Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

Tin tức về thị trường đạm thay thế

1. Ngành plant-based và bài toán cắt giảm lượng muối trong sản phầm
Mặc dù lĩnh vực sản phẩm từ thực vật đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong vài năm qua, nhưng vẫn còn những lo ngại đáng kể về tính xác thực của các tuyên bố về sức khỏe và dinh dưỡng của các thương hiệu trong lĩnh vực này, cũng như những rủi ro tiềm ẩn chưa thể kiểm chứng về sự tiêu thụ lâu dài.
Một trong những mối lo ngại lớn nhất của các chuyên gia dinh dưỡng chính là hàm lượng natri cao, với việc hầu hết các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật trên thị trường hiện nay là thực phẩm chế biến sâu và có xu hướng cần muối để che giấu những mùi vị khó chịu.
Theo Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Chỉ số Đường huyết của Đại học Bách khoa Temasek và cố vấn chuyên môn của Bộ Y tế Singapore về giảm lượng đường – tiến sĩ Kalpana Bhaskaran, ngành plant-based cần phải chú trọng vào việc đảm bảo các sản phẩm được trải qua một “quy trình sản xuất phù hợp”, bởi nếu các chất phụ gia được sử dụng trong quá trình sản xuất có thể làm tăng lượng đường trong máu, sẽ không tốt cho bệnh nhân tiểu đường (nhóm khách hàng tiềm năng) và người tiêu dùng nói chung.
Do đó, Tiến sĩ Bhaskaran kêu gọi các nhà sản xuất thực phẩm từ thực vật theo dõi chặt chẽ các thành phần phụ gia được sử dụng, đặc biệt là muối, vì đây là một trong những thành phần thường được sử dụng quá mức nhằm cân bằng hương vị.
“Muối được sử dụng phổ biến trong mọi bữa ăn, không giống như đường. Đó là lý do mà việc cắt giảm lượng muối thường được cho là một quá trình rất khó khăn, nhưng điều này không hề đúng.
Dựa trên thực tiễn từ chiến lược “giảm và thay thế” đã được áp dụng trong việc giảm lượng đường của ngành đồ uống, nếu các nhà sản xuất giảm dần việc sử dụng muối khi chế biến và nấu nướng theo từng giai đoạn, có thể tạo ra những thay đổi đối với khẩu vị người dùng và mang đến sự chấp nhận về lâu dài.
Nếu lo ngại về hương vị sản phẩm, luôn có tùy chọn thay thế muối bằng các chất thay thế như muối kali có thể làm giảm 30% hàm lượng natri mà không làm thay đổi mùi vị, đây thực chất là một phương pháp đã được áp dụng trước đây và thực tế là người dùng cũng không nhận thấy sự khác biệt.” – Bà Bhaskaran chia sẻ.
Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/11/29/plant-based-brands-can-slash-salt-by-following-beverage-sector-s-sugar-strategy-leading-academic

Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế

1. Các nền tảng giao đồ ăn thắng lớn trong mùa World Cup
Các nền tảng giao đồ ăn từ các nước vùng Vịnh Ba Tư cho đến Anh và cả các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang làm việc hết tốc lực để đáp ứng kịp các đơn hàng giao đồ ăn dồn dập cho những tín đồ túc cầu giáo đang thưởng thức các trận so tài World Cup 2022 ở Qatar qua màn hình tại nhà..
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-nen-tang-giao-do-an-thang-lon-trong-mua-world-cup/
2. Xu hướng sử dụng rượu không cồn ngày càng thịnh hành tại Pháp
Tại một đất nước nổi tiếng vì sản phẩm rượu vang hảo hạng như Pháp, rượu không cồn vẫn được cho là loại đồ uống không phổ biến. Lượng tiêu thụ mặt hàng này trong năm 2021 tại quốc gia này cũng chỉ tăng ở mức rất khiêm tốn là 4%. Tuy nhiên, hiện nay điều này đang dần thay đổi khi ngày càng có nhiều người Pháp chú ý hơn đến rượu có độ cồn thấp và rượu không cồn.
Theo số liệu từ nhóm tư vấn Phân tích Thị trường Đồ uống cho thấy, mức độ tiêu thụ rượu không cồn ở Pháp “tụt hậu” khá xa so với thế giới. Thị trường rượu không cồn tăng 24% trên toàn thế giới vào năm 2021, trong khi tiêu thụ ở Pháp chỉ tăng 4%. Tuy nhiên, xu hướng này đã dần thay đổi mặc dù chậm nhưng chắc chắn nhờ chiến dịch nâng cao nhận thức và tâm lý muốn bảo vệ sức khỏe.
Nguồn: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/xu-huong-su-dung-ruou-khong-con-ngay-cang-thinh-hanh-tai-phap-post987241.vov
3. Ông lớn ThaiBev tìm cơ hội ở mảng trạm sạc xe điện và nhà hàng
Tập đoàn Thai Beverage đang lên kế hoạch đa dạng hoá nguồn thu ngoài thị trường đồ uống có cồn do triển vọng doanh số bán hàng tại thị trường nội địa không chắc chắn và những khó khăn trong việc tái cơ cấu Sabeco. ThaiBev dự kiến đầu tư tới 8 tỷ baht (223 triệu USD) vào năm 2023. Khoảng 30% số tiền đó sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp bên ngoài mảng bia, gồm khoảng 1,1 tỷ baht cho thực phẩm, 300 – 400 triệu baht cho đồ uống không cồn, và 600 – 800 triệu baht cho rượu chưng cất. Phần còn lại sẽ được rót vào các lĩnh vực như logistics, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm y tế.
Tập đoàn dự định mở 70 nhà hàng mới vào cuối năm 2023, tăng 10% so với mức khoảng 700 cửa hàng hiện tại. Trong đó, 34 nhà hàng dự kiến là Kentucky Fried Chicken (KFC), thương hiệu do ThaiBev điều hành tại thị trường Thái Lan, nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ về giao hàng tận nhà và mang đi do đại dịch COVID-19.
Trạm sạc xe điện cũng là một lĩnh vực khác mà công ty đang tìm hiểu. Các trạm sạc sẽ được giới thiệu trên cơ sở thử nghiệm tại hai cửa hàng KFC trong năm nay. Nếu thành công, công ty dự định bắt đầu triển khai trên toàn bộ chuỗi KFC hiện có cũng như các trung tâm thương mại lớn hơn nơi họ sẽ mở cửa hàng từ năm 2023.
Nguồn: https://markettimes.vn/vien-canh-mo-mit-trong-tang-truong-sau-5-nam-thau-tom-sabeco-ong-lon-thaibev-tim-co-hoi-o-mang-tram-sac-xe-dien-va-nha-hang-10098.html
4. Thực phẩm châu Âu kết hợp nguyên liệu Việt sẽ ‘thổi làn gió’ mới cho tiêu dùng
Chiến dịch “Thực phẩm Châu Âu & Việt Nam: Sự kết hợp hoàn hảo!” đã được Liên minh Châu Âu (EU) sáng lập nhằm quảng bá thực phẩm và đồ uống nông nghiệp của EU tại Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020 để tiếp tục thúc đẩy nhu cầu của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng hơn tại Việt Nam.
