Tiêu điểm: Nhiều thương hiệu thời trang Việt âm thầm biến mất

Nhìn lại lịch sử, năm 2010 là mốc đánh dấu thời trang nội địa lên ngôi với loạt thương hiệu ra đời có độ phủ sóng nhanh, cửa hàng đều đặt tại các tuyến đường sầm uất nhất. Trong đó, có thể kể đến Ninomaxx, Foci, The Blues (Blue Exchange), Canifa, Việt Thy, Ha Gattini, PT2000, N&M, Nem, Elise, Ivy Moda, Maxx Style… Đến nay, sau hơn 1 thập niên, đa số đã âm thầm biến mất hoặc thu hẹp; chỉ còn một số thương hiệu trụ vững, phát triển quy mô khá tốt như Canifa, Gumac, Yody…
Cạnh tranh không nổi với hàng Trung Quốc giá rẻ
Ngày 30.11 tới đây, thời trang Lep’, thương hiệu “made in Vietnam”, sẽ chính thức đóng cửa sau hành trình 8 năm phát triển với 17 chi nhánh trên cả nước. Từng có lượng khách hàng khá lớn khi trang Facebook của nhãn hàng này có 1 triệu người theo dõi và 866.000 lượt thích. Trong hai ngày 21 và 22.11, chi nhánh trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) và Cách Mạng Tháng 8 (TP.HCM) đã chính thức ngừng hoạt động.
Trước đó, cuối tháng 7, chuỗi 22 cửa hàng thời trang nam Catsa với lịch sử hơn 13 năm cũng bất ngờ tuyên bố đóng cửa từ ngày 25.8. Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thùy Linh Cát, chủ thương hiệu Catsa, cho biết suốt 13 năm hoạt động, chưa có năm nào công ty bị lỗ. Thậm chí có thời gian, doanh thu của Catsa lên đến cả trăm tỉ đồng một năm, lãi ròng chiếm đến gần 20%. Doanh thu gần nhất của Catsa vào năm 2023 là gần 50 tỉ đồng.
Theo bà Cát, để tồn tại, nhiều nhãn hàng thời trang Việt phải ra sức cắt giảm các chi phí, làm sao để có sản phẩm giá rẻ, cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Tương tự Catsa, 9 cửa hàng thời trang Giian cũng vừa đóng cửa trong năm nay. Chủ thương hiệu nói chính nền tảng thương mại điện tử phát triển nhanh, hành vi tiêu dùng của khách thay đổi liên tục, khiến nhiều chủ doanh nghiệp (DN) thời trang “hụt hơi”.
Lý giải vì sao đang ăn nên làm ra lại đột ngột đóng cửa, chủ thương hiệu thời trang Catsa Nguyễn Thùy Linh Cát cho hay: “Tôi không muốn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Để cạnh tranh phải làm hàng theo xu hướng thời trang nhanh thì tác động tiêu cực đến môi trường, xả rác thải thời trang nhanh ra môi trường… Đó là điều tôi không muốn”.
Một thương hiệu thời trang giới trẻ khác là Miêu có tuổi đời 13 năm tại TP.HCM cũng đóng cửa trong năm nay. Thương hiệu Ivy Moda chuyên thời trang nam và nữ, vừa qua cũng ngừng kinh doanh mảng thời trang nam sau 5 năm hoạt động.
Hàng thời trang giá rẻ từ Trung Quốc được bán trên các nền tảng thương mại điện tử, đến thẳng tay người tiêu dùng không phải nộp thuế, thông qua hệ thống logistics rất nhanh và được Chính phủ nước họ trợ lực. Trong khi đó, DN nội phải đối diện với nhiều rào cản. Một mặt phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, phòng cháy chữa cháy, mặt khác phải đóng thuế đầy đủ, nên rất khó để cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc.
Thời trang ngoại liên tục mở rộng
Ngược lại với sự co cụm, rời bỏ cuộc chơi của các thương hiệu thời trang Việt là sự phát triển mạnh của các thương hiệu ngoại. Trong vòng hơn 2 tháng qua, nhãn hàng thời trang Uniqlo (Nhật Bản) đã mở thêm 3 cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại Vincom Plaza Imperia (Hải Phòng), Parc Mall (TP.HCM) và Aeon ở Huế, nâng tổng số cửa hàng bán lẻ tại thị trường VN lên 26 cửa hàng sau gần 5 năm. Tương tự, thương hiệu H&M (Phần Lan) sau khi ra mắt cửa hàng đầu tiên tại VN vào năm 2017, đến nay đã có mặt tại 5 tỉnh, thành phố với 13 cửa hàng. Trước làn sóng mua sắm online phát triển mạnh, H&M cũng kịp ra mắt cửa hàng trực tuyến tại thị trường VN cách đây 1 năm rưỡi.
Cửa hàng Uniqlo trong Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall (TP.HCM), lượng người vào ra mua sắm tấp nập hơn nhiều so với các cửa hàng thời trang Việt bên cạnh. Một số đơn hàng thanh toán trị giá hàng triệu đồng. Vào những ngày cuối tuần, tại các cửa hàng Uniqlo, Zara, Mango, H&M… trên đường Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM) hay trong một số trung tâm thương mại luôn có cảnh khách xếp hàng dài chờ đến lượt thanh toán. Không gian thoáng đãng, hàng hóa phong phú, bắt xu hướng là điểm cộng cho các thương hiệu thời trang ngoại này.
Chị Nguyễn Phương Anh (ngụ Q.10, TP.HCM), đang mua sắm tại cửa hàng Uniqlo trong Vạn Hạnh Mall, cho hay gam màu trầm và kiểu dáng đơn giản của hãng thời trang Nhật Bản khiến chị ưng ngay từ khi họ vào VN. Chị nói: “Thời trang nhanh không còn mới tại thị trường VN, đã từng được dự báo sẽ sớm bị đào thải bởi gây tác hại về môi trường. Thế nhưng, là tín đồ trung thành, tôi thấy thời trang nhanh vẫn đang phát triển rực rỡ, chưa có dấu hiệu thoái trào. Trong khi đó, gu thời trang “ăn chắc mặc bền” trong nước đã không theo kịp, bị đào thải trong cuộc chiến cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại”.
Bà Nguyễn Thị Trang, chủ thương hiệu D&T, phân tích: “Thời trang Việt co cụm và mất dần lợi thế trên sân nhà còn một lý do chủ quan nữa là đuối trong cập nhật, thay đổi thiết kế mẫu mã. Thời trang hạng sang hầu hết là nước ngoài, hạng trung đang rơi vào tay nước ngoài với thời trang nhanh, không cầu kỳ tính bền đẹp, mà là sự mới mẻ của mẫu mã và trải nghiệm tại cửa hàng. Quy mô các cửa hàng thời trang như Uniqlo, H&M, Zara… tại các trung tâm thương mại thường rất lớn. Như đã nói, do có trường vốn tốt, họ thuê cả 2 tầng trong trung tâm thương mại, trưng bày hàng hóa rất thoáng, bắt mắt, thu hút mọi ánh nhìn. Trong khi đó, cửa hàng áo quần Việt nằm bên cạnh rất khiêm tốn, không gian nhỏ, đơn điệu, rất khó thu hút khách. Kết quả là dần dần các nhãn hàng ngoại làm chủ sân chơi thời trang Việt lúc nào không hay”.
Các thương hiệu cao cấp hơn như Nike, CK, Levi’s… cũng không ngừng tăng sự hiện diện với các chương trình khuyến mại, giới thiệu mẫu mới thường xuyên. Đặc biệt, tại phân khúc xa xỉ hơn, các thương hiệu Berluti, Dior, Tiffany & Co., Gucci… đều có cửa hàng tại VN, phục vụ nhu cầu thích hàng hiệu của người tiêu dùng.
Một khảo sát gần đây của Nielsen cho thấy VN đứng thứ 3 thế giới về sở thích dùng hàng hiệu, với gần 60% người dân sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm có thương hiệu. Điều này cho thấy sức hút của thời trang cao cấp và cũng là thách thức lớn cho các thương hiệu nội địa trong nỗ lực duy trì và phát triển thị phần. Nielsen dự báo quy mô thị trường thời trang VN đến năm 2028 có thể đạt 6,5 tỉ USD.
Doanh nghiệp cần thay đổi linh hoạt, nắm bắt nhu cầu khách hàng
Thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ngay trên “sân nhà”, các thương hiệu thời trang xoay xở tìm cách “thoát hiểm”. Gần đây, thời trang Việt có sự linh hoạt hơn trong việc áp dụng mô hình bán hàng thương mại điện tử qua các sàn, website và mạng xã hội như livestream Facebook hay TikTok Shop.
Theo Giám đốc nghiên cứu thị trường, Công ty Macromill Việt Nam Phạm Anh Tuấn, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến những trải nghiệm mua sắm hiện đại với nhiều tiện ích, chi phí hợp lý hơn. Hay có thể nói, người tiêu dùng ngày càng thông minh khi chủ động chọn lọc những sản phẩm để tối đa lợi ích.
Nhận định của ông Tuấn cũng tương đồng với số liệu tại báo cáo thị trường sàn thương mại điện tử của Metric vừa công bố mới đây. Quý III/2024, ngành phụ kiện thời trang ghi nhận mức tăng 50,38%. Cũng theo phân tích của Metric các sản phẩm phân khúc giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường, phân khúc sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng chiếm hơn 1⁄2 doanh số toàn thị trường, tăng 9% so với cùng kỳ 2023. “Điều này cho thấy sức hút lớn của các sản phẩm giá rẻ đối với người tiêu dùng, phản ánh xu hướng tiêu dùng thông minh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động”, báo cáo Metric cho hay.
Sự nhạy cảm về giá được cho là bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến hạn mức chi tiêu bị thu hẹp lại. Do đó, các chuyên gia cho rằng thương hiệu cần đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, flashsale để nhận nhiều ưu đãi.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO Faslink nhận định: “Để thời trang Việt có thể bật lên trước làn sóng đổ bộ ồ ạt của thời trang ngoại, các thương hiệu cần củng cố nội lực gồm các khâu thiết kế, vận hành… vững mạnh và xây dựng được dấu ấn nhận diện riêng”.
Thực tế là bên cạnh nhiều cái tên dần lùi vào dĩ vãng, thời trang Việt vẫn bật lên những thương hiệu trụ vững được như Canifa, Yody Fashion… Vì vậy, các chuyên gia vẫn bày tỏ niềm tin vào cơ hội cho thời trang Việt khi nhìn vào các yếu tố thượng tầng như tăng trưởng GDP, gia tăng tầng lớp trung lưu, cho đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp từ việc thay đổi phương thức bán hàng, bắt kịp xu hướng thời trang và cắt giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm gia tăng sức cạnh tranh.
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM – Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans, thừa nhận thị trường thời trang đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của việc mua sắm và thói quen người tiêu dùng. Các cửa hàng truyền thống đã trở nên ít hiệu quả hơn. Nhiều khách hàng chuyển sang mua online, nên các DN kinh doanh theo mô hình bán hàng trực tiếp nay cũng chuyển sang bán online và livestream nhiều hơn. Chẳng hạn, với Việt Thắng Jeans, công ty liên tục tổ chức bán hàng qua livestream buổi tối, thậm chí giờ khuya từ 0 – 2 giờ sáng hôm sau.
Nghịch lý cường quốc dệt may nhưng thời trang thất thế
Đáng nói, thời trang Việt teo tóp trong khi chúng ta là cường quốc xuất khẩu dệt may trên thế giới. Theo Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), xuất khẩu hàng dệt may năm nay ước thu về 44 tỉ USD, tăng gần 11,3% so năm ngoái. Năm 2025, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47 – 48 tỉ USD.
Năm nay, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cước vận tải biến động mạnh, thương mại toàn cầu phục hồi chậm… nhưng ngành dệt may VN vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Đến nay, VN vẫn duy trì vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và Bangladesh. Thuộc top 3 “người khổng lồ” trong xuất khẩu dệt may, nhưng thời trang nội địa VN bao năm qua lại rơi vào tay các thương hiệu ngoại, từ phân khúc cao đến trung cấp. Phân khúc thấp cấp thì hàng Trung Quốc “tung hoành” qua sàn thương mại điện tử.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ sự buồn rầu khi nói đến tình cảnh “người khổng lồ” dệt may nhưng không có các nhãn hàng thời trang nội địa có giá trị cao. Nguyên nhân, theo ông Phú, là DN chỉ lo làm hàng xuất khẩu, còn thị trường nội địa 100 triệu dân lại bỏ quên trong thời gian quá dài. Trong đại dịch Covid-19, khi thị trường xuất khẩu có thời gian dài gặp khó khăn vì đơn hàng giảm sút, một số DN quyết định quay lại thị trường nội địa. Tuy nhiên, để thành công thì không dễ, bởi chúng ta bỏ quên thị trường lớn này quá lâu. Thứ 2, hàng dệt may VN vẫn còn rất yếu để cạnh tranh với hàng ngoại về giá cả, mẫu mã. Bên cạnh đó, quan hệ giữa sản xuất và bán lẻ rất lỏng lẻo. Nhà sản xuất cũng là nhà bán hàng, không kết nối chặt chẽ và đưa được hàng may mặc vào các hệ thống phân phối lớn, trung tâm thương mại. Thứ 3, chi phí sản xuất cao hơn nhiều quốc gia đang cạnh tranh cùng mặt hàng với chúng ta. Trong đó, hệ thống logistics lạc hậu, hạ tầng phân phối trì trệ, giá cả thiếu minh bạch khiến nhà sản xuất thiệt thòi, người tiêu dùng cũng không hưởng lợi nên khiến hàng “made in Vietnam” vốn khó khăn để gầy dựng, lại càng khó hơn.
“Để có thương hiệu thời trang Việt đúng nghĩa, phải khắc phục những điểm yếu, phải tổ chức được phân phối hàng hóa từ sản xuất thẳng đến tay người tiêu dùng, không để người tiêu dùng chịu quá nhiều chi phí vì logistics yếu kém, vì những tầng nấc trung gian, đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, có chiến lược hỗ trợ xây dựng tập đoàn sản xuất phân phối đủ mạnh làm chủ sân nhà…”, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nói thẳng.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế), chuyên gia kinh tế, cho rằng yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ đã gây thiệt thòi cho ngành thời trang Việt. “Chúng ta chỉ có những thương hiệu thời trang lớn mạnh khi làm chủ được nguyên liệu đầu vào. Hiện việc phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may có thể nói là đang bị “bỏ trống” khi có đến 80% nguyên phụ liệu cho ngành này phải nhập khẩu. Con số hơn 2 tỉ USD mà các DN phải chi mỗi tháng để nhập nguyên liệu như bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày… cho thấy miếng bánh thị trường rất lớn. Chưa kể, chưa tự chủ được phần nguyên phụ liệu đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc gầy dựng thương hiệu nội địa cũng như khai thác hết lợi thế về giá của sản phẩm khi xuất khẩu. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là với chính sách không kêu gọi các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nỗ lực làm chủ nguyên liệu ngành dệt may đối với VN là rất khó”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhieu-thuong-hieu-thoi-trang-viet-am-tham-bien-mat-185241122222918442.htm 
https://vnbusiness.vn/thi-truong/thuong-hieu-thoi-trang-viet-khai-tu-la-liet-het-thoi-hay-het-tien-1103754.html 

