Lễ hội bánh mì ở TP HCM có gì đặc biệt để đón 100.000 lượt khách?

I. Sản xuất hàng tiêu dùng

1. Ngành da giày đối mặt khó khăn
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong lĩnh vực xuất khẩu.
Chẳng hạn tại thị trường EU, một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất… đã và sẽ được thực thi thời gian tới và yêu cầu các quốc gia xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ. Nhất là trong bối cảnh, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ vào năm 2026.
Ngành da giày Việt Nam có 129 DN đầu tư vào sản xuất nguyên liệu và phụ liệu giày dép, nhưng chỉ có khoảng 20 DN trong nước đủ khả năng cung ứng nguyên liệu cao cấp. Khoảng 60 -70% số lượng DN vừa và nhỏ của ngành da giày Việt Nam phải loay hoay tự đi tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc phải chạy theo sự chỉ định của khách hàng. Bên cạnh đó, da giày dù là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng lại quá tập trung vào gia công và phó mặc nguyên vật liệu cho chuỗi cung ứng ngoài nước, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc…
Nguồn: https://daidoanket.vn/nganh-da-giay-doi-mat-kho-khan-10279655.html
2. TPHCM tiêu huỷ hơn 62.000 sản phẩm giả, nhái
Ngày 9-5, tại Nhà máy CTCP Môi trường Việt Úc (huyện Bình Chánh), Cục QLTT TPHCM tổ chức thực hiện tiêu hủy hàng hóa đối với 62.527 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, có tổng trị giá 984.511.000 đồng.
Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy là 15.688 đơn vị sản phẩm quần, áo, váy đầm, đồ bộ… các loại; 1.100 đôi vớ (tất); 33 đôi giày thể thao; 45.000 cái khẩu trang 5D MASK vải không dệt không phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01:2017/BCT; 706 miếng dán móng tay nghệ thuật các loại giả nhãn hiệu GUCCI.
Nguồn:https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-tieu-huy-hon-62000-san-pham-gia-nhai-post113930.html

II. Bán lẻ – Thương mại điện tử

1. Thương mại điện tử Trung Quốc: Dốc sức cho cuộc chiến giá rẻ, lợi nhuận bị bào mòn
Cuộc chiến giá rẻ đang trở nên thách thức đối với Tmall của Alibaba và JD.com, bởi hai nền tảng này trước đó đã tìm cách nâng cao chuỗi giá trị tiêu dùng bằng việc cung cấp các sản phẩm cao cấp, chẳng hạn như iPhone của Apple, sản phẩm chăm sóc da Estee Lauder và đồ trang sức Tiffany & Co.
Nhưng giờ đây, Alibaba và JD.com phải xoay sở bảo vệ chuỗi giá trị đó, cùng lúc cung cấp nhiều loại sản phẩm giá rẻ hơn để tránh tuột mất thị phần. Theo ước tính của ngân hàng DBS, Alibaba và JD.com chiếm tổng cộng khoảng 69% doanh thu thị trường thương mại điện tử Trung Quốc.
Vài năm trở lại đây, Alibaba và JD.com đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nền tảng chi phí thấp như Pinduoduo của PDD Holdings và Douyin thuộc sở hữu của “ông lớn” công nghệ ByteDance. Bởi lẽ, người tiêu dùng Trung Quốc thận trọng hơn trong chi tiêu sau đại dịch Covid-19, tìm kiếm các mã giảm giá và mua sắm các sản phẩm giá rẻ hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp hơn và suy thoái bất động sản.
Nguồn:https://baodautu.vn/thuong-mai-dien-tu-trung-quoc-doc-suc-cho-cuoc-chien-gia-re-loi-nhuan-bi-bao-mon-d215023.html

III. Xu hướng tiếp thị – truyền thông

1. Cơn bão Tiktok, Google, Facebook đang bào mòn hàng tỷ USD tiền tiếp thị qua tivi
Đầu năm 2024, thương hiệu Mondelez quảng cáo bánh Oreo nổi tiếng của họ đã làm một việc mà trước đây chưa ai từng tưởng tượng: Không chi tiền tiếp thị cho dịch vụ truyền hình. Do đối tượng khách hàng chủ yếu mà công ty nhắm đến là giới trẻ, hãng đã chuyển sang các nền tảng mạng xã hội như Instagram hay TikTok, vốn thường được giới trẻ theo dõi thường xuyên hơn là truyền hình. Bên cạnh đó, những trang thương mại điện tử (TMĐT) như Amazon hay Walmart cũng được mua quảng cáo khi làn sóng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng.
Hãng Mondelez cho hay các chương trình truyền hình giờ đây không còn tạo được sức hút lớn nữa. Trong khi đó mảng dịch vụ truyền hình trực tuyến như Netflix thì lại không quá hoàn hảo do tính phí cao và chưa phổ biến rộng rãi đến người dùng.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay đây là một sự chuyển biến lớn trên thị trường quảng cáo khi truyền hình từ lâu đã được coi là nền tảng của tiếp thị hiện đại. Sự thống trị của truyền hình đã tồn tại hàng thập niên nhờ khả năng tiếp cận lượng khán giả rộng lớn và đa dạng, sử dụng âm thanh và hình ảnh để khơi gợi cảm xúc mua sắm cho người xem.
Thế nhưng ngày nay với sự ra đời của smartphone, ưu thế lượng khán giả khổng lồ theo dõi truyền hình đã không còn nữa. Hơn nữa, tiếp thị qua tivi không còn hấp dẫn vì khán giả không chấp nhận việc bị chen ngang bởi các chương trình quảng cáo như truyền hình truyền thống khi đã bỏ tiền sử dụng dịch vụ của truyền hình trực tuyến như Netflix. Chính điều này càng khiến các doanh nghiệp quay lưng.
Nguồn:https://cafef.vn/ngay-tan-cua-quang-cao-truyen-hinh-con-bao-tiktok-google-facebook-dang-bao-mon-hang-ty-usd-tien-tiep-thi-qua-tivi-bien-nganh-doc-quyen-mot-thoi-thanh-do-co-188240513135423853.chn

