Hãng thương mại điện tử khổng lồ JD.com đã kê quần áo của Pomelo lên trang mạng của họ tại Thái Lan và Indonesia và có thể mở đường cho Pomela mạo hiểm vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: TL

Cơ sở hạ tầng phát triển, dễ tiếp cận các thị trường lân cận, giá cả phải chăng, thời tiết nắng đẹp chỉ là một ít lý do các startup mọc lên ở thủ đô Thái Lan.

Michael Cluzel sinh quán ở Đức, đồng sáng lập và là CEO Eatigo – một ứng dụng tổng đài đặt chỗ nhà hàng, đã chọn Bangkok làm trụ sở chính vì tỷ lệ thâm nhập Internet di động ở đấy cao và môi trường cạnh tranh ít khắc nghiệt hơn so với các nền kinh tế tiên tiến phương Tây.

Eatigo cung cấp cho thực khách thông tin giảm giá theo thời gian – các giao dịch tốt hơn trong giờ cao điểm – để các quán ăn có thể lấp đầy các bàn trống. Ý tưởng này đến với Cluzel từ cách mà máy bay và khách sạn thay đổi giá cả của họ tùy thuộc vào tình trạng sẵn có.

“Không ai trên thế giới từng làm một ứng dụng nhà hàng như thế trước đó nên chúng tôi cần tạo ra một ứng dụng mới,” Cluzel nói với Nikkei Asian Review. Chúng tôi không muốn làm điều đó ở những nơi như New York hoặc San Francisco – chúng tôi muốn ở trong một thị trường mà mình có thể học hỏi, và châu Á đúng là nơi cần đến.”

Bangkok là “xứ thần tiên” cho Eatigo, với dân số 8,2 triệu, giai cấp trung lưu tăng nhanh, ít đối thủ ứng dụng nhà hàng, văn hóa ăn uống mạnh mẽ và – có lẽ trên tất cả – người tiêu dùng thích giảm giá.

Cluzel và ba đồng nghiệp đồng sáng lập cũng xem Bangkok như một bàn đạp cho các thị trường châu Á khác.

“Nếu ở đây xuôi chèo mát mái, chúng tôi nghĩ rằng sẽ sang Manila, Kuala Lumpur và Jakarta,” anh nói, vì với anh ở những nơi ấy có những tương đồng như văn hóa ăn ngoài và người tiêu dùng thu nhập trung bình đang tăng lên.

Sau khi khai trương công ty ở Bangkok vào năm 2014, ứng dụng giờ đây đang có ở sáu nơi gồm các thị trường cạnh tranh như Manila, Kuala Lumpur, Mumbai, Singapore và Hong Kong – và đã chiếm được thị phần hàng đầu ở nhiều nơi trong số đó.

Các startup đa quốc gia như Eatigo chẳng lạ gì ở Bangkok. Doanh nhân người Nhật Yojiro Koshi chọn Bangkok làm cơ sở cho TalentEx cung cấp nhân lực theo yêu cầu, một phần vì ông thích một sự kết hợp giữa phát triển đô thị và dễ sống.

“Bangkok dễ sống đối với gia đình tôi so với Singapore giá cả quá đắt đỏ, hoặc Jakarta đang còn thiếu quá nhiều cơ sở hạ tầng chính như giao thông công cộng,” ông nói. Bangkok cũng có một số lượng lớn các công ty Nhật có thể là khách hàng tiềm năng của ông.

Sự hỗ trợ của chính phủ đang tăng lên nhằm thu hút nhiều startup vào Thái Lan, cụ thể là Bangkok. Chính quyền quân sự xếp startup vào vai chính trong chính sách ‘Thailand 4.0’ của họ không ngoài mục đích chuyển dịch các ngành nghề của đất nước từ thâm dụng lao động sang hướng đến công nghệ và dựa vào tri thức.

Một trở ngại mà các doanh nhân gặp phải khi khởi nghiệp ở Thái Lan là việc sở hữu vốn nước ngoài 49%, gây hạn chế cho họ khi nhận tiền tài trợ từ các hãng vốn mạo hiểm nước ngoài, và một loạt lĩnh vực kinh doanh bị cấm cửa đối với người nước ngoài trừ phi họ có một đồng sáng lập viên người Thái.

Nhưng ba chính sách của chính phủ – Đạo luật khởi nghiệp của Thái Lan, Đạo luật thử nghiệm (sandbox) và Đạo luật Bayh-Dole Thái (cho đại học quyền được bán bằng sáng chế trên những kết quả nghiên cứu do Nhà nước tài trợ) – đang triển khai sẽ giảm bớt các hạn chế này.

Ví dụ một điều khoản trong Đạo luật khởi nghiệp Thái Lan, sẽ cho phép các startup được 100% sở hữu nước ngoài. Các qui định mới dự kiến sẽ ban hành trước cuộc tổng tuyển cử tới vào khoảng tháng 2/2019.

Các cơ hội tài trợ cũng đang tăng lên. Các startup Thái đã huy động được ít nhất 100 triệu USD vào năm 2017, gấp hơn mười lần tính từ năm 2013, theo trang web khởi nghiệp Techsauce.

Các tập đoàn và các xí nghiệp quốc doanh Thái đã lập ra một loạt các công ty vốn. Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan đã đưa ra một nền tảng huy động vốn cộng đồng dành cho các startup và các doanh nghiệp nhỏ và vừa để kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức đầu tư và các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

Vốn nước ngoài cũng đang chảy vào. Cuối năm 2017, thương hiệu thời trang trực tuyến Pomelo Fashion tại Bangkok huy động được 19 triệu USD trong vòng series B từ công ty thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc JD.com và công ty đầu tư Indonesia Provident Capital Partners. Công ty thời trang trực tuyến hàng đầu của Nhật Start Today (kể từ khi đổi tên thành Zozo) cũng tham gia vòng này. Vòng huy động vốn series B được cho là lớn nhất ở Thái Lan vào thời điểm đó.

“Các nhà đầu tư của chúng tôi đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho công ty Thái của chúng tôi,” David Jou, đồng sáng lập viên người Mỹ gốc Hàn của Pomelo, nói.  Thương hiệu thời trang-nhanh này tập trung chủ yếu vào các thị trường châu Á. Các nhà thiết kế của nó được thuê tại chỗ để theo kịp gu địa phương, và giá cả chỉ bằng một nửa so với các thương hiệu phương Tây như Zara và H&M.

JD đã kê quần áo của Pomelo lên trang mạng của họ tại Thái Lan và Indonesia và có thể mở đường cho Pomela mạo hiểm vào thị trường Trung Quốc, Jou nói. Một thực tế có thể hữu ích cho công ty: Thái Lan là điểm đến số 1 đối với du khách Trung Quốc và ẩm thực của Thái phổ biến bên Trung Quốc. “Là một công ty Thái là một cơ hội cho chúng tôi,” Jou nói.

Trần Bích (theo Nikkei)