Thị trường và bán lẻ

  • Người Việt tăng tiết kiệm
Khảo sát quý III của công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ (NIQ) chỉ ra rằng người tiêu dùng Việt Nam đã lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế và tình hình tài chính cá nhân. Nhưng họ không bung tiền mua sắm mà còn tiết kiệm hơn trước.
Có đến 45% người được hỏi nghĩ kinh tế đất nước không suy thoái, tăng 3 điểm phần trăm so với quý I. Đồng thời, 67% cho biết tình hình tài chính cá nhân tốt hơn, đi lên đều đặn trong 4 quý liên tiếp gần đây.
Dù vậy, người Việt chủ động kiểm soát chi tiêu và ưu tiên tiết kiệm hơn. Có 83% được hỏi nói tiết kiệm là thói quen và 75% nói không bao giờ để hết tiền trong túi. Cùng kỳ quý III/2023, hai thói quen này lần lượt ở mức 77% và 63%. Ngoài ra, 72% muốn tiết kiệm cho dài hạn, tăng 6 điểm phần trăm.
Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-viet-tang-tiet-kiem-4819061.html 
  • Nói không với cuộc đua giá xuống đáy, chủ Lazada tiến hành tái cấu trúc chưa từng có
Tháng 11/2024, các nhân viên của Alibaba nhận được email từ CEO Eddie Wu. Nội dung bức thư gói gọn trong một thông điệp quan trọng: tập đoàn sẽ tiến hành một cuộc tái cấu trúc lớn nhất từ trước đến nay, theo KrASIA
Bức mail chứa đựng quyết tâm tái định hình cách Alibaba vận hành, bắt đầu bằng việc hợp nhất toàn bộ mảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế thành một đơn vị duy nhất. Tên tuổi quen thuộc, ông Jiang Fan, được lựa chọn để dẫn dắt nhóm kinh doanh này.
Dưới sự điều hành của ông, những nền tảng lớn như Taobao, Tmall, 1688 và Idle Fish sẽ cùng hoạt động với một mục tiêu chung: tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao trải nghiệm mua sắm toàn cầu.
Không giống như trước đây khi cuộc cạnh tranh thương mại điện tử chủ yếu xoay quanh giá cả, Eddie Wu đã đưa ra 5 tiêu chí mới làm kim chỉ nam: đa dạng sản phẩm, chất lượng, giá cả hợp lý, dịch vụ và trải nghiệm người dùng. Đó là một cách tiếp cận khác biệt, nhấn mạnh vào giá trị toàn diện thay vì chỉ tập trung vào việc giảm giá để lôi kéo khách hàng.
Nguồn:https://doanhnhanvn.vn/noi-khong-voi-cuoc-dua-gia-xuong-day-chu-lazada-tien-hanh-tai-cau-truc-chua-tung-co.html 

Xu hướng tiếp thị – truyền thông

  •  Katinat: Marketing coi chừng… nát
Cái tên Katinat lần thứ hai trong năm 2024 gây xôn xao dư luận. Giới truyền thông và cả giới kinh doanh cho rằng cách thức làm marketing vô tình hoặc cố ý của Công ty CP Café Katinat gây tranh cãi.
Tối ngày 18/11, các mạng xã hội lan truyền hình ảnh ly nước của Katinat có con tem dán với dòng chữ “Giảm đường, giảm an tây” thay vì “Giảm đường, giảm đá” như thông thường.
“An Tây” là tên một người mẫu, diễn viên người Tây Ban Nha sống tại Việt Nam, hiện đang bị tạm giữ để điều tra vì liên quan đến vụ tổ chức tiệc ma túy.
Trước đó, vào giữa tháng 9 vừa qua, thương hiệu này cũng vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận khi thực hiện chiến dịch truyền thông quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi.
Lời xin lỗi của Công ty CP Café Katina thực tế là không còn ý nghĩa nữa. Phản ứng của người tiêu dùng là bài học đắt giá cho doanh nghiệp.
Qua hai lần gây ồn ào dư luận, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Katinat cần xem lại cách truyền thông, cách thức quảng cáo, từng câu chữ trong thông điệp gửi tới người tiêu dùng.
ThS. Nguyễn Tường Huy – giảng viên marketing Trường Đại học Văn Lang, nhận định, nhìn cách báo chí đồng loạt đưa tin với cùng nội dung trong khung giờ 17-18 giờ ngày 20/11/2024 về sự việc của Katinat thì không khó để nhận ra đây là chiến dịch truyền thông có kịch bản chuẩn bị sẵn của Katinat. Sai lầm lớn nhất của Katinat là sử dụng trend tiêu cực để tạo buzz.
Nguồn:https://baomoi.com/katinat-marketing-coi-chung-nat-c50821364.epi 
  • Người phát ngôn doanh nghiệp là ai?
Hơn 1 triệu doanh nghiệp nội địa và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Trong không gian kinh tế rộng lớn đó, vai trò của người phát ngôn doanh nghiệp chưa được định nghĩa đúng, thường được xếp làm vai phụ, vai lót. Dường như họ chỉ được nói những gì đã được chuẩn bị và được sếp phê duyệt trước.
Hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn chứng khoán HOSE, HNX và UPCoM, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thị trường chứng khoán dễ trồi sụt theo tin đồn thổi, tin tức không chính thức. Tuy vậy, rất hiếm doanh nghiệp quan tâm, bổ nhiệm một nhân sự có năng lực và quyền hạn làm người phát ngôn doanh nghiệp. Mọi sự đang thay đổi, dù rằng tốc độ rất chậm. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã có sự phân công rõ ràng đối với vị trí này, dù là kiêm nhiệm.
Thông thường trên thế giới, người đại diện phát ngôn hay đại diện hình ảnh của doanh nghiệp thường là ba nhân vật được chọn từ các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp, người nổi tiếng và nhân vật có khả năng thực sự.
Khi hai cụm từ “người đại diện” hay “người đại diện truyền thông” của doanh nghiệp xuất hiện trên báo, có lẽ người phát ngôn, doanh nghiệp và báo chí đều bị áp lực lớn. Đó có thể là sự đùn đẩy của công việc “làn tên mũi đạn” khi trả lời báo chí hay công chúng. Phần lớn nhân sự phát ngôn thường chuẩn bị đường về lâu dài trong nghề nghiệp của họ.
Nguồn:https://baomoi.com/nguoi-phat-ngon-doanh-nghiep-la-ai-c50806615.epi 
  • Hieuthuhai trở thành Tổng Giám đốc trải nghiệm của hãng kem Celano
Ông Trần Minh Hiếu (nghệ danh Hieuthuhai) chính thức nhậm chức CEO – Chief Experience Officer – Tổng Giám đốc trải nghiệm của hãng kem Celano. Thông báo trên fanpage của hãng kem này cho biết, việc bổ nhiệm Hieuthuhai vào vị trí CEO này là bước đánh dấu chuyển mình của hãng.
Hieuthuhai trở thành cái tên được nhiều người biết đến trong showbiz Việt sau chương trình King of Rap. Năm 2024, chàng trai sinh năm 1999 trở thành Quán quân chương trình Anh Trai Say Hi và thường xuyên đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc.
Về hãng kem Celano, thương hiệu này đang được quản lý bởi CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido (Kido Foods). Vào tháng 9/2024 vừa qua, Nutifood gây chú ý khi mua lại 51% vốn của Kido Foods, chính thức trở thành công ty mẹ của đơn vị này. Nói về thương vụ này lãnh đạo Nutifood cho biết, việc đầu tư vào Kido Foods cho phép Nutifood mở rộng được lĩnh vực từ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe qua các sản phẩm phục vụ nhu cầu thưởng thức ngon miệng, mang lại niềm vui cho các thành viên trong gia đình.
Nguồn:https://cafef.vn/chinh-thuc-hieuthuhai-tro-thanh-tong-giam-doc-trai-nghiem-cua-hang-kem-celano-188241125205302826.chn 