IV. Xu hướng Xanh – Bền vững

1. Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện
Anh, New Zealand, Israel và phần lớn các bang của Mỹ là những khu vực áp dụng các thay đổi về thuế và phí đối với xe điện và xe lai sạc điện (hybrid). Các điều chỉnh này rất đa dạng liên quan đến phí trước bạ, phí sử dụng đường bộ dựa trên quãng đường di chuyển cho đến thuế đối với các trạm sạc công cộng. Chủ sở hữu xe điện và các nhà vận động chuyển đổi xanh trong ngành giao thông lo ngại động thái này làm chậm quá trình chuyển đổi từ các phương tiện ngốn xăng sang các phương tiện thay thế ít khí thải hơn.
Dữ liệu của IEA cho thấy, làn sóng chuyển đổi sang xe điện đã gây “tổn thất” 10 tỉ đô la Mỹ doanh thu từ thuế xăng và dầu diesel trên toàn cầu vào năm ngoái.
Mức tổn thất này dự kiến sẽ tăng lên 110 tỉ đô la vào năm 2035 nếu các nước đạt được mục tiêu điện khí hóa. Điều này cũng có nghĩa là các chính phủ mất một nguồn thu quan trọng thường được sử dụng để chi trả cho hoạt động bảo trì đường bộ và cải thiện giao thông. Trong khi một số nước tìm cách bù đắp bằng các loại thuế phí áp vào xe điện, nguồn doanh thu mới này vẫn rất nhỏ so với khoản thất thu thuế nhiên liệu.
Nguồn: https://baomoi.com/nhieu-nuoc-bat-dau-danh-thue-xe-dien-c49081467.epi
2. TP.HCM sắp có tòa tháp văn phòng và thương mại 55 tầng đặt mục tiêu đạt chứng chỉ xanh của Mỹ
Nằm ngay chân cầu Ba Son, khi đi vào hoạt động năm 2025, Marina Central Tower sẽ là tòa tháp văn phòng, trung tâm thương mại có quy mô lớn bậc nhất TP.HCM và đặt mục tiêu đạt chứng chỉ xanh LEED Gold (chứng chỉ về tòa nhà xanh của Hội đồng tòa nhà xanh của Mỹ – U.S Green Building Council).
Marina Central Tower được xây trên mảnh đất rộng 6.000m², có chiều cao 55 tầng nổi và 5 tầng hầm, kết nối trực tiếp với ga metro Ba Son thuộc tuyến metro số 1. Với tổng diện tích sàn trên 106.000m² văn phòng và trung tâm thương mại cao cấp, trong đó có đến 87.000m² mặt bằng văn phòng hạng A, đây sẽ là một trong những tòa nhà văn phòng, thương mại có quy mô lớn nhất TP.HCM khi hoàn thành.
Nguồn:https://tuoitre.vn/tp-hcm-sap-co-toa-thap-van-phong-va-thuong-mai-55-tang-dat-chung-chi-xanh-cua-my-20240510154130384.htm
3. Doanh nghiệp muốn bán tín chỉ carbon không phải chuyện dễ
Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá quốc tế Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết, nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định tín chỉ carbon có thể được DN phát thải sử dụng bù đắp lượng khí nhà kính (KNK) vượt quá mức cho phép được phân bổ nhưng không quá 10% tổng hạn ngạch được cấp cho cơ sở đó.
Như vậy, đối với tín chỉ carbon DN chỉ mua bán 10% tổng hạn ngạch của mình. Đây là thông lệ tốt trên thế giới khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải KNK mới hình thành chứ không riêng Việt Nam.
“Tư vấn quốc tế mỗi lần thẩm định với chi phí cả vài chục ngàn USD, nếu lần một chưa đạt, phải quay lại lần hai, lần ba thậm chí năm lần chi phí càng đội lên cao. Đơn vị phát triển dự án thấy chi phí vốn đã nhiều mà chưa có được tín chỉ sẽ không làm thẩm định nữa.”
Nguồn:https://baomoi.com/doanh-nghiep-muon-ban-tin-chi-carbon-khong-de-c49079579.epi

