Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

Tin tức về thị trường đạm thay thế

1.  Công ty Singapore và vai trò tiên phong trong lĩnh vực bơ hạt thay thế tại Châu Á
Công ty Olam (Singapore) cho biết họ đang thực hiện sứ mệnh nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về bơ hạt thay thế ‘tự nhiên và bền vững’ nhằm mở ra cơ hội phát triển mới cho toàn ngành này ở khu vực Châu Á. Phó chủ tịch và giám đốc marketing của Re- Foods, một công ty của Olam Group, Venaig Solinhac, tin rằng ngành đạm thay thế từ hạt hiện có triển vọng tăng trưởng đáng kể, đồng thời kêu gọi các thương hiệu trong ngành cần phải cố gắng hơn để xây dựng nhận thức cho người tiêu dùng về lĩnh vực mới mẻ này.
“Mọi người không muốn dùng bơ đậu phộng do các yếu tố như chất gây dị ứng. Họ muốn các loại hạt thay thế khác. Dù có những loại bơ hạt thay thế khác trên thị trường, nhưng người tiêu dùng không biết những loại bơ lành mạnh và bền vững như vậy tồn tại. Thách thức ở đây chính là phải việc nâng cao nhận thức của khách hàng về phân khúc mới này cũng như các loại bơ hạt hiện có.” – Solinhac nói.
Tập đoàn kinh doanh nông sản và thực phẩm toàn cầu Re-Foods đã tung ra hai dòng sản phẩm bơ hạt vào khoảng đầu tháng 8 năm 2022 tại Singapore. Các loại bơ hạnh nhân và hạt điều được chứng nhận organic, “nhãn sạch” (clean label) và bền vững. Các loại bơ này được đựng trong lọ thủy tinh 180g có thể tái sử dụng. Chúng được bán lẻ với giá 12,90 đô la Singapore (9 đô la Mỹ) và được phân phối qua chuỗi siêu thị Fairprice Finest, Lazada’s RedMart và trang thương mại điện tử refoods.com. Về thời hạn sử dụng và độ ổn định của sản phẩm, bà Solinhac cho biết các sản phẩm có thể được sử dụng tốt nhất trong thời gian 9 tháng, và công ty đang nghiên cứu để có thể tăng hạn sử dụng lên 12 tháng.
Thương hiệu Re- được ra mắt vào tháng 3 năm 2022 sau hai năm nghiên cứu với sự tham gia của 600 người tiêu dùng. Các loại hạt được sử dụng bao gồm hạnh nhân Úc và hạt điều Việt Nam với các hương vị như muối mỏ, hạt tiêu, rong biển và mè mật ong. Chiến lược chủ đạo của thương hiệu là khai thác vào ba xu hướng: có thể truy xuất nguồn gốc, bền vững với môi trường và tốt cho sức khỏe. Các loại hạt được sử dụng là loại hạt tự nhiên, được trồng theo tiêu chuẩn và có thể truy xuất nguồn gốc từ các trang trại sản xuất chúng bằng hệ thống theo dõi nội bộ.
Bà cho biết thêm các công ty thực phẩm từ các quốc gia Đông Nam Á đã đồng ý làm nhà phân phối cho các sản phẩm hạt Re-nut. Việc mở rộng tại khu vực này có thể diễn ra sớm nhất vào quý 1 năm 2023, nhưng các thị trường chính xác vẫn chưa được xác nhận.  Sắp tới, công ty sẽ tung ra hai hương vị mới là ớt tiêu và dừa, tiếp đó sẽ là 2 dòng sản phẩm mới lạ với hương vị cà phê espresso và cam vào tháng 11 năm 2022.
”Tôi tin rằng người tiêu dùng châu Á đang mong đợi nhiều hơn các sản phẩm tự nhiên và bền vững. Họ sẵn sàng tác động (tích cực) đến hành tinh thông qua việc lựa chọn thực phẩm của mình. Với vai trò là một công ty thực phẩm, chúng tôi hy vọng sẽ giúp nhiều người tiêu dùng được tận hưởng những món ăn ngon, đồng thời tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng và môi trường sống. ”, bà Solinhac nói
Nguồn:https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/09/12/Olam-seeks-to-improve-low-consumer-awareness-of-alternative-nut-butters 

Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế

1.  ‘Zero Covid’ khiến thực phẩm sắp hết hạn phủ sóng thị trường Trung Quốc
Theo China Daily, cuộc suy thoái diện rộng do Covid-19 gây ra đã khiến hy vọng của người dân Trung Quốc về thu nhập và sự nghiệp trong tương lai ngày càng nhạt nhòa. Đại dịch cũng làm nghiêng cán cân từ tiêu dùng sang tiết kiệm. Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện bởi nền tảng tin tức công nghệ trực tuyến Youth36Kr mới đây cho thấy 40% trong số 2.200 người dưới 40 tuổi trên khắp Trung Quốc cố gắng tiết kiệm hàng tháng, chỉ 6,9% không có ý định này.
Những thay đổi này dẫn đến việc thị trường phát triển, sản sinh ra những doanh nghiệp mới chỉ bán các mặt hàng sắp hết hạn. Năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thực phẩm sắp hết hạn ở Trung Quốc là 12 và tăng lên 68 vào năm 2021. Theo iiMedia Research Consulting, các công ty trong ngành thực phẩm sắp hết hạn của Trung Quốc đã tăng khoảng 6 lần vào năm 2021, đạt mức 31,8 tỷ nhân dân tệ (4,59 tỷ USD). iiMedia dự báo thị trường này sẽ tăng quy mô lên 40,1 tỷ nhân dân tệ (hơn 6,3 tỷ USD) vào năm 2025.
Nguồn: https://vneconomy.vn/zero-covid-khien-thuc-pham-sap-het-han-phu-song-thi-truong-trung-quoc.htm
2.  Giá thịt lợn tăng quá mạnh, Trung Quốc gấp rút dùng dự trữ quốc gia để bình ổn
Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vọt trong tháng 8/2022, chính phủ Trung Quốc buộc phải sử dụng đến dự trữ quốc gia nhằm bình ổn giá cả và đảm bảo nguồn cung tại đất nước tiêu thụ nhiều thịt lợn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh thịt lợn tại Trung Quốc cảnh báo rằng việc xả kho lạnh cũng không giúp nhiều cho việc hạ nhiệt đà tăng giá thịt lợn.
Từ tháng 5/2022, giá thịt lợn tại Trung Quốc không ngừng tăng khi mà việc giảm quy mô đàn lợn bắt đầu từ năm ngoái thực sự ảnh hưởng gây suy giảm sản lượng. Nhu cầu tiêu dùng đồng thời cũng hồi phục sau khi một số biện pháp phong tỏa chặt chẽ được rút đi. Tính đến hiện tại, giá thịt lợn tại TQ đã tăng đến 53% lên 23,34 nhân dân tệ tức 3,4USD/kg, theo số liệu của www.zhuwang.cc.
Nguồn: https://nhipsongkinhdoanh.vn/gia-thit-lon-tang-qua-manh-trung-quoc-gap-rut-dung-du-tru-quoc-gia-de-binh-on-post3100818.html
3.  Ngành công nghiệp bia rượu Nhật chuyển hướng sang đồ uống không cồn
Hiện tại, đồ uống ít chất cồn và không cồn đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới khi nhiều người có ý thức hơn về sức khỏe, đặc biệt là sau thời gian trải qua đại dịch. Theo đơn vị nghiên cứu IWSR, giá trị thị trường toàn cầu của phân khúc này đã tăng từ 7,8 tỷ USD vào năm 2018 lên gần 10 tỷ USD vào năm 2021.
Sự phát triển này đặc biệt rõ rệt ở Nhật Bản, nơi dân số đang thu hẹp lại và những người trẻ tuổi uống ít đồ có cồn hơn so với những thập kỷ trước. Theo khảo sát của chính phủ nước này, chỉ 7,8% người Nhật ở độ tuổi 20 uống rượu bia thường xuyên vào năm 2019, so với 20,3% ở nhóm tuổi đó vào năm 1999.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nha-san-xuat-ruou-bia-chuyen-huong-sang-do-uong-khong-con-de-thu-hut-the-he-z/
4. Doanh nghiệp và nông dân ở California điêu đứng vì hạn hán
Do hạn hán, lượng nước tưới tiêu bị cắt giảm đến 80% đối với nhiều nông dân trồng lúa ở bang California, Mỹ. Điều này khiến diện tích trồng lúa ở bang sản xuất gạo lớn thứ hai của Mỹ bị thu hẹp về mức thấp nhất kể từ thập niên 1950, gây tổn thương cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào hoạt động sản xuất mặt hàng lương thực.
Sản lượng gạo của Mỹ thấp hơn khiến xuất khẩu gạo của nước này giảm 16% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021, theo USDA. Nhập khẩu gạo của Mỹ trong niên vụ 2022-2023 được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-va-nong-dan-o-california-dieu-dung-vi-han-han/
5. 1 triệu tấn gạo ùn ứ tại các cảng của Ấn Độ sau quyết định cấm xuất khẩu
Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế 20% đối với các loại gạo khác hôm 8/9. Gần 1 triệu tấn gạo đang mắc kẹt tại các cảng ở Ấn Độ do bên mua từ chối trả mức thuế xuất khẩu 20% so với giá trên hợp đồng đã ký. 5 nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã xác nhận với hãng tin Reuters thông tin này.
Ấn Độ bán gạo đi hơn 150 nước và việc ngừng xuất khẩu gạo của nước này sẽ gia tăng áp lực lên giá lương thực trên toàn cầu, vốn đã tăng vọt do nhiều nguyên nhân như hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt và cuộc chiến tại Ukraine.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/1-trieu-tan-gao-un-u-tai-cac-cang-cua-an-do-sau-quyet-dinh-cam-xuat-khau-post955323.vov
6. Trà sữa Gongcha Việt Nam mở cửa hàng cà phê, phô mai
Ngày 13-9, công ty đang khai thác và vận hành thương hiệu trà sữa Gong Cha tại Việt Nam đã ra mắt cửa hàng cà phê PIKO coffee và cửa hàng bánh phô mai Nhật Bản thương hiệu Uncle Tetsu tại quận 1, TP.HCM.
Ông Nguyễn Hoài Phương – CEO Golden Trust cho biết, công ty sẽ trực tiếp khai thác, vận hành và phát triển dựa trên tiêu chí phát triển bền vững, chú trọng vào chất lượng sản phẩm, trải nghiệm của người dùng. Công ty không bị áp lực bởi bất kỳ chỉ tiêu nào về số lượng cửa hàng hay cam kết doanh số…Và với kinh nghiệm, năng lực có sẵn trong lĩnh vực F&B công ty có thể phát huy tối đa được lợi thế của mình.
Nguồn: https://plo.vn/tra-sua-gongcha-viet-nam-mo-cua-hang-ca-phe-pho-mai-post698413.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1.  Du lịch TP HCM có thế mạnh đón khách ‘đại gia’ Trung Đông, Ấn Độ
Những ngày này, khách quốc tế từ nhiều thị trường bắt đầu trở lại Việt Nam khi mùa cao điểm đang bắt đầu (thường từ cuối tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau), trong đó khách du lịch từ Trung Đông, Ấn Độ được xem là nguồn khách mới đầy triển vọng.
Và Việt Nam, trong đó có TP HCM đã bước đầu có kinh nghiệm đón và phục vụ khách du lịch Halal và Ấn Độ, cơ bản đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhóm khách này. TP HCM được đánh giá là một trong những điểm đến có nhiều lợi thế để đón khách Trung Đông, Ấn Độ, đặc biệt là khách MICE (khách đi hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch).
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/du-lich-tp-hcm-co-the-manh-don-khach-dai-gia-trung-dong-an-do-20220910124454632.htm
2.  Lượng khách Việt sang Hàn Quốc tăng cao, từ 1.000 lên 7.000 người/tuần
Lượng khách Việt đến Hàn Quốc đang tăng trưởng nhanh. Gần đây, mỗi tuần có đến 7.000 lượt khách nhập cảnh nước này thay vì chỉ 1.000 lượt/tuần ở thời điểm nước này mới cấp lại thị thực du lịch vào tháng Sáu rồi. Sự tăng trưởng này đã giúp tổng số khách Việt đến Hàn Quốc trong 8 tháng của năm nay lên 80.000 lượt. Trong thời gian tới, lượng khách có thể tăng cao hơn do ngành du lịch bước vào cao điểm du lịch trong mùa thu.
Hàn Quốc đang thực hiện nhiều chính sách khuyến khích khách du lịch đến với nước này. Trong đó, có việc chấp nhận trở lại loại thị thực đi lại nhiều lần, không quy định số mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 cần thiết đối với du khách… Mới đây, nước này cũng bỏ quy định xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/luong-khach-viet-sang-han-quoc-tang-cao-tu-1-000-len-7-000-nguoi-tuan/

