1. Việt Nam thuộc top những nước ăn nhiều mì tôm nhất thế giới
8/10 quốc gia tiêu thụ nhiều mì ăn liền nhất thế giới nằm ở châu Á, trong đó có Việt Nam…
Năm 2023, thế giới tiêu thụ khoảng 120 tỷ phần mì ăn liền dựa trên số liệu ước tính năm 2023 của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA). Phần mì ăn liền, tức phần ăn (serving), là lượng đồ ăn phù hợp với 1 người trong 1 lần ăn.
Không ngạc nhiên khi nước đông dân thứ hai thế giới, Trung Quốc tiêu thụ nhiều mì ăn liền nhất. Năm 2023, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tiêu thụ tổng cộng khoảng 42 tỷ phần mì ăn liền. Con số này tương đương mỗi người tiêu thụ khoảng 30 suất mì ăn liền trong năm ngoái.
Các quốc gia còn lại trong top 5 đều nằm ở châu Á gồm Indonesia (14,5 tỷ phần ăn), Ấn Độ (8,7 tỷ phần ăn), Việt Nam (8,1 tỷ phần ăn) và Nhật Bản (5,8 tỷ phần ăn).
Top 10 chỉ có 2 quốc gia nằm ngoài châu Á là Mỹ với 5,1 tỷ phần mì ăn liền được tiêu thụ trong năm ngoái và Nigeria với 3 tỷ. Nga đứng thứ 12 toàn cầu về lượng tiêu thụ mì ăn liền với 2,2 tỷ phần ăn.
2. Một nhà máy của Heineken tại Việt Nam tạm dừng hoạt động
Theo thông tin mới đây từ Báo Quảng Nam, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã gửi văn bản tới UBND tỉnh Quảng Nam và Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh để báo cáo về việc tạm dừng hoạt động dự án Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, chi nhánh Quảng Nam (Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam).
Nội dung văn bản cho biết từ sau giai đoạn Covid-19, ngành kinh tế nói chung, trong đó có ngành bia đã đối diện nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen mới của người tiêu dùng. Kết quả là thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.
Cũng theo thông tin từ Báo Quảng Nam, Heineken Việt Nam cho biết để có thể thích ứng với tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển, đơn vị cần tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam.
Bức tranh sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đã có những gam màu sáng, song sự hồi phục chưa đồng đều do có nhiều ngành vẫn còn phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ toàn cầu.
Lãnh đạo Công ty CP dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công cho hay DN này đã nhận khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2-2024 và khoảng 83% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý 3-2024. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản phục hồi tốt, thị trường Hàn Quốc lại phục hồi chậm hơn.
Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Việt – phó chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TP.HCM, nửa đầu năm 2024, ngành dệt may có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN trong hiệp hội đã có đơn hàng lấp đầy đến hết quý 3, một số đã có đơn hàng tới quý 4, song các đơn hàng còn nhỏ, theo mùa vụ.
Tuy vậy, khó khăn vẫn bủa vây ngành dệt may trong thời gian tới do cước vận tải biển tăng, tiền lương, lãi suất ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng tác động không nhỏ tới các DN. “Chỉ tính từ đầu năm tới nay, chi phí logistics đã tăng gấp 4 lần, chưa kể thời gian giao hàng kéo dài cũng ảnh hưởng lớn với mặt hàng thời trang” – ông Việt nói.
Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may đạt gần 16 tỉ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng xuất hiện ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc khi đạt 6 tỉ USD và tăng 4% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Không chỉ vượt Trung Quốc về xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành may đã có đơn hàng đến hết quý III, đang đàm phán cho quý IV – mùa cao điểm sản xuất phục vụ thị trường Noel và đầu năm mới.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VITAJEANS), Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEX), thông tin những tháng đầu năm, xuất khẩu hàng may mặc của TP HCM sang Mỹ tăng 40%.
Theo quan sát của VITAJEANS, xuất khẩu sang Mỹ bắt đầu phục hồi từ tháng 4, khả năng sẽ tích cực hơn từ tháng 6 đến tháng 8, thậm chí có thể kéo dài đến tháng 10 do thị trường này đã tiêu thụ hết hàng tồn từ cuối năm 2023 nên khá thiếu hàng và sức mua phục hồi tốt.
Một số DN cũng đẩy mạnh chào bán sản phẩm may mặc nói riêng và dệt may nói chung vào Mỹ. So với EU, thị trường này ổn định, không đòi hỏi sử dụng công nghệ cao nhưng giá không cao.
Thông tin từ các DN dệt may tại TP HCM, ngoài Mỹ, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan cũng đang tăng nhập khẩu hàng may mặc Việt Nam.
Người dùng gần như không tìm thấy sản phẩm liên quan đến camera ngụy trang trên hai nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.
Sau khi người mẫu ảnh Châu Bùi đăng bài kể lại sự cố bị quay lén bằng đồng hồ sáng 25/6, nhiều người đã tìm hiểu về các loại camera giấu kín để nhận biết và phòng tránh. Những thiết bị này được ngụy trang thành nhiều món đồ tinh vi, từ đồng hồ đến cục phát wifi, và được rao bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Mẫu đồng hồ có camera tương tự trong sự cố của Châu Bùi cũng được bán giá hơn 800 nghìn đồng.
