Các thông tin và nhận định trong báo cáo này được thu thập và phân tích dựa vào các nguồn thông tin có sẵn và đáng tin cậy mà BSAi (thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp) có được trong quá trình nghiên cứu. Đồng thời, các số liệu, thông tin và nghiên cứu trong bản tin này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin tham khảo và không được sử dụng như lời khuyên cho việc tư vấn kinh doanh và tài chính khác. Thông tin và tài liệu trong bản tin này được nỗ lực tổng hợp một cách chính xác nhất có thể. Tuy nhiên, chúng tôi không đảm bảo tính chính xác, sự thích hợp hay đầy đủ của các thông tin và số liệu, đồng thời tuyên bố miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm đối với các lỗi hoặc thiếu sót trong các thông tin và số liệu này. 
TỔNG QUAN
Tổng hợp từ dữ liệu theo dõi của BSA đối với 11 loại trái cây tươi có giá trị xuất khẩu cao (vui lòng xem chi tiết theo danh mục trên Biểu đồ 1), tổng giá trị xuất khẩu ghi nhận được của các loại trái cây này ước tính đã giảm gần 20% so với cùng kì năm 202. Trong đó, giá trị xuất khẩu của từng loại trái cây mức thay đổi tương đối khác biệt.
Các loại trái cây ghi nhận có mức tăng tốt so với cùng kì bao gồm bưởi, bơ, chuối và sầu riêng, tăng từ 40% đến 80% mỗi loại. Các loại trái cây có giá trị xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kì năm trước bao gồm nhãn (giảm 90%), chôm chôm (giảm 70%), dưa hấu (giảm 63%), xoài (giảm 63%) và thanh long (giảm 35%).
Về thị trường, thị trường Trung Quốc* tiếp tục là thị trường lớn nhất của mặt hàng trái cây xuất khẩu. Thị trường này ước tính chiếm hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu của các loại trái cây. Các mặt hàng trái cây Việt Nam được ưa chuộng tại đây bao gồm thanh long, ước tính đạt 370 triệu USD, giảm gần 40% so cùng kì năm 2021; chuối, đạt 240 triệu USD, tăng 60% và mít, đạt 103 triệu USD, tương đương cùng kì 2021.
Bên cạnh đó, sầu riêng, loại trái cây được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu lớn vượt cả thanh long, đã có Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch đến Trung Quốc. Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện có 123 vùng trồng, chiếm khoảng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đang ký tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc. Danh sách này đang được Hải quan Trung Quốc kiểm tra và phê duyệt. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc ước tính đạt gần 24 triệu USD, tăng 20% so với cùng kì 2021. 
Bên cạnh Trung Quốc, Mỹ cũng là một thị trường quan trọng của trái cây Việt Nam, sản phẩm chủ yếu bao gồm thanh long đạt 5.5 triệu USD, giảm 30% so với cùng kì 2021, sầu riêng đạt 6 triệu USD, tăng 14%  và xoài đạt 4.2 triệu USD, tăng 11%.
Trong khi đó, Đài Loan lại ưa chuộng sầu riêng Việt Nam, riêng trong 6 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập gần 15 triệu USD loại trái cây này, tăng gần gấp 3 lần giá trị nhập cùng kì năm 2021. Một số thị trường đáng chú ý khác như Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang tích cực thúc đấy nhập khẩu, mang đến nhiều tiềm năng đa dạng hóa thị trường cho trái cây Việt Nam.
(*) Xin lưu ý thêm, với nỗ lực phản ánh đúng theo hiện trạng thực tế, ước tính của BSA đối với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bao gồm các khu vực liên quan bao gồm Hồng Kông, Macao và một phần của các đơn hàng xuất khẩu tại chỗ đến các đối tác Trung Quốc mà chúng tôi xác định được.
Nhìn chung, nguyên nhân chính của việc xuất khẩu trái cây giảm mạnh đến từ việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid” và liên tục siết chặt các quy định và biện pháp kiểm dịch áp dụng với các sản phẩm nhập khẩu, khiến việc mua bán và nhu cầu của người tiêu dùng với sản phẩm trái cây giảm đáng kể. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2022 việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải thực hiện theo Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 
Bên cạnh đó, nước này đang lần lượt cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam, do vậy, việc xuất khẩu theo hình thức trao đổi hàng hóa của cư dân khu vực biên giới cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Một phần lớn trái cây từ Việt Nam được xuất khẩu theo hình thức thương mại biên giới thông qua các cửa khẩu không được thống kê hoặc không thể hiện trên số liệu hải quan. Do vậy, giá trị xuất khẩu thực tế có thể có chênh lệch so với số liệu của chúng tôi thu thập được. 
Mặt khác, tương tự như cùng kì 2021, 6 tháng đầu năm 2022 chứng kiến nhiều sự kiện và biến động gây tác động lớn đến tình hình kinh tế và xuất nhập khẩu nói chung. Riêng đối với xuất khẩu trái cây, các biến động có ảnh hưởng bao gồm chiến sự Nga – Ukraine kéo theo giá năng lượng, nguyên vật liệu và các loại vật tư nông nghiệp tăng đột biến, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ngần ngại và đồng thời phải thay đổi để giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa chi phí.  
Ngoài ra, tổng hợp nhanh từ các đơn hàng xuất khẩu của các loại trái cây, chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi ở điều kiện giao hàng và cách thức vận chuyển được sử dụng. Trong 6 tháng Điều kiện giao hàng DAF (Delivered At Frontier – giao hàng tại biên giới) là điều kiện giao hàng được ưu tiên sử dụng nhiều nhất, khoảng 36% số đơn hàng, chủ yếu cho thanh long, mít và xoài, nhưng sang năm 2022, điều kiện C&F (Cost and Freight – giá thành và cước phí) chiếm ưu thế hơn, ước tính có 48% đơn hàng sử dụng điều kiện này trong nửa đầu năm nay.
Điều kiện C&F cũng có thể mang lại một khoản lợi nhuận thêm vào cho doanh nghiệp từ phí hoa hồng khi giao dịch trực tiếp với công ty bảo hiểm. Về cách thức vận chuyển, tuy giá cước vận chuyển vẫn còn đang ở mức cao, vận chuyển đường biển vẫn được lựa chọn nhiều hơn trong 6 tháng đầu năm 2022, một phần do tình trạng hoạt động thiếu ổn định của các cửa khẩu biên giới. 

