Yêu cầu về trồng trọt đối với cơ sở sản xuất Halal theo TCVN 13708:2023
TCVN 13708:2023 quy định về thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất halal, bao gồm các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm halal.
Trong đó cơ sở là tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói sản phẩm nông nghiệp hoặc phân phối các sản phẩm đó trên thị trường. Cơ sở có thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình.
Về yêu cầu đối với trồng trọt, TCVN 13708:2023 nêu rõ, đối với hạt giống hoặc vật liệu nhân giống được thu mua trong vòng 24 tháng, cần có bằng chứng đảm bảo rằng chúng được thu mua phù hợp quy định hiện hành, cần có hồ sơ (ví dụ: vỏ bao bì hạt giống, phiếu giao hàng hoặc hóa đơn) tối thiểu cho biết tên giống, số lô, nhà cung cấp vật liệu nhân giống, và nếu có thể, thông tin bổ sung về chất lượng hạt giống (tỷ lệ nảy mầm, mức thuần giống, độ sạch, sức khỏe hạt giống,…).
Cơ sở phải lưu hồ sơ về các biện pháp xử lý hóa chất mà nhà cung cấp đã thực hiện đối với vật liệu nhân giống được thu mua (hạt/gốc cây giống, cây giống, cây con, cành giâm); phải lưu hồ sơ về việc xử lý thuốc bảo vệ thực vật trên vật liệu nhân giống tại vườn ươm nội bộ được áp dụng trong quá trình nhân giống cây trồng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nước thải đã qua xử lý trong các hoạt động trước thu hoạch phải được xem xét trong bản đánh giá nguy cơ. Nước thải chưa qua xử lý không sử dụng để tưới cây/bón phân qua nước tưới hoặc cho các hoạt động trước thu hoạch khác.
Cơ sở phải đánh giá nguy cơ về ô nhiễm hóa học hoặc vật lý của nguồn nước được sử dụng cho các hoạt động trước thu hoạch (ví dụ: tưới nước/bón phân, rửa cây, phun xịt). Cơ sở phải thực hiện và lưu hồ sơ đánh giá nguy cơ và tối thiểu phải xem xét tới các vấn đề sau: nhận diện nguồn nước và kết quả các lần thử nghiệm nước (nếu áp dụng); phương pháp tưới nước; thời gian tưới nước (trong giai đoạn cây trồng tăng trưởng); sự tiếp xúc giữa cây trồng và nước tưới; đặc điểm của cây trồng và các giai đoạn tăng trưởng; độ sạch của nước sử dụng cho thuốc bảo vệ thực vật.
TCVN 13709:2023 về thức ăn chăn nuôi Halal
TCVN 13709:2023 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với việc sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản thức ăn chăn nuôi halal sử dụng cho vật nuôi dùng làm thực phẩm. Tiêu chuẩn này cũng có thể áp dụng đối với thức ăn cho vật nuôi không dùng làm thực phẩm.
Về yêu cầu chung đối với nguồn nguyên liệu dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi halal, tiêu chuẩn nêu rõ: Động vật bị cấm hoặc động vật giết mổ bất hợp pháp theo Luật Hồi giáo hoặc các bộ phận của chúng không được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi halal; Không sử dụng huyết, huyết khô và các sản phẩm từ huyết; Động vật chết hoặc các bộ phận của chúng không được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi halal.
Các động vật trên cạn có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi halal, ngoại trừ: động vật halal nhưng giết mổ không theo quy định của Luật Hồi giáo; chó và lợn; động vật có răng nhọn hoặc ngà, chim có móng vuốt hoặc chim săn mồi; động vật gây hại và/hoặc có chứa độc tố; động vật bị cấm giết theo Luật Hồi giáo, bao gồm kiến, ong, chim gõ kiến;…
Các động vật thủy sản có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi halal, ngoại trừ: động vật có chứa độc tố, động vật bị nhiễm độc tố hoặc động vật gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi… động vật lưỡng cư.
