Xu hướng plant-based lan tỏa đến ngành bao bì thực phẩm
Không chỉ nổi bật trong ngành đạm thay thế, xu hướng plant-based cũng đang dần trở thành một giải pháp đột phá trong ngành bao bì. Cụ thể, ông lớn Tetra Pak đang thử nghiệm một loại màn từ chất xơ để thay thế lớp nhôm thông thường trong bao bì carton vô trùng nhằm giảm lượng khí thải carbon trong khi vẫn duy trì thời hạn sử dụng của thực phẩm bên trong.
Lớp nhôm rất quan trọng trong việc bảo quản thực phẩm trong hộp carton. Mặc dù mỏng hơn tóc người nhưng lớp nhôm lại đóng góp một phần ba lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên quan đến các vật liệu mà Tetra Pak sử dụng.
Do đó, sự đổi mới dựa trên việc ứng dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật đã được ra mắt vào nửa đầu năm 2022. Ông Marco Marchetti, Phó chủ tịch phụ trách Vật liệu đóng gói, Giải pháp Bán hàng và Phân phối, cho biết: ”Kết quả ban đầu cho thấy gói hàng với lớp màn chất xơ sẽ giúp giảm đáng kể carbon dioxide so với các hộp vô trùng truyền thống, cùng với thời hạn sử dụng và đặc tính bảo vệ thực phẩm gần tương đương. Ngoài ra, ý tưởng về các hộp carton có hàm lượng giấy cao hơn cũng rất được các nhà máy giấy ủng hộ. Do đó, ý tưởng mới này cho thấy tiềm năng rõ ràng trong việc hiện thực hóa nền kinh tế phát thải cacbon thấp trong ngành công nghiệp bao bì.
Đối với Tetra Pak, việc thay thế lớp màng nhôm là một ưu tiên vì vật liệu này không thể tái tạo và đòi hỏi các quy trình xử lý phức tạp và đòi hỏi nhiều năng lượng. Hơn nữa, khả năng tái chế trên quy mô lớn của thành phần nhôm từ các thùng carton sau sử dụng còn rất hạn chế, vì vậy cần phải có giải pháp triệt để và hiệu quả hơn.
Lô mẫu các hộp sử dụng 1 lần với màn bọc từ chất xơ đã được thử nghiệm vào đầu năm nay và trở thành một dấu mốc quan trọng trong việc phát triển các thế hệ màn bọc thay thế trong tương lai. Sắp tới, công nghệ này vẫn sẽ được tiếp tục phát triển tại Nhật Bản, và loại bao bì plant-based có thể sẽ sớm được đưa vào sử dụng bởi các thương hiệu ở Đài Loan, Philippines và Châu Đại Dương.
Thịt thực vật đã tạo ra cơn sốt vào năm 2019 sau khi Beyond Meat (Mỹ), công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này, niêm yết cổ phiếu. Nhưng đà tăng trưởng của thịt thực vật bắt đầu suy giảm kể từ năm ngoái. Giờ đây, áp lực giá cả ngày càng tăng đối với người tiêu dùng đã dập tắt mọi hy vọng phục hồi doanh số bán thịt thực vật trong năm nay.
Số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Kantar cho thấy sau khi ghi nhận mức tăng trưởng cao trong hai năm qua ở Anh, doanh số các loại thịt làm từ thực vật chỉ tăng 2,5% trong 36 tuần tính đến đầu tháng 9. Doanh số thịt thực vật ở Anh đã tăng 40% vào năm 2020 và 14% vào năm ngoái.
Trong khi đó, ở Mỹ, bức tranh kinh tế khó khăn hơn cũng làm suy yếu một thị trường vốn đã bắt đầu chững lại vào năm ngoái. Theo nhà cung cấp dữ liệu Spins, doanh số thịt thực vật ở Mỹ đã giảm 0,4% trong 32 tuần tính đến đầu tháng 8, sau khi giảm 0,5% vào năm 2021. Khi thịt thực vật lên cơn sốt vào năm 2020, doanh số bán hàng ở Mỹ tăng trưởng đến 46%.
Mới bán khai trương ở TP.HCM, thịt heo ăn chuối của ‘bầu’ Đức đã ‘cháy hàng’
Ngay trong buổi đầu khai trương, cửa hàng bán thịt heo ăn chuối đầu tiên tại TP.HCM với thương hiệu Bapi Food của “bầu” Đức đã không đủ thịt để bán. Theo ghi nhận, chỉ trong vài giờ khai trương, 2 con heo với cân nặng khoảng 100kg đã được người dân mua hết sạch trong buổi sáng, khiến không ít khách hàng đến sau phải chờ đợt thịt tiếp theo.
Theo đại diện cửa hàng này, trong thời gian đầu khai trương, cửa hàng đang áp dụng giảm giá 15% so với giá bán đang niêm yết. Trước đó, thương hiệu Bapi – Heo ăn chuối và cửa hàng Bapi Mart với sản phẩm chủ lực là thịt heo ăn trái chuối (dạng mát) cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt heo đã được Hoàng Anh Gia Lai khai trương tại Đà Nẵng
1 ông lớn ngành sữa Việt thâu tóm thành công doanh nghiệp Thụy Điển
Ngày 17-9, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood tổ chức lễ đón nhận huân chương Lao động hạng nhì và Công bố đầu tư vào công ty thực phẩm bổ sung Cawells-Thụy Điển. Với thương vụ này, Cawells trở thành một trong ba nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái của NutiFood Sweden.
Theo ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Nutifood, việc đầu tư nắm quyền chi phối tại Cawells giúp công ty có danh mục sản phẩm với hơn 120 loại thực phẩm bổ sung và dinh dưỡng khác nhau. Được biết, các loại thực phẩm bổ sung và và dinh dưỡng của Cawells gồm vitamine và khoáng chất, sản phẩm dành cho trẻ em đến người cao tuổi, sản phẩm cho người luyện tập thể thao.
Mì 3 Miền lên số 1, thách thức các ông lớn trên thị trường như thế nào?
