Giá dứa tăng mạnh, nông dân lãi lớn

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Châu Âu kêu gọi loại bỏ lươn khỏi thực đơn
Lươn là một loại thực phẩm phổ biến ở Việt Nam. Trước kia lươn chủ yếu chỉ được khai thác ngoài tự nhiên. Còn ngày nay, lươn được nuôi nhân tạo và trở thành một nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng theo tờ The Guardian (Anh), tại châu Âu, loài vật trông giống rắn này đang bị đe dọa từ những kẻ buôn lậu, khủng hoảng khí hậu và sự “thèm khát” các món ăn truyền thống của người dân châu lục này.
Khoảng 5.500 tấn lươn được khai thác bởi các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên khắp châu Âu hàng năm để đáp ứng nhu cầu từ thị trường châu Âu, cộng thêm hơn 1.000 tấn được đánh bắt trong tự nhiên mỗi năm. Margreet van Vilsteren – một trong những người sáng lập công ty thủy sản Good Fish có trụ sở tại Hà Lan – cho biết, vẫn còn nhiều điều chưa được nghiên cứu về vòng đời của lươn, buộc các hoạt động nuôi trồng thủy sản phải hoàn toàn dựa vào việc đánh bắt lươn con trong tự nhiên.
Van Vilsteren cũng chỉ ra rằng, hoạt động đánh bắt chỉ là một trong nhiều yếu tố đã đẩy lươn đến bờ vực tuyệt chủng. Mê cung của các con đập, âu thuyền và nhà máy thủy điện được xây dựng dọc theo các tuyến đường thủy đã phá hủy môi trường sống của lươn, làm trầm trọng thêm những thiệt hại dường như do biến đổi khí hậu, ký sinh trùng và các chất ô nhiễm gây ra. Tờ The Guardian ước tính có khoảng 100 tấn lươn con được buôn lậu ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm – thường được giấu trong vali và kéo qua các sân bay – khi tội phạm có tổ chức tìm cách né tránh lệnh cấm buôn bán lươn châu Âu ra bên ngoài EU năm 2010. Lợi nhuận bất hợp pháp có thể lên tới 3 tỷ euro/năm, được thúc đẩy bởi nhu cầu cao ở châu Á và các lựa chọn toàn cầu đang suy giảm, vì lươn Mỹ và Nhật Bản cũng được liệt vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/mot-loai-thuc-pham-pho-bien-o-viet-nam-sinh-vat-song-bi-buon-ban-nhieu-nhat-tren-hanh-tinh-duoc-keu-goi-loai-bo-khoi-thuc-don-cua-nguoi-chau-au-20230316143928469.htm
2. Starbucks tìm cách trụ lại sau 10 năm hiện diện tại Việt Nam
Cà phê là đặc sản địa phương ở Việt Nam, nơi có nhiều quán cà phê hơn hầu hết mọi nơi trên trái đất. Vì vậy, khi Starbucks gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2013, hãng cũng được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện bên cạnh những tên tuổi khác như McDonald’s và Subway, những thương hiệu của nước Mỹ cũng ra mắt vào những năm 2010. Starbucks sẽ đánh dấu 10 năm hoạt động tại Việt Nam bằng cách mở địa điểm thứ 100 nhưng từ chối cho biết khả năng có lãi khi kinh doanh tại thị trường này hay không. Trong khi Việt Nam có thị trường cà phê lớn nhất ở Đông Nam Á về giá trị và số lượng cửa hàng, thì chỉ có 0,9 cửa hàng Starbucks trên 1 triệu dân – con số thấp nhất trong 6 nền kinh tế lớn trong khu vực.
Giá cả là một trong ba yếu tố giải thích khả năng duy trì thị phần của các quán cà phê địa phương cạnh tranh với Starbucks trong thị trường trị giá 1 tỷ USD của Việt Nam. Hương vị và văn hóa uống cà phê khác biệt là hai yếu tố còn lại. Starbucks bán một tách cà phê arabica với mức giá đến 5USD, thường được trộn với xi-rô, trong khi các đối thủ cạnh tranh bán các loại cà phê thay thế, từ cà phê đặc biệt đến cà phê robusta 1 đô la. Loại cà phê vối này có xu hướng đắng hơn, nhưng cũng rẻ hơn và có hàm lượng caffein cao hơn so với các loại cà phê arabica.
Trong số những thương hiệu quốc tế đến sớm, Coffee Bean & Tea Leaf hiện chỉ có 15 cửa hàng sau khoảng 15 năm hiện diện, trong khi Gloria Jeans đã rời Việt Nam vào năm 2017, mặc dù thương hiệu này đang cố gắng quay trở lại. Chủ tịch Starbucks Châu Á Thái Bình Dương Emmy Kan cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện một cách tiếp cận thận trọng và phù hợp với địa phương để thúc đẩy tăng trưởng bền vững”. Euromonitor cho biết Việt Nam có ít hơn 90 cửa hàng Starbucks, trong khi Singapore, thị trường nhỏ tiếp theo trong khu vực cũng có 146 cửa hàng.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/tieu-dung/starbucks-tim-cach-tru-lai-sau-10-nam-hien-dien-tai-viet-nam-1091434.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Triển vọng ảm đạm của EU về du lịch khi khách Trung Quốc thờ ơ
Theo công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, lượng đặt vé ra nước ngoài của người Trung Quốc đến châu Âu trong tháng 3 và tháng 8 năm nay chỉ bằng 32% so với mức trước đại dịch. Trước đại dịch, khách du lịch Trung Quốc chiếm 10% số lượt lưu trú của khách du lịch ngoài EU ở châu Âu, với thị trường tăng trưởng 350% trong thập kỷ tính đến năm 2019, do sở thích đặc biệt dành cho mua sắm sang trọng và ăn uống cao cấp.
Do các hạn chế về thị thực, thời gian chờ đợi cấp hộ chiếu dài và vé máy bay hạn chế đến châu Âu, trong một số trường hợp đắt hơn 80% so với trước đại dịch, khách du lịch Trung Quốc đang hướng đến những nơi nghỉ dưỡng gần hơn. Do đó, họ đang dùng số tiền tiết kiệm khó khăn mới kiếm được trong đại dịch đến những nơi như Hong Kong (Trung Quốc), nơi lượng khách đến đã tăng 1.400% trong hai tháng qua, hoặc Thái Lan và Ma Cao (Trung Quốc).
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/trien-vong-am-dam-cua-eu-ve-du-lich-khi-khach-trung-quoc-tho-o-20230320175514183.htm
2. Tour du lịch Trung Quốc giá rẻ hết chỗ sau ít ngày mở bán
Ngay từ ngày đầu tiên Trung Quốc mở cửa cho khách du lịch đi theo đoàn tham quan Việt Nam và ngược lại, nhiều công ty lữ hành trong nước đồng loạt chào bán các sản phẩm tour du lịch với giá hấp dẫn. Nhiều tour đã hết chỗ chỉ sau ít ngày mở bán. Anh Quốc Huy, nhân viên công ty du lịch cho biết, 2 tour đi Phượng Hoàng cổ trấn 6 ngày 5 đêm khởi hành ngày 19 và 24/4 đã bán hết sạch chỗ với mức giá dao động 6,9 – 7,9 triệu đồng/người. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên một đại lý bán tour du lịch tại Hà Nội cho biết, những ngày gần đây, lượng khách du lịch liên hệ hỏi giá các tour du lịch Trung Quốc tăng mạnh. Theo đó, một số lịch trình được du khách quan tâm là các điểm đến gần, với chi phí thấp.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận định, việc Trung Quốc mở cửa du lịch đối với Việt Nam là tín hiệu quan trọng để ngành du lịch phục hồi. Hiện nay, doanh nghiệp lữ hành hai nước đang khẩn trương lên kế hoạch chào bán nhiều tour du lịch hơn nữa để thu hút khách quay trở lại.
Nguồn: https://vtc.vn/tour-du-lich-trung-quoc-gia-re-het-cho-sau-it-ngay-mo-ban-ar749287.html
3. Hàng không Hàn Quốc tăng chuyến đến Việt Nam
Việt Nam đang là điểm đến được yêu thích thứ hai tại Hàn Quốc, chỉ sau Nhật Bản. Vì vậy, các hãng hàng không ở xứ sở kim chi đều muốn tăng cường chuyến bay đến nước ta. Cụ thể, Jeju Air – hãng hàng không giá rẻ lớn nhất của Hàn Quốc – sẽ nối lại các chuyến bay hàng ngày giữa Incheon và Hà Nội/ TP.HCM từ ngày 20/4. Các chuyến bay này đã bị đình chỉ kể từ tháng 3/2020 vì đại dịch Covid-19.