THANH LONG

Theo dữ liệu của BSA, giá trị xuất khẩu thanh long 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt gần 410 triệu USD, giảm gần 35% so với 626 triệu USD cùng kì năm 2021. Riêng quý 2 năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng của loại trái cây này chỉ dao động trong khoảng 30-35 triệu USD, tác động chính từ việc sụt giảm ở thị trường Trung Quốc. 
Trong những tháng gần đây, với quy mô về dân số tương đương Trung Quốc, Ấn Độ đang là thị trường mới đầy tiềm năng của thanh long. Trong 6 tháng đầu 2022, nước này đã nhập gần 10 triệu USD sản phẩm thanh long, tăng gấp 2 lần so với 5 triệu USD cùng kì 2021. Trong đó, 90% là loại thanh long ruột trắng, giá xuất khẩu trung bình rơi vào khoảng 1-1,1 USD/kg, theo điều kiện CIF. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy đã có một số doanh nghiệp Ấn Độ đã lập chi nhánh tại Việt Nam để xuất trực tiếp. 
Mặt khác, phần lớn thanh long xuất khẩu đi thị trường Mỹ là loại thanh long ruột đỏ. Tuy rằng giá trị thanh long xuất khẩu trực tiếp đến thị trường này trong 6 tháng đầu năm nay chỉ vào khoảng gần 6 triệu USD, giảm hơn 30% so với cùng kì 2021, giá xuất khẩu trung bình lại tăng nhẹ, từ 9 – 9,3 USD/kg lên 10,5 – 11 USD/kg. 

