Fast Food bùng nổ, gần 1.100 cửa hàng phủ kín thị trường Việt
Theo báo cáo mới công bố của Q&Me, đơn vị nghiên cứu thị trường thuộc Asia Plus Inc., số lượng cửa hàng của các chuỗi fast food lớn trên cả nước đã tăng mạnh trong năm qua, ghi nhận mức tăng gần 12% so với năm 2024.
Dẫn đầu là hai cái tên quen thuộc Lotteria và Jollibee, lần lượt sở hữu 222 và 213 cửa hàng trên toàn quốc. Cả hai đều có sự tăng trưởng mạnh tại các tỉnh thành ngoài TP.HCM và Hà Nội, cho thấy chiến lược mở rộng ra khu vực tỉnh đang được đẩy mạnh sau nhiều năm tập trung tại các thành phố lớn.
Các chuỗi lớn như KFC vẫn duy trì độ phủ rộng với 172 cửa hàng, gần như chia đều giữa TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh khác. Pizza Hut đạt 118 cửa hàng, cho thấy sức hút ổn định trong nhóm khách hàng trẻ trung và gia đình. The Pizza Company có tổng cộng 74 cửa hàng, chủ yếu tập trung tại các khu vực trung tâm thành phố. Domino’s Pizza và Popeyes cùng ghi nhận 59 cửa hàng.
Một số thương hiệu có quy mô nhỏ hơn cũng đang âm thầm mở rộng. Texas Chicken đã nâng số lượng lên 42 cửa hàng, còn McDonald’s đạt 37 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội.
Theo dự báo từ tổ chức nghiên cứu thị trường IMARC Group, ngành thức ăn nhanh tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 5,65% trong giai đoạn 2024–2032. Động lực chính thúc đẩy thị trường đến từ việc ứng dụng công nghệ ngày càng sâu rộng, bao gồm đặt món qua ứng dụng di động, giao hàng trực tuyến, cũng như máy tự phục vụ (kiosk) tại điểm bán, giúp nâng cao đáng kể trải nghiệm và sự tiện lợi cho người tiêu dùng.
Shein thuê kho hàng 15ha tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm “phân tán rủi ro”
Cho đến nay, Shein vẫn chủ yếu phụ thuộc vào mạng lưới nhà cung ứng tại Trung Quốc để phục vụ khách hàng tại Mỹ và các thị trường lớn khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung vẫn âm ỉ và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hiện hữu, việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam được xem là bước đi chiến lược để phân tán rủi ro.
Nguồn tin chưa được xác thực cho biết Shein đã thuê gần 15ha đất công nghiệp cho một trung tâm kho vận gần TP.HCM. Thậm chí, một nguồn tin khác còn tiết lộ bên cạnh kho hàng này, Shein còn đang có kế hoạch thuê thêm kho chứa hàng khác cũng tại miền Nam. Kho này sẽ dùng để chứa quần áo và hàng may mặc trước khi xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài.
Trước đó, một số nhà cung cấp của Shein tại Trung Quốc chia sẻ với Reuters rằng họ đang mất đơn hàng vào tay các nhà máy tại Việt Nam – nơi nhiều đối tác của Shein đã mở rộng hoạt động sản xuất. Dù vậy, Shein khẳng định không có ý định chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Việc chọn TP.HCM làm cứ điểm hậu cần cũng không phải ngẫu nhiên. TP.HCM có hệ thống logistics phát triển, thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng như từ Việt Nam phân phối sang các quốc gia khác.
Thiên Long Group muốn thâu tóm chuỗi nhà sách Phương Nam
Tập đoàn Thiên Long vừa mới thông báo công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tân Lực Miền Nam (công ty con) sẽ nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của CTCP Văn hóa Phương Nam, tổng cộng gần 8,3 triệu cổ phiếu PNC từ 3 nhóm cổ đông cá nhân. Lượng cổ phiếu này chiếm hơn 75% vốn điều lệ của chủ nhà sách Phương Nam.
Việc thâu tóm PNC được xem là phù hợp với chiến lược của Thiên Long khi tập đoàn này muốn đa dạng hóa thêm kênh phân phối các sản phẩm văn phòng phẩm và đồ chơi, vẫn nằm trong chuỗi giá trị cốt lõi.
