Tiêu điểm: Temu, Shein, 1688… vẫn ‘vô tư’ bán hàng ở Việt Nam
Dù được yêu cầu phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein… vẫn hoạt động bình thường.
Temu, Shein, 1688… vẫn vô tư bán hàng
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vào chiều ngày 9-11 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Bộ đã làm việc với đại diện pháp lý của các sàn Temu, Shein. Bộ Công Thương yêu cầu các sàn này khẩn trương đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11. Trong thời gian triển khai đăng ký, các sàn phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký. Đồng thời, Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng.
Đến nay, mỗi khi truy cập vào website hay ứng dụng của Temu trên di động, người dùng đều nhận được thông báo từ nền tảng này đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, Temu vẫn cho phép người dùng thực hiện các thao tác đặt hàng và thanh toán bình thường tại Việt Nam.
Thậm chí mới đây, Temu còn tung ra chính sách mới khi nâng giá trị đơn hàng tối thiểu lên 887.000 đồng và giới hạn đơn hàng ở mức 1 triệu đồng. Nếu giá trị đơn hàng vượt quá 1 triệu đồng, sàn sẽ yêu cầu người dùng chia tách thành 2 đơn hàng khác nhau với cùng điều kiện trên.
Động thái này được sàn Temu lý giải là để tiếp tục cung cấp nhiều mặt hàng với giá trị thấp, và việc bổ sung mặt hàng để đáp ứng giá trị tối thiểu nhằm giúp ngăn chặn tình trạng rác thải đóng gói quá mức.
Với Shein, sàn này vẫn đang lẳng lặng hoạt động ở Việt Nam. Shein cung cấp website tiếng Việt cho người Việt Nam và liên tục tung ưu đãi cho ngày Black Friday sắp tới, với mức giảm từ 10% – 30% và miễn phí vận chuyển. Tuy nhiên, sàn này không thực hiện yêu cầu của Bộ Công Thương về việc đăng thông báo với người tiêu dùng.
Còn như 1688, từ đầu tháng 10 đến nay, sàn thương mại điện tử chuyển bán sỉ 1688.com cũng đã mở đường vận chuyển trực tiếp đến Việt Nam, thêm tùy chọn tiếng Việt và cho thanh toán bằng thẻ quốc tế. Nền tảng này còn mở các chương trình tiếp thị liên kết, quảng cáo dịch vụ nhắm đến khách hàng trong nước. Sàn này cũng không thực hiện việc thông báo với người tiêu dùng trên website.
Temu, 1688, Shein, Taobao… muốn gì?
Theo dõi suốt tiến trình sự kiện, thạc sĩ Nguyễn Bình Minh, giảng viên Trường Đại học Thương mại Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng động thái mới khi “ép” người dùng mua đơn hàng dưới 1 triệu đồng của Temu có thể nhằm tận dụng quy định của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ.
Dù vậy, hồi cuối tháng 10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bãi bỏ Quyết định 78 về việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử để chống thất thu thuế.
“Nếu xét về luật hiện tại, Temu không vi phạm khi quy định người mua phải mua đơn hàng dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh nền tảng này chưa hoàn tất đăng ký kinh doanh tại Việt Nam nhưng vẫn thực hiện giao dịch thì cần phải xem xét và hậu xử lý sau này”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, hiện nay, dù chưa thống kê đầy đủ nhưng ước tính mỗi ngày, trung bình có khoảng 45 – 63 triệu USD hàng giá trị nhỏ đã không được thu thuế nhập khẩu và thuế VAT.
“Do đó, việc quyết liệt bãi bỏ Quyết định 78 về miễn thuế VAT đối với hàng dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử là rất đúng đắn, kịp thời và cần áp dụng ngay”, ông Minh nói.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh ngành thời trang cũng đặt nghi vấn về việc rất có thể các nền tảng từ 1688 cho tới Temu, Shein đang quyết đẩy mạnh và xâm nhập thị trường Việt Nam quý III, quý IV là để tuồn hàng tồn kho, thậm chí hàng lỗi dịp cuối năm.
“Khi tôi thử mua hàng trên shop nước ngoài ở các sàn thương mại điện tử như Shopee và Lazada, khi hàng lỗi nhẹ, tôi thử đề nghị trả hàng thì nhà bán thậm chí tặng luôn sản phẩm lỗi nhẹ đó và gửi miễn phí một sản phẩm mới cho tôi. Họ trả lời rằng đây là chính sách chăm sóc khách hàng, nhưng với những chuyến công tác qua Trung Quốc, tôi cho rằng đó là vì hàng của họ quá nhiều, giá lại rẻ, dù cho luôn người mua cũng chẳng lỗ?”
Hàng hóa mua từ các sàn chưa đăng ký sẽ không được thông quan
Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu hải quan các địa phương không thông quan với những tờ khai vận chuyển hàng hóa không khai thông tin về website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tên website thương mại mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng.
Ngoài ra cũng sẽ không thông quan với tờ khai có khai thông tin website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử…nhưng chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc chưa được thông báo trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử tại trang online.gov.vn của Bộ Công Thương.
Kiểm soát nhưng không nên cực đoan
Dù cho rằng Temu hay 1688, Taobao… đang là cơn “đau đầu” của thương mại điện tử, ông Nguyễn Bình Minh cho rằng vẫn không nên cực đoan, bế quan tỏa cảng đối với thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.
“Nếu quá cực đoan thì rất có thể họ sẽ cực đoan ngược lại đối với hàng hóa Việt Nam. Thay vào đó, cần điều tiết, tăng cường quản lý về pháp luật về thuế, hải quan, chất lượng hàng hóa để xây dựng thị trường thương mại điện tử ổn định, công bằng cho các doanh nghiệp trong nước.
