào EU. Trước đó, vào tháng 12.2021 EC thông báo mì ăn liền là sản phẩm bị tăng tần suất kiểm tra biên giới do chứa etylen oxyde (EO). Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tuân thủ tốt các quy định của EU đối với các sản phẩm mì ăn liền, phía EU đã đưa sản phẩm mì ăn liền ra khỏi danh sách. Quy định này có hiệu lực từ ngày 2.7.2024.
Đối với quả thanh long của Việt Nam, EU tiếp tục áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 30% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng. Đối với quả ớt của Việt Nam, EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 50% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng. Đối với đậu bắp của Việt Nam, do còn 2 lô hàng bị vi phạm quy định, nên EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới là 50% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng. Đối với sầu riêng của Việt Nam, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới là 10%.
TS Nam nhận định: Như vậy, so với kỳ thông báo lần trước của EU vào ngày 18.1.2024, Việt Nam chỉ còn 4 sản phẩm bị áp dụng tần suất kiểm tra biên giới. Việc mì ăn liền được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm là một bước tiến quan trọng, giúp sản phẩm này dễ dàng tiếp cận thị trường EU và các thị trường trên thế giới.
-
Philippines xây thêm 17 cảng nước sâu, củng cố chuỗi cung ứng nông sản
Philippines đang lên kế hoạch xây dựng thêm 17 cảng nước sâu mới để củng cố chuỗi cung ứng gạo và các loại nông sản cũng như phân bón. Động thái này có thể giúp Việt Nam được hưởng lợi sau khi chính phủ Philippines thông báo giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% vào đầu tháng 6-2024. Đây là những nỗ lực mới của chính phủ Philippines nhằm kiềm chế giá lương thực tăng phi mã ở nước này.
Tại một diễn đàn kinh doanh ở Manila hôm nay 19-6, Bộ trưởng Nông nghiệp Francisco Tiu Laurel Jr. nói đầu tư cho cơ sở hạ tầng của ngành nông nghiệp Philippines đã tụt hậu so với các nước trong khu vực trong 27 năm qua. “Nếu chúng ta muốn giảm chi phí sản xuất bắp, gạo và các loại cây lương thực khác, chúng ta cần xây dựng thêm cảng”, Bộ trưởng Laurel nói.
Philippines đã phân bổ ngân sách khoảng 210 tỉ peso (3,6 tỉ đô la) trong năm tài chính 2024 cho Bộ Nông nghiệp. Ông Laurel hy vọng sẽ được chính phủ tăng gấp đôi ngân sách trong năm 2025 trong bối cảnh Philippines đang gặp sức ép ngày càng gia tăng về an ninh lương thực. Là “ông trùm” trong ngành đánh cá, ông Laurel đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ngành nông nghiệp nông nghiệp vào tháng 11-2023, thay thế cho ông Ferdinand Marcos Jr., người từng giữ vai trò bộ trưởng và tổng thống.
Bộ trưởng Laurel kỳ vọng “giá phân bón sẽ giảm tới 15%” sau khi các cảng mới được xây dựng. Tuy nhiên, ông Laurel đã không cung cấp thêm thông tin chi tiết về kế hoạch, bao gồm cả việc liệu chính phủ đã bắt đầu xem xét chi phí và nguồn tài trợ hay chưa.
Giá thực phẩm tăng vọt đã ảnh hưởng nặng nề đến phần lớn người dân Philippines. Đầu tháng 6, chính quyền Marcos đã giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15%, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí lương thực. Tuy nhiên, nhiều người lại lo ngại rằng mức thuế này chỉ mang lại lợi ích các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan.
Robert Dan Roces, nhà kinh tế trưởng thuộc ngân hàng Security Bank có trụ sở tại Manila, gọi mức thuế mới là “con dao hai lưỡi”. Ông nói người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, trong khi nông dân phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ gạo nhập khẩu rẻ hơn. “Điều này có thể thúc đẩy một số nông dân đa dạng hóa cây trồng, có khả năng phá vỡ các hoạt động nông nghiệp đã hình thành trước đó. Các chương trình hỗ trợ của chính phủ, như trợ cấp và cải thiện hiệu quả trang trại, là rất quan trọng để giảm bớt thiệt hại cho nông dân”.