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.  Amazon để mắt đến thị trường thuốc kê đơn trực tuyến của Nhật Bản
Tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu Amazon của Mỹ đang cân nhắc tham gia lĩnh vực kinh doanh bán thuốc kê đơn tại Nhật Bản và đây có thể là bước ngoặt đối với các hiệu thuốc truyền thống của nước này. Amazon có kế hoạch hợp tác với các hiệu thuốc vừa và nhỏ ở Nhật Bản để tạo ra một nền tảng nơi bệnh nhân có thể nhận được hướng dẫn trực tuyến về cách dùng thuốc. Khách hàng sẽ có thể được giao thuốc đến tận nhà mà không cần phải đến mua ở hiệu thuốc.
Amazon đặt mục tiêu ra mắt dịch vụ này vào năm tới, khi các đơn thuốc điện tử sẽ được phép sử dụng tại Nhật Bản. Tập đoàn sẽ không vận hành các hiệu thuốc của riêng mình hoặc sử dụng hàng dự trữ.
Nguồn: https://bnews.vn/amazon-de-mat-den-thi-truong-thuoc-ke-don-truc-tuyen-cua-nhat-ban/257819.html
2.  Siêu thị kích cầu – người tiêu dùng hưởng lợi
Nhiều chuỗi bán lẻ và hệ thống siêu thị tranh thủ cơ hội sức mua tăng mạnh dịp cuối năm để đưa ra nhiều chương trình siêu khuyến mại, bình ổn giá… Giảm giá 20% các mặt hàng thiết yếu , thậm chí giảm tới 45% các mặt hàng gia dụng là điều khiến cho nhiều người tiêu dùng cảm thấy dễ thở hơn mỗi lần đi siêu thị. Theo giới chuyên gia, với sự hồi phục tốt, niềm tin của người tiêu dùng đã tăng trở lại và họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết sắp đến chính là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy sức mua tăng cao.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/sieu-thi-kich-cau-nguoi-tieu-dung-huong-loi-20220910123409687.htm
3.  Masan ra mằt hệ sinh thái WINLife
Ngày 9/9, Tập đoàn Masan (MSN) ra mắt hệ sinh thái WINLife với chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích đầu tiên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng với trải nghiệm tiện lợi, xuyên suốt offline-to-online tại điểm đến ‘tất cả trong một’. Cụ thể, WIN sẽ phục vụ các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người Việt như: Nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), chuỗi F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (Reddi). Năm 2022, Masan có kế hoạch khai trương từ 80 – 100 cửa hàng WIN trên cả nước.
Nguồn: https://mekongasean.vn/he-sinh-thai-winlife-moi-ra-mat-cua-masan-co-gi-dac-biet-post11097.html
4. Central Group hoàn tất mua lại nhà bán lẻ cao cấp Selfridges với giá 4,76 tỷ USD
Theo trang Thailand Business News ngày 8/9, sau thông báo vào tháng 12/2021, tập đoàn hàng đầu Thái Lan Central Group và Signa Holding (Áo) đã hoàn tất việc mua lại nhà bán lẻ cao cấp Selfridges Group từ Weston Family với mức giá được báo cáo là 4,76 tỷ USD.
Central Group là một trong những tập đoàn lớn nhất ở Thái Lan, kinh doanh trong các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, khách sạn, cửa hàng bách hóa và trung tâm thương mại. Việc mua lại Selfridfges đã giúp Central Group tạo dựng tên tuổi thành một trong những tập đoàn cửa hàng bách hóa sang trọng hàng đầu thế giới, với sự hiện diện tại 8 quốc gia ở châu Âu và các cửa hàng hàng đầu tại các địa điểm được “săn lùng” nhiều nhất ở các thành phố trên thế giới, đặc biệt là tòa nhà Selfridges mang tính biểu tượng trên phố Oxford – điểm mua sắm số một ở trung tâm thủ đô London, Vương quốc Anh.
Nguồn: https://bnews.vn/central-group-hoan-tat-mua-lai-nha-ban-le-cao-cap-selfridges-voi-gia-4-76-ty-usd/257621.html
5.  Tham vọng số 1 của các đại gia Nhật Bản trên sân chơi bán lẻ Việt
Với thị trường được định giá 170 tỷ USD và dự báo tăng trưởng 10% trong vòng 5 năm tới, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang là đích ngắm của các nhà bán lẻ, trong đó có Nhật Bản. Dự báo, trong 5-10 năm tới, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo của Jetro cho thấy, gần 60% doanh nghiệp Nhật quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng.
Trước bối cảnh doanh nghiệp bán lẻ Nhật liên tục đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị phần, điều này đang ra tạo sức ép lớn cho các doanh nghiệp Việt, nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dai-gia-nhat-ban-banh-truong-san-choi-ban-le-2058411.html
6. “Bão giá” khiến người dân muốn “đủ ăn lại không đủ mặc”, doanh nghiệp bế tắc
Giá cả hàng hóa dường như đã xác lập mặt bằng cao mới, sau những đợt tăng liên tiếp do các chi phí đầu vào khiến nhu cầu mua suy giảm, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 theo công bố của Tổng cục Thống kê chỉ tăng 0,005% so với tháng trước và bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,58% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8/2022 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, mặc dù chỉ tăng 0,6% so với tháng trước, nhưng tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/bao-gia-khien-nguoi-dan-muon-du-an-lai-khong-du-mac-doanh-nghiep-be-tac-post954709.vov
7. Shopee cắt giảm nhân sự, gặp khó khăn kinh doanh ở nhiều thị trường
Ngày 8/9, Shopee, sàn thương mại điện tử hàng đầu khu vực Đông Nam Á đã nói với các nhân viên rằng họ sẽ đóng cửa các hoạt động địa phương ở Chile, Colombia và Mexico cũng như rời khỏi Argentina. Theo các nguồn tin từ Reuters thu thập được, Sea – công ty có trụ sở tại Singapore này vẫn sẽ duy trì hoạt động xuyên biên giới nhưng sẽ cắt giảm phần lớn đội ngũ của họ ở các nước, ảnh hưởng đến hàng chục nhân viên.
Việc cắt giảm kinh doanh đã bắt đầu vào tháng 3, Shopee đã thông báo ngừng hoạt động ở Ấn Độ và Pháp. Vào tháng 6, Shopee đã cắt giảm việc làm trên các bộ phận thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm cả ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh.
Nguồn: https://tieudung.giadinhonline.vn/shopee-cat-giam-nhan-su-gap-kho-khan-kinh-doanh-o-nhieu-thi-truong-d6241.html