Các hãng hàng không của Hàn Quốc là Korean Air Lines và Asiana Airlines cũng chuẩn bị tăng tần suất các chuyến bay đến Việt Nam. Hãng hàng không quốc gia Korean Air Lines đang có kế hoạch bổ sung thêm nhiều chuyến bay trong tháng tới. Các chuyến bay giữa Incheon – TP.HCM tăng từ 18 chuyến hàng tuần hiện tại lên 21 chuyến, Incheon – Đà Nẵng tăng từ 11 chuyến lên 14 chuyến. Asiana Airlines đã tăng các chuyến bay từ Incheon đến Đà Nẵng lên 7 chuyến một tuần vào ngày 10/3. Ngoài ra, hãng đang lên kế hoạch tăng từ 10 lên 12 chuyến bay mỗi tuần đến Hà Nội vào tháng 5.
Nguồn: https://zingnews.vn/hang-khong-han-quoc-tang-chuyen-den-viet-nam-post1412848.html

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Tăng giá dịch vụ taxi tại sân bay: trăm dâu đổ đầu… hành khách
Mới đây, ngày 14-3, Công ty CP Đầu tư TCP (gọi tắt là TCP, chủ đầu tư nhà để xe TCP tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) có thông báo đến 7 doanh nghiệp taxi hoạt động tại sân bay về giá dịch vụ dành cho taxi truyền thống tại nhà để xe ga quốc nội, mức thu từ 5.000-15.000 đồng/lượt, áp dụng từ ngày 1-4. Theo thông báo này, TCP sẽ dừng hợp đồng thuê vị trí đậu xe tại bãi đậu ôtô ngoài trời và thực hiện sắp xếp số lượng vị trí đậu xe căn cứ vào danh sách xe đăng ký kinh doanh vận tải tại sân bay Tân Sơn Nhất của các hãng taxi. Cụ thể, các taxi vào nhà để xe TCP qua trạm 1 dừng lại lấy thẻ kiểm soát và ra khỏi nhà xe để xe qua trạm 3 vào làn C đón khách phải đóng phí dịch vụ 5.000 đồng/lượt. Trường hợp taxi vào đón khách tại làn D trong nhà để xe thì giá dịch vụ 15.000 đồng/lượt, áp dụng trong 30 phút đầu tiên, nếu đậu xe trên 30 phút tính giá dịch vụ cho thời gian đậu tiếp theo theo quy định của nhà xe.
Ngay sau khi nhận được thông báo của TCP, Hiệp hội Taxi TP HCM đã có văn bản kiến nghị TCP giữ nguyên phương án bãi đệm đậu taxi ngoài trời để xe như hiện tại, không áp dụng phương án mới. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, nhận định với phương án này, các hãng taxi phải trả phí theo lượt xe, thực hiện các thủ tục nhận thẻ, kiểm soát thẻ khá nhiêu khê và mất thêm thời gian mỗi khi xe vào sân bay đón khách. Việc áp dụng mức giá theo lượt sẽ làm tăng chi phí rất nhiều lần so với hợp đồng thuê vị trí đậu xe hiện tại, gây khó khăn cho các hãng taxi đón khách tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Mặt khác, các khoản phí này hành khách sẽ chịu, tạo thêm gánh nặng cho hành khách.
Nguồn: https://nld.com.vn/ban-doc/tang-gia-dich-vu-taxi-tai-san-bay-tram-dau-do-dau-hanh-khach-20230317221328209.htm
2. Đề xuất hỗ trợ đầu tư, chuyển đổi taxi điện tại Hà Nội
Chiều 21/3 Hiệp hội taxi Hà Nội đã tổ chức họp với trên 50 doanh nghiệp (DN) thành viên. Tại đây, các DN taxi tại Hà Nội thống nhất, đề xuất thành phố Hà Nội, Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách cho hoạt động và mua, nhập khẩu ô tô điện dưới 9 chỗ. Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, với xu thế phát triển của toàn cầu là ưu tiên sử dụng phương tiện sạch nhiên liệu sạch để giảm ô nhiễm môi trường, do vậy cuộc họp chiều 21/3 thảo luận về vấn đề áp dụng và thử nghiệm xe điện để hướng đến chuyển đổi xe chạy dầu sang chạy động cơ điện.
Sau buổi họp, Hiệp hội Taxi Hà Nội sẽ đi khảo sát, làm việc với các DN cung cấp xe điện có tên tuổi ở trong và ngoài nước để nắm bắt thêm thực tế. Sau đó, hiệp hội sẽ hoàn thành văn bản kiến nghị gửi lên UBND thành phố Hà Nội, các bộ ngành và Chính phủ.
Nguồn: https://tienphong.vn/de-xuat-ho-tro-dau-tu-chuyen-doi-taxi-dien-tai-ha-noi-post1519452.tpo

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Nhiều quốc gia đẩy mạnh quảng bá trái cây, rau củ… đến khách Việt qua kênh siêu thị MM
Ngày 17-3, MM Mega Market Việt Nam (MM) chính thức khai mạc Tuần lễ Ẩm thực “Vị ngon xứ Hàn – Taste of Korea” tại Trung tâm MM An Phú, với sự hiện diện của Lãnh sự phụ trách về chính sách nông nghiệp Hàn Quốc – bà Kim Mi Yeon và Trưởng chi nhánh Văn phòng đại diện aT Center tại TP HCM. Lễ hội ẩm thực “Vị ngon xứ Hàn” của MM Mega Market quy tụ gần 200 sản phẩm đặc trưng, đậm nét ẩm thực Hàn Quốc như nông sản tươi ngon (trái cây, rau củ), gia vị , đồ uống Hàn Quốc và đa dạng các loại mì gói, kim chi … đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Koreno, Ottogi, Jinro, Chumchurum, Korice, O’food, Haechandle.
Ông Bruno Jousselin,Tổng Giám đốc điều hành MM cho biết MM sở hữu nguồn thực phẩm đa dạng và luôn bảo đảm chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới. Trong hơn 1 năm qua, MM đã liên tục làm việc với Tổng lãnh sự và Tham tán thương mại của các nước để có thể tổ chức đều đặn hàng tháng chương trình Taste of Country. “Có thể nói sự kiện Taste of Country năm qua đã rất thành công cả về khách hàng hộ gia đình và khách hàng doanh nghiệp. Họ tỏ ra rất thích thú đối với các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao, giàu dinh dưỡng từ Hàn Quốc, Pháp, Ý…“ – ông Bruno Jousselin chia sẻ. Thông tin từ MM, dự kiến trong năm 2023 này sẽ có ít nhất 10 chương trình Taste of Country được tổ chức.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nhieu-quoc-gia-day-manh-quang-ba-trai-cay-rau-cu-den-khach-viet-2023031714324639.htm
2. Nỗ lực lấy lòng khách Việt của các nhà bán lẻ Nhật
Trong bài đăng mới đây trên Facebook, MUJI – thương hiệu bán lẻ Nhật Bản về phong cách sống giới thiệu dòng sản phẩm “áo mưa riêng cho Việt Nam”, “được tạo thành từ việc tìm hiểu cuộc sống địa phương”. Nỗ lực “địa phương hóa” cả đầu vào lẫn đầu ra là định hướng được ông Tetsuya Nagaiwa – Tổng Giám đốc MUJI Việt Nam chia sẻ gần đây. Trước đó vào tháng 12/2022, để đánh dấu 3 năm gia nhập thị trường Việt Nam, thương hiệu bán lẻ thời trang đến từ Nhật Bản Uniqlo đã cho ra mắt bộ sưu tập sản phẩm được thiết kế nhằm tôn vinh những dấu ấn đặc trưng trong văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, Uniqlo còn chung tay cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao tổ chức Phiên Chợ Xanh Tử Tế tại cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi, nhằm mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và người nông dân địa phương, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Song song với những hoạt động kể trên, cả MUJI và Uniqlo đều đang tích cực mở rộng mặt bằng kinh doanh tại Việt Nam. MUJI vừa khai trương cửa hàng thứ 5 ở TTTM Vincom Thảo Điền (TP. HCM) và dự kiến mở cửa hàng thứ 6 ở AEON Mall Hà Đông (Hà Nội). Ngoài ra, một “ông lớn” bán lẻ khác của Nhật tại thị trường Việt Nam là AEON cũng đang nỗ lực mở rộng. Tháng trước, dự án AEON Mall Huế chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư gần 170 triệu USD, tổng diện tích mặt bằng hơn 86.000 m2. Đây là AEON Mall thứ 7 tại Việt Nam và là TTTM đầu tiên của AEON tại miền Trung.
Theo kết quả khảo sát được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện năm 2022, 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN và xét theo khu vực chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh. Kế hoạch của các doanh nghiệp Nhật Bản được cho là xuất phát từ kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam.
