Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Dịch cúm gia cầm lịch sử đẩy giá trứng gà ở Mỹ lên mức cao kỷ lục
Giá bán sỉ trứng gà cỡ lớn ở khu vực Trung Tây của nước Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục, gần 0,45 đô la Mỹ (10.600 đồng)/quả, cao gấp 4 lần so với hồi đầu năm. Giá trứng gà tăng vọt sau khi dịch cúm gia cầm trong năm nay làm chết 58 triệu con gà, bao gồm 40 triệu gà mái đẻ, ở khắp 50 bang của nước Mỹ, vượt qua con số 50,5 triệu con gà bị tiêu hủy trong đợt dịch cúm gia cầm lịch sử hồi năm 2015.
Các lãnh đạo ngành bán lẻ thực phẩm cho biết không có nhiều sản phẩm thay thế trứng gà truyền thống. Các loại trứng đặc sản, chẳng hạn như trứng hữu cơ được bán cho các nhà bán lẻ và nhà phân phối trên cơ sở giá cố định, có thể giá rẻ hơn so với trứng truyền thống khoảng 1 đô la Mỹ một tá, nhưng nguồn cung trứng hữu cơ chỉ ở mức hạn chế. KeHE Distributors, nhà phân phối thực phẩm đặc sản và tự nhiên hàng đầu của Mỹ, đã cố gắng đảm bảo có nhiều nhãn hiệu trứng khác nhau, cũng như các sản phẩm thay thế trứng có nguồn gốc thực vật.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/dich-cum-gia-cam-lich-su-day-gia-trung-ga-o-my-len-muc-cao-ky-luc/
2. Singapore nỗ lực ngăn chặn bệnh tiểu đường bất chấp những rủi ro về kinh tế
Singapore sẽ thắt chặt các quy định về hiển thị hàm lượng đường trong đồ uống tại các nhà bán lẻ trong nỗ lực kìm hãm sự gia tăng của căn bệnh tiểu đường. Bắt đầu từ ngày 30/12, đồ uống sẽ được xếp hạng theo hàm lượng đường và những loại đồ uống có hàm lượng đường cao hơn sẽ phải hiển thị mức phân loại của chúng. Đồ uống có hàm lượng đường cao nhất sẽ bị cấm thực hiện quảng cáo. Các quán đồ uống và nhà hàng cũng bắt buộc phải tuân theo các quy định và ngành công nghiệp đang phải gấp rút thực hiện các biện pháp cần thiết.
Phòng chống bệnh tiểu đường đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách y tế của Singapore trong những năm gần đây. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trong số người trưởng thành của Singapore là 14,9% vào năm ngoái, cao hơn ở Nhật Bản (11,8%) và Trung Quốc (13%) – theo dữ liệu từ Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/singapore-no-luc-ngan-chan-benh-tieu-duong-bat-chap-nhung-rui-ro-ve-kinh-te.html
3. Diễn biến lạ trên thị trường bia Tết
Nghịch lý của thị trường bia Tết năm nay là càng cận Noel và tết Tây, sức mua mặt hàng bia càng chậm, nhiều nhà kinh doanh phải đua nhau chạy khuyến mãi mới mong bán được hàng. Theo giới kinh doanh, giá bia tại các siêu thị đang rẻ hơn thị trường bên ngoài khá nhiều do siêu thị có chính sách bán bia lợi nhuận thấp để thu hút khách. Dù vậy, bia là mặt hàng cồng kềnh nên chưa được ưu tiên mua thời điểm này. Phần lớn người tiêu dùng đang chờ cận Tết siêu thị khuyến mãi giảm giá thêm mới mua.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/dien-bien-la-tren-thi-truong-bia-tet-2022122416430207.htm
4. Trung Nguyên và Highlands so kè vị trí top 1 trong tâm trí khách hàng
Q&Me Việt Nam đã thực hiện khảo sát độ phổ biến của các chuỗi cà phê tại Việt Nam, với mẫu gồm 405 người có độ tuổi từ 16 đến 49. Theo đó, Highlands Coffee và Trung Nguyên là hai thương hiệu nằm trong danh sách những quán cà phê được nghĩ đến đầu tiên (top of mind). 43% số người nói trên nhắc đến Highlands Coffee đầu tiên khi được yêu cầu kể tên một thương hiệu cà phê bất kỳ ở Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ của Trung Nguyên là 40%. The Coffee House đứng thứ ba với 26%, sau đó là Starbucks (18%), Phúc Long (13%).
Tuy nhiên, xét về độ nhận diện thương hiệu, Trung Nguyên lại tỏ ra vượt trội hơn với 75% người được khảo sát công nhận, trong khi Highlands Coffee là 67%. The Coffee House tiếp tục xếp thứ 3 với độ nhận diện 60%.
Nguồn: https://zingnews.vn/trung-nguyen-va-highlands-so-ke-post1387285.html
5. Vải thiều ‘đi máy bay’ từ Úc về Việt Nam, giá 1,3 triệu đồng/kg
Thời điểm cận Tết Dương lịch, vải thiều Úc đang được rao bán rầm rộ trên chợ mạng với giá gần 1,3 triệu đồng/kg. Do Úc nằm ở Nam bán cầu nên ngược mùa 6 tháng so với Việt Nam, nên hiện tại giờ ở Úc chính là mùa hè và là mùa vải thiều. Về hương vị, nhiều khách hàng cho biết hương vị không có gì khác biệt giữa vải thiều Việt và vải thiều Úc.
Vải thiều Úc được cắt cuống, đóng hộp đẹp mắt, bảo quản lạnh và được vận chuyển về Việt Nam bằng máy bay, được nhiều người lựa chọn làm quà biếu Tết dù có mức giá khá cao.
Nguồn: https://tienphong.vn/vai-thieu-di-may-bay-tu-uc-ve-viet-nam-gia-13-trieu-dongkg-post1498138.tpo
6. Nhiều loại táo ngoại độc, lạ, đắt đỏ đổ bộ mùa Tết
Mùa Tết năm nay, thị trường lần đầu xuất hiện những giống táo mới, độc và lạ được nhiều nhà nhập khẩu đưa về để phục vụ khách hàng nhiều tiền. Đầu tiên là giống táo mini Hàn Quốc, khoảng 100 gram/quả có hình ngôi sao và được đóng hộp 15 quả (1,5 kg) sang trọng, với giá 2.3 triệu/hộp. Trong khi đó, táo Nhật lại thuộc nhóm táo có kích thước “khổng lồ”, mỗi quả từ 700 gram – 1kg và được bán với giá hơn 600.000 đồng/kg, tính ra khoảng nửa triệu đồng/quả. Ngoài ra, hiệp hội Táo Washington tại Việt Nam đưa về sản phẩm mới là táo vỏ xanh, ruột hồng – một giống táo mới từ Mỹ thuộc phân khúc cao cấp,  có giá 430.000 đồng/hộp 4 quả (khoảng 1 kg).
