TCVN 14120:2024 nguyên tắc đặt tên cho một loài gỗ
(VietQ.vn) – Cũng giống như nhiều loài cây khác, gỗ cũng được đặt tên khác nhau. Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành TCVN 14120: 2024 nhằm đưa ra nguyên tắc đặt tên cho một loài gỗ để dễ dàng nhận biết và phân loại từng đặc điểm.
Gỗ đóng vai trò thiết yếu trong đời sống con người từ hàng ngàn năm nay. Nó được sử dụng làm nhiên liệu, vật liệu xây dựng, chế tạo công cụ, vũ khí, đồ nội thất và giấy. Ngoài những ứng dụng truyền thống, gỗ hiện nay còn được sử dụng để sản xuất cellulose tinh chế và các sản phẩm từ cellulose như giấy bóng kính (cellophane) và cellulose acetate.
Gỗ là sản phẩm chính của rừng. Theo nghĩa hẹp, gỗ trong thân cây của các loài cây thân gỗ. Theo nghĩa rộng gỗ là loại vật liệu bao gồm gỗ nguyên khai thác từ thân, cành, rễ của cây gỗ, các sản phẩm gia công cơ giới như ván xẻ, ván dán, ván dăm và ván sợi, gỗ ghép thanh,…
Tại Việt Nam hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14120: 2024 gỗ – nguyên tắc về danh pháp nhằm đưa ra những hướng dẫn về nguyên tắc đặt tên cho một loài gỗ, bao gồm tên khoa học, tên thương mại, tên Việt Nam, mã hóa tên và thông tin về xuất xứ.
Nguyên tắc đặt tên khoa học của một loài cây viết bằng chữ Latinh gồm ít nhất 2 từ: Từ đầu tiên là tên chi và từ thứ hai là tên loài. Ngoài ra, tên khoa học còn có thêm từ thứ 3 chỉ tên người phát hiện ra loài cây đó hay thu thập mẫu vật.
Nếu gặp một loài chưa biết, sẽ viết tắt tên loài bằng chữ viết tắt sp (species). Nếu có nhiều loài thuộc về cùng một chi nhưng không chỉ rõ loài nào, người ta có thể viết tắt thành spp., có nghĩa species plurima (nhiều loài).
Mã hóa ký tự cho một loài cây bao gồm bốn ký tự, trong đó hai ký tự đầu quy định cho chi được lấy từ hai ký tự đầu tiên trong tên chi. Ký tự thứ ba và thứ tư quy định cho tên loài cây, được lấy từ hai ký tự đầu tiên trong tên loài.
Trong trường hợp tên loài chưa xác định được trong một chi hoặc nhiều loài chưa xác định được cùng trong một chi, thì ký tự XX được sử dụng. Mã hóa bốn ký tự sẽ có hai ký tự đầu tiên là hai ký tự đầu tiên của tên chi, ký tự thứ ba và thứ tư quy định cho tên các loài gỗ này là XX.
Xuất xứ của gỗ được sử dụng các chữ viết tắt đưa ra như châu Âu là EU; Châu Phi là AF; Bắc Mỹ là AM (N); Trung Mỹ là AM (C); Nam Mỹ là AM (S); Châu Á là AS; Úc và các đảo Thái Bình Dương là AP.
TCVN 13732-3:2023 về hệ thống tự động hóa và tích hợp
(VietQ.vn) – Việc ứng dụng tự động hóa và tích hợp hệ thống trong các nhà máy sản xuất giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao khi áp dụng nên tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13732-3:2023.
Tự động hóa và tích hợp hệ thống là việc sử dụng các thiết bị điện kết nối với nhau để nâng cao công nghệ cho máy móc, giúp chúng vận hành tự động giảm thiểu thao tác thủ công, nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng và sự đồng đều của sản phẩm, đặc biệt ở những công đoạn mang tính lặp đi lặp lại.
Từ các thiết bị điều khiển khác nhau như PC/PLC, các cảm biến và bộ truyền động, bus/module truyền thông, bộ điều khiển máy, hệ thống HMI (Giao diện người máy)… chúng ta có thể cấu thành một hệ thống điều khiển tự động có cấu trúc linh hoạt. Từ đó giúp các quy trình sản xuất công nghiệp trở nên linh hoạt, đơn giản và hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, khi áp dụng nên thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13732-3:2023 về hệ thống tự động hóa và tích hợp – phần 3 kiểm tra xác nhận và phê duyệt do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố để đảm bảo hệ thống luôn vận hành hiệu quả.
Tự động hóa và tích hợp hệ thống là việc sử dụng các thiết bị điện kết nối với nhau để nâng cao công nghệ cho máy móc. (Ảnh minh họa)
Phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này là đưa ra các nguyên tắc kiểm tra xác nhận, phê duyệt theo mô hình hoạt động và luồng công việc của hệ thống điều khiển quá trình nâng cao, tối ưu hóa (APC-O), phân tích và xác định quá trình chung để kiểm tra xác nhận, phê duyệt hệ thống APC-O, đồng thời quy định một bộ các chỉ số và điểm kiểm tra sử dụng để kiểm tra xác nhận và phê duyệt. Theo đó việc kiểm tra xác nhận chính là quá trình đánh giá hệ thống APC-O để xác định xem đầu ra của một giai đoạn có thỏa mãn các điều kiện đặt ra khi bắt đầu giai đoạn đó hay không.
Đối với luồng công việc của hệ thống APC-O liên quan đến các giai đoạn của vòng đời. Đầu ra của giai đoạn vòng đời mỗi giai đoạn công việc có một đối tượng. Giai đoạn công việc vòng đời của hệ thống APC-O bao gồm các giai đoạn phân tích yêu cầu; thiết kế; phát triển; thực thi; hỗ trợ.
Yêu cầu chung đối với cấu trúc của các chỉ số bao gồm cả các chỉ số định lượng và chỉ số đánh giá được biểu thị theo cấu trúc được quy định trong tiêu chuẩn ISO 22400-2. Mục đích của việc kiểm tra xác nhận và phê duyệt là để kiểm tra xem công việc có đáp ứng nhu cầu của người dùng hay không. Xác định mục tiêu của kiểm tra xác nhận và phê duyệt (V&V) theo yêu cầu của người sử dụng. Phân tích mục tiêu và đảm bảo rằng mục tiêu đó áp dụng cho công việc trong giai đoạn này. Xác định các chỉ số, mốc kiểm tra, công thức áp dụng, phương pháp đánh giá để xây dựng bảng kiểm.
TCVN 10736-34:2023 về đo bụi từ không khí trong nhà giúp hạn chế rủi ro ô nhiễm
(VietQ.vn) – Hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà do nhiều nguồn khác nhau ngày càng nghiêm trọng. Do đó việc xác định nồng độ của bụi, kích thước hạt trong không khí trong nhà theo TCVN 10736-34:2023 giúp hạn chế rủi ro ô nhiễm.