Tuy nhiên đến trưa cùng ngày, trên hai nền tảng lớn như Lazada, Shopee, người dùng không còn tìm thấy loại thiết bị này. Khi nhập từ khóa “camera đồng hồ” hay “camera giấu kín”, các sàn trả về thông báo “không có sản phẩm nào cho từ khóa”. Tra cứu qua Google, một số đường link dẫn đến trang bán hàng vẫn tồn tại nhưng khi bấm vào chỉ hiển thị kết quả chung về camera.
Đại diện Shopee và Lazada chưa đưa ra bình luận.
Ông Vũ Quốc Việt, chuyên kinh doanh trên nền tảng online, nhận định việc gỡ đồng loạt cho thấy nhiều khả năng đây là động thái của sàn. “Ngoài sản phẩm bị cấm bán theo Luật thương mại, các sàn còn có thêm điều khoản cấm sản phẩm nằm trong danh mục hạn chế riêng. Danh mục này được cập nhật thường xuyên, dựa trên các từ khóa để quét sản phẩm bị cấm bán”, ông Việt nói.
Theo Nghị định số 66/2017/NĐ-CP, thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình chỉ được bán cho các cơ quan chuyên trách, cấm bán cho cá nhân.
Chỉ mới ra mắt tại Mỹ chưa đầy 2 năm, Temu – startup thương mại điện tử Trung Quốc – đã thu hút nhiều lượt khách hàng mua sắm lặp lại nhiều hơn cả eBay, nền tảng thương mại điện tử thuộc top đầu thế giới đã hoạt động gần 3 thập kỷ.
Một cuộc khảo sát trên 1.000 khách hàng được thực hiện bởi công ty marketing trực tuyến Omnisend vào tháng 4 năm nay cho thấy: 34% người khảo sát đã mua hàng trên Temu ít nhất 1 lần 1 tháng, hơn hẳn con số 29% của eBay. Amazon vẫn là người đứng đầu, với 3 trên 4 người tham gia khảo sát cho biết họ mua sắm trên đây ít nhất 1 tháng 1 lần.
Temu, trực thuộc Pinduoduo – gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc – đã niêm yết trên Nasdaq, đang tung ra các chiến dịch quảng cáo rầm rộ và giảm giá mạnh mẽ để thu hút khách hàng. Đây là chiến lược khởi nghiệp quen thuộc nhưng cũng đầy rủi ro. Bí quyết để tồn tại lâu dài là biến những khách hàng mới thành người mua trung thành – và Temu, ít nhất là cho đến nay, có vẻ đã giải được bài toán này.
Kết quả khảo sát cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa Amazon và các nhà bán lẻ giá rẻ mới nổi như Temu. Trong khi Amazon bị đánh giá thấp về giá cả thì Temu lại bị phàn nàn về chất lượng sản phẩm và tốc độ giao hàng.
Điều đáng chú ý là giá cả trở thành yếu tố gây ra sự bất mãn hàng đầu của người tiêu dùng đối với Amazon. Điều này cho thấy ưu đãi về giá, thay vì tốc độ giao hàng nhanh chóng, đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của một lượng lớn người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Đây có thể là tin không vui đối với Amazon, công ty đã chi hàng chục tỷ USD để đảm bảo khách hàng nhận được sản phẩm trong vòng hai ngày hoặc ít hơn.
Forbes đánh giá rằng Temu có tiềm năng cạnh tranh với Amazon. Bên cạnh đó, sự tham gia của Shein vào thị trường thương mại điện tử và sự phát triển của TikTok Shop càng khiến Amazon phải có những chiến lược rõ ràng để duy trì mối quan hệ với các nhà bán hàng Trung Quốc và củng cố vị thế thống trị trong phân khúc hàng giá rẻ.
3. Shopee cho người mua hủy đơn hàng khi “đang giao”, người bán “bức xúc”
Sàn thương mại điện tử Shopee vừa cho ra mắt tính năng mới, cho phép người mua có thể yêu cầu hủy đơn hàng ở trạng thái “đang giao” áp dụng đối với một số người bán nhất định tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ ngày 20/6.
Cụ thể, Shopee cho phép người mua hàng có thể hủy đơn khi: Đơn hàng được giao thành công cho đơn vị vận chuyển; đơn hàng đang trên đường tới trạm giao hàng. Tuy nhiên, với trạng thái đơn hàng đã được giao tới trạm giao hàng thì người mua không thể hủy đơn hàng được nữa.
Theo Shopee, việc này giúp người bán giảm thiểu rủi ro khi người mua không nhận hàng và phát sinh trả hàng hoàn tiền, rút ngắn thời gian chờ nhận hàng hoàn trả nhờ khả năng ngừng giao hàng kịp thời, đồng thời mang lại trải nghiệm tối ưu cho người mua.
Tuy nhiên, chính sách được cho là “giảm thiểu rủi ro” cho người bán và có phần “ưu tiên” cho người mua này khiến nhiều nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee phản ứng.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (bán hàng mỹ phẩm tại Hà Nội) cho rằng, với tính năng này người bán sẽ tốn thêm nhiều chi phí bởi tỷ lệ đơn hàng không thành công và bị hoàn về sẽ tăng cao dẫn đến tăng chi phí quản lý bán hàng. Trong khi đó, bán hàng online ngày càng cạnh tranh, dẫn đến lợi nhuận rất thấp.