Rõ ràng Temu hay Shein… đang không có gì ngoài tiền nên tăng cường chạy khuyến mãi. Nếu hàng có tốt thì tất nhiên có lợi cho người dùng Việt Nam, tuy nhiên nếu giá rẻ, hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng sẽ là kênh khiến Temu, Shein bị đào thải nhanh nhất ở thị trường Việt Nam”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng đề xuất nên tính toán triển khai áp dụng thuế môi trường để ngăn chặn tình trạng rác thải từ thương mại điện tử. Dù vậy, đề xuất này được ông Minh nhấn mạnh là cần coi đây là một sự lựa chọn, đề xuất trong tương lai để “ràng buộc” các nền tảng giá rẻ thương mại điện tử xuyên biên giới và cả thương mại điện tử đang kinh doanh ở Việt Nam.
“Không chỉ các ngành thương mại điện tử mà ở các ngành nghề khác, khi phát triển thì sẽ phải đối mặt với tình trạng môi trường. Do đó, việc tính toán tới áp dụng thuế môi trường với hàng hóa nhập khẩu cũng là một phương án để giảm thiểu hàng giá rẻ, hàng kém chất lượng tràn lan. Tuy nhiên, cần áp dụng từ từ, có lộ trình để cả doanh nghiệp kịp thời chuyển đổi. Điều này quan trọng nhất là khi chúng ta hướng tới cam kết về Net Zero trong năm 2050”, ông Minh nói.
Các công ty bán lẻ trên thế giới chạy đua giao hàng dưới 1 giờ
Hiểu được tâm lý khách hàng, các nền tảng giao hàng như Baemin (Hàn Quốc) hay Uber Eats và DoorDash (Mỹ) đang mở rộng danh mục phục vụ giao hàng, ngoài thực phẩm.
Chẳng hạn như Baemin, ứng dụng giao hàng hàng đầu Hàn Quốc, đã rời Việt Nam ít lâu, đang hợp tác với Chuỗi siêu thị Emart của Hàn Quốc đỂ cung cấp dịch vụ giao hàng chưa tới 1 giờ cho hơn 3.000 mặt hàng.
Các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc cũng đã “nhảy” vào cuộc đua thương mại nhanh, GS25, CU và 7-Eleven của Hàn Quốc cũng giao hàng chưa đến một giờ cho khách hàng.
Tại Mỹ, Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, hiện cung cấp dịch vụ giao thuốc theo toa trong vòng 30 phút tại sáu tiểu bang của Mỹ và có kế hoạch mở rộng dịch vụ này lên 49 tiểu bang vào tháng 1. Amazon cũng đang phát triển dịch vụ sử dụng máy bay không người lái để giao thuốc theo toa trong vòng 60 phút.
Hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 80% tại các siêu thị
Theo Bộ Công Thương, sau 15 năm, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay.
Đặc biệt, cán cân thương mại xuất siêu liên tục từ năm 2016. Hàng Việt Nam tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị và từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống.
Ngoài ra, hơn 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Cùng với đó là trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào“Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.
Nghỉ việc ở nhà làm ‘kho gia đình’ cho Temu, nhiều người ‘vớ bẫm’
Không còn thoải mái giao hàng nhanh, giá rẻ, trực tiếp từ Trung Quốc đến các nước khác, người bán từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein đang chuyển sang cái gọi là “kho tại nhà”.
Trong căn hộ một phòng ngủ chật chội của Eason Lin tại Sunset Park, Brooklyn, phòng khách ngổn ngang hàng trăm hộp lớn nhỏ. Chúng sẽ sớm được chuyển đến nhà những người tiêu dùng Mỹ đã đặt đơn trên Temu và TikTok Shop.
“Đó là một công việc thoải mái”, Lin, người thức dậy mỗi sáng để kiểm tra đơn hàng, in nhãn vận chuyển và đóng gói, cho biết. Anh vận chuyển bằng cách đi bộ, đựng trong ba lô hoặc xe đẩy đến một bưu điện, sau đó tính phí người bán Trung Quốc khoảng 1 USD.
Nhiều người bán vận chuyển đơn hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ đang gặp khó khăn trước động thái mới của chính phủ nhằm trấn áp các bưu kiện thương mại điện tử giá rẻ đến từ đại lục. Thay vì dựa vào vận chuyển đường dài, họ tận dụng các công ty hậu cần thương mại hoặc kho hàng nhỏ như Lin.
‘Chông gai’ của chuỗi trà sữa Trung Quốc sắp vào Việt Nam
Chagee – thương hiệu trà sữa nổi tiếng của Trung Quốc – đang có những động thái gia tăng nhận diện tại thị trường Việt Nam. Trước đó, chuỗi trà sữa xứ Trung đã liên tục bành trướng tại khu vực Đông Nam Á sau khi mở một loạt cửa hàng tại Malaysia, Thái Lan và Singapore, nâng tổng số cửa hàng toàn cầu lên 4.500 cửa hàng.
Với mức giá trung cấp và chất lượng cao, Chagee sẽ tạo ra một sự lựa chọn mới, hấp dẫn cho người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt khi nhu cầu về sản phẩm chất lượng đang tăng cao.
Dù chưa chính thức hiện diện tại thị trường Việt Nam, Chagee đã phải đối mặt với những “chông gai” bước đầu.
Theo đó, trên thị trường hiện có một loạt thương hiệu trà sữa với cách truyền thông và bao bì sản phẩm khiến khách hàng dễ nhầm với chuỗi trà sữa tới từ Trung Quốc.