CHUỐI

Giá trị xuất khẩu chuối trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 260 triệu USD, tăng gần 60% so với cùng kì 2021, theo ước tính của chúng tôi. Trong đó, xuất khẩu riêng trong tháng 4 năm nay đạt hơn 94 triệu USD, cao nhất từ đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu của việc xuất khẩu chuối tăng mạnh là do biến động từ nguồn cung chuối nội địa Trung Quốc. Các chính sách về đất thuê nông nghiệp và chi phí lao động tăng khiến diện tích trồng chuối tại Trung Quốc giảm. Đồng thời, dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng
chuối nội địa tại thị trường này giảm mạnh, thúc đẩy nhập khẩu chuối Việt Nam. Trung bình, giá chuối xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc dao động khoảng 0,5 – 0,6 USD/kg. Đặc biệt hơn, giá của một số đơn hàng chuối xiêm tươi có thể lên đến 4 – 4,3 USD/kg, và vận chuyển chủ yếu bằng đường hàng không. 
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối đến Singapore ước tính đạt gần 9 triệu USD, tăng hơn gấp 2 lần so với 4 triệu USD của cùng kì 2021. Giá xuất khẩu trung bình vào 0,6 – 0,65 USD/kg, bao gồm bao bì và đóng gói. Nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh bất ổn hiện tại đã tác động lớn đến việc nước này tăng cường nhập khẩu các loại nông sản.
Hiện nguồn cung tại nước này chỉ đáp ứng 10% nhu cầu lương thực nội địa. Singapore đang thực hiện kế hoạch tự chủ lương thực bằng nhiều cách như phê chuẩn thương mại các loại thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và tăng đầu tư các khu vực trồng rau trong nhà, dự kiến đến năm 2030 sẽ nâng nguồn cung thực phẩm nội địa lên 30% nhu cầu. Tuy vậy, chưa có nhiều giải pháp được đưa ra cho trái cây ngoài việc tiếp tục nhập khẩu.
Gần kề Singapore, Malaysia cũng là một thị trường mà các doanh nghiệp xuất khẩu chuối Việt Nam có thể lưu ý. Giá trị xuất khẩu chuối đến Malaysia ước tính đạt 1,9 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với 1,8 triệu USD của cùng kì 2021. Theo dữ liệu của The Observatory of Economic Complexity (OEC), trong năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu chuối của Malaysia là 10,3 triệu USD, tuy vậy, nước này đã nhập khẩu 14,4 triệu USD chuối. Trong đó, Việt Nam cung cấp khoảng 45%, tương đương 6,7 triệu USD, tiếp theo là Philippines 35% và Indonesia 10%. Do việc bùng phát nghiêm trọng của dịch Covid19, giá trị xuất khẩu chuối Việt Nam đến Malaysia trong cả năm 2021 giảm còn khoảng 3,2 triệu USD.
Đối với thị trường Nga, loại sản phẩm chuối chủ yếu xuất khẩu đến thị trường này là sản phẩm sấy, bao gồm cả loại sấy nguyên trái hoặc cắt lát. Điều này cũng tương tự như các sản phẩm trái cây khác xuất khẩu đến thị trường này như mít và xoài sấy. Trong nửa đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối đến Nga đạt hơn 1,8 triệu USD, giảm 15% so với 2,1 triệu USD của cùng kì năm 2021. 
Ngoài ra, cây chuối còn có các phụ phẩm khác có tiềm năng không kém sản phẩm trái, đơn cử là lá chuối. Theo dữ liệu BSA thu thập được, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này ước tính lên đến hơn 250 ngàn USD, chủ yếu đến thị trường Mỹ, Úc, Thụy Sỹ và Nhật Bản. Trước đây, nhu cầu mua lá chuối chủ yếu tập trung ở cộng đồng người Việt và người Hoa, đặc biệt tăng cao vào trước dịp Tết Nguyên đán.
Nhưng trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng lá chuối tại nước ngoài trở nên đa dạng hơn, ngoài việc dùng để gói các loại bánh, lá chuối còn được sử dụng để trang trí trong nhà hoặc trang trí món ăn, đặc biệt tại các nhà hàng Châu Á. Song song đó, cùng với xu hướng tim kiếm các giải pháp bao bì mới, thân thiện với môi trường và có khả năng thay thế bao bì nhựa dùng một lần, lá chuối cũng là một lựa chọn được cân nhắc.
Giá lá chuối thu mua trong nước dao động từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg, còn giá bán lá chuối xuất khẩu vào khoảng 1,8 – 2 USD/kg, tương đương (41.000 – 46.000 đồng/kg). Lá chuối xuất khẩu có các loại có bề ngang 20 – 30cm, là chuối tây, và cần tuân thủ theo các quy định kiểm dịch cùng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.

MÍT

Về mít, giá trị xuất khẩu mít trong nửa đầu năm nay ước tính đạt hơn 103 triệu USD, tương đương cùng kì năm 2021. Bắt đầu từ cuối năm 2021, giá thu mua tươi mít nội địa đã có nhiều biến động, giá mít Thái tươi loại xuất khẩu thường chỉ dao động trong khoảng 5.000 – 7.000 đồng/kg, mặt khác, giá thành sản xuất có thể lên đến 5.000 đồng/kg, Bên cạnh đó, chi phí phân bón và nhân công tăng cao khiến nhiều nhà vườn tạm ngưng việc trồng, giảm sản lượng mít cung cấp ra thị trường. Theo dữ liệu BSA thu thập được, giá mít tươi xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay vào khoảng 0,4 – 0,42 USD/kg, tương đương 9.000 – 10.000 đồng/kg, theo điều kiện DAF, vào thời điểm tháng 3 năm nay có lúc giá lên cao đến 0,53 – 0,55 USD/kg, tương đương  12.000 – 13.000 đồng/kg. 
Về thị trường, Trung Quốc và các khu vực liên quan chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu mít của Việt Nam, ước tính giá trị xuất khẩu mít đến đây đạt hơn 102 triệu USD, không nhiều chênh lệch so với cùng kì năm 2022. Tuy vậy, thực tế mít Việt Nam không có nhiều ưu thế tại thị trường này. Hiện tại, Thái Lan và Malaysia đang là hai nhà cung cấp mít chính cho Trung Quốc, bên cạnh đó còn có Ấn Độ và Bangladesh. 
Đối với sản phẩm mít chế biến, chúng tôi nhận thấy giá trị xuất khẩu của loại sản phẩm mít sấy chưa cao, ước tính chỉ vào khoảng 50 ngàn USD trong nửa đầu năm nay và dưới 100 ngàn USD cho cả năm 2021, chủ yếu là các sản phẩm snack. Mặt khác, giá trị xuất khẩu mít đông lạnh trong nửa đầu năm nay đã đạt gần 600 ngàn USD, tương đương giá trị của cả năm 2021. Phần lớn các đơn hàng mít đông lạnh này được đưa đến Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc. 
Một loại sản phẩm khác của mít có tiềm năng khai thác lớn là mít non. Mít non có độ dai tương tự như thịt, đồng thời có khả năng hấp thụ gia vị tốt, có thể sử dụng trong chế biến món ăn. Đồng thời, tại các quốc gia khác, mít non được biết đến là một trong những loại nguyên liệu được ưa chuộng để làm thịt thực vật. Nằm trong xu hướng thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt giai đoạn sau đại dịch Covid19, nhu cầu đối với thực thịt vật tăng cao khiến các nhà sản xuất tích cực đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cho sản phẩm.
Chúng tôi nhận định nhu cầu sử dụng mít non làm nguyên liệu cho các sản phẩm thực phẩm có tiềm năng lâu dài và có thể còn lớn hơn tiềm năng khai thác được từ mít tươi. Ấn Độ, một trong những quốc gia có sản lượng mít lớn nhất, cũng đang thực hiện khai thác mít theo hướng trở thành nguồn nguyên liệu để chế biến thực phẩm. Đồng thời, bản thân quốc gia này cũng là một thị trường lớn với gần 1.4 tỷ dân và có dân số ăn chay/nhu cầu sử dụng sản phẩm nguồn gốc thực vật đa dạng. 
Theo dữ liệu chúng tôi thu thập được, giá mít non xuất khẩu trung bình vào khoảng 2 – 2,1 USD/kg, tương đương 23.000 – 25.000/kg. 

