Thị trường và bán lẻ

  •  Đơn hàng mới của nhiều nhà máy tại châu Á sụt giảm
Trong tháng 1, hoạt động sản xuất ở các nhà máy trên khắp châu Á chậm lại vì nhu cầu suy giảm ngay trước khi Tổng thống Donald Trump khởi động chiến dịch áp thuế quan với Mexico, Canada và Trung Quốc. Tại Việt Nam, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục giảm, xuống còn 48,9 điểm khi đơn hàng mới của các nhà máy giảm lần đầu tiên sau 4 tháng.
Thuế quan mới sẽ làm đảo lộn hoạt động thương mại toàn cầu, dù có thể chuyển nhu cầu sản xuất sang nhiều nước trên khắp châu Á khi các công ty tìm cách né thuế quan. Ông Trump cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm bị áp thuế, báo hiệu cuộc chiến thương mại sẽ mở rộng.
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/don-hang-moi-cua-nhieu-nha-may-tai-viet-nam-sut-giam/ 
  • Temu buộc phải hoàn trả tiền cho khách hàng do dừng hoạt động
Thông tin do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố. Cơ quan này cho biết, sau khi Temu tạm dừng hoạt động, các đơn hàng đã đặt cũng bị ngừng giao về Việt Nam. Ứng dụng này được yêu cầu thông báo xin lỗi và thực hiện chính sách hoàn tiền cho khách hàng. Đến thời điểm này, Temu đã hoàn toàn bộ số tiền cho khách hàng theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Trường hợp nếu khách đặt nhưng Temu chưa giao được hàng, sàn thương mại điện tử này sẽ hoàn lại 2 khoản tiền cho khách. Khoản thứ nhất sẽ được hoàn đủ 100% qua tài khoản ngân hàng; khoản thứ hai được coi là bồi thường vì đơn hàng không giao như kế hoạch, trả vào chính tài khoản Temu của khách theo tỷ lệ phần trăm quy định, tương ứng với giá trị đơn hàng.
Tuy nhiên, khách không thể rút ra khoản tiền hoàn về tài khoản Temu. Khoản này tương đương với một mã giảm giá cho khách sử dụng mua hàng sau này, khi sàn hoạt động trở lại.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ thời điểm sàn Temu sẽ hoạt động trở lại tại Việt Nam. Theo quy định, chỉ khi Temu hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép đầy đủ và hợp lệ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mới có thể xem xét, cấp phép hoạt động cho nền tảng này.
Nguồn:https://baomoi.com/temu-buoc-phai-hoan-tra-tien-cho-khach-hang-do-dung-hoat-dong-c51436883.epi 
  • Bloomberg: Shein ra ưu đãi để đối tác Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam
Thương hiệu thời trang nhanh Shein được cho là đang khuyến khích các nhà cung cấp Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền ông Trump đang đưa ra các chính sách bất lợi cho hàng hóa của Bắc Kinh.
Việc mở rộng nguồn cung ngoài Trung Quốc giúp Shein tránh được mức thuế cao của ông Trump đối với hàng hóa Bắc Kinh, đồng thời ứng phó với khả năng chính quyền Trump 2.0 xóa bỏ chính sách “de minimis” – miễn thuế cho hàng Trung Quốc giá rẻ vào Mỹ.
Cả Shein và đối thủ Temu đều phụ thuộc vào chính sách “de minimis”, theo đó các gói hàng nhỏ lẻ trị giá dưới 800 USD từ Trung Quốc được miễn thuế khi nhập khẩu vào Mỹ.
Để thuyết phục những đối tác Trung Quốc lớn mở dây chuyền sản xuất mới ở Việt Nam, Shein đã đề xuất các ưu đãi như sẽ đưa ra giá mua hàng cao hơn từ 15-30%, và cam kết sẽ có các đơn đặt hàng lớn hơn.
Bên cạnh đó, Shein cũng sẽ chấp nhận cho các nhà cung cấp này có thời gian sản xuất dài hơn, cũng như hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất và vận chuyển vải từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo các nguồn tin, các ưu đãi này chỉ được áp dụng trong những tháng đầu tiên trong quá trình các nhà cung cấp thiết lập nhà máy tại Việt Nam, không phải là các ưu đãi vĩnh viễn.
Nguồn:https://tuoitre.vn/bloomberg-shein-ra-uu-dai-de-doi-tac-trung-quoc-chuyen-dich-san-xuat-sang-viet-nam-2025021014574494.htm 
  • Đồ uống không cồn đang trở thành ngành kinh doanh sinh lợi
Sau những ngày lễ hội no say dịp cuối năm, gần 1/3 người Mỹ dự kiến sẽ từ bỏ hoặc ít nhất là cắt giảm rượu trong tháng 1. Nhiều người sẽ tiết kiệm được tiền từ việc này, số khác sẽ giảm cân. Nhưng vẫn có nhiều người người vẫn sẽ tiếp tục uống loại đồ uống yêu thích của họ hoặc ít nhất là một thứ gì đó gần giống như vậy.
Nhu cầu về đồ uống không cồn không chỉ giới hạn ở Tháng Một Không Bia Rượu (Dry Januaty). Ngày càng có nhiều thanh thiếu niên có ý thức về sức khỏe không muốn đụng đến đồ uống có cồn trong suốt cả năm. Theo số liệu mới nhất từ ​​công ty khảo sát Gallup, tỷ lệ người Mỹ trong độ tuổi 18-34 uống rượu đã giảm xuống còn 62% so với 72% của hai thập kỷ trước. Nhiều người uống rượu đang uống ít hơn hoặc xen kẽ giữa đồ uống có cồn và không cồn. 
Để ứng phó với tất cả những điều này, các ông lớn trong ngành rượu đã phát triển các dòng sản phẩm không cồn. Tuy nhiên, việc tạo ra đồ uống không cồn nhưng vẫn phải giữ nguyên mùi vị không phải là điều dễ dàng.
Hiện tại, doanh số bán rượu đạt 1,8 nghìn tỉ USD trên toàn cầu vào năm 2023, hầu như không hề giảm.
Nguồn:Đồ uống không cồn đang trở thành ngành kinh doanh sinh lợi 

Xu hướng tiếp thị – truyền thông

  •  YouTube phá vỡ kỷ lục doanh thu quảng cáo
YouTube đã đạt cột mốc doanh thu ấn tượng khi thu về tới 10,47 tỷ USD chỉ trong quý cuối cùng của năm 2024, trở thành nền tảng có lợi nhuận cao nhất trong một quý chỉ từ quảng cáo.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, nền tảng chia sẻ video thuộc sở hữu của Google ghi nhận tổng doanh thu khoảng 36,2 tỷ USD trong năm 2024. Con số này hoàn toàn đến từ quảng cáo, chưa bao gồm doanh thu từ đăng ký YouTube Premium và YouTube TV. Điều đó có nghĩa là tổng thu nhập thực tế của YouTube còn cao hơn đáng kể so với mức được công bố.
Nguồn:https://vneconomy.vn/youtube-pha-vo-ky-luc-doanh-thu-quang-cao.htm 
  • Muôn hình vạn trạng khi ngân hàng tham gia đường đua livestream
Nhắc đến livestream, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những phiên live bán hàng với ưu đãi khủng, doanh số hàng chục tỷ đồng… Vậy với những ngành hàng đặc thù như ngân hàng liệu livestream sẽ có hình hài ra sao?
MBBank là một trong những ngân hàng đã biến livestream thành công cụ chăm sóc khách hàng khi giúp họ hoàn thành các thủ tục hành chính. Điển hình là phiên livestream trao thưởng 1 tỷ đồng cho khách hàng cập nhật sinh trắc học/CCCD trên ứng dụng MBBank.
BIDV tận dụng livestream để giới thiệu tính năng AI trên website thương hiệu giúp khách hàng chọn số tài khoản theo phong thủy, cung hoàng đạo. Trong livestream, khách hàng được hướng dẫn cách nhập thông tin cá nhân để AI phân tích và đề xuất dãy số tài khoản phù hợp, thậm chí có thể làm thơ hoặc bài hát dựa trên số tài khoản.
Còn VIB tiếp tục chọn một hướng đi khác biệt: livestream bán bất động sản phát mãi. Trong phiên livestream kéo dài 5 tiếng, ngân hàng đã giới thiệu 16 tài sản tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu,…
Nguồn:Muôn hình vạn trạng khi ngân hàng tham gia đường đua livestream | bởi Marketing Đó Đây | Brands Vietnam

Công nghệ

  •  Google hủy bỏ cam kết không sử dụng AI cho vũ khí, giám sát
Mới đây Google đã cập nhật bộ “Nguyên tắc AI” mới, trong đó công ty bỏ qua cam kết trước đây về việc không sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển ứng dụng gây hại, chẳng hạn như vũ khí hay công cụ giám sát.
Một số nguyên tắc cập nhật phản ánh đúng tham vọng ngày càng lớn của Google trong việc cung cấp công nghệ và dịch vụ AI cho người dùng và khách hàng, bao gồm cả chính phủ các nước. 
Năm ngoái, Google chấm dứt hợp đồng với hơn 50 nhân viên sau cuộc biểu tình phản đối Dự án Nimbus, hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD với Amazon, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, AI cho chính phủ và quân đội Israel. Ban lãnh đạo công ty khẳng định hợp đồng này không vi phạm bất kỳ nguyên tắc AI nào của công ty.
Nguồn:https://vneconomy.vn/google-huy-bo-cam-ket-khong-su-dung-ai-cho-vu-khi-giam-sat.htm 
  • CEO Sam Altman thừa nhận thời hoàng kim của ChatGPT đã qua
Mới đây, ông Altman cùng một số giám đốc điều hành khác của OpenAI đã chia sẻ về tình hình hiện tại và kế hoạch tương lai của công ty trong phiên hỏi đáp trực tiếp trên Reddit tuần trước, nơi họ thẳng thắn trao đổi với giới đam mê công nghệ về nhiều chủ đề khác nhau.. Lãnh đạo OpenAI nhìn nhận rằng công ty đã “đi sai hướng trong lịch sử” khi phát triển mô hình AI mã nguồn mở, theo Yahoo Tech.
Theo đó, Giám đốc Điều hành OpenAI, Sam Altman, thừa nhận rằng công ty đang mất dần lợi thế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) sau sự xuất hiện của công ty công nghệ Trung Quốc DeepSeek và mô hình lý luận R1. Tuy nhiên, ông Altman khẳng định OpenAI vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong ngành công nghiệp này.
Nguồn:https://vneconomy.vn/ceo-sam-altman-thua-nhan-thoi-hoang-kim-cua-chatgpt-da-qua.htm 
  • Dữ liệu khách hàng và sự tồn vong của doanh nghiệp 4.0
Mạng xã hội Việt Nam gần đây truyền tay nhau bức ảnh được cho là của một lễ tân khách sạn chụp lại thông tin khách hàng đặt phòng qua ứng dụng Booking.com. Bất ngờ hơn là trên mảnh giấy đó còn ghi rõ cả số thẻ tín dụng, ngày hết hạn và mã số CVC. Điều đó có nghĩa là chỉ cần với dụng ý xấu, người lễ tân có thể dễ dàng chiếm đoạt số tiền bên trong thẻ.
Câu chuyện rò rỉ dữ liệu khách hàng vốn dĩ không còn quá xa lạ trong thời đại số. Trên thế giới, rất nhiều vụ việc đã xảy ra như mới đây nhà mạng AT&T thừa nhận lộ 73 triệu khách hàng, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số an sinh xã hội. Các gã khổng lồ khác còn từng “gặp hạn” lớn hơn, như Yahoo (3 tỉ tài khoản), Alibaba (1,1 tỉ tài khoản), LinkedIn (700 triệu tài khoản), Facebook (533 triệu tài khoản)(1)…
Từ Tây sang ta, Việt Nam cũng nhanh chóng… bắt kịp trend không ai mong muốn này. VNG lộ 163 triệu tài khoản, Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh để lộ 5 triệu email và thông tin thẻ thanh toán, Vietnam Airlines lộ 411.000 tài khoản thành viên Bông Sen Vàng.
Không chỉ các tập đoàn lớn, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đối mặt với nguy cơ rò rỉ. Việc sử dụng các hệ thống bảo mật yếu kém, phần mềm “lậu”, nhân viên thiếu kiến thức, hoặc thậm chí, lưu trữ thông tin khách hàng trên các thiết bị cá nhân, đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/du-lieu-khach-hang-va-su-ton-vong-cua-doanh-nghiep-4-0/ 
  • Hé lộ cuộc đua AI đầy ‘khốc liệt’ vào năm 2025
Năm 2024, các tập đoàn công nghệ lớn đẩy mạnh đầu tư AI. Xu hướng này tiếp tục tăng vào 2025, với Meta, Amazon, Alphabet và Microsoft dự kiến chi 320 tỷ USD, cao hơn mức 230 tỷ USD năm 2024, nhằm phát triển AI và mở rộng hạ tầng dữ liệu.
Amazon đang dẫn đầu cuộc đua về đầu tư AI với kế hoạch chi hơn 100 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức 83 tỷ USD của năm trước. Tương tự, Microsoft cũng không kém cạnh khi lên kế hoạch chi 80 tỷ USD trong năm tài chính 2025 để xây dựng các trung tâm dữ liệu AI. Trong khi đó, Alphabet dự kiến chi 75 tỷ USD cho AI và cơ sở hạ tầng công nghệ trong năm nay, với khoảng 16-18 tỷ USD được đầu tư ngay trong quý đầu tiên. Ngoài ra, CEO Mark Zuckerberg của Meta đặt mục tiêu chi 60-65 tỷ USD vào AI trong năm 2025.
Bên cạnh bốn gã khổng lồ kể trên, các thành viên khác của nhóm “Magnificent Seven” như Apple, Tesla và Nvidia cũng đang đầu tư đáng kể vào AI, dù theo những cách khác nhau.
Nguồn:https://baomoi.com/he-lo-cuoc-dua-ai-day-khoc-liet-vao-nam-2025-c51432935.epi
  •  Người dùng được khuyến cáo gỡ ứng dụng DeepSeek khỏi iPhone
Hãng bảo mật di động NowSecure gần đây đã phát hiện ra ứng dụng DeepSeek có một số vấn đề nghiêm trọng liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư mà người dùng iPhone cần lưu ý. Cụ thể, ứng dụng này được phát hiện có các lỗ hổng nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho cá nhân, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp.
Các vấn đề liên quan đến ứng dụng DeepSeek:
  • Truyền dữ liệu không an toàn gây rủi ro về quyền riêng tư.
  • Lỗ hổng bảo mật do sử dụng khóa mã hóa cứng.
  • Chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba như ByteDance.
  • Phân tích và lưu trữ dữ liệu tại máy chủ DeepSeek ở Trung Quốc.
NowSecure cho rằng những vấn đề này có thể dẫn đến nhiều lo ngại, gồm mất mát sở hữu trí tuệ và dữ liệu nhạy cảm; tính toàn vẹn của dữ liệu bị xâm phạm; theo dõi và giám sát từ việc thu thập dữ liệu; mất quyền kiểm soát dữ liệu gửi đến và quản lý tại Trung Quốc.
Nguồn:https://baomoi.com/nguoi-dung-duoc-khuyen-cao-go-ung-dung-deepseek-khoi-iphone-c51435728.epi 
  • AI năm 2025 dưới góc nhìn của các nhà lãnh đạo kinh tế hàng đầu
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi cuối tháng 1 ở Davos, Thụy Sĩ, nhóm biên tập viên Yahoo Finance, đã thực hiện phỏng vấn quan điểm của một số nhà lãnh đạo kinh tế về tương lai của AI và lực lượng lao động.
Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch Morgan Stanley Ted Pick coi AI là công cụ để xử lý công việc tẻ nhạt, chẳng hạn như ghi chép. Nhưng cuối cùng, AI không thể thay thế con người – yếu tố làm nên sự phát triển của nhiều doanh nghiệp.
Giám đốc Điều hành Nasdaq Adena Friedman đồng quan điểm, cho rằng sức hút lớn nhất của AI là khả năng xử lý các công việc nhàm chán.
Nhà kinh tế học Nouriel Roubini, hay còn được gọi là “Tiến sĩ Doom”, có góc nhìn kém lạc quan hơn về tương lai AI trong lĩnh vực kinh doanh. Mặc dù nhiều người coi AI là công cụ hữu ích để loại bỏ công việc tẻ nhạt, nhưng ông tin rằng sự phát triển nhanh chóng của AI vượt xa khả năng tạo ra công việc mới trong xã hội.
Nguồn:https://baomoi.com/ai-nam-2025-duoi-goc-nhin-cua-cac-nha-lanh-dao-kinh-te-hang-dau-c51455065.epi 

Xu hướng Xanh – Bền vững

  •  Hướng đi nào cho dệt may Việt Nam trước yêu cầu phát triển xanh và bền vững?
Ngành dệt may, một trong những trụ cột xuất khẩu của nền kinh tế, đang đứng trước những yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn chuyển đổi sang nền công nghiệp xanh, sạch, với giá trị gia tăng cao. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, cần có quy hoạch và chính sách phù hợp, đưa ngành tiếp tục vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển ngành dệt may theo hướng bền vững. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển xanh và tăng giá trị gia tăng, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) cho rằng, cần có chiến lược quy hoạch rõ ràng, định hướng phát triển các khu công nghiệp tập trung thay vì mô hình phân tán. Đồng thời, cần chính sách thúc đẩy thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ thời trang, giống như các ngành công nghiệp khác.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có tỷ lệ chi phí logistics trên tổng giá thành sản phẩm cao nhất trong số 7 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Do vậy, cải thiện logistics và giảm chi phí vận chuyển là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành cần có chính sách hỗ trợ về tài chính xanh, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần đẩy mạnh quy hoạch chuyên ngành, thu hút đầu tư quy mô lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nguồn:https://nhandan.vn/huong-di-nao-cho-det-may-viet-nam-truoc-yeu-cau-phat-trien-xanh-va-ben-vung-post859119.html 
  • Việt Nam sản xuất vải giảm phát thải từ men trà kombucha
Nhóm nghiên cứu Đại học RMIT Việt Nam thông báo làm thành công ví và vải bạt vẽ, hai thành phẩm mới nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vải thời trang từ men kombucha nhằm thay thế cho các loại sợi thông thường.
Vải làm loại nguyên liệu này có độ bền hơn cotton khoảng 10 lần, theo nghiên cứu của Đại học RMIT Việt Nam. Vật liệu này hoàn toàn tự nhiên, không độc hại tới môi trường trong quá trình sản xuất và có thể phân hủy sinh học khi hết vòng đời sử dụng.
Tuy nhiên, thách thức với sản xuất vải từ men trà kombucha là quy mô và hiệu quả. “Đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách mở rộng quy mô chế tạo cellulose vi khuẩn lên mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất quần áo lớn”, đại diện nhóm nghiên cứu nói.
Vị này cũng thêm rằng quá trình lên men đòi hỏi nhiều nước, không thể tái sử dụng bởi có tính axit. Ngoài ra, sợi từ cellulose vi khuẩn khó đạt độ bền và đàn hồi cao như một số vải sợi tổng hợp.
Nguồn:https://vnexpress.net/viet-nam-san-xuat-vai-giam-phat-thai-tu-men-tra-kombucha-4848333.html 

Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  •   Sản xuất nông lâm ngư nghiệp khởi đầu thuận lợi
Tháng 1/2025, diện tích gieo trồng lúa đông xuân tăng, chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá. Nhờ vậy, đã phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua…
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/1/2025, cả nước gieo cấy được 2.020,2 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 103,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 217,7 nghìn ha, bằng 141,4% do nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ gieo cấy trước Tết Nguyên đán.
Đối với ngành chăn nuôi, chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định, người dân mở rộng quy mô đàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm. Trong khi đó, chăn nuôi trâu, bò tiếp tục xu hướng giảm.
Đối với ngành thuỷ sản, sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng 1/2025 ước đạt 329,2 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước,  bao gồm: Cá đạt 241,1 nghìn tấn, tăng 5,5%; tôm đạt 46,8 nghìn tấn, tăng 4,9% so với tháng 1/2024.
Nguồn:https://vneconomy.vn/san-xuat-nong-lam-ngu-nghiep-khoi-dau-thuan-loi.htm 
  • Sầu riêng rớt giá chỉ còn 40.000 đồng/kg, nguyên nhân được xác định
Giá sầu riêng tại Việt Nam đã giảm mạnh do Trung Quốc siết chặt kiểm định chất vàng O, làm tăng thời gian và chi phí xuất khẩu. Trong tháng 1/2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 374 triệu USD, giảm 29% so với tháng trước và 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là vụ nghịch mùa của nhiều loại trái cây chủ lực như mít, xoài, sầu riêng, cộng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Giá sầu riêng tại Đồng bằng Sông Cửu Long giảm mạnh so với tháng 12/2024. Cụ thể, Ri6 đẹp dao động 70.000-90.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; Ri6 xô còn 55.000-70.000 đồng/kg, giảm 10.000-15.000 đồng/kg. Sầu riêng Thái loại đẹp giảm 20.000 đồng/kg, còn 100.000-120.000 đồng/kg, trong khi loại xô chỉ còn 60.000-100.000 đồng/kg, giảm 25.000 đồng/kg. Tại Tây Nguyên, Ri6 loại I giảm 15.000 đồng/kg, còn 65.000-85.000 đồng/kg, và Thái MonThong giảm 20.000 đồng/kg, còn 70.000-115.000 đồng/kg.
Dự kiến xuất khẩu rau quả tăng trở lại từ tháng 2, nhưng mức tăng không lớn. Đến cuối tháng 1, Việt Nam có 9 trung tâm kiểm nghiệm vàng O được Trung Quốc công nhận. Dù gặp khó khăn ngắn hạn, xuất khẩu sầu riêng vẫn có triển vọng tích cực, với kim ngạch dự báo đạt 3,6-3,8 tỷ USD vào năm 2025, tăng 13-15% so với năm trước. Tổng xuất khẩu rau quả cũng dự kiến đạt hơn 8 tỷ USD, tăng gần 15%.
Nguồn: https://znews.vn/sau-rieng-rot-gia-chi-con-40000-dongkg-nguyen-nhan-duoc-xac-dinh-post1530545.html 
  •  Nhiều quy định mới nghiêm ngặt hơn, hàng nông sản xuất khẩu EU vướng thêm rào cản
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững.
Trong đó, các quy định mới ảnh hưởng đến nông sản tươi là yêu cầu giảm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Cụ thể, EU quy định nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs) nghiêm ngặt. Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu.
Ví dụ, theo quy định 2023/915, mức dư lượng cadmium tối đa được giảm cho các loại trái cây như dâu, cam, quýt, xoài, chuối và dứa. Các siêu thị Bắc Âu thường yêu cầu tiêu chuẩn riêng, khắt khe hơn so với quy định của EU.
Hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cũng cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate). Chứng nhận này đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại.
EU cũng áp dụng tỉ lệ kiểm tra cao hơn đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao từ một số quốc gia. 
Nguồn:https://tuoitre.vn/nhieu-quy-dinh-moi-nghiem-ngat-hon-hang-nong-san-xuat-khau-eu-vuong-them-rao-can-20250207114914903.htm 
  • Bị Trung Quốc trả về 60 tấn sầu riêng nhiễm hóa chất, Thái Lan lập tức hành động
Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã dừng hoạt động xuất khẩu của 26 cơ sở đóng gói sầu riêng sau một diễn biến không mấy dễ chịu từ Trung Quốc: hơn 64 tấn sầu riêng bị nhiễm hoá chất phẩm màu có nguy cơ gây ung thư cao là chất Vàng O (còn gọi là Basic Yellow 2 – BY2) đã bị trả lại sau khi xuất khẩu sang nước này.
Lô hàng trị giá 12 triệu này cũng đã bị tiêu huỷ bằng cách chôn lấp tất cả hôm 7/2, trước sự chứng kiến của các cơ quan báo chí.
Chaisak Rinkluan, thuộc Cục kiểm soát Thực vật và Vật liệu Nông nghiệp đã trực tiếp đưa các phóng viên đi chứng kiến quá trình chôn lấp hơn 64 tấn sầu riêng – một việc đưa cho không mấy vui vẻ, nhưng cần thiết của ngành nông nghiệp nước này.
Các cơ quan kiểm tra thực vật của Thái Lan hiện cũng bắt tay vào việc kiểm tra chất lượng 100% đối với các loại sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Họ muốn tinh chỉnh hệ thống giám sát, đảm bảo lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Giờ đây, các mẫu vật sầu riêng sẽ được kiểm tra trong phòng thí nghiệm 2 lần trước khi đem xuất khẩu nhằm xác định bất cứ dư lượng BY2 nào.
Nguồn:https://cafef.vn/bi-trung-quoc-tra-ve-60-tan-sau-rieng-nhiem-hoa-chat-thai-lan-lap-tuc-hanh-dong-188250208164309519.chn 
  • Trung Quốc vung 7 tỷ USD mua sầu riêng, làm ‘chuệch choạc’ phải chỉnh ngay
Với giá trị nhập khẩu lên tới gần 7 tỷ USD, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng rất quan trọng với Việt Nam. Do đó, ông yêu cầu các doanh nghiệp làm “chuệch choạc” phải chấn chỉnh ngay.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, thị phần sầu riêng Việt trong tổng lượng nhập của Trung Quốc tăng mạnh lên 47,2% về lượng và 42% về giá trị, sắp bắt kịp đối thủ cạnh tranh Thái Lan.
Thế nhưng, những tháng gần đây, sầu riêng của nước ta xuất khẩu bị hải quan Trung Quốc cảnh báo một số lô hàng không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó còn tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế… Từ đó, lừa đảo doanh nghiệp, qua mặt các cơ quan chức năng nhằm trục lợi, thông quan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Mới đây, ngoài kim loại nặng, Trung Quốc còn siết chặt kiểm tra chất vàng O với 100% các lô hàng sầu riêng nhập khẩu vào thị trường này. 
Nguồn:https://vietnamnet.vn/trung-quoc-vung-7-ty-usd-mua-sau-rieng-dn-lam-chuech-choac-phai-chinh-ngay-2370003.html 
  • Giá gạo Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất thế giới, vì sao?
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ còn 399 USD/tấn, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Trong khi đó, gạo cùng phẩm cấp của Pakistan là 404 USD/tấn, Ấn Độ là 413 USD/tấn và Thái Lan là 431 USD/tấn.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay giá gạo thế giới liên tục đi xuống nhưng gạo Việt Nam giảm mạnh nhất do Philippines, thị trường tiêu thụ chính của gạo Việt Nam đang đẩy mạnh một loạt chính sách nhằm hạ giá gạo. Đáng kể nhất là việc nước này ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực vào ngày 4.2. Mục tiêu của chính sách này nhằm giảm giá gạo nội địa được cho là đang ở mức cao khoảng 45 – 58 peso/kg. Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) tuyên bố trong tuần này sẽ bán gạo dự trữ 350.000 tấn cho các địa phương mức giá 33 peso/kg để các đơn vị này phân phối lại ra thị trường với giá 35 peso/kg (tương đương khoảng 15.300 đồng/kg).
Những chính sách mới này ảnh hưởng lớn đến việc nhập khẩu gạo của thương nhân Philippines. Mới nhất, họ trì hoãn hợp đồng nhập khẩu 350.000 tấn gạo để thương lượng lại giá. Là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới và là thị trường chủ lực của Việt Nam nên những diễn biến này khiến giá gạo Việt Nam tụt dốc không phanh. Chưa kể, thương nhân các nước khác thấy giá gạo liên tục giảm cũng tiếp tục chờ khiến cho tình trạng càng thêm xấu.
Nguồn:https://thanhnien.vn/gia-gao-viet-nam-roi-xuong-muc-thap-nhat-the-gioi-vi-sao-18525021115163589.htm#:~:text=Theo%20Hi%E1%BB%87p%20h%E1%BB%99i%20l%C6%B0%C6%A1ng%20th%E1%BB%B1c,Lan%20l%C3%A0%20431%20USD%2Ft%E1%BA%A5n

Du lịch – Ẩm thực

  •  Dubai đưa đảo lên trời
 “Những hòn đảo trên trời” là chiến dịch hút khách mới của Dubai bằng cách xây dựng các hồ nước khoáng và vườn bách thảo lơ lửng trên không.
Dự án có tên Therme Dubai – Islands in the Sky (Dubai – Những hòn đảo trên trời) ở độ cao 100 m, gồm các khu vườn bách thảo treo xếp chồng lên nhau, lơ lửng trên không, những hồ nước khoáng để du khách ngâm mình xả stress cũng như không gian tổ chức các sự kiện. Mỗi một tầng được xây dựng như một ốc đảo với thảm thực vật xanh tươi và đều có tầm nhìn toàn cảnh ra đường chân trời của Dubai.
Khu nghỉ dưỡng sẽ tái chế 90% lượng nước sử dụng trong các hồ nước nóng. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào đầu năm sau và hoàn thành vào năm 2028, cùng thời điểm hoàn thành tòa nhà cao thứ hai thế giới Burj Azizi đang xây.
Nguồn:https://vnexpress.net/dubai-dua-dao-len-troi-4848007.html 
  • Phú Quốc dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ phát triển du lịch
Chuyên trang du lịch Travel Off Path vừa công bố danh sách 5 điểm đến có tốc độ phát triển du lịch nhất ở Đông Nam Á và đảo Phú Quốc đã xuất sắc đứng ở vị trí đầu tiên.
Theo Travel Off Path, Phú Quốc là một trong những hòn đảo đẹp nhất Việt Nam – nơi có thiên nhiên tuyệt đẹp và nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Đặc biệt, khi đến Phú Quốc du khách sẽ đều được hưởng chính sách miễn thị thực.
Bên cạnh Phú Quốc, 4 điểm đến khác có tốc độ phát triển nhất khu vực Đông Nam Á bao gồm: Phuket và Bangkok (Thái Lan), Singapore (Singapore) và Kuala Lumpur (Malaysia).
Nguồn:https://laodong.vn/du-lich/tin-tuc/phu-quoc-dan-dau-dong-nam-a-ve-toc-do-phat-trien-du-lich-1461302.html 

 Khởi nghiệp

  • Thị trường khởi nghiệp ASEAN thêm u ám
eFishery, một kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên) về công nghệ nuôi trồng thủy sản ở Indonesia đang bị điều tra cáo buộc gian lận tài chính bao gồm thổi phồng doanh thu. Vụ bê bối càng khiến tâm lý của nhà đầu tư vốn mạo hiểm ở Đông Nam Á trở nên bi quan trong bối cảnh thị trường khởi nghiệp của khu vực đang ‘khát’ nguồn vốn.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á đã trải qua nhiều năm điều chỉnh đớn đau kể từ sau đại dịch Covid-19. Theo báo cáo hồi tháng 1 của trang tin Deal Street Asia, năm 2024, tổng khối lượng giao dịch đầu tư vốn mạo hiểm và cổ phần tư nhân ở ASEAN giảm 10,3% so với năm trước xuống còn 633 giao dịch. Trong khi giá trị giao dịch giảm 41,7%, xuống còn 4,56 tỉ đô la.
Thị trường khởi nghiệp của khu vực này còn khá non trẻ, chỉ mới bắt đầu phát triển nhanh chóng hơn trong 15 năm trở lại đây. Sự tăng trưởng nóng trong giai đoạn đầu đã đẩy mức định giá của nhiều startup lên mức quá cao dù mô hình kinh doanh của những công ty này chưa chứng minh được lợi nhuận và tính bền vững.
Nguồn:https://baomoi.com/thi-truong-khoi-nghiep-asean-them-u-am-c51425510.epi 

Đầu tư – tài chính

  •  Thủ tướng: Các ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp
Sáng 11/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Thủ tướng chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại cần tập trung thực hiện. Trong đó có tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân.
Thứ hai, tập trung tín dụng, góp phần làm mới 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; có các gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho các ngành mũi nhọn giải quyết nhiều công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; tín dụng cho các dự án BOT, hợp tác công tư; tín dụng tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản,…
Nguồn:https://baochinhphu.vn/thu-tuong-cac-ngan-hang-can-hy-sinh-mot-phan-loi-nhuan-de-giam-lai-suat-cho-vay-ho-tro-nen-kinh-te-nguoi-dan-doanh-nghiep-102250211131329607.htm 

Thị trường xuất nhập khẩu

  •  Xác suất ông Trump áp thuế quan toàn bộ lên Việt Nam trong năm 2025 là rất thấp?
Cụ thể, theo VDSC, Việt Nam chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong việc áp dụng chính sách thuế quan và có thể hưởng lợi trong giai đoạn đầu chính quyền Trump mạnh tay thực hiện lời hứa với cử tri trong 100 ngày đầu tiên nhận chức.
Thuế quan chỉ là công cụ đối ngoại cho tham vọng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại“ của Tổng Thống Donald Trump. Cụ thể, các tiêu chí thể hiện mục tiêu đó gồm An ninh nước Mỹ được đảm bảo bằng chi phí tối ưu nhất và giữ vị thế nước Mỹ vẫn là siêu cường của thế giới. Do đó, Canada, Mexico, và Trung Quốc là những cái tên đầu tiên được đưa vào tầm ngắm.
Ngoài ra, các vấn đề đối với Việt Nam chỉ gói gọn trong việc “thâm hụt thương mại” mà không ảnh hưởng nhiều đến 2 tiêu chí trên vốn là yếu tố tạo nên uy tín chính trị với ông Trump trong 100 ngày đầu tiên.
Do vậy, xác suất áp thuế quan lên Việt Nam trong năm 2025 là rất thấp. Đồng thời, Việt Nam với đường lối chính sách đối ngoại trung lập và lợi thế năng lực về sản xuất sẽ có thể hưởng lợi trong việc thu hút đơn hàng cũng như dòng vốn FDI trong bối cảnh cạnh tranh thương mại với các nước lớn leo thang.
Nguồn:https://baomoi.com/xac-suat-ong-trump-ap-thue-quan-toan-bo-len-viet-nam-trong-nam-2025-la-rat-thap-c51447164.epi 
  • Xuất khẩu nhôm, thép Việt Nam sẽ ra sao khi Mỹ áp thuế 25%
Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3/2025. Các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng sẽ không còn được quyền lợi này.
Hàng năm, Việt Nam cũng xuất khẩu một lượng nhôm, thép vào Mỹ, lệnh áp thuế này dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay, hiện nay, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo Mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước.
Hệ lụy từ việc áp thuế sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, khi các nước tìm đường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu thép quay lại thị trường nội địa khiến các nước tăng cường bảo hộ, cũng gây ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam.
Nguồn:https://baomoi.com/xuat-khau-nhom-thep-viet-nam-se-ra-sao-khi-my-ap-thue-25-c51446809.epi 
BSAi