1. Shopee thừa nhận vi phạm luật độc quyền ở Indonesia
Cơ quan chống độc quyền của Indonesia cho biết Công ty thương mại điện tử Shopee thừa nhận đã vi phạm quy định độc quyền đối với dịch vụ chuyển phát nhanh ở Indonesia. Trong thông báo ngày 26/6, Cơ quan chống độc quyền Indonesia (KPPU) cũng cho biết Shopee đã đồng ý thực hiện các điều chỉnh trong phương thức hoạt động.
Theo Reuters, KPPU cáo buộc đơn vị địa phương của Shopee vi phạm các quy tắc chống cạnh tranh bằng cách hướng khách hàng sử dụng một số dịch vụ giao hàng nhất định.
Cụ thể, KPPU cho rằng từ tháng 3/2021, Shopee đã ngừng liệt kê một số nhà cung cấp dịch vụ giao hàng mà họ đã sử dụng trước đó, khiến khách hàng chỉ còn 2 lựa chọn. Một trong số dịch vụ đó có giám đốc điều hành của Shopee Indonesia trong ban giám đốc. “Động thái này ngăn cản người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ chuyển phát nhanh từ các công ty khác với mức giá mong muốn”, người phát ngôn Deswin Nur của KPPU nói khi thông báo cuộc điều tra hồi tháng 2/2024.
2. Các sàn TMĐT đồng loạt nâng cấp chính sách, người bán cần đảm bảo vận hành
Liên tục từ cuối năm 2023 tới nay, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như TikTok, Tiki.vn, Lazada, Shopee… đã công bố một số thay đổi chính sách áp dụng cho người mua và nhà bán hàng trên sàn. Nội dung xoay quanh việc kéo dài thời gian đổi trả hàng hóa, cập nhật một số biểu phí mới và tính năng mới giúp tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm, kinh doanh trên sàn TMĐT.
TikTok Shop Mall cho phép người mua trả hàng trong vòng 15 ngày và người bán phải chịu phí vận chuyển trong trường hợp khách hàng trả lại sản phẩm do lỗi của người bán. Lazada cũng ràng buộc thời hạn trả hàng cho các sản phẩm thuộc kênh Choice và gian hàng LazMall là 30 ngày từ tháng 2-2024.
Tiki còn mạnh bạo hơn khi không chỉ cho phép đổi trả hàng hóa trong 30 ngày, mà còn hỗ trợ đổi trả trong 365 ngày cho các sản phẩm lỗi kỹ thuật thuộc danh mục Thiết bị số – Phụ kiện số, Điện gia dụng do nhà bán Tiki Trading cung cấp, áp dụng từ tháng 4-2024.
Với Shopee, sau khi triển khai thành công chính sách Đồng kiểm cho phép người dùng kiểm tra ngoại quan sản phẩm khi nhận hàng, sàn tiếp tục công bố một số thay đổi chính sách khác như trả hàng hoàn tiền miễn phí trong vòng 15 ngày và được chú ý hơn cả là tính năng cho phép người mua có thể yêu cầu hủy đơn hàng ở trạng thái “Đang giao”, áp dụng từ đầu tháng 6 năm nay. Trong đó chỉ rõ, người mua có thể hủy đơn khi đơn hàng được giao thành công cho đơn vị vận chuyển SPX và đơn hàng “đang” trên đường tới trạm giao hàng. Tuy nhiên, với trạng thái đơn hàng “đã” được giao tới trạm giao hàng thì người mua không thể hủy đơn hàng được nữa.
1. TGM Research tiết lộ insight đáng chú ý mùa Euro 2024 cho thương hiệu
Ngày 17/06/2024, TGM Research đăng tải kết quả khảo sát toàn cầu TGM Global Euro 2024. Báo cáo này cung cấp số liệu đáng chú ý về mức độ nhận biết và tương tác của người hâm mộ đối với UEFA Euro 2024. Qua đó, thương hiệu có thể tận dụng kết quả này để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực thể thao đang ngày càng lớn mạnh.
Đầu tiên, người xem toàn cầu đang ngày càng trông chờ vào những trận đấu của UEFA Euro 2024, cụ thể hơn 50% đáp viên ở khu vực Châu Âu cho biết họ quan tâm đến bóng đá và có 27% đáp viên thể hiện mức độ cuồng nhiệt mạnh mẽ. Trong đó, Châu Phi (40%) và Châu Á – Thái Bình Dương (29%) là hai khu vực có mức độ ủng hộ nhiệt tình nhất, điều này thể hiện sức hấp dẫn của môn thể thao vua đối với người xem khu vực này. Mặc dù TV truyền thống vẫn là kênh chiếm ưu thế (61%), số liệu từ khảo sát thể hiện ngày càng có nhiều người ưa chuộng xem bóng đá thông qua các dịch vụ phát trực tuyến, nhất là ở những người hâm mộ trẻ tuổi. Ngoài ra, hình thức xem qua TV ở nơi công cộng cũng cho thấy tiềm năng khi có 30% đáp viên thích xem bóng đá qua kênh này.
Giải đấu UEFA Euro 2024 thu hút lượng người hâm mộ ở đa dạng độ tuổi. Trong đó, phần lớn người hâm mộ thuộc độ tuổi 20-30 và họ đang góp phần tăng thêm không khí phấn khích cho mùa giải. Ngược lại, ở Châu Phi, Euro 2024 lại thu hút sự quan tâm mạnh mẽ ngay cả với những người hâm mộ trên 45 tuổi.
mùa giải năm nay hứa hẹn sẽ còn là một màn trình diễn sôi động về niềm tự hào dân tộc khi mọi người ngày càng hăng hái thảo luận và kỳ vọng nhà vô địch tiềm năng của giải đấu. Kết quả khảo sát cho thấy Đức là quốc gia được kỳ vọng sẽ trở thành nhà vô địch với 22% đáp viên cho biết họ ủng hộ quốc gia này. Theo sau đó là Pháp (19%) và Anh (15%) ở vị trí thứ hai và thứ ba.
Kết quả khảo sát của TGM cũng cho thấy các thương hiệu tài trợ giải đấu có mức tăng trưởng độ nhận diện tốt hơn, nổi bật là adidas với 25% spontaneous association khi nhắc đến thương hiệu gắn liền với UEFA Euro 2024. Các thương hiệu khác như Nike, Coca-Cola, Heineken và Visa cũng đạt được nhiều kết quả đáng chú ý khi thiết kế các hoạt động tài trợ một cách chiến lược.