V. Thực phẩm – Ẩm thực

1. Lễ hội bánh mì ở TP HCM có gì đặc biệt để đón 100.000 lượt khách?
Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ 2 diễn ra từ ngày 17 đến 19-5 tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP HCM. Năm nay, lễ hội dự kiến đón 100.000 lượt khách đến tham quan và trải nghiệm.
Hơn 100 gian hàng tại lễ hội là những thương hiệu nổi tiếng trên 50 năm, các đơn vị nhà hàng phục vụ món ăn kèm bánh mì, tiệm bánh mì, các đơn vị cung cấp nguyên liệu gia vị, thiết bị phục vụ công nghệ làm bánh mì. Lễ hội năm nay sẽ có không gian trải nghiệm quy trình làm bánh mì và thưởng thức món này. Sẽ có một chiếc bánh mì khổng lồ trưng bày 150 món ăn đi kèm…
Nguồn:https://nld.com.vn/le-hoi-banh-mi-o-tp-hcm-co-gi-dac-biet-de-don-100000-luot-khach-196240511141003425.htm
2. Loạt đặc sản Việt lọt top 100 món ẩm thực đường phố hàng đầu châu Á
Trang TasteAtlas đã xếp hạng 100 món ăn đường phố châu Á ngon nhất. TasteAtlas là một trang ẩm thực chuyên đánh giá về các món ăn truyền thống, đặc sản địa phương và các nhà hàng chính thống.
Danh sách 100 món ăn đường phố hàng đầu châu Á được công bố vào tháng 4.2024, đánh giá dựa trên sự kết hợp giữa sở thích của thực khách và ý kiến ​​chuyên gia, với gần 23.000 xếp hạng.
Các món ăn Việt được xếp trong danh sách này gồm: Bánh mì (4), bánh mì thịt (22), bánh mì heo quay (47), phở bò (16), phở (20), phở gà (94), cơm tấm (18), nem rán (55), bánh xèo (87).
Nguồn:https://dulich.laodong.vn/tin-tuc/loat-dac-san-viet-lot-top-100-mon-am-thuc-duong-pho-hang-dau-chau-a-1338902.html
3. Rau quả bỗng dưng đắt đỏ
Tại các chợ dân sinh ở TP HCM, giá các loại rau củ đều tăng mạnh. Trong đó, giá cà chua tăng “nóng” nhất, giá bán lẻ khoảng 50.000 đồng/kg với cà chua thường, loại từ 8-12 quả/kg và khoảng 80.000 đồng/kg với cà chua Beef. Bên cạnh đó, một số loại rau lá như tần ô, cải xoong…, củ quả như bầu, bí hay rau gia vị cũng tăng giá mạnh.
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức), giải thích nguyên nhân giá cà chua tăng cao là do nguồn hàng ở tỉnh Lâm Đồng bị đứt lứa. Chỉ cách đây khoảng 1 tháng, giá sỉ cà chua Lâm Đồng tại chợ chỉ mới 10.000-12.000 đồng/kg. Từ ngày 10-5, chợ này ghi nhận cà chua Trung Quốc được đưa về với giá sỉ 28.000-30.000 đồng/kg. Khoảng 5-7 ngày tới, cà chua sẽ vào vụ thu hoạch mới, dự báo giá sẽ hạ nhiệt.
Nguồn:https://cafef.vn/rau-qua-bong-dung-dat-do-188240515071101024.chn
4. Các nhà hàng Nhật “di cư” khi đồng yen sụt giảm
Các nhà hàng lớn của Nhật có xu hướng mở rộng chi nhánh ở nước ngoài để bù đắp chi phí trước tình trạng đồng yen sụt giảm trong nước. 10 công ty, nhà hàng hàng đầu ở Nhật có khoảng 13.000 địa điểm ở nước ngoài vào cuối năm 2023. Con số này chiếm 42% trong tổng số các chi nhánh. Số lượng chi nhánh ở nước ngoài đang trên đà vượt qua số lượng chi nhánh trong nước trong vài năm tới.
Hiện đồng yen ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, gần đây chạm mức hơn 160 yen đổi 1 USD. Đối với ngành nhà hàng Nhật, những biến động của tiền tệ đã đẩy chi phí nhập khẩu thực phẩm lên cao. Hầu như, nhà hàng nào không tăng giá thực đơn thì sẽ phải đối mặt với áp lực giảm thu nhập.
Nguồn:https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/cac-nha-hang-nhat-di-cu-khi-dong-yen-sut-giam-3358530/