Trước khi thay đổi chủ sở hữu, 3 Miền chỉ là một thương hiệu nhỏ trên thị trường mì ăn liền tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi công ty sở hữu mì 3 Miền thay đổi chủ sở hữu, cục diện bắt đầu có sự thay đổi lớn. Uniben có tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, được thành lập năm 1992 với sản phẩm chính là mì 3 Miền. Giai đoạn này, công ty chủ yếu hoạt động ở khu vực phía Nam và xuất khẩu mì sang thị trường Đông Âu. Bước ngoặt với Việt Hưng đến năm 2009 khi công ty đổi chủ sở hữu, và tên gọi mới là Công ty cổ phần Uniben cũng ra đời 6 năm sau đó.
Từ đây, công ty thay đổi hoàn toàn bộ nhận diện thương hiệu và đầu tư mạnh mẽ vào ngành mì, cụ thể là thương hiệu 3 Miền, để rồi vươn lên trở thành thương hiệu mì ăn liền được người tiêu dùng chọn mua số 1 tại thị trường nông thôn từ năm 2016 (Theo báo cáo Kantar Worldpanel Brand Footprint 2017) và giữ vững cho tới hiện tại.
Kết thúc vụ bánh Trung thu, Kido ‘gặt hái’ doanh thu 200 tỷ đồng
Kết thúc mùa vụ trung thu năm 2022, KIDO mang về doanh thu 200 tỷ, tăng 25% so với năm 2020, lợi nhuận đạt 60 tỷ, tăng 66,7% so với năm 2020. Kết quả này có được nhờ việc KIDO đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng khi quyết định tái xất thương hiệu KIDO’s Bakery. Việc nghiên cứu sản phẩm, chiến lược marketing độc đáo, đặc biệt là sử dụng hiệu quả về lợi thế kênh phân phối với 450.000 điểm bán trên cả nước.
Đây cũng là năm đầu tiên sản phẩm KIDO’s Bakery sản xuất tại nhà máy bánh kẹo của KIDO tại quận 12, TP.HCM. Tháng 10/2021, KIDO chính thức cho ra mắt Thương hiệu bánh tươi KIDO’s Bakery, đánh dấu sự trở lại của KIDO sau 6 năm vắng bóng trên thị trường bánh kẹo.
Trung Nguyên Legend mở cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc
Ngày 21/9, Trung Nguyên Legend khai trương không gian đầu tiên ở nước ngoài tại Trung tâm thương mại Taikoo Hui, Thượng Hải, Trung Quốc. Sau 10 năm xuất khẩu và gần 5 năm mở văn phòng đại diện tại Trung Quốc, Trung Nguyên Legend đã chính thức vận hành cửa hàng đầu tiên. Thiết kế kiến trúc, hình ảnh trưng bày, thực đơn ẩm thực đều mang dấu ấn văn hóa Việt Nam, cũng như bảng hiệu chủ yếu sử dụng tiếng Việt.
Trước đó, báo cáo của doanh nghiệp cho biết từ đầu năm đến nay đã có 800 triệu ly cà phê Trung Nguyên Legend được bán ra tại Trung Quốc. Ước tính trung bình cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra ở thị trường tỷ dân thì có 1 ly cà phê đến từ thương hiệu này.
Trái cây nhập khẩu đang dần tăng thị phần với sự đa dạng về chủng loại, giá cả từ đắt đỏ đến siêu rẻ, đáp ứng đầy đủ các phân khúc khách hàng khác nhau. Trên thị trường bán lẻ, các cửa hàng đơn lẻ hoặc thuộc chuỗi cửa hàng chuyên doanh trái cây cao cấp như Klever Fruit, Farmer Market, Trái cây 141… trước đây thường bán các loại trái cây nhập khẩu gồm nho, cherry, táo… với giá rất cao, từ vài trăm ngàn đồng đến một vài triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, gần đây, các cửa hàng này thường xuyên có chương trình ưu đãi giảm giá với trái cây ngoại. Ông Phạm Văn Băng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tiên Thảo (chuyên phân phối các loại trái cây ngoại), cho biết bộ phận người tiêu dùng có thu nhập khá trở lên tại Việt Nam đang gia tăng và là đối tượng chính tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu. Trái cây nhập từ Mỹ, Hàn Quốc rất được ưa chuộng. Trái cây nhập về Việt Nam theo 2 hình thức: đường biển, nhập theo container đối với những loại sử dụng lâu ngày; đường hàng không, nhập theo thùng gỗ đối với những loại có thời hạn sử dụng ngắn.
Nhiều người dân sẵn sàng trả giá cao để mua rau “an toàn” và “đạt chuẩn VietGAP” bán tại các siêu thị. Nhưng họ không thể ngờ rằng có một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.
Đằng sau câu chuyện nêu trên, có thể nhận ra lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát và quản lý chất lượng của các tiêu chuẩn an toàn trong nước. Giải pháp và lối ra duy nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản sạch chính là sự minh bạch, rõ ràng và hơn hết là giúp người tiêu dùng hiểu rõ và công nhận những cố gắng của mình. Đó là bước đi vô cùng cấp thiết nhất là khi niềm tin của người tiêu dùng đang vô cùng lung lay như lúc này.
Phanh phui rau VietGAP dỏm: Hàng Trung Quốc ‘VietGAP’ vào Bách Hóa Xanh
Với giá khá rẻ, thậm chí chỉ bằng một nửa so với hàng Việt cùng chủng loại, nguồn cung lại dồi dào, nhiều mặt hàng nông sản Trung Quốc được các nhà cung cấp cho thay tên đổi họ, “hô biến” thành nông sản Việt để đưa vào bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi với giá cao như hàng Việt.
Sau Winmart và Tiki, cú sốc mang tên Hàng Trung Quốc “VietGAP” tại Bách Hóa Xanh thực sự đã làm người tiêu dùng rơi vào khủng hoảng niềm tin, và hoang mang về “tiêu chuẩn” của các loại rau củ đang lưu hành trên thị trường.
Cá hilsa trở thành tâm điểm trong quan hệ Ấn Độ-Bangladesh
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đang dùng ‘ngoại giao cá hilsa’ làm cầu nối quan hệ và thể hiện mong muốn cùng san sẻ nguồn nước sông Teesta với Ấn Độ. Ngoại giao cá hilsa của Thủ tướng Hasina đã, đang và dự kiến đạt được những bước tiến lớn. Thậm chí chính sách ngoại giao cá hilsa còn được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả ngang tầm với ngoại giao bóng bàn giữa Mỹ-Trung Quốc và ngoại giao cricket giữa Ấn Độ-Pakistan.