Công nghệ

  • App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống
Sau khi Gojek chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam, thị phần gọi xe công nghệ vẫn do “ông lớn” Grab chiếm lĩnh với hơn 40%, kế đến là Be nắm giữ khoảng 30% thị phần và Xanh SM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng dần mở rộng hơn với khoảng 20%. Như vậy, chỉ còn 10% dung lượng thị trường chia đều cho nhiều đơn vị khác, bao gồm các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh và các ứng dụng (app) nhỏ như Tada, Emddi, GV Taxi…
Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ không có khả năng cạnh tranh với hãng xe công nghệ quy mô lớn có tiềm lực tài chính mạnh cùng khả năng “chinh chiến” đường dài. Đặc biệt, với xu hướng di chuyển xanh ngày càng phổ biến, hãng gọi xe Xanh SM sẽ thống lĩnh thị trường nhờ có lợi thế lớn, thu hút được các đơn vị khác cùng hợp tác, liên kết… để tiêu thụ và sử dụng xe điện.
Nguồn:https://cafef.vn/app-goi-xe-nho-chat-vat-tim-duong-song-188241124084147554.chn 
  • Trong năm 2025, AI sẽ thay thế một số công việc toàn thời gian
AI đang ngày càng tự động hóa nhiều công việc hơn, và các chuyên gia dự đoán rằng đến năm 2025, AI có thể thay thế một số nghề nghiệp toàn thời gian. Điều này có thể dẫn đến việc giảm số lượng công việc truyền thống, đồng thời tăng sự phụ thuộc vào lao động hợp đồng và tự do.
Andy Bradshaw, CEO của SHL, nhấn mạnh rằng việc áp dụng AI không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là hành trình văn hóa. Ông cho rằng người lao động cần trang bị kỹ năng và thái độ phù hợp để đón nhận AI, trong khi các nhà lãnh đạo cần xây dựng một môi trường khuyến khích sự tò mò, khả năng thích nghi và học tập liên tục.
Nhiều chuyên gia tin rằng tương lai của AI trong tuyển dụng sẽ được thúc đẩy bởi các công cụ đánh giá dựa trên AI. Theo thống kê, gần 70% nhà tuyển dụng dự định tích hợp AI vào quy trình tuyển dụng của mình.
Nguồn:https://baomoi.com/trong-nam-2025-ai-se-thay-the-mot-so-cong-viec-toan-thoi-gian-c50813473.epi 
  • Hơn một nửa Gen Z nghe lời AI thay vì sếp
Theo báo cáo mới của công ty edtech upGrad, khoảng 56% thế hệ Gen Z thích tìm kiếm sự hướng dẫn từ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) hơn là từ quản lý khi gặp nhiệm vụ khó khăn tại nơi làm việc. Lý do chính là Gen AI luôn sẵn sàng 24/7 (66%), cung cấp lời khuyên khách quan (56%) và đảm bảo tính riêng tư trong các cuộc trò chuyện nhạy cảm (49%).
Báo cáo được thực hiện dựa trên dữ liệu từ 3.512 nhân viên Gen Z thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và 1.128 lãnh đạo nhân sự.
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đang gia tăng mạnh mẽ trong môi trường làm việc và ở mọi thế hệ. Đối với Gen Z, Gen AI không chỉ là công cụ mà đã trở thành một phần quan trọng trong bản sắc nghề nghiệp của họ.
Tuy nhiên, Gen Z sử dụng Gen AI một cách có chọn lọc và thường khá kín đáo. Khoảng 1/4 sẵn sàng chia sẻ việc sử dụng GenAI với đồng nghiệp để cùng nhau phát triển, trong khi 1/4 khác giữ bí mật để tránh bị đánh giá. Dù vậy, một nửa Gen Z cảm thấy thoải mái chia sẻ khi bối cảnh, đồng nghiệp và thái độ đối với AI là phù hợp.
Nguồn:https://baomoi.com/hon-mot-nua-gen-z-nghe-loi-ai-thay-vi-sep-c50818759.epi 
  • Chặn mã độc tống tiền ransomware, doanh nghiệp Việt còn lơ là
Mã độc tống tiền (ransomware) nhắm vào doanh nghiệp ngày càng tăng. Hơn 56% doanh nghiệp bị mã độc này tấn công và 70% bị mã hóa dữ liệu, đòi số tiền chuộc tăng 5 lần so với năm 2023, theo báo cáo của Sophos.
Hãng bảo mật Sophos cho biết các cuộc tấn công mạng nhắm vào các tổ chức, công ty SME tiếp tục tăng. Trong đó, mã độc Ransomware được đánh giá là mối nguy hại rất lớn đối với doanh nghiệp bất kể quy mô. Chúng vẫn đang âm thầm diễn ra ngày càng nhiều hơn và nghiêm trọng hơn với con số tiền chuộc lên tới hàng chục triệu USD, hoặc thiệt hại tương đương vì ngừng trệ hoạt động. Bên cạnh đó là dạng tấn công có chủ đích (APT – Advanced Persistent Threat) vẫn luôn là các mối đe dọa chính cho mọi tổ chức, doanh nghiệp.
Theo Sophos, sở dĩ các hệ thống doanh nghiệp bị tấn công thâm nhập là vì sự chồng chéo của các phần mềm, đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ của AI (trí tuệ nhân tạo), sự phát triển của công nghệ mới được ứng dụng vào hoạt động của mọi tổ chức, doanh nghiệp thì đồng thời làm gia tăng bề mặt tấn công mạng. Quá nhiều lỗ hổng bảo mật (Vulnerabilities) đến từ các ứng dụng, hệ điều hành được công bố thường xuyên mà nhân lực quản trị CNTT chưa theo kịp, tạo điều kiện cho tội phạm mạng thực hiện các cuộc tấn công.
Nguồn:https://thanhnien.vn/chan-ma-doc-tong-tien-ransomware-doanh-nghiep-viet-con-lo-la-185241127105754442.htm 
  • Starbucks ‘tê liệt’ vì bị tấn công mạng
Theo CyberNews, chuỗi cà phê nổi tiếng Starbucks tại Mỹ đang phải dùng bút và giấy để theo dõi giờ làm và tính lương cho nhân viên, sau khi nhà cung cấp công nghệ chuỗi cung ứng Blue Yonder bị tấn công ransomware.
Vụ tấn công xảy ra vào ngày 21.11, khiến hệ thống Advanced Store Replenishment (ASR) dựa trên nền tảng đám mây của Blue Yonder bị tê liệt. Được biết, ASR là hệ thống quản lý hàng tồn kho và dự đoán doanh số bán hàng, được nhiều chuỗi bán lẻ lớn sử dụng.
Ngoài Starbucks, hai chuỗi siêu thị lớn tại Anh là Sainsbury’s và Morrisons cũng bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công. Cả hai đều phải kích hoạt “quy trình dự phòng” để duy trì hoạt động.
Nguồn:https://thanhnien.vn/starbucks-te-liet-vi-bi-tan-cong-mang-18524112622443177.htm 