Nguồn: https://markettimes.vn/no-luc-lay-long-khach-viet-cua-cac-nha-ban-le-nhat-muji-ban-ao-mua-tien-dung-khi-di-xe-may-uniqlo-dua-thuong-hieu-viet-len-ao-phong-20485.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. LV, Gucci vạ lây vì khủng hoảng ngành ngân hàng
Theo Bloomberg, khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng những tuần qua bắt đầu từ Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ và đã lan sang Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ. Thị trường sợ hãi, còn giới quan sát lo ngại rắc rối sẽ không dừng lại. Đó không phải tin vui với ngành công nghiệp xa xỉ châu Âu, dẫn đầu là gã khổng lồ LVMH. Người tiêu dùng châu Âu và Mỹ đang chịu áp lực vì triển vọng ảm đạm của ngành ngân hàng, và chưa có gì đảm bảo khách hàng Trung Quốc sẽ “mua sắm trả thù” sau 3 năm đối phó với đại dịch.
Ngành công nghiệp xa xỉ thường hoạt động tốt khi các khách hàng cảm thấy lạc quan về tài chính và tương lai. Nhưng các cú sốc kinh tế sẽ giáng đòn lớn vào lĩnh vực này. Nguy cơ mất việc làm trong lĩnh vực tài chính và làn sóng sa thải của ngành công nghệ khiến tương lai của tầng lớp trung lưu toàn cầu trở nên bấp bênh. Điều nguy hiểm là tâm lý thận trọng lan sang những người siêu giàu. Khi thị trường suy yếu, họ không muốn vung tiền ngay cả khi có đủ khả năng chi trả.
Trên thực tế, ngay cả trước những rắc rối trong ngành ngân hàng, các nhà đầu tư đã dự đoán nhu cầu hàng xa xỉ ở cả châu Âu và Mỹ sẽ giảm trong năm nay. Nhưng cuộc khủng hoảng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Các nhãn hàng sẽ phải trông chờ vào sự trở lại của thị trường Trung Quốc. Đến nay, đà phục hồi tại nước này đang rất hứa hẹn. Và ngành công nghiệp xa xỉ vẫn mong đợi giới siêu giàu Trung Quốc lên máy bay, đến Paris, Milan để mua sắm.
Nguồn: https://zingnews.vn/lv-gucci-va-lay-vi-khung-hoang-nganh-ngan-hang-post1413952.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Nhiều công ty đẩy mạnh chiến lược “Trung Quốc+1”
Theo truyền thông quốc tế, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đang ở trong tầm mắt của nhiều tập đoàn khi bắt đầu triển khai các cơ sở sản xuất mới. Động thái nằm trong nỗ lực giảm rủi ro chuỗi cung ứng khi căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Bắc Kinh ngày càng tăng. Các chuỗi cung ứng đang bị ảnh hưởng trong bối cảnh Mỹ nỗ lực hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, cộng thêm hệ quả từ dịch Covid-19 trước đây tại nước này cũng như tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Financial Times đưa tin, Tập đoàn Siemens của Đức đang “lùng sục” khắp Đông Nam Á để tìm kiếm các thỏa thuận. Tập đoàn của Đức, một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất thế giới, đang tuyển nhân viên và xem xét bổ sung các nhà máy tại các nền kinh tế đang phát triển nhanh bao gồm Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Một số công ty đa quốc gia đang trong chiến lược sản xuất “Trung Quốc + 1” như Sony, Apple, Samsung và Adidas nằm trong số các doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Philip Buller, nhà phân tích tại Berenberg, cho biết động lực đằng sau quyết định đầu tư của Siemens, là triển vọng về nhu cầu và tăng trưởng. Ông nói thêm: “Trong vài thập kỷ, Trung Quốc là động lực tăng trưởng, nhưng điều đó hiện đang giảm dần”. Dan Harris, thành viên sáng lập của Harris Bricken – công ty luật quốc tế thường đại diện cho các công ty kinh doanh tại các thị trường mới nổi – cho rằng “Trung Quốc + 1” hiện đang quay trở lại và trở lại mạnh mẽ. Theo ông, mong muốn của các công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc ngày nay mạnh mẽ và cấp bách hơn so với năm 2014-2015, khi chính sách này mới được nhắc đến. Càng nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thì càng có nhiều nhà sản xuất phụ tùng linh kiện đang và sẽ tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất của họ ra khỏi quốc gia này.
Nguồn: https://markettimes.vn/nhieu-cong-ty-day-manh-chien-luoc-trung-quoc-1-lung-suc-asean-de-dat-nha-may-viet-nam-la-diem-den-ly-tuong-20015.html
2. Đối thủ ChatGPT tại Trung Quốc – Baidu Ernie, đang có một khởi đầu khó khăn
Theo sau màn ra mắt ồn ào của GPT-4 và thông báo về cải tiến AI của Microsoft 365, Baidu, gã khổng lồ công cụ tìm kiếm của Trung Quốc, đã giới thiệu Ernie Bot của mình. Vào thứ Năm, Giám đốc điều hành của Baidu, Robin Li, đã có một bài thuyết trình kéo dài 1 tiếng về Ernie, bài thuyết trình chỉ cung cấp một cái nhìn sơ lược về chatbot. Những người tham gia vẫn chưa biết Ernie có thể làm gì và nó thực sự hoạt động như thế nào. Hiện tại, Ernie chỉ có sẵn để thử nghiệm thông qua lời mời và những người khác cần phải đưa vào danh sách chờ.
Baidu rõ ràng đã cố gắng chứng minh những gì Ernie có thể làm được, và câu trả lời rất thỏa đáng; tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn không ấn tượng với phần thuyết trình được chuẩn bị cẩn thận. Người ta không thể không tự hỏi liệu có phải Baidu đã tránh một bản demo trực tiếp do thiếu tự tin hay không và liệu nó có vội vã ra mắt vì sự tiến bộ ấn tượng của OpenAI hay không. Fangbo Tao, Giám đốc điều hành và người sáng lập công ty khởi nghiệp AI Mindverse và là cựu nhà khoa học AI tại Alibaba và Facebook cũng đồng tình với quan điểm này.
Nguồn: https://viettimes.vn/doi-thu-chatgpt-tai-trung-quoc-baidu-ernie-dang-co-mot-khoi-dau-kho-khan-post165043.html
3. Huawei tạo “cú hích” cho ngành sản xuất nhờ 5G
Theo ông Peng Song – Chủ tịch Chiến lược & Tiếp thị ICT Huawei chia sẻ tại sự MWC Barcelona 2023, tỷ lệ thâm nhập người dùng toàn cầu của 5G trong ba năm đầu tiên tương đương với 4G trong năm năm đầu tiên. Các nhà khai thác đã báo cáo tỷ lệ người dùng 5G thâm nhập hơn 20% trong vòng triển khai đầu tiên đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu di động. Không dừng lại ở đó, 5G hiện đang trở nên phổ biến hơn khi được ứng vào trong quá trình sản xuất, tạo động lực cho sự tăng trưởng sản lượng, mang lại những giá trị hiệu quả trong cả tài chính và chất lượng sản phẩm.
Sức mạnh của 5G về tốc độ, băng thông, độ trễ, độ tin cậy, khả năng kết nối lớn, phạm vi phủ sóng và bảo mật đều đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của các dịch vụ công nghiệp. Việc áp dụng 5G vào từng quy trình sản xuất từ các khâu R&D, thiết kế, hệ thống kiểm soát sản xuất và quản lý dịch vụ sẽ cách mạng hóa toàn ngành công nghiệp mũi nhọn, trở thành một ngành công nghiệp thông minh, linh hoạt, có định hướng dịch vụ cao cấp hơn. Không chỉ đảm bảo an toàn trong quá trình lắp đặt, sản xuất các thiết bị lớn, máy móc phức tạp, 5G thực sự đã cung cấp giải pháp tổng quan trong điều hành hệ thống nhà máy cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Midea Group, China Mobile và Huawei đã thành công xây dựng nhà máy 5G đầu tiên trên thế giới tại thành phố Kinh Châu (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Sự kiện cũng đánh dấu lần đầu tiên 5G được ứng dụng toàn diện vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp. Tại đây, các khâu sản xuất thiết bị gia dụng được kết nối liền mạch hoàn toàn bằng 5G thông qua 15 kịch bản và các thiết bị 5G, giúp đối tác cải thiện chất lượng và hiệu quả đầu tư, hướng tới việc sản xuất xanh và an toàn. Nhờ đó, giải pháp nhà máy thông minh 5G đã được Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) trao “Giải thưởng Thách thức Công nghiệp 5G” tại sự kiện MWC Barcelona 2023, ghi nhận thành công trong việc ứng dụng rộng rãi công nghệ 5G trong sản xuất thông minh nói chung và nỗ lực phát triển 5G của Huawei nói riêng.