Khảo sát của TGM được thực hiện bằng các cuộc phỏng vấn thông qua Internet (CAWI) trên 26 quốc gia trong khoảng thời gian từ ngày 10-28/5/2024. Với đối tượng tham gia trải dài từ 18-55 tuổi, TGM đã thu thập được hơn 20.000 câu trả lời từ đáp viên ở nhiều quốc gia.
1. Chip AI có thể tạo ra hơn 1 tỷ tấn khí thải carbon
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ dự đoán trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2029, mức tiêu thụ điện toàn cầu sẽ đạt 153.000 terawatt giờ. Điều này có nghĩa là chip AI sẽ chiếm 1,5% lượng điện tiêu thụ trong 5 năm tới và chiếm một phần lớn trong việc tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Việc sử dụng năng lượng này cũng sẽ phát thải ra môi trường lượng khí carbon tương đối lớn.
Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Hoa Kỳ, mức độ phát thải khí carbon trung bình của lưới điện vào năm 2023 sẽ là 481gr carbon dioxide mỗi kilowatt giờ. Điều này có nghĩa là từ năm 2025 đến 2029, chip AI sẽ tạo ra 1,1 tỷ tấn carbon dioxide và lượng khí thải carbon này cần khoảng 50 tỷ cây trưởng thành để hấp thụ mỗi năm.
2. Bắc Âu thay đổi chính sách đối với dệt may, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu cho biết tháng 2/2024, Uỷ ban Hợp tác về phát triển bền vững khu vực Bắc Âu đã họp và nhất trí đưa ra một nguyên tắc, tiêu chuẩn chung quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với hàng dệt may.
Mục tiêu chính của việc đưa ra các quy định là nhằm giảm khối lượng lớn quần áo và hàng dệt may được tiêu thụ ở khu vực Bắc Âu.
Tổ chức này cho rằng ngành thời trang và dệt may là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới, khi chiếm từ 8-10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và những người sống tại Bắc Âu tiêu thụ hàng dệt may nhiều hơn mức trung bình của thế giới.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành dệt may chủ yếu dựa vào sợi tổng hợp, loại sợi này chiếm chưa đến 20% sản lượng sợi toàn cầu cách đây 20 năm nhưng hiện nay chiếm 62%.
Thông qua đề xuất này, Uỷ ban Hợp tác về phát triển bền vững khu vực Bắc Âu đang hướng tới việc thiết lập các điều kiện tốt hơn cho chất lượng dệt may bền vững, như len và da được sản xuất ở khu vực Bắc Âu, đồng thời giảm việc sử dụng các loại sợi làm từ nhựa nhẹ như ni-lông, polyester và acrylic.
Bên cạnh đó, các nước Bắc Âu cũng mong muốn thúc đẩy ngành dệt may theo hướng bền vững hơn, mang lại sự cạnh tranh công bằng, giải quyết các vấn đề liên quan đến chất thải dệt may được xuất khẩu sang các nước có thu nhập thấp ngoài EU để chôn lấp.
Theo CNN, sự nổi tiếng của món cà phê sữa đá Việt Nam đã khiến nhiều người nước ngoài phải tìm cách biến tấu ly Starbucks của họ sao cho có vị như thức uống này. Hiện, trên nhiều nền tảng mạng xã hội, họ còn chia sẻ với nhau cách để yêu cầu nhân viên pha chế thực hiện món cà phê muối.
Quay ngược về năm 2010, thời điểm quán cà phê muối đầu tiên được sáng lập tại Huế. Ông Trần Nguyễn Hữu Phong và bà Hồ Thị Thanh Hương đã có một quyết định táo bạo, đó là cho kem muối vào hỗn hợp cà phê sữa. Tổ hợp này tạo nên một kết cấu mềm mịn, giúp trung hòa vị đắng trong cà phê và cân bằng lại vị ngọt của sữa đặc.
Tuy nhiên ở thời điểm đó, khẩu vị chung của người Huế vẫn là cà phê đen hoặc cà phê sữa bình thường, nên sự sáng tạo này có thể xem như là một rủi ro.
Cả ông Trần Nguyễn Hữu Phong và bà Hồ Thị Thanh Hương đều cho rằng, cái tên đặc biệt “Cà phê muối” sẽ giúp họ thu hút thêm nhiều khách hàng, vì theo quan niệm từ trước đến giờ, cà phê chỉ có thể dùng với đường hoặc sữa. Để thực sự có một điểm khác biệt, họ cần tạo ra một thức uống mới, lạ hơn. Đó là cách mà cà phê muối ra đời.
Ngay cả các chi nhánh Starbucks tại Việt Nam cũng tham gia vào “làn sóng” cà phê muối này và cho ra mắt một phiên bản cà phê muối riêng của họ vào tháng 4 năm nay.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel được công bố vào năm 2023, người tiêu dùng bên ngoài châu Á ngày càng quan tâm đến những trải nghiệm và hương vị cà phê mới lạ. Đặc biệt hơn, 71% người tiêu dùng Gen Z (người trẻ ở thế hệ từ 1997 – 2010) được Mintel phỏng vấn cho biết họ muốn thử cà phê Việt Nam.
1. Thiếu gạo, Indonesia tìm cách đa dạng hoá nguồn lương thực
Người dân Indonesia đang ăn quá nhiều gạo đến mức sản lượng trên toàn quốc không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều người đã đề xuất đa dạng hóa thói quen ăn uống của người dân địa phương, nhưng việc tiêu thụ gạo đã ăn sâu vào văn hóa Indonesia. Việc chuyển sang các loại tinh bột thay thế sẽ không giải quyết được các vấn đề về cấu trúc trong nông nghiệp của nước này.
Tuy nhiên, dữ liệu của Cục Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy người dân nước này hiện nay đã ăn ít gạo hơn so với một số năm trước. Mức tiêu thụ bình quân đầu người đã giảm từ 1,7 kg/tuần vào năm 2007 xuống còn 1,5 kg/tuần vào năm 2023.
Cơ quan Bapanas dự đoán rằng chính phủ có thể sẽ phải nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo trong năm nay, đây sẽ là một con số kỷ lục. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 3,6 triệu tấn hạn ngạch được cấp cho việc nhập khẩu gạo.
Vùng đất đồi cát trắng An Hải, H.Ninh Phước (Ninh Thuận) đang được phủ lên màu xanh biếc của cây măng tây xanh, không chỉ mở ra triển vọng mới cho người dân xã mà cả dải đất cát ven biển khác trải dọc miền Trung.