Không khí trong nhà ô nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe
Chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra các chất ô nhiễm thông thường có thể tìm thấy trong nhà là bụi bông, khói thuốc, Benzene, Formaldehyde, Naphthalene; Nitrogen Dioxide; Polycyclic Aromatic Hydrocarbons; Radon; Trichloroethylene; Amiang; Ozone; Toluene; vi sinh vật.
Các chất gây ô nhiễm trên được phát ra từ nhiều nguồn trong nhà như khói thuốc lá, bếp than tổ ong, bếp dầu, bếp ga (thải ra khí CO2). Quá trình xào nấu thức ăn sẽ bốc ra mùi làm ô nhiễm không khí trong bếp. Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như Formaldehyde, Benzene, Acetone phát sinh từ thiết bị văn phòng như máy in, máy photocopy, thảm lau chùi, đồ gỗ, sơn, chất tẩy rửa, đồ nhựa. Mặt khác, những nơi ồn ào hoặc giá rét thường đóng kín cửa sổ (để chống ồn và chống rét) khiến các loại khí độc hại không thoát ra ngoài được.
Trong đó hóa chất Formaldehyde là chất phổ biến trong đồ nội thất bằng gỗ ép cũng như màn, quần áo được ép cố định. Vì các sản phẩm mới thải ra khí thải mạnh hơn, nên để chúng ở ngoài trước khi mang vào nhà và giặt màn sạch sẽ trước khi dùng.
Thậm chí bếp gas được lắp đặt hoặc lắp đặt không đúng cách có thể thải khí độc hại vào nhà. Đảm bảo các đầu đốt được điều chỉnh chính xác để các đầu ngọn lửa luôn có màu xanh lam. Thông gió bếp bằng quạt thổi bên ngoài để tránh tích tụ khí gas nguy hiểm.
Ngoài ra, các hạt bụi đã lắng đọng có thể bị cuốn vào thông qua các hoạt động khác nhau và sau đó được hít vào. Khoa Hô hấp – Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ô nhiễm không khí tác động trực tiếp đến cơ quan hô hấp. Đặc biệt, với những người có bệnh mạn tính về hô hấp như hen, COPD… dễ bị các đợt kịch phát cấp tính làm cho chức năng hô hấp ngày càng xấu đi, giảm chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ.
Tiêu chuẩn quốc gia về xác định nồng độ của bụi trong không khí trong nhà
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10736-34:2023 không khí trong nhà – phần 34 các chiến lược đo bụi trong không khí do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các chiến lược chung để xác định nồng độ của bụi trong không khí trong nhà và ở dải kích thước hạt trong khoảng từ 1nm đến 100μm.
Yêu cầu chung về nồng độ bụi mịn trong nhà có thể bắt nguồn từ các nguồn liên tục (ví dụ: không khí xung quanh, sưởi) và từ các nguồn không liên tục (ví dụ: nấu ăn, hút thuốc, đốt nến, máy in).
Yêu cầu chung về phương pháp đo các hạt trong không khí trong nhà, nên sử dụng các phương pháp khác nhau, các biến đo được xác định, dưới dạng tích phân hoặc dưới dạng đại lượng được phân tích theo kích thước: Nồng độ khối lượng hạt; Nồng độ số hạt; Nồng độ diện tích bề mặt hạt; Nồng độ diện tích bề mặt lắng đọng phổi (LDSA) của hạt; Nồng độ thể tích hạt.
Yêu cầu chung về quy trình đo phát thải trung bình và phân giải thời gian của một nguồn cụ thể, do sự thay đổi theo thời gian của một số nguồn phát thải có thể thay đổi đáng kể nên việc xác định lượng phát thải trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với khoảng thời gian được sử dụng để xác định tác động trung bình của nguồn thường là hữu ích hoặc cần thiết.
Vì các phương pháp phân giải thời gian thường có thể tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ, nên cần xem xét, xác định lượng dữ liệu cần thiết, trình tự lấy mẫu và số lượng sự cố phát thải nguồn (nếu có thể). Điều này là để tối đa hóa thông tin có thể truy cập và giảm thiểu công việc cần thiết để xử lý dữ liệu, có thể giảm thiểu đáng kể so với xử lý dữ liệu đo một lần.
Việc đảm bảo chất lượng hiệu năng phải được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định đối với từng phương pháp đo cụ thể. Khi đo nồng độ số hạt, phải tuân thủ các điều kiện quy định trong TCVN 10736-1 (ISO 16000-1). Thiết bị kiểm soát lưu lượng được sử dụng phải cho phép xác định tốc độ dòng chảy phù hợp cần thiết để chọn kích thước chính xác trong đầu lấy mẫu và cũng như xác định thể tích lấy mẫu đã biết.
Ngoài ra cũng cần sử dụng hệ thống kiểm soát khí hậu để điều hòa (ổn định) và cân bộ lọc. Hệ thống này được gọi là buồng cân theo EN 12341.
TCVN 13584-3:2023 về hồ thu nước cho tòa nhà – phần nắp thu nước
(VietQ.vn) – Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13584-3:2023 hồ thu nước cho tòa nhà – phần 3 nắp thu nước hướng dẫn cách phân loại các nắp thu nước theo khả năng chịu tải và quy định các yêu cầu liên quan đến thiết kế, xây dựng, ghi nhãn.
Nắp thu nước giá rẻ, kém chất lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Nắp thu nước là một sản phẩm đa chức năng có vai trò giữ và cố định nắp ga vào vị trí. Bề mặt nắp là phần mà người đi bộ hoặc phương tiện giao thông tiếp xúc trực tiếp, có bề mặt chống trượt để đảm bảo an toàn.
Hiện nay, có nhiều loại nắp thu nước được sử dụng phổ biến trong các dự án xây dựng tòa nhà và hệ thống thoát nước công cộng. Tuy nhiên thị trường cũng xuất hiện không ít sản phẩm kém chất lượng, làm từ nguyên liệu thô giá rẻ, không đạt tải trọng là mối nguy hiểm đến sự an toàn của người tham gia giao thông. Đồng thời, làm xuống cấp cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Trên thị trường hiện nay nắp thu nước chủ yếu làm bằng gang hoặc composite. Đối với composite, để giảm giá thành xuống mức thấp nhất, xưởng thường sản xuất bằng công nghệ lạc hậu, yếu kém, nguyên liệu không đảm bảo, lẫn nhiều tạp chất như cát, xỉ… dẫn đến nắp dễ bị gãy vỡ khi mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu.
Còn gang do lớp sơn không đảm bảo, cũng như loại gang sử dụng kém chất lượng mà nắp thu nước sau khi tróc sơn sẽ nhanh chóng gỉ sét và hư hại dần. Mặc dù mua được giá rẻ, nhưng các nắp hố ga chất lượng kém thường không sử dụng được lâu dài. Trong khi đó, với 1 nắp thu nước chất lượng, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thời gian sử dụng có thể lên đến 20 năm.