Lần đầu được nhắc đến thị trường công nghệ vào năm 2020, hiện nay, 5.5G đã và đang dần trở thành thế hệ nâng cấp tiếp theo của công nghệ 5G, mang đến cho người dùng những trải nghiệm nhanh siêu thực gấp 10 lần so với thế hệ nền tảng. Tại sự kiện MWC2023, Huawei đã trình bày 05 điểm nhấn đột phá chính của kỷ nguyên 5.5G: trải nghiệm 10 Gbit/s, kịch bản IoT toàn diện, cảm biến và liên lạc tích hợp, mạng lưới xe lái tự động cấp độ 4 (L4) và ngành ICT xanh. Với sức mạnh trên cùng nền tảng tiêu chuẩn, 5.5G hiện đã sẵn sàng cho việc tham gia vào quá trình thương mại, cũng như sự phát triển cho toàn ngành công nghiệp nói chung và ngành sản xuất nói riêng.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/huawei-tao-cu-hich-cho-nganh-san-xuat-nho-5g-20230320143709914.htm
4. Foxconn gặp khó trong mục tiêu sản xuất xe điện
Năm ngoái, Foxconn đã trả 230 triệu USD để mua lại một nhà máy cũ của General Motors ở Lordstown Ohio để biến nơi này thành trung tâm sản xuất ô tô tại Mỹ. Cũng là một phần trong thỏa thuận, chủ sở hữu trước đây của nhà máy rộng 6,2 triệu foot vuông này là Lordstown Motors đã thuê Foxconn chế tạo chiếc bán tải Endurance. Foxconn đã đưa ra những dự báo đầy lạc quan, chẳng hạn tạo ra doanh thu hàng năm là 33 tỷ USD vào năm 2025. Họ cũng công bố các quan hệ với các đối tác ở Đài Loan, Thái Lan hay Ả Rập Saudi. Mặc dù hoạt động kinh doanh linh kiện xe điện của họ đang trên đà tăng trưởng gấp 5 lần lên hơn 3 tỷ USD trong năm nay, nhưng thời điểm này thứ duy nhất Foxconn có thể làm được là một số ít nguyên mẫu xe, vài chục chiếc xe bus điện và khoảng 40 xe bán tải cho Lordstown.
Hồi tháng 1, Lordstown đã yêu cầu Foxconn tạm dừng sản xuất vì chi phí sản xuất vượt qua giá bán mục tiêu của xe là 65.000 USD. Vài tuần sau, ít nhất 1 chủ xe đã thông báo xe bị mất điện khi đang lái trong thời tiết lạnh, buộc công ty phải triệu hồi vào tháng 2. Ngày 6/3, Lordstown nói rằng nếu không thể hợp tác với 1 nhà sản xuất ô tô có kinh nghiệm, hãng buộc phải ngừng sản xuất mẫu xe duy nhất này. Thông báo này cũng đặt ra dấu hỏi lớn về hoạt động sản xuất xe điện còn non trẻ của Foxconn. Lordstown đã ngầm xác nhận Foxconn không thể tiếp tục sản xuất xe cho mình mặc dù có nguồn lực dồi dào, có chuyên môn sau hàng thập kỷ “lăn lộn” giữa các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tháng 8/2022, Monarch Tractor đã thuê Foxconn sản xuất xe nông trại chạy điện tự hành cho mình. Hiện tại, Monarch chỉ sản xuất với số lượng hạn chế tại một Livermore, California và có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang Lordstown vào cuối tháng 3. Ít chắc chắn hơn là Fisker, Foxconn đang đàm phán với công ty này để sản xuất 1 chiếc ô tô giá dưới 30.000 USD có tên Pear. Fisker cho biết họ mong đợi Foxconn sẽ hoàn thành công việc này nhưng 2 công ty vấn đang đàm phán về chi phí. Foxconn vẫn có thể ký thêm với các đối tác khác nhưng niềm tin dành cho ông lớn này đã có phần lung lay. Giờ đây, Foxconn có vẻ đã nhận ra sản xuất xe điện không dễ dàng như những chiếc iPhone mà họ vẫn quen thuộc.
Nguồn: https://markettimes.vn/san-xuat-xe-dien-de-hay-kho-hoi-foxconn-dat-muc-tieu-doanh-thu-33-ty-usd-sau-3-nam-nhung-vua-khoi-nghiep-da-nga-ngua-bi-doi-tac-ti-hon-bo-roi-sau-mot-not-nhac-20034.html
5. ‘Giật mình’ với sự phát triển của thị trường xe Trung Quốc
Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi doanh số bán xe điện chở khách vào năm 2022 với mức tăng trưởng được báo cáo là 87% hàng năm. Một báo cáo gần đây từ Counterpoint cho biết cứ bốn chiếc ô tô được bán ra ở Trung Quốc thì có một chiếc là xe điện. Báo cáo cũng nói thêm rằng trong số 10 thị trường xe điện phát triển nhanh nhất trên thế giới, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai về doanh số bán hàng ngay sau Nhật Bản, cho thấy mức tăng trưởng 119% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2022.
Theo Soumen Mandal, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint, thì hiện tại Trung Quốc có thị trường xe điện linh hoạt và sôi động nhất trên thế giới. Tất cả các công ty xe điện nổi tiếng cũng như không nổi tiếng đều cung cấp sản phẩm và dịch vụ của họ tại quốc gia này bởi vì đây là thị trường xe điện lớn nhất thế giới với hơn 50% sản lượng toàn cầu. 81% thị trường xe điện Trung Quốc hiện do các công ty trong nước thống trị, bao gồm những công ty hàng đầu như BYD, Wuling, Chery, Changan và GAC. 19% còn lại được lấp đầy bởi các công ty nước ngoài như Tesla và Volkswagen. Ngoài những gã khổng lồ này, Trung Quốc còn là quê hương của một số công ty khởi nghiệp xe điện như Nio, Xpeng, Neta, AITO, IM Motors, Zeeker, Aiways và Livan. Tất cả vẫn đang hoạt động khá tốt bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty trong nước và nước ngoài.
Sức khỏe, môi trường và các chính sách của chính phủ là động lực thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của xe điện ở Trung Quốc. Theo khảo sát do Rakuten Insight thực hiện, khoảng 66% người tiêu dùng Trung Quốc cân nhắc mua ô tô điện cho biết họ thích ô tô điện hơn ô tô thông thường vì nó thân thiện với môi trường. Chính quyền Bắc Kinh đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2060 và để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã đưa ra các khoản trợ cấp lớn cho xe điện. Trong 12 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng chính sách và tài trợ để khuyến khích việc bán các loại xe thân thiện với môi trường. Ngoài ra, quốc gia này có mạng lưới sạc xe điện lớn nhất thế giới. Việc mở rộng nhanh chóng cơ sở hạ tầng sạc giúp người tiêu dùng di chuyển khắp đất nước dễ dàng và rẻ hơn. Các chính sách của chính phủ cuối cùng đã được đền đáp khi chỉ riêng trong tháng 11 năm ngoái, 36% phương tiện mới lưu thông trên đường là ô tô chạy bằng điện thuần túy hoặc ô tô hybrid.
Hiện tại, thị trường xe điện Trung Quốc đang chứng kiến một cuộc chiến lớn về giá do Tesla bắt đầu. Những gã khổng lồ khác cũng đang đón nhận cuộc chơi như BYD, Ford, Xpeng… Cuộc chiến giá cả này có thể tạo ra thêm nhu cầu và duy trì doanh số bán xe điện vào năm 2023. Mặc dù trong ngắn hạn, thị trường xe điện có thể gặp khó khăn do suy thoái kinh tế và những thay đổi về chính sách, nhưng triển vọng dài hạn cho thị trường xe điện của Trung Quốc là vô cùng tích cực khi nước này đặt mục tiêu giảm đáng kể lượng khí thải hạt và đạt được mức trung hòa carbon.
Nguồn: https://ttvn.toquoc.vn/giat-minh-voi-su-phat-trien-cua-thi-truong-xe-trung-quoc-cu-4-chiec-ban-ra-co-mot-la-xe-dien-20230317165507013.htm
Tham khảo thêm: Trái ngược với sự phát triển tại TQ, các Start-up xe điện tại Châu Âu và Châu Mĩ đang rơi vào khủng hoảng
https://thethaovanhoa.vn/tung-len-nhu-nam-sau-mua-day-la-hien-thuc-be-bang-cua-start-up-xe-dien-lay-lat-song-20230317232419356.htm
6. Sự thật về ôtô điện Trung Quốc giá rẻ trên thị trường Việt Nam
Trên thị trường hiện có nhiều dòng ôtô điện mini nhập từ Trung Quốc với kiểu dáng, màu sắc phong phú và có mức giá rẻ nhất trong các phân khúc xe điện hiện nay. Giá bán ôtô điện mini Trung Quốc có máy lạnh là 88 triệu đồng/chiếc, mẫu không trang bị máy lạnh 80 triệu đồng/chiếc, đã gồm chi phí vận chuyển đến tận nhà. Xe chủ yếu được thiết kế với chất liệu nhựa, có 10 bình ắc-quy loại nhỏ, vận tốc 50 km/giờ, di chuyển được 50-60 km sau mỗi lần sạc đầy. Đáng chú ý, thủ tục mua bán xe cũng đơn giản bất ngờ. Người mua chỉ cần giao tiền và nhận hàng, không có giấy tờ xe cũng như hợp đồng mua bán. Bên bán không nhận bảo hành với lý do “xe điện có thiết kế đơn giản nên ít hỏng hóc”. Khi được hỏi nếu bình điện hư hỏng thì phải xử lý thế nào, người bán hướng dẫn: “Có thể ra chợ mua bình điện với giá 500.000 đồng về thay rất dễ dàng”.
