Starbucks ra mắt sản phẩm mới: Mỗi cốc cà phê sẽ có thêm 1 thìa dầu ô liu

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Xóa sổ mặt hàng ế ẩm – cách doanh nghiệp thực phẩm ứng phó với lạm phát
Các tập đoàn chế biến thực phẩm lớn của Mỹ như Kraft Heinz và Conagra Brands đang loại bỏ các dòng sản phẩm bán chậm để ứng phó với bối cảnh chi phí cao trong khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm. Nhiều công ty thực phẩm đã bắt đầu thu hẹp số lượng sản phẩm trong thời kỳ đại dịch và đang tích cực đổi mới bằng cách xóa sổ những sản phẩm ế ẩm để tập trung vào những mặt hàng bán chạy mà họ có thể dễ dàng tăng giá trong bối cảnh lạm phát kéo dài.
Các giám đốc điều hành tại Nestle và Unilever cho biết công ty đã tiết kiệm được hàng tỷ USD sau khi loại bỏ những sản phẩm không được nhiều khách hàng ưu thích trong danh mục sản phẩm của mình. Nestle cho biết việc thu hẹp số lượng mặt hàng đã giúp công ty tiết kiệm được 1 tỷ franc Thụy Sỹ vào năm ngoái (1,06 tỷ USD), trong khi Unilever cho biết biện pháp này giúp chi phí hoạt động giảm 2 tỷ USD. Giám đốc tài chính Unilever, ông Graeme Pitkethly, cho biết công ty đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hơn hai năm qua để quản lý danh mục sản phẩm, đồng thời cắt giảm khoảng 20% dòng lượng sản phẩm.
Nguồn: https://bnews.vn/xoa-so-mat-hang-e-am-cach-doanh-nghiep-thuc-pham-ung-pho-voi-lam-phat/282231.html
2. Starbucks ra mắt sản phẩm mới: Mỗi cốc cà phê sẽ có thêm 1 thìa dầu ô liu
Tờ CNN đưa tin, Starbucks muốn khách hàng từ nay sẽ thử những ly cà phê dầu ô liu. Chuỗi cà phê này vừa ra mắt dòng đồ uống mới được bổ sung thêm những thìa dầu ô liu tinh khiết. Trên thực tế, các loại đồ uống sẽ không đơn giản là có thêm vị dầu ô liu mà mỗi cốc sẽ thực sự được cho thêm 1 thìa đầy dầu ô liu, bổ sung thêm 120 calo cho tổng món đồ uống đó. 3 loại đồ uống có dầu ô liu hiện đã được mở bán tại các cửa hàng Starbucks ở Ý từ đầu tuần này, với tên đi kèm đặc trưng là Oleato. Các phiên bản của những đồ uống này sẽ đến Nam California, Mỹ vào mùa xuân này. Các thị trường khác gồm Anh, Trung Đông và Nhật Bản cũng sẽ ra mắt dòng đồ uống mới trong năm nay.
Công ty đặt cược rằng mọi người khi nghe về dòng sản phẩm mới sẽ muốn dùng thử bởi sự tò mò về mùi vị cũng như sự quan tâm đến những lợi ích về sức khoẻ của dầu ô liu tinh khiết. Trong những năm gần đây, các công ty nước giải khát đã kết hợp vào công thức của họ các thành phần như nghệ hoặc CBD*, mà khách hàng coi là lành mạnh hoặc cung cấp một số lợi ích nhất định, như hỗ trợ giấc ngủ. Starbucks không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về sức khỏe với Oleato, nhưng họ hy vọng rằng mọi người, thông qua nghiên cứu của riêng họ, sẽ coi đó là một lựa chọn lành mạnh.
*CBD có tên gọi đầy đủ là cannabidiol là một chất được phát hiện trong cây giống Cannabis, chủ yếu là cây gai dầu và cây cần sa.
Nguồn: https://markettimes.vn/starbucks-ra-mat-san-pham-moi-moi-coc-ca-phe-se-co-them-1-thia-dau-o-liu-ceo-tuyen-bo-neu-bi-khach-hang-che-se-khong-ve-my-17697.html
3. Đề xuất mới: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Dự thảo này nhằm giải quyết bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe. Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, nghiên cứu bổ sung áp Thuế TTĐB với sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường như: Đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng…
Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam (trên 18 tuổi) ở cả hai giới đã tăng 68% trong giai đoạn 2002 – 2016. Dẫn số liệu từ Bộ Y tế, Bộ Tài chính cho biết, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong.
Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Các nước thu thuế TTĐB với đồ uống có đường tăng từ 15 quốc gia (năm 2012) lên 50 quốc gia (năm 2021). Trong khu vực ASEAN, có 6 nước đã thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.
Nguồn: https://tienphong.vn/de-xuat-moi-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-duong-post1512461.tpo
4. Từ lùm xùm phở Thìn Lò Đúc đến câu chuyện bản quyền thương hiệu
Thời gian gần đây, câu chuyện về “truyền nhân” của thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc nhận được sự quan tâm của mọi người khi công bố Giám đốc điều hành thương hiệu phở Thìn 13 Lò Đúc sinh năm 2001. Sự tình trong câu chuyện tranh chấp bản quyền chưa được ngã ngũ, đến hiện tại vẫn chưa phân biệt được ai đúng và ai chưa đúng, tuy nhiên vấn đề về bản quyền từ đó cũng được dư luận quan tâm.
Từ câu chuyện về phở Thìn Lò Đúc, có thể thấy tại Việt Nam, việc đăng ký bản quyền thương hiệu vẫn chưa được phổ biến. Nhiều quán ăn gia truyền lâu năm trở thành “thương hiệu” quen thuộc với người dùng tuy nhiên lại không tiến tới xây dựng thương hiệu có bản quyền đăng ký. Lý giải nguyên nhân khiến một bộ phận doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội ông Mạc Quốc Anh cho biết, trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên tiềm lực tài chính hạn chế, “lực bất tòng tâm” khi xây dựng thương hiệu.
Nguồn: http://daidoanket.vn/tu-lum-xum-pho-thin-lo-duc-den-cau-chuyen-ban-quyen-thuong-hieu-5710677.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. ‘Xuất ngoại’ lễ hội để quảng bá du lịch
Theo Sở Du lịch TP HCM, Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 9 năm 2023 sẽ được tổ chức xuyên suốt trong tháng 3 tại các di tích lịch sử, di tích văn hóa, điểm đến du lịch, các công trình kiến trúc của TP HCM; qua đó góp phần quảng bá hình ảnh thành phố “Điểm đến An toàn – Hành trình sống động”.