VI. Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi

1. Vải thiều Bắc Giang đạt chất lượng cao nhất từ trước tới nay
Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, hiện địa phương này đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu, với diện tích khoảng 17.198 ha; trong đó, thị trường Trung Quốc có 130 mã vùng trồng, diện tích 16.217 ha; đã có 39 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của nước bạn Trung Quốc.
Về chất lượng, vải thiều năm 2024 được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay; dự báo sản lượng năm 2024 đạt 100.000 tấn (trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 50.000 tấn, vải chính vụ 50.000 tấn).
Bắc Giang hiện đã chuẩn bị rất kỹ các điều kiện để đảm bảo an toàn về sức khỏe, an ninh trật tự cho tất cả thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Bắc Giang; đồng thời, tập trung nguồn lực sẵn có (vốn tín dụng, đá cây, thùng xốp, phương tiện vận tải…) sẵn sàng đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ vải thiều.
Nguồn:https://vneconomy.vn/vai-thieu-bac-giang-dat-chat-luong-cao-nhat-tu-truoc-toi-nay.htm
2. Thời tiết xấu tàn phá mùa vải thiều của Trung Quốc
Khoảng một nửa diện tích vải của Trung Quốc được trồng ở tỉnh Quảng Đông, cung cấp khoảng 1,3 triệu tấn vải mỗi năm cho thị trường. Nhưng vụ thu hoạch vải thiều ở tỉnh này thất bại do thời tiết lạnh bất thường vào mùa đông và sau đó là những cơn mưa lớn vào mùa xuân.
Chen Houbin, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp miền nam Trung Quốc, người đã nghiên cứu trái vải trong gần ba thập niên, cho biết Trung Quốc sản xuất 3,1 triệu tấn vải vào năm ngoái nhưng vụ thu hoạch năm nay chỉ bằng một nửa con số đó, ở mức 1,65-1,75 triệu tấn.
Quảng Đông chứng kiến lượng mưa kỷ lục trong tháng 4, cao gần gấp ba lần bình thường. Lin Bo, Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu nông sản Zefengyuan Agricultural Products, cho biết thời tiết mùa đông ấm bất thường trước đó và mưa lớn vào cuối tháng 4 có thể khiến sản lượng vải sụt giảm đến 60% trong năm nay. Trong khi đó, sản lượng vải thiều ở tỉnh Hải Nam dự kiến đạt 190.000 tấn, giảm 20% so với năm ngoái.
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/thoi-tiet-xau-tan-pha-mua-vai-thieu-cua-trung-quoc/
3. Đổi mới thủ tục kiểm dịch để thuận tiện cho buôn bán, vận chuyển vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi
Nhằm thuận tiện hơn cho hoạt động buôn bán, vận chuyển vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sửa đổi nhiều quy định trong hoạt động kiểm dịch, như tăng thời hạn giá trị sử dụng của giấy kiểm dịch; gia súc nhập khẩu đã có thẻ tai thì không phải xin cấp mã số; miễn đánh dấu gia súc khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh…theo Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT
Nguồn:https://vneconomy.vn/doi-moi-thu-tuc-kiem-dich-de-thuan-tien-cho-buon-ban-van-chuyen-vat-nuoi-va-san-pham-chan-nuoi.htm