Về mặt chất lượng, nhiều chuyên gia trong ngành nhận xét với thiết kế đơn giản, có thể những chiếc xe điện này không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, không an toàn. Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng, hàng loạt chi tiết của dòng ôtô điện giá rẻ, từ khung gầm, hệ thống lái, hệ thống giảm xóc đến kích thước đều không bảo đảm kỹ thuật. TS Nguyễn Thành Tâm, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật ôtô – Trường ĐH Quy Nhơn, khẳng định những mẫu xe điện không qua kiểm định đều là xe trôi nổi, khả năng dẫn đến rủi ro là rất lớn. “Với thiết kế mỏng manh như vậy, nếu xe chạy với vận tốc 50 km/giờ thì chỉ cần gặp ổ gà cũng có nguy cơ khiến hệ thống lái dễ bị gãy, mất phanh, mất kiểm soát tốc độ… Chưa kể, hệ thống điện trên xe cũng dễ bị rò rỉ, chập điện, dẫn đến cháy nổ” – TS Nguyễn Thành Tâm lo ngại.
Nguồn: https://nld.com.vn/oto-xe-dien-may/su-that-ve-oto-dien-trung-quoc-gia-re-20230318202932186.htm
7. Công ty GSM bất ngờ đầu tư vào Be Group, hỗ trợ tài xế chuyển sang xe điện
Be Group, nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Việt Nam hàng đầu đã cùng Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) ký kết thoả thuận đầu tư và hợp tác nhằm đưa ô tô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Theo thoả thuận hợp tác, Be Group sẽ nhận khoản đầu tư trực tiếp từ GSM để hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, cũng như cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ số một Việt Nam. Ngoài ra, thông qua các đối tác tài chính, GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện một cách thuận tiện và dễ dàng nhất. Trong giai đoạn đầu, Be Group và GSM sẽ phối hợp với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cung cấp các chính sách ưu đãi độc quyền cho tài xế của Be Group để thuê hoặc mua ô tô, xe máy điện VinFast thông qua GSM với chi phí hấp dẫn.
Với chi phí vận hành tiết kiệm và trải nghiệm “không tiếng ồn, không khói xăng”, Be Group tin tưởng ô tô điện và xe máy điện sẽ giúp các tài xế nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hiệu quả kinh doanh. Không chỉ hỗ trợ lực lượng tài xế, Be Group cũng sẽ hợp tác chia sẻ nền tảng gọi xe với đối tác GSM. Theo đó, khách hàng gọi xe trên nền tảng của Be Group có thêm lựa chọn dịch vụ taxi điện của GSM, bên cạnh các dịch vụ beCar và beTaxi hiện có.
Nguồn:  https://markettimes.vn/nong-cong-ty-gsm-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-bat-ngo-dau-tu-vao-be-group-ho-tro-tai-xe-chuyen-sang-xe-dien-20422.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. ‘Big Oil’ thay đổi chiến lược kinh doanh cây xăng khi xe điện trỗi dậy
Xu hướng chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững hơn sẽ thay đổi cách mọi người sử dụng cây xăng. Thay vì đổ đầy bình xăng tại cây xăng như trước đây, một số tài xế sẽ cần các điểm sạc nhanh vì họ đã thay thế xe động cơ đốt trọng bằng xe điện. Tài xế xe điện cũng có thể là phân khúc khách hàng tiềm năng của cửa hàng tiện lợi ở cây xăng. Một tài xe đổ xăng mất trunng bình khoảng 5-6 phút để đổ đầy bình. Trong khi đó, ngay cả với tính năng sạc nhanh, chủ sở hữu xe điện có thể phải chờ trong 25 phút.
Theo Công ty nghiên cứu Bernstein Research, trong những năm qua năm, Shell và BP đã thúc đẩy doanh số bán hàng phi nhiên liệu của họ ở mạng lưới cây xăng. Lợi tức từ khoản đầu tư kinh doanh cửa hàng tiện lợi và điểm sạc xe điện thấp hơn so với thăm dò dầu khí khoảng, theo BP. Dù vậy, hai mảng kinh doanh này ít chịu rủi ro biến động giá cả như dầu khí. Điều quan trọng hơn, doanh thu tăng lên từ mạng lưới điểm sạc xe điện mang lại cho các nhà sản xuất dầu mỏ một giải pháp phòng ngừa chống lại sự suy giảm doanh số ở mảng kinh doanh cốt lõi của họ là nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, Shell và BP đang tích cực mở rộng mạng lưới sạc xe điện của mình. Shell muốn triển khai 500.000 điểm sạc vào năm 2025 tại các địa điểm như cây xăng, nhà ở và bãi đỗ xe của siêu thị so với 140.000 điểm sạc hiện nay. BP sẽ rót 1 tỉ đô la vào mạng lưới điểm sạc xe điện trên khắp Mỹ trong thập niên này. khi ngày càng có nhiều người dân ở các thành phố đông dân mua xe điện, nhu cầu sử dụng điểm sạc công cộng sẽ tăng lên. Shell và BP đang đặt cược rằng điều này sẽ cải thiện lợi nhuận của mạng lưới cửa hàng xăng dầu có trang bị thêm điểm sạc pin của họ bất chấp nhu cầu nhiên liệu xăng dầu suy giảm.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/big-oil-thay-doi-chien-luoc-kinh-doanh-cay-xang-khi-xe-dien-troi-day/
2. Phát hiện mỏ dầu trữ lượng 200 triệu thùng ở vùng biển Mexico
Ngày 18/3, Tập đoàn năng lượng Eni của Italy thông báo vừa phát hiện thêm một mỏ dầu có trữ lượng khoảng 200 triệu thùng trên khu vực lãnh hải thuộc chủ quyền của Mexico, cách bờ biển quốc gia Mỹ Latinh này 65km về phía Đông Nam. Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Eni cho biết mỏ dầu mới được phát hiện nằm dưới vùng nước có độ sâu trung bình thuộc khu vực thềm lục địa Sureste Basin trên Vịnh Mexico, cách các mỏ dầu khác do Eni đang vận hành trong vòng bán kính khoảng 25-30km.
Trong 8 mỏ dầu hiện đang được khai thác trên thềm lục địa Sureste Basin, Tập đoàn năng lượng lớn thứ 7 thế giới này sở hữu 45% cổ phần, tập đoàn Capricorn Energy của Anh chiếm 30% cổ phần và tập đoàn Citla Energy của Mexico chiếm 25%. Theo trang Worldometer, sở hữu trữ lượng dầu thô lên tới 9.7 tỷ thùng, Mexico hiện đang đứng thứ 17 thế giới về trữ lượng và thứ 11 về năng lực khai thác dầu thô với công suất 2.4 triệu thùng/ngày.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/phat-hien-mo-dau-tru-luong-200-trieu-thung-o-vung-bien-mexico-20230319062133485.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Startup châu Á lung lay niềm tin vào ngân hàng Mỹ
Cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) là cú sốc niềm tin cho các công ty khởi nghiệp (startup) và quỹ đầu tư mạo hiểm ở châu Á đang dựa vào nguồn vốn đầu tư công nghệ từ Mỹ. Họ xem biến cố này là lời cảnh báo để tránh gửi quá nhiều tiền vào tổ chức tài chính và phải thẩm định rủi ro của ngân hàng đối tác dù đó là một ngân hàng lớn ở Mỹ. SVB là ngân hàng nhiều startup ở châu Á sử dụng, đặc biệt là các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Với sự sụp đổ của SVB, “những startup đó mất đi một kênh vốn quan trọng và cần tìm những cách khác để huy động tiền”, nhà phân tích Xinyao Wang, nói.
