Thị trường và bán lẻ
-
Mua sắm hay chờ đợi? Người Mỹ ‘lạc lối’ giữa cơn bão thuế quan
Dịp cuối tuần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Trump công bố các mức ‘thuế quan toàn cầu’, nhiều người Mỹ đã tìm cách đi trước làn sóng tăng giá dự kiến, trong khi những người khác tỏ ra kiên nhẫn.
Ông bà Charlene và Phil Willingham đã suy nghĩ khá lâu về việc thay thế các thiết bị gia dụng 20 năm tuổi trong bếp của họ, nhưng với viễn cảnh chi phí tăng đột ngột, họ quyết định rằng đây là thời điểm thích hợp.
Tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý ô tô, trung tâm thương mại và các chuỗi cửa hàng giảm giá lớn trên khắp cả nước, các cuộc phỏng vấn của New York Times với hơn hai chục người Mỹ vào cuối tuần qua cho thấy nhiều người đang chạy đua trước viễn cảnh thuế quan gây tăng giá, nhanh chóng thực hiện các giao dịch mua sắm lớn nhỏ.
Trong khi đó, những người khác cho biết thói quen mua sắm của họ không thay đổi sau thông báo về thuế quan, phần lớn là vì họ kiên nhẫn và tin tưởng vào “trò chơi dài hạn” của tổng thống, và cho rằng bất kỳ nỗi đau ngắn hạn nào, bao gồm cả khả năng tăng giá, đều sẽ được giải quyết.
Nhưng nhiều người mua sắm cho biết viễn cảnh về thuế quan càng làm tăng thêm nỗi lo lắng về một nền kinh tế vốn đã không dễ dàng. Ngay cả khi giá cả vẫn chưa tăng, sự không chắc chắn về những gì sắp tới và sự sụt giảm đột ngột của các tài khoản tiết kiệm hưu trí là những dấu hiệu đáng lo ngại.
Nguồn:https://baomoi.com/mua-sam-hay-cho-doi-nguoi-my-lac-loi-giua-con-bao-thue-quan-c51917398.epi
-
Hàng Temu, Shein sắp phải nộp thuế 90% khi vào Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh nâng gấp 3 mức thuế nhập khẩu với hàng giá trị thấp từ Trung Quốc vào Mỹ qua đường bưu điện.
Theo sắc lệnh ông Trump ký ngày 8/4, mức mới sẽ là 90% giá trị món hàng hoặc 75 USD mỗi món, áp dụng từ 2/5. Kể từ ngày 1/6, mức 75 USD sẽ nâng lên gấp đôi.
Trước đó, đầu tháng 4, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh chấm dứt quy định de minimis (quá nhỏ để có ý nghĩa). Mỹ sẽ thu thuế 30% hoặc 25 USD mỗi món, áp dụng từ ngày 2/5.
Động thái này đã lấp lại lỗ hổng tồn tại nhiều năm qua. De minimis là chính sách cho phép các gói hàng dưới một ngưỡng giá trị nhất định được miễn thuế và kiểm tra hải quan. Mức này tại Mỹ là 800 USD.
Các ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc, như Temu, Shein, AliExpress gây dựng mô hình kinh doanh theo lỗ hổng này. Việc nới lỏng quy định và miễn thuế với sản phẩm giá trị thấp cho phép người tiêu dùng mua cả tỷ gói hàng giá rẻ mỗi năm, từ quần áo đến đồ dùng gia đình.
Nguồn:https://vnexpress.net/hang-temu-shein-sap-phai-nop-thue-90-khi-vao-my-4871671.html
Xu hướng tiếp thị – truyền thông
-
Trung Quốc siết chặt quản lý livestream bán hàng
Thống kê của Trung tâm Internet Trung Quốc (CNNIC) cho thấy, tính đến cuối năm 2023, ở nước này có hơn 750 triệu người làm nghề livestream bán hàng và doanh thu từ livestream thương mại điện tử đạt hơn 4,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 700 tỷ USD).
Tuy phát triển mạnh song thị trường livestream bán hàng của Trung Quốc cũng tồn tại nhiều vấn đề như thông tin sai lệch, quảng cáo lố, chất lượng hàng hóa không đồng đều, hay một số KOL dùng chiêu trò gây tranh cãi, thiếu đạo đức nghề nghiệp khiến người tiêu dùng sụt giảm lòng tin.