Văn hóa Phương Nam được thành lập từ năm 1982 và đang là một trong các chuỗi nhà sách/văn phòng phẩm hàng đầu Việt Nam. Thương hiệu này có gần 50 cửa hàng tại 20 tỉnh thành, khoảng 5 triệu khách hàng.
Trong khi Thiên Long cũng đang xây dựng chuỗi bán lẻ với 12 cửa hàng thuộc thương hiệu CleverBox, Peektoy trên toàn quốc chuyên về cung cấp đồ chơi sáng tạo và quà tặng, hướng đến phân khúc giới trẻ.
Xu hướng tiêu dùng “giảm mua sắm, tăng trải nghiệm” tại EU
Tại châu Âu, vào mùa hè này, xu hướng tiêu dùng “giảm mua sắm đồ đạc, tăng trải nghiệm cá nhân” bắt đầu xuất hiện. Xu hướng này đã có từ vài năm nay và đang phát triển mạnh mẽ tại châu Âu, tới mức làm đảo lộn cơ cấu kinh tế tiêu dùng. Ngành bán lẻ lao dốc do thiếu khách hàng, trong khi ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh trong mảng du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ.
Số liệu thống kê chính thức vừa công bố tại Vienne xác nhận xu hướng giảm mua sắm, tăng trải nghiệm của người Áo.
Tờ Der Standard ra tại nước này tuần rồi có bài “Thương mại tại Áo trì trệ, nhưng chi tiêu cho dịch vụ tăng mạnh”. “242 tỷ Euro là số tiền các gia đình tại Áo đã chi trong năm ngoái’, “Chỉ hơn 1/3 số tiền này được dùng để mua sắm hàng hóa, trong khi có tới 2/3, khoảng 130 tỷ Euro, được chi cho dịch vụ, nhiều hơn 5 tỷ Euro so với năm sát trước đó”. Bài báo viết: “Người tiêu dùng ngày càng chuyển sang giải trí và vui chơi, thay vì các giá trị vật chất. Trải nghiệm quan trọng hơn tích lũy tài sản”.
Hiệp hội bán lẻ tại Áo đã xác định bốn xu hướng chính, được tờ Kurier đăng lại. Thứ nhất là “tiêu dùng phi vật chất, tiêu tiền nhưng không phải để mua thêm vật dụng, giờ đây người tiêu dùng khao khát trải nghiệm hơn là sở hữu sản phẩm”. Thứ hai là “hàng hoá tầm trung đang chết dần. Chỉ có những loại hàng hoá, hoặc giá rẻ sập sàn, hoặc đồ hiệu sang trọng”, mới bán được. Xu hướng này đặc biệt rõ đối với quần áo giày dép và vật dụng gia đình. Xu hướng thứ ba là sự phát triển của bán hàng qua mạng, hiện đang ở mức cao kỷ lục. “12,3% giao dịch mua được thực hiện trên mạng” và hầu hết đó là “hàng hoá từ châu Á”. Và xu hướng thứ tư là khủng hoảng của ngành bán lẻ.
Tài xế công nghệ Indonesia biểu tình, đòi giảm ‘hoa hồng’ xuống 10%
Ngày 20/5, hàng trăm tài xế đã tụ tập trên đường phố thủ đô Jakarta, lái xe máy và vẫy cờ. Trong khi hàng nghìn người ở Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, lái xe đến văn phòng của các ứng dụng gọi xe GoJek và Grab, trước khi tập trung trước văn phòng Thống đốc để yêu cầu giới hạn mức hoa hồng ứng dụng là 10%.
Các tài xế cũng yêu cầu chấm dứt chương trình giảm giá vé và kêu gọi các nhà lập pháp gặp gỡ Hiệp hội Tài xế và các công ty ứng dụng.
Gojek – cùng với Grab của Singapore là một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất châu Á – cho biết họ cam kết “hỗ trợ phúc lợi lâu dài cho các đối tác tài xế”.
Nhưng theo Ade Mulya, người đứng đầu chính sách công của công ty mẹ GoTo của Gojek, việc giảm mức phí hoa hồng 20%, vốn tuân thủ theo quy định, “giảm hoa hồng xuống 10% không phải là giải pháp khả thi, vì mức hoa hồng 20% hiện tại từ giá chuyến đi của khách hàng là cần thiết để tài trợ cho các sáng kiến hỗ trợ trực tiếp cho tính bền vững của hệ sinh thái và thu nhập của tài xế”.