Nhóm tin về ngành thời trang

Triển lãm Thời trang Truyền thông và Marketing đầu tiên tại Việt Nam
Chiều 9/9, triển lãm Thời trang Truyền thông và Marketing (Neosphere) do các sinh viên tốt nghiệp ngành Truyền thông và Marketing Thời trang của Học viện Thiết kế và Thời trang London – Hanoi (LCDF Hà Nội) tổ chức. Sự kiện diễn ra tại Trung tâm triển lãm VCCA Royal City (Hà Nội).
Neosphere mang tới thông điệp: ‘Ngành thời trang trong tương lai sẽ ra sao phụ thuộc vào cách chúng ta đóng góp xây dựng nó’. Truyền cảm hứng, định hướng, bản sắc cá nhân, tự hào Việt Nam, tích cực, giải phóng sự sáng tạo là những từ để miêu tả Neosphere.
Nguồn: https://tienphong.vn/trien-lam-thoi-trang-truyen-thong-va-marketing-dau-tien-tai-viet-nam-post1468619.tpo
Aeon tung thời trang nhanh để cạnh tranh các nhà bán lẻ tại Việt Nam với áo phông 6 USD
Nhãn hàng riêng của Aeon’s My Closet vừa ra mắt tại Aeon Mall Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp quần áo hàng ngày với giá chỉ bằng một nửa so với các thương hiệu cạnh tranh. Nhãn hiệu riêng mới là một phần của chiến lược tăng trưởng “quan trọng nhất” ở nước ngoài của Aeon. Dòng sản phẩm này có khoảng 400 mặt hàng khác nhau, chẳng hạn như áo phông và quần short, chủ yếu nhắm đến phụ nữ từ 16 đến 24 tuổi. Quần áo tập trung vào các màu cơ bản phổ biến như đỏ và vàng.
Aeon sẽ ra mắt thương hiệu mới tại các cửa hàng khác tại Việt Nam và sẽ xem xét việc đưa thương hiệu này lên các trang thương mại điện tử của Việt Nam cũng như các nước lân cận như Malaysia.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/thi-truong/aeon-tung-thoi-trang-nhanh-de-canh-tranh-cac-nha-ban-le-tai-viet-nam-voi-ao-phong-6-usd-1087830.html
Đế chế thời trang Trung Quốc vượt mặt Zara, Uniqlo
Tờ Nikkei nhận định, cách tiếp cận độc đáo của Shein đã đưa thương hiệu thời trang nhanh của Trung Quốc đạt giá trị thị trường vượt xa các đối thủ cạnh tranh gần nhất là Uniqlo và Zara.
Được thành lập bởi tỷ phú Chris Xu vào năm 2008, Shein ra mắt là doanh nghiệp bán hàng thời trang trực tuyến vào năm 2012 và hiện được điều hành bởi Roadget Business có trụ sở tại Singapore. Shein đã đạt được mức định giá 100 tỷ USD, theo CB Insights. Các công ty đầu tư mạo hiểm tên tuổi như Sequoia Capital China và Tiger Global Management đã rót vốn vào startup này.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/de-che-thoi-trang-trung-quoc-vuot-mat-zara-uniqlo-ao-tui-xach-gia-chi-tu-5-usd-520228913149220.htm 
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1. Cuộc đua làm trung tâm dữ liệu ở Việt Nam
Việt Nam được hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets đánh giá là 1 trong 10 thị trường mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu. Năm 2020, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đạt 858 triệu USD và được dự báo sẽ tăng trưởng kép hằng năm trên 14,64% cho đến năm 2026.
Động lực tăng trưởng được cho là đến từ thị trường thương mại điện tử đang trên đà bùng nổ, các doanh nghiệp điện toán đám mây và công nghệ tài chính (fintech) đang phát triển. Cùng với đó, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp FDI cũng dẫn tới nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu của các tập đoàn đa quốc gia. Các sáng kiến hướng tới chính phủ điện tử và chuyển đổi số cũng làm gia tăng nhu cầu về trung tâm dữ liệu. Nhu cầu càng lớn, cuộc đua làm trung tâm dữ liệu ở Việt Nam càng trở nên hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.
Nguồn: https://viettimes.vn/cuoc-dua-lam-trung-tam-du-lieu-o-viet-nam-post160353.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi
2. Ant tìm kiếm không gian phát triển mới ở ASEAN
Ant Group, chi nhánh công nghệ tài chính (fintech) của tập đoàn Alibaba, đang nỗ lực mở rộng quan hệ đối tác và đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số đang tăng trưởng vượt bậc ở Đông Nam Á. Tập đoàn fintech hàng đầu của Trung Quốc xem Đông Nam Á là không gian phát triển mới, giúp họ thoát khỏi môi trường tù túng ở quê nhà.
Nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ ở Đông Nam Á. Theo Statista, tổng giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số trong khu vực sẽ đạt 195 tỉ đô la Mỹ trong năm nay và gần gấp đôi con số này vào năm 2027.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/ant-tim-kiem-khong-gian-phat-trien-moi-o-asean/
3. Tập đoàn sản xuất chip TSMC đạt doanh thu kỷ lục trong tháng Tám
Tập đoàn sản xuất chip TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 8/9 công bố doanh thu tháng Tám tăng gần 60%, lên mức cao kỷ lục 218,13 tỷ đôla Đài Loan (7,06 tỷ USD), nhờ nhu cầu tăng mạnh trên toàn cầu. Doanh số của tập đoàn trong tháng Tám tăng 58,7% so với của cùng kỳ năm ngoái và tăng 16,8% so với tháng Bảy, lần đầu tiên vượt mức 200 tỷ đôla Đài Loan.
Đa số các chip điện tử nhỏ cao cấp nhất trên thế giới là do TSMC và Samsung sản xuất, và hai hãng đã phải hoạt động hết công suất để giải quyết tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu. TSMC kiểm soát hơn một nửa sản lượng chip toàn cầu, với các khách hàng như Apple và Qualcomm.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tap-doan-san-xuat-chip-tsmc-dat-doanh-thu-ky-luc-trong-thang-tam/815414.vnp
4. Những thách thức Apple đang phải đối mặt tại các thị trường lớn ở châu Á
Apple vừa cho ra mắt sản phẩm iPhone 14 và dự kiến đây sẽ là con át chủ bài mang lại doanh thu khủng cho hãng điện thoại này trong năm nay. Tuy nhiên tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, công ty đang gặp phải những thách thức không nhỏ khi các hãng nội địa đang ngày càng phát triển mạnh cùng với giá bán cạnh tranh.
Hiện tại, Apple phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Theo Counterpoint Research, Honor Device (nhà sản xuất điện thoại trước đây thuộc Huawei) là nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất tại Trung Quốc trong quý 2 năm nay, theo sát là các thương hiệu địa phương khác như Oppo và Vivo, Apple đứng ở vị trí thứ 5 với 13% thị phần.
Với hơn 1,3 tỷ dân chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, nhưng các thương hiệu giá rẻ đã thống trị ở đó. Theo Tarun Pathak của Counterpoint Research ở Ấn Độ, Apple đang đứng sau những công ty như Samsung Electronics của Hàn Quốc, Xiaomi của Trung Quốc và Vivo tại thị trường Ấn Độ khi mỗi công ty đều chiếm hơn 15% thị phần.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/nhung-thach-thuc-apple-dang-phai-doi-mat-tai-cac-thi-truong-lon-o-chau-a-20220912134118387.htm
5.Các hãng xe Trung Đông và Trung Quốc hướng đến thị trường Nga
Nhiều hãng xe Trung Đông và Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình đàm phán với các nhà sản xuất của Nga về kế hoạch lắp ráp xe tại xứ bạch dương. Việc các hãng xe Trung Đông và Trung Quốc mở nhà máy sản xuất tại Nga là một tín hiệu tích cực. Bởi số liệu mới nhất của cơ quan thống kê Nga Rosstat cho thấy, sản xuất ô tô – ngành công nghiệp phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài, đã giảm 89% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg diễn ra giữa năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng thừa nhận việc sản xuất hàng hóa trong nước để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây không phải là cách làm hiệu quả. Nga không có ý định tự cung tự cấp và sẽ tìm cách hợp tác với những nước có thể hợp tác. Điều này buộc Nga phải định hướng lại thị trường cho các nhà sản xuất trong nước và cả nước ngoài, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Quốc.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/cac-hang-xe-trung-dong-va-trung-quoc-huong-den-thi-truong-nga-20220908031317947.htm