Sản phẩm từ sinh vật biến đổi gen (GMO) có thể được coi là halal nếu có nguồn gốc hợp pháp và đáp ứng các điều kiện sau: không chứa bất kỳ thành phần nào có nguồn gốc động vật bị cấm trong đạo Hồi cũng như động vật được phép theo đạo Hồi nhưng không được giết mổ theo Luật Hồi giáo; không chứa bất kỳ thành phần nào là najis;
Nguyên liệu GMO được lấy từ thực phẩm có chất độc nhưng chất độc đã được loại bỏ thì nguyên liệu đó được coi là halal; các sản phẩm và cây trồng công nghệ sinh học có nguồn gốc halal, đã được thử nghiệm chuyên sâu về an toàn thực phẩm và môi trường, được chấp nhận trong thế giới Hồi giáo là halal…
TCVN 13710:2023: Yêu cầu đối với quá trình giết mổ động vật dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm halal
TCVN 13710:2023 về Thực phẩm halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với quá trình giết mổ động vật dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm halal. Tiêu chuẩn áp dụng đối với động vật được phép giết mổ theo Luật Hồi giáo (Luật Sharia), tại các khâu thu mua, trước khi giết mổ, giết mổ động vật, sau giết mổ, đóng gói, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển sản phẩm động vật sau giết mổ, bao gồm cả phụ phẩm.
Cơ sở phải đảm bảo rằng địa điểm, nhà xưởng, nguồn nhân lực và trang thiết bị của quá trình giết mổ được thiết kế cho việc giết mổ halal của động vật và bắt buộc phải tách biệt với địa điểm, nhà xưởng, nguồn nhân lực và trang thiết bị giết mổ không phải là halal.
Địa điểm cơ sở giết mổ halal phải tách biệt rõ ràng với địa điểm của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không halal và tuân thủ các quy định pháp luật. Các cơ sở của lò giết mổ chỉ dành riêng cho việc sản xuất thân thịt và các sản phẩm tươi sống từ thân thịt là halal (không được trộn lẫn với phần thịt không halal).
Phương tiện vận chuyển tiếp xúc trực tiếp với thân thịt và các sản phẩm tươi sống từ thân thịt phải là chuyên dụng để vận chuyển các sản phẩm halal và không được sử dụng thay thế cho các sản phẩm không halal. Phương tiện vận chuyển tiếp xúc trực tiếp với thân thịt và các sản phẩm tươi sống từ thân thịt không bị nhiễm najis (chất bẩn theo luật Hồi giáo) và trong điều kiện vệ sinh tốt.
Ngoài ra, cơ sở phải có quy trình bằng văn bản để đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm halal. Quy trình truy xuất nguồn gốc phải đảm bảo rằng các sản phẩm được chứng nhận có nguồn gốc từ động vật halal, được giết mổ theo yêu cầu của halal và sản xuất tại các cơ sở sản xuất đáp ứng các tiêu chí đối với cơ sở sản xuất halal.
TCVN 13928:2023: Mực in bao bì thực phẩm phải được sản xuất từ các hợp chất an toàn, không độc hại
TCVN 13928:2023 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 130 Công nghệ đồ họa biên soạn, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Hiện nay, việc sản xuất các sản phẩm an toàn để bảo vệ người tiêu dùng khỏi nguồn ô nhiễm đi vào thực phẩm là một xu hướng tất yếu trong công nghiệp mực in và bao bì. Bao bì thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo quản và bảo vệ thực phẩm khỏi nguồn ô nhiễm.
Cụ thể, mực in trên các bao bì thực phẩm phải được sản xuất sao cho trong điều kiện sử dụng bình thường hoặc dự kiến, các thành phần của chúng sẽ không thôi nhiễm vào thực phẩm với những lượng có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người, ảnh hưởng tiêu cực đến các đặc tính cảm quan hoặc thay đổi về bản chất, các chất và/hoặc chất lượng của thực phẩm.