Sau 8 năm cung cấp dịch vụ giao hàng theo yêu cầu, nền tảng Lalamove quyết định tham gia thị trường gọi xe 2 bánh và 4 bánh tại Việt Nam.
Chiều 20/5, Lalamove xác nhận bắt đầu cung cấp dịch vụ chở người bằng xe máy, ôtô 4 chỗ và 7 chỗ tại thị trường Việt Nam. Theo đó, dịch vụ đã được tích hợp trên ứng dụng của công ty. Hiện nền tảng triển khai dịch vụ mới tại TP HCM và cho biết sẽ mở rộng sang các tỉnh thành khác thời gian tới.
Lalamove thành lập tại Hong Kong vào 2013, đã hoạt động tại 14 thị trường ở châu Á, Mỹ Latinh, khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA). Nền tảng đến Việt Nam năm 2017, hoạt động chính tại TP HCM và Hà Nội. Họ cung cấp dịch vụ giao hàng 24/7 cho cá nhân và doanh nghiệp qua ứng dụng.
Trước khi tham gia thị trường gọi xe chở người ở Việt Nam, Lalamove đã triển khai dịch vụ này tại Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia.
Thị trường gọi xe chở người và giao hàng, giao đồ ăn tại Việt Nam còn nhiều triển vọng. Báo cáo “e-Conomy SEA 2024” của Google, Temasek, Bain & Company ước tính quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn ở Việt Nam đạt 4 tỷ USD vào 2024 và có thể đạt 9 tỷ USD năm 2030.
Riêng chở người, quy mô thị trường ước đạt 1,05 tỷ USD năm nay và mở rộng đến 2,56 tỷ USD vào 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 19,5% giai đoạn 2025-2030, theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Ấn Độ)
Bộ Y tế vào cuộc vụ ‘lùm xùm’ quảng cáo sản phẩm Nestlé Milo với Viện Dinh dưỡng
Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng phản ánh trên bao bì của sản phẩm sữa MILO uống liền của Nestlé Việt Nam có dòng chữ: “Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”.
Trước những lùm xùm trên mạng xã hội, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã phát thông cáo báo chí khẳng định Nestlé sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học do Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã thực hiện năm 2022-2023 để truyền thông là chính xác, khách quan và tuân thủ đúng các quy định liên quan.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đơn vị này đã hợp tác với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch NESTLÉ MILO lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”.
Cụ thể, đề tài nghiên cứu được tiến hành từ tháng 6-2022 đến 3-2023 thuộc nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng trên 576 học sinh tiểu học tại Ninh Bình (300 nhóm trẻ ở nhóm can thiệp, 276 ở trẻ nhóm chứng” tại một số trường tiểu học (ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
Kết quả nghiên cứu không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng và trí lực cho học sinh sau 3 tháng nghiên cứu nhưng “góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo” của học sinh tiểu học sau 3 tháng.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH Nestlé Việt Nam rà soát các nội dung truyền thông, quảng cáo sản phẩm thực phẩm. Nếu có bất kỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia mà vi phạm các quy định nêu trên, đề nghị gỡ bỏ ngay.
Liên tục xuất hiện các phiên live chốt đơn hàng trăm tỷ đồng, livestream vào năm 2024 được xem là “mỏ vàng” của thương mại điện tử Việt Nam.
Song, chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, những cái tên như Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs, Thùy Tiên lần lượt vướng vòng lao lý vì quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả.
Cùng lúc đó, Phạm Thoại vướng lùm xùm thiếu minh bạch trong sử dụng tiền từ thiện. Võ Hà Linh thì tố livestream bán hàng phá giá. Những sự việc nối tiếp nhau phơi bày mặt tối của ngành công nghiệp từng được tung hô là “cỗ máy đẻ trứng vàng” trong thời đại số.
Theo chuyên gia và người làm việc trong ngành, sau thời kỳ tăng trưởng chóng mặt, ngành livestream Việt Nam đang bước vào giai đoạn biến đổi về chất. Những vụ việc pháp lý gần đây không chỉ phơi bày lỗ hổng đạo đức trong hoạt động quảng bá mà còn buộc các nền tảng, nhãn hàng và người làm nghề nhìn lại cách vận hành của cả hệ sinh thái.
Livestream không biến mất nhưng sẽ phải thay đổi theo hướng chặt chẽ, có trách nhiệm và minh bạch hơn.
