Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Nhân viên Starbucks trên khắp nước Mỹ đình công quy mô lớn
Các nhân viên Starbucks tại Mỹ tổ chức cuộc đình công kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 16/12 sau khi yêu cầu thành lập nghiệp đoàn đại diện cho quyền lợi của họ đã bị hãng đã từ chối vào năm ngoái.
Theo tổ chức Starbucks Workers United, đây sẽ là cuộc đình công kéo dài nhất và quy mô lớn nhất kể từ khi các nhân viên Starbucks kêu gọi thành lập một nghiệp đoàn đại diện quyền lợi của mình vào cuối năm ngoái. Đây cũng là cuộc đình công lớn thứ hai trong vòng 1 tháng của nhân viên Starbucks tại Mỹ.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhan-vien-starbucks-tren-khap-nuoc-my-dinh-cong-20221216224807954.htm
2. Nestlé xây dựng nhà máy sản xuất mới tại Ukraine
Đài truyền hình quốc gia RTS của Thụy Sỹ ngày 14/12 cho biết, ‘gã khổng lồ’ thực phẩm Nestlé của nước này mới công bố khoản đầu tư 40 triệu franc Thụy Sỹ (khoảng 43,1 triệu USD) cho một nhà máy mới ở Ukraine. Cụ thể, Nestlé sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất mới ở Smolyhiv thuộc vùng Volyn, miền Tây Ukraine, giúp tăng công suất sản xuất mì của Nestlé tại Ukraine, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thị trường Ukraine và những thị trường khác ở châu Âu.
Theo Tổ chức đầu tư Ukraine, đơn vị chịu trách nhiệm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Nestlé thực sự là một trong những công ty đa quốc gia hiếm hoi đầu tư vào Ukraine trong thời điểm nước này đang xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, Nestlé không hề đơn độc. Tổ chức này cho biết trong hai năm tới, không dưới 25 công ty nước ngoài sẽ đầu tư tổng cộng 5 tỷ USD vào Ukraine chỉ riêng vào lĩnh vực sản xuất.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nestle-xay-dung-nha-may-san-xuat-moi-tai-ukraine-20221215161042892.htm
3. Hàng tấn bia bị ‘giam’ tại Qatar được tặng cho Argentina
New York Times đưa tin sau gần 1 tháng “bị giam” trong kho do nước chủ nhà quyết định cấm bán bia tại các sân bóng, số lượng bia khổng lồ của hãng Budweiser sẽ được đưa tới Argentina , nơi hàng triệu CĐV đang hân hoan trong men say chiến thắng.
Từ nay đến ngày 22/12, hàng tấn bia nữa sẽ tiếp tục được phân phát cho người dân Argentina , dĩ nhiên là những người trên 18 tuổi. Theo tờ Diario Finaciero , hành động hào hiệp, khi mang số lượng bia hàng chục triệu USD cho người Argentina, là một nước cờ khôn ngoan khi họ hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường tại quốc gia này.
Nguồn: https://tienphong.vn/hang-tan-bia-bi-giam-tai-qatar-duoc-tang-cho-argentina-post1496957.tpo
4. Úc mở chiến dịch quảng bá thịt sạch tại Việt Nam
Chiến dịch ‘Thịt sạch chuẩn Úc, tiệc ngon năm châu chuẩn vị’ do Hiệp hội Thịt và gia súc Úc (MLA) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Chiến dịch với sự hỗ trợ và hợp tác của Chính phủ Úc, được triển khai cùng các nhà bán lẻ từ ngày 15/12/2022 đến hết tháng 1/2023 nhằm mang đến nhiều sự lựa chọn thịt mát nhập khẩu hơn cho người tiêu dùng Việt, đa dạng thực đơn trong các bữa tiệc dịp lễ hội cuối năm và năm mới sắp đến.
Hiệp hội Thịt và gia súc Úc (MLA) là tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất thịt đỏ của Úc trong việc thực hiện nghiên cứu phát triển các phương thức chăn nuôi và hoạt động tiếp thị. Từ năm 2022, MLA bắt đầu hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ và ngành dịch vụ nhà hàng của Việt Nam để cung cấp đầy đủ thông tin, hỗ trợ các hoạt động tiếp thị nhằm tăng cường mạng lưới phân phối cũng như nhận diện thương hiệu cho thịt bò và cừu Úc thông qua thương hiệu Aussie Beef and Lamb.
Nguồn: https://congthuong.vn/uc-mo-chien-dich-quang-ba-thit-sach-tai-viet-nam-231103.html
5. Thực phẩm chay nở rộ mùa Tết
Ăn chay đang là xu hướng tiêu dùng mới, góp phần thúc đẩy thị trường thực phẩm có nguồn gốc thực vật nở rộ, nhất là dịp cận Tết. Thị trường thực phẩm chay đang tăng trưởng nhanh. Khách hàng không chỉ là những người ăn chay trường (ăn chay quanh năm, thường vì lý do tôn giáo) mà còn là một bộ phận cư dân chọn việc giảm tiêu thụ sản phẩm động vật, tăng sản phẩm nguồn gốc thực vật (plant-based).