Tiêu chuẩn quốc gia về nắp thu nước
Để cho ra những sản phẩm có độ bền cao, khả năng chống ăn mòn tốt, nhẹ, chống trượt và chịu tải lớn thì khi thiết kế, sản xuất nắp thu nước nên đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13584-3:2023, hồ thu nước cho tòa nhà- phần 3, nắp thu nước do Bộ Xây dựng đề nghị, Bộ Khoa học – Công nghệ công bố.
Tiêu chuẩn này đưa ra các hướng dẫn cách phân loại các nắp thu nước theo khả năng chịu tải và quy định các yêu cầu liên quan đến thiết kế, xây dựng, ghi nhãn, phương pháp thử và đánh giá sự phù hợp. Tiêu chuẩn này cũng hướng dẫn việc phân loại và quy định các yêu cầu cho nhà máy sản xuất nắp thu nước sử dụng cho các hệ thống thoát nước bên trong tòa nhà. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với các nắp thu nước được sử dụng cho các hệ thống thoát nước bên ngoài tòa nhà thuộc phạm vi bộ TCVN 13579.
Theo hướng dẫn tại tiêu chuẩn này, nắp thu nước được phân loại theo khả năng chịu tải khi thử nghiệm thành các loại khác nhau. Người có chuyên môn có trách nhiệm lựa chọn loại nắp thu nước phù hợp cho từng kiểu công trình.
Các vật liệu được sử dụng phải có khả năng chịu được những áp lực có thể xảy ra trong quá trình lắp đặt, vận hành và phải tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại tiêu chuẩn này. Nắp thu nước không được biến dạng hoặc hư hỏng có thể làm giảm chức năng của nó hoặc gây tổn hại tới sức khỏe người sử dụng.
Yêu cầu chung về thiết kế và xây dựng, các nắp thu nước phải được thiết kế và sản xuất để đảm bảo các chức năng của chúng và điểm đặt tương thích giữa khung và nắp đậy. Miếng đệm chèn có thể được dùng. Khi đặt đúng vị trí, nắp không được bật khỏi khung nhưng phải dễ dàng được mở ra. Bề mặt trên của khung và nắp phải bằng phẳng.
Yêu cầu về ngoại quan nắp thu nước không được có cạnh sắc và khuyết tật như bọt khí, vết nứt, vết nhám) có thể làm giảm chức năng hoặc gây thương tích cho người sử dụng.
Đối với nắp thu nước bê tông cốt thép, các gờ cạnh và các bề mặt liên kết của mặt tiếp xúc giữa khung và nắp đậy phải được bảo vệ với thép mạ kẽm nhúng nóng hoặc gang hoặc các vật liệu có các tính chất tương đương.
Đối với nắp thu nước kín mùi phải ngăn chặn được sự thoát ra của không khí ô nhiễm. Nếu yêu cầu độ kín cao hơn thiết kế và các phương pháp thử nghiệm phải được sự chấp thuận giữa nhà sản xuất và người sử dụng.
Các nắp thu nước phải được thử nghiệm tải trọng như quy định tại TCVN 13584-1:2022, hoặc TCVN 13584-2:2022, để thiết lập loại nắp thu nước. Các yêu cầu quy định cụ thể phải được thử nghiệm bằng mắt thường. Nắp thu nước và các bộ phận của nắp thu nước phải được ghi nhãn rõ ràng và bền, ví dụ, đúc, khắc, sơn, đóng dấu và dán nhãn (kể cả dán nhãn nhận biết điện tử)..
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12469-10:2022 về giống gà chọi
(VietQ.vn) – Gà chọi là giống gà thường được nuôi để đi thi đấu trong các dịp lễ hội do đó khi lựa chọn gà chọi giống nên tuân theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12469-10:2022.
Gà chọi là giống gà được nuôi để thi đấu với nhau trong các dịp lễ hội. Từ xa xưa ông bà ta đã để lại những giống gà tốt nhất, có sức khỏe tốt và sức chiến đấu cao. Gà chọi có hai loại chính là gà đòn và gà đá. Để có được những chú gà chọi tham chiến (những chiến kê dũng mãnh) cần chọn giống từ lúc chúng còn là gà con.
Gà con phải là những con gà nhanh nhẹn, khỏe mạnh, không dị tật, mắt tròn và sáng, chân đứng vững vàng, làn da căng bóng, lông khô, sạch sẽ. Tuy nhiên, gà con được chọn chưa chắc đã là gà chiến khi trưởng thành, để chọn gà tốt hơn thì phải nuôi dưỡng gà đến khi 6 tháng tuổi và nên tuân theo các yêu cầu kỹ thuật của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12469-10:2022 về gà giống nội-phần 10 gà chọi do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố quy định yêu cầu kỹ thuật đối với gà chọi nuôi để làm giống.
Theo đó về ngoại hình gà chọi nuôi để làm giống tại các thời điểm 1 ngày tuổi, 8 tuần tuổi và 38 tuần tuổi nên đảm bảo các đặc điểm về hình dáng, màu lông, màu da, màu mỏ, màu da chân, kiểu mào tích.
Yêu cầu về khả năng sinh trưởng của gà chọi được đánh giá bằng kích thước các chiều đo tại thời điểm sinh trưởng cụ thể theo quy định và khối lượng cơ thể tại các thời điểm sinh trưởng cụ thể theo quy định.
Yêu cầu về năng suất sinh sản của gà chọi được đánh giá bằng các chỉ tiêu về sinh sản theo quy định và các chỉ tiêu về chất lượng trứng và khả năng ấp nở theo quy định.
Về chất lượng trứng và khả năng ấp nở tiêu chuẩn cũng đưa ra các yêu cầu cần đảm bảo về khối lượng trứng.
Trong quá trình lấy mẫu gà nên lấy ngẫu nhiên 10% số gà chọi trên tổng đàn (tối thiểu 30 con), lần lượt tại các thời điểm 1 ngày tuổi, 8 tuần tuổi và 38 tuần tuổi (gà trưởng thành). Lấy mẫu trứng ngẫu nhiên tối thiểu 30 quả trứng gà chọi lần lượt tại các thời điểm gà đẻ ở 37 đến 38 tuần tuổi. Ngoài ra phương pháp xác định các chỉ tiêu về khả năng sinh trưởng, năng suất sinh sản nên theo TCVN 12469 – 1 quy trình khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi – phần 1 về gia cầm.
TCVN 8757:2024 về giống cây nông nghiệp – vườn giống cây lấy gỗ và cây lâm sản ngoài gỗ
(VietQ.vn) – Vườn giống cây lấy gỗ và loài cây lâm sản ngoài gỗ thân gỗ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về diện tích, tính sinh trưởng, nguồn gốc giống theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8757:2024 sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhân giống cây trồng trong vườn giống đóng vai trò quan trọng trong lợi nhuận của hầu hết hoạt động làm vườn, nhất là với mục đích thương mại. Về việc nhân giống cây trồng, quy tắc này còn đi xa hơn nữa vì cây mẹ cũng phải được trồng trong điều kiện nghiêm ngặt để tạo ra một cây khỏe mạnh, không sâu bệnh.