Sau hàng loạt biến động, ngành công nghiệp livestream tại Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Giới chuyên gia nhận định livestream bán hàng chưa hết thời hoàng kim nhưng chắc chắn phải thay đổi về chất.
Vừa qua, pháp luật đã xử lý nghiêm minh các hành vi sai trái trong khi người tiêu dùng quay lưng, kiên quyết không ủng hộ những streamer thiếu đạo đức. Giai đoạn này được xem là thời điểm “thanh lọc” đối với ngành, là tiền đề để thị trường phát triển theo hướng bền vững và chuyên nghiệp hơn.
Startup đua xây “chợ dữ liệu AI”, thị trường cấp phép dữ liệu AI dự báo tăng mạnh
Theo Financial Times, các nhà đầu tư đang đổ tiền vào một loạt startup mới nổi, hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo bán nội dung cho các tập đoàn trí tuệ nhân tạo (AI), trong bối cảnh OpenAI, Meta và Google đang bị giám sát chặt chẽ vì sử dụng tài liệu có bản quyền để huấn luyện các mô hình AI.
Những công ty khởi nghiệp như Pip Labs, Vermillio, Created by Humans, ProRata, Narrativ và Human Native đang phát triển các công cụ và nền tảng chợ trực tuyến, nơi các nhà văn, nhà xuất bản, hãng thu âm và nhà sản xuất phim có thể được trả tiền khi cho phép nội dung của họ được sử dụng để huấn luyện AI.
Vermillio dự đoán thị trường cấp phép AI sẽ tăng trưởng từ khoảng 10 tỷ USD vào năm 2025 lên 67,5 tỷ USD vào năm 2030. Vào tháng 3, Sony Music và DNS Capital đã dẫn đầu vòng gọi vốn mới nhất của Vermillio với số tiền 16 triệu USD.
Ông James Smith, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Human Native có trụ sở tại Anh, cho biết: “Để xây dựng các mô hình AI, bạn cần ba thứ: nhân tài, năng lực tính toán và dữ liệu. Các công ty AI đã chi hàng triệu USD cho hai thứ đầu tiên, và giờ họ mới bắt đầu chi mạnh cho dữ liệu”.
Những thương vụ đầu tư này diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang tăng cường giám sát dữ liệu được sử dụng để huấn luyện các mô hình AI. Vương quốc Anh đang cân nhắc nới lỏng các quy định bản quyền liên quan đến việc huấn luyện AI, trong khi các công ty công nghệ như OpenAI và Google phải đối mặt với các vụ kiện tại Mỹ và các quy định mới tại Liên minh châu Âu (EU) nhằm buộc họ trả nhiều tiền hơn cho nội dung giá trị. Đầu tháng này, Meta đã phải đối mặt với các tác giả tại một tòa án ở Mỹ trong một trong những vụ kiện lớn đầu tiên về việc liệu các công ty AI có nên trả tiền cho dữ liệu huấn luyện có bản quyền bị thu thập từ internet hay không.
Thay vì tìm card đồ họa (VGA) để chơi game, ‘đào’ tiền số như trước, nhiều người dùng cá nhân hiện có mục đích mua về đào tạo AI.
Nhu cầu đào tạo mô hình AI tại nhà đang tăng lên, đặc biệt trong cộng đồng lập trình viên và người đam mê công nghệ. Tuy nhiên, sở hữu card đồ họa đủ mạnh không dễ dàng.
Trên một số hội nhóm mạng xã hội, nhiều người phản ánh tình trạng giá card quá cao so với niêm yết nhưng vẫn khan hiếm, do bị các bên đào tạo AI quy mô lớn thu gom. Một số nói đang chuyển sang giải pháp thay thế là thuê GPU trên nền tảng đám mây. Lựa chọn này giúp họ truy cập tài nguyên phần cứng mạnh từ xa, không cần đầu tư hàng chục triệu đồng vào phần cứng vật lý. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí cộng dồn có thể tăng cao nếu xét về lâu dài.