Các nông hộ trồng măng tây cho biết, không một cây trồng nào ở nông thôn mà ngày nào cũng có sản phẩm bán ra như măng tây xanh. Mỗi sào cho thu hoạch 15 triệu đồng/tháng. Không lo đầu ra, giá cả ổn định, đó là những lợi thế không loại cây nào trên vùng cát này có được. Hiệu quả kinh tế đem lại từ cây măng tây không chỉ giúp gia đình ông Ky và nhiều hộ dân khác thoát nghèo vươn lên làm giàu, mà còn tạo động lực cho nhiều nông dân ở vùng đất cát ven biển An Hải mạnh dạn đầu tư, nhân rộng diện tích cây măng tây xanh dần thay thế nhiều loại cây trồng kém hiệu quả trước đây.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 300 ha cây măng tây được trồng tại các địa phương ven biển Ninh Thuận. Cây măng đã chứng minh hiệu quả kinh tế cao của nó và đang trên đà trở thành một “đặc sản” của địa phương.
Theo ông Cương, ngoài diện tích đã có, địa phương đang quy hoạch mở rộng diện tích cây măng tây lên 500 ha, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và TP.Phan Rang-Tháp Chàm. Hiện nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác cùng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, với mức giá từ 45.000 – 60.000 đồng/kg.
1. Campuchia muốn “lật đổ” ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều của Việt Nam
Đầu tháng 6, Mirarth Holdings của Campuchia đã liên doanh với đối tác Nhật Bản khánh thành nhà máy chế biến hạt điều nhỏ ở Kampong Thom, một tỉnh ở miền Trung, cạnh tỉnh Siem Reap. Nhà máy mới tượng trưng cho chiến lược của Campuchia trở thành nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới”, Phó Thống đốc Kampong Thom Nhek Ban Kheng phát biểu.
Campuchia là một trong những nước sản xuất hạt điều thô hàng đầu, nhưng nông dân trồng điều ở đất nước Chùa Tháp vẫn không đủ thu nhập để thoát nghèo, bởi họ phải xuất khẩu hạt điều thô chưa qua chế biến sang đất nước láng giềng Việt Nam để chế biến.
Theo hãng Mirarth, nhà máy mới có hai dây chuyền chế biến nhập từ Việt Nam, có thể bóc vỏ 8 tấn hạt mỗi ngày. Công suất của nhà máy là khoảng 2 tấn nhân hạt điều thành phẩm mỗi ngày, tức khả năng xuất khẩu hôn 600 tấn mỗi năm.
Mirarth đang thu hút khoảng 30 công nhân từ các gia đình nông dân địa phương và nhà máy sẽ là nguồn thu nhập bổ sung quan trọng cho họ. Công ty Nhật Bản sẽ không chỉ bán các loại hạt đã qua chế biến mà còn sử dụng vỏ điều đã loại bỏ để làm nhiên liệu sinh khối. Mirarth đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy khác ở Campuchia với công suất chế biến hàng năm là 20.000 tấn.
Theo Hiệp hội hạt điều Campuchia (CAC), diện tích trồng điều ở Campuchia hiện đạt hơn 650.000 ha, sản xuất 670.000 tấn điều thô vào năm 2022 và hầu hết đều được xuất khẩu mà không qua chế biến. Nông dân trồng điều ở Campuchia thường bán hạt điều thô cho thương lái nước ngoài với giá dưới 1.000 USD/tấn, thương lái xuất thô sang Việt Nam khoảng 1.200-1.500 USD mỗi tấn. Nhưng các loại nhân thành phẩm có thể được bán với giá hơn 10 USD/kg.
Tuy nhiên, để trở thành nước xuất khẩu hạt điều số 1, Campuchia trước tiên phải vượt qua đối tác láng giềng là Việt Nam đang dẫn đầu với gần 80% sản lượng điều xuất khẩu trên thế giới. Trong năm 2023, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu 644.000 tấn hạt điều, trị giá 3,6 tỉ USD, tăng 24% về khối lượng và 18% về giá trị. Việt Nam cũng nhập điều thô từ Campuchia, Tanzania và Bờ Biển Ngà – vốn đứng đầu thế giới về sản lượng hạt điều thô. Một số liệu của trang Tridge chuyên về nông sản nói Việt Nam nhập 2,7 triệu tấn hạt điều thô trong năm 2023, trị giá 3 tỷ USD trong năm 2023, với Bờ Biển Ngà và Campuchia là hai nguồn hàng nhập lớn nhất.
CAC ước tính rằng 95% hạt điều thô Campuchia được xuất sang Việt. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lại nói thương lái thường nhập lậu điều thô vào Việt Nam. Cả CAC và JICA nói Việt Nam chế biến một lượng lớn các loại hạt được sản xuất tại Campuchia và xuất khẩu dưới dạng “sản xuất tại Việt Nam”.
CAC đang nỗ lực nâng giá trị hạt điều Campuchia, nhất là loại hạt M23, một giống lai giữa các giống bản địa và ngoại nhập cho hạt lớn hơn. Giám đốc CAC Uon Silot nói cơ quan này đang xây dựng cơ chế truy xuất nguồn gốc cho người trồng và thương lái nước ngoài mua hạt điều của Campuchia.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương 5 tháng đầu năm 2024 giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt gần 6 tỉ USD.
Tính riêng tháng 5-2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,26 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 775,5 triệu USD; nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 483,8 triệu USD. Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ, điện thoại các loại và linh kiện chiếm tỉ trọng cao nhất với kim ngạch 176,1 triệu USD.
Tham tán Bùi Trung Thướng kỳ vọng thương mại giữa Việt Nam – Ấn Độ sẽ được nâng lên con số 20 tỉ USD trong thời gian tới. Để hiện thực hóa kỳ vọng này, cần đẩy mạnh cơ chế hợp tác mở cửa thị trường nông sản giữa hai quốc gia.
Ông cho biết Ấn Độ mới chỉ mở cửa thị trường cho trái thanh long Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, thị trường này chưa mở thêm mặt hàng mới nào cho ngành hàng trái cây Việt Nam.
Nguyên nhân là do Ấn Độ cũng mong muốn Việt Nam mở cửa cho một số loại trái cây của họ như nho, lựu. Tham tán Bùi Trung Thướng cho biết thêm nho của Ấn Độ có giá thành rất rẻ, chỉ 1 USD/kg, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển, lợi nhuận… về Việt Nam là 3 USD/kg.
“Việt Nam có thể xem xét để mở cửa thị trường cho loại trái cây này trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ rất muốn đưa nho vào Việt Nam”- ông Thướng cho hay.