Theo các chuyên gia, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu như giai đoạn 2016 – 2018, bất kỳ doanh nghiệp nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người dùng cũng sành sỏi hơn thì những doanh nghiệp, nhà bán hàng trụ lại đều phải có chiến lược bài bản, rõ ràng.
Với chính sách cho phép người mua có thể yêu cầu hủy đơn hàng đang trong quá trình vận chuyển, với những shop lớn, họ sẽ phải sắp xếp thêm người làm nhiệm vụ quản lý đơn hàng. Ngoài ra, khi hoàn tất đóng gói và giao đơn vị vận chuyển, shop phải có phần mềm bán hàng để quản lý giao hàng nhằm tránh thất thoát hàng hóa.
1. Kỳ lạ siêu thị ngồi không cũng thu về 4,6 tỷ USD
Costco vốn nổi tiếng trên thế giới khi là hãng bán lẻ lớn thứ 5 toàn cầu, chuyên kinh doanh đủ mọi thứ. Thậm chí đây là một trong những siêu thị hiếm hoi trên thế giới công khai bán vàng miếng cho người dân. Ngoài ra, đây cũng là chuỗi bán lẻ luôn giữ vững giá bánh mỳ kẹp xúc xích (Hotdog) cũng như gà quay ở mức ổn định nhằm thu hút người mua.
Thế nhưng bí quyết thật sự khiến Costco thành công lại đến từ việc bán thẻ thành viên khi hoạt động này đem về 4,5 tỷ USD năm 2023, chiếm 72% tổng doanh thu của hãng.
CEO Ron Vachris của Costco cho biết bán hàng hiện chỉ là thứ yếu khi siêu thị nay coi trọng mảng kinh doanh thẻ thành viên hơn bất kỳ thứ gì khác vì không tốn nhiều chi phí do khách hàng không thực sự mua bất kỳ sản phẩm nào. Costco cũng không mất chi phí nào khác ngoài chi phí vận hành thẻ thành viên.
Costco hiện có 130 triệu thành viên và mỗi người thanh toán đến 60-120 USD/năm để truy cập được vào mạng lưới bán hàng của Costco, đồng thời để nhận được những ưu đãi chiết khấu như mua vàng giá rẻ hay nhận lại 2% hoàn tiền trên mỗi hóa đơn.
Từ năm 2016 đến nay, số lượng khách hàng làm thẻ thành viên Costco đã tăng 50% bất chấp những khó khăn của nền kinh tế khiến người dân siết chặt chi tiêu. Thậm chí chính vì những ưu đãi thẻ thành viên mà người dân Mỹ càng ưa thích Costco hơn trong bối cảnh hiện nay. Báo cáo thường niên của hãng cho thấy 90% khách hàng gia hạn thẻ thành viên Costco, qua đó cho thấy sức hấp dẫn và sự hiệu quả từ mô hình kinh doanh này.
Với gần 130 triệu thành viên, Costco có quyền lực gần như tuyệt đối khi đàm phán giá cả với nhà cung ứng và đem lại cho khách hàng những sản phẩm giá rẻ không đâu có. Chính điều này khiến khách hàng càng hài lòng trong bối cảnh siết chặt chi tiêu hiện nay và tiếp tục gia hạn thẻ thành viên, qua đó tạo thành một vòng lặp thành công cho chính Costco.
Mặc dù vậy để giữ chân được khách hàng, Costco cũng phải tốn nhiều tâm tư bên cạnh bán hàng giá rẻ do các đối thủ như Walmart cũng có được vị thế đàm phán với nhà cung ứng.
Ví dụ điển hình nhất là việc Costco chấp nhận lỗ đến 300 triệu USD để giữ giá một số mặt hàng như hotdog hay gà quay.
Đây là chiến thuật chấp nhận lỗ để câu khách (Loss Leader) khi siêu thị có thể bù đắp bằng cách tăng giá những mặt hàng khác.
“Một khi khách hàng đã đến siêu thị thì họ thường chất đầy giỏ mua hàng của mình và giúp người bán có lợi nhuận cao hơn”, Phó giáo sư Ernest Baskin tại khoa tiếp thị thực phẩm Đại học Saint Joseph nói.
“Những chiếc hotdog hay gà quay giá rẻ như một biểu tượng thương hiệu cho Costco vậy. Chúng nhắc nhở khách hàng rằng Costco là một siêu thị thân thiện với người tiêu dùng, chấp nhận lỗ nặng để chiều lòng người mua”, chuyên gia phân tích của R5 Capital nhận định khi những chiếc hotdog 1,5 USD hay gà quay giá 4,99 USD giúp gia tăng rất nhiều khách hàng trung thành.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bền vững được định hướng phải giao thoa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cụ thể là tận dụng tài nguyên sao cho vừa có lợi cho cộng đồng địa phương, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên và văn hóa – xã hội. Tuy nhiên, có những vấn đề mà du lịch bền vững cũng chưa thực sự giải quyết được, như sự suy thoái tự nhiên, biến đổi khí hậu và tính đa dạng sinh học.
Ngày nay, ngành du lịch cần phải có một hình thái mới để không chỉ dừng lại ở giảm thiểu các tác động tiêu cực, mà còn liên tục ra tạo ra các tác động tích cực để bù đắp cho sự suy thoái tự nhiên. Du lịch tái tạo được hiểu một cách đơn giản là làm cho điểm đến trở nên tốt đẹp hơn sau mỗi chuyến đi. Cụm từ này xuất hiện đầu tiên trong bài phân tích của chuyên gia Anna Pollock, một nhà nghiên cứu và chiến lược cho các tổ chức du lịch toàn cầu, khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện và khiến người ta nhận ra những vấn đề lâu dài chưa được giải quyết một cách rõ ràng.
