Ảnh minh hoạ

Sản xuất hàng tiêu dùng

  • Táo Mỹ chỉ hơn 40.000 đồng/kg, trái cây nội địa lại tăng giá
Táo nhập khẩu từ Mỹ tươi rói, giá rẻ, đổ đống tại siêu thị, bán theo combo 129.000 đồng/3kg, tính ra chỉ hơn 40.000 đồng/kg, còn rẻ hơn cà chua beef (50.000 đồng/kg) cũng như nhiều loại trái cây khác trồng tại Việt Nam.
Không những rẻ hơn cà chua, táo Mỹ còn rẻ hơn nhiều loại hoa quả Việt Nam như xoài cát Hòa Lộc giá 65.500 đồng/kg, bưởi da xanh, măng cụt…
Ngoài táo Mỹ, một số loại trái cây nhập khác như quýt Úc cũng được các siêu thị bày bán giá mềm từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, cam Ai Cập Navel giá từ 49.000 đồng/kg…
Lý giải nguyên nhân nhiều loại trái cây, rau củ Việt giá tăng cao, nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống cho hay do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều vùng cung cấp rau, củ, quả cho TP.HCM bị ảnh hưởng hạn mặn, thiếu nước tưới dẫn đến nguồn cung giảm, không đủ sản lượng cung ứng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu, giá nhiều loại hoa quả, rau trái tăng mạnh thời gian qua.
Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên – tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – giải thích giá trái cây nhập ngày càng rẻ do Việt Nam là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, do đó nhiều sản phẩm trái cây ngoại nhập khẩu vào Việt Nam không bị đánh thuế.
Ông Nguyễn Đình Tùng – tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM) – cho hay giá bán của hầu hết trái cây nhập khẩu đang rất cạnh tranh bởi nhiều loại trái cây nước ngoài đang vào mùa.
Nguồn:https://tuoitre.vn/tao-my-chi-hon-40-000-dong-kg-trai-cay-noi-dia-lai-tang-gia-20240525203810379.htm  
  • Cảnh báo ngăn chặn bột xương thịt từ vùng dịch bò điên nhập lậu vào Việt Nam
Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước và An Giang có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển sản phẩm có chứa bột xương thịt từ châu Âu, nơi đang có dịch bò điên nhập lậu vào Việt Nam.
Bộ NN-PTNT nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp, trong thời gian gần đây có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đã vận chuyến các sản phẩm từ động vật nhai lại có chứa bột xương thịt động vật đã qua chế biến và có thể là các sản phẩm như bột hồng cầu và bột xương động vật từ châu Âu, nơi có dịch bò điên thông qua cửa khẩu Campuchia bằng xe tải hoặc sà lan vào Việt Nam. 
Các địa phương bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không được phép vào Việt Nam, nghi ngờ nhập lậu từ Campuchia.
Trường hợp bắt được lô hàng sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp, cơ quan chức năng các địa phương phải tiêu hủy ngay, trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi cơ quan thú y để xét nghiệm.
Nguồn:https://thanhnien.vn/canh-bao-ngan-chan-bot-xuong-thit-tu-vung-dich-bo-dien-nhap-lau-vao-viet-nam-185240523154136629.htm 
  • Trái cây Thái giá rẻ tràn ngập chợ Việt
Măng cụt, sầu riêng mini, mây, chôm chôm được các thương lái nhập từ Thái Lan, giá thấp hơn 30-40% so với năm ngoái và cạnh tranh với hàng Việt.
Từ tháng 5 nhiều trái cây nhiệt đới Thái Lan vào vụ thu hoạch. Khảo sát tại TP HCM cho thấy, trái cây Thái “ngập” chợ, được thương lái nhập về bán với giá hấp dẫn, thấp hơn khoảng 30% so với năm ngoái.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và Hóc Môn, nhiều loại trái cây Thái được tiểu thương nhập về với số lượng lớn. Bên cạnh hàng về chợ, năm nay nhiều đầu mối còn nhập và phân phối trực tiếp tại các chợ truyền thống và online.
Còn với mây Thái và sầu riêng giá sỉ khoảng 40.000-42.000 đồng một kg. Với hàng tuyển loại 1, giá nhỉnh hơn một chút, khoảng 50.000-60.000 đồng.
Nguồn:https://vnexpress.net/trai-cay-thai-gia-re-tran-ngap-cho-viet-4751147.html 
  • Doanh nghiệp dệt may: Cần chú trọng xúc tiến thương mại ở thị trường nội địa
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này:
Thị trường nội địa Việt Nam có 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng. Hiện nay, thu nhập bình quân của người Việt Nam vào khoảng 4000 USD và 5 đến 10 năm tới có khả năng đạt 5.000 – 8.000 USD/người/năm. Thu nhập được cải thiện khiến nhu cầu của người dân ngày càng tăng lên, không chỉ với hàng hoá thiết yếu mà cả với những nhóm ngành hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử…
Chưa kể, việc tham gia các khung khổ hội nhập, các FTA ngày càng khiến thị trường Việt Nam hấp dẫn khi hàng hoá nước ngoài nhập khẩu có thể tràn vào Việt Nam với giá rẻ do được hưởng thuế ưu đãi. Do đó, hiện nay, thị trường nội địa Việt Nam không chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn vào thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp dệt may nói riêng và doanh nghiệp nhiều ngành hàng khác nói chung không có lý gì không vươn lên để nắm lấy sân nhà, phối hợp với các kênh phân phối để phục vụ tiêu dùng nội địa.
Nguồn:https://congthuong.vn/doanh-nghiep-det-may-can-chu-trong-xuc-tien-thuong-mai-o-thi-truong-noi-dia-322547.html 
  • Phát hiện hóa chất độc hại cao trong sản phẩm của ‘đế chế’ thời trang Shein
Chính quyền Hàn Quốc ngày 28/5 cho biết một vài sản phẩm dành cho trẻ em được bán trên sàn thương mại điện tử Shein của Trung Quốc có chứa chất độc hại với hàm lượng gấp hàng trăm lần so với mức chấp nhận được.
Cụ thể, chính quyền thành phố Seoul cho biết một đôi giày chứa lượng phthalate gấp 428 lần mức cho phép. Đây cũng là mức cao nhất được ghi nhận cho đến nay trong các cuộc thanh tra của Seoul. Đồng thời họ cũng phát hiện ba chiếc túi có lượng phthalate cao gấp 153 lần giới hạn.
Phthalates được sử dụng rộng rãi để làm mềm nhựa và được tìm thấy trong hàng nghìn sản phẩm bao gồm hộp đựng, sản phẩm làm đẹp và đồ chơi. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, chúng đã được biết đến là nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố và có liên quan đến béo phì, bệnh tim, một số bệnh ung thư và các vấn đề về sinh sản.
Một quan chức thành phố Seoul có tên Park Sang-jin cho biết họ đã yêu cầu ngừng bán những sản phẩm này và cho biết kể từ khi thành phố bắt đầu kiểm tra vào tháng 4, hầu hết các nền tảng đều tuân thủ các yêu cầu đó.
“Sau khi có bất kỳ khiếu nại nào đối với sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi sẽ ngay lập tức xóa (các) sản phẩm đó khỏi trang web của mình trong khi tiến hành điều tra”, đại diện Shein cho biết. Công ty khẳng định sẽ có hành động tiếp theo thích hợp “nếu việc không tuân thủ được xác minh.
Nguồn:https://baomoi.com/phat-hien-hoa-chat-doc-hai-cao-trong-san-pham-cua-de-che-thoi-trang-shein-c49225228.epi 

