Các tập đoàn dược phẩm Thụy Sỹ đầu tư vào AI

I. Sản xuất hàng tiêu dùng

1. Doanh nghiệp dệt may tính toán “chốt” đơn hàng quý cuối của năm
Dù các nhãn hàng vẫn đang thận trọng theo dõi thị trường nhưng doanh nghiệp dệt may được khuyến cáo tính toán đàm phán đơn hàng cho quý IV/2024.
Nhận định các yếu tố tác động ảnh hưởng tới xuất khẩu dệt may Việt Nam nửa cuối năm 2024, đại diện Chánh văn phòng Tập đoàn Dệt may nhận định, tổng cầu dệt may năm 2024 dự báo tăng 5 – 6% so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn 2019. Do đó, đơn hàng, đơn giá sẽ chưa được cải thiện nhiều.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị vẫn căng thẳng, đe dọa sự phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng. Các quốc gia đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu dệt may, cạnh tranh lấy lại thị phần như: Giảm giá, chính sách hỗ trợ trong nước.
Đặc biệt, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ có xu hướng gia tăng các cuộc kiểm tra hàng hóa đến từ nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Nicaragua, Philippines, Việt Nam… Do đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thẩm định chuỗi cung ứng, đảm bảo quy định về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng dệt may khi xuất khẩu vào thị trường này.
Hơn nữa, chi phí đầu vào dự kiến tiếp tục sẽ tăng do cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện và lãi suất ngân hàng tăng…
Tuy nhiên vẫn có nhiều yếu tố thuận cho xuất khẩu hàng dệt may khi kinh tế vĩ mô của Mỹ, EU không xấu đi so với dự báo, xu thế kiểm soát được tình hình khá rõ, nhất là ở EU và Anh. Tiêu dùng và thu nhập ở Mỹ, EU đều có xu thế tăng. Tồn kho giảm khá mạnh so với 2023, nhưng vẫn còn cao hơn trước dịch Covid-19. Trung Quốc có xu thế chấm dứt các hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, đưa mặt bằng cạnh tranh trở về mức thị trường. VNĐ là một trong các đồng nội tệ giảm giá nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm…
Trước hiện trạng trên, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp thuộc tập đoàn tính toán để có thể chốt được đơn hàng trong những tháng cuối năm, nhất là với thị trường Mỹ, EU. Cân đối để chuyển đổi đồng USD sang VNĐ có thể lên giá nhẹ cuối năm, tích cực truyền thông về xuất xứ minh bạch của hàng dệt may từ Việt Nam…
Đặc biệt, doanh nghiệp cần luôn chủ động, quyết liệt đảm bảo các yếu tố trọng yếu trong quản lý năng suất, quản lý giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khách hàng, thị trường.
Nguồn:https://cafef.vn/doanh-nghiep-det-may-tinh-toan-chot-don-hang-quy-cuoi-cua-nam-188240602202210942.chn
2. Mận hậu giá rẻ đổ bộ Sài Gòn
Từ tháng 5 mận Hậu ở các tỉnh miền Bắc vào chính vụ. Năm nay, mận được thương lái nhập về Sài Gòn, bán nhiều tại các trợ truyền thống, kênh online, nhưng giá thấp hơn nhiều mọi năm.
Khảo sát tại các chợ cho thấy, mỗi kg mận hậu loại 1 (18-23 quả) giá 80.000-100.000 đồng; loại 2 (25 – 35 quả) 50.000-80.000 đồng. Hàng loại 3, quả bé khoảng 25.000-30.000 đồng một kg. Mức này thấp hơn 25-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài chợ, cửa hàng trái cây, trái mận còn “đổ bộ” vào các siêu thị với giá hấp dẫn. Tại hệ thống Co.opmart, mận hậu được bán với giá khuyến mãi 29.900 đồng một kg. Siêu thị này dự kiến tiêu thụ khoảng 100 tấn loại quả này của huyện Mộc Châu (Sơn La) trong mùa vụ năm nay.
Nguồn cung dồi dào do vào chính vụ và cạnh tranh với trái cây nhập ngoại, nên loại quả được các thương lái bán “mềm” hơn để cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều đầu mối buôn tại chợ, cửa hàng mua trực tiếp từ vườn, nên bớt được chi phí khâu trung gian.
Nguồn:https://vnexpress.net/man-hau-gia-re-do-bo-sai-gon-4752452.html

II. Bán lẻ – Thương mại điện tử

1. Bán hàng qua Amazon: Bán còn trầy trật, doanh thu ‘chưa ăn thua’
Nhiều doanh nghiệp kiếm triệu USD nhờ có bạn hàng mới qua sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon. Tuy nhiên, thất bại cũng không ít.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, tổng giám đốc Meet More, kể doanh nghiệp từng mở rộng kênh bán hàng trên Amazon. Tuy nhiên hiện phải tạm dừng vì sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp không lãi, thậm chí lỗ. “Doanh thu khá tốt, nhưng chi phí vận chuyển và lưu kho cao”, ông Luận nói.
Theo chia sẻ của doanh nghiệp, có hai hình thức các nhà bán hàng có thể lựa chọn để bán qua Amazon. Thứ nhất, FBA – dịch vụ gồm lưu kho, tiếp nhận đóng gói và chuyển hàng cho những người bán hàng trên Amazon, nôm na Amazon sẽ lo “trọn gói”, doanh nghiệp chỉ lo bán hàng.
Thứ hai, FBM – một hình thức quản lý đơn hàng trên Amazon, trong đó người bán tự chịu trách nhiệm xử lý và giao hàng cho khách.
“Giá bán trên sàn thương mại điện tử quốc tế có thể cao gấp nhiều lần giá bán trong nước, nhưng lợi nhuận không nhiều hơn. Các chi phí như vận hành, quảng cáo phải trả khi lên sàn thương mại điện tử quốc tế khá cao, chưa kể các chi phí về vận tải, kho bãi, đóng gói… Điều này khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư đẩy mạnh kênh này”, một doanh nghiệp khác cho biết.
Nguồn:https://tuoitre.vn/ban-hang-qua-amazon-ban-con-tray-trat-doanh-thu-chua-an-thua-20240602223118674.htm
2. Mark Zuckerberg đang âm thầm soán ngôi vua TMĐT của Jeff Bezos, xây ‘khu chợ’ đông người dùng gấp 4 lần Amazon
Chợ đồ cũ Facebook Marketplace hiện đang có 1,2 tỷ người dùng hoạt động tích cực hàng tháng (MAU) theo báo cáo tháng 3/2024 của Capital One Shopping, nhiều gấp 4 lần so với 310 triệu người của Amazon.
Với lợi thế 3,07 tỷ người dùng Facebook, khu chợ đồ cũ Marketpkace này đang thách thức ngôi vua TMĐT của Amazon.
Ra mắt vào năm 2016, Marketplace ban đầu chỉ là một khu chợ TMĐT cho nhóm nhỏ người dùng Facebook muốn buôn bán đồ cũ với mức giá hợp lý. Thế nhưng nền tảng này đang nhanh chóng phát triển thành một ứng dụng TMĐT đáng gờm với 1/3 người dùng Mỹ trên Facebook sử dụng Marketplace vào năm 2018.
Thế rồi đại dịch Covid-19 diễn ra làm bùng nổ số người dùng Marketplace lên con số như hiện nay. Việc mua hàng mới phải chờ đợi lâu vì đứt gãy chuỗi cung ứng và giãn cách mùa dịch khiến chợ đồ cũ Marketplace trở nên hấp dẫn hơn.
Hiện Meta (Facebook) đang có hơn 40 triệu người dùng trẻ từ 18-29 tuổi theo dõi hàng ngày ở Mỹ và Canada, mức cao nhất trong 3 năm qua. Trong đó cứ 4 người thì có 1 người sử dụng Marketplace.
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn và người dân thắt chặt chi tiêu hiện nay thì giới trẻ lại càng hứng thú với những chợ đồ cũ như Marketplace hơn.
Nguồn:https://cafef.vn/mark-zuckerberg-dang-am-tham-soan-ngoi-vua-tmdt-cua-jeff-bezos-xay-khu-cho-dong-nguoi-dung-gap-4-lan-amazon-188240602142552652.chn
3. Bộ trưởng Bộ Công thương: Khó quản lý livestream bán hàng trên thương mại điện tử
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức trong thương mại điện tử, người tiêu dùng đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân. Hàng giả, hàng kém, chất lượng… đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng.
“Khó quản lý hoạt động livetreams bán hàng trên thương mại điện tử”, Bộ trưởng Diên nói, đồng thời khẳng định, việc quản lý này muốn hiệu quả phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng Diên cho biết, để kiểm soát hàng nước ngoài ồ ạt thống lĩnh thị trường, Bộ Công thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong không gian thương mại điện tử, thời gian qua, Bộ đã thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream.
Năm 2023, Bộ đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.
Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng, còn nhiều tồn tại hạn chế và thách thức lớn nên tới đây sẽ tiếp tục có giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.
“Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ bổ sung các quy định xác thực tài khoản người bán hàng là cá nhân trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Đồng thời tích cực rà soát các trang mạng, ứng dụng thương mại điện tử trong việc tuân thủ pháp luật”, Bộ trưởng khẳng định.
Nguồn:https://baomoi.com/bo-truong-bo-cong-thuong-kho-quan-ly-livestream-ban-hang-tren-thuong-mai-dien-tu-c49280906.epi
4. Khoảng 1 tỉ đô la hàng nước ngoài vào Việt Nam mỗi tháng quan sàn TMĐT
Theo Bộ Công Thương, mỗi tháng có khoảng 1 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nước ngoài về Việt Nam qua 4 sàn thương mại điện tử lớn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng thuế của Việt Nam bị thất thoát nếu không điều chỉnh các quy định hiện hành.
Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước không bị áp thuế. Theo quy định hiện hành, những hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng không bị áp thuế VAT.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, thương mại điện tử đang phải đối mặt với 3 thách thức chính là người tiêu dùng mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng bao vây; thất thu thuế với tỷ lệ đáng kể.
Để khắc phục tình trạng này, bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử. Bên cạnh đó là yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu sàn giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Nguồn:https://baomoi.com/khoang-1-ti-do-la-hang-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-moi-thang-quan-san-tmdt-c49288384.epi

III. Xu hướng tiếp thị – truyền thông

IV. Xu hướng Xanh – Bền vững

1. Doanh nghiệp bao bì Việt ‘hụt hơi’ trong cuộc chơi xanh và sáng tạo
Trước xu thế chuyển đổi tiêu dùng xanh, áp lực về tài chính và đáng chú ý là thiếu lực lượng kế thừa, các doanh nghiệp đóng gói bao bì và in ấn ngày càng có xu thế “bán mình”, rút khỏi thị trường hoặc nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư ngoại.
Những doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đóng chai nhựa Pet như nước uống, dầu ăn… đã chuyển sang dùng chai thủy tinh hoặc sử dụng bao bì giảm nhựa nguyên sinh. Còn doanh nghiệp bánh kẹo, mì gói, thực phẩm… chuyển sang bao bì giấy, hay vật liệu dễ tái chế thay cho bao bì nhựa khó phân hủy.
Thế nhưng, câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam bị mất đơn hàng khi doanh nghiệp nước ngoài tận dụng được lợi thế về tài chính, công nghệ để chiếm lĩnh thị phần đang trở thành phổ biến. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam từng cảnh báo những trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng tôm bị mất thị trường EU, chỉ vì bao bì chưa đạt tiêu chuẩn.
Trong khi đó, các nhà cung cấp sản phẩm tương tự của Thái Lan làm bao bì đóng gói sản phẩm tốt và có thể nhanh chóng thay thế doanh nghiệp Việt.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho biết từ năm ngoái, nhiều đoàn doanh nghiệp của Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… đến tìm hiểu đầu tư và muốn mua lại các nhà máy doanh nghiệp trong nước.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam trong ngành do áp lực cạnh tranh và không có lực lượng kế thừa phát triển nên cũng đã quyết định bán doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài.
Những doanh nghiệp này cho biết giá thâu mua của nhà đầu tư ngoại khá cao trong khi họ ngày càng bị áp lực cạnh tranh khá lớn của nhà sản xuất ngoại nên quyết định bán. Theo ông, có hàng chục doanh nghiệp Việt Nam trong ngành đã rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Điều đáng chú ý những giao dịch này không chỉ xảy ra với doanh nghiệp nhỏ mà cả những công ty quy mô lớn.
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-bao-bi-viet-hut-hoi-trong-cuoc-choi-xanh-va-sang-tao/
2. Đi siêu thị, bỏ rác vào máy thu gom sẽ được tích điểm mua sắm
Người tiêu dùng sẽ được cộng điểm thưởng dùng để mua sắm khi nạp các chai nhựa, lon vào máy thu gom rác thải tái chế đặt tại siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại GO!.
Ngày 3-6, ông Olivier Langlet – tổng giám đốc điều hành Central Retail tại Việt Nam – cho biết hiện tập đoàn đã lắp đặt 12 máy thu gom rác thải tái chế có tên Sparklomats tại các trung tâm GO! Mall ở TP.HCM và các khu vực lân cận.
Sau nửa năm triển khai, phản ứng của khách hàng là khá tốt, nhiều khách còn chủ động mang chai, lon nhựa để tích điểm mua sắm tại siêu thị.
Chỉ trong bốn tháng đầu tiên của năm 2024, ở hệ thống của Central Retail đã có 65.000 vỏ chai và 14.000 lon nhôm được thu gom, với tốc độ thu gom trong tháng gần nhất tăng đến 50% so với năm trước.
Trên thế giới, hình thức thu gom qua máy tự động rất phổ biến. Người dùng sẽ được cộng điểm thưởng cho mỗi chai hoặc lon mà họ nạp vào máy, điểm thưởng này họ có thể dùng để mua sắm và nhận những ưu đãi từ các nhãn hàng.
Nguồn:https://tuoitre.vn/di-sieu-thi-bo-rac-vao-may-thu-gom-se-duoc-tich-diem-mua-sam-20240603183950409.htm
3. Quảng Trị nghiên cứu bán tín chỉ carbon từ thảm cỏ biển
Quảng Trị vừa phê duyệt đề tài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và khả năng lưu trữ carbon của thảm cỏ biển, từ đó có giải pháp bảo tồn, hướng đến thu lợi từ cỏ biển bằng việc bán tín chỉ carbon.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cỏ biển có vai trò rất quan trọng, tham gia vào chu trình dinh dưỡng ở biển và đại dương, giá trị thảm cỏ biển trên toàn cầu ước tính khoảng 3,8 nghìn tỉ USD và trung bình đạt 212.000 USD/ha cỏ biển/năm.
Cỏ biển có khả năng lưu trữ khoảng 19,9 tỉ tấn carbon hữu cơ, cao hơn 2 – 3 lần so với khả năng lưu trữ của rừng thường xanh tính trên cùng đơn vị diện tích. Việc bảo tồn và phát triển cỏ biển có thể tạo ra tín chỉ carbon có giá trị trên thị trường.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy tại khu vực Cửa Tùng và Cửa Việt có 2 loài cỏ biển phân bố, gồm cỏ lươn Nhật Zostera japonica và cỏ kim biển Ruppia maritima phát triển thành bãi rộng khoảng 400ha.
Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển Formosa, cỏ biển trong vùng ven biển Quảng Trị nói riêng, khu vực miền Trung nói chung gặp nhiều ảnh hưởng và suy giảm nghiêm trọng.
Nguồn:https://tuoitre.vn/quang-tri-nghien-cuu-ban-tin-chi-carbon-tu-tham-co-bien-20240530145158752.htm
4. Hàng loạt hãng ô tô chần chừ làm xe điện
Trong khi các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan đã phát triển ô tô điện mạnh mẽ thì tại Việt Nam, nhiều hãng xe chưa mặn mà sản xuất dòng xe thân thiện với môi trường này.
Hãng xe Toyota giải thích do điều kiện về cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, hiện trạng ngành công nghiệp và nhu cầu thị trường còn hạn chế nên hãng chưa thể mở bán ô tô thuần điện tại Việt Nam. Trong khi đó, trên thị trường toàn cầu, hãng này cung cấp gần như đầy đủ các dòng hybrid, hybrid sạc ngoài, thuần điện, điện pin nhiên liệu. Tương tự, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, ông Ruchik Shah, cũng xác nhận khi nào Việt Nam giải quyết được vấn đề trạm sạc thì hãng mới xây dựng kế hoạch kinh doanh xe điện.
Theo TS Nguyễn Thành Tâm, giảng viên Bộ môn Ô tô Trường ĐH Quy Nhơn, đầu tư hệ thống trạm sạc rất tốn kém nên nhiều hãng ô tô có tâm lý chờ đợi nhà nước hoặc hãng khác đầu tư sẵn để hưởng “ké” cơ sở hạ tầng. Bởi vậy, hầu hết hãng xe tại Việt Nam chưa mạnh dạn phát triển xe điện.
Trong khi đó, nhiều nhà phân phối cho rằng các hãng không vội phát triển xe điện là vì muốn tiếp tục thu lợi từ kinh doanh xe xăng, đặc biệt là dịch vụ hậu mãi.
Nguồn:https://cafef.vn/hang-loat-hang-o-to-chan-chu-lam-xe-dien-188240602082050732.chn

V. Thực phẩm – Ẩm thực

1. TP.HCM vào top 20 thành phố có ẩm thực ngon nhất thế giới
Tạp chí Time Out (Anh) vừa xếp TP.HCM ở vị trí thứ 4 trong danh sách 20 thành phố có ẩm thực ngon nhất thế giới. Theo tạp chí của Anh, ngoài các món ăn đường phố như bánh mì, cơm tấm, cháo lòng, thành phố còn có những nhà hàng đạt sao Michelin, phục vụ các món ăn truyền thống được chế biến một cách sáng tạo.
Trong cuộc khảo sát của Time Out, phở là món ăn được nhắc đến nhiều nhất tại TP.HCM.
Danh sách 20 thành phố có nền ẩm thực ngon nhất thế giới do Time Out bình chọn lần này cũng có sự góp mặt của những thành phố nổi tiếng như Napoli (Ý), Johannesburg (Nam Phi), Lima (Peru), Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Mumbai (Ấn Độ), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Portland (Mỹ)…
Danh sách được đưa ra sau khi Time Out xem xét các tiêu chí như bữa ăn chất lượng đi kèm giá cả hợp lý. Tạp chí này cũng dựa trên ý kiến của người dân địa phương về những nhà hàng ngon nhất trong thành phố, những món ăn nhất định phải thử…
Nguồnhttps://tuoitre.vn/tp-hcm-vao-top-20-thanh-pho-co-am-thuc-ngon-nhat-the-gioi-20240603202851548.htm?gidzl=E33vN_HlMdmyA_zUytPVSZWhyr_eTGKhTIRoNEb_KYmlSFDSvNbGVdyhybgoTr1-TIcdKpZ-QfGLzMfSUG

VI. Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi

1. Giảm bớt áp lực cho tiêu thụ nông sản: Cần tính tới sản xuất rải vụ, trái vụ
Các loại quả tươi theo mùa có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ… đang bước vào vụ thu hoạch ồ ạt, vì vậy yêu cầu đặt ra phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác thị trường tiêu thụ…
Trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Bình Thuận và cả Việt Nam nhưng cũng là quốc gia có diện tích trồng thanh long tương đương với Việt Nam và đang tiếp tục phát triển mở rộng, tập trung ở các tỉnh giáp với Việt Nam như: Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam…
Hơn nữa, thanh long Trung Quốc có mùa vụ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11, không chênh lệch nhiều so với thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận từ tháng 3 đến tháng 9.
Đây cũng là thời vụ thu hoạch của các loại trái cây Trung Quốc như: cam, quýt, táo, lê, nho… nên vào thời gian này thanh long Bình Thuận phải cạnh tranh với cả thanh long và trái cây Trung Quốc nên việc tiêu thụ thường bị chậm, giá cả có xu hướng giảm, trong tương lai việc tiêu thụ sẽ còn khó khăn hơn.
Để giảm bớt áp lực tiêu thụ nông sản mùa vụ, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu để giảm bớt tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp như rải vụ, trái vụ giảm bớt áp lực cho tiêu thụ và nâng cao lợi nhuận.
Đồng thời đầu tư nhiều hơn cho công nghệ sau thu hoạch, máy móc thiết bị, phương tiện thu hoạch, bảo quản, vận chuyển phù hợp với các sản phẩm rau quả để giảm bớt tỷ lệ hư hỏng (tỷ lệ này hiện 35-40%).
Đầu tư kho chứa, bảo quản sử dụng công nghệ cao, để lưu trữ rau quả lâu hơn để điều tiết lượng sản phẩm tham gia thị trường khi vào chính vụ hoặc khi gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Nguồn:https://vneconomy.vn/giam-bot-ap-luc-cho-tieu-thu-nong-san-can-tinh-toi-san-xuat-rai-vu-trai-vu.htm
2. Số phận bi thảm của dự án trứng gà sạch lớn nhất Phú Thọ
Một dự án nhà máy trứng gà sạch công nghệ cao từng là niềm tự hào của tỉnh Phú Thọ, nhưng giờ đây đang lâm vào cảnh hết sức bi thảm.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa tiếp tục ra thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản vay của khách hàng là Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ. Giá khởi điểm cho tài sản đấu giá là 131,275 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là năm thứ tư liên tiếp Vietcombank ròng rã tìm đối tác mua lại nhà máy sản xuất trứng sạch của ĐTK Phú Thọ.
Tháng 3 năm 2017, Công ty ĐTK đã tổ chức khánh thành, chính thức đưa vào vận hành giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ trị giá 800 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao hàng đầu thế giới được triển khai tại Việt Nam, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng.
Nhà máy này là mô hình doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình, sản xuất trứng gà sạch công nghệ xanh hàng đầu thế giới, tiếp nhận và ứng dụng các thành tựu KH-CN tiên tiến trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật Bản, Mỹ, Israel, để cho ra các sản phẩm trứng gà sạch mang thương hiệu Việt Nam.
Ở thời điểm đó, dự án sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao của ĐTK được xem là dự án lớn và hiện đại bậc nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao.
Tuy nhiên, sau thời gian ngắn ngủi đi vào hoạt động, dự án trứng gà sạch lớn nhất tỉnh Phú Thọ, công nghệ hiện đại nhất Việt Nam liên tục gặp khó khăn do phải cạnh tranh giá bán. Kết quả kinh doanh của nhà máy sản xuất trứng gà sạch này không đạt kỳ vọng và ngân hàng đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ gốc.
Nguồn:https://nongnghiep.vn/so-phan-bi-tham-cua-du-an-trung-ga-sach-lon-nhat-phu-tho-d386880.html
3. Giá cà phê đang trở lại đỉnh khi nguồn cung cạn kiệt
Giá cà phê nội địa đang hồi phục mạnh mẽ khi nguồn cung cạn kiệt và các nhà đầu tư trên thế giới tích cực mua vào
Ngày 5-6, ghi nhận giá cà phê Robusta ở các tỉnh Tây Nguyên ở mức bình quân 124.700 đồng/kg, tăng 1.500 đồng so với ngày hôm trước. So với mức giá đỉnh lịch sử hồi cuối tháng 4 là gần 135.000 đồng/kg thì giá cà phê hôm nay chỉ còn kém 10.000 đồng/kg.
Như vậy chỉ sau 4 tuần, giá cà phê đã tăng đến 30.000 đồng/kg và dự báo tiếp tục tăng khi nguồn cung cạn kiệt.
Theo các chuyên gia, một số yếu tố khiến giá cà phê quốc tế tăng như Indonesia, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 trên thế giới, giảm nguồn cung. Trong tháng 4, sản lượng xuất khẩu của nước này giảm đến 46% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguồn:https://baomoi.com/gia-ca-phe-dang-tro-lai-dinh-khi-nguon-cung-can-kiet-c49289747.epi
4. Long An sẽ hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 125.000ha
Ngày 29/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 60.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp (chiếm 1/3 chỉ tiêu của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2030 hình thành vùng chuyên canh có tổng diện tích 125.000ha.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/long-an-se-hinh-thanh-vung-chuyen-canh-lua-chat-luong-cao-125000ha-post956078.vnp

VII. Thị trường xuất nhập khẩu

1. Vì sao Thái Lan đẩy mạnh nhập sầu riêng VN?
Thái Lan, nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới (năm 2023 xuất khẩu đến 7 tỷ USD), bất ngờ trở thành nhà nhập khẩu sầu riêng lớn thứ 2 của VN trong 4 tháng đầu năm 2024.
Theo thống kê của hải quan, trong 4 tháng đầu năm, Thái Lan chi tới 22,5 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng VN, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), giải thích thời gian qua Thái Lan tăng nhập sầu riêng VN vì đó là giai đoạn cả thế giới chỉ một mình VN có sầu riêng. Thái Lan dù là nhà xuất khẩu lớn nhất nhưng do hạn hán nghiêm trọng khiến sầu riêng nước này bị sụt giảm nhiều về lượng lẫn chất nên đành phải nhập khẩu về để phục vụ nhu cầu nội địa và du khách. “Đây là vấn đề thương mại và cung-cầu bình thường của thị trường và cũng là lợi thế của sầu riêng VN”, ông Nguyên nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Vinafruit, bổ sung: Trong khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu sầu riêng tươi lớn nhất thì Thái Lan là nhập khẩu sầu riêng đông lạnh số 1 của VN. Giá sầu riêng đông lạnh của VN rất cạnh tranh nên được thị trường Thái Lan ưa chuộng. Một phần họ nhập về phục vụ cho các hoạt động chế biến nhưng phần lớn được xuất sang nước thứ ba, đích đến chủ yếu vẫn là Trung Quốc. “Hiện nay VN chưa được xuất sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc trong khi Thái Lan và Trung Quốc có nghị định thư về sầu riêng đông lạnh nên việc xuất khẩu rất thuận lợi. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp ngành VN rất mong nghị định thư giữa VN và Trung Quốc sớm được ký kết để sản phẩm không phải đi đường vòng, lúc đó cả nông dân VN và người tiêu dùng Trung Quốc đều có lợi”, ông Bình nói.
Liên quan vấn đề này, trong hội thảo về phát triển bền vững ngành sầu riêng mới đây, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết tất cả các khâu chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho việc ký kết nghị định thư liên quan đến mặt hàng sầu riêng đông lạnh đã xong, chỉ chờ ngày ký chính thức. Một khi nghị định thư này được ký kết sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho ngành hàng sầu riêng VN. Tương tự, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu sầu riêng cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể đưa sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc ngay sau khi nghị định thư được ký kết.
Nguồnhttps://thanhnien.vn/vi-sao-thai-lan-day-manh-nhap-sau-rieng-vn-185240530214811283.htm
2. Doanh nghiệp điều khốn khổ vì đối tác ngoại xù hợp đồng
Sau khi Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (INC) công bố thông tin sản lượng điều thô ở châu Phi giảm sút khoảng 7% do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, một số nhà cung ứng nguyên liệu lấy lý do mất mùa để không giao hàng hoặc yêu cầu tăng giá theo mức tăng hiện tại thì mới tiếp tục giao.
Thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng mua nguyên liệu (nửa cuối tháng 2 và tháng 3.2024), giá điều nguyên liệu ở mức 1.000 – 1.100 USD/tấn. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá điều thô đã được đẩy lên tới 1.500 – 1.600 USD/tấn, tăng gần 50% so với trước. Đây là diễn biến từ trước đến nay chưa từng xảy ra.
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Tổng giám đốc Công ty Long Sơn, xác nhận: “Tình hình đơn phương hủy hợp đồng, chây ì giao hàng, có ý định hủy hợp đồng đang xảy ra trên diện rộng, hầu như doanh nghiệp chế biến điều nào cũng bị ảnh hưởng. Thông tin châu Phi mất mùa, giảm sản lượng kèm theo việc Bờ Biển Ngà ngừng xuất khẩu điều thô để ưu tiên cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trong nước đã khiến việc ‘xù’ hợp đồng xảy ra khắp nơi”.
Ông Nguyễn Minh Họa Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng Việt Nam là nước chế biến, xuất khẩu điều nhân hàng đầu thế giới; năng lực chế biến mỗi năm khoảng 3,5 – 4 triệu tấn điều thô nhưng nguồn cung trong nước càng ngày càng sụt giảm, đến nay chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu để chế biến, còn lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Đặc biệt, lượng điều thô nhập khẩu từ khu vực Tây Phi chiếm đến 70% tổng lượng điều thô nhập khẩu.
Nếu đối tác không chịu giao hàng thì doanh nghiệp Việt Nam không có hàng để giao cho những nhà nhập khẩu điều nhân (hạt nhân điều đã tách vỏ) ở châu Âu, châu Mỹ… Lo nhất là quý 3, quý 4 năm nay sẽ không có hàng xuất khẩu. Từ đó bùng nổ tranh chấp hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam với các DN chiên rang hạt điều và siêu thị nước ngoài. Chúng ta có nguy cơ bị phạt hợp đồng, mất uy tín, mất thị trường xuất khẩu.
Nguồnhttps://thanhnien.vn/doanh-nghiep-dieu-khon-kho-vi-doi-tac-ngoai-xu-hop-dong-185240601082040325.htm
3. Philippines thông báo giảm thuế nhập khẩu gạo, Việt Nam hưởng lợi lớn
Theo báo Nikkei Asia, quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới Philippines đang tiến hành cắt giảm thuế nhập khẩu đối với gạo từ 35% xuống 15% cho đến năm 2028, nhằm giảm bớt khủng hoảng lạm phát trong nước.
Gạo chiếm 9% chỉ số giá tiêu dùng của Philippines, nhưng mặt hàng thiết yếu này chiếm hơn một nửa tỉ lệ lạm phát chung trong ba tháng qua. Chính quyền Tổng thống Marcos đang nỗ lực giữ giá thấp cho người nghèo Philippines, bằng cách cắt giảm thuế đối với gạo nhập khẩu xuống mức thấp nhất là 29 peso (0,49 USD)/kg trong năm nay.
Ông Miguel Chanco, nhà kinh tế trưởng cho khu vực châu Á tại Công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macro Economics (trụ sở tại Anh), nhận định động thái cắt giảm thuế sẽ khiến gạo nhập khẩu rẻ hơn gạo trong nước của Philippines, đồng nghĩa với việc sẽ có tác động tiêu cực đến thu nhập của nông dân. Trên cơ sở vĩ mô, điều này sẽ giúp ích đáng kể trong việc kéo lạm phát xuống, và hỗ trợ sức mua của tất cả người dân Philippines.
Động thái này sẽ mang lại lợi ích lớn cho các nhà xuất khẩu gạo ở châu Á, như Việt Nam và Thái Lan, và Ấn Độ sẽ tiếp tục lỡ cơ hội do nước này đang hạn chế xuất khẩu gạo.
Ông Robert Dan Roces, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Security Bank ở Manila (Philippines), gọi mức thuế thấp đối với gạo nhập khẩu là “con dao hai lưỡi”, vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, trong khi nông dân phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu rẻ hơn. Điều này có thể thúc đẩy một số nông dân đa dạng hóa cây trồng, có tiềm năng xáo trộn các hoạt động canh tác đã có từ lâu. Các chương trình hỗ trợ của chính phủ, chẳng hạn như trợ cấp và cải thiện hiệu quả trang trại, là rất quan trọng để giảm bớt thiệt hại cho nông dân.
Nguồnhttps://tuoitre.vn/philippines-thong-bao-giam-thue-nhap-khau-gao-viet-nam-huong-loi-lon-20240605075159484.htm

VIII. Dịch vụ

1. Đa dạng sự kiện, khách quốc tế đến TP.HCM tăng hơn 30%
Ngày 29-5, Sở Du lịch TP.HCM cho biết trong 5 tháng năm 2024, lượng khách quốc tế đến TP tiếp tục tăng trưởng cao ở mức gần 32%, ước đạt 2,28 triệu lượt. Trong khi đó, lượng khách nội địa là gần 14 triệu lượt, đạt 36,8% so với kế hoạch năm 2024.
Khách du lịch sôi động góp phần đem đến doanh thu cao cho ngành du lịch thành phố, tăng gần 14%. Theo đó, tổng doanh thu 5 tháng đầu năm nay đạt gần 76.000 tỉ đồng, đạt 40% so với kế hoạch năm. Để tăng cường thu hút du khách, định vị điểm đến, TP.HCM đang nỗ lực đầu tư một số sự kiện lễ hội thành sự kiện thương hiệu của thành phố.
Trong mùa hè năm nay, Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ 2 sẽ được tổ chức từ ngày 31-5 đến 9-6 với quy mô lớn hơn và kéo dài thời gian tổ chức hơn so với lần đầu tiên, được xem là điểm nhấn đáng chú ý.
Không chỉ tập trung ở khu vực Bến Nhà Rồng hay kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chuỗi hoạt động năm nay sẽ được phân bổ tại rất nhiều địa điểm như khu Nhà Rồng Khánh Hội – cảng Sài Gòn, công viên Bến Bạch Đằng, công viên bờ sông Sài Gòn, khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Ngôi Sao Việt (Q.7), Bến Bình Đông (Q.8), khu du lịch văn hóa Suối Tiên, cùng các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn TP Thủ Đức cũng như khắp quận, huyện của TP.
Nguồnhttps://tuoitre.vn/da-dang-su-kien-khach-quoc-te-den-tp-hcm-tang-hon-30-2024052916021085.htm?gidzl=Ci2M0aKgd64ssv03GZEPRpJLdGnVFi8uUTYS3ruqbJyZZfqFKZANRNFLd0a5F9TjUTV903X5tprLH2-QP0
2. Mít vị sầu riêng, vú sữa ăn cả vỏ, thanh long tổ yến lần đầu có mặt ở Tuần lễ trái cây
Tối 4-6, Tuần lễ trái cây ‘Trên bến dưới thuyền’ khai mạc trên tuyến đường Nguyễn Văn Của – Bến Bình Đông (quận 8, TP.HCM) thu hút đông đảo người dân tham quan, thưởng thức các loại đặc sản vùng miền.
Đến với Tuần lễ trái cây, du khách được mua sắm, thưởng lãm đặc sản phong phú vùng miền trong dịp Tết Đoan Ngọ mang dấu ấn miền Tây sông nước, một chút hương vị thân quen từ miền Đông, Nam Trung Bộ thu nhỏ, hội tụ giữa lòng thành phố.
Tuần lễ trái cây quy tụ hơn 100 gian hàng kinh doanh các loại trái cây như sầu riêng, nho, xoài, cam, nhãn, chôm chôm, thanh long, măng cụt… cùng các loại bánh dân gian như: bánh ú lá tre, bánh bá trạng…
Đó là đặc sản đến từ nhiều tỉnh, thành như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Long An, Ninh Thuận và Đà Lạt.
Một số loại trái cây được bà con mua nhiều như măng cụt 60.000 đồng/kg, chôm chôm 40.000 đồng/kg… hay các loại trái cây độc lạ như: mít vị sầu riêng, vú sữa ăn cả vỏ, vải không hạt, sầu riêng gai đen, mận hương vị mía, thanh long tổ yến, bí xanh khổng lồ…
Nguồnhttps://tuoitre.vn/mit-vi-sau-rieng-vu-sua-an-ca-vo-thanh-long-to-yen-lan-dau-co-mat-o-tuan-le-trai-cay-2024060421550505.htm

IX. Công nghiệp – Năng lượng

1. Phát triển điện gió ngoài khơi: Nhiều tiềm năng nhưng thiếu quy hoạch, cơ chế
Sáng 3-6, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức hội thảo chia sẻ kiến thức về phát triển điện gió ngoài khơi ở tỉnh này.
Theo ý kiến của các cố vấn, chuyên gia và doanh nghiệp thì Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi.
Các cố vấn Đan Mạch, doanh nghiệp nước ngoài cho biết để đảm bảo an ninh năng lượng Việt Nam sẽ phải chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang tái tạo. Và với những tiềm năng về tự nhiên, cơ sở sẵn có từ ngành dầu khí, Việt Nam sẽ chuyển đổi thành công như các nước tiên tiến đã làm.
Họ cũng mong muốn có lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển điện gió ngoài khơi và cần tạo ý thức, động lực chuyển dịch năng lượng cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên để phát triển điện gió ngoài khơi theo các chuyên gia và cả cơ quan quản ý nhà nước hiện còn thiếu nhiều điều kiện. Trong đó điều quan trọng nhất là hiện nay chưa có quy hoạch không gian biển cũng như chưa có quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi.
Nguồn:https://tuoitre.vn/phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-nhieu-tiem-nang-nhung-thieu-quy-hoach-co-che-20240603131235903.htm
2. Mỹ chính thức điều tra chống bán phá giá với pin mặt trời Việt Nam
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Malaysia Campuchia, Thái Lan và Việt Nam
Doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá và được trợ cấp bởi nguyên đơn cáo buộc khoảng 50 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bán phá giá và được trợ cấp. Ngày khởi xướng điều tra là 14-5-2024 và thời kỳ điều tra chống bán phá giá từ 1-10-2023 đến 31-3-2024; chống trợ cấp từ 1-1 đến 31-12-2023.
Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là 271,28%. Đây là mức cao nhất trong bốn nước bị cáo buộc gồm Campuchia (125,37%), Malaysia (81,22%), Thái Lan (70,36%).
Do Mỹ vẫn coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề xuất quốc gia thay thế là Indonesia.
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/my-chinh-thuc-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-voi-pin-mat-troi-viet-nam/
3. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Việt Nam nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đánh giá của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết, tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% toàn cầu, gồm cả đất hiếm nặng và nhẹ.
Thực tế thị trường đất hiếm hiện nay tăng trưởng khoảng 4%/năm kể từ năm 2014 đến nay do các nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực pin, nam châm, xe điện, ứng dụng hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn chi phối.
Vì vậy, việc khai thác đất hiếm này đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao. Theo đó, đã có dự án thử nghiệm để điều tra, đánh giá trữ lượng, thành phần các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn (với tỷ lệ đạt 99%).
“Chúng ta nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. “Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu sử dụng đất hiếm, qua đó, bảo đảm cung – cầu bền vững hơn. Đây cũng là cơ hội thu hút đầu tư”.
Nguồn:https://vneconomy.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-viet-nam-nhat-quyet-khong-xuat-khau-dat-hiem-tho.htm

X. Liên kết – Đầu tư – Khởi nghiệp

1. Dự án Trung tâm Dữ liệu tại TP.HCM hút ‘ông lớn’
Đã có hàng loạt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đề xuất được làm nhà đầu tư Dự án Trung tâm Dữ liệu tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) như Công ty Hathor DC Vietnam Holdings Pte. Ltd – một công ty con thuộc Tập đoàn Evolution Data Centers, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons.
Sau khi nhận được đề xuất của các nhà đầu tư, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã làm việc với các doanh nghiệp để thông tin về các tiêu chí đầu tư vào Dự án Trung tâm dữ liệu.
Tại Hội thảo nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế diễn ra tại TP.HCM vừa qua, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp Miền Nam, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, năm 2025, Viettel sẽ đầu tư Trung tâm Dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại Củ Chi. Dự án được đầu tư trên diện tích đất là 40.000 m2, với tổng mức đầu tư 14.700 tỷ đồng.
Theo ông Tuấn, TP.HCM đang thu hút những tập đoàn công nghệ lớn đến đầu tư trung tâm dữ liệu. Ông cũng khuyến nghị TP.HCM cần thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đặt trung tâm dữ liệu để mang lại nguồn thu cho Thành phố.
Nguồn:https://baomoi.com/du-an-trung-tam-du-lieu-tai-tp-hcm-hut-ong-lon-c49275999.epi

XI. Công nghệ

1. Các tập đoàn dược phẩm Thụy Sỹ đầu tư vào AI
Mới đây nhất, nhà nghiên cứu Matthias Steger đã công bố loại thuốc EA-2353 mới, dùng để điều trị bệnh viêm võng mạc sắc tố – một bệnh thoái hóa ở mắt hiếm gặp.
Chia sẻ với trang SwissInfo, ông  thừa nhận: “Khám phá một loại thuốc mới giống như mò kim đáy bể. Ngay cả đối với một nhà hóa học được đào tạo bài bản, vẫn có những phỏng đoán đáng kể. Chưa dừng lại ở đây, quá trình này sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD để thử nghiệm trước khi thuốc được đưa ra thị trường”.
Với hy vọng đẩy nhanh quá trình, ông Steger đã gửi các cấu trúc hóa học cho chuyên gia Gisbert Schneider, hiện đang giảng dạy về cấu trúc của thuốc với sự hỗ trợ của máy tính tại Viện công nghệ liên bang Thụy Sỹ (ETH Zurich).
Sau đó, ông Schneider đã sử dụng mô hình AI của mình để xác định các phân tử có hoạt động sinh học mong muốn dựa trên các mẫu trong cấu trúc hóa học. Từ đây, nhà khoa học Steger và các đồng nghiệp bắt đầu thử nghiệm và tổng hợp các phân tử này trong nhiều năm để tạo ra hai loại thuốc tiềm năng. Một trong số đó là EA-2353, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu.
Tiềm năng của AI trong việc khám phá ra các loại thuốc mới, với thời gian và chi phí thấp hơn so với các phương pháp truyền thống, đã thúc đẩy sự bùng nổ đầu tư vào công nghệ này. Theo tập đoàn tư vấn tài chính Boston Consulting Group, trong thập kỷ qua, các nhà đầu tư đã “bơm” hơn 18 tỉ USD vào khoảng 200 công ty công nghệ sinh học và doanh nghiệp khởi nghiệp “ưu tiên AI”, vốn là những công ty mà công nghệ mới giữ vai trò trung tâm trong quy trình phát triển thuốc.
Nhiều tập đoàn dược phẩm lớn như Roche và Novartis, đang chạy đua để vượt lên dẫn trước các công ty cùng ngành.
Năm 2023, Roche đã công bố hợp tác nghiên cứu kéo dài nhiều năm với nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ, một trong ít nhất tám thỏa thuận về AI mà công ty này đã ký kể từ năm 2019. Tương tự, đầu năm nay, tập đoàn Novartis đã đề nghị trả trước 37,5 triệu USD cho chi nhánh Isomorphic Labs của Google DeepMind và 1,2 tỉ USD khác trong giai đoạn tới, nếu công ty này đạt được những cột mốc nhất định trong việc phát triển ba loại thuốc mới.
Nguồnhttps://tuoitre.vn/cac-tap-doan-duoc-pham-thuy-sy-dau-tu-vao-ai-20240603144946179.htm?gidzl=LK9q3Aat6J9HMN8DhYuSF5PQSmAsBajh6rTo0RSa76n10NC1ko8UFX5QSWViB1u-6rWd3ZZEG5e8g38VDm
2. Trung Quốc công bố “chip não” siêu tiết kiệm, khẳng định đột phá công nghệ khiến Mỹ cũng phải dè chừng
Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một loại chip có “cấu trúc hoạt động giống não người” mới với mức tiêu thụ năng lượng thấp. Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã hợp tác cùng các nhà khoa học khác để phát triển Speck – một loại “chip não” năng lượng thấp có khả năng tính toán động. Loại chip này tích hợp thuật toán, phần mềm và thiết kế phần cứng có những ưu điểm “giống bộ não” trong việc kết hợp tính toán với các cơ chế cấp cao của não bộ.
Li Guoqi, nhà nghiên cứu tại Viện Tự động hóa, Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết: “Bộ não con người là một mạng lưới thần kinh cực kỳ phức tạp, chỉ tiêu thụ 20 watt, ít hơn nhiều so với các hệ thống AI hiện tại”.
Ông nhấn mạnh rằng khi nhu cầu tính toán và mức tiêu thụ năng lượng tăng lên, việc mô phỏng các tế bào thần kinh và liên kết thần kinh của não người để phát triển các hệ thống máy tính thông minh mới là một hướng đi đầy hứa hẹn.
Chip Speck kết hợp một cảm biến hình ảnh động và một con chip não trên một con chip khác, giúp đạt được mức sử dụng năng lượng thấp đáng kể khi ở trạng thái nghỉ. Theo Li, nó chip có thể xử lý các tác vụ trực quan chỉ với 0,7 miliwatt, cung cấp giải pháp tiết kiệm năng lượng, phản hồi nhanh và tiêu thụ ít năng lượng cho các ứng dụng AI.
Ma Jihua, một nhà quan sát kỳ cựu trong ngành viễn thông, nói với Global Times: “Sự phát triển của khái niệm chip não vừa là một bước đột phá trong công nghệ hiện có vừa là phản ứng chiến lược trước áp lực của Mỹ, cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi các con đường phát triển thay thế”.
Nguồnhttps://cafef.vn/trung-quoc-cong-bo-chip-nao-sieu-tiet-kiem-khang-dinh-dot-pha-cong-nghe-khien-my-cung-phai-de-chung-188240603225233556.chn?gidzl=8qUf2YAKrqWdNAyB9OtIHY5OgWOyYe4JR5Mh1Js0rXGs0we5CORKHcPOgmDcYDH6R5h-2ZWpvabq8v7HJG

XII. Tài chính

1. Trung Quốc trả đòn cuộc chiến thương mại với EU
Theo hãng tin Politico, Bộ Thương mại Trung Quốc đã gửi một bức thư tới Giám đốc thương mại EU Valdis Dombrovskis bày tỏ “sự không hài lòng” với các cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các hãng xe điện để hạ thấp giá thành, phá giá xe điện sản xuất tại châu Âu.
Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group, giá trị nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc của EU đã tăng lên 11,5 tỷ USD vào năm 2023, từ mức chỉ 1,6 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 37% tổng lượng xe điện nhập khẩu vào khối. Xe điện Trung Quốc được bán ở EU với giá thấp hơn đáng kể so với các đối tác châu Âu. Mức giá thấp ở một khoảng cách mà Brussels cho là do hỗ trợ tài chính của Chính phủ Trung Quốc cung cấp cho các công ty trong nước.
Tháng 9 năm ngoái, Ủy ban Châu Âu đã tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp, có thể dẫn đến việc áp dụng các mức thuế bổ sung liên quan đến việc nghi ngờ sử dụng viện trợ từ Chính phủ Trung Quốc. Liên minh châu Âu dự kiến sẽ công bố mức thuế tạm thời đối với xe điện của Trung Quốc trong những ngày tới, dự đoán mức thuế này có thể dao động trong khoảng 15-30%, thậm chí có thể lên tới 50%.
Chưa hết, trong lá thư nói trên, Trung Quốc cảnh báo EU rằng nếu bỏ qua những lời đề nghị thiện chí, Bắc Kinh sẽ tiến hành trả đũa, “bắt đầu” với hàng không và nông nghiệp của EU.
Việc tấn công vào lĩnh vực nông nghiệp có thể giáng một đòn mạnh vào EU vì Trung Quốc là nước tiêu thụ sản lượng nông nghiệp lớn thứ ba của khối. Theo Politico, xuất khẩu của khối sang quốc gia châu Á này chiếm tới 6,4% tổng thương mại nông sản thực phẩm. Bài báo lưu ý rằng các biện pháp hàng không này có thể ảnh hưởng tới nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus, nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Trung Quốc.
Nguồnhttps://cafef.vn/trung-quoc-tra-don-cuoc-chien-thuong-mai-voi-eu-188240602083758457.chn
2. Vàng giảm sâu, ngân hàng nhận đặt cọc vàng, mua trên 400 triệu phải khai báo nghề nghiệp
Trong ngày đầu tiên (3/6) 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietinbank,Vietcombank, Agribank, BIDV) cùng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn mở bán vàng trực tiếp cho người dân từ nguồn vàng mua của NHNN, do số lượng vàng không đủ để đáp ứng, nên đã xảy ra tình trạng người dân xếp hàng dài, sau đó phải ngậm ngùi, bức xúc ra về tay không.
Trước tình trạng này, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết, khách hàng khi đến Vietcombank để mua vàng sẽ được xếp hàng theo thứ tự và được cung cấp mua vàng theo quy định của Ngân hàng này.
Trong trường hợp khách hàng mua khối lượng quá lớn mà số lượng tồn kho ngân hàng không đáp ứng đủ thì sẽ được hẹn vào buổi làm việc tiếp theo để cung cấp vàng cho khách hàng. Tuy nhiên hiện nay, 4 NHTM đã thống nhất với nhau có thể cung cấp cho khách hàng dịch vụ đặt mua vàng miếng trước và ngân hàng sẽ nhận đặt cọc của khách hàng và cung cấp cho khách hàng vào thời điểm tiếp theo.
Đối với khách hàng mua vàng SJC tại Vietcombank, bà Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết, phải tuân thủ quy định của NHNN về phòng, chống rửa tiền. “Khách hàng có giao dịch giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên cho một giao dịch hoặc 400 triệu đồng cho một ngày giao dịch sẽ thuộc đối tượng phải báo cáo NHNN về giá trị lớn. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ thu thập thêm thông tin khách hàng, cụ thể thu thập thêm chức vụ và nghề nghiệp của khách hàng”.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy phân tích, kể từ khi NHNN công bố sẽ bán vàng qua 4 NHTM nhà nước, chênh lệch giá vàng đã giảm rất nhanh từ mức 26% giá vàng thế giới (ngày 29/5) xuống chỉ còn 12% vào sáng ngày 3/6.
Khi giá bán chính thức được niêm yết vào buổi chiều ngày 3/6 là 79.98 triệu/lượng thì giá vàng SJC trên thị trường đang từ 80.7 – 81 cũng ngay lập tức giảm về bằng đúng mức giá đó. Đồng nghĩa chênh lệch giảm tiếp về 11%.
Như vậy, ông Linh cho rằng, ngay cả khi chưa bán vàng, chênh lệch giá vàng đã giảm, cho thấy mức độ thành công của giải pháp mới mà NHNN đưa ra.
“Trong những ngày qua, việc bình tĩnh chờ NHTM nhà nước bán vàng đã trực tiếp làm giảm nhu cầu mua vàng, làm giảm chênh lệch giá vàng và mang lại lợi ích cho chính người có nhu cầu mua vì đã mua được giá thấp hơn. Bong bóng tài sản hay đầu cơ thổi giá chỉ có thể làm được nếu người mua nóng vội. Nếu người dân bình tĩnh, không chạy theo phong trào cũng đó cũng là một cách để bảo vệ lợi ích của chính mình”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nêu quan điểm.
Nguồnhttps://baomoi.com/vang-giam-sau-ngan-hang-nhan-dat-coc-vang-mua-tren-400-trieu-phai-khai-bao-nghe-nghiep-c49275543.epi
BSAi