Ngoài nhóm khách hàng mua card để dạy AI, một số người dùng cũng có nhu cầu nâng cấp phần cứng để chạy các ứng dụng AI đơn giản trên máy tính, dẫn đến tình trạng khan hiếm VGA từ 8 GB trở lên. Ở góc độ khác, theo ông, “game thủ không còn chấp nhận tốc độ hình ảnh ở mức 60 khung hình/giây (fps) như xưa. Họ đòi hỏi 180, 240, thậm chí hơn 500 fps. Màn hình được nâng cấp từ Full HD lên 2K, 4K, làm tăng nhu cầu về VGA dung lượng cao”.
Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số vụ tấn công ‘vét cạn’
Số vụ tấn công vét cạn (brute-force) để dò tìm mật khẩu tại Việt Nam lên đến gần 20 triệu, chiếm 37% toàn khu vực, tiềm ẩn nguy cơ chiếm đoạt tài khoản người dùng.
Theo thống kê được hãng bảo mật Kaspersky công bố, brute-force vẫn là phương thức tấn công phổ biến của tội phạm mạng nhằm xâm nhập vào các doanh nghiệp tại Đông Nam Á (SEA). Hệ thống bảo mật của đơn vị này đã phát hiện và ngăn chặn hơn 53 triệu cuộc brute-force trong khu vực năm 2024.
Brute-force, hay tấn công vét cạn, là phương pháp hacker chạy thử các chuỗi ký tự cho đến khi trúng mật khẩu hoặc khóa bảo mật để truy cập được vào tài khoản. Đây là hình thức đơn giản nhưng nguy hiểm nếu hệ thống không có biện pháp bảo vệ, như giới hạn số lần đăng nhập sai hoặc xác thực hai bước.
Trong năm qua, số vụ tấn công tại Indonesia và Malaysia đều tăng mạnh ở mức hai chữ số. Tổng cộng có 14.662.615 vụ tấn công RDP nhắm vào các doanh nghiệp tại Indonesia năm ngoái, tăng 25% so với con số 11.703.925 vụ năm 2023. Tại Malaysia, số đợt tấn công brute-force cũng tăng 14% lên 3.198.767 vụ. Trong khi đó, Việt Nam xảy ra tới 19,8 triệu vụ, chiếm 37% tổng số trong khu vực.
Nhiều mô hình AI tạo sinh đang ngày càng được cải thiện để dễ dàng “bắt chước” những phong cách nghệ thuật đã tồn tại để tạo ra các hình ảnh mới một cách vô cùng nhanh chóng và hiệu quả. Giới nghệ sĩ sáng tạo lo lắng trước hiện tượng này, vì AI rõ ràng đang tạo ra một mối đe dọa với sáng tạo cá nhân, khi các “tác phẩm” AI vừa có thể cạnh tranh với các nghệ sĩ trên thị trường nghệ thuật, vừa đặt ra nguy cơ giảm sút giá trị sáng tạo cá nhân.
Từ hai năm trở lại đây, các vụ tranh chấp liên quan tới sáng tạo của AI ngày càng nhiều, đặc biệt ở những quốc gia phát triển công nghệ và có ngành công nghiệp giải trí khổng lồ, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức… Đầu năm 2025, 12 đơn kiện OpenAI và Microsoft vì vi phạm quyền tác giả. Ở Pháp, vào tháng 3 năm nay, nhiều tổ chức đại diện cho các tác giả, nghệ sĩ đã đệ đơn kiện Công ty Meta trước Tòa án Paris, yêu cầu Meta đền bù thiệt hại cho việc sử dụng các tác phẩm bảo hộ mà không xin phép, cũng như Meta phải dừng việc sử dụng tác phẩm nói trên để đào tạo AI.
Về phía các công ty chủ sở hữu các chương trình AI tạo sinh, không ngạc nhiên gì khi các ông lớn công nghệ này đang tích cực vận động hành lang để xây dựng một khuôn khổ pháp lý mềm dẻo, có lợi cho việc phát triển AI, như thúc đẩy việc công nhận ngoại lệ sử dụng hợp lý (fair use) để có thể sử dụng tác phẩm bảo hộ một cách tự do nhằm đào tạo AI.
Nhìn chung, có thể nói khuynh hướng hiện nay của các quốc gia là không bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm do AI tạo ra, trừ trường hợp tác giả con người có đóng góp đáng kể trong việc tạo ra tác phẩm đó. Đây có thể nói là giải pháp mềm dẻo và phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Theo khuynh hướng này thì “gánh nặng” sẽ đặt trên vai các thẩm phán – người sẽ phải quyết định ở mức độ nào thì tác phẩm được coi là kết quả của sự hợp tác giữa AI và tác giả con người.