Hiệp định EVFTA đang mở cơ hội lớn đem thực phẩm châu Âu đến Việt Nam, theo đó việc đẩy mạnh kết hợp giữa thực phẩm châu Âu và nguyên liệu Việt Nam được kỳ vọng sẽ đem đến ‘làn gió mới’ cho ngành thực phẩm và tiêu dùng trong nước. Không chỉ người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng nông sản Việt Nam mà người Việt cũng ngày càng trở nên quen thuộc hơn với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống châu Âu.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/tieu-dung/thuc-pham-chau-au-ket-hop-nguyen-lieu-viet-se-thoi-lan-gio-moi-cho-tieu-dung-1089581.html
5. Nâng tầm trải nghiệm với bánh mì tại Paris Baguette Flagship
Nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách hàng khi đến với cửa hàng, Paris Baguette Flagship với concept mới ra đời. Theo lời bà Hana Lee, Chủ tịch Paris Baguette tại Đông Nam á, Paris Baguette Flagship là phiên bản cao cấp và sang trọng của chuỗi cửa hàng Paris Baguette tại Việt Nam.
Với giao diện mới, khách hàng sẽ được nâng tầm trải nghiệm với những điều mới mẻ, thú vị và hấp dẫn từ sản phẩm, không gian cửa hàng cho đến phong cách phục vụ. Đặt trong trung tâm thương mại sầm uất Crescent Mall, Paris Baguette không chỉ cung cấp sản phẩm mang đi mà còn phục vụ hơn 160 vị trí ngồi để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đông đảo khách hàng.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/ceo-paris-baguette-nang-tam-trai-nghiem-voi-banh-mi-tai-paris-baguette-flagship-20221128134052909.htm
6. Thị trường quà Tết cạnh tranh nhộn nhịp
Những năm gần đây, ngoài các công ty phân phối, các doanh nghiệp (DN) chuyên giải pháp quà tặng, nhiều nhà sản xuất cũng tham gia khai thác kênh “quà tặng”, đặc biệt là dịp Tết. Thị trường quà Tết ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Tại những hội chợ thực phẩm, hàng tiêu dùng ở TP HCM gần đây, rất nhiều gian hàng đã trưng bày các mẫu hộp quà Tết được đầu tư mẫu mã bắt mắt kèm câu chuyện sản phẩm thú vị để thu hút khách. Trên mạng xã hội, nhiều DN chạy quảng cáo cung cấp suất quà Tết số lượng lớn với cam kết chất lượng tốt kèm chiết khấu hấp dẫn, có nơi lên đến 35%.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/thi-truong-qua-tet-canh-tranh-nhon-nhip-20221127231613032.htm
7. Người làm hàng Tết méo mặt với giá củ kiệu
Giá củ kiệu đầu mùa đang cao ngất ngưởng, gấp đôi năm ngoái nên nhiều người cân nhắc với kế hoạch chế biến, kinh doanh mặt hàng này mùa Tết. Đây là thời điểm các cơ sở chế biến củ kiệu lớn nhập hàng để chuẩn bị hàng cho kênh phân phối hiện đại bán hàng, sau đó là các cơ sở chế biến mùa vụ mua củ kiệu về chế biến tiêu thụ ở kênh truyền thống, cận Tết là thời điểm các bà nội trợ mua kiệu về chế biến dùng trong gia đình.
Khảo sát tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), giá củ kiệu Huế ở mức 70.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi năm ngoái; giá củ kiệu Đồng Tháp thì lên mức 80.000 – 90.000 đồng/kg.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nguoi-lam-hang-tet-meo-mat-voi-gia-cu-kieu-20221129151739259.htm
8. Hợp tác giảm lãng phí thực phẩm và hỗ trợ lương thực cho cộng đồng
Ngày 30/11, IHG Hotels & Resorts hợp tác với VietHarvest nhằm cải thiện tình trạng lãng phí thực phẩm và hỗ trợ lương thực cho cộng đồng khó khăn tại Việt Nam. Tham gia hỗ trợ chương trình Giải cứu thực phẩm của VietHarvest, IHG Hotels & Resorts sẽ góp phần giảm tình trạng thực phẩm dư thừa tại các khách sạn, tận dụng chế biến và chia sẻ đến các cộng đồng cần giúp đỡ thông qua mạng lưới từ thiện.
Chương trình hợp tác bắt đầu triển khai từ khu vực Hà Nội. Cam kết tham gia hoạt động ý nghĩa này sẽ được tiếp nối và triển khai trên khắp hệ thống 15 khách sạn IHG Hotels & Resorts đang hoạt động và 22 khách sạn đang được phát triển tại Việt Nam.
Nguồn: https://congthuong.vn/hop-tac-giam-lang-phi-thuc-pham-va-ho-tro-luong-thuc-cho-cong-dong-229097.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Chuyển đổi số ‘giá rẻ’ cho du lịch cộng đồng
Tổng cục Du lịch đang triển khai dự án xây dựng website hỗ trợ du lịch cộng đồng khu vực nông thôn của các nền kinh tế APEC, dự kiến có địa chỉ https://communitytourism.apec.org. Nền tảng trực tuyến này sẽ cho phép các mô hình du lịch cộng đồng kết nối với thị trường rộng lớn và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
Nền tảng này sẽ là vệ tinh của website APEC về du lịch cộng đồng khu vực nông thôn của các nền kinh tế APEC. Mỗi bản làng du lịch cộng đồng sẽ được cấp tài khoản để sử dụng website này. Như vậy, các cơ sở du lịch cộng đồng ở Việt Nam sẽ được gia nhập vào một mạng lưới đa quốc gia để giới thiệu sản phẩm, cảnh quan, văn hóa bản địa hay các sự kiện để thu hút khách du lịch, từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh nhờ có thêm kênh bán hàng, mở rộng thị trường, cung cấp thông tin một cách cập nhật và tin cậy cho du khách và đối tác.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/tu-van/chuyen-doi-so-gia-re-cho-du-lich-cong-dong-post986556.vov

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Tập đoàn Amazon sẽ đóng cửa đơn vị giao đồ ăn tại Ấn Độ
“Gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon Inc ngày 25/11 thông báo Amazon Food, một đơn vị giao đồ ăn mà công ty đang thử nghiệm ở thành phố Bengaluru, miền nam Ấn Độ, sẽ ngừng hoạt động. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Amazon thông báo ngừng hoạt động nền tảng học tập trực tuyến dành cho học sinh trung học ở nước này.
Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Amazon cho biết quyết định ngừng hoạt động Amazon Food là một phần của quá trình xem xét kế hoạch hoạt động hàng năm của Amazon. Amazon sẽ dừng các chương trình này theo từng giai đoạn để chăm sóc khách hàng và đối tác hiện tại.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tap-doan-amazon-se-dong-cua-don-vi-giao-do-an-tai-an-do/832493.vnp
2. Thế Giới Di Động chính thức thâm nhập Indonesia
Theo báo cáo mới cập nhật, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã chính thức khai trương cửa hàng điện máy đầu tiên tại Indonesia vào ngày 24/11, dưới thương hiệu Era Blue Elektronic. Đây là một liên doanh giữa MWG với đối tác địa phương PT Erafone Artha Retailindo (Erafone – công ty con của Tập đoàn Erajaya). Trên báo cáo tài chính, MWG đã đầu tư 181 tỷ đồng để nắm giữ 45% cổ phần tại liên doanh này.
Thế Giới Di Động kỳ vọng Era Blue sẽ đạt thị phần 20-40% trong 5 năm tới và sau đó sẽ tiến hành IPO. Doanh thu kỳ vọng theo đó tiến đến 2-4 tỷ USD/năm, qua đó giúp tập đoàn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai.
Nguồn: https://zingnews.vn/the-gioi-di-dong-chinh-thuc-tham-nhap-indonesia-post1379345.html
3. Cô gái người Mông livestream bán nông sản, hút vạn người mua
Hình ảnh chị Ma Thị Chú, dân tộc Mông ở thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương, Lào Cai) chuyên livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc trên mạng xã hội. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rất tốt trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Chị Ma Thị Chú cho biết khi livestream, mọi người xem thấy hay thì chia sẻ khắp nơi, việc bán hàng từ đó cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Với hình thức livestream bán hàng, chị Ma Thị Chú đã thành lập 3 HTX tiêu thụ nông sản cho bà con. Mỗi năm, HTX của Chú đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương làm việc theo mùa vụ, 12 – 15 công nhân với độ tuổi thanh niên làm việc theo hợp đồng với mức lương từ 8 – 9 triệu đồng/tháng. Hàng năm, HTX sản xuất được 200 nghìn lít rượu, trong đó có 80 nghìn lít rượu quýt, 50 nghìn lít rượu mận, 70 nghìn lít rượu chuối.
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/co-gai-nguoi-mong-livestream-ban-nong-san-hut-van-nguoi-mua-5008101.html
4. Dự thảo về đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Bộ Công Thương đánh giá tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên mạng Internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là “vấn đề nhức nhối của xã hội”. Các đối tượng làm ăn phi pháp bất chấp quy định của pháp luật, lợi dụng tình hình thị trường để gia tăng hoạt động buôn bán, sản xuất hàng giả với phương thức chặt chẽ, tinh vi từ khâu sản xuất đến phân phối.
Từ đó, Bộ đưa ra đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước. Xây dựng hạ tầng, cải tiến công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ. Công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử phải tạo được niềm tin của người tiêu dùng, bảo vệ quyền và lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-nhai-tu-trung-quoc-vao-viet-nam-giong-hang-chinh-hang-den-80-20221127113141655.htm
5. Nền tảng tiên phong gây quỹ xã hội từ đơn hàng online
WeShare – một nền tảng gây quỹ xã hội từ các tiêu dùng hàng ngày của mọi người- áp dụng mô hình tiếp thị liên kết, với mỗi đơn hàng giao dịch thành công, các đối tác sẽ trả hoa hồng cho WeShare sau đó nền tảng này sẽ đại diện người dùng quyên góp đến tổ chức xã hội mà người dùng đã lựa chọn từ trước.
Về mô hình, WeShare khá tương đồng với Cashbag, Shopback, nhưng thay vì tích lũy số tiền cho bản thân, thì mọi người có thể quyên góp cho các tổ chức xã hội. Hiện nay, đã có 5 tổ chức cùng hợp tác gây quỹ trên WeShare: Green Vietnam Fund, Làng trẻ em SOS Việt Nam, Joy Foundation, Vietseeds Foundation và Saigon Children’s Charity.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/nen-tang-tien-phong-gay-quy-xa-hoi-tu-don-hang-online/20221128104318703
6. VinShop chi 20 tỷ đồng hỗ trợ tạp hoá nhập hàng bán Tết
Từ nay đến hết 15/1/2023, hơn 10 vạn tạp hoá liên kết VinShop (nền tảng công nghệ thuộc Tập đoàn One Mount) tại 22 tỉnh thành phố được hưởng cùng lúc 3 chương trình khuyến mại lớn, với tổng giá trị lên đến 20 tỷ đồng từ VinShop khi nhập hàng thuận trên ứng dụng cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm, bao gồm: Tổng kho ưu đãi, Giỏ quà tri ân, Tích tem đổi quà.
Đây được xem là một trong những hình thức ưu đãi dễ tiếp cận, nhiều mức chiết khấu cao cho hàng tạp hóa, có cơ hội tăng tối đa lợi nhuận mùa Tết. Với nhu cầu nhập hàng tăng đột biến trong mùa bán Tết, VinShop dự tính, mỗi chủ tạp hoá có thể kiếm thêm tới hàng chục triệu đồng thông qua các chương trình khuyến mại này.
Nguồn: https://markettimes.vn/vinshop-chi-20-ty-dong-ho-tro-tap-hoa-nhap-hang-ban-tet-9819.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Louis Vuitton sẽ mở cửa hàng nội thất đầu tiên tại Thượng Hải
Mới đây, Louis Vuitton, nhãn hiệu thuộc tập đoàn LVMH, đã công bố kế hoạch mở một cửa hàng đồ nội thất và đồ gia dụng tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Đây sẽ là cửa hàng đầu tiên trên thế giới của thương hiệu xa xỉ từ Pháp, nhằm mục đích đưa thêm nhiều dịch vụ phong cách sống tới các khách hàng Trung Quốc giàu có.
Lễ khai trương cửa hàng này sẽ diễn ra vào ngày 28/11, tại đường Nam Kinh, khu mua sắm cao cấp hàng đầu của thành phố Thượng Hải. Louis Vuitton cho biết cửa hàng nội thất và đồ gia dụng này sẽ được mở thử nghiệm trong vài tháng, nếu thành công thì hãng sẽ tiếp tục lâu dài.
Nguồn: https://zingnews.vn/louis-vuitton-se-mo-cua-hang-noi-that-dau-tien-tai-thuong-hai-post1379044.html
2. Thương hiệu H&M cắt giảm 1.500 việc làm để tiết kiệm chi phí
Ngày 30/11, thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển thông báo sẽ cắt giảm khoảng 1.500 việc làm để giảm chi phí và dự kiến dành 800 triệu crown Thụy Điển (75,80 triệu USD) để tiến hành tái cơ cấu trong quý 4.