Qua 8 năm tổ chức, Lễ hội Áo dài TP HCM đã trở thành một sự kiện văn hóa – du lịch nổi bật, tạo được dấu ấn riêng. Lễ hội năm nay tiếp tục nâng tầm về quy mô và đổi mới về nội dung. Bà Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP HCM, cho biết điểm nhấn năm nay là ngành du lịch thành phố có kế hoạch tổ chức quảng bá Lễ hội Áo dài tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Asia 2023 ở Singapore vào tháng 10-2023. Đây là một trong những hoạt động nhằm xây dựng lễ hội này trở thành sự kiện du lịch văn hóa mang tầm quốc tế, góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Nguồn: https://nld.com.vn/du-lich-xanh/xuat-ngoai-le-hoi-de-quang-ba-du-lich-20230223203522645.htm
2. Đón khách từ thị trường tỷ dân: Thiếu nhà hàng chiều ‘thượng đế’
Đà Nẵng hiện có 3 đường bay trực tiếp đến các thành phố của Ấn Độ gồm New Delhi, Mumbai và Ahmedabad, mỗi đường bay khai thác 3-4 chuyến/tuần. So với năm 2019 có hơn 16.000 lượt khách, thị trường Ấn Độ hiện nay đã bứt phá với mức tăng trưởng gần 2.5 lần. Đây là 1 trong 5 thị trường khách quốc tế lớn của Đà Nẵng.
Các doanh nghiệp du lịch nhìn nhận, Ấn Độ là nguồn khách chi tiêu mạnh tay, lưu trú dài ngày… đem lại nguồn thu tốt. Tuy nhiên Đà Nẵng lại rất ít nhà hàng Ấn Độ có thể phục vụ các đoàn khách, đáp ứng cả về tiêu chuẩn món ăn lẫn quy mô. Ông Lương Văn Trang, Giám đốc khối Inbound, Công ty Du lịch Vietnam Travelmart nêu thực tế Đà Nẵng có ít nhà hàng phục vụ các đoàn khách Ấn Độ, trong đó chỉ một số nhà hàng phục vụ được khoảng 100 khách. Thành thử, những đoàn khách đông đi theo kiểu đại gia đình, công ty… rất ít lựa chọn.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay hiện trên địa bàn có hơn 10 nhà hàng chuyên ẩm thực Ấn Độ. Với tình hình khách khả quan, hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều điểm ăn uống phục vụ nguồn khách này, nhất là những bếp ăn chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu ăn uống cầu kỳ, theo tín ngưỡng của người Ấn. Đây cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân du khách. Trong khi đó, bà Hoài An cho biết Trung tâm xúc tiến du lịch thường xuyên thông tin đến người dân, doanh nghiệp tại Đà Nẵng cũng như Ấn Độ về tình hình du khách Ấn Độ, những dấu hiệu khả quan, thực trạng còn thiếu nhà hàng. Từ đó các cá nhân, doanh nghiệp có thể nắm bắt thực tế, lên kế hoạch mở thêm nhà hàng phục vụ thị trường đầy tiềm năng này.
Nguồn: https://tienphong.vn/don-khach-tu-thi-truong-ty-dan-thieu-nha-hang-chieu-thuong-de-post1512523.tpo
3. Hơn 3.200 khách tàu biển hủy chuyến đi đến Nha Trang
3 tàu biển với hơn 3.200 khách du lịch đã hủy chuyến đến Nha Trang trong tháng 2. Lý do là các tuyến đường chính ra vào thành phố đều bị cấm xe trên 29 chỗ ngồi vào giờ cao điểm. Ông Nguyễn Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Tictours (Khánh Hòa), cho biết, ngày 18/2, tàu Queen Mary 2 với hơn 2.000 khách Tây Âu đã hủy chuyến đến Nha Trang. Sáng 21/2, tàu Seven Seas Explorer với khoảng 700 khách Mỹ cũng gửi thông báo hủy kế hoạch tàu cập cảng Nha Trang vào ngày 22/2 với lý do trên. Mới đây nhất, tàu Nautica, với 500 khách nhiều quốc tịch, cũng cho hay sẽ không thực hiện hành trình đến Nha Trang.
Theo ông Thắng, điều này gây tổn thất cho các doanh nghiệp nói riêng và ngành du lịch Khánh Hòa nói chung, quan trọng là điểm đến thành phố du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đang mất điểm dần trong mắt du khách, đặc biệt là khách Âu – Mỹ. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc các hãng tàu phải xem xét lại kế hoạch có nên đưa Nha Trang vào điểm đến trong thời gian tới hay không. Lý do là bởi các công ty du lịch rất khó thực hiện được việc triển khai các chương trình đưa khách đi tham quan Nha Trang và vùng phụ cận, do các tuyến đường chính ra vào thành phố đều bị cấm xe trên 29 chỗ ngồi vào giờ cao điểm; đặc biệt là các tuyến đường thuộc khu vực ngoại thành Nha Trang như xã Vĩnh Ngọc – Vĩnh Thạnh (khu vực đồng quê với sản phẩm chủ lực mà khách du lịch tàu biển rất ưa thích như tham quan nhà cổ, đình làng, chợ quê, làng nghể, cánh đồng lúa,…).
Nguồn: https://vietnamnet.vn/hon-3-200-khach-tau-bien-huy-chuyen-di-den-nha-trang-2114147.html
4. Đề xuất tăng trần giá vé máy bay, miễn visa du lịch
Tại Tọa đàm Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt, do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam tổ chức chiều 24/2, trước thực tế lượng khách trong nước có tăng, nhưng khách quốc tế vẫn phục hồi thấp hơn kỳ vọng, trong khi chi phí đầu vào biến động mạnh, lãi suất tăng cao; các hãng hàng không đồng loạt kiến nghị cho tăng trần giá vé máy bay nội địa, tiến tới bỏ khung giá này trong luật. Cùng đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có chính sách thị thực (visa) với khách du lịch quốc tế cởi mở hơn.
Liên quan tới chính sách visa, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV – cho rằng, khách du lịch quốc tế tới Việt Nam đang phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng. Kể cả năm 2023, ngành du lịch cũng chỉ đặt mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế, trong khi năm 2019 thu hút 18 triệu lượt. “Số liệu đó cho thấy, việc khôi phục thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn rất khó khăn. Mở rộng chính sách miễn visa cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là nút thắt then chốt đặt ra hiện nay”, ông Lực nói. Các bên đều nhận diện, chính sách miễn visa cho khách du lịch quốc tế là nút cản lớn nhất trong phát triển du lịch Việt Nam, nếu không thay đổi du lịch sẽ khó phục hồi và cạnh tranh với các nước trong khu vực; tuy nhiên thực tế vẫn không mấy thay đổi. Trong khi 70-80% khách du lịch quốc tế đi bằng máy bay, nên du lịch khó, hàng không cũng khó có cơ hội phục hồi
Nguồn: https://tienphong.vn/de-xuat-tang-tran-gia-ve-may-bay-mien-visa-du-lich-post1512812.tpo
5. Vì sao khách du lịch Trung Quốc quan trọng với Việt Nam?
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 đạt hơn 930.000 lượt, tăng 7,1% so với tháng trước. Tính chung hai tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,8 triệu lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước. Mức tăng rất mạnh này do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội cho biết, mức này không quá cao bởi dù có gấp gần 32 lần so với cùng kỳ năm trước song vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Theo vị này, những tháng đầu năm nay khá sôi động vì đang mùa cao điểm với lượng khách Âu – Mỹ khá cao. Song chỉ 2 tháng nữa sẽ thưa dần khi vào mùa thấp điểm.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu đón khách quốc tế đặt ra năm nay, việc Trung Quốc có sớm đưa Việt Nam vào danh sách được đón tour du lịch hay không rất quan trọng. Năm 2019, Việt Nam đón tới 5,6 triệu du khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ông Lương Hoài Nam – thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) – nhấn mạnh, nếu không tăng nhanh được khách du lịch quốc tế đạt và vượt mức trước đại dịch COVID-19 thì không những các doanh nghiệp du lịch bế tắc và kiệt sức, mà các doanh nghiệp bất động sản đầu tư quá đà vào nghỉ dưỡng càng khốn khó hơn.