VII. Thị trường xuất nhập khẩu

1. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng Chín
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động tìm kiếm đơn hàng đến ít nhất 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng Tám và tháng Chín năm nay.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết ngành dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc do hầu hết các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên.
Năm 2024, dự kiến mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 44 tỷ USD có thể trở thành hiện thực. “Nếu tình hình kinh tế thế giới không có biến động lớn so với hiện nay, cũng như không có thêm các cuộc xung đột địa chính trị, hoạt động sản xuất của ngành dệt may sẽ có chiều hướng phục hồi và khởi sắc tốt,” bà Mai nhìn nhận.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp dệt may vẫn đối diện một số thách thức lớn như việc tập trung năng lực cho xuất khẩu, đơn giá gia công thấp, dung lượng đơn hàng nhỏ, chi phí về nguyên phụ liệu, logistics vẫn còn quá cao do xung đột Biển Đỏ. Hơn nữa, phần lớn các thị trường xuất khẩu hiện nay đều kiểm soát chặt chuỗi cung ứng từ nguồn lao động cho đến tác động môi trường,…
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/nhieu-doanh-nghiep-det-may-da-du-don-hang-san-xuat-den-het-thang-chin-post948059.vnp
2. Kinh doanh tại Ấn Độ: thị trường tiêu dùng 6.000 tỷ USD và 4 thách thức
Theo số liệu của Đại sứ quán Ấn Độ năm 2022-2023, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, tăng 3,98%. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt 5,91 tỷ USD trong khi nhập khẩu của Ấn Độ từ Việt Nam lên tới 8,79 tỷ USD.
Với quy mô dân số lớn và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Ấn Độ đang trở thành một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ từ Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp Ấn Độ. Trong khuôn khổ hội thảo: “Kinh doanh tại Ấn Độ – Những nội dung quan trọng doanh nghiệp Việt Nam cần biết” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức, ông Chia Zhi Wei, chuyên gia chuyên gia xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu và bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp những nhà nhập khẩu Ấn Độ – IICCI đã khái quát những thách thức mà các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường Ấn Độ cần phải lưu ý liên quan đến văn hóa, tôn giáo, phân tầng xã hội và những quy định pháp lý đặc thù.            Nguồn:https://thegioihoinhap.vn/mua-sam/chuyen-tiep-thi/kinh-doanh-tai-an-do-thi-truong-tieu-dung-6-000-ty-usd-va-4-thach-thuc/
3. Xuất khẩu thủy sản thu về 2,7 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản thu về 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cá ngừ, cá tra, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ các loại đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm chỉ tương đương tháng 4/2023 còn mực-bạch tuộc và một số loài cá biển khác vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.
Ngành tôm Việt Nam đang trong giai đoạn “thấp thỏm” trước những thông tin liên quan đến thuế chống trợ cấp tại thị trường Mỹ. Hiện nay, Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, hy vọng đạt kết quả tích cực sẽ giúp cho rào cản thuế chống trợ cấp được tháo gỡ, giải tỏa gánh nặng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.
Nguồn:https://baomoi.com/xuat-khau-thuy-san-thu-ve-2-7-ty-usd-trong-4-thang-dau-nam-c49093395.epi
4. Việt Nam đã chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô trong 4 tháng đầu năm 2024
Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 4, cả nước nhập khẩu 43.805 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 929,4 triệu USD.
Về thị trường nhập khẩu, Indonesia dẫn đầu với 19.900 xe, kim ngạch đạt 286,8 triệu USD.
Tiếp theo là Thái Lan với 13.406 xe, kim ngạch đạt 266,5 triệu USD.
Trung Quốc đứng thứ 3 với 8.848 xe, kim ngạch 268,92 triệu USD.
Trong 3 thị trường chủ lực, lượng xe nhập từ Thái Lan giảm sâu trong khi từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Với 42.154 xe, 3 thị trường chủ lực ở châu Á chiếm đến 96,2% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước trong 4 tháng qua.
Nguồn:https://vneconomy.vn/automotive/viet-nam-chi-1-ty-usd-nhap-khau-o-to-trong-4-thang-dau-nam-2024.htm
5. Giá vải thiều xuất khẩu sẽ tăng
Cơ quan chức năng huyện Thanh Hà (Hải Dương) vừa thông tin, năm nay vải thiều mất mùa nhưng nhưng chất lượng vải thiều được nâng cao, các doanh nghiệp dự báo giá vải xuất khẩu sẽ tăng đến 20%. Kim ngạch xuất khẩu vải thiều toàn huyện dự kiến bằng 70-80% năm 2023.
Qua khảo sát, địa phương đánh giá vải thiều sớm có sản lượng gần tương đương năm trước và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của mùa vụ năm nay. Trong khi đó, vải thiều chính vụ mất mùa, nhiều vườn không đậu quả. Vải thiều sớm gồm nhiều giống (u hồng, u trứng trắng, u gai…) có đặc điểm quả to, cùi dày, lượng đường vừa phải, được các thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Nguồn:https://cafef.vn/gia-vai-thieu-xuat-khau-se-tang-188240514070942448.chn
6. Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường: Hàng xuất khẩu chờ tin vui
Đêm 8-5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức phiên điều trần thông qua hình thức trực tuyến liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Chính việc được công nhận quy chế kinh tế thị trường, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của ta đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.
Đặc biệt đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi trong trường hợp hàng xuất khẩu của Việt Nam điều tra chống bán phá giá khi ta vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường sẽ dẫn đến các nguyên tắc tính toán giá thông thường không được sử dụng. Điều này tạo ra bất lợi rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu khi không thể cạnh tranh với các hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia khác”, vị lãnh đạo trên cho hay.
Nguồn:https://tuoitre.vn/my-xem-xet-cong-nhan-viet-nam-co-nen-kinh-te-thi-truong-hang-xuat-khau-cho-tin-vui-20240510084132222.htm
7. Gạo Việt bất ngờ tăng vọt ở các thị trường cao cấp
EU có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng trong khi thị trường này việc tiêu thụ gạo lại không phổ biến. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2024, Việt Nam đã xuất khẩu vào EU gần 46.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thị trường Pháp tăng đột biến với 18.200 tấn tương đương giá trị 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ.
Thị phần gạo Việt Nam tại EU tăng từ 1% những năm trước lên 3,1% trong năm 2024. Theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA, EU chỉ cho hạn ngạch thuế quan 0% là 80.000 tấn gạo nhưng chỉ trong 3 tháng Việt Nam đã xuất khẩu tới 46.000 tấn, chiếm hơn 50%. Điều này cho thấy, nhu cầu và tiềm năng của hạt gạo Việt Nam tại thị trường EU còn rất lớn. Các số liệu hải quan của EU cho thấy nhu cầu thị trường này lên đến 3 – 4 triệu tấn gạo/năm.
So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ hay Thái Lan thì Việt Nam là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường EU và châu Mỹ nhờ việc đã ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKFTA, hay CPTPP.
Nguồn:https://thanhnien.vn/gao-viet-bat-ngo-tang-vot-o-cac-thi-truong-cao-cap-185240514135801119.htm
8. Ấn Độ được dự báo xuất khẩu 18 triệu tấn gạo trong năm 2024 – 2025
Theo USDA, Ấn Độ sẽ xuất khẩu gần 18 triệu tấn gạo trong giai đoạn 2024 – 2025, tăng khoảng 2 triệu tấn so với năm trước. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ chiếm một phần đáng kể trong thương mại toàn cầu, nhưng vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 22 triệu tấn mà nước này đã xuất khẩu trong năm 2021 – 2022.
Về thị trường gạo thế giới, báo cáo cho biết triển vọng gạo toàn cầu giai đoạn 2024 – 2025 khởi sắc là do nguồn cung, thương mại, tiêu dùng và tồn kho cuối đều kỳ tăng. Nguồn cung tăng so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng đạt mức kỷ lục 527,6 triệu tấn.
Sản lượng gạo toàn cầu chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng sản lượng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Indonesia. Tiêu thụ gạo toàn cầu được dự báo ở mức kỷ lục 526,4 triệu tấn, nhờ mức tiêu thụ cao hơn ở Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Bangladesh, bù đắp cho mức giảm ở Trung Quốc.
Nguồn:https://nongnghiep.vn/an-do-duoc-du-bao-xuat-khau-18-trieu-tan-gao-trong-nam-2024–2025-d385919.html
9. Sầu riêng liên tục bị cảnh báo chất lượng
Xuất khẩu sầu riêng năm 2023 mang về giá trị trên 2,24 tỉ USD và hiện vẫn đang tăng tốt. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng liên tục nhận cảnh báo về chất lượng, thậm chí có nguy cơ bị tạm dừng xuất khẩu nếu tình hình không được cải thiện.
Cụ thể theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, Cục đã nhận được nhiều cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm các quy định của nghị định thư từ cơ sở trồng đến đóng gói. Thậm chí nhiều tỉnh diện tích trồng sầu riêng lớn nhưng vi phạm quy định nhiều lần. Cụ thể có 115 mã số vùng trồng và 72 cơ sở đóng gói vi phạm quy định, trong số này có 35 mã số vùng trồng và 29 cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần, nguy cơ đối diện việc tạm ngừng xuất khẩu. Việc theo dõi quản lý cấp mã số cũng như giám sát các cơ sở này sau khi được cấp mã số đã được phân cấp về địa phương cấp tỉnh nhưng một số nơi buông lỏng quản lý.
“Các tỉnh có số lượng mã số vùng trồng nhưng tỷ lệ giám sát thấp như Đắk Nông 0%, Bình Phước là 1,6%, Vĩnh Long 5%, Bình Thuận chỉ 12%, Hậu Giang 27%… Chỉ một số địa phương thực hiện khá tốt như Lâm Đồng đạt 100%, Gia Lai 75,9% và Đắk Lắk 72,1%. Việc thực hiện giám sát các cơ sở đóng gói cũng tương tự”, ông Đạt thông tin.
Nguồn:https://thanhnien.vn/sau-rieng-lien-tuc-bi-canh-bao-chat-luong-185240510222927555.htm
10. Xuất khẩu điều hướng tới mốc kỷ lục 4 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 4/2024, nước ta xuất khẩu được 65 nghìn tấn nhân điều, thu về 350 triệu USD, lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 216 nghìn tấn, với kim ngạch 1,16 tỷ USD, tăng 32,4% về khối lượng và tăng 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường lớn, như Trung Quốc, Hà Lan, Hoa Kỳ… ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã từng đạt mức kỷ lục về giá trị vào năm 2021, với 3,63 tỷ USD. Sang năm 2022, xuất khẩu hạt điều giảm 10,3% về lượng và 15,1% về giá trị, đạt 519.782 tấn và 3,08 tỷ USD. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điều tăng 18% so với năm 2022, đạt 3,6 tỷ USD, nhưng vẫn chưa bằng con số của năm 2021. Tuy nhiên, với những kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành điều đang kỳ vọng vào con số kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD cho cả năm 2024.
Nguồn:https://vneconomy.vn/xuat-khau-dieu-huong-toi-moc-ky-luc-4-ty-usd.htm