Khác với các chuỗi đồ uống ngoại từng gia nhập thị trường Việt Nam như Starbucks, Mixue… việc có nhiều thương hiệu “na ná” đang hoạt động khiến việc định vị thương hiệu, hình ảnh của Chagee với người tiêu dùng khó khăn hơn.
Doanh nghiệp Nhật mở rộng thị trường “máy đá nước biển” ở Đông Nam Á
Hãng Iceman của Nhật Bản đang tìm kiếm mở rộng gấp đôi thị trường xuất khẩu máy làm đá lạnh từ nước biển ở các thị trường Đông Nam Á vốn có cơ sở hạ tầng kho lạnh chưa hoàn chỉnh.
Máy làm nước đá từ nước biển của Iceman có thể biến nước biển thành những tảng đá lớn, thích hợp cho ngư dân ở các nước nghèo bảo quản lạnh hải sản mới đánh bắt và các sản phẩm khác.
Thành lập năm 1956, Iceman hiện đã xuất khẩu máy làm đá biển sang 12 quốc gia và khu vực bao gồm Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Hồng Kông. Ngoài việc sử dụng tại các cơ sở đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, thiết bị của công ty còn được sử dụng để làm mát bê tông và tạo tuyết nhân tạo tại các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết. Công ty đã cung cấp máy làm đá cho gần 40 quốc gia thông qua các dự án hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản.
Mùa Giáng sinh năm nay, Coca-Cola quyết định đưa công nghệ vào trung tâm chiến lược quảng cáo với loạt video sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, thay vì gợi lên cảm giác hoài niệm và ấm áp như những quảng cáo trước đây, những đoạn phim ngắn này nhận phải chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng, theo Forbes.
Lấy cảm hứng từ quảng cáo “Holidays Are Coming” huyền thoại năm 1995, phiên bản mới do AI tạo ra đã tái hiện hình ảnh những chiếc xe tải đỏ chở Coca-Cola, các biểu tượng Giáng sinh, và người tiêu dùng thưởng thức nước ngọt.
Nhưng điểm khác biệt nằm ở cách AI xử lý. Các chi tiết kỳ lạ như bánh xe lướt mà không quay, kích thước người so với xe không đồng nhất, và bàn tay Santa Claus trông “cao su hóa” đã khiến người xem không khỏi hoang mang. Các cảnh quay thiếu tự nhiên và cảm xúc càng làm nổi bật giới hạn của công nghệ AI.
Mặc dù sự cố được Coca-Cola mô tả là chỉ xảy ra trên “rất ít” sản phẩm, nhưng công ty đã nhanh chóng phối hợp với chính quyền Áo để thu hồi toàn bộ các lô hàng liên quan, đồng thời đảm bảo người tiêu dùng được hoàn tiền ngay cả khi không có hóa đơn.
Chỉ 22% doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng triển khai công nghệ AI
Công ty mạng và bảo mật Cisco đã công bố những phát hiện mới từ Chỉ số sẵn sàng AI (AI Readiness Index) năm 2024. Chỉ số này cho thấy, chỉ có 22% các tổ chức tại Việt Nam đã hoàn toàn sẵn sàng triển khai và tận dụng các công nghệ AI, giảm so với mức 27% của năm ngoái, TTXVN đưa tin.
Sự suy giảm này nhấn mạnh những thách thức mà các công ty phải đối mặt trong việc áp dụng, triển khai và khai thác tối đa AI.
Chỉ số này dựa trên khảo sát với 3.660 nhà lãnh đạo cấp cao từ doanh nghiệp có quy mô 500 nhân viên trở lên tại 14 thị trường thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo này chịu trách nhiệm tích hợp và triển khai AI trong tổ chức của họ. Chỉ số Sẵn sàng AI được đo lường trên sáu trụ cột là chiến lược, cơ sở hạ tầng, dữ liệu, quản lý, nhân tài và văn hoá.
Công nghệ Trung Quốc mở rộng quy mô AI ngay trên đất Mỹ
Các tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc đang xây dựng đội ngũ AI tại Silicon Valley, tìm cách tuyển dụng những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực. Theo Financial Times, Alibaba, ByteDance và Meituan đã mở rộng văn phòng tại California trong những tháng gần đây, bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn cản công nghệ Trung Quốc tiếp cận chip AI tối tân, vốn đóng vai trò quan trọng trong phát triển mô hình AI.
Hiện tại, Mỹ chưa có quy định nào cấm các pháp nhân tại Mỹ liên quan đến hay do Trung Quốc sở hữu tiếp cận chip AI cao cấp thông qua các trung tâm dữ liệu đặt trên đất Mỹ. Dù vậy, Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất dự luật về việc các nhà cung cấp đám mây phải xác minh danh tính của người dùng đào tạo mô hình AI và báo cáo hoạt động của họ.
Chat GPT chuẩn bị ra mắt tính năng gọi video cùng AI
Theo TechRadar, OpenAI đang phát triển tính năng mới mang tên “Live Camera”, được cho là sẽ tích hợp vào chế độ giọng nói nâng cao của Chat GPT. Tính năng này sẽ giúp AI (trí tuệ nhân tạo) không chỉ trò chuyện bằng âm thanh mà còn có khả năng nhận diện và phản hồi về hình ảnh.
Chế độ giọng nói nâng cao của ChatGPT đã được thử nghiệm ở giai đoạn Alpha, nhận được phản hồi tích cực từ người dùng. Một người thử nghiệm so sánh trải nghiệm với việc gọi FaceTime cùng một “người bạn siêu thông minh”, cho biết tính năng này rất hữu ích khi trả lời câu hỏi theo thời gian thực.
Việc tích hợp khả năng nhận diện hình ảnh và gọi video hứa hẹn giúp ChatGPT vượt xa vai trò của một chatbot thông thường. Đây có thể là công cụ hữu ích cho người khiếm thị, hoặc giúp người dùng xử lý các tình huống yêu cầu nhận diện trực quan.