Philippines là nước đứng đầu thế giới về nhập khẩu gạo. Hồi tháng 2-2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo mức nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay lên 3,9 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với dự báo đưa ra trong tháng 1. Lượng gạo Philippines nhập khẩu có thể đạt 4 triệu tấn trong năm 2024, theo một ước tính khác.
Theo dữ liệu của Liên hiệp quốc, Việt Nam cung cấp khoảng 80% lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2023. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Philippines nhập 3,13 triệu tấn gạo từ Việt Nam trong năm 2023, chiếm gần 82% trong tổng số 3,82 triệu tấn gạo nhập khẩu.
Cải thiện chuỗi cung ứng nông nghiệp là một trong những cam kết quan trọng được Tổng thống Marcos đưa ra khi tuyên thệ nhậm chức vào năm 2022. Tổn thất sau thu hoạch tại Philippines và chi phí vận chuyển cao đã đẩy giá bán lẻ gạo và các mặt hàng lương thực lên cao ở xứ đảo này.
https://bsa.org.vn/philippines-xay-them-17-cang-nuoc-sau-cung-co-chuoi-cung-ung-nong-san/
8 – Dịch vụ
-
Nha Trang – điểm đến tiềm năng cho dòng khách nghỉ hưu
Tạp chí Travel+Leisure (Mỹ) vừa bình chọn thành phố Nha Trang là một trong 8 điểm nghỉ dưỡng biển đẹp nhất thế giới dành cho người nghỉ hưu.
Đại diện Champa Island Nha Trang cho biết : Khách lớn tuổi có xu hướng nghỉ ngơi tại chỗ, dùng các tiện ích xung quanh tại resort, họ thường không đặt phòng trực tiếp, mà thông qua con cái hoặc đơn vị lữ hành. Tại resort có các căn hộ biệt lập, yên tĩnh nên nhóm khách lớn tuổi rất thích.
Ông Trần Minh Đức – chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa – cho hay dòng khách nghỉ hưu, lớn tuổi thường chọn đến với những nơi bình yên, không gian thoáng đãng như phố cổ, làng quê, biển đảo… Các tour du lịch tâm linh, hành hương, du lịch gắn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe như bùn khoáng, suối khoáng nóng, mát xa… cũng được dòng khách này lựa chọn.
Theo các công ty lữ hành, du lịch y tế được dòng khách nghỉ hưu, lớn tuổi rất quan tâm. Tại Khánh Hòa đã có loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe như nghỉ dưỡng kết hợp châm cứu, spa bấm huyệt, du lịch nha khoa… nhưng các hoạt động này còn nhỏ lẻ. Khánh Hòa có lợi thế về hệ thống rừng tự nhiên, nhất là tiềm năng về bùn khoáng để phát triển loại hình du lịch y tế. Một số resort đã triển khai tắm bùn dược liệu, mát xa chân bằng đá…
Các nước khác như Thái Lan, Úc… đã phát triển loại hình du lịch y tế rất bài bản. Ngoài hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế hiện đại thì còn các tour thăm vườn thảo dược, mua sắm các loại thảo dược…
Ông Trịnh Ngọc Hiệp – phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa – cho hay định hướng phát triển y tế tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, sở xây dựng và kêu gọi hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, trong đó có việc phát triển mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh. Theo ông Hiệp, để du lịch y tế thực sự chuyên nghiệp, bài bản, cần nâng cao chất lượng đội ngũ y sĩ, nhân viên. Ngoài chuyên môn tốt, nguồn nhân lực này còn có thể giao tiếp được tiếng nước ngoài để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, phòng điều trị phải thật sự là một nơi nghỉ dưỡng với các trang thiết bị, quy chuẩn rõ ràng, các tiện ích y tế đi kèm… Đặc biệt, theo ông, cần có sự liên kết giữa bệnh viện với các công ty du lịch để thiết kế, cung cấp các sản phẩm du lịch y tế hấp dẫn.
https://tuoitre.vn/nha-trang-diem-den-tiem-nang-cho-dong-khach-nghi-huu-20240612171326254.htm
9 – Công nghiệp – Năng lượng
-
OPEC kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch
Người đứng đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng thế giới sẽ cần đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ để ngăn chặn tình trạng thiếu năng lượng, cũng như bác bỏ dự đoán nhu cầu dầu sẽ sớm đạt đỉnh.
Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho biết, nhu cầu dầu sẽ tăng 25 triệu thùng/ngày ở các nước đang phát triển cho đến năm 2045, trong đó riêng Trung Quốc và Ấn Độ đóng góp 10 triệu thùng/ngày, do hàng tỷ người cần tiếp cận các dịch vụ cơ bản như điện, gas và vận chuyển.
Ông Al Ghais nói: “Những người bác bỏ thực tế này đang gieo mầm mống cho sự thiếu hụt năng lượng trong tương lai và sự biến động gia tăng, đồng thời mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới nơi khoảng cách giữa ‘người có năng lượng’ và ‘người không có năng lượng’ ngày càng lớn”.
Người đứng đầu OPEC kêu gọi tiếp tục đầu tư vào ngành dầu mỏ, hôm nay, ngày mai và nhiều thập kỷ tới vì các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu thô rất cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Những dự đoán của OPEC về nhu cầu trong tương lai hoàn toàn trái ngược với dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
IEA mới đây đưa ra cảnh báo rằng thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa dầu lớn trong những năm tới khi sản lượng tăng trong khi nhu cầu chậm lại và cuối cùng đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này. Theo IEA, công suất cung cấp dầu sẽ tăng lên 114 triệu thùng/ngày vào năm 2030, nhiều hơn 8 triệu thùng so với nhu cầu toàn cầu.
10- Liên kết – Đầu tư – Khởi nghiệp
-
Startup Fintech khu vực Đông Nam Á tiếp tục đối diện với khó khăn trong huy động vốn
Theo Báo cáo Thị trường Fintech Đông Nam Á quý 1/2024 của nền tảng thông tin thị trường Tracxn, năm 2023, nguồn vốn tài trợ trong quý đầu tiên của các công ty trong ngành đạt 607 triệu USD, trong khi năm nay là 530 triệu USD. Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm, không ghi nhận bất kỳ công ty Fintech nào trong khu vực phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
5 LÝ DO ĐẰNG SAU SỰ SỤT GIẢM NGUỒN TÀI TRỢ CHO FINTECH ASEAN
Thứ nhất, thế giới đã phải chịu những đợt tăng lãi suất cao trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và tránh suy thoái kinh tế. Ảnh hưởng chính sách điều chỉnh tiền tệ từ các nước khác đã làm tăng chi phí năng lượng và sản xuất tại khu vực.
Thứ hai, hoạt động kinh tế giữa các ngành công nghiệp đã chậm lại, làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và bóp nghẹt thị trường vốn đầu tư.
Thứ ba, những thách thức kinh tế như hiện nay, các nhà đầu tư có xu hướng tài trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chính sách ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Trong khi đó, số lượng công ty theo đuổi ESG có phần khiêm tốn tại khu vực.
Thứ tư, những xung đột gia tăng trong những năm gần đây, bao gồm các cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, Mỹ và Trung Quốc, Israel và Palestine, Yemen cùng nhiều quốc gia khác. Những căng thẳng này đã gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng, gây bất ổn cho thị trường chứng khoán và ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh.
Thứ năm, các cuộc tấn công mạng như ransomware và lừa đảo cũng đang gây nguy hiểm cho các hoạt động và giao dịch Fintech. Các mối đe dọa mất dữ liệu sẽ khiến khách hàng lo ngại về quyền riêng tư khi thực hiện thanh toán kỹ thuật số. Khi người dùng đề cao giao dịch bằng tiền mặt, lĩnh vực fintech mất đi sức hấp dẫn, điều này khiến các nhà đầu tư đắn đo với quyết định tài trợ cho các công ty khởi nghiệp.
-
Doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam
Thời gian qua, dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc nhộn nhịp đổ vào các tỉnh thành phía Bắc Việt Nam, nơi được họ gọi là “đầu rồng”.
Ngày 4/4, Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe năng lượng mới Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery) đã ký hợp đồng liên doanh xây nhà máy tại Thái Bình vốn hơn 800 triệu đô la, công suất 200.000 xe/năm.