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Thị trường liên tục gặp bất lợi từ nhiều phía, giá thép được dự báo trên đà tăng
Với việc các nhà sản xuất tại châu Âu không thể tiếp tục sản xuất do chi phí năng lượng cao cũng như khủng hoảng từ thị trường Trung Quốc, giá thép có thể sẽ tăng khi hàng tồn kho giảm dần.
Việc thị trường kim loại – nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm công nghiệp quan trọng như phụ tùng ô tô, dây điện… đi xuống càng khiến giới chuyên gia kinh tế lo ngại rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đang đè nặng lên các ngành công nghiệp khác.
Nguồn: https://markettimes.vn/thi-truong-lien-tuc-gap-nhieu-bat-loi-tu-nhieu-phia-gia-thep-duoc-du-bao-tren-da-tang-3559.html
2. Nga đang giữ thế chủ động trong ‘cuộc chiến năng lượng’ với EU
Theo người đứng đầu nước Nga, nước này sẽ tìm kiếm các thị trường bán hàng mới ở châu Á. Hiện tại, đã có tiến triển trong việc giao hàng cho Trung Quốc và Mông Cổ. Dòng khí đốt của Nga hao dần, đang khiến ở đầu bên kia đường ống, châu Âu lo ngại trước một mùa đông lạnh và dài. Nguy cơ khủng hoảng năng lượng đang “ngấm ngầm” làm tổn thương khu vực. Châu Âu – đặc biệt là Đức – từ trước đến nay rất phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Moscow đang cho thấy một thái độ luôn sẵn sàng có thể khởi động Dòng chảy phương Bắc 2 hay mở lại Dòng chảy phương Bắc 1 ngay nếu cần. Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào động thái của châu Âu. Ở thời điểm này, trong bối cảnh của một mùa đông không khí đốt Nga đang đe dọa châu Âu, Nga đang được cho là giữ thế chủ động trong cuộc chiến năng lượng với EU.
Nguồn: https://vtv.vn/the-gioi/nga-dang-giu-the-chu-dong-trong-cuoc-chien-nang-luong-voi-eu-2022091323354335.htm
3. Châu Âu nhất trí 4 giải pháp cấp bách về giá năng lượng
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại cuộc họp bất thường hôm 9/9 ở Brussels, Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về bốn giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng tăng cao.
Giải pháp đầu tiên là việc 27 quốc gia EU nhất trí về mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay từ các quốc gia khác.
Giải pháp thứ hai là giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện. Hiện EC có nhiệm vụ đưa ra một đề xuất chính thức để giới hạn thu nhập của các nhà sản xuất điện.
Giải pháp thứ ba là sự can thiệp “tạm thời và khẩn cấp” vào thị trường khí đốt, với “mức giá trần” do Bỉ và Italy cùng một số nước khác đề xuất.
Cuối cùng, các bộ trưởng đề nghị EC trình bày các biện pháp để điều phối việc giảm nhu cầu điện trên toàn EU và để giúp giải quyết các vấn đề thanh khoản trên các thị trường năng lượng.
Nguồn:  https://baotintuc.vn/the-gioi/chau-au-nhat-tri-4-giai-phap-cap-bach-ve-gia-nang-luong-20220910061153127.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1.  Startup Edtech Việt EDUPIA gọi thành công 14 triệu USD tại Series A
DUPIA là startup công nghệ giáo dục mới nhất của Việt Nam vừa công bố huy động thành công 14 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A . Vòng gọi vốn do quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures dẫn đầu, cùng với quỹ đầu tư eWTP Capital do Alibaba hậu thuẫn và ThinkZone Ventures có trụ sở tại Việt Nam.
Khoản đầu tư này giúp tổng số vốn mà EDUPIA huy động được kể từ khi thành lập lên 16 triệu USD. Với số vốn này, công ty sẽ đầu tư vào công nghệ và sản phẩm, tuyển dụng nhân sự chất lượng cho các vị trí quan trọng và mở rộng thị trường sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: https://vneconomy.vn/startup-edtech-viet-edupia-goi-thanh-cong-14-trieu-usd-tai-series-a.htm