XOÀI, ỔI VÀ MĂNG CỤT

Tổng giá trị xuất khẩu các loại trái cây xoài, ổi và măng cụt trong nửa đầu năm 2022 ước tính đạt hơn 76 triệu USD, giảm 55% so với cùng kì năm 2021. Trong đó, giá trị xoài chiếm phần lớn, ước tính đạt 74 triệu USD, giảm 56%, ổi đạt 2,1 triệu USD, giảm 51% và măng cụt 103 ngàn USD, giảm 60%.
Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu nhóm trái cây này giảm đến từ việc Trung Quốc áp dụng các quy định kiểm soát dịch Covid19 nghiêm ngặt khiến lượng hàng tắc nghẽn tại các cửa khẩu biên giới, trong đó, phần lớn là các sản phẩm nông sản. Đồng thời, điều này làm giảm số đối tác thu mua Trung Quốc đến Việt Nam, đặc biệt vào thời điểm tháng 3 và háng 4 là thời gian vào vụ chín của xoài. 

ỔI

Giá trị xuất khẩu ổi nửa đầu năm 2022 chỉ đạt hơn 2,1 triệu USD, giảm 50% so với cùng kì năm 2021, trong đó, sản phẩm tươi chiếm phần lớn. Thị trường chính của trái ổi Việt Nam là các nước khu vực Trung Đông bao gồm các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar, tiếp đó là Singapore, Đài Loan và Canada. Giá ổi tươi xuất khẩu dao động trong khoảng 1,3 – 1,5 USD/kg (29.000 – 35.000 đồng/kg), phần lớn sử dụng điều kiện C&F bao gồm giá thành và cước vận chuyển.
Theo nhận định của chúng tôi, các sản phẩm chế biến từ ổi như nước ép, kẹo hoặc mứt thường được ưa chuộng hơn so với trái tươi. Song song đó, diện tích trồng ổi tại Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn và phân mảnh, phần lớn được dùng để cung cấp cho thị trường nội địa.
Ngoài ra, các nước có sản lượng ổi lớn bao gồm Ấn Độ với 24,7 triệu tấn, chiếm hơn 45% sản lượng ổi toàn cầu; Indonesia 3,62 triệu tấn, 6,6% toàn cầu và Mexico 2,4 triệu tấn, 4,3% sản lượng toàn cầu, theo tổng hợp thông tin năm 2020. 

MĂNG CỤT

Giá trị xuất khẩu măng cụt trong nửa đầu năm nay đạt 103 ngàn USD, giảm hơn 60% so với cùng kì năm 2021. Thị trường chính của loại trái cây này là các nước khu vực Châu Âu như Pháp, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha. Giá trị xuất khẩu măng cụt đến các thị trường này đều sụt giảm so với cùng kì năm 2021. Bên cạnh đó, UAE và Nam Phi trong nửa đầu năm 2021 đã mua lượng măng cụt Việt Nam giá trị lần lượt là 55,8 ngàn USD và 27 ngàn USD, tuy vậy, giá trị mua của hai nước này trong nửa đầu năm nay là không đáng kể.
Ngoài ra, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất tiêu thụ măng cụt. Trong cả năm 2021, Trung Quốc đã nhập 249 ngàn tấn măng cụt, tương đương giá trị 770 triệu USD. Trong đó hơn 90% nhập từ Thái Lan, còn lại là từ Indonesia. 

