Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 vừa được công bố vào ngày 1/8/2022. Báo cáo năm nay có chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp” đưa ra thông điệp: ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, cần nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững.
Báo cáo Thường niên 2022 là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI Cần Thơ và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) với sự tham gia các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính sách, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, giao thông, logistics… nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của Vùng.
Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022 là năm thứ hai được thực hiện và là báo cáo đầy đủ và duy nhất về một vùng kinh tế trên cả nước. Báo cáo năm 2022 có chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp” tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn 2050 theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành 28/02/2022 vừa qua.
Báo cáo thường niên được xây dựng theo cấu trúc: Tổng quan về kinh tế thế giới và trong nước; cập nhật kinh tế ĐBSCL và mục tiêu điểm sẽ tập trung vào một số chủ đề có tính chọn lọc, đặc biệt quan trọng đối với ĐBSCL. Năm nay, nội dung Báo cáo gồm 3 phần chính gồm (1) Tổng quan kinh tế: Hiện trạng kinh tế thế giới “hậu Covid 19”, tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 2020-2021, tác động kinh tế toàn cầu đối với kinh tế ĐBSCL; (2) Cập nhật kinh tế ĐBSCL: Tổng quan kinh tế ĐBSCL, Dân số việc làm mức sống dân cư 2020, môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; đầu tư, tín dụng, công nghiệp chế biến chế tạo, thị trường nội địa và xuất nhập khẩu; và (3) Tiêu điểm năm 2021: Chuyển đổi nông nghiệp, hiện trạng giao thông và logisitcs ĐBSCL, tác động quy hoạch tích hợp đối với ĐBSCL (chuyển đổi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông và logistis, chuyển đổi năng lượng).
Về Kinh tế ĐSBCL trong năm qua, kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông thủy sản của Vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ – cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng – đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là –0,8% và –1,8%.
Điều đáng lưu ý là năng lực cạnh tranh nông nghiệp của ĐBSCL không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cũng không chỉ đến từ những biện pháp cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất mà đến từ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điều đặc biệt thú vị ở ĐBSCL là khác với mô thức chuyển đổi cơ cấu phổ biến, trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình ở ĐBSCL rất cao, lên tới 9,03%/năm, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp (4,39%) và dịch vụ (3,82%). Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất. Tất nhiên, việc hiện thực hóa tiềm năng này tùy thuộc vào chiến lược và chính sách phát triển đúng đắn.
Nhìn từ chiều ngược lại, việc tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ cho thấy hạn chế của hai khu vực này. Mặc dù phát triển nông nghiệp là một tiền đề quan trọng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển  công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này.
Báo cáo cũng chỉ ra ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy:“Vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Thông điệp chủ chốt trong Báo cáo Kinh tế thường niên 2022 là chỉ bằng cách phá vỡ một số mắc xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế – xã hội – môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.
Trọng tâm nghiên cứu trong Báo cáo năm nay, mục tiêu điểm gồm 03 nội dung được phân tích chuyên sâu với nhiều kết quả ấn tượng.
Tiêu điểm 1: Chuyển đổi nông nghiệp. Báo cáo chỉ ra  ĐBSCL phải đối diện 11 thách thức lớn nằm ở ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường.  Về phương diện kinh tế, thách thức đầu tiên là ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chính sách kiên quyết giữ đất lúa đã giúp Việt Nam xóa đói và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng lại không giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng. Thứ hai, là nền nông nghiệp của ĐBSCL chậm hiện đại hoá, nền nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún, là rào cản quan trọng cho việc chuyển trọng tâm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nguồn lực đất đai chưa được phân bổ một cách hiệu quả, trong đó khoảng một nửa diện tích vẫn độc canh cây lúa. Thứ ba, là vốn đầu tư hạn chế. Tỷ trọng vốn đầu tư của ĐBSCL thấp hơn nhiều so với tỷ trọng đóng góp về GDP hay dân số, thu và chi ngân sách nhà nước trên đầu người của ĐBSCL cũng thấp hơn so với mức bình quân cả nước. Những thách thức này làm tốc độ tăng trưởng GRDP của ĐBSCL thấp, chỉ đạt 5,31%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020, thấp nhất trong bốn vùng kinh tế trọng điểm. Hệ quả là ĐBSCL mặc dù giàu có về tài nguyên, phong phú về tiềm năng nhưng tiếp tục tụt hậu về mặt kinh tế.