Nhóm tin về nông sản – thủy sản – chăn nuôi

1. Gạo thơm ST24 đạt chứng nhận 5 sao
Ngày 10-9, ông Hồ Quang Cua – “cha đẻ” gạo ST25 ngon nhất thế giới năm 2019 – cho biết trong khuôn khổ Hội nghị triển khai chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị) và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 2021 – 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia cho 20 sản phẩm, trong đó có gạo ST24. Trong 20 sản phẩm OCOP quốc gia được trao chứng nhận 5 sao, ngoài gạo thơm ST24, miền Tây còn có gạo ngon tiến vua Tiên nữ của Công ty TNHH một thành viên lương thực Thoại Sơn (An Giang).
Nguồn: https://tuoitre.vn/gao-thom-st24-dat-chung-nhan-5-sao-20220910095315277.htm
2. Nhiều ruộng rau màu ở Tiền Giang mất trắng do ngập úng
Những ngày gần đây, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dao động từ 50 – 80 mm đã gây ngập nước trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, hoa màu và tốn kém khi nhà nông phải bơm tát nước. Nghiêm trọng nhất là đối với rau xanh trồng dưới chân ruộng bị ngập nước nhiều ngày dẫn đến hư thối, mất trắng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/nhieu-ruong-rau-mau-o-tien-giang-mat-trang-do-ngap-ung-post968818.vov
3. Rau, đậu rớt giá, nông dân Quảng Nam thua lỗ
Vụ hè thu năm nay, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có hàng trăm hộ trồng rau sạch trên diện tích gần 1.000 ha, tập trung ở các xã Duy Phước, Duy Thành, Duy Trung và thị trấn Nam Phước. Các ngành chức năng ở huyện Duy Xuyên thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt cho nông dân nên năng suất và chất lượng rau màu tăng lên đáng kể. Thế nhưng, Thế nhưng, giá bán thấp khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở tỉnh Quảng Nam đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại hoa màu có thời gian sinh trưởng ngắn như bầu, bí đỏ, đậu xanh, khổ qua, nhiều nhất là đậu bắp… Tuy nhiên, hiện với giá vật tư phân bón tăng khiến nông dân ngày càng thiếu mặn mà với đồng ruộng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/rau-dau-rot-gia-nong-dan-quang-nam-thua-lo-post955706.vov
4. Tín hiệu hồi sinh cho cây ca cao ở Bến Tre
Cây ca cao từng là loại cây trồng xen trong vườn dừa mang lại quả kinh tế cao tại Bến Tre. Tuy nhiên, đợt hạn mặn vào năm 2016 đã làm cho cây ca cao bị thiệt hại nặng nề. Hiện nay, người dân đang khắc phục ảnh hưởng hạn mặn, giúp cây ca cao phát triển tốt, mở rộng diện tích trồng ca cao xen vườn dừa. Qua đó, mở ra tín hiệu “hồi sinh” cho cây ca cao tại Bến Tre.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện nay diện tích ca cao trên toàn tỉnh là 148ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Châu Thành (139ha). Cây ca cao phát huy hiệu quả rất tốt khi trồng xen trong vườn dừa, giúp tăng thu nhập cho người dân trên cùng một diện tích canh tác. Hiện ngành chức năng tỉnh đang khuyến khích người dân trồng ca cao xen vườn dừa giúp gia tăng thu nhập cho người dân.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/tin-hieu-hoi-sinh-cho-cay-ca-cao-o-ben-tre-20220913074540568.htm
5. Giá muối thương phẩm tăng kỷ lục, diêm dân Bến Tre phấn khởi
Hiện nay, diêm dân tỉnh Bến Tre rất phấn khởi do muối hút hàng, giá muối thương phẩm tăng ở mức giá cao kỉ lục. Ở thời điểm này, muối loại hạt trắng giá 140.000 đồng/giạ (tức khoảng 40-45 đồng/kg), muối hạt đen giá 120.000 – 130.000 đồng/giạ, tăng gấp 3 lần so với đầu năm.
Đây là mức giá cao nhất trong 3 năm qua, với mức giá này người làm muối có lãi trên 100.000 đồng/giạ. Giá muối tăng cao do tỉnh Bến Tre hết vụ, sản lượng tồn trong dân giảm; trong khi đó dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh các địa phương đã phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hạt muối tăng lên.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/gia-muoi-thuong-pham-tang-ky-luc-diem-dan-ben-tre-phan-khoi-post955564.vov
6. Đồng Tháp: Phát triển ngành hàng sen đến năm 2025
Tỉnh Đồng Tháp chú trọng thực hiện tốt công tác thông tin, phát triển nhận thức xã hội về thị trường tiêu thụ, sản phẩm OCOP từ sen, từ đó khuyến khích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.
Đến năm 2025 tỉnh Đồng Tháp hướng đến mục tiêu phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn; có thêm 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh; trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm chiết xuất từ sen; nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP; xây dựng các sản phẩm từ sen phục vụ phát triển du lịch và Lễ hội Sen.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/dong-thap-phat-trien-nganh-hang-sen-den-nam-2025-20220914091522415.htm
7. Giá thức ăn tăng cao, người nuôi cá đứng ngồi không yên
Người nuôi cá tại ĐBSCL đang đứng ngồi không yên vì giá thức ăn từ đầu năm tới nay liên tục tăng cao. Giá thức ăn đầu vào tăng cao, nhưng nghịch lý là giá giá nguyên liệu bán ra lại ở mức thấp, nên bà con lại càng khó khăn hơn. Hiện 1 kg thức ăn khi tới ao cá của nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long có giá gần 14.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2021, mức giá này đã tăng khoảng 3.000 đồng/kg.
Hiện người nuôi cá đang chuyển sang sản xuất liên kết với nhà máy, hợp tác xã để sử dụng nguồn thức ăn với số lượng lớn, chất lượng cao và có giá thành thấp hơn mua đơn lẻ. Đây là một trong những giải pháp căn cơ để ứng phó trước cơn bão giá thức ăn thủy sản hiện nay.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-thuc-an-tang-cao-nguoi-nuoi-ca-dung-ngoi-khong-yen-20220912112106524.htm
8. Nhiều đơn vị mạo danh mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc
Dù Trung Quốc mới phê duyệt một số mã vùng trồng, cơ sở sản xuất Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện trên thị trường đã xuất hiện tình trạng một số đơn vị mạo danh mã số.
Do đó, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra, đối chiếu để không xảy ra tình trạng gian lận, mạo danh mã số để xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo các vùng trồng, cơ sở đóng gói, các đơn vị liên quan cùng chung tay để thực hiện đúng quy định của nghị định thư.
Nguồn: https://tienphong.vn/nhieu-don-vi-mao-danh-ma-so-vung-trong-xuat-khau-sau-rieng-sang-trung-quoc-post1468913.tpo