Còn nhà sản xuất xe điện 2 bánh Yadea thì đang gấp rút xây nhà máy thứ 2 tại tỉnh Bắc Giang công suất 2 triệu xe máy/năm, gấp 4 lần so với nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2019 ở địa phương này. Dự kiến 30% sản lượng nhà máy mới sẽ xuất đi Philippines, Thái Lan, Malaysia và Lào.
Tại tỉnh Bắc Ninh, với 105 dự án FDI được cấp phép trong quý đầu năm 2024 thì hơn phân nửa (60 dự án) là của nhà đầu tư đến từ đất nước tỉ dân.
Theo tờ South China Morning Post, vấn đề dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Trung Quốc không xuất phát từ năng lực sản xuất, mà bắt nguồn từ nỗ lực mang tính chiến lược nhằm phòng ngừa rủi ro chính trị đang ngày càng gia tăng và giữ chân các khách hàng phương Tây. Tờ này cho rằng nhiều khách hàng nước ngoài ngày càng tỏ ra lo lắng và thận trọng hơn về chuỗi cung ứng, khiến bản thân doanh nghiệp Trung Quốc cần mở rộng chuỗi cung ứng sang nhiều quốc gia khác bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi nhà sản xuất Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng Việt Nam sẽ đối diện với sức ép vô cùng lớn.
Nguồn:https://baomoi.com/doanh-nghiep-trung-quoc-dich-chuyen-chuoi-cung-ung-sang-viet-nam-c49402996.epi
11 – Công nghệ
-
Nhiều công ty Hàn Quốc siết chặt AI
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới vội vàng thiết lập quy định đảm bảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách an toàn song song với giảm thiểu những rủi ro mà mô hình công nghệ đang phát triển nhanh chóng này có thể gây ra, nhiều công ty Hàn Quốc thiết lập biện pháp đáp ứng những nỗ lực toàn cầu nói trên, đồng thời thúc đẩy tính cạnh tranh và sáng tạo.
Naver – tập đoàn Internet lớn nhất của Hàn Quốc có trụ sở ở Seongnam vào ngày 17/6 đã công bố Khuôn khổ An toàn AI (ASF) nhằm đánh giá và quản lý rủi ro mà AI có thể gây ra. Khuôn khổ này coi những rủi ro liên quan đến AI là việc con người mất quyền kiểm soát đối với công nghệ này ở mức độ nghiêm trọng và việc sử dụng AI sai mục đích.
Naver sẽ thường xuyên đánh giá mối đe dọa mà các hệ thống AI của tập đoàn có thể gây ra. Đối với công nghệ AI mới nhất và mạnh mẽ nhất, mang tính tiên phong mà con người có thể còn chưa khám phá hết (frontier AI), công việc đánh giá sẽ được tiến hành định kỳ 3 tháng/lần. Trong trường hợp năng lực của hệ thống AI tăng trưởng gấp hơn 6 lần trong một thời gian ngắn, tập đoàn sẽ tiến hành đánh giá bổ sung. Ngoài ra, Naver cũng sẽ áp dụng mô hình ma trận đánh giá rủi ro để kiểm tra xác suất và nguy cơ xảy ra rủi ro cũng như sử dụng sai mục đích trước khi phân phối mô hình ra thị trường.
Cùng ngày, tập đoàn điện tử Samsung Electronics của Hàn Quốc đã hợp tác với Đại học Quốc gia Seoul để thiết lập một trung tâm nghiên cứu chung về phát triển AI, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Samsung so với các tập đoàn khác cùng lĩnh vực.
Theo đó, bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất TV, điện thoại và đồ gia dụng của Samsung Electronics sẽ hợp tác với chương trình AI liên ngành của đại học trên, triển khai dự án về công nghệ AI tiên tiến trong 3 năm tới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh AI lần thứ hai do Hàn Quốc và Anh đồng tổ chức tại Seoul trung tuần tháng 5 vừa qua, tập đoàn Naver và Samsung Electronics là hai trong số các công ty công nghệ lớn toàn cầu đã cam kết phát triển và sử dụng AI một cách an toàn và có trách nhiệm. Hội nghị cũng đã thông qua “Tuyên bố Seoul” về việc thúc đẩy AI an toàn, đổi mới và toàn diện nhằm giải quyết các thách thức và cơ hội liên quan đến công nghệ đang phát triển nhanh chóng này.
https://cafef.vn/nhieu-cong-ty-han-quoc-siet-chat-ai-188240618084224293.chn
-
Huawei có thể sẽ mở Data Center tại Việt Nam
Tại khu vực Đông Nam Á, Huawei đã xây dựng Data Center tại các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam có thể là quốc gia tiếp theo mà ông lớn này đặt trung tâm dữ liệu.