Mặt bằng giá gạo xuất khẩu đã tăng kể từ ngày 20.7.2023, khi Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng 5% tấm để đảm bảo an ninh lương thực và bình ổn giá gạo nội địa. Giá gạo 5% tấm của VN hiện tại cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60 USD/tấn; còn sản lượng xuất khẩu tăng mạnh ngay từ đầu năm và đạt con số cao kỷ lục. Chính vì vậy, hiện nay nhiều người lo lắng nếu Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thì hoạt động xuất khẩu gạo của VN có thể bị ảnh hưởng.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, tất cả đều khẳng định, rất khó có câu trả lời chính xác vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là tính “khó lường” trong việc thực thi chính sách của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới. Những người thận trọng cho rằng lệnh cấm nếu được bãi bỏ cũng phải vào thời điểm tháng 10 – 11.2024. Một số khác nhận định lệnh cấm có thể kéo dài đến giữa năm 2025, thay vì dỡ bỏ hoàn toàn thì rất có thể sẽ là nới lỏng từng phần.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, phân tích: Dù có kho dự trữ khá lớn, nhưng Ấn Độ là nước đông dân nhất thế giới với trên 1,4 tỉ người nên áp lực về an ninh lương thực rất lớn. Một yếu tố khác là sản lượng lúa mì và khoai tây của nước này vừa qua cũng không được tốt do thời tiết bất lợi. Chính vì vậy, nếu Ấn Độ có ý định khôi phục chính sách xuất khẩu gạo bình thường như trước đây thì nhiều khả năng phải chờ đến khi đợt thu hoạch vụ kharif kết thúc. Kharif là vụ lúa lớn nhất trong năm ở Ấn Độ và thường kết thúc vào khoảng tháng 10 – 11.
Nếu Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thế giới tăng nên giá sẽ giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp đó khả năng họ sẽ xả kho dự trữ và bán gạo cho các thị trường truyền thống như châu Phi, Trung Đông, nên không ảnh hưởng nhiều đến các thị trường truyền thống của VN. Tuy nhiên, đây là giai đoạn nhạy cảm, chúng ta cũng không nên chủ quan. Tôi vừa có chuyến công tác từ Indonesia trở về, ở đó họ đang có nhu cầu lớn về gạo. Với dân số lên đến 280 triệu người, nhu cầu tiêu thụ gạo của Indonesia rất cao. Chúng ta cần chăm sóc tốt thị trường này và các thị trường truyền thống như Philippines hay Malaysia, và xây dựng tinh thần hợp tác lâu dài với các thị trường nhiều tiềm năng này”, GS Bùi Chí Bửu nhận định.
Ở góc độ thương mại, ông Nguyễn Văn Thành tỏ ra thận trọng hơn khi dẫn phân tích và dự báo của một số chuyên gia về khả năng Ấn Độ sẽ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 10 năm nay. Nhưng từ nay đến lúc đó vẫn còn đến 3 tháng và chúng ta kịp tiêu thụ hết lúa hè thu. Còn cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo ở tất cả các nước đều tăng, nên cơ bản nếu Ấn Độ có bỏ lệnh cấm thì hoạt động xuất khẩu gạo của VN trong năm 2024 cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều. Bên cạnh đó, thị trường chính của VN là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…, không cùng phân khúc với Ấn Độ.
Truyền thông quốc tế thông tin, mới đây Bộ trưởng Thực phẩm Ấn Độ xác nhận không có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với gạo, đường hoặc lúa mì ngay lập tức. Một số nguyên nhân quan trọng được dẫn ra cho việc kéo dài các lệnh cấm, thứ nhất là kiểm soát giá trong nước; thứ hai nhằm đảm bảo nguồn cung gạo dồi dào và ổn định cho hơn 800 triệu người trong chương trình lương thực miễn phí; thứ ba là để ứng phó với những bất ổn khí hậu khi thời tiết chuyển từ El Nino sang La Nina. Và quan trọng hơn là chính phủ mới của Ấn Độ muốn duy trì sự ổn định thay vì gây nên các biến động thị trường.
1. Du lịch lên ‘sàn’: Xây kênh trên nền tảng số, từ zero đến hero
Tận dụng các nền tảng mạng xã hội, nhiều người trẻ xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo nội dung về du lịch trên TikTok, không chỉ quảng bá nét đẹp địa phương mà còn thu hút được rất nhiều du khách.
Anh Tạ Thanh Sang (quê Long An) từng “tay ngang” chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch tự do. Anh Sang cũng tự mày mò tìm hiểu, học thêm lớp về du lịch. Đồng thời tạo thêm nhóm Camping in VietNam – Cộng đồng thích cắm trại Việt Nam trên Facebook, để kết nối với khách du lịch.
“Thời gian đầu rất người ít người biết đến hội, nhóm. Thế là, mình chăm chỉ đăng những bài viết, bộ ảnh, chia sẻ lại những chuyến đi trải nghiệm của bản thân nhiều hơn”, anh Sang cho biết.
Song, những bài viết chia sẻ lại hành trình của anh Sang đăng lên hội này được các báo đài quan tâm, kết nối phỏng vấn. Có lẽ nhờ những “thành tích” đó mà anh Sang được nhiều khách biết đến hơn, nhóm Camping in VietNam – Cộng đồng thích cắm trại Việt Nam, thu hút hơn 30.000 lượt tham gia. Mỗi tuần anh Sang đều có lượt khách đăng ký đi tour.
Anh cho biết việc lập hội, nhóm trên mạng xã hội góp phần quảng bá du lịch, giao lưu, tìm kiếm chuyến đi thích hợp. Đồng thời là cầu nối giữa doanh nghiệp, địa điểm du lịch với du khách, tạo ra nguồn cảm hứng kích cầu du lịch đối với các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, anh Sang còn ứng dụng công nghệ số bằng hệ thống website booking riêng. Bán tour qua các nền tảng OTA (Klook, Traveloka, Booking…). Việc chuyển đổi số giúp tiếp cận khách hàng nhanh hơn, dễ dàng hơn việc dùng các kênh agency truyền thống. Đồng thời cũng giúp khách hàng dễ tìm kiếm chuyến đi phù hợp hơn. Cũng theo anh Sang, khi tạo hội nhóm hay lập kênh truyền thông trên mạng xã hội, các bạn không nên chú trọng vào mục đích bán hàng, kinh doanh tour. Từ đó, quên trao đi nhiều giá trị, kinh nghiệm để giúp nhiều người tiếp cận được các chuyến đi phù hợp.
2. Ngọn núi cao nhất Hàn Quốc bị phá hoại bởi mì ăn liền
Văn phòng Công viên Quốc gia núi Hallasan (nằm trên đảo Jeju) phát đi cảnh báo những người tham gia trekking (đi bộ đường dài) không đổ nước dùng mì ăn liền trong phạm vi khu bảo tồn hoặc xuống các dòng suối để đảm bảo “môi trường trong sạch”.