Bán lẻ – Thương mại điện tử

  •  Cơ quan chống độc quyền Indonesia điều tra Shopee, Lazada
Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Cơ quan Chống độc quyền của Indonesia, trong đó khẳng định có những dấu hiệu rằng Lazada đã thực hiện các hành vi phân biệt đối xử có khả năng hạn chế tính cạnh tranh và gây hại cho người tiêu dùng. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được các vi phạm, Lazada có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 50% lợi nhuận hoặc 10% tổng doanh thu đạt được tại thị trường Indonesia trong thời gian vi phạm. Phía hai sàn thương mại điện tử hiện chưa đưa ra phản hồi về cáo buộc. Dự kiến phiên điều trần sơ bộ về cáo buộc sai phạm của Shopee sẽ diễn ra vào hôm nay.
Nguồn:https://baomoi.com/co-quan-chong-doc-quyen-indonesia-dieu-tra-shopee-lazada-c49217799.epi 
  •  Đà Nẵng tổ chức livestream bán hàng để “cứu” chợ truyền thống
Sở Công Thương Đà Nẵng mới đây cho biết đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử tại chợ truyền thống trên địa bàn thành phố năm nay.
Chương trình nhằm quảng bá đến người dân, du khách về các sản phẩm tiêu biểu tại 4 chợ hạng một của Đà Nẵng là chợ Cồn, chợ Hàn, Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường và các chợ truyền thống khác trên địa bàn thành phố, thông qua hình thức bán hàng trực tuyến (livestream).
Sở Công Thương Đà Nẵng cũng nêu điều kiện tổ chức, cá nhân tham gia phải đảm bảo các sản phẩm, hàng hóa đáp ứng đủ điều kiện nhãn mác, quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đơn vị này cũng cho biết, trong khuôn khổ kế hoạch sẽ có nhiều hoạt động, sự kiện diễn ra tại chợ Cồn như đào tạo kỹ năng livestream bán hàng, kỹ năng giao tiếp, văn minh thương mại cho tiểu thương, livestream bán hàng trực tuyến cùng các Tiktoker, vận động các tiểu thương tổ chức khuyến mại, giảm giá để tăng lượt tương tác…
Nguồn:https://dantri.com.vn/kinh-doanh/da-nang-to-chuc-livestream-ban-hang-de-cuu-cho-truyen-thong-20240521172853350.htm 
  • Hướng đi mới của chợ đầu mối ở TP HCM
TP HCM sẽ mở thêm 1 chợ đầu mối diện tích 100 ha đồng thời nâng cao chất lượng các chợ đầu mối trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, thu hút du lịch và hướng đến xuất khẩu
Sở Công Thương đề xuất phát triển thêm 1 chợ đầu mối theo mô hình hiện đại, tạo sự kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa TP HCM với các địa phương. Địa điểm để xây dựng ngôi chợ đầu mối thứ 4 đã được xác định tại khu đất khoảng 100 ha ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM.
Chợ đầu mối mới sẽ tổng hợp các chức năng của trung tâm giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối, trung tâm logistics; cung cấp các điều kiện cần thiết để thực hiện giao dịch mua – bán hàng hóa nông sản và các loại hàng hóa khác; thực hiện khâu phân phối trong chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; phát triển hạ tầng dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics; cung cấp thông tin thị trường; kết nối hình thành điểm đến tham quan, mua sắm phục vụ người dân, khách du lịch… hướng đến xuất khẩu và là một trong các điểm đến du lịch, thu hút du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, mua sắm.
Theo đề xuất của Sở Công Thương, chợ đầu mối mới sẽ được tổ chức hoạt động theo mô hình hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối giữa các nhà sản xuất với nhà phân phối. Do đó, chợ đầu mối sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, có hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; các giao dịch mua bán được thực hiện công khai, minh bạch, được quản lý và vận hành theo một quy trình mua bán thống nhất.
Nguồn:https://nld.com.vn/huong-di-moi-cua-cho-dau-moi-o-tp-hcm-196240523204719005.htm 

