Thị trường và bán lẻ

  •  Đề xuất không miễn thuế hàng thương mại điện tử với món dưới 1 triệu đồng
Theo quy định hiện hành, hàng nhập khẩu giá trị dưới một triệu đồng qua chuyển phát nhanh không còn được miễn thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 18/2.
Tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính dự kiến miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng có giá trị nhỏ (từ một triệu đồng trở xuống).
VCCI cho rằng cơ chế này chưa thực sự phù hợp, có nguy cơ tiếp tục tạo ra sự không bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước. Bởi nếu áp dụng điều này, phần lớn hàng hóa nhập khẩu sẽ được miễn thuế nhập khẩu, bởi mỗi đơn hàng thương mại điện tử thường có giá trị thấp, không quá 1 triệu đồng.
Năm ngoái, hơn 324 triệu sản phẩm nhập khẩu đã được bán qua sàn Shopee, tạo ra doanh thu 14.200 tỷ đồng, tức giá trị trung bình chỉ khoảng 43.682 đồng mỗi sản phẩm.
Các doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu nhập về để sản xuất hàng hóa, trong khi hàng thương mại điện tử được miễn hoàn toàn loại thuế này. VCCI cho rằng điều đó tạo sự bất bình đẳng trong chính sách thuế, mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa nước ngoài.
Nguồn: https://vnexpress.net/de-xuat-khong-mien-thue-voi-hang-nhap-qua-thuong-mai-dien-tu-4890239.html 
  • Nhật Bản lại xả dự trữ để “hạ nhiệt” giá gạo
Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho hay Chính phủ nước này đang có kế hoạch xả thêm 300.000 tấn gạo từ dự trữ quốc gia, với mức giá bán buôn cố định là khoảng 10.000 yên/60 kg. Việc xả dự trữ này được nhận định sẽ kéo giá gạo bán lẻ giảm một nửa còn khoảng 2.000 yên/5 kg từ mức 4.268 yên/5 kg hiện nay.
Nỗ lực kiểm soát cơn sốt giá gạo – loại lương thực chính của Nhật Bản – đã được Tokoyo đẩy mạnh trong một năm qua. Việc cử tri Nhật đương đầu với chi phí sinh hoạt gia tăng trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 có thể sẽ gây thêm tổn thất đối với Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Shigeru Ishiba.
Tỷ lệ ủng hộ ông Ishiba gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao đang là một vấn đề lớn đối với cử tri Nhật. Giá gạo ở nước này trong tháng trước tăng 98,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại vào thập niên 1970.
Từ tháng 3 đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã xả hơn 200.000 tấn gạo từ dự trữ gạo quốc gia vốn dành cho các tình huống khẩn cấp như thiên tai, nhằm kéo giá gạo trong nước xuống. Tuy nhiên, chỉ khoảng 11% trong số gạo được xả từ dự trữ này được bán ra thị trường, và số còn lại bị găm giữ trong chuỗi cung ứng.
Nguồn:https://vneconomy.vn/nhat-ban-lai-xa-du-tru-de-ha-nhiet-gia-gao.htm
  • Thương mại điện tử giao nhanh bùng nổ
Tại trung tâm tài chính sầm uất ở thành phố Mumbai của Ấn Độ, đội quân “dabbawala” – những người giao đồ ăn nhanh bằng xe đạp hoặc đi bộ – di chuyển như “con thoi” giữa các tòa nhà. Họ mang đến bữa trưa tận nơi cho dân văn phòng, giúp họ tránh cái nóng oi ả và giao thông tắc nghẽn.