Đồng thời còn tạo ra các loại cây trồng cần được bảo vệ cẩn thận chống lại vi-rút, vi khuẩn và một số loại nấm gây bệnh. Việc này càng quan trọng hơn đối với các loài cây lấy gỗ và loài cây lâm sản ngoài gỗ thân gỗ bởi chúng mang lại giá trị kinh tế, môi trường sống cho con người.
Lợi ích đầu tiên của cây lấy gỗ phải kể đến đó là một trong những thành phần quan trọng trong cảnh quan tự nhiên, có tác dụng chống xói mòn đất, bảo vệ tốt cho hệ sinh thái bên trong, dưới tán và xung quanh cây. Cây lấy gỗ có vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu chất độc gây hại tới môi trường cũng như carbon dioxide, sản xuất ra oxy có lợi trong bầu khí quyển, đồng thời có khả năng điều hòa nhiệt độ, cân bằng các chất trên mặt đất.
Tuy nhiên, thực trạng của các loại cây lấy gỗ hiện nay chủ yếu cây lấy gỗ đang được phát triển theo mô hình trồng mới, các loại cây lấy gỗ trong các thảm thực vật, rừng, núi, đồi, đang dần bị cạn kiệt do sự khai thác một cách bừa bãi, trái phép.
Một số loại cây lấy gỗ còn bị liệt vào danh sách cây đang dần bị tuyệt chủng, nhà nước đã có nhiều biện pháp ngăn cấm khai thác rừng trái phép. Do đó, việc hình thành lên vườn giống cho những loài cây thân gỗ đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8757:2024 về giống cây nông nghiệp- vườn giống do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn cho con người. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra đối với vườn giống cho loài cây lấy gỗ và loài cây lâm sản ngoài gỗ thân gỗ.
Yêu cầu mỗi vườn giống đều có biển, biển đặt ở vị trí dễ quan sát phía ngoài vườn giống, nội dung biển gồm: Tên chủ vườn giống; Tên loài cây; Tọa độ; Địa điểm (đơn vị hành chính, tiểu khu, lô, khoảnh); Diện tích; Ngày tháng năm trồng; Số gia đình hoặc số dòng.
Yêu cầu chung về kỹ thuật xây dựng vườn giống hữu tính và vô tính cho loài cây lấy gỗ và loài cây lâm sản ngoài gỗ thân gỗ phải có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển, ra hoa và kết quả, nơi chưa xảy ra dịch bệnh và không bị lũ lụt làm ngập úng.
TCVN 13910-1:2024 về hệ thống giao thông thông minh
(VietQ.vn) – Hệ thống ITS là một phần quan trọng để hình thành lên một đô thị thông minh cho mỗi quốc gia. Do đó đòi hỏi trước khi áp dụng hệ thống nên hiểu rõ các yêu cầu đối với định nghĩa dữ liệu ITS theo TCVN 13910-1:2024 giúp áp dụng hiệu quả.
Giao thông luôn được coi là huyết mạch của mỗi đô thị hay mỗi quốc gia. Đối với bất kỳ một thành phố nào, việc phát triển hạ tầng giao thông luôn là lựa chọn hàng đầu trong ưu tiên phát triển của thành phố. Cũng chính vì vậy, giao thông thông minh (ITS) là một trong những thành phần quan trọng nhất để hình thành nên đô thị thông minh và thường được lựa chọn là hạng mục đầu tư khởi đầu khi xây dựng đô thị thông minh.
Hệ thống ITS là hệ thống các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hướng tới mục tiêu cung cấp các giải pháp, dịch vụ hữu ích cho người và phương tiện tham gia giao thông, giúp tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn và hạn chế các tai nạn, sự cố khi tham gia giao thông. ITS sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông để liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện giao thông lưu thông trên đường thành một mạng lưới thông tin và viễn thông phục vụ cho việc lưu thông tối ưu trên đường cao tốc.
ITS có sự tham gia của các thành phần con người, phương tiện tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông và các ứng dụng tiên tiến về công nghệ thông tin và viễn thông nhằm giảm thiểu vai trò của con người trong điều hành hoạt động giao thông. Khi con người không còn vai trò gì thì sẽ đạt đến mức tự động hóa. Đây chính là mục tiêu cao nhất của ITS. Để đạt được mục tiêu này, ITS phải có 3 giai đoạn đó là thu thập thông tin, xử lý thông tin và đưa thông tin được xử lý tới người tham gia giao thông. Tuy nhiên để hệ thống vận hành hiệu quả vào cuộc sống thì việc hiểu các yêu cầu đối với định nghĩa dữ liệu ITS cần phải được nắm rõ.
Theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13910-1:2024 ISO 14817-1:2015 Hệ thống giao thông thông minh – Từ điển dữ liệu trung tâm ITS – Phần 1: Yêu cầu đối với định nghĩa dữ liệu ITS do Bộ Giao thông vận tải đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đã đưa ra các hướng dẫn về cấu trúc logic (khung) và nội dung (vật chất) dữ liệu của từ điển dữ liệu (DD) hệ thống giao thông thông minh (ITS).
Cụ thể, tiêu chuẩn này quy định khung được sử dụng để xác định và định nghĩa tất cả các khái niệm dữ liệu; Thuộc tính siêu dữ liệu được sử dụng để mô tả, chuẩn hóa và quản lý từng khái niệm dữ liệu được xác định trong khung này; Các yêu cầu được sử dụng để ghi lại các định nghĩa này; Quy ước đặt tên cho các khái niệm dữ liệu; Một tập hợp các khái niệm dữ liệu được ưu tiên trong miền ITS; Phương pháp mô hình hóa dữ liệu để xác định các khái niệm dữ liệu ITS, khi được sử dụng.
DD hỗ trợ các khái niệm dữ liệu xuất phát từ bất kỳ số lượng phương pháp và/hoặc kỹ thuật kiến trúc hệ thống quốc tế, khu vực hoặc quốc gia nào. Các định dạng dữ liệu phổ biến và các quy trình vận hành sẽ dễ dàng di chuyển và khả năng tương tác giữa các phương pháp tiếp cận như vậy.
Sổ đăng ký khái niệm dữ liệu là một từ điển dữ liệu điện tử hỗ trợ một số tính năng bổ sung. Hệ thống đăng ký khái niệm dữ liệu ITS trung tâm (CIDCR) đề cập đến việc triển khai cụ thể của cơ quan đăng ký khái niệm dữ liệu ITS được vận hành dưới sự bảo trợ của ISO/TC 204 (Ban kỹ thuật quốc tế về hệ thống giao thông thông minh).