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường hồi phục nhanh. Không chỉ TP HCM mà ở các tỉnh, nhu cầu dùng sản phẩm thuần thực vật cũng rất cao. Nhiều người tính giảm thịt nhưng muốn ăn ngon, thích khẩu vị như ăn thịt và giá tầm 27.000-35.000 đồng/suất. Họ cũng muốn sản phẩm tiện lợi, ăn ngay mà không cần phải chế biến gì thêm. Dự đoán Tết này, nhiều người sẽ chọn sản phẩm chay vào giỏ hàng để đa dạng khẩu vị.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/thuc-pham-chay-no-ro-mua-tet-20221218213114005.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Tập đoàn Thiên Minh và Luxaviation hợp tác phát triển dịch vụ hàng không, du lịch và khách sạn
Tập đoàn Luxaviation và Tập đoàn Thiên Minh vừa thông báo, ngày 15/12, về thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Thiên Minh (TMG) và đặc biệt là với CTCP Hàng không Hải Âu, công ty hàng không chuyên khai thác dịch vụ thủy phi cơ thương mại tại Việt Nam. Sự kiện này là bước đầu tiên hướng tới mối quan hệ hợp tác tiềm năng trong tương lai giữa hai công ty trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, du lịch và khách sạn.
Theo đó, Tập đoàn Luxaviation cam kết hỗ trợ TMG, Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu (HAA) – công ty con của TMG và các công ty con khác của TMG về năng lực hoạt động, mạng lưới và phát triển hợp tác với các cơ quan hàng không. Về phía TMG và các công ty con sẽ hỗ trợ Luxaviation về công nghệ thông tin, tiếp thị kỹ thuật số và vận hành hoạt động bay.
Nguồn: https://mekongasean.vn/tap-doan-thien-minh-va-luxaviation-hop-tac-phat-trien-dich-vu-hang-khong-du-lich-va-khach-san-post15477.html
2. Hãng bay du lịch Việt mở đường bay quốc tế đầu tiên
Trưa 16/12, chuyến bay mang số hiệu VU137, chặng Hà Nội – Bangkok ( Thái Lan ) cất cánh từ sân bay quốc tế Nội Bài, chính thức khai trương đường bay thương mại thường lệ quốc tế đầu tiên của Vietravel Airlines. Hiện Vietravel Airlines đang khai thác chặng bay Hà Nội – Bangkok – Hà Nội với tần suất một chuyến khứ hồi/ngày bằng tàu bay thân hẹp hiện đại A321, khởi hành lúc 11h55.
Được biết, Vietravel Airlines đang tiếp tục làm việc với cơ quan chức trách hàng không Việt Nam và Thái Lan để sẵn sàng cho việc mở rộng thêm đường bay kết nối TPHCM – Bangkok trong tháng 01/2023 sắp tới và hướng đến các chặng bay kết nối giữa Việt Nam và khu vực Đông Bắc Á.
Nguồn: https://tienphong.vn/hang-bay-du-lich-viet-mo-duong-bay-quoc-te-dau-tien-post1495893.tpo
3. Mở cửa sớm nhưng Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19
Việt Nam là nước đi đầu mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 nhưng không tận dụng được lợi thế. Bằng chứng là năm 2022 Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế , thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỉ USD. Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19.
Thái Lan dù mở cửa sau Việt Nam, nhưng đã đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỉ USD nhờ vào việc tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh. Trong khi đó, du khách thường phàn nàn không dễ xin thị thực du lịch tại các đại sứ quán của Việt Nam như trước dịch COVID-19 khi bị yêu cầu phải có các công ty bảo lãnh hoặc bị giới thiệu xin visa qua các đại lý dịch vụ cấp visa với phí thường rất cao từ 200 USD cho tới 500 USD đối với các visa xin gấp vào thời hạn cuối, trong khi lệ phí chính thức cấp visa chỉ là 25 USD.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mo-cua-som-nhung-viet-nam-dung-cuoi-bang-xep-hang-chi-so-phuc-hoi-du-lich-chau-a-sau-covid-19-20221216184234447.htm

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Hàng Việt xuất khẩu online, mang về triệu USD
Thương mại điện tử đang mở ra cơ hội. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà ngay cả những nhà bán hàng, doanh nghiệp nhỏ có thể khởi nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Tháng 3/2022, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương triển khai gian hàng Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Theo thống kê, hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống là những sản phẩm nằm trong top 10 mặt hàng bán chạy trên sàn thương mại điện tử này.
Thông qua sàn thương mại điện tử quốc tế, hàng Việt có được chỗ đứng vững chắc, mang về doanh thu triệu USD. Theo Amazon, năm 2021, gần 7,2 triệu sản phẩm Việt được bán cho các khách hàng khắp thế giới. Ước tính trung bình cứ mỗi phút sẽ có 14 sản phẩm được bán ra trên sàn này. Ông Gijae Seong – Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam đánh giá: “Nếu coi Thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) như một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong 5 năm tới”
Nguồn: https://vietnamnet.vn/hang-viet-xuat-khau-online-mang-ve-trieu-usd-2091537.html
2. Nền tảng thương mại điện tử Quqo được đầu tư 1 triệu USD
Hôm nay (20.12), Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners công bố đầu tư 1 triệu USD trong vòng hạt giống (seed funding) cho Quqo, nền tảng thương mại điện tử B2B cho các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), kết nối nhà bán lẻ, nhà phân phối, và người tiêu dùng tại Việt Nam.