Nguồn: https://tienphong.vn/vi-sao-khach-du-lich-trung-quoc-quan-trong-voi-viet-nam-post1513901.tpo

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Hàng hóa phương Tây vẫn tuồn vào Nga
Theo Reuters, các thương hiệu phương Tây có thể rời khỏi Nga, nhưng hàng hóa của họ thì không. Do đó, tác động đối với người tiêu dùng Nga là không lớn, dù thời gian giao hàng lâu hơn hay giá cả tăng lên. Các tuyến giao nhận có thể thay đổi, nhưng sản phẩm vẫn có sẵn ở cả chợ trực tuyến lẫn cửa hàng. Người mua chỉ cần biết nơi để tìm. Điều quan trọng là phần lớn hàng hóa không phải mục tiêu trừng phạt và những dòng chảy xuyên biên giới này vẫn hợp pháp. Moscow cũng cho phép hàng hóa phương Tây tuồn vào nước dù đi theo con đường nào.
Khi các chuỗi cung ứng bị phá vỡ, Nga cũng hợp pháp hóa việc nhập khẩu song song (parallel import) của những hãng bán lẻ trong nước. Như vậy, họ có thể mua hàng từ nước ngoài mà không cần được chủ sở hữu nhãn hiệu đồng ý. Trong khi đó, các dữ liệu chỉ ra những quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga đang tăng cường xuất khẩu sang nước này. Năm ngoái, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt kỷ lục 1.280 tỷ nhân dân tệ (186 tỷ USD), còn xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng vọt 61,8% lên 9,34 tỷ USD.
Nguồn: https://zingnews.vn/hang-hoa-phuong-tay-van-tuon-vao-nga-post1405827.html
2. Nga nỗ lực hồi sinh các thương hiệu thời Xô viết, nhưng không dễ
Trong nỗ lực đẩy mạnh sản xuất nội địa, giảm thiểu hàng hóa nhập khẩu, Nga đang tiến hành hồi sinh nhiều thương hiệu mang tính biểu tượng thời Xô viết, trong đó bao gồm xe đạp Kama và ô tô Moskvich. Trong bối cảnh vắng bóng các thương hiệu phương Tây, việc các doanh nghiệp Nga tận dụng hình ảnh của các thương hiệu nổi tiếng trong quá khứ có thể coi là một sự lựa chọn không tồi. Điều này sẽ giúp họ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhanh hơn, và khơi gợi tâm lý hoài cổ trong nhóm người lớn tuổi. Dẫu vậy, không ít người vẫn tỏ ra hoài nghi về ý tưởng này và cho rằng việc xây dựng các thương hiệu mới sẽ hiệu quả hơn là làm sống lại những thương hiệu đã từng thất bại trong quá khứ. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng có ấn tượng không mấy tích cực với các sản phẩm nội địa. Ngay cả khi các sản phẩm mang thương hiệu truyền thống có thể khơi gợi ký ức của một số người, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố then chốt để thu hút người tiêu dùng Nga.
Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm là điều không hề dễ dàng đối với các doanh nghiệp Nga vốn chưa có nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc lấp đầy lỗ hổng mà các doanh nghiệp phương Tây để lại trên thị trường nội địa. Với trường hợp của nhà máy Forward, việc sản xuất những chiếc xe đạp Kama cần đến rất nhiều linh kiện có nguồn gốc tại cả Nga và nước ngoài. Và trong bối cảnh nền kinh tế Nga vẫn đang đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây, tình hình trở nên hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, năng lực của các nhà sản xuất Nga cũng còn hạn chế. Theo Reuters, trong khi việc phát triển các mẫu xe Kama vẫn được thực hiện ở nhà máy tại Perm (Nga), việc hàn và sơn hầu hết khung xe đạp lại được thực hiện tại một số nhà máy chuyên biệt ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Sự ảm đạm về doanh số diễn ra trong bối cảnh thị trường ô tô Nga dù yếu đi vì khó khăn kinh tế nhưng vẫn đang rất khát nguồn xe chất lượng cao. Theo Reuters, người tiêu dùng Nga hiện đang có xu hướng chuyển sang mua các mẫu xe đã qua sử dụng, với giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn, thay vì lựa chọn mua xe nội địa. Đây được coi là tín hiệu không mấy khả quan cho ngành sản xuất Nga, bởi nó cho thấy ngay cả khi các sản phẩm phương Tây đã dần vắng bóng, khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà của các thương hiệu nội địa, dù là “vang bóng một thời” như Moskvich cũng chưa được cải thiện hơn là bao. Đây sẽ là thách thức lớn mà các nhà sản xuất của Nga cần phải vượt qua, nếu không muốn một lần nữa thất bại như những thương hiệu thời Xô Viết.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nga-no-luc-hoi-sinh-cac-thuong-hieu-thoi-xo-viet-nhung-khong-de/
3. Doanh thu đường sách năm 2022 đạt hơn 51,6 tỷ đồng
So với năm 2021, tổng doanh thu năm 2022 của các đơn vị tại Đường Sách đạt 51.64 tỷ đồng, tăng 113.7%. Các đơn vị tại Đường Sách có doanh thu tăng mạnh, không có đơn vị nào giảm doanh thu (11 đơn vị có doanh thu hơn gấp đôi năm 2021). Trong năm 2022, số lượng sách bán ra đạt 659.697 cuốn. Trong đó, doanh thu sách thiếu nhi đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng 236% so với năm 2021. Tuy nhiên số tựa sách mới đạt 3.224 tựa giảm 3.8%. Bên cạnh đó, đường sách đã tổ chức hơn 435 chương trình hoạt động, sự kiện thu hút hơn 3 triệu lượt khách.
Theo ông Lê Hoàng – Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM, khách du lịch đến với đường sách rất đông, chiếm 30%. Đây là một điều mà các đơn vị phải nghiên cứu, bên cạnh sách, chúng ta phải có những văn hóa phẩm để phục vụ khách du lịch. Ông Nguyễn Hữu Hoạt – tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam, dự báo trong vài năm tới khi nhà thờ Đức Bà trùng tu xong, đường sách sẽ đón một lượng khách nước ngoài rất lớn vì cùng nằm trong khu vực trung tâm này. Ông Hoạt cho rằng các đơn vị kinh doanh tại đây nên nghĩ ra thêm những sản phẩm lưu niệm mới, đặc sắc để đón đầu xu hướng, thu hút người mua.