Theo bà Anna Pollock, có thể hình dung bản chất khai thác của du lịch tương tự như cách khai thác một vườn cây, nếu chỉ biết đến thu hoạch, những cái cây rồi cũng sẽ chết. Du lịch bền vững có thể được hiểu là dùng tiền thu được từ khách tham quan để mua phân bón chăm sóc, làm đẹp cho khu vườn.
Còn du lịch tái tạo đi một bước xa hơn, đó là gieo lại hạt từ quả đã thu hoạch vào khu vườn, tạo ra những cây mới để chúng có thể tiếp tục ra quả cho những thế hệ tương lai. Còn theo tờ The Sydney Morning Herald, du lịch tái tạo được coi là “biên giới mới”, tập trung vào những trải nghiệm giúp loại bỏ được nhiều carbon ra khỏi khí quyển hơn mức đưa vào.
Tại Việt Nam, loại hình tour du lịch tái tạo thực tế đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp lữ hành, người dân địa phương và cả du khách. Đơn cử, chiến dịch “Vì một môi trường du lịch sạch” đã từng được Công ty Du lịch Vietravel tổ chức trên khắp các tỉnh, thành. Saigontourist cũng đã triển khai thành công tour “Mỗi du khách một cây xanh cho Đà Lạt”. Những tour này có điểm chung là thu hút được rất nhiều bạn trẻ, cả trong và ngoài nước.
1. Đánh thuế phân bón, đại biểu Quốc hội nói đừng để nông dân gồng mình chịu đựng
Chiều 24-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận việc dự luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), với thuế suất 5%, thay vì không phải chịu thuế như quy định hiện hành.
Đa số đại biểu không đồng tình với việc đánh thuế VAT đối với mặt hàng phân bón. Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) chia sẻ bên cạnh giá phân bón vô cơ diễn biến phức tạp, thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ kép.
Nếu đánh thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.
Sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam. Do đó đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét quy định theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%.
“Nếu luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón, nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỉ đồng. Còn nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỉ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân. Như vậy nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào”, bà Vang phân tích.
2. Ngành cà phê Việt Nam lạc quan, sẵn sàng ứng phó với hạn hán
Năm nay, ngành cà phê Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ, làm dấy lên mối lo ngại về giá cà phê tăng mạnh trên toàn thế giới.
Với tâm lý bất an, nhiều chuyên gia trong nước đã có dự đoán không mấy khả quan về triển vọng cà phê trong năm 2024. Thậm chí, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam đã dự kiến sản lượng cà phê có thể giảm từ 10-16% do nắng nóng cực độ tại vùng trồng cà phê Tây Nguyên từ tháng 3 đến đầu tháng 5.
Tuy nhiên, lượng mưa lớn bất ngờ tại Tây Nguyên trong những tuần gần đây đã cải thiện triển vọng về cà phê trong nước, thúc đẩy niềm tin của nông dân và các doanh nghiệp.
Bất chấp đợt nắng nóng vừa qua, nhiều người nông dân trồng cà phê tại khu vực miền Trung đã có những giải pháp thiết thực để đối phó với thời tiết khắc nghiệt. Trả lời phỏng vấn với kênh Reuters, ông Nguyễn Hữu Long, người trồng cà phê trên diện tích 50 ha ở Gia Lai cho biết: “Tôi dự đoán sản lượng cả nước sẽ giảm 10-15% nhưng trang trại của tôi sẽ tăng sản lượng”.
Lý giải cho dự đoán lạc quan của mình, ông Long cho biết ông đã giữ ẩm cho đất xung quanh cây bằng cách phủ lá lên trên, để bảo vệ cây của mình trong đợt nắng nóng. Trái ngược với phong tục chặt cây sau vài năm để nâng cao chất lượng đất, ông Long đã giữ gìn cây cà phê của mình trong hàng chục năm. Kết quả là cây cà phê của ông Long có rễ sâu hơn và dễ có khả năng tiếp cận nguồn nước ngầm hơn.
Trái ngược với tâm thế khả quan của những người nông dân, nhiều nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an về sản lượng cà phê Việt Nam trong thời gian sắp tới, do các dự báo thời tiết về lượng mưa giảm sút sau hạn hán vừa qua và lượng mưa lớn trước mùa thu hoạch vào tháng 10. Giá bán buôn cà phê Việt Nam cũng có thể biến động do nhu cầu cà phê Robusta (mặt hàng cà phê chủ lực của Việt Nam) đang tăng trên toàn cầu, trong khi nhiều người nông dân Việt Nam đã thay thế cây cà phê bằng cây sầu riêng, để đáp ứng nhu cầu rất lớn từ Trung Quốc.
1. Thêm một cặp cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc được mở tại tỉnh Quảng Ninh
Sáng 25/6, tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh diễn ra Lễ công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) – Lý Hỏa (Trung Quốc).