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Ấn Độ phanh gấp, gạo Việt Nam sẽ lên giá?
Từ ngày 9/9/2022, Ấn Độ tăng thuế xuất khẩu gạo trắng lên 20% và cấm xuất khẩu gạo tấm, khi đó các nước mua gạo Ấn Độ chuyển sang mua gạo Việt Nam, Thái Lan… Theo hướng đó, trước mắt nhiều khả năng gạo 5% tấm của Việt Nam sẽ quay lại mức giá trên 400 USD/tấn như trước đây. Và đây mới chỉ là một trong nhiều hướng phản ứng dự kiến trên thị trường.
Nguồn: https://nhipsongkinhdoanh.vn/an-do-phanh-gap-gao-viet-nam-se-len-gia-post3100754.html
2. Gạo Ông Cua ST25 chính thức được phân phối tại thị trường Anh, nhận phản hồi tích cực
Theo thông tin từ doanh nghiệp Hồ Quang Trí, tại Sóc Trăng đã diễn ra lễ ký kết phân phối độc quyền gạo Ông Cua ST25 ở thị trường Anh. Việc ký kết diễn ra giữa doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và nhà phân phối thực phẩm EUTEK Group.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh EUTEK Group, sau khi nhập lô hàng gạo Ông Cua ST25 đầu tiên vào thị trường Anh đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng người châu Á tại xứ sở sương mù. Việc gạo đặc sản hiệu Ông Cua ST25 tiến vào thị trường Anh là một minh chứng cho việc khẳng định chất lượng và vị thế gạo Việt Nam trên thương trường thế giới.
Nguồn: https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/gao-ong-cua-st25-chinh-thuc-duoc-phan-phoi-tai-thi-truong-anh-nhan-phan-hoi-tich-cuc-20220909112014283.htm
3. “Cơm Việt Nam Rice” chính thức có mặt tại 2 hệ thống đại siêu thị châu Âu
Bắt đầu từ ngày 6/9, thêm một hệ thống siêu thị nữa của Pháp là Carrefour đã đưa gạo Việt Nam với nhãn hiệu “Cơm Việt Nam Rice” vào thị trường. Như vậy, “Cơm Việt Nam Rice” đã chính thức có mặt tại 2 hệ thống siêu thị lớn nhất của cộng hoà Pháp là Leclerc và Carrefour, gồm gần 700 đại siêu thị.
Sự xuất hiện của gạo Việt Nam với nhãn hiệu “Cơm Việt Nam rice” là hoàn toàn mới mẻ và để lại dấu ấn tốt với người tiêu dùng Pháp lâu nay vốn quen với gạo Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia và từ Camarque – miền Nam Pháp.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/com-viet-nam-rice-chinh-thuc-co-mat-tai-2-he-thong-dai-sieu-thi-chau-au-20220907175056912.htm
4. EU công bố thuế nhập khẩu gạo xát là 65 EUR/tấn
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) mới đăng công báo quy định số 2022/1481 về thuế nhập khẩu gạo xát vào thị trường này. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với gạo xát trắng thuộc mã CN 1006 20, không phải gạo basmati xát vỏ với các giống được đề cập trong Điều 1 của Quy định Ủy ban (EC) số 972/2006 (4), sẽ là 65 EUR/tấn. Quy định này có hiệu lực từ ngày 8/9/2022.
Cam kết từ Hiệp định EVFTA nêu rõ, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Cụ thể gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Riêng với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/eu-cong-bo-thue-nhap-khau-gao-xat-la-65-eurtan-20220913205628252.htm

Ngành cà phê có thể thiết lập kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của cả nước đạt 112,5 nghìn tấn, giảm nhẹ 1,2% so với tháng 7, nhưng tăng 1,7% về kim ngạch, tương đương đạt 266 triệu USD. Lũy kế trong 8 tháng đầu năm nay, nước ta đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và 40,4% về giá trị. Với đà tăng trưởng ấn tượng này, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm nay đã sớm đạt được. Thậm chí, ngành cà phê Việt Nam trong năm nay có thể sẽ thiết lập kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD nếu giá xuất khẩu tiếp tục ở mức cao.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/nganh-ca-phe-co-the-thiet-lap-kim-ngach-ky-luc-4-ty-usd-20220908174728655.htm