Ngoài ra tiêu chuẩn này mô tả một mô hình khái niệm, nhưng không mô tả việc triển khai thực tế. Việc triển khai tiêu chuẩn này có thể sử dụng các khái niệm dữ liệu khác nhau, các siêu thuộc tính khác nhau hoặc các khái niệm dữ liệu khác nhau và các siêu thuộc tính khác nhau.
TCVN 13751:2023 Yêu cầu đối với chuyên gia năng suất trưởng
(VietQ.vn) – Theo TCVN 13751:2023, chuyên gia năng suất được phân loại theo 3 cấp gồm: Chuyên gia năng suất, Chuyên gia năng suất trưởng và Chuyên gia năng suất cao cấp. Trong đó, đối với chuyên gia năng suất trưởng phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực và tuân thủ quy tắc nghề nghiệp nhất định.
Ngày 12/04/2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định công bố TCVN 13751:2023 về Yêu cầu đối với chuyên gia năng suất. Tiêu chuẩn này đưa ra yêu cầu chung đối với chuyên gia năng suất để đáp ứng các yêu cầu về năng lực và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo TCVN 13751:2023, chuyên gia năng suất được đánh giá thông qua 7 tiêu chí về năng lực chuyên môn và 1 tiêu chí về quy tắc nghề nghiệp, bao gồm: Trình độ chuyên môn; Tham gia các khóa đào tạo năng suất; Kinh nghiệm làm việc; Xác nhận của khách hàng; Chuyên môn về năng suất; Các kỹ năng triển khai công việc; Kỹ năng cá nhân và Quy tắc nghề nghiệp.
Cũng theo TCVN 13751:2023, chuyên gia năng suất được phân loại theo 3 cấp gồm: Chuyên gia năng suất, Chuyên gia năng suất trưởng và Chuyên gia năng suất cao cấp. Trong đó, đối với chuyên gia năng suất trưởng phải đáp ứng yêu cầu về năng lực và tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp như sau:
Tiêu chí trình độ chuyên môn: Chuyên gia năng suất phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tốt nghiệp cao đẳng và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực năng suất, chất lượng.
Tiêu chí tham gia các khóa đào tạo, chuyên gia năng suất phải được đào tạo chuyên môn phù hợp để có được kiến thức và kỹ năng liên quan tới hoạt động thực hiện nhiệm vụ, cung cấp dịch vụ.
Tiêu chí này gồm 2 yêu cầu: Yêu cầu 1: Chuyên gia năng suất phải hoàn thành một trong số các chương trình đào tạo về năng suất; Yêu cầu 2: Chuyên gia năng suất phải đạt được các yêu cầu trên thông qua quá trình kiểm tra, phỏng vấn, thẩm định hồ sơ.
Tiêu chí kinh nghiệm làm việc: Chuyên gia năng suất phải đáp ứng 02 yêu cầu sau: Có ít nhất 08 năm kinh nghiệm làm việc liên tục và thực hiện tối thiểu 8 dự án với vai trò là chủ trì hoặc/và thành viên chính trong các hoạt động chuyên môn; Ít nhất 60 ngày công thực hiện các công việc gồm có: tư vấn, đào tạo, nghiên cứu và thúc đẩy trong vòng 12 tháng gần nhất.
Tiêu chí xác nhận của khách hàng: Chuyên gia năng suất phải có ít nhất 03 nhận xét của khách hàng hoặc cơ quan quản lý đề tài, nhiệm vụ, dự án năng suất, chất lượng đã thực hiện thành công hoặc có kết quả mang lại lợi ích tích cực trong vòng 24 tháng gần nhất.
Tiêu chí chuyên môn về năng suất: Chuyên gia năng suất phải có kiến thức và kinh nghiệm trong việc thu thập dữ liệu và kỹ thuật đánh giá thực trạng năng suất; Am hiểu ít nhất 15 giải pháp năng suất cơ bản hoặc nâng cao; Ứng dụng ít nhất 03 giải pháp năng suất cơ bản hoặc nâng cao.
Tiêu chí kỹ năng triển khai công việc: Theo từng hoạt động chuyên môn, chuyên gia năng suất phải có các kỹ năng triển khai công việc gồm Tư vấn; Đào tạo; Nghiên cứu; Thúc đẩy.
Tiêu chí kỹ năng cá nhân: Các chuyên gia năng suất phải thành thạo các kỹ năng cá nhân gồm: Quan hệ khách hàng; Quản lý các bên liên quan; Giao tiếp; Quản lý nhóm.
Ngoài ra, chuyên gia năng suất trưởng phải đáp ứng tiêu chí về quy tắc nghề nghiệp, cụ thể phải tuân thủ quy tắc liên quan tới khách hàng, cộng đồng và thể hiện tính chuyên nghiệp trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
(VietQ.vn) – Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về môi trường, với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát ô nhiễm không khí, nước, đất và trầm tích.
Theo Bộ TN&MT, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường là công cụ quan trọng, giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, và cộng đồng có cơ sở chung để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Hệ thống tiêu chuẩn này sẽ giúp kiểm soát ô nhiễm ở các lĩnh vực trọng yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay.
Dự thảo lần này bao gồm 6 tiêu chuẩn cụ thể nhằm phục vụ cho các hoạt động quan trắc và phân tích môi trường gồm:
Phương pháp thử nghiệm tiêu chuẩn để xác định tổng vật chất hạt lơ lửng trong khí quyển (Phương pháp lấy mẫu khối lượng cao)
Xác định dioxin và furan clo hóa từ tetra đến octa bằng phương pháp sắc ký khí – khối phổ phân giải cao pha loãng đồng vị
Xác định crom VI trong bùn trầm tích và vật liệu thải
Hướng dẫn lấy mẫu trầm tích đáy từ sông, hồ và cửa sông
Xác định cadmi và hợp chất cadmi ‒ Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa và nhiệt điện;
Chất lượng nước ‒ Xác định crom (VI) bằng phương pháp phân tích dòng chảy (FIA và CFA) và phát hiện bằng quang phổ
Bộ TN&MT cho biết, 6 TCVN về các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích trên, có tham khảo với các phương pháp quốc tế, nước ngoài (ISO, ASTM, US EPA), nhằm bổ sung và hoàn thiện hệ thống TCVN trong lĩnh vực quan trắc môi trường (không khí, nước, đất và quản lý chất thải rắn) để áp dụng đồng bộ trong thực thi các văn bản pháp quy về môi trường (thông tư, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường).
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trực thuộc Bộ TN&MT, đề xuất xây dựng 6 tiêu chuẩn này trong giai đoạn 2024-2025, nhằm tạo nền tảng pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
ISO/IEC TS:17012 Hướng dẫn sử dụng phương pháp đánh giá từ xa trong đánh giá hệ thống quản lý
(VietQ.vn) – Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) đã công bố tiêu chuẩn ISO/IEC TS:17012, cung cấp hướng dẫn toàn diện về việc sử dụng các phương pháp đánh giá từ xa trong đánh giá các hệ thống quản lý.