Nhiều doanh nghiệp tích cực triển khai các chiến dịch thể hiện trách nhiệm với cộng đồng
Báo cáo chiến dịch CSR (Corporate Social Responsibility – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) nổi bật mạng xã hội do YouNet Media thực hiện trong nửa cuối năm 2024, cho thấy số lượng chiến dịch CSR tại Việt Nam có 213 chiến dịch CSR từ 193 doanh nghiệp được triển khai, tăng 35,7% chiến dịch so với nửa đầu năm.
Báo cáo cho thấy 70% chiến dịch CSR trong nửa năm qua tập trung vào các vấn đề xã hội nền tảng như giáo dục, sức khỏe, xóa nghèo… Trong đó, nổi bật nhất là sức khỏe cộng đồng với 39 chiến dịch, chiếm hơn 60% lượng thảo luận trên mạng xã hội cho các chiến dịch CSR.
Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này cho thấy các hoạt động CSR của doanh nghiệp đang chú trọng đến vấn đề sức khỏe cộng đồng và ngày càng gắn kết bền vững với diễn biến đời sống của người dân.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, các chiến dịch còn hợp tác với tổ chức uy tín, hướng đến mục tiêu mang lại những hoạt động có giá trị thiết thực như cung cấp dịch vụ y tế miễn phí, tổ chức các chiến dịch phòng chống bệnh tật và kêu gọi hỗ trợ tài chính một cách minh bạch cho cộng đồng trong những thời điểm khó khăn.
Startup Nepal sản xuất gạch sinh thái, có khả năng chống chịu động đất
Sau trận động đất khủng khiếp năm 2015, một doanh nghiệp xã hội Nepal là Build Up đã nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất loại gạch mới. So với gạch nung thông thường, gạch mới giảm khí phát thải 75% và có độ chống chịu tốt hơn trong động đất. Chính phủ Nepal cấp giấy chứng nhận nhằm sử dụng rộng rãi gạch bền vững trong xây dựng.
Các lò gạch ở Nepal thường tập trung quanh Thung lũng Kathmandu, nơi trả lương công nhân rẻ mạt. Họ lên mạng và tìm thấy loại gạch “khối đất nén ổn định” (CSEB) do Viện Công nghệ châu Á tại Bangkok phát triển. Sau khi được đào tạo thực hành tại Viện Trái đất Auroville ở Ấn Độ, họ đã trở về và xây dựng ngôi nhà đầu tiên của Nepal bằng CSEB.
CSEB là loại gạch “sạch” hơn, rẻ hơn so với gạch thông thường 40%. Ít nhất có hai nghiên cứu ở Nepal chứng minh rằng gạch mới có khả năng chống động đất tốt hơn.
BUN sử dụng vật liệu địa phương, gồm 90% bụi đá và 10% xi măng, hoặc 60% cát, 30% đất và 10% xi măng – theo giám đốc quan hệ đối tác Shweta Sijapati. Trong quá trình xây dựng, hỗn hợp xi măng được đưa vào cùng với các thanh gia cố, vào các lỗ được tích hợp vào thiết kế gạch để tạo ra các cấu trúc chắc chắn hơn.
BUN nói thành phần gốc bụi đá giúp giải quyết điểm yếu của CSEB – dễ thấm nước và trở nên mềm hơn khi ướt. BUN hiện đang hợp tác với Đại học Tribhuvan ở Kathmandu để thử nghiệm độ bền của CSEB bụi đá.
Năm 2017, chính phủ Nepal đã đưa những viên gạch này vào quy định xây dựng quốc gia, cấp phép chứng nhận chính thức.
Công ty Mỹ xây nhà máy tái chế polyester và cotton đầu tiên trên thế giới
Circ, công ty tái chế dệt may Mỹ, xây nhà máy tái chế sợi polycotton – loại sợi vốn khó tái chế, được pha trộn giữa polyester và cotton.
Thông tin trên được chính phủ Pháp công bố vào 16/5. Nhà máy tại Saint-Avold, Pháp, có vốn đầu tư 500 triệu USD (khoảng 450 triệu EUR), do công ty tái chế dệt may Circ xây dựng. Khoản vốn trên từ nguồn hỗ trợ của chính phủ Pháp và Liên minh châu Âu (EU), được rót dưới dạng đầu tư cổ phần và cho vay.