Các nhà sản xuất mực in phải thông báo cho nhà in và hướng dẫn người mua mực in về sự phù hợp của loại mực đối với các bao gói thực phẩm và các tiêu chuẩn áp dụng bất cứ khi nào nếu cần. Ngoài ra, các nhà sản xuất mực in phải cung cấp các thông tin liên quan cho nhà in để tạo điều kiện cho nhà in thực hiện đánh giá sự phù hợp về an toàn (ví dụ: cung cấp các thông tin về thành phần có thể gây mất an toàn trong công thức pha chế mực in, …)
Ghi nhãn mực in theo quy định hiện hành, bao gồm ít nhất các thông tin sau: Tên sản phẩm hàng hóa; Tên và địa chỉ nhà sản xuất; Khối lượng tịnh; Thời gian sản xuất/sử dụng.
Giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo QCVN 20-1:2024/BYT Quy chuẩn kỹ thuật này quy định giới hạn tối đa các chất ô nhiễm (kim loại nặng và vi sinh vật); lấy mẫu và phương pháp thử; yêu cầu quản lý; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với sản phẩm rượu bổ được công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là các sản phẩm được dùng bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày. Mục đích sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhằm cải thiện, tăng cường và duy trì các chức năng của cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tật. Việc doanh nghiệp tuân thủ các quy chuẩn liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe vừa tạo thuận lợi về mặt pháp lý, vừa xây dựng niềm tin mạnh mẽ đối với người tiêu dùng.
Cụ thể, quy chuẩn này quy định rõ về giới hạn tối đa kim loại nặng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm các kim loại: Arsen (As); Cadmi (Cd); Chì (Pb); Thủy ngân (Hg). Đồng thời cũng quy định giới hạn tối đa vi sinh vật trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe như đối với Enterobacteriaceae (Vi khuẩn Gram âm dung nạp mật); hay Escherichia coli (khuẩn E.coli) và Salmonella spp (khuẩn Salmonella) không được có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe;…
Đồng thời, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe chịu trách nhiệm về sản phẩm, đảm bảo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với các yêu cầu tại quy chuẩn kỹ thuật này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tiêu chuẩn TCVN 11041-9:2023 đối với sản phẩm mật ong hữu cơ
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với việc nuôi ong theo phương thức hữu cơ; khai thác sơ chế, chế biến, bảo quản mật ong hữu cơ; đồng thời cũng có thể áp dụng đối với việc khai thác, sơ chế, chế biến, bảo quản các sản phẩm phấn hoa, keo ong, sữa ong chúa, sáp ong và nọc ong hữu cơ.
TCVN 11041-9:2023 về Nông nghiệp hữu cơ – Phần 9: Mật ong hữu cơ do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F14 Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tiêu chuẩn quy định các yêu cầu đối với việc nuôi ong theo phương thức hữu cơ; khai thác sơ chế, chế biến, bảo quản mật ong hữu cơ; đồng thời cũng có thể áp dụng đối với việc khai thác, sơ chế, chế biến, bảo quản các sản phẩm phấn hoa, keo ong, sữa ong chúa, sáp ong và nọc ong hữu cơ. TCVN 11041-9:2023 được áp dụng đồng thời với TCVN 11041-1 về Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và TCVN 11041-3 về Chăn nuôi hữu cơ.
Về nguyên tắc, hoạt động nuôi ong, khai thác, sơ chế, chế biến, bảo quản mật ong hữu cơ tuân thủ nguyên tắc chung theo Điều 4 của TCVN 11041-1, cụ thể như sau: Vùng lấy mật của ong thợ phải đủ rộng để cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng thích hợp và để ong tiếp cận được với nguồn nước; Các nguồn mật hoa, mật lá và phấn hoa tự nhiên chủ yếu từ cây trồng hữu cơ và/hoặc từ thảm thực vật hoang dại;
Ngoài ra, cơ sở phải lập kế hoạch sản xuất hữu cơ chi tiết trong đó mô tả nguồn gốc ong; phương thức sản xuất; chế độ ăn của ong; kiểm soát bệnh hại và sinh vật gây hại; về ong giống và các vấn đề liên quan khác về quản lý đàn ong. Nếu vùng cây nguồn mật là vùng cây trồng thì kế hoạch sản xuất hữu cơ phải mô tả chi tiết về thực hành quản lý cây trồng.