Nguồn: https://plo.vn/doanh-thu-duong-sach-nam-2022-dat-hon-516-ty-dong-post721141.html
4. Nghệ sĩ Việt làm quảng cáo trên mạng xã hội: Quảng cáo bất chấp chất lượng
Việc nghệ sĩ Việt quảng cáo cho hàng kém chất lượng đã có từ nhiều năm trước. Sau khi bị khán giả đồng loạt chỉ trích, một số nghệ sĩ xin lỗi trên trang cá nhân, gỡ bỏ các quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc. Số lượng các video clip quảng cáo của nghệ sĩ có giảm nhưng gần đây lại nở rộ.
Tình trạng các gương mặt nổi tiếng nhận tiền từ các nhãn hàng để đăng tải nội dung quảng cáo trên Facebook cá nhân là điều không hiếm gặp, nhưng điều đáng nói là khi các nội dung quảng cáo này bị dân mạng phát hiện phản ánh là quảng cáo không đúng sự thật, họ thường âm thầm xóa các bài viết đã đăng. Động thái này khiến dư luận bức xúc và cho đó là hành động thiếu trách nhiệm, chỉ biết nhận tiền để đăng bài quảng cáo mà không nghĩ đến hậu quả có thể gây ra.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/nghe-si-viet-lam-quang-cao-tren-mang-xa-hoi-quang-cao-bat-chap-chat-luong-20230223204154051.htm
5. Xu hướng thị trường tiếp thị liên kết Việt bùng nổ, đạt 1.200 tỷ trong năm 2023
Theo báo cáo “Vietnam Affiliate Report 2022” vừa được ACCESSTRADE công bố, hiện nay, tiếp thị liên kết được xác định là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la. Theo nghiên cứu, ước tính chi tiêu toàn cầu cho lĩnh vực này năm 2022 khoảng 13 tỷ USD và sẽ tăng lên 15,7 tỷ USD vào năm 2024. Còn tại Việt Nam, năm 2022 đánh dấu sự thăng hoa của Affiliate Marketing ở Việt Nam khi ước tính quy mô thị trường tiếp thị liên kết trong nước năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 45%. Các nghiên cứu cho thấy, thị trường vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng mạnh và dự kiến sẽ tăng lên hơn 1.200 tỷ đồng trong năm 2023.
Với thế mạnh về hiệu quả và tối ưu ngân sách, Affiliate Marketing đã đóng góp 10%- 50% tổng ngân sách và lượng hàng hóa kênh online (GMV) cho các doanh nghiệp. Tạo ra khoảng 30 triệu đơn hàng/tháng trong tổng số lượng giao dịch. Doanh số bán hàng từ tiếp thị liên kết sẽ chiếm khoảng 4% tổng doanh số bán hàng của thương mại điện tử bán lẻ B2C năm 2022.
Nguồn: https://vneconomy.vn/xu-huong-thi-truong-tiep-thi-lien-ket-viet-bung-no-dat-1-200-ty-trong-nam-2023.htm
6. Đưa TikTok tới các chủ thể OCOP
Sáng 28/2, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và TikTok ký kết hợp tác Chiến lược nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc hợp tác này nhằm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống, du lịch nông thôn trên môi trường số.
Trong khuôn khổ hợp tác, TikTok sẽ đồng tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn về cách xây dựng nội dung video ngắn, về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business, đồng thời thiết lập ngành hàng riêng cho sản phẩm OCOP trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop. Không chỉ tập trung đẩy mạnh các nhóm sản phẩm về thực phẩm, nông sản, TikTok sẽ hợp tác cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thí điểm số hóa một số làng nghề truyền thống và hỗ trợ hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, loại hình thủ công mỹ nghệ cho các nghệ nhân thông qua các công cụ sáng tạo trên nền tảng.
Nguồn: https://bnews.vn/dua-tiktok-toi-cac-chu-the-ocop/282472.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Đồng hồ dành cho nữ giới ngày càng nhiều
Giống như xe hơi, đồng hồ từng được cho là sản phẩm dành riêng cho phái mạnh. Tuy nhiên, lĩnh vực đồng hồ toàn cầu đã chứng kiến sự gia tăng doanh số trong dòng sản phẩm dành cho phụ nữ. Theo SWI, nhiều thương hiệu đồng hồ đang nhiệt tình lăng xê các mẫu phụ kiện nữ, ghi nhận mức độ tăng trưởng lớn trong ngành hàng nữ giới.
Nhiều người cho rằng dòng sản phẩm dành cho nam giới chiếm phần lớn doanh thu của lĩnh vực đồng hồ. Tuy nhiên, theo báo cáo được công bố vào tháng 5/2022 bởi Allied Market Research, ngành đồng hồ nữ đang có giá trị lớn hơn. Ngành hàng này đạt mức 23,7 tỷ USD trong năm 2019, tương đương 54,4% tổng thị trường. Con số này dự kiến tăng lên 26,7 tỷ USD vào năm 2027.
Nguồn: https://zingnews.vn/dong-ho-danh-cho-nu-gioi-ngay-cang-nhieu-post1405987.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. FPT mua lại mảng dịch vụ công nghệ của một doanh nghiệp Mỹ
Ngày 23/2, Tập đoàn FPT công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng Dịch vụ Công nghệ (IT Services) – một trong những mảng kinh doanh chiến lược của Intertec International (Intertec) có trụ sở tại Medellín, thành phố lớn thứ hai của Colombia. Trước đó, từ năm 2021, FPT đã có khoản đầu tư ban đầu vào Intertec. Sau gần 2 năm hợp tác, hai doanh nghiệp đã cùng mang đến cho các khách hàng trải nghiệm toàn diện từ tư vấn, thiết kế đến xây dựng hệ thống, sáng tạo giải pháp công nghệ “may đo” theo nhu cầu, cũng như cung ứng hỗ trợ công nghệ 24/7.
Cùng với mạng lưới 22 trung tâm cung ứng công nghệ của FPT trên toàn thế giới, mảng dịch vụ công nghệ của Intertec mới sáp nhập sẽ giúp hai bên đảm bảo đồng hành cùng khách hàng nhanh nhất ở mọi múi giờ, mọi địa điểm trên thế giới và khai thác tối đa các cơ hội không giới hạn từ thị trường các nước nói tiếng Anh. Đồng thời, giúp FPT nâng cao hơn năng lực đáp ứng chất lượng sản phẩm, giải pháp trên mảng phần mềm linh hoạt (Agile Software) cho khách hàng.
Mỹ là một trong hai thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT, đóng góp mức lợi nhuận cao nhất trong số toàn bộ các thị trường, với mức độ tăng trưởng năm 2022 là 50%. Doanh số FPT Americas đã tăng 5 lần và lợi nhuận tăng 10 lần trong giai đoạn từ 2017 đến 2022. FPT dự kiến tiếp tục mở rộng hiện diện và đặt mục tiêu đạt quy mô 1.000 nhân sự ở khu vực Mỹ Latin trong hai năm tới.
