Tiêu điểm: Người tiêu dùng Việt ưu tiên chi tiêu nhu yếu phẩm
Mới đây, PwC Việt Nam ra mắt “Khảo sát Người tiêu dùng 2024 – Báo cáo tại Việt Nam”. Đây là kết quả khảo sát từ 515 người Việt Nam. Song song với cuộc khảo sát định lượng, PwC tiến hành phỏng vấn các giám đốc điều hành cấp cao trong khu vực để bổ sung thêm quan điểm góc nhìn thị trường. Các lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng niềm tin thương hiệu vào các chiến lược và kế hoạch tăng trưởng.
Những vấn đề mà người tiêu dùng đang phải đối mặt
Lạm phát giá cả và việc đảm bảo khả năng chi trả là những thách thức hàng đầu mà người tiêu dùng đang phải đối mặt. Tương tự như tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nền kinh tế Việt Nam cũng đang từng bước phục hồi. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, việc tăng giá lương thực, năng lượng, nhà ở và các chi phí thiết yếu khác được xem là rủi ro lớn nhất của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam trong 12 tháng tới (63% so với 61% của Châu Á – Thái Bình Dương). Trong khi đó, biến động kinh tế vĩ mô được xếp ở vị trí thứ hai (52%).
Nhìn chung, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn. Họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu như các mặt hàng xa xỉ, sản phẩm giải trí, sách/báo, ưu tiên các sản phẩm/dịch vụ thiết yếu như nhu yếu phẩm, quần áo và chăm sóc sức khỏe.
Chiến lược phù hợp để củng cố niềm tin của người tiêu dùng
Kết hợp việc mua sắm tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến
Với những kỳ vọng ngày càng gia tăng của người tiêu dùng khi mua sắm tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến, các thương hiệu và nhà bán lẻ cần áp dụng chiến lược đa kênh một cách linh hoạt. Cùng với sự phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và Lazada, Việt Nam đang có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực, mặc dù việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn giữ ở mức cao (63%).
Ảnh hưởng của mạng xã hội
Tương tự như tại Châu Á Thái Bình Dương, người tiêu dùng Việt Nam cũng tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Họ sử dụng mạng xã hội cho việc mua sắm và tương tác với người bán trong suốt quá trình mua hàng của họ (sử dụng mạng xã hội để tiếp cận các thương hiệu mới và tham khảo các đánh giá trước khi mua hàng).
Tuy nhiên, dường như có sự xói mòn niềm tin khi người tiêu dùng đặt câu hỏi về sự an toàn và độ tin cậy của mạng xã hội cũng như chia sẻ những trải nghiệm mua sắm trực tuyến tiêu cực.
Định hướng kinh doanh hướng tới tương lai bền vững
Tạo ra những sản phẩm bền vững cao cấp
Vấn đề biến đổi khí hậu và tác động của nó đến sự phát triển bền vững đang được cả các doanh nghiệp và chính phủ quan tâm sâu sắc.
Người tiêu dùng đã sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo (AI)
AI đã và đang thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống và làm việc. Tuy nhiên, mức độ tin tưởng của người tiêu dùng vào AI, đặc biệt trong các hoạt động mua sắm, sẽ quyết định đến việc AI có thực sự thay thế được con người hay không. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam khá cởi mở với việc sử dụng AI trong các hoạt động ít rủi ro, nhưng vẫn muốn có sự tương tác trực tiếp với con người trong các giao dịch phức tạp.
(Nguồn: PwC Việt Nam)