Yêu cầu thiết kế đường đô thị theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13592:2022
Khi thiết kế, thi công, sửa chữa đường đô thị nên tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13592:2022 để đáp ứng các yêu cầu theo quy định góp phần đảm bảo mạng lưới đường đô thị phù hợp với quy hoạch đô thị.
Theo đó đô thị là nơi tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành. Vai trò của đô thị thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ.
Do đó khi thiết kế đường đô thị nên tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13592:2022 về đường đô thị- yêu cầu thiết kế do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu về thiết kế áp dụng cho xây dựng mới, cải tạo nâng cấp công trình đường đô thị và quy hoạch, thiết kế đô thị.
Thiết kế các tuyến đường giao thông đô thị, ngoài việc tuân thủ theo đúng các quy định trong tiêu chuẩn có thể tham khảo tiêu chuẩn đường ô tô TCVN 4054, đường cao tốc TCVN 5729 và các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật hiện hành khác.
Việc thiết kế, thi công, nghiệm thu và khai thác nền đường đô thị ngoài việc áp dụng các quy định trong tiêu chuẩn này còn phải tuân thủ tiêu chuẩn TCVN 9436 và các tiêu chuẩn chuyên ngành tương ứng.
QCVN 78:2023/BTNMT về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính
Quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và công bố hợp quy sản phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 78:2023/BTNMT.
Theo quy định của pháp luật về đất đai, dữ liệu đất đai là thông tin đất đai dưới dạng số được thể hiện bằng hình thức ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự. Phát thải khí nhà kính là phát thải khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính.
Lớp phủ mặt đất là lớp phủ vật chất quan sát được khi chiết tách thông qua dữ liệu viễn thám quang học. Bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học là tập hợp các thông tin, dữ liệu của các đối tượng lớp phủ mặt đất được chiết tách từ dữ liệu viễn thám quang học, làm đầu vào phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính.
Để đảm bảo độ chính xác trong quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất cần tuân theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 78:2023/BTNMT do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Quy chuẩn này quy định về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học.
Về yêu cầu kỹ thuật quy chuẩn này quy định hệ quy chiếu và hệ toạ độ quốc gia VN-2000 theo quy định tại Thông tư số 973/2001/TT-TCĐC ngày 20 tháng 6 năm 2001 của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Danh mục dữ liệu thuộc bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất, bao gồm: Vùng kinh tế xã hội; Dữ liệu hiện trạng lớp phủ mặt đất 02 (hai) thời điểm; Dữ liệu biến động lớp phủ mặt đất; Ma trận chuyển đổi giữa các loại đối tượng lớp phủ mặt đất.
Đối tượng lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính được quy định cụ thể gồm lớp phủ mặt đất là rừng; Lớp phủ mặt đất là cây trồng; Lớp phủ mặt đất là cỏ, cây bụi; Lớp phủ mặt đất là vùng đất ngập nước; Lớp phủ mặt đất là dân cư và cơ sở hạ tầng; Lớp phủ mặt đất khác.
Đối với quy mô quốc gia phải sử dụng dữ liệu viễn thám quang học có độ phân giải không gian không quá 30m. Đối với quy mô vùng sử dụng dữ liệu viễn thám quang học có độ phân giải không gian không quá 15m.
Hình ảnh địa vật biến dạng so với thực tế phải đảm bảo xác định được đúng đỉnh của các đa giác điều vẽ địa vật. Mức độ chi tiết của dữ liệu nằm trong thang đánh giá khả năng giải đoán dữ liệu viễn thám với độ phân giải và tỉ lệ tương ứng.

BSAS