Ông Phạm Đức Thắng, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho rằng, việc mở chính thức cặp cửa khẩu song phương sẽ giúp địa phương có động lực để phát triển kinh tế biên mậu: “Khi là cửa khẩu song phương thì thông quan hàng hóa sẽ kéo dài 8 tiếng/ngày. Các thủ tục thông quan đều được cải thiện và sẽ đẩy nhanh thời gian thông quan cũng như kiểm soát hàng hóa qua địa bàn an toàn. Đây là định hướng để chúng tôi mở rộng, đầu tư hạ tầng, logistic khu vực cửa khẩu, phát triển ngành nghề, phụ trợ khu kinh tế cửa khẩu, là động lực để chúng tôi nâng cao đời sống thu nhập của nhân dân.”
Hiện các mặt hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc) chủ yếu là nông lâm sản; vải may mặc, gạch ốp lát, phụ gia thực phẩm, hàng nội thất, phụ tùng ô tô, hàng tiêu dùng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu này trong 5 năm gần đây đạt khoảng trên 80 triệu USD/năm.
2. “Vua quả” Việt Nam gặp đối thủ mới ở thị trường Trung Quốc: Liệu có cạnh tranh được?
Từ ngày 19/6, Trung Quốc và Malaysia đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ bằng việc thực hiện ký một loạt thỏa thuận. Trong đó có những thỏa thuận về phát triển và xuất khẩu sầu riêng. Cụ thể, Trung Quốc mới đây đồng ý cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ Malaysia, sau khi đảm bảo về yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Malaysia được coi là một trong những nhà sản xuất sầu riêng lớn nhất trên thế giới. Trên thực tế, trước đây, Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Mặc dù vậy nhưng trị giá xuất khẩu của sầu riêng Malaysia liên tục tăng trưởng, từ 36 triệu USD (năm 2018) lên khoảng 255 triệu USD (năm 2023).
Theo các chuyên gia, “cuộc đua” xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ trở nên khốc liệt hơn, kể từ khi Malaysia được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường tỷ dân. Trước Malaysia, có 3 quốc gia được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Việc sầu riêng tươi của Malaysia xuất hiện tại thị trường Trung Quốc sẽ khiến sầu riêng Việt Nam bị cạnh tranh về thị phần. Nguyên nhân là do Malaysia có lợi thế về những giống sầu riêng chất lượng cao. Hơn nữa, sầu riêng Malaysia có thể bán tại Trung Quốc trong vòng 38 giờ, kể từ thời điểm được thu hoạch, nhờ xuất khẩu bằng con đường hàng không.
Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách để giám sát việc xuất khẩu sầu riêng tươi, cũng như tạo logo riêng để có thể phân biệt với sầu riêng của Thái Lan và Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định rằng sầu riêng của Malaysia hướng vào phân khúc cao cấp ở Trung Quốc, trong khi sầu riêng của Việt Nam thường nhắm vào phân khúc bình dân để phục vụ được nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng ở quốc gia này. Trong số 4 quốc gia được xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch vào Trung Quốc, Việt Nam là nước có nhiều lợi thế. Bởi vì, nước ta có sản lượng sầu riêng dồi dào và thu hoạch rải vụ quanh năm, trong khi mua thu hoạch loại quả này tại 3 quốc gia kia chỉ kéo dài trong vài tháng giữa năm. Hơn nữa, việc vận chuyển sầu riêng ở nước ta sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 1,5 ngày nên đảm bảo về độ tươi ngon. Mặt khác, chi phí logistics của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng thấp hơn.
Tính đến nay, Trung Quốc vẫn được coi là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới. Đặc biệt, quy mô thị trường sầu riêng ở Trung Quốc vẫn tăng mạnh theo mỗi năm và thậm chí có thể “ôm” tất cả sản lượng về loại quả này ở các quốc gia tại Đông Nam Á.
3. Doanh nghiệp gặp khó vì chỉ được đánh bắt cá ngừ vằn từ 5 kg
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình, kết quả hoạt động quý II/2024 và phương hướng, nhiệm vụ 2 quý cuối năm.
Công văn đề cập một số vướng mắc mà các ngành thủy sản gặp phải. Đáng chú ý là quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên tại Nghị định 37/2024 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 19-5. Quy định này sẽ khiến ngư dân phải thay đổi lưới có kích thước mắt lưới đáp ứng, các tổ chức quản lý cảng cá phải bổ sung tiêu chí “ngư cụ” vào phần kiểm tra cấp phép xuất – cập bến. Trong khi đó, các doanh nghiệp sẽ thiếu trầm trọng nguyên liệu để thu mua sản xuất, xuất khẩu.
Cụ thể, với cá ngừ vằn, quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác là 0,5 m (tương đương cỡ từ 5 kg) trong khi tiêu chuẩn quốc tế đối với loài này là 1,8 – 3,4 kg.
Theo VASEP, quy định về bảo tồn của châu Âu (EU) không đề cập kích thước tối thiểu của cá ngừ văn mà chỉ có một số loài nhạy cảm; kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó.
EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng biện pháp quy định hạn ngạch, thời gian cấm biển…, chứ không thuần túy chỉ quy định bằng kích thước tối thiểu. Các tàu cá của Tây Ban Nha vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5 kg và vẫn được cấp chứng nhận thủy sản khai thác (C/C).
VASEP kiến nghị các cơ quan liên quan rà soát để điều chỉnh quy định để phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế, không gây khó khăn cho ngành hàng khai thác hải sản trong nước.