Bangladesh là nơi sản xuất cá hilsa số 1 thế giới và việc xuất khẩu giống cá này sang Ấn Độ giúp họ thu nhiều lợi nhuận. Ước tính, khoảng 86% cá hilsa trên thế giới được đánh bắt tại Bangladesh. Trong năm tài chính 2019-2020, Bangladesh đã thu hoạch được 550 nghìn tấn cá.
PepsiCo dừng sản xuất Pepsi, 7UP và Mountain Dew tại Nga
PepsiCo Inc đã dừng sản xuất Pepsi, 7UP và Mountain Dew tại Nga gần sáu tháng sau khi công ty của Mỹ này cho biết sẽ dừng bán và sản xuất sản phẩm tại Nga.
Thông báo trên được đưa ra khi các sản phẩm Pepsi đóng lon và đóng chai của hãng in ngày sản xuất là tháng Bảy và tháng Tám tại các nhà máy ở Nga được bày bán tại hàng chục siêu thị, cửa hàng bán lẻ và phòng tập gym ở Moscow.
Giới chuyên gia cảnh báo giá ngũ cốc tăng cao trong dài hạn
Xung đột Nga-Ukraine có thể khiến giá ngũ cốc trong dài hạn tăng 7% trong khi những nước khác tăng cường sản xuất ngũ cốc để bù đắp nguồn cung thiếu hụt lại làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là nội dung được đưa ra trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Food ngày 19/9.
Tháng 7 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo xung đột Nga-Ukraine cùng với tác động kéo dài do COVID-19 gây ra đối với thương mại sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa từng có. Dù Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ bảo trợ hồi tháng 7 nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn lo ngại xung đột có thể khiến giá thực phẩm tăng trong nhiều năm tới.
Cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến bữa ăn của người dân châu Âu. Tại Pháp, giá bánh mì đang tăng với tốc độ chưa từng thấy. Giá những chiếc bánh mỳ dài bán tại các cửa hàng trên khắp nước Pháp đã tăng thêm 10 xu, tương đương 2 nghìn VNĐ so với năm ngoái. Mức tăng giá này nghe có vẻ không quá đáng kể, nhưng nếu so với mức tăng tổng cộng chỉ 23 xu trong suốt 20 năm qua, đây thực sự là một cú sốc giá cả.
Ngoài tác động từ giá lúa mì, giá năng lượng tăng đột biến cũng khiến chi phí nướng bánh tăng theo. Các cửa hàng bánh mỳ Pháp sử dụng khí đốt hoặc điện để chạy lò nướng và với việc giá điện liên tục đứng ở mức cao, lợi nhuận của các cửa hàng bánh bị bào mòn. Những chiếc bánh mỳ tại Pháp chỉ là một hình ảnh biểu tưởng cho làn sóng lạm phát đang bao phủ toàn cầu.
Quảng Nam tìm cách ‘kết duyên’ du lịch xanh và văn hóa bản địa
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đồng chủ trì hội thảo “Phát triển du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam” tại Khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hội An vào chiều ngày 16/9.
Hội thảo nhằm thúc đẩy du lịch xanh Quảng Nam với sự ủng hộ của nhà hoạch định chính sách và đồng hành của doanh nghiệp du lịch vì sự phát triển cộng đồng cũng như gợi ý những giải pháp, mô hình và chia sẻ dữ liệu, trải nghiệm du lịch quan trọng để ứng dụng phát triển du lịch xanh trên cơ sở nền tảng văn hóa, nương tựa giá trị bản địa, đặc trưng ở Quảng Nam.
Vận chuyển hàng không đang là một thị trường hấp dẫn đối với các chủ hãng vận tải đường biển. Các công ty vận tải đường biển đang bổ sung việc vận tải hàng hóa bằng đường hàng không vào dịch vụ của họ. Điều này diễn ra trong bối cảnh các khách hàng đang tìm kiếm nhiều hơn một phương án để đưa hàng hóa đi khắp thế giới.
Theo Michael Field, nhà phân tích cổ phiếu cấp cao tại Morningstar, hiện tại không phải là thời điểm tốt nhất để đầu tư vào vận chuyển hàng không. Tuy nhiên, các hãng hoàn toàn có khả năng kiếm tiền lâu dài nhờ cung cấp thêm dịch vụ này cho khách hàng.
Giá nhiên liệu tăng buộc ngành du lịch Indonesia chuyển hướng
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, Chính phủ Indonesia đề ra 3 phương hướng giúp ngành du lịch nước này vượt qua các tác động tiêu cực. Theo Bộ trưởng Sandiaga Uno, để giảm tác động tiêu cực, phương hướng đầu tiên là đưa ra hướng dẫn giúp các thành phần tham gia vào ngành du lịch, kinh tế sáng tạo ở cấp siêu nhỏ, nhỏ và vừa quản lý hoạt động tài chính tốt hơn. Tiếp đó, cần khuyến khích loại hình du lịch theo sở thích có khả năng giảm việc tiêu thụ nhiên liệu xăng dầu, chẳng hạn như du lịch thể thao gồm các cuộc thi chạy bộ, chạy marathon…
Cuối cùng, ngành du lịch và kinh tế sáng tạo cần quan tâm chuyển đổi việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện… Theo đó, các doanh nghiệp kinh tế sáng tạo, gồm doanh nghiệp trong ngành du lịch, có thể cắt giảm chi phí hoạt động bằng cách chuyển sang sử dụng các loại ô tô có động cơ tiêu thụ ít nhiên liệu hoặc thậm chí xe điện.
Bhutan chính thức mở cửa cho du khách: Tăng mạnh thuế du lịch hàng ngày
Trước Bhutan đóng cửa biên giới vào tháng 3 năm 2020 để đối phó với đại dịch Covid-19, du khách đến đây được yêu cầu phải tiêu dùng tối thiểu từ 200-250USD/ngày, tùy thuộc vào thời điểm trong năm. Mức tiền này bao gồm chi phí khách sạn, ăn uống, đi lại, hướng dẫn viên du lịch và Phí phát triển bền vững bắt buộc 65USD. Nhưng vào cuối tháng 6/2022, Bhutan đã thông qua Dự luật Thuế Du lịch mới, dỡ bỏ mức yêu cầu tối thiểu cho chi phí hàng ngày và tăng Phí Phát triển Bền vững từ 65 USD lên 200 USD/người/ngày.