XOÀI

Trong nửa đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt gần 74 triệu USD, giảm 56% so với cùng kì năm 2021. Trung Quốc và khu vực liên quan đang là thị trường lớn nhất của xoài Việt Nam, ước tính chiếm hơn 85%. Giá trị xuất khẩu xoài đến thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 57 triệu USD, giảm 62% so với 150.7 triệu USD của cùng kì năm 2021. Giá DAF xoài tươi xuất khẩu trung bình đến đây vào khoảng 0,40 – 0,42 USD/kg, so với 0,5 – 0,52 USD/kg của cùng kì 2021. 
Bên cạnh Trung Quốc, Mỹ là thị trường lớn thứ hai của xoài Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị xoài xuất khẩu đến thị trường này đạt gần 4,2 triệu USD, tăng 12% so với cùng kì năm 2022. Giá trung bình, theo C&F, của loại xoài Đài Loan xanh xuất khẩu đến đây vào khoảng 11 – 12 USD/kg trong khi xoài Hòa Lộc có giá là 13 – 14 USD/kg.
Cũng ngay tại thị trường này, từ đầu tháng 5 năm nay xoài của Ấn Độ đã trở lại các kệ hàng tại đây. Trong hai năm 2020 và 2021, dịch Covid19 khiến các cơ quan Mỹ không thể đến Ấn Độ để trực tiếp thực hiện kiểm dịch thực vật cho mặt hàng xoài, làm ngưng trệ việc xuất khẩu xoài của Ấn Độ đến Mỹ. Trong năm 2019 – 2020, Ấn Độ đã xuất hơn 1.000 tấn xoài đến Mỹ, tương đương 4,35 triệu USD, tăng 20% so với năm 2018- 2019. 
Ngoài ra, Ấn Độ cung cấp đến 55% sản lượng xoài toàn cầu. Lượng xoài xuất khẩu hàng năm của Ấn Độ vào khoảng 50.000 tấn, thị trường chính bao gồm UAE (40%), Anh (UK – 10%), Qatar và Oman. Tuy vậy, tình trạng nắng nóng kỷ lục vào tháng 3 và tháng 4 năm nay khiến sản lượng xoài tại đây có thể sụt giảm đến 80%. Điều này sẽ kiềm hãm kì vọng phục hồi xuất khẩu xoài của Ấn Độ hậu Covid19, đồng thời, cũng là cơ hội cho xoài Việt Nam mở rộng đến các thị trường khu vực Trung Đông trên. 
So về giá trị, Nga là thị trường lớn thứ 3 của xoài Việt Nam. Trong nửa đầu năm nay, giá trị xuất khẩu xoài đến nước này đạt gần 4,2 triệu USD, giảm 13% so với cùng kì năm 2022. Đáng chú ý, hầu hết lượng xoài xuất khẩu đến Nga là loại sản phẩm sấy, chiếm hơn 80% giá trị. Giá bán trung bình của xoài sấy theo điều kiện CFR, điều kiện được ưa chuộng khi xuất khẩu đến Nga, là 4,8 – 5 USD/kg, tăng so với giá 3,8 – 4 USD/kg cùng kì năm 2021. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên xuất khẩu sản phẩm xoài sấy đến đây, trong đó 2 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm 70% giá trị.  
Tương tự như Nga, cùng kì 2021, giá trị xuất khẩu xoài đến Ukraine và Belarus, hai nước lân cận thuộc khu vực Đông Âu, đạt lần lượt 860 ngàn USD và 182 ngàn USD, trong đó, sản phẩm xoài sấy chiếm 100%. Trong nửa đầu năm nay, chiến sự Nga – Ukraine khiến việc nhập khẩu hàng hóa vào Ukraine bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá trị xuất khẩu xoài Việt Nam đến đây chỉ đạt vỏn vẹn 25 ngàn USD.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu xoài đến Belarus lại tăng đến hơn 3 lần so với cùng kì, đạt 779 ngàn USD. Sản phẩm xoài sấy tiếp tục chiếm 100% đơn hàng. 