Đơn vị cho lắp đặt một số biểu ngữ với nội dung “Hãy bảo tồn núi Halla sạch sẽ và truyền lại cho con cháu nguyên hiện trạng”. Bên cạnh đó, những tấm biển kêu gọi người leo núi hạn chế lượng nước dùng thừa từ mì ăn liền cũng được dựng ngay khi phát hiện mối đe dọa.
Lý do được cơ quan này đưa ra là do phần nước dùng có chứa nhiều muối. Người dân trekking đổ nước thừa xuống suối hòa cùng dòng chảy tự nhiên chạy dọc thung lũng. Côn trùng, các loài thủy sinh bị chết dần vì không thể sống trong nguồn nước đã bị ô nhiễm.
Vào năm 2023, có khoảng 924.000 người đến thăm ngọn núi cao nhất Hàn Quốc (1.947 m), thống kê từ chính phủ nước này. Trong khi đó, thói quen của dân trekking tại xứ sở kim chi là mang theo mì ăn liền đựng trong ly dùng một lần để ăn trong ngày.
Truyền thống thưởng thức ly mì nóng hổi với cảnh quan thoáng đãng trên các ngọn núi ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc và đang lan rộng tại một số điểm trekking khác như đỉnh Matterhorn, dãy núi Alpine ở Thụy Sĩ, theo CNN.
Cùng với hành vi cụ thể như xả nước thải mì ăn liền trên núi, việc hút thuốc lá, vứt lại thức ăn thừa, rác thải, uống rượu và xâm nhập trái phép đều nằm trong danh sách hành vi cấm trên ngọn núi này.
Cá nhân vi phạm có thể đối mặt với hình phạt lên tới 2 triệu won (khoảng 36,8 triệu đồng).
Một loạt công ty công nghệ lớn ở Mỹ tìm cách mua điện trực tiếp từ các nhà máy hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Những thỏa thuận trên mang lại lợi ích to lớn cho các bên tham gia, song lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp khác cũng như người dân toàn nước Mỹ.
Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin khẳng định Amazon Web Services (AWS), công ty phụ trách mảng điện toán đám mây của gã khổng lồ Amazon, sắp đạt thỏa thuận lấy điện trực tiếp từ một nhà máy điện hạt nhân ở phía đông nước Mỹ với Constellation Energy – nhà cung cấp điện hạt nhân lớn nhất xứ sở cờ hoa.
Trước đó hồi tháng 3, một nhánh khác của Amazon cũng đã đạt thỏa thuận mua một trung tâm dữ liệu chạy bằng điện hạt nhân tại bang Pennsylvania trị giá 650 triệu USD.
Các thỏa thuận như trên được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh đáng kể tiến độ phát triển AI trên thế giới, khi thời gian xây dựng các trung tâm dữ liệu sẽ được rút ngắn nhiều năm do không phải đợi xây dựng hạ tầng năng lượng mới.
Dù mang lại lợi ích lớn cho các bên tham gia, những thỏa thuận trên lại tiềm tàng nguy cơ đối với an ninh năng lượng Mỹ.
Chuyện các trung tâm dữ liệu lấy điện trực tiếp từ nhà máy điện hạt nhân đồng nghĩa với việc một lượng năng lượng lớn sẽ không được hòa lưới điện chung. Do đó, nước Mỹ hoàn toàn có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện. Khách hàng cả nước cũng có thể đối diện đơn giá điện cao hơn khi nguồn cung không còn dồi dào.
Dù giương cao ngọn cờ phát triển AI không ảnh hưởng môi trường, việc các doanh nghiệp “chiếm hữu” hoàn toàn điện hạt nhân từ nhà máy có thể tác động xấu đến những mục tiêu phát triển bền vững.
1. Mời chuyên gia bán dẫn hàng đầu tại Mỹ làm cố vấn cho Việt Nam
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng mời ông Richard Lawton Thurston, một trong những chuyên gia bán dẫn phi kỹ sư hàng đầu tại Mỹ, làm cố vấn cho Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Richard Lawton Thurston là một trong những chuyên gia bán dẫn phi kỹ sư hàng đầu tại Mỹ, đã hỗ trợ nhiều công ty và chính phủ trong việc thành lập, quản lý các khu công nghệ trên khắp thế giới.
Người đứng đầu ngành KH-ĐT đề nghị ông Richard Lawton Thurston chia sẻ về kinh nghiệm, thực tiễn phát triển công nghiệp bán dẫn; những khuyến nghị để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển bán dẫn tại Việt Nam.
Ông Thurston khẳng định sẽ hợp tác, hỗ trợ triển khai các đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và nhận lời làm cố vấn cho Việt Nam trong xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Trước đó, Bộ KH-ĐT đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với mục tiêu huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội để tập trung đào tạo chuyên sâu 1.300 giảng viên và 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn; hình thành 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và 18 phòng thí nghiệm bán dẫn tiêu chuẩn.
2. Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn làm điện gió, điện khí ở Việt Nam
Sáng 1/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc.
Cuộc tọa đàm quy tụ nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Doosan Enerbility, Hanwa Aerospace, HD Hyundai MIPO, LG CNS, Posco…
Các tập đoàn Hàn Quốc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam nhiều giải pháp để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư mới vào các dự án quy mô lớn trên các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, đóng tàu, hàng không, dược phẩm, điện tử…
Cụ thể, lãnh đạo Tập đoàn Doosan Enerbility mong muốn tham gia các dự án điện gió, điện khí của Việt Nam. Cùng với đó có thể cung cấp thiết bị của nhà máy phát điện, phát triển tua bin gió phù hợp để đóng góp vào ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam. Đồng thời khẳng định, Doosan sẵn sàng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cho Việt Nam.
Tập đoàn Hanwa Aerospace bày tỏ mong muốn được tham gia lĩnh vực bảo dưỡng động cơ máy bay vì Việt Nam có nhiều hãng hàng không lớn có nhu cầu nhưng phải ra nước ngoài như Mỹ, Singapore để bảo trì, bảo dưỡng máy bay.
Lãnh đạo Tập đoàn GS Energy cho biết dự kiến đàm phán hợp đồng mua bán điện vào cuối năm nay và tiến hành thành công dự án này theo Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam.
Tập đoàn POSCO International cho biết đã sản xuất hơn 2,3 triệu tấn thép ở Việt Nam với doanh thu 1,5-2 tỷ USD mỗi năm. Từ 2015, tập đoàn này đã tham gia vào dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 và đang hướng tới dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập ở Nghệ An với mong muốn đóng góp cho dự án và sự phát triển của địa phương.
