Thủ tướng: Việt Nam phấn đấu có thêm 1 triệu doanh nghiệp đến 2030
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết số 10/2017, Việt Nam dự kiến có 1 triệu doanh nghiệp vào 2020 và số này tăng lên 1,5 triệu năm nay. Song hiện tại cả nước mới có gần 1 triệu doanh nghiệp, bằng khoảng hai phần ba mục tiêu đề ra.
Tại Chỉ thị số 10 ngày 25/3 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng khu vực doanh nghiệp này cần phải tăng về số lượng, chất lượng, quy mô, cũng như đóng góp vào nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp tới 2030.
Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp khoảng 51% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách, theo số liệu năm 2023. Tuy nhiên, phần lớn khu vực này vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 98%. Họ gặp nhiều rào cản trong việc mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế
Hàng giá rẻ Trung Quốc có thể xóa xổ hàng triệu việc làm toàn cầu
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã nâng thuế với Trung Quốc thêm 20% và đe dọa tiếp tục tăng cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu Trung Quốc – vốn đã dẫn đầu thế giới về năng lực cạnh tranh – sẽ tìm cách bù đắp đơn hàng mất, đẩy rủi ro hàng giá rẻ tràn ngập thị trường toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở các mặt hàng công nghệ cao như xe điện, tấm pin mặt trời hay thép, Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu hàng may mặc và các sản phẩm giá trị thấp khác ra nước ngoài. Linh kiện điện tử Trung Quốc tập trung vào Đông Nam Á, cáp Internet đến Brazil, còn thiết bị điện tử tràn sang Ấn Độ – những mặt hàng vốn được chính các nền kinh tế đang phát triển này sản xuất và xuất khẩu sang các quốc gia giàu có hơn.
Theo Hiệp hội Sản xuất Sợi và Sợi Tổng hợp Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã mất khoảng 250.000 việc làm riêng ngành dệt may trong 2 năm qua và con số này có thể tăng thêm 500.000 vào năm 2025.
Điều này đồng nghĩa với việc cứ 4 lao động trong ngành thì có 1 người mất việc chỉ trong vài năm. Tốc độ suy giảm này nhanh hơn đáng kể so với “Cú sốc Trung Quốc” từng khiến Mỹ mất tới 2,4 triệu việc làm trong giai đoạn 1999-2011.
“Đây là Cú sốc Trung Quốc phiên bản 2.0 hoặc 3.0”, ông Gordon Hanson, Giáo sư chính sách đô thị tại Trường Harvard Kennedy, đồng tác giả nghiên cứu đặt tên cho hiện tượng này nhận định. Theo vị giáo sư, hậu quả có thể tương tự như tại Mỹ trước đây – làn sóng phẫn nộ của người lao động mất việc.
Vỗ béo nhum biển để khai thác “vàng đen” từ đại dương…
Trứng từ nhum biển hay cầu gai là nguồn lợi hải sản quý ở nhiều nước, đặc biệt là món ăn ngon, đắt giá trong ẩm thực Nhật Bản. Một doanh nghiệp Nhật đã tìm cách “vỗ béo” nhum biển ở Tasmania, Úc nhằm khai thác nguồn “vàng đen” của đại dương.
Nhum biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển. Nhưng là loài ăn tạp, một khi quá đông về số lượng, nhum biển có thể tàn phá quần thể tảo biển, rong biển – vốn có thể hấp thụ khí CO2 và là nguồn dinh dưỡng cho nhiều sinh vật biển là thức ăn cho các rạn san hô…
Trứng nhum biển là mặt hàng phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam. Trứng nhum biển trong nước được khai thác tự nhiên hoặc từ các trang trại nuôi nhum đen hay nhum sọ ở các vùng biển Quảng Ngãi, Nha Trang, Lý Sơn, Phú Quốc… Giá bán trứng nhum trong nước trên dưới 1 triệu đồng/ký. Trứng nhum biển Việt Nam còn được xuất khẩu sang nhiều nơi trên thế giới.
Chiến lược giúp Grab tăng trưởng trong giao đồ ăn, đi chợ online
Ba trụ cột gồm người dùng, công nghệ và hệ sinh thái là chiến lược giúp GrabFood và GrabMart tiếp tục hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững trong năm nay.