Thị trường và bán lẻ

  • Người tiêu dùng Trung Quốc không còn hào hứng với Lễ hội mua sắm Ngày Độc thân
Lễ hội mua sắm dịp Ngày Độc thân 11/11 ở Trung Quốc từng thu hút hàng triệu người tiêu dùng với những khuyến mãi hấp dẫn, nhưng năm nay khách hàng dường như không mấy hào hứng.
Sự kiện này được Alibaba khởi xướng vào năm 2009 và sau đó mở rộng ra các nền tảng khác như JD.com và Pinduoduo, đã trở thành lễ hội tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm, lễ hội mua sắm năm nay đã không còn sức hấp dẫn như những năm trước.
Một trong những nguyên nhân khiến Ngày Độc thân năm nay ít sôi động hơn là do tình hình kinh tế giảm tốc của Trung Quốc, khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu và không còn mặn mà với các chương trình ưu đãi. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng bắt đầu tỏ ra hoài nghi về “tính chân thực” của các ưu đãi giảm giá trong lễ hội này.
Nguồn:https://baomoi.com/nguoi-tieu-dung-trung-quoc-khong-con-hao-hung-voi-le-hoi-mua-sam-ngay-doc-than-c50693377.epi 
  • Trận chiến dịp sale 11/11 của các sàn thương mại điện tử
Cụ thể, trên sàn Shopee tung chương trình “rẻ vô địch”, “deal phá đảo thế giới ảo”, “sale khủng nhất ngày, mua là có quà”. Đồng thời, Shopee đã tổ chức các buổi livestream bán hàng với sự tham gia của các ngôi sao, nghệ sĩ nổi tiếng giúp gia tăng tương tác và giữ chân người xem.
Lazada cũng không kém phần cạnh tranh khi tổ chức chương trình “siêu tiệc thương hiệu” và các phiên live với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng cùng voucher lên đến 1,1 triệu đồng cùng quà tặng, siêu live xả kho, deal khủng lên đến 90% và miễn phí vận chuyển cho mọi đơn hàng.
Trong khi đó, đối thủ Tik Tok Shop cũng gia nhập cuộc đua từ sớm với những ưu đãi khủng. Trong dịp sale 11/11 lần này, sàn tung nhiều mã ưu đãi giảm 90.000 đồng, giảm 55.000 đồng cho các đơn hàng từ 500.000 đồng và 30.000-40.000 đồng, miễn phí vận chuyển…
Nguồn:https://baomoi.com/tran-chien-dip-sale-11-11-cua-cac-san-thuong-mai-dien-tu-c50694403.epi 
  • Chiều lòng các ‘thượng đế’ hướng nội, dịch vụ im lặng nở rộ tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, có một xu hướng mới đang nổi lên trong các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Từ tiệm làm tóc, nhà hàng cho đến cửa hàng bán lẻ, ngày càng nhiều khách hàng lựa chọn dịch vụ im lặng thay vì giao tiếp khi họ tìm kiếm một không gian yên tĩnh và thoải mái trong những hoạt động thường ngày…Phong trào này được tạo ra nhằm phục vụ những khách hàng muốn tránh giao tiếp với người lạ một cách lịch sự.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Học viện Hot Pepper Beauty của Recruit Group vào tháng 4/2024, 52,9% trong số 2.000 người tham gia cho biết khi đi làm tóc, họ thích ngồi im lặng hơn là trò chuyện xã giao. Nhiều người (43,5%) tiết lộ rằng lý do là bởi họ không giỏi trò chuyện và cảm thấy như bị ép buộc.
Giống như nhiều nhà bán lẻ thời trang, Urban Research có trụ sở tại Osaka tin rằng việc mua sắm nên là một trải nghiệm thú vị và không căng thẳng, đó là lý do tại sao công ty cung cấp lựa chọn mua sắm yên tĩnh cho khách hàng.
Còn đối với những thực khách muốn thưởng thức bữa ăn trong yên tĩnh, với ít sự giao tiếp với nhân viên nhất có thể, Kura Sushi có thể là sự lựa chọn hoàn hảo. Thay vì phải gọi món qua nhân viên phục vụ hay đầu bếp sau quầy, chuỗi nhà hàng sushi hiện có hệ thống dịch vụ thông qua điện thoại di động.
Nguồn:https://baomoi.com/chieu-long-cac-thuong-de-huong-noi-dich-vu-im-lang-no-ro-tai-nhat-ban-c50686801.epi 
  • Temu và Shein phải hoàn tất việc đăng ký với Bộ Công Thương trong tháng 11/2024
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, diễn ra vào chiều 9/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã cung cấp một số thông tin về kết quả rà soát pháp lý đối với sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam chưa được cấp phép như sàn Temu và sàn Shein.
Theo đó, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động liên hệ với đại diện pháp lý của sàn thương mại điện tử Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam theo 4 yêu cầu.
Thứ nhất, khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam trong tháng 11/2024.
Thứ hai, trong thời gian triển khai các biện pháp đăng ký, phải có thông báo chính thức trên các ứng dụng di động, trang chủ website,.. thông báo tới người tiêu dùng Việt Nam biết sàn thương mại điện tử này đang thực hiện các thủ tục đăng ký, chưa được Bộ Công Thương cấp phép cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Thứ ba, dừng tất cả các hoạt động xúc tiến thương mại, marketing không tuân thủ pháp luật Việt Nam để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ tư, khẩn trương nghiên cứu các hoạt động khác có liên quan, không chỉ với các hoạt động thương mại điện tử, mà còn các quy định về an toàn bảo mật thông tin, thuế, hải quan và các nội dung liên quan khác…
Nguồn:https://vneconomy.vn/temu-va-shein-phai-hoan-tat-viec-dang-ky-voi-bo-cong-thuong-trong-thang-11-2024.htm 
  • Chiến lược kinh doanh mới của các ‘ông lớn’ ngành ẩm thực tại Trung Quốc
Những biến động về kinh tế và nhân khẩu học tại Trung Quốc đang làm thay đổi hành vi ăn uống của người dân nước này và khiến ngành F&B (ngành kinh doanh dịch vụ ẩm thực nhà hàng) phải thay đổi chiến thuật để thích nghi.
Yum China, công ty vận hành nhiều chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn như Pizza Hut và KFC tại Trung Quốc, đã ra mắt mô hình cửa hàng Pizza Hut Wow vào tháng Năm vừa qua, tập trung vào thực đơn pizza cỡ nhỏ chỉ bằng một nửa pizza ở các cửa hàng Pizza Hut thông thường, với mức giá chỉ 19 nhân dân tệ (2,7 USD).
Không chỉ Yum China, chuỗi nhà hàng lẩu Yi Wei cũng nhanh chóng thay đổi chiến thuật để phục vụ nhóm khách hàng đi ăn một mình và các hộ gia đình nhỏ. Yi Wei đã ra mắt mô hình lẩu băng chuyền độc đáo. Theo đó, mỗi người sẽ được phục vụ một nồi lẩu nhỏ với khẩu phần thịt vừa đủ, cùng hệ thống băng chuyền tự chọn đa dạng các món nhúng lẩu khác.
Tỷ lệ hộ gia đình một người ngày càng tăng cũng đang ảnh hưởng đến ngành giao đồ ăn trực tuyến. Các nhà hàng trên các ứng dụng lớn như Meituan hiện đang đẩy mạnh các combo dành cho khách hàng đơn thân.
Nguồn:https://baomoi.com/chien-luoc-kinh-doanh-moi-cua-cac-ong-lon-nganh-am-thuc-tai-trung-quoc-c50683277.epi 
  • Dịch vụ ‘order’ hàng Trung Quốc thất thế
Trước năm 2019, khi các sàn TMĐT Việt Nam chưa phát triển dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới, dịch vụ nhận “order” hàng Trung Quốc thu hút đông đảo khách hàng, đặc biệt là giới trẻ nhờ nguồn hàng phong phú, giá cạnh tranh và mẫu mã độc đáo, đa dạng.
Thời điểm đó, rào cản ngôn ngữ và quy trình phức tạp trên các trang TMĐT quốc tế như Taobao, Tmall hay 1688 khiến việc mua sắm trực tiếp trở nên khó khăn. Dịch vụ nhận order nhờ đó lên ngôi khi hỗ trợ khách hàng từ khâu tìm kiếm, đặt mua, thanh toán quốc tế đến vận chuyển và thông quan hàng hóa.
Tuy nhiên, từ năm 2020, việc các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada và TikTok Shop áp dụng dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với những người làm nghề “order” truyền thống.
Dù phải cạnh tranh với các sàn TMĐT về giá cả và dịch vụ, các nhà trung gian đặt hàng nước ngoài vẫn có cơ hội tồn tại nhờ những điểm mạnh mà các nền tảng lớn chưa thể thay thế.
Song về lâu dài, người làm dịch vụ “order” hàng quốc tế cần tìm những hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng hơn.
Nguồn:https://baomoi.com/dich-vu-order-hang-trung-quoc-that-the-c50708539.epi 
  • 5 xu hướng thương mại điện tử định hình thị trường Đông Nam Á năm 2025
Khi ngành công nghiệp phát triển, xu hướng thương mại điện tử ở Đông Nam Á cũng dần thay đổi. Nhiều chuyên gia cho rằng, một số xu hướng thương mại điện tử sau đây sẽ định hình ngành công nghiệp của khu vực.
SỰ TRỖI DẬY CỦA B2B2C: Trong tương lai, nhà bán lẻ sẽ ngày càng phụ thuộc vào mô hình B2B2C để tiếp cận khách hàng thông qua việc hợp tác với thương nhân địa phương. Mô hình này sở hữu tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế địa phương, hỗ trợ nhà bán lẻ thương mại điện tử lớn mở rộng quy mô. Đồng thời tạo cơ hội cho thương nhân địa phương tham gia phát triển thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng loạt sản phẩm đa dạng với giá cả cạnh tranh hơn.
TỐI ƯU MẠNG LƯỚI LOGISTICS: Logistics vẫn là một trong những yếu tố thách thức lớn nhất đối với sự phát triển thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Ví dụ như Indonesia, quốc gia trải rộng trên hàng trăm hòn đảo và phần lớn dân cư sinh sống ở các khu vực xa xôi, rải rác trên diện tích đất rộng lớn. Cơ sở hạ tầng hiện tại gây khó khăn trong việc lưu kho và chuyển phát với mức giá hợp lý.
THƯƠNG MẠI XÃ HỘI CÓ THỂ TÁI ĐỊNH NGHĨA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: Thương mại điện tử giờ đây có một “người anh em” mới, đó là thương mại xã hội (social commerce). Phương thức bán hàng này ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á trong những năm gần đây. Các nền tảng mua sắm trực tuyến tận dụng mạng lưới xã hội của người dùng để mở rộng phạm vi tiếp cận, đồng thời xây dựng niềm tin đối với sản phẩm bán
ĐỐI TÁC HỖ TRỢ MỚI: Tạo ra sản phẩm là một chuyện, nhưng bán sản phẩm lại là câu chuyện khác. Đó là lý do mà một thế hệ công ty hỗ trợ thương mại điện tử (eCommerce enablers) mới đang xuất hiện. Nhóm công ty này giúp thương hiệu quảng bá sản phẩm, xây dựng và quản lý cửa hàng trực tuyến, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng, giải quyết vấn đề và một số dịch vụ khác.
HUY ĐỘNG VỐN ĐỂ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG: Một trong những yếu tố chủ chốt quyết định sự phát triển của ngành thương mại điện tử là khả năng huy động vốn. Mức đầu tư ban đầu cao đối với startup trong lĩnh vực này giúp họ phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường và tiếp cận người dùng ở quy mô lớn.
Nguồn: https://baomoi.com/5-xu-huong-thuong-mai-dien-tu-dinh-hinh-thi-truong-dong-nam-a-nam-2025-c50706579.epi 