Theo số liệu thống kê hải quan, táo là mặt hàng trái cây kim ngạch nhập khẩu về Việt Nam lớn nhất. Tính đến 10 tháng năm 2022, giá trị táo nhập khẩu đạt 214 triệu USD tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn nhập khẩu chính là New Zealand, Trung Quốc, Mỹ, Nam Phi, Pháp, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nhieu-loai-tao-ngoai-doc-la-dat-do-do-bo-mua-tet-20221225103633275.htm
7. Chợ ‘ngoại’ vào mùa Tết Việt
Các loại đặc sản Campuchia, Úc, Mỹ, Hàn, Nhật… dồn dập đổ bộ TP.HCM những ngày gần đây. Dù có xu hướng tiết giảm chi tiêu, nhiều gia đình Việt có điều kiện vẫn mạnh tay chi bạc triệu mua đồ nhập khẩu cao cấp ăn Tết. Theo ghi nhận tại các cửa hàng chuyên bán hàng ngoại tại TP.HCM, nhu cầu đang tăng cao khi người tiêu dùng đang tìm kiếm những sản phẩm ngoại ngon, lạ, cao cấp để làm quà biếu Tết.
Các mặt hàng đa dạng từ khô đặc sản cho đến bánh kẹo, trái cây, rượu từ nhiều nước khác nhau như Campuchia, Úc, Mỹ, Hàn, Nhật đều đang rất hút hàng, riêng hàng Nga năm nay sức mua chậm do giá thành tăng cao vì chi phí vận chuyển bị đội lên do tình hình chiến tranh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cho-ngoai-vao-mua-tet-viet-20221224234310935.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Khan hiếm máy bay sau Covid, giá vé có thể tăng chóng mặt
Khi hoạt động đi lại trên toàn cầu được khôi phục và thậm chí Trung Quốc cũng đã gỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19, một thực tế đáng báo động nảy sinh là: Thế giới đang thiếu máy bay trầm trọng. Hiện tại, các hãng hàng không khắp thế giới từ United Airlines Holdings Inc. cho đến Air India Ltd. đang hoặc đang tìm cách đặt những đơn hàng máy bay với số lượng hàng trăm chiếc. Trong bối cảnh đó, hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Boeing Co. và Airbus SE ráo riết chuẩn bị cho các đơn hàng “khủng”.
Tuy nhiên, những rào cản trong chuỗi cung ứng đang khiến các đơn hàng đó có thể không được giao sau nhiều năm nữa. Theo dự báo của công ty dịch vụ tài chính Jefferies LLC, hiện tại các nhà sản xuất máy bay đang tồn đọng lượng đơn hàng với tổng cộng khoảng 12.720 máy bay. Đây được cho là nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao chóng mặt trong những tháng gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài.
Nguồn: https://vneconomy.vn/khan-hiem-may-bay-sau-covid-gia-ve-co-the-tang-chong-mat.htm
2. Sôi động thị trường tour dịp Tết 2023
Nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết năm nay dự kiến tăng từ 30 – 40% so với năm ngoái, trong đó điểm đến chính vẫn là những nơi du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang… Để kích cầu sức mua tour, nhiều đơn vị lữ hành đã tung ra những chương trình giảm giá, ưu đãi cho khách hàng đăng ký tour trọn gói sớm hoặc chọn combo dịch vụ, đăng ký theo nhóm. Nhiều nước cũng đã mở cửa đón khách du lịch, nên các đơn vị lữ hành cũng đã mở bán trở lại các tour du lịch như đi Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… cũng như kết nối, thu hút thị trường khách quốc tế đến với địa phương.
Tuy chưa thể phục hồi hoàn toàn như cách đây 2 năm, tuy nhiên thị trường tour Tết đang dần có những khởi sắc. Cùng với các đơn vị lữ hành, ngành du lịch nhiều địa phương cũng đang nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, ẩm thực, du lịch đặc sắc nhằm đáp ứng nhu cầu vui xuân đón Tết cho người dân và du khách, góp phần kích cầu phục hồi du lịch.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/soi-dong-thi-truong-tour-dip-tet-2023-20221224182816159.htm
3. Vietravel bán gần 1,8 triệu cổ phần cho Vinacapital
Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, mã chứng khoán: VTR) vừa công bố thông tin về việc chuyển nhượng 10,3% vốn sở hữu tại Vietravel cho Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital. Theo đó, Vietravel đã chuyển nhượng gần 1,8 triệu cổ phiếu VTR (tương đương 10,3% vốn điều lệ Vietravel) cho Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, với giá 24.000 đồng/cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện vào ngày 23/12. Sau giao dịch, Vietravel nắm giữ 5,26 triệu cổ phiếu, tương đương 30,38% vốn điều lệ Vietravel.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn Vietravel, việc tham gia của VinaCapital vào Vietravel sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho công ty mở rộng nguồn vốn nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch cũng như đa dạng hóa các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của Vietravel và các đơn vị thành viên.
Nguồn: https://tienphong.vn/vietravel-ban-gan-18-trieu-co-phan-cho-vinacapital-post1499100.tpo

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Bảy nhóm sản phẩm sẽ trở thành xu hướng trên thế giới trong 2023
Hãng tin Bangkokbiz ngày 21/12 đã đưa ra dự báo về bảy nhóm sản phẩm sẽ trở thành xu hướng trên thế giới trong năm tới.
●      Các sản phẩm cho người cao tuổi.
●      Các sản phẩm tiện dụng.
●      Các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe.
●      Các sản phẩm cỡ nhỏ.
●      Các sản phẩm thân thiện môi trường.
●      Các sản phẩm địa phương.