Bước đi trên nằm trong kế hoạch tiết kiệm 2 tỷ crown Thụy Điển/năm mà H&M công bố hồi tháng 9. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh nhiều công ty trên thế giới đã cắt giảm việc làm và giảm tuyển dụng trong những tháng gần đây giữa lúc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại do lãi suất tăng, lạm phát và cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thuong-hieu-hm-cat-giam-1500-viec-lam-de-tiet-kiem-chi-phi/833211.vnp
3. Sau 10 tháng, PNJ vượt 12.6% kế hoạch lợi nhuận năm
Tháng 10 năm 2022 với những chuyển biến tích cực và bước dần sang giai đoạn kinh doanh cao điểm năm bằng nhiều hoạt động thúc đẩy bán hàng trên toàn quốc, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,960 tỷ đồng (tăng 42.3% so với cùng kỳ) và Lợi nhuận sau thuế đạt 147 tỷ đồng (tăng 22.7% so với cùng kỳ).
Theo đó, lũy kế 10 tháng, doanh thu thuần và Lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 28,535 tỷ đồng (tăng 95.5% so với cùng kỳ) và 1,487 tỷ đồng (tăng 118.2% so với cùng kỳ). Với kết quả này, PNJ vượt 10.5% kế hoạch doanh thu và 12.6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nguồn: https://www.saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/sau-10-thang-pnj-vuot-126-ke-hoach-loi-nhuan-nam-111602.htmlNhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1. Những bất ổn của Foxconn và hậu quả Apple phải gánh chịu
Nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu hiện là nhà máy lớn nhất của hãng, với 200.000 công nhân chịu trách nhiệm sản xuất 45% sản phẩm cho Apple. Cơ sở này đang chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn dòng iPhone 14, lên đến 80% số lượng. Chính vì vậy, khi cuộc xung đột xảy ra tại nhà máy này đồng nghĩa với việc chuỗi sản xuất của Apple sẽ bị gián đoạn.
Hiện tại, Foxconn thông báo rằng vấn đề đã được giải quyết và họ đã hoàn thành các hợp đồng thanh toán cho nhân sự, đồng thời nhấn mạnh rằng hoạt động sản xuất tại nhà máy không bị ảnh hưởng và sản lượng vẫn “bình thường”. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích vẫn nhận định rằng ít nhất 10% thị phần sản xuất iPhone toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến 30% sản lượng iPhone của Apple sụt giảm trong tháng 11.
Nguồn: https://zingnews.vn/nhung-bat-on-cua-foxconn-va-hau-qua-apple-phai-ganh-chiu-post1379241.html
2. Hãng điện thoại Xiaomi ‘mất ăn mất ngủ’ do nhu cầu suy giảm
Mới đây hãng điện thoại Xiaomi của Trung Quốc đã công bố tình hình kinh doanh trong quý vừa qua. Cụ thể, doanh thu hàng quý của Xiaomi Corp đã giảm gần 10% khi hãng này phải vật lộn với thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đang sụt giảm và nhu cầu yếu của người tiêu dùng tại quê nhà. Chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã gây ra sự hỗn loạn trong lĩnh vực công nghệ và chuỗi cung ứng của đất nước, làm suy yếu hoạt động kinh tế. Đồng thời, nhu cầu về đồ điện tử đang hạ nhiệt khi người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu trước lạm phát gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Cổ phiếu của Xiaomi đã mất một nửa giá trị trong năm qua, khiến gã khổng lồ điện tử có giá trị vốn hóa thị trường giảm xuống còn 31 tỷ USD. Tuy nhiên, nó vẫn tốt hơn so với một số đối thủ sản xuất điện thoại trong nước như Oppo và Vivo nhờ dấu ấn và phân phối quốc tế rộng hơn.
Nguồn: https://markettimes.vn/hang-dien-thoai-noi-dia-hang-dau-trung-quoc-mat-an-mat-ngu-do-nhu-cau-suy-giam-9698.html
3. Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc chiến đấu để tồn tại trước chính sách cứng rắn về công nghệ của Hoa Kỳ
Không thể mua chip máy tính ở nước ngoài mà không có giấy phép của Hoa Kỳ, Huawei đã phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp trong nước và thậm chí tự mình sản xuất chip. Công ty này từng thiết kế chip của riêng mình và sản xuất chúng ở Đài Loan hoặc các nơi khác.
Fujian Jinhua Integrated Circuit Co. (JHICC), một nhà sản xuất chip bộ nhớ đã phải dừng hoạt động trước cáo buộc ăn cắp công nghệ của Mĩ vào cuối năm 2018, nay đã bắt đầu hoạt động trở lại. Đây là một phần của chuỗi cung ứng sản xuất mới mà Huawei đang âm thầm xây dựng trên khắp Trung Quốc, từ Bắc Kinh đến trụ sở chính của họ ở Thâm Quyến. Nhà sản xuất chip gần đây đã nói với một số nhà cung cấp rằng họ muốn tăng gấp đôi công suất sản xuất trong hai năm.
Trong khi đó, ngay đối diện nhà máy JHICC, Quliang Electronics, một nhà cung cấp dịch vụ đóng gói chip, ít được biết đến, đang xây dựng một cơ sở sản xuất thứ hai trên một địa điểm có diện tích bằng 20 sân bóng đá. Giống với JHICC, cơ sở này nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ cùng một khách hàng lớn: Huawei.
JHICC và Quliang chỉ là hai ví dụ về tham vọng chuỗi cung ứng nội địa của Huawei. Với sự giúp đỡ của các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc, Huawei và các đối tác của mình đang làm việc trên một mạng lưới sản xuất và lắp ráp chip mới ở Bắc Kinh, Vũ Hán, Thanh Đảo và trụ sở chính của Huawei ở Thâm Quyến, với khoản đầu tư ước tính hơn 400 tỷ nhân dân tệ (55,8 tỷ USD). Mục tiêu rất đơn giản: thay thế các nhà sản xuất và nhà cung cấp nước ngoài, đồng thời mang lại hoạt động sản xuất chip chính của Huawei cho các trạm cơ sở viễn thông, camera giám sát và điện thoại thông minh — đồng thời mạo hiểm vào lĩnh vực kinh doanh chip ô tô.
Nguồn: https://asia.nikkei.com/Spotlight/The-Big-Story/China-s-chip-industry-fights-to-survive-U.S.-tech-crackdown
4. HP chuẩn bị sa thải hàng nghìn nhân viên
Cùng với làn sóng thanh lọc nhân sự của các ông lớn công nghệ Mỹ, HP cũng đang có kế hoạch chuẩn bị sa thải hàng nghìn nhân viên trước áp lực suy thoái của nền kinh tế thế giới.
HP đã có kế hoạch thanh lọc nhân viên của mình trong vòng 3 năm tới với số lượng lên đến 6.000 nhân viên. HP sẽ không cùng một lúc cho hàng nghìn người thôi việc như những gì Elon Musk đã làm với Twitter, công ty này sẽ tái cơ cấu lại theo từng giai đoạn Hiện tại, công ty này đang có khoảng 61.000 nhân sự và việc cắt giảm này dự kiến giúp họ tiết kiệm 1,4 tỷ USD hằng năm cho đến năm 2025.