Quqo là một nền tảng online (web và app) giúp kết nối nhà bán lẻ vừa và nhỏ với những đại lý phân phối và nhà sản xuất. Quqo tập trung vào các cửa hàng tạp hóa, với mong muốn số hóa chuỗi bán lẻ địa phương thông qua công nghệ. Với ứng dụng Quqo, chủ cửa hàng bán lẻ có thể tìm kiếm nguồn hàng, tham khảo giá, đặt hàng theo danh mục và nhu cầu trong ngày, thanh toán và vận chuyển nhanh qua một nền tảng tập trung. Quá trình này tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí, và đảm bảo chất lượng nguồn hàng cho người bán lẻ.
Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nen-tang-thuong-mai-dien-tu-quqo-duoc-dau-tu-1-trieu-usd-37806.html
3. Hàng chục ngàn tiệm tạp hóa “lên đời công nghệ”
Gro24/7 là nền tảng bán hàng thương mại điện tử gồm website và ứng dụng trên điện thoại (app), thuộc sở hữu của công ty Unicorn Market Place (trụ sở chính ở Anh), chuyên tâm phục vụ các tiệm tạp hóa quy mô vừa và nhỏ, bắt đầu vận hành vào tháng 4/2021 tại Việt Nam nhằm kết nối cung ứng hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất tới chủ cửa hàng tạp hóa.
Từ con số 5 khách hàng khiêm tốn ban đầu, chỉ trong vòng hơn 1 năm vận hành, gro24/7 đã đạt mốc hơn 50.000 khách hàng, với xấp xỉ 100.000 đơn hàng mỗi tháng (tháng 11/2022). Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng cho thấy việc sử dụng app đang bắt đầu trở thành thói quen không thể thiếu của các chủ tiệm tạp hóa nhỏ lẻ hiện nay khi bắt đầu nhận thấy lợi ích từ việc này.
Nguồn: https://toquoc.vn/hang-chuc-ngan-tiem-tap-hoa-len-doi-cong-nghe-2022122011423041.htm
4. Phá đường dây làm thuốc tây giả rất lớn
Ngày 17-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 8 (TP.HCM) cho biết vừa triệt phá đường dây sản xuất thuốc tây giả quy mô lớn, bắt giữ bảy nghi phạm. Khám xét nơi ở của các nghi phạm trên, lực lượng chức năng thu giữ gần 10.000 hộp thuốc tây giả các loại. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng khám xét một xưởng sản xuất thuốc tây giả tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) thu nhiều loại tân dược giả.
Hiện Công an quận 8 đã kiểm đếm được gần 20.000 sản phẩm thuốc giả, số thuốc chưa kiểm đếm còn rất lớn. Tổng giá trị số thuốc giả trên đang được cơ quan chức năng làm rõ. Được biết các nghi phạm sản xuất thuốc giả (trong đó có thuốc kháng sinh) rồi đem bán tại một số nhà thuốc, chợ thuốc lớn ở TP.HCM.
Nguồn: https://tuoitre.vn/pha-duong-day-lam-thuoc-tay-gia-rat-lon-nhieu-ngay-kiem-dem-chua-het-20221217170642964.htm
5. Hàng Việt chiếm ưu thế trong giỏ quà Tết
Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm. Để chuẩn bị đủ lượng hàng cung ứng, từ 3 tháng trước doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất và lượng hàng dự trữ. Hiện tại, bên cạnh các nhà máy, cơ sở sản xuất đang vận hành hết tốc lực, tại hệ thống phân phối, siêu thị hàng Tết đã ngập tràn quầy kệ và kho chứa. Điều đáng mừng, qua từng năm, lượng hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế và là sự ưu tiên của người tiêu dùng trong giỏ mua sắm.
Hiện nay, tại các hệ thống phân phối lớn cũng như siêu thị bán lẻ trong nước đều coi trọng các nhà cung ứng nội địa. Điều này thể hiện qua sự xuất hiện của lượng hàng Việt chiếm từ 80-90% trên kệ hàng, đặc biệt là sự góp mặt của hầu hết các nhãn hàng trong giỏ quà Tết. Theo đại diện siêu thị MM Mega Market Việt Nam, nhiều năm nay, hàng hóa sản xuất trong nước luôn được đơn vị lựa chọn đưa vào giỏ quà, đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng mà vẫn đảm bảo được sự trang trọng cũng như tính tiêu dùng cao.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/hang-viet-chiem-uu-the-trong-gio-qua-tet-20221217182320655.htm
6. Thị trường cuối năm: Chợ Tết ngóng khách
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, hàng tết đã ngập tràn từ chợ cho đến siêu thị, cửa hàng. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn nên sức mua giảm, người dân dè dặt sắm Tết.
Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được coi là thủ phủ các mặt hàng hóa Tết. Sáng 19/12, ô tô tải nối đuôi nhau liên tục đổ hàng vào chợ. Các mặt hàng từ bánh, mứt, kẹo, đồ khô cho đến quần áo, giày dép… nhanh chóng xếp vào các quầy từ tầng 1 lên tầng 3. Đây được coi là mùa làm ăn lớn nhất trong năm của tiểu thương, thế nhưng, thời điểm này khách đi mua sắm tết thưa thớt. Các siêu thị như Coopmart, Winmart… cũng tung ra nhiều chính sách giảm giá nhiều mặt hàng Tết,  nhưng vẫn đang “nín thở” chờ sức mua của người dân.