SẦU RIÊNG

Giá trị xuất khẩu sầu riêng trong nửa đầu năm nay ước tính đạt gần 48 triệu USD, tăng 40% so với cùng kì năm 2021. Xuất khẩu sầu riêng vào cao điểm từ tháng 4, thời điểm sầu riêng thu chính vụ, thông thường, có thể kéo dài đến hết tháng 10. 
Trung Quốc và khu vực liên quan hiện là thị trường lớn nhất của sầu riêng Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đến đây ước tính đạt gần 24 triệu USD, tăng 20% so với cùng kì 2021. Trong đó, theo dữ liệu của chúng tôi, hơn 50% sản lượng sầu riêng Việt Nam đến thị trường Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển và cập cảng khu vực Hongkong, sau đó sẽ được tiếp tục đưa vào đại lục, thay vì sử dụng các cửa khẩu biên giới như thường thấy ở các loại trái cây khác.
Vào đầu tháng 7 năm nay, Việt Nam đã kí Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đến Trung Quốc. Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện có 123 vùng trồng, chiếm khoảng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đang ký tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc. Danh sách này đang được hải quan Trung Quốc kiểm tra và phê duyệt. Theo ước tính của chúng tôi, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong tháng 7 có thể sẽ sụt giảm nhẹ trước khi bật tăng trở lại vào tháng 8.
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu sầu riêng đến thị trường Đài Loan và Mỹ cũng tăng cao so với cùng kì năm 2021. Trong nửa đầu năm nay, giá trị sầu riêng xuất khẩu đến Đài Loan ước tính đạt 14,5 triệu USD, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kì 2021, và có thể sẽ sớm vượt qua giá trị xuất khẩu của cả năm 2021 (18 triệu USD). Phần lớn sầu riêng xuất khẩu đến đây là sản phẩm tươi. Giá xuất khẩu trung bình, theo điều kiện C&F, vào khoảng 2,7 – 2,8 USD/kg, giảm nhẹ so với 2,9 – 3 USD/kg.
Việt Nam là bên xuất khẩu sầu riêng chính vào Đài Loan, ước tính cung cấp hơn 60%, phần còn lại chủ yếu được nhập từ Thái Lan. Chúng tôi cũng nhận thấy sầu riêng nhập vào thị trường này một phần lớn được dùng làm nguyên liệu chính cho chế biến các sản phẩm bánh và kẹo.
Gía trị xuất khẩu sầu riêng đến Mỹ ước tính đạt gần 6 triệu USD trong nửa đầu năm nay, tăng hơn 15% so với cùng kì năm 2021. Hầu hết sầu riêng nhập khẩu vào đây là loại đông lạnh nguyên trái. Sầu riêng đông lạnh giống Monthong có giá (C&F) dao động 2,8 – 3 USD/kg trong khi giá sầu riêng Ri6 có thể đạt đến 3,7 – 3,8 USD/kg. 

DƯA HẤU

Theo thông tin BSA tổng hợp, giá trị xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đạt, gần 18 triệu USD, giảm hơn 60% so với cùng kì năm 2021. Sự sụt giảm giá trị xuất khẩu dưa hấu chủ yếu đến từ Trung Quốc, thị trường chiếm hơn 90% sản lượng dưa hấu xuất khẩu của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu dưa hấu đến Trung Quốc ước tính đạt hơn 17 triệu USD. Tuy vậy, giá trung bình (DAF) của dưa hấu tươi đến Trung Quốc là 0,221 – 0,222 USD/kg, cao hơn so với giá trung bình của cùng kì năm 2021, 0,217 – 0,218 USD/kg. Nhập khẩu dưa hấu từ Việt Nam chiếm hơn 80% giá trị nhập khẩu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường này còn nhập khẩu dưa hấu từ Myanmar và một phần nhỏ từ Lào và Thái Lan. 
Ngoài ra, UAE cũng là một thị trường đáng chú ý cho sản phẩm dưa hấu tươi. Trong nửa đầu năm nay, giá trị xuất khẩu dưa hấu đến đây đạt hơn 630 ngàn USD, tăng 40% so với cùng kì năm 2021. Trong cả năm 2021, UAE đã nhập khẩu gần 800 ngàn USD dưa hấu từ Việt Nam. Tuy vậy, giá trị dưa hấu nhập khẩu từ Việt Nam đến thị trường này vẫn rất khiêm tốn, chiếm ít hơn 5% tổng giá trị.
Hiện UAE đang nhập dưa hấu tươi chủ yếu từ Iran, Ấn Độ, Úc và Malaysia. 

