Trong quý I năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các loại trái cây của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ổn định. Theo dữ liệu thu thập được của BSA, tổng kim ngạch xuất khẩu của 11 loại trái cây chính tăng khoảng 10% so với cùng kì năm 2021. Trong đó, các loại trái cây như chuối, mít và sầu riêng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, từ 30-200% giá trị. Song song đó, cũng có loại trái cây ghi nhận giảm giá trị như thanh long giảm 5%, dưa hấu giảm 59% và chôm chôm giảm 68% so với cùng kì năm 2021.

Thanh long tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu trái cây hàng đầu, tổng kim ngạch xuất khẩu của thanh long trong quý I năm 2022 ước tính đạt 311 triệu USD, giảm 5% so với năm 2021. Trong đó, gần 90% sản lượng được cung cấp đến thị trường Trung Quốc. Thời điểm vừa qua cũng là giai đoạn khó khăn của các nhà vườn trồng thanh long. Các trở ngại tại cửa khẩu biên giới khiến một lượng lớn thanh long lâm vào cảnh ‘bán tống bán tháo’ ven đường với giá rẻ như cho.
Bên cạnh đó chi phí vận chuyển và trồng vọt tăng vọt khiến các nhà vườn thua lỗ nặng, một số nhà vườn đã đốn bỏ vườn thanh long và thay thế bằng các giống cây trồng khác. Tại tỉnh Bình Thuận, 936 hecta thanh long đã bị đốn bỏ chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, cộng thêm diện tích bị đốn bỏ trong năm 2021, ước tính diện tích trồng thanh long tại tỉnh này đã giảm hơn 2.000 hecta, tương đương 6% tổng diện tích canh tác của tỉnh.
Mặt khác, việc giảm sút sản lượng thanh long Việt Nam tại thị trường Trung Quốc khiến giá loại trái cây này tăng cao tại đây. Trong hệ thống siêu thị tại Quảng Châu, giá bán một kí thanh long Việt Nam rơi vào 43.000 – 45.000 đồng. Song song đó, giá bán thanh long trồng tại Trung Quốc chỉ bằng một nửa, vào khoảng 20.000 – 22.000 đồng một kí.
Về chuối, loại trái cây này có kim ngạch xuất khẩu 135 triệu USD, tăng 72% so với cùng kì năm 2021, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn và chuối tươi. Thị trường chính của chuối Việt Nam tiếp tục là thị trường Trung Quốc, chiếm đến 80% tổng sản lượng xuất khẩu. Theo thông tin về xuất nhập khẩu thực phẩm năm 2021 của nước này, ước tính năm 2021, Trung Quốc đã nhập 1 tì USD chuối, chủ yếu từ Phillipines, Campuchia, Việt Nam và Ecuador. Trong đó Philippines là nhà cung cấp chính, chiếm 50% tổng sản lượng chuối nhập khẩu vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Campuchia đã xuất 377.000 tấn chuối vào Trung Quốc, tương đương giá trị hơn 200 triệu USD. Nước này kì vọng trong năm 2022, con số này sẽ tăng lên khi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Campuchia chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1 năm nay.
Nhóm hàng xoài có kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt hơn 55 triệu USD, giảm hơn 44% so với 3 tháng cùng kì năm trước. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 80% tổng sản lượng, bên cạnh các thị trường khác như Mỹ, Nga và Hàn Quốc. Ngoài ra, theo thông tin vào cuối tháng 3 vừa rồi, Nhật Bản cũng đã trở lại nhập khẩu loại xoài cát chu của Việt Nam. Tuy nhiên nước này cũng có thêm các yêu cầu chi tiết hơn đối với các nhà vườn, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lí và quá trình kiểm dịch cũng như vận chuyển hàng hóa. Đây sẽ là cơ hội cho xoài Việt Nam và đồng thời cũng là thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu chưa kịp có đầu tư đúng mức để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Dừa và các sản phẩm từ dừa ghi nhận mức tăng ấn ượng, ước tính trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng liên quan đến dừa đạt 65 triệu USD. Trong đó, hơn 40% giá trị được đưa đến Angola, tương đương gần 28 triệu USD, mặt hàng chính là cơm dừa sấy. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong năm 2021, nước này đã mua các mặt hàng cơm dừa từ Việt Nam, tuy nhiên giá trị tương đối thấp, chỉ khoảng gần 100 ngàn USD. Hiện tại, đơn giá bình quân của mặt hàng cơm dừa xuất khẩu rơi vào khoảng 1.700 – 1.800 USD/tấn đối với cơm dừa sấy béo và 1.280 – 1350 USD/tấn đối với cơm dừa sấy khô.