Hướng đi bền vững cho xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc
Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc nhờ lợi thế địa lý, diện tích trồng lớn và sản phẩm nhiệt đới đặc sắc. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 65%. Dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 7,5 tỷ USD, với Trung Quốc tiêu thụ 70%. Nhu cầu cao từ thị trường đông dân này, kết hợp với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ gồm cạnh tranh gay gắt với các nước và hàng nội địa Trung Quốc, cũng như các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, vệ sinh thực vật, và truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng, đầu tư công nghệ, cải tiến bao bì, và mở rộng kênh phân phối vào nội địa Trung Quốc.
Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch được nhấn mạnh là giải pháp bền vững, đảm bảo uy tín và giá trị lâu dài. Chính quyền địa phương, doanh nghiệp, và các cơ quan chức năng cần phối hợp để triển khai chiến lược này, tận dụng cơ hội thị trường lớn nhưng đầy thách thức.
Ấn Độ tìm cách tái chế hàng triệu tấn rác thải ngành điện tái tạo
Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, đang đẩy mạnh tiêu thụ xe điện và năng lượng tái tạo nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, quá trình này đối diện bài toán xử lý hàng triệu tấn pin và thiết bị qua sử dụng, như pin xe điện và các tấm pin mặt trời.
Một số doanh nghiệp đã đi đầu trong việc tái chế pin xe điện. Công ty Nunam, tại Bengaluru, tái sử dụng pin để tạo ra các bộ trữ điện cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Họ đặt mục tiêu tái chế một GWh điện, đủ cung cấp cho một triệu ngôi nhà mỗi năm vào cuối thập kỷ này. Các kỹ sư của Nunam nhận định pin xe điện, sau khi không còn hoạt động hiệu quả cho động cơ, vẫn có thể phục vụ tốt các nhu cầu tiêu thụ điện nhỏ.
Ấn Độ hiện nhập khẩu hơn 95% pin lithium-ion và các khoáng sản cần thiết cho năng lượng sạch. Chuyên gia Akansha Tyagi nhấn mạnh rằng gần 90% vật liệu trong pin và thiết bị năng lượng tái tạo có thể tái chế, mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, hạn chế hiện tại bao gồm thiếu doanh nghiệp tham gia, nhân lực tay nghề cao, và các quy định tái chế chi tiết.
Hiện nay, nhiều thiết bị như pin mặt trời và xe điện hết hạn sử dụng vẫn bị đưa vào bãi rác hoặc được xử lý bởi các nhà tái chế không được cấp phép. Một số startup như Nunam đã triển khai các giải pháp tái chế sáng tạo, nhưng quy mô còn nhỏ. Chính phủ Ấn Độ đã ban hành quy định yêu cầu tái chế các thiết bị năng lượng tái tạo, nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể.
Các chuyên gia khẳng định rằng cần lên kế hoạch tái chế rõ ràng và chi tiết, không chỉ để giảm thiểu rác thải mà còn tạo lợi nhuận và việc làm. Nếu không, Ấn Độ có nguy cơ trở thành một trong những quốc gia tạo ra lượng rác thải năng lượng tái tạo lớn nhất.
TP.HCM đang đẩy mạnh chuyển đổi sang “xe xanh” sử dụng năng lượng thân thiện môi trường như xe điện và xe chạy khí CNG, cùng mục tiêu giảm xe cá nhân. Theo kế hoạch, đến năm 2030, ít nhất 50% xe buýt sử dụng năng lượng xanh, và đến năm 2050, 100% xe buýt và taxi sẽ áp dụng tiêu chuẩn này, phù hợp cam kết Net Zero tại Hội nghị COP26.
Kế hoạch chuyển đổi xe buýt sang năng lượng xanh đã triển khai từ năm 2014, với việc thay thế 1.680 xe buýt dầu bằng xe chạy khí CNG và hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp. Đến 2030, TP.HCM dự kiến đưa vào vận hành 2.770 xe buýt điện và xây dựng 25 trạm sạc với 269 trụ sạc/trạm. Các chính sách tài chính như lãi suất vay ưu đãi, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ cho xe điện mới nhập khẩu đang được áp dụng để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.
Hiện TP.HCM có hơn 10 triệu phương tiện giao thông, trong đó chỉ 18 xe buýt điện trong tổng số 2.209 xe buýt. Giao thông vận tải đóng góp khoảng 13 triệu tấn carbon mỗi năm trong tổng phát thải 35 triệu tấn của thành phố. Để giảm ô nhiễm, TP.HCM đang thử nghiệm thuê xe đạp công cộng ở quận 1, với 43 trạm và 388 xe, thu hút trung bình 700 người đăng ký mỗi ngày.
Bên cạnh giao thông xanh, ô nhiễm ánh sáng từ đèn giao thông, đèn chiếu sáng đô thị và quảng cáo đang là vấn đề lớn. Ánh sáng nhân tạo quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm tầm nhìn, và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Để khắc phục, TP.HCM đang triển khai dự án “Chuyển đổi chiếu sáng xanh hướng tới Net Zero” với sự hợp tác quốc tế, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại hội nghị tổng kết cá tra năm 2024 tại Đồng Tháp ngày 17/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sản lượng cá tra năm 2024 đạt khoảng 1,6 triệu tấn, không thay đổi so với năm trước. Tính đến giữa tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, cá tra Việt Nam đang đối mặt sự cạnh tranh mạnh từ các quốc gia khác và các loại cá thịt trắng.