Về phương diện xã hội, thách thức đầu tiên là thiếu việc làm ở nông thôn. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của ĐBSCL năm 2020 là 3,47%, cao thứ hai toàn quốc, chỉ sau Tây Nguyên, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn ĐBSCL cao gấp đôi so với khu vực thành thị (3,97% so với 1,87%). Thứ hai là tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ ĐBSCL lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng TP.HCM. Thách thức thứ ba là tình trạng nghèo, thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL trong năm 2019 là 3,9 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 4,2 triệu đồng/tháng của cả nước. Thứ tư là vốn tri thức và kỹ năng của lao động còn thấp, ĐBSCL có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước.
Về phương diện môi trường, thách thức đầu tiên là các tác động từ thượng nguồn Mekong. Các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển tràn vào làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn. Thách thức thứ hai là suy giảm nguồn nước, hệ thống thủy điện sông Mekong đã tác động đến đến dòng chảy, làm giảm đáng kể mực nước sông Mekong, đồng thời gây đảo lộn hệ sinh thái ven sông vùng hạ lưu. Thứ ba là chất lượng đất trồng suy giảm, ở khu vực thượng nguồn (Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên), hệ thống đê bao và các tuyến kênh thoát lũ ra biển Tây đã ngăn không cho nước lũ vào sâu trong nội đồng và khiến đất đai ngày càng suy kiệt. Tất cả những điều này làm giảm chất lượng đất canh tác và kết quả cho thấy khoảng 30% số hộ nông nghiệp vùng ĐBSCL có đất trồng trọt bị thoái hoá. Thách thức môi trường thứ tư là biến đổi khí hậu, kết quả dự phóng BĐKH giai đoạn 2030 – 2040 cho thấy nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô sẽ tăng, lượng mưa đầu vụ hè thu sẽ giảm, mùa mưa sẽ bắt đầu trễ hơn, diện tích ngập do lũ sẽ tăng, áp thấp nhiệt đới và bão có xu hướng gia tăng … Những tác động này ngay lập tức ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, khiến cuộc sống và sinh kế của nông dân vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn còn trở nên bấp bênh hơn.
Từ những thách thức trên, Báo cáo năm nay đề xuất bốn mục tiêu chính của chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL bao gồm: (i) Tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho nông dân; (ii) Hiện đại hóa nền nông nghiệp; (iii) Phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường; (iv) Phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình ‘thuận tự nhiên’.
Tiêu điểm 2: Hạ tầng giao thông và logistics. Báo cáo tiếp tục phân tích và chỉ ra rằng trong nhiều năm qua, hạ tầng đường bộ là một điểm nghẽn cơ bản kìm hãm sự phát triển của vùng ĐBSCL. ĐBSCL là hai vùng có tỷ lệ đường quốc lộ so thấp nhất trong 7 vùng kinh tế, lần lượt chỉ chiếm 3,5% và 10,9%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP cho cả nước. Những yếu kém cố hữu về CSHT giao thông của ĐBSCL cũng được bộc lộ qua hiện trạng cao tốc của ĐBSCL so với các vùng khác trong cả nước. ĐBSCL chỉ có 6,7% chiều dài đường cao tốc cả nước, chỉ cao hơn Tây Nguyên và thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP của ĐBSCL cho cả nước. Giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò quan trọng ở ĐBSCL nhưng lại thiếu đầu tư trầm trọng với ngân sách đầu tư giảm từ 2-3% tổng ngân sách đầu tư giao thông trong giai đoạn 2011 – 2015 xuống chỉ còn 1,2% trong giai đoạn 2016 – 2020. Cho đến thời điểm này, ĐBSCL chưa có một cảng biển quốc tế thực thụ, tổng lượng hàng xuất/nhập khẩu container từ các cảng biển ở ĐBSCL chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với cả nước, không những thế còn suy giảm trong hai năm đại dịch COVID-19.