Ông Nguyễn Hà Triều – giám đốc vận hành du thuyền Nautilus ở phường An Thới (TP Phú Quốc, Kiên Giang) – cho biết đi bộ dưới đáy biển Phú Quốc đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, lưu lại khoảnh khắc đẹp.
Đặc biệt mới đây hai bạn trẻ là khách nước ngoài đến đây đi bộ dưới đáy biển rồi nảy ra ý tưởng trao nhẫn cầu hôn rất lạ và độc đáo để lưu lại những kỷ niệm đẹp cùng nhau.
Theo ông Triều, việc cầu hôn dưới đáy biển rất đặc biệt nên đơn vị phải làm kỹ để đảm bảo hai bạn trẻ có không gian riêng tư. Sau đó, nhân viên hướng dẫn và ra ký hiệu để bạn nam đeo nhẫn cho bạn gái, tạo kiểu chụp ảnh lưu niệm.
Ngoài ra, nhân viên còn trình diễn “vũ điệu bong bóng” để cho lễ cầu hôn của đôi bạn càng thêm lãng mạn, đáng nhớ.
Sở Du lịch Kiên Giang cho biết Phú Quốc đã và đang là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều cặp đôi tỉ phú Ấn Độ đến tổ chức đám cưới, lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ ở đảo ngọc.
Ông Trịnh Hàng, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết trong kế hoạch phát triển của tỉnh, du lịch Côn Đảo sẽ tập trung vào phân khúc thị trường khách có chi tiêu cao, khách yêu văn hóa lịch sử, yêu du lịch sinh thái và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian tới cũng sẽ hướng đến các yếu tố này.
Ngoài việc xúc tiến quảng bá, tỉnh cũng lưu ý các sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu ngày một cao của tất cả du khách.
Hiện du lịch Côn Đảo đang được tập trung để xây dựng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của khách trong nước lẫn quốc tế. Du khách đến đây có thể trải nghiệm tất cả các loại hình du lịch từ văn hóa, tâm linh, lịch sử đến sinh thái, gắn với quá trình chuyển đổi số.
Theo các doanh nghiệp, sức hấp dẫn của điểm đến Côn Đảo là sự tươi xanh, bình yên và không khí trong lành hiếm có. Côn Đảo có nhiều điều kiện để thực hiện phát triển du lịch xanh, bền vững, giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần, các cơ sở giảm sử dụng năng lượng…
Đại diện Lữ hành Saigontourist cho biết một thách thức khác của Côn Đảo là làm sao phải cân bằng được sự phát triển về lượng khách và rác thải môi trường. Xanh, sạch là ‘tài sản’ mà Côn Đảo cần phải giữ gìn, vì thế cần đầu tư điều kiện hạ tầng hơn nữa.
ông Trịnh Hàng cho biết để đạt được du lịch Net Zero, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức, ý thức của những người có liên quan tham gia trong hệ sinh thái du lịch, từ người dân, những người làm du lịch cho tới du khách, cho tới các cơ sở về du lịch.
1. Mỹ khai phá một loại nguyên liệu giá rẻ mới để sản xuất pin xe điện, có khả năng phá vỡ sự độc quyền của Trung Quốc
Trung Quốc vốn kiểm soát chuỗi cung ứng than chì trên toàn thế giới. Than chì là chìa khóa để sản xuất pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ ô tô điện đến điện thoại thông minh. Trong khi Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu carbon tinh thể hàng đầu thế giới thì Mỹ cũng đang nỗ lực để phát triển chuỗi cung ứng.
Gần đây, một công ty khởi nghiệp tại Mỹ có tên Molten Industries có trụ sở tại Oakland đang nỗ lực cải thiện chuỗi cung ứng bằng một loại nguyên liệu giá rẻ và rất dồi dào ở Mỹ: khí đốt tự nhiên. Công ty đã phát triển một kỹ thuật chuyên dụng để phân hủy khí metan thành than chì và hydro, loại khí này có thể được sử dụng làm nguồn năng lượng sạch. Nỗ lực này được tài trợ một phần tại vòng gọi vốn Series A trị giá 25 triệu USD do Quỹ đầu tư năng lượng đột phá (BEV) của Bill Gates dẫn đầu.
Các công ty ô tô lớn đang thèm khát than chì trong nước với chi phí thấp, đáng tin cậy do các vấn đề về chuỗi cung ứng quốc tế. Theo dữ liệu từ công ty khoáng sản Benchmark, than chì thường được khai thác hoặc sản xuất tổng hợp từ nhiên liệu hóa thạch và Trung Quốc kiểm soát khoảng 3/4 chuỗi cung ứng cực dương than chì của thế giới. Chi phí vận chuyển hàng hóa cao do dịch Covid-19 và các hạn chế xuất khẩu tạm thời của Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ và các quốc gia khác về nguy cơ phụ thuộc phần lớn vào một nguồn nguyên liệu.
Molten cho biết than chì của họ sẽ có giá thành cạnh tranh với các nguồn khác. Đồng thời dựa trên thực tế là khách hàng sẽ muốn loại than chì tổng hợp có lượng khí thải thấp hơn các loại hiện có trên thị trường. Nguồn phát thải duy nhất trong quy trình của Molten là từ việc sản xuất khí tự nhiên mà họ sử dụng làm nguyên liệu hoặc nguồn điện lưới cung cấp năng lượng cho quá trình nhiệt phân.