Nguồn: https://mekongasean.vn/fpt-mua-lai-mang-dich-vu-cong-nghe-cua-mot-doanh-nghiep-my-post18144.html
2. TikTok chính thức có ứng dụng trên tivi tại Việt Nam
Theo thông báo mới nhất của TikTok, nền mạng xã hội chia sẻ nội dung Video của ByteDane đã cho ra mắt ứng dụng OTT TV của riêng mình tại khu vực Đông Nam Á dành cho các thiết bị tivi thông minh chạy hệ điều hành Android và một số thiết bị TV thông minh của LG và Samsung. Ứng dụng với tên gọi TikTok TV có cơ chế hoạt động tương tự như ứng dụng TikTok trên thiết bị di động cho phép người dùng có thể theo dõi các đoạn video ngắn được đăng tải chia sẻ từ những người sản xuất nội dung trên mạng.
Trên thực tế từ năm 2020, TikTok TV đã có mặt trên các thiết bị TV thông minh cung cấp cho thị trường Anh, Pháp và Đức. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên TikTok TV xuất hiện tại thị trường Đông Nam Á. Đây là một nước đi của TikTok cạnh tranh trực tiếp đối với các đối thủ như là Netflix, YouTube,… tại một trong những thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới.
Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/tiktok-chinh-thuc-co-ung-dung-tren-tivi-tai-viet-nam-20230222125341839.htm
3. Nhà Trắng ra tối hậu thư về xóa TikTok
Nhà Trắng hôm 27/2 thông báo các cơ quan chính phủ có 30 ngày để xóa TikTok khỏi tất cả thiết bị và hệ thống liên bang. Trong nỗ lực đảm bảo an toàn cho dữ liệu của Mỹ, tất cả cơ quan liên bang phải xóa ứng dụng TikTok khỏi điện thoại và hệ thống, đồng thời cấm truy cập Internet đến công ty này, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young chỉ thị với cơ quan liên quan trong bản ghi nhớ hướng dẫn mà Reuters xem được. Trước khi Nhà Trắng ra thông báo, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa và Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấm ứng dụng này trên thiết bị công.
Ngày 28/2, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm TikTok trên toàn bộ các thiết bị của Mỹ. Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ cho phép chính quyền cấm đối với không chỉ TikTok mà bất kỳ ứng dụng phần mềm nào đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Trước đó, hôm 27/2, Canada đã tuyên bố cấm TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ cấp, bởi mức độ rủi ro “không thể chấp nhận được” đối với quyền riêng tư và bảo mật.
Nguồn: https://zingnews.vn/nha-trang-ra-toi-hau-thu-ve-xoa-tiktok-post1407411.html
4. Grab cắt giảm chi phí vận hành, đặt mục tiêu có lãi vào cuối năm nay
Lãnh đạo của Grab tuyên bố công ty sẽ đặt mục tiêu có lãi vào cuối năm nay. Trước đó, Grab kỳ vọng hoàn thành mục tiêu này vào nửa cuối năm 2024. Grab đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường Đông Nam Á, ra mắt các dịch vụ mới nhất như GrabShare tại Philippines, kết hợp với WeChat để cung cấp dịch vụ riêng cho du khách Trung Quốc.
Trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp công nghệ lớn, trong đó có Sea Limited và GoTo đều tiến hành sa thải nhân sự, được xem là một trong những cách thắt chặt dòng tiền. Trong khi Grab vẫn chưa thực hiện các đợt sa thải hàng loạt như vậy ngay cả khi giá cổ phiếu của công ty trên sàn giao dịch Mỹ lao dốc sau khi IPO hơn một năm trước. Tuy nhiên, công ty vẫn sẽ tiếp tục thắt chặt chi phí bằng cách giảm thêm chi phí vận hành khoảng 5%-10% trong năm nay.
Nguồn: https://mekongasean.vn/grab-cat-giam-chi-phi-van-hanh-dat-muc-tieu-co-lai-vao-cuoi-nam-nay-post18179.html
5. Ford phải mua giấy phép của Trung Quốc để sản xuất pin xe điện
Hôm 13/2, Ford Motor thông báo lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện trị giá 3,5 tỷ USD ở Michigan, sử dụng công nghệ được cấp phép từ công ty Trung Quốc, nhà sản xuất pin EV lớn nhất thế giới. Nhà máy được xây dựng ở Marshall, một thị trấn nông thôn cách Detroit khoảng 100 dặm về phía tây, sẽ là nhà máy mới nhất trong danh sách ngày càng nhiều những nhà máy sản xuất pin và ô tô điện mới mà các doanh nghiệp Mỹ công bố trong những tháng gần đây. Ford dự kiến ​​sẽ tuyển dụng khoảng 2.500 việc làm tại nhà máy và bắt đầu sản xuất vào năm 2026. Theo đó, Ford sẽ sở hữu 100% nhà máy, bao gồm cả tòa nhà và cơ sở hạ tầng. Các công nhân của Ford sẽ chế tạo pin, trong khi CATL sở hữu công nghệ và dịch vụ.
Thỏa thuận Ford-CATL là một phần của sự đảo ngược vai trò đối với ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và Trung Quốc. Ba thập kỷ trước, Trung Quốc hào hứng mời các nhà sản xuất ô tô Mỹ mang đầu tư và chuyên môn đến Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã tiến vào Trung Quốc để thành lập liên doanh với các nhà sản xuất địa phương để dạy họ nghệ thuật chế tạo ô tô. Ngày nay, vị thế và vai trò đã bị đảo ngược khi một trong những doanh nghiệp công nghệ khổng lồ nổi tiếng nhất của Mỹ yêu cầu Trung Quốc cung cấp công nghệ cần thiết để sản xuất trong bối cảnh ngành ô tô toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Các công ty khác có thể xem xét một thỏa thuận tương tự để giảm chi phí cao khi nhập khẩu pin từ Trung Quốc. Hiệp ước cũng cung cấp một khuôn mẫu cho các nhà sản xuất pin Trung Quốc muốn thiết lập sự hiện diện ở Mỹ.
Nguồn: https://markettimes.vn/thoi-the-thay-doi-that-roi-nha-san-xuat-o-to-khong-lo-tu-my-phai-mua-giay-phep-cua-trung-quoc-de-san-xuat-pin-18068.html
6. Tesla xây dựng nhà máy sản xuất ôtô điện quy mô lớn tại Mexico
Ngày 28/2, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thông báo hãng ôtô điện Tesla (Mỹ) sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất trị giá 5 tỷ USD ở miền Bắc nước này nhằm mở rộng quy mô hoạt động. Tổng thống Obrador nhấn mạnh dự án khổng lồ nói trên sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm cho người dân nước này, cũng như thể hiện quyết tâm của Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla Elon Musk trong việc đưa Mexico thành một mắt xích quan trọng trong nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất trên toàn cầu của hãng này.
Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Martha Delgado cho rằng con số đầu tư thực tế của dự án có thể vượt 5 tỷ USD. Với công suất dự kiến 1 triệu xe/năm, nhà máy của Tesla tại Mexico sẽ cung cấp xe cho thị trường trong nước, cũng như toàn cầu. Hiện tại, ngoài 2 nhà máy ở bang California và Texas (Mỹ), Tesla còn có nhà máy tại Berlin (Đức) và Thượng Hải (Trung Quốc).
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tesla-xay-dung-nha-may-san-xuat-oto-dien-quy-mo-lon-tai-mexico/848698.vnp

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Giá dầu dự báo tăng mạnh
Nền kinh tế số 2 thế giới mở cửa mang đến sinh khí cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng có lo ngại rằng khi Trung Quốc tăng nhập khẩu năng lượng sẽ góp phần làm cho lạm phát toàn cầu tăng cao. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm nay, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2%. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu dự báo sẽ đạt 101,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm trước và là mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Riêng Trung Quốc, nhu cầu dự kiến sẽ tăng 900.000 thùng/ngày, chiếm gần một nửa mức tăng dự báo của toàn thế giới.
Nhiều chuyên gia dự báo giá dầu tăng mạnh do thiếu cung từ giữa năm 2023. Dù lạm phát ở Mỹ, châu Âu đạt đỉnh, nhưng nhiều ý kiến lo ngại nhu cầu nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc tăng mạnh có thể tiếp tục làm tăng lạm phát của Mỹ và châu Âu.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-dau-du-bao-tang-manh-20230226204231837.htm
2. ADB ký kết khoản vay cho dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty TNHH Điện gió Monsoon (Moosoon) đã ký gói tài trợ dự án không truy đòi trị giá 682,55 triệu USD để xây dựng nhà máy điện gió công suất 600 MW tại các tỉnh Sekong và Attapeu ở khu vực phía Nam của Lào. Với 133 tua-bin gió, đây sẽ là dự án lớn nhất ở Đông Nam Á cho đến nay và cũng là nhà máy điện gió đầu tiên ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào). Cung cấp điện xuyên biên giới là một trụ cột tăng trưởng kinh tế của Lào. Việc tận dụng nguồn tài nguyên gió chưa được khai thác của Lào có thể giúp đa dạng hóa nguồn năng lượng do mùa khai thác tài nguyên gió ngược với mùa mưa, vốn hỗ trợ cho việc sản xuất thủy điện của Lào. Dự án sẽ giảm lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ít nhất là 748.867 tấn các-bon đi-ô-xít tương đương.
Ông Jackie B. Surtani, Trưởng Ban Tài chính Cơ sở hạ tầng Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương thuộc Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB nhận định: “Khoản tài trợ từ ADB và các đối tác sẽ giúp khơi thông nguồn tài nguyên gió chưa được khai thác của CHDCND Lào, tạo cơ sở cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và tăng trưởng xanh, sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế”.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/adb-ky-ket-khoan-vay-cho-du-an-dien-gio-lon-nhat-dong-nam-a-post316096.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Vốn FDI chảy vào Trung Quốc giảm xuống thấp nhất 18 năm
Dòng vốn FDI chảy vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đình trệ trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ dâng cao, triển vọng tăng trưởng mờ nhạt và lo ngại về rủi ro thụt lùi trong cải cách kinh tế. Vốn FDI vào Trung Quốc đạt tổng cộng 42,5 tỉ đô la Mỹ vào nửa cuối năm ngoái, theo dữ liệu chính thức. Con số này giảm đến 73% so với cùng kỳ năm trước đó, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1999. Từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, vốn FDI vào Trung Quốc đạt mức trung bình hơn 160 tỉ đô la trong mỗi nửa năm. Trong khi đó, FDI của các công ty Trung Quốc tăng 21% lên 84,1 tỉ đô la. Đây là lần đầu tiên dòng vốn mà Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài lớn hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào trong 5,5 năm.
Khi vốn nước ngoài chuyển dịch khỏi Trung Quốc, dòng chảy FDI vào các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á tăng lên. Chẳng hạn, Thái Lan ghi nhận lượng FDI đăng ký mới tăng 36% trong năm ngoái, lên con số 433,9 tỉ baht (12,4 tỉ đô la Mỹ). Tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến ngày 20-12, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 22,4 tỉ đô la, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/von-fdi-chay-vao-trung-quoc-giam-xuong-thap-nhat-18-nam/
2. UOB mua xong mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam
Ngân hàng UOB vừa có thông báo về việc hoàn tất thu mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, bao gồm việc nhận chuyển giao khoảng 575 nhân viên thuộc Citigroup sang Ngân hàng UOB Việt Nam. Mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup bao gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi.
Trước đó, UOB đã hoàn tất mua lại mảng kinh doanh này của Citigroup tại thị trường Thái Lan và Malaysia vào tháng 11/2022. Tại thị trường Indonesia, UOB dự kiến hoàn tất việc mua lại mảng tiêu dùng của Citigroup vào cuối năm 2023.
Nguồn: https://zingnews.vn/uob-mua-xong-mang-ngan-hang-tieu-dung-cua-citigroup-tai-viet-nam-post1407783.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Đua nhau chặt cà phê, tiêu trồng sầu riêng: Cảnh báo lặp lại ‘vết xe đổ’
Theo Cục Trồng trọt  – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay tại các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng có hiện tượng phát triển nóng. Đặc biệt, từ sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, giá bán tăng cao , người dân đổ xô mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp. Thậm chí, một số địa phương, người dân còn phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sầu riêng…
Theo Cục Trồng trọt, việc tăng diện tích sầu riêng thiếu kiểm soát, không theo định hướng của các cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Trường hợp cung vượt quá cầu, và trồng tại những khu vực không phù hợp, người trồng sầu riêng rất dễ bị thiệt hại nghiêm trọng như những cơn sốt tiêu, cam sành rớt đã xảy ra.
Nguồn: https://tienphong.vn/dua-nhau-chat-ca-phe-tieu-trong-sau-rieng-canh-bao-lap-lai-vet-xe-do-post1512481.tpo
2. Liên tục xảy ra cháy mía, nông dân Gia Lai như “ngồi trên đống lửa”
Vừa qua, vùng nguyên liệu mía ở các tỉnh phía Đông Nam tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra hàng chục vụ cháy mía. Mía bị cháy không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch thu mua, sản xuất của doanh nghiệp. Hiện các địa phương phối hợp với doanh nghiệp và người dân đang triển khai nhiều giải pháp phòng chống cháy, tăng tốc thu hoạch mía giúp nông dân giảm nhẹ thiệt hại. Theo Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai, từ sau Tết Nguyên đán, tình hình cháy mía trong vùng nguyên liệu của đơn vị diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Đến nay, đã xảy ra 30 vụ cháy mía với diện tích thiệt hại hơn 270 ha, tăng gấp 5 lần so với vụ trước.