Đường bộ vẫn là phương thức vận tải hàng hóa chủ yếu do lợi thế về chi phí cơ hội nhưng dù tập quán vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy có từ lâu đời nhưng các cảng biển, cảng sông và cơ sở tập kết hàng hóa còn rải rác, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch tập trung, do đó vẫn phải sử dụng sà-lan và xe tải để vận chuyển, làm mất thời gian và tăng chi phí. Các kho lạnh chuyên dụng hiện đại đang hình thành để phục vụ nhu cầu bảo quản các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Vùng. ĐBSCL hiện chiếm khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam với vai trò tập kết, thu gom hàng của Vùng. Ngành logistics tại ĐBSCL hiện đang đứng trước rất nhiều khó khăn, bao gồm hệ thống đường bộ xuống cấp, chưa đồng bộ; luồng sông, luồng tàu tại các tuyến sông vào cảng biển khu vực ĐBSCL còn hạn chế.
Tiêu điểm 3: Tác động của Quy hoạch tích hợp lên 03 lĩnh vực chính: chuyển đổi nông nghiệp, CSHT giao thông, logistics và phát triển năng lượng.
Tác động của quy hoạch đối với chuyển đổi nông nghiệp. Quy hoạch tích hợp khẳng định lại những thay đổi quan trọng về quan điểm và định hướng phát triển của Nghị quyết 120 theo hướng “thuận tự nhiên”. Để đạt mục tiêu này, Quy hoạch tích hợp đề xuất phương hướng tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp cho từng tiểu vùng để vừa phát huy tối đa tiềm năng tự nhiên của từng tiểu vùng, đồng thời đáp ứng tiêu chí “thuận tự nhiên” nhờ giảm tối đa nhu cầu can thiệp của con người. Quy hoạch tích hợp nếu được thực hiện một cách trọn vẹn sẽ đem lại nhiều thay đổi quan trọng cho nền nông nghiệp cũng như cho toàn bộ sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Theo đó, ba tác động lớn của quy hoạch có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nông nghiệp của ĐBSCL, đó là (1) Định hình lại về tổ chức không gian sản xuất nông nghiệp tập trung vào nhiệm vụ định dạng lại hoạt động kinh tế, đưa ra phương án tổ chức không gian mới cùng với phương án sử dụng tài nguyên nông nghiệp tự nhiên (nước và đất) một cách phù hợp với từng vùng và tiểu vùng; (2) Phân bổ tài nguyên phù hợp với phương án tổ chức không gian Vùng, quy hoạch tích hợp sẽ không có biến động quá lớn về phân bổ đất trong giai đoạn 2020 – 2030. Đến năm 2030, thay đổi diện tích lớn nhất là đất đô thị (tăng 160.080 ha) để phù hợp với quá trình đô thị hóa và chủ trương phát triển vành đai đô thị động lực, cùng với đó là đất trồng lúa giảm 88.560 ha và thay đổi về đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia (+47.040 ha), trong đó khoảng 60% (27.820 ha) là đất giao thông. Đất khu kinh tế không những không tăng mà còn giảm 5.060 ha, và sẽ không có diện tích đất nào được phân bổ để xây dựng khu công nghệ cao từ nay đến năm 2030; (3) Vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế tương lai của ĐBSCL, nếu quy hoạch tích hợp được thực hiện tốt sẽ tác động rất lớn đến sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xã hội của ĐBSCL. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và manh mún sẽ được giảm thiểu và thay bằng các hoạt động chuyên môn hóa theo định hướng thị trường hóa, công nghiệp hóa, một bộ phận lớn nông dân sẽ trở thành công nhân có việc làm ổn định với các lưới an sinh xã hội tốt hơn. Sự thiếu tương thích giữa mục tiêu và hiện thực tạo ra rất nhiều thách thức trong việc thay đổi quan điểm và ưu tiên phát triển của ĐBSCL trong một vài thập niên tới.