Tại Hội nghị New Horizon Business Summit 2024 diễn ra các ngày 17-19/6/2024, ông Đào Quang Vinh – Giám đốc Giải pháp Huawei Việt Nam hé lộ công ty này có thể sẽ mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vào một thời điểm phù hợp.
“Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đang rất hứa hẹn, tăng trưởng theo năm. Quá trình số hóa ở Việt Nam đang diễn ra rất mạnh, rất hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tất cả các bên đều nhìn về Việt nam, không chỉ Huawei mà nhiều công ty khác đã có kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng Data Center tại Việt Nam”, ông Vinh chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Vinh cho hay chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu là rất lớn nên nhiều nhà đầu tư đều chờ đến một điểm bứt phá nhất định với có thể đưa ra quyết định.
“Huawei có yêu cầu rất cao về Data Center. Khi đầu tư bất cứ một Data Center nào, chúng tôi cần ít nhất 3 available zone (vùng khả dụng – khu vực chứa trung tâm dữ liệu. Mỗi availability zone có nguồn điện, mạng và kết nối dự phòng và riêng biệt để giảm khả năng hai khu vực bị lỗi đồng thời), nằm ở 3 vị trí khác nhau, cách nhau ít nhất 30 km để đảm bảo tính ổn định. Huawei vẫn đang trong quá trình đánh giá thị trường Việt Nam, khi nhu cầu thị trường đạt đến ngưỡng nhất định, Huawei sẽ mở Data Center”.
Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 10,68% trong giai đoạn 2022 – 2028, tăng từ 561 triệu USD năm 2022 lên 1,037 tỷ USD năm 2028.
Thị trường điện toán đám mây Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á.
https://cafef.vn/huawei-co-the-se-mo-data-center-tai-viet-nam-18824061910084616.chn
12 – Tài chính
-
Phát triển thanh toán xuyên biên giới qua mã QR
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh toán xuyên biên giới là sự mở rộng tất yếu của đổi mới tài chính số nhằm bắt kịp nhu cầu giao dịch, thanh toán của người dân và nền kinh tế. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai tiếp với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN. Việc kết nối này cho phép người dân mỗi nước quét mã QR để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại.
Trong khi đó, theo các tổ chức tín dụng, lợi ích lớn nhất của kênh thanh toán mới này sẽ tạo thuận lợi cho khách hàng khi đi du lịch và công tác ở các quốc gia.
Theo đó, người dân Việt Nam có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên điện thoại thông minh ở nước ngoài, vừa thuận tiện vừa không lo bị mất thẻ, đồng thời cũng giảm thiểu rủi ro gian lận giao dịch khi thực hiện thanh toán. Và trên thực tế, việc thanh toán xuyên biên giới đang được nhiều nước quan tâm và triển khai các chương trình hợp tác.
Như vậy có thể thấy, thanh toán xuyên biên giới qua mã QR đang là một trong những giải pháp tiện lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế, đồng thời, cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường và thu hút khách hàng quốc tế thông qua việc chấp nhận thanh toán qua mã QR từ nhiều quốc gia.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá giải pháp thanh toán xuyên biên giới qua mã QR là một bước tiến mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhằm mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng nội tệ ra toàn khu vực, tháng 8/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kết nối thanh toán khu vực với các Ngân hàng Trung ương ASEAN5, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN5 đã cam kết thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, minh bạch, toàn diện hơn và với chi phí thấp hơn, bảo đảm quyền và lợi ích của người dùng.
Tuy nhiên, giới ngân hàng cũng đánh giá, để làm được điều này, họ phải vượt qua những khó khăn trước mắt, đó là nguồn lực đầu tư, quy chuẩn thanh toán của mỗi nước là khác nhau và cũng thường xuyên thay đổi.
https://baomoi.com/phat-trien-thanh-toan-xuyen-bien-gioi-qua-ma-qr-c49396822.epi