Xu hướng Xanh – Bền vững

  •  COP29 thống nhất quy tắc giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
Tại Hội nghị COP29 ở Azerbaijan (11-22/11), sau một thập kỷ đàm phán, các quốc gia đã đạt thỏa thuận về quy tắc cho thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Đây được kỳ vọng sẽ thu hút hàng tỷ USD vào các dự án giảm phát thải và chống nóng lên toàn cầu.
Tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các dự án giảm phát thải như trồng cây hoặc xây dựng trang trại năng lượng tái tạo. Các quốc gia và công ty có thể mua tín chỉ này để đạt mục tiêu khí hậu. Tuy nhiên, hệ thống này trước đây đối mặt nhiều thách thức về uy tín, minh bạch và cơ chế quản lý.
Tại COP29, tranh luận xoay quanh việc xây dựng sổ đăng ký tín chỉ carbon, mức độ chia sẻ thông tin, và xử lý dự án khi có sự cố. Dự thảo đề xuất cho phép một số quốc gia phát hành tín chỉ thông qua sổ đăng ký riêng mà không cần phê duyệt của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, EU và Mỹ yêu cầu giám sát chặt chẽ và minh bạch hơn, nhấn mạnh rằng các giao dịch không qua kiểm chứng của Liên Hợp Quốc có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của hệ thống. Cuối cùng, các bên thống nhất rằng sổ đăng ký không đảm bảo chất lượng hay chứng thực tín chỉ.
Dù thương mại tín chỉ carbon đã bắt đầu, như việc Thụy Sĩ mua tín chỉ từ Thái Lan, các giao dịch này vẫn hạn chế. Một bộ quy tắc minh bạch, đảm bảo tính toàn vẹn sẽ thúc đẩy thị trường phát triển mạnh hơn. Hiệp hội IETA dự đoán thị trường tín chỉ carbon do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn có thể đạt giá trị 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, giúp bù đắp 5 tỷ tấn khí thải carbon hàng năm.
Nguồn: https://vnexpress.net/cop29-thong-nhat-quy-tac-giao-dich-tin-chi-carbon-toan-cau-4819937.html 
  • Nghiên cứu cấp tín chỉ carbon cho ngành trồng dâu nuôi tằm
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm đếm và cấp tín chỉ carbon cho ngành trồng dâu nuôi tằm nhằm phát triển nông nghiệp xanh. Phát biểu tại diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” ngày 24/11, ông Duy nhấn mạnh tiềm năng lớn của ngành này cả trong nước và quốc tế. Một số địa phương miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, mang lại thu nhập từ 250-300 triệu đồng/ha/năm, vượt xa giá trị kinh tế từ trồng lúa.
Trồng dâu nuôi tằm không chỉ hiệu quả về kinh tế mà còn thân thiện với môi trường, với tiềm năng phát thải thấp hoặc tiến tới phát thải ròng bằng 0. Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, đề xuất cấp tín chỉ carbon cho lĩnh vực này để nông dân tăng thêm thu nhập từ bảo vệ môi trường. Tín chỉ carbon là giấy phép giao dịch, cho phép phát thải một tấn CO2 hoặc khí thải nhà kính, được kỳ vọng thúc đẩy thị trường carbon và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hiện Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tấn tín chỉ carbon vào năm 2025. Dự kiến, thị trường tín chỉ carbon chính thức vận hành năm 2028 theo Nghị định 06/2022. Các chuyên gia khuyến nghị cần đẩy nhanh khung chính sách để không bỏ lỡ cơ hội trong giao dịch tín chỉ carbon, một lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm từ nhiều đối tác quốc tế.
Nguồn: https://vnexpress.net/nghien-cuu-cap-tin-chi-carbon-cho-nganh-trong-dau-nuoi-tam-4819787.html 
  •  Người Việt thải hơn 300.000 tấn nhựa, bìa carton khi mua hàng online
Thương mại điện tử Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là lượng bao bì khổng lồ trong đóng gói sản phẩm. Theo chuyên gia WWF, năm 2023, ngành này sử dụng hơn 300.000 tấn bao bì, bao gồm 160.000 tấn bìa carton và 145.000 tấn nhựa (mút xốp, xốp nilon, túi nilon). Tỷ trọng bao bì trong các đơn hàng thương mại điện tử cao hơn nhiều so với kênh truyền thống, phần lớn đến từ các đơn hàng giá trị thấp và thói quen mua sắm tùy hứng.
Chuyên gia cũng cảnh báo rằng các chương trình miễn phí vận chuyển hoặc giá sản phẩm rẻ dễ dẫn đến mua sắm thiếu trách nhiệm, gây lãng phí tài nguyên và tăng phát thải. Hiện tại, Việt Nam sử dụng bao bì nhựa gấp 2,7 lần Trung Quốc cho cùng số lượng kiện hàng, cho thấy sự lãng phí và tác động lớn đến môi trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về sản phẩm xanh hay dịch vụ bền vững, gây khó khăn trong việc khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử chuyển đổi. Điều này cũng tạo điều kiện cho việc trục lợi từ các sản phẩm được quảng cáo là “xanh” nhưng thiếu chứng minh tính bền vững.
Để hướng tới phát triển bền vững, chuyên gia đề xuất cần xây dựng bộ quy chuẩn xanh, giúp định hướng doanh nghiệp. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, họ đang xây dựng bộ tiêu chí linh hoạt, trình Chính phủ nhằm cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường, thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững.
Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-viet-thai-hon-300-000-tan-nhua-bia-carton-khi-mua-hang-online-4818912.html 
  •  Phấn đấu đến năm 2030 có 1 triệu ha rừng đạt chứng chỉ bền vững
Trong bối cảnh Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) được yêu cầu thực hiện vào đầu năm 2026, các doanh nghiệp trồng rừng và chế biến gỗ nước ta đang đầu tư mạnh vào các chứng chỉ quản lý rừng bền vững để vượt qua các yêu cầu khắt khe của các thị trường…
Cục Lâm nghiệp thông tin, cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu hộ gia đình đang quản lý gần 2 triệu ha rừng trồng sản xuất, chiếm khoảng 50% diện tích rừng trồng sản xuất cả nước. Diện tích còn lại do các doanh nghiệp và các công ty lâm nghiệp quản lý. Tính đến hết tháng 10/2024, cả nước hiện có khoảng gần 600 nghìn ha chứng chỉ rừng bền vững, trong đó chứng chỉ FSC khoảng 410 nghìn ha và chứng chỉ PEFC/VFCS khoảng 183 nghìn ha.
Từ đó, Tổng cục Lâm nghiệp đã hợp tác với tổ chức Chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) để thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo hệ thống quốc gia Việt Nam PEFC/VFCS theo tiêu chuẩn quốc tế. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và đã đặt mục tiêu có được một triệu ha chứng chỉ rừng vào năm 2030.
Nguồn: https://vneconomy.vn/phan-dau-den-nam-2030-co-1-trieu-ha-rung-dat-chung-chi-ben-vung.htm 

Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  •  Quốc hội nhất trí đưa phân bón quay lại chịu thuế giá trị gia tăng 5%
Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng mới với 407/451 đại biểu có mặt tán thành, 36 vị không tán thành và 8 không biểu quyết.
Đây là kết quả biểu quyết toàn bộ Dự thảo luật, tỷ lệ không tán thành khá cao so với kết quả biểu quyết nhiều luật khác.
Nhiều ý kiến thống nhất với đề xuất áp thuế suất 5% đối với phân bón như dự thảo Luật của Chính phủ và nội dung giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Một số ý kiến đề nghị tiếp tục miễn thuế cho phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hiện hành, vì áp dụng thuế 5% sẽ làm tăng giá phân bón, doanh nghiệp được hưởng lợi, NSNN được tăng thu 1.500 tỷ đồng (từ phân bón nhập khẩu), người nông dân phải gánh chịu thiệt hại.
Nguồn: https://baodautu.vn/quoc-hoi-nhat-tri-dua-phan-bon-quay-lai-chiu-thue-gia-tri-gia-tang-5-d231000.html 
  •  Dưa hấu mất mùa, mất giá khiến nhiều nông dân trắng tay
Tại huyện Chư Prông, Gia Lai, nông dân trồng dưa hấu đang chịu cảnh thất thu nghiêm trọng do thời tiết bất thường và giá cả giảm sâu. Mưa lớn làm nhiều ruộng dưa bị thối, sản lượng kém, trong khi giá chỉ dao động từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, không đủ bù chi phí sản xuất. Nhiều hộ nông dân, như bà Mai Thị Thúy Hằng và bà Nguyễn Thị Khanh, đã đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng phải chịu lỗ nặng, thậm chí mất trắng. Một số nông dân không đủ tiền trả nợ thuê đất và vốn đầu tư, dẫn đến nợ nần chồng chất.
Thương lái, như bà Nguyễn Thị Bích Vân, cũng gặp khó khăn do giá bán không đủ bù khoản cọc đã ứng trước. Nhiều nông dân buộc phải bỏ vườn hoặc cố gắng thu hoạch để trả chi phí thuê đất, nhưng tình hình vẫn không khả quan. Tổng diện tích trồng dưa tại Chư Prông khoảng 300ha, với một nửa diện tích đã thu hoạch, còn lại chờ dịp Tết. Chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân cân nhắc kỹ trước khi gieo trồng, cần theo dõi chặt chẽ thời tiết và thị trường để đảm bảo đầu ra ổn định. Thực trạng này khiến hàng trăm nông dân phải đối mặt với khó khăn trong mùa vụ cận Tết.
Nguồn: https://cafef.vn/dua-hau-mat-mua-mat-gia-khien-nhieu-nong-dan-trang-tay-188241124175928672.chn 
  •  Cá heo nước ngọt rớt giá
Giá cá heo nước ngọt tự nhiên tại miền Tây năm nay giảm mạnh, chỉ còn 120.000-130.000 đồng/kg, thấp hơn 30-35% so với năm ngoái. Nguyên nhân là lượng cá dồi dào, tăng 30% so với trước, trong khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Loài cá này, phân bố chủ yếu tại lưu vực sông Mekong, thường xuất hiện trong mùa nước nổi, với thân dẹt, dài khoảng 10 cm, da nhẵn mịn và tiếng kêu đặc trưng “éc éc” khi được bắt lên.
Cá heo tự nhiên được người dân miền Tây đánh bắt bằng lưới và ưa chuộng nhờ thịt săn chắc, béo ngọt, phù hợp với các món ăn dân dã như cá kho, canh chua, chiên giòn. Ngoài giá trị thực phẩm, loài cá này còn gắn liền với văn hóa lao động và nhịp sống mùa nước nổi miền Tây.
Bên cạnh đó, cá heo nuôi cũng ngày càng phổ biến, giá dao động từ 200.000-400.000 đồng/kg, giảm khoảng 15% so với năm ngoái. Tuy nhiên, việc nuôi cá heo đòi hỏi kỹ thuật cao, môi trường nước sạch và dòng chảy mạnh. Cá cần 7-8 tháng để đạt kích cỡ thu hoạch, đồng thời người nuôi phải thường xuyên vệ sinh lồng bè và theo dõi sức khỏe cá để phòng tránh dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, cá heo mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cần chiến lược khai thác và nuôi trồng bền vững. Việc bảo tồn nguồn lợi này không chỉ đảm bảo thu nhập cho người dân mà còn giữ gìn nét đặc trưng văn hóa của miền Tây trong mùa nước nổi.
Nguồn: https://vnexpress.net/ca-heo-nuoc-ngot-rot-gia-4819263.html 
  •  Gạo Việt tăng giá trở lại
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện duy trì mức cao nhất thế giới, đạt 522 USD/tấn cho loại 5% tấm, vượt qua cả Pakistan và Thái Lan, bất chấp việc Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, làm giá gạo toàn cầu giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 7,8 triệu tấn gạo, thu về 4,9 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ, với giá bình quân 626,2 USD/tấn, tăng 12%. Các thị trường lớn nhất là Philippines (45%), Indonesia (14,4%), và Malaysia (8,5%).
Nguồn cung hạn chế, nhất là trong vụ thu đông cuối mùa, khiến giá lúa nội địa tăng. Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 9.200 đồng/kg, tăng 500 đồng so với tuần trước. Một số nông dân như ông Huỳnh ở An Giang chọn giữ lại lượng lúa đủ dùng, chờ vụ thu hoạch mới để bán giá cao hơn. Doanh nghiệp thu mua tại Đồng Tháp cũng giảm sản lượng thu mua từ 1.000-1.500 tấn/ngày xuống còn 300-500 tấn/ngày.
Lý do giá gạo Việt duy trì ở mức cao là sự chuyển dịch sang canh tác giống gạo chất lượng cao, tập trung vào phân khúc trung và cao cấp như gạo thơm và gạo dẻo. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của gạo Việt mà còn tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường quốc tế. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết sự thay đổi trong canh tác đã củng cố uy tín và giá trị của gạo Việt.
Ngoài xuất khẩu, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu gạo với 3,2 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm, trị giá 1,2 tỷ USD, tăng 73% so với cùng kỳ, đứng thứ ba thế giới về nhập khẩu sau Philippines và Indonesia. Cục Trồng trọt dự báo sản lượng lúa cả năm đạt khoảng 43 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch dự kiến vượt 5 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn: https://vnexpress.net/gao-viet-tang-gia-tro-lai-4819716.html 
  •  Nông sản ‘ngấm đòn’ biến đổi khí hậu: Con tôm cũng khổ vì thời tiết
Ngành nuôi tôm tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do tác động kép từ thời tiết khắc nghiệt và biến động kinh tế. Hậu quả là nhiều người nuôi phải “treo ao” vì thua lỗ kéo dài. Tại Sóc Trăng, chỉ còn khoảng 1-2 trong số 10 hộ duy trì nghề. Nhiệt độ tăng cao, độ mặn và độ pH biến động làm môi trường nước mất cân bằng, dễ phát sinh dịch bệnh, khiến chi phí đầu tư tăng 30-40% do phải sử dụng các chế phẩm sinh học cao cấp.
Dù vậy, giá tôm tăng cao vào cuối năm 2024, với loại 30 con/kg đạt 200.000 đồng/kg, mang lại hy vọng cho người nuôi. Tuy nhiên, nguồn cung giảm mạnh vì nhiều người bỏ nghề, gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Một số người nuôi công nghệ cao, như tại Bạc Liêu, cũng chỉ đạt tỷ lệ thành công 1-2 vụ trong 10 vụ do thời tiết bất lợi.
Xuất khẩu tôm lại tăng trưởng tích cực, đạt 3,2 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024, nhờ nhu cầu từ Trung Quốc và Mỹ. Ngành tôm được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu 4 tỷ USD năm nay, bất chấp thách thức.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nong-san-ngam-don-bien-doi-khi-hau-con-tom-cung-kho-vi-thoi-tiet-185241121221524184.htm 
  •  Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành ‘đại gia’
Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi ‘chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay’. Với giá thành sản xuất khoảng trên dưới 25.000 đồng/kg, nhiều nông dân trồng cà phê đang có thu nhập khủng.
Theo thông tin từ nhiều đại lý và nhà vườn, giá cà phê giao dịch ngày 26-11 ở mức phổ biến 26.000-27.500 đồng/kg tươi và 118.000-120.000 đồng/kg nhân tùy loại. Giá trên tăng 2.500-3.500 đồng/kg tươi và 8.000-10.000 đồng/kg nhân so với hơn nửa tháng trước đó và tăng gấp khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. 
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-11, Việt Nam xuất khẩu trên 1,17 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt 4,7 tỉ USD, giảm 13,5% về lượng nhưng tăng 38,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá giao dịch đang tăng, nhiều chuyên gia dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê cả năm 2024 sẽ lập kỷ lục với mốc 5,5-5,6 tỉ USD.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-ca-phe-cao-chua-tung-thay-khi-vao-chinh-vu-nong-dan-thanh-dai-gia-2024112610524167.htm?gidzl=L1GV1gZERmHQ2Hq6ez9f0riC70A_rJa7GbaOK-c0RmCRMXG6juPc2aXRH0lWWsPQIGWSMZZAwKCrhCrb1m 