Xã Hbông là vùng trồng mía trọng điểm của huyện Chư Sê với hơn 1500 ha. Ông Bùi Văn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Hbông thông tin, từ đầu năm đến nay, xã đã xảy ra hai vụ cháy mía, thiệt hại gần 30 ha của 17 hộ gia đình. Tình trạng cháy mía cũng đang xảy ra ở hầu hết các vùng nguyên liệu phía Đông Nam tỉnh Gia Lai. Ông Trần Huỳnh Đức, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa thông tin, niên vụ 2022-2023, huyện có trên 4.000 ha mía. Thời điểm này hơn 1.700 ha mía đã được thu hoạch. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt cũng khiến Ia Pa xảy ra 15 vụ cháy mía trên diện tích 24ha.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/lien-tuc-xay-ra-chay-mia-nong-dan-gia-lai-nhu-ngoi-tren-dong-lua-post1003859.vov
3. Nhà máy đường lo thiếu nguyên liệu
Theo số liệu từ ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đến thời điểm này diện tích trồng mía của địa phương chỉ đạt khoảng hơn 2.000ha, chủ yếu là phục vụ cho cơ sở ép làm nước giải khát, như vậy nguy cơ niên vụ tới nhà máy đường Phụng Hiệp không còn mía nguyên liệu để sản xuất. Theo ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết nhà máy đường Phụng Hiệp có công suất trên 2.000 tấn mía/ngày nhưng niên vụ 2021 – 2022, nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép được hơn 70.000 tấn mía. Như vậy, thời gian hoạt động của nhà máy chưa đầy 1 tháng/1 năm, còn lại 11 tháng/năm thì phải “ngồi chơi, xơi nước” nhưng phải tốn nhiều chi phí để duy trì nhà máy nên hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ triền miên.
Nhằm để khuyến khích nông dân trồng mía trở lại, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã công bố chính sách đầu tư sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu trong 3 vụ liên tiếp, kéo dài từ năm 2023 đến năm 2026. Theo đó, khi hộ dân trồng mía có nhu cầu sẽ được công ty đầu tư bằng tiền hoặc vật tư để cải tạo đất, giống mía và mua phân bón và thế chấp bằng sản lượng mía giao cho nhà máy. Đến vụ, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản lượng mía theo hợp đồng đã ký với giá bảo hiểm 1.000 đồng/kg mía sạch 10CSS tại ruộng. Nếu giá mía thị trường cao hơn giá bảo hiểm, Công ty sẽ điều chỉnh giá thu mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hộ nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp thì với chi phí hiện nay giá thành sản xuất 1 kg mía đã trên 1.000 đồng. Do đó mức giá bảo hiểm của nhà máy đưa ra 1.000đồng/kg chưa đủ hấp dẫn người trồng mía.
Phó chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Lê Như Lê cho biết do nhiều năm nay giá mía gần như không tăng trong khi chí phí tăng đã làm nông dân thua lỗ và đang chuyển dịch mạnh sang cây trồng khác. Để thay thế cho cây mía kém hiệu quả, địa phương cũng định hướng cho các nông hộ mở rộng diện tích trồng khóm MĐ 2 và chanh không hạt, bước đầu trồng thí điểm cho thấy 2 loại cây trồng này rất thích hợp để trồng trên nền đất trồng mía; toàn bộ sản phẩm cũng được công ty West Food và Công ty TNHH MTV The Fruit Republic (Hà Lan) tại TP.Cần Thơ bao tiêu.
Nguồn: https://nhadautu.vn/nha-may-duong-tai-hau-giang-dung-truoc-nguy-co-phai-dong-cua-d74065.html
4. Nông sản Việt thu hút khách tham quan triển lãm HortEx Vietnam 2023
Ngày 1/3, Triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 5 chuyên ngành sản xuất và chế biến rau, hoa, quả Việt Nam (HortEx Vietnam 2023) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm, tham gia của gần 200 thương hiệu đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ như Bỉ, Trung Quốc, Cộng hòa Síp, Ai Cập, Pháp, Đức, Hi Lạp, Ấn Độ, Israel, Italy, Nhật Bản, Kenya, Latvia, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Việt Nam.
Được biết, các chương trình hội thảo diễn ra trong 3 ngày từ 1-3/3/2022 tại HortEx Vietnam 2023 gồm: Diễn đàn xuất khẩu (Export Forum) sẽ diễn ra trong 2 ngày 1-2/3/2023, với nhiều thông tin, chính sách, quy định xoay xoanh các chủ đề chính: Rau quả tươi xuất khẩu, rau quả chế biến xuất khẩu (do Vụ Thị trường châu Á – châu Phi và Cục Chất lượng-Chế biến và Phát triển thị trường phụ trách); Cơ hội – xu hướng – thị trường xuất khẩu cho rau hoa quả Việt Nam (Hiệp hội hoa Đà Lạt, Dummen Orage, Bureau Leeters, The Fruit Republic…) tổ chức.
Nguồn: https://congthuong.vn/nong-san-viet-thu-hut-khach-tham-quan-trien-lam-hortex-vietnam-2023-244408.html
5. Phát hiện cúm A/H5N1 gây chết người, yêu cầu ‘khóa chặt’ vận chuyển trái phép qua biên giới
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thời gian gần đây tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do vi rút Cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng. Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh gây ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới,… kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm trái phép vào Việt Nam.
Nguồn: https://tienphong.vn/phat-hien-cum-ah5n1-gay-chet-nguoi-yeu-cau-khoa-chat-van-chuyen-trai-phep-qua-bien-gioi-post1513130.tpo
6. Cà Mau đề xuất dự án chống chịu khí hậu với tổng vốn hơn 960 tỷ đồng
Thông tin từ CTTĐT tỉnh Cà Mau ngày 1/3, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn gửi Bộ KH&ĐT; Bộ Tài chính; Bộ NN&PTNT về việc đề xuất Dự án ‘Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long – tỉnh Cà Mau’ tại huyện Cái Nước. Theo đó, cơ quan chủ quản thực hiện dự án là UBND tỉnh Cà Mau, chủ đầu tư dự kiến là Ban Quản lý các dự án ODA và NGO tỉnh Cà Mau. Nhà tài trợ của dự án là Ngân hàng Thế giới (World Bank). Dự án này thuộc dự án nhóm B, được thực hiện tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 960,31 tỷ đồng (tương đương khoảng 41,4 triệu USD). Thời gian chuẩn bị dự án dự kiến trong khoảng 2 năm (2023 – 2024) và thực hiện khoảng 4 năm (2025 – 2028).
Theo tỉnh Cà Mau, dự án ra đời nhằm tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại khu vực phía đông huyện Cái Nước – vùng Nam Cà Mau. Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm phát triển sinh kế bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác tổng hợp và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng dự án. Ngoài ra, dự án đưa ra mục tiêu xây dựng tuyến đê tây sông Bảy Háp và các cổng kết hợp cầu giao thông để đảm bảo kiểm soát nguồn nước, ngăn triều cường, phục vụ sản xuất với diện tích hơn 20.000 ha đất khu vực vùng dự án.