●      Các sản phẩm mang tính đổi mới – sáng tạo.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bay-nhom-san-pham-se-tro-thanh-xu-huong-tren-the-gioi-trong-2023/837289.vnp
2. Gen Z và những ưu tiên mua sắm khác biệt trong năm 2023
Là những người tạo ra các xu hướng có sức lan tỏa mạnh mẽ, không thể phủ nhận rằng, Gen Z giờ đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang nói riêng và ngành bán lẻ nói chung. Dưới đây là những ưu tiên cụ thể của nhóm khách hàng này trong năm 2023 mà các doanh nghiệp cần lưu tâm:
●      Ưu tiên 1: thời trang bền vững
●      Ưu tiên 2: sản phẩm điện tử và công nghệ
●      Ưu tiên 3: sản phẩm giáo dục
●      Ưu tiên 4: mua sắm kết hợp giải trí
Nguồn: https://vneconomy.vn/gen-z-va-nhung-uu-tien-mua-sam-khac-biet-trong-nam-2023.htm
3. Các nhà bán lẻ tăng tốc sử dụng robot để chống lạm phát
Ngành bán lẻ áp dụng tự động hóa chậm hơn so với các lĩnh vực khác như ô tô và điện tử nhưng đang tăng tốc cho các nỗ lực này, từ việc triển khai các máy cho phép khách tự thanh toán ở các cửa hàng cho đến việc sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong chuỗi cung ứng. Ngành bán lẻ đang đẩy mạnh tự động hóa trong bối cảnh thị trường lao động đang thắt chặt, lương lao động tăng và áp lực lạm phát siết chặt chi tiêu của người tiêu dùng.
Theo Liên đoàn robot học quốc tế (IFR), hoạt động lắp đặt robot công nghiệp trên toàn cầu trong năm nay tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, doanh số bán robot cho ngành dịch vụ tăng 37%. Lĩnh vực bán lẻ là động lực tăng trưởng quan trọng cho cả hai phân khúc robot này.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-nha-ban-le-tang-toc-su-dung-robot-de-chong-lam-phat/
4. Công thức thành công phía sau App mua sắm Trung Quốc hút hàng triệu lượt tải tại Mĩ
Kể từ khi ra mắt vào hồi tháng 9, trang web mua sắm trực tuyến có nguồn gốc từ Trung Quốc – Temu đã nhanh chóng trở nên phổ biến và phát triển nhanh chóng. Theo công ty phân tích Sensor Tower, trong vòng chỉ chưa đầy 4 tháng, Temu đã đạt được 10,8 triệu lượt cài đặt ở Mỹ, một thị trường vốn nổi tiếng khó tính. Nó cũng trở thành ứng dụng di động được tải xuống nhiều nhất kể từ ngày 1/11 đến ngày 14/12.
Mặc dù công ty vẫn còn ở mức quy mô nhỏ nhưng sự trỗi dậy nhanh chóng của Temu khiến người ta gợi nhớ đến Shein, một nhà bán lẻ khác của Trung Quốc đã nhanh chóng nổi lên trở thành một gã khổng lồ. Để thu hút được lượng lớn người dùng, những công ty này đều đặt giá cả lên hàng đầu khi mang đến những mặt hàng với giá cực rẻ. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Temu trái ngược với triển vọng mờ mịt mà các nhà bán lẻ khác phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Nó đang cạnh tranh không chỉ với Shein, mà cả những gã khổng lồ lớn của Mỹ như Amazon. Sự phổ biến ngày càng lớn của Temu đang cho thấy mô hình kinh doanh các sản phẩm giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc đang ngày càng có tiềm năng đối với người tiêu dùng Mỹ.
Nguồn: https://markettimes.vn/app-mua-sam-trung-quoc-hut-hang-trieu-luot-tai-chi-trong-mot-not-nhac-nguoi-dung-chot-don-moi-tay-va-cong-thuc-thanh-cong-phia-sau-12429.html
5. Co.op Food đạt 555 cửa hàng trên cả nước
Sáng 23-12, cửa hàng Co.op Food thứ 25 tại tỉnh Bình Dương đã chính thức “khởi động”, bắt đầu chặng đường cung cấp thực phẩm tươi sống và an toàn, tiện lợi cho người dân tại khu vực phường Bình Chuẩn, TP Thuận An. Đây là cửa hàng thứ 555 của chuỗi Co.op Food trên cả nước. Trong năm 2022, hệ thống cửa hàng Co.op Food đã mở mới thêm gần 100 cửa hàng, trung bình mỗi ngày đón gần 150.000 lượt khách hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng các cửa hàng nhỏ và vừa đang chiếm tỉ trọng lớn trong thương mại hiện đại tại TP HCM và các thành phố lớn trên cả nước. Sau đại dịch, nhu cầu và các đặc điểm về hành vi tiêu dùng thay đổi, hướng đến sự tiện dụng của các dịch vụ cung cấp. Các mô hình nhỏ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn sắp tới nên đang được nhiều nhà bán lẻ quan tâm đầu tư gia tăng độ phủ.
Nguồn: https://thitruong.nld.com.vn//thi-truong/coop-food-dat-555-cua-hang-tren-ca-nuoc-20221224145832386.htm
6. Đưa hơn 1.000 sản phẩm đặc sản đến tay người tiêu dùng TP.HCM
Sáng nay (27/12), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng một số đơn vị khai mạc Lễ hội ‘Tết Xanh quà Việt – Xuân Quý Mão 2023’ tại Tòa nhà 81 tầng- LandMark 81, TP.HCM. Lễ hội diễn ra đến hết ngày 1/1/2023. Lễ hội có hơn 100 gian hàng của các DN, làng nghề, HTX nông nghiệp từ các tỉnh thành trong nước tham gia. Tại đây, các DN trưng bày và bán hơn 1.000 sản phẩm là nông đặc sản, sản phẩm OCOP từ 3 – 5 sao, sản phẩm VietGap, hữu cơ, chỉ dẫn địa lý và các sản phẩm đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Lễ hội “Tết Xanh quà Việt- Xuân Quý Mão 2023” là nơi người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm, mua sắm những sản phẩm mới lạ, chất lượng để dùng hoặc làm quà Tết, như các loại nấm, mứt, hải sản chế biến, trái cây, gạo… Trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều hoạt động thiết thực như trải nghiệm ẩm thực ngày tết do các đầu bếp nổi tiếng thực hiện, học cách chưng mâm ngũ quả, làm tinh dầu bằng các loại thảo dược thiên nhiên, làm tranh gạo, trò chơi dân gian…
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/dua-hon-1000-san-pham-dac-san-den-tay-nguoi-tieu-dung-tphcm-post993008.vov

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Công nghệ và robot sẽ làm thay đổi ngành thời trang
Ở lĩnh vực thời trang, công nghệ trở thành đối tác trong thiết kế đã là xu hướng từ lâu. AI có tiềm năng hỗ trợ các thương hiệu cũng như các nhà bán lẻ trong việc dự đoán xu hướng hay dự báo bán hàng. Nhiều nhà thiết kế thời trang cũng như các nhà bán lẻ đang sử dụng AI để nhận biết những gì đang “hot” và hợp thời trang. Từ thiết kế trang phục, bắt kịp xu hướng hay bảo mật bản quyền, và AI đang sẵn sàng để lập trình lại ngành công nghiệp thời trang.