Dẫn nguồn thạo tin trong giới công nghệ, Wall Street Journal (WSJ) khẳng định lãnh đạo hai tập đoàn công nghệ tỉ đô đã bắt đầu việc đàm phán đưa Llama 3 lên các thiết bị tân tiến nhất của Apple. Nếu quá trình thương thảo thành công, Llama 3 sẽ là một trong những chatbot (công cụ giao tiếp ảo) AI mà người dùng có thể lựa chọn để tích hợp vào hệ điều hành của Apple.
Nếu được ký kết, đây sẽ là cú bắt tay khó tin của hai công ty công nghệ vốn đứng hai “bờ chiến tuyến” suốt nhiều năm, song cũng phản ánh xu thế chung của toàn ngành AI.
Giống như các chatbot AI phổ biến khác như ChatGPT (OpenAI), Gemini (Google), CoPilot (Microsoft)…, Llama 3 của Meta sở hữu khả năng nhận dữ liệu bằng văn bản, hình ảnh, giọng nói… để xử lý và trả ra kết quả theo yêu cầu của người dùng.
Trong khi đó, Apple Intelligence là nền tảng AI được Apple công bố tại Hội thảo nhà phát triển toàn cầu 2024 (WWDC 2024) vào hôm 10-6. Nền tảng này bao gồm mô hình AI ngôn ngữ lớn (LLM) được chính Apple phát triển, tích hợp sâu vào hệ điều hành các thiết bị nhằm xử lý mượt mà những tác vụ hằng ngày của người dùng.
Ngoài ra, với các tác vụ phức tạp hoặc có tính chuyên môn hóa cao, người dùng có thể yêu cầu hệ điều hành gửi thẳng dữ liệu đến một chatbot AI bên thứ ba để xử lý. Đây chính là khi các chatbot trên thị trường xuất hiện, với ChatGPT của OpenAI là sản phẩm đầu tiên được Apple “chọn mặt gửi vàng”.
Đối với Meta, đó là cơ hội được phân phối trực tiếp đến hơn 2 tỉ thiết bị Apple đang hoạt động trên toàn thế giới (số liệu được Apple công bố hồi tháng 2). Chính “miếng bánh” này đã thu hút OpenAI đặt bút ký thỏa thuận với Apple.
Ông Gene Munster, nhà phân tích Apple lâu năm tại công ty tư vấn Deepwater Asset Management, nhận định thỏa thuận trên có thể giúp Chat GPT tăng gấp đôi lượng người dùng. Trong số này, khoảng 10 – 20% sẽ “trút hầu bao” trả các gói thuê bao chatbot nâng cao và mang lại hàng tỉ USD doanh thu cho công ty AI.
Thỏa thuận trở nên hấp dẫn hơn khi Apple không yêu cầu bất kỳ bên nào phải trả tiền cho nhau. Thay vào đó, Apple chỉ muốn nhận hoa hồng từ các giao dịch thanh toán thuê bao chatbot thực hiện trên thiết bị của mình.
Nhờ Apple, OpenAI hay Meta có cơ hội tiếp cận người dùng cực kỳ mạnh mẽ với chi phí ở mức hoàn toàn chấp nhận được. Nói cách khác, đây là thương vụ rủi ro thấp, lợi nhuận cao mà toàn ngành AI đều muốn dự phần.
Ở chiều ngược lại, Apple sẽ đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng. Ông Federighi từng khẳng định người dùng có những yêu cầu công việc khác nhau và cần những chatbot AI khác nhau để giải quyết. Bên cạnh đó, việc đưa các chatbot khác lên thiết bị của mình cũng là động thái “không bỏ hết trứng vào một giỏ” của Apple.
2. 6 tháng đầu năm 2024, ngành dịch vụ sôi động hơn cả với hơn 60.000 doanh nghiệp mới
Thông tin từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng năm 2024 là 80.482 doanh nghiệp. Con số này tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký thành lập trong 6 tháng năm 2024 đạt 744.238 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Đăng ký kinh doanh cho biết, doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỷ đồng) với 74.311 doanh nghiệp (chiếm 92,3%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 60.670 doanh nghiệp, chiếm 75,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,4% so với năm ngoái.
Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 19.031 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 781 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,0% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
1. Có gì mới lạ trong app hẹn hò của chính phủ Nhật Bản?
Ngày 5/6, chính quyền thành phố Tokyo triển khai chiến dịch mang tên Tokyo Futari Story nhằm thúc đẩy việc “mai mối” các cặp đôi trên toàn thành phố.
Chiến dịch bao gồm một trang web cung cấp thông tin chung cho các cặp đôi, và một app hẹn hò cùng tên sẽ ra mắt vào nửa cuối năm nay. Song song đó, thành phố cũng lên kế hoạch tổ chức loạt sự kiện kết nối người độc thân, cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân và các gói hỗ trợ sản phụ, gia đình có con nhỏ.
“Futari” trong tiếng Nhật có nghĩa là cặp đôi, chiến dịch được đặt tên như vậy nhằm đi ngược lại xu hướng sống “hitori” (một mình) đang rất phổ biến ở Nhật.
Từ cuối năm 2023, một phiên bản thử nghiệm của app Tokyo Futari Story đã được phát hành miễn phí trên các kho ứng dụng. Theo Associated Press, ngoài các thông tin cơ bản như tên, tuổi hay sở thích, người dùng sẽ nộp kèm một số tài liệu khác để tạo tài khoản.