Cột mốc này đạt được vào tháng 7 năm 2024, phản ánh những nỗ lực tận tụy của Nhóm công tác 61 của ISO/CASCO (WG 61), do Brahim Houla (IAF), Nigel Leehane (BSI-Anh) và Dandan Zheng (SAC-Trung Quốc) đồng triệu tập.
Tiêu chuẩn ISO/IEC TS:17012 giải quyết nhu cầu ngày càng tăng đối với giải pháp đánh giá từ xa, một xu hướng đã được thúc đẩy đáng kể bởi các tình huống toàn cầu như đại dịch COVID-19. Tài liệu này áp dụng cho tất cả tổ chức tiến hành đánh giá nội bộ hoặc bên ngoài (bên thứ nhất, bên thứ hai và bên thứ ba) đối với hệ thống quản lý. Mục đích của tài liệu này là cung cấp hướng dẫn về việc triển khai các phương pháp đánh giá từ xa một cách hiệu quả trong khi vẫn hỗ trợ các nguyên tắc chung về đánh giá như được nêu trong tiêu chuẩn ISO 19011:2018.
Các tính năng và mục tiêu chính
Mục tiêu chính của tiêu chuẩn ISO/IEC TS:17012 là tăng cường sự tin tưởng vào việc sử dụng các phương pháp đánh giá từ xa trong số nhiều bên liên quan, bao gồm khách hàng, cơ quan quản lý, tổ chức công nhận, tổ chức chứng nhận, chủ sở hữu chương trình, chuyên gia trong ngành, nhân viên, người tiêu dùng, nhà cung cấp và các bên quan tâm khác. Tài liệu nhấn mạnh các phương pháp đánh giá từ xa không nhằm thay thế các cuộc đánh giá tại chỗ mà là để bổ sung cho chúng, cung cấp công cụ khả thi để tiến hành các cuộc đánh giá một cách hiệu quả và hiệu suất.
Tiêu chuẩn ISO/IEC TS:17012 đi sâu vào các điều kiện, khả năng và hạn chế cụ thể của đánh giá từ xa, đảm bảo rằng các tổ chức có thể đưa ra quyết định sáng suốt khi kết hợp các phương pháp này vào quy trình đánh giá của mình. Hướng dẫn được cung cấp giúp thiết lập phương pháp tiếp cận có cấu trúc đối với kiểm toán từ xa, giải quyết các thách thức tiềm ẩn và tận dụng lợi ích của công nghệ để duy trì tính toàn vẹn và độ tin cậy của kết quả kiểm toán.
Quá trình phát triển tiêu chuẩn ISO/IEC TS:17012 được đánh dấu bằng sự hợp tác sâu rộng vào các quy trình đánh giá nghiêm ngặt. Tiêu chuẩn ISO/IEC TS:17012 là bước đi quan trọng trong việc hiện đại hóa các hoạt động đánh giá, cung cấp hướng dẫn mạnh mẽ cho việc sử dụng các phương pháp đánh giá từ xa. Khi các tổ chức tiếp tục điều hướng bối cảnh đang thay đổi của các cuộc đánh giá hệ thống quản lý, tài liệu này sẽ đóng vai trò là nguồn tài nguyên quan trọng, thúc đẩy sự tin tưởng và tự tin hơn vào các phương pháp đánh giá từ xa.
Quy định công bố hợp quy và chứng nhận hợp quy với sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng
(VietQ.vn) – Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 10/2024/TT-BXD quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, trong đó quy định về công bố hợp quy và chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Theo đó, về công bố hợp quy: Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2 được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Xây dựng ban hành và phụ lục II Thông tư này phải công bố hợp quy. Việc công bố hợp quy dựa trên một trong các biện pháp sau: Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật; Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được Bộ Xây dựng chỉ định.
Trong trường hợp sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận hợp quy và tổ chức thử nghiệm nước ngoài, các tổ chức này phải được thừa nhận theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định; Các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy tại Cơ quan kiểm tra nơi đăng ký kinh doanh dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức được thừa nhận, được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Về chứng nhận hợp quy: Việc đánh giá hợp quy các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2 được thực hiện theo một trong ba phương thức: Phương thức 1, Phương thức 5, Phương thức 7.
Phương pháp lấy mẫu, quy cách và số lượng mẫu thử nghiệm đánh giá gồm: Phương pháp lấy mẫu điển hình, mẫu đại diện tuân theo các quy định nêu trong tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về phương pháp lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử đối với sản phẩm tương ứng; Quy cách và số lượng mẫu điển hình, mẫu đại diện cho mỗi lô sản phẩm, hàng hóa tuân theo quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng; Đối với hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu không đúng quy cách quy định, người nhập khẩu có trách nhiệm phối hợp tổ chức chứng nhận làm việc với đơn vị sản xuất và xuất khẩu tại nước ngoài để gửi mẫu đảm bảo tính đại diện cho lô hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho công tác chứng nhận chất lượng theo quy định, số lượng mẫu phải đủ cho công tác thử nghiệm và lưu mẫu theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 12 năm 2024.
Công bố tiêu chuẩn đầu tiên hạn chế “hóa chất vĩnh cửu” trong nước uống
(VietQ.vn) – Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã công bố một quy định mới yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên về sự giảm thiểu “hóa chất vĩnh cửu” trong nước uống.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ (EPA) đã công bố một quy định mới yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên về sự hiện diện của cái gọi là “hóa chất vĩnh cửu” (PFAS) trong nước uống. Được biết, tiêu chuẩn mới này hạn chế sáu loại hóa chất PFAS được sử dụng rộng rãi.
Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng giúp giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của “hóa chất vĩnh cửu” đang đe dọa đến sức khỏe người dân hàng ngày, theo số liệu thống kê của cơ quan này, hiện đang có khoảng 100 triệu người trên nước Mỹ bị phơi nhiễm PFAS mỗi năm.
Hóa chất PFAS đã làm ô nhiễm nước, không khí, đất, và chúng tồn tại trong nhiều thập kỷ qua. Các hóa chất này đã được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm tiêu dùng như đồ nấu nướng chống dính, quần áo chống thấm nước và một số bao bì thực phẩm, cũng như trong bọt chữa cháy, nhưng trầm trọng hơn, một lượng không nhỏ hóa chất này đang tồn tại trong nguồn nước uống sinh hoạt hàng ngày. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, gần một nửa lượng nước uống tại Mỹ có chứa loại hóa chất độc hại PFAS. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe của người dân.