Du lịch – Ẩm thực

  •  TP HCM vào top điểm đáng ghé thăm ở châu Á năm 2025
TP.HCM được tạp chí du lịch Condé Nast Traveller vinh danh trong danh sách 9 điểm đến nổi bật nhất năm 2025, nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng và sự kiện lớn như kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Thành phố được đánh giá là trung tâm văn hóa hàng đầu Đông Nam Á, với cơ sở hạ tầng và du lịch cải thiện đáng kể.
Cơ sở hạ tầng mới bao gồm tuyến tàu điện ngầm Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và nhà ga số 3 của sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến hoạt động vào cuối năm 2024. Ngoài ra, TP.HCM sẽ chào đón nhiều khách sạn mới, như Indigo và Kempinski Saigon River.
Nổi bật, TP.HCM có tiềm năng trở thành điểm đến ẩm thực hàng đầu Đông Nam Á, với các nhà hàng đạt chuẩn Michelin và nền ẩm thực ngày càng phong phú. Đầu bếp Peter Cường Franklin của nhà hàng Michelin đầu tiên tại TP.HCM là một minh chứng cho chất lượng ẩm thực.
Thành phố còn là trung tâm thời trang và thương mại khu vực. Các thương hiệu thời trang địa phương như Fancì ClubLatui Atelier đã thu hút sự chú ý của sao K-pop và Hollywood.
Với hàng loạt đổi mới và sự kiện đặc biệt, TP.HCM hứa hẹn trở thành một điểm đến hấp dẫn toàn cầu vào năm 2025.
Nguồn: https://vnexpress.net/tp-hcm-vao-top-diem-dang-ghe-tham-o-chau-a-nam-2025-4819152.html 

Khởi nghiệp

  •  Lục bình, cỏ năn tượng đem về ngàn tỉ
Cỏ năn tượng, loại cây mọc tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, đang mở ra cơ hội mới cho ngành thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam. Với khả năng chịu mặn cao và dễ trồng trên đất nhiễm mặn, cỏ năn tượng được đánh giá là nguồn nguyên liệu tiềm năng thay thế lục bình vốn phụ thuộc vào thời tiết và dễ bị mốc. Theo ông Trần Lam Sơn, cỏ năn tượng có thể mang lại giá trị kinh tế lớn nếu được khai thác và tổ chức sản xuất hiệu quả, với ước tính có thể thu về 9 tỷ USD từ diện tích 1,8 triệu ha đất nhiễm mặn.
Công ty Việt Nam Housewares và các doanh nghiệp khác đang tích cực thử nghiệm và sản xuất các sản phẩm từ cỏ năn tượng để xuất khẩu sang Mỹ, EU và nhiều thị trường tiềm năng. Nguyên liệu này được đánh giá cao nhờ giá thành rẻ, thân cứng và bền, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam.
Với kim ngạch xuất khẩu thủ công mỹ nghệ dự kiến đạt 4 tỷ USD vào năm 2025, việc phát triển ngành này từ cỏ năn tượng không chỉ tạo cơ hội kinh tế mà còn góp phần cải thiện đời sống cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: https://tuoitre.vn/luc-binh-co-nan-tuong-dem-ve-ngan-ti-20241124101005564.htm?gidzl=hc4L8Ygeod6WV1SY8RJEVw5z6YCzjv1tk2WUSclYndFXAn8dDUJFUh8gGYfYuSygitaQUpYo-knaBgl0SW 