Nguồn: https://tienphong.vn/thi-truong-cuoi-nam-cho-tet-ngong-khach-post1496663.tpo

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Phiên chợ ‘đặc biệt’ giữa TP HCM kéo khách đến khó tin
Ngày chủ nhật 18-12, Phiên chợ “Laiday Eco Spring Fest” – Phiên chợ Xuân lại đây sống xanh tổ chức tại tầng 6, tòa nhà 198 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Võ Thị Sáu, quận 3 đông nghẹt khách. Tại đây, khoảng 40 gian hàng (mỗi gian là một khoảng không gian nhỏ để vừa 1-2 sào đồ hoặc chiếc bàn nhỏ) bày bán quần áo, giày dép, mũ nón, vật dụng trang trí nhà cửa, nến thơm…) thu hút hàng trăm khách tham quan, mua sắm. Ngoài ra, một số gian hàng bán và giới thiệu các sản phẩm tái chế, upcycling; các dịch vụ, giải pháp có thể cần cho lối sống bền vững, dịch vụ trải nghiệm, tour sinh thái, sống chậm, kết nối với thiên nhiên… gần TP HCM.
Ngoài hoạt động chính là mua bán đồ cũ, nhiều bạn trẻ TP HCM còn hào hứng tham gia cắt tóc tặng các bệnh nhân ung thư, mang vật dụng cũ, pin… đến đổi quà, chia sẻ lối sống xanh… tại Phiên chợ.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/phien-cho-dac-biet-giua-tp-hcm-keo-khach-den-kho-tin-20221218193036954.htm
2. Doanh nghiệp nước ngoài khó mua tín chỉ carbon tại Việt Nam
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26), Việt Nam đã cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài muốn tìm hiểu thị trường và mua tín chỉ carbon tại Việt Nam thì lại khó khăn do Việt Nam thiếu sàn giao dịch cho thị trường này.
TTXVN cho biết, Chính phủ vừa ban hành lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước với 2 giai đoạn. Từ nay đến năm 2027, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính triển khai nhiều hoạt động, trong đó có xây dựng quy định liên quan để thiết lập sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trong nước. Sàn sẽ hoạt động thí điểm vào năm 2025, kéo dài trong 3 năm, tới 2027 sẽ tổng kết, đánh giá hoạt động để năm 2028 vận hành chính thức.
Trên sàn giao dịch sẽ có 2 mặt hàng gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trong nước. Trong đó, hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được phân bổ cho doanh nghiệp theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-kho-mua-tin-chi-carbon-tai-viet-nam/

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Mỹ ‘đau đầu’ với tình trạng thiếu hụt kỹ sư bán dẫn
Đại học Purdue, cơ sở đào tạo kỹ thuật lớn nhất nước Mỹ, hàng năm chỉ có 150 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành bán dẫn, trong khi theo một số ước tính, nước Mỹ cần ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn mới trong vòng 5 năm tới để lấp đầy các công ty mới và phòng nghiên cứu mà các công ty đã dốc tiền xây dựng theo Đạo luật Vi xử lý và Khoa học được Quốc hội nước này thông qua.
Để giải quyết thách thức này, các sáng kiến về giáo dục đã được đưa ra cả ở trong khối công và tư tại Mỹ. Bên cạnh khoản tiền 200 triệu USD cung cấp cho đào tạo lực lượng lao động được phân bổ theo Đạo luật Vi xử lý và Khoa học, các tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành cũng đang rốt ráo đầu tư cho giáo dục. Nước Mỹ đang đứng trước bài toán và mục tiêu rõ ràng nhằm phát triển và đa dạng hóa nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực có thể là then chốt trong cuộc chiến công nghệ đang diễn ra hiện nay.
Nguồn: https://ictnews.vietnamnet.vn/my-dau-dau-voi-tinh-trang-thieu-hut-ky-su-ban-dan-5010435.html
2. Alibaba Cloud khai trương trung tâm dữ liệu thứ 3 tại Nhật Bản
Ngày 15/12, Alibaba Cloud, công ty điện toán đám mây của tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), đã khai trương trung tâm dữ liệu thứ 3 ở Nhật Bản nhằm phục vụ nhu cầu gia tăng của khách hàng về chuyển đổi số. Tọa lạc tại thủ đô Tokyo, trung tâm dữ liệu mới này hướng tới cung cấp nhiều loại sản phẩm và dịch vụ điện toán đám mây cho khách hàng Nhật Bản.
Công ty cho biết với việc đưa vào sử dụng trung tâm dữ liệu mới này, Alibaba Cloud hiện sở hữu một mạng lưới 86 vùng có trung tâm dữ liệu tại 28 khu vực trên toàn thế giới. Theo báo cáo của công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Gartner được công bố hồi tháng 6, Alibaba Cloud xếp thứ ba thế giới trên thị trường cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ (IaaS) với thị phần chiếm 9,5% trong năm 2021, chỉ đứng sau Amazon và Microsoft./.
Nguồn: https://bnews.vn/alibaba-cloud-khai-truong-trung-tam-du-lieu-thu-3-tai-nhat-ban/272068.html
3. Foxconn và ý định trở thành nhà SX cho Tesla
Foxconn, hãng sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng hàng đầu thế giới, nơi làm ra những thiết bị phổ biến như iPhone, iPad, Kindle hay Nintendo Switch, đang muốn gia nhập thế giới ô tô điện. Tuy nhiên, thay vì bán những chiếc EV với nhãn hiệu riêng, họ tiếp tục muốn làm người thiết kế và gia công những chiếc xe cho các nhà sản xuất danh tiếng cũng như các hãng khởi nghiệp. Nói cách khác, Foxconn vẫn làm những gì họ đang làm cho Apple, nhưng hướng đến khách hàng là Tesla.