Hội đồng Du lịch Bhutan cho biết khoản phí này sẽ hướng tới việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động trong ngành du lịch, bảo tồn truyền thống văn hóa, bảo vệ môi trường và tạo việc làm với mức lương và điều kiện làm việc công bằng.
Doanh thu từ hàng công nghệ, điện máy không còn như kỳ vọng buộc các nhà bán lẻ phải mở rộng lĩnh vực kinh doanh để tạo đà tăng trưởng mới như Thế giới di động và FPT Retail với các chuỗi cửa hàng ở mảng thực phẩm thiết yếu (Bách Hóa Xanh) và nhà thuốc (chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, Long Châu…)
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đang áp dụng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, khi nhiều chuỗi bán hàng công nghệ như FPT Shop, CellphoneS, Di Động Việt… gần đây không chỉ kinh doanh mặt hàng điện thoại, laptop, máy tính bảng, phụ kiện… mà còn bán kèm hàng điện máy, điện gia dụng, nồi, chảo… Trong khi đó, các hệ thống siêu thị, trung tâm điện máy thì tích hợp kinh doanh nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm, chăn drap, thậm chí cả hàng tiêu dùng như: dầu ăn, nước tương, nước mắm, bột nêm…
Hiện nay, cửa hàng tiện lợi xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn, khu vực đông dân cư, riêng với tỉnh lẻ thì còn tương đối mới mẻ. Những khu vực có hoạt động công nghiệp, quy tụ nhiều người lao động và lưu lượng mua sắm cao, việc trải nghiệm tại các cửa hàng tiện lợi tương đối tiện dụng và tối ưu.
Xu hướng mở rộng mô hình cửa hàng tiện ích đến các tỉnh lẻ, khu công nghiệp góp phần thay đổi tư duy kinh doanh lẫn mua sắm, giúp khu vực này ngày càng văn minh hơn. Đây là mô hình bán lẻ hiệu quả, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bởi khả năng thu hồi vốn và phát triển tốt. Tuy nhiên không phải ai cũng thành công nếu thiếu sự thấu hiểu khách hàng lẫn cam kết chất lượng sản phẩm.
10 sàn thương mại điện tử ‘hút khách’ nhất Việt Nam
Shopee tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng top 10 trang website có lượng truy cập nhiều nhất với 108,6 triệu lượt trong tháng 8/2022. Nền tảng bán hàng này cũng xếp hạng số 1 về mức độ phổ biến trên mạng xã hội. Thông tin này được Hệ thống Giám sát và Phân tích thông tin trên môi trường mạng (Reputa) cho biết trong báo cáo ngành thương mại điện tử tháng 9/2022 vừa công bố.
Về mức độ phổ biến trên mạng xã hội, trong tháng 8/2022, Shoppe xếp hạng số 1 với số điểm cao gấp 2,8 lần so với vị trí thứ 2 của Lazada. Theo sau là thegioididong.com (27,41 điểm), Điện Máy Xanh (27,25 điểm) và Tiki (19,87 điểm).
Dự báo quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt 39 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, nhân lực đang là điểm yếu của thị trường TMĐT nước ta. Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), ngành này đang trong tình cảnh “giật gấu vá vai” vì thiếu nhân lực. Theo báo cáo của Vecom, hiện mới có 30% nhân lực ngành TMĐT trải qua đào tạo chính quy; 55% đến từ các ngành có liên quan gần (như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin); 15% còn lại đến từ các ngành nghề khác.
Theo SCMP, Shopee – sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Đông Nam Á – vừa có một đợt sa thải nhân viên tại thị trường Trung Quốc vào đầu tuần. Trước tình trạng kinh doanh thua lỗ, công ty mẹ Sea Limited tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm nhân sự trên phạm vi toàn cầu.
Tuần trước, CEO Forrest Li tuyên bố ban lãnh đạo cấp cao của Sea sẽ không nhận lương và thắt chặt các chính sách chi tiêu của tập đoàn cho đến khi công ty có thể tự lực về tài chính.
Làng lụa Vạn Phúc: Từ cửa hiệu truyền thống đến bán hàng livestream
Do hai năm Covid-19, việc kinh doanh của làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) gặp nhiều khó khăn vì hầu hết việc mua bán phụ thuộc vào các cửa hiệu bán trực tiếp. Tình hình đang dần đổi thay khi các sản phẩm lụa của làng tìm được hướng đi mới qua thương mại điện tử.
Tuy nhiên, mặt đối ngược của niềm vui và hiệu quả của kinh doanh online cũng đi kèm với nhiều nỗi lo. Theo đó, nhiều cơ sở làm nghề thủ công như làng lụa Vạn Phúc có tâm lý e dè, ngại bán hàng bằng hình thức online vì nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, sự lan tỏa của các thương hiệu nhờ thương mại điện tử càng làm lộ rõ những khó khăn của làng nghề, đặc biệt là việc nguồn lao động địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu hụt.
Evergrande Auto sẽ xuất xưởng ô tô điện Hengchi 5 vào tháng 10 tới
Evergrande Auto – công ty con của Tập đoàn bất động sản Evergrande (Trung Quốc) đã bắt đầu sản xuất xe ô tô điện đầu tiên của hãng tại nhà máy đặt ở thành phố Thiên Tân. Trong thông báo ngày 16/9, Evergrande Auto cho biết xe điện của hãng mang thương hiệu Hengchi 5 và lô hàng đầu tiên dự kiến xuất xưởng và giao cho các đại lý từ tháng 10.
Được thành lập vào năm 2019, Evergrande Auto từng tuyên bố muốn trở thành đối thủ cạnh tranh của Tesla (Mỹ) và quyết tâm trong 3 đến 5 năm trở thành nhà sản xuất xe điện mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, công ty này đang bị tụt hậu về thiết kế và tiếp thị sản phẩm, cùng với những khó khăn về tài chính của tập đoàn đã khiến hãng nhiều lần trì hoãn cho ra mắt dòng xe SUV Hengchi 5.