Dù SVB không nằm trong số 10 ngân hàng lớn nhất của Mỹ, nó đóng một vai trò quan trọng đối với startup công nghệ Trung Quốc. Họ đã sử dụng SVB trong nhiều năm như là ngân hàng mặc định để mở tài khoản ở nước ngoài nhằm xử lý các khoản tài trợ từ nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm ở Mỹ . SVB cũng đóng vai trò là bến đỗ an toàn cho giới công nghệ giàu có của Trung Quốc muốn gửi tài sản của họ ở nước ngoài. Nhưng tốc độ sụp đổ nhanh chóng của SVB khiến nhiều khách hàng Trung Quốc bất ngờ. Các startup Trung Quốc vẫn có thể sử dụng dịch vụ tương tự của SVB ở các ngân hàng Mỹ khác và mọi tổn thất tài chính rốt cục có thể được kiểm soát nhờ chính phủ Mỹ cam kết bảo toàn tiền gửi ở SVB. Tuy nhiên, Zhou Xin, biên tập viên công nghệ của South China Morning Post, nhận định cú sụp đổ của SVB dường như đã phá vỡ niềm tin của các startup Trung Quốc rằng tiền cất giữ ở hệ thống tài chính Mỹ là cực kỳ an toàn.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/startup-chau-a-lung-lay-niem-tin-vao-ngan-hang-my/
2. Hơn 50 doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Từ ngày 21-23/3, hơn 50 doanh nghiệp Mỹ, hoạt động các trong lĩnh vực quốc phòng, dược phẩm, công nghệ… sẽ có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chương trình do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tổ chức hàng năm. Ông Vũ Tú Thành, Đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tại Việt Nam cho biết, các chương trình này đã được tổ chức trong ba thập kỷ và đây là sứ mệnh lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp Mỹ tham gia chuyến công tác có công ty cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix, công ty đang có kế hoạch mở văn phòng tại Việt Nam, cùng nhiều công ty đã có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam như Apple, Coca-Cola, PepsiCo… và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Vũ Tú Thành, một số công ty đánh giá Việt Nam là một trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng ngày càng phát triển với mức tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8% năm 2022. Trong số này có SpaceX, công ty đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Ngoài ra, tham gia chương trình của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN còn có các công ty sản xuất chất bán dẫn, các hãng dược phẩm Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, công ty tài chính Visa, ngân hàng Citibank, các hãng công nghệ điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services.
Nguồn: https://congthuong.vn/hon-50-doanh-nghiep-my-tim-kiem-co-hoi-dau-tu-kinh-doanh-tai-viet-nam-246837.html
3. King Coffee đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại Mỹ
King Coffee và Tín Thành Group đã trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực sản xuất và thương mại tại Mỹ. Dự án hợp tác đầu tiên giữa hai Tập đoàn là xây dựng nhà máy đắp lốp và tái chế lốp xe tại tiểu bang Nam Carolina (Walkers Road Industrial Site, Barker Mill Pond Road and US Highway 321 Fairfax, South Carolina). Lễ động thổ của dự án nhà máy này đã được tổ chức ngày 14-3 vừa qua với sự tham dự của ông Nguyễn Quốc Dũng – Đại sứ Việt Nam tại Mỹ và thống đốc bang, nghị sĩ cùng nhiều lãnh đạo của bang South Carolina.
Nguồn:  https://plo.vn/king-coffee-dau-tu-vao-linh-vuc-san-xuat-kinh-doanh-tai-my-post724137.html

Nhóm tin về tài chính

1. Cú sụp đổ của Credit Suisse là ‘nhát cứa’ vào danh tiếng ổn định của Thụy Sĩ
Sau nhiều ngày chạy đua đàm phán dưới sự trung gian chính phủ Thụy Sĩ, CS chấp nhận sáp vào vào đối thủ lớn hơn trong nước là ngân hàng UBS, có trụ sở chính nằm gần tòa nhà chính của CS tại quảng trường Paradeplatz ở trung tâm tài chính của thành phố Zurich. Với số phận của CS dường như đã an bài sau nhiều năm nhà băng này trải qua các bê bối, đấu đá nội bộ và đầu tư sai lầm, Thụy Sĩ, một quốc gia luôn tự hào về sự trật tự và ổn định, đang chịu những tổn thương về danh tiếng cũng như hậu quả kinh tế và chính trị tiềm ẩn.
Thương vụ sáp nhập UBS-CS được thực hiện theo hình thức hoán đổi cổ phiếu, định giá Credit Suisse ở mức 3 tỉ franc Thụy Sĩ, thấp hơn 60% giá trị vốn hóa của ngân hàng này vào thời điểm thị trường đóng cửa hôm 17-3. Ngân hàng quốc gia Saudi Arabia (SNB), cổ đông lớn nhất của CS, thua lỗ hơn 1 tỉ đô la. SNB đã đầu tư tổng cộng 1,4 tỉ franc Thụy Sĩ (1,5 tỉ đô la) để 9,9% cổ phần của CS. Như vậy, SNB mua mỗi cổ phiếu của CS với giá trung bình 3,82 franc. Theo thỏa thuận giải cứu, cổ phiếu của CS sẽ được quy đổi sang cổ phiếu của UBS dựa trên mức định giá 0,76 franc mỗi cổ phiếu.
Chính phủ Thụy Sĩ đã nỗ lực mô tả thỏa thuận sáp nhập giữa hai nhà băng lớn nhất nước là một sự tiếp quản. Nhưng nhiều chuyên gia gọi đó là là một cuộc giải cứu. Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ đã đồng ý cung cấp một khoản vay lên tới 100 tỉ franc Thụy Sĩ để hỗ trợ thanh khoản cho UBS sau thương vụ này. Chính phủ Thụy Sĩ cũng cam kết bù lỗ lên đến 9 tỉ đô la ở một số tài sản nhất định của Credit Suisse để giảm rủi ro cho UBS. Người dân Thụy Sĩ có thể sẽ lo lắng về việc giới chức trách sử dụng ngân sách để hỗ trợ thương vụ sáp nhập này.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cu-sup-do-cua-credit-suisse-la-nhat-cua-vao-danh-tieng-on-dinh-cua-thuy-si/

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Cảnh sát Thái Lan tung lực lượng để bảo vệ … sầu riêng
Tờ The Straits Times ngày 16/3 đưa tin cảnh sát Thái Lan vừa triển khai kế hoạch đối phó nạn trộm sầu riêng, sau khi bọn trộm cuỗm số sầu riêng trị giá gần 1 triệu baht (683 triệu đồng) tại một khu vườn ở tỉnh Trat. Đồn cảnh sát Ao Cho tại huyện Muang hiện đang cung cấp dịch vụ hỗ trợ này, sau khi nhiều nông dân phản ánh về tình trạng vườn sầu riêng thường bị mất trộm vào ban đêm.
Tình trạng khẩn cấp này khiến cảnh sát và nông dân cùng lên kế hoạch bảo vệ loại trái cây này. Những nông dân có đăng ký sẽ được cảnh sát giám sát vườn sầu riêng nhiều hơn, đặc biệt là vào ban đêm khi bọn trộm thường ra tay, theo ông Ariyachai. Cụ thể, với sự giúp đỡ của nông dân địa phương, những nhóm cảnh sát sẽ tuần tra xung quanh các trang trại theo 2 ca, từ 18 giờ đến nửa đêm và từ nửa đêm đến sáng hôm sau. Việc giám sát sẽ tiếp tục cho đến khi sầu riêng được thu hoạch bán.
Nguồn: https://markettimes.vn/senh-ra-la-mat-canh-sat-thai-lan-tung-luc-luong-de-bao-ve-sau-rieng-19967.html
2. Vì sao hành tỏi ‘made in Vietnam’ thua ngay trên sân nhà?
Chiều 17/3, tại Diễn đàn “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN&PTNT) và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hành là sản phẩm lợi thế của nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi… với tổng sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn. Tuy nhiên, theo thống kê, các tháng đầu năm 2023, sức mua của thị trường đang có xu hướng giảm nên việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, hành tím nói riêng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Riêng 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu củ hành chỉ đạt 240 tấn, con số rất khiêm tốn so với sản lượng hành 200.000 tấn/năm.
Ông Lê Vương Quốc – Phó Giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam – cho biết, hành tím Việt Nam có đặc trưng riêng và đa số được xuất đi các nước là để phục vụ cộng đồng người Việt ở nước sở tại. Còn để xâm nhập vào các thị trường tiêu thụ gia vị nhiều thì khó cạnh tranh do giá cao. Cũng theo đại diện DN này, hành tím Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận… sản lượng nhiều, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng Việt Nam lại nhập từ các nước về rất nhiều, gây áp lực cho hành nội. Do vậy, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ nông dân thay đổi quy trình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh về giá trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT, tiềm năng, dư địa của thị trường tiêu thụ hành, hành tím vẫn còn rất lớn. Bởi nhu cầu sử dụng hành để làm nguyên liệu không chỉ dừng ở việc cung cấp thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống mà hành, tỏi đã trở thành nguyên liệu quan trọng trong chế biến dược phẩm. Do đó, để không còn tình trạng giải cứu, được mùa mất giá, các địa phương phải thay đổi tư duy theo hướng bán hành không chỉ là bán thực phẩm mà là bán nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhiều ngành hàng. Các vùng trồng phải tổ chức lại sản xuất để chuẩn hóa về mặt chất lượng; phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ hành; hoàn thiện hệ thống logistics, kho bảo quản lạnh; đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm hành địa phương; tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hành tím…
Nguồn: https://tienphong.vn/vi-sao-hanh-toi-made-in-vietnam-thua-ngay-tren-san-nha-post1518494.tpo
3. Giá dứa tăng mạnh, nông dân lãi lớn
Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, Tiền Giang, cho biết thực hiện mục tiêu đẩy mạnh khai hoang sản xuất vùng Đồng Tháp Mười, ổn định đời sống nhân dân miền đất mới, Tân Phước định hình vùng trồng dứa chuyên canh trên 17.000 ha, mỗi năm đạt sản lượng trên 340.000 tấn quả, lớn nhất khu vực sông Tiền. Tính đến đầu tuần này, nông dân địa phương đã thu hoạch đầu vụ được hơn 3.000 ha với sản lượng trên 60.000 tấn quả cung ứng thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.