Xu hướng tiếp thị – truyền thông

  •  Thức ăn chó mèo: Một thành công khác của ngành tiếp thị
Khởi đầu từ năm 1860 khi James Spratt chế biến bánh quy cho chó ở Anh, ngành này nhanh chóng mở rộng với các chiến lược quảng cáo nhắm vào những người yêu thú cưng và đề cao sức khỏe vật nuôi. Sản phẩm của Spratt được tiếp thị như một món ăn riêng biệt cho chó, tạo nên cơn sốt tại Anh và Mỹ. Đến năm 1908, bánh quy hình xương cho chó xuất hiện, trở thành biểu tượng cho thức ăn vật nuôi.
Sự phát triển này tiếp tục đến những năm 1930 khi thức ăn đóng hộp cho chó chiếm lĩnh thị trường Mỹ. Trong Chiến tranh Thế giới II, do thiếu hụt kim loại, thức ăn khô dần trở nên phổ biến. Những năm 1960 chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ vào quảng cáo nhằm thuyết phục người tiêu dùng rằng thức ăn viên là lựa chọn phù hợp cho thú cưng. Các công ty cũng dần phân hóa thành những dòng sản phẩm cao cấp đáp ứng nhu cầu sức khỏe và dinh dưỡng cụ thể cho vật nuôi.
Trung tâm nghiên cứu Waltham Petcare Science ở Anh đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công thức dinh dưỡng khoa học cho thức ăn thú cưng. Các chuyên gia nghiên cứu các yếu tố như hương vị, kết cấu và chất lượng dinh dưỡng để tạo ra những sản phẩm thú cưng yêu thích. Những khám phá tại đây, như việc mèo không thể nhận biết vị ngọt nhưng lại yêu thích vị umami, đã góp phần định hình ngành công nghiệp này.
Ngày nay, tiếp thị thức ăn thú cưng là một trong những minh chứng cho sự sáng tạo của ngành quảng cáo, mang lại những sản phẩm được thiết kế tỉ mỉ để thú cưng thưởng thức và chủ nhân yên tâm về sức khỏe của chúng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thuc-an-cho-meo-mot-thanh-cong-khac-cua-nganh-tiep-thi-20241031103148599.htm 
  • Bùng nổ các phiên livestream bán hàng trực tuyến dịp 11-11
Lễ hội mua sắm 11-11 năm nay được khuấy động bởi hàng loạt phiên livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngôi nhà livestream lớn thu hút nhiều khách hàng tham gia mua sắm, tạo nên không khí sôi động. TikToker Phạm Thoại và ê kíp của anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho phiên livestream kéo dài 14 tiếng với hơn 600 sản phẩm, bao gồm nhiều ưu đãi độc quyền và giá giảm sâu nhằm đảm bảo tính minh bạch cho người tiêu dùng. TikTok Shop cũng hợp tác với các thương hiệu lớn như Vifon, Nutifood, Crazyteen để mang đến nhiều ưu đãi trong sự kiện này. Bà Nguyên Ngô, quản lý marketing của TikTok Shop, chia sẻ rằng Mega Livestream 11-11 không chỉ là cơ hội mua sắm mà còn mang đến trải nghiệm giải trí và tương tác.
Bên cạnh đó, các hệ thống bán lẻ truyền thống như Co.opmart và Co.opXtra cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, từ nhân đôi điểm tích lũy đến quà tặng cho khách hàng thân thiết. Các thương hiệu thời trang lớn như Uniqlo và H&M cũng sử dụng nền tảng trực tuyến để phát livestream và đẩy mạnh bán hàng dịp này.
Mặc dù có nhiều ưu đãi, nhưng tâm lý mua sắm của người tiêu dùng có phần thận trọng hơn. Để thu hút họ, các phiên bán hàng không chỉ tập trung vào giá cả mà còn vào yếu tố giải trí và sự kết nối cảm xúc. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại về khuyến mãi ảo, vì vậy các chuyên gia khuyến cáo người mua chuẩn bị kỹ, lập danh sách và tham khảo giá trước để tránh các chương trình giảm giá không thực chất.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bung-no-cac-phien-livestream-ban-hang-truc-tuyen-dip-11-11-20241110212327154.htm 
  • Phô mai Con bò cười – một câu chuyện về bảo vệ thương hiệu
Ngay từ những năm 1920, sau khi thấy công thức phô mai của mình đạt được những thành công nhất định, chủ doanh nghiệp này đã có ý thức về tầm quan trọng của tên tuổi thương hiệu và vì thế đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang tên Con bò cười (La vache qui rit). Nhãn hiệu Con bò cười ngay lập tức trở nên nổi tiếng ở Pháp với biểu tượng đầu chú bò màu đỏ đeo hoa tai cười vui vẻ, do Benjamin Rabier thiết kế. Từ những năm 1929 trở đi, công ty đã mở chi nhánh tại Anh và sau đó đã lấn sân sang rất nhiều nước khác, trong đó có cả Việt Nam.
Có thể nói, thương hiệu 100 tuổi đời này thành công không chỉ nhờ vào chất lượng sản phẩm phô mai mềm, béo ngậy và thơm ngon, mà còn nhờ rất nhiều vào chiến lược marketing kết hợp cùng bảo hộ pháp lý. Có thể nói, sự thành công của thương hiệu này dựa trên ba yếu tố căn bản: bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhượng quyền thương mại (li xăng) và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái thương hiệu.
Nguồn:https://baomoi.com/pho-mai-con-bo-cuoi-mot-cau-chuyen-ve-bao-ve-thuong-hieu-c50708579.epi 