Đầu tư – tài chính

  •  Hãng pin xe điện lớn nhất châu Âu nộp đơn xin phá sản
Northvolt, hãng sản xuất pin xe điện hàng đầu châu Âu, vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ với khoản nợ 5,8 tỷ USD, dù nhận được 245 triệu USD hỗ trợ tái cấu trúc. Được thành lập năm 2016, Northvolt từng là biểu tượng cho nỗ lực của châu Âu trong việc tự chủ ngành công nghiệp pin, nhận vốn đầu tư lớn từ Volkswagen và Volvo để cạnh tranh với các công ty Trung Quốc như CATL và BYD.
Tuy nhiên, công ty đối mặt nhiều khó khăn: hợp đồng 2,2 tỷ USD với BMW bị hủy, 1.600 nhân sự bị cắt giảm, trung tâm R&D tại Mỹ đóng cửa, và tăng trưởng doanh số xe điện châu Âu chậm lại. Thị trường pin toàn cầu bị Trung Quốc chi phối với 85% sản lượng nhờ hỗ trợ mạnh từ chính phủ và thị trường nội địa lớn, nơi xe điện chiếm 50% doanh số ô tô mới.
Dù vậy, Northvolt vẫn cam kết tái cấu trúc, hoàn tất vào quý 1/2025, nhằm thiết lập nền tảng vững chắc hơn. Bà Celina Mikolajczak đề xuất châu Âu tập trung vào công nghệ mới như pin lưu huỳnh để tạo lợi thế dài hạn.
Vụ việc của Northvolt là bài học quan trọng, cảnh báo châu Âu cần đổi mới công nghệ, giảm chi phí và giảm phụ thuộc vào thị trường ngoài khu vực để duy trì tham vọng điện khí hóa.
Nguồn: https://baodautu.vn/hang-pin-xe-dien-lon-nhat-chau-au-nop-don-xin-pha-san-d230866.html 
  •  Startup công nghệ đang đổ xô đến Dubai thay vì thung lũng Silicon, vì sao vậy?
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang thu hút ngày càng nhiều công ty công nghệ toàn cầu nhờ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và môi trường kinh doanh thuận lợi. Chính phủ Dubai đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), như một phần của Chiến lược Quốc gia về AI 2031. Những sáng kiến này bao gồm việc cấp thị thực vàng với thời hạn lên đến 10 năm cho nhà đầu tư, doanh nhân và chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, giúp thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và thu hút tài năng quốc tế.
Nhiều công ty công nghệ từ Đông Nam Á đã lựa chọn Trung Đông làm điểm đến mở rộng, như Ant International, Dyna.Ai, và The Decision Labs. Các lý do chính bao gồm tính trung lập của khu vực trong cuộc cạnh tranh AI Mỹ-Trung, cơ sở hạ tầng hiện đại, cùng với chính sách hỗ trợ tài chính hào phóng và dễ dàng thiết lập doanh nghiệp.
Ví dụ, Học viện Xaltius chọn Dubai để mở rộng vì môi trường kinh doanh thân thiện và cơ hội phát triển. Tương tự, Dyna.Ai và The Decision Labs đã nhận được sự hỗ trợ từ địa phương khi mở chi nhánh tại UAE, giúp họ dễ dàng hợp tác với đối tác và phát triển tại các thị trường mới.
Ngoài UAE, các quốc gia khác như Ả Rập Xê Út và Qatar cũng đang đầu tư mạnh vào AI. Dự báo đến năm 2030, AI sẽ đóng góp khoảng 320 tỷ USD vào nền kinh tế Trung Đông, với UAE và Ả Rập Xê Út chiếm phần lớn nhờ cam kết triển khai công nghệ này. Nhìn chung, khu vực Trung Đông đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp công nghệ hàng đầu, bên cạnh Đông Nam Á và Mỹ Latinh.
Nguồn: https://vneconomy.vn/startup-cong-nghe-dang-do-xo-den-dubai-thay-vi-thung-lung-silicon-vi-sao-vay.htm 

Thị trường xuất nhập khẩu

  •  Việt Nam được xếp ở top 23 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới
Theo bảng xếp hạng 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam được xếp ở vị trí 23 với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 354 tỷ USD, chiếm 1,5% toàn cầu. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 giảm 4,6% (giảm khoảng 17,04 tỷ USD) so với năm trước.
Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục khẳng định vị thế là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới với kim ngạch 3,4 nghìn tỷ USD trong năm ngoái, cao hơn gần 1,4 nghìn tỷ USD so với Mỹ dù phải chịu sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và các rào cản thương mại toàn cầu.
Xếp ở vị trí thứ hai là Mỹ dù nước này đang chứng kiến thâm hụt thương mại ngày càng lớn. Dù vậy, xuất khẩu năng lượng – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ – đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong thập kỷ qua. Năm 2023, thặng dư thương mại ròng của mặt hàng năng lượng Mỹ là 65 tỷ USD. Sản lượng năng lượng nội địa tăng đáng kể đã giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được các cú sốc giá dầu như cú sốc xảy ra do chiến tranh Nga-Ukraine.
Đức là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, với kim ngạch năm 2023 tăng 1% so với năm trước dù tăng trưởng kinh tế âm. Nền kinh tế phụ thuộc lớn vào công nghiệp này chịu tác động nặng nề khi giá dầu tăng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí phải dừng sản xuất.


Nguồn: https://baomoi.com/viet-nam-duoc-xep-o-top-23-nen-kinh-te-xuat-khau-lon-nhat-the-gioi-c50813580.epi
  • Đoàn kết bảo vệ ngành xi măng trong nước trước cuộc điều tra tự vệ của Philippines
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết đầu tháng 11 vừa qua, Bộ Công Thương Philippines đã ra thông báo về việc khởi xướng điều tra sơ bộ theo biện pháp tự vệ đối với mặt hàng xi măng nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Trong danh sách 38 doanh nghiệp xuất khẩu xi măng vào Philippines do Cục Hải quan Philippines cung cấp cho cơ quan điều tra, có 18 doanh nghiệp Việt Nam. 
Sự khác biệt của điều tra tự vệ là trong điều tra tự vệ, phía Philippines sẽ điều tra và áp thuế đối với tất cả các nguồn xi măng nhập khẩu (quốc gia) và mức thuế áp cho các doanh nghiệp là như nhau (tức là các đoanh nghiệp bị áp cùng một mức thuế).
Chính vì thế, đây chính là điểm mà các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý để tập hợp lại cùng nhau có tiếng nói, chia sẻ thông tin nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích của ngành xi măng trong nước.
Nội dung chính của điều tra tự vệ là cơ quan điều tra xem xét đánh giá mức độ “thiệt hại nghiêm trọng” của ngành sản xuất trong nước do tác động của xi măng nhập khẩu, không điều tra cụ thể giá bán của từng doanh nghiệp xuất khẩu.
Do đó, phương án tốt nhất theo khuyến nghị từ phía Thương vụ Việt Nam tại Philippines, Hiệp hội hoặc tổ chức của các doanh nghiệp ngành xi măng trong nước đứng ra tổ chức cho các doanh nghiệp cùng nhau xem xét, có tiếng nói chung với cơ quan điều tra của Philippines trong việc xem xét và phân tích các “thiệt hại nghiêm trọng” thực tế, và mối quan hệ nhân quả giữa những thiệt hại này với việc gia tăng khối lượng của xi măng nhập khẩu. Đây chính là chìa khóa để bảo vệ ngành xi măng trong nước trước cuộc điều tra tự vệ của cơ quan có thẩm quyền của Philippines.
Nguồn:https://vneconomy.vn/doan-ket-bao-ve-nganh-xi-mang-trong-nuoc-truoc-cuoc-dieu-tra-tu-ve-cua-philippines.htm 
BSAi