Hiện nay, giá dứa thương phẩm đang tăng mạnh. Thương lái thu mua tại ruộng giá bình quân 7.500 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Thời điểm này, người dân thu hoạch đạt giá trị khoảng 150 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. Tại xã Thạnh Mỹ, có hộ lãi ròng gần 500 triệu đồng. Người dân vùng chuyên canh cho biết, dứa trồng một lần cho thu hoạch khoảng 3 năm mới phải cải tạo trồng mới lại. Trong thời kỳ cho thu hoạch, trung bình mỗi năm nông dân thu hoạch từ 8 – 10 lần nhờ biện pháp xử lý rải vụ giúp tránh tình trạng thu hoạch rộ trong cùng một thời điểm khiến cung vượt cầu, mất giá, nhờ vậy cũng góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây dứa.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-dua-tang-manh-nong-dan-lai-hang-tram-trieu-20230322085329213.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Sầu riêng Malaysia thất thu lớn vì thiên tai
Theo báo The Star, những người yêu thích sầu riêng Malaysia có thể phải trả nhiều tiền hơn để được thưởng thức loại “trái cây vua” vào mùa thu hoạch tới, dự kiến vào khoảng tháng 5 đến tháng 7. Phó chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng trái cây Malaysia Francis Hong Sun Ho dự đoán sản lượng thu hoạch sẽ giảm đáng kể sau trận lũ lụt ở Johor (bang lục địa lớn thứ 5 tại Malaysia). Trận lũ được cho là gây ảnh hưởng đáng kể đến nhiều vườn cây ăn trái trong bang miền Nam Malaysia. Trận lũ lần này xảy ra đúng vào mùa ra hoa, đây là thời điểm quan trọng, quyết định nông dân thu được bao nhiêu trái. Ông miêu tả rằng “mưa liên tục, cộng với lũ lụt khiến hoa rụng trước khi kịp đậu trái”.
Lãnh đạo hội nông dân cho biết Johor là một trong những nơi sản xuất sầu riêng hàng đầu nội địa Malaysai. Ông Hong Sun Ho cho hay, nông dân trồng sầu riêng ở hầu hết các huyện, bao gồm Segamat, Batu Pahat, Kulai và Kota Tinggi, của bang Johor đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. “Chúng tôi dự đoán sản lượng sầu riêng từ Johor sẽ giảm hơn 50% trong năm nay và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mức giá”, Phó chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng trái cây Malaysia Francis Hong Sun Ho nhấn mạnh.
Nguồn: https://markettimes.vn/doi-thu-that-thu-lon-vi-thien-tai-loai-trai-cay-vua-cua-viet-nam-co-the-gianh-loi-the-tai-thi-truong-trung-quoc-20350.html
2. Trung Quốc và giấc mộng “sầu riêng”
Trung Quốc đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch vụ sầu riêng nội địa đầu tiên vào mùa hè này sau hơn 4 năm canh tác. Khoảng 2,45 triệu kg sầu riêng được sản xuất trên đảo Hải Nam ở miền nam Trung Quốc sẽ được bán vào tháng 6, theo đài truyền hình nhà nước CCTV. Tại Cơ sở sầu riêng ở Tam Á, 93,3 ha cây sầu riêng đang cho quả non, với năng suất ước tính là 116,64 kg/ha và giá trị sản lượng ước tính là 6.665 nhân dân tệ/ha. Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia nông nghiệp Đông Nam Á, các chuyên gia Trung Quốc đã cải tiến hạt giống nhập khẩu để phù hợp hơn với điều kiện địa phương. Theo CCTV, loại sầu riêng này dự kiến sẽ có lượng đường và chu kỳ tăng trưởng cao hơn để thích ứng với nhu cầu thị trường. Tam Á đang đặt mục tiêu xây dựng một khu công nghiệp sầu riêng trải rộng 3.333 ha trong vòng 3 đến 5 năm tới, dự kiến sẽ tạo ra giá trị sản lượng 5 tỷ nhân dân tệ (727 triệu USD) vào năm 2028.
Người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt ưa thích loại trái cây có gai với mùi hương nồng độc đáo từ Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Nhưng giá thường cao do chi phí vận chuyển. Các nhà phân tích cho rằng sầu riêng do Trung Quốc trồng có thể làm giảm giá trong nước, tăng cường “lưu thông kép” và thúc đẩy hợp tác nông nghiệp quốc tế. Theo Weng Ming, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chìa khóa để tiếp thị đại trà sầu riêng nội địa là khả năng sao chép hương vị của những trái sầu riêng đến từ Đông Nam Á. Nhưng hầu hết các loại trái cây nhiệt đới nhập khẩu ở Trung Quốc rất khó bắt chước. Ví dụ, hương vị của quả sung trồng ở Sơn Đông, Trung Quốc, không bằng với hương vị của sung nhập khẩu từ Trung Đông và Bắc Phi, ông nói.
Nguồn: https://markettimes.vn/trung-quoc-om-mong-trong-loai-trai-cay-vua-cua-viet-nam-va-lang-gieng-co-canh-tranh-duoc-voi-asean-20354.html
3. Cần Thơ xuất khẩu 18 tấn sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc
Sáng 17/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cần Thơ tổ chức lễ xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Lô hàng xuất khẩu lần này là 18 tấn sầu riêng được trồng tại Cần Thơ. Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn, DN nhập khẩu là Công ty TNHH Logistic Pan Asia Thẩm Quyến (Trung Quốc).
Ông Trần Thái Nghiêm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ – cho biết, thành phố hiện có gần 26.000 ha đất trồng cây ăn quả , trong đó sầu riêng là một trong những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, lợi nhuận hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng/ha, nên trong những năm gần đây cây sầu riêng tăng diện tích từ 537 ha năm 2015 lên gần 3000ha hiện nay, tập trung chủ yếu tại huyện Phong Điền, Thới Lai và quận Ô Môn. Mặc dù diện tích cây ăn trái trên địa bàn gần 26.000 ha nhưng đến nay chỉ có 47 vùng trồng liên kết với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu với diện tích chưa đến 1000ha, chiếm khoảng 4% diện tích cây ăn trái. Riêng sầu riêng có 42 vùng trồng được liên kết với quy mô 850 ha, đạt khoảng 30% diện tích.
Nguồn: https://tienphong.vn/can-tho-xuat-khau-18-tan-sau-rieng-chinh-ngach-dau-tien-sang-trung-quoc-post1518291.tpo
4. Xuất khẩu thanh long giảm 3 năm liên tiếp
Những ngày qua, thông tin về việc Trung Quốc – thị trường tiêu thụ phần lớn sản lượng thanh long của Việt Nam đang tiến tới, tự chủ nguồn cung trái cây trên báo chí trong và ngoài nước là mối quan tâm lớn của các vùng trồng và doanh nghiệp xuất khẩu loại trái cây này. Thậm chí, vài năm trở lại đây, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc đã tăng “thần tốc” và chạm mốc 67.000 ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn vào năm 2021. Con số này đã giúp Trung Quốc vượt qua Việt Nam, trở thành quốc gia có diện tích, sản lượng thanh long lớn nhất thế giới. Thực tế điều này đã tác động đến kim ngạch thanh long xuất khẩu những năm gần đây của Việt Nam. Cụ thể số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã giảm 3 năm liên tiếp kể từ 2019. Cũng trong năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
Có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua, xuất khẩu thanh long Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên rủi ro càng cao. Để giảm bớt áp lực dư thừa sản lượng thanh long, giải pháp của bà con Bình Thuận là những điều chỉnh từ vùng trồng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đi nhiều thị trường, không chỉ riêng Trung Quốc. Mỗi năm, sản lượng thanh long ở Bình Thuận khoảng 600.000 tấn. 20% sản lượng được tiêu thụ ở thị trường nội địa và có đến 80% xuất khẩu sang Trung Quốc theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Vì vậy, điều chỉnh sản xuất ở vùng thanh long Bình Thuận vẫn là không mở rộng diện tích mà tập trung đầu tư theo hướng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường. Ngoài ra, xác định việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là điều kiện tiên quyết để đáp ứng được nhu cầu đa dạng thị trường.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, việc xuất khẩu thanh long trong năm nay trước mắt sẽ chưa chịu ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phát triển nóng diện tích. Bởi năm 2022 nước này vừa trải qua một đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, do vậy nông dân Trung Quốc sẽ phải mất 2 năm trồng lại. Mặt khác, sản lượng hiện cũng khó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của 1,4 tỷ dân nên cơ hội của thanh long Việt Nam ở thị trường này vẫn còn. Đây là thời điểm để nông dân và doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc phát huy lợi thế của mình về lợi thế trồng trái vụ, vượt trội về mẫu mã, chất lượng để tăng tính cạnh tranh ở nhiều thị trường.