Trong tiêu chuẩn quy định cụ thể giới hạn cho từng hóa chất PFAS bao gồm PFOA, PFOS, PFNA, PFHxS và HFPO-DA, còn được gọi là hóa chất GenX. Ngoài ra, tiêu chuẩn cũng sẽ có giới hạn cho hỗn hợp của hai hoặc nhiều hơn hóa chất PFAS bao gồm PFNA, PFHxS, PFBS và hóa chất GenX.
Việc ban hành một tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu hóa chất PFAS, bảo vệ sức khỏe người dân đang được cả chính phủ Mỹ và hàng triệu người ủng hộ, bởi lẽ đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán bệnh mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc nguồn nước mất an toàn. Chính vì vậy, việc EPA ban hành tiêu chuẩn quốc gia như một lời đảm bảo từ các tổ chức công, cơ quan chính phủ về việc đảm bảo sức khỏe, cuộc sống cho người dân. Thậm chí, tiêu chuẩn này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hạn chế những lỗ hổng trong quy định nếu vấp phải sự phản đối khác.
Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn an toàn đối với xe đạp điện
(VietQ.vn) – Nhằm hướng đến sự an toàn đối với người tham gia giao thông và sản phẩm, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố dự thảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) mới đây đã công bố một dự thảo tiêu chuẩn hướng đến an toàn kỹ thuật của xe đạp điện với các cải tiến ở nhiều khía cạnh, từ cải thiện hiệu suất chống cháy của xe đạp, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn khi đi xe đạp, cho đến ngăn chặn việc sửa đổi xe đạp bất hợp pháp, nhằm mục đích cải thiện hơn nữa tính an toàn của sản phẩm với các quy định chặt chẽ hơn.
Trong dự thảo tiêu chuẩn này cũng đề xuất những điểm mới, bao gồm, các yêu cầu khắt khe hơn về hiệu suất chống cháy như vật liệu phi kim loại hay các nhiên liệu khác gắn trực tiếp vào pin. Dự thảo cũng yêu cầu tốc độ thiết kế tối đa không vượt quá 25km/giờ và khoảng cách phanh cũng là điều cần được chú ý đặc biệt. Ngoài ra, xe đạp điện cũng được yêu cầu trang bị định vị vệ tinh BeiDou, đồng thời cải thiện mức độ thông tin hóa sản phẩm và khả năng ngăn ngừa rủi ro về an toàn.
Theo số liệu thống kê của MIIT, Trung Quốc hiện đang là quốc gia sản xuất và tiêu thụ xe đạp điện lớn trên thế giới, với hơn 350 triệu chiếc đang sử dụng tính đến cuối năm 2023.
Việc sửa đổi tiêu chuẩn được xem là yêu cầu thiết yếu trong bối cảnh chính phủ nước này lo ngại về an toàn của xe đạp điện đang thiếu sự quản lý chặt chẽ trong khi số lượng bán ra thị trường ngày càng tăng, rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe đạp điện trong đó chủ yếu là do chập, cháy xe dẫn đến thương vong.
Mặt khác, kiểm tra chất lượng đầu ra đối với xe đạp điện còn nhiều yếu kém, nhiều công ty sản xuất tại nước này vì muốn đạt doanh số cao, giá thành thấp nên bỏ qua bước nghiên cứu, chỉ tập trung tìm các loạt vật liệu kém chất lượng, chi phí rẻ để lắp ráp nên dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm xe đạp điện không đủ tiêu chuẩn an toàn vẫn được lưu thông trên thị trường.
Việc sửa đổi tiêu chuẩn mới này sẽ tập trung xem xét ở bốn khía cạnh: phòng ngừa tai nạn hỏa hoạn, giảm nguy cơ an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành.
Về tác động đến chi phí sản xuất và giá cả đối với xe đạp điện, MIIT cho biết, cơ quan này sẽ làm mọi cách để điều chỉnh chi phí sản xuất về mức cơ bản và ổn định để giá bán ra thị trường sẽ không biến động đáng kể.
Thái Lan ban hành tiêu chuẩn đối với túi nhựa đựng thực phẩm
(VietQ.vn) – Viện Tiêu chuẩn Thái Lan đã ban hành tiêu chuẩn với túi đựng thực phẩm ở các dạng nóng, lạnh và túi đựng thực phẩm chuyên để trong lò vi sóng được thiết kế để an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Viện Tiêu chuẩn Công nghiệp Thái Lan (TISI) thuộc Bộ Công nghiệp mới đây đã ban hành bộ tiêu chuẩn mới cho túi nhựa đựng thực phẩm nóng, thực phẩm đông lạnh và thực phẩm hâm nóng trong lò vi sóng. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, bà Pimphattra Wichaikul cho biết tiêu chuẩn này sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 5 trong năm nay. Theo bà, người tiêu dùng Thái Lan có thói quen dùng các loại túi nhựa đựng thực phẩm, dù là nóng hay lạnh, thậm chí ngay cả đồ uống cũng được để trong túi nhựa. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, túi nhựa kém chất lượng có thể khiến thực phẩm bị nhiễm kim loại nặng độc hại.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cũng cho biết, nhằm giảm thiểu rác thải từ túi nhựa, bà đã chỉ đạo TISI đẩy nhanh quá trình kiểm soát các nguyên vật liệu khác có thể được sử dụng để đựng thực phẩm hoặc tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, chẳng hạn như hộp nhựa có tính thân thiện với môi trường hơn, hộp giấy hoặc hộp đựng thức ăn bằng thép không gỉ.
Mặt khác, theo Tổng thư ký TISI, ông Wanchai Phanomchai cho biết các tiêu chuẩn mới về túi nhựa sẽ giúp túi nhựa an toàn hơn khi đựng thực phẩm, đồ uống nóng và lạnh cũng như khi hâm nóng thực phẩm trong lò vi sóng. Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn cũ không đảm bảo tính an toàn một cách toàn diện, thì nay, tiêu chuẩn mới này đã đặt ra giới hạn ô nhiễm trong túi nhựa có thể chứa các kim loại nặng độc hại như chì, nhôm, đồng, mangan, niken, cadmium, crom và thủy ngân trong quá trình sử dụng hay bảo quản thực phẩm. Đồng thời, riêng đối với túi đựng thực phẩm nóng phải chịu được nhiệt độ lên tới 100 độ C, trong khi thực phẩm bảo quản thực phẩm đông lạnh phải chịu được nhiệt độ âm 18 độ. Còn đối với những chiếc túi dùng để đựng thực phẩm hâm nóng trong lò vi sóng phải chịu được nhiệt độ ít nhất là 80 độ.
Ngoài ra ông cho biết thêm, đối với màu in dùng để in trên túi nhựa phải là sơn dùng cho thực phẩm theo tiêu chuẩn TISI 1069 (tiêu chuẩn Thái Lan về màu in). Các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn mới này sẽ được giam sát chặt chẽ bởi Viện Tiêu chuẩn Công nghiệp Thái Lan, tăng thêm độ tin cậy đối với người tiêu dùng về các sản phẩm đựng thực phẩm trong thời gian tới.