BƯỞI

Trong nửa đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu bưởi của Việt Nam đạt hơn 8 triệu USD, tăng 1,6 lần so với cùng kì năm 2021. Trong đó, xuất khẩu bưởi đến Trung Quốc và khu vực liên quan đạt 3,8 triệu USD, tăng hơn 120% so với 1,7 triệu USD của cùng kì năm 2021, phần lớn bưởi được đưa đến Hồng kong và thông qua các công ty đăng kí tại Việt Nam. Ngoài ra, vào ngày 3/8 vừa qua, Tổng Cục hải quan Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục sẽ tạm ngừng nhập khẩu các loại trái cây thuộc họ cam quýt, bao gồm bười,
cam và chanh cùng 2 loại sản phẩm từ cá từ vùng lãnh thổ Đài Loan.
Hiện tại các tác động của lệnh cấm này lên tình hình xuất khẩu bưởi từ Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ nét. Tuy vậy, bản thân Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu bưởi. Giá trị xuất khẩu bưởi ước tính đạt hơn 150 triệu USD, đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Nam Phi với 156 triệu USD, theo OEC.
Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2022, Campuchia là một trong những thị trường nổi bật trong nhập khẩu bưởi từ Việt Nam, ước tính đạt 3 triệu USD. So sánh với cả năm 2021, chỉ có 300 ngàn USD bưởi xuất khẩu đến nước này được ghi nhận, theo dữ liệu thu thập của chúng tôi. Hiện tại chúng tôi nhận thấy chỉ có 2 công ty Việt Nam thường xuyên thực hiện xuất khẩu bưởi đến thị trường này.
Hà Lan cũng đang dần trở thành một thị trường mới cho bưởi từ Việt Nam. Ước tính trong nửa đầu năm 2022, nước này đã nhập 560 ngàn USD, tăng gần 30% so với cùng kì năm 2021. Trong cả năm 2021, giá trị xuất khẩu bưởi đến Hà Lan đạt hơn 1,2 triệu USD, so với 800 ngàn USD ghi nhận được của cả năm 2020. Hà Lan là một nước nhập khẩu và đồng thời xuất khẩu bưởi hàng đầu.
Theo tổng hợp từ OEC, rong năm 2020, Hà Lan đã nhập 129 triệu USD và xuất khẩu 125 triệu USD bưởi tươi, đồng thời xuất khẩu 50 triệu USD sản phẩm nước ép bưởi, chưa bao gồm sản phẩm lên men và rượu. Cần lưu ý, Hà Lan là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa đến khu vực các nước Châu Âu lân cận. Nếu tiếp cận được tốt thị trường trung tâm này, các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội mới để mở rộng thị trường. Hiện tại, loại bưởi ưa chuộng tại thị trường này phần lớn là bưởi chùm (grapefruit), loại bưởi từ vùng cận nhiệt đới, lai chéo với cam thay vì loại bưởi (pomelo) trồng phổ biến tại Việt Nam.
Thông tin thêm, tháng 5 vừa qua, phía Mỹ đã hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu bưởi da xanh từ Việt Nam. Đây sẽ là loại trái cây tươi thứ 7 được cấp phép chính thức xuất khẩu đến thị trường này, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Theo dự kiến, các lô hàng bưởi da xanh đầu tiên sẽ được xuất khẩu đến Mỹ vào thời điểm tháng 9 – 10 năm nay. Đồng thời, việc mở cửa cho sản phẩm bưởi tươi đến thị trường Mỹ cũng sẽ tạo cơ hội cho các sản phẩm chế biến từ bưởi
khác như nước ép và vỏ bưởi sấy, hoặc các sản phẩm phi thực phẩm khác như tinh dầu bưởi.

CHÔM CHÔM

Theo dữ liệu của chúng tôi, giá trị xuất khẩu chôm chôm từ Việt Nam đạt 921 ngàn USD, giảm mạnh so với 3 triệu USD của cùng kì năm 2021. Thị trường chính của loại chôm chôm tươi từ Việt Nam bao gồm UAE, Hà Lan, Mỹ và Pháp. Tuy giảm về giá trị xuất khẩu, đơn giá trung bình của các đơn hàng lại có biến chuyển theo chiều hướng tăng. Giá C&F xuất khẩu trung bình đến UAE vào khoảng 10,1 USD/kg, tăng so với 7,5 USD/kg của cùng kì năm 2021. Trong khi đó, cùng điều kiện C&F, giá xuất khẩu đến Hà Lan và Pháp đạt 11,6 USD/kg, tăng so với 10,8 USD/kg của cùng kì năm 2021.
Riêng về thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu chôm chôm từ Việt Nam đến đây đạt 74 ngàn USD, giảm mạnh so với 450 ngàn USD của cùng kì năm 2021. Chôm chôm là một trong 7 loại trái cây tươi của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào thị trường này. Trong giai đoạn năm 2020 và 2021, tình hình dịch Covid19 diễn biến phức tạp khiến Mỹ yêu cầu nhiều nhân viên quay về nước, bao gồm các nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) tại Việt Nam.
APHIS là đơn vị trực tiếp kiểm dịch, giám sát quy trình chiếu xạ/xử lí để các loại nông sản tươi trước khi xuất khẩu sang Mỹ. Điều này tác động đến tình hình xuất khẩu của các loại nông sản tươi đến Mỹ, bao gồm chôm chôm. Theo dữ liệu của chúng tôi, không có đơn hàng chôm chôm xuất khẩu nào đến đây được ghi nhận trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 12 của năm 2021.
Tình hình xuất khẩu chỉ mới được phục hồi trở lại từ đầu năm nay. Hiện giá chôm chôm tươi C&F xuất khẩu trung bình đến Mỹ vào khoảng 7,5 USD/kg, tăng so với 6,1 USD/kg của cùng kì năm
2021.