Theo nhận định chủ quan, chúng tôi cho rằng việc kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa tăng chủ yếu đến từ các đơn hàng cơm dừa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây vẫn là việc đáng mừng. Theo dữ liệu xuất khẩu 11 loại trái cây chính mà BSA thu thập được, trong năm 2021 và 2020, các nước khu vực Châu Phi nhập từ Việt Nam lần lượt là 900 ngàn USD và 11 ngàn USD, trong đó chủ yếu là các sản phẩm từ dừa như cơm dừa và nước cốt dừa cùng một phần nhỏ dưa hấu, chuối và xoài.
Ngoài ra, từ đầu năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu dừa cho biết việc xuất khẩu dừa đến thị trường Mỹ đang vấp phải nhiều trở ngại. Một số nhà nhập khẩu ở phía Mỹ cho rằng Việt Nam chưa có kí kết với Mỹ về xuất khẩu mặt hàng dừa uống nước, dẫn đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm kiếm thêm các thị trường khác trong khi đợi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt hơn 8 triệu USD, tăng hơn 230% so với cùng kì năm 2021.

Trong đó, thị trường Mỹ chiếm gần 40% tổng giá trị xuất khẩu, mặt hàng chính là các loại sầu riêng đông lạnh. So sánh với dữ liệu chúng tôi thu thập được, trong năm 2021, giá trị sầu riêng xuất khẩu thẳng đến thị trường Mỹ vào khoảng 14.3 triệu USD, thời gian cao điểm nhập khẩu rơi vào khoảng mùa hè từ tháng 6 đến hết tháng 9.
Đối với thị trường Trung Quốc, hiện tại sầu riêng Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt từ Thái Lan. Thái Lan hiện là nhà xuất khẩu sầu riêng chính vào Trung Quốc, trong năm 2021, ước tính nước này đã xuất khẩu 822.000 tấn, tương đương giá trị hơn 4.2 tỷ USD sầu riêng vào Trung Quốc. Hiện tại Thái Lan vẫn là nước duy nhất đủ điều kiện nhập khẩu chính ngạch loại trái cây này vào thị trường Trung Quốc.Loại sầu riêng Monthong của Thái Lan đặc biệt được ưa chuộng tại Trung Quốc, tên Monthong, có nghĩa là “gối vàng” trong tiếng Thái, thường được dùng để chỉ chung các loại sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc. Họ đồng thời thực hiện nhiều chương trình quảng cáo khác như kết hợp với nền tảng thương mại điện từ Tmall Fresh của Alibaba nhằm thúc đẩy tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc.
Chúng ta cũng cần lưu ý Thái Lan còn có nhiều nỗ lực khác trong việc giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm và vị thế sầu riêng của họ tại Trung Quốc. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến đầu tháng 4 năm nay, nước này đã thu giữ hơn 50 tấn sầu riêng bị thu hái sớm trong cuộc kiểm tra các cơ sở trái cây xuất khẩu tại tỉnh Chanthaburi và Chumpon. Mùa thu hoạch của sầu riêng tại Thái Lan bắt đầu từ tháng 3 và thời gian cao điểm rơi vào từ giữa tháng 5 đến tháng 6. Vào đầu mùa thu hoạch, giá bán của loại trái cây này thường tăng cao do hạn chế về sản lượng dẫn đến việc một số nơi thực hiện thu hái sầu riêng sớm. Cơ quan quản lí của Thái Lan đã thực hiện các cuộc kiểm tra trên sau khi nhận được phản ánh từ phía người mua Trung Quốc.
Thái Lan cũng đang có lợi thế về phương thức vận chuyển trái cây vào Trung Quốc, vào cuối tháng 3 vừa qua, 3 container trái cây đã được vận chuyển từ Thái Lan đến Trung Quốc bằng đường sắt xuyên qua Lào. Chuyến hàng bao gồm 40 tấn sầu riêng và 20 tấn dừa có xuất xứ từ Rayong tại miền Đông Thái Lan, được vận chuyển qua vùng biên giới Nong Khai của Thái Lan đến Viantiane, Lào và tiếp tục được đưa đến Trung Quốc bằng tuyến đường sắt mới nối Trung Quốc – Lào vừa đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2021. Tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc – Lào nằm trong khuôn khổ chương trình phát triển kinh tế đa quốc gia Sáng kiến Vành đai và Con Đường của Trung Quốc, nối Viantiane, Lào đến Ngọc Khuê, thành phố thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Theo dự kiến, chuyến hàng trên sẽ chỉ mất từ 4-5 ngày để đi từ Rayong, Thái Lan đến Côn Minh, Trung Quốc, trở thành phương thức vận chuyển trái cây từ Thái Lan đi Trung Quốc nhanh nhất, chỉ sau vận chuyển đường hàng không.