Nguồn: https://vov.vn/cong-nghe/tin-cong-nghe/hp-chuan-bi-sa-thai-hang-nghin-nhan-vien-post986646.vov
5. Thung lũng Silicon đã qua kỷ nguyên vàng?
Trung tâm công nghệ của nước Mỹ – Thung lũng Silicon – đang rơi vào khủng hoảng do tốc độ tăng trưởng của các Big Tech (Amazon, Apple, Google, Facebook và Microsoft) chậm lại, làn sóng sa thải hàng loạt từ các công ty công nghệ lớn, dòng tiền đầu tư bị đóng băng. Mô hình kinh doanh của Thung lũng Silicon giờ đây không còn là miền đất hứa cho những nhân tài công nghệ.
Nhận thức của công chúng về công nghệ cũng dần thay đổi, 68% người Mỹ cho rằng các công ty công nghệ đang sở hữu quá nhiều quyền lực, tăng so với mức 51% năm 2018. Như vậy, theo Business Insider, cái giá phải trả cho sự tụt dốc của Thung lũng Silicon không chỉ dừng lại ở mặt tài chính mà còn ở những giá trị chung của xã hội.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn//thung-lung-silicon-da-qua-ky-nguyen-vang-859719.html
6. Doanh số xe điện tại Mỹ, châu Âu liên tục lập kỷ lục
Đã có những tín hiệu rất tích cực cho các hãng kinh doanh ô tô điện tại Mỹ và châu Âu. Số liệu mới nhất từ JATO Dnamics cho thấy tăng trưởng nhu cầu xe điện tại những thị trường này đang rất rất hứa hẹn. Cụ thể, thị phần ô tô chạy pin thuần điện (BEV) tại Mỹ đạt 5,1% trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 10/2022. Mặc dù con số vẫn tương đối khiêm tốn so với xe sử dụng động cơ đốt trong, nó vẫn cho thấy sự tăng trưởng đáng kinh ngạc so với các năm trước.
Mặc dù tăng trưởng mạnh, thị trường Mỹ vẫn xếp sau châu Âu. Dữ liệu thu thập ở 23 quốc gia châu Âu của JATO cho thấy xe điện đang chiếm đến 12% thị phần xe đăng ký mới tại đây trong tháng 10/2022. Con số này tương đương 1,09 triệu xe trên tổng số 9,09 triệu xe của toàn thị trường. Con số này tăng lên 1,86 triệu xe nếu tính cả xe plig-in hybrid. Sự bùng nổ doanh số xe điện tại châu Âu được lý giải bởi cơ sở hạ tầng tốt hơn cũng như nhiều lựa chọn hơn.
Nguồn: https://markettimes.vn/vua-xuat-khau-xe-sang-my-vinfast-don-tin-khong-the-vui-hon-doanh-so-xe-dien-tai-my-chau-au-lien-tuc-lap-ky-luc-9859.html
7. Người Việt đầu tiên xuất khẩu drone vào Mỹ
Ông Lương Việt Quốc, CEO RealTime Robotics Inc (RtR) có trụ ở tại TP. HCM là người Việt đầu tiên làm dậy sóng giới công nghệ quốc tế khi xuất khẩu máy bay không người lái (drone) sang Mỹ với giá bán thuộc hàng top thế giới. Ông cũng là người đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào khu công nghệ cao TP. HCM mở nhà máy sản xuất drone tại Việt Nam.
Hiện công ty RtR đã nộp bằng bằng sáng chế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu cho HERA. Và sau HERA, RtR đã nộp thêm 2 bằng sáng chế đột phá nữa về ứng dụng drone trong công nghiệp và quân sự cũng như đang chuẩn bị hồ sơ nộp bằng sáng chế thứ 4.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/nguoi-viet-dau-tien-xuat-khau-drone-vao-my-20180504224277477.htm
8. Hàng điện máy, công nghệ trong nước tăng giá
Giá USD tăng mạnh từ cuối tháng 9-2022 kéo tỉ giá tăng theo đã tác động rõ rệt đến giá sản phẩm điện máy, công nghệ ở thị trường trong nước. Quản lý một siêu thị điện máy ở quận 5, TP HCM – cho hay các mặt hàng tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh… đã tăng giá 2%-5% trong tháng 11. Chỉ riêng mặt hàng tivi giữ hoặc giảm giá do nguồn cung quá lớn, sức mua yếu và cửa hàng tung ra nhiều chương trình ưu đãi mùa World Cup 2022.
Một số nhà bán lẻ cũng thông tin giá hàng điện máy, công nghệ sẽ tiếp tục tăng khoảng 5% trong đợt nhập hàng tiếp theo vào cuối năm 2022.
Nguồn: https://nld.com.vn/oto-xe-dien-may/hang-dien-may-cong-nghe-tang-gia-20221126203524295.htm

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Giá điện tiếp tục tăng ở nhiều nước châu Âu
Khủng hoảng năng lượng từ xung đột giữa Nga và Ukraine đang khiến giá điện tại châu Âu tiếp tục tăng thêm. Giá điện bán lẻ tới các hộ gia đình đã tăng khoảng gấp rưỡi tại hầu hết quốc gia châu Âu và sẽ còn tăng trong năm tới.
Giá điện bán buôn tại châu Âu đang tăng dần khi mùa đông tới, tuy thấp hơn nhiều so với cuối tháng 8, nhưng so với tầm này năm ngoái cũng đã tăng hơn gấp đôi. Các nước châu Âu đã cố gắng ghìm giá điện bán lẻ, bằng đủ cách, giảm thuế, trợ cấp, nhưng đến cuối tháng 11 này cũng đã cho biết, mọi biện pháp đều không thể kéo giá điện bán lẻ xuống.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-dien-tiep-tuc-tang-o-nhieu-nuoc-chau-au-20221128203241506.htm
2. GreenYellow đặt cược vào tiềm năng của thị trường năng lượng mặt trời Việt Nam
GreenYellow Việt Nam, công ty chuyên về năng lượng tái tạo đến từ Pháp cung cấp dịch vụ toàn diện cho các dự án năng lượng mặt trời và các dự án tiết kiệm năng lượng (energy efficiency), gần đây đã mua lại 70% cổ phần công ty con của Qair và trang trại điện mặt trời đang vận hành tại Bình Định. Thương vụ mua lại này dựa trên mong muốn mở rộng hoạt động của công ty tại khu vực Đông Nam Á và GreenYellow chính thức trở thành nhà điều hành dự án điện mặt trời Bình Định với công suất 49,5 MWp.