Xu hướng tiếp thị – truyền thông

  • Google Marketing Live 2024: Công cụ AI mới giúp doanh nghiệp tiếp thị thương hiệu và sản phẩm
Ngày 21/5, tại Google Marketing Live, ông Matt Madrigal – Vice President, GM, Merchant Shopping tại Google – đã chia sẻ một số công nghệ thú vị dành cho các nhà bán lẻ, giúp gia tăng trải nghiệm mua sắm thú vị cho khách hàng, đặc biệt là vào thời điểm người mua đứng giữa tràn ngập các lựa chọn.
Hơn 40% các truy vấn mua sắm trên Google Search đề cập đến một thương hiệu hoặc một nhà bán lẻ. Điều này cho thấy một bước quan trọng trong hành trình mua hàng của người dùng là tìm hiểu thêm về thương hiệu.
Tại Google Marketing Live, đại diện Google đã giới thiệu hồ sơ thương hiệu trực quan mới ngay trên Search, cung cấp kết quả phong phú hơn cho các truy vấn mua sắm phổ biến. Trong đó sẽ hiển thị nổi bật sản phẩm, hình ảnh và video thương hiệu cùng với đánh giá của khách hàng. Ngoài ra, Google cũng sẽ hiển thị các ưu đãi, khuyến mãi và chính sách vận chuyển hiện tại ở vị trí trung tâm – tất cả trong một vị trí thuận tiện cho người mua sắm. Tính năng này sẽ được Google triển khai theo từng giai đoạn trong những tháng tới.
Tại Google Marketing Live 2024, Google cũng giới thiệu 3 định dạng quảng cáo mới được hỗ trợ bởi Google AI, giúp quảng cáo của thương hiệu phát huy tối đa công suất.
Trước mắt, tính năng này sẽ được ra mắt dưới dạng thử nghiệm giới hạn vào cuối năm nay. Marketer có thể kết nối quảng cáo của mình với các video sản phẩm dạng ngắn của thương hiệu hoặc video của những người sáng tạo nội dung.
Chỉ với một cú nhấp chuột, người mua hàng trên Google Search có thể tương tác với các video ngắn này, xem quần áo trông như thế nào trên người họ, từ đó nhận các gợi ý phối đồ hữu ích và dễ dàng khám phá các sản phẩm liên quan hoặc bổ sung từ thương hiệu. Bên dưới video nổi bật, Google cũng sẽ hiển thị tóm tắt được tạo bởi AI để người mua hàng có thể xem các chi tiết chính về sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.
Đại diện Google kỳ vọng các tính năng AI mới sẽ hỗ trợ các nhà bán lẻ phát huy nhiều hơn việc chỉ đơn giản là liệt kê sản phẩm của họ, nhằm tạo ra những trải nghiệm có thể giúp thiết lập mối quan hệ chân thành và lâu dài với người mua.
Nguồnhttps://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/341067-Google-Marketing-Live-2024-Cong-cu-AI-moi-giup-doanh-nghiep-tiep-thi-thuong-hieu-va-san-pham
  • Cách thức các thương hiệu giá rẻ chinh phục người tiêu dùng Pháp
Trong vài năm gần đây, số lượng các cửa hàng tiêu dùng giá rẻ tại Pháp ngày càng nhiều. Những cửa hàng như Action đến từ Hà Lan (bán đủ loại sản phẩm, từ thiết bị văn phòng, hộp nhựa, đồ gia dụng, chậu sơn, cọ, khăn trải giường, đồ chơi, gói hạt, đồ uống) hay Normal đến từ Đan Mạch (chuyên bán các sản phẩm vệ sinh và làm đẹp nổi tiếng toàn cầu với giá rẻ) tiếp tục thu hút mọi tầng lớp người tiêu dùng trong xã hội kể cả những khách hàng giàu có đang có nhu cầu săn tìm các món hàng giá hời.
Cuộc khủng hoảng lạm phát xảy ra tại Pháp trong hai năm qua đã làm hạn chế sức mua của nhiều hộ gia đình. Trong bối cảnh nhiều hộ gia đình phải “thắt lưng buộc bụng” sự phát triển của các cửa hàng kinh doanh sản phẩm phi thực phẩm giá rẻ là điều dễ hiểu. 
Để duy trì mức giá cực kỳ cạnh tranh, những cửa hàng giá rẻ không có chỗ cho sai sót, vì tỷ suất lợi nhuận của họ quá thấp. Hợp lý hóa chi phí càng nhiều càng tốt và duy trì khối lượng bán hàng đủ cao là điều kiện hàng đầu để họ tồn tại. Để làm được điều này, các thương hiệu giá rẻ đang mở các cửa hàng mới trên toàn lãnh thổ nhằm tăng doanh số bán hàng. Trên hết, họ có chiến lược mua hàng không ngừng nghỉ. Quá trình này được tiêu chuẩn hóa và để hạn chế chi phí, các nhà kinh doanh không sử dụng các trung gian như trung tâm thu mua để phân phối quy mô lớn.
Các sản phẩm thường được mua theo nhóm và sau đó được gửi đến tất cả các cửa hàng ở Pháp và các quốc gia khác có các cửa hàng đang hoạt động. Do đó, các nhãn hàng đôi khi được viết bằng tiếng nước ngoài. 
Bằng cách khai thác hiệu quả việc tăng khối lượng mua trên mỗi đơn hàng, những nhà bán hàng giá rẻ có thể đạt được mức giá có lợi hơn nhiều từ các nhà cung cấp đảm bảo bán được số lượng lớn sản phẩm. Chi phí vận chuyển và hậu cần cũng được tối ưu hóa, đặc biệt chú ý đến yếu tố là các địa điểm đặt cửa hàng phải có đủ khả năng tiếp cận. Một đại diện thương hiệu hàng tiêu dùng giá rẻ cho biết: “Chúng tôi có rất ít chi phí quảng cáo và không có chi phí tiếp thị”. Họ không đầu tư vào việc trưng bày sản phẩm trên kệ và dịch vụ khách hàng. 
Sự thành công còn đến từ việc kích thích các hành vi “mua sắm ngẫu hứng”. Các cửa hàng này khuyến khích để việc mua sắm trở thành niềm vui. Cách đây vài năm, các cửa hàng này chủ yếu bán đồ gia dụng nhỏ. Nhưng nay, bạn có thể tìm thấy mọi thứ với sự đổi mới liên tục. Mỗi tuần, Action cung cấp 150 sản phẩm mới và nhanh chóng thu hồi những sản phẩm không hoạt động.
Hiệu quả hoạt động của các chuỗi cửa hàng giá rẻ cũng tạo ra nhiều tác động. Sự thành công của những cửa hàng giá rẻ phần nào giải thích tại sao phân khúc mặt hàng phi thực phẩm ở các siêu thị và đại siêu thị ngày càng bị người tiêu dùng xa lánh, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng lạm phát.
Nguồnhttps://bnews.vn/cach-thuc-cac-thuong-hieu-gia-re-chinh-phuc-nguoi-tieu-dung-phap/334592.html