Theo Cục Thủy sản, Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu, nhưng các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh cũng gia tăng sản lượng. Trung Quốc sản xuất 1,4 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu phục vụ nội địa, giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Indonesia dù sản lượng thấp nhưng đang xây dựng uy tín tại Trung Đông với các nhãn hàng riêng. Ngoài ra, cá tra còn phải cạnh tranh với cá rô phi (chiếm 20% thị phần cá thịt trắng toàn cầu) và cá tuyết.
Cục Thủy sản khuyến cáo doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện tỷ lệ mạ băng, xây dựng thương hiệu để đảm bảo giá bán phù hợp. Thái Lan là ví dụ điển hình khi giá cá tra xuất khẩu tăng mạnh nhờ chiến lược tiếp thị hiệu quả, dù không nằm trong bản đồ nuôi cá tra.
Ngoài áp lực từ thị trường, cá tra Việt Nam còn đối mặt khó khăn nội tại như chất lượng giống chưa đảm bảo, tỷ lệ sống thấp, và chi phí sản xuất tăng do giá vật tư đầu vào cao.
Thị phần xuất khẩu cá tra đang thay đổi, với Trung Quốc chiếm 29% (giảm 2%) và Mỹ tăng lên 18%. Các thị trường nhỏ như Brazil, Nhật Bản, Colombia, Nga tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, Nhật Bản, thị trường khó tính với cá da trơn, lại ghi nhận tiềm năng lớn cho sản phẩm sasimi từ cá tra Việt Nam.
Tình hình trồng cam sành tại Trà Vinh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cam giảm sâu, gây thua lỗ nặng cho nông dân. Dù vậy, diện tích trồng cam sành vẫn tiếp tục mở rộng, tạo ra nguồn cung vượt cầu. Trước đây, năng suất đạt khoảng 50-60 tấn/ha, nay tăng lên 100-120 tấn/ha. Diện tích trồng cam cũng tăng từ 0,3-0,5ha/hộ lên 1,5-2ha/hộ, khiến sản lượng tăng nhanh. Đến tháng 10/2024, Trà Vinh có gần 4.500ha cam sành, tập trung chủ yếu tại huyện Cầu Kè, làm giảm diện tích lúa đáng kể.
Tuy nhiên, giá cam hiện nay không vượt 8.000 đồng/kg, thậm chí xuống mức 2.500-3.000 đồng/kg, gây khó khăn lớn cho nông dân. Cam sành chủ yếu tiêu thụ tươi, chưa được chế biến sâu như nước ép đóng chai hay bột cam, dẫn đến phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ trái tươi. Việc bảo quản cam chỉ kéo dài 5-7 ngày càng làm hạn chế khả năng xuất khẩu và vận chuyển. Nhiều nhà vườn, dù thua lỗ, vẫn tiếp tục “níu giữ” diện tích trồng, chờ giá cải thiện, trong khi một số phải giảm diện tích hoặc xen canh các cây trồng khác.
Giải pháp được đề xuất là giảm sản lượng cam, cắt vụ, xây dựng mô hình trồng xen canh, và đẩy mạnh chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, cần sự hỗ trợ từ ngân hàng và doanh nghiệp để nông dân tiếp cận nguồn vốn chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn, giúp giảm áp lực nguồn cung và nâng cao giá trị cam sành.
Ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm chuẩn bị cho lần làm việc thứ 5 với Đoàn thanh tra EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU). Bộ NN&PTNT báo cáo rằng Việt Nam đã cơ bản khắc phục các vấn đề được EC khuyến nghị trong đợt thanh tra thứ 4, thông qua việc ban hành nhiều văn bản pháp luật như Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP và Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT. Đặc biệt, Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn xử lý các hành vi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Việt Nam cũng đã triển khai các kế hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” và phát triển bền vững ngành thủy sản. Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong việc xử lý vi phạm, tuần tra và kiểm soát chặt chẽ tại các cảng cá, đặc biệt chú trọng việc thực hiện Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS).
Thứ trưởng Tiến cho biết, kể từ khi EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng”, Việt Nam đã tiếp đón 4 đoàn thanh tra. Đợt thanh tra thứ 5 sắp tới rất quan trọng để gỡ “thẻ vàng” trong năm 2024, nhằm nâng cao uy tín thủy sản Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024, yêu cầu tập trung xử lý các vấn đề trọng tâm. Chủ tịch UBND các tỉnh ven biển chịu trách nhiệm chỉ đạo địa phương thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp thủy sản tuân thủ nghiêm quy định để đảm bảo phát triển ngành theo hướng bền vững.
Sầu riêng Việt “một mình một chợ”, giá cao ngất ngưởng
Giá sầu riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện cao kỷ lục, với Monthong loại A đạt 180.000-190.000 đồng/kg và Ri 6 loại A ở mức 135.000-140.000 đồng/kg, gấp đôi so với chính vụ. Loại B và C có giá thấp hơn lần lượt 20.000 và 40.000 đồng/kg. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Việt Nam đang chiếm lợi thế độc quyền trong thời điểm nghịch vụ khi sản lượng thấp và nhu cầu cao, khiến giá sầu riêng tăng vọt, thậm chí có lúc đạt 200.000 đồng/kg.
Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ sầu riêng Việt Nam, và Việt Nam có tiềm năng vượt Thái Lan trong xuất khẩu sầu riêng trong 1-2 năm tới. Năm 2024, Thái Lan đạt giá trị xuất khẩu sầu riêng 3,7 tỉ USD, giảm so với năm trước, trong khi Việt Nam ước đạt 3,5 tỉ USD, tăng mạnh 60%.
Đến hết tháng 10, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 6,16 tỉ USD, trong đó 4,1 tỉ USD từ thị trường Trung Quốc. Sầu riêng dẫn đầu với giá trị 2,9 tỉ USD, nhờ nhu cầu lớn từ Trung Quốc do việc trồng thử nghiệm tại đảo Hải Nam chưa thành công, khiến nước này phụ thuộc vào nhập khẩu từ Đông Nam Á.