Foxconn lần đầu giới thiệu bản mẫu chiếc xe điện đầu tiên vào năm ngoái và không mất nhiều thời gian để tìm được những khách hàng tiềm năng. Đầu năm nay, hãng sản xuất iPhone mua một nhà máy cũ từng thuộc sở hữu của General Motors ở Ohio từ hãng startup đang gặp khó khăn là Lordstown Motors. Fisker, một startup về xe điện, đã chọn Foxconn để sản xuất mẫu xe thứ 2 của hàng, chiếc Pear từ năm 2024. Foxconn cũng phát triển bản mẫu cho một startup khác có tên Indi EV, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác với Yulon Motor của Đài Loan.
Nguồn: https://markettimes.vn/rat-co-the-chiec-o-to-dien-tiep-theo-cua-ban-se-xuat-tu-cung-mot-lo-voi-chiec-iphone-ban-dang-su-dung-11785.html
4. Indonesia ‘mạnh tay’ trợ giá cho xe điện
Mới đây, Bộ trưởng bộ công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita của Indonesia cho biết quốc gia này sẽ đưa ra chính sách để khuyến khích người tiêu dùng sở hữu xe máy điện cũng như ôtô hybrid. Kế hoạch này nhằm giảm lượng khí thải carbon ở Indonesia.
Đáng chú ý, mức trợ giá từ 320 USD đến 5.000 USD chỉ dành cho các phương tiện được sản xuất tại Indonesia. Cụ thể, ô tô thuần điện, ô tô hybrid, xe máy điện tại quốc gia này sẽ lần lượt giảm giá 5.000 USD, 2.500 USD và 500 USD. Đặc biệt, chính phủ sẽ chi trả 320 USD cho chi phí chuyển đổi từ một chiếc xe máy động cơ đốt trong sang xe điện. Với kế hoạch trên, Indonesia đặt mục tiêu có ít nhất 1,2 triệu xe máy điện và 35.000 ôtô điện sử dụng vào năm 2024.
Nguồn: https://tienphong.vn/indonesia-manh-tay-tro-gia-cho-xe-dien-post1496766.tpo
5. Cuộc đua xe điện sẽ còn kịch tính, hấp dẫn
Năm 2022, thị trường xe điện tiếp tục phát triển vượt bậc. Tính riêng quý đầu tiên của năm 2022, đã có 2 triệu chiếc ô tô điện được bán, tăng 75% so cùng kỳ năm trước đó. Không chỉ các nhà sản xuất xe tô tô truyền thống liên tục giới thiệu mô hình hoặc ra mắt các mẫu xe điện mới, mà sự góp mặt của các hãng chuyên sản xuất xe điện mới cũng ngày càng nhiều hơn. Dư địa cho sự phát triển của ngành sản xuất ô tô điện là rất lớn. Bởi phát triển xanh đã trở thành xu thế toàn cầu, là mục tiêu và định hướng chính sách của các chính phủ và đặc biệt hơn nữa chính là nhu cầu của người tiêu dùng được hỗ trợ và thúc đẩy bởi hệ sinh thái xanh đang phát triển rất nhanh.
Cuộc đua xe điện trong thời gian tới sẽ còn kịch tính, hấp dẫn hơn nữa. Sự thành công của xe điện được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, nhưng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía các chính phủ là động lực tăng trưởng chính đối với ngành sản xuất tương đối mới này.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/cuoc-dua-xe-dien-se-con-kich-tinh-hap-dan-20221221120959702.htm
6. Apple sẽ sản xuất MacBook tại Việt Nam từ giữa năm 2023
MacBook là sản phẩm chủ lực cuối cùng của Apple vẫn đang được sản xuất hoàn toàn ở Trung Quốc, nhưng điều này sẽ thay đổi vào năm 2023 khi hãng công nghệ Mỹ dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.
Theo nguồn tin của Nikkei Asia, Apple sẽ lần đầu tiên chuyển dây chuyền sản xuất máy tính MacBook sang Việt Nam từ giữa năm 2023. Đây là động thái nhằm đa dạng hóa địa bàn sản xuất khỏi Trung Quốc của tập đoàn Mỹ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, gián đoạn sản xuất do chính sách phòng chống dịch Zero Covid của Trung Quốc cũng như những bất ổn khi Bắc Kinh bất ngờ nới lỏng hạn chế phòng dịch những tuần gần đây.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nikkei-apple-se-san-xuat-macbook-tai-viet-nam-tu-giua-nam-2023.htm

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Tổng thống Putin tuyên bố chuyển hướng để bán khí đốt sang châu Á nhiều hơn
Theo đài truyền hình RT, tại cuộc họp của Hội đồng Phát triển Chiến lược và Dự án Quốc gia ngày 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt gần 90 tỷ mét khối vào cuối thập kỷ này. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng phát triển cơ sở hạ tầng cảng và đường ống ở phía nam cũng như phía đông sẽ là một bước quan trọng để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt, các hành động thù địch khác của phương Tây nhằm vào Nga.