Tác động của Quy hoạch tích hợp với CSHT giao thông và logistics ĐBSCL. Quy hoạch tích hợp được kỳ vọng giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, giảm chi phí vận tải và logistics cho vùng ĐBSCL nhờ cải thiện đáng kể kết nối giao thông (nội vùng lẫn ngoại vùng, đường bộ lẫn đường thủy nội địa), hình thành các vùng nguyên liệu tập trung kết nối với các trung tâm đầu mối và trung tâm logistics quy mô lớn, khả năng thích ứng với BĐKH. Theo đó đường bộ sẽ tiếp tục là ưu tiên đầu tư trong 10 năm tới để đóng vai trò kết nối các phương thức vận tải khác. Với đường thủy nội địa, nâng cấp một số tuyến đường thủy, cảng và bến thủy nội địa. Cảng biển nước sâu và đường sắt sẽ chưa được đề xuất trước năm 2030 do chưa đủ nhu cầu và chi phí xây dựng cao. Cảng hàng không vẫn tập trung ở bốn sân bay hiện hữu, với Cần Thơ là sân bay trung tâm cả về vận tải hành khách, hàng hóa, và logistics.
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics, vào năm 2020, ĐBSCL sẽ có một trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30 ha và tăng lên trên 70 ha vào năm 2030. Trong Quy hoạch tích hợp, trung tâm đầu mối (TTĐM) được coi là một “khâu đột phá” về tổ chức phân bố không gian, tích hợp cụm liên kết công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ. Phù hợp với định hướng phân ĐBSCL thành 14 tiểu vùng, Quy hoạch tích hợp đề xuất hình thành hệ thống 8 trung tâm đầu mối ở các địa phương trong vùng.
Tác động của quy hoạch đối với năng lượng. Quy hoạch tích hợp không đưa ra đề xuất quy hoạch điện riêng, mà kế thừa Tổng sơ đồ điện 8. Một trong những thay đổi quan trọng nhất về kinh tế ở ĐBSCL trong hai năm trở lại đây là tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực năng lượng tăng đột biến. Khu vực ĐBSCL có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, và điện sinh khối. Theo Quy hoạch, ĐBSCL có trên 68.600 MW tiềm năng điện gió trên đất liền và trên 31.500 MW tiềm năng điện mặt trời. Nhờ thế mạnh về nông nghiệp, ĐBSCL cũng có tiềm năng điện sinh khối lớn nhất trong 7 vùng sinh thái trên toàn quốc. Tuy nhiên nhiệt điện khí đang đối diện với một loạt rủi ro. Với giá khí LNG hiện tại, chi phí sản xuất có thể cao hơn mức giá bán lẻ. Trong tương lai, các nhà máy nhiệt điện sẽ phải trả phí phát thải khí nhà kính, giá LNG biến động lớn dẫn đến rủi ro lớn về giá thành điện và phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Khi thị trường điện Việt Nam chuyển dần sang cơ chế cạnh tranh, sẽ rất khó thỏa thuận để nhận được cam kết về bao tiêu sản lượng hay bảo lãnh chính phủ. Trong trung hạn, điện mặt trời không có nhiều triển vọng phát triển ở ĐBSCL. Phát triển điện gió là một trong những ngành được đặt nhiều kỳ vọng và ưu tiên trong thời gian tới. Nghiên cứu cũng cho thấy ĐBSCL giàu tiềm năng phát triển điện sinh khối do chiếm khoảng 50% tổng sản lượng phế phẩm nông nghiệp và gần 55% tổng lượng trấu toàn quốc.
Ngoài những nội dung trên, báo cáo còn nhiều thông tin và nhận định quan trọng được đưa ra, phác họa bức tranh đầy đủ với nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội cho ĐBSCL trong tương lai, được trình bày trong 04 chương chính của Báo cáo. Báo cáo năm 2022 đã được hoàn thiện và ra mắt vào thời điểm quan trọng: Chính phủ ban hành Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng các quyết sách đầu tư lớn cho vùng.
Cùng với Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022”, hội thảo chính sách “Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp” cũng được VCCI Cần Thơ tổ chức cùng ngày với sự phối hợp của Tổng Lãnh sự quán Úc tại TPHCM và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ). Hội thảo nhằm ghi nhận các ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế xoay quanh những kết quả nghiên cứu từ Báo cáo thường niên và những vấn đề đang diễn ra ở ĐBSCL để khuyến nghị với Đảng, Chính phủ Quốc hội và chính quyền địa phương về những chính sách thích ứng để ĐBSCL phát triển bền vững trong thời gian tới.
Chuỗi sự kiện có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ ngành TW, lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND,  Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng Nhân dân, các cơ quan quản lý  các tỉnh, thành ĐBSCL; các cơ quan sứ quán và tổ chức quốc tế cùng chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan báo chí trong vùng.