NHÃN

Trong nửa đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu nhãn của Việt Nam có sự sụt giảm mạnh, ước tính chỉ đạt 550 ngàn USD so với 5,5 triệu USD của cùng kì năm 2021. Tác động chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc, thị trường chính của nhãn từ Việt Nam. Giá trị xuất khẩu đến Trung Quốc đạt 138 ngàn USD, giảm so với 4,3 triệu USD của cùng kì năm 2021. Phần lớn nhãn Việt Nam vào thị trường này được nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, do vậy, đã gặp không ít khó khăn khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp
kiểm dịch chặt chẽ tại các cửa khẩu này. Giá DAF xuất khẩu trung bình đến đây vào khoảng 0,46 USD/kg, giảm so với 0,55 USD/kg của cùng kì năm 2021.
Bên cạnh đó, giá trị nhãn từ Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường khác như Mỹ, UAE, Úc và Canada đều giảm so với cùng kì năm 2021. Trong nửa đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu nhãn đến Mỹ đạt, 107 ngàn USD, giảm 70%, còn giá trị xuất khẩu đến UAE đạt 68 ngàn USD, giảm 60%, và giá trị xuất khẩu đến Úc đạt 150 ngàn USD, giảm 60%.
Theo dữ liệu của chúng tôi, giá trị xuất khẩu nhãn đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Giá trị xuất khẩu nhãn tươi từ Việt Nam năm 2020 đạt hơn 20 triệu USD, và đến năm 2021 chỉ đạt xấp xỉ 9 triệu USD. Đặc tính nhãn Việt Nam thường có vỏ mỏng, nhiều nước, do đó gặp nhiều khó khăn ở khâu bảo quản, khó có thể vận chuyển dài ngày khi vận chuyển bằng đường biển.
Nhưng mặt khác, sử dụng đường hàng không để vận chuyển lại đẩy giá bán của nhãn lên cao, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, nếu không có định hướng và đẩy mạnh các sản phẩm chế biến, nhãn Việt Nam sẽ khó tăng giá trị cao hơn.

DỨA

Trong nửa đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu dứa ước tính đạt 220 ngàn USD, tăng 9% so với cùng kì năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu của từng tháng có sự chênh lệch lớn. Tuy vậy, điều này không liên quan nhiều đến yếu tố mùa vụ. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn loại dứa xuất khẩu là sản phẩm sấy, ước tính chiếm hơn 80% giá trị của nửa đầu năm 2022 và khoảng 60% giá trị của cùng kì năm 2021.
Các thị trường chính của dứa Việt Nam trong năm nay bao gồm Úc, Nga và Hàn Quốc. Sản phẩm dứa từ Việt Nam nhập khẩu đến các nước này hầu hết vẫn là sản phẩm sấy. Bên cạnh đó, một phần dứa được xuất khẩu tại chỗ, thông qua các doanh nghiệp nước ngoài có đăng kí tại Việt Nam. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các doanh nghiệp này thuộc khu vực Nga – Đông Âu. Cần lưu ý, giá trị xuất khẩu dứa từ Việt Nam theo mã hàng trái cây (HS 0804.30.00) tương đối khiêm tốn, chỉ dao động trong khoảng dưới 1 triệu USD hàng năm.
Ngược lại, ở mã hàng của các sản phẩm chế biến từ dứa, loại đã đóng kín bao bì (HS 200820), giá trị xuất khẩu vượt trội hơn. Trong năm 2020, ước tính có gần 28 triệu USD sản phẩm chế biến từ dứa được xuất khẩu từ Việt Nam. Trong đó, Nga (40%), Mỹ (15%), Đức cùng các nước khu vực Châu Âu là thị trường chính của các sản phẩm này.

Giá trị xuất khẩu bơ từ Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 ước tính đạt hơn 60 ngàn USD, tăng gấp đôi so với 30 ngàn USD của cùng kì năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu đến Singapore chiếm 50%, đạt gần 30 ngàn USD. Giá C&F xuất khẩu đến thị trường này vào khoảng 1,6 – 1,7 USD/kg, giảm so với 1,8 USD/kg của cùng kì năm 2021. Dù vậy, giá trị bơ nhập khẩu từ Việt Nam đến Singapore vẫn còn rất khiêm tốn, so với lợi thế về khoảng cách vận chuyển đang có.
Trong năm 2020, theo tổng hợp từ OEC, bơ từ Mexico chiếm 30% giá trị bơ nhập khẩu tại quốc đảo này, tiếp đó là bơ từ Úc (25%) và Mỹ (18%). 
Bơ từ Việt Nam cũng xuất hiện tại các thị trường khác như Myanmar, Úc và UAE. Nhưng hiện tại các giống bơ được trồng tại Việt Nam khi thu hoạch có thời gian chín rất nhanh (từ 3 đến 5 ngày ) gây khó khăn cho xuất khẩu do thời gian dự trữ quá ngắn trong khi công nghệ bảo quản chưa cao.
Đồng thời, diện tích trồng bơ còn rất phân tán, chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa. Chúng ta chưa thực sự có các khu vực trồng chuyên canh để đáp ứng cho thị trường xuất khẩu. Do vậy, bơ Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn để vươn ra thế giới.
BSAi

Quý doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chi tiết về thị trường xuất nhập khẩu các ngành hàng, vui lòng liên hệ BSAi – qua  phuonganh.nguyen@bsa.org.vn