Công nghệ

  • Nóng bỏng cuộc đua giành nhân tài AI tại Trung Quốc
Cuộc tranh giành nhân tài trí tuệ nhân tạo (AI) đang gia tăng ở Trung Quốc khi các gã khổng lồ công nghệ địa phương đưa ra những mức thu nhập hấp dẫn nhằm thuê những nhân sự hàng đầu trước cuộc cạnh tranh về AI ngày một nóng bỏng.
Cụ thể, Xiaomi – gã khổng lồ điện thoại thông minh có trụ sở tại Bắc Kinh sẽ tổ chức một buổi tuyển dụng đặc biệt dành cho các chuyên gia AI trong các lĩnh vực bao gồm mô hình AI, hệ thống thị giác máy tính, học sâu, xe tự động lái, ngôn ngữ,…
Xiaomi chỉ là công ty mới nhất trong danh sách dài các công ty Big Tech của Trung Quốc đang gấp rút tăng cường nhân lực AI trong nỗ lực bắt kịp các công ty Mỹ tại cuộc đua trí tuệ nhân tạo. Chủ sở hữu TikTok, ByteDance, nhà điều hành công cụ tìm kiếm Baidu và gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan đều đang tăng cường tuyển dụng các vị trí AI.
Trung Quốc có khoảng 43 trường và viện nghiên cứu AI trên cả nước. Số lượng các trường đại học đào tạo chuyên ngành AI bậc cử nhân đã vượt quá 500 cơ sở. Theo Reuters, nhu cầu về nhân lực AI được dự báo sẽ tăng mạnh ở Trung Quốc, nhưng thực tế nhiều công ty lại không tuyển dụng được nhân sự phù hợp. Một nghiên cứu được công bố vào cuối năm ngoái bởi trang mạng xã hội nghề nghiệp Maimai cho thấy, cứ 5 công việc AI mới ở Trung Quốc thì chỉ có 2 nhân sự đủ tiêu chuẩn có sẵn trên thị trường.
Nguồn:https://vneconomy.vn/nong-bong-cuoc-dua-gianh-nhan-tai-ai-tai-trung-quoc.htm 