Nga bắt đầu bán khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc từ cuối năm 2019 thông qua đường ống dẫn khí Power of Siberia, cung cấp cho nước này khoảng 10 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên vào năm 2021, và dự kiến đạt hết công suất 38 tỷ mét khối vào năm 2025. Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn đứng thứ 3 của Trung Quốc. Vào tháng 2, Tổng thống Putin đã đạt được thỏa thuận bán 10 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc từ vùng Viễn Đông của Nga. Nga cũng có kế hoạch xây dựng một đường ống mới, Power of Siberia 2, qua Mông Cổ với hy vọng bán thêm 50 tỷ mét khối/năm.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-putin-tuyen-bo-chuyen-huong-de-ban-khi-dot-sang-chau-a-nhieu-hon-20221216095708847.htm
2. ADB tài trợ 107 triệu USD phát triển điện gió tại Việt Nam
Ngày 21/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký kết gói tài trợ trị giá 107 triệu đô la Mỹ (USD) với Công ty cổ phần Điện gió BIM (Điện gió BIM) để hỗ trợ vận hành một trang trại điện gió công suất 88 MW ở tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy điện gió này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và hành động khí hậu bằng cách bù trừ khoảng 215.000 tấn carbon dioxit/năm.
Gói tài trợ dự án sáng tạo trị giá 107 triệu USD do ADB thu xếp với vai trò Bên chủ trì thu xếp và bảo lãnh chính thức, gồm 25 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB, 25 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, 13 triệu USD từ Công ty TNHH Tập đoàn Tín chấp Hồng Kông (Hong Kong Mortgage Corporation Limited), 17 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui; 18 triệu USD từ Ngân hàng ING và 9 triệu USD từ Ngân hàng Cathay United.
Nguồn: https://bnews.vn/adb-tai-tro-107-trieu-usd-phat-trien-dien-gio-tai-viet-nam/272614.html
3. EVN lo mất cân đối tài chính nếu không tăng giá điện
Năm 2022, EVN đối mặt với giá nguyên liệu thế giới tăng cao. Giá than thế giới tăng cao, nguồn than nhập khẩu hạn chế nên không nhập khẩu đủ than để sản xuất than trộn cấp cho các nhà máy điện. Vì chi phí tăng cao, EVN thực hiện mạnh việc tiết giảm chi phí. Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí là 33.445 tỷ đồng.
Tuy vậy, số tiết kiệm vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao. Năm 2022, dự kiến EVN sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng. Nếu giá điện giữ nguyên, EVN lo sẽ dẫn đến mất cân đối tài chính nghiêm trọng, nên đã đề xuất Bộ Công Thương sớm cho phép tăng giá điện để giảm bớt áp lực về tài chính trong năm 2023.
Nguồn: https://zingnews.vn/evn-lo-mat-can-doi-tai-chinh-neu-khong-tang-gia-dien-post1386957.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Các công ty Đông Nam Á khó huy động vốn hơn trong năm 2023
Theo CNBC trích dẫn công ty dữ liệu Crunchbase, các công ty được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu trong 3 quý đầu năm 2022 chỉ huy động được 369 tỷ USD. So với mức tăng kỷ lục 98% của năm 2021 là 679,4 tỷ USD, đây là một con số thấp hơn rất nhiều. Trong bối cảnh các thách thức kinh tế đang làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á có thể sẽ trở nên kén chọn hơn khi đưa ra các lựa chọn đầu tư trong năm 2023.
Nhận định về sự thay đổi trong thái độ đầu tư, ông Peng. T Ong, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Monk’s Hill Ventures, giải thích các quỹ đầu tư mạo hiểm bị cuốn vào vòng quay tiền tệ hiện đã trở lại thực tế. Các quỹ này hiện giờ tập trung vào việc có một hướng đi cụ thể dẫn tới lợi nhuận và không vỡ nợ, đồng nghĩa với việc tập trung vào một hướng phát triển thận trọng hơn.
Nguồn: https://mekongasean.vn/cac-cong-ty-dong-nam-a-kho-huy-dong-von-hon-trong-nam-2023-post15596.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Đưa giống nho ‘quý tộc’ về làng, vụ đầu tiên đã thu tiền tỷ
Qua những lần tìm hiểu thông tin trên mạng, trên báo chí, anh Hoàng Văn Tuấn ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hóa)  biết đến mô hình trồng nho sữa của Hàn Quốc và nho Kyoho của Nhật Bản. Cuối năm 2021, anh Tuấn quyết định mua 1.500 cây nho giống về trồng trên diện tích 7.000m2. Ngoài tiền mua giống, anh còn đầu tư giàn, mái che, hệ thống tưới tiêu,… tổng chi phí hơn 2 tỷ đồng. Đến thời điểm này, hai giống nho anh trồng đã cho lứa quả đầu tiên. Mỗi gốc nho cho 4-5kg quả. Với hai vụ một năm, giá bán từ 500.000 đến 600.000 đồng/kg, năm đầu tiên anh đã thu về tiền tỷ.
Ông Bùi Đức Chính, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Du, cho biết, người dân địa phương ở đây chủ yếu trồng đào với diện tích hơn 280ha. Mô hình nho sữa của anh Tuấn lần đầu xuất hiện ở địa phương cho thấy đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài mong đợi.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dua-giong-nho-quy-toc-ve-lang-vu-dau-tien-da-thu-tien-ty-2091217.html
2. Cuối năm, giá trái thanh long ở Tiền Giang đạt mức kỉ lục, nhà vườn phấn khởi
Sau một thời gian rớt giá thê thảm, hiện nay, trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang hút hàng, tăng giá kỉ lục khiến nhà vườn phấn khởi, tích cực chăm sóc vườn cây. Ở thời điểm này, thương lái tìm đến tận vườn thanh long của nhà vườn tỉnh Tiền Giang thu mua với giá cao nhất trong năm nay. Trái thanh long ruột đỏ loại 1 giá trên dưới 30.000 đồng/kg, loại 2 từ 26.000 – 28.000 đồng/kg, tăng gấp 2 lần so với tháng trước. Với mức giá này, trừ mọi chi phí người trồng cây thanh long có lãi hơn 10.000 đồng/kg.
Trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang tăng giá là do bước vào vụ nghịch, sản lượng giảm; trong khi đó, nhu cầu đưa đi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hút hàng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/cuoi-nam-gia-trai-thanh-long-o-tien-giang-dat-muc-ki-luc-nha-vuon-phan-khoi-post991054.vov
3. Người nuôi phấn khởi khi giá tôm nguyên liệu tăng cao sát Tết
Những tháng cuối năm 2022, nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, nên giá tôm nguyên liệu tăng cao. Người nuôi tôm tại Bạc Liêu đang rất phấn khởi vì đạt lợi nhuận khá sau thời gian dài đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh, chi phí nuôi tôm gia tăng.
Nhận định về nguyên nhân giá tôm thẻ chân trắng cũng như tôm sú tăng trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hoàng Xuân – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, thị trường xuất khẩu tôm nguyên liệu có nhiều khả quan, doanh nghiệp tăng cường thu mua tôm phục vụ các đơn hàng xuất khẩu chính là lý do tôm nguyên liệu liên tục tăng. Đồng thời, phía doanh nghiệp cũng nhận định: trong thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023 giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục giữ vững vì nhu cầu trên thị trường vẫn còn cao.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/nguoi-nuoi-phan-khoi-khi-gia-tom-nguyen-lieu-tang-cao-sat-tet-20221220124754645.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Indonesia sẽ cấm xuất khẩu bauxite từ tháng 6/2023
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) tuyên bố nước này sẽ cấm xuất khẩu bauxite – nguồn quặng chính để sản xuất nhôm – bắt đầu từ tháng 6/2023 nhằm khuyến khích chế biến nguyên liệu trong nước. Theo báo cáo năm 2022 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Indonesia là nhà sản xuất bauxite lớn thứ sáu và có trữ lượng lớn thứ năm thế giới. Đây cũng là nhà cung cấp bauxite lớn thứ ba cho Trung Quốc, sau Guinea và Australia.
Thời điểm cấm xuất khẩu bauxite phù hợp với Luật khai thác mỏ hiện hành của Indonesia. Luật này cũng quy định rằng việc xuất khẩu các khoáng sản chưa qua chế biến khác như đồng cũng sẽ bị dừng lại. Tuy nhiên, Tổng thống Jokowi không nêu rõ thời điểm cấm xuất khẩu đối với các khoáng sản thô khác.
Nguồn: https://bnews.vn/indonesia-se-cam-xuat-khau-bauxite-tu-thang-6-2023/272599.html
2. Xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay
Năm 2022, ngành hàng cá tra đã tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội so với sản lượng và sự gia tăng sản lượng đã góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng cá tra. Diện tích thả nuôi cá cá tra cả nước đạt khoảng 5.500 ha, với sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo Tổng cục Thủy sản, mặc dù tình hình lạm phát và bất ổn xảy ra ở một số quốc gia đã khiến giá dầu và giá vật tư đầu vào, nguyên liệu tăng, dẫn đến giá thành sản xuất và giá bán cá tra tăng đáng kể nhưng nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40% đến 200%. Hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn là Trung Quốc chiếm 30%, Hoa kỳ chiếm 23%. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/xuat-khau-ca-tra-dat-24-ty-usd-cao-nhat-tu-truoc-den-nay-post991390.vov
3. Tương lai của cá tra Việt Nam vẫn là xuất khẩu fillet và nguyên con cắt khúc?
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam cả năm 2022 sẽ vượt mốc 2,4 tỉ đô la Mỹ. Đây là kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục mà ngành hàng này của Việt Nam từng đạt được. Tuy nhiên, điều đáng nói, dù đã 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu, nhưng 99% sản phẩm cá tra xuất khẩu là ở phân khúc fillet và nguyên con cắt khúc – là các mặt hàng ở mức sơ chế ban đầu, và chỉ có 1% ở phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng cao, theo thông tin từ ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Ông Trần Văn Hùng, Công ty TNHH Hùng Cá, cho rằng vấn đề cốt lõi là thị trường nhập khẩu ưa chuộng dòng sản phẩm fillet và nguyên con cắt khúc. Đây là những dòng sản phẩm thô sơ sẽ được đưa vào nhà hàng hoặc được người tiêu dùng mua về chế biến theo nhu cầu, sở thích riêng. Thị trường nhập khẩu tập trung mua sản phẩm cá tra fillet và nguyên con cắt khúc của Việt Nam vì thuận tiện cho họ trong việc chế biến được nhiều sản phẩm khác nhau.