Không chỉ AI đang thay đổi cách và tốc độ sản xuất thời trang, in 3D cũng vậy. Trong lĩnh vực giày dép thời trang, in 3D đã giúp các doanh nghiệp thay đổi về cơ bản cách sản xuất giày, trong đó có việc loại bỏ hoàn toàn khuôn, thứ mà từ trước tới nay, nó là một phần không thể thiếu trong ngành này. In 3D cũng có khả năng tùy chỉnh giày phù hợp với từng cá nhân, tăng nhanh tốc độ sản xuất và bổ sung các đặc tính chuyên biệt.
Ngoài AI, robot cũng giúp cho việc sản xuất thời trang nhanh và nhiều hơn nhiều so với con người, thậm chí còn giảm sâu chi phí sản xuất của các hãng thời trang mới. Những robot đời mới có cơ tổng hợp mô phỏng chuyển động giống như cơ bắp con người. Các robot may vá của công ty Sewbot sử dụng máy ảnh chuyên dụng và phần mềm thị giác máy tính để theo dõi các sợi riêng lẻ với tốc độ 1.000 khung hình/giây. Kết quả là công ty này đã giảm chi phí sản xuất áo phông của một nhà cung cấp xuống chỉ còn 0,33 USD/chiếc.
Nguồn: https://vneconomy.vn/cong-nghe-va-robot-se-lam-thay-doi-nganh-thoi-trang.htm
2. Adidas đang khủng hoảng
Thương hiệu sản xuất đồ thể thao đến từ Đức đang rơi vào khủng hoảng khi giá trị cổ phiếu và doanh thu suy giảm từ đầu năm đến nay. Theo Financial Times, cổ phiếu của Adidas đang giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn khó khăn trong đại dịch.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào thương hiệu Yeezy của rapper Kanye West đã ra một giai đoạn hỗn loạn cho Adidas, sau khi ngừng hợp tác với Kanye West kể từ tháng 10 năm nay sau làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn cầu về những phát ngôn bài trừ người Do Thái của nam rapper. Đồng thời, việc rời bỏ thị trường Nga, cũng như việc đánh mất vị thế tại thị trường trung Quốc, đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về doanh thu của công ty.
Vấn đề nhân lực cũng đang là một cuộc khủng hoảng tại Adidas. Kể từ năm 2019, ít nhất 10 trong số 20 nhóm lãnh đạo chủ chốt của công ty đã rời đi, chính phương pháp “quản lý bằng sự sợ hãi” của giám đốc Kasper Rorsted đã khiến nhiều nhân viên bị tổn thương và dẫn đến sự ra đi của nhiều nhân tài.
Nguồn: https://zingnews.vn/adidas-dang-khung-hoang-post1388494.html
3. Bangladesh làm không đủ bán, vì sao dệt may Việt Nam than thở thiếu đơn hàng?
Thị trường dệt may thế giới đã có sự “đảo chiều” khó lường trong hai tháng cuối năm 2022 khi rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng, có nơi lên tới 70 – 80% và ghi nhận mức tăng trưởng âm vào những tháng cuối năm, ngược với quy luật thường kỳ mọi năm. Trong bối cảnh đó, một trong những đối thủ của dệt may Việt Nam là Bangladesh vẫn “ung dung” khi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Ngay khi Bangladesh kiểm soát được dịch bệnh, nước này quay trở lại tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm mạnh.
Qua theo dõi thì có thể nhận định Bangladesh đã nhanh chân trong thực hiện chiến lược “xanh hóa” dệt may. Họ thay đổi bộ mặt cho ngành dệt may rất nhanh, các nhà máy trước đây điều kiện tồi tàn, thậm chí là có tai nạn lao động, nhưng đến nay nhiều nhà máy của họ đáp ứng được tiêu chuẩn xanh. Bằng chứng là 9/10 nhà máy “xanh” của ngành dệt may lớn nhất thế giới nằm ở Bangladesh. Đây có thể là nguyên nhân giúp cho ngành dệt may nước này tận dụng hiệu quả để khai thác cơ hội thị trường ngay khi nhu cầu tiêu dùng chung sụt giảm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bangladesh-lam-khong-du-ban-vi-sao-det-may-viet-nam-than-tho-thieu-don-hang-20221227081841288.htm
4. May Việt Tiến tiếp tục mở rộng năng lực, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước
Với chủ trương mở rộng năng lực phục vụ thị trường trong nước, ngày 19/12/2022 vừa qua Tổng công ty CP May Việt Tiến (May Việt Tiến) đã chính thức khai trương Trung tâm Viettien Mall tại 206 Quốc lộ 22, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP. HCM. Với Viettien Mall, đến nay May Việt Tiến có trên 1000 cửa hàng và đại lý trên cả nước.
Tại Viettien Mall, khách hàng có thể trải nghiệm, lựa chọn nhiều loại sản phẩm như áo sơ mi, quần tây, quần áo jean, quần shorts, hàng dệt kim, giày dép, từ quần áo công sở lịch lãm đến đồ mặc đi dạo phố thoải mái, trẻ trung, quần áo thể thao, hoạt động dã ngoại, đồ mặc trong nhà thuận tiện…Đây là các sản phẩm với thương hiệu thời trang đã nổi tiếng của Việt Tiến cũng như các công ty trong hệ thống của May Việt Tiến như Tiền Tiến, Tây Đô, Việt Hưng, Đồng Tiến… Ngoài ra có nhiều sản phẩm với thương hiệu quốc tế như Skechers, Nike, Converse, Puma cũng được giới thiệu và bày bán.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/may-viet-tien-tiep-tuc-mo-rong-nang-luc-day-manh-phat-trien-thi-truong-trong-nuoc-101657.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Bỉ sản xuất nấm ‘tái chế’ từ chất thải bia và bánh mỳ
Kể từ năm 2016, doanh nghiệp Eclo của Bỉ đã thử nghiệm trồng nấm ‘tái chế’ với giá thể tổng hợp từ phế thải bia và bánh mỳ ở tầng hầm Brussels. Là đầu tàu của nông nghiệp đô thị, công ty Eclo sản xuất nấm “tái chế” từ bia đã qua sử dụng và ngũ cốc tồn kho. Với 59 tấn nấm sản xuất trong năm 2021, công ty cung cấp cho mạng lưới phân phối hữu cơ và các nhà hàng trong khu vực. Được biết, trang trại thực phẩm của Eclo đã tái chế hơn 18.000 kg bánh mì và 5.000 kg bia đã qua sử dụng trong năm 2021.