Giá lithium lập đỉnh mới, giấc mơ xe điện giá rẻ càng thêm xa
Lithium carbonat lập mức giá kỷ lục mới 500,5 nhân dân tệ (71,315 USD)/tấn tại Trung Quốc hôm thứ 6 (16/9), theo dữ liệu từ Asian Metal Inc. Giá của lithium đã tăng gấp hơn 3 lần trong năm ngoái, đẩy giá pin sử dụng cho xe điện lên cao ngất ngưởng. Sang năm 2022, giá lithium tiếp tục tăng do nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất ô tô điện và sự gián đoạn tại trung tâm sản xuất lithium là Trung Quốc.
Pin hiện chính là linh kiện đắt nhất cấu thành nên giá bán của những chiếc ô tô điện, chiếm khoảng 1/3 giá bán. Trong giai đoạn giá lithium tăng mạnh vào năm ngoái và đầu năm nay, hầu hết nhà sản xuất xe điện đều phải tăng mạnh giá bán các mẫu xe của mình.Từ chỗ đặt mục tiêu sản xuất những chiếc xe điện giá 25.000 USD, nhiều nhà sản xuất đã phải đánh giá lại kế hoạch của mình.
Công ty tư vấn Research & Markets dự báo thị trường xe đạp xa xỉ tại Trung Quốc có thể trị giá 16,5 tỷ USD vào năm 2026 khi nhiều người dân sẵn sàng mua những chiếc xe cao cấp từ các hãng sản xuất danh tiếng như Brompton, Giant và Specialized. Nhiều nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc cho biết sự quan tâm của người dân với xe đạp tăng mạnh trong năm qua; doanh số bán xe đạp và phụ tùng cũng tăng mạnh.
Trước “cơn sốt” xe đạp, nhiều hãng sản xuất tại Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu tăng cao từ khách hàng. Hãng sản xuất xe đạp đua Pardus của Trung Quốc cho biết doanh số bán xe đạp đã tăng gấp đôi từ năm ngoái và nhà máy của công ty đang phải vận hành hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Google tái cơ cấu ‘vườn ươm’ ý tưởng, dồn lực vào trí tuệ nhân tạo
Bloomberg cho hay, Google đang cắt giảm ngân sách và thu hẹp quy mô của Area 120, nơi ‘ươm mầm’ và phát triển các dự án mới, để tập trung cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Đại diện Google cho biết, Khu vực 120 “sẽ chuyển trọng tâm sang các dự án AI có tiềm năng giải quyết các vấn đề quan trọng của người dùng”. Do đó, một số dự án sẽ bị đình chỉ để dọn đường cho công việc mới và “các nhân viên bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ tìm dự án và công việc mới tại Google”.
Trước dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế, Google đã khẳng định sẽ siết chặt kỷ luật tài chính. Vào tháng 7, CEO Sundar Pichai nói rằng, công ty có kế hoạch “tập trung tuyển dụng kỹ sư, kỹ thuật viên cùng các vị trí quan trọng khác” trong năm nay và năm tới.
Ứng dụng công nghệ vào giáo dục – Kỷ nguyên học tập mới của châu Á
Sự bùng nổ công nghệ trong ngành giáo dục ở châu Á xảy ra vào thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, đã giúp các công ty edtech (công nghệ giáo dục) đổi mới vai trò của họ. Và ngành công nghiệp này được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng khi nhu cầu về edtech tiếp tục tăng lên, vì nó mở ra cơ hội học tập mới cho cả trẻ em và người lớn.
FPT lãi ròng hơn 3.400 tỷ đồng sau 8 tháng, tăng trưởng 30%
Tập đoàn FPT (mã FPT) công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với mảng xuất khẩu phần mềm tăng trưởng mạnh. Hai thị trường khả quan nhất là Mỹ (tăng 42%) và APAC (tăng 61%). Thị trường Nhật Bản cũng có sự phục hồi đáng kể.
Trong tháng 8, doanh thu thuần của FPT đạt 3.841 tỷ đồng, tăng 35% so với tháng 8 cùng kỳ 2021; lãi trước thuế 739 tỷ, tăng 28%; lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 503 tỷ. Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 27.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.951 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế đạt 4.221 tỷ đồng, tăng gần 28%. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 3.409 tỷ đồng và 3.117 đồng, tăng 29,6% và 29%.
Theo công ty phân tích Momentum Works, 6 thị trường giao đồ ăn dẫn đầu Đông Nam Á chứng kiến tổng giá trị hàng hóa (GMV) lên tới 15,5 tỷ USD vào năm ngoái. Đáng chú ý, Grab đóng góp khoảng 49% con số này. Kế sau đó là Foodpanda (mảng con của nền tảng Delivery Hero đến từ Đức) với 22% thị phần, GoTo Group (công ty mẹ của Gojek tại Indonesia) chiếm 14%. Theo nhóm phân tích Frost & Sullivan, thị trường giao đồ ăn khu vực Đông Nam Á có thể mở rộng tới 49,7 tỷ USD vào năm 2030, gấp 3,3 lần so với năm 2021. Nhu cầu dự kiến tăng tập trung vào hoạt động vận chuyển thực phẩm, quảng cáo và các dịch vụ “ăn theo”.
Sự cạnh tranh gay gắt khiến các ứng dụng giao đồ ăn luôn ở trong tình trạng thua lỗ. Không chỉ Grab, hầu hết ứng dụng hiện nay đều có chiến lược chiếm thị phần thông qua các chiết khấu cũng như ưu đãi bán hàng khác. Do đó, việc cắt giảm chi phí hoạt động luôn được coi là một trong những vấn đề sống còn. Bên cạnh đó, một số ứng dụng còn chịu sự giám sát chống độc quyền sát sao của cơ quan quản lý. Sau cùng, các đối tác tài xế của ứng dụng giao hàng cũng thường xuyên bị phản ánh phải làm việc trong điều kiện không ổn định. Tất cả những điều đều trên đều dẫn đến một câu hỏi lớn về sự phát triển bền vững của ngành này trong tương lai.