Ngoài ra, rào cản thuế suất cao của các quốc gia nhập đối với sản phẩm chế biến sâu cũng chính là những trở ngại cản trở doanh nghiệp đẩy mạnh phân khúc này. “Dĩ nhiên, còn nhiều rào cản khác, bao gồm về kiểm tra vệ sinh hay các tiêu chuẩn liên quan sẽ nghiêm ngặt hơn”, ông nói. Các thị trường nhập khẩu đều có những hàng rào được dựng lên để ngăn chặn sản phẩm đã chế biến sâu nhằm bảo vệ ngành công nghiệp chế biến trong nước của họ.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/tuong-lai-cua-ca-tra-viet-nam-van-la-xuat-khau-fillet-va-nguyen-con-cat-khuc/
4. Việt Nam phải nhập khẩu 90% rong biển
Nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đối với các mặt hàng chế biến từ rong rất lớn nhưng nguồn nguyên liệu đủ chất lượng, phù hợp với yêu cầu của DN lại đang thiếu. Nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt. Số lượng tàu thuyền ven bờ quá lớn cần phải giảm xuống, để đáp ứng yêu cầu của Ủy ban châu Âu EC về thẻ vàng thủy sản.
Việc phát triển nuôi biển đang trở thành xu hướng tất yếu. Trong đó, việc khai thác và nuôi trồng rong biển được đánh giá có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển ngành rong biển ở các địa phương miền Trung còn khá nhiều bất cập. Hiện nay, cả nước chỉ mới khai thác và trồng được hơn 1,1% diện tích có thể trồng rong biển dù đây là nguồn lợi thuỷ sản có giá trị cao. Con số này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại Hội nghị phát triển ngành rong biển Việt Nam.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/viet-nam-phai-nhap-khau-90-rong-bien-20221217093813802.htm
5. Philippines quyết định không tăng thuế nhập khẩu gạo, cơ hội tốt cho gạo Việt Nam
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã chấp thuận khuyến nghị của Bộ Kinh tế về việc kéo dài thời gian giảm thuế nhập khẩu gạo đến hết năm 2023. Đây là tín hiệu vui cho gạo Việt Nam vốn đang được ưa chuộng tại Philippines.
Việc Philippines duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35% được kỳ vọng sẽ có lợi cho doanh nghiệp gạo Việt Nam . Trước đây mức thuế nhập khẩu gạo của Philippines là 40% đối với gạo nhập khẩu theo hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines. Nước này đã nhập 2,47 triệu tấn gạo Việt Nam với tổng giá trị là 1,14 tỉ USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9-2022.
Nguồn: https://tuoitre.vn/philippines-quyet-dinh-khong-tang-thue-nhap-khau-gao-co-hoi-tot-cho-gao-viet-nam-2022121818121172.htm
6. Sầu riêng sang Trung Quốc tăng hơn 4.000% chỉ trong một tháng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chỉ trong một tháng sau khi được xuất khẩu chính ngạch, trong tháng 10, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã tăng tới 4.000% so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, sầu riêng chiếm khoảng 33% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10, giúp mặt hàng được mệnh danh “vua trái cây” vượt qua thanh long trở thành mặt hàng rau quả có giá trị lớn nhất xuất khẩu sang thị trường gần 1,5 tỷ dân này.
Theo Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt gần 180 triệu USD, năm nay con số này có thể tăng lên 300 triệu USD và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh khi lượng lớn sầu riêng Việt Nam sắp đến thu hoạch vào đầu năm tới. Đặc biệt, hiện giá sầu riêng trong nước cũng tăng gấp 3 lần sau khi có nghị định thư, tạo thêm thu nhập cho người nông dân.
Nguồn: https://tienphong.vn/sau-rieng-sang-trung-quoc-tang-hon-4000-chi-trong-mot-thang-post1497040.tpo
7. Nhiều ngành hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa
Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023. Theo VNDirect, các ngành sẽ hưởng lợi từ lộ trình mở cửa kinh tế Trung quốc bao gồm hàng không, thủy sản, xi măng, cao su, thép, dệt may, bán lẻ, gạo.
Trong khi những nhóm ngành trên hưởng lợi thì phân bón được VNDirect dự báo bị ảnh hưởng tiêu cực. Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ 2 thế giới (chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu). Do đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ cung cấp một lượng cung lớn ra thị trường khiến giá phân bón tiếp tục xu hướng giảm giá.
Nguồn: https://mekongasean.vn/nhieu-nganh-huong-loi-khi-trung-quoc-mo-cua-rieng-phan-bon-tieu-cuc-post15652.html
8. Hòa Phát lần đầu xuất khẩu thép dài sang châu Âu
Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa ký kết hợp đồng xuất khẩu lô hàng 10.000 tấn thép dây cuộn sang châu Âu. Đây là đơn hàng thép dài (long products) đầu tiên của công ty xuất sang khu vực này. Theo đại diện Công ty Thép Hòa Phát Hưng Yên, lô hàng thép dây cuộn sản xuất theo tiêu chuẩn ASTM Mỹ, carbon thấp. Sản phẩm được dùng để rút dây hoặc làm lưới thép (wiremesh) thông dụng. Thời gian giao hàng dự kiến trong tháng 2/2023, xuất từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất – Quảng Ngãi.
Mặt hàng thép dài của Hòa Phát đã xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Phi, châu Úc. Với đơn hàng châu Âu này, sản phẩm thép dài của Hòa Phát đã có mặt ở cả 5 châu. Ngoài mặt hàng thép dài, trước đó Hòa Phát đã xuất khẩu thép dẹt (HRC), tôn đi châu Âu.
Nguồn: https://mekongasean.vn/hoa-phat-lan-dau-xuat-khau-thep-dai-sang-chau-au-post15656.html
BSAi