VIII. Dịch vụ

1. Kết quả kiểm tra giá vé máy bay của 4 hãng hàng không
Từ ngày 7-5 đến ngày 9-5, Cục Hàng không đã thực hiện việc kiểm tra với các hãng hàng không Vietnam Airlines (VN), VietJet Air (VJ), Bamboo Airways (QH) và Vietravel Airlines (VU); đồng thời kiểm tra tại đại lý bán vé của các hãng (2 đại lý bán vé của mỗi hãng VN, VJ và 1 đại lý của mỗi hãng QH, VU); tập trung vào giai đoạn từ ngày 1-1 đến ngày 4-5-2024.
Kết quả kiểm tra cho thấy giá vé máy bay tăng từ 2,1% đến 39,9%, song không vượt  trần.
Thực tế mức giá vé bán ra, trong giai đoạn từ ngày 1-1 đến ngày 30-4-2024, so sánh với cùng kỳ năm 2023, các mức giá vé hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa của các hãng về cơ bản có sự gia tăng; trong đó với 3 đường bay trục (gồm: Hà Nội – TP HCM, Hà Nội – Đà Nẵng và TP HCM – Đà Nẵng), giá vé trung bình của các hãng có mức tăng lần lượt: VN (19,9%; 28,4% và 14,9%), VJ (17,9%; 39,9% và 27,0%), QH (2,1%; 24,4% và 22,5%), VU (10,2%; 17,7% và 18,6%).
Nguồn:https://nld.com.vn/ket-qua-kiem-tra-gia-ve-may-bay-cua-4-hang-hang-khong-196240511131540811.htm
2. Du lịch hè 2024: Xu thế du lịch nội vùng lên ngôi
Dự đoán về xu hướng du lịch nội địa hè năm nay, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP du lịch và sự kiện Vitraco (Đà Nẵng) cho rằng thị trường du lịch trong nước dưới sức ép của giá vé máy bay sẽ chủ yếu tập trung vào 2 phân khúc đó là đường bộ nội vùng (ô tô và xe lửa) và đường bay nước ngoài.
Các công ty du lịch miền Bắc và Nam sẽ tập trung khai thác tour đường bộ bằng ô tô trong tầm bán kính 500km đổ lại, thời gian kéo dài từ 2 – 5 ngày, giá thành từ 2,5 – 5 triệu/tour. Theo họ, đa số khách du lịch trong nước mùa hè năm nay chọn di chuyển bằng xe ô tô vì giá cả hợp lý hơn. Việc đưa các tuyến cao tốc mới vào lưu thông rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển nên du lịch đường bộ cũng thuận tiện hơn. Nhu cầu đặt tour di chuyển trên các cung đường có cao tốc như Phan Thiết và miền Tây năm nay tăng đột biến.
Các công ty lữ hành tại miền Trung cũng chuyển hướng khai thác du lịch đường sắt hành trình đi Đồng Hới, Lào Cai, Huế, Đà Nẵng…Tuy nhiên, theo đại diện CLB Unesco Hà Nội, các sản phẩm du lịch đường sắt cũng gặp khó khăn do giá vé tàu khá cao, số lượng vé cũng không nhiều do nguồn cung có hạn.
Khách hàng là các đơn vị đoàn thể thay vì bay Hà Nội, Sapa, Hạ Long để nghỉ hè thì năm nay họ sẽ chọn các tuyến nước ngoài có giá rẻ hơn bay trong nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan”, Phó TGĐ Vitratour Lê Tấn Thanh Tùng thông tin.
Mùa hè nắng nóng nên khách chọn đi nước ngoài để hưởng khí hậu mát và quan trọng là vé máy bay rẻ dẫn đến giá thành chung của du lịch nước ngoài tốt hơn du lịch nội địa.
Nguồn:https://vneconomy.vn/du-lich-he-2024-xu-the-du-lich-noi-vung-len-ngoi.htm