Bánh mì Việt bán tại nhà riêng ở Singapore gây sốt, thực khách chờ cả tiếng
Bà Bành Thị Huệ, người Việt định cư tại Singapore từ năm 2009 sau khi kết hôn với một người bản địa, từng làm việc tại một nhà hàng Việt trước khi thử mở quầy bánh mì riêng. Tuy nhiên, kế hoạch này thất bại do chi phí thuê mặt bằng cao và mâu thuẫn với chủ nhà. Sau đó, bà quyết định chuyển sang bán đồ ăn tại nhà, đầu tư khoảng 3.000 SGD để mua trang thiết bị và thành lập thương hiệu “Huệ Bánh Mì” tại căn hộ ở Choa Chua Kang.
Ban đầu, bà dự định ngừng kinh doanh nếu không thành công, nhưng bất ngờ doanh thu ổn định, với khoảng 60 chiếc bánh mì bán ra mỗi ngày vào cuối tuần. Thương hiệu của bà nổi tiếng sau khi một khách hàng đăng video trải nghiệm lên TikTok, thu hút hơn 40.000 lượt thích. Nhiều khách hàng không ngại lái xe từ các khu xa như Orchard hay Tampines để đến mua bánh mì.
Ngoài bánh mì, bà mở rộng thực đơn với các món như nem rán, thịt bò hầm. Khách hàng có thể đặt món qua ứng dụng giao đồ ăn hoặc tới nhà để mua trực tiếp, nhưng cần đặt trước vì giờ cao điểm có thể phải chờ tới 1 tiếng.
Để giữ hương vị truyền thống nhưng phù hợp với khẩu vị địa phương, bà Huệ đã nhiều lần thử nghiệm và hoàn thiện công thức. Công việc tỉ mỉ từ chuẩn bị nguyên liệu như dưa chua, nước sốt khiến bà phải làm việc đến tận 3h sáng. Theo bà, chất lượng nguyên liệu là yếu tố quan trọng để giữ chân khách hàng.
Cuộc đua mới của Highlands Coffee, Starbucks và Katinat
Thị trường F&B tại các thành phố du lịch Việt Nam đang trở thành tâm điểm cạnh tranh của các chuỗi trà – cà phê lớn như Highlands Coffee, Starbucks và Katinat. Gần đây, Starbucks và Highlands mở cửa hàng mới tại những vị trí đắc địa ở Đà Lạt, trong khi Katinat ra mắt chi nhánh đầu tiên tại Huế.
Xu hướng này phản ánh chiến lược mở rộng vào các thị trường du lịch tiềm năng như Hội An, Huế, Đà Lạt và Phú Quốc, đặc biệt khi các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã bão hòa. Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Việt Nam, các địa điểm này hứa hẹn tiềm năng kinh doanh nhờ lượng khách nội địa tăng và triển vọng du lịch quốc tế phục hồi. Giá thuê mặt bằng hợp lý cùng với chiến dịch tiếp thị tốt có thể tạo hiệu ứng lan tỏa, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.
Ông Đỗ Duy Thanh, chuyên gia tư vấn F&B, nhận định chuỗi cà phê dễ mở rộng hơn các chuỗi nhà hàng nhờ tính linh hoạt trong vận hành. Các cửa hàng tại điểm du lịch không chỉ thu hút khách nội địa và quốc tế mà còn nâng cao uy tín thương hiệu. Đối với thương hiệu ngoại như Starbucks, đây là cơ hội địa phương hóa, trong khi Highlands và Katinat có thể sử dụng làm bàn đạp để vươn ra quốc tế.
Tuy nhiên, các thương hiệu cũng đối mặt thách thức từ tính chu kỳ của lượng khách du lịch và phải tối ưu chi phí vận hành. Ví dụ, The Coffee House từng đóng cửa chi nhánh ở Đà Nẵng và Cần Thơ để đảm bảo hiệu quả kinh doanh toàn hệ thống.
Michelin gợi ý những món cà phê nhất định phải thử khi đến Việt Nam
Theo bài viết của Michelin Guide, cà phê Việt Nam không chỉ là một phần của di sản ẩm thực quốc gia mà còn được quốc tế đánh giá cao. Các món cà phê nổi bật mà du khách nên thử gồm cà phê sữa đá, bạc xỉu, cà phê dừa, cà phê muối, cà phê trứng và cà phê trái cây, được chế biến từ cà phê Arabica kết hợp với trái cây nhiệt đới như cam, vải, mơ. Michelin gợi ý địa điểm thưởng thức cà phê muối ở Huế, cà phê trứng tại Hà Nội, và cà phê sữa đá, bạc xỉu tại TP.HCM.
Cà phê sữa đá, được ví như “viên ngọc” trong các món cà phê Việt, nổi tiếng với cách pha phin độc đáo, hòa quyện giữa vị đắng của cà phê, ngọt của sữa đặc và mát lạnh từ đá viên. Thức uống này xuất hiện ở mọi nơi, từ quán ven đường đến nhà hàng sang trọng trong nước và quốc tế.
Michelin Guide đã đăng tải bài viết này vào tháng 3-2024 và được chia sẻ rộng rãi trong các cộng đồng F&B. Mặc dù nhiều món cà phê mới như cà phê nước mắm, cà phê sầu riêng, cà phê đông trùng hạ thảo ra đời, nhưng các món truyền thống vẫn giữ vị trí không thể thay thế.