Với quy mô xử lý tới 70.000 tấn mỗi năm, đây là nhà máy đầu tiên thu hồi bông (cotton) ở quy mô công nghiệp. Circ sử dụng công nghệ thủy nhiệt để phân hủy polyester mà không làm hỏng bông, sau đó thu hồi cả hai chất liệu này trong cùng một quy trình, và tái sử dụng.
Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động năm 2028, tạo việc làm cho 200 lao động.
Peter Majeranowski, Giám đốc điều hành Circ, nói đây là bước ngoặt cho ngành công nghiệp thời trang. Hiện hầu hết quần áo được sản xuất từ sợi hỗn hợp polyester và cotton, khiến hoạt động tái chế trở nên khó khăn. Trong khi đó, EU hướng tới các nỗ lực tái chế, hình thành nền kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Ngành công nghiệp thời trang chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, sử dụng nhiều năng lượng hơn so với ngành hàng không và vận tải biển cộng lại, theo Liên Hợp Quốc. Ngành công nghiệp này cũng tiêu thụ nước lớn, gây ô nhiễm nguồn nước.
TP HCM định chuyển đổi toàn bộ xe máy công nghệ sang điện
Thông tin tại cuộc họp ngày 17/5, UBND TP HCM cho biết quy mô dự kiến chuyển đổi xe điện cho tài xế công nghệ là khoảng 400.000 chiếc.
Các đơn vị phụ trách đã khảo sát thực địa, xác định nhu cầu triển khai, địa điểm nghỉ ngơi kết hợp với trạm sạc điện cho tài xế công nghệ. Kế hoạch tổng thể sẽ được hoàn thiện trong tháng 6 để lấy ý kiến chuyên gia. Dự kiến, lộ trình thực hiện cụ thể được công bố vào tháng 7.
Đề án này cũng dự kiến đề xuất chính sách thu mua, đổi xe cũ sang xe điện, hạn chế phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch tại trung tâm và huyện Cần Giờ… nhằm kiểm soát khí thải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Sở Xây dựng đang đánh giá tác động và điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo khả thi sau khi TP HCM mới hình thành, gồm Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Xôn xao thông tin sản xuất trứng gà giả ở Việt Nam, Hiệp hội Gia cầm lên tiếng
Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, xác nhận đơn vị vừa gửi văn bản đến các bộ, ngành liên quan kiến nghị xử lý tin đồn thất thiệt về trứng gà giả.
Văn bản nêu thời gian qua một số trang mạng xã hội đã lan truyền thông tin thất thiệt về sản xuất trứng gà giả ở nước ta, gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm.
Hiệp hội này khẳng định đến thời điểm hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học về việc sản xuất được trứng giả có đặc điểm giống trứng gà tự nhiên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Quyết, phó chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết giá thành sản xuất trứng gà công nghiệp tại trại hiện dao động từ 1.100 – 1.400 đồng/quả, nên tính ra chi phí sản xuất trứng giả, nếu có, chắc phải cao hơn trứng thật, sẽ không có hiệu quả về kinh tế.
Sầu riêng Tiền Giang vào vụ dội hàng, đầu ra khó khăn
Hiện nay các vườn cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang bước vào mùa thu hoạch rộ. Tuy nhiên do năng suất thấp, giá cả bấp bênh nên nhà vườn không có lãi.
Ở thời điểm này, trái sầu riêng giống Ri6 (loại 1) giá dao động từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, sầu riêng Monthong (loại 1) giá từ 60.000 – 80.000 đồng/kg. Các loại sầu riêng loại 2 – 3 giá còn sụt giảm xuống từ 10 – 20%. Với mức giá này, người trồng cây sầu riêng không có lãi hoặc lãi rất ít.
Trái sầu riêng giá thấp là do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hạn chế, do khâu kiểm duyệt các chỉ số cadimi, vàng O nghiêm ngặt; trong khi đó vườn sầu riêng khu vực miền Đông cũng vào mùa thu hoạch rộ dẫn đến tình trạng dội hàng. Hiện nay, hầu hết sản lượng trái sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang chủ yếu tiêu thụ nội địa, đưa về bán lưu động tại các vùng nông thôn.