Nguồn: https://mekongasean.vn/ca-mau-de-xuat-du-an-chong-chiu-khi-hau-voi-tong-von-hon-960-ty-dong-post18397.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc qua đường sắt Trung – Lào tăng gấp 5 lần
Truyền thông Trung Quốc dẫn số liệu từ Tập đoàn Đường sắt nước này – Văn phòng tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, đường sắt Trung Quốc – Lào đã vận chuyển hơn 600.000 tấn hàng hóa xuyên biên giới, trong đó hàng hóa nhập khẩu 510.000 tấn, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, kể từ khi khai trương đến 22/2, 15,6 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua tuyến đường sắt này. Trong đó, đoạn nội địa Trung Quốc đạt 12,2 triệu tấn, đoạn ở nước ngoài 3,4 triệu tấn với lượng hàng hóa vận chuyển xuyên biên giới đạt 2,98 triệu tấn.
Tuyến đường sắt Trung-Lào chính thức khánh thành ngày 3/12/2021. Theo phía Trung Quốc, cùng với sự tăng cường phối hợp giữa cơ quan đường sắt và hải quan, cũng như việc thúc đẩy thực hiện phương thức thông quan và quá cảnh nhanh, thời gian thông quan tại cửa khẩu đường sắt Mohan đã giảm từ hơn 40 giờ xuống còn dưới 5 giờ. Đến nay, các chuyến tàu chở hàng xuyên biên giới trên tuyến đường sắt này đã tăng từ trung bình 2 chuyến/ngày khi mới khai trương lên 12 chuyến/ngày hiện nay. Chủng loại hàng hóa cũng tăng từ hơn 10 loại trong giai đoạn đầu, lên hơn 1.200 loại, gồm hàng điện tử, quang điện và trái cây.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/hang-hoa-nhap-khau-vao-trung-quoc-qua-duong-sat-trung-lao-tang-gap-5-lan-post1003829.vov
2. Sầu riêng Philippines vào Trung Quốc tạo ra “cuộc đua nóng”
Văn phòng Tổng thống Philippines ngày 23/2 cho biết, Bộ Nông nghiệp nước này đã báo cáo lên Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos về kế hoạch xuất khẩu ban đầu 7.500 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, số sầu riêng này được lấy từ 59 trang trại và hộ nông dân khác nhau đã đăng ký hoạt động với tổng diện tích trồng sầu riêng khoảng 400 ha, tập trung ở các vùng sản xuất sầu riêng lớn tại thành phố Davao và các tỉnh Davao del Sur, Bắc Cotabato. Ít nhất 4 doanh nghiệp Trung Quốc đã cam kết mua sầu riêng của Philippines trong năm 2023 với giá trị lên tới 260 triệu USD.
Hồi giữa tháng 2/2023, Trung Quốc thông báo cho phép nhập khẩu thêm sầu riêng tươi từ Philippines, sau khi mặt hàng này đáp ứng một số yêu cầu kiểm dịch thực vật. Thông báo được đưa ra sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, trong đó hai quốc gia đã ký kết thỏa thuận xuất nhập khẩu trái cây trị giá 2 tỷ USD. Với việc Trung Quốc mở cửa thêm cho trái sầu riêng Philippines, “cuộc đua” nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, cạnh tranh giá cả và mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng giữa các nước Đông Nam Á được cho là sẽ ngày càng tăng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/sau-rieng-philippines-vao-trung-quoc-tao-ra-cuoc-dua-nong-post1003787.vov
3. Vì sao gạo Việt phải ‘thay tên đổi họ’ khi xuất ra nước ngoài?
Chiều 24/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tọa đàm “Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam”. Theo Bộ NN&PTNT, nông sản Việt hiện có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới về sản lượng, nhưng giá bán chưa tương xứng. Chẳng hạn, xuất khẩu gạo và cà phê của Việt Nam thứ 2 thế giới, nhưng về giá chỉ đứng thứ 10. Còn xuất khẩu tiêu và điều số 1 thế giới, nhưng giá chỉ xếp thứ 8 và thứ 6.
Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân do việc xây dựng thương hiệu của nông sản Việt Nam còn yếu, các sản phẩm chưa tiếp cận sâu vào thị trường mà chủ yếu chỉ dùng là nguyên liệu cho thương hiệu nước ngoài. Tại tọa đàm, các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá, việc chưa xây dựng được thương hiệu đang khiến nông sản Việt lép vế so với nông sản nhiều nước trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu hiện mới chỉ xuất hiện chủ yếu ở các cửa hàng dành riêng cho người Việt, còn chưa thể tiếp cận trực tiếp đến tay người tiêu dùng nước ngoài.
Theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex Group, chúng ta có rất nhiều sản phẩm chất lượng tốt, nhưng chưa biết cách làm thương hiệu nên hình ảnh còn mờ nhạt. Do đó, Việt Nam cần khẩn trương lựa chọn những sản phẩm chủ lực để đầu tư xây dựng thương hiệu, giúp nông sản Việt thêm “sức mạnh mềm” khi ra thị trường thế giới. Bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) – cho rằng, chung quy lại thương hiệu nông sản phải bắt đầu từ khâu sản xuất, quy trình canh tác. Làm sao đảm bảo chất lượng đồng đều, đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường, “ít nhưng chất lượng phải thống nhất, đồng bộ”.
Nguồn: https://tienphong.vn/vi-sao-gao-viet-phai-thay-ten-doi-ho-khi-xuat-ra-nuoc-ngoai-post1512803.tpo
4. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm mạnh
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong kỳ đầu tháng 2 (từ ngày 1 – 15/2), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 13,4 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 2, xuất khẩu của cả nước đạt 37 tỷ USD, giảm 3,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, do ảnh hưởng lạm phát từ các thị trường lớn, xuất khẩu một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam có dấu hiệu giảm mạnh như hàng dệt may giảm 845 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 664 triệu USD (giảm 35,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 574 triệu USD (giảm 10%); sắt thép các loại giảm 352 triệu USD (giảm 34,8%)…
Nguồn: https://tienphong.vn/ly-do-nhieu-mat-hang-xuat-khau-chu-luc-cua-viet-nam-giam-manh-post1513351.tpo
5. Vượt qua Mỹ, Trung Quốc bất ngờ ‘soán ngôi’ nhập nông sản Việt Nam
Bộ NN&PTNT vừa cho biết, trong tháng 2, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 1,8 tỷ USD (tăng gần 26%); chăn nuôi đạt 29 triệu USD (tăng 46,5%), đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD (giảm 5,2%),…Tuy nhiên, nhóm lâm sản chính chỉ đạt khoảng 872 triệu USD (giảm 10,7%) và thủy sản đạt 550 triệu USD (giảm 13,1%). Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,3 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Trung Quốc bất ngờ vươn lên trở thành thị trường số 1 nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần). Đứng thứ 2 là Mỹ với khoảng 1,2 tỷ USD (chiếm 19% thị phần); tiếp đến là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 563 triệu USD (chiếm 9%) và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 302 triệu USD (chiếm 4,8%).
Nguồn: https://tienphong.vn/vuot-qua-my-trung-quoc-bat-ngo-soan-ngoi-nhap-nong-san-viet-nam-post1513706.tpo
BSAi