Giới chuyên gia khoa học tên lửa Trung Quốc cho biết, nước này dự kiến sẽ đưa nhóm du khách đầu tiên lên khoảng không dưới quỹ đạo vào năm 2025. Mỗi chuyến bay dự kiến có giá từ 2 đến 3 triệu Nhân dân tệ (tức khoảng 6,7 đến 10 tỷ VNĐ).
Trung Quốc dự kiến sẽ cung cấp 3 loại hình du hành vũ trụ, đó là tới thăm trạm Vũ trụ, trải nghiệm đi vào không gian trong một tàu chở hàng và du hành dưới quỹ đạo. Trong đó, du hành dưới quỹ đạo đã hoàn thiện hơn về mặt kỹ thuật so với các loại hình du hành vũ trụ khác và phù hợp với hầu hết mọi người.
Tờ Wall Street Journal vừa dẫn một số nguồn tin cho hay, SoftBank Group Corp. (SoftBank) đang cân nhắc về việc thành lập thêm một quỹ đầu tư khởi nghiệp mới bất chấp việc đang phải gánh các khoản lỗ lớn từ những khoản đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ. Theo đó, tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Tokyo dự định sẽ sử dụng tiền mặt của chính mình để rót cho quỹ Vision Fund thứ 3 nếu quyết tâm triển khai kế hoạch này.
SoftBank cũng cân nhắc về khả năng rót thêm tiền cho quỹ Vision Fund 2 – quỹ đầu tư chính của SoftBank trong vài năm trở lại đây, thay vì thành lập thêm quỹ mới. Vision Fund 2 hiện đang nắm giữ số tài sản ít hơn so với khoản tiền đổ vào nó.
Tận dụng sức mạnh blockchain thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Việt Nam
Trong sự kiện “Harnessing Blockchain for Breakthrough Innovation and Strategic Impact” – “Tận dụng sức mạnh blockchain để thúc đẩy làn sóng đầu tư và đổi mới sáng tạo Việt Nam” do Binance tổ chức tại Station F của Paris (Pháp) mới đây, nhiều chuyên gia blockchain nhìn nhận, kinh tế số là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam. Từ chiến lược đến hành động, Việt Nam đang cho thấy quyết tâm của mình trong việc nắm bắt xu hướng chung của thế giới.
Cụ thể, báo cáo về kinh tế số của Việt Nam đã cho thấy, năm 2021 nền kinh tế số của Việt Nam đã cán mốc 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp hơn 5% vào GDP của đất nước. Năm 2025, Việt Nam dự kiến đạt 57 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng khoảng 29%/năm.
Trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, Việt Nam cũng thu hút nguồn vốn kỷ lục với 1,4 tỷ USD trong năm 2021, so với 451 triệu USD năm 2020. Tổng số thương vụ cũng tăng đáng kể lên 165 vào năm 2021, tăng 57% so với năm 2020. Đáng chú ý, năm 2021 Việt Nam chào đón sự ra đời của hai kỳ lân mới: Sky Mavis với định giá gần 3 tỷ USD và MoMo trị giá hơn 2 tỷ USD.
Số lượng công ty khởi nghiệp công nghệ tại APAC bùng nổ trong năm 2022
Báo cáo mới của KPMG APAC năm 2022, có tiêu đề “Những người khổng lồ mới nổi ở Châu Á Thái Bình Dương”, chỉ ra 100 công ty khởi nghiệp tăng trưởng cao tại 12 lĩnh vực như fintech, công nghệ sinh học, Software-as-a-Service (SaaS), blockchain, healthtech và trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, Đông Nam Á được đánh giá tăng trưởng nhờ sự gia tăng đáng kể của những “người bản xứ kỹ thuật số” trẻ và có học thức cùng những hỗ trợ từ phía chính phủ.
Với hơn 100 công ty khởi nghiệp công nghệ, khu vực APAC đang phát triển nhanh chóng cùng một loạt các ngành công nghiệp đang bùng nổ, không có gì lạ khi Châu Á – Thái Bình Dương được gọi là “động cơ tăng trưởng của thế giới”. Những phát hiện trong báo cáo KPMG APAC 2022 mới nhất củng cố những gì đã rõ ràng: tương lai của khu vực chắc chắn là theo định hướng công nghệ và Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của khu vực này.
Nga sẵn sàng cung cấp miễn phí phân bón cho các quốc gia nghèo
Một lượng lớn phân bón của Nga đang bị giữ lại tại các cảng hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ cung cấp miễn phí 300.000 tấn phân bón hiện nằm tại các cảng của EU, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, cho các quốc gia đang phát triển.
Nông dân Làng hoa Sa Đéc có thu nhập hấp dẫn từ việc bán cây giống
Thời điểm này, nông dân Làng hoa Sa Đéc đang tất bật chuẩn bị xuống giống hoa Tết, đây cũng là thời điểm giúp các hộ trồng và kinh doanh cây giống có thu nhập hấp dẫn.
Những năm gần đây, nhờ được Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp cung ứng nguồn cây giống bố mẹ bằng phương pháp cấy mô nên cây con tạo ra sạch bệnh, an toàn, tỷ lệ hao hụt thấp. Từ đó, nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận tìm đến đặt mua nên người bán có thu nhập khá. Ngoài việc bán cây giống, các hộ này còn hướng dẫn về kỹ thuật trồng cho khách hàng. Trồng và bán cây giống hoa Tết có chi phí đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao nên được nhiều hộ dân tại Làng hoa Sa Đéc rất quan tâm.
Nông dân miền Tây trúng mùa, được giá tôm càng xanh
Nông dân vùng sản xuất lúa – tôm ở các tỉnh như Kiên Giang, Bạc Liêu đang bước vào vụ thu hoạch tôm càng xanh và mừng vì vụ tôm vừa trúng, vừa bán với giá cao. Ông Võ Minh Huy – trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) – cho biết toàn huyện có hơn 13.170 ha tôm càng xanh xen canh cây lúa (vượt kế hoạch thả nuôi hơn 1.000ha) và đã thu hoạch được gần 4.200 ha với năng suất bình quân 400 – 500kg/ha.