Để tiếp tục đáp ứng nhu cầu về giá thể dựa trên dư lượng hữu cơ tái chế, Eclo cần một đơn vị sản xuất mới. Tọa lạc tại Villers-le-Bouillet (thuộc tỉnh Lìege), nhà máy rộng 4.200 m2 mới sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2023 để cung cấp nấm cho thị trường Bỉ, Pháp, Hà Lan, Thụy Sỹ và Đức. Đây là dự án quy mô lớn sẽ sản xuất 7.000 tấn chất nền hàng năm và thuê thêm khoảng 20 nhân viên.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/bi-san-xuat-nam-tai-che-tu-chat-thai-bia-va-banh-my-20221227081916727.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Intel châm ngòi ‘đại chiến’ những gã khổng lồ bán dẫn
Sản xuất chip cho khách hàng bên ngoài, còn gọi là đúc chip hợp đồng, đang là lãnh địa công doanh nghiệp châu Á thống trị thị trường hàng thập kỷ, cũng là một mảng kinh doanh mới đối với Intel, tập đoàn nổi tiếng với việc tự thiết kế và sản xuất vi xử lý cho các sản phẩm máy tính cá nhân và máy chủ của riêng mình. Với tham vọng trở thành một nhà sản xuất vi xử lý hợp đồng chi phối thị trường toàn cầu, Intel đã đầu tư 70 tỉ USD 70 tỷ USD cho việc xây dựng và mở rộng các cơ sở đúc chip trên khắp nước Mỹ và khu vực châu Âu.
Tuy nhiên, Intel sẽ buộc phải đối đầu trực tiếp với 2 gã khổng lồ bán dẫn thế giới, đồng thời cũng là các nhà cung ứng lớn của tập đoàn: TSMC và Samsung Electronics. Theo số liệu của công ty nghiên cứu Trendforce, TSMC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới, đang kiểm soát 53% thị phần toàn cầu trong nửa đầu năm nay. Xếp thứ 2 là Samsung với 16,5% thị phần.
Nguồn: https://ictnews.vietnamnet.vn/intel-cham-ngoi-dai-chien-nhung-ga-khong-lo-ban-dan-5011191.html
2. Apple chiếm gần 50% doanh thu smartphone toàn cầu
Theo dữ liệu mới nhất từ Counterpoint Research, doanh thu từ smartphone toàn cầu đã giảm 3% so với năm ngoái. Mức sụt giảm về doanh số lên đến 12% nhưng giá bán trung bình (ASP) của các dòng smartphone đã tăng khoảng 10%, cứu cho thị trường smartphone toàn cầu khỏi những thống kê quá ảm đạm.
Xét về doanh thu, Apple giữ vững ngôi vị số một thị trường trong quý III/2022 với khoảng 42% tổng doanh thu, con số này tiếp tục tăng so với mức thị phần 37,1% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Samsung chiếm khoảng 18.3% doanh thu smartphone toàn cầu, giảm nhẹ so với mức 18,5% của năm 2021. Xiaomi đứng vị trí thứ 3 với 8,3% thị phần doanh thu, tăng so với 7,8% cùng kỳ năm trước.
Nguồn: https://markettimes.vn/goc-iphone-vo-doi-apple-chiem-gan-50-doanh-thu-smartphone-toan-cau-191-nha-san-xuat-con-lai-ngam-ngui-chia-nhau-mot-nua-thi-phan-con-lai-12407.html
3. Thêm một nhà cung cấp Apple muốn xây nhà máy ở miền Bắc Việt Nam để sản xuất MacBook
Quanta Computer, công ty gia công lắp ráp lớn thứ ba thế giới, được cho là đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy ở miền bắc Việt Nam, nơi nhà sản xuất này sẽ chủ yếu thực hiện các đơn đặt hàng cho Apple MacBook, các nguồn tin trong ngành nói với Digitimes.
Quanta Computer Inc. được thành lập năm 1988 tại Đài Loan (Trung Quốc). Với doanh số trên 10 tỷ USD mỗi năm, Quanta là một trong những nhà sản xuất máy tính bảng lớn nhất thế giới; hãng cũng sản xuất điện thoại di động… Quanta Computer hiện đang là công ty tích cực mở rộng việc sản xuất bên ngoài Trung Quốc đại lục, với hơn 60% lô hàng bo mạch chủ máy chủ ước tính được cung cấp bởi các dây chuyền sản xuất có trụ sở tại Đài Loan. Công ty cũng đang đẩy mạnh sản xuất tại Thái Lan để đáp ứng các khách hàng dịch vụ đám mây của mình ở Bắc Mỹ, nghiên cứu của Digitimes cho thấy.
Nguồn: https://markettimes.vn/sau-foxconn-them-mot-nha-cung-cap-apple-muon-xay-nha-may-o-mien-bac-viet-nam-de-san-xuat-macbook-12623.html
4. Xiaomi đổi chủ tịch
Theo nguồn tin từ Bloomberg, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh sẽ đổi chủ tịch mới trước năm 2023. Đây là lần thay đổi lãnh đạo mới nhất của ông lớn công nghệ Trung Quốc. Wang Xiang sẽ từ chức Chủ tịch tại Xiaomi vào ngày 30/12. Người kế nhiệm Wang Xiang là Lu Weibing. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch Xiaomi kiêm Tổng Giám đốc Redmi, thương hiệu con của tập đoàn. Trong những năm qua, Lu Weibing đã gây dựng quyền lực, sức ảnh hưởng của mình tại Xiaomi, trở thành Chủ tịch khu vực Trung Quốc và Giám đốc mảng hợp tác quốc tế. Hai đồng sáng lập khác, ông Hong Feng và Wang Chuan cũng sẽ không còn quản lý hoạt động của tập đoàn.
Theo Bloomberg, thông báo đổi chủ tịch là diễn biến mới nhất trong cuộc cải tổ nhân sự tại công ty có trụ sở ở Bắc Kinh. Ngoài ra, theo báo cáo của hãng thông tấn Jiemian, Xiaomi sẽ cắt giảm việc làm trong nhiều bộ phận, bao gồm cả mảng điện thoại thông minh và dịch vụ Internet. Báo cáo cho biết thêm những người lao động bị sa thải đã được cung cấp các gói hỗ trợ và Xiaomi có thể cắt giảm tới 15% số lượng nhân sự trong công ty.