IX. Công nghiệp – Năng lượng

1. Chính phủ đồng ý cho nhập điện gió Trường Sơn bên Lào
Chính phủ vừa có văn bản trả lời tới Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đồng ý về việc nhập khẩu điện gió từ nhà máy điện gió Trường Sơn (Lào) về Việt Nam.
Để đáp ứng tiến độ và thời gian vận hành vào quý 4-2025, chủ đầu tư dự án điện gió Trường Sơn sẽ thực hiện đầu tư toàn bộ công trình lưới điện đấu nối từ nhà máy điện gió Trường Sơn (trên đoạn lãnh thổ Việt Nam) bằng nguồn vốn tự có.
Trước đó, chủ đầu tư dự án cũng đã gửi đề xuất bán điện cho EVN, với giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cho loại hình nhà máy điện gió vận hành thương mại trước ngày 31-12-2025 là 6,95 cent/kWh. (~1700 VNĐ). Mức này được EVN đánh giá cạnh tranh hơn nhiều các nguồn điện gió trong nước vận hành thương mại trước 1/11/2021, với điện gió trên đất liền 8,5 cent và điện gió trên biển 9,8 cent một kWh.
EVN đánh giá việc nhập khẩu điện từ Lào sẽ góp phần giảm chi phí mua điện, hỗ trợ đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc.
Nguồn:https://tuoitre.vn/chinh-phu-dong-y-cho-nhap-dien-gio-truong-son-ben-lao-20240513104538143.htm
2. Mỹ lo “ngập” trong dầu ăn đã qua sử dụng từ Trung Quốc
Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), năm 2023, lượng nhập khẩu dầu ăn đã qua sử dụng của Mỹ tăng gấp hơn ba lần so với năm trước, trong đó hơn 50% đến từ Trung Quốc. Sự gia tăng này gây thiệt hại về lợi nhuận cho các công ty chiết xuất dầu từ đậu nành nguyên hạt, khiến nhiều nhà máy phải giảm sản lượng.
Các công ty chế biến đậu nành lo ngại rằng thị trường sẽ “ngập” trong dầu ăn đã qua sử dụng từ Trung Quốc và làm sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp canh tác trong nước mà sử dụng nhiên liệu tái tạo. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện một số tin đồn chưa được xác nhận rằng dầu ăn đã qua sử dụng từ châu Á có thể không phải loại nguyên bản mà đã được trộn với dầu thực vật tươi như dầu cọ. Điều này có thể làm giảm giá trị của mặt hàng và vi phạm luật về nhiên liệu sinh học của Mỹ.
Nguồn:https://vneconomy.vn/my-lo-ngap-trong-dau-an-da-qua-su-dung-tu-trung-quoc.htm
3. Nga vừa “mở khóa” kho báu dầu khí khổng lồ: chứa 511 tỷ thùng dầu, gấp 116 lần trữ lượng của Việt Nam
Nga phát hiện trữ lượng dầu và khí đốt lên tới 511 tỉ thùng ở lãnh thổ Nam Cực của Anh. Trữ lượng khổng lồ này gấp khoảng 10 lần toàn bộ sản lượng dầu của Biển Bắc trong 50 năm qua. So với Việt Nam (4,4 tỷ thùng), con số này gấp tới 116 lần.
Nam Cực được bảo vệ theo Hiệp ước Nam Cực năm 1959, cấm phát triển khoáng sản và dầu mỏ trong khu vực. Hiệp ước Nam Cực năm 1959 được lập ra để đảm bảo Nam Cực được sử dụng “chỉ cho mục đích hòa bình” và sẽ không “trở thành hiện trường hoặc đối tượng của bất hòa quốc tế”.
Hiệp ước Nam Cực sẽ được xem xét lại vào năm 2048 nhưng bất kỳ quốc gia nào liên quan cũng có thể rút khỏi hiệp ước theo ý muốn.
Nguồn:https://cafef.vn/nga-vua-mo-khoa-kho-bau-dau-khi-khong-lo-chua-511-ty-thung-dau-gap-116-lan-tru-luong-cua-viet-nam-188240514092238117.chn