Do đó, các cơ quan quản lý của Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý thuế, nội dung và hành vi livestream. Theo các quy định của nước này, những người livestream bán hàng phải thông tin chân thực, chính xác, toàn diện về hàng hóa của mình, đồng thời làm rõ nguồn gốc hàng hóa bán ra. Những người nổi tiếng và có ảnh hưởng trong xã hội khi sử dụng hình ảnh cá nhân của mình để tiếp thị, quảng bá cho hàng hóa hay dịch vụ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và có thể bị đưa vào “danh sách đen” cấm bán hàng theo hình thức livestream.
Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc cũng có thể phải chịu trách nhiệm liên đới nếu biết về hành vi vi phạm mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Vì vậy, nhiều nền tảng cũng đang siết chặt kiểm soát chất lượng, xác minh danh tính và giấy phép kinh doanh của người bán hàng, đồng thời tăng cường giám sát nội dung livestream.
Trước việc kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng và nền tảng bán hàng trực tuyến, lĩnh vực livestream bán hàng ở Trung Quốc đang dần đi vào quy củ và có trật tự hơn. Thống kê gần đây cho thấy những vấn đề như quảng cáo sai sự thật hay bán hàng giả, hàng kém chất lượng đang có chiều hướng giảm, hiện chỉ chiếm từ 18 – 27% trong số các vấn đề được người tiêu dùng phản ánh.
Nguồn:https://baomoi.com/trung-quoc-siet-chat-quan-ly-livestream-ban-hang-c51911600.epi
Công nghệ
-
Malaysia thúc đẩy tham vọng AI với trung tâm dữ liệu khổng lồ
Giữa những đồn điền cọ bạt ngàn tại vùng nông thôn Malaysia, những tòa nhà khổng lồ phủ đầy tấm pin mặt trời, hoạt động không ngừng nghỉ để phục vụ cho cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Đây chính là trung tâm dữ liệu của tập đoàn YTL Corporation, một trong những minh chứng rõ nhất về sự chuyển mình ngoạn mục của Malaysia trong cuộc đua điện toán thế kỷ.
Sức hút của Malaysia nằm ở bốn yếu tố then chốt: quan hệ ổn định với Bắc Kinh, giá điện rẻ chỉ bằng 70% so với Singapore, khả năng tiếp cận chip cao cấp bị Mỹ cấm tại Trung Quốc, và vị trí chiến lược để phục vụ thị trường Đông Nam Á đang bùng nổ. Điều này giải thích vì sao các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba Cloud, ByteDance (chủ sở hữu TikTok) đã đổ hàng tỷ USD vào đây.
Tuy nhiên, cơn sốt đầu tư này không phải không có rủi ro. Nổi bật nhất là nguy cơ Malaysia bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung. Về phần mình, Malaysia cũng đang đối mặt với những thách thức về môi trường.
Nguồn:https://www.congluan.vn/malaysia-thuc-day-tham-vong-ai-voi-trung-tam-du-lieu-khong-lo-post341246.html
-
Trung Quốc đổi ý không bán TikTok sau khi bị Mỹ áp thuế 54%
Theo tờ Business Insider ngày 7-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã gần như đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc về việc bán TikTok, nhưng phía Bắc Kinh đã thay đổi quyết định sau khi ông công bố mức thuế nhập khẩu mới đối với Trung Quốc lên tới 54%.
Trước đó vào ngày 4-4, ông Trump tuyên bố sẽ gia hạn thời hạn thêm 75 ngày để ByteDance – công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc – bán lại cổ phần trong ứng dụng này. Nếu không, TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ.
Động thái này của ông Trump là phần tiếp theo của chiến lược sử dụng thuế quan như công cụ đàm phán, gây áp lực buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong thương vụ TikTok.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã lập tức đáp trả bằng cách áp mức thuế 34% đối với tất cả hàng hóa Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ “kiên quyết thực hiện các biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Hiện phía TikTok, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ và văn phòng của ông Trump chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào về sự việc.
Nguồn:https://tuoitre.vn/ong-trump-trung-quoc-doi-y-khong-ban-tiktok-sau-khi-bi-my-ap-thue-54-20250407153951006.htm
-
Trung Quốc đang tiến sát Mỹ trong cuộc đua AI
Mỹ vẫn đang dẫn đầu về số lượng mô hình AI nổi bật với 40 mô hình tiên phong, so với 15 của Trung Quốc và 3 của châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ngày càng bám đuổi sát hơn
Báo cáo Chỉ số AI 2025 của Viện, tổng hợp dữ liệu và xu hướng về ngành công nghiệp AI, phác họa bức tranh của một cuộc đua toàn cầu ngày càng khốc liệt và không còn giới hạn, hướng tới trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) – loại AI vượt xa khả năng của con người.
Báo cáo chỉ ra rằng OpenAI và Google vẫn đang “kẻ tám lạng, người nửa cân” trong nỗ lực xây dựng AI tiên tiến nhất. Tuy nhiên, nhiều công ty khác đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Tại Mỹ, các đối thủ đáng gờm bao gồm mô hình Llama mã nguồn mở của Meta, Anthropic – công ty do cựu nhân viên OpenAI thành lập, và xAI của Elon Musk.
Điều đáng chú ý nhất là theo bảng xếp hạng LMSYS – một tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi, mô hình mới nhất từ DeepSeek của Trung Quốc, R1, đứng gần sát với các mô hình hàng đầu của hai công ty AI Mỹ. Vanessa Parli, giám đốc nghiên cứu tại HAI, nhận định: “Điều này tạo ra một không gian đầy thú vị. Thật tốt khi các mô hình này không chỉ được phát triển bởi vài người ở Silicon Valley”.
Báo cáo của Stanford cho thấy AI Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, với các mô hình từ các công ty Trung Quốc đạt điểm số tương đương với các đối thủ Mỹ trên bảng xếp hạng LMSYS. Trung Quốc cũng vượt Mỹ về số lượng bài báo nghiên cứu AI được công bố và số bằng sáng chế liên quan đến AI được đăng ký, dù báo cáo không đánh giá chất lượng của chúng,…
Nguồn:https://vneconomy.vn/trung-quoc-dang-tien-sat-my-trong-cuoc-dua-ai.htm
Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi
-
Mỹ áp thuế mới, điều gì khiến ngành rau quả Việt Nam ít bị ảnh hưởng?
Ông Đinh Cao Khuê – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam – cho biết, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả của Việt Nam đạt 7,4 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với năm 2023.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ chiếm 360 triệu USD.
Vì vậy, việc Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu 46% đối với sản phẩm từ Việt Nam, theo ông Khuê, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của ngành rau quả.
“Tại Doveco cũng như ngành hàng rau quả nói chung của Việt Nam hiện không có đủ hàng để xuất khẩu. Chỉ riêng mặt hàng dứa chúng tôi đang mua tại Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An những năm trước đây giá chỉ 3.000-4.000 đồng/kg, nay đã lên đến 10.000 đồng/kg vẫn không có để mua”, ông Khuê nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam khẳng định thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục phát triển ổn định.
“Thị trường xuất khẩu rau quả của chúng ta đang phát triển ổn định, với những thị trường lớn và đa dạng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc,… chứ không phụ thuộc vào một thị trường”.
Nguồn:https://vietnamnet.vn/my-ap-thue-moi-dieu-gi-khien-nganh-rau-qua-viet-nam-khong-bi-anh-huong-lon-2388216.html
-
Nông dân miền Trung phấn khởi vì giá ớt cao kỷ lục
Tại Quảng Ngãi, giá ớt hiện dao động từ 65.000 – 72.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, khiến nhiều người trồng ớt không giấu được niềm vui. Bà Trần Thị Thắm, ngụ xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi, cho biết: “Mấy năm trước, giá ớt cao nhất cũng chỉ khoảng 40.000 đồng/kg. Năm nay, lần đầu tiên tôi thấy giá lên đến 72.000 đồng/kg. Gia đình tôi trồng 2 sào ớt, đã thu hoạch được 5 tạ, thương lái thu mua với giá 70.000 đồng/kg. Chỉ mong giá giữ được ở mức này đến cuối vụ để nông dân có lãi”.
Theo nhiều nông dân, năm nay thời tiết khắc nghiệt khiến cây ớt sinh trưởng kém, nhiều diện tích bị sâu bệnh, vàng lá, chết cây, dẫn đến năng suất và sản lượng giảm mạnh. Tuy nhiên, giá ớt đầu vụ tăng cao phần nào giúp nông dân vơi bớt nỗi lo thất thu.
Các thương lái cho biết nguyên nhân khiến giá ớt tăng mạnh là do nhu cầu tiêu thụ lớn từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, giá có thể giảm trong thời gian tới khi bước vào chính vụ thu hoạch.
Tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương có diện tích trồng ớt lớn nhất cả nước, với khoảng 1.000 ha. Tuy nhiên, cây ớt ở đây phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Nguồn:https://nld.com.vn/nong-dan-mien-trung-phan-khoi-vi-gia-ot-cao-ky-luc-196250408213600671.htm
-
Doanh nghiệp thủy sản cần sẵn sàng chuyển hướng xuất khẩu nếu không đàm phán được với Mỹ
Trước nguy cơ Mỹ áp thuế 46%, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất, ổn định tâm lý người nuôi và doanh nghiệp thủy sản cần sẵn sàng chuyển hướng xuất khẩu nếu không đàm phán được thuế với Mỹ.
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt trên 10 tỉ đô la Mỹ. Các thị trường lớn gồm Trung Quốc – Hồng Kông, Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.
Trong khi chờ kết quả đàm phán giữa hai Chính phủ, người dân và doanh nghiệp thủy sản cần tránh tâm lý hoang mang, không thu hoạch ồ ạt hay hạn chế sản xuất, nhằm giữ ổn định kế hoạch và mục tiêu tăng trưởng ngành.
Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề nghị các địa phương sẵn sàng cho kịch bản không thể đàm phán, chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đồng thời tìm kiếm thị trường mới.
Các địa phương cần thúc đẩy phát triển sản phẩm phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi liên kết với hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà hàng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-thuy-san-can-san-sang-chuyen-huong-xuat-khau-neu-khong-dam-phan-duoc-voi-my/
-
Việt Nam tăng mua nông sản Mỹ
Ứng phó với chính sách thuế đối ứng từ chính quyền Tổng thống Donald Trump bằng việc giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Mỹ, một loạt mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ đã được giảm thuế về mức thấp, thậm chí bằng 0%, trong đó có hàng nông sản.
Dù các sản phẩm nông sản Mỹ được giảm thuế vẫn chưa được nhập về Việt Nam nhưng sức mua đối với các sản phẩm này bắt đầu tăng khi nhiều hệ thống siêu thị chủ động khuyến mãi, giảm giá bán. Và dự báo nhập khẩu hàng nông sản Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh thời gian tới.
Ngoài trái cây, mỗi năm Việt Nam cũng chi hàng tỉ USD để nhập nguyên liệu làm nguyên liệu thực phẩm và thức ăn gia súc, như lúa mì, đậu nành, bắp, khô dầu đậu tương… Trong khi đây là những nguyên liệu Mỹ có lợi thế, nhưng lâu nay các doanh nghiệp Việt ít nhập khẩu nguyên liệu này từ Mỹ, chủ yếu mua từ Brazil, Úc, Nga… với thuế suất 0%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị nhập khẩu hàng rau quả ba tháng đầu năm 2025 từ thị trường Mỹ tăng 53,1%. Trong bối cảnh ứng phó với chính sách thuế đối ứng từ chính quyền Tổng thống Donald Trump bằng việc giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Mỹ, Bộ NN&MT dự báo nhập khẩu hàng nông sản Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong quý 2 và thời gian tới.
Nguồn:https://tuoitre.vn/viet-nam-tang-mua-nong-san-my-20250408231642176.htm
Du lịch – Ẩm thực
-
Du lịch – lá chắn kinh tế giữa bão thuế quan
Theo nhận định của bà Widiyanti Putri Wardhana – bộ trưởng du lịch Indonesia, ngành du lịch có thể trở thành công cụ phòng vệ kinh tế hữu hiệu trước chính sách thuế quan của Mỹ và giúp giảm thiểu những rủi ro mà các chính sách này gây ra.
Trong khi đó, Thái Lan cũng thể hiện tham vọng lớn với ngành du lịch khi đặt mục tiêu đón 39 triệu du khách quốc tế và đạt doanh thu 3 triệu tỉ baht vào năm 2025, đồng thời đang đẩy mạnh các chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu này, theo báo The Nation.
Phát triển ngành du lịch không chỉ giúp các quốc gia giảm thiểu sự phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, mà còn tạo cơ hội để thúc đẩy các ngành dịch vụ nội địa.
Trong bối cảnh thuế quan và các chính sách bảo hộ thương mại từ các nền kinh tế lớn như Mỹ đang gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa, du lịch nổi lên như một ngành dịch vụ không bị tác động trực tiếp bởi các biện pháp này. Điều này tạo ra một “lá chắn” kinh tế giúp các quốc gia duy trì sự ổn định trong nền kinh tế.
Lợi ích rõ ràng nhất là sự đóng góp của du lịch vào việc duy trì dự trữ ngoại hối, giảm thiểu sự biến động của tỉ giá hối đoái và bảo vệ sự ổn định của đồng nội tệ.
Tuy nhiên, Đài BBC dẫn lời các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng du lịch, mặc dù có vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế, cũng không phải là một giải pháp vững chắc dài hạn nếu không được phát triển một cách bền vững.
Nguồn:https://tuoitre.vn/du-lich-la-chan-kinh-te-giua-bao-thue-quan-20250408005205418.htm
-
Khách quốc tế đang hủy tour tới Mỹ
Tức giận vì chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đặc biệt lo ngại trước các báo cáo về việc khách du lịch bị bắt giữ tại biên giới, nhiều công dân của các quốc gia đã hủy tour tới Mỹ và chọn đi du lịch ở nơi khác.
Văn phòng Du lịch và lữ hành Quốc gia của chính phủ liên bang đã công bố số liệu sơ bộ vào thứ ba tuần trước cho thấy, lượng khách du lịch nước ngoài đến Mỹ đã giảm 11,6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu trên không bao gồm lượng khách đến từ Canada, dự kiến sẽ báo cáo dữ liệu du lịch vào cuối tuần này, hoặc lượng khách du lịch đường bộ từ Mexico. Tuy nhiên, lượng khách du lịch hàng không từ Mexico đã giảm 23%.
Flight Centre Travel Group Canada, một trang web đặt vé du lịch, cho biết lượng đặt vé giải trí đến các điểm đến tại Mỹ đã giảm 40% vào tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Air Canada đã cắt giảm lịch trình các chuyến bay mùa xuân đến Florida, Las Vegas và Arizona do nhu cầu thấp.
Marco Jahn, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của New World Travel, công ty tại California cho biết lượng đặt phòng đã giảm từ 20% đến 50%, tùy thuộc vào thị trường nguồn, trong 8 đến 10 tuần qua. Ông lưu ý rằng sự sụt giảm đặc biệt từ Scandinavia, nơi ông Trump liên tục đe dọa sẽ kiểm soát Greenland, một vùng lãnh thổ tự quản của đồng minh NATO là Đan Mạch, đã gây phản cảm cho người dân.
Nguồn:https://thanhnien.vn/khach-quoc-te-dang-huy-tour-toi-my-185250409102153338.htm
Đầu tư – tài chính
-
Thị trường M&A và IPO ‘khựng’ lại vì thuế quan
Hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp và chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) bị hoãn lại giữa mối lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái do tác động của cuộc chiến thuế quan mà Tổng thống Donald Trump phát động.
Theo các nguồn thạo tin, công ty công nghệ tài chính Klarna Bank (Thụy Điển) và nền tảng giao dịch tài chính eToro (Israel) đều đã dừng kế hoạch IPO tại Mỹ. Ngoài ra, ngân hàng số Chime, nền tảng bán vé trực tuyến StubHub, công ty công nghệ quảng cáo MNTN, hãng bảo hiểm Ategrity Specialty, công ty thiết bị y tế Medline Industries cũng hành động tương tự,…
Các quyết định trên đưa ra trong bối cảnh các điều kiện thị trường trở nên xấu đi rõ rệt, với thị trường chứng khoán Mỹ trải qua các phiên giảm điểm tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19 do mối lo ngại thuế quan.
Một chuyên gia ngân hàng cấp cao cho biết, trong môi trường hiện nay, rất khó để hoàn tất bất kỳ thỏa thuận nào vì chi phí nợ dự kiến tăng và khó xác định mức định giá của các công ty.
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/thi-truong-ma-va-ipo-khung-lai-vi-thue-quan/
-
Các đồng tiền châu Á tăng giá tốt hơn đồng đô xanh giữa bão thuế đối ứng
Các loại tiền tệ châu Á đã thể hiện “sức mạnh”, tăng giá tốt hơn đồng đô la trong năm ngày qua sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng hôm 2-4. Tuy vậy, nhóm các đồng tiền Đông Nam Á có vẻ yếu hơn các loại tiền tệ Đông Bắc Á.
Đồng yen Nhật, một trong những tài sản trú ẩn an toàn, đã tăng giá hơn 2% so với đồng đô la kể trong năm ngày qua. Trong khi đó, tiền tệ của các thị trường mới nổi châu Á cũng đang giữ giá tốt hơn đồng đô la.
Các loại tiền tệ của Đài Loan, Singapore, Hồng Kông và Hàn Quốc đã tăng giá so với đồng đô la kể từ hôm 2-4. Các loại tiền tệ của các quốc gia Đông Nam Á đã mất giá so với đồng đô la, nhưng ít hơn mức giảm của chỉ số đô la.
Nguồn:https://bsaonline.vn/cac-dong-tien-chau-a-tang-gia-tot-hon-dong-do-xanh-giua-bao-thue-doi-ung/
Thị trường xuất nhập khẩu
-
Ngành gỗ Việt Nam mong muốn nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ
Trung Quốc đã cấm nhập gỗ tròn, gỗ xẻ từ Hoa Kỳ (mỗi năm ước tính khoảng 2 tỷ USD), vì vậy Hoa Kỳ đang tìm đầu ra cho ngành hàng xuất khẩu này. Do đó, ngành gỗ Việt nam mong muốn sẽ nhập khẩu khối lượng gỗ tròn và gỗ xẻ này từ Hoa Kỳ để phục vụ chế biến gỗ, sau đó xuất khẩu đồ gỗ thành phẩm sang Hoa Kỳ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết Việt Nam có ngành chế biến gỗ và xuất khẩu đồ gỗ rất mạnh, tuy nhiên sản lượng gỗ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, hàng năm Việt Nam đang phải nhập khẩu khối lượng gỗ nguyên liệu rất lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia cung cấp đồ nội thất lớn thứ hai cho Hoa Kỳ – một bước phát triển đột phá. Điều đó cũng khiến ngành gỗ Việt Nam trở thành đối tượng bị theo dõi sát sao hơn. Tuy nhiên, ngành gỗ Việt Nam dù đã nhiều lần trải qua các đợt điều tra từ phía Hoa Kỳ nhưng đến nay vẫn đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác kỹ thuật, đảm bảo gỗ khai thác hợp pháp.
Gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ luôn đảm bảo yêu cầu về gỗ hợp pháp, vì vậy ngành gỗ Việt Nam đang hướng đến nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nguồn này. Hàng năm, Việt Nam chi hơn 300 triệu USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ (chủ yếu là các loại gỗ sồi, gỗ tần bì), được dùng để chế biến thành sản phẩm đồ gỗ rồi tái xuất trở lại Hoa Kỳ.
Nguồn:https://vneconomy.vn/nganh-go-viet-nam-mong-muon-nhap-khau-go-nguyen-lieu-tu-hoa-ky.htm
-
Thuế đối ứng của Mỹ bắt đầu có hiệu lực, Trung Quốc chịu mức 104%
Theo thông báo từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP), cơ quan này đã bắt đầu thực thi các mức thuế quan mới theo lệnh của Tổng thống Trump từ 0h01 ngày 9/4 theo giờ Mỹ, tức 11h01 cùng ngày theo giờ Việt Nam.
Một quan chức Nhà Trắng xác nhận, mức thuế mới bao gồm cả mức 104% mà ông Trump ấn định sau khi Trung Quốc có động thái đáp trả thuế quan nhằm vào Washington.
Các thị trường trên toàn cầu đã bốc hơi hàng nghìn tỷ USD trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại trước làn sóng bất ổn và thiếu chắc chắn. Hiện thế giới đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo sau khi kế hoạch thuế mới của Tổng thống Trump chính thức có hiệu lực.
Ông Trump cho biết Mỹ sẽ sớm công bố mức thuế mới áp dụng với ngành dược phẩm – nhằm buộc các công ty dược rút khỏi Trung Quốc và xây dựng năng lực sản xuất trong nước. Trong thông báo tuần trước của ông Trump, dược phẩm thuộc diện được miễn thuế. Tuy nhiên, phần lớn chuỗi cung ứng dược phẩm hiện nay được đặt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu.
Nguồn:https://vtv.vn/kinh-te/thue-doi-ung-cua-my-bat-dau-co-hieu-luc-trung-quoc-chiu-muc-104-20250409120645475.htm
-
Doanh nghiệp Việt – Mỹ gửi thư chung đến Bộ trưởng Thương mại Mỹ về thuế đối ứng
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) ngày 5-4 đã gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Mỹ, kêu gọi Chính quyền Tổng thống Trump tạm hoãn việc áp thuế đối ứng nhằm tránh gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng xấu tới giao dịch thương mại trước đó và làm xáo trộn chuỗi logistics.
“Việc giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng như đối với các hàng hóa phục vụ người tiêu dùng Mỹ mới chính là yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ. Tăng thuế sẽ không mang lại hiệu quả tương tự.” – bức thư nhấn mạnh.
Thư cũng khẳng định Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Trong bối cảnh tầng lớp trung lưu Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực nông sản, hàng không, năng lượng, thiết bị, dược phẩm, công nghệ và nhiều ngành khác là vô cùng to lớn, qua đó tạo thêm việc làm và sự thịnh vượng cho Mỹ. Bức thư nhấn mạnh rằng nền kinh tế của hai nước có tính bổ trợ cao, thay vì cạnh tranh trực tiếp.
Nguồn:https://nld.com.vn/doanh-nghiep-viet-my-gui-thu-chung-den-bo-truong-thuong-mai-my-ve-thue-doi-ung-196250406193421172.htm
-
Tỉ phú Elon Musk “vỗ mặt” cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Donald Trump
CNBC hôm 8-4 cho biết trong bối cảnh trên, ông Musk đã buông lời chỉ trích cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Donald Trump là Peter Navarro.
Ông chủ Tesla viết trên mạng xã hội X: “Bằng tiến sĩ kinh tế của Harvard là điều tồi tệ, không phải điều tốt” – ám chỉ đến bằng cấp của ông Navarro.
Theo Washington Post, ông Musk đã ngăn cản Tổng thống Donald Trump thực thi chính sách thuế quan song không thành công.
Cổ phiếu của Tesla đã giảm 22% trong 4 phiên giao dịch vừa qua và 45% trong năm. Hôm 8-4, Tesla báo cáo mức giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái về lượng xe giao trong quý đầu tiên năm nay.
Tổng thống Donald Trump trước đó cũng đã áp thuế 25% đối với những chiếc xe không được lắp ráp tại Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng Tesla có thể chịu được mức thuế đó tốt hơn những đối thủ cạnh tranh vì xe của hãng này bán tại Mỹ đều được lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, chi phí sản xuất của Tesla đang có nguy cơ tăng lên do thuế quan đối với vật liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Nguồn:https://nld.com.vn/ti-phu-elon-musk-vo-mat-co-van-thuong-mai-hang-dau-cua-tong-thong-donald-trump-196250409100459063.htm
-
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chuẩn bị gặp Boeing, SpaceX, Apple, chờ Vietjet ký hợp đồng trăm triệu USD
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trong chiều ngày 9/4 giờ Mỹ, tức là sáng sớm 10/4 giờ Việt Nam thảo luận về chính sách thuế đối ứng.
Ngay sau cuộc gặp trên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự kiến sẽ gặp các lãnh đạo của hãng máy bay Boeing và tham dự lễ ký kết thỏa thuận giữa hãng hàng không VietJet và quỹ đầu tư KKR.
Thông tin từ Reuters, VietJet sẽ ký một thỏa thuận tài chính trị giá 200 triệu USD với một đối tác của quỹ đầu tư KKR, với sự tham dự của nhà sản xuất máy bay Boeing. Thỏa thuận tài chính này nhằm hỗ trợ hoạt động mua máy bay của Vietjet.
Reuters cũng cho biết VietJet đang cân nhắc đặt thêm 20 máy bay thân rộng Boeing 787 nhằm mở rộng đội bay phục vụ các đường bay quốc tế.
Hôm sau, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự kiến sẽ gặp các giám đốc điều hành của SpaceX. Công ty của tỷ phú Elon Musk dự định cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam, sau khi vượt qua các quy định nghiêm ngặt về hạn chế sở hữu nước ngoài.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự kiến sẽ làm việc với các công ty Mỹ khác có hoạt động sản xuất tại Việt Nam, bao gồm Intel và Coca-Cola.
Nguồn:https://markettimes.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-chuan-bi-gap-boeing-spacex-apple-cho-vietjet-ky-hop-dong-tram-trieu-usd-80476.html
BSAi