“Mô hình sản xuất lúa – tôm đang rất hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua sơ kết của huyện cho thấy mỗi ha sản xuất lúa – tôm, nông dân được lợi nhuận khoảng 86 triệu đồng/ha/năm, trong đó riêng con tôm mang lại lợi nhuận khoảng 47 triệu đồng/ha/năm”, ông Huy nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay đã tăng 8 đợt với lý do giá nguyên liệu tăng mạnh. Đáng chú ý, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới cũng như trong nước đã hạ nhiệt từ hơn 1 tháng qua. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi trong nước đến thời điểm này vẫn không “chịu” hạ nhiệt theo đà giảm giá nguyên liệu.
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, mới chỉ có một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm giá, còn trong rổ thức ăn chăn nuôi có đến hàng chục sản phẩm. Chưa kể, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện còn tồn kho nguồn nguyên liệu giá cao đã nhập từ trước đó, đủ sản xuất đến cuối năm. Bởi vậy, giá thành sản xuất trong vài tháng tới vẫn sẽ cao và cần độ trễ vài tháng để giảm giá sản phẩm.
Động thái áp thuế và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đang khiến thị trường thế giới biến động mạnh. Trong những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9. “Mới đây, Việt Nam và Thái Lan đã cùng nhau thảo luận giải pháp để nâng giá gạo lên, giúp người nông dân có được lợi nhuận. Do đó, động thái áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu của Ấn Độ có thể là cơ hội cho gạo Việt Nam, Thái Lan”, ông Nam nói và cho rằng, trong thời gian tới giá gạo có thể tăng thêm , nông dân có thể phấn khởi sản xuất trong vụ đông xuân 2023.
Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tìm mua gạo Việt
Hiện gạo tại Ấn Độ được chia ra làm 3 nhóm: tấm, Basmati và các loại khác. Ấn Độ hiện đang cấm xuất khẩu gạo tấm, đây là loại gạo chất lượng thấp, thường được xuất khẩu sang Trung Quốc. Các loại gạo khác có gạo trắng và gạo lứt sẽ bị áp mức thuế suất 20%. Chỉ riêng gạo Basmati là không chịu ảnh hưởng gì.
Theo các doanh nghiệp, khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, bên mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Từ 1 tuần nay, nhiều thương nhân Trung Quốc hỏi mua gạo tấm của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Mặc dù chuyên cung cấp gạo trắng thơm, nhưng theo đại diện doanh nghiệp cũng là tín hiệu tích cực nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đón nhận.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để có giải pháp phù hợp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ liên quan nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và có giải pháp ổn định thị trường giá cả lúa gạo trong nước. Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 6263 ngày 21.9 về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và tác động đến việc sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân; kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của các bộ.
Sầu riêng Việt trước cơ hội trở lại mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc
Trung Quốc từng có thời kỳ là thị trường chủ lực của sầu riêng Việt Nam. Sau vài năm vắng bóng, giờ đây sầu riêng Việt đang có cơ hội quay trở lại thị trường khổng lồ này sau khi 51 vùng trồng được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ngày 17/9, chuyến sầu riêng đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam chính thức được đưa sang Trung Quốc.
Bà Dượng Lệ Lệ, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ Youlego Bắc Kinh, là một trong những doanh nghiệp lớn ở Tân Phát Địa đã nhập khẩu các loại hoa quả tươi của Việt Nam từ năm 2013, cho biết sẵn sàng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Lô sầu riêng đầu tiên xuất chính ngạch sang Trung Quốc
Sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, giá sầu riêng đã tăng gấp rưỡi, từ 50.000 đồng lên khoảng 70.000 – 75.000 đồng/kg. Tham gia đợt xuất khẩu đầu tiên này, cả nước có 8 đơn vị, mỗi đơn vị đăng ký xuất khẩu từ 60 – 100 tấn. Ngày 17/9, tại Đắk Lắk, lô sầu riêng đầu tiên của Việt Nam sẽ lên đường, chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tại 1 trong 4 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng chính ngạch của tỉnh Đắk Lắk, những quả sầu riêng ở 23 vùng trồng được cấp mã số đang được chuyên chở về đây để gia công, đóng gói. Quả sầu riêng khi về cơ sở đóng gói còn được phân loại đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đó là: có mã số vùng trồng, trọng lượng khoảng 3 kg mỗi quả và đảm bảo kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi quả sầu riêng cần được dán tem truy xuất nguồn gốc bao gồm tên cơ sở đóng gói, phải được thể hiện bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh để dễ đánh giá.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp tại Tiền Giang, Bến Tre được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trái sầu riêng
Nhiều địa phương, doanh nghiệp ở 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre được cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói để xuất khẩu trái sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là điều kiện để trái sầu riêng nước ta có đầu ra thuận lợi, nhà vườn, doanh nghiệp có thu nhập ổn định.
Việc được phía Trung Quốc cấp mã vùng trồng, mã đóng gói là dấu hiệu tích cực cho trái sầu riêng. Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp, nhà vườn đưa trái cây này xuất khẩu chính ngạch đạt giá trị cao và ổn định. Hiện nay, nhà vườn 2 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang rất phấn khởi, tích cực chăm sóc vườn sầu riêng để đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh Việt Nam phải mất hơn 4 năm đàm phán để có thể đưa trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để giữ được thị trường này, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa và cần tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định tại nghị định thư đã ký kết. Đến nay, dù mới chỉ có 68.000 tấn sầu riêng/năm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khối lượng đăng ký đã là 1,3 triệu tấn. Đây là số lượng lớn, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, mất uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, “cánh cửa” xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc chỉ thật sự mở ra khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để bảo đảm quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Đây là những nền tảng cơ bản nhất để từng bước tạo ra hệ sinh thái chuyên nghiệp và tử tế, cũng như bắt đầu theo đuổi tư duy xây dựng thương hiệu cho cả nền nông sản Việt.
Khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu vẫn là Trung Quốc, chiếm 44,1% thị phần. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 967,5 triệu USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ. Trái ngược với thị trường Tung Quốc, trong 8 tháng đầu 2022, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… tăng trưởng tốt, bù đắp một phần mức giảm tại thị trường Trung Quốc, đồng thời góp phần làm chậm lại tốc độ suy giảm xuất khẩu của ngành hàng rau quả.