Xu hướng Xanh – Bền vững

  •  Ethiopia gặp khó khi cấm xe xăng chuyển sang ôtô điện
Ethiopia đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm nhập khẩu ôtô xăng vào tháng 1 nhằm giảm chi phí trợ cấp nhiên liệu và thúc đẩy xu hướng sử dụng xe điện. Cùng với việc tăng giá nhiên liệu 8% vào đầu tháng này, lệnh cấm đã mang lại một số thành công khi hiện có hơn 100.000 ôtô điện nhập khẩu mỗi tháng. Mục tiêu của chính phủ là đạt mức nhập khẩu 500.000 xe điện mỗi tháng vào năm 2030 khi đập thủy điện Grand Renaissance trên sông Nile hoạt động hết công suất, cung cấp hơn 5.000 MW mỗi năm.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không dễ dàng. Tại thủ đô Addis Ababa, nhiều gara sửa chữa xe điện quá tải, phụ tùng thay thế từ Trung Quốc khan hiếm và đắt đỏ, khiến nhiều chủ xe cảm thấy bối rối. Awgachew Seleshi, một người dùng xe điện, chia sẻ những khó khăn trong việc sạc xe và sửa chữa, trong khi tài xế taxi Yared Alemayehu cuối cùng đã phải bán lỗ xe điện để mua lại một chiếc Toyota Corolla cũ đáng tin cậy hơn.
Thợ cơ khí như Yonas Tadelle cũng gặp khó khăn vì thiếu công cụ và kiến thức sửa chữa xe điện, trong khi chuyên gia kinh tế Samson Berhane nhận định làn sóng xe điện bất ngờ gây áp lực lên hạ tầng nghèo nàn của quốc gia. Dù vậy, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Bareo Hassen Bareo vẫn lạc quan, cam kết đầu tư vào trạm sạc công cộng và dự án sản xuất pin xe điện địa phương. Berhane cũng lạc quan rằng Ethiopia có thể đáp ứng nhu cầu điện cho 500.000 xe điện trong thập kỷ tới, thúc đẩy tham vọng công nghiệp xanh của đất nước.
Nguồn: https://vnexpress.net/ethiopia-gap-kho-khi-cam-xe-xang-chuyen-sang-oto-dien-4812363.html 
  •  Ông lớn pin mặt trời Trung Quốc bán nhà máy tại Mỹ
Trina Solar, một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, đã đồng ý bán nhà máy tại Wilmer, Texas, cho Freyr Battery với giá 400 triệu USD. Nhà máy này có công suất sản xuất 5 GW mỗi năm và chỉ mới đi vào hoạt động từ ngày 1/11. Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh các cơ quan chức năng Mỹ ngày càng quan ngại về việc các công ty liên quan đến Trung Quốc có thể hưởng lợi từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Đạo luật IRA, được Tổng thống Joe Biden ký năm 2022 với giá trị 430 tỷ USD, nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển công nghệ năng lượng sạch và giảm chi phí dược phẩm.
Freyr Battery, một công ty có trụ sở chính gần đây chuyển từ Na Uy sang Mỹ, dự định sẽ hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi thuế của IRA. Ngoài thương vụ mua lại này, Freyr và Trina Solar còn có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy năng lượng mặt trời công suất 5 GW khác tại Mỹ và đang tìm kiếm địa điểm cho dự án. Freyr tin rằng việc phát triển chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời trong nước sẽ góp phần tăng cường an ninh năng lượng cho Mỹ.
Trina Solar, thành lập năm 1997 tại Giang Tô, Trung Quốc, hiện có các cơ sở sản xuất ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia, và hoạt động tại hơn 170 quốc gia. Năm 2023, Trina đạt doanh thu 16 tỷ USD, tăng 22% so với năm trước. Thương vụ này đánh dấu một bước đi quan trọng trong bối cảnh Mỹ tăng cường giám sát các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Nguồn: https://vnexpress.net/ong-lon-pin-mat-troi-trung-quoc-ban-nha-may-tai-my-4813780.html 
  • Thế hệ quan tâm môi trường nhưng ‘nghiện’ thời trang nhanh
Mặc dù Gen Z ở Hà Lan ủng hộ thời trang bền vững, họ vẫn dễ bị thu hút bởi thời trang nhanh giá rẻ từ các nền tảng như Shein và Temu. Các cửa hàng pop-up ở Hà Lan bày bán quần áo giá rẻ thu hút sự quan tâm của giới trẻ, nhưng cũng gây tranh cãi khi bị nghi là giả mạo Shein – thương hiệu thời trang nhanh Trung Quốc nổi tiếng về vi phạm nhân quyền và gây ô nhiễm môi trường. Dù có nhiều chỉ trích, nhu cầu với sản phẩm giá rẻ vẫn rất cao.
Theo nghiên cứu của ThredUp năm 2022, 72% sinh viên đại học từng mua sắm thời trang nhanh trong năm trước, thường chỉ để mặc một lần cho các sự kiện. Các nền tảng mạng xã hội và xu hướng “outfit of the day” buộc giới trẻ liên tục cập nhật trang phục. Shein và Temu khai thác tâm lý này qua chiến dịch tiếp thị và giảm giá, khiến nhiều người trẻ khó cưỡng lại sức hút của thời trang nhanh.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy người trẻ có xu hướng quay lưng với Shein khi biết đến các tác động môi trường tiêu cực của nó. Chuyên gia thời trang Ellen Haeser cho biết nhận thức về tính bền vững đang gia tăng, nhưng vẫn cần thời gian để biến nhận thức thành hành động cụ thể. Bà đặt câu hỏi với sinh viên liệu họ có sẵn sàng giảm bớt tủ đồ để chọn trang phục bền vững, nhưng đa số lo ngại thiếu đa dạng và sự nhàm chán.
Kết luận, tính minh bạch và giáo dục về tác động của thời trang nhanh rất quan trọng để thúc đẩy hành vi tiêu dùng có trách nhiệm. Tuy nhiên, sự chuyển đổi từ nhận thức sang hành động là yếu tố quyết định cho một tương lai bền vững trong ngành thời trang.
Nguồn: https://baomoi.com/the-he-quan-tam-moi-truong-nhung-nghien-thoi-trang-nhanh-c50684496.epi 
  • 100 quốc gia đã cam kết Net Zero
Tại COP29, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 12/11 kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chi thêm tiền để ngăn các thảm họa khí hậu. Ông cảnh báo rằng thời gian đang hết dần để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. “Về tài chính khí hậu, thế giới phải trả tiền nếu không nhân loại sẽ trả giá”, ông nói.
Hiện có 100 quốc gia cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), trong đó Phần Lan đặt mục tiêu sớm nhất vào năm 2035. Khoảng một nửa quốc gia trên thế giới đã cam kết Net Zero, bao phủ 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Châu Âu có Iceland đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2040 và Đức, Thụy Điển vào năm 2045. Một số nước ngoài châu Âu như Mauritania và Nepal đặt mục tiêu lần lượt vào năm 2030 và 2045. 
Mục tiêu năm 2050 được nhiều quốc gia lựa chọn, bao gồm cả Việt Nam, trong khi Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đặt mục tiêu muộn hơn, đến 2070. Đến nay, sáu quốc gia đạt và cam kết duy trì Net Zero, trong đó có Panama, Guyana và Bhutan. Tuy nhiên, chất lượng kế hoạch hành động để đạt mục tiêu đúng hạn vẫn còn chênh lệch. Chỉ 7% lượng khí thải toàn cầu thuộc về các nước có kế hoạch khả thi, còn gần 50% đến từ các nước có kế hoạch kém, như Trung Quốc và Ấn Độ. Một số quốc gia gặp khó khăn trong việc giảm phát thải vào cuối thập niên này, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát mức tăng nhiệt độ. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu nhiệt độ tăng 2°C, mực nước biển sẽ dâng 56 cm và nắng nóng tăng 25%, trong khi mức tăng 3°C gây ra những ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái và đời sống con người.
Nguồn: https://vnexpress.net/100-quoc-gia-da-cam-ket-net-zero-4815232.html 
  • Xu hướng chăn nuôi giảm phát thải
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), sản lượng thịt bò nội địa của Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 500.000 tấn, chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thịt bò từ Australia, Canada và Mỹ, với tổng lượng gần 45.300 tấn trong 9 tháng năm 2024, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Hơn 90% bò thịt ở Việt Nam được nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các nông hộ, phụ thuộc vào phụ phẩm nông nghiệp và chăn thả tự nhiên.
Ngành chăn nuôi cũng là nguồn phát thải khí metan lớn, chiếm 18,27% tổng lượng khí thải metan toàn quốc. Phát thải từ chăn nuôi bò thịt chiếm hơn 50% lượng phát thải của ngành. Hàng năm, khoảng 80 triệu tấn chất thải chăn nuôi được xả ra môi trường, trong đó 36% thải trực tiếp, gây áp lực lên môi trường.
Để cải thiện tình hình, ngành chăn nuôi đang khuyến khích các công nghệ xử lý chất thải, sản xuất phân bón hữu cơ và năng lượng tái tạo. Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi bò cũng đang được triển khai. Chính phủ nên cho phép phát điện biogas nối mạng điện lưới để giảm khí thải CH₄. Bộ NNPTNT cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng chất thải làm phân bón hữu cơ và hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại trong việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, giúp ngành đạt hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm.
Nguồn: https://daidoanket.vn/xu-huong-chan-nuoi-giam-phat-thai-10294375.html 

Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi 

  •  Vasep: Thủy sản vẫn rộng cửa đi Mỹ dưới chính quyền Trump
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), dù chính quyền Donald Trump áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại, thị trường Mỹ vẫn là điểm đến quan trọng cho thủy sản Việt Nam. Trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 1,5 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 15% so với cùng kỳ 2023, và dự kiến cả năm sẽ đạt 1,85 tỷ USD, tăng 19%.
Vasep nhận định rằng, khi ông Trump tái đắc cử, chuỗi cung ứng của Mỹ có thể thay đổi theo hướng giảm phụ thuộc vào thủy sản Trung Quốc, tạo cơ hội cho Việt Nam. Các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra có thể tận dụng nhu cầu gia tăng này. Ngoài ra, nếu Trung Quốc giảm mua thủy sản từ Mỹ, Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống đó trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn đối diện với thách thức từ thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, và yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Chính quyền Trump có thể tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn thực phẩm, điều này có thể đẩy chi phí sản xuất lên cao, đồng thời làm tăng áp lực cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.
Vasep khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất bền vững như GlobalGAP, ASC, và MSC để đáp ứng yêu cầu thị trường. Việc cung cấp thông tin minh bạch về quy trình sản xuất và nguồn gốc sản phẩm sẽ góp phần xây dựng lòng tin của người tiêu dùng Mỹ và đáp ứng yêu cầu của các đối tác nhập khẩu và bán lẻ tại thị trường này.
Nguồn: https://vnexpress.net/vasep-thuy-san-van-rong-cua-di-my-duoi-chinh-quyen-trump-4814215.html 
  •  Lo ngại giá giảm, nông dân đua nhau bán cà phê tươi
Hiện nay, nhiều nông dân tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, và Bình Phước đang tranh thủ thu hoạch và bán cà phê tươi ngay đầu vụ do lo ngại giá sẽ giảm khi vào chính vụ. Giá cà phê tươi hiện đang cao hơn gấp nhiều lần so với các năm trước, ở mức khoảng 20.500 – 22.500 đồng/kg, nên nhiều người chọn thu hoạch sớm thay vì đợi phơi khô làm cà phê nhân như thường lệ. Tuy nhiên, việc thu hoạch sớm này dẫn đến tỷ lệ quả chưa chín cao, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), mùa vụ cà phê tại Việt Nam sẽ vào cao điểm vào tháng 12, nhưng tâm lý lo sợ giá giảm khi vào chính vụ đã khiến nông dân đẩy mạnh việc bán tươi sớm. Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế vì các quốc gia sản xuất cà phê lớn như Brazil chỉ thu hoạch vào tháng 5-6 năm sau, và lượng cà phê tồn kho toàn cầu đang ở mức thấp. Điều này, cùng với nhu cầu cao, giúp giá cà phê có khả năng duy trì ở mức tốt.
Mặc dù giá cà phê đã hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh trên 135.000 đồng/kg nhân, lợi nhuận cho người trồng vẫn cao với giá thành sản xuất vào khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ông Hải khuyến nghị rằng Việt Nam nên điều tiết lượng cà phê bán ra một cách hợp lý để tránh giảm giá quá sâu. Theo Vicofa, sản lượng cà phê Việt Nam năm nay dự kiến giảm nhẹ còn khoảng 1,5-1,6 triệu tấn do tác động của thời tiết và dịch bệnh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lo-ngai-gia-giam-nong-dan-dua-nhau-ban-ca-phe-tuoi-20241110165327211.htm 
  • Cà phê Việt thắng lớn, chờ quyết định lịch sử từ thị trường 48 tỷ USD
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt một cột mốc đáng chú ý trong niên vụ 2023-2024, với giá trị xuất khẩu tăng mạnh, thiết lập nhiều kỷ lục dù sản lượng sụt giảm. Tổng cục Hải quan cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, đạt 4,6 tỷ USD, dù khối lượng giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá xuất khẩu cà phê bình quân đạt 3.981 USD/tấn, tăng 57% và đạt mức cao nhất trong lịch sử 30 năm qua.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê tăng kỷ lục giúp ngành thu về 5,4 tỷ USD, mặc dù lượng xuất khẩu giảm hơn 12,1%. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VICOFA, cho biết năm 2024 là một “năm thần kỳ” khi giá cà phê Robusta Việt Nam – loại cà phê có sản lượng đứng đầu thế giới – thậm chí vượt qua giá Arabica.
Ngành cà phê Việt Nam cũng đang chờ đợi quyết định từ thị trường châu Âu về Quy định chống phá rừng (EUDR), có thể tác động mạnh đến giá cà phê. Hiện EU chiếm khoảng 38% lượng cà phê xuất khẩu hàng năm của Việt Nam và tiêu thụ cà phê tại đây dự kiến đạt 48 tỷ USD vào năm 2024. Theo lộ trình EUDR, từ ngày 30/12/2024, các công ty muốn xuất khẩu cà phê vào EU phải chứng minh sản phẩm không liên quan đến phá rừng. Điều này đã thúc đẩy các quốc gia EU tích cực nhập khẩu cà phê, đẩy giá lên cao.
Ủy ban châu Âu gần đây đề xuất hoãn EUDR thêm một năm, tuy nhiên quyết định cuối cùng sẽ được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu vào ngày 13-14/11. Nếu EUDR có hiệu lực ngay, nhu cầu cà phê sẽ tăng mạnh, khiến giá cà phê cuối năm có thể tăng cao. Ngược lại, nếu hoãn thực hiện EUDR, giá có thể ổn định quanh mức 4.700 USD/tấn.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ca-phe-viet-thang-lon-cho-quyet-dinh-lich-su-tu-thi-truong-48-ty-usd-2340088.html 