Ấn Độ ban hành tiêu chuẩn mới dành cho thực phẩm đóng hộp hình trụ
(VietQ.vn) – Mới đây, Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) đã ban hành tiêu chuẩn mới dành riêng cho các sản phẩm thực phẩm, đồ uống đóng hộp bằng thiếc hoặc kim loại hình trụ.
Mới đây, Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) đã đưa ra một tiêu chuẩn mới, IS 18427:2024, dành riêng cho ngành thực phẩm và đồ uống, cụ thể là đối với các sản phẩm đóng trong lon kim loại tròn hở ba mảnh (hay còn gọi là sản phẩm đóng hộp hình trụ). Những lon này được sử dụng rộng rãi để đóng gói, bảo quản thực phẩm, ngoài ra đóng vai trò quan trọng trong việc bảo quản và vận chuyển thực phẩm và đồ uống không bị hư hỏng hay đổ ra ngoài. Tiêu chuẩn mới thay thế các tiêu chuẩn cũ, bao gồm IS 2034, IS 9396 Phần 1 và IS 9396 Phần 2, sẽ bị thu hồi vào ngày 18 tháng 1 năm 2025.
Thiết kế lon kim loại hình trụ, có từ thế kỷ 19, được phát minh bởi Nicolas Appert và được quân đội Pháp sử dụng lần đầu tiên. Lon kim loại bao gồm thân hình trụ có đường hàn và hai đầu kim loại hình tròn trên và dưới. Những lon đựng thực phẩm này được đánh giá cao vì khả năng thích ứng, dễ sản xuất và khả năng tùy chỉnh về hình dạng và kích thước.
Sự thay đổi trong quy định này dự kiến sẽ cải thiện các hoạt động sản xuất và an toàn sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong nước. Ngoài ra, từ năm 2025, các sản phẩm thực phẩm, đồ uống đóng lon kim loại hình trụ bắt buộc cần có chứng nhận BIS mới có thể được chấp nhận nhập khẩu, xuất khẩu hay bày bán tại thị trường nước này.
Việc Ấn Độ chỉnh sửa và thay thế các tiêu chuẩn trước nhằm đảm bảo về chất lượng sản phẩm về thực phẩm đóng hộp sẽ được cải thiện tốt hơn, cũng như đảm bảo đến sức khỏe của người tiêu dùng hơn. Bởi theo một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thực phẩm đóng hộp có thể chứa BPA, một chất hóa học có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tim và tiểu đường loại 2. Ngoài ra, chúng còn có thể chứa một số loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe, nhưng tỷ lệ nhiễm khuẩn này cực kỳ thấp. Ngoài ra, BPA có tác dụng độc hại tiềm ẩn bao gồm tác động đến hormone, hình thành khối u và gây tổn thương DNA. Chính vì vậy, những sửa đổi trong bản tiêu chuẩn mới sẽ phần nào cải thiện những thiếu sót từ những tiêu chuẩn trước đó.
5 bước áp dụng tiêu chuẩn ISO:50001 về hệ thống quản lý năng lượng trong doanh nghiệp
(VietQ.vn) – Tiêu chuẩn ISO:50001 được xây dựng giúp các tổ chức có thể tích hợp việc quản lý và cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng vào hệ thống quản lý của mình. Trong đó, áp dụng ISO:50001 tại doanh nghiệp cần thực hiện qua 5 bước cơ bản.
Năng lượng được xem như một thông số thể hiện sự vận hành của tổ chức và là một trong những chi phí chính mà tổ chức phải chi trả trong quá trình hoạt động. Sử dụng năng lượng còn đưa đến những chi phí về môi trường cũng như xã hội với việc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và gây biến đổi khí hậu. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ phù hợp với những nguồn năng lượng tái tạo hay năng lượng mới đòi hỏi nhiều thời gian. Mặt khác, một tổ chức không thể điều khiển giá năng lượng, các chính sách của nhà nước hay nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, tổ chức có thể kiểm soát và cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng để đem lại lợi ích nhanh chóng cũng như lâu dài. Việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng giúp giảm lượng năng lượng tiêu thụ và chi phí sản xuất. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, việc quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả của tổ chức còn đóng góp tích cực cho việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động toàn cầu của việc sử dụng năng lượng.
Theo đó, ISO:50001 là tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL) nhằm giúp tổ chức, doanh nghiệp xây dựng các hệ thống và quá trình cần thiết cho việc cải tiến liên tục kết quả hoạt động năng lượng, bao gồm hiệu suất năng lượng, sử dụng năng lượng và tiêu thụ năng lượng.
ISO:50001 được Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) ban hành phiên bản đầu tiên vào tháng 6 năm 2011 (ISO 50001:2011 “Hệ thống quản lý năng lượng – các yêu cầu và hướng dẫn thực hiện”) sau đó được sửa đổi, bổ sung và ban hành phiên bản mới năm 2018 (ISO 50001:2018). Phiên bản ISO 50001:2011 (ISO) được Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) chính thức chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 50001:2012.
ISO:50001 được xây dựng giúp các tổ chức có thể tích hợp việc quản lý và cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng vào hệ thống quản lý của mình. Có thể kể đến một số lợi ích mà tiêu chuẩn này mang lại đó là: Hỗ trợ tổ chức nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng; Tạo môi trường trao đổi thông tin thuận tiện và minh bạch trong quản lý nguồn năng lượng; Thúc đẩy các thực hành tốt trong quản lý năng lượng và nhân rộng những hành động quản lý năng lượng tốt; Hỗ trợ đánh giá và xếp hạng ưu tiên trong việc ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới;…
Áp dụng ISO 50001 tại doanh nghiệp cần thực hiện 5 bước cơ bản:
Bước đầu tiên là xây dựng chính sách năng lượng. Chính sách năng lượng là kim chỉ nam cho việc áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý năng lượng của tổ chức sao cho tổ chức có thể cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng của mình.
Bước 2 là lập kế hoạch về quản lý năng lượng. Đây là bước cơ bản trong việc xây dựng HTQLNL.
Bước 3 là thực hiện và điều hành. Đây là giai đoạn đưa HTQLNL vào hoạt động. Những thông tin đầu ra của bước lập kế hoạch sẽ được sử dụng trong việc thực hiện và điều hành.
Bước 4 là kiểm tra. Giai đoạn này nhằm đánh giá tính hiệu quả hệ thống và cung cấp dữ liệu cho xem xét của lãnh đạo.
Bước 5 là xem xét của lãnh đạo: Ban lãnh đạo tổ chức cần định kỳ tiến hành xem xét dựa vào những dự liệu đo lường trong quá trình vận hành, kết quả đánh giá nội bộ, mục tiêu và chỉ tiêu đã đề ra từ đó đưa ra những thay đổi trong HTQLNL để phù hợp với tình hình mới.