Giờ đây, truyền thống này đang được nâng lên một tầm cao mới với sự bùng nổ của các ứng dụng mua sắm giao hàng nhanh trên khắp Ấn Độ. Không chỉ đồ ăn thức uống, mọi thứ từ quần áo đến điện thoại iPhone đều có thể được giao đến tay người dùng chỉ trong vài phút.
Đối với hàng triệu người tiêu dùng Ấn Độ, mua sắm trực tuyến giao hàng nhanh đã trở thành giải pháp lý tưởng để tránh cái nóng oi bức, tiết kiệm thời gian di chuyển đến cửa hàng và vượt qua tình trạng tắc đường kinh niên.
Trong khi các ứng dụng giao hàng nhanh như Getir hay Jokr gặp khó khăn tại châu Âu và Mỹ do nhu cầu giảm sút sau đại dịch COVID-19 và lạm phát gia tăng, doanh số bán hàng tại Ấn Độ lại tăng vọt từ 100 triệu USD vào năm 2020 lên ước tính 6 tỷ USD vào năm 2024, theo báo cáo của công ty phân tích thị trường Datum Intelligence. Ngân hàng đầu tư JM Financial dự đoán con số này có thể đạt 40 tỷ USD vào năm 2030.
Ngành ‘bán lẻ tức thì’ tại Trung Quốc, mua hàng trực tuyến được giao trong vòng một giờ – cũng đang bùng nổ mạnh mẽ.
Tập đoàn giao đồ ăn hàng đầu Meituan ghi nhận lợi nhuận ròng quý 1 đạt 10,9 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,52 tỉ USD), tăng 46% so với 5,2 tỉ nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã vượt mốc 40 triệu đơn hàng mỗi ngày chỉ sau một tháng triển khai dịch vụ tương tự.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thị trường này đã đạt 650 tỉ nhân dân tệ (89 tỉ USD) vào năm 2023 và dự kiến vượt mốc 2.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng 28%/năm – vượt xa mức 11% của thương mại điện tử truyền thống.
Theo một khảo sát gần đây của NielsenIQ, 72% người dùng bán lẻ tức thì dưới 35 tuổi, trong đó thế hệ Gen Z chiếm phần lớn. Gen Z ưu tiên tốc độ và trải nghiệm hơn là giá cả. Do vậy, tiết kiệm thời gian và có thể tiếp cận hàng hóa ngay lập tức đang trở thành yếu tố then chốt trong quyết định mua sắm.
Nguồn:https://baomoi.com/thuong-mai-dien-tu-giao-nhanh-cuoc-cach-mang-mua-sam-tai-an-do-c52330650.epi
https://baomoi.com/ban-hang-ket-hop-giao-do-hoa-toc-dang-bung-no-tai-trung-quoc-c52342455.epi
  • Ông Trump: Mỹ muốn sản xuất xe tăng chứ không phải áo thun hay giày dép
Ngày 25-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính sách thuế quan của ông nhằm thúc đẩy sản xuất xe tăng và các sản phẩm công nghệ trong nước, chứ không phải giày thể thao hay áo thun, theo Hãng tin Reuters.
Sau đó, Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) phản ứng, cho rằng các mức thuế quan của ông Trump không có lợi cho ngành này.
Chủ tịch AAFA Steve Lamar nói: “Với 97% quần áo và giày dép chúng ta mặc đều được nhập khẩu, nhưng với việc quần áo và giày dép vốn là ngành chịu mức thuế quan cao nhất tại Mỹ, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp hợp lý có thể thay đổi tình hình.
Tổng thống Trump đã tìm cách thực hiện lời hứa thúc đẩy sản xuất bằng thuế nhập khẩu và kêu gọi các doanh nghiệp và nước ngoài đầu tư vào Mỹ.
Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng với các quốc gia khác, nơi nhiều hàng hóa, gồm cả hàng dệt may, được sản xuất với giá rẻ hơn.
Nguồn:https://tuoitre.vn/ong-trump-my-muon-san-xuat-xe-tang-chu-khong-phai-ao-thun-hay-giay-dep-202505261422275.htm

