Thị trường và bán lẻ

  •  Kinh tế châu Âu chông chênh giữa hy vọng và thách thức
Năm 2025 được kỳ vọng mang lại sự phục hồi nhưng cũng đầy thách thức đối với kinh tế châu Âu. Sau 5 quý trì trệ, Eurozone chỉ đạt tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024, với dự báo tăng 0,8% nhờ lạm phát giảm và tiêu dùng, đầu tư hồi phục. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra dự báo thận trọng hơn, với mức tăng trưởng 1,1% vào năm 2025. Lạm phát dự kiến giảm xuống 2,1% trong năm 2025, hỗ trợ thu nhập khả dụng, nhưng sự bất ổn vẫn khiến người tiêu dùng tiết kiệm, ảnh hưởng đến tăng trưởng ngắn hạn.
Tại Đức, tình trạng đầu tư thấp kéo dài đã dẫn đến suy thoái hai năm liên tiếp, làm suy yếu nền kinh tế lớn nhất khu vực và tác động tiêu cực đến toàn châu Âu. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị, tranh chấp thương mại leo thang, và chi phí năng lượng cao tiếp tục gây áp lực. Thỏa thuận khí đốt giữa EU và Nga hết hạn khiến nguy cơ thiếu hụt năng lượng tăng, dù nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tạm thời bù đắp nhưng không bền vững.
Đồng euro cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, phản ánh sự chênh lệch chính sách tiền tệ giữa ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. ECB đã hạ lãi suất để đối phó với tăng trưởng chậm, nhưng giữ quan điểm thận trọng về chính sách trong năm 2025.
Chính trị bất ổn tại Pháp và Đức càng làm tăng lo ngại, với áp lực từ nợ công và bầu cử sớm. Theo các chuyên gia, để vượt qua thách thức, châu Âu cần cải cách cơ cấu, đầu tư công, và áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt.
Nguồn: https://bnews.vn/kinh-te-chau-au-chong-chenh-giua-hy-vong-va-thach-thuc/359356.html 
  •  Alibaba tiếp tục rút khỏi mảng bán lẻ truyền thống
Alibaba Group Holding Ltd. đã đồng ý bán hơn 70% cổ phần tại Sun Art Retail Group Ltd. cho DCP Capital với giá khoảng 12,3 tỷ đôla Hong Kong (1,6 tỷ USD). Thương vụ này phản ánh chiến lược của Alibaba trong việc thoái vốn khỏi mảng bán lẻ truyền thống để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh trực tuyến cốt lõi. Trước đó, Alibaba từng chi khoảng 3,6 tỷ USD vào năm 2020 để tăng gấp đôi cổ phần tại Sun Art. Hiện giá trị thị trường của Sun Art chỉ khoảng 3 tỷ USD, dù đã tăng hơn 80% trong năm qua.
Dưới sự dẫn dắt của CEO mới Eddie Wu, Alibaba đang tái cơ cấu, đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như điện toán đám mây và thương mại trực tuyến, đồng thời mở rộng hoạt động quốc tế. Công ty cũng tích hợp hoạt động thương mại điện tử trong nước và quốc tế dưới sự lãnh đạo của Jiang Fan, và tiếp tục bán các tài sản không cốt lõi. Tháng trước, Alibaba đã bán mảng kinh doanh Intime cho Youngor Fashion Co. với giá 1 tỷ USD, chịu lỗ 1,3 tỷ USD so với khoản đầu tư ban đầu.
Sun Art, sở hữu hệ thống siêu thị lớn như RT-Mart và các cơ sở phân phối tại Trung Quốc, từng bổ trợ cho mảng thực phẩm tươi sống của Alibaba. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như PDD Holdings và ByteDance, Alibaba quyết định tập trung vào nền tảng trực tuyến để nâng cao lợi nhuận cho cổ đông. Theo Bloomberg News, kế hoạch thoái vốn tại Sun Art đã được Alibaba cân nhắc từ tháng 9/2024. Thương vụ này giúp Alibaba tối ưu hóa nguồn lực, tập trung vào các mảng kinh doanh chiến lược.
Nguồn:https://baomoi.com/alibaba-tiep-tuc-rut-khoi-mang-ban-le-truyen-thong-c51147699.epi 
  • Thị trường gọi xe công nghệ: Cuộc đua ngày càng khốc liệt
Ứng dụng gọi xe đến từ châu Âu – Bolt chuẩn bị hoạt động tại Việt Nam. Mới tháng 9 năm ngoái, ứng dụng gọi xe Gojek đã rút khỏi thị trường sau 6 năm hoạt động. Thị trường gọi xe Việt Nam tưởng chừng đã quá chật chội khi đã là sân chơi của Grab, Be hay gần đây nhất là Xanh SM – một công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, sử dụng xe điện mua từ VinFast.
Gọi xe qua ứng dụng trong việc di chuyển hàng ngày đang dần trở thành thói quen của cư dân đô thị. Tại Việt Nam, việc di chuyển trong thành phố bằng xe máy cũng là lựa chọn của nhiều người vì rẻ và tiện dụng. Các ứng dụng gọi xe đang được hưởng lợi ích từ những dịch chuyển từ thói quen người dùng, đặc biệt là người dùng tại các thành phố, các tình du lịch phát triển.
Mới đây, Let’s Go taxi, hãng taxi điện mini của thị trường Việt Nam đang áp dụng mức giá cước chỉ 8.000 đến 9.000 đồng/km – tức chỉ khoảng 2/3 giá cước dịch vụ taxi, gọi xe hiện nay trên thị trường. Let’s Go taxi đang dùng hai loại xe điện mini của Wuling – và hãng hé lộ sắp tới sẽ có thêm xe VF3. Xe điện, đặc biệt là xe điện mini đang giúp đi lại bằng taxi hay gọi xe ứng dụng trở nên rẻ hơn.
Nguồn:https://baomoi.com/thi-truong-goi-xe-cong-nghe-cuoc-dua-ngay-cang-khoc-liet-c51186000.epi 
  • Qua thời mua vải may quần áo Tết, ‘thủ phủ vải’ lớn nhất TP.HCM ế ẩm chưa từng có
Phố vải Soái Kình Lâm (quận 5, TP.HCM) rơi vào cảnh đìu hiu, ảm đạm chưa từng có vào mùa cuối năm. Các tiểu thương ‘than ngắn, thở dài’ khi hàng hóa ngập tràn nhưng sức mua giảm mạnh, doanh thu không đạt như kỳ vọng.
Nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ vải” lớn nhất TP.HCM khi tập trung hàng trăm cửa hàng, cung cấp đa dạng các loại vải cho khu vực TP.HCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Các tiểu thương tại phố vải Soái Kình Lâm cho biết, độ tháng 9, tháng 10, khách tại các chợ lẻ, các cơ sở may mặc đã bắt đầu nhập vải về để phục vụ mùa Tết. Song năm nay, các tiểu thương cho biết sức mua giảm rõ rệt so với mọi năm, doanh thu không đạt như kỳ vọng.
Nguồn:https://baomoi.com/qua-thoi-mua-vai-may-quan-ao-tet-thu-phu-vai-lon-nhat-tp-hcm-e-am-chua-tung-co-c51184855.epi 
  • Robot thú cưng AI – giải pháp cho ‘đại dịch cô đơn’
Haruka Uto sống một mình tại Tokyo (Nhật Bản) cùng một số người bạn lông xù, nhưng chúng không phải là thú cưng thông thường. Hai ‘vật nuôi’ màu nâu và màu xám của cô thực chất là robot trí tuệ nhân tạo (AI) có tên Moflin.
Theo công ty nghiên cứu IMARC Group (Mỹ), quy mô thị trường robot tương tác xã hội toàn cầu đạt gần 7 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2032. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất cho robot tương tác xã hội.
Robot đồng hành hoặc robot tương tác xã hội hiện có đủ mọi hình dạng và kích thước. Cô Uto cũng sở hữu một thú cưng AI khác có tên LOVOT của công ty Groove X (Nhật Bản), nhìn giống như chim cánh cụt với đôi mắt tròn to dễ thương.
Nguồn:https://baomoi.com/robot-thu-cung-ai-giai-phap-cho-dai-dich-co-don-c51177737.epi 
  • Những tấm giấy siêu mỏng của Nhật Bản thu hút khách hàng toàn cầu
Giấy washi Tosa là một trong ba loại giấy washi chính của Nhật Bản, đã được sản xuất tại tỉnh Kochi hơn 1.000 năm qua. Trong đó, giấy Tosa Tengujo ra đời vào thời kỳ Meiji (1868 – 1912) nổi tiếng với độ mỏng từ 0,03 đến 0,05 mm và được làm thủ công.
Dựa trên nền tảng công nghệ này, Hidakawashi đã thành công sản xuất hàng loạt loại giấy này bằng máy móc, đồng thời duy trì chi phí thấp để cung cấp sản phẩm với giá cả phải chăng. Bên cạnh quy trình sản xuất bằng máy, công ty vẫn giữ quy trình chuẩn bị nguyên liệu thô tỉ mỉ bằng tay.
Loại giấy này đặc biệt bền, chống ố vàng và đổi màu nhưng mỏng đến nỗi khi phủ lên các tài liệu, chữ viết vẫn đọc được dễ dàng. Mặc dù số lượng đơn đặt hàng thường nhỏ, Hidakawashi vẫn đáp ứng bằng các sản phẩm tùy chỉnh.
Chất lượng vượt trội của sản phẩm đã giúp công ty chiếm được lòng tin của các cơ sở bảo tồn và phục chế trên toàn cầu, bởi nó không làm ảnh hưởng đến kết cấu ban đầu của các di sản văn hóa hay tác phẩm nghệ thuật. Hiện tại, 40% doanh số của Hidakawashi đến từ lĩnh vực phục chế tài sản văn hóa. Đáng chú ý là 90% trong số đó là các đơn hàng từ nước ngoài.
Nguồn:https://baomoi.com/nhung-tam-giay-sieu-mong-cua-nhat-ban-thu-hut-khach-hang-toan-cau-c51171056.epi 
  • Kinh doanh F&B đang ‘chuyển trạng thái’ ngày một nhanh
Năm 2024, ngành F&B trên hệ thống Food Apps (ứng dụng đặt đồ ăn online) cùng hệ thống các chuỗi quán ăn, đồ uống chịu nhiều biến động trên thị trường. Nhiều ông lớn rời đi cũng như hàng quán trên các tuyến phố ế ẩm, mặt bằng trống liên tục. Các chuyên gia và chủ kinh doanh nhận định, việc thay đổi thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới là cần thiết để gia tăng lợi thế cạnh tranh lúc này. 
Nguồn:https://baomoi.com/kinh-doanh-f-b-dang-chuyen-trang-thai-ngay-mot-nhanh-c51168268.epi 
  • Tỷ trọng thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam
Theo báo cáo tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025” của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2024 thương mại điện tử vẫn tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ vào năm 2024. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất thế giới.
Ở trong nước, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 – 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Nguồn:https://vneconomy.vn/ty-trong-thuong-mai-dien-tu-chiem-2-3-gia-tri-cua-nen-kinh-te-so-viet-nam.htm 

Xu hướng tiếp thị – truyền thông

  •  Cà phê mặn, bao bì đẹp và cách con người ăn uống năm 2025
Năm 2025, xu hướng ẩm thực toàn cầu dự kiến có nhiều thay đổi độc đáo, phản ánh sự ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và tinh thần phiêu lưu của thế hệ Z. Người tiêu dùng dần phá vỡ các quy tắc truyền thống, ưa chuộng sự kết hợp mới lạ để tìm kiếm trải nghiệm khác biệt. Nước xốt là một trong những xu hướng nổi bật, với các loại đa dạng từ khắp nơi trên thế giới như ranch, tzatziki, salsa macha, và hoisin. Tại Mỹ, xốt ranch sẽ phổ biến hơn với các biến tấu hương vị như dưa chua hay chimichurri. Cà phê mặn cũng được kỳ vọng trở thành trào lưu, kết hợp các gia vị như gừng, sả, thảo quả, và quế, tạo nên những trải nghiệm thưởng thức mới lạ theo phong cách omakase. 
Đồ ăn liền tiện lợi theo xu hướng Grab-and-Go tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt tại các cửa hàng tiện lợi kiểu Nhật (konbini) với các món ăn chế biến sẵn như cơm nắm, mì ramen, và sandwich trứng, và lan rộng đến Mỹ, thậm chí xuất hiện tại các trạm xăng. Dịch vụ phục vụ tận phòng ở khách sạn ngày càng phổ biến, mang lại sự thoải mái và riêng tư cho khách hàng. Bên cạnh chất lượng món ăn, bao bì và thiết kế đóng gói cũng trở thành yếu tố quan trọng, với yêu cầu vừa thông minh vừa bắt mắt để gây ấn tượng tốt với người tiêu dùng. Sự sáng tạo và tiện ích trong ẩm thực sẽ tiếp tục là yếu tố dẫn dắt thị trường toàn cầu trong năm tới.
Nguồn: https://lifestyle.znews.vn/ca-phe-man-bao-bi-dep-va-cach-con-nguoi-an-uong-nam-2025-post1523048.html 

Công nghệ

  •  Các hãng logistics thế giới đã ứng dụng công nghệ 4.0, doanh nghiệp Việt vẫn còn “loay hoay” vì thiếu vốn
Ngành logistics tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nhưng hiện đối mặt nhiều khó khăn trong việc áp dụng công nghệ 4.0 và logistics xanh. Mặc dù công nghệ 4.0, với các ứng dụng như IoT, AI, Big Data, đã tạo ra những bước tiến lớn, phần lớn doanh nghiệp logistics trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn hạn chế về tài chính và nhận thức để đầu tư, triển khai hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ sử dụng phần mềm quản lý đơn lẻ, trong khi các giải pháp tích hợp hiện đại chưa phổ biến.
Logistics xanh, hướng đến giảm tác động môi trường thông qua hệ thống vận tải xanh, kho bãi tiết kiệm năng lượng, và đóng gói thân thiện, tuy là xu thế tất yếu nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài như Amazon, Walmart, và DHL đã ứng dụng thành công các công nghệ này, tạo sức ép cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp trong nước.
PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương cho rằng giải pháp tiếp cận “top-down” từ nhà nước, kết hợp với nỗ lực đổi mới của doanh nghiệp, là cần thiết để vượt qua thách thức. Nhà nước cần đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính và khuyến khích đổi mới công nghệ, trong khi doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình rõ ràng để áp dụng công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường đại học đang được đẩy mạnh, giúp đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành logistics trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo sự phù hợp giữa kiến thức đào tạo và thực tế doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Nguồn:https://vneconomy.vn/cac-hang-logistics-the-gioi-da-ung-dung-cong-nghe-4-0-doanh-nghiep-viet-van-con-loay-hoay-vi-thieu-von.htm 
  • Công ty Nhật Bản dùng AI giúp nhân viên ứng phó với khách hàng khó tính
Môt công cụ AI chạy bằng ChatGPT giúp nhân viên dịch vụ khách hàng rèn cách ứng phó với những khách hàng khó tính, dễ nổi giận.
Việc liên tục gặp áp lực cao do phải tương tác với khách hàng khiến nhiều nhân viên trong ngành Dịch vụ khách hàng Nhật Bản phải làm việc quá sức, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động dai dẳng.
Đài truyền hình Tokyo đưa tin, công ty công nghệ Interactive-Solutions đã tạo ra iRolePlay, một công cụ AI chạy bằng ChatGPT giúp đào tạo nhân viên dịch vụ khách hàng bằng các cuộc trò chuyện mô phỏng.
ChatGPT, do OpenAI phát triển và ra mắt vào năm 2022, cho phép đối thoại giống thật và phản hồi thông minh. iRolePlay có thể mô phỏng nhiều loại tính cách khác nhau của khách hàng để đào tạo nhân viên. Ngoài ra, iRolePlay có thể cung cấp các buổi đào tạo đàm thoại trong 30 phút.
Nguồn:https://baomoi.com/cong-ty-nhat-ban-dung-ai-giup-nhan-vien-ung-pho-voi-khach-hang-kho-tinh-c51164753.epi 

Xu hướng Xanh – Bền vững

  •  Chính thức áp dụng trách nhiệm tái chế sản phẩm với nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện- điện tử
Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2025, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện-điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm. Các sản phẩm bao gồm tủ lạnh, điều hòa, máy tính, tivi, điện thoại, và nhiều thiết bị công nghệ khác. Trước đó, các loại bao bì, ắc quy, pin và săm lốp đã được áp dụng trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024, trong khi phương tiện giao thông sẽ bắt đầu từ năm 2027.
Những doanh nghiệp không phải thực hiện tái chế bao gồm nhà sản xuất dành cho xuất khẩu, nhập khẩu tạm thời, nghiên cứu, thử nghiệm, hoặc có doanh thu/nội dung nhập khẩu dưới ngưỡng quy định. Tỷ lệ tái chế bắt buộc được xác định dựa trên vòng đời sản phẩm, tỷ lệ thải bỏ và các yêu cầu môi trường. Mức này sẽ điều chỉnh tăng dần mỗi ba năm.
Doanh nghiệp có thể chọn tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Nếu chọn tổ chức tái chế, doanh nghiệp có thể tự thực hiện, thuê bên thứ ba hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian. Nếu chọn đóng góp tài chính, doanh nghiệp phải kê khai và nộp tiền theo quy định. Quy định này nhằm thúc đẩy tái chế và giảm tác động xấu đến môi trường.
Nguồn: https://vneconomy.vn/chinh-thuc-ap-dung-trach-nhiem-tai-che-san-pham-voi-nha-san-xuat-nhap-khau-san-pham-dien-dien-tu.htm 
  •  Biến khí nhà kính thành vật liệu bền chắc nhất thế giới
Công ty Anh Levidian đã phát triển hệ thống Loop, sử dụng năng lượng vi sóng để tách methane thành hydro và carbon dưới dạng graphene, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Hydro từ hệ thống này là nguồn nhiên liệu sạch, khi sử dụng chỉ thải ra hơi nước. Carbon thu được dưới dạng graphene, một vật liệu siêu bền, linh hoạt và dẫn nhiệt, điện tốt, có thể cải tiến nhiều sản phẩm như lốp xe, bêtông và găng tay phẫu thuật.
Thêm graphene vào lốp xe giúp chúng nhẹ và bền hơn, tiết kiệm nhiên liệu. Nếu áp dụng cho toàn bộ xe tải ở Anh, chi phí nhiên liệu có thể giảm 300 triệu bảng Anh mỗi năm. Trong bêtông, graphene giảm lượng xi măng cần dùng, góp phần bảo vệ môi trường.
Levidian đã lắp đặt hệ thống Loop tại nhiều điểm thử nghiệm, bao gồm Worthy Farm và dự án xử lý nước thải của United Utilities. Hệ thống này sử dụng khí sinh học từ phân bò hoặc xử lý nước thải, với hỗ trợ 3 triệu bảng từ chính phủ Anh. Phiên bản Loop thế hệ hai, có công suất xử lý methane gấp 20 lần, dự kiến ra mắt cuối năm nay, mở rộng tiềm năng ứng dụng graphene trên quy mô lớn.
Nguồn: https://vnexpress.net/bien-khi-nha-kinh-thanh-vat-lieu-ben-chac-nhat-the-gioi-4835461.html 
  •  Việt Nam có thể mất đi hàng tỷ đô la trong thương mại và cơ hội nếu không tuân thủ ESG
Ông Kapil Chaudhery, chuyên gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn ESG trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu minh bạch ngày càng tăng. ESG, từ một sáng kiến tự nguyện, đã trở thành yếu tố bắt buộc, đặc biệt khi các quy định như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2026. CBAM buộc doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải đo lường và minh bạch hóa lượng khí thải carbon để tránh mức thuế cao.
Ông Kapil cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi quy trình sản xuất, giảm khí thải carbon và chuyển sang năng lượng tái tạo để tuân thủ ESG, từ đó không chỉ đảm bảo khả năng cạnh tranh mà còn tận dụng cơ hội tài chính xanh. Việc sử dụng công nghệ, chẳng hạn phần mềm Green Track Pro, sẽ giúp doanh nghiệp quản lý khí thải hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tiết kiệm chi phí.
Ngoài lợi ích kinh tế, ESG còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế, tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp và tiết kiệm năng lượng. Ông Kapil nhấn mạnh rằng Việt Nam, với tốc độ tiếp nhận công nghệ nhanh và vị thế khu vực, có thể dẫn đầu trong thúc đẩy phát triển bền vững, chia sẻ kinh nghiệm với Lào, Campuchia và các nước láng giềng.
Nguồn: https://vneconomy.vn/viet-nam-co-the-mat-di-hang-ty-do-la-trong-thuong-mai-va-co-hoi-neu-khong-tuan-thu-esg.htm 
  •  Lộ trình tái chế rác ở Việt Nam
Từ ngày 1/1/2025, nhiều sản phẩm như điện thoại di động, máy tính bảng, và tấm quang năng sẽ phải tái chế với tỷ lệ bắt buộc tối thiểu 15%, tăng dần sau mỗi ba năm, theo Nghị định 08/2022. Quy định áp dụng cho các nhà sản xuất có doanh thu trên 30 tỷ đồng/năm và nhà nhập khẩu có kim ngạch trên 20 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ tái chế được xác định dựa trên vòng đời sản phẩm, tỷ lệ thải bỏ, và mục tiêu quốc gia.
Từ năm 2022, lộ trình tái chế đã triển khai cho các vật liệu như nhựa PET, nhôm, giấy, và thủy tinh. Đến năm 2025, các sản phẩm điện tử và gia dụng như máy giặt, TV, và tủ lạnh cũng được đưa vào danh mục tái chế. Doanh nghiệp có thể tái chế sản phẩm của mình hoặc sản phẩm cùng chất liệu từ các đơn vị khác, nhưng không được tính phế liệu nhập khẩu.
Việc tái chế hiệu quả giúp biến chất thải thành nguyên liệu sản xuất, giảm ô nhiễm và tiết kiệm chi phí xử lý. Chính sách phân loại rác tại nguồn, có hiệu lực từ 1/1/2025, kỳ vọng cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, nâng cao chất lượng ngành tái chế.
Nguồn: https://vnexpress.net/lo-trinh-tai-che-rac-o-viet-nam-4836555.html 

Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  •  Trái bưởi da xanh giá tăng cao, nhà vườn phấn khởi
Gần đây, giá bưởi da xanh tại Bến Tre tăng mạnh, loại 1 đạt trên 40.000 đồng/kg, loại thường khoảng 35.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhà vườn phấn khởi vì mỗi kg bưởi lãi trên 20.000 đồng. Toàn tỉnh Bến Tre có hơn 7.200 ha trồng bưởi da xanh, trong đó 5.000 ha đang cho trái với năng suất 11 tấn/ha, sản lượng đạt 57.000 tấn/năm. Bưởi da xanh Bến Tre chất lượng cao, trồng nhiều tại các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và TP. Bến Tre.
Nhờ áp dụng VietGAP, GlobalGAP và liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệu quả kinh tế từ bưởi da xanh đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm. Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm, bưởi da xanh được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ vị ngon, giá bình quân 40.000 đồng/kg với trái nặng từ 1,2 kg trở lên. Dự báo, giá còn tăng vào dịp Tết Nguyên đán, mang lại lợi nhuận cao cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Nguồn:https://baomoi.com/trai-buoi-da-xanh-gia-tang-cao-nha-vuon-phan-khoi-c51148875.epi 
  •  Nâng chất sản phẩm để tiếp đà kỷ lục xuất khẩu ngành nông nghiệp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2025 đạt 63-65 tỷ USD, tiếp tục lập kỷ lục mới. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm trước, với các ngành hàng chủ lực như gỗ, trái cây, lúa gạo đóng góp lớn. Cụ thể, xuất khẩu gỗ đạt 16,3 tỷ USD, trái cây đạt 7,12 tỷ USD, và lúa gạo đạt 5,75 tỷ USD, trong khi cà phê và các mặt hàng khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, để duy trì và vượt qua mục tiêu năm 2025, ngành nông nghiệp cần giải quyết một số thách thức quan trọng. Đầu tiên là nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong ngành rau quả, nơi chất lượng và mức độ an toàn chưa đáp ứng yêu cầu quốc tế. Việc cải thiện công nghệ sau thu hoạch và nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp là rất quan trọng. Cũng cần phải chấn chỉnh tình trạng gian lận thương mại liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc.
Ngành thuỷ sản, dù đạt 10 tỷ USD trong năm 2024, vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đạt mục tiêu 14-16 tỷ USD vào năm 2030. Các đề xuất bao gồm tạo động lực cho ngư dân, sửa đổi các quy định khai thác thủy sản, và cải thiện chính sách tín dụng cho ngành nuôi trồng thuỷ sản.
Để tiếp tục đà tăng trưởng, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tăng cường việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện cơ chế quản lý, và khuyến khích các sáng kiến đổi mới trong quy trình sản xuất và xuất khẩu.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nang-chat-san-pham-de-tiep-da-ky-luc-xuat-khau-nganh-nong-nghiep/ 
  •  Giá gạo giảm sâu, Bộ Công Thương đề xuất hàng loạt giải pháp
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam năm 2024 đạt kỷ lục 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, với đơn giá trung bình 627 USD/tấn, tăng 9% so với năm trước. Tuy nhiên, trong hai tuần gần đây, giá gạo nội địa và xuất khẩu giảm sâu, đạt mức thấp nhất trong 2 năm qua. Gạo 5% tấm giảm 25 USD còn 473 USD/tấn, gây lo ngại cho nông dân khi vụ Đông Xuân bắt đầu. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn cung tăng do thu hoạch sớm và sự cạnh tranh từ các thị trường như Ấn Độ, nơi giá gạo giảm liên tục.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Chính phủ ban hành Nghị định 01/2025 sửa đổi quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, yêu cầu báo cáo tồn kho định kỳ hàng tháng và tăng cường minh bạch trong quản lý xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp và nông dân cần hỗ trợ tài chính để bình ổn thị trường. Các biện pháp này hướng đến bảo đảm an ninh lương thực, duy trì đà xuất khẩu và nâng cao chất lượng gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nguồn: https://congthuong.vn/gia-gao-giam-sau-bo-cong-thuong-de-xuat-hang-loat-giai-phap-368473.html 
  •  Thu hồi giấy phép nếu thương nhân xuất khẩu gạo không báo cáo tồn kho
Nghị định 01/2025, có hiệu lực từ 1/3, điều chỉnh quy định về báo cáo và quản lý trong xuất khẩu gạo. Thương nhân xuất khẩu gạo phải báo cáo định kỳ hàng tháng về tồn kho thóc, gạo cho Bộ Công Thương, Sở Công Thương và gửi bản sao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Quy định này thay thế chế độ báo cáo hàng tuần theo Nghị định 107/2018, nhằm cải thiện tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đảm bảo dự trữ bắt buộc, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về kho và cơ sở chế biến. UBND tỉnh, thành phố được yêu cầu hậu kiểm trong 45 ngày sau khi cấp phép. Trường hợp vi phạm quy định báo cáo hoặc kê khai không đúng thực tế sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận xuất khẩu.
Nghị định 01 cũng ngăn chặn tình trạng thương nhân không đủ điều kiện thuê giấy chứng nhận từ đơn vị khác để xuất khẩu, vốn làm tăng chi phí và giảm cạnh tranh của gạo Việt Nam. Các thương nhân chỉ được phép uỷ thác hoặc nhận uỷ thác xuất khẩu từ đơn vị đủ điều kiện.
Năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 5,3 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 22,4%, lập kỷ lục mới, khẳng định vai trò quan trọng của lúa gạo với kinh tế Việt Nam.
Nguồn: https://vnexpress.net/thu-hoi-giay-phep-neu-thuong-nhan-xuat-khau-gao-khong-bao-cao-ton-kho-4835498.html 

Du lịch – Ẩm thực

  •  Những xu hướng du lịch sẽ ‘bùng nổ’ trong năm 2025
Khảo sát Xu hướng Du lịch 2025 của Agoda nêu bật các xu hướng du lịch nổi bật tại Việt Nam và khu vực châu Á, cho thấy nhu cầu ngày càng gia tăng với các chuyến du lịch nghỉ dưỡng, khám phá điểm đến mới, và trải nghiệm cùng gia đình.
Du lịch nghỉ dưỡng dẫn đầu xu hướng
Phần lớn du khách Việt Nam chọn nghỉ dưỡng (65%) để thoát khỏi nhịp sống bận rộn, tiếp theo là khám phá văn hóa (49%) và thăm gia đình, bạn bè (39%). Tương tự, Singapore có tỷ lệ cao nhất khu vực (87%) chọn nghỉ ngơi làm lý do chính để du lịch.
Du lịch gia đình chiếm ưu thế
39% du khách Việt lên kế hoạch du lịch cùng gia đình trong năm 2025. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn so với Indonesia (58%), quốc gia dẫn đầu xu hướng du lịch đa thế hệ. Du lịch một mình (20%) và cặp đôi (17%) cũng là những xu hướng đáng chú ý.
Công nghệ và du lịch kết hợp làm việc từ xa
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch du lịch, với 78% du khách Việt sử dụng ứng dụng du lịch. Xu hướng du lịch kết hợp làm việc từ xa ngày càng phổ biến, khi cứ 25 người Việt có 1 người mong muốn thực hiện hình thức này. Philippines ghi nhận tỷ lệ cao nhất (1/14 người).
Khám phá điểm đến mới và công viên giải trí
Du khách Việt yêu thích khám phá các điểm đến mới, lấy cảm hứng từ sở thích cá nhân (84%), ngân sách (55%), và mạng xã hội (17%). Công viên giải trí cũng là điểm đến hấp dẫn, với 14% du khách Việt dự định ghé thăm vào năm 2025, tiêu biểu là Disney, Universal Studios, và Ferrari World.
Các xu hướng này phản ánh nhu cầu đa dạng, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam và khu vực.
Nguồn:https://baomoi.com/nhung-xu-huong-du-lich-se-bung-no-trong-nam-2025-c51151985.epi 
  •  Người Việt tiêu ngoại nhiều hơn thu nội: Báo động nhập siêu du lịch!
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng nhập siêu dịch vụ du lịch, khi chi tiêu của người Việt ở nước ngoài vượt xa khoản thu từ du khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2024, ngành du lịch đạt 17,5 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa, thu về 840 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhập khẩu dịch vụ du lịch đạt 12,57 tỷ USD, dẫn đến mức nhập siêu 380 triệu USD, phản ánh sự thiếu cạnh tranh của dịch vụ nội địa.
Các chuyên gia nhấn mạnh cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước để giảm áp lực nhập siêu. Tiêu dùng cuối cùng, chiếm 63% GDP năm 2024, tăng trưởng chậm chỉ 5,9-6% so với mức gần 10% trước 2020. Nguyên nhân khiến người Việt ưu tiên du lịch nước ngoài, như vé máy bay rẻ hơn, cho thấy sự bất cập trong dịch vụ du lịch nội địa.
Ông Nguyễn Bích Lâm đề xuất nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất, giảm giá thành, và cung cấp nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, cần tăng thu nhập, sức mua của người dân thông qua các chính sách tạo việc làm, điều chỉnh thuế, và hỗ trợ lao động. Phát triển thương mại điện tử cũng là giải pháp khả thi.
GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết, chính sách miễn thuế với hàng nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng bị bãi bỏ từ 18/2/2025 để hạn chế mua sắm xuyên biên giới. Đề xuất giảm thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân cũng được kỳ vọng thúc đẩy tiêu dùng nội địa, nâng cao giá trị chi tiêu trong nước và giảm nhập siêu dịch vụ du lịch.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/nguoi-viet-tieu-ngoai-nhieu-hon-thu-noi-bao-dong-nhap-sieu-du-lich-1104552.html 
  •  Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 đạt 17,6 triệu lượt
Năm 2024, Việt Nam đón gần 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 40% so với năm trước, đạt 98% so với năm 2019 – năm hoàng kim của du lịch. Con số này cũng nằm trong mục tiêu 17-18 triệu lượt đề ra đầu năm. Tháng 12/2024 đạt lượng khách quốc tế cao nhất với 1,75 triệu lượt, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, hơn 85% khách nhập cảnh bằng đường hàng không.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất, theo sau là Trung Quốc, Đài Loan, và Mỹ. Đáng chú ý, lượng khách Campuchia tăng mạnh trong tháng 12, vươn lên vị trí thứ 5. Toàn năm, Trung Quốc đại lục dẫn đầu về tăng trưởng với mức tăng 214% so với năm 2023, nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương được mở rộng từ tháng 8/2023. Các thị trường tăng trưởng mạnh khác gồm Nga, Italy, Thụy Điển, và Pháp.
Ngoài ra, số lượt khách Việt xuất cảnh cũng tăng đột biến, đạt 5,3 triệu lượt, tăng gấp 6 lần so với năm 2023. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025 được đánh giá là khả thi, hứa hẹn tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Nguồn: https://vnexpress.net/khach-quoc-te-den-viet-nam-nam-2024-dat-17-6-trieu-luot-4836039.html 

 Khởi nghiệp

  •  Quỹ đầu tư “săn” startup và cổ phần tư nhân
Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đặt mục tiêu huy động khoảng 3,5 tỷ USD hàng năm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và công ty cổ phần tư nhân tại Việt Nam. Tháng 12/2024, Kamereo – một nền tảng đặt hàng thực phẩm B2B – đã kêu gọi thành công 7,8 triệu USD từ các quỹ quốc tế. Trước đó, các doanh nghiệp như Coolmate hay Every Half cũng thu hút từ 8–15 triệu USD từ các quỹ lớn.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, CEO Do Ventures, Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu và các chính sách hỗ trợ kinh doanh. Thành lập Câu lạc bộ Nhà đầu tư vốn tư nhân (VPCA) với 40 thành viên, các quỹ đặt mục tiêu thu hút 35 tỷ USD cho đổi mới sáng tạo đến năm 2035. Việt Nam cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về hệ sinh thái khởi nghiệp, xếp hạng 44/133 quốc gia. Năm 2024, các startup đã thu hút 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm.
Trong năm 2025, các lĩnh vực AI, công nghệ khí hậu, fintech giáo dục và chăm sóc sức khỏe được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm lớn. Đặc biệt, các sáng kiến liên quan đến ESG (môi trường, xã hội và quản trị) sẽ mở ra cơ hội tài trợ lớn nhờ sự dịch chuyển danh mục đầu tư xanh hóa của các quỹ tài chính và chương trình tín dụng xanh tại Việt Nam.
Ngoài ra, các hình thức vốn bắc cầu, nợ đầu tư và gọi vốn cộng đồng có thể trở nên phổ biến hơn trong bối cảnh định giá startup điều chỉnh. Chính phủ kỳ vọng nền kinh tế xanh sẽ tăng từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên 300 tỷ USD vào năm 2050, tạo động lực cho các doanh nghiệp xanh nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/quy-dau-tu-san-startup-va-co-phan-tu-nhan-159560.html 

Đầu tư – tài chính

  •   Nvidia đã ‘rót’ 1 tỷ USD vào các startup AI trong năm 2024
Năm 2024, Nvidia đầu tư 1 tỷ USD vào 50 vòng gọi vốn và thương vụ doanh nghiệp, tăng so với 872 triệu USD trong 39 thương vụ năm 2023. Các khoản đầu tư chủ yếu hướng đến các công ty AI cốt lõi, vốn cũng là khách hàng của Nvidia, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cơ sở hạ tầng tính toán. Thành công của dòng GPU hiệu suất cao đã giúp Nvidia đạt vốn hóa thị trường hơn 3 nghìn tỷ USD và cổ phiếu tăng 170% trong năm 2024.
Tuy nhiên, chiến lược đầu tư này làm dấy lên lo ngại về khả năng kiểm soát thị trường AI của Nvidia, đặc biệt khi hãng đang bị điều tra chống độc quyền tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Dù Nvidia khẳng định không ràng buộc đầu tư với việc sử dụng công nghệ của mình, các nhà quản lý đang xem xét liệu hãng có dùng chiến lược này để duy trì tính độc quyền hay không.
Danh mục đầu tư của Nvidia trong năm 2024 bao gồm nhiều công ty AI nổi bật như xAI, OpenAI, Cohere, và CoreWeave. Công ty cũng thâu tóm nhiều doanh nghiệp như Run:ai và OctoAI, đồng thời hỗ trợ các startup qua chương trình ươm mầm Inception. Trong bối cảnh các khách hàng lớn như Microsoft và Google phát triển chip riêng, Nvidia tập trung vào các công ty nhỏ hơn để đảm bảo tăng trưởng.
Dù chiến lược của Nvidia được đánh giá cao về mặt hỗ trợ hệ sinh thái AI, sự phụ thuộc của các công ty vào GPU của hãng có thể làm tăng rủi ro độc quyền, khiến cần có giám sát chặt chẽ.
Nguồn:https://baomoi.com/nvidia-da-rot-1-ty-usd-vao-cac-startup-ai-trong-nam-2024-c51155550.epi 
  •  Mục tiêu đầu tư khởi nghiệp của Nhật Bản gặp nhiều thách thức
Nhật Bản đặt mục tiêu tăng đầu tư khởi nghiệp lên 10.000 tỷ yen (63 tỷ USD) trong 5 năm kể từ 2022, nhưng các khoản đầu tư đã giảm liên tục. Cụ thể, năm 2022, đầu tư đạt 978 tỷ yen, giảm xuống 804 tỷ yen năm 2023 và chỉ 325 tỷ yen trong nửa đầu năm 2024.
Theo ông Hiro Nishiguchi, Chủ tịch Startup Genome Japan, cần khoảng 10 năm để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh. Hiện Nhật Bản đối mặt các vấn đề cơ cấu, như rào cản thấp khi niêm yết cổ phiếu khiến nhiều công ty khởi nghiệp tập trung đạt IPO thay vì tăng trưởng dài hạn, dẫn đến thiếu các “kỳ lân” (doanh nghiệp định giá trên 1 tỷ USD).
Tokyo cũng tụt từ vị trí thứ 9 xuống thứ 10 trong Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu năm 2024, đứng sau các trung tâm lớn như Thung lũng Silicon, London, và New York. Mỹ đầu tư khoảng 170 tỷ USD mỗi năm vào khởi nghiệp, trong khi Nhật Bản gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản ưu tiên quốc tế hóa khởi nghiệp, với các chương trình như Global Hypergrowth Tokyo nhằm hỗ trợ các công ty mở rộng toàn cầu. Tuy nhiên, thiếu các khoản đầu tư lớn và kỹ năng của nhà đầu tư mạo hiểm vẫn là hạn chế. Ông Masahiko Homma từ Incubate Fund nhận định cần nâng cao trình độ nhà đầu tư mạo hiểm và thúc đẩy các IPO quy mô lớn hơn để cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp.
Mặc dù có tiến triển, Nhật Bản còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu đầu tư 10.000 tỷ yen.
Nguồn:https://baomoi.com/muc-tieu-dau-tu-khoi-nghiep-cua-nhat-ban-gap-nhieu-thach-thuc-c51151385.epi 

Thị trường xuất nhập khẩu

  •  Xuất nhập khẩu lập kỷ lục trên 786 tỷ USD
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023. Xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD (tăng 14,3%), nhập khẩu 380,76 tỷ USD (tăng 16,7%), xuất siêu 24,77 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 114,59 tỷ USD xuất khẩu (tăng 19,8%), trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 290,94 tỷ USD (tăng 12,3%). Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi tư liệu sản xuất chiếm 93,6% nhập khẩu. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất (119,6 tỷ USD), Trung Quốc dẫn đầu nhập khẩu (144,3 tỷ USD). Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, nhưng nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN. Những kết quả này phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại quốc tế.
Nguồn: https://vneconomy.vn/xuat-nhap-khau-lap-ky-luc-tren-786-ty-usd.htm 
  •  Bộ Công Thương khởi động CBPG thép cán nguội Trung Quốc
Ngày 25-12-2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3565/QĐ-BCT và thông báo kèm theo về việc điều tra rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc: ER01.AD08).
Cơ quan điều tra đã ban hành bản câu hỏi điều tra cho các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu, để thu thập các thông tin, số liệu phục vụ cho vụ việc. Cụ thể, bản câu hỏi điều tra được đăng tải công khai trên hệ thống tiếp nhận hồ sơ PVTM (online.trav.gov.vn) và trang thông tin điện tử của Cơ quan điều tra (www.pvtm.gov.vn), Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn).
Nguồn:https://baomoi.com/bo-cong-thuong-khoi-dong-cbpg-thep-can-nguoi-trung-quoc-c51192906.epi 
BSAi