Tiền Giang bị đề xuất “khoanh vùng” vì vi phạm mã số vùng trồng, đóng gói sầu riêng
Tiền Giang chiếm 55/55 mã số vùng trồng, 44/61 cơ sở đóng gói xuất sầu riêng sang Trung Quốc trên toàn quốc bị rút phép.
Theo TPO, ông Vũ Đức Côn – Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk – đã gửi kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Môi trường về nghị định thư xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Trong đó, ông đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật khoanh vùng báo động đỏ và cái thiện quy trình canh tác ở vùng trồng vi phạm như Tiền Giang.
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có khoảng 150.000 ha sầu riêng, nhưng hiện chỉ 20% được cấp mã số vùng trồng và đóng gói. Trước tình trạng vi phạm mã số tại Việt Nam, kể từ tháng 9-2023 Trung Quốc ngừng cấp mới và siết chặt kiểm soát. Tính đến tháng 1-2024, Việt Nam có 708 mã số vùng trồng, 168 mã số cơ sở đóng gói đươc Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Loại sầu riêng mới giá lên tới gần 800.000 đồng/kg gây sốt
Giống sầu riêng Tupai King đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới sành ăn trong và ngoài Malaysia nhờ hương vị độc đáo. Mức giá của loại này lên tới 130 ringgit/kg (tương đương hơn 780.000 đồng/kg), cao nhất hiện nay tại thị trường nội địa.
Ông Eric Yeap, chủ một hệ thống vườn cây ăn trái tại Penang, cho biết Tupai King sở hữu lớp vỏ nâu ánh xanh, hình dáng thuôn dài như quả trứng với phần đầu nhọn đặc trưng.
Phần cơm sầu riêng có màu vàng cam bắt mắt, vị đắng ngọt đặc trưng, độ béo vừa phải cùng mùi thơm đậm, những yếu tố giúp loại trái cây này được người tiêu dùng đánh giá cao.
Tuy nhiên một số nguồn hình ảnh trên mạng lại cho thấy sầu riêng Tupai có màu sắc như mốc xanh, bị hư:
Dự kiến, trong vòng 3-4 năm tới, diện tích trồng và sản lượng Tupai King sẽ được mở rộng quy mô thương mại khi ngày càng có nhiều nhà vườn trên toàn quốc tham gia canh tác giống này.
Ngày 20/5, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho một công ty thuộc Tập đoàn Sun Group mở hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways.
Theo quyết định, nhà đầu tư thực hiện dự án Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways (SPA) là Công ty TNHH Hàng không Mặt trời Phú Quốc, một công ty thuộc Tập đoàn Sun Group.
Hãng hàng không này được thành lập với mô hình kinh doanh vận chuyển hành khách, kết hợp charter (thuê chuyến) phục vụ khách tới các trung tâm du lịch, tài chính của Việt Nam và thế giới.
Dự kiến, quý 4 năm nay, Sun PhuQuoc Airways sẽ khai thác các chuyến bay đầu tiên kết nối Phú Quốc với các trung tâm kinh tế, du lịch trọng điểm trong và ngoài nước.
Cùng với Sun PhuQuoc Airways, Sun Group vẫn vận hành hãng hàng không Sun Air, cung cấp các dịch vụ bay private jet mô hình thuê chuyến dành cho hành khách hạng sang.
Mỹ sắp đánh thuế lên tới hơn 3.500% với tấm pin mặt trời từ 4 nước Đông Nam Á
Ngày 20/5/2025, Ủy ban Thương mại Mỹ (ITC) tiến hành biểu quyết và kết luận rằng tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á, gồm Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, gây tổn hại tới các nhà sản xuất Mỹ.
Theo đó, thuế quan với tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ một số nhà sản xuất Campuchia, có thể lên mức tối đa 3.521%. Nhưng mức thuế quan đối với các quốc gia và nhà sản xuất khác thấp hơn nhiều. Mức thuế quan bình quân là 396% với tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam, 375% đối với Thái Lan và 34% đối với Malaysia.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc tăng thuế quan sẽ làm gia tăng chi phí thiết bị năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á, từ đó gây áp lực lớn tới các công ty phát triển năng lượng tái tạo tại Mỹ.
Phần lớn tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt tại Mỹ được nhập khẩu từ châu Á. Năm 2024, Mỹ nhập khẩu 12,9 tỷ USD tấm pin năng lượng mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, chiếm gần 80% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này, theo dữ liệu từ BloombergNEF.