X. Liên kết – Đầu tư – Khởi nghiệp

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc ‘đua nhau’ mở nhà máy tại châu Âu
Một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm cách thành lập các nhà máy sản xuất và lắp ráp ở châu Âu nhằm mục đích tăng doanh số bán hàng và giảm giá thành để cạnh tranh với các đối thủ châu Âu trong bối cảnh nhu cầu tại quê nhà đang chậm lại.
Số lượng xe điện của Trung Quốc nhập khẩu vào châu Âu đã tăng vọt trong những năm gần đây. Điều này khiến các nhà sản xuất xe điện tại địa phương lo ngại về những thiệt hại trước làn sóng xe điện giá rẻ của Trung Quốc.
Hiện tại, EU đã tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có thể là một yếu tố khiến các hãng xe Trung thúc đẩy xây dựng các nhà máy tại châu Âu.
Nguồn:https://baomoi.com/cac-nha-san-xuat-xe-dien-trung-quoc-dua-nhau-mo-nha-may-tai-chau-au-c49079455.epi
1. Tập đoàn Hàn Quốc muốn xây trung tâm dữ liệu lớn tại TP HCM
Tập đoàn Hyosung muốn đầu tư một trung tâm dữ liệu lớn (data center) ở khu công nghệ cao TP HCM khi  chia sẻ tại cuộc gặp Phó thủ tướng Lê Minh Khái, chiều 10/5.
Hiện Việt Nam có tổng cộng 32 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ. Trong đó có 4 nhà cung cấp lớn trong nước (Viettel, VNPT, FPT, CMC) chiếm tỷ trọng khoảng 97% thị trường. Quy mô thị trường còn rất nhỏ so với các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines.
Tuy nhiên, Việt Nam đang được đánh giá là một trong 10 thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi trên thế giới. Theo Research and Markets, thị trường này có thể đạt 1 tỷ USD vào năm 2028, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 11% mỗi năm.
Nguồn:https://vnexpress.net/tap-doan-han-quoc-xay-trung-tam-du-lieu-lon-tai-tp-hcm-4744657.html
2. Samsung tính rót thêm 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam
Thông tin trên do ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung cho biết tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, chiều 09/5. Ông Park Hark Kyu đánh giá môi trường kinh doanh liên tục cải thiện, nên Samsung sẽ nâng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng và tăng hợp tác đào tạo nhân lực.
Từ năm 2014 đến nay, doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này tăng 12 lần, từ con số 25 ban đầu lên 309 công ty hiện tại.
Ông Park cũng cho biết Samsung dự kiến đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam thời gian tới và khẳng định muốn giữ vị thế nhà đầu tư FDI lớn nhất ở Việt Nam.
Nguồn:https://vnexpress.net/samsung-se-dau-tu-them-1-ty-usd-moi-nam-tai-viet-nam-4744177.html

XI. Tài chính

1. Lạm phát gần 300%, Argentina phát hành tờ tiền mệnh giá “siêu to”
Ngân hàng Trung ương Argentina mới đây đã đưa đồng tiền mệnh giá 10.000 peso đầu tiên của nước này vào lưu thông – một động thái đã được chờ đợi từ lâu nhằm giảm bớt số lượng tờ tiền mặt mà người dân nước này phải sử dụng trong đời sống hàng ngày do đồng tiền mất giá nghiêm trọng vì siêu lạm phát.
Tờ tiền này có giá trị tương đương 11 USD tính theo tỷ giá chính thức của nước này. Mệnh giá của tờ tiền mới lớn gấp 5 lần so với đồng có mệnh giá lớn nhất trước đó của Argentina là đồng 2.000 peso. Đồng peso của Argentina đã “bốc hơi” 95% giá trị trong 5 năm qua khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này ngày càng nghiêm trọng. Tốc độ lạm phát hàng tháng ở Argentina đã lập đỉnh ở mức 26% vào tháng 12 và giảm còn 11% vào tháng 3.
Nguồn:https://vneconomy.vn/lam-phat-gan-300-argentina-phat-hanh-to-tien-menh-gia-sieu-to.htm
2. Cơn sốt vàng gây hệ lụy gì đến tâm lý người dân và nền kinh tế?
Các chuyên gia cho rằng dù vàng không còn là phương tiện thanh toán nhưng nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy đến nền kinh tế.
Tiến sỹ Bùi Trinh – Viện nghiên cứu Phát triển Việt Nam phân tích giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa trong dân. Lấy tổng thu nhập trừ đi tiêu dùng thì còn lại tiền tiết kiệm. Tiền tiết kiệm là nguồn lực để tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau. Vậy mà dòng tiền này lại đổ vào vàng thì sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển. Hiện người dân có tâm lý chạy theo giá vàng do giá không ngừng tăng. Họ kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa và thường sốt ruột trước hiệu ứng đám đông nên họ không có hứng thú với việc tích tiền để tái sản xuất nữa mà đi mua vàng.
Một chuyên gia khác cũng cho rằng giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản… từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ. Điều này có thế gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên. Từ đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế.
Theo Tiến sỹ Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, hiện giá vàng trong nước đang tăng do chịu 3 yếu tố tác động cùng lúc. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng do bất ổn của kinh tế, chính trị.
Thứ hai, trong nhiều năm nay không có khung vàng miếng ở thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều có và đặc biệt nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, 2023 là những năm thị trường bất động sản suy thoái, dòng tiền “chảy” nhiều vào kênh đầu tư vàng.
Thứ ba, lãi suất tiết kiệm giảm cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh, từ đó đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và tăng cao hơn cả giá vàng thế giới.
Nguồn:https://baomoi.com/con-sot-vang-gay-he-luy-gi-den-tam-ly-nguoi-dan-va-nen-kinh-te-c49092887.epi
BSAi