Du lịch – Ẩm thực

  •  Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
Lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đã tăng đột biến nhờ vào sự cải thiện kết nối đường hàng không và các gói du lịch giá hấp dẫn mà Việt Nam cung cấp. Báo Economic Times của Ấn Độ đã gọi Việt Nam là “điểm đến số 1” cho du khách Ấn, với lượng khách dự báo tăng đến 500% so với năm 2019. Số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy có khoảng 392.000 khách Ấn Độ đến Việt Nam năm 2023, gấp ba lần so với 2019. Nguyên nhân tăng trưởng mạnh mẽ này được cho là nhờ vào việc mở rộng các chuyến bay, sự tiện lợi của thị thực điện tử, và ảnh hưởng tích cực từ truyền thông xã hội.
Chủ tịch công ty du lịch Thomas Cook tại Ấn Độ, ông Kale, cho biết Việt Nam thu hút nhiều nhóm khách Ấn Độ, từ thanh niên, trung niên, gia đình, đến nhóm bạn bè. Các đối tác Việt Nam cũng cung cấp nhiều lựa chọn về giá để phù hợp với nhu cầu đa dạng. Đặc biệt, sự cải thiện đáng kể của các chuyến bay thẳng, chẳng hạn từ Ahmedabad đến Đà Nẵng, góp phần đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Theo đại diện Vietjet, hãng đã mở rộng các chuyến bay trực tiếp từ các thành phố lớn như New Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Kochi đến Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, với khoảng 68 chuyến mỗi tuần. Mức độ quan tâm của người dùng mạng Internet Ấn Độ về Việt Nam cũng tăng, với lượt tìm kiếm trên MakeMyTrip tăng 17% trong năm qua.
Nguồn: https://plo.vn/ly-do-khach-du-lich-an-do-den-viet-nam-tang-500-post819247.html 
  • Độc đáo: Trải nghiệm quán cà phê quan tài tại Nhật Bản
Một công ty tổ chức tang lễ hơn 120 năm tuổi ở thành phố Chiba, Nhật Bản, đã mở một quán cà phê đặc biệt từ tháng 9/2024 nhằm khuyến khích khách hàng suy ngẫm về cuộc đời và cái chết. Quán cà phê này nằm trong khuôn viên công ty, được thiết kế với ba chiếc quan tài tinh xảo do Grave Tokyo chế tác, nơi khách hàng có thể tự do chụp ảnh và trải nghiệm mà không giới hạn thời gian.
Chủ tịch công ty, ông Kiyotaka Hirano, nảy ra ý tưởng sau khi tiếp xúc với những người mất người thân vì tự tử. Ông chia sẻ rằng trải nghiệm này nhằm tạo cảm giác “tái sinh” khi khách hàng bước ra khỏi quan tài, giúp họ có cơ hội suy ngẫm và có động lực để bắt đầu cuộc sống mới. Hirano mong muốn quán cà phê sẽ giúp những người đang chán nản hoặc gặp khó khăn có thể tìm thấy sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ.
Ông Hirano hy vọng rằng dịch vụ này sẽ phá vỡ quan niệm cấm kỵ về cái chết trong xã hội, giúp mọi người đối diện với thực tế về cuộc sống ngắn ngủi. Dù có một số ý kiến tiêu cực, Hirano coi đây là nỗ lực tạo ra một dịch vụ hữu ích cho cộng đồng. Giá tham gia dịch vụ này là 2.200 yên (khoảng 14,50 USD) mỗi người, và từ khi ra mắt, đã có khoảng 20 khách hàng trải nghiệm, trong đó bao gồm cả những người trẻ tuổi.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/doc-dao-trai-nghiem-quan-ca-phe-quan-tai-tai-nhat-ban-post992091.vnp#google_vignette 
  • Gen Z có xu hướng đi du lịch thế nào giữa thời đại bùng nổ công nghệ AI?
Gen Z coi du lịch là cách thể hiện bản sắc cá nhân, không chỉ đơn thuần khám phá mà còn nhờ vào AI và công nghệ để cá nhân hóa trải nghiệm. Theo nghiên cứu của Booking.com, thế hệ này sử dụng công nghệ để lên kế hoạch, tìm kiếm dịch vụ hiện đại tại điểm lưu trú và lưu giữ kỷ niệm du lịch. Gen Z đặc biệt thích du lịch cùng gia đình; 64% chọn đi cùng người thân, trong khi 52% từng du lịch một mình và 72% đang lên kế hoạch cho chuyến độc hành trong năm tới.
Gen Z cũng chi tiêu thông minh, chọn du lịch mùa thấp điểm, săn mã giảm giá và ưu tiên các trải nghiệm độc đáo. Khoảng 62% chọn các chuyến nội địa ngắn ngày, và 69% mong muốn tham gia các hoạt động như nhảy dù, bay khinh khí cầu. Thói quen lập lại là phổ biến: 80% quay lại nơi lưu trú yêu thích, và họ thường đặt trước các hoạt động tham quan.
Đồng thời, Gen Z quan tâm đến sức khỏe thể chất, tinh thần, với 61% xem thư giãn là mục tiêu chính của du lịch. Thế hệ này tìm đến các điểm cung cấp dịch vụ sức khỏe như yoga và spa. Theo ông Varun Grover từ Booking.com, Gen Z không chỉ khám phá mà còn tạo nên một xu hướng du lịch cá nhân hóa, kết nối sâu sắc với công nghệ và gia đình.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/gen-z-co-xu-huong-di-du-lich-the-nao-giua-thoi-dai-bung-no-cong-nghe-ai-post989692.vnp 

Khởi nghiệp

  • Khoai mì Củ Chi vừa làm được điều bất ngờ
Tại vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng/Dự án Khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10-2024,” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức, dự án Cusami từ Công ty TNHH Yam Kitchen (TP HCM) đã giành giải nhất bảng A với phần thưởng 60 triệu đồng. Dự án này, do anh Mai Tuấn Anh sáng lập, chuyên chế biến các loại bánh từ khoai mì (củ sắn) Củ Chi theo cách của bột lúa mì, tạo ra các sản phẩm như bánh bò phô mai mozzarella, lava trứng muối và mứt dứa Đài Loan. Cusami nhắm đến phân khúc khách hàng ăn kiêng và kiêng gluten.
Cusami cũng định hướng sản xuất khoai mì theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap tại xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu. Dự án sẽ tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của TP HCM, hướng tới thị trường người kiêng gluten và ăn kiêng có giá trị hàng tỷ USD.
Ở bảng B dành cho các dự án đã hoạt động hơn một năm, giải nhất thuộc về Công ty TNHH Nông Trại 123 (Đồng Tháp) với dự án tăng giá trị cho trái tắt, bưởi, và mãng cầu xiêm, nhận phần thưởng 150 triệu đồng. Giải nhì bảng A được trao cho anh Thông Long, một người dân tộc Raglay, với dự án than hoạt tính và bột đánh răng từ than.
Cuộc thi thu hút 36 dự án từ khắp cả nước, trong đó có nhiều dự án từ các cộng đồng dân tộc thiểu số, thể hiện sự đa dạng và đổi mới trong lĩnh vực khởi nghiệp xanh.
Nguồn: https://nld.com.vn/khoai-mi-cu-chi-vua-lam-duoc-dieu-bat-ngo-196241110190951271.htm 