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 8, giá xuất khẩu trung bình cà phê của Việt Nam tăng tháng thứ 3 liên tiếp, lên mức 2.365 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng, giá xuất khẩu trung bình cà phê của Việt Nam đạt mức 2.271 USD/tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ 18/9 đến nay, giá cà phê trong nước đi ngang. Theo nhận định của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), nguyên nhân là do nhiều địa phương trong nước chưa đến vụ mới, tồn kho ít. Trước đó, giá cà phê thu mua trong nước và xuất khẩu liên tục tăng mạnh, có thời điểm tiến sát tới mức kỷ lục 50.000 đồng/kg. Điều này thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng cao. Theo MXV, ngày 21/9, giá thua mua cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ ổn định, dao động khoảng 46.900 – 47.500 đồng/kg.
Dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh năm 2022 tăng 30%
Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Anh đạt 47 triệu USD tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh chiếm 79%, cá tra chế biến chiếm 17%, còn lại là cá tra nguyên con chiếm 4%. Lạm phát tại Anh ở mức cao kỷ lục 40 năm và gần như cao nhất ở các nước châu Âu, nên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm có giá cao bị hạn chế. Do vậy, xuất khẩu tôm, cá ngừ và một số loài cá biển sang Anh giảm mạnh
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được tăng trưởng vì cá tra có giá vừa phải, hơn nữa Anh bị thiếu cá thịt trắng do lệnh cấm thuỷ sản từ Nga, nên cá tra trở thành loài cá thay thế trên thị trường Anh, đặc biệt là các sản phẩm fish & chip phổ biến của nước này.
Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo tiếp tục áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với cá tra, cá basa Việt Nam với mức thuế toàn quốc là 2,39 USD/kg khiến không ít người lo lắng sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 16-9, một cán bộ Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương cho biết thông tin Mỹ tiếp tục áp thuế CBPG đối với cá tra, cá basa Việt Nam chỉ là một thông báo “thường niên”, còn hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ của các DN Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, thậm chí tăng trưởng tốt trong năm nay. “Mỹ đã áp thuế CBPG cho cá tra, cá basa Việt Nam từ năm 2003 đến nay nhưng nhiều DN sản xuất, xuất khẩu cá tra, cá basa lớn của Việt Nam vẫn duy trì được mức thuế CBPG 0 USD/kg qua các kỳ rà soát để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này”
Cá tra Việt sang Mỹ giá 5 USD/kg, cao nhất từ đầu năm đến nay
Trong 8 tháng đầu năm 2022, sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh chiếm 87% giá trị xuất khẩu (XK) cá tra sang Mỹ, trong thời gian này Việt Nam XK hơn 90.000 tấn cá tra phi-lê đông lạnh sang Mỹ với giá trung bình trong tháng 8 đạt mức 5 USD/kg, cao nhất kể từ đầu năm.
Theo VASEP, tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 7,6 tỷ USD, tăng khoảng 36,2% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, XK cá tra đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng gần 81%. Mỹ hiện là thị trường lớn thứ hai (sau Trung Quốc) của XK cá tra Việt Nam. Mặc dù bị áp thuế từ năm 2003 đến nay, nhiều doanh nghiệp cá tra lớn của Việt Nam vẫn duy trì được mức thuế CBPG 0 USD/kg qua các kỳ rà soát để tiếp tục XK sang thị trường Mỹ.
Xuất khẩu thuỷ sản ‘lội ngược dòng’ đón đơn hàng cuối năm
Nhìn vào bức tranh chung, ngành thuỷ sản đang đón nhận những dấu hiệu tích cực. Nếu như tháng trước, xuất khẩu thuỷ sản giảm tốc, nhu cầu từ các thị trường chững lại thì tháng này, đơn hàng đã dần hồi phục, doanh nghiệp cũng chủ động sản xuất theo diễn biến thị trường. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Nga tăng tới 98% so với tháng trước. Thị trường Trung Quốc có thể là điểm sáng trong quý 4 khi quốc gia này có dấu hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bước vào tháng 9, nguồn cung nguyên liệu đã không chịu biến động lớn do tác động tích cực từ giá xăng dầu giảm. Nhu cầu tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho. Nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, EU… sẽ tăng từ tháng 10 để phục vụ mùa lễ hội. Doanh nghiệp đang chủ động đầu tư chế biến sâu, đa dạng thị trường, nâng cao giá trị, ổn định việc làm cho người lao động.
Canada kết luận cuối cùng về thuế chống bán phá giá với ống thép dẫn dầu Việt Nam
Bộ Công Thương cho biết, Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) vừa ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra rà soát thuế chống bán phá giá với ống thép dẫn dầu (Oil country tubular goods – OCTG) nhập khẩu từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Theo kết luận cuối cùng, ngoại trừ một số công ty Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ và Hàn Quốc cung cấp thêm thông tin trong quá trình rà soát và được hưởng mức thuế riêng rẽ, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho tất cả các nhà xuất khẩu OCTG còn lại; trong đó, có Việt Nam là 37,4%.
Châu Âu tìm nhiên liệu cho mùa đông, cơ hội của viên nén gỗ Việt
Việc giảm nhập khí đốt từ Nga và hạn chế về nguồn cung than buộc châu Âu (EU) phải tìm nhiên liệu thay thế. Điều này đang tạo cơ hội cho sản phẩm mới như nhiên liệu sinh khối, trong đó có viên nén gỗ Việt Nam sang EU. Viên nén gỗ được coi là một dạng năng lượng tái tạo trung tính carbon. Vì vậy, các nhà máy điện có thể chuyển đổi hệ thống sử dụng nhiên liệu than sang hệ thống đốt viên nén hoặc đồng thời sử dụng cả than và viên gỗ nén làm nguyên liệu.
Viên nén gỗ cũng được sử dụng quy mô lớn trong công nghiệp để tăng cường giá trị nhiệt của chất thải và làm giảm lượng phát thải ô nhiễm. Đối với sinh hoạt, người dân châu Âu có thể sử dụng viên nén gỗ trong các lò sưởi nhỏ và hệ thống cung cấp nước nóng để thay thế cho lò sưởi bằng điện hay khí đốt.
Không gia hạn biện pháp tự vệ với phân bón DAP, MAP nhập khẩu
Bộ Công Thương quyết định không gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu từ ngày 7/9/2022. Như vậy, sau 5 năm áp thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, từ sau ngày 6/9, thuế phòng vệ thương mại với phân bón DAP, MAP về 0%.