GreenYellow dự đoán thị trường năng lượng mặt trời quy mô lớn sẽ khó khăn hơn trong vòng 5 năm tới khi số lượng dự án solar farm mới với cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp) sẽ giảm dần tại Việt Nam. Tuy nhiên, công ty vẫn đặt cược vào phân khúc này để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng mới trên thị trường sau năm 2030. Thương vụ mua lại trang trại mặt trời tại Bình Định là minh chứng cho tầm nhìn này.
Nguồn: https://baodautu.vn/greenyellow-dat-cuoc-vao-tiem-nang-cua-thi-truong-nang-luong-mat-troi-viet-nam-d178684.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Startup Thái Lan tham vọng mở rộng chuỗi nhà vệ sinh ‘5 sao’ khắp châu Á
Tháng trước, Start-up Mister Loo (Thái Lan) huy động được 5 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series A từ Silverhorn Investment Advisors, quỹ đầu tư tập trung vào châu Á, có trụ sở tại Hồng Kông và responsAbility, công ty quản lý tài sản, có trụ sở tại Thụy Sĩ. Silverhorn cung cấp 75% tổng số vốn huy động và trở thành cổ đông lớn, có ghế trong hội đồng quản trị của Mister Loo, trong khi responsAbility cung cấp phần vốn còn lại thông qua tài trợ nợ.
Công ty Mister Loo được Wanner và Dominik Schuler, đồng nghiệp cũ tại Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), thành lập vào năm 2015 để cung cấp các nhà vệ sinh, được quảng bá là đạt tiêu chuẩn 5 sao, cho các trung tâm thương mại, trung tâm giao thông và những khu vực công cộng khác, nơi không có nhà vệ sinh miễn phí hoặc không đạt chất lượng về an toàn và độ sạch sẽ.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/startup-thai-lan-tham-vong-mo-rong-chuoi-nha-ve-sinh-5-sao-khap-chau-a/
2. Startup mới của cựu sáng lập Foody được bơm 4,5 triệu USD
Ngày 28/11, nền tảng đi chợ trực tuyến Cooky công bố vừa huy động được 4,5 triệu USD từ 2 quỹ đầu tư Nextrans và Do Ventures. Nền tảng Cooky được sáng lập bởi 2 doanh nhân Đặng Hoàng Minh và Nguyễn Thành Đại. Cả 2 là những người sáng lập của Foody, dịch vụ giao đồ ăn tiên phong tại thị trường Việt Nam và được mua lại bởi Tập đoàn SEA Group.
Đại dịch đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đi chợ online và hành vi tiêu dùng này đang tiếp tục được duy trì tại Việt Nam nhờ nhóm dân số trẻ tin dùng các sản phẩm công nghệ. Với tốc độ phổ cập nhanh chóng của các giải pháp đi chợ online, thị trường tạp hóa điện tử (e-grocery) của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2025 theo ước tính từ Cooky.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/startup-moi-cua-cuu-sang-lap-foody-duoc-bom-45-trieu-usd-20180504224278115.htm
3. Lộ diện top 10 startup cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia
Trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2022 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo mở- Khơi nguồn tư duy mới”, chiều ngày 02/12/2022 tại Bình Dương sẽ diễn ra chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia. Những startup lọt vào Top 10 chung cuộc đã trải qua hành trình 3 tháng tranh tài cùng với gần 500 dự án khác với các vòng thi căng thẳng và các hoạt động đào tạo, tập huấn, kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước.
Top 10 startup chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia:
– Công ty TNHH FINAN (SOBANHANG)
– Công ty CP dịch vụ tài chính bất động sản TULIP (FINA)
– Công ty TNHH CYBERAPPLY Vietnam (CYBERPURIFY)
– Công ty TNHH FORTE BIOTECH Vietnam (FORTE BIOTECH)
– Công ty CP PVA PRO (PVA PRO)
– Công ty CP HALANA (HALANA)
– Công ty TNHH Bảo hiểm tài chính trực tuyến Việt Nam (VIFO)
– Công ty TNHH WAREFLEX Việt Nam (WAREFLEX)
– Công ty CP DIZIM (DIZIM)
– Công ty TNHH WESHARE.ASIA (WESHARE)
Nguồn: https://vneconomy.vn/lo-dien-top-10-startup-cuoc-thi-tim-kiem-tai-nang-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-quoc-gia.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Nhật Bản đưa công chức về làm việc trên các cánh đồng do thiếu nhân công
Nhiều khu vực của Nhật Bản đang thiếu người trong độ tuổi lao động đến mức các nhà quản lý chính quyền địa phương phải “xắn tay” để giúp đỡ các trang trại. Các nhân viên bàn giấy ở các chính quyền địa phương của Nhật Bản đang được điều động về các vùng nông thôn để thu hoạch trái cây và phơi tảo bẹ. Đây là nguồn lao động mới nhất được tận dụng cho công việc này sau người già, phụ nữ và lao động nước ngoài.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nhat-ban-dua-cong-chuc-ve-lam-viec-tren-cac-canh-dong-do-thieu-nhan-cong/
2. Giải gạo ngon nhất thế giới và bài học từ nền nông nghiệp Campuchia
Campuchia đã đoạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2022 do The Rice Trader tổ chức tuần rồi tại Phuket, Thái Lan. Trước đó, giống Phka Malys (hoặc Angkor Malis) của Campuchia cũng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới “The World’s Best Rice” vào các năm 2012, 2013, 2014 và năm 2018. Đây là gạo lúa mùa đặc sản của vùng đất phù sa quanh Siem Reap – vùng đất cố đô của đế quốc Angkor. Lúa ở đây canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong suốt quá trình canh tác. Hạt gạo dài, trắng trong, thơm ngon và được khách hàng ưa chuộng.
Câu chuyện thành công của giống lúa Phka Rumduol buộc các nước ‘trên cơ’ Campuchia về xuất khẩu gạo như Việt Nam và Thái Lan phải suy nghĩ, bởi Campuchia xây dựng nền nông nghiệp lành mạnh từ đống tro tàn sau nạn diệt chủng, và tận dụng rất tốt những lợi thế của mình để tạo nên thương hiệu bền vững.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/gao-ngon-nhat-the-gioi-roi-sao-nua/
3. Kịch bản nào cho giá cà phê trong năm 2023?
Từ đầu tháng 10 đến nay, giá cà phê đi theo xu hướng giảm khi nguồn cung trở nên tích cực hơn. Trong thời gian tới, cung – cầu cà phê có sự thay đổi, đặc biệt là dự báo mới nhất của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) về nguồn cung cà phê niên vụ 2022/2023 của các nước cung ứng chính và triển vọng niên vụ 2023/2024 tại Brazil, liệu giá cà phê có thể nối tiếp đà giảm hiện tại?
Nguồn: https://markettimes.vn/kich-ban-nao-cho-gia-ca-phe-trong-nam-2023-9626.html
4. Giá sầu riêng tăng gấp 3, dân ồ ạt trồng, Bộ ra Chỉ thị kiểm soát
Trước thực trạng giá sầu riêng tăng gấp 3 lần khiến nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, Bộ NN-PTNT ngày 30/11 vừa ra Chỉ thị yêu cầu nông dân không tự phát mở rộng diện tích. Để phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT đặc biệt yêu cầu các Sở NN-PTNT rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.