Nguồn: https://zingnews.vn/xiaomi-co-chu-tich-moi-post1387576.html
5. Vingroup ra mắt Vinbase, thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt bằng AI, Big Data
Ra đời nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt ứng dụng các giải pháp AI và Big Data vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nền tảng Trí tuệ nhân tạo đa nhận thức toàn diện VinBase – một sản phẩm của VinBigdata, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều thay đổi đột phá cho hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống.
Theo nhà phát triển, với ứng dụng VinBase, doanh nghiệp có thể dễ dàng tạo lập và quản lý các Trợ lý ảo trên nhiều kênh giao tiếp như: Trợ lý ảo kênh văn bản (VinBase Chatbot), Trợ lý ảo kênh tổng đài (VinBase Callbot), Trợ lý ảo toàn diện cho doanh nghiệp (VinBase Virtual Assistant – Trợ lý ảo ViVi) hay các APIs tùy chỉnh (VinBase APIs) bao gồm: Nhận dạng tiếng nói tự động (ASR), Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), Tổng hợp giọng nói (TTS), Sinh trắc học giọng nói (Voice Biometrics) và Phân tích quan điểm (Sentiment Analysis)…
Nguồn: https://markettimes.vn/vingroup-ra-mat-vinbase-thuc-day-chuyen-doi-so-cua-doanh-nghiep-viet-bang-ai-big-data-12399.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Nga tuyên bố sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu
Ngày 26/12, hãng tin TASS của Nga dẫn phát biểu mới đây của Phó Thủ tướng Alexander Novak cho hay thị trường Liên minh châu Âu (EU) vẫn mở cửa cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, đồng thời cho biết thêm rằng trong 11 tháng của năm 2022 nguồn cung LNG đã tăng lên mức 19,4 tỷ m3.
Phó Thủ tướng Nga cũng lưu ý rằng vẫn còn tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu, vì vậy Nga sẵn sàng nối lại nguồn cung cấp qua đường ống Yamal – châu Âu. Nga cũng tiến hành các cuộc đàm phán về việc tăng nguồn cung qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một trung tâm khí đốt được thành lập ở nước này. Theo ông Novak, Moskva tiếp tục coi châu Âu là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm khí đốt của Nga.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-tuyen-bo-san-sang-noi-lai-viec-cung-cap-khi-dot-cho-chau-au-20221226061752546.htm
2. Tổng thống Putin ký sắc lệnh cấm bán dầu cho những nước áp giá trần
Hôm 27-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm bán dầu và các chế phẩm dầu mỏ cho những nước áp giá trần đối với dầu của Nga. Sắc lệnh cho biết Nga sẽ cấm xuất khẩu dầu dựa vào các hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng cơ chế áp trần giá trong khoảng thời gian từ ngày 1-2 đến ngày 1-7-2023. Riêng thời điểm cấm bán chế phẩm dầu mỏ đối với các nước áp giá trần sẽ được chính phủ Nga quyết định sau ngày 1-2. Sắc lệnh nói rằng Tổng thống Putin vẫn có quyền miễn trừ lệnh cấm này cho các nước áp giá trần trong những trường hợp đặc biệt.
Sắc lệnh, được công bố trên cổng thông tin chính phủ Nga và trang web của Điện Kremlin, được coi là sự đáp trả trực tiếp đối với “các hành động không thân thiện và trái với luật pháp quốc tế của Mỹ và các quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế” liên quan đến việc áp giá trần đối với dầu của Nga. Dù sắc lệnh của ông Putin có nguy cơ làm gián đoạn thị trường dầu, giới đầu tư cho đến nay dường như vẫn đánh giá thấp điều đó. Giá dầu trên thị trường không biến động nhiều vì vẫn chưa rõ sắc lệnh này tác động đến nguồn cung dầu ở mức độ nào.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/tong-thong-putin-ky-sac-lenh-cam-ban-dau-cho-nhung-nuoc-ap-gia-tran/

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Startup Việt tham vọng trở thành nền tảng cho thuê kho bãi hàng đầu Việt Nam
Wareflex đã kết thúc vòng gọi vốn hạt giống 785.000 USD từ VC Genesia Ventures với tư cách là nhà đầu tư dẫn dắt và VC Antler. Đây là nền tảng kho bãi theo yêu cầu đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động trên cơ sở chỉ trả tiền cho mỗi lần sử dụng khi cần thiết thay vì ký hợp đồng cho thuê dài hạn hoặc sở hữu một nhà kho. Wareflex kết nối doanh nghiệp cần dịch vụ kho bãi với nhà cung cấp kho hàng đủ tiêu chuẩn cho các nhu cầu ngắn hạn. Wareflex còn hỗ trợ khách hàng một giải pháp được thiết kế riêng phù hợp cho từng mục tiêu hậu cần chiến lược của khách hàng.
Wareflex hiện đã có một mạng lưới hơn 100 nhà kho và đang phát triển nhanh chóng trên khắp Việt Nam. Các loại kho từ kho thường, kho lạnh, kho ngoài trời cho đến kho dịch vụ thương mại điện tử. Công ty đang mở rộng hợp tác với nhiều nhà kho, đơn vị dịch vụ hậu cần (3PL) và khu công nghiệp để niêm yết các kho bãi này trên nền tảng và mở rộng phạm vi tiếp cận của doanh nghiệp trên khắp Việt Nam.
Nguồn: https://baodautu.vn/startup-do-vc-antler-uom-tao-tham-vong-thanh-nen-tang-cho-thue-kho-bai-hang-dau-viet-nam-d181120.html
2. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn nửa tỉ đô la
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 534 triệu đô la. Đến nay, có 109 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt gần 426,6 triệu đô la, tăng 78,7% số dự án và tăng 4,3% số vốn so với cùng kỳ; Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 15 dự án đầu tư mới và 4 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký gần 251,9 triệu đô la, chiếm 47,2% tổng vốn đăng ký đầu tư. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 2 dự án mới và 3 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư hơn 76,8 triệu đô la, chiếm 14,4%; tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; khai khoáng,…
Có 29 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong năm 2022. Dẫn đầu là Singapore với 21 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 79,5 triệu đô la, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Lào với tổng vốn đầu tư hơn 70,5 triệu đô la, chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Úc, Mỹ, Đức,…
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-viet-nam-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-hon-nua-ti-do-la/

Nhóm tin về tài chính, chứng khoán

1. Tiếp tục chương trình cho vay ưu đãi với 5 nhóm doanh nghiệp tại TPHCM
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực được ưu tiên, gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mức lãi suất tối đa khi vay theo chương trình này là 5,5%/năm.