Môi trường thân thiện với kinh doanh của đảo quốc Sư tử giúp start-up trên tiếp cận nhà đầu tư và khách hàng toàn cầu tốt hơn trong bối cảnhcác căng thẳng địa chính trị dâng cao khiến nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ tránh xa Trung Quốc.
Điều quan trọng không kém đối với doanh nhân khởi nghiệp AI là công ty có thể mua những sản phẩm chip mới nhất của Nvidia và các công nghệ tiên tiến khác ở Singapore. Trong khi đó, khó mà mua những sản phẩm chip quan trọng này ở Trung Quốc do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Singapore đang nổi lên như là điểm đến yêu thích của các startup AI Trung Quốc tìm cách vươn ra toàn cầu. Với đa số người gốc Hoa, Singapore từ lâu thu hút các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều doanh nhân khởi nghiệp AI nói riêng đang tăng tốc đưa công ty sang ở Singapore. Lý do là các lệnh trừng phạt thương mại do Mỹ áp đặt đối Bắc Kinh ngăn cản những người này tiếp cận các công nghệ mới nhất.
Đặt trụ sở ở Singapore cũng là một cách để nhiều công ty Trung Quốc che mờ nguồn gốc. Đó là nỗ lực nhằm tránh sự giám sát từ khách hàng và cơ quan quản lý ở các nước là đối thủ chính trị của Trung Quốc, chẳng hạn như Mỹ.
Trung Quốc cũng quản lý nghiêm ngặt đối với nội dung do AI tạo ra. Tháng 7 năm ngoái, Bắc Kinh yêu cầu các công ty AI đăng ký thuật toán với cơ quan quản lý trước khi triển khai các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng.
Các quy định quản lý AI của Singapore ít nghiêm ngặt hơn và nước này nổi tiếng là nơi thành lập công ty rất dễ dàng. Chan Ih-Ming, Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban Phát triển kinh tế tế Singapore ghi nhận, nhiều startup, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc chọn Singapore làm đại bản doanh ở Đông Nam Á và coi nước này là bàn đạp để tiếp cận thị trường toàn cầu.
Ngoài mối quan hệ gần gũi về văn hóa và ngôn ngữ, Singapore còn thu hút doanh nhân Trung Quốc nhờ nhiều yếu tố thuận lợi khác. Qian Yiming, người đồng sáng lập Climind, cho biết chính phủ nước cung cấp hỗ trợ, bao gồm tài chính và kỹ thuật cho các startup AI. Climind nằm trong số những công ty nhận được hỗ trợ tài chính từ nhà nước Singapore. Ngoài ra, có rất nhiều vườn ươm khởi nghiệp ở đây.
1. Tuyệt đối không dùng họ “Nguyễn” để đặt mật khẩu, đây là lý do!
Mới đây, Kaspersky đã công bố báo cáo từ việc nghiên cứu 193 triệu mật khẩu bị lộ và được bán trên chợ đen online. Theo báo cáo, 57% trong số đó bao gồm các từ có thể tìm thấy trong từ điển – điều này được các nhóm chuyên hack mật khẩu khai thác. Các từ thông dụng như “password”, “qwerty12345”, “admin”, “12345”, “team”, hoặc các tên họ như “ahmed”, “nguyen”, “kumar”, “kevin”, “daniel” thường được sử dụng.
Đáng chú ý cụm từ “nguyen”, tương đương với tên Việt không dấu “Nguyễn” hoặc “Nguyên” là một trong những từ được dùng nhiều trong mật khẩu và được đánh giá là dễ dự đoán, khiến sức mạnh bảo mật của mật khẩu bị suy giảm.
Ở Việt Nam, có hơn 36 triệu người mang họ Nguyễn. Trong một nghiên cứu được đăng tải trên trang theworldgeography.com cho thấy, 40% người Việt mang họ Nguyễn. Đó là chưa kể đến việc người dùng có xu hướng dùng tên để đặt mật khẩu và số người tên “Nguyên” cũng không phải hiếm.
Các chuyên gia của Kaspersky chỉ ra rằng hacker thường sử dụng các phương thức như brute force (đoán mật khẩu qua việc thử nghiệm hàng loạt) hoặc smart guessing (đoán thông minh). Do đó, việc dùng các từ thông dụng giảm đáng kể độ mạnh của mật khẩu và rút ngắn thời gian tìm kiếm của hacker.
Nghiên cứu chỉ ra rằng 87 triệu mật khẩu, chiếm 45%, có thể bị phá trong vòng chưa đầy 1 phút, 14% mất khoảng 1 tiếng và chỉ có 4% khiến hacker mất đến một năm để phá.
Vào tháng 2, một nhóm bảo mật Việt Nam đã sử dụng phương pháp tấn công tương tự để xác định mật khẩu wifi, và phát hiện ra rằng gần 50% số đó có thể bị hack một cách dễ dàng. Các chuỗi ký tự như ‘12345678’, ‘88888888’, ‘66668888’, ‘camonquykhach’, ‘hoilamgi’ là những mật khẩu phổ biến.
Trong năm 2023, Kaspersky ghi nhận hơn 32 triệu cuộc tấn công sử dụng mã độc để đánh cắp mật khẩu. Điều này chứng tỏ sự cần thiết của việc duy trì việc bảo vệ không gian mạng và thay đổi mật khẩu định kỳ.
2. OpenAI thắt chặt chặn nhà phát triển Trung Quốc truy cập dịch vụ, giúp Mỹ mở rộng khoảng cách về AI
OpenAI mới đây đã công bố lệnh cấm quyền truy cập ChatGPT đối với các nhà phát triển và người dùng tại Trung Quốc từ ngày 9/7. Được biết, OpenAI chưa chính thức cung cấp dịch vụ của mình tại Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông. Đất nước tỷ dân này không nằm trong danh sách 188 quốc gia và khu vực nơi OpenAI cung cấp dịch vụ. Các nhà phát triển ở Trung Quốc đã sử dụng mạng ảo để vượt qua các hạn chế và có thể có quyền truy cập thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) của OpenAI.
Theo một số chuyên gia, động thái của OpenAI về cơ bản thể hiện việc Mỹ hạn chế hơn nữa việc người Trung Quốc truy cập vào công nghệ AI tiên tiến. Một số công ty khởi nghiệp AI ở Trung Quốc đang xây dựng ứng dụng dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI. Nếu OpenAI thắt chặt quy định của mình, các nhà phát triển Trung Quốc sẽ phải chuyển sang lựa chọn thay thế trong nước.