Theo đại diện Grab, thành tựu đạt được trong năm 2024 là “bước đệm” quan trọng cho quyết định theo đuổi ba trụ cột chiến lược này.
Nhờ đa dạng hóa các giải pháp tiết kiệm, kết thúc năm 2024, GrabFood có tệp người dùng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với mức tăng trưởng 33% so với năm trước. Các giải pháp tiêu biểu nhất bao gồm cải tiến “Đặt đơn nhóm” và “Giao tiết kiệm” cho đơn hàng GrabFood. Số lượng người dùng sử dụng hai tính năng này đều tăng vượt bậc so với năm trước. Các giải pháp này đã tạo ra lượng khách hàng dồi dào cho các quán ăn và nhà hàng trên GrabFood.
60% doanh nghiệp Việt chưa trang bị giải pháp bảo mật chuyên dụng
Thống kê của Bkav cho thấy, mỗi ngày, có hàng triệu mẫu virus mới xuất hiện và những thiệt hại do mã độc gây ra rất khủng khiếp. Tại Việt Nam, một thực tế đáng buồn là có tới 60% doanh nghiệp không được trang bị giải pháp bảo mật đủ mạnh.
Chỉ riêng tại Việt Nam, thiệt hại do những phá hoại của virus lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, bao gồm: tiền trả cho hacker để chuộc dữ liệu, doanh thu sụt giảm trực tiếp vì hệ thống ngừng trệ, thiệt hại do mất khách hàng, thương hiệu bị ảnh hưởng…
Theo các chuyên gia của Bkav, những gì nhìn thấy hay tính toán được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong một vài năm gần đây, các yêu cầu trợ giúp do bị ransomware tấn công được gửi tới Bkav với mật độ cao.
Nhận định về xu hướng tấn công trong thời gian tới, các chuyên gia của Bkav cho rằng, virus gián điệp APT và ransomware đang ẩn mình trong rất nhiều hệ thống ở Việt Nam. Chúng âm thầm lây lan và sẽ gây hại, tấn công vào thời điểm thích hợp. Do đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt cần nâng cao nhận thức về an ninh mạng, rà soát lỗ hổng và tăng cường các biện pháp phòng ngừa một cách chuyên nghiệp.
Các trung tâm dữ liệu AI đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng
Nhu cầu bùng nổ đối với các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt được thúc đẩy bởi sự phổ biến của AI tạo sinh (generative AI), đang tạo ra áp lực ngày càng lớn lên nguồn cung cấp nước dùng để làm mát cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ công nghệ này.
Shaolei Ren, phó giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học California Riverside, cho biết: “Các trung tâm dữ liệu của một công ty công nghệ lớn có thể tiêu thụ hàng tỷ lít nước mỗi năm, đôi khi ngang ngửa với mức tiêu thụ của các công ty đồ uống lớn”. Ông dự đoán rằng nhu cầu xử lý AI toàn cầu sẽ tiêu tốn từ 4,2 đến 6,6 tỷ mét khối nước từ các nguồn ngầm hoặc bề mặt vào năm 2027.
Hiện nay, các công ty vận hành trung tâm dữ liệu đang phải đối mặt với áp lực từ công chúng và chính quyền, đòi hỏi họ phải nâng cao hiệu quả sử dụng nước và chịu sự quản lý chặt chẽ hơn từ các quy định pháp lý.
Dù các công ty đang tìm kiếm công nghệ tiết kiệm nước, Christelle Khalaf, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Chính phủ tại Đại học Illinois ở Chicago, cảnh báo rằng “chỉ dựa vào đổi mới để giải quyết thách thức này là không đủ, ít nhất trong ngắn hạn”. Bà lập luận rằng chính phủ cần can thiệp bằng các quy định và hướng dẫn chọn địa điểm, định hướng xây dựng các trung tâm dữ liệu mới tại những khu vực ít khan hiếm nước hơn.