Theo TTXVN, chương trình vay ưu đãi vừa kể trên là chương trình cho vay ngắn hạn, với kỳ hạn 3-6 tháng. Doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chí như minh bạch về sổ sách, các số liệu tài chính được kiểm toán, kinh doanh có hiệu quả và có lợi nhuận trong 3 năm liền kề trước thời điểm vay vốn mới được vay vốn. Vì vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận mức lãi suất ưu đãi 5,5%/năm.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/tiep-tuc-chuong-trinh-cho-vay-uu-dai-voi-5-nhom-doanh-nghiep-tai-tphcm/

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Người trồng hoa Tết ở TP.HCM lao đao vì mưa nắng thất thường
Thời điểm này, các nhà vườn trồng hoa Tết ở TP.HCM không khỏi lo lắng khi gần đây có nhiều cơn mưa trái mùa, nhiều loại hoa có thể không trổ kịp. Thêm vào đó, chi phí đầu vào vụ hoa Tết năm nay tăng cao khiến nhà vườn phải thật nỗ lực mới có thể không tăng giá bán.
Các loại hoa ngắn ngày, trồng tại TP.HCM được các nhà vườn chào bán từ 30.000 đồng – 90.000 đồng/chậu tùy từng loại. Ví dụ, hoa mào gà khoảng 40.000 đồng/chậu, hoa vạn thảo treo 35.000 đồng/chậu, cúc ruby giá 45.000 đồng/chậu… Còn mai vàng thông dụng cũng chỉ ở mức trên dưới 1 triệu đồng/cây.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-trong-hoa-tet-o-tphcm-lao-dao-vi-mua-nang-that-thuong-post992329.vov
2. Hàng trăm nghìn chậu hoa cúc Tết ở Quảng Ngãi chưa nở đã được mua sạch tại vườn
Hàng trăm nghìn chậu hoa cúc Tết ở “thủ phủ” hoa xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đã được mua sạch tại vườn dù còn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán. Làng hoa xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp được xem là “thủ phủ” hoa cúc Tết ở Quảng Ngãi, từ bao đời nay với hàng nghìn hộ gắn bó với nghề trồng hoa. Hằng năm, cung cấp hàng trăm nghìn chậu hoa cho thị trường Tết khắp các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên. Năm nay thời tiết thuận lợi, vườn hoa phát triển tốt, cây cao, thân thẳng và ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, người trồng hoa không còn tâm lý e dè vì dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà vườn đã mạnh dạn tăng sản lượng, có vườn tăng gấp đôi.
 Ngoài trồng hoa cúc, nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Hiệp và Nghĩa Mỹ đã mạnh dạn trồng thêm một số hoa khác như vạn thọ, hồng, mào gà, dạ yến thảo, dâu tây, chuông tình yêu… để kiếm thêm thu nhập. Nghề trồng hoa, đang là nghề mang lại thu nhập ổn định, giúp cải thiện đời sống, phát triển kinh tế cho người dân Nghĩa Hiệp.
Nguồn: https://tienphong.vn/hang-tram-nghin-chau-hoa-cuc-tet-o-quang-ngai-chua-no-da-duoc-mua-sach-tai-vuon-post1497717.tpo
3. Các làng hoa ở miền Tây tăng sản lượng, kỳ vọng bội thu mùa Tết
Sau 2 vụ hoa bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, người trồng hoa ở miền Tây tăng sản lượng và đặt nhiều kỳ vọng vào vụ hoa Tết Quý Mão 2023. Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, năm nay, nông dân làng hoa Sa Đéc xuống giống khoảng 100ha hoa kiểng Tết, tập trung nhiều ở xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây và phường An Hòa, Tân Quy Đông.
So với cùng kỳ năm 2021, số lượng hoa kiểng Tết năm nay tăng khoảng 50%. Các loại hoa chủ yếu vẫn là hoa truyền thống địa phương như cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, vạn thọ ….
Nguồn: https://vtc.vn/cac-lang-hoa-o-mien-tay-tang-san-luong-ky-vong-boi-thu-mua-tet-ar723183.html
4. Khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không chạy theo ‘cơn sốt’ sầu riêng
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Trung Quốc vừa chấp thuận thêm 32 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang nước này. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp cần tỉnh táo khi xây lộ trình xuất khẩu, tránh chạy theo “cơn sốt” sầu riêng khi Thái Lan và Malaysia đang vào vụ thu hoạch.
Nguồn: https://tienphong.vn/khuyen-cao-nguoi-dan-doanh-nghiep-khong-chay-theo-con-sot-sau-rieng-post1497636.tpo
5. Thanh long trái vụ có giá cao gấp 3 lần
Giá thanh long Tiền Giang hiện được thương lái mua ở mức cao gấp 3 lần so với thời điểm cách đây một tháng, giúp người trồng phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao. Các vựa thanh long ở các huyện Chợ Gạo, đang thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 với giá 28.000 – 30.000 đồng/kg và loại 3 là từ 23.000 – 25.000 đồng. Với giá mua như trên, nhà vườn trồng thanh long phấn khởi, yên tâm đầu tư vào cây thanh long sau thời gian giảm giá mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng thanh long và giúp cây trồng này phát triển bền vững, giải pháp hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Song song đó là chuyển giao các giải pháp kỹ thuật để giảm giá thành trong thời điểm giá vật tư tăng cao. Đồng thời, xử lý trái vụ và vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã để thực hiện tốt liên kết tiêu thụ.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/thanh-long-trai-vu-co-gia-cao-gap-3-lan-20221226113643453.htm
6. Bưởi Tết nhiều khả năng có bất ngờ về giá
Theo các nhà vườn khu vực phía Nam, năm nay lượng bưởi Tết không nhiều do đã qua một đợt chín rộ từ 2 tháng trước. Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX bưởi da xanh Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre), cho biết thị trường bưởi năm nay bấp bênh nên tâm lý của đa số nhà vườn là trái chín đến đâu thì bán đến đó. Một số nhà vườn neo trái chín chờ Tết nhưng bưởi quá lứa bị rụng lá, vỏ ngả vàng không đẹp.