Sầu riêng Việt Nam nhận tin vui từ Trung Quốc

Cho đến nay đã có 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng và 51 vùng trồng sầu riêng Việt Nam được Trung Quốc phê duyệt. Như vậy, 25 doanh nghiệp sở hữu các mã số cơ sở đóng gói trong danh sách sẽ được chính thức xuất khẩu trái cây vua của Việt Nam sang Trung Quốc; sầu riêng được thu mua từ các vùng trồng đã được phê duyệt.
Trước đó, Việt Nam đã đề xuất Trung Quốc 126 vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói sầu riêng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được vào danh sách được Trung Quốc phê duyệt sẽ tiếp tục cung cấp tài liệu xác minh và tiếp tục được đánh giá sau. Tuy nhiên, đã có một số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng “tự nguyện từ bỏ” chương trình xuất khẩu sang Trung Quốc và sẽ không được xem xét để đăng ký phê duyệt lần này.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/sau-rieng-viet-nam-nhan-tin-vui-tu-trung-quoc-20220907220525889.htm

Sẵn sàng xuất khẩu lô sầu riêng tươi chính ngạch sang Trung Quốc

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, ngày 17-9, tại quảng trường Tân An, huyện Krông Pắc, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Chuyến hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên này là thành quả của quá trình đàm phán, ký kết nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/san-sang-xuat-khau-lo-sau-rieng-tuoi-chinh-ngach-sang-trung-quoc-20220914153219067.htm
8. Xuất khẩu bùng nổ nhờ các hiệp định thương mại
Với cam kết giảm thuế sâu nhiều mặt hàng, trong đó có những mặt hàng giảm về 0%, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đã đóng góp tích cực cho thành công chung của hoạt động xuất khẩu hàng hóa 8 tháng qua. Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, tổng cộng là 15 FTA, như với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc… Kết quả cho thấy, 8 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng trên 17%.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-bung-no-nho-cac-hiep-dinh-thuong-mai-20220909204219816.htm
9. Tận dụng lợi thế để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Canada
Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Canada vẫn có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung để tránh đứt gãy, đồng thời doanh nghiệp Canada và cơ quan chính sách Canada ngày càng quan tâm đến nguồn cung từ thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, Canada là quốc gia có mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp nên rất quan tâm việc thúc đẩy doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các FTA theo nguyên tắc xuất xứ cộng gộp để xuất khẩu và hợp tác sản xuất. Vì thế, doanh nghiệp hai bên có nhiều tiềm năng để kết nối sản xuất, hợp tác gia công theo đơn đặt hàng (OEM) cho các thương hiệu Canada, sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam cho Canada để xuất khẩu đi thị trường nước thứ ba.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/tan-dung-loi-the-de-gia-tang-xuat-khau-sang-thi-truong-canada-20220914114725497.htm
10. Mở tuyến liên vận đường biển và đường sắt từ Việt Nam tới thẳng Thủ đô của Nga
Tuyến vận tải đường biển từ Việt Nam đến cảng Vladivostok sau đó tiếp tục chuyển tải bằng đường sắt tới thẳng Thủ đô Moskva của Nga vừa chính thức được các đối tác 2 bên ký kết. Tuyến vận tải này đi vào hoạt động giúp giảm thời gian, thủ tục cho hàng từ Việt Nam tới miền Tây nước Nga. Trước khi kết nối với đường sắt, hàng hoá từ Việt Nam đi và ngược lại sẽ phải làm thủ tục thông quan tại cảng Vladivostok, sau đó chuyển tải đường sắt tới Moskva và các khu vực khác trong nội địa Nga. Với việc kết nối, thêm đường sắt được 2 bên vừa ký kết, hàng hoá sau khi xuống tàu biển sẽ được xếp thẳng lên tàu hoả để đưa tới Moskva mới làm thủ tục thông quan.
Nguồn: https://tienphong.vn/mo-tuyen-lien-van-duong-bien-va-duong-sat-tu-viet-nam-toi-thang-thu-do-cua-nga-post1468515.tpo
11. Nga gia hạn một số biện pháp hạn chế xuất khẩu
Ngày 9/9, Chính phủ Nga thông báo sẽ áp dụng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng đậu nành đến cuối tháng 8/2024, cấm tạm thời xuất khẩu hạt cải dầu… Trong thông cáo báo chí vừa được công bố, chính phủ Nga giải thích quyết định nêu trên là nhằm “bảo vệ thị trường lương thực trong nước và nâng cao năng lực chế biến nông sản hiện có.” Mục đích nhằm bảo vệ thị trường lương thực, thực phẩm trong nước và nâng cao năng lực chế biến nông sản hiện nay. Ngoài ra, lệnh cấm này cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hạt cải dầu trong khuôn khổ các hiệp định liên chính phủ quốc tế và việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia nước ngoài.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/nga-gia-han-mot-so-bien-phap-han-che-xuat-khau-20220910064704792.htm
12. Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam
Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng trong đợt rà soát cuối kỳ lần thứ 3 về thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. DOC kết luận rằng, việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ 4 quốc gia trên sẽ dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi phá giá.
Riêng với Việt Nam, DOC dựa trên thuế suất toàn quốc để xác định bán phá giá có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn. Do đó, DOC sẽ duy trì lệnh áp thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm nhập khẩu từ 4 quốc gia trên.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/hoa-ky-tiep-tuc-ap-thue-chong-ban-pha-gia-voi-tom-nuoc-am-nhap-khau-tu-viet-nam-20220910104329973.htm
13. Hoa Kỳ gia hạn kết luận điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá gỗ dán từ Việt Nam
Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo gia hạn lần thứ tư thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 31/1/2023.
Căn cứ kết luận sơ bộ của DOC, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ kể từ ngày 17/6 /2020 (ngày công báo khởi xướng điều tra) với các trường hợp là đối tượng bị áp dụng biện pháp.
Bên cạnh đó, DOC cho phép nhà xuất khẩu Việt Nam (trừ các doanh nghiệp mà DOC đánh giá là không hợp tác đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan điều tra) cũng như các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh. Thống kê cho thấy, số lượng các doanh nghiệp được tham gia tự xác nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/hoa-ky-gia-han-ket-luan-dieu-tra-lan-tranh-thue-chong-ban-pha-gia-go-dan-tu-viet-nam-20220913213043950.htm
BSAi