CEO Google DeepMind: AI có thể sánh ngang với con người sẽ xuất hiện trong 5 – 10 năm nữa
Theo CEO Google DeepMind, câu chuyện trí tuệ nhân tạo có thể sánh ngang với con người trong bất kỳ nhiệm vụ nào chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ông Demis Hassabis nhận định trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), thông minh ngang bằng thậm chí thông minh hơn con người, sẽ bắt đầu xuất hiện trong vòng 5 hoặc 10 năm tới.
Nhận định của ông Hassabis khá khác biệt so với một số lãnh đạo khác trong ngành.
Ví dụ, CEO công ty khởi nghiệp AI Anthropic Dario Amodei cho rằng một dạng AI “tốt hơn con người ở hầu hết nhiệm vụ” sẽ xuất hiện trong “hai hoặc ba năm tới”. Giám đốc Sản phẩm của Cisco Jeetu Patel cho rằng chúng ta có thể thấy hiện thân của AGI xuất hiện sớm nhất trong năm nay. CEO Tesla Elon Musk đưa ra dự đoán AGI có thể sẽ khả dụng vào năm 2026, trong khi CEO OpenAI Sam Altman cho biết hệ thống như vậy sẽ được phát triển trong “tương lai khá gần”.
Sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho 150 cơ sở doanh nghiệp phát thải lớn nhất
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu quản lý chặt chẽ phát thải khí nhà kính, đặc biệt trong ba lĩnh vực có mức phát thải lớn nhất: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng, chiếm 40% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Trong giai đoạn đầu (2025–2026), 150 cơ sở phát thải lớn nhất sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải. Lộ trình phân bổ hạn ngạch được chia thành ba giai đoạn: 2025–2026, 2027–2028, 2029–2030.
Dự thảo cũng quy định các bộ quản lý lĩnh vực sẽ đề xuất lượng hạn ngạch phát thải hằng năm cho từng cơ sở, trong khi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng phê duyệt. Nội dung sửa đổi bổ sung quy định chi tiết về thị trường carbon, bao gồm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, thành lập Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.
Để đảm bảo công bằng, minh bạch, dự thảo cũng đề xuất bộ tiêu chí phân bổ hạn ngạch theo lĩnh vực, địa bàn và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm kê phát thải thông qua tổ chức và chuyên gia tư vấn độc lập. Điều này giúp hàng hóa Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời tạo nền tảng cho việc giao dịch hạn ngạch và tín chỉ carbon trong và ngoài nước.
Sầu riêng đông lạnh Indonesia tìm đường vào thị trường Trung Quốc
Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có cơ hội thưởng thức sầu riêng đông lạnh từ Indonesia trong năm nay, với giá có thể rẻ hơn sầu riêng Việt Nam và Thái Lan.
Bộ Nông nghiệp Indonesia đã quy hoạch canh tác sầu riêng ở 422 ngôi làng trên khắp cả nước. Indonesia đặt ra mục tiêu hàng đầu là được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh trong năm nay.
Thái Lan từng chiếm lĩnh 90% thị trường sầu riêng của Trung Quốc, nhưng nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 57% do gặp cạnh tranh của Việt Nam. Thị phần của Việt Nam đã tăng nhanh từ 5% trong các năm trước lên 38% trong năm ngoái. Philippines và Malaysia chia phần còn lại. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập lượng sầu riêng trị giá gần 7 tỉ đô la.
Indonesia là nước sản xuất sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á, với sản lượng thu hoạch khoảng 2 triệu tấn trái mỗi năm.
Sự khoái khẩu với loại trái cây vua của dân đại lục có thể mở ra một thị trường thênh thang cho sầu riêng từ xứ vạn đảo.
Trong 2,5 tháng đầu năm 2025, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt mức trung bình 5.614 USD/tấn, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm 18% xuống 406.637 tấn, kim ngạch vẫn tăng 41% lên 2,28 tỷ USD.
Xuất khẩu cà phê sang các thị trường chính đều tăng mạnh, với Đức đạt 278 triệu USD (+79%), Ý 171 triệu USD (+31%), Nhật Bản 127 triệu USD (+56%), Hoa Kỳ 120 triệu USD (+53%), và Tây Ban Nha 117 triệu USD (+29%). Một số thị trường mới ghi nhận mức tăng trưởng đột biến như Nam Phi (+5.166%) và Mexico (+2.147%).
Giá cà phê thế giới tiếp tục lập kỷ lục mới. Tại New York, giá arabica kỳ hạn giao tháng 5/2025 đạt 8.630 USD/tấn, cao nhất từ trước đến nay, trong khi robusta trên sàn London đạt 5.515 USD/tấn. Trong nước, giá cà phê trung bình đạt 133.900 đồng/kg.
Nguyên nhân chính khiến giá cà phê tăng mạnh là do nguồn cung giảm từ Việt Nam và Brazil do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn. Sản lượng cà phê 2025/26 của Brazil dự báo giảm 4,4%, trong khi xuất khẩu của Việt Nam giảm 14,8% trong hai tháng đầu năm.
Thái Lan tung ‘chiêu độc’ dùng máy X-quang quét từng trái sầu riêng, độ chính xác 95%, công suất 1.200 quả/giờ
Để giảm thiểu rủi ro về chất lượng, Thái Lan bất ngờ đưa công nghệ y tế hiện đại vào ngành sầu riêng khi sử dụng máy X-quang (CT-Scan) để kiểm tra chất lượng trái cây xuất khẩu.
Cụ thể, thay vì dựa vào phương pháp gõ nghe âm thanh truyền thống vốn không đảm bảo độ chính xác, họ đã mạnh tay đầu tư công nghệ CT-Scan kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng “nhìn xuyên” vào bên trong trái với độ chính xác trên 95%. Mức giá của chiếc máy này lên tới 2 triệu Baht (khoảng 1,5 tỷ đồng). Máy sử dụng kỹ thuật phân tích mật độ vật thể, so sánh độ đặc của quả sầu riêng với nước để xác định độ chín và phát hiện các lỗ sâu bên trong.
Với tốc độ xử lý ấn tượng 3 giây/quả, công suất 1.200 quả/giờ, công nghệ này không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhân công cho các nhà máy đóng gói do có thể tính toán cụ thể thời gian vận chuyển phù hợp. Dự án do Đại học Công nghệ Suranaree thực hiện và được tài trợ vởi Cục Phát triển Nghiên cứu Nông nghiệp (ARDA), các máy được tái chế từ các máy CT y tế cũ, vốn có giá khoảng 10 triệu Baht nếu mua mới.
Hạt ca cao khô hiện có giá khoảng 250.000đồng/kg, gấp đôi so với năm ngoái và cao hơn giá cà phê cả trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, việc giá tăng cao này lại chỉ mang đến nỗi buồn cho giấc mơ lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Cây ca cao được khuyến khích phát triển mạnh tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu những năm 2000. Lúc đó, các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp kỳ vọng biến Việt Nam thành một “cường quốc xuất khẩu ca cao”, “thủ phủ ca cao châu Á”, tương tự như với cây cà phê và cây lúa.
Nhà nông và ngành nông nghiệp đã phải trả giá khi nghĩ rằng ca cao là cây trồng “dễ ăn”, cây “xóa đói giảm nghèo” trong khi thực tế loại cây này đòi hỏi đầu tư thâm canh cao, không khác gì cây cà phê và cũng không phải nhà nông nào cũng có khả năng đầu tư trồng.
Khi thu hoạch, nhà nông cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều khách đến các tỉnh miền Tây thường thấy nông dân bán trái ca cao bên vệ đường và giá hạt ca cao chỉ bằng 10-20% so với cà phê.
Từ 16.000 ha vào năm 2010, với mục tiêu tăng lên 50.000 ha nhưng đến năm 2019, diện tích trồng ca cao chỉ còn khoảng 5.000 ha. Kể từ đó, cây ca cao không còn được nhắc tới trong ngành nông nghiệp và không có hội thảo nào về ca cao từ 2018 đến nay.
Nông dân đã tốn không biết bao công sức và tiền bạc còn Nhà nước cũng đã đầu tư không ít cho các chính sách khuyến khích trồng loại cây này. Giờ nhìn biểu đồ giá ca cao, họ chỉ biết chặc lưỡi tiếc nuối mà không biết lỗi tại ai?
Các hãng bay trong nước đang ráo riết mở thêm đường bay mới hay nối lại các tuyến bay đã dừng trước đó. Khách Nga quay lại. Với các doanh nghiệp khai thác bay và lữ hành là cảnh “cười nụ”. Còn khách bay nội địa – người trong cuộc – phải chịu cảnh “lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong” hoặc “khóc òa” khi giá vé máy bay trong nước vượt quá tầm tay dịp lễ, Tết.
Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự báo số lượt khách qua lại các sân bay trực thuộc của hãng sẽ đạt 118,9 triệu lượt trong năm 2025, tăng hơn 7% so với năm ngoái. Tỷ lệ tăng trưởng của khách nội địa và khách quốc tế sẽ cũng đạt trên 7%, không có cách biệt “một trời một vực” như năm 2024. Trong tương lai gần, các hãng bay đều vẫn sẽ tập trung cho các tuyến bay quốc tế nhiều hơn.
Giá vé nội địa vẫn trên trời.
Năm ngoái, giá của tuyến bay chính TPHCM – Hà Nội và từ hai thành phố này đi Đà Nẵng và các điểm nghỉ mát chính thường tăng gấp đôi trước các kỳ nghỉ. Giá khứ hồi TPHCM – Hà Nội có lúc đã lên đến ngưỡng báo động 17-18 triệu đồng, gần 4 lần giá bình thường, tương đương vé khứ hồi từ TPHCM đi châu Âu hay Bắc Mỹ của các hãng nước ngoài.
Tình hình vẫn sẽ có thể tái diễn trong dịp lễ 30-4 sắp tới. Hôm 12-3, các hãng lữ hành, nhiều đại lý và các trang bán vé công khai báo giá vé khứ hồi chặng TPHCM – Hà Nội khoảng 4,5-6,5 triệu đồng, tùy ngày và tùy hãng. Giá khứ hồi cho các chặng như Hà Nội – Nha Trang, Hà Nội – Quy Nhơn ở mức 6-6,3 triệu đồng, tăng khoảng 10-20% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ phát triển du lịch
Việt Nam hiện đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia được ghé thăm nhiều nhất ở Đông Nam Á, với 17,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, vượt qua Singapore. Đứng đầu danh sách là Thái Lan với 35 triệu lượt khách, tiếp theo là Malaysia với 25 triệu lượt khách.
Những con số này đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về tốc độ phục hồi du lịch, một chỉ số vẫn được theo dõi – năm năm sau khi đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới đóng cửa – để đo lường mức độ phục hồi của ngành du lịch so với mốc năm 2019. Việt Nam đã khôi phục 98% lượng khách so với trước đại dịch, vượt xa các nước láng giềng như Thái Lan (87,5%) và Singapore (86%). Theo số liệu mới công bố từ Cục Du lịch Việt Nam, sức hút của đất nước hình chữ S vẫn đang tăng mạnh: Gần 4 triệu du khách quốc tế đã đến thăm trong hai tháng đầu năm, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chính sách visa nới lỏng, các chuyến bay thẳng không ngừng nghỉ và sự xuất hiện của những khách sạn sang trọng trên các hòn đảo… là những yếu tố giúp nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam trong năm nay.
Không có dấu hiệu nào cho thấy sự tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại. Đến cuối năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu phá vỡ kỷ lục lượng khách, đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế. Sau đó, vào tháng 3 năm sau, sân bay quốc tế Long Thành mới dự kiến sẽ đón những chuyến bay đầu tiên đến TP.HCM, nâng công suất đón khách của Việt Nam lên 25 triệu lượt.
Quỹ đầu cơ hàng hóa “săn” chuyên gia dự báo thời tiết với mức lương triệu đô
Bão, lũ lụt, băng tuyết, cháy rừng và các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động lớn đến thị trường giao dịch hàng hóa toàn cầu,đặc biệt là với khí đốt tự nhiên và các mặt hàng nông sản như cà phê, ca cao và ngũ cốc… Các quỹ phòng hộ tại Mỹ sẵn sàng trả mức lương triệu đô để tuyển bằng được các nhân tài dự báo thời tiết này.
Theo công ty tìm kiếm giám đốc điều hành Proco Group, trong năm 2024 trung bình các quỹ đầu cơ đã tuyển dụng thêm 23% số chuyên gia thời tiết, bao gồm các nhà khoa học dữ liệu và nhà khí tượng học, so với năm 2023. Gói lương trung bình cũng đã tăng 18%, với những nhân tài hàng đầu nhận được từ 750.000 đô la đến 1 triệu đô la.
Trước nay, con đường sự nghiệp điển hình của các nhà khoa học thời tiết là làm việc tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), Cơ quan Lâm nghiệp Hoa Kỳ hoặc các cơ quan chính phủ khác. Hướng khác là làm việc tại các viện, trường với tư cách là nhà nghiên cứu và giáo sư.
Nhưng khu vực tư nhân đã và đang thu hút số nhân tài này trong vài năm qua. Bởi các cơn bão, cháy rừng và lũ lụt ngày càng gây thiệt hại nghiêm trọng cho các loại hàng hóa như khí đốt tự nhiên, ngũ cốc và thậm chí cả gia súc. Theo Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Mỹ, kể từ năm 2014, các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp nước Mỹ đã gây ra thiệt hại hơn 1.400 tỉ đô la sau khi đã trừ đi tỷ lệ lạm phát.
Gián đoạn thời tiết hay biến đổi khí hậu đã đẩy giá hàng hóa tăng vọt, mang lại cơ hội kiếm tiền cho một số quỹ đầu cơ và nhà giao dịch lớn nhất thế giới thu về lợi nhuận.
Dự kiến giảm thuế nhập khẩu MFN với 10 nhóm mặt hàng
Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng chung cho các quốc gia là thành viên WTO (MFN) đối với 10 nhóm mặt hàng để đảm bảo đối xử công bằng giữa các Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam.
Để ứng phó với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình địa chính trị kinh tế trên thế giới, đặc biệt việc thay đổi chính sách kinh tế, thương mại, thuế quan, tác động nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu sắc, nhiều chiều đến kinh tế, đầu tư và thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tại Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/3/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ việc sửa Nghị định 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 để điều chỉnh thuế suất một số nhóm mặt hàng đảm bảo hài hòa, hợp lý theo trình tự thủ tục rút gọn, hoàn thành trong tháng 3 năm 2025.
Dự thảo Nghị định đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các nhóm mặt hàng như sau:
Một, ô tô thuộc 03 mã hàng: HS 8703.23.63, 8703.23.57, 8703.24.51 từ 64% và 45% về cùng một mức thuế suất là 32%;
Hai, Ethanol từ 10% xuống 5%;
Ba, đùi gà đông lạnh từ 20% xuống 15%;
Bốn, hạt dẻ cười từ 15% xuống 5%;
Năm, hạnh nhân từ 10% xuống 5%;
Sáu, quả táo tươi từ 8% xuống 5%;
Bảy, quả anh đào ngọt (Cherry) từ 10% xuống 5%;
Tám, nho khô từ 12% xuống 5%;
Chín, mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ thuộc Nhóm 44.21, Nhóm 94.01 và 94.03 từ các mức thuế suất 20% và 25% xuống cùng một mức thuế suất là 5%;
Mười, mặt hàng khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG) từ 5% xuống 2%.
Ngoài ra, bổ sung mặt hàng Ethane vào Chương 98 với thuế suất 0%. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Hộp nhựa polypropylene Việt Nam bị kiện bán phá giá tại Hoa Kỳ
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 17/3/2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá với hộp nhựa polypropylene nhập khẩu Việt Nam và điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với cùng sản phẩm của Trung Quốc từ Công ty CoolSeal USA, Công ty Inteplast Group và Công ty SeaCa Plastic Packaging & Technology Container.
Theo nguyên đơn, căn cứ số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu USD sản phẩm bị đề nghị điều tra sang Hoa Kỳ, chiếm khoảng 19,4% tổng kim ngạch nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam.
Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất hộp nhựa polypropylene. Các bên có thời hạn bình luận về nước thay thế trong vòng 60 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc.