Thị trường và bán lẻ

  •  Giá cước vận tải biển có thể tăng mạnh sau thỏa thuận Mỹ – Trung
Sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận “đình chiến” thương mại, hạ thuế quan đối ứng cho nhau về 10% trong vòng 90 ngày, hoạt động thương mại giữa hai nước được các nhà bán lẻ và logistics dự báo sẽ tăng mạnh. Nhiều khả năng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tranh thủ khoảng thời gian này để đẩy nhanh các chuyến hàng, phòng khả năng thuế quan có thể tăng trở lại sau đó.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc hạ thuế quan đối với hàng Mỹ từ 125% về 10%, và Mỹ hạ thuế quan đối với hàng Trung Quốc về 30% – trong đó có 10% là thuế đối ứng và 20% là thuế quan liên quan đến vấn đề fentanyl được giữ nguyên.
Ông Rick Muskat, Chủ tịch công ty bán lẻ giày Deer Stags, dự báo giá cước vận tải container đường biển có thể tăng vọt do nhu cầu bị nén. “Chi phí của chúng tôi sẽ tăng tới gần 40%. Bởi vậy, chúng tôi sẽ phải tăng giá bán đối với những lô hàng được giao vào mùa thu”, ông nói.
Ông Peter Sand, trưởng phân tích vận tải biển của Xeneta, cũng cảnh báo nhu cầu vận tải hàng hóa đột ngột tăng mạnh trở lại sẽ dẫn tới giá cước vận tải tăng theo. “Giá cước vận tải biển từ Trung Quốc tới Bờ Tây của Mỹ có thể tăng thêm tới 20% trong ngắn hạn”, ông nói – nhưng lưu ý rằng giá cước gần đây đã giảm nhiều. Theo dữ liệu của Xeneta, từ đầu năm đến nay, giá cước bình quân của các tuyến từ Trung Quốc tới Bờ Tây và Bờ Đông của Mỹ đã giảm tương ứng 56% và 48%. “Các nhà nhập khẩu sẽ xem khoảng thời gian 90 ngày là cơ hội để vận chuyển nhiều hàng nhất có thể tới Mỹ, và điều này sẽ dẫn tới áp lực tăng giá cước”, ông nói.
Nguồn:https://vneconomy.vn/gia-cuoc-van-tai-bien-co-the-tang-manh-sau-thoa-thuan-my-trung.htm
  • Giảm Thuế VAT: Khoan thư sức dân, tạo động lực phát triển
Chính phủ vừa trình Quốc hội đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 10% xuống 8%, áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến 31/12/2026. Mục tiêu nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức. Với hơn 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chính sách này được kỳ vọng trở thành cú hích giúp khu vực này tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam đối mặt với áp lực từ các biện pháp thuế đối ứng của Mỹ, việc tiếp tục giảm thuế VAT là một bước đi chiến lược, kế thừa hiệu quả của các chính sách trước. Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, chính sách giảm thuế giai đoạn 2022–2024 đã giúp tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, đồng thời góp phần đưa thu ngân sách năm 2024 vượt mốc 2 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách không chỉ nằm ở mục tiêu mà còn phụ thuộc vào cách triển khai. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp đã không giảm giá dù thuế suất giảm, làm giảm hiệu quả kích cầu. Tình trạng “neo giá”, thậm chí tăng giá, diễn ra ở nhiều nơi vì các lý do khác nhau, đòi hỏi công tác giám sát cần được siết chặt.
Nguồn:https://vtv.vn/kinh-te/giam-thue-vat-khoan-thu-suc-dan-tao-dong-luc-phat-trien-2025051316324683.htm
  • Ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên biệt VinachemMart
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên biệt VinachemMart và bộ sản phẩm hàng tiêu dùng của riêng tập đoàn.
Đây là sàn thương mại điện tử chuyên biệt cho các khách hàng có nhu cầu về sản phẩm hóa chất công nghiệp, phân bón nông nghiệp, và các sản phẩm hóa chất tiêu dùng.
Trước VinachemMart, Việt Nam đã có một số sàn thương mại điện tử chuyên biệt, tức là các nền tảng tập trung vào một ngành hàng hoặc lĩnh vực cụ thể, không phải sàn tổng hợp như Shopee, Lazada hay Tiki.
Điển hình như Foodmap (chuyên nông sản, thực phẩm), Buudien.vn (ban đầu là Postmart ra đời năm 2019 chuyên nông lâm thủy hảisản, năm 2024 đổi tên), Voso (đã đóng cửa, chuyên bán nông sản, đặc sản vùng miền), Selly (sàn thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội social commerce, tập trung kết nối nhà cung cấp với những người muốn kinh doanh online mà không cần bỏ vốn), và các sàn chuyên biệt về thiết bị y tế, dược phẩm như Ecomedic, Medigo, Jio Health hay eDoctor…
Nguồn:https://bsaonline.vn/ra-mat-san-thuong-mai-dien-tu-chuyen-biet-vinachemmart/

Công nghệ 

  •  Trung Quốc sẽ dạy AI cho học sinh tiểu học từ năm học 2025-2026
Chính sách mới, dự kiến triển khai từ kỳ học mùa thu năm 2025, sẽ tích hợp các môn học liên quan đến AI vào chương trình giảng dạy tại các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc. Các trường học sẽ có quyền linh hoạt trong việc triển khai, có thể lồng ghép nội dung AI vào các môn học hiện có hoặc tổ chức các lớp học riêng biệt dành cho giáo dục AI.
Việc Trung Quốc đưa giáo dục AI vào chương trình tiểu học phản ánh tham vọng lớn của nước này trong việc thống trị các công nghệ mới trên toàn cầu. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, học sinh tiểu học sẽ tham gia các hoạt động thực hành nhằm làm quen với các khái niệm cơ bản về AI. Học sinh trung học cơ sở sẽ tìm hiểu về ứng dụng AI trong đời sống hàng ngày, trong khi chương trình trung học phổ thông tập trung vào đổi mới nâng cao và giải quyết vấn đề thực tiễn bằng trí tuệ nhân tạo.
Theo truyền thông Trung Quốc, động thái thúc đẩy giáo dục AI ở giai đoạn sớm của Trung Quốc phù hợp với xu hướng toàn cầu. Nhiều quốc gia như Ý và một số khu vực tại Mỹ, như California, cũng đã bắt đầu đưa kiến thức AI vào hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, quy mô và cách tiếp cận tập trung của Trung Quốc nổi bật hơn cả, thể hiện quyết tâm dẫn đầu trong đổi mới kỹ thuật số.
Nguồn:https://vneconomy.vn/trung-quoc-se-day-ai-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-tu-nam-hoc-2025-2026.htm
  • Việt Nam bước đầu hình thành hệ sinh thái AI có trách nhiệm
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, từ giáo dục, y tế đến quản trị công, những thách thức về minh bạch, trách nhiệm giải trình và bảo vệ quyền riêng tư trở nên cấp thiết.
Theo ông Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện ABAII, việc phát triển AI cho biết tại sự kiện khai mạc khóa học về “Đạo đức AI” sáng 12/5, có đạo đức là nhiệm vụ mang tính chiến lược, đặc biệt tại các quốc gia đang trong quá trình xây dựng hệ sinh thái công nghệ số như Việt Nam.
bà Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc phát triển mạng lưới của tổ chức giáo dục InterEdu, đối tác đào tạo toàn cầu của Microsoft tại Việt Nam, cho rằng đạo đức trong việc vận hành và sử dụng AI đang là vấn đề chưa nhận được sự chú ý đầy đủ, các tổ chức, đơn vị chủ yếu vẫn đang tập trung vào việc vận hành, tìm cách ứng dụng AI. “Trong hai năm qua, các lớp học về ứng dụng AI đã bùng nổ như “nấm mọc sau mưa”. Các khóa học, hội thảo, talkshow về AI xuất hiện khắp nơi, nhưng chưa ai nói nghiêm túc về đạo đức AI – một yếu tố cốt lõi khi triển khai công nghệ”
“Trong bối cảnh AI đang len lỏi vào từng quyết định y tế, tài chính, giáo dục, truyền thông, và thậm chí cả chính sách công, câu hỏi không còn là nên hay không nên dùng AI, mà là: Chúng ta sẽ dùng AI theo cách nào để không làm tổn thương chính chúng ta?” Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Giảng viên Viện ABAII, thành viên Hội đồng Đạo đức Tài sản số và Trí tuệ nhân tạo ABAII chia sẻ.
Nguồn:https://vneconomy.vn/viet-nam-buoc-dau-hinh-thanh-he-sinh-thai-ai-co-trach-nhiem.htm
  • ChatGPT sẽ thay đổi cách chúng ta mua sắm online?
Mới đây, OpenAI đã giới thiệu loạt cập nhật cho trải nghiệm mua sắm trên ChatGPT, với mục tiêu đưa nền tảng này trở thành điểm khởi đầu cho người tiêu dùng khi tìm kiếm sản phẩm trực tuyến. Kể từ khi trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) bùng nổ, cả người dùng lẫn giới chuyên môn đều đặt câu hỏi: công nghệ này sẽ làm thay đổi hành trình mua sắm như thế nào?
Với các cập nhật mới, khi người dùng ChatGPT tìm kiếm các sản phẩm thuộc lĩnh vực thời trang, làm đẹp, đồ gia dụng hoặc điện tử, nền tảng này sẽ cung cấp gợi ý cá nhân hóa, hình ảnh sản phẩm, so sánh giá giữa các nhà bán lẻ, cùng với đánh giá từ người dùng. Ngoài ra, người dùng còn có thể truy cập trực tiếp vào trang web của các nhà bán hàng để mua sắm ngay từ giao diện ChatGPT.
Theo OpenAI, hiện tại nền tảng này chưa tích hợp quảng cáo và cũng không hoạt động theo hình thức “trả tiền để được hiển thị sản phẩm”. Đại diện OpenAI – bà Leah Anise – cho biết, các đề xuất sản phẩm dựa trên tiêu chí “mức độ phù hợp với nhu cầu người dùng”, chứ không phải là tài trợ.
Nguồn:https://vneconomy.vn/chatgpt-se-thay-doi-cach-chung-ta-mua-sam-online.htm

Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  •  Vải thiều hứa hẹn mùa bội thu, sẵn sàng bứt phá xuất khẩu
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), niên vụ vải thiều 2025 tại Việt Nam đang hứa hẹn một mùa bội thu với sản lượng dự kiến đạt hơn 303.000 tấn, tăng khoảng 30% so với năm 2024.
Hiện tại, có 469 mã số vùng trồng với diện tích hơn 19.300 ha và 55 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp phép, phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Úc, Thái Lan, Nhật Bản, và Hoa Kỳ. Các khu vực này đang được giám sát chặt chẽ và sẵn sàng cho niên vụ 2025.
Về chế biến, phần lớn sản lượng vải (khoảng 97%) được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, trong khi chỉ khoảng 3% được chế biến sâu thành nước ép, đông lạnh hoặc đóng hộp. Các cơ sở sấy khô và doanh nghiệp chế biến đã hoàn tất chuẩn bị, sẵn sàng đón mùa vụ. Công tác kiểm dịch thực vật cũng được đẩy mạnh, với 3 cơ sở chiếu xạ và 3 cơ sở xông hơi khử trùng được phê duyệt bởi các nước nhập khẩu.
Đáng chú ý, từ niên vụ 2025, Nhật Bản đã ủy quyền cho Việt Nam tự giám sát quá trình xử lý, thay vì cử chuyên gia sang trực tiếp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho nông dân và doanh nghiệp.
Nguồn:https://vneconomy.vn/vai-thieu-hua-hen-mua-boi-thu-san-sang-but-pha-xuat-khau.htm
  • Sầu riêng Thái Lan mở được ‘luồng xanh’ vào thị trường Trung Quốc
Các báo lớn của Thái Lan như Bangkok Post và The Nation cho biết, vào thứ năm (8.5) vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan – bà Narumon Pinyosinwat đã cảm ơn Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vì “đã đồng ý mở các trạm kiểm soát hải quan 24 giờ một ngày và liên tục 7 ngày trong tuần để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan”.
Để tận dụng cơ hội được Trung Quốc mở “luồng xanh” cho sầu riêng, Bộ Thương mại Thái Lan đã mời Taiyuan Lao Ge, một “ngôi sao bán hàng” trên mạng xã hội Trung Quốc tham gia chương trình bán sầu riêng và nhiều loại trái cây khác của nước này vào ngày 11 và 12.4. Một sự kiện bán hàng tầm quốc gia và trong năm trước đã thu về tới 1 tỉ baht chỉ trong 1 ngày.
Bà Narumon Pinyosinwat cho biết thêm, GACC đã đồng ý kéo dài giờ làm việc tại các trạm kiểm soát biên giới. Chính quyền Trung Quốc cũng đã tăng số lượng phòng thí nghiệm ở phía biên giới của họ để xét nghiệm sầu riêng Thái Lan xem có bị nhiễm thuốc nhuộm vàng O hay không.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT,  thời gian gần đây, mỗi ngày có khoảng 500 container sầu riêng (tương đương khoảng 10.000 tấn) của Thái Lan được đưa đến cửa khẩu Trung Quốc. Số lô hàng có tồn dư hóa chất bị phát hiện và trả về chỉ một vài container. Do tỷ lệ vi phạm ít nên GACC mới ưu tiên mở “luồng xanh” cho người Thái. Đó cũng là cơ sở để quan chức Chính phủ Thái Lan đàm phán với Trung Quốc.
Cũng theo ông Nguyên, để kiểm soát chất vàng 0, Thái Lan đã triển khai hơn 300 nhà môi giới, thực chất là các phòng kiểm định địa phương (chưa được GACC chấp nhận). Các phòng môi giới này có trách nhiệm kiểm tra giám sát chất lượng tại các vườn. Đây là giai đoạn kiểm tra bước 1, có giấy xác nhận của các nhà môi giới là hàng không tồn dư “chất cấm” thì chủ vườn mới bán được hàng cho các cơ sở thu mua, đóng gói xuất khẩu. Sau đó, sản phẩm được các cơ sở kiểm định chất lượng được GACC chấp nhận tiến hành hậu kiểm trước khi đưa hàng lên cửa khẩu.
Đáng nói, nếu như trước đây chúng ta tự hào sầu riêng Việt Nam có quanh năm, đặc biệt là vụ nghịch ở các tỉnh miền Tây. Thế nhưng, kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm nay cho thấy, Thái Lan cũng chuyển sang trồng sầu riêng vụ nghịch ở các tỉnh miền Nam. Ngoài Thái Lan và Việt Nam, “sân chơi” này còn có thêm nhiều nước khác như Philippines, Malaysia và mới nhất là Campuchia.
Nguồn:https://thanhnien.vn/sau-rieng-thai-lan-mo-duoc-luong-xanh-vao-thi-truong-trung-quoc-185250511115755761.htm
https://thanhnien.vn/vi-sao-sau-rieng-thai-mo-duoc-luong-xanh-185250511183257303.htm
  • Úc sắp mở cửa cho bưởi Việt Nam
Sau quá trình đánh giá kéo dài và nghiêm ngặt, Australia đã chính thức công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu. Đây được xem là bước tiến quan trọng giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào một trong những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới.
Để đảm bảo an toàn sinh học cho hệ sinh thái bản địa, Australia đưa ra loạt yêu cầu bắt buộc: vùng trồng hoặc cơ sở sản xuất phải được công nhận không có dịch hại (PFA), bưởi phải được xử lý bằng chiếu xạ hoặc Methyl bromide và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuất khẩu. Đặc biệt, bưởi nhập vào bang Tây Australia sẽ phải tuân thủ thêm các quy định riêng về kiểm dịch đối với nhện đỏ và rệp sáp – hai sinh vật kiểm dịch tại bang này.
Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) cho biết báo cáo được hoàn thiện sau khi tham vấn ý kiến từ bảy tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan và phản ánh đúng thực tế sản xuất tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, sau khi báo cáo được công bố, phía Úc sẽ tiến hành các bước xác minh cuối cùng với Việt Nam để đảm bảo năng lực triển khai các biện pháp kiểm dịch. Khi hoàn tất, các điều kiện nhập khẩu chính thức sẽ được công bố trên hệ thống BICON của Úc – cổng thông tin quy định nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật.
Trong quý I/2025, xuất khẩu bưởi của Việt Nam đạt hơn 17,5 triệu USD, tăng 60,6% so với cùng kỳ. Nhờ đó, loại quả này lọt top 10 mặt hàng quả và quả hạch có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của nước ta, chiếm 1,5% thị phần ngành. Hiện mặt hàng bưởi có sản lượng gần 1 triệu tấn tại nước ta.
Nguồn:https://cafef.vn/thi-truong-kho-tinh-nhat-the-gioi-sap-mo-cua-cho-loai-qua-ba-vuong-cua-viet-nam-chat-luong-hang-dau-khien-thu-truong-bo-nong-nghiep-my-cung-phai-khen-188250514095431663.chn
  • Giá xoài chỉ còn… 1.000 đồng/kg
Những ngày này, không khí thu hoạch tại vườn trồng xoài Úc ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa trở nên ảm đạm so với những vụ mùa trước đây. Những vườn xoài trĩu quả chờ ngày thu hoạch, nhưng nông dân chỉ biết nhìn quả rụng đầy gốc vì giá bán quá thấp, nên không thể thuê người hái quả.
Những năm trước, giá quả xoài Úc còn dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, nhưng đến nay giá chỉ còn 1.000 – 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giá nhân công chăm sóc, thu hoạch vẫn cao, khiến giá thành sản phẩm cao hơn gấp nhiều lần so với giá bán. Không chỉ giá thấp, việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn khi diễn ra tình trạng các thương lái thay nhau ép giá.
Nguyên nhân giá xoài Úc thấp do tình hình thời tiết không thuận lợi trong năm nay, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng xoài. Mặc dù có thị trường, nhưng việc thu mua của thương lái lại bị hạn chế, khiến giá xoài giảm mạnh.
Hiện tại, giá xoài loại 1 đã bắt đầu nhích lên, nhưng lượng hàng loại 1 còn rất ít. Hầu hết nông dân chỉ còn xoài loại 2 và loại 3, nhưng giá cả lại thấp, khó bán.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cũng gặp khó khăn. Năm nay việc xuất khẩu bị hạn chế do các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và sức cạnh tranh của thị trường.
Nguồn:https://vtv.vn/kinh-te/gia-xoai-uc-chi-con-1000-dong-kg-20250513153728592.htm
  • Nỗi oan sầu riêng ‘nhúng thuốc’
Thực trạng hiện nay, nhiều người tiêu dùng đang hiểu sai về kỹ thuật xử lý sầu riêng sau thu hoạch – dẫn đến lo ngại không cần thiết về an toàn thực phẩm. Câu chuyện bắt nguồn từ hình ảnh các vựa sầu riêng tại Cai Lậy (Tiền Giang) “nhúng sầu riêng vào thuốc” để thúc chín. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là kỹ thuật phổ biến, được người dân địa phương áp dụng từ lâu, sử dụng các chế phẩm như Kina Ado Ethephon và HTC Đại Ngàn – là những loại phân bón lá có hoạt chất điều tiết sinh trưởng thực vật, được phép lưu hành.
Các chủ vựa và nhà vườn khẳng định đây là cách làm phổ biến để giúp sầu riêng chín đều, đẹp mã, phục vụ nhu cầu thị trường. Họ cũng sử dụng chính loại sầu riêng đó cho gia đình ăn, không có chuyện sử dụng hóa chất độc hại như tin đồn.
PGS.TS Nguyễn Duy Lợi – nguyên Phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học & Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) – khẳng định, ethephon không độc nếu sử dụng đúng hàm lượng. Khi vào trái cây, hoạt chất này phân hủy thành ethylene – một khí tự nhiên giúp quả chín. Ông nhấn mạnh: vấn đề không nằm ở kỹ thuật, mà ở sự thiếu hiểu biết hoặc thông tin một chiều từ mạng xã hội.
Theo ông, Ethephon đã được dùng hàng chục năm nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các quốc gia xuất khẩu lớn như Philippines, Thái Lan.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý hai dung dịch này không phải là phân bón, dù nhãn đề là “phân bón”. Về lý do, ông nói đó chỉ là quy trình xét duyệt ở Việt Nam, do phải thông qua Hội đồng phân bón. Công dụng chính của chất này là kích chín, nhưng vì thủ tục nên nhãn hiệu phải đề như đã thấy.
Nguồn:https://vtcnews.vn/noi-oan-sau-rieng-nhung-thuoc-ar942946.html

Khởi nghiệp

  •  Startup một người – trào lưu mới của khởi nghiệp
Một khuynh hướng mới của các công ty khởi nghiệp đang hình thành trên thế giới: startup một người. Mô hình này vận hành như thế nào? Và câu chuyện hiện tại của Việt Nam?
Nguyễn Gia Hy, giảng viên về AI tại Đại học Kỹ thuật Swinburne ở Melbourne, Úc cho rằng sự bùng nổ của AI mang lại rất nhiều tiềm năng cho các ngành dịch vụ và sáng tạo nội dung số. Với AI, mọi người có thể dễ dàng sản xuất video, hình ảnh, âm thanh mà không cần ekip lớn
Trào lưu startup một người tại Việt Nam “chưa phát triển, thậm chí chưa xuất hiện”, tương tự như nhiều nơi khác như nước Úc chẳng hạn. “Tuy vậy, phong trào này đang diễn ra mạnh mẽ nhất ở Mỹ”.
Các chuyên gia về khởi nghiệp Việt Nam tin rằng tính “một người” có thể thay đổi theo thời gian. Nhiều startup thời gian đầu chỉ có duy nhất một nhà sáng lập, sau một thời gian thì cơi nới, phát triển nên cần thêm nhân sự. Hơn nữa, khó xác định ranh giới “một người” hay “nhiều người”, bởi đôi khi nhà sáng lập có thể thuê người bên ngoài hoặc công ty thuê ngoài. Nhà sáng lập vẫn là người duy nhất chịu trách nhiệm chính và đưa ra các quyết định chiến lược.
Nguồn:https://baomoi.com/startup-mot-nguoi-trao-luu-moi-cua-khoi-nghiep-c52207891.epi

Đầu tư – tài chính

  • Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam
Ngày 14/5/2025, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dự án mong muốn hoàn thành vào năm 2030, đặt nền móng cho công nghiệp đường sắt và tạo động lực phát triển mới cho các địa phương, góp phần đưa kinh tế Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình.
Dự án có vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng. Trong đó, VinSpeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
VinSpeed mong muốn sẽ nỗ lực tối đa để có thể khởi công dự án trước tháng 12/2025, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành trước tháng 12/2030. Hiện VinSpeed đang thỏa thuận với đối tác đến từ các quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất các đầu máy, toa xe cùng hệ thống tín hiệu, điều khiển tại Việt Nam. Công ty cũng sẽ nhanh chóng tổ chức đào tạo nhân sự, làm chủ công nghệ nhằm tạo sự chủ động trong việc phát triển công nghiệp đường sắt cho quốc gia. 
Nguồn:https://markettimes.vn/ty-phu-pham-nhat-vuong-chinh-thuc-dang-ky-dau-tu-du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-82683.html 

Thị trường xuất nhập khẩu

  •  Xuất khẩu tháng 4 của Trung Quốc tăng gấp 4 lần dự báo dù xuất hàng sang Mỹ giảm
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng cao hơn dự báo, ngay cả khi các chuyến hàng đến Mỹ giảm mạnh trong tháng đầu tiên sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế 145% lên hàng hóa của đại lục.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1%, cao hơn mức tăng 2% mà các nhà kinh tế dự báo. Đà tăng được thúc đẩy bởi nhu cầu về vật liệu từ các nhà sản xuất nước ngoài đang tận dụng tối đa lệnh tạm dừng áp thuế trong 90 ngày của ông Trump đối với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Các chuyến hàng đến Mỹ đã giảm 21% sau khi áp thuế vào đầu tháng 4, trong khi các chuyến hàng đến khối ASEAN tăng vọt 21% và xuất khẩu sang Liên hiệp châu Âu (EU) tăng 8%.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã giảm xuống còn 20,5 tỉ đô la trong tháng 4 so với mức 27,6 tỉ đô la trong tháng 3. Đây là một chiến thắng của ông Trump vốn nhiều lần tuyên bố muốn thu hẹp thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc.
Nguồn:https://bsaonline.vn/xuat-khau-thang-4-cua-trung-quoc-tang-gap-4-lan-du-bao-du-xuat-hang-sang-my-giam/
BSAi