Xu hướng Xanh – Bền vững

  • Hàng không Việt Nam hướng tới mục tiêu Net Zero
Ngày 27/5, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững SAF trên hành trình từ Singapore đến Hà Nội.
Nhiên liệu hàng không bền vững SAF được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo và có nguồn gốc bền vững như dầu thực vật, mỡ động vật và chất thải. SAF đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế nghiêm ngặt và có thể sử dụng an toàn trên các chuyến bay thương mại. Các nghiên cứu cho thấy nhiên liệu SAF có thể giúp giảm tới 80% lượng khí thải nhà kính.
Mặc dù giá nhiên liệu SAF có thể cao hơn từ 2 đến 3 lần so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống, Vietnam Airlines vẫn quyết tâm đưa loại nhiên liệu này vào sử dụng.
Bên cạnh nỗ lực sử dụng SAF, Vietnam Airlines đang thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ khác nhằm cắt giảm CO2 thông qua các hoạt động tối ưu khai thác tàu bày, tiết kiệm nhiên liệu. Năm 2023, Vietnam Airlines cắt giảm được gần 70.000 tấn khí CO2, giảm hơn 1,5 lần so với năm 2022.
Nguồn:https://vtv.vn/kinh-te/hang-khong-viet-nam-huong-toi-muc-tieu-net-zero-20240527211922513.htm  
  • Startup Indonesia bán tín chỉ carbon nhờ trồng rừng ngập mặn
Startup CarbonEthics chuyên mua bán tín chỉ carbon ở Indonesia có kế hoạch niêm yết sản phẩm trên các thị trường quốc tế như Singapore và Tokyo. Startup này hy vọng rằng các dự án biển và ven biển độc đáo của xứ vạn đảo sẽ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp toàn cầu.
Giám đốc dự án Jessica Novia của CarbonEthics nói rằng startup đang phát triển rừng ngập mặn và các dự án khác sẽ được công nhận là tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế trong những năm tới. Dự kiến CarbonEthics sẽ có thể bán các tín chỉ carbon từ năm 2026 trở đi.
Tính đến năm 2023, CarbonEthics đã giúp hấp thụ 12.500 tấn CO2 qua các dự án rừng ngập mặn ở tỉnh Maluku phía đông Indonesia và cánh đồng lúa trên đảo Java. Startup đặt mục tiêu giành được 10% thị phần tín chỉ carbon ở Indonesia vào năm 2030. “Indonesia có trữ lượng carbon xanh lớn nhất trên toàn cầu. Đây là lợi thế cạnh tranh của Indonesia khi tập trung vào carbon xanh”, Novia nói.
CarbonEthics đặt mục tiêu tạo ra lượng tín chỉ carbon trị giá 150 triệu tấn. Để đạt được điều này, công ty dự định phát triển các dự án bù đắp ở các quốc gia Đông Nam Á khác từ năm 2026. Novia nói mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á khác là một phần trong chiến lược tăng trưởng của CarbonEthics.
Nguồn:https://bsaonline.vn/startup-indonesia-ban-tin-chi-carbon-nho-trong-rung-ngap-man/ 
  • Xe điện càng tăng kích thước, càng gây ô nhiễm bụi mịn
Xe điện có xu hướng ngày càng nặng hơn xe xăng do xe phải mang bộ pin lớn hơn, nhằm tăng khả năng chạy khoảng đường ngày một dài hơn sau mỗi lần sạc phin. Nhưng cũng chính vì thế, những chiếc xe điện nặng hơn gây ô nhiễm nhiều hơn, do vỏ (lốp) xe điện mau mòn hơn vỏ của xe xăng và vì thế gây lượng bụi mịn cao hơn khoảng 30%.
Khung xe nặng hơn tạo áp lực lên vỏ xe. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), vó xe điện tạo ra nhiều hơn khoảng 30% loại bụi PM 10 (các hạt bụi có kích thước từ 10 micron trở xuống) so với vỏ xe xăng. Vỏ xe điện cũng thải ra nhiều hơn khoảng 30% loại bụi PM 2,5 – loại bụi mịn nguy hiểm hơn vì có thể xâm nhập sâu vào phổi khi con người hít phải.
Tình trạng phát thải bụi nhiểu hơn từ vỏ xe và các bộ phận xe điện khác đã được các cơ quan quản lý môi trường trên khắp thế giới lưu ý. Các cơ quan này đang thảo luận về các tiêu chuẩn quốc tế để đo lường các chất ô nhiễm này. Các hãng vỏ xe Nhật Bản đang rất quan tâm các cuộc thảo luận này bởi châu Âu và Nhật Bản sử dụng các phương pháp thu thập dữ liệu khác nhau.
Nguồn:https://bsaonline.vn/xe-dien-cang-tang-kich-thuoc-cang-gay-o-nhiem-bui-min/ 
  • EU thúc đẩy các khoản đầu tư xanh tại Việt Nam
Nhóm EU cùng với sự tham gia của các nước thành viên Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch và các định chế tài chính châu Âu hợp tác với nhau để hỗ trợ 15,5 tỷ Euro giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dần loại bỏ các nguồn năng lượng hoá thạch, hướng tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo…
Bà Myriam Ferran, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác Quốc tế của Ủy ban châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của EU trong khu vực Asean. Tại Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Asean tháng 12/2023, EU đã cam kết khoản vốn 10 tỷ Euro ở cấp độ Asean để triển khai Thỏa thuận xanh châu Âu và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
EU đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) của mình tại Việt Nam. Chiến lược cửa ngõ toàn cầu nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư xanh, sạch để xử lý các thách thức toàn cầu, như chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, giao thông bền vững, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, y tế… Tất cả sự chuyển đổi này đảm bảo công bằng và mang lại lợi ích cho tất cả người dân.
Song để đẩy nhanh tiến trình giải ngân các dự án, theo bà Myriam Ferran, điều quan trọng là các bước về thủ tục hành chính, kỹ thuật cần được đáp ứng. Một trong những nội dung quan trọng là ký kết hiệp định tài chính được coi là văn bản pháp lý thể hiện cam kết viện trợ và giải ngân của EU đối với những dự án được xác định.
Nguồn:https://vneconomy.vn/eu-thuc-day-cac-khoan-dau-tu-xanh-tai-viet-nam.htm 

Thực phẩm – Ẩm thực

  • Sầu riêng Thái mini tràn vào nội địa có đáng ngại?
Lướt Facebook hay TikTok thời gian gần đây, người ta dễ dàng bắt gặp những lời rao và hình ảnh bắt mắt của loại sầu riêng vỏ mỏng, có hình dáng khá nhỏ so với các loại sầu riêng Monthong, thậm chí còn nhỏ hơn sầu riêng Ri6 của VN. Theo giới thiệu của các shop kinh doanh qua mạng, đây là giống sầu riêng Fumani được nhập khẩu từ Thái Lan. Với trọng lượng mỗi trái chỉ khoảng 1 kg, hình ảnh múi sầu riêng tròn trĩnh, vàng ươm khiến nhiều “tín đồ” sầu riêng nhanh chóng xuống tiền để đặt hàng trái sầu mini Thái về thưởng thức.
Giá bán sỉ chỉ khoảng 42.000 đồng/kg, giá bán lẻ cũng chỉ 65.000 đồng/kg, một số chủ shop bán đồng giá 155.000 đồng/trái. 
Một cán bộ phụ trách quản lý ngành hàng trái cây tại chợ đầu mối Bình Điền nhận xét: “Tôi đã từng hai lần mua sầu riêng mini của Thái về ăn. Một lần mua hai trái tầm 1,5 kg, do quen biết nên được giảm giá còn 350.000 đồng. Mang về bị hư một trái, còn trái kia chỉ có hai múi. Mùi vị không ngon như sầu riêng Monthong hay Ri6, múi lại khá nhỏ. Nhìn chung thì ai tò mò mới mua ăn chứ so sánh với sầu riêng VN thì không bằng, cả về chất lượng lẫn giá bán. Đó là chưa kể nhiều người mua qua mạng còn bị đánh lừa bởi hình ảnh bắt mắt, “treo đầu dê bán thịt chó” nên không ít người chỉ mua một lần rồi tạm biệt luôn”.
Ông Nguyễn Văn Mười, đại diện phía nam Hội Làm vườn VN, cho rằng: “Nói về sầu riêng thì cứ nhìn vào phân khúc lớn, người tiêu dùng ưa thích loại nào thì nông dân sẽ trồng loại đó. Sầu riêng Fumani của Thái đã xuất hiện trên thị trường VN cũng vài năm rồi, lúc đầu cũng có nhiều người tò mò dùng thử, nhưng không thu hút nên cho đến bây giờ các chủ vườn cũng chỉ lựa chọn sầu riêng Thái Lan (Monthong) hoặc Ri6 để trồng chứ ít ai chọn giống Fumani để sản xuất lớn. Tôi cho rằng sản phẩm sầu riêng Fumani hay sầu Thái mini chỉ là làm đa dạng thêm thị trường chứ không đáng ngại khi so sánh với giá sầu riêng của VN”.
Nguồn:https://thanhnien.vn/sau-rieng-thai-mini-tran-vao-noi-dia-co-dang-ngai-185240524183732371.htm

Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  • Mất mùa, giá vải thiều tăng gấp rưỡi
Vải thiều (Bắc Giang) năm nay mất mùa, sản lượng giảm mạnh khiến người trồng lỗ dù giá tăng gấp rưỡi.
Không chỉ các hộ trồng ở Bắc Giang, tại Hưng Yên, Hải Dương và các vùng Tây Nguyên cũng phải chịu cảnh mất mùa. Sản lượng giảm tới 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải nguyên nhân vải mất mùa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh cho rằng thời tiết bất ổn khiến tỷ lệ vải thiều ra hoa thấp. Mùa Đông năm ngoái có nhiệt độ bình quân cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1,5 độ C, làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa cây vải. Bên cạnh đó, thời tiết từ giữa tháng 1 đến nửa đầu tháng 2 năm nay có các đợt không khí lạnh ngắn, mưa nhỏ kéo dài làm độ ẩm không khí, đất cao khiến nhiều diện tích vải có hiện tượng ra lộc, ảnh hưởng đến năng suất.
Theo các doanh nghiệp, khi “cung giảm cầu tăng” giá vải sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu tăng quá bất thường, hàng Việt sẽ khó xuất khẩu vì vải thiều của Việt Nam “không phải một mình một chợ” mà còn phải cạnh tranh với Đài Loan, Trung Quốc (đại lục), Mexico.
Nguồn:https://vnexpress.net/mat-mua-gia-vai-thieu-tang-gap-ruoi-4750448.html 
  • Giá tiêu tăng kỷ lục, vì sao nông dân chưa thể vui?
Giá tiêu chính thức cán mốc 120.000 đồng/kg, cao nhất trong 8 năm qua và dự báo xu hướng này vẫn còn tiếp diễn khi nhu cầu thế giới vẫn đang tăng.
Mức giá này cao hơn khoảng 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023 và tăng tới hơn 3 lần so với năm 2020 – thời điểm giá tiêu chạm đáy và là mức cao kỷ lục tính từ năm 2016.
Tuy nhiên, nhiều nông dân ở Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tháng nên năng suất giảm đến trên 30%. Bên cạnh đó, khoảng 4 năm trước, giá tiêu chỉ 35.000 – 40.000 đồng/kg nên nhiều vườn tiêu lâu năm đã bị thay thế bằng sầu riêng và một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Có vùng trồng tiêu diện tích giảm chỉ còn một nửa. Chính vì vậy, giá tiêu tăng cao như hiện nay nhưng nhà vườn lại không có nhiều hàng để bán. Một phần nguyên nhân giá tiêu thế giới tăng cũng vì nguồn cung, trong đó từ Việt Nam, đang chiếm khoảng 60% thị phần sụt giảm mạnh. 
Nguồn:https://thanhnien.vn/gia-tieu-tang-ky-luc-vi-sao-nong-dan-chua-the-vui-185240526220814746.htm 
  • Cà phê tăng liên tiếp nhưng nông dân không còn hàng để bán
Trong tuần qua, giá cà phê có 3 phiên tăng với tổng mức tăng lên tới 491 USD/tấn và 2 phiên giảm tổng cộng 117 USD/tấn. Tổng cộng tuần này giá cà phê tăng tới 374 USD/tấn, trong khi tuần trước tăng 78 USD/tấn. Nhiều người kỳ vọng, đây là dấu hiệu cho thấy đà tăng giá cà phê đang trở lại và khả năng có thể chạm mốc 4.000 USD/tấn trong tuần tới.
Giá cà phê Tây nguyên tăng bình quân 2.500 đồng/kg. Cụ thể, tại Đắk Nông 112.500 đồng/kg, Đắk Lắk 112.300 đồng/kg, Gia Lai 112.000 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 111.800 đồng/kg. Với đà tăng này, nhiều người hy vọng giá cà phê có thể đạt tới mốc 120.000 đồng/kg trong tuần tới.
Đáng nói, dù giá tăng nhưng nông dân đã hết sạch cà phê, toàn bộ lượng hàng còn sót lại của năm nay đang nằm trong kho của một vài doanh nghiệp lớn. Vì vậy, người trồng chỉ còn mong mức giá tốt như hiện tại có thể duy trì đến vụ thu hoạch vào tháng 10 tới.
Nguồn:https://thanhnien.vn/ca-phe-tang-lien-tiep-nhung-nong-dan-khong-con-hang-de-ban-185240525074623851.htm 
  •  Giống vật nuôi nhập lậu vẫn tràn qua biên giới vào Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua, tình trạng buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác phát triển đàn vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi.
Để khẩn trương chấm dứt tình trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng về ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Về việc có một số địa phương để một số cơ sở nhập lậu con giống gia cầm như gà, vịt về rồi bán sang địa phương khác, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: “Thôn xã ai làm gì đều biết hết. Làm gì có chuyện gia súc, gia cầm nhập lậu mà không biết. Làm quản lý nhà nước mà như thế là không chấp nhận được”.
Nguồn:https://tuoitre.vn/giong-vat-nuoi-nhap-lau-van-tran-qua-bien-gioi-vao-viet-nam-20240527115602361.htm 
  • Rủi ro do tăng nóng diện tích sầu riêng
Năm 2023, cả nước đã xuất khẩu khoảng 600.000 tấn sầu riêng, đạt giá trị hơn 2,2 tỷ USD. 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thời điểm, giá sầu riêng tiến đến gần mức 200.000đ/kg. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nông dân ở nhiều nơi ồ ạt mở rộng diện tích trồng. Việc tăng nhanh diện tích trồng sầu riêng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bà con nông dân trong những năm tới nếu như thị trường lớn giảm nhập khẩu.
Ồ ạt chuyển sang trồng sầu riêng trong khi thị trường tiêu thụ này lại hẹp, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi thị trường Trung Quốc không còn dễ tính khi liên tục yêu cầu cao về chất lượng. Cụ thể, tần suất cảnh báo vi phạm chất lượng liên tục tăng và siết chặt hơn khi nhập khẩu. Sầu riêng Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước nên khả năng cung vượt cầu, nguy cơ ùn ứ, không bán được hàng hóa như nhiều nông sản khác là dễ xảy ra.
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, diện tích sầu riêng của Việt Nam đã tăng gần 5 lần. Cụ thể, từ 32.000 ha vào năm 2015 đã lên hơn 150.000 ha vào năm 2023 tương ứng với sản lượng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn. Nhằm giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp đang đàm phán để trái sầu riêng đông lạnh xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và xuất khẩu trái tươi sang Ấn Độ.
Nguồn:https://vtv.vn/kinh-te/rui-ro-do-tang-nong-dien-tich-sau-rieng-20240526213531662.htm 
  • Chăn nuôi ở các tỉnh vùng ĐBSCL gặp khó
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, thời tiết nắng nóng kéo dài phát sinh nhiều dịch bệnh khiến người chăn nuôi ở các tỉnh vùng ĐBSCL lo lắng sợ lỗ nên giảm dần số lượng và ngại tái đàn.
Ông Huỳnh Văn Bé, hộ nuôi gia cầm nhiều năm kinh nghiệm ở xã Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn liên tục tăng khiến việc chăn nuôi của ông gặp khó. Hiện, giá mỗi bao thức ăn (loại 25kg) tăng từ 280.000 lên đến 340.000 đồng, trong khi giá bán gia cầm giảm khiến người chăn nuôi đối diện thua lỗ.
Tại Tiền Giang, một trong những địa phương có số lượng heo nuôi lớn ở vùng ĐBSCL với hơn 290.000 con, nhưng thời gian qua do dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều ổ dịch liên tiếp xuất hiện, thêm vào đó thời tiết nắng nóng, nên đa số người chăn nuôi không dám tái đàn. Ông Nguyễn Văn Hiếu, xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, cho biết, ông đã bán sớm đàn heo và hiện chỉ nuôi cầm chừng vài chục con, đợi thời tiết ổn định, giá thức ăn và con giống “hạ nhiệt” sẽ tái đàn phục vụ tết.
Không chỉ gia cầm, heo, mà những tỷ phú nuôi cá tra ngày nào tại “thủ phủ” cá tra Hồng Ngự (TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) giờ cũng “cười ra nước mắt” vì giá thành sản xuất bằng với giá cá tra thương phẩm. Trong đó, giá thức ăn loại 26 độ đạm bán dao động từ 12.500-12.800 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Nắm (TP Hồng Ngự) cho biết, với thâm niên trên 50 năm trong nghề nuôi cá tra, thì chưa bao giờ giá cá lại thấp như hiện nay.
Nguồn:https://www.sggp.org.vn/chan-nuoi-o-cac-tinh-vung-dbscl-gap-kho-post742026.html#742026|zone-timeline-89|0 

Thị trường xuất nhập khẩu

  • Hải sản Hàn Quốc, Nhật Bản “chen chân” vào thị trường Việt Nam
Các sản phẩm thuỷ hải sản đông lạnh bào ngư, hàu đông lạnh, cá bơn… nhập khẩu từ Hàn Quốc hay sò điệp, cá cam… nhập khẩu từ Nhật Bản đang gia tăng tại Việt Nam. Mặt hàng này không chỉ tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, quán ăn phục vụ người Hàn Quốc tại Việt Nam, mà còn được nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng vì giá khá cạnh tranh với hàng Việt.
Ông Kim Ki Hoon, đại diện Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc, cho biết nhu cầu thực phẩm từ Hàn Quốc của người Việt ngày càng tăng, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 trong các quốc gia giao thương thực phẩm của Hàn Quốc, đồng thời là quốc gia vô cùng thân thiết với Hàn Quốc về các mặt kinh tế, văn hóa và tình cảm 2 nước.
Trong khi đó, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng của hải sản Nhật Bản khi số lượng nhà hàng Nhật Bản ngày càng tăng. Hải sản Nhật Bản đã được thị trường chấp nhận về chất lượng, độ tươi ngon, đáp ứng yêu cầu để ăn sống.
Ông Toru Yoshimatsu, đại diện MAFF, cho biết Việt Nam trước giờ có nhiều nhà máy gia công hải sản có nhiều kinh nghiệm. Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam để làm nơi gia công, từ đó xuất khẩu sang Mỹ, các nước ASEAN… Trong số các sản phẩm thuỷ hải sản thì sò điệp, cá cam và cá tráp đỏ là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật Bản. 
Nguồn:https://vneconomy.vn/hai-san-han-quoc-nhat-ban-chen-chan-vao-thi-truong-viet-nam.htm
  • Xuất khẩu đồ gỗ trở lại quỹ đạo tăng trưởng
Trong 4 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 668 triệu USD, tăng 38,3%; Canada đạt 77,5 triệu USD, tăng 29,2%; Anh đạt 73 triệu USD, tăng 21,3%; Úc đạt 46 triệu USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường Hoa Kỳ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường này đang tăng mạnh mẽ. Khu vực EU cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái, lượng tồn kho sản phẩm gỗ đã cạn nên các thương nhân bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại.
Tuy nhiên, theo Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST ngành gỗ vẫn còn nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính…
Quan ngại hơn, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ.
Ông Jimmy Wang, quản lý cấp cao về tìm kiếm nhà cung ứng Wayfair, cho biết việc theo kịp các xu hướng mới nhất tại thị trường Hoa Kỳ là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của hướng chi tiêu của người dân nước này.các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những sản phẩm để chứng minh sản phẩm không chỉ chất lượng mà còn có những yếu tố lắp dễ dàng, thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí…
Nguồn:https://vneconomy.vn/xuat-khau-do-go-tro-lai-quy-dao-tang-truong.htm
  • Giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ tăng 10% trong quý 3-2024
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 725 triệu đô la Mỹ, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu cá tra nhiều nhất của Việt Nam, tiếp đến là thị trường Trung Quốc, châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ.
Việt Nam đang có những lợi thế để xuất khẩu các sản phẩm cá thịt trắng như vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và giới thiệu các sản phẩm cá tra Việt nam tại triển lãm thủy sản Bắc Mỹ, tạo thêm cơ hội kết nối, đưa sản phẩm đến khu vực này. Việc các nguồn cung cá thịt trắng cho Mỹ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác cũng là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Nguồn:https://baomoi.com/gia-xuat-khau-ca-tra-viet-nam-se-tang-10-trong-qui-3-2024-c49208889.ep
  • Thế giới thiếu 7 triệu tấn gạo, Việt Nam có thể xuất khẩu bao nhiêu?
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn.
Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia…cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, thế giới đang có nhu cầu cao nhưng Việt Nam cũng không thể tăng diện tích gieo trồng lúa gạo mà chỉ gia tăng sản xuất, điều chỉnh mùa vụ để có sản lượng tốt, thu hoạch vào thời điểm mà thế giới khan hiếm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Năm 2024, diện tích gieo trồng lúa của Việt Nam khoảng 7,1 triệu ha và sẽ đáp ứng xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn, nếu không có bất thường về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, trong điều kiện bình thường, với mức sản lượng dự kiến, sau khi đã để tiêu dùng nội địa thì Việt Nam có thể xuất khẩu được khoảng 7,6 triệu tấn gạo trong năm nay.
Tuy vậy, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và Tổng Công ty lương thực Miền Nam, cùng các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
GS Võ Tòng Xuân nhận định dù tăng cường xuất khẩu gạo nhưng cũng không lo bị thiếu tiêu dùng nội địa vì chỉ trong 3,5 tháng là chúng ta lại bắt đầu một mùa thu hoạch mới.
Tuy lạc quan với tiềm năng xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng các chuyên gia nhấn mạnh ngành lúa gạo đang phải đối mặt nhiều thách thức như: Tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023 – 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ hè – thu năm 2024.
Do đó, Việt Nam phải đảm bảo quy trình trồng lúa chất lượng, an toàn theo tiêu chuẩn đặt ra.
Nguồnhttps://cafef.vn/the-gioi-thieu-7-trieu-tan-gao-viet-nam-co-the-xuat-khau-bao-nhieu-188240528141333053.chn

Dịch vụ

  • Việt Nam vào top 3 lượt tìm kiếm của du khách châu Âu trong dịp hè 2024
Theo ghi nhận từ Agoda, Việt Nam là điểm đến tăng trưởng nhanh thứ ba ở châu Á đối với khách du lịch châu Âu dựa trên lượt tìm kiếm chỗ ở (dành cho những đặt phòng check-in trong giai đoạn tháng 7 và 8). Cụ thể trong tháng 4, Malaysia ghi nhận lượng tìm kiếm tăng 89%. Nhật Bản đứng thứ hai với mức tăng trưởng 71% so với năm ngoái. Việt Nam đứng thứ ba, ghi nhận lượng tìm kiếm tăng 66% từ du khách châu Âu so với cùng kỳ năm trước.
Tại Việt Nam, 3 điểm đến được du khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất gồm TP.HCM, Hội An và Nha Trang. Số lượng du khách đến từ châu Âu có lượng tìm kiếm Việt Nam nhiều nhất lần lượt đến từ Pháp, Đức, Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha.
https://thanhnien.vn/viet-nam-vao-top-3-luot-tim-kiem-cua-du-khach-chau-au-trong-dip-he-2024-185240524152512789.htm

Công nghiệp – Năng lượng

  • Triển vọng thị trường dầu thế giới năm 2024
Thị trường dầu mỏ toàn cầu năm 2023 đứng trước rủi ro suy thoái kinh tế và leo thang xung đột địa chính trị. Các nhà đầu tư và giới phân tích dự đoán năm 2024 có thể tiếp tục chứng kiến tình trạng dư cung, trong khi nhu cầu dầu mỏ lại giảm do tăng trưởng kinh tế chậm và căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể diễn biến xấu,…
Trong năm 2024, dự báo về mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu là 2,2 triệu thùng/ngày, không có sự thay đổi đáng kể so với đánh giá trước đó. Dự kiến nhu cầu dầu sẽ được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của GDP toàn cầu, do cải thiện liên tục về hoạt động kinh tế tại các nước phát triển. Nhu cầu dầu của OECD dự kiến sẽ tăng thêm 0,3 triệu thùng/ngày, đạt 46,1 triệu thùng/ngày. Châu Mỹ Latinh, thuộc khu vực OECD, được xem là đang dẫn đầu về tăng trưởng, trong khi châu Âu và Thái Bình Dương dự kiến sẽ phục hồi từ suy thoái năm 2023, chủ yếu được hỗ trợ bởi nhu cầu về nhiên liệu vận chuyển, đặc biệt là xăng và nhiên liệu máy bay/chất nhẹ.
Nguồn:https://vneconomy.vn/trien-vong-thi-truong-dau-the-gioi-nam-2024.htm 

Liên kết – Đầu tư – Khởi nghiệp

  • Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 42 dự án mới
Trong 5 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 42 dự án mới và điều chỉnh vốn đầu tư 10 lượt. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 136,07 triệu USD (bằng 43% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (chiếm 43,1% vốn), công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 23,9% vốn); bán buôn, bán lẻ (chiếm 8,3% vốn)…
Có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Hà Lan (40,1%); Lào (36,8%); Hoa Kỳ (5,6%); New Zealand (4,3%);…
Nguồn:https://baomoi.com/doanh-nghiep-viet-nam-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-42-du-an-moi-c49208583.epi 
  • Các startup Nhật Bản mở ra con đường kinh doanh mới cho hàng thủ công truyền thống
Các công ty khởi nghiệp (startup) của Nhật Bản đang sử dụng thương mại điện tử và chuyên môn tiếp thị để hỗ trợ những nhà sản xuất hàng thủ công truyền thống tìm khách hàng mới ở trong nước lẫn nước ngoài.
Các ngành công nghiệp thủ công truyền thống của Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn, với doanh số giảm đến 80% trong giai đoạn 1990 – 2020, xuống còn 87 tỉ yen. Dân số ngày càng thu hẹp và già hóa ở Nhật Bản, khiến số lượng lao động trong các ngành này giảm khoảng 70%, xuống còn 54.000 người trong cùng giai đoạn.
Hồi tháng 4, startup Omomuki, trụ sở tại Tokyo, ra mắt thương hiệu dao làm bếp Tashinam, kết hợp kỹ thuật sản xuất thủ công với những ưu điểm của thép không gỉ.
Câu chuyện đổi mới kinh doanh tương tự có thể được nhìn thấy ở rượu shochu truyền thống của Nhật Bản. Đây loại rượu từ lâu được coi là khó bán với giá cao hơn rượu sake.
Local Local, một startup thành lập tại thành phố Miyazaki vào năm 2019, đã phát triển một nhãn hiệu rượu shochu mới có tên gọi Hitoyo vào năm 2023, với giá bán 30.000-50.000 yen mỗi chai. Hitoyo khởi đầu là rượu ủ trong thùng suốt hơn 30 năm tại Kouzou Syuzoh, một cơ sở chưng cất rượu thành lập vào năm 1919.
Local Local quảng bá sản phẩm bằng cách cung cấp hàng mẫu cho du khách nước ngoài đến thăm Nhật Bản tại các nhà hàng và khách sạn cao cấp. Hiện công ty bắt đầu hợp tác kinh doanh rượu Hitoyo với 70 cơ sở nhà hàng, khách sạn.
Nguồn:https://baomoi.com/cac-startup-nhat-ban-mo-ra-con-duong-kinh-doanh-moi-cho-hang-thu-cong-truyen-thong-c49216148.epi  
  • VinFast mở đại lý độc quyền tại UAE
Ngày 27/5, VinFast Auto công bố ký thỏa thuận hợp tác độc quyền với đại lý Al Tayer Motors về việc phân phối xe điện tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Theo thỏa thuận, Al Tayer Motorssẽ trở thành đại lý độc quyền của VinFast tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
Được thành lập vào năm 1983, Al Tayer Motors hiện là đại lý chính thức của nhiều thương hiệu ô tô lớn của Mỹ và châu Âu tại UAE.
Kể từ quý IV/2023, VinFast đã thay đổi chiến lược từ mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng sang mô hình hybrid, bằng cách tận dụng cơ sở hạ tầng phân phối hiện có thông qua việc thiết lập mạng lưới đại lý trên toàn cầu.
Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và châu Âu, VinFast đang mạnh mẽ tiến ra những quốc gia trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines cùng khu vực Trung Đông và châu Phi.
Nguồn:https://baomoi.com/vinfast-mo-dai-ly-doc-quyen-tai-uae-c49212875.epi i 

Công nghệ

  • AI đang biến đổi ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp cao cấp
Tại Hội chợ Công nghệ Viva ở Paris mới đây, một trong những thương hiệu của tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH, Dior đã trình bày chi tiết cách AI và AI tạo sinh giúp khách hàng tìm kiếm trực quan các sản phẩm, giúp công ty tổng hợp nhận xét của khách hàng từ nhiều kênh, hỗ trợ chăm sóc khách hàng hay khảo sát mức độ hài lòng đối với các sản phẩm của họ.
Gonzague de Pirey, Giám đốc của Omnichannel (chịu trách nhiệm về việc phát triển và triển khai các chiến lược kinh doanh) của tập đoàn LVMH cho biết: “chúng tôi sử dụng AI không phải để thay thế nhân viên của mình mà để nâng cao đội ngũ của chúng tôi. Còn khi nói đến dữ liệu của nhân viên và khách hàng, LVMH đã xây dựng một hệ thống AI riêng được bảo vệ tốt hơn chứ không tận dụng sức mạnh của các chatbot công khai như ChatGPT.
Theo các chuyên gia, ứng dụng AI trong chuỗi cung ứng còn có thể giúp các công ty thời trang ra mắt các bộ sưu tập nhanh hơn và bền vững hơn. AI sẽ không bao giờ giết chết sự sáng tạo nhưng nó sẽ giết chết những nhà tạo mẫu không biết cách sử dụng AI. Raul Cruz Bonilla, Phó chủ tịch công ty AI Imki của Pháp, cho biết: Chúng tôi đã tạo ra bộ sưu tập quần áo denim chỉ trong vòng 21 ngày nhờ công nghệ.
Đối với ngành làm đẹp, AI không phải là điều mới lạ. LVMH bắt đầu sử dụng AI từ 10 năm trước và những gì họ đã tạo ra gần đây đều có sự tham gia của AI. Chẳng hạn, mô phỏng trang điểm ảo dựa trên máy học và công nghệ chẩn đoán da cũng được xây dựng dựa trên thuật toán học máy.
Nói về tương lai của AI trong lĩnh vực làm đẹp, LVMH cho rằng AI sẽ còn tạo ra nhiều biến đổi hơn nữa. Mỗi cá nhân sống ở một nơi nhất định, có lối sống nhất định và có đặc điểm sinh học nhất định, thế nhưng khả năng tiếp cận những điều đó sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ AI.
Nguồn:https://vneconomy.vn/ai-dang-bien-doi-nganh-cong-nghiep-thoi-trang-va-lam-dep-cao-cap.htm
  • Cấy ghép đầu nhờ robot và AI: Quá hấp dẫn và cũng quá nguy hiểm
Start up về khoa học thần kinh và kỹ thuật y sinh BrainBridge (Mỹ) tiết lộ sẽ phát triển một hệ thống robot hoàn toàn tự động có khả năng thực hiện quy trình cấy ghép đầu phức tạp trong vòng 8 năm tới.
Về cơ bản, quy trình này nghĩa là thay thế cơ thể bị bệnh hoặc bị tổn thương bằng cơ thể khỏe mạnh.
Quá trình cấy ghép bao gồm đồng thời cắt rời đầu của cả người cho và người nhận, sau đó chuyển đầu của người nhận vào cơ thể của người hiến một cách trơn tru, liền mạch.
Quy trình này sẽ được hướng dẫn bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và hình ảnh cấp độ phân tử thời gian thực, đảm bảo kết nối lại chính xác tủy sống, dây thần kinh và mạch máu.
Một trong những thách thức lớn nhất là làm sao để sửa chữa hoàn toàn tổn thương thần kinh và tủy sống. BrainBridge thừa nhận trở ngại này và đang tích cực tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau để hợp tác nhằm tìm ra giải pháp.
Vào những năm 1970, tiến sĩ Robert White đã đạt được một cột mốc quan trọng khi thực hiện ghép đầu cho một con khỉ. Con khỉ sống sót sau 8 ngày và vẫn giữ được các chức năng cảm giác nhưng không thể di chuyển cơ thể mới do không thể kết nối lại tủy sống. Gần đây nhất, bác sĩ giải phẫu thần kinh Sergio Canavero tuyên bố đã thực hiện thành công ca ghép đầu người, mặc dù cả người cho và người nhận đều đã qua đời. Tuyên bố này đã làm dấy lên cuộc tranh luận và đặt ra câu hỏi về ý nghĩa đạo đức của các quy trình kiểu này.
Biện pháp cấy ghép đầu người của BrainBridge cũng vậy, dù là mục đích tốt nhưng liệu chúng ta có nên làm thế? Theo các bác sĩ, việc ghép nối phần đầu với một cơ thể khác biệt (bao gồm cả tủy sống, tĩnh mạch…) có thể dẫn đến hệ quả là bệnh nhân bị điên và mất trí nhớ. Cũng như những người được cấy ghép tạng khác, bệnh nhân ghép đầu dễ gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng khi phải làm quen và chung sống với phần cơ thể của một người đã chết. 
có 1 sự chuyển biến tâm lý mạnh liệu bệnh nhân có dễ dàng cảm nhận đó chính là mình, rằng con người đang sống sau ca ghép là mình, chứ không phải người sở hữu phần thân thể kia? Ở khía cạnh khác Khoa học công nghệ tiến bộ mà bỏ qua đạo đức luận thì y học sẽ mang màu sắc của chủ nghĩa phátxít. Chúng ta muốn thay quyền tạo hóa để tạo ra những quái vật – người? Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên tự xem mình là một tạo vật được sinh ra để bất tử
Nguồn:https://tuoitre.vn/cay-ghep-dau-nho-robot-va-ai-qua-hap-dan-va-cung-qua-nguy-hiem-20240523140948035.htm

Tài chính

  • Từ 3/6, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV trực tiếp bán vàng tới người dân
Để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng.
Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung – cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.
Do đó, ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV theo mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định căn cứ theo giá thế giới. Các ngân hàng tham gia bán vàng phải công bố công khai giá bán vàng trên website và chỉ bán trực tiếp cho người dân, không bán cho các tổ chức và các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng được yêu cầu báo cáo hàng ngày về lượng vàng đã bán ra, lượng vàng tồn kho, giá bán tới Ngân hàng Nhà nước; cử cán bộ đầu mối tham gia Tổ điều hành can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước nhằm thống nhất trong việc phối hợp can thiệp thị trường vàng; thực hiện chế độ hóa đơn điện tử; báo cáo về công tác phòng chống rửa tiền…
Nguồnhttps://baomoi.com/tu-3-6-vietinbank-vietcombank-agribank-bidv-truc-tiep-ban-vang-toi-nguoi-dan-c49226865.epi

BSA Media