Dự báo 6 xu hướng du lịch nổi bật trên thế giới trong năm 2025
Báo cáo từ Expedia, Hotels.com, và Vrbo với hơn 25.000 du khách tham gia khảo sát trên toàn thế giới đã dự đoán 6 xu hướng du lịch chính vào năm 2025, tập trung vào trải nghiệm phong phú hơn là chỉ thăm quan địa điểm.
Du lịch để mua hàng hóa (Goods Getaways) Mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, đã thúc đẩy xu hướng du lịch với mục tiêu chính là mua sắm hàng hóa độc đáo của địa phương. Các sản phẩm như sôcôla Dubai hay mỹ phẩm Hàn Quốc thu hút du khách muốn kết nối sâu sắc hơn với văn hóa nơi họ đến. Gần 44% du khách chia sẻ họ mua sắm hàng địa phương mà không thể tìm thấy tại quê nhà.
Nghỉ dưỡng trọn gói Loại hình này đang tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở thế hệ trẻ, với sự đầu tư từ các tập đoàn lớn như Hyatt và Marriott. Xu hướng này đáp ứng nhu cầu về kỳ nghỉ sang trọng, tiện lợi, không phát sinh chi phí. Số lượt tìm kiếm gói nghỉ dưỡng trọn gói tăng 60% so với năm trước.
Trải nghiệm ẩm thực tại khách sạn Các khách sạn không chỉ cung cấp chỗ nghỉ mà còn đầu tư mạnh vào nhà hàng với đầu bếp nổi tiếng và thực đơn sáng tạo. 33% du khách cho rằng nhà hàng nổi tiếng ảnh hưởng quyết định đặt phòng, trong khi 50% sẵn sàng chi tiêu đáng kể để thưởng thức ẩm thực cao cấp tại khách sạn.
Điểm đến “Detour” Thay vì chỉ tập trung vào các điểm nổi tiếng, du khách đang tìm đến các điểm đến phụ gần đó (detour destinations) để trải nghiệm mới lạ. Ví dụ, Reims (Pháp) gần Paris hoặc Girona (Tây Ban Nha) gần Barcelona, cho phép hành trình thêm phong phú.
Du lịch hiện tượng thiên nhiên (Phenomena-List) Du khách ngày càng bị hấp dẫn bởi các sự kiện tự nhiên đặc biệt như cực quang, di cư chim hay hiện tượng phát quang sinh học. Các điểm đến nổi bật bao gồm Lapland (Phần Lan), Reykjavik (Iceland) và Vịnh Fundy (Canada).
Du lịch theo phim (Set-Jetting) Phim và truyền hình tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến lựa chọn điểm đến. Các địa điểm nổi tiếng trong phim như The White Lotus hay Emily in Paris thu hút du khách khám phá văn hóa, ẩm thực và lối sống địa phương.
Startup AI Việt Nam gặp cảnh ‘voi nhiều, cỏ quá ít’
Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á sau Singapore về số lượng startup AI, với 765 doanh nghiệp vào tháng 9-2024. Tuy nhiên, tổng vốn huy động được chỉ 47,3 triệu USD, trung bình mỗi startup nhận khoảng 62.000 USD, cho thấy sự thiếu hụt nguồn vốn và tiềm năng phát triển còn hạn chế. Các startup AI Việt Nam được chia làm hai nhóm chính: nhóm nổi bật thu hút vốn nhờ áp dụng AI hiệu quả vào kinh doanh và nhóm gặp khó khăn trong gọi vốn do sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một số startup thành công gồm OKXE, MFast, và Teky. OKXE là nền tảng giao dịch xe máy cũ, áp dụng AI và dữ liệu lớn để cải thiện tính minh bạch, đạt 8 triệu người dùng cuối 2023. MFast, startup fintech, tạo mạng lưới cộng tác viên giúp giải ngân 300 triệu USD vay và mở rộng thị trường sang Philippines. Teky cung cấp chương trình giáo dục STEAM chuẩn Mỹ, thu hút hơn 10 triệu USD đầu tư.
Tuy nhiên, không phải startup AI nào cũng thực sự xuất phát từ Việt Nam. OKXE và Infoplus là công ty Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam. Các startup như Vbee và Olli lại tạo ấn tượng với sản phẩm AI nội địa độc đáo như trợ lý ảo và công nghệ lồng tiếng.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ quốc tế như của Amazon Web Services giúp một số startup AI Việt Nam như AI Hay và Kompato AI phát triển thị trường, hướng tới Đông Nam Á và toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng startup cần tập trung tạo ra sản phẩm giải quyết bài toán cụ thể, thay vì chỉ chạy theo xu hướng AI.
Thị trường nhà kho và nhà xưởng xây sẵn tại Việt Nam đang phát triển mạnh nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng và gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ lấp đầy tăng cao, đặc biệt tại miền Bắc, nơi các “ong chúa” như Samsung, LG, Foxconn và chuỗi cung ứng điện tử mở rộng hoạt động. Trong quý III/2024, diện tích hấp thụ thuần nhà xưởng xây sẵn đạt hơn 245.000 m², tăng 43% theo quý, trong khi miền Nam dẫn đầu về cho thuê nhờ nhu cầu từ các ngành công nghệ cao, logistics và thương mại điện tử.
Tỷ lệ hấp thụ tốt khiến nhiều dự án chuyển đổi từ nhà kho sang nhà xưởng xây sẵn để đáp ứng nhu cầu. Giá thuê trung bình cũng tăng nhẹ, đạt 4,8 USD/m²/tháng. Dự báo, giá thuê phân khúc này sẽ tăng 1-4%/năm trong 3 năm tới, với động lực từ các ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn và ô tô.