Đầu tư – tài chính

  • Hình ảnh bất ngờ tại Công ty vàng SJC khi giá vàng miếng lao dốc
Ngày 11-11, tại Công ty vàng SJC, lượng khách đến giao dịch rất ít, không khí giao dịch trở nên vắng vẻ, đặc biệt khi giá vàng tiếp tục giảm. Giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 81,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 85,4 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tổng cộng 400.000 đồng/lượng so với hôm trước. Giá vàng nhẫn 99,99 và vàng trang sức các loại cũng ghi nhận mức giảm tương tự.
Một điểm đáng chú ý là khách hàng có thể mua vàng miếng SJC mà không cần đăng ký trực tuyến như trước đây, có thể mua đến khi hết tiền hoặc nhu cầu đủ. Số lượng khách ngồi chờ giao dịch chỉ khoảng chục người, trái ngược với cảnh xếp hàng chờ mua vàng tuần trước. Anh Hoàng, cư dân quận 3, cho biết anh mua vàng miếng SJC hàng tháng để tiết kiệm từ khi giá còn khoảng 70 triệu đồng/lượng. Chị Ngọc và người thân tại quận Bình Thạnh cũng mua vàng với mục đích để dành, không quá chú trọng đến biến động giá hàng ngày.
Nhân viên SJC cho biết, hiện mỗi khách chỉ được mua tối đa 5 lượng vàng nhẫn 99,99. Điều này thay đổi tùy thuộc vào lượng vàng khách bán ra trong ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khác.
Nguồn: https://nld.com.vn/hinh-anh-bat-ngo-tai-cong-ty-vang-sjc-khi-gia-vang-mieng-lao-doc-196241111114922753.htm 
  • Reuters: Các công ty nước ngoài đang mở rộng kiểm thử và đóng gói chip tại Việt Nam
Các công ty nước ngoài như Micron, Amkor và Intel đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp trong nước như Viettel và FPT cũng tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực này. Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trong mảng đóng gói và kiểm thử chip, vốn yêu cầu ít vốn và công nghệ phức tạp hơn giai đoạn đầu sản xuất chip. Hãng tin Reuters cho biết, lĩnh vực này trị giá khoảng 95 tỷ USD và trước đây được chi phối chủ yếu bởi Trung Quốc. Các công đoạn quan trọng của giai đoạn sản xuất chip hậu kỳ, như kiểm tra, đóng gói và gắn kết chip vào bo mạch, đảm bảo chất lượng trước khi sản phẩm đến tay người dùng.
Đầu tư lớn của các công ty vào Việt Nam, điển hình là Amkor với 1,6 tỷ USD cho nhà máy rộng 200.000 mét vuông, cho thấy quốc gia này có tiềm năng lớn trong lĩnh vực bán dẫn. Chính quyền Tổng thống Biden cũng thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm bán dẫn để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Dự kiến, đến năm 2032, Việt Nam sẽ chiếm 8%–9% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực lắp ráp, kiểm thử và đóng gói chip, tăng mạnh từ mức 1% vào năm 2022. Điều này cũng phù hợp với tham vọng của Việt Nam trong việc trở thành trung tâm sản xuất chip đầu cuối trong khu vực.
Nguồn: https://vneconomy.vn/reuters-cac-cong-ty-nuoc-ngoai-dang-mo-rong-kiem-thu-va-dong-goi-chip-tai-viet-nam.htm 
  • Các quỹ đầu tư mạo hiểm ngày càng thận trọng hơn khi rót tiền vào startup AI
Các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Ấn Độ đang thận trọng hơn khi rót vốn vào các công ty khởi nghiệp AI, ưu tiên các mô hình có tiềm năng sinh lời rõ ràng. Trào lưu đầu tư AI không còn “mù quáng” như trước; nhà đầu tư hiện yêu cầu các startup phải chứng minh giá trị thực tế và lợi nhuận có thể đo lường. Ông Adith Podhar từ Gemba Capital nhận định rằng các nhà đầu tư chuyển hướng sang những công ty có nền tảng kinh doanh bền vững, không chỉ tận dụng cơn sốt AI. Ông dự đoán thị trường sẽ điều chỉnh, với định giá hợp lý và tốc độ triển khai vốn chậm lại.
Các mô hình AI “trí tuệ tăng cường” – hỗ trợ con người thay vì thay thế hoàn toàn – và trợ lý ảo hiện đang thu hút sự quan tâm, do giúp giảm chi phí, tăng năng suất và mang lại lợi nhuận trong thời gian ngắn. Các giải pháp AI có giá trị sử dụng rõ ràng, như tăng năng suất hay tối ưu hóa quy trình doanh nghiệp, được ưu tiên, trong khi những nền tảng rộng không có trường hợp sử dụng cụ thể bị xem xét kỹ lưỡng hơn.
Các startup AI tại Ấn Độ đang trải qua giai đoạn điều chỉnh. Theo thống kê, nhiều công ty khởi nghiệp AI đã phải đóng cửa trong vài tháng qua. Báo cáo từ NASSCOM và BCG dự đoán thị trường AI Ấn Độ sẽ đạt 17 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng 25–35% hàng năm từ 2024.
Nguồn: https://vneconomy.vn/cac-quy-dau-tu-mao-hiem-ngay-cang-than-trong-hon-khi-rot-tien-vao-startup-ai.htm 

Thị trường xuất nhập khẩu

  • Doanh nghiệp tại Mỹ gấp rút nhập hàng vì lo ông Trump áp thuế
Vài ngày qua, các hãng bán lẻ và công ty sản xuất tại Mỹ thúc giục các đối tác vận chuyển “lấy hàng trước hạn” để chuẩn bị cho khả năng chính sách thuế nhập khẩu thay đổi.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10-20% với toàn bộ hàng vào Mỹ. Con số này với riêng Trung Quốc là 60-100%.
2018 là thời điểm Trump bắt đầu áp loạt thuế lên hàng nhập khẩu vào Mỹ. “Lần này không chỉ giới hạn với hàng Trung Quốc. Lời đe dọa áp thuế đang khiến doanh nghiệp phải gấp rút nhập hàng từ mọi nơi trên thế giới”, Paul Brashier – Phó giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng toàn cầu tại công ty ITS Logistics cho biết. Ông dự báo chiến thắng của Trump sẽ khiến nhu cầu container và tàu hàng tăng cao, kéo theo nguy cơ cước vận chuyển, thuê xe tải và kho bãi leo thang.
Theo dự báo của ông Zhong Zhengsheng, nhà kinh tế trưởng tại Ping An Securities, chắc chắn sẽ xảy ra làn sóng xuất khẩu từ Trung Quốc trong quý tới.
“Điều này đã được thể hiện ở giá cước vận tải biển”, ông Zhong nhận định với tờ SCMP. “Cước vận tải biển trên các tuyến từ Trung Quốc đi bờ Đông và bờ Tây Mỹ đang tăng trở lại từ đầu tháng 11”.
Theo tính toán của Capital Economics, nhu cầu hàng hóa từ Mỹ hiện đóng góp gần 3% vào GDP của Trung Quốc. Các công ty nhập khẩu Mỹ có thể sẽ đẩy mạnh mua hàng nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về thuế quan của chính quyền mới.
Nguồn: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-tai-my-gap-rut-nhap-hang-vi-lo-ong-trump-ap-thue-4813531.html 
https://vneconomy.vn/du-bao-lan-song-xuat-khau-manh-tu-trung-quoc-truoc-khi-ong-trump-nham-chuc.htm 

BSAi