Thông tin từ hải quan của Thái Lan cho biết, Bộ Tài Chính và Tổng cục Hải quan của nước này đã ra các chỉ thị nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả cho việc giám định hàng hóa khu vực đường sắt. Hiện tại, các chuyến hàng được giám định bằng máy soi chiếu di động thay vì phải chuyển từ ga đến các cơ sở hải quan như trước đây.

NHẬN ĐỊNH 
Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trái cây chủ yếu đến từ việc tăng sản lượng và biến động ngắn hạn, vẫn có rất nhiều rủi ro về thị trường và địa chính trị dễ dàng tác động tiêu cực đến việc xuất khẩu trong năm nay. Song song đó, Các yếu tố tạo nên giá trị bền vững cũng như thương hiệu của sản phẩm như đồng đều về chất lượng, đảm bảo nguồn gốc, có quy trình sản xuất bảo quản đạt chuẩn vẫn còn nhiều bấp bênh.
Phần lớn các loại trái cây của Việt Nam hiện tại vẫn cung cấp cho thị trường Trung Quốc vì nhiều thuận lợi về khoảng cách địa lí, khẩu vị tương đồng, nhu cầu tiêu dùng lớn. Tuy nhiên, thâm nhập vào thị trường nước này không còn dễ dàng như chúng ta từng biết. Hơn nữa, trái cây Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước khác và thực tế, việc các nước như Thái Lan giữ vững được thương hiệu trái cây của họ tại thị trường Trung Quốc được thúc đẩy bởi các chính sách và nỗ lực của riêng họ lẫn việc tận dụng tốt các điều kiện cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Nhìn về phía Việt Nam, chúng ta đã có nhiều mặt hàng trái cây đã xây dựng được thương hiệu như xoài cát Hòa Lộc, quýt Lai Vung, vải thiều Thanh Hà… nhưng phần lớn chỉ tồn tại dưới dạng chỉ dẫn địa lí và được biết đến tại thị trường nội địa. Đối với thị trường Trung Quốc nói riêng và quốc tế nói chung, Việt Nam vẫn chưa thực sự có một thương hiệu nào đủ mạnh để thành thương hiệu đặc trưng gắn liền với quốc gia như Thái Lan đã làm với sầu riêng của họ tại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tỉ trọng xuất khẩu trái cây Việt Nam đến các thị trường có giá trị cao như các nước khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản vẫn còn khá khiêm tốn so với kì vọng, chưa khai thác được tốt các lợi thế có được từ các hiệp định thương mại tự do. Các thị trường này có yêu cầu cao về tiêu chuẩn đối với quy trình trồng trọt, sản xuất và chất lượng sản phẩm. Các thị trường này cũng có nhu cầu về các sản phẩm trái cây chế biến, điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đáp ứng cũng như chưa có nhiều định hướng về xu hướng sản phẩm của các thị trường này.
Hiện tại xoài và thanh long là hai loại trái cây chính mà các nước khu vực Châu Âu nhập khẩu từ Việt Nam. Xoài, đặc biệt là mặt hàng xoài sấy, được ưa thích tại các nước như Nga, Đức và Ý còn thanh long, chủ yếu là thanh long tươi, được chuộng nhập khẩu vào Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha. Chúng tôi cũng lưu ý đến việc những nước như Nga, Hà Lan và Đức cũng là trung tâm trung chuyển hàng hóa đến khu vực các nước Châu Âu lân cận. Nếu tiếp cận được tốt các thị trường trung tâm này, các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội mới để mở rộng thị trường.
Chúng tôi nhận định việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam vẫn có sức tăng tưởng trong các tháng sắp tới, đặc biệt khi nhu cầu về an ninh lương thực của thế giới cùng các xu hướng tiêu dùng vì sức khỏe tăng cao, chú trọng vào các loại rau củ trái cây. Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt kì vọng các yếu tố nội tại của sản phẩm như thương hiệu và chất lượng sẽ có tác động bền vững vào việc tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai, thay vì chỉ đơn thuần là tăng sản lượng như hiện tại.
Phương Anh/BSAi
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ BSAi – phuonganh.nguyen@bsa.org.vn