Ngoài vị trí thuận tiện và chất lượng sản phẩm, yếu tố “nhà kho xanh” với các tiêu chuẩn bền vững ngày càng được quan tâm. Xu hướng này phản ánh nhu cầu ngày càng cao về hiệu quả vận hành và phát triển bền vững trong thị trường bất động sản công nghiệp.
Cổ đông ngoại muốn thoái vốn toàn bộ khỏi taxi Vinasun
Quỹ đầu tư TAEL Two Partners vừa đăng ký bán hơn 6,4 triệu cổ phiếu VNS, tương đương 9,49% vốn của Vinasun, từ ngày 15/11 đến 13/12 thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Đây là bước thoái vốn cuối cùng của quỹ ngoại này khỏi hãng taxi sau nhiều năm đầu tư lỗ, nhằm cơ cấu lại danh mục. Với giá cổ phiếu hiện tại khoảng 12.250 đồng, TAEL Two Partners dự kiến thu về khoảng 66 tỷ đồng, chỉ bằng một phần nhỏ so với khoản đầu tư ban đầu.
TAEL Two Partners đã rót vốn vào Vinasun từ năm 2013 với giá 45.000 đồng/cổ phiếu, chi 135 tỷ đồng cho đợt phát hành riêng lẻ và tiếp tục mua thêm để nâng sở hữu lên 18,3%, với tổng chi phí ước tính hơn 382 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu VNS đã giảm sâu, khiến quỹ phải thực hiện “cắt lỗ”. Quá trình thoái vốn bắt đầu từ tháng 10/2023 nhưng gặp khó khăn do thanh khoản thấp, chỉ giảm được sở hữu xuống 9,49% sau nhiều lần đăng ký.
Trong khi đó, Vinasun đang đối mặt nhiều khó khăn kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu giảm hơn 17% xuống còn 778 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 52%, chỉ đạt 60 tỷ đồng. Công ty hiện chủ yếu “sống” nhờ bán xe cũ và quảng cáo trên taxi. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ tài xế và tỷ lệ chia doanh thu mới tiếp tục ảnh hưởng lợi nhuận.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn, Vinasun đã xác định thay thế dàn xe xăng cũ bằng khoảng 700 xe hybrid của Toyota, nhằm tiết kiệm nhiên liệu và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chịu áp lực từ sự phục hồi chậm của ngành du lịch – vận tải, cạnh tranh gay gắt trong ngành, lạm phát và sức mua giảm của khách hàng.
Nhiều quy định mới của EU ảnh hưởng tới hàng xuất khẩu của Việt Nam
Ông Nguyễn Thành Hưng – Chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính Phủ, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế – Văn Phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại, những điều chỉnh, quy định mới đây của EU ban hành đã, đang và sẽ tác động tới xuất khẩu của Việt Nam.
Đơn cử, ngày 13/05/2024 EU ban hành quy định quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Theo đó, từ ngày 3/6/2024 tất cả doanh nghiệp có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2).
Ngoài ra, một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2024 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. EU đang triển khai kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050.
EC hoãn thực thi EUDR thêm 1 năm, Việt Nam khẳng định vẫn tiếp tục chuẩn bị thích ứng
Nghị viện châu Âu (EC) đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR (Quy định chống phá rừng của EU – EU Deforesation Regulation), thời hạn hoãn là 12 tháng tại kỳ họp ngày 13-14/11/2024. Nghị viện châu Âu cũng thông qua một số sửa đổi khác liên quan tới EUDR…
Như vậy, các nhà xuất nhập khẩu và thương nhân lớn khi giao thương với thị trường EU, sẽ phải tuân thủ Quy định này từ ngày 30/12/2025, trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ có thời gian đến ngày 30/6/2026. Thời gian bổ sung này sẽ giúp các nhà vận hành trên toàn cầu thực hiện quy định một cách thuận lợi ngay từ đầu mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Quy định.
Trước sự kiện trên, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: “Mặc dù, Ủy ban châu Âu (EC) lùi thời gian áp dụng EUDR, nhưng Việt Nam không trì hoãn việc chuẩn bị và thích ứng với các yêu cầu của quy định này.
Ấn Độ lo ngại hàng hóa Trung Quốc thâm nhập thị trường nội địa qua ngõ ASEAN
Ấn Độ và ASEAN đang xem xét lại thỏa thuận thương mại song phương ký kết 15 năm trước nhân cuộc gặp cấp cao giữa hai bên từ ngày 18 đến 22-11 tại thủ đô New Delhi.
Đây là nỗ lực mới nhất của New Delhi nhằm tìm cách tiếp cận với thị trường hàng hóa ASEAN, cập nhật các quy định xuất xứ nguồn gốc hàng hóa trong bối cảnh Ấn Độ đang nhập siêu hơn 38 tỉ đô la từ ASEAN. Và Ấn Độ ngày càng lo ngại rằng hàng hóa Trung Quốc đang thâm nhập thị trường nội địa Ấn Độ thông qua cửa ngõ các nước ASEAN.
“Nền kinh tế Trung Quốc không thể mở rộng tiêu dùng trong nước. Chính vì thế, nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn rất mạnh mẽ. Bản chất không công bằng của các điều khoản được cấp theo hiệp định thương mại giữa Trung Quốc – ASEAN và giữa Ấn Độ – ASEAN đương nhiên làm dấy lên mối lo ngại về việc hàng hóa Trung Quốc trên thực tế sẽ tràn vào Ấn Độ thông qua ASEAN. Tuy nhiên, Ấn Độ hiểu rằng các thỏa thuận FTA, mặc dù mang tính kinh tế, nhưng có tác động khu vực và song phương. Do đó, việc nâng cấp kịp thời là thực tế nhất”, bà Gandhi, cộng sự tại tổ chức nghiên cứu Vivekananda International Foundation của Ấn Độ nói.