Bộ NN-PTNT cũng khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, không tự phát chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây sầu riêng, chanh leo.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/gia-sau-rieng-tang-gap-3-dan-o-at-trong-bo-ra-chi-thi-kiem-soat-2086341.html
Tham khảo thêm: Đừng để sầu riêng biến thành “sầu chung”
https://vneconomy.vn/dung-de-sau-rieng-bien-thanh-sau-chung.htm
5. Cà Mau tồn hàng nghìn tấn lúa chất lượng cao
Ngày 30/11, tổng hợp nhanh từ đơn vị chức năng huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, tính đến hết 27/11, các trà lúa – tôm toàn huyện đã thu hoạch sớm được hơn 1.900ha (khoảng 10% tổng diện tích lúa-tôm toàn huyện), với tổng sản lượng hơn 12.400 tấn. Trong số này, vùng trồng lúa ST24, ST25 thu hoạch sớm được 970ha, tổng sản lượng hơn 6.300 tấn, nhưng mới tiêu thụ (thông qua các hợp đồng liên kết bao tiêu) được gần 2.500 tấn (giá trung bình khoảng 8.100đ/kg), còn tồn hơn 3.800 tấn.
Lúa tồn đọng tập trung chủ yếu ở các xã Tân Bằng, Biển Bạch Đông, Trí Phải của huyện Thới Bình, trung bình mỗi nơi còn từ 1.100 đến hơn 1.300 tấn lúa ST24, ST25 chưa bán được. Tại Biển Bạch Đông và Tân Bằng, nhà nông thu hoạch lúa gặp xui ngay thời điểm mưa nhiều khiến lúa có độ ẩm cao, không đạt tiêu chuẩn thu mua theo hợp đồng ký kết giữa Công ty cổ phần lương thực A An và các hợp tác xã, từ đó đơn vị bao tiêu từ chối thu mua.
Với năng suất từ 6- 7 tấn/ha thì vụ lúa năm nay nông dân vùng lúa – tôm huyện Thới Bình “thắng đậm” về sản lượng. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ, lưu thông hàng hóa thì công sức của nông dân xuống sông, xuống bể…!.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ca-mau-ton-hang-nghin-tan-lua-chat-luong-cao-a583225.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Xuất khẩu thủy sản có khả năng sẽ cán mốc 11 tỷ USD
Năm 2022, xuất khẩu thủy sản được dự đoán sẽ cán mốc 11 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng ở mức hai con số. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỷ USD, tăng 30%; xuất khẩu cá tra đã vượt 2 tỷ USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021 và có khả năng vượt 2,5 tỷ USD cuối năm nay; cá ngừ lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD… Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng ở mức hai con số, từ 18 – 77%.
Theo Ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19. Bốn thị trường (EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam; trong đó, lần đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 2 tỷ USD. Vương quốc Anh trở thành thị trường đứng thứ 7 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam… Có thể thấy rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào tất cả thị trường đều tăng – đây là tín hiệu khả quan cho thấy trong thời điểm khó khăn, doanh nghiệp thủy sản vẫn tìm thấy được cơ hội, vượt qua được thách thức.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-thuy-san-co-kha-nang-se-can-moc-11-ty-usd-20221127203107425.htm
2. Nhãn tươi Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản
Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản mới đây đã công bố chính thức trên trang web của Chính phủ nước này về việc quả nhãn tươi Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Hiện nay, đoàn chuyên gia của Nhật cũng đang có mặt tại Việt Nam kiểm tra những khâu cuối cùng trước khi xuất khẩu. Như vậy nhãn là loại trái cây tươi thứ 4 của Việt Nam sẽ được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, sau thanh long, xoài Cát Chu và vải.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/nhan-tuoi-viet-nam-duoc-phep-nhap-khau-vao-nhat-ban-2022112512093606.htm
3. Tin vui bất ngờ với nhiều mặt hàng nông sản Việt
Ngày 24/11, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hoàn thành các thủ tục xuất khẩu quả nhãn sang Nhật Bản, khoai lang sang Trung Quốc và chanh, bưởi sang thị trường New Zealand. Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc mở cửa được thị trường và ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng minh bạch và cũng là tạo động lực cho người nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô lớn hơn. Điển hình như sầu riêng trong mấy tháng qua xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá đã tăng gấp 3 lần
Nguồn: https://tienphong.vn/tin-vui-bat-ngo-voi-nhieu-mat-hang-nong-san-viet-post1489284.tpo
4. Công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết để khởi động cho việc xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ, Bộ NN&PTNT thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre chủ trì tổ chức “Lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ” vào ngày 28/11/2022.
Thông qua buổi Lễ công bố này, Bộ NN&PTNT mong muốn các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ nhanh chóng triển khai, tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và các yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ, cùng phối hợp, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bưởi của Việt Nam nói chung và xuất khẩu sang Hoa Kỳ nói riêng nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho tất cả các bên tham gia chuỗi sản xuất-xuất khẩu.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/cong-bo-xuat-khau-lo-buoi-dau-tien-cua-viet-nam-sang-hoa-ky-102221127082011924.htm
5. Lô chanh leo đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Việt Nam vừa có lô hàng chanh leo đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Lô hàng này có khối lượng hơn 18 tấn, được thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, ở thành phố Bằng Tường, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Lô hàng được vận chuyển đến khu chợ biên giới Pò Chài để tiến hành kiểm nghiệm, kiểm dịch. Sau khi đạt yêu cầu, lô hàng đã được vận chuyển trực tiếp đến nhà máy để đưa vào chế biến.
Để bảo đảm việc nhập khẩu và chế biến chanh leo Việt Nam ngay tại khu vực chợ biên giới, cơ quan chức năng Trung Quốc đã xây dựng phương án giám sát, quản lý chuyên biệt cho việc thông quan chanh leo, để bảo đảm các thủ tục được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/lo-chanh-leo-dau-tien-xuat-khau-chinh-ngach-sang-trung-quoc-20221130083022844.htm
6. Xuất chuyến hàng bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên sang Anh
Chiều 24/11, UBND huyện Tân Lạc phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA tổ chức lễ xuất chuyến hàng bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên sang thị trường Anh, với số lượng 5.400 quả bưởi đỏ Tân Lạc.
Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, bên cạnh việc phát triển, mở rộng diện tích, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác bưởi đỏ của người dân ngày được một nâng cao, phát triển theo hướng bền vững. Người dân nhận thức rõ vai trò sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để giảm thiểu sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, đảm bảo đúng quy chuẩn quy định về kiểm dịch thực vật, tất cả các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc, đáp ứng sẵn sàng để bưởi đỏ Tân Lạc xuất khẩu qua thị trường thế giới.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/xuat-chuyen-hang-buoi-do-tan-lac-dau-tien-sang-anh-20221124180821401.htm
7. Châu Âu mua nhiều gạo thơm, gạo chất lượng cao từ Việt Nam
Theo bản tin thị trường nông sản tháng 11-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành, giá gạo (5% tấm) xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức 438 USD/tấn, cao hơn hàng của Thái Lan từ 13 đến 28 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 60 – 65 USD/tấn. Tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tăng do nguồn cung giảm, trong khi nguồn cầu tăng trong dịp cuối năm. Nhu cầu từ các khách hàng châu Âu nhiều hơn, đặc biệt là đối với các loại chất lượng cao, gạo thơm.
6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 50.000 tấn gạo sang thị trường EU, kim ngạch thu về gần 37 triệu USD, tăng mạnh 84% về lượng và 96% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 8-2022, xuất khẩu gạo sang EU tiếp tục tăng 82% so với cùng kỳ. Gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu là gạo thơm (ST25, ST24, ST20, Đài Thơm 8, Jasmine…), còn lại là gạo trắng, gạo giống Nhật, gạo lứt, gạo hữu cơ…
Nguồn: https://tuoitre.vn/chau-au-mua-nhieu-gao-thom-gao-chat-luong-cao-tu-viet-nam-20221128160559369.htm
8. Báo Philippines nêu lý do gạo Việt Nam được ưa chuộng
Truyền thông Philippines thời gian qua có nhiều bài viết thông tin về việc nước này vẫn là nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn 9 tháng năm 2022. Cụ thể, báo Philstar hay báo The Star của Philippines đăng tin, trích dẫn số liệu của chính phủ Việt Nam nêu rõ, Philippines đã nhập khẩu 2,47 triệu tấn gạo Việt Nam với tổng giá trị là 1,14 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2022.
Đánh giá lý do tại sao Philippines tiếp tục nhập khẩu nhiểu gạo của Việt Nam, The Philstar cho biết nguồn cung sản lượng gạo Việt Nam ổn định với các loại gạo trắng hạt dài, gạo thơm và gạo OM phù hợp với thị hiếu của người dân Philippines trong khi vẫn giữ được giá thành tương đối thấp. Ngoài ra, khả năng giao hàng và chi phí giao hàng đáp ứng nhu cầu của Philippines do khoảng cách gần giữa hai quốc gia.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/bao-philippines-neu-ly-do-gao-viet-nam-duoc-ua-chuong-post987007.vov
9. Chuyên nghiệp bao bì cho nông sản vào EU, chuyện không dễ với HTX
Tận dụng những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), những năm qua, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là những sản phẩm đã qua chế biến như trái cây sấy, nước ép, chế phẩm trái cây vào thị trường EU đã và đang có sự khởi sắc. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Linh, Chuyên gia Thương mại điện tử B2B, CEO của Easy Export – Trung tâm cung cấp thông tin và dịch vụ xuất – nhập khẩu hàng đầu tại Việt Nam, một điều đáng buồn hiện nay là một số sản phẩm của HTX dù sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng mẫu mã, bao bì lại chưa ổn.
Các HTX hiện nay dường như đang dồn sức vào nâng cao chất lượng sản phẩm mà chưa thực sự chú ý đến mẫu mã và bao bì sản phẩm, cũng như xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Ngay cả những logo, thông tin trên bao bì cũng đơn giản, thiếu sáng tạo, chưa thực sự phù hợp. Điều này cũng sẽ khiến cho các sản phẩm của HTX mất dần ưu thế so với các sản phẩm cùng loại ngoại nhập hoặc các sản phẩm của những doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/chuyen-nghiep-bao-bi-nong-san-chuyen-khong-de-voi-htx-1089657.html
10. Sẽ có 35 gian hàng của Việt Nam tham gia Hội chợ Ambiente Frankfurt
Từ ngày 3 – 7/2/2023 tại Trung tâm Triển lãm Messe Frankfurt, thành phố Frankfurt, Đức sẽ diễn ra Hội chợ Ambiente Frankfurt do Messe Frankfurt Exhibiton GmbH tổ chức. Sẽ có hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc… tham gia hội trợ này; trong đó có 35 gian hàng đến từ Việt Nam.
Theo bà Julia Uhetek – Phó Chủ tịch Tập đoàn phụ trách mảng hội chợ tiêu dùng cho biết: Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu sang thế giới, trong đó có thị trường Đức luôn có nhiều lợi thế, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu được người tiêu dùng ưa chuộng với nhiều tiềm năng khi giới thiệu sản phẩm tại hội trợ lần này.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/se-co-35-gian-hang-cua-viet-nam-tham-gia-hoi-cho-ambiente-frankfurt-20221128181411052.htm
11. Nông sản Campuchia ‘đổ bộ’ vào Việt Nam
Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng nông sản từ Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt, năm 2021, chứng kiến một làn sóng các sản phẩm nông sản từ Campuchia ồ ạt sang Việt Nam với giá trị đạt 3,5 tỷ USD (tăng gấp 4,6 lần so với năm 2020 và gấp 16,2 lần năm 2012), chiếm gần 80% giá trị xuất khẩu nông sản của Campuchia. Thậm chí, vào tháng 9/2021, quốc gia này còn vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất.
Trong 10 tháng năm nay, Việt Nam đã chi tới hơn 4,13 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng từ Campuchia. Trong đó, hai mặt hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu lớn nhất là cao su đạt 1,3 tỷ USD (tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái), hạt điều 1,1 tỷ USD (giảm nhưng vẫn là thị trường chiếm vị trí số 1). Ngoài ra, xuất khẩu gạo từ Campuchia sang Việt Nam đạt hơn 500 triệu USD (tăng hơn 20%), hàng rau quả 50 triệu USD (tăng hơn 45%); sắn, ngô, tiêu, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…
Nguồn: https://tienphong.vn/nong-san-campuchia-do-bo-vao-viet-nam-post1490010.tpo
12. Việt Nam nhập khẩu kỷ lục gần 16.000 ô tô chỉ trong 15 ngày
Theo Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 11 (từ 1-15/11), cả nước nhập khẩu tới gần 16.000 ô tô nguyên chiếc các loại, với kim ngạch đạt hơn 300 triệu USD. Tổng cục Hải quan cho biết, trong số gần 16.000 xe vừa nhập khẩu thì nhiều nhất là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với gần 14.500 xe với giá trị hơn 266 triệu USD.
Đáng chú ý, chỉ 15 ngày đầu tháng nhưng tổng lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu còn nhiều hơn số lượng của cả tháng 10 trước đó (tháng 10/2022 là hơn 14.300 xe) và được xem là kỳ có lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu nhiều nhất từ trước đến nay.
Nguồn: https://tienphong.vn/viet-nam-nhap-khau-ky-luc-gan-16000-o-to-chi-trong-15-ngay-post1490385.tpo
BSAi