Thị trường và bán lẻ

  •  Bấp bênh tại thị trường Mỹ, TikTok Shop mở rộng ở châu Âu
Theo tin từ APNews, TikTok Shop – nền tảng thương mại điện tử của TikTok, sẽ mở rộng sang Pháp, Đức và Italy vào ngày 31/3 tới.
Tại châu Âu, TikTok Shop đặt mục tiêu đưa thêm nhiều doanh nghiệp địa phương lên sàn và tăng cường cung cấp sản phẩm. Tại Pháp, chuỗi siêu thị Carrefour sẽ tham gia sàn TikTok Shop, trong khi nền tảng này tại Đức sẽ có sự góp mặt của các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm AboutYou và Cosnova.
Mặc dù TikTok Shop nổi tiếng với các mặt hàng giảm giá, nhưng nền tảng này cũng đặt mục tiêu cung cấp các sản phẩm cao cấp, bao gồm cả túi Birkin đã qua sử dụng.
Việc mở rộng của TikTok Shop tại châu Âu diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang giám sát chặt chẽ các động thái của hãng, nơi TikTok có thể phải đối mặt với các hạn chế trừ khi ByteDance (công ty mẹ của TikTok) thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh tại Mỹ.
Nguồn:https://baomoi.com/bap-benh-tai-thi-truong-my-tiktok-shop-mo-rong-o-chau-au-c51840651.epi 
  • Nhật Bản bước vào ‘Mùa Xuân của những cơn bão giá’
Theo thống kê do công ty dữ liệu doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản Teikoku Databank (TDB) vừa công bố, bắt đầu từ hôm nay 1/4, 195 nhà sản xuất thực phẩm và nhu yếu phẩm chủ yếu của Nhật Bản sẽ đồng loạt tăng giá 4.225 mặt hàng thiết yếu, với mức tăng giao động từ 6% – 20%.
Đây là thông tin gây lo ngại sâu sắc trong toàn xã hội Nhật Bản. Bởi vì, chỉ riêng trong năm 2024, tại thị trường Nhật Bản, đã có tới 12.520 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá, với mức giao động từ 8% – 23%, và trong giai đoạn từ tháng 1 – 4/2025, đã có thêm 6.121 mặt hàng tiêu dùng nữa bị nâng giá, với mức tăng trung bình 18%.
Để đối phó với tình trạng giá cả leo thang, nhiều người tiêu dùng Nhật Bản buộc phải lựa chọn một giải pháp mang tính tình thế là tích trữ nhu yếu phẩm. Nhưng cách này lại gây những tác động xấu cho cả thị trường, khi lượng tích trữ tăng quá cao dẫn tới tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần không ra”.
Nguồn:https://baomoi.com/nhat-ban-buoc-vao-mua-xuan-cua-nhung-con-bao-gia-c51862096.epi 
  • Nhật Bản ra mắt dịch vụ bảo hiểm thực phẩm, nhằm giảm bớt lãng phí thực phẩm
Hàng năm, Nhật Bản hủy bỏ khoảng 4-6 triệu tấn thực phẩm các loại còn ăn được, gây lãng phí hàng chục tỉ đô la. Các hãng bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản đang mở rộng các sản phẩm và dịch vụ trong ngành thực phẩm, nhằm giảm tình trạng lãng phí thực phẩm đang ngày gia tăng ở nước này.
Trong thời gian tới, hai hãng bảo hiểm Mitsui Sumitomo Insurance và Aioi Nissay Dowa Insurance sẽ bắt đầu bồi hoàn các chi phí bán lại các loại thực phẩm bị từ chối do các yếu tố kỹ thuật, chẳng hạn như giao hàng trễ. Các sản phẩm vẫn còn dùng được thường bị loại bỏ do bao bì hoặc thùng chứa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển hoặc giao hàng chậm trễ do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như tuyết rơi dày.
Sản phẩm mới này sẽ bồi thường đến 5 triệu yen (33.500 đô la) trong những trường hợp đã đề cập. Các hãng bảo hiểm hy vọng sản phẩm mới của họ sẽ khuyến khích tái chế thực phẩm và góp phần giảm thất thoát thực phẩm.
Nguồn:https://bsaonline.vn/nhat-ban-ra-mat-dich-vu-bao-hiem-thuc-pham-nham-giam-bot-lang-phi-thuc-pham/ 
  • Thế khó khi Trung Quốc bước vào các ngành sản xuất công nghệ cao
Nghiên cứu năm 2023 của Goldman Sachs phát hiện ra rằng các trụ cột tăng trưởng mới của nền kinh tế Trung Quốc – bao gồm sản xuất pin, xe điện và tấm pin mặt trời – ít đòi hỏi nhiều lao động so với các mảng sản xuất đồ nội thất, bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Gene Ma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Tài chính Quốc tế (IFI), phát hiện ra rằng trong giai đoạn 2012-2023 Trung Quốc đã mất 86 triệu việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp và 17 triệu việc làm trong các ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất và khai khoáng. Trong khi đó số việc làm ở ngành dịch vụ chỉ tăng 82 triệu. Tình trạng này có nghĩa là đại lục mất đi 21 triệu việc làm ròng trong 11 năm.
Tự động hóa đang lan rộng khắp ngành sản xuất công nghệ cao Trung Quốc, vốn chiếm 51% số robot công nghiệp được lắp đặt trên toàn cầu vào năm 2023, theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR). “Sức mạnh bí mật của Trung Quốc nằm ở hiệu quả sản xuất, với chi phí lao động thấp hơn và mức độ tự động hóa cao hơn. Hãy đến thăm nhà máy mới của Xiaomi hoặc khu phức hợp công nghiệp khổng lồ của BYD ở Hà Nam, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi mức độ tự động hóa — robot ở khắp mọi nơi, sạch sẽ và yên tĩnh”, CEO Michael Dunne của hãng tư vấn Dunne Insights, nhận xét.  
Nguồn:https://bsaonline.vn/the-kho-khi-trung-quoc-buoc-vao-cac-nganh-san-xuat-cong-nghe-cao/ 

Công nghệ 

  •  Bill Gates: Nhờ AI, con người có thể chỉ cần làm việc 2 ngày mỗi tuần trong 10 năm nữa
Trong cuộc phỏng vấn trên đài NBC, Bill Gates đã vẽ nên viễn cảnh AI có thể đảm nhận các nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn cao. Thực tế, các lĩnh vực như y tế hay giáo dục vẫn còn thiếu những chuyên gia giàu chuyên môn, tuy nhiên, chỉ trong 10 năm tới, AI có thể tự cung cấp lời khuyên y khoa và hỗ trợ dạy kèm hoàn toàn miễn phí. Khi ấy, công việc của con người sẽ giảm đi.
Dù thừa nhận AI có thể gây ra nhiều biến động, Bill Gates vẫn lạc quan về những lợi ích mà nó mang lại, từ đột phá trong y học, bảo vệ môi trường đến mở rộng cơ hội giáo dục. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng vẫn sẽ có những công việc mà chỉ có con người mới có thể đảm nhiệm.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận những lo ngại chính đáng về sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là nguy cơ mắc lỗi và lan truyền thông tin sai lệch trên mạng.
Nguồn:https://baomoi.com/bill-gates-nho-ai-con-nguoi-co-the-chi-can-lam-viec-2-ngay-moi-tuan-trong-10-nam-nua-c51834892.epi 
  •  Những thống kê nổi bật về trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn là chủ đề công nghệ nổi bật nhất trong thập kỷ này, nhờ vai trò quan trọng của nó trong việc định hình lại hoạt động kinh doanh, công việc và đời sống thường nhật. Những bước đột phá như mô hình ngôn ngữ tạo sinh và khả năng suy luận đã đẩy nhanh tốc độ ứng dụng AI, mở ra hàng loạt cơ hội và giải pháp mới. Để làm sáng tỏ tầm ảnh hưởng sâu rộng của cuộc cách mạng trí tuệ này, trang Forbes đã tổng hợp những số liệu quan trọng nhất, cung cấp cái nhìn rõ nét về sự bùng nổ của AI hiện nay:
  1. Có 34 triệu hình ảnh được AI tạo ra mỗi ngày
  2. 71% hình ảnh trên mạng xã hội hiện được tạo ra bởi AI
  3. Các vụ gian lận Deepfake tăng vọt từ 0,01% lên 6,5% trong vòng 3 năm 
  4. Các ông lớn công nghệ đầu tư 320 tỷ USD vào việc phát triển AI vào năm 2025
  5. Thị trường dịch vụ AI toàn cầu đạt 243 tỷ USD trong năm nay
  6. 97% lãnh đạo đầu tư vào AI báo cáo chỉ số ROI (Lợi nhuận đầu tư) tích cực
  7. 25% doanh nghiệp sẽ triển khai các tác nhân AI trong năm nay
  8. Thị trường AI trong lĩnh vực y tế được định giá 38,7 tỷ USD, tăng gấp đôi kể từ năm 2023
  9. Khoảng cách áp dụng: 81% người lao động vẫn chưa sử dụng công cụ AI
  10. Sự khác biệt về niềm tin: Ấn Độ (77%) và Trung Quốc (72%), chấp nhận AI, Mỹ chi 32%
  11. Trung tâm dữ liệu tiêu thụ 5% năng lượng của Mỹ, tăng gấp đôi vào năm 2030
  12. AI nâng cấp trải nghiệm di động với 30% smartphone mới tích hợp Gen AI 
  13. 50% doanh nghiệp chọn sử dụng AI tích hợp giải pháp mã nguồn mở 
  14. Gần 50% lãnh đạo công nghệ tích hợp AI hoàn toàn vào chiến lược kinh doanh, nhưng chỉ 30% áp dụng toàn diện 
Nguồn:15 thống kê nổi bật về trí tuệ nhân tạo (AI): Các ông lớn công nghệ đầu tư 320 tỷ USD vào việc phát triển AI, 81% người lao động chưa sử dụng AI | Advertising Vietnam

Xu hướng Xanh – Bền vững

  •  Tiềm năng và những khó khăn trong việc tái chế rác nhựa, quản lý chất thải tại Việt Nam
Theo báo cáo của công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company, việc tái chế nhựa tại Đông Nam Á đang bị hạn chế bởi chi phí thu gom và phân loại cao, có thể gấp 1,5 đến 2 lần giá trị chất thải nhựa thô. Điều này khiến các thương hiệu ngần ngại đầu tư vào tái chế.
Đặc biệt, tại các thị trường lớn như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, tỷ lệ thu gom rác nhựa để tái chế ở các khu vực đô thị mới chỉ đạt từ 8 đến 25%, cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong việc cải thiện tỷ lệ tái chế còn rất lớn nhưng chi phí cao vẫn là rào cản chính.
Bain & Company cũng nêu rõ ba thách thức chính trong việc thúc đẩy tái chế nhựa ở khu vực Đông Nam Á đó là chuỗi giá trị tái chế nhựa vẫn còn phân mảnh; các loại nhựa khác nhau tạo ra khó khăn trong quá trình tái chế và các quy định quốc tế ngày càng nghiêm ngặt về nhập khẩu rác nhựa.
Đối với thị trường rác thải Việt Nam, dự báo từ Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence cho biết sẽ đạt 5,53 tỷ USD vào năm 2024 và tăng lên 8,15 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt 8,04%.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 3,9 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 10-15% được thu gom và tái chế. Đặc biệt, bao bì nhựa chiếm phần lớn trong số đó, cùng những thách thức khác gây áp lực lớn lên môi trường và hệ thống xử lý rác thải.
Nguồn:https://vneconomy.vn/tiem-nang-va-nhung-kho-khan-trong-viec-tai-che-rac-nhua-quan-ly-chat-thai-tai-viet-nam.htm 

Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  •  Singapore mở cửa thị trường một số sản phẩm thịt và trứng gia cầm từ Việt Nam
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, ngày 11/3/2025, Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có văn bản chính thức chấp thuận mở cửa thị trường nhập khẩu một số loại sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai quốc gia.
Các sản phẩm được chấp thuận bao gồm thịt gia cầm đã qua chế biến nhiệt (của công ty CPV Food Co LTd và công ty MeatDeli HN Company Ltd); trứng gia cầm và thịt (không bao gồm thịt bò) đóng hộp/tiệt trùng ở nhiệt độ cao và áp suất cao theo khuyến nghị của Cục Chăn nuôi và Thú y.
Singapore là quốc gia nhập khẩu tới hơn 90% thực phẩm tiêu thụ và cũng được biết đến là một trong những thị trường có tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật nghiêm ngặt.
Singapore là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn thứ hai trên thế giới, do đó, việc xuất khẩu sang thị trường Singapore cũng là bước đà để các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp cận thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng tới các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn:https://baomoi.com/singapore-mo-cua-thi-truong-mot-so-san-pham-thit-va-trung-gia-cam-tu-viet-nam-c51863648.epi 
  • Philippines ngày càng thiếu gạo
Báo cáo mới đây của BMI cho biết, tiêu thụ gạo của Philippines sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức 2,5% cho đến năm 2029. Trong khi đó, sản lượng gạo sản xuất trong nước dự kiến chỉ tăng trưởng 2% hàng năm.
“Những thách thức của ngành lúa gạo ở Philippines cũng được phản ánh qua tình trạng thiếu hụt sản lượng ngày càng tăng, từ mức 1,4 triệu tấn trong năm niên vụ 2014-2015 lên mức dự kiến 3,5 triệu tấn trong niên vụ 2024-25 và 6,1 triệu tấn trong niên vụ 2028-2029”, báo cáo nêu rõ.
Khả năng tự cung tự cấp gạo của Philippines dự báo giảm xuống còn 69,7% so với nhu cầu trong niên vụ 2024-2025, giảm đáng kể so với mức 91,6 phần trăm trong niên vụ năm 2014-2015.
Xu hướng dân số tăng ở Philippines sẽ dẫn đến nhu cầu mạnh mẽ liên tục về gạo trong trung và dài hạn. BMI cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng Philippines cho gạo sẽ tăng nhanh hơn so với tổng chi tiêu cho thực phẩm vào năm 2029.
Nguồn:https://baomoi.com/phillipines-ngay-cang-thieu-gao-c51862500.epi 

 Du lịch – Ẩm thực

  •  TP.HCM muốn mở cửa bảo tàng về đêm để phát triển kinh tế đêm
Trong bối cảnh thị trường du lịch cạnh tranh ngày càng khốc liệt, TP.HCM đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm nâng cao trải nghiệm và giữ chân du khách.
Chiều ngày 1-4, tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp du lịch ở TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – giám đốc Sở Du lịch TP – cho biết nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thúc đẩy kinh tế đêm, Sở Du lịch TP đang nghiên cứu kế hoạch mở cửa thí điểm một số bảo tàng vào ban đêm. 
Theo bà Ánh Hoa, đề án này sẽ kết hợp các chương trình biểu diễn văn hóa, trong đó có trình diễn áo dài và các hoạt động nghệ thuật truyền thống, nhằm tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Nguồn:TP.HCM muốn mở cửa bảo tàng về đêm để phát triển kinh tế đêm – Tuổi Trẻ Online
  • Lễ hội Bánh mì hoàn toàn có thể ‘xuất ngoại’
Chia sẻ cùng Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy – giảng viên Đại học RMIT Việt Nam đã đề xuất một số ý tưởng và giải pháp để Lễ hội Bánh mì có thể nâng tầm tính phong phú, đa dạng và nghệ thuật của bánh mì Việt Nam tại Úc trong tháng 9 tới. Ông cho rằng:
“Trên thực tế, những bước đầu tiên đã được triển khai. Phiên bản quốc tế đầu tiên của Lễ hội Bánh mì Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức ở Úc vào tháng 9/2025, đánh dấu bước tiến đầy hứng khởi nhằm quảng bá món ăn được yêu thích của Việt Nam đến với nhiều thực khách hơn nữa.
Việc mở rộng lễ hội ra ngoài biên giới Việt Nam phản ánh dấu mốc quan trọng trong công tác ngoại giao ẩm thực của đất nước. Cũng như cách pizza, taco và burger đã trở thành biểu tượng toàn cầu của các nền văn hóa nơi những món ăn này ra đời, bánh mì hứa hẹn sẽ trở thành món ăn đường phố được yêu thích trên toàn thế giới.”
Nguồn:https://baomoi.com/le-hoi-banh-mi-hoan-toan-co-the-xuat-ngoai-c51868913.epi 

 Khởi nghiệp

  •  Chuỗi cung ứng lạnh – cuộc đua mới của các startup Trung Quốc
Đà suy thoái kinh tế và sức mua của người tiêu dùng yếu đi tại Trung Quốc khiến các kho lạnh hiện tại có thể trống khoảng 50%. Tuy nhiên, đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh lại được cho là cơ hội của nhiều startup nước này trên con đường tìm hướng phát triển mới ở trong nước và quốc tế.
Theo Hãng nghiên cứu Modor Intelligence, thị trường chuỗi cung ứng lạnh ở Trung Quốc dự báo đạt 94,46 tỉ đô la trong năm 2025 và tăng trưởng với tốc độ kép 10,07% mỗi năm, đạt 152,62 tỉ đô la trong năm 2030.
Nhiều startup gia nhập cuộc đua, trong đó Yueshi Robot đặt mục tiêu đến khoảng năm 2028 sẽ có tới 10.000 robot xe nâng làm việc tại các trung tâm kho lạnh trên toàn quốc. 
Các startup khác cũng đang tham gia cuộc đua. Fresh Life Style Supply Chain Management, startup do tập đoàn nông nghiệp New Hope Group của Trung Quốc ươm tạo đã huy động được hàng trăm triệu nhân dân tệ trong vòng gọi vốn mới trong tháng 11-2024. Fresh Life cung cấp phần mềm giúp các công ty hậu cần quản lý xe tải lạnh.
Thành lập tại Thâm Quyến năm 2019, Multiway Robotics, phát triển nhiều loại robot cho ngành logistics như xe nâng tự động, máy kéo và xe nâng bên hông (sideloader), bao gồm cả robot dùng cho các kho lạnh
Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng trong những năm qua nhưng lại bỏ quên các kho lạnh và chuỗi cung ứng liên quan. Mạng lưới này trở nên lạc hậu và cũ kỹ do hàng ngàn công ty nhỏ quản lý và không được tiêu chuẩn hóa. Bắc Kinh đang thúc đẩy phát triển các cơ sở chuỗi cung ứng lạnh lớn hơn, được trang bị máy móc hiện đại và công nghệ mới.
Nguồn:https://baomoi.com/chuoi-cung-ung-lanh-cuoc-dua-moi-cua-cac-startup-trung-quoc-c51865150.epi 

Đầu tư – tài chính

  •  Tập đoàn chip AI hàng đầu Đài Loan mở văn phòng bán dẫn đầu tiên tại Hà Nội
Alchip Technologies, Tập đoàn số 1 Đài Loan về chip AI, quyết định hợp tác với NIC, FPT Semiconductor và các đối tác công nghệ khác thành lập Trung tâm ươm tạo và phát triển bán dẫn (VSIC) và Không gian ươm tạo startup về bán dẫn AIchip ODC.
Từ năm 2001 đến 2021, ngành này đã tăng trưởng trung bình 14% mỗi năm, đạt gần 600 tỷ USD vào năm 2023 và dự báo đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những biến động lớn và có xu hướng đa dạng hóa, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đang tìm kiếm những địa điểm đầu tư mới, đặc biệt là tại khu vực châu Á.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư như VSIC và AIchip ODC sẽ tạo dựng một hệ sinh thái và phát triển nguồn nhân lực bền vững, giúp Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn từng bước tiến cùng và vươn lên trong xu hướng công nghệ toàn cầu. Đây là những không gian tập hợp các nguồn lực từ Chính phủ, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tạo ra môi trường lý tưởng để đào tạo nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và sản xuất bán dẫn trong khu vực.
Nguồn:https://vneconomy.vn/tap-doan-chip-ai-hang-dau-dai-loan-mo-van-phong-ban-dan-dau-tien-tai-ha-noi.htm 
  • Việt Nam và Áo hợp tác phát triển công nghệ bán dẫn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cùng Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương làm Trưởng đoàn đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) với Tập đoàn EVGroup – một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới chuyên cung cấp thiết bị cho sản xuất bán dẫn.
Biên bản ghi nhớ tập trung vào ba trụ cột chính.
Thứ nhất là thúc đẩy các chương trình R&D trong các công nghệ then chốt như chế tạo nano, đóng gói 3D và MEMS.
Thứ hai là thiết kế chương trình đào tạo chuyên sâu cho sinh viên, kỹ sư và nhà nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực bán dẫn.
Thứ ba là triển khai các dự án thực tiễn nhằm đưa Việt Nam tiến gần hơn tới việc xây dựng nền công nghiệp sản xuất bán dẫn hiện đại.
Việc ký kết Biên bản ghi nhớ này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, đồng thời cụ thể hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Nguồn:https://vneconomy.vn/viet-nam-va-ao-hop-tac-phat-trien-cong-nghe-ban-dan.htm 

Thị trường xuất nhập khẩu

  •  Giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ 31/3/2025
Từ 31/3/2025, các mặt hàng như ô tô, gỗ, ethanol, đùi gà đông lạnh, táo, cherry, một số loại hạt,… được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới. 
Theo đó, giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng ô tô mã HS 8703.23.63 và 8703.23.57 từ 64% xuống 50% và mặt hàng ô tô mã HS 8703.24.51 từ 45% xuống 32%.
Đối với mặt hàng ethanol, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cũng được giảm từ 10% xuống 5%.
Thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng đùi gà đông lạnh giảm từ 20% xuống 15%; mặt hàng hạt dẻ cười, chưa bóc vỏ giảm từ 15% xuống 5%; mặt hàng hạnh nhân giảm từ 10% xuống 5%; mặt hàng quả táo tươi giảm từ 8% xuống 5%; mặt hàng quả anh đào ngọt (Cherry) giảm từ 10% xuống 5%; mặt hàng nho khô giảm từ 12% xuống 5%.
Đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ, cụ thể: Nhóm 44.21 gồm các sản phẩm bằng gỗ (bao gồm các sản phẩm như mắc treo quần áo, quan tài, lõi cuộn chỉ, ống sợi và suốt sợi, guồng cuốn chỉ may và các sản phẩm tương tự, thanh gỗ để làm diêm…); Nhóm 94.01 và 94.03 gồm ghế ngồi và các bộ phận của ghế ngồi, đồ nội thất bằng gỗ. Từ 31/3, các mặt hàng này giảm thuế nhập khẩu từ các mức thuế suất 20% và 25% xuống cùng một mức thuế suất là 0%.
Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG) giảm từ 5% xuống 2%.
Nguồn:https://vneconomy.vn/giam-thue-nhap-khau-nhieu-mat-hang-tu-31-3-2025.htm  
  • Mỹ chuẩn bị áp thuế đối ứng với mọi đối tác thương mại
Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ bắt đầu áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ từ ngày 2/4 theo đúng kế hoạch ban đầu. Chi tiết cụ thể về các mức thuế sẽ được Tổng thống Trump công bố vào chiều ngày 2/4 (theo giờ Mỹ).
Cùng với việc áp thuế đối ứng, chính quyền của Tổng thống Trump cũng kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ để hưởng ưu đãi về thuế và chi phí năng lượng.
Mặc dù các chi tiết về việc áp thuế chưa được công bố, một số nguồn tin cho rằng Mỹ có thể áp dụng mức thuế 20% đối với hầu hết các đối tác thương mại của nước này thay vì áp dụng từng mức thuế cho mỗi quốc gia hoặc hàng hóa cụ thể. Chính quyền Tổng thống Trump hy vọng việc áp thuế đối ứng có thể thu được 6.000 tỷ USD cho người dân Mỹ.
Một số quốc gia như Canada, Liên minh châu Âu đã tuyên bố trả đũa động thái của Mỹ ngay cả khi các nước này đạt được thỏa thuận riêng với Mỹ về mức thuế đối ứng.
Nguồn:https://baomoi.com/my-chuan-bi-ap-thue-doi-ung-voi-moi-doi-tac-thuong-mai-c51867543.epi 
  • Thuế đối ứng của Mỹ: châu Á tìm cách đàm phán hơn là ‘ăn miếng trả miếng’
Trước việc Mỹ sẽ áp thuế đối ứng, các nước châu Á đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách đa dạng hóa thương mại, tập trung vào nhu cầu trong nước và thương mại nội khối.
Ông Trump và các cố vấn từ lâu nhắm mục tiêu vào Trung Quốc và đã áp thuế bổ sung 20% đối với hàng nhập khẩu từ nước này trong năm nay. Ông cũng chỉ ra các nền kinh tế châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là những bên áp mức thuế quan cao hoặc duy trì thặng dư thương mại quá mức với Mỹ, hoặc cả hai.
Dù ông không nêu tên cụ thể các nước này nhưng theo báo cáo của Bloomberg Economics, trong số những nước có mức thặng dư thương mại với Mỹ cao, có 9 nước nằm ở châu Á. Vì vậy, có vẻ như thuế đối ứng, dù áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế trị giá 41.000 tỉ đô la của khu vực châu Á.
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp châu Á không có nhiều lựa chọn khả quan để giảm phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Mỹ. Cho đến nay, mục tiêu chính của của các nhà lãnh đạo châu Á là xoa dịu ông Trump bằng cam kết tăng mua hàng hóa Mỹ…
Nguồn:https://baomoi.com/thue-doi-ung-cua-my-chau-a-tim-cach-dam-phan-hon-la-an-mieng-tra-mieng-c51871712.epi 
BSAi