Gần 3 tuần trước Tết Nguyên đán 2023, giá bán bưởi tại nhà vườn ở các tỉnh phía Nam đang đà tăng dù lượng tiêu thụ chưa đáng kể. Nhiều nhà vườn cho biết phải đến sau ngày 20 tháng Chạp âm lịch, sức mua bưởi Tết mới bắt đầu vào cao điểm và kéo dài đến 25, 26 tháng Chạp. “Do dự đoán khả năng đứt hàng bưởi Tết nên siêu thị đặt hàng tăng khoảng 25% so với Tết 2022. Hy vọng đến cao điểm, giá tại vườn đạt tầm 40.000 – 45.000 đồng/kg bưởi da xanh, 30.000 đồng/kg bưởi đường lá cam. Giá bán đến tay người tiêu dùng thì tùy mẫu mã, phân khúc khách hàng sẽ có giá khác nhau nhưng hàng “đẹp” không dưới 50.000 đồng/kg” – ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ, tỉnh Bình Dương, cho hay.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/buoi-tet-nhieu-kha-nang-co-bat-ngo-ve-gia-20221227081601009.htm
7. Thị trường nông sản biến động mạnh mẽ giai đoạn cuối năm
Thị trường nông sản đang biến động mạnh mẽ hơn trong những phiên giao dịch cuối năm, dấu hiệu dự báo cho một năm khó khăn không kém sắp tới đối với ngành chăn nuôi nước ta. Giá nông sản thế giới hiện vẫn đang ổn định sau giai đoạn giằng co vài tuần qua, nhưng xét về triển vọng mùa vụ đang được gieo trồng ở Nam Mỹ hay kỳ vọng về nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc khi kinh tế hồi phục, thì những đợt tăng giá mạnh mẽ của các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong vài tháng tới là điều không thể tránh khỏi.
Ông Phạm Thanh Dương, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết: Giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều đang có dấu hiệu bước vào một xu hướng tăng mới. Giai đoạn quý I hàng năm thường là thời điểm giá nông sản thế giới được hỗ trợ mạnh do lo ngại về yếu tố thời tiết ảnh hưởng tới nguồn cung. Các doanh nghiệp chăn nuôi nên chuẩn bị kế hoạch mua hàng để đảm bảo nguồn nguyên liệu nhập khẩu và phòng ngừa rủi ro tăng giá trước khi bước vào năm 2023.
Nguồn: https://nhandan.vn/thi-truong-nong-san-bien-dong-manh-me-giai-doan-cuoi-nam-post732110.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022, đạt 1,7 nghìn tấn, trị giá 7,4 triệu USD. Theo đó, tăng 19,1% về lượng và tăng 24,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xoài nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 4.232,3 USD/tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan và Peru là 2 thị trường cung cấp quả xoài lớn nhất cho Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 81,2% tổng lượng xoài nhập khẩu. Tuy nhiên, Hàn Quốc giảm nhập khẩu xoài từ thị trường Thái Lan và tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Peru.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-la-thi-truong-cung-cap-xoai-lon-thu-3-cho-han-quoc-20221224161038034.htm
2. Giá gạo Việt tăng mạnh, dự báo lập kỷ lục 4 tỷ USD
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong những ngày gần đây. Đặc biệt, trước nhu cầu lớn từ các thị trường vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp Việt đang đầy ắp đơn hàng, dự báo xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt hơn 7 triệu tấn với trị giá kỷ lục gần 4 tỷ USD. Hiệp hội lương thực Việt Nam đánh giá, do thị trường thế giới biến động, ảnh hưởng của chính trị, kéo theo nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, gạo Việt xuất đi các nước sẽ neo ở mức cao, thậm chí còn cao hơn các năm. Điều này cũng cho thấy, gạo Việt Nam đã xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường gạo quốc tế.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-gao-viet-tang-manh-du-bao-lap-ky-luc-4-ty-usd-post1497937.tpo
3. Gạo thơm vượt 1.000 USD/tấn, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục 7 triệu tấn
Dù thị trường thế giới có nhiều biến động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến năm 2022, gạo Việt Nam xuất khẩu đạt 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỉ USD. Đây là kim ngạch cao nhất sau 15 năm, tiếp tục là hàng nông sản xuất khẩu tỉ đô.  Ông Phạm Thái Bình – tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An – cho biết: “Trong rất nhiều năm qua, chưa năm nào giá gạo thơm ST24, ST25 của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu có giá trên 1.000 USD/tấn. Tôi đánh giá đây là năm thành công của doanh nghiệp và cả ngành gạo Việt xuất khẩu”. Trước những khó khăn như thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á; biến đổi khí hậu ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc khiến nguồn cung gạo thiếu hụt; hay Ấn Độ kiểm soát xuất khẩu gạo cùng tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới… ông Bình nhìn nhận xuất khẩu gạo năm 2023 có thể tăng trưởng cao hơn năm 2022.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gao-thom-vuot-1-000-usd-tan-xuat-khau-gao-viet-nam-dat-ky-luc-7-trieu-tan-20221223141601429.htm
4. Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu
Tuy sản lượng xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường quan trọng đều sụt giảm trong năm 2022, nhưng Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu. Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại, đạt giá trị xuất khẩu 911,1 triệu USD. Ước tính cả năm, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sẽ đạt khoảng gần 230.000 tấn, giảm 13 % về sản lượng, đạt giá trị 970 triệu USD, tăng hơn 2% so với năm 2021. Nếu tính chung tất cả các loại gia vị, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1,5 tỷ USD.
Ngoài xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam còn nhập khẩu hồ tiêu từ các quốc gia khác như Brazil, Indonesia… về gia công, chế biến và xuất khẩu với giá trị cao hơn. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 34.273 tấn, tăng 48,9% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh khó khăn chung, những kết quả đạt được là thành công rất đáng ghi nhận của ngành hồ tiêu, cho thấy ngành gia vị Việt Nam đang dần tạo được chỗ đứng trong chuỗi giá trị thế giới, nhất là vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/viet-nam-dung-dau-the-gioi-ve-xuat-khau-ho-tieu-20221222085230443.htm
5. Hàng Việt đối diện nhiều thách thức từ thị trường EU
Châu Âu vốn là thị trường khó tính, tiêu chuẩn hàng hóa vào đây rất khắt khe, từ quy định về kiểm dịch, thú y, tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên sản phẩm. Các mặt hàng nông sản muốn đạt tiêu chuẩn vào thị trường EU thì doanh nghiệp cần có chuỗi sản xuất bền vững, từ giống, phân bón, thuốc, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Không riêng nông sản, thực phẩm tươi sống, đông lạnh xuất vào EU cũng chịu kiểm duyệt khắt khe của các cơ quan quản lý nước sở tại.
Những rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật là thách thức chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng sang EU. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận xét, dư địa và cơ hội từ thị trường EU rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận, cả do chủ quan và khách quan.Hiện, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao nhưng mới chỉ chiếm 2% thị phần kim ngạch nhập khẩu của thị trường EU lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.
Nguồn: https://congthuong.vn/hang-viet-doi-dien-nhieu-thach-thuc-tu-thi-truong-eu-232715.html
BSAi