Xu hướng tiếp thị – truyền thông

  •  Hiện tượng ‘ngồi đồng’ và ứng xử từ chủ quán
Việc che ổ điện tại một số chi nhánh thuộc chuỗi cà phê The Coffee House đã ngay lập tức khiến cộng đồng mạng chia làm nhiều luồng ý kiến. Một bộ phận lớn khách hàng, đặc biệt là những người thường xuyên đến The Coffee House để làm việc, học tập, bày tỏ sự thất vọng và bức xúc. Nhiều người cảm thấy quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm, bởi ổ cắm điện từ lâu đã được coi là một phần tiện ích cơ bản của quán cà phê hiện đại.
Ngược lại, không ít người, bao gồm cả các chủ quán khác và một bộ phận khách hàng, tỏ ra thông cảm với The Coffee House. Họ cho rằng đây là một biện pháp “cực chẳng đã” để đối phó với tình trạng “ngồi đồng” quá mức, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Fanpage của The Coffee House sau đó đã lên tiếng chính thức, gọi đó là “những bước điều chỉnh nhỏ để làm mới không gian”. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng cách thực hiện vội vã, thiếu sự phối hợp của các bộ phận khiến cho thương hiệu này đối mặt với khủng hoảng truyền thông, dẫn đến việc một số khách hàng kêu gọi tẩy chay hay đánh giá 1 sao cho thương hiệu.
Nguồn: https://baomoi.com/hien-tuong-ngoi-dong-va-ung-xu-tu-chu-quan-c52340694.epi

Công nghệ 

  •  Đại gia mua trước trả sau Klarna nhận ‘trái đắng’ khi thay thế bộ phận chăm sóc khách hàng bằng AI
Startup công nghệ tài chính (fintech) Klarna, nổi tiếng với dịch vụ mua ngay, trả sau (buy now, pay later), vừa tiến hành rút lại quyết định thay thế nhân công bằng trí tuệ nhân tạo (AI) tại một số bộ phận. Công ty trước đây tuyên bố rằng trợ lý AI đã hoàn thành công việc của hơn 700 nhân viên.
CEO Sebastian Siemiatkowski nhấn mạnh động thái này không báo hiệu “bước thụt lùi” trong chiến lược AI, mà là sự thay đổi về mối ưu tiên khi công ty tập trung vào mục tiêu cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng chất lượng cao và nhân văn.
Màn “quay xe” cho thấy trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thể cạnh tranh về sắc thái và khả năng cảm xúc của con người, đặc biệt trong những trường hợp như dịch vụ khách hàng, nơi cần rất nhiều sự đồng cảm từ nhân viên.
Chiến lược về AI của Klarna bắt đầu từ năm 2022, khi công ty sa thải khoảng 700 nhân viên để nhường chỗ cho công nghệ mới, cắt giảm khoảng 10% lực lượng lao động. Tuy nhiên, sau nhiều báo cáo về sự không hài lòng của khách hàng và chất lượng hỗ trợ kém, Klarna đang ngỏ ý mời nhân viên con người quay trở lại công ty.
Nguồn:https://baomoi.com/dai-gia-mua-truoc-tra-sau-klarna-nhan-trai-dang-khi-thay-the-bo-phan-cham-soc-khach-hang-bang-ai-c52334755.epi 
  • Tàu cá Indonesia tầm ngư bằng công cụ AI của startup Nhật Bản
Startup Ocean Eyes của Nhật Bản dùng công cụ AI và dữ liệu vệ tinh để giúp các đoàn tàu cá của Indonesia truy tìm nguồn cá.
Ocean Eyes sử dụng AI để ước tính các yếu tố như nhiệt độ nước biển và dòng thủy triều dựa trên dữ liệu từ vệ tinh thời tiết Himawari của Nhật Bản. Hệ thống có thể dự đoán điều kiện trước tới 14 ngày, ngay cả ở những khu vực không thể quan sát trực tiếp bằng vệ tinh do có mây che phủ.
Dữ liệu được cập nhật theo giờ và được sử dụng để tạo bản đồ luồng cá, giúp ngư dân tiết kiệm thời gian và nhiên liệu.
Ngư dân thường dựa vào kinh nghiệm và trực giác, nhưng Ocean Eyes tin rằng AI có thể giúp ích. Đây là lần đầu tiên Ocean Eyes bước ra thị trường nước ngoài. Giám đốc Hidekazu Kasahara của Ocean Eyes nói rằng việc sử dụng công nghệ thông tin trong đánh bắt cá ở Indonesia có hiệu quả thấp hơn ở Nhật Bản.
Nguồn:https://bsaonline.vn/tau-ca-indonesia-tam-ngu-bang-cong-cu-ai-cua-startup-nhat-ban/

Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  •  Chọn dưa hấu – nghề hái ra tiền ở Trung Quốc
Là một loại quả phổ biến vào mùa Hè, dưa hấu rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Thị trấn Nam Vương Điếm ở thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, nổi tiếng là “quê hương của dưa hấu”. Từ tháng 5, gần 1.670 héc ta dưa hấu của thị trấn đã được đưa ra thị trường, người mua từ khắp Trung Quốc đổ về đây.
Một thương nhân đến từ Chiết Giang, đã mua dưa hấu ở Nam Vương Điếm được 3 năm cho rằng việc tìm “chuyên gia kiểm dưa” là rất cần thiết: “Thường phải mời người kiểm dưa để đảm bảo chất lượng hàng cho khách. Dưa hấu đã qua tay họ, chất lượng thường được đảm bảo tới hơn 95%.”
Theo ông Ngô Chí Luân (Wu Zhilun), một chuyên gia kiểm dưa đã từng trồng dưa, công việc này rất vất vả. Một người lành nghề phải có kiến thức sâu rộng về trồng dưa, hiểu rõ chu kỳ sinh trưởng và đặc điểm của từng giống dưa, đồng thời phải tích lũy kinh nghiệm thông qua quá trình thực hành lâu dài để đánh giá chính xác chất lượng của từng quả dưa.
Chia sẻ với truyền thông Trung Quốc, ông Luân cho biết thêm, mỗi ngày ông có thể kiếm được vài trăm đến 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,6 triệu đồng Việt Nam).
Nguồn:https://baomoi.com/chon-dua-hau-nghe-hai-ra-tien-o-trung-quoc-c52340701.epi
  •  VCCI kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi Bộ Công Thương, góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018 và Nghị định 1/2025 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
VCCI cho rằng quy định bắt buộc thương nhân xuất khẩu gạo phải sở hữu kho chứa trong dự thảo) là không cần thiết. Doanh nghiệp thuê kho vẫn đáp ứng yêu cầu về dự trữ và vận hành.
VCCI cũng không đồng tình với quy định yêu cầu doanh nghiệp mới phải dự trữ tối thiểu 1.250 tấn gạo trong vòng 45 ngày sau khi được cấp phép. Khi chưa ký được hợp đồng xuất khẩu, yêu cầu này gây áp lực tài chính lớn và khiến doanh nghiệp khó chủ động trong kế hoạch kinh doanh.
VCCI cho rằng quy định thu hồi giấy phép xuất khẩu nếu doanh nghiệp không báo cáo mức dự trữ lưu thông sau 45 ngày kể từ khi bị đôn đốc là chưa hợp lý. Thay vào đó, cơ quan chức năng có thể áp dụng hình thức xử phạt hành chính phù hợp và chỉ thu hồi giấy phép trong trường hợp doanh nghiệp không còn đủ điều kiện kinh doanh.
Về quy định cấm doanh nghiệp chưa có giấy phép được ủy thác xuất khẩu cho doanh nghiệp đã có giấy phép, VCCI nhận thấy điều này làm giảm cơ hội kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị có năng lực sản xuất nhưng chưa đủ điều kiện cấp phép.
Nguồn:https://baomoi.com/vcci-kien-nghi-go-kho-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-gao-c52353715.epi

 Du lịch – Ẩm thực

  •  Ngành du lịch trở thành mục tiêu hàng đầu của đối tượng lừa đảo trong năm 2024
Theo báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế Mastercard (MEI), ngành du lịch trở thành mục tiêu dễ bị lừa đảo nhất trong năm 2024, với số vụ gian lận tăng 18% vào mùa hè và 28% vào mùa đông. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, chủ yếu liên quan đến các công ty du lịch và đại lý lữ hành không uy tín.
Báo cáo chỉ rõ, nhiều du khách đã rơi vào bẫy lừa đảo du lịch khi thanh toán trước nhưng tour không đúng cam kết, bị hủy, hoặc mất trắng. Ngoài ra, tình trạng gian lận còn xuất hiện trong dịch vụ thuê xe, taxi, đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, đồ lưu niệm và dịch vụ ăn uống.
Danh sách các thành phố được đánh giá an toàn nhất gồm: San Francisco (Mỹ), Dublin (Ireland), Seoul (Hàn Quốc), Budapest (Hungary) và Edinburgh (Scotland).
Ngược lại, một số điểm đến như Cancun (Mexico), Hà Nội (Việt Nam), Dhaka (Bangladesh) và Bangkok (Thái Lan) lại có tỷ lệ rủi ro cao với nhiều du khách phản ánh bị lừa.
Hình thức lừa đảo phổ biến là yêu cầu thanh toán trước nhưng tour không diễn ra, hoặc khác hoàn toàn so với quảng cáo, viện này cho biết.
Báo cáo của MEI là lời cảnh báo đối với du khách khi tới các điểm đến nổi tiếng. Viện này khuyến cáo du khách nên kiểm tra kỹ các dịch vụ trước khi thanh toán, chọn đơn vị uy tín và cảnh giác với các hình thức chào mời quá hấp dẫn.
Nguồn:https://baomoi.com/nganh-du-lich-tro-thanh-muc-tieu-hang-dau-cua-doi-tuong-lua-dao-trong-nam-2024-c52339283.epi