Nguồn:  https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-thanh-long-giam-3-nam-lien-tiep-20230320141644081.htm
5. Trung Quốc – thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam
Khi nhìn vào kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc nổi lên là điểm sáng đáng chú ý còn giữ được đà tăng trưởng, với nhu cầu vẫn tiếp tục tăng không suy yếu như phần lớn các thị trường lớn khác của nông sản Việt Nam. Như mặt hàng rau quả, xuất khẩu vào Trung Quốc vẫn tăng tới hơn 17%, đặc biệt tính riêng tháng 2 thuỷ sản xuất khẩu sang nước này cũng tăng tới 33%. Như vậy, sau khi nước bạn xoá bỏ chính sách Zero COVID, xuất khẩu sang Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu tích cực.
Tại Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thứ 4 hàng tuần, phía cơ quan Trung Quốc và Việt Nam sẽ có một buổi kiểm tra trực tuyến, để đảm bảo điều kiện về vùng trồng, cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn từ phía nước bạn. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đã phê duyệt hơn 2.000 mã số vùng trồng, trên 1.400 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay Trung Quốc đang ngày càng hoàn thiện và tăng cường thực thi chính sách với nhiều quy định ngày càng nghiêm ngặt về công tác xuất, nhập khẩu hàng hoá khi hai lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và ban hành Lệnh 248, 249 (năm 2021) ban hành Lệnh 259 (năm 2022). Vì vậy, theo các chuyên gia Việt Nam, sẽ phải có chiến lược phát triển bền vững lâu dài cho nông sản từ chất lượng, đến thương hiệu tại thị trường Trung Quốc.
Nguồn:  https://vtv.vn/kinh-te/trung-quoc-thi-truong-lon-nhat-cua-nong-san-viet-nam-20230318053203092.htm
6. Trung Quốc bất ngờ gom mạnh hồ tiêu của Việt Nam
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, trong tháng 2/2023, cả nước xuất khẩu được 28.161 tấn tiêu các loại, với kim ngạch xuất khẩu đạt 85,1 triệu USD. Trong đó, tiêu đen đạt 25.959 tấn, trị giá 74,8 triệu USD; tiêu trắng đạt 2.202 tấn, trị giá 10,3 triệu USD. Như vậy, tổng lượng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 2 tăng 122,6% so với tháng trước. Cộng dồn 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được tổng cộng 40.814 tấn tiêu, trong đó tiêu đen đạt 37.310 tấn, tiêu trắng đạt 3.504 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 128,6 triệu USD (tiêu đen đạt 111,8 triệu USD, tiêu trắng đạt 16,8 triệu USD).
Đáng chú ý, trong số các thị trường xuất khẩu tháng 2/2023, Trung Quốc tăng nhập hồ tiêu Việt Nam trở lại ngay sau khi mở cửa và vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam, đạt 4.712 tấn, tăng 219,5% so với tháng 1/2023, chiếm 16,7% thị phần xuất khẩu. Cộng dồn 2 tháng, xuất khẩu hồ tiêu vào Trung Quốc đạt 10.209 tấn, chiếm 25% và tăng 760,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2022, do ảnh hưởng bởi chính sách Zero Covid, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 20.498 tấn, giảm 46,4% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại, hoạt động xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường này đã khởi sắc trở lại.
Hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm. Một số thị trường khác cũng có lượng nhập khẩu tăng như UAE: 2.655 tấn, tăng 40%, Philippines: 1.129 tấn, tăng 36%, xuất khẩu cũng tăng ở Senegal, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Bangladesh…Theo dự báo, sản lượng hạt tiêu vụ mùa năm 2023 sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2022, đạt 180.000 – 185.000 tấn. Tuy nhiên xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá thế giới chịu áp lực do nhu cầu tiêu thụ thấp.
Nguồn: https://markettimes.vn/trung-quoc-bat-ngo-gom-manh-tay-loai-hat-nay-cua-viet-nam-xuat-khau-tang-manh-hon-700-chi-trong-2-thang-dau-nam-20150.html
7. Hành, hẹ, tỏi Việt Nam được Trung Quốc ráo riết “săn lùng”
Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ và tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó, phần lớn xuất đi các thị trường châu Á, chiếm hơn 90%, theo sau đó là các thị trường châu Mỹ, châu Âu và châu Úc. Nếu tính riêng các quốc gia, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17,26 triệu USD (chưa bao gồm Đài Loan thêm 6,6 triệu USD). So với kim ngạch chỉ 86.185 USD trong năm 2021, xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang Trung Quốc năm 2022 tăng đột biến 19.935%. Các tỉnh sản xuất tỏi chính ở Trung Quốc và Sơn Đông, Hà Nam, Giang Tô, Hà Bắc và Vân Nam với diện tích canh tác đạt hơn 464.000 ha. Tuy nhiên lại không đạt sản lượng như kì vọng do các yếu tố về thời tiết. Mặc dù Trung Quốc đã kêu gọi mở rộng diện tích các loại củ như hành, tỏi trong thời gian gần đây chưa thể bù đắp được sản lượng thiếu hụt trong năm qua trong khi nhu cầu ngày càng tăng.
Không riêng thị trường Trung Quốc, có thể nói đây là nhóm ngành bùng nổ trong năm qua khi xuất khẩu đến các thị trường khác cũng đều tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, xuất khẩu hành, tỏi sang Lào tăng 459%, sang Đức tăng 182,6%, sang Đức tăng 133%, sang Anh, Đài Loan, Malaysia tăng lần lượt là 93,4%, 67,6% và 53,8%… so với năm 2021. Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 và tận dụng tối đa tiềm năng của ngành hàng, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm, hình thức sản phẩm để kéo dài thời gian bảo quản, tận dụng lợi thế các kênh phân phối để tiếp cận thị trường khi hành, hẹ tới các nước có nhu cầu lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và châu Á.
Nguồn: https://markettimes.vn/mat-hang-nay-cua-viet-nam-duoc-trung-quoc-rao-riet-san-lung-xuat-khau-tang-dot-bien-20-000-trong-nam-2022-20465.html
8. Xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt 7 triệu tấn
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị Trung Quốc đã vượt 100.000 tấn, đạt kim ngạch gần 62 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu gạo tăng hơn 130% về lượng và hơn 180% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu từ các thị trường đang dần phục hồi trở lại. Đặc biệt, số các đơn hàng từ Trung Quốc và Philippines đang tăng mạnh.
Năm nay, nguồn cung gạo từ các nước lớn có thể thiếu hụt do tác động biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Ấn Độ đang cấm xuất khẩu gạo tấm, còn gạo trắng áp thuế 20%. Trong khi đó, Trung Quốc đã mở cửa trở lại nên nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng. Gạo Việt Nam chất lượng đã được cải thiện nên dự báo đơn hàng sẽ tăng. Bộ Công Thương nhận định cả năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi. Dự báo kim ngạch có thể đạt từ 6,5 – 7 triệu tấn.
Nguồn:  https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-gao-nam-nay-co-the-dat-7-trieu-tan-20230322120845857.htm
9. Tôm Việt Nam bị ‘đối xử bất công’ ở Hàn Quốc
Là nguồn cung cấp tôm số 1 cho Hàn Quốc, mỗi năm Việt Nam cung cấp hơn 50% trong số 100.000 tấn tôm nhập khẩu của Hàn Quốc. Lãnh đạo VASEP cho rằng Hiệp định FTA giữa Việt Nam với Hàn Quốc thực thi từ năm 2015 đến nay, tưởng như tạo thuận lợi về thương mại và thuế quan nhập khẩu cho sản phẩm tôm Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin chi tiết từ các doanh nghiệp thủy sản, sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị chính phủ nước này “đối xử” bất công.
Cụ thể, đó là tình trạng Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14 – 16% giá trị nhập khẩu. Nếu ngoài quota thì mức thuế nhập khẩu là 20%. Như vậy, nhập khẩu tôm Việt Nam của Hàn Quốc chịu mức thuế 14 – 20% là chưa đúng tinh thần của của FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đặc biệt thấy rõ sự phân biệt đối xử khi so với FTA Hàn Quốc – Peru, tôm nhập từ Peru không cần quota và được hưởng mức thuế 0%. Vì vậy, VASEP đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao rà soát và kiến nghị với phía Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Nguồn: https://1thegioi.vn/tom-viet-nam-bi-doi-xu-bat-cong-o-han-quoc-194613.html

BSAi