Tiêu điểm: ‘Kinh tế tóc bạc’ phát triển ở Trung Quốc

Mỗi thứ Tư, bà Zhang Zhili dành một giờ đi xe buýt đến lớp học chơi trống châu Phi. Ở tuổi 71, bà Zhang tìm thấy niềm vui và bạn mới tại ngôi trường dành cho người cao tuổi ở Bắc Kinh. Ngoài lớp chơi trống, cựu giáo viên tiểu học này còn tham gia môn khiêu vũ giao lưu, với học phí hai lớp tổng cộng 2.000 nhân dân tệ (280 USD) cho một học kỳ. Việc nhìn thấy mình đứng thẳng trong lớp nhảy giúp bà tăng thêm tự tin. Sau giờ học, bà thường đi chơi cùng bạn bè. “Khi chúng ta già đi, điều gì là cần thiết? Là yêu chính bản thân mình”, bà nói.
Tình trạng già hóa dân số tại Trung Quốc
Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Năm ngoái, khoảng 297 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm hơn một phần năm dân số. Dự báo đến 2035, con số này sẽ vượt 400 triệu, tương đương hơn 30% tổng dân số.
Nhiều người cao tuổi giờ tìm kiếm các dịch vụ đa dạng ngoài việc chọn đến viện dưỡng lão như truyền thống. Xu hướng này thúc đẩy sự bùng nổ của các trường học, dịch vụ chăm sóc tại nhà và nhiều cộng đồng cho người cao tuổi, được Bắc Kinh ví là “nền kinh tế tóc bạc”.
Hu Zuquan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin Nhà nước, dự kiến quy mô nền kinh tế này tăng từ khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 982 tỷ USD) hiện nay lên khoảng 30.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4.200 tỷ USD) vào năm 2035, nâng tỷ trọng từ 6% lên khoảng 10% trong toàn bộ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Du Peng, Trưởng khoa Dân số và Sức khỏe tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết chính phủ đang mở rộng các dịch vụ chăm sóc cơ bản cho tất cả người cao tuổi, vượt ra ngoài trọng tâm truyền thống là những người neo đơn. Năm ngoái, giới chức đã biên soạn danh sách các dịch vụ chăm sóc cơ bản cần triển khai toàn quốc, bao gồm cung cấp các đánh giá năng lực cho những người trên 65 tuổi và trợ cấp đào tạo chăm sóc cho các thành viên gia đình của những người khuyết tật.
Xu hướng và dịch vụ mới cho người cao tuổi
Lòng hiếu thảo ăn sâu vào nếp sống ở Trung Quốc và hầu hết người cao tuổi thích về già sống với gia đình sau khi nghỉ hưu, thường là khi họ ở độ tuổi 50 đến 60, một trong những độ tuổi nghỉ hưu trẻ nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhiều người giúp chăm sóc cháu của họ và một số người xem vào viện dưỡng lão được coi là một dạng bỏ rơi, trừ trường hợp khó khăn nghiêm trọng.
Vào tháng 1, Bắc Kinh đã ban hành các hướng dẫn mới kêu gọi mở rộng các dịch vụ chăm sóc tại nhà và phát triển thị trường thời trang, thực phẩm và sản phẩm công nghệ phù hợp hơn với người cao tuổi. Các dịch vụ giáo dục giúp làm phong phú cuộc sống người về hưu cũng được khuyến khích.
Ông Du Peng cho rằng các dịch vụ tại nhà cung cấp một giải pháp thay thế hợp lý hơn cho viện dưỡng lão, giúp giảm chi phí chỗ ở. Hầu hết người cao tuổi ở Trung Quốc đều tương đối khỏe mạnh và cần cuộc sống văn hóa phong phú hơn.
Bà Cai Guixia, 60 tuổi, cho biết đã tìm thấy sự viên mãn trong các lớp học đánh trống châu Phi và làm người mẫu. Bà nghĩ rằng sẽ cảm thấy “bị bỏ rơi” trong một viện dưỡng lão thông thường nên thích thuê người giúp việc và đi học hơn. Liu Xiuqin, chủ sở hữu của hai viện dưỡng lão, đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trong việc đáp ứng những nhu cầu đó. Cô đã đầu tư hơn 800.000 nhân dân tệ (khoảng 112.000 USD) để mở một trường học ở Bắc Kinh. Bà Cai và bà Zhang nằm trong số 150 học viên tham gia các lớp khiêu vũ, ca hát, yoga và đào tạo người mẫu với mức học phí khoảng 1.000 nhân dân tệ (140 USD) cho mỗi học kỳ. Ngoài giờ học, Liu tổ chức các buổi sinh hoạt để học viên giao lưu.
Doanh nghiệp đang “o bế” người tiêu dùng lớn tuổi
Nhiều công ty thiết kế các sản phẩm giúp người cao tuổi sống độc lập. Các thiết bị như bấm móng tay có kính lúp, móc gài dây khóa kéo và muỗng uốn cong giúp người lớn tuổi tự mặc quần áo và tự ăn… được đánh giá cao.
Trong những năm qua, Golden Concepts chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng khách hàng mua thiết bị hỗ trợ di chuyển giai đoạn đầu (gậy chống, khung tập đi và khung tập đi có bánh xe) thay vì các thiết bị hỗ trợ giai đoạn cuối như xe lăn. Ngay cả ngành công nghiệp thực phẩm cũng đang phát triển sản phẩm phục vụ chế độ ăn cho người già.
The Gentle Group là một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển dòng thực phẩm xay nhuyễn được đúc thành các hình dạng thức ăn quen thuộc dành cho những người khó nuốt. Kosmode Health tạo ra loại mì không chứa tinh bột cho người lớn tuổi và người mắc bệnh tiểu đường bằng cách sử dụng protein và chất xơ từ hạt lúa mạch.
Các công ty cũng sử dụng công nghệ AI và thiết bị gia dụng thông minh để cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi. Một báo cáo của Research and Markets ước tính rằng thị trường toàn cầu về “công nghệ cao cấp dành cho người lớn tuổi” sẽ tăng gấp 3 lần trong 7 năm tới, đạt 82 tỉ USD vào năm 2030.
Các công ty công nghệ y tế có trụ sở tại Singapore như Jaga-Me và Homage giúp kết nối bệnh nhân cao tuổi với người chăm sóc thông qua ứng dụng di động, giúp con cháu an tâm hơn nếu phải để cha mẹ, ông bà ở nhà một mình.
Thách thức kinh doanh trong “nền kinh tế tóc bạc”
Tuy nhiên kiếm lợi nhuận trên “nền kinh tế tóc bạc” còn thách thức. Liu hy vọng hòa vốn trong một năm nữa và tin vào tương lai của thị trường, vì thế hệ sinh ra vào những năm 1960 trở về sau coi trọng chất lượng cuộc sống và sức khỏe hơn cha mẹ họ. Theo cô, ngành này đòi hỏi sự kiên trì, không thể kiếm tiền nhanh.
Wu Tang đồng sáng lập một trường học vào năm ngoái ở Quảng Châu, sau khi doanh nghiệp khảo sát và điều tra địa kỹ thuật của anh bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của thị trường bất động sản. Trường cung cấp các khóa học để giúp người già đạt được một số ước mơ thời thơ ấu. Vấn đề là hoạt động vẫn lỗ và anh phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các khóa học tài trợ từ ngân sách với học phí rẻ hơn.
Tại Bắc Kinh, công ty của Cui Yang cung cấp dịch vụ cắt tóc tại nhà với giá 30 nhân dân tệ (4,20 USD), đưa đón người già đến bệnh viện với giá 50 nhân dân tệ (7 USD) mỗi giờ, cùng các dịch vụ khác. Dù nhận được trợ cấp từ chính phủ, bao gồm miễn phí tiền thuê mặt bằng, Cui vẫn đang thua lỗ. Cô cho biết công việc kinh doanh này sẽ không thể tồn tại nếu không có trợ cấp.
Không chỉ có doanh nghiệp nhỏ gặp khó. Wu Wenjing, Trưởng bộ phận chăm sóc tại nhà của công ty con thuộc tập đoàn tài chính nhà nước China Everbright Group, hoạt động tại Trùng Khánh, cho biết đơn vị của bà thua lỗ liên tục trong 13 năm qua, khoảng một triệu nhân dân tệ (khoảng 140.000 USD) mỗi năm. Doanh nghiệp bà Wu có 70 nhân viên đảm nhiệm các vai trò như người chăm sóc, chuyên viên phục hồi chức năng và nhà trị liệu tâm lý, thường đến tận nhà khách hàng. Ngành này có tính cạnh tranh cao và tỷ lệ biến động nhân sự lớn do đặc thù công việc vất vả. Bà hy vọng sẽ cân đối được thu chi trong 5 năm tới và phấn khởi với các nỗ lực của chính phủ trong việc phát triển nền kinh tế người cao tuổi. “Mùa xuân của ngành chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc cuối cùng đã đến,” bà nói.
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực giành phần trong thị trường được chính phủ hỗ trợ này. Các nhà phát triển bất động sản như Vanke, Sino-Ocean Group cùng các công ty bảo hiểm như Taikang Insurance Group đã xây dựng các cộng đồng cao cấp dành cho người lớn tuổi với các tiện ích như phòng chiếu phim, phòng chơi mạt chược và dịch vụ ăn uống.
Vấn đề chi tiêu và bất bình đẳng kinh tế
Trung Quốc cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề sa sút trí tuệ, cung cấp các bài kiểm tra sàng lọc nhận thức và đào tạo nhân viên làm việc tại các phòng khám trí nhớ hoặc với vai trò nhân viên xã hội. Một số công ty dược phẩm và công nghệ sinh học đang phát triển các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Trong khi đó, một số trường học và nhà trẻ bị bỏ trống – hậu quả của tỷ lệ sinh giảm – đang được chuyển đổi thành cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Những nỗ lực của chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế người cao tuổi đang mang lại hiệu quả. Theo số liệu chính thức, đến tháng 6 năm nay, nước này có 410.000 cơ sở chăm sóc, gấp đôi so với hồi 2019
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng chi tiêu của nhiều người Trung Quốc lớn tuổi. Một cuộc khảo sát toàn quốc năm 2021 do Bộ Nội vụ đồng tiến hành cho thấy người lớn tuổi có thu nhập trung bình hàng năm là 11.400 nhân dân tệ (1.574 USD. Ở các vùng nông thôn, con số này chỉ bằng một nửa.
Theo dữ liệu từ các cuộc khảo sát do Đại học Bắc Kinh thực hiện, hơn một trong 10 người Trung Quốc lớn tuổi đang sống trong cảnh nghèo đói. Vùng trũng về mức sống của người già là ở các vùng nông thôn và miền tây Trung Quốc.
Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis Corporate and Investment Banking, cho rằng “nền kinh tế tóc bạc” của Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Theo ông, nếu người già không có đủ bảo hiểm để trang trải các chi phí y tế và các chi phí khác, họ phải dành tiền bạc cho các vấn đề này, làm hạn chế khả năng chi tiêu cho các sản phẩm, dịch vụ khác như mua sắm, học tập hay giải trí.
Theo ông, Bắc Kinh cần tiếp tục ưu đãi về thuế và đầu tư vào đào tạo lực lượng lao động lành nghề cho nền kinh tế này. “Có nhiều triển vọng ở đây, nhưng có vẻ như vẫn còn nhiều việc cần phải làm”, ông nói.
Nguồn: 
https://vnexpress.net/kinh-te-toc-bac-phat-trien-o-trung-quoc-4821913.html 
https://www.phunuonline.com.vn/nen-kinh-te-bac-len-ngoi-a1505247.html 

Thị trường và bán lẻ

  •  Temu tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam
Ngày 5/12, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông báo về việc sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu tạm ngừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam để tuân thủ các quy định pháp luật. Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd., chủ sở hữu Temu, đã tạm dừng sử dụng tiếng Việt trên nền tảng của mình, đồng thời thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử qua cổng thông tin của Bộ Công Thương.
Để phù hợp với pháp luật Việt Nam, Temu đã gỡ bỏ các chương trình khuyến mại vượt mức quy định và loại bỏ các mô hình kêu gọi người dùng tham gia kinh doanh để hưởng hoa hồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cảnh báo người tiêu dùng rằng nền tảng này chưa được cấp phép chính thức tại Việt Nam. Người tiêu dùng được khuyến cáo cẩn trọng và có thể hủy đơn hàng nếu đã giao dịch trên phiên bản tiếng Việt.
Hiện tại, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và đánh giá hồ sơ đăng ký của Temu để đảm bảo nền tảng này hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Bộ cũng nhắc nhở người tiêu dùng không nên giao dịch trên các sàn chưa đăng ký nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Nguồn: https://vneconomy.vn/temu-tam-dung-cung-cap-dich-vu-tai-viet-nam.htm 
  •  Aeon Mall lấn sân mảng logistics giá rẻ, thay đổi ‘cuộc chơi’ tại Việt Nam
Aeon Mall, nhà phát triển bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, đang triển khai dịch vụ logistics tinh gọn tại Việt Nam, bắt đầu từ trung tâm thương mại tại Huế – khai trương tháng 9/2023. Mô hình này dự kiến áp dụng cho toàn bộ 7 trung tâm Aeon Mall tại Việt Nam vào năm 2027. Dịch vụ nhằm cắt giảm 60% chi phí vận chuyển, sử dụng xe tải thu gom hàng từ nhiều kho để vận chuyển đến các trung tâm mua sắm, giảm thời gian giao hàng từ vài ngày xuống còn 19 giờ.
Aeon Mall dự kiến mở rộng dịch vụ logistics chuỗi lạnh, đảm bảo chất lượng vận chuyển thực phẩm cho các cửa hàng chuyên biệt. Tập đoàn hợp tác với Indo Trans Logistics (ITL) để thực hiện các giải pháp này. Đây là nỗ lực nhằm hỗ trợ khách thuê giảm chi phí và khắc phục khó khăn trong vận chuyển, qua đó tăng khả năng cạnh tranh.
Việt Nam, với dân số trẻ gần 100 triệu người, được Aeon xác định là thị trường trọng điểm. Tập đoàn đã đầu tư mạnh vào thị trường này từ năm 2014 và hiện sở hữu 270 cửa hàng. Trong bối cảnh cạnh tranh từ các thương hiệu lớn như Vincom Retail, Central Retail (Thái Lan), và Lotte (Hàn Quốc), Aeon dự kiến mở thêm nhiều trung tâm thương mại tại các địa phương mới.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Aeon Mall, Keiji Ohno, tái khẳng định cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam, kỳ vọng tăng gấp đôi số trung tâm mua sắm hiện tại. Chủ tịch Quốc hội ủng hộ chiến lược này và khuyến khích hợp tác sâu rộng hơn.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/thi-truong/aeon-mall-lan-san-mang-logistics-gia-re-thay-doi-cuoc-choi-tai-viet-nam-1103995.html 
  • Thu nhỏ quy mô cửa hàng – Cuộc chuyển mình lặng lẽ của ngành bán lẻ Mỹ
Nhiều nhà bán lẻ lớn tại Mỹ đang chuyển sang mô hình cửa hàng nhỏ gọn để thích ứng với bối cảnh kinh tế khó khăn và nhu cầu tiêu dùng thay đổi. Ikea, Target, Macy’s cùng các thương hiệu khác đã triển khai chiến lược này, tập trung vào tối ưu hóa doanh thu và trải nghiệm khách hàng.
Ikea mở các cửa hàng nhỏ hơn tại Mỹ, cho phép tư vấn cá nhân hóa và dễ tiếp cận hơn. Target kết hợp phát triển cả cửa hàng lớn và nhỏ, đặc biệt hướng tới các khu đô thị và gần trường đại học. Macy’s chuyển sang cửa hàng nhỏ để rời xa các trung tâm thương mại đang suy thoái.
Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mua sắm trực tuyến và nhu cầu tối ưu hóa hiệu quả không gian. Các cửa hàng nhỏ giúp tăng doanh thu trên mỗi mét vuông, tạo cảm giác thân thiện và nâng cao lòng trung thành của khách hàng. Dữ liệu cũng chỉ ra rằng sự dịch chuyển dân cư sang ngoại ô khiến mô hình này trở nên phù hợp hơn.
Việc thu nhỏ quy mô không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đáp ứng nhu cầu đa dạng, đồng thời hỗ trợ chiến lược phát triển đa kênh của các nhà bán lẻ.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thu-nho-quy-mo-cua-hang-cuoc-chuyen-minh-lang-le-cua-nganh-ban-le-my-post998564.vnp 
  •  ‘Thuốc lá điện tử là hàng cấm, vi phạm có thể bị phạt tù’
Từ năm 2025, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng sẽ bị cấm tại Việt Nam, theo nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Người sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hoặc sử dụng các sản phẩm này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) và Nghị định 98/2020, với mức phạt từ 100 triệu đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Bộ Y tế đang xây dựng các chế tài đồng bộ và tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đặc biệt đối với thanh thiếu niên, về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới này. WHO và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao nghị quyết, nhấn mạnh nguy cơ gây ung thư, bệnh tim, phổi và các tổn thương nghiêm trọng khác từ các sản phẩm chứa nicotin.
Hiện, khoảng 40 quốc gia, bao gồm Thái Lan, Singapore, và Lào, đã cấm thuốc lá điện tử. Quyết định này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe và tương lai thế hệ trẻ.
Nguồn: https://vnexpress.net/thuoc-la-dien-tu-la-hang-cam-vi-pham-co-the-bi-phat-tu-4822819.html 
  •  Khoảng 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ nhập khẩu vào Việt Nam mỗi ngày, Bộ Tài chính đề xuất đánh VAT
Bộ Tài chính Việt Nam đang tham khảo ý kiến về dự thảo Quyết định bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ. Chính sách miễn thuế này không còn phù hợp trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ từ Trung Quốc về Việt Nam mỗi ngày.
Trước đây, Quyết định 78/2010/QĐ-TTg được ban hành trong giai đoạn hệ thống hải quan còn thủ công, nhằm giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy thông quan hàng hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, với sự phát triển của thương mại điện tử, việc miễn thuế VAT đối với các đơn hàng nhỏ đã tạo ra sự bất công với hàng hóa sản xuất trong nước, vì các sản phẩm nội địa phải chịu thuế VAT, trong khi các sản phẩm nhập khẩu không phải.
Quyết định bãi bỏ này nhằm đồng bộ với các quy định quốc tế và đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Các quốc gia như EU, Anh, Singapore và Thái Lan đã từng thực hiện và đang triển khai chính sách tương tự, nhằm tăng cường thu thuế và cải thiện cạnh tranh.
Theo Bộ Tài chính, việc bãi bỏ miễn thuế VAT sẽ giúp quản lý thuế tốt hơn và tăng cường tính minh bạch, đồng thời khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước. Các quy định hiện hành về miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa giá trị nhỏ vẫn sẽ được duy trì theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Nguồn: https://vneconomy.vn/khoang-5-trieu-don-hang-gia-tri-nho-nhap-khau-vao-viet-nam-moi-ngay-bo-tai-chinh-de-xuat-danh-vat.htm 
  •  Kinh doanh èo uột, khách thuê trả mặt bằng hàng loạt
Cuối năm 2024, TP.HCM chứng kiến một xu hướng đối lập trong thị trường cho thuê mặt bằng. Trong khi các khu vực nhà phố và shophouse gặp khó khăn, nhiều mặt bằng vẫn trống, không có khách thuê dù giá cao, thì các trung tâm thương mại lại ghi nhận sự tăng trưởng.
Tại các quận trung tâm như quận 1, nhiều nhà phố cho thuê trên các tuyến đường như Lê Lợi và Hai Bà Trưng đang phải đóng cửa, treo biển cho thuê vì lượng khách giảm mạnh, chi phí duy trì vượt quá khả năng của các doanh nghiệp nhỏ. Các khu vực ven TP.HCM như TP Thủ Đức và quận Gò Vấp cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Các shophouse tại các khu đô thị mới bị bỏ trống, dù mức giá thuê đã giảm nhưng vẫn không thu hút được khách hàng.
Nguyên nhân chính là do chi phí thuê quá cao, không tương xứng với nhu cầu thực tế của thị trường, khiến nhiều chủ doanh nghiệp phải trả lại mặt bằng. Các cửa hàng nhỏ lẻ và quán cà phê đối mặt với khó khăn tài chính do doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng làm giảm nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ.
Tuy nhiên, mặt bằng cho thuê tại các trung tâm thương mại khu trung tâm TP.HCM lại có nhu cầu cao, đặc biệt là đối với các thương hiệu F&B và thời trang. Các trung tâm lớn như Hùng Vương Plaza, AEON Mall và Vạn Hạnh Mall duy trì công suất thuê đạt 100%, nhờ lượng khách ổn định và chiến lược quản lý hiệu quả. Giá thuê tại các trung tâm này cũng ghi nhận tăng trưởng, với mức giá thuê trung bình khoảng 1,4 triệu đồng/m²/tháng.
Nguồn: https://plo.vn/kinh-doanh-eo-uot-khach-thue-tra-mat-bang-hang-loat-post822505.html 
  •  Nhật Bản tăng sản lượng thịt bò Wagyu sang Việt Nam
Tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, đang đẩy mạnh việc xuất khẩu thịt bò Wagyu Kuroge sang Việt Nam, chọn TP.HCM làm điểm đến chiến lược. Kagoshima nổi tiếng với giống bò Wagyu Kuroge và có hơn 350.000 con bò, là một trong ba tỉnh nuôi bò Wagyu nhiều nhất Nhật Bản. Việc xuất khẩu thịt bò Wagyu sang Việt Nam đã tăng mạnh từ 2 tấn/năm lên 39 tấn trong năm nay, nhưng vẫn còn thấp so với các khu vực khác. Kagoshima kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cao cấp.
Thịt bò Wagyu Kuroge từ Kagoshima đã giành chiến thắng tại Wagyu Olympics 2022, củng cố danh tiếng về chất lượng. Hiện có 99 cửa hàng trên toàn thế giới phân phối bò Wagyu Kuroge, trong đó có hai cửa hàng tại Việt Nam. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua nhà hàng, khách sạn, với giá từ 2-5 triệu đồng/kg. Ngoài ra, bò Wagyu cũng được ưa chuộng làm quà tặng sang trọng. Kagoshima cũng có kế hoạch tổ chức thêm sự kiện xúc tiến để giới thiệu thêm các sản phẩm nông sản và hải sản khác của tỉnh tại Việt Nam.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhat-ban-tang-san-luong-thit-bo-wagyu-sang-viet-nam-20241130103050689.htm 

Xu hướng tiếp thị – truyền thông

  •  Câu chuyện đằng sau “Quả chuối dán tường” trị giá 6,2 triệu USD: Tác phẩm nghệ thuật hay chiến lược xây dựng thương hiệu
Comedian của nghệ sĩ Maurizio Cattelan, gồm một quả chuối và băng keo dán trên tường, được bán với giá 6,2 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s, gây xôn xao dư luận. Tác phẩm thuộc loại nghệ thuật ý niệm (conceptual art), không nhấn mạnh chất liệu hay kỹ thuật, mà tập trung vào ý tưởng về sự phù du và câu hỏi về giá trị nghệ thuật. Người mua, doanh nhân Justin Sun, cho biết tác phẩm này thể hiện hiện tượng văn hóa và kết nối nghệ thuật với công chúng.
Kể từ lần ra mắt năm 2019 tại Art Basel Miami Beach với giá khởi điểm 120.000–150.000 USD, Comedian đã trở thành biểu tượng văn hóa và phương tiện marketing độc đáo. Cattelan không chỉ bán một quả chuối mà là một câu chuyện, với người mua nhận hướng dẫn thay thế quả chuối khi hỏng, giữ nguyên giá trị ý tưởng. Tác phẩm khơi gợi tranh luận về bản chất nghệ thuật và biến thành tâm điểm truyền thông, từ báo chí nghệ thuật đến kinh tế.
Đối với giới siêu giàu, việc sở hữu Comedian không chỉ thể hiện gu thẩm mỹ mà còn là công cụ xây dựng hình ảnh cá nhân và mạng lưới quan hệ. Nhiều doanh nhân, kể cả những người không thắng đấu giá, sử dụng sự kiện này để quảng bá thương hiệu, đặc biệt trong lĩnh vực tiền điện tử.
Ngoài ra, các thương hiệu đã tận dụng hiệu ứng viral của tác phẩm trong chiến dịch marketing sáng tạo, từ Cheetos đến Walmart và E.l.f. Cosmetics, thể hiện sự hài hước và độc đáo để kết nối với khách hàng trẻ tuổi. Comedian đã vượt ra ngoài nghệ thuật, trở thành hiện tượng truyền thông, biểu tượng sáng tạo và nguồn cảm hứng phá vỡ khuôn mẫu quảng cáo.
Nguồn: https://advertisingvietnam.com/cau-chuyen-dang-sau-qua-chuoi-dan-tuong-tri-gia-62-trieu-usd-tac-pham-nghe-thuat-hay-chien-luoc-xay-dung-thuong-hieu-p25613 
  •  10 xu hướng Marketing 2025 theo Kantar
Tóm tắt xu hướng Marketing năm 2025 từ báo cáo của Kantar
  1. Video: TV truyền thống và streaming phối hợp để tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo. 55% marketer dự định tăng ngân sách cho streaming vào năm 2025, tận dụng thói quen xem nội dung cá nhân hóa của khán giả.
  2. Mạng xã hội: Nội dung sáng tạo là yếu tố quyết định để nổi bật, đặc biệt với Gen Z (âm nhạc), Millennials (cảm xúc), và Boomers (hài hước). Quảng cáo cần đổi mới để thu hút sự chú ý đã giảm sút từ người dùng.
  3. AI tạo sinh: Mở ra cơ hội cá nhân hóa nhưng đòi hỏi minh bạch và kết hợp con người để giữ tính chân thật. 36% marketer cảm thấy thiếu kỹ năng tận dụng công nghệ này.
  4. Tính bền vững: Là yếu tố bắt buộc và mang lại lợi thế cạnh tranh. Thương hiệu cần tích hợp bền vững vào chiến lược thay vì chỉ tập trung vào thông điệp quảng cáo.
  5. Cộng đồng sáng tạo: Nền kinh tế sáng tạo dự kiến đạt 480 tỷ USD vào năm 2027. Hợp tác chân thật với nhà sáng tạo giúp xây dựng lòng tin và gắn kết lâu dài.
  6. Đa dạng và hòa nhập: 80% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi nỗ lực hòa nhập. Thương hiệu cần cam kết chân thật trong sản phẩm và thông điệp để tạo sự khác biệt.
  7. Thay đổi nhân khẩu học: Sự gia tăng hộ gia đình nhỏ mở ra cơ hội khai thác các phân khúc tiêu dùng cao cấp hoặc ngách, mặc dù tăng trưởng dân số giảm.
  8. Đổi mới sản phẩm: Các thương hiệu táo bạo khám phá lĩnh vực mới có khả năng tăng trưởng gấp đôi so với chỉ duy trì lĩnh vực truyền thống.
  9. Retail Media Networks: Công cụ quảng cáo chiến lược, dự báo chiếm 25% chi tiêu quảng cáo tại Mỹ vào 2028. Thương hiệu cần hợp tác chặt chẽ với nhà bán lẻ để tận dụng dữ liệu người dùng.
  10. Livestreaming: Trở thành chiến lược dài hạn, giúp tăng ý định mua sắm và giá trị thương hiệu. Thương hiệu cần kể chuyện hấp dẫn qua các nền tảng phổ biến.
Nguồn: https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/344727-10-xu-huong-marketing-2025-theo-kantar 

Công nghệ

  •  80% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại do vội vàng
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn xem đây là một khái niệm xa vời hoặc gắn với hình dung phi thực tế như tự động hóa toàn bộ nhà máy. Theo ông Trần Kiên Dũng, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam, 80% doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số do thiếu chiến lược, lộ trình phù hợp và năng lực nội tại như tài chính, công nghệ, và nguồn nhân lực còn hạn chế.
Ông nhấn mạnh, chuyển đổi số không nhất thiết phải thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh ngay từ đầu. Thay vào đó, doanh nghiệp nên tiếp cận từng bước, bắt đầu từ số hóa dữ liệu, các quá trình sản xuất, quản trị, sau đó mới hướng đến thay đổi mô hình kinh doanh. Yếu tố con người được xem là cốt lõi, đòi hỏi đội ngũ nhân sự có năng lực, được đào tạo và tâm huyết với doanh nghiệp.
Ông Dũng cảnh báo, nếu không bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp cần bắt tay ngay vào việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, định hình bức tranh tổng thể dài hạn, học hỏi từ các doanh nghiệp thành công và thất bại để xây dựng chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, vai trò của cơ chế chính sách cũng rất quan trọng, như các chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp của Bộ Công Thương. Ông Dũng đề xuất việc hình thành các hiệp hội hoặc nền tảng chung để doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và phát triển, tạo sức lan tỏa và giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: https://vneconomy.vn/80-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-that-bai-do-voi-vang.htm 
  •  Nikkei Asia: Xiaomi dự định mở 20.000 cửa hàng trải khắp Trung Quốc vào cuối năm 2025, bán đa dạng từ ô tô điện đến tivi tủ lạnh
Xiaomi đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng vật lý lên 20.000 vào cuối năm 2025, tăng 50% so với hiện tại, nhằm mở rộng sự hiện diện tại cả thành phố lớn lẫn khu vực nông thôn. Kế hoạch này được đẩy nhanh để tận dụng sự quan tâm đến các mẫu xe điện mới, với dự kiến 120 cửa hàng trưng bày xe điện sẽ thu hút 5.000 khách mỗi ngày vào cuối năm 2024.
Từ khi thành lập năm 2010, Xiaomi chuyển từ tập trung bán hàng trực tuyến sang phát triển chuỗi cửa hàng “Xiaomi Home” từ năm 2015. Thiết bị gia dụng, chiếm 30% doanh thu quý III/2024, là lĩnh vực lớn thứ hai sau điện thoại thông minh nhưng thị phần tại Trung Quốc vẫn hạn chế, chủ yếu tập trung vào điều hòa, tủ lạnh và máy giặt. Trong lĩnh vực tivi, Xiaomi đứng thứ 5 thế giới nhưng gặp cạnh tranh giá từ Samsung và Hisense.
Xu hướng mở rộng cửa hàng vật lý của Xiaomi trái ngược với ngành, khi doanh thu từ cửa hàng chỉ chiếm 44% doanh thu thiết bị gia dụng năm ngoái, giảm so với 2019. Dù doanh thu quý III/2024 tăng 30% và lượng tiền mặt đạt 20,9 tỷ USD, chiến lược này mang rủi ro trong bối cảnh sức mua phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ để khuyến khích thay thế thiết bị cũ.
Nguồn: https://doanhnhan.baophapluat.vn/nikkei-asia-xiaomi-du-dinh-mo-20000-cua-hang-trai-khap-trung-quoc-vao-cuoi-nam-2025-ban-da-dang-tu-o-to-dien-den-tivi-tu-lanh-79419.html 
  •  Thấy gì từ tham vọng dẫn đầu về AI của UAE 
Cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở rộng ra toàn cầu, với UAE nổi lên là một trung tâm AI tại khu vực Trung Đông. Gần đây, UAE đã tham gia vòng kêu gọi vốn trị giá 6,6 tỷ USD từ OpenAI thông qua công ty công nghệ MGX, nhằm thúc đẩy mục tiêu dẫn đầu về AI toàn cầu vào năm 2031.
Các nỗ lực của UAE bao gồm đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, giới thiệu mô hình ngôn ngữ lớn Falcon, và đào tạo AI bằng tiếng Ả Rập và tiếng Hindi thông qua công ty G42. UAE cũng đã bổ nhiệm ông Omar Sultan Al Olama làm Bộ trưởng AI từ năm 2017, nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, UAE phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các cường quốc như Hoa Kỳ và Trung Quốc, những nước có đầu tư tư nhân vào AI lần lượt đạt 67,2 tỷ USD và 7,8 tỷ USD vào năm 2023.
Với nguồn tài nguyên dồi dào từ dầu mỏ và các quỹ đầu tư lớn như Mubadala, UAE đang chuyển hướng sang phát triển AI, dự đoán đóng góp 96 tỷ USD vào nền kinh tế quốc gia vào năm 2030. Dù vậy, quốc gia này gặp thách thức trong việc thu hút nhân tài AI. Gần đây, UAE đã triển khai chính sách “thị thực vàng” và sáng kiến đào tạo kỹ thuật tại Dubai nhằm tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, UAE cũng đẩy mạnh giáo dục AI, với Đại học Mohamed bin Zayed tập trung vào nghiên cứu sau đại học về AI và tổ chức các sự kiện quốc tế, khẳng định vị trí của Abu Dhabi như một trung tâm nghiên cứu AI. Dù không cạnh tranh trực tiếp với Thung lũng Silicon, UAE được đánh giá là có tiềm năng trở thành trung tâm AI toàn cầu nhờ chiến lược và đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và công nghệ.
Nguồn: https://vneconomy.vn/thay-gi-tu-tham-vong-dan-dau-ve-ai-cua-uae.htm 

Xu hướng Xanh – Bền vững

  •  Doanh nghiệp ngoại đua tung sản phẩm bền vững ở Việt Nam
Năm 2022, Coca-Cola bắt đầu sử dụng loại chai làm từ 100% nhựa tái chế rPET (trừ nắp và nhãn) tại Việt Nam. Họ đặt mục tiêu đến 2030 thu gom và tái chế toàn bộ lượng chai, lon bán ra và sử dụng ít nhất một nửa vật liệu tái chế trong bao bì.
Không chỉ trong tiêu dùng, những sản phẩm bền vững phục vụ phân khúc công nghiệp, xây dựng cũng sôi động ra đời. Ba tháng trước, Signify Việt Nam tung ra EcoSet – một giải pháp thông minh và tiết kiệm chi phí phù hợp cho các ứng dụng như nhà kho, cơ sở công nghiệp và văn phòng.
Vài ông lớn nước ngoài còn xem Việt Nam như một cứ điểm để sản xuất sản phẩm bền vững phục vụ xuất khẩu. Đầu tháng này, Lego cho hay nhà máy tỷ USD tại Bình Dương là cơ sở “xanh” nhất của tập đoàn này, dự kiến sản xuất thương mại vào quý đầu 2025. Họ đã lắp đặt 12.400 tấm pin mặt trời áp mái (công suất 7,34 MWp), tương đương nguồn điện cung ứng cho 1.270 hộ gia đình một năm tại nhà máy này.
Hay SCG (Thái Lan) cũng mở rộng sản xuất dòng xi măng carbon thấp (SCG Low Carbon) tại miền Nam. Theo thông tin doanh nghiệp này tự công bố, đây là sản phẩm xi măng giảm 20% lượng phát thải carbon so với loại thông thường nhờ công nghệ sản xuất xanh (sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống thu hồi nhiệt…).
Nguồn:https://vnexpress.net/doanh-nghiep-ngoai-dua-tung-san-pham-ben-vung-o-viet-nam-4821608.html 
  • Lần đầu tiên Việt Nam có hệ thống thu gom, tái chế dầu ăn làm nguyên liệu thô sản xuất xăng sinh học, nhiên liệu máy bay
Ngày 28/11/2024, lần đầu tiên tại Việt Nam, một quy trình thu gom tiên tiến, tự động được công bố, triển khai vận hành bởi Eco Oil Vietnam từ khu dân cư sinh sống.
Công nghệ Flow Metric và AI tiên tiến từ Hàn Quốc cho phép quản lý chính xác lượng dầu thu gom, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, đồng thời giảm thiểu sự lãng phí và góp phần vào bảo vệ môi trường.
Hệ thống này còn có các tính năng như theo dõi thông qua ứng dụng, bảo mật thông tin, và dễ dàng sử dụng cho cộng đồng. Bằng việc lắp đặt máy, các đơn vị vận hành quản lý tòa nhà, khu dân cư, chuỗi nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp… dễ dàng phân loại dầu ăn đã qua sử dụng, tối ưu chi phí vận hành nhờ nguồn thu từ loại chất thải này trong khi vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường và thể hiện cam kết sâu sắc với phát triển bền vững tuân thủ các tiêu chí ESG.
Nguồn:https://vneconomy.vn/lan-dau-tien-viet-nam-co-he-thong-thu-gom-tai-che-dau-an-lam-nguyen-lieu-tho-san-xuat-xang-sinh-hoc-nhien-lieu-may-bay.htm 
  • Toàn cầu chưa đạt được thỏa thuận về giảm sản xuất nhựa
Cuộc họp thứ năm Ủy ban Đàm phán liên chính phủ của Liên hợp quốc (INC-5) kết thúc ngày 1/12 tại Busan, Hàn Quốc mà không đưa ra thỏa thuận nào về hiệp ước nhựa toàn cầu. Đây là vòng đàm phán cuối cùng về hiệp ước này, sau các cuộc họp trước đó từ 2022.
Hơn 100 quốc gia muốn hạn chế sản xuất, trong khi số ít các nhà sản xuất dầu, như Arab Saudi, phản đối mạnh mẽ và muốn hướng giải pháp vào rác thải nhựa.
Theo Eunomia, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Arab Saudi là năm quốc gia sản xuất nhựa hàng đầu trong năm 2023.
Các tập đoàn tiêu dùng toàn cầu lớn như Walmart, Unilever và Nestlé nằm trong số hơn 200 công ty ủng hộ các nỗ lực chấm dứt việc sử dụng nhựa dùng một lần và hóa chất độc hại, thay vì bỏ chi phí xử lý.
Do quan điểm còn cách xa nhau, các quốc gia hoãn lại đàm phán và đồng ý nối lại nhưng thời gian chưa xác định được thời gian cụ thể.
Nguồn:https://vnexpress.net/toan-cau-chua-dat-duoc-thoa-thuan-ve-giam-san-xuat-nhua-4822639.html 
  • Kỷ nguyên điện hạt nhân
Những ngày qua, nghị trường Quốc hội và nhiều diễn đàn sôi nổi bàn câu chuyện dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc – Nam cùng việc tái khởi động dự án phát triển điện hạt nhân tại VN. Không phải ngẫu nhiên 2 dự án có tính chất quan trọng lịch sử lại được đặt song song. Báo cáo của Bộ GTVT trình Quốc hội cho biết tàu ĐSTĐC Bắc – Nam sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng điện. 
Trên cả nước, số liệu từ nhóm nghiên cứu “Phát triển xe điện: Dự báo xu thế và hàm ý cho VN” cũng chỉ ra rằng: Với kịch bản 100% sử dụng xe máy điện và 70% ô tô điện vào năm 2050, thì nhu cầu điện cho lĩnh vực giao thông là rất lớn: Cần tới 71,87 tỉ kWh vào năm 2050, tương đương lượng điện của 10 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Không chỉ VN, trên thế giới, điện hạt nhân cũng đang nhận được sự chú ý trở lại. Đến nay, đã có 415 lò hạt nhân năng lượng vận hành, 62 lò đang được xây dựng tại 32 quốc gia. Chưa kể 20 quốc gia khác đang xem xét triển khai điện hạt nhân để đáp ứng các mục tiêu về năng lượng và khí hậu. Tháng 4.2023, lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Phần Lan là Olkiluoto 3 hoạt động trở lại, là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu, sau khi bị đình trệ suốt 18 năm qua. Điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân chiếm phần lớn nguồn cung năng lượng tại quốc gia Bắc Âu này.
Tại khu vực châu Á, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã và đang gia tăng tỉ trọng năng lượng hạt nhân trong cơ cấu điện năng của mình.
Nguồn:https://thanhnien.vn/ky-nguyen-dien-hat-nhan-185241130214023977.htm 
  • Nhu cầu xe điện tại Việt Nam sẽ tăng mạnh sau năm 2035
Theo báo cáo ‘Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện’ mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ cần ít nhất một thập kỷ nữa để ô tô có thể thay thế xe hai bánh và trở thành lựa chọn phương tiện chủ đạo của người tiêu dùng trong nước. Nếu tốc độ phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng tăng nhanh thì xe điện cũng bứt phá nhanh hơn trong khoảng từ 2035 – 2050.
Trước năm 2035, xe hai bánh (2W, bao gồm xe máy và xe gắn máy) dự kiến vẫn là phương tiện chiếm lĩnh thị trường xe Việt Nam, mặc dù nhu cầu tổng thể có xu hướng giảm. Điều kiện thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là sự gia tăng sử dụng xe điện 2 bánh (E-2W), như hiện trạng từ năm 2014 đến nay.
Nguồn:https://baomoi.com/nhu-cau-xe-dien-tai-viet-nam-se-tang-manh-sau-nam-2035-c50892981.epi 

Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  •  Nhiều nông sản xuất khẩu về đích sớm
Xuất khẩu nông sản năm 2024 có thể đạt kỷ lục 60 – 61 tỉ USD, tăng 7 – 8 tỉ USD so với năm 2023. Đến thời điểm này, nhiều ngành hàng đã về đích sớm.
“Vua trái cây” và gạo dẫn đầu kỳ tích: Từ tháng 9, khi những vườn sầu riêng chín sớm ở Tây nguyên bước vào vụ thu hoạch rộ cũng là lúc xuất khẩu mặt hàng trái cây tỉ USD này chính thức vượt kim ngạch xuất khẩu lịch sử của cả năm 2023, với 2,81 tỉ USD. Lũy kế 10 tháng, con số này tiếp tục tăng lên 3 tỉ USD và dự báo cả năm sẽ đạt 3,3 tỉ USD, tăng 1 tỉ USD so với năm 2023.
Xuất khẩu gạo cũng chỉ cần 10 tháng để vượt kim ngạch cả năm 2023. Đáng nói, năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 8,1 triệu tấn với giá trị 4,6 tỉ USD đã là mức kỷ lục. Năm nay, chỉ trong 10 tháng, xuất khẩu gạo đã đạt tới 4,9 tỉ USD với chỉ 7,8 triệu tấn gạo nhờ giá gạo xuất khẩu tăng cao ngay từ đầu năm.
“Vàng nâu, vàng đen” tiếp tục bứt phá: Ở thời điểm hiện tại, gạo và sầu riêng đang vào giai đoạn “giáp hạt” nên sản lượng sụt giảm mạnh vào cuối năm. Ngược lại, cà phê bước vào vụ thu hoạch rộ. Đặc biệt, giá lại lên cơn sốt khiến kim ngạch xuất khẩu tiếp tục bứt phá.
Tương tự, “vàng đen” hồ tiêu cũng không chịu kém cạnh. Giá hồ tiêu nội địa hiện dao động khoảng 145.000 – 150.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá tăng cao nên xuất khẩu hồ tiêu 10 tháng qua đạt 1,1 tỉ USD, tăng tới 47% về giá trị so với cùng kỳ năm trước dù lượng giảm 3%.
Nguồn:https://thanhnien.vn/nhieu-nong-san-xuat-khau-ve-dich-som-18524120119351704.htm 
  • Giá cà phê vẫn ‘điên loạn’, doanh nghiệp khóc ròng
Sau cú rơi thẳng đứng đêm trước, giá cà phê Tây Nguyên hôm qua 3.12 giảm từng giờ với tổng mức vào cuối ngày khoảng 20.000 đồng/kg. Đêm qua, trên 2 sàn giao dịch thế giới tiếp tục đỏ rực; dự báo giá cà phê Tây nguyên tiếp tục giảm sâu. Các doanh nghiệp kinh doanh khóc ròng vì giá biến động khôn lường.
Ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh ở Đắk Nông, cho biết: Giá cà phê thế giới như “điên loạn” kéo theo thị trường nội địa cũng loạn giá. Sau cơn sụt giảm kỷ lục đêm hôm trước, ngày 3.12, giá giảm theo từng giờ từ mức trên 130.000 đồng xuống chỉ còn khoảng 112.000 đồng/kg vào cuối giờ chiều; cùng lúc thị trường London mở cửa phiên mới và vẫn đỏ sàn thì giá nội địa cũng tiếp tục giảm. “Cơn biến động gần đây khiến nghề kinh doanh cà phê còn mạo hiểm hơn cả đánh bạc. Giá tăng thì mua không đủ hàng để giao phải tăng giá nên lỗ. Giá giảm nhanh và liên tục nên cứ mua vào là lỗ. Còn mua bán giao ngay thì không “ráp” được giá. Biên độ tăng giảm vượt 5.000 đồng/ngày thì không ai làm được”, ông Đạt than thở.
Nguồn:https://thanhnien.vn/gia-ca-phe-van-dien-loan-doanh-nghiep-khoc-rong-185241204072508739.htm 
  • Nhiều ‘đại bàng’ rót vốn, vì sao nông dân Việt Nam vẫn gặp khó với thức ăn chăn nuôi?
Hiện có nhiều doanh nghiệp lớn rót vốn vào ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam, thu về 850 triệu USD xuất khẩu trong tháng 10 năm nay. Nhưng ‘nghịch lý’ người chăn nuôi Việt Nam vẫn gặp khó, mua thức ăn chăn nuôi với giá đắt đỏ.
Xét về thị trường, Trung Quốc vẫn là “anh cả” trong tiêu thụ thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam, có kim ngạch hơn 336 triệu USD trong 10 tháng (giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023).
Theo VIRAC – một đơn vị nghiên cứu thị trường – đánh giá thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Các ông lớn này thông qua việc sáp nhập và mua lại các nhà sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản và gia cầm trong nước. Có thể kể đến những tên tuổi như Cargill Group (Mỹ), Haid (Trung Quốc), CP Group (Charoen Pokphand Group – Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa (Singapore), CJ (Hàn Quốc)…
Nhưng có bất cập lớn ngành thức ăn chăn nuôi, giá cả tăng cao còn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Việt Nam nhập cám bắp ngô, đậu tương. Trong khi 1kg bắp giá chỉ 8.000 đồng, mà 1kg gạo khoảng 12.000 đồng thì rõ ràng nhập khẩu nguyên liệu đã giải bài toán kinh tế.
Chưa kể những biến động trong chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng đã làm tăng áp lực lên giá bán cuối cùng, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó. Trong nhiều giải pháp gỡ khó, cơ quan nhà nước vẫn khuyến khích tự chủ nguyên liệu sản xuất, thức ăn có sẵn tại địa phương…”.
Nguồn:https://tuoitre.vn/nhieu-dai-bang-rot-von-vi-sao-nong-dan-viet-nam-van-gap-kho-voi-thuc-an-chan-nuoi-2024120411545739.htm 

Du lịch – Ẩm thực

  •  Booking.com công bố 9 dự đoán xu hướng du lịch năm 2025
Báo cáo Dự đoán xu hướng du lịch thường niên của Booking.com vừa công bố, cho thấy thay vì nghỉ dưỡng đơn thuần, nhiều du khách Việt Nam mong muốn tái định nghĩa cách họ trải nghiệm và kết nối với thế giới xung quanh. Booking.com đã tiến hành khảo sát hơn 27.000 du khách từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, từ đó đưa ra 9 dự đoán xu hướng du lịch mới. Những dự đoán này cho thấy bức tranh du lịch năm 2025 sẽ mở ra những hướng đi mới để trải nghiệm thế giới:
Du lịch về đêm: 2025 sẽ là năm mà những trải nghiệm khám phá vũ trụ và các vì sao lên ngôi. Xu hướng “Du lịch về đêm” (Noctourism) nói tới các chuyến đi với mục đích khám phá vẻ đẹp huyền diệu của màn đêm.
Du lịch đa thế hệ: Ngày nay, thay vì để dành tiền tiết kiệm, các gia đình đang có xu hướng sử dụng “tiền thừa kế của con cháu” để tận hưởng cuộc sống cùng các thành viên.
Du lịch “săn” đồ si: Lựa chọn trang phục trong kỳ nghỉ sẽ có thay đổi lớn trong năm 2025, khi những du khách thời thượng trở thành những “thợ săn” đồ si – luôn sẵn sàng “truy lùng” các cửa hàng đồ vintage ngay trong chuyến đi của mình, hướng tới mục tiêu bền vững.
Boyz II Zen: Kỳ nghỉ dành cho phái mạnh: Trong bối cảnh nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần của nam giới ngày càng được nâng cao, các “kỳ nghỉ dưỡng chỉ dành cho phái mạnh” tập trung vào rèn luyện sức khỏe và phát triển bản thân được dự đoán sẽ trở nên phổ biến hơn trong năm 2025.
Thiết kế lịch trình bằng AI: Đến năm 2025, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sáng kiến công nghệ được ứng dụng trong việc hỗ trợ khách du lịch có trách nhiệm hơn, góp phần vào sự phát triển dài hạn của các điểm đến.
Du lịch sân bay: Thời mà du khách chỉ muốn đến sân bay sát giờ để tránh sự mệt mỏi trong phòng chờ đông đúc sau khi kiểm tra an ninh đã qua. Giờ đây, các tín đồ du lịch sẽ lên kế hoạch du lịch 2025 theo một cách khác và chào đón một kỷ nguyên giải trí mới tại các cảng hàng không.
Du lịch kéo dài tuổi thọ: Trong năm 2025, chăm sóc sức khỏe toàn diện không còn gói gọn trong tấm thảm yoga và những ly sinh tố mát lành nữa.
Trải nghiệm đa dạng hệ thần kinh: Những du khách có cách tư duy và xử lý thông tin khác biệt sẽ chú trọng hơn đến những nhu cầu đặc thù của họ.
Những chuyến phiêu lưu không tuổi: Năm 2025, thế hệ Baby Boomer đang viết lại khái niệm du lịch ở độ tuổi của mình. Họ sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn và một lần nữa sống hết mình với tinh thần phiêu lưu.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/9-xu-huong-se-dinh-hinh-dien-mao-nganh-du-lich-trong-nam-2025-post996154.vnp 
  • Traveloka, Booking, Agoda đang át vía các đại lý du lịch Việt
Theo khảo sát Travel Tech 2024 của Outbox, thị trường đại lý du lịch trực tuyến (OTA) tại Việt Nam đang chịu chi phối bởi các “ông lớn” quốc tế như Traveloka, Booking.com và Agoda. Các thương hiệu này đang là lựa chọn hàng đầu của khách Việt.
Mặc dù có sự hiện diện của các OTA nội địa như iVIVU (Tập đoàn Thiên Minh), Gotadi… nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thị phần. Tại Việt Nam có nhiều nền tảng hiện nay là đại lý du lịch (TA) có ứng dụng công nghệ chứ không phải đại lý du lịch điện tử đúng nghĩa (OTA).
Theo các chuyên gia, có ba yếu tố chính giúp OTA nước ngoài chiếm phần lớn thị trường gồm sản phẩm, công nghệ và vốn.
Nguồn:https://tuoitre.vn/traveloka-booking-agoda-dang-at-via-cac-dai-ly-du-lich-viet-20241202072839813.htm 
  • Vượt qua Thái Lan, Indonesia, du khách Mỹ xếp Việt Nam là điểm đến yêu thích nhất
Latifah Al-Hazza, du khách Mỹ, đã du lịch 80 quốc gia và cô đã đưa ra danh sách yêu thích nhất cho 50 điểm đến. Quan điểm của cô đăng trên báo Mỹ BusinessInsider đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình.
Trong đó, cô xếp Việt Nam trên nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác ở châu Á. Sở dĩ du khách Mỹ này đưa danh sách 50 điểm đến vì đây là những quốc gia được xếp hạng cao trong Chỉ số Du lịch và Lữ hành năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.  
Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á trong top đầu của danh sách, ở vị trí thứ 5. “Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đặc biệt yêu thích của tôi vì dường như có vô số địa điểm để tham quan và những việc cần làm. Hành trình yêu thích của tôi bắt đầu ở TP.HCM trước khi đến Hội An tham quan chợ đêm nổi tiếng và trải nghiệm chuyến giải trí bằng thuyền thúng.
Nguồn:https://thanhnien.vn/vuot-qua-thai-lan-indonesia-du-khach-my-xep-viet-nam-la-diem-den-yeu-thich-nhat-185241203101859985.htm 

Đầu tư – tài chính

  •  Doanh nghiệp Trung Quốc đua nhau rót tiền làm đồ chơi
Pop Mart, nhà sản xuất nổi tiếng với các thương hiệu như Labubu, Molly và Dimoo, đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với cổ phiếu tăng 350% từ đầu năm, đưa vốn hóa thị trường đạt 15,2 tỷ USD. Thị trường đồ chơi sưu tầm, đặc biệt là các sản phẩm mang bản quyền sở hữu trí tuệ (IP), đang bùng nổ không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu.
Các sản phẩm sưu tầm “guzi”, như búp bê, thẻ bài và đồ chơi mang tính nghệ thuật, đã trở thành hiện tượng văn hóa với giá dao động từ dưới 10 nhân dân tệ đến hơn 15.000 nhân dân tệ. Dòng sản phẩm “blind box” của Pop Mart dẫn đầu xu hướng này, với thị trường toàn cầu dự kiến tăng trưởng trung bình 5,5% hàng năm, đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2032.
Bên cạnh Pop Mart, các công ty như Alpha Group và Wahlap Technology cũng đạt mức tăng trưởng đáng kể nhờ khai thác văn hóa anime và các sản phẩm IP. Văn hóa “hai chiều” từ Nhật Bản, với trọng tâm là anime, manga và trò chơi điện tử, đang lan rộng và trở thành động lực chính cho ngành công nghiệp này tại Trung Quốc.
Ngành đồ chơi sưu tầm còn được thúc đẩy bởi ba xu hướng kinh tế nổi bật: kinh tế bất ngờ, tận dụng sự tò mò của người tiêu dùng; kinh tế cô đơn, đáp ứng nhu cầu giao tiếp trong xã hội hiện đại; và kinh tế xã hội, xây dựng cộng đồng trực tuyến gắn bó xung quanh các sản phẩm.
Tại Việt Nam, “blind box” cũng đang là trào lưu, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM. Nhiều người trẻ sẵn sàng chi hàng triệu đồng để sưu tầm hoặc tham gia các buổi livestream “unbox”. Xu hướng này không chỉ là một hiện tượng tiêu dùng mà còn thể hiện sức hút mạnh mẽ của ngành công nghiệp đồ chơi sưu tầm với giới trẻ.
Nguồn: https://znews.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-dua-nhau-rot-tien-lam-do-choi-post1515205.html 
  • FPT tăng cường đầu tư vào Nhật Bản, cơ hội lớn cho chuyên gia AI Việt Nam
FPT đang khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực dữ liệu và AI tại Nhật Bản bằng việc thành lập Trung tâm Tích hợp Dữ liệu và AI (FPT Data & AI Integration), đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, và mở rộng hợp tác với những tên tuổi hàng đầu.
Trong mạng lưới đối tác công nghệ toàn cầu của FPT phải kể đến NVIDIA, tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực GPU Cloud (điện toán đám mây tích hợp bộ xử lý đồ họa hiệu năng cao). Trong tháng 11/2024, FPT đã ra mắt nhà máy AI (AI Factory) tại Việt Nam và Nhật Bản, và công bố hệ sinh thái AI, bắt tay cùng các tập đoàn công nghệ toàn cầu như NVIDIA, SCSK, ASUS, Hewlett Packard Enterprise, VAST Data, DDN Storage để thúc đẩy phát triển và vận hành các nhà máy AI, góp phần phát triển AI có chủ quyền tại 2 quốc gia.
Hệ sinh thái AI “made-by-Vietnam” của FPT không chỉ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu mà còn tạo cơ hội cho các tài năng công nghệ tham gia hành trình kiến tạo tương lai.
Nguồn:https://vneconomy.vn/fpt-tang-cuong-dau-tu-vao-nhat-ban-co-hoi-lon-cho-chuyen-gia-ai-viet-nam.htm 
  • Nhà đầu tư Thái Lan dẫn đầu các thương vụ ‘thâu tóm’ doanh nghiệp tại Việt Nam
Mặc dù giá trị giao dịch giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, thị trường M&A của Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài với sự gia tăng về số lượng giao dịch, chủ yếu do các giao dịch quy mô nhỏ và vừa, theo dữ liệu từ FiinGroup.
Phần lớn các giao dịch M&A tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 là các thương vụ mua lại quy mô trung bình dưới 25 triệu USD và trên 1 triệu USD, chiếm 52,6% tổng số lượng giao dịch. Trong khi đó, FiinGroup chỉ ghi nhận 4 thương vụ lớn với giá trị giao dịch trên 100 triệu USD.
FiinGroup ghi nhận Thái Lan và UAE là những nhà đầu tư mới nổi trong 9 tháng đầu năm 2024, với đóng góp 54% vào tổng giá trị giao dịch “Inbound”, đạt 1.131 triệu USD. Cụ thể, sau khi có dấu hiệu chậm lại kể từ đỉnh điểm vào năm 2020, các nhà đầu tư Thái Lan đã lấy lại vị trí dẫn đầu trong các hoạt động M&A vào năm 2024 với một thương vụ lớn giữa SCBX và Home Credit.
Nguồn:https://baomoi.com/nha-dau-tu-thai-lan-dan-dau-cac-thuong-vu-thau-tom-doanh-nghiep-tai-viet-nam-c50895039.epi 

Thị trường xuất nhập khẩu

  •  Đề nghị Canada không điều tra chống bán phá giá hàng Việt
Tại phiên họp Hội đồng Hiệp định CPTPP lần thứ 8 tại Vancouver, Canada, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ quan ngại về số lượng vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam trên thị trường Canada. Ông đề nghị Canada không tiếp tục điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định của WTO và thông lệ quốc tế trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc Canada nên sử dụng số liệu từ nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam để đảm bảo minh bạch và khách quan.
Trong buổi họp song phương, hai bên thống nhất thúc đẩy triển khai Tuyên bố chung của Kỳ họp lần II Ủy ban hỗn hợp kinh tế Việt Nam – Canada, với trọng tâm là thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và chuyển đổi năng lượng. Bộ trưởng đề nghị Canada hỗ trợ hàng hóa Việt Nam tiếp cận chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối bán lẻ tại Canada, đồng thời tăng cường hợp tác phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như năng lượng, chế biến, điện tử, hóa chất và y tế.
Đối với phía Singapore, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tạo điều kiện tăng nhập khẩu các sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là nông sản chế biến, thủy sản và thực phẩm.
Cuộc gặp giữa các bên nhấn mạnh cam kết hợp tác nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường vai trò của CPTPP trong thương mại khu vực và toàn cầu.
Nguồn: https://tienphong.vn/de-nghi-canada-khong-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-hang-viet-post1695893.tpo 
  •  30 nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 22
Từ năm 1995 đến nay, thương mại toàn cầu đã tăng gần 5 lần, với 10 nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất chiếm hơn 50% tổng giá trị nhập khẩu, đạt 12,4 nghìn tỷ USD. Dẫn đầu là Mỹ, với kim ngạch 3,2 nghìn tỷ USD, chủ yếu nhập khẩu ô tô, điện tử, máy móc và dược phẩm. Hàng hóa từ Mexico và Canada đóng vai trò quan trọng, cung cấp từ sản phẩm công nghiệp đến tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế 25% với hàng nhập khẩu từ hai quốc gia này của chính quyền Mỹ có thể tăng chi phí kinh doanh và tiêu dùng.
Trung Quốc xếp thứ hai, nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới từ Saudi Arabia, Nga và Iraq, đồng thời duy trì thặng dư thương mại lớn, xuất khẩu vượt nhập khẩu 1,3 tỷ USD trong năm 2023.
Trong bối cảnh nhu cầu yếu và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, 27/30 nền kinh tế lớn chứng kiến nhập khẩu giảm, đặc biệt là Đài Loan (-18%) và Brazil (-14%). Việt Nam đứng thứ 22 trong danh sách, khẳng định vị trí ngày càng quan trọng trong thương mại toàn cầu.
Nguồn: https://vneconomy.vn/30-nen-kinh-te-nhap-khau-lon-nhat-the-gioi-viet-nam-dung-thu-22.htm 
  •  Mỹ áp thuế quan với tấm năng lượng mặt trời 4 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam 
Vào ngày 29/11, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố quyết định sơ bộ về việc áp thuế chống bán phá giá đối với tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan. Mức thuế được áp dụng từ 21,31% đến 271,2% tùy theo công ty sản xuất. Quyết định này được đưa ra sau khi một số nhà sản xuất Mỹ, bao gồm Hanwha Qcells (Hàn Quốc) và First Solar Inc (Mỹ), khiếu nại rằng tấm pin năng lượng mặt trời từ các quốc gia Đông Nam Á này đang gây cạnh tranh không công bằng, làm giảm giá sản phẩm và ảnh hưởng đến thị trường Mỹ.
Thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các sản phẩm của các công ty lớn như Jinko Solar và Trina Solar từ Trung Quốc, với mức thuế cụ thể là 21,31% đối với sản phẩm từ Malaysia và 56,51% từ Việt Nam đối với Jinko Solar, trong khi Trina Solar bị áp mức thuế từ 54,46% đến 77,8% tùy thuộc vào quốc gia sản xuất.
Chính quyền Mỹ đã đặc biệt chú trọng vào dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào ngành năng lượng sạch và đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời trong nước thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, nhằm thúc đẩy phát triển ngành này và bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng từ các quốc gia có thuế thấp.
Nguồn: https://vneconomy.vn/my-ap-thue-quan-voi-tam-nang-luong-mat-troi-4-nuoc-dong-nam-a-gom-viet-nam.htm 

BSAi