Cụ thể, họ phải nộp bằng lái xe/hộ chiếu để xác minh danh tính, hồ sơ thuế để chứng minh thu nhập và một mẫu đơn xác nhận họ đã sẵn sàng kết hôn. Sau đó, người dùng phải tham gia một cuộc phỏng vấn bắt buộc với công ty vận hành ứng dụng trước khi ký cam kết, hứa hẹn đang tìm kiếm đối tác kết hôn, không phải yêu cho vui. Nguyên nhân bởi thay vì chỉ dừng lại ở mức độ kết nối, Tokyo Futari Story hướng đến giúp hai người kết hôn và sinh con.
Ngoài các chức năng “quẹt” hay trò chuyện thông thường, Tokyo Futari Story có thêm nhiều chức năng mới lạ. Cụ thể, app có một tờ lịch các sự kiện mai mối và workshop tư vấn hôn nhân, và một bản đồ các điểm hẹn hò nổi tiếng ở Tokyo. Đáng chú ý, bạn còn có thể gửi câu chuyện hẹn hò của mình tới hệ thống, nơi các họa sĩ và nhạc sĩ sẽ biến nó thành anime hoặc bài hát.
Theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản, có 474,717 cặp đôi đăng ký kết hôn ở nước này năm 2023, giảm 6% so với năm 2022.
Có 727,277 trẻ sơ sinh ra đời tại Nhật năm 2023, giảm 5.6% so với năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong lại lên đến hơn 1.5 triệu người – gấp đôi số trẻ em ra đời. Nếu điều này tiếp diễn, dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 63 triệu người vào cuối thế kỷ 21 – bằng một nửa so với 124 triệu người năm 2023.
Ngay khi thông tin về Tokyo Futari Story được lan truyền, CEO Tesla Elon Musk đã chia sẻ trên X: “Tôi vui mừng vì chính phủ Nhật Bản nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này. Nếu hành động triệt để không được tiến hành, Nhật Bản (và nhiều quốc gia khác) sẽ biến mất”.
Dù vậy, cư dân Nhật vẫn hoài nghi độ hiệu quả của Tokyo Futari Story. Họ quan ngại rằng đây có phải điều chính phủ nên làm với tiền thuế của họ. Số khác bày tỏ sự quan ngại về vấn đề an toàn dữ liệu, khi họ phải nộp nhiều tài liệu quan trọng để đăng ký tài khoản.
Nhiều người dùng trên Instagram cũng cho rằng, vấn đề cốt lõi dẫn đến tỷ lệ sinh thấp ở Nhật là văn hóa làm việc căng thẳng, yêu cầu nhân viên phải cống hiến hết sức lực và thời gian của mình cho công việc. Điều này khiến họ không còn thời gian cho việc hẹn hò và chăm sóc gia đình. Những nguyên nhân khác gồm khủng hoảng kinh tế, chi phí sống đắt đỏ và việc phụ nữ gặp trở ngại về sự nghiệp sau sinh. Ayako Sono – một chính trị gia trường phái bảo thủ và là cố vấn của Cố thủ tướng Shinzo Abe – còn từng khuyến khích phụ nữ Nhật nên bỏ việc sau khi mang thai để tập trung nội trợ, vun vén cuộc sống gia đình.
2. Ngắm chân dung Nữ thần Tự do và nhiều người nổi tiếng do AI phục chế
Bas Uterwijk, một nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Amsterdam (Hà Lan), đã sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra những bức ảnh cực kỳ sống động về các nhân vật hoặc các bức tượng lịch sử, trong đó có tượng Nữ thần Tự do, danh họa Vincent van Gogh, George Washington hay Nữ hoàng Elizabeth I…
Uterwijk tạo ra các bức ảnh nhờ phương pháp tổng hợp một loạt bức chân dung trên phần mềm học sâu. Phần mềm này có thể xác định chính xác các đặc điểm tổng thể trên khuôn mặt của nhân vật trong ảnh cũ hoặc của các bức tượng, đối chiếu với chất lượng ảnh gốc để tạo ra bức ảnh phục dựng mới.
Nghệ sĩ Uterwijk cho biết ông cố gắng điều hướng phần mềm cho ra những kết quả đáng tin cậy nhất. Đó là bởi phương pháp này không phó thác hoàn toàn vào công nghệ. Chẳng hạn một số phiên bản ảnh phục chế được phần mềm ban đầu đưa ra chỉ ở chất lượng và độ chính xác trung bình. Sau mỗi phiên bản, Uterwijk cung cấp thêm cho máy tính những nhận xét và dữ liệu bổ sung, dựa vào các tài liệu mô tả về nhân vật đang cần được phục dựng ảnh. Cách làm này giúp đảm bảo ảnh được tạo ra sẽ có được độ trùng khớp cao nhất với phiên bản người thật.
Hướng ứng dụng AI phục chế hình ảnh sắp tới của Uterwijk là thay đổi độ tuổi của nhân vật. Chẳng hạn với cô bé Anne Frank nổi tiếng, người qua đời ở tuổi 15 để lại cuốn nhật ký xúc động về sự trốn chạy khỏi tội ác của Đức Quốc xã, Uterwijk sẽ ứng dụng các thủ thuật của AI để mô phỏng hình ảnh của cô giả sử cô vẫn còn sống đến 30, 40 tuổi.