Khởi nghiệp

  •  Startup RenewGo khai trương trung tâm “bảo vệ pin” xe điện tại TP.HCM
RenewGo – startup chuyên về dịch vụ hậu mãi cho pin xe máy điện – đã khai trương trung tâm dịch vụ thông minh đầu tiên tại TP.HCM. Trung tâm này được xem là bước tiến quan trọng của RenewGo trong việc giải quyết ba thách thức chính của xe máy điện: bảo vệ pin, duy trì giá trị xe và mở rộng tiếp cận các giải pháp cho người dùng xe máy điện.
Thị trường xe máy điện tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng và hiện đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ hai trên toàn cầu chỉ sau Trung Quốc, với hơn 3 triệu xe hai bánh chạy điện lưu hành tính đến hết năm 2024. Tuy vậy, hạ tầng hỗ trợ bảo trì, kiểm tra pin và dịch vụ bảo hành vẫn chưa phát triển tương xứng. Sự chênh lệch này khiến nhiều chủ xe điện thiếu các dịch vụ thiết yếu để đảm bảo độ bền và hiệu suất của phương tiện.
Nghiên cứu của RenewGo cho thấy 79% người dùng xe máy điện tại Việt Nam không thể gia hạn bảo hành pin. Đây là linh kiện quan trọng nhất chiếm đến 40% giá trị của xe. Điều này khiến người dùng phải đối mặt với rủi ro như mất giá trị phương tiện, hạn chế về lựa chọn tài chính và do dự khi chuyển từ xe chạy xăng sang xe điện.
Nguồn:https://bsaonline.vn/startup-renewgo-khai-truong-trung-tam-bao-ve-pin-xe-dien-tai-tp-hcm/ 

Thị trường xuất nhập khẩu

  •  ASEAN đàm phán riêng lẻ, chưa hợp lực để đàm phán chung về thuế quan với Mỹ

Các nước thành viên ASEAN đang ráo riết đàm phán riêng lẻ trực tiếp với Mỹ, nhưng đến nay các nỗ lực song phương vẫn chưa đạt kết quả trong khi việc tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày sẽ hết hạn vào đầu tháng 7.

“Mỹ đang chọn cách tiếp cận chia rẻ để giành lợi thế đàm phán. Mỗi quốc gia ASEAN phải đối mặt với mức thuế đối ứng khác nhau và một loạt khiếu nại của Mỹ, khiến việc đàm phán trên cơ sở tập thể trở nên khó khăn”, nhà phân tích Chua Hak Bin thuộc Malayan Banking của Malaysia, nói với Nikkei Asia.

Tuy vậy, bất chấp các cuộc đàm phán về phản ứng thống nhất của ASEAN đối với cuộc chiến thương mại của Mỹ, các quốc gia thành viên phần lớn đã không hợp lực để tạo sức mạnh trước Trump. Họ chỉ đồng ý về cách tiếp cận không trả đũa và đang theo đuổi các cuộc đàm phán song phương với Washington để đảm bảo các nhượng bộ.

Trong số các nước ASEAN, Campuchia đang phải đối mặt với mức thuế quan cao nhất của Mỹ là 49% và Singapore là mức thấp nhất là 10%.

Nguồn:https://bsaonline.vn/asean-dam-phan-rieng-le-chua-hop-luc-de-dam-phan-chung-ve-thue-quan-voi-my/ 

BSAi