Sự phát triển nhanh chóng của AI đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung. Chính quyền Biden đang hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chất bán dẫn tiên tiến và hạn chế đầu tư từ Mỹ vào lĩnh vực AI ở cường quốc châu Á.
Mỹ cũng được cho là đang lên kế hoạch ban hành các quy định mới nhằm hạn chế xuất khẩu các mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến.
Trước đây, OpenAI đã lưu ý đến việc nước ngoài lạm dụng các dịch vụ của mình. Vào tháng 5, OpenAI thông báo đã phá vỡ 5 “hoạt động gây ảnh hưởng bí mật”, gồm cả các mạng lưới ở Trung Quốc, Nga, Iran và Israel sử dụng các sản phẩm AI của mình để thao túng dư luận hoặc định hình kết quả chính trị trong khi che giấu danh tính thực sự.
Những người trong ngành và các nhà phân tích cho biết, lệnh cấm của công ty Mỹ đối với các nhà phát triển có trụ sở tại Trung Quốc sẽ chỉ khiến người dùng buộc phải chọn mô hình AI địa phương. Điều này thậm chí, còn giúp thúc đẩy thị trường và các công ty ở Trung Quốc đang tranh giành nhau ngày càng quyết liệt hơn. Các công ty Trung Quốc đang liên tục đăng tải các bài quảng cáo, mã thông báo dịch vụ miễn phí để thu hút khách hàng địa phương sử dụng dịch vụ của họ.
3. Ứng dụng giúp xua đuổi muỗi trên iPhone có tác dụng?
Một trong những loài gây hại đáng sợ nhất mỗi mùa hè chính là muỗi. Chúng có nhiều loại và mặc dù vết cắn của chúng nhìn chung không gây nhiều khó chịu nhưng có thể nguy hiểm. Với mối nguy hiểm này, nhiều biện pháp phòng ngừa muỗi đã xuất hiện, đồng thời mở ra một trào lưu trên App Store, nơi người dùng iPhone được giới thiệu các ứng dụng phát ra tần số âm thanh có thể xua đuổi muỗi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tác dụng mà các ứng dụng này mang lại cho iPhone thực sự không như những gì chúng mô tả.
Có nhiều thiết bị tuyên bố có khả năng xua đuổi muỗi bằng cách phát ra sóng siêu âm khi kết nối với nguồn điện. Đó là những âm thanh mà tai con người không nghe được, nhưng chúng cũng không phải là thứ âm thanh mà loài muỗi sợ hãi. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng siêu âm không có hiệu quả trong việc chống lại muỗi.
Ngay cả khi siêu âm có thể giúp xua đuổi muỗi thì bản chất iPhone cũng không thể phát ra loại âm thanh này, bởi lẽ loa iPhone và hầu hết các smartphone khác đều không có khả năng tạo ra sóng siêu âm.
Như vậy có thể kết luận rằng, không có ứng dụng nào có thể giúp iPhone phát ra sóng siêu âm để xua đuổi muỗi. Tuy nhiên, một số ứng dụng sẽ cung cấp cho người dùng những kiến thức về cách phòng chống muỗi, thông tin về các loài hay khu vực mà chúng có thể sinh sản. Từ đó, chúng ta có thể xác định được nơi có thể phát sinh muỗi để tìm cách tiêu diệt hoặc đơn giản là tránh xa.
Theo báo cáo McKinsey & Company khảo sát 1.363 DN trên thế giới về áp dụng AI, có 72% DN đã ứng dụng công nghệ này ở ít nhất 1 phòng, ban.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, khảo sát cho thấy phần lớn DN, đặc biệt là DN quy mô nhỏ và vừa, chưa sẵn sàng, còn lúng túng khi ứng dụng AI.
Nguyên nhân được chỉ ra là do chưa sắp xếp được nguồn vốn, nguồn nhân lực; gặp khó khi sở hữu dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau như Google Drive, Excel…Nhiều DN nhỏ và vừa cứ nhắc đến ứng dụng AI là nghĩ ngay đến chi phí rất cao nhưng thực tế chi phí này rất nhỏ so với chi phí chuyển đổi số và phân tích dữ liệu. DN ngại đầu tư ứng dụng AI bởi lo sợ hiệu quả không cao và đòi hỏi công cụ này phải đáp ứng nhu cầu khá lớn của DN trong khi AI cần được đào tạo để hiểu dữ liệu của DN.
Bà Nguyễn Ngọc Lệ, đại diện Công ty CP MISA, nêu 97% DN nhỏ và vừa ở Việt Nam gặp các vấn đề khi ứng dụng AI. Thứ nhất, đa số DN lưu trữ dữ liệu ở rất nhiều file, chia thành nhiều tệp, gây khó trong việc kiểm soát tính chính xác của dữ liệu trong khi AI cần dữ liệu tập trung để phân tích.
Thứ hai, khi DN tăng quy mô, công cụ AI không thể đáp ứng nhu cầu và nếu đầu tư thêm thì sẽ tăng chi phí, chưa kể khó kế thừa dữ liệu. Thứ ba, DN hầu hết chỉ sử dụng AI cho một số bộ phận như kế toán, nhân sự, bán hàng, điều hành…, gây nên sự không đồng bộ trong vận hành DN. Cuối cùng, DN chưa đầu tư hệ thống AI do chi phí cao hoặc nếu đầu tư quá lớn mà không sử dụng hết tính năng sẽ gây lãng phí.
Bên cạnh đó, Ông Phan Tấn Quốc, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới sáng tạo KPMG Việt Nam, nhận xét tâm lý chung của nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, là ngại ứng dụng AI do “sợ bị thay thế”. Nhân viên ngại sử dụng AI vì sợ mình bị mất việc. Nhất là với những DN có lợi nhuận ổn định hằng năm, họ thiếu động lực đổi mới.
Theo bà Nguyễn Ngọc Lệ, để thúc đẩy DN ứng dụng AI, cần phổ biến rộng rãi cho lãnh đạo DN về những lợi ích mà công nghệ này mang lại. Đơn cử, AI có thể giúp bộ phận kế toán tự động đối soát hóa đơn có thông tin không hợp lệ hoặc cảnh báo thông tin DN đã hoặc đang làm thủ tục giải thể, nhờ đó giúp minh bạch thông tin gần như tuyệt đối và bảo đảm hóa đơn chính xác.
AI cũng có thể giúp bộ phận bán hàng phân tích dữ liệu khách hàng để gợi ý nhân viên bán hàng giới thiệu khách mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ nào tiếp theo…
DN cần tính đến lợi ích lâu dài của việc sử dụng AI thay vì đong đếm chi phí ban đầu. Ứng dụng AI sẽ giúp DN tăng trưởng nhanh và bền vững trong xu thế hiện nay, nếu còn lưỡng lự thì DN sẽ chậm bước.
5. Số phận hẩm hiu của bộ phim đầu tiên do ChatGPT viết kịch bản
Rạp chiếu phim Prince Charles ở London đã hủy buổi công chiếu thế giới dự kiến cuối tuần này của “The Last Screenwriter” do phản ứng dữ dội của công chúng về biên kịch của bộ phim: chính là chatbot nổi tiếng ChatGPT.
Trước đó, đạo diễn người Thụy Sĩ Peter Luisi đã sử dụng chatbot tạo sinh để viết nên bộ phim và ghi nhận ChatGPT là biên kịch. Bộ phim “The Last Screenwriter” kể về một biên kịch nổi tiếng đối mặt với một biên kịch AI tên là “ChatGPT 4.0”, vượt trội hơn anh ta và bằng cách nào đó hiểu nhân loại tốt hơn chính con người.
Luisi tạo ra kịch bản thông qua một loạt các câu lệnh với ChatGPT, bắt đầu bằng việc yêu cầu nó “viết cốt truyện cho một bộ phim dài tập trong đó một biên kịch nhận ra rằng anh ta kém hơn trí tuệ nhân tạo trong việc viết lách”. Ông tiếp tục yêu cầu AI phác thảo các cảnh, cũng như đặt tên cho các nhân vật trong phim. Sau một số chỉnh sửa, kịch bản đã hoàn thành.
Ngay cả rạp Prince Charles dường như cũng rất hào hứng với bộ phim này khi thông báo trên các nền tảng mạng xã hội rằng, họ sẽ công chiếu bộ phim truyện đầu tiên được viết hoàn toàn bởi AI. Thế nhưng điều họ không ngờ được là một cơn lũ các bình luận chỉ trích đã tràn về.
Một ngày sau, rạp chiếu phim đã hủy kế hoạch phát hành bộ phim này với lý do: Phản hồi trong 24 giờ qua cho thấy nhiều khán giả rất lo ngại về việc sử dụng AI thay vì một biên kịch con người.
Ông Luisi cho rằng, ChatGPT chưa thể một mình thay thế hoàn toàn được vị trí biên kịch và rằng, ông chỉ đóng vai trò như một đạo diễn, một trợ lý biên kịch hoặc một biên tập viên.
Tuy nhiên, Luisi nói rằng đóng góp của ông cho tác phẩm không đủ để được gọi là biên kịch. Tất cả các cảnh, nhân vật, cốt truyện, twist và đối thoại đều đến từ ChatGPT mà không có sự đóng góp ý tưởng hay can thiệp vào cấu trúc của bộ phim từ ông.
Vì vậy, việc liệu kịch bản được tạo ra bởi AI hay được viết bởi Luisi với sự hỗ trợ của AI vẫn còn gây tranh cãi. Ý định, tia lửa ban đầu, đến từ Luisi và ít nhất cũng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, so với công việc viết lách thực tế, trong trường hợp này được tự động hóa một phần và được kiểm soát và xác nhận bởi con người.
Bà Rebecca Osmaston, Quản lý Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu (CFA) tại châu Phi và châu Á nhật xét số lượng startup khí hậu đạt được nguồn tài trợ tài chính không được như kỳ vọng khi qua năm thứ 2 CFA được tổ chức tại Việt Nam.
Những khó khăn đến từ việc tìm nguồn tài trợ tài chính cho startup công nghệ xanh. Điều này có nghĩa là nhiều ý tưởng không thể tiến tới giai đoạn chứng minh khái niệm và tạo doanh thu.
Quy mô nhỏ của nhiều dự án cũng là một trở ngại. Điều này có nghĩa là chi phí giao dịch tương đối cao, như thời gian và chi phí liên quan đến việc thẩm định, khiến dự án ít hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, 35% lượng giảm phát thải vào năm 2050 sẽ đến từ các công nghệ chưa có trên thị trường, tức là các công nghệ xanh đang ở giai đoạn trình diễn hoặc nguyên mẫu. Do vậy, đầu tư vào công nghệ xanh đòi hỏi nhận thức cao về mức độ rủi ro, điều dường như còn thiếu trên thị trường.
Công nghệ xanh và mô hình kinh doanh của chúng thường xa lạ với một số nhà đầu tư truyền thống ở các thị trường đang phát triển và mới nổi. Đối với các nhà đầu tư, việc đầu tư vào một công nghệ mới hoặc một công nghệ chưa được thử nghiệm tốt ở một quốc gia hay khu vực được coi là một khoản đầu tư có rủi ro cao.
Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc kết nối với nhà đầu tư. Những nhà sáng lập công nghệ xanh thường có những ý tưởng mạnh mẽ, nhưng nếu họ không đơn giản hóa cốt truyện và thông điệp thì có khả năng nhà đầu tư sẽ không còn hứng thú nữa.
Đặt lên bàn cân với những dự án khởi nghiệp khác, các dự án về khí hậu có thể sẽ kém hấp dẫn hơn về mặt lợi nhuận. Tuy vậy, tác động tích cực vào cuộc chiến biến đổi khí hậu nên được tính vào ngoại tác tích cực mà những dự án này tạo ra. ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, đồng sáng lập kiêm CEO tại Selex Motors cho rằng cần có các tiêu chí khác để đánh giá những dự án khí hậu. Trong khi hầu hết các quỹ đầu tư vẫn đặt tính khả thi về mặt kinh tế lên hàng đầu, cần có những nguồn vốn từ Nhà nước hay các nguồn hỗ trợ coi trọng tác động đến môi trường (hơn lợi nhuận).
“Nhiều dự án của chúng tôi phải xem xét nhiều cơ chế tài trợ khác nhau và đây là điều mà CFA hỗ trợ họ thực hiện”, bà Rebecca Osmaston cho biết. Ngoài tính linh hoạt của các dự án, điều quan trọng là nhà đầu tư phải cân nhắc điều chỉnh những khuôn khổ truyền thống mà họ sử dụng để đánh giá các dự án nhằm đảm bảo rằng chúng đang xem xét những tác động lâu dài như giảm phát thải hoặc đóng góp vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc. Khi bối cảnh pháp lý tiếp tục thay đổi, việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tập trung vào khí hậu không chỉ có ý nghĩa từ góc độ